Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Cái Chết Trên Ruộng Lúa

Collapse
X

Cái Chết Trên Ruộng Lúa

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Cái Chết Trên Ruộng Lúa

    Cái Chết Trên Ruộng Lúa - Ba mươi năm chiến tranh Đông Dương
    Peter Scholl-Latour / Phan Batrích dịch


    Peter Scholl-Latour sinh năm 1924 ở Bochum, Đức. Năm 1945/46 ông phục vụ trong Commando Parachutiste Ponchardier, một đơn vị Nhảy Dù của Pháp đã tham chiến ở Đông Dương. Sau đó, ông học đại học và kết thúc với bằng tiến sĩ tại các trường Đại học Mainz ở Đức, Đại học Sorbonne ở Paris và Université Saint-Joseph tại Beirut. Ông là người thành lập (năm 1963) và là giám đốc chi nhánh ở Paris của đài truyền hình nhà nước Đức ARD (cho tới 1969), sau đó là sếp thông tín viên của đài truyền hình nhà nước Đức ZDF (cho tới 1983). Từ Paris, Scholl-Latour thường xuyên sang Việt Nam dưới tư cách là thông tín viên đặc biệt, từng bị Việt Cộng bắt tạm giam một tuần năm 1973. Ông sang Việt Nam thêm một lần nữa vào năm 1976, sang Campuchia năm 1980, Trung Quốc và Afghanistan năm 1981. Bắt đầu từ năm 1983, ông chuyển sang hoạt động trong giới truyền thông tin, là tổng biên tập và nhà xuất bản tuần báo stern, và từ 1988 là tác giả tự do. Ông qua đời vào ngày 16 tháng Tám năm 2014.

    Ghi chú mở đầu
    Quyển sách này được viết lại từ hồi tưởng và thể hiện một trải nghiệm cá nhân. Trong ba mươi năm Đông Dương, tôi đã rút ra kinh nghiệm rằng tường thuật chủ quan thường là phương pháp chân thật nhất để tiếp cận tới hiện thực hay – khi người ta không e ngại từ ngữ to lớn đấy – với sự thật.
    ____________________________



    1. Nỗi buồn trên Sài Gòn
    Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 8 năm 1976
    Mưa rơi không ngưng từ sáng sớm. Tầm nhìn xuống sông Sài Gòn bị che phủ bởi một màn ẩm ướt hôi mốc. Chỉ có vài chiếc tàu chở hàng có tải trọng thấp và không được bảo trì tốt là đang đậu lại ở bến tàu, ở nơi mà chiếc tàu bệnh viện “Helgoland” đã kín đáo giương cao lá cờ Đức trong chiến tranh và tuyên bố tình đoàn kết với người Mỹ, một tình đoàn kết mà ngày càng trở nên dè dặt hơn trong diễn tiến của sự thay đổi ý kiến chung. Những ánh đèn ít ỏi đầu tiên được bật lên và phản chiếu trên nhựa đường ướt nước của Rue Catinat. Con đường mua sắm sang trọng của Sài Gòn có tên là như thế dưới thời của người Pháp, trước khi nó trở thành khu quán rượu và nhà chứa của người Mỹ dưới tên “đường Tự Do”. Bây giờ, nó được những người chiến thắng đỏ từ miền Bắc đổi tên thành “Đồng Khởi”, “lần nổi dậy của nhân dân”, và người miền Nam tự hỏi rằng không biết đó là lần nổi dậy nào của nhân dân.


    Đường Tự Do năm 1961



    Là khách Phương Tây, chúng tôi được nhà cầm quyền mới của cộng sản đưa vào khách sạn “Majestic”. Trú ngụ trong “Continental”, khách sạn đã phục vụ như trại đóng quân của các thông tín viên từ khắp nơi trên thế giới trong những năm dài của Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất và thứ hai, bây giờ là cán bộ và quan chức cấp cao của Đảng từ Hà Nội. Hàng hiên của “Continental”, thời trước là nơi gặp gỡ, chợ tin tức và chợ tình yêu của giới nhà báo ồn ào, mới đây đã được che chắn trước giới công cộng bởi một lưới sắt mà ở sau đó, giới quan chức của chính quyền mới hưởng thụ những đặc quyền nhỏ bé của họ. Từ cửa sổ khách sạn của tôi trong “Majestic”, tầm nhìn lướt qua những cánh đầm lầy rừng đước bất tận mà con sông Sài Gòn lượn lờ qua đó như một con rắn vàng béo mập. Một chiếc tàu vận tải đầy lính của Quân đội Nhân dân Việt Nam rời bến và đi về hướng Vũng Tàu. Phải mất một lúc lâu, cho tới khi những bộ quân phục màu xanh và những chiếc nón cối, cái mà các nhà cách mạng Việt Nam đã giữ lại như một di vật lỗi thời của thời thuộc địa, mới biến mất sau khúc quanh kế tiếp của dòng sông. Vào buổi chiều tối của ngày hôm đó, tôi còn chưa biết rằng mục tiêu của lần tăng cường lực lượng này là biên giới bị tranh cãi với Campuchia.

    Màn đêm buông xuống với sự vội vã của miền nhiệt đới. Ở phía thượng lưu, bầu trời đã tách ra thành ánh hồng ban chiều cuối cùng. Giống như lửa đang bốc cháy, như trong những ngày cách đây không xa, khi quân đội của miền Bắc bao vây những người bảo vệ Sài Gòn cuối cùng ở Xuân Lộc, những người lính nhảy dù Công giáo dũng cảm, và chuẩn bị tiến hành nhát dao đâm kết liễu vào thủ đô của miền Nam. Đài tưởng niệm bằng bê tông của vị tướng lĩnh và người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo nổi bật trên bầu trời màu tím. Những người cộng sản đã không giật sập bức tượng khổng lồ thống trị cả cảng Sài Gòn này. Cả họ cũng tôn sùng hình ảnh đã trở thành huyền thoại của Trần Hưng Đạo, người đã tiêu diệt đạo quân Trung Quốc của hoàng đế Mông Cổ Hốt Tất Liệt trên sông Bạch Đằng ở Bắc Kỳ, biểu tượng của sự tự khẳng định của Việt Nam trước Trung Quốc. Thống chế Đạo trong giờ phút này là một vị anh hùng dân tộc rất hiện thời, khi mà ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, người ta bắt đẩu bí mật nói về cuộc xung đột không thể tránh khỏi với Bắc Kinh. “Khi mối nguy hiểm từ phía Nam được đẩy lui thì mối nguy hiểm gấp đôi đe dọa ở phương Bắc”, người nữ thông dịch viên của chúng tôi từ Hà Nội trích dẫn một tục ngữ Việt Nam cổ xưa và rồi thêm vào đấy: “Người Trung Quốc xấu bụng”, điều chắc phải có một ý nghĩa hết sức đáng sợ.

    Cùng với đồng nghiệp của đội quay phim, chúng tôi đi dạo qua “đường Đồng Khởi”. Những chiếc xe gắn máy và Honda, những cái mà dưới thời chính quyền thân Mỹ trước đây đã thuộc vào trong số những đặc điểm của một xã hội tiêu thụ giả tạo, vẫn còn chưa biến mất khỏi giao thông. Có trời mới biết được sở hữu chủ của chúng kiếm ở đâu ra được xăng. Nhưng toàn bộ các quán rượu và hang động tội lỗi thì đều đã bị đóng cửa. Những người buôn bán đành cam chịu chuẩn bị cho lần quốc hữu hóa của cả tiểu thương. Xích lô vẫn đậu dọc theo vỉa hè như ngày xưa, thế nhưng họ đang hoài công chờ đợi khách. Trên đường phố, chúng tôi lại có thể tự do bàn về chương trình của ngày sắp đến và về những ấn tượng của chúng tôi. Trong phòng khách sạn, chúng tôi buộc phải dự đoán có máy nghe lén. Từ khi chúng tôi đến Sài Gòn, nỗi lo ngại bị theo dõi đè lên chúng tôi như một gánh nặng hiện hữu. Chúng tôi biết rằng mỗi một bước đi, mỗi một cử chỉ, mỗi một lời nói đều bị giám sát và có lẽ là tại các cơ quan an ninh, người ta chỉ chờ một lỗi lầm để can thiệp chống lại chúng tôi mà trong đó việc thu hồi giấy phép quay phim chỉ là cái tai hại nhỏ nhất. Qua ba mươi năm, người ta có được một bản năng cho những tình huống khủng hoảng thuộc loại này, và các nhân viên chính thức đi cùng với chúng tôi từ Hà Nội, những người mà chúng tôi đã kết thân trong thời gian vừa qua, về phía họ cũng đã đông cứng lại trong nghi ngờ và phản kháng.

    Người ta hầu như chỉ còn nhìn thấy những gương mặt sợ hãi, cay đắng, nghiêm trọng trên đường phố Sài Gòn. Cái tên mới, Thành phố Hồ Chí Minh, không muốn thoát ra khỏi môi của chúng tôi, và ngay cả các quan chức đỏ dường như cũng e ngại không muốn liên kết cái tên của tấm gương cách mạng vĩ đại của họ với một thành phố mà người dân của nó đang tiếc nuối những tiện nghi và những thói xấu của quá khứ một cách rõ rệt đến như thế. Chợ đen vẫn còn sống động trong mùa hè năm 1976. Chợ trộm cắp đó vẫn còn tiếp tục chào mời – khiến những chiến binh nông dân đạm bạc từ phương bắc phải ngạc nhiên – hàng hóa phế thải từ PX, những thứ giống như hàng hóa từ một thế giới trong mơ đối với các người lính dưới ngôi sao đỏ đó. Ông thợ may ở chợ hoa mời chúng tôi đặt một bộ quần áo đầy đủ với giá rẻ đến buồn cười – trả bằng tiền US dollar xanh. Mỗi một người mua bán ở đây đều biết rằng họ đang hưởng một thời hạn khoan hồng. Mỗi buổi sáng họ đều phải dự tính đến việc bị nhanh chóng đưa lên xe tải với vật gia dụng và sở hữu tối thiểu, để tham gia xây dựng tương lai xã hội chủ nghĩa ở những miền đất hoang vu và rừng rậm của “vùng kinh tế mới”.

    Lực lượng Thanh Niên Xung Phong đi xây dựng vùng kinh tế mới



    Trong những ngày đó, tôi không cố gặp lại những người quen cũ. Tôi chỉ làm hại và gây nguy hiểm cho họ mà thôi. Mặc dù vậy, khi tôi tình cờ gặp Cuc, viên trợ tá camera ngày xưa của chúng tôi, một người lai Campuchia, người nổi tiếng vì tính tình cứng cỏi của mình, ông ấy đã ôm chầm lấy tôi giữa nơi công cộng và thì thầm nói: “Giá như tôi bỏ chạy đi vào lúc đó, khi vẫn còn có thể.” Bây giờ, ông ấy được cho rằng đang lái những chiếc xe limousine Mỹ khổng lồ đó, những chiếc xe – sơn màu đỏ chói – mà vào thời tốt đẹp hơn đã được sử dụng cho lễ cưới. Những con quái vật sặc sỡ ấy bây giờ đứng xa lạ trong màn hơi nước của mùa mưa như những con khủng long từ một kỷ nguyên khác.

    Bả chủ cửa tiệm cắt tóc cuối cùng vẫy tay chào tôi từ sau tấm kính bầy hàng mờ hơi nước của bà. Bà ấy biểu hiện lòng can đảm và tính cách con người theo lối của bà, bằng cách vẫn trang điểm cho mình và vẫn tiếp tục mặc quần áo thanh lịch, trong khi phái nữ còn lại của Thành phố Hồ Chí Minh dù muốn hay không vẫn phải cúi mình trước sự nghiêm khắc của những người bí thư mới. Chiếc áo dài cổ truyền, chiếc áo váy có nhiều màu như bươm bướm của người phụ nữ Việt Nam, vừa kín đáo và đồng thời lại vừa quyến rũ, đã biến mất khỏi quang cảnh đường phố. Giày cao gót bây giờ bị chê bai, và một chiếc váy ngắn màu đỏ, cái mà người ta bất chợt nhìn thấy lúc chạy ngang qua, trông giống như một sự khiêu khích phản cách mạng. Nhưng trong tiệm cắt tóc trên đường Catinat, bà chủ vẫn còn để cho các cô gái của mình mặc áo choàng ngắn màu trắng gọn gàng như thời trước, và ở đó cũng vẫn còn nói huyên thuyên và cười khúc khích dường như cũng vô tư như thế. Trong khi đó thì ai cũng biết rằng cho đến khi đóng cửa thì chỉ còn nhiều lắm là vài tuần nữa thôi, và bà chủ – bất thình lình trở trên nghiêm trang – nói về họ hàng ở Paris và về những cố gắng di cư sang Pháp của gia đình. “Ông không biết những kẻ hay lên mặt đạo đức đó tham nhũng đến mức nào đâu, những người được cho là nghiêm khắc về đạo đức từ miền Bắc đó. Phải có vàng mới có được giấy phép xuất ngoại”. Có lẽ là mỗi buổi sáng, ngay khi giờ giới nghiêm chấm dứt vào rạng đông, có một người trong gia đình của tiệm cắt tóc đứng trong cái hàng vô tận đó trước cổng của Tổng lãnh sự Pháp và hy vọng được cấp một thị thực tập thể. Phải có cả sự bất chấp lẫn sự tuyệt vọng ở trong đó, vì mỗi một người nộp đơn đều bị các cơ quan an ninh và chỉ điểm ghi nhận.

    Ngày hôm trước, tôi phát hiện một người bất thường trong tiệm cắt tóc, người đã gây nhiều ấn tượng cho tôi, mặc dù trong những tình huống khác có lẽ tôi đã đi ngang qua người đó nhiều lắm là với một cái nhún vai. Đó là một người Việt vào khoảng hai mươi lăm tuổi, người mà vào thời Tướng Thiệu người ta gọi là “cao bồi” với giọng nói pha ít tính bài Mỹ. Anh ta mặc chiếc quần jean chật nhất Sài Gòn, giày ủng Texas, một cái áo sặc sỡ, mở tung ra cho đến tận lưng quần và để hở trên ngực nhiều sợi dây chuyền và trang sức bằng vàng. Mái tóc của anh ta gây sự chú ý trước hết. Những lọn tóc đen dài xuống cho tới vai, và bây giờ anh ta – ngồi uể oải trên một chiếc ghế cắt tóc – đang để cho làm móng tay. Anh chàng cao bồi cuối cùng này, người chưng diện giống như một biếm họa cho một tên ma cô người Việt, có biến mất trong một trại cải tạo ngay vào ngày hôm sau hay không? Anh ta có bị an ninh đỏ sử dụng như là “điệp viên khiêu khích” hay không? Hay anh ta chỉ biểu thị lòng dũng cảm trước sự kết thúc theo cách của mình? Tôi nhớ đến một tù nhân người Pháp của trại tập trung [Đức Quốc Xã] trước đây, người có lần đã nói với tôi: “Trong trại có hai nhóm tù nhân mà không ai có thể có can đảm nhiều hơn, một hạng quý tộc nhất định và giới ma cô.”

    Các nhân viên chính thức của sở Thông tin tháp tùng với chúng tôi đã cảnh báo. Sau khi trời tối, chúng tôi phải đề phòng móc túi, vâng với cả cướp nữa. Một nhà ngoại giao Đông Đức đã bị cướp sạch ngay giữa ban ngày. Vì thế mà chúng tôi đi giữa đường. Giao thông ô tô ít ỏi đã ngưng lại từ lâu rồi. Đứng ở tất cả các ngã tư là quân nhân hay cảnh sát với súng liên thanh kiểu AK47. Ban đầu, chúng tôi muốn ăn tối trên một chiếc thuyền trên sông, trong nhà hàng “My Cat” [Mỹ Cảnh], nhà hàng mà trong chiến tranh đã bị người nhái Việt Cộng cho nổ tung một lần. Lúc đó đã có nhiều người chết và bị thương trong số thực khách người Mỹ và các cô gái Việt của họ. Nhưng “My Cat”, trước đây chủ yếu là do người Hoa điều hành, đã bị quốc hữu hóa ngay từ ngày đó. Vì vậy mà chúng tôi tìm đến quán ăn tư nhân cuối cùng, quán ăn Pháp cuối cùng của Thành phố Hồ Chí Minh. Nó có tên là “Valenco”, và chủ nhân của nó, một người Corse độ năm mươi tuổi có tên là Dominique, là một khái niệm cho mỗi một phóng viên chiến trường. Liệu ông có phải là một người còn sót lại của nhóm mafia người Corse đó hay không, nhóm mafia mà vào thời người Pháp dường như đã thống trị nhiều ngành nghề ở Sài Gòn, điều này thì không ai có thể chứng minh được. Thật ra thì những người Corse làm giàu qua mua bán tiền đồng đó chỉ là những con cá nhỏ ở bên cạnh dân đầu cơ và trùm tài chính giật dây từ trong thành phố song sinh với Sài Gòn, trong Chợ Lớn.


    Sài Gòn 1985 - Ngã Tư Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế
    Hình: Philip Jones Griffiths



    Tôi bước vào quán của Dominique và có cảm giác như đã quay trở lại ba mươi năm về trước. Nhiều nhóm người Pháp trẻ tuổi với kiểu tóc ngắn của quân đội ngồi ở cạnh bàn, cháy nắng như những người lính trở về từ đồng ruộng. Đó là nhân viên của một công ty lớn của Pháp, tìm dầu trong vùng sông Cửu Long và bờ biển Nam Kỳ theo yêu cầu của bộ từ Hà Nội. Những người Pháp trẻ tuổi đó tìm một ít quê hương ở Dominique. Họ ồn ào và vô tư lự.

    Dominique, người có nét giống diễn viên điện ảnh Michel Piccolo, đứng buồn rầu sau quầy rượu. Gương mặt của ông ấy tươi tắn lên khi nhận ra tôi. Lần đến thăm của một kẻ ngoài cuộc từ Phương Tây và của một Ancien d’Indochine [người xưa của Đông Dương] là một an ủi nhất định cho ông. Nhân viên nhà nước đã ở chỗ ông sáng nay, và bây giờ thì ông phải trả một khoản tiền thuế khổng lồ còn thiếu, trước khi người ta cho phép ông trở về nhà ở Pháp. Vì Dominique muốn ra đi, có tốn kém bao nhiêu cũng được. Ông đã tính toán sai lầm. Ông đã nghĩ rằng có lẽ sẽ còn chỗ cho quán của ông trong nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa mới. Ông đã mất ảo tưởng này từ lâu rồi. Ông dông dài về những nhận xét chính trị cay đắng và áp đặt kinh nghiệm Đông Dương của mình lên nước mẹ Pháp: “… và tôi là một thằng ngu”, Dominique nói, “đã bầu cho Mitterrand và phe cánh tả trong lần bầu cử tổng thống vừa rồi. Nhưng cứ tin tôi đi, khi tôi về đến nhà trên Corse, tôi sẽ lãnh đạo một chiến dịch chống lại cái bệnh dịch tả đỏ này…”. Giữa những chai rượu Cognac và rượu khai vị, những cái ngày càng ít đi, có một bức tượng Napoleon, và bên cạnh tấm gương của quầy rượu có treo câu nói: “Suis Corse, en suis fier – tôi là người Corse và tôi tự hào về điều đó.”

    Chúng tôi nói chuyện về bạn bè và người quen cũ từ hai cuộc chiến tranh Đông Dương. Người này thì đã thăng tiến trên đường công danh. Người khác đã suy đồi trong những cái máy xay phi thuộc địa hóa và đã chìm xuống. Đó là một câu chuyện hoài cổ, và bên cạnh những người đi tìm dầu đầy sức sống này, tôi cảm thấy mình từng trải và kiệt quệ đến vô tận.

    Violette ngồi phía sau quầy tính tiền, một phụ nữ Âu-Á xinh xắn. Tôi có một lời nhắn cho cô ấy từ Hà Nội. Một nhân viên của đại sứ quán Pháp ở đó đã gửi cho cô tờ chứng nhận đặc ân, để cô có thể xuất ngoại sang Pháp. Chắc là sẽ không đủ đâu, Violette nói, người trong tất cả những bất hạnh vẫn không quên làm dáng. Cô ngồi xuống bàn của chúng tôi. Cô thiếu tiền để xuất ngoại chính thức. Tàu thuyền đã trở nên hiếm và khó tiếp cận, từ khi ngay đến ngư dân cũng hầu như không còn nhận được chất đốt cho thuyền của họ nữa. Mới đây, người ta nói về những khả năng chạy trốn qua cao nguyên Trung Kỳ và Lào. Ở đó có một phần của những bộ lạc “mọi” hay “montagnard” ở trên núi đang nổi dậy. Nhưng điều đó cực nhọc vô cùng, và phần đông đã chết trên đường đi. Chắc một ngày nào đó cô sẽ bị gửi đến một trong những khu lập cư hoang vắng mới đó ở đồng bằng, nếu như không bị đưa vào trong một trại cải tạo. Dominique, cô sống chung với ông ấy, sẽ không còn có thể che chở cho cô lâu thêm được nữa.

    Còn có một cô gái khác trong “Valenco”. Cô ấy lả lơi với những chàng trai Pháp trẻ tuổi. Người ta cảm nhận được rằng cô quen với người này hay người khác rất riêng tư. Vân, “đám mây”, cô tự gọi mình như vậy, và thắt một cái băng đô quanh đầu, mang lại cho cô vẻ ngoài táo bạo của một tên cướp biển. Cô có một khuôn mặt đẹp, rất Á châu, rộng và xương xẩu và đi lại với sự chắc chắn bản năng, cái chỉ có thể có từ một thân hình toàn hảo. “Tôi đi lại giống như một tên lưu manh, giống như một thằng bé bụi đời”, cô vừa cười vừa nói khi đến bàn của chúng tôi. “Trước kia, tôi mặc những chiếc áo váy đẹp nhất Sài Gòn, khi cha tôi còn là cảnh sát trưởng của Cần Thơ. Bây giờ thì cha tôi đã bị bắt hay đã chết, và tôi phải sống qua ngày … bằng mọi cách.” Người ta không cần nhiều nhạy bén để đoán tại sao chính người con gái của một sĩ quan cảnh sát cao cấp thuộc chính quyền trước đây lại được phép xuất hiện như gái quán bar trong quán rượu Phương Tây cuối cùng. Chắc hẳn mỗi buổi sáng Vân phải báo cáo lại trước một trong những người chính ủy an ninh gắt gỏng và khắt khe đó, về những gì mà các người Pháp này đã kể lại ở cạnh bàn và trên chiếc gối đầu giường. Bây giờ thì cô có thể báo cáo lại, rằng các chuyên gia dầu mỏ này – cũng như nhiều người Pháp trong lứa tuổi và giai cấp của họ – đã đến nước Việt Nam tái thống nhất như là đảng viên của Liên minh Cánh Tả Pháp, là đảng viên Đảng Xã hội hay còn là đảng viên Đảng Cộng sản nữa, và rằng chỉ trong vòng vài tuần ở trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, họ đã biến thành những người chống cộng sản kịch kiệt. Họ cũng kể cho chúng tôi nghe về những trại tù đầy ắp mà họ đã nhìn thấy ở đồng bằng sông Cửu Long, về sự đàn áp người dân, về sự chuyên quyền và tham nhũng của giới cán bộ đỏ của Đảng. Tự họ cũng đã trải qua sự kém cỏi và chậm chạp của các cơ quan kinh tế nhà nước, và khẳng định rằng trong vùng của đạo Hòa Hảo vẫn còn có kháng cự vũ trang. Họ còn nghe được cả tiếng súng, tiếng đại bác khi đang tìm dấu vết của dầu mỏ ở lòng sông Cửu Long tại Vĩnh Long, nhưng không biết rằng cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ ba, lần chạm trán đẫm máu giữa Việt Nam và Campuchia, đã bắt đầu, và họ là những nhân chứng vô tình đầu tiên của nó.


    Sài Gòn, Việt Nam 1985: Chờ mở cửa
    Hình: Philip Jones Griffiths


    Cửa mở ra, và cùng với một làn hơi ẩm, một người đàn ông già, ốm yếu, mặc quần áo xác xơ bước vào. Ông ấy mang một cái đàn guitar, chào Dominique, ngồi xuống ghế rồi bắt đầu hát tiếng Pháp với một giọng khàn khàn, than vãn. Bắt đầu với một bài ca mà trong những năm ba mươi cũng được ưa thích ở Đức: “Có một nhạc sĩ, chơi đàn trong quán cà phê … Có một nhạc sĩ …” Rồi đến một đoạn tiếng Pháp mà tôi nhớ lời: “Chào vĩnh biệt, thời gian của tình yêu, chào vĩnh biệt, thời gian của phiêu lưu …” Được người đàn ông già này hát, để mà xin một vài đồng bạc, nó trở thành một bài ca buồn vô tận. Tôi hẹn ông ấy ngày mai hãy quay trở lại, để chúng tôi có thể quay ông cho phim tài liệu của chúng tôi. Ông hứa, nhưng rồi không đến như đã hẹn. Chúng tôi không còn nhìn thấy ông nữa.

    Ba người khách mới bước vào quán rượu, người Việt. Đó chỉ có thể là chỉ điểm hay cảnh sát mặc thường phục. Một người dân bình thường của Sài Gòn không bao giờ dám đến thăm tụ điểm của người nước ngoài từ Phương Tây này. Ánh mắt của những người Pháp trở nên thù địch. Dominique hồi hộp đánh rơi một cái ly. Gương mặt của cả hai người con gái đông cứng lại. Phản ứng bao giờ cũng giống nhau khi đại diện của bộ máy an ninh và trấn áp Bắc Việt Nam xuất hiện. Ngay khi có vụ việc xảy ra, bắt bớ hay chỉ là kiểm tra, người dân đeo một chiếc mặt nạ lên, mà dấu ở phía sau đó là sự sợ hãi, khinh thường và căm ghét. “Voilà les bộ đội”, Vân thì thào. Bộ đội, đó đã từng là một danh hiệu vinh quang, và giới báo chí đã làm cho nó quen thuộc cả với Phương Tây. Bộ đội, nhật báo Pháp cho một cách sai lầm là như thế, có nghĩa là “người lính chân trần” khi dịch nghĩa. Thật ra thì đó là những chiến binh di chuyển trên đồng bằng và trong rừng rậm, tức là du kích quân. Như đã nói, sự kính trọng và thanh thế bao phủ lấy khái niệm bộ đội vào lúc ban đầu. Nhưng kể từ khi miền Bắc chiến thắng, bộ đội đã trở thành từ để chửi thề và nguyền rủa của người Sài Gòn. Bộ đội, đó có nghĩa là những kẻ nông dân ngu xuẩn và những người đàn áp dã man. Bộ đội, đó là những kẻ man rợ đến từ miền Bắc lạc hậu, những người chất lên xe chở đi tất cả các hàng hóa tiêu dùng có thể nghĩ đến được, những người chiếm giữ tất cả các vị trí quan trọng. Đối với cô gái quán bar còn có thêm một điểm xấu nữa. Bộ đội là những người lính và cán bộ đã ở trong xã hội đàn ông khổ hạnh của họ qua những năm dài của chiến tranh, nên nhiều người trong số họ đã trở thành đồng tính luyến ái và đối phó với sức quyến rũ của những người đàn bà thích làm dáng của Sài Gòn bằng một sự bất lực kinh tởm.

    Trên đường trở về “Majestic”, thật sự là có một vài phụ nữ mại dâm đứng ở đầu “Đường Cuộc nổi dậy của nhân dân”. Có cô tiến đến gần và chào chúng tôi với “Sdrawstwujte” bằng tiếng Nga. Hẳn họ cho chúng tôi là những người đại diện cho Liên bang Xô viết. Chúng tôi nhìn vào trong phòng ăn của khách sạn Majestic. Những người bồi bàn già ở đó, cũng như người dân còn lại của Sài Gòn, đối xử đặc biệt thân thiện với chúng tôi, tuy cũng mang tính buồn rầu, ngay khi họ nhận ra chúng tôi là người ngoại quốc Phương Tây. Pha trộn vào trong thiện cảm được biểu lộ công khai này hẳn cũng là niềm hy vọng nhỏ bé, rằng cánh cửa vẫn còn chưa đóng lại vĩnh viễn, rằng có lẽ một ngày nào đó sẽ có một khe cửa lại hé mở đến một cuộc sống tốt hơn, tự do hơn.

    Chỉ còn một bàn trong nhà hàng là còn khách. Người Nga ngồi ở đó với những người Việt tháp tùng không thể thiếu được của họ. Đó phải là một nhóm nhân viên kỹ thuật Xô viết. Họ ăn mặc không lịch sự và có những khuôn mặt thô, đặc biệt nổi bật một cách bất lợi bên cạnh những nét mặt tinh tế của người châu Á. Cử động của họ nặng nề, nhưng giọng nói bao giờ cũng khẽ khàng. Họ hoàn toàn không phải là không gây thiện cảm, những người lao động từ Liên bang Xô viết này, nhưng nét mặt của họ giống như lúc nào cũng mang một nét buồn rầu. Người ta không nói đùa và cũng không cười. “Người ta làm sao mà có thể tin Lenin được, khi những người được ông ấy cứu vớt lại không vui và u sầu đến như thế”, một nhà ngoại giao Thụy Điển đã nói với tôi như vậy ở Hà Nội, thay đổi ý nghĩa lời nói của Nietzsche. Các thông dịch viên người Việt ở bàn những người Nga đối xử như những người học trò gương mẫu.

    Có một ít của sự sợ hãi, của sự tức giận, đặc biệt là của nỗi buồn đang đè nặng lên Sài Gòn cũng lan sang người tôi, khi tôi nhìn ra màn đêm từ cửa sổ phòng. Ở phía dưới, tiếng chân của một đội tuần tra được trang bị vũ khí nặng của bộ đội vang lên. Tôi đã đứng ở độ cao này của khách sạn và nhìn sang bờ đối diện của sông Sài Gòn không biết là bao nhiêu lần rồi, nhìn sang vùng đầm lầy đó, được gọi là Rừng Sác. Qua hai cuộc chiến tranh, trong chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, Việt Minh và Việt Cộng đã bám chặt trong những khu rừng đước. Thỉnh thoảng, từ Rừng Sác họ đã hướng tên lửa của họ về trung tâm Sài Gòn. Thời đó, vùng đồng bằng đen tối này được chiếu sáng bằng pháo sáng giống như bằng pháo hoa đúng giờ. Nhưng trong đêm đó, tại mũi đất mà ngày xưa người ta đã gọi nó là La pointe des blagueurs – mũi của người thích đùa, chỉ còn có cây đèn dầu cháy chập chờn và ném một dãy sáng run run màu vàng xuống làn nước tối tăm của sông Sài Gòn. Trong mùa Đông 45/46, tôi đã bước xuống đất Đông Dương lần đầu tiên ở đó.

    Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất - Người Pháp
    2. Các anh đi ngược đường rồi

    Trên tàu “Andus”, cuối năm 1945
    Con tàu chở lính “Andus”, 26.000 GRT, là mượn từ Hải Qquân Hoàng gia. Thời đấy, trong quân đội Pháp có những thứ nào đó hoạt động dựa trên vay mượn. Quốc gia này đã không hồi phục được cả về tinh thần lẫn vật chất kể từ lần chiến bại năm 1940. Thủy thủ người Anh của tàu “Andus” nhìn hơi ngạc nhiên đến những thành viên của đạo quân thuộc địa mà họ đi cùng đến Viễn Đông, và đạo quân mà rõ ràng là ở đó cần phải bù đắp lại cho sự thất bại trong nước mẹ. Cuộc chiến tranh chống Nhật Bản, cuộc chiến mà de Gaulle còn muốn vội vã chen vào, đã chấm dứt mà không có đến một đơn vị duy nhất của Pháp tham gia. Trong tầm nhìn từ “Andus” có một chiếc tàu chở lính khác với tải trọng tương đương đi theo sau. Nó treo cờ Hà Lan bên cạnh Union Jack. Quân đội thuộc địa Hà Lan đang trên đường đi đến Batavia. Trong Biển Đỏ, tàu “Andus” đã gặp cả một đoàn tàu đi theo hướng ngược lại, trở về châu Âu với lá cờ chiến thắng bay phất phới trên cột tàu. Cựu chiến binh của chiến dịch Miến Điện đứng trên boong tàu, những người đang trở về các hòn đảo quê hương của họ, về với hòa bình và đời sống hàng ngày. Qua ống nhòm, người ta có thể nhận ra được những gương mặt đỏ au vì mặt trời nhiệt đới của họ, phản chiếu ở trên đó là nỗi vui mừng không kìm chế, đã thoát khỏi những nguy hiểm của rừng rậm và của một địch thủ không nhân nhượng. Người Anh hớn hở vẫy tay chào những người lính Pháp của tàu “Andus” cũng như những người Hà Lan. Qua một cái loa, người ta có thể nghe được tiếng của một người Anh nói với giọng chế giễu: “You are going the wrong way … Các anh đi ngược đường rồi!” – “Những người Anh đấy lại muốn gì nữa đây?” một thiếu tá văn phòng mập mạp người Pháp hỏi với sự không hài lòng rõ ràng trong giọng nói.
    Lính Lê Dương ở Marseille đang chờ lên tàu Pasteur đi sang Đông Dương



    Nó là một tình huống phi lý. Ở London, nơi Labour Party vừa mới lên cầm quyền, người ta đã nhanh chóng quyết định quay lưng lại với những giấc mơ đế quốc và trao trả độc lập cho tiểu lục địa Ấn Độ. Ở Miến Điện, sau những thất bại vào lúc ban đầu, quân đội Anh đã đánh trận đánh lớn cuối cùng. Bây giờ, họ có thể ưỡn ngực chiến thắng mà rút về, và Đô đốc Mountbatten sẽ mang tầm vóc và tư cách lại cho lần từ giã Delhi. Thế nhưng những người bại trận trong vòng đầu, những người chiến thắng ngẫu nhiên của giờ cuối, người Pháp và người Hà Lan, họ lại bám chặt lấy cái fata morgana của thời huy hoàng ở hải ngoại của họ, vào Đông Dương và Indonesia.

    Các sĩ quan trẻ người Pháp phải chịu đựng sự thất vọng, đã đến quá muộn và bây giờ phải trực diện với một chiến dịch thứ hạng. Có người đã phục vụ dưới de Gaulle trong số “Người Pháp Tự do” – bị chính phủ Vichy tuyên bố là những kẻ phản bội tổ quốc – hay đã đứng dưới quyền tổng chỉ huy quân đội của người Mỹ ở Bắc Phi; thế nhưng phần lớn đã phải tận hưởng nỗi nhục nhã bị người Đức chiếm đóng. Bây giờ thì họ tìm cách rửa nỗi ô nhục của chiến bại và bị nô dịch đó trong nước sông Mekong và sông Hồng. Trong thâm tâm, họ lo sợ là phải trở về một Đông Dương đã được bình định, vẫn trung thành với nước Pháp. Họ thèm khát những cuộc phiêu lưu kỳ lạ, các emotions fortes – cảm giác mạnh. Chắc chẳng mấy ai trong số họ là đã đọc Jean-Paul Sartre, nhưng họ là những người của thuyết sinh tồn theo cách của họ trong bộ quân phục. Họ đi tìm những con đường của tự do, les Chemins de la Liberté của một Saint-Germain-des-Prés nhiệt đới-chinh chiến trong sự tưởng tượng của họ. “Cuối cùng cũng tìm thấy một mảnh đất không có nhựa đường…”, một người của họ viết như thế trong nhật ký.

    Trên tàu “Andus” có hai đại đội lính Lê Dương. Hai phần ba họ là người Đức. Phần lớn trong số họ đã là tù binh chiến tranh ở Pháp, nơi họ thiếu cái ăn. Họ đã tình nguyện đến Đông Dương, vì trước sau gì thì họ cũng đã không còn hy vọng gặp lại người thân đã mất tích ở phía Đông của họ hay bởi vì đơn giản là họ muốn được ăn cho no. Vài người đã phục vụ trong lực lượng SS và muốn tránh các biện pháp xóa bỏ phát xít ở quê hương. Tối tối, những người lính Lê Dương Đức hát những bài ca quân đội cũ của họ, nói về Erika và Heide, về Lore và Förstenwald. Họ không hề nghĩ rằng các địch thủ của ngày hôm qua, đã chán ngấy điệp khúc của [bài hát nổi tiếng trong Đệ Nhất Thế Chiến] Madelon, sẽ tiếp nhận các phong cách tàn bạo của Germania [Đức] và lính mới người Pháp sẽ đi đều bước theo nhịp của [bài hát cho lính Đức] Blauen Dragoner hai mươi năm sau đó.

    Các trường hợp thú vị nhất là những người lính Lê Dương Bỉ. Thật ra thì đó là những người Pháp, những người đã phải đưa ra một quốc tịch giả để có thể phục vụ trong nhóm lính người nước ngoài này. Đó không phải là đám du côn hay tội phạm hình sự thường, hay trốn vào trong quân đội Lê Dương trước năm 1939. Những người Bỉ giả mạo này là những cộng tác viên người Pháp, trong chiến tranh đã đứng về phía Đức trong “Quân đoàn chống Chủ nghĩa Bônsêvíc” và sau này đã phục vụ trong Lữ đoàn SS “Karl Đại đế”. Nếu như họ đã không mang tội hoạt động chống lại chính Résistance trong nước mẹ, de Gaulle đã cho họ cơ hội để phục hồi. Phục vụ năm năm trong đội ngũ lê dương ở Đông Dương, và họ có thể trong sạch trở về quê hương. Bên cạnh những người Đức mà trong số đó những kẻ thích khoe khoang và nói dối thường hay to mồm, nơi được cho là có rất nhiều thuyền trưởng tàu ngầm và người mang huân chương Chữ Thập Hiệp Sĩ [của Đức Quốc Xã], những “người Pháp Bỉ” trông có vẻ nghiêm nghị và trầm ngâm. Những phần còn sót lại của lữ đoàn “Karl Đại đế” đã có những trận đánh ở hậu quân chống lại người Nga đang tiến lên tại Pommern và đã bị tiêu diệt gần hết ở đó, trước khi những người còn sống sót được phép bảo vệ công sự của lãnh tụ [Hitler] trong Phủ Thủ Tướng.

    Ngược với những người tình nguyện đi Viễn Đông, những người mà lúc còn trong trại tập kết để xuống tàu ở Marseille đã thất vọng chấp nhận lời tuyên bố đầu hàng của Nhật, những người Pháp đã từng chiến đấu ở mặt trận Phía Đông nhìn sự thay đổi đường lối chiến tranh này với một sự hài lòng được che dấu. “Mục tiêu thật sự của chúng ta không phải là Sài Gòn hay Hà Nội”, một người lính Lê Dương trẻ măng thì thào nói như thế, người dấu tên của một dòng họ Pháp nổi tiếng dưới sự nặc danh của một cái mũ kê pi màu trắng, “Đông Dương chỉ là trạm để đi qua. Mục tiêu thật sự của chiến dịch chúng ta trong tương lai gần sẽ có tên là Vladivostok và tỉnh Viễn Đông Xô viết.” Xung đột Đông-Tây, cuộc Chiến Tranh Lạnh đã bắt đầu. Việc đó còn được nói đến cả trên tàu “Andus”, trong khi họ đang rẽ sóng biển đang phát lân quang của Ấn Độ Dương hướng đến Eo biển Malacca.




    Lính Lê Dương ở Bắc Việt, 1954



    Ca bin có quá nhiều người và ngộp thở. Đêm đêm, những người lính đứng trên boong tàu cho tới chừng nào mà họ vẫn có thể, hít thở không khí, chơi bài belote và nhìn vào màn đêm ngày càng trở nên nóng ấm và ẩm ướt hơn. Ngay những thành viên của đội hỗ trợ nữ, cái được gọi là AFAT, cũng quay quần ở gần những chiếc thuyền cứu cấp vào thời gian này và chờ đợi sự bầu bạn lịch sự của một người sĩ quan. Rồi chỉ cần kéo những tấm bạt sang bên là đủ để tìm thấy một tổ ấm tình yêu giữa những băng ghế và mái chèo. Phần lớn các cô gái-quân nhân này đi lại hoàn toàn tự nhiên trong đám đông những người đàn ông đấy. Họ trét đầy son phấn và tinh nghịch đến mức người ta nhanh chóng phỏng đoán rằng họ có những lý do tốt để tránh nước mẹ, người này vì đã yêu một người lính Đức chiếm đóng, người khác vì đã hành nghề cổ xưa của họ trong một nhà chứa của quân đội Đức. Trên tàu “Andus”, kẻ ganh tỵ cũng nhiều như người thiếu tình dục.

    Một Thiếu úy Kỵ Binh ngực lép, người với bộ râu mép vàng và làn da nhợt nhạt lẽ ra thích hợp với một quyển tiểu thuyết của Proust hơn, trích dẫn một bài thơ của Hérédia. “Như con chim ưng bay… Mệt mỏi chịu đựng sự thống khổ … Say sưa với giấc mơ chiến tranh và tàn bạo…”, các vần thơ hoa mỹ nhất của “Conquistador” mà học sinh trung học nào của Pháp đều cũng quen thuộc “… nghiên mình qua mũi của chiếc thuyền màu trắng, họ khám phá mỗi đêm một vì sao mới, từ nơi sâu thẳm của đại dương bay lên một bầu trời xa lạ.”

    3. Phật trên lưng cọp
    Nam Kỳ đầu 1946
    Ngay khi đoàn xe vừa rời khỏi Sài Gòn và tới những đồn điền cao su của tỉnh láng giềng ở phía tây-bắc, những dấu vết của cuộc chiến tranh du kích đã có thể nhận thấy rõ. Đường trải nhựa bị đào nát bởi những con hào sâu, những con hào mà người nông dân thường xuyên phải đào chúng vào ban đêm dưới sự chỉ huy của các chính ủy đỏ. Những cái hố đó đều đặn cho tới mức chúng được người Pháp gọi là “phím dương cầm”. Bầu trời ban mai có màu xanh vàng ở hướng Đông. Chúng tôi đi xe về hướng Tây Ninh, và chẳng mấy chốc, ở bên kia của những lá dừa và những cánh đồng lúa vô tận, chúng tôi khám phá ra một ngọn núi đen, đe dọa nhô lên từ đồng bằng bằng phẳng. Ngọn núi đó có tên là “Bà Đen”, và báo hiệu biên giới của Campuchia. Thời đó đã có ai mà đoán trước được rằng đến một ngày nào đó, các lính Mỹ sẽ ngước lên nhìn ngọn “Black Virgin” này như ngước lên nhìn một nữ thần trả thù.


    Special Forces của Mỹ chuẩn bị tấn công núi Bà Đen, 1964



    Chúng tôi bỏ xe và con đường lại ở phía sau. Hàng bầy khỉ chạy vút qua trong rừng tre. Mặt trời lên đến đỉnh quá nhanh. Tiếng chim hót chết dần với độ nóng tăng lên. Màu xanh của cây cỏ trở thành đen. Không khí lung linh. Đối với đội Commando, đây là một cuộc hành quân thông thường. Những người lính đi như những hình bóng có thể nhận thấy rõ ràng trên các con đê chia cắt ruộng lúa trần trụi, cho tới khi người ta nhắm bắn họ từ ở đâu đó. Có rất ít nguy hiểm, các du kích quân Việt Nam thời đầu được trang bị vũ khí rất nghèo nàn và được đào tạo còn tồi tệ hơn nữa. Người Pháp chỉ có tổn thất khi thành viên của “Kempeitai”, hiến binh Nhật, những người bị truy lùng ở Sài Gòn như những kẻ phạm tội chiến tranh, tiếp sức và chỉ huy quân nổi dậy. Cuộc hành quân đã kéo dài nhiều giờ rồi, di chuyển trong một vòng cung bán nguyệt quanh “Núi Bà Đen” đến biên giới Campuchia. Ruộng lúa đã bị mặt trời đốt thành gạch cứng như đá. Như trong cơn sốt mê man, những người đàn ông trong đội Commando nhìn xuống các đường nứt trong đất bùn và mẫu hình không đều đặn của gốc cây khô. Mồ hôi chảy vào mắt gây xót. Vài tiếng súng phát ra từ một ngôi nhà nằm ẩn trong tre. Những người Pháp xác định phương hướng, cắm lưỡi lê lên những khẩu tiểu liên Sten loại đã được rút ngắn để đánh giáp lá cà, rồi vừa bắn từ ngang hông vừa xung phong về phía bụi rậm đó. Vài bóng người chạy vụt qua ruộng lúa, sa vào trong loạt đạn của khẩu liên thanh hạng nhẹ đã vào vị trí, và ngã xuống.

    Chúng tôi tiến đến gần người chết. Đó là một hình ảnh thật đáng thương: những con búp bê vàng nhỏ bé với tứ chi vặn vẹo. Những khẩu súng Lebel đã lỗi thời của họ nằm bên cạnh họ giống như những món đồ chơi. Những đôi chân gân guốc gầy còm lòi ra từ chiếc quần ngắn. Không thể nói là đồng phục, nhưng trên chiếc áo màu đen của mình, họ đã may mảnh vải đỏ với ngôi sao vàng đó lên, biểu tượng cho cuộc cách mạng Đông Dương. Tức là những người đã tử trận này không phải là thành viên của giáo phái Cao Đài kỳ lạ đó, những người sở hữu ngôi đền thánh khoa trương của họ ở Tây Ninh và cũng chiến đấu chống lại người Pháp, mà là du kích quân của Việt Minh, mặt trận giải phóng Việt Nam đó của cộng sản mà từ bây giờ trở đi dưới những tên gọi thay đổi sẽ làm cho công chúng thế giới ngẹt thở ba mươi năm dài.

    Người dân các làng lân cận đã bỏ trốn khi những người lính xa lạ kia đến gần. Đó là những căn nhà khiêm tốn hình chữ nhật. Trang bị đồ đạc chỉ gồm một cái giường gỗ rộng và một vài chiếc chiếu. Nhưng không ở đâu lại thiếu bàn thờ tổ tiên. Những ngôi nhà nhỏ nghèo nàn này hết sức ngăn nắp và sạch sẽ. Một người châu Âu cũng có thể sống ở đây. Những người lính đổ đầy bi đông nước của họ từ những vại sành to mà trước nhà nào cũng có. Nước có bùn và âm ấm. Thật không có gì đáng phải ngạc nhiên khi ngày càng có nhiều người mắc bệnh lỵ amíp. Người ta châm lửa đốt trước khi tiếp tục hành quân. Một que diêm là đã đủ, mái nhà bằng rơm cháy rực lửa. Những con trâu mà nông dân bỏ lại lúc chạy trốn bị bắn chết. Cả một đền thờ Cao Đài nhỏ cũng bị đốt cháy. Tôi còn có thể nhìn lần cuối xuyên qua làn khói vào đến cái bàn đơn sơ, nơi các thánh của tôn giáo pha trộn lộn xộn này được đặt thành hàng ở trên đó. Tôi để ý đến một ông phật nhỏ bằng đất, bụng to, giơ bàn tay nhỏ bé lên với một nụ cười tinh ranh và cưỡi trên một con cọp trong lúc đó.

    Trong lần tập kích kế tiếp, đội Commando bị tổn thất một chết và hai bị thương. Đổi lại, xác chết của mười du kích quân đỏ trôi trong làn nước hôi thối của con kênh nước tưới ruộng. Cuộc họp bàn về tình hình được tiến hành trong một ngôi nhà tương đối lớn. Đại tá Ponchardier, được những người lính của ông gọi là “Pasha”, bực tức. Đây không phải là một cuộc chiến tranh được ông ưa thích. Người đàn ông thấp người chắc nịch, có dáng như một người bắt bóng chày, đã có lần cùng với đội đặc biệt của mình thực tập nhảy dù xuống Singapore chung với Special Air Service của Anh. Cuộc chiến chống du kích quân ở Nam Kỳ không phải là một việc có thể thay thế được cho chuyện đó. Người ta không thể phân biệt được Ponchardier với những người lính của ông ấy, khi ông ở trần ngồi trên chiếc nón dã chiến của ông, khẩu tiểu liên bao giờ cũng nằm trong tầm tay. Ông đeo một cái kèn ô tô cũ kỹ ở thắt lưng, cái mà ông thỉnh thoảng lại để cho nó kêu thé lên trong lúc hành quân, giống như những người khác thổi kèn tập họp. “Pasha” với đơn vị nhỏ bao gồm 150 người của ông đứng trực tiếp dưới quyền của tổng chỉ huy Pháp ở Đông Dương. Lính của ông chỉ chào sĩ quan riêng của mình và nhìn ít nhiều khinh thường xuống các trung đoàn còn lại của quân đoàn viễn chinh, những người đã theo họ đến Sài Gòn.

    Là sĩ quan trẻ, Ponchadier đã gia nhập “Người Pháp Tự do” của de Gaulle ngay từ năm 1940 và trong thời gian bị chiếm đóng đã cùng với người anh em Dominique của ông, người trông hết sức giống ông, thành lập tổ chức kháng chiến “Sosias” trong bí mật. Nhờ một lần ném bom có chủ định trước của Royal Air Force mà ông đã giải phóng được những người của Résistance bị bắt giam trong nhà tù của Gestapo ở Amiens. Người anh em Dominique đã ghi chép lại các hoạt động nửa anh hùng nửa bất lương của cặp đôi kỳ lạ này trong quyển sách “Đá lót đường của địa ngục”, và đã mô tả lại cảm giác kỳ lạ mà người sếp của một nhóm bí mật đã trải qua khi lần đầu tiên phải dùng tay không bóp cổ cho tới chết một kẻ phản bội ở ngay trong hàng ngũ của mình. Vài năm sau khi chiến dịch Algeria kết thúc, Pierre Ponchardier, là đô đốc – vì xuất thân từ phi công của hải quân –, đã tử nạn vì rơi máy bay trên Senegal. Dominique ngược lại thăng tiến lên đến chức đại sứ ở Bolivia và cao ủy ở Djibouti. Nhưng cái mà ông ấy xem như là thành công lớn nhất của mình thì lại là lần xuất bản loạt sách gián điệp về những cuộc phiêu lưu của “Khỉ Đột”. Con “Khỉ Đột”, có lần de Gaulle đã nói như thế khi ông ấy tiếp đãi người đại sứ của mình, hẳn chính là Dominique.

    Đội Commando của Ponchardier bị xem như là một nhóm thô lỗ của những kẻ thích phiêu lưu mạo hiểm và dân du côn. Nhưng trong số đó cũng có cả những đứa con trai ngoan ngoãn từ những gia đình được cho là tốt, những người muốn chạy trốn sự chật hẹp của môi trường trung lưu của họ. Không thiếu những người độc đáo: một chuyên gia về Trung Quốc với một con đại bàng khổng lồ xăm trên ngực, kẻ biết kể những mẩu chuyện thú vị nhất về các thiên tử; hai tên ranh mãnh từ Paris, có vẻ như xuất phát từ giới ma cô và là những người mà người ta tin rằng họ sẽ thực thi quyền được cướp của, người ta cho rằng đội Comando có quyền đó trong những vùng đang có giao tranh; một vài chiến sĩ đơn độc của cơ quan tình báo DGER, sau khi Nhật đầu hàng, họ đã nhảy dù xuống những vùng đồi núi của Bắc Kỳ và đã tìm thấy ở đó những đống đổ nát mất tinh thần của đạo quân Đông Dương cũ của Pháp, cái mà trong Đệ nhị thế chiến đã tuyên bố theo Pétain và trong tháng 3 năm 1945, khi họ vào giờ chót lại muốn liên kết với phe Đồng Minh, đã bị lính Nhật Hoàng đánh tan mà chẳng khó nhọc gì. Các tỉnh ở ngoài rìa và các sắc tộc thiểu số của Grande Nation có nhiều đại diện: người Alsace và Corse, người Breton và Basque. Người ta khó lòng mà tưởng tượng được, rằng sau khi hết động viên, những người đàn ông này sẽ tìm về cuộc sống dân sự bình thường như thế nào. Ngay đối với “Pasha”, họ cũng đáng nghi ngại phần nào. “Lần tới đây nếu như tôi thành lập một đội lính”, có lần ông ấy đã lầm bầm nói như thế, “thì tôi sẽ chọn những đứa ngoan ngoãn và đáng tin cậy. Về lâu dài thì chúng can đảm hơn và dẻo dai hơn là những thằng lưu manh hay nhanh chóng mất tinh thần.”

    Các sĩ quan của Commando đã có những số phận hết sức khác nhau. Tôi gặp lại đại úy Quilici, người trông giống như một Bandit d’honneur người Corse, hai mươi năm sau đó ở Tchad như là đại tá nhảy dù của Thủy Quân Lục Chiến [Parachutistes d’Infanterie de Marien – lực lượng đặc nhiệm của Pháp], nơi ông đang thanh tra các ốc đảo ở phía bắc trong sa mạc Tibesti và Ennedi. Trung úy Augustin, người ngay thời đó đã là hiện thân của một nhà tu, như thường hay gặp trong giới sĩ quan Pháp – ở đây, thanh kiếm với bình đựng nước thánh có thể ngoái nhìn lại những liên kết hết sức xưa cũ –, sau thảm họa Algérie đã quay lưng lại với quân đội và đã từ bỏ ánh hào quang của vũ khí để làm một thầy dòng trong một tu viện dòng Đa Minh. Đại úy Trinquier có con đường sự nghiệp bất ngờ nhất, người đã phục vụ trong bộ binh thuộc địa ở nhượng địa Pháp tại Thượng Hải, trước khi đến với nhóm lính của Ponchardier. “Pasha” ít có cảm tình với người đàn ông điển trai kiểu Địa Trung Hải, quá thanh lịch này, người ngay trong rừng rậm Đông Dương cũng đi lại với một cái khăn lụa quàng cổ và nổi bật với cách ăn nói lịch sự. Thời đó, không ai nghĩ rằng trong giai đoạn cuối của cuộc Chiến tranh Viễn Đông của Pháp, Trinquier đã tổ chức các tổ kháng chiến của nhóm người dân tộc Mèo theo Pháp ở phía sau chiến tuyến của Việt Minh hay trong Chiến dịch Bắc Phi ông ấy đã nhận nhiệm vụ triệt tiêu khủng bố không thương xót trong Kasbah của Algier. Cuối cùng, sau cú đảo chính của các tướng lĩnh chống lại de Gaulle và sau khi rời khỏi quân đội, có một thời gian ngắn ông ấy còn là tổng chỉ huy của quân đội Kantaga, phục vụ cho tổng thống Moise Tshombe.

    Trên đường tiếp tục hành quân, chúng tôi bất ngờ bắt gặp một nhóm nông dân người Camphuchia. Họ nối đuôi nhau tiến đến. Có thể nhận ra họ là người Khmer qua làn da sẫm màu, ở mái tóc xoăn và ở xà rông mà họ quấn quanh hông. Khi nhìn thấy lính Pháp, họ quỳ xuống và chắp tay lại với nhau theo một cử chỉ khuất phục xưa cũ. Chúng tôi đã đến vùng làng mạc Campuchia. Nhà dọc theo các dòng nước được dựng trên cột. Cả phong cảnh ở đây cũng thay đổi. Đồng ruộng ở đây được thống trị bởi những cây báng đứng đơn độc, bị gió thổi rối tung. Ở làng kế đến, nhiều người Campuchia khỏe mạnh được tuyển mộ làm phu khuân vác. Họ thích làm việc cho người Pháp khi vấn đề là giết những kẻ thù lâu đời của họ, người Việt. Trong trận đánh, họ nhanh chóng vượt qua được nỗi hoảng sợ đầu tiên của họ và lúc nào có bắn nhau thì cũng đều mừng rỡ như trẻ con.


    Lực lượng Commando Parachutiste Ponchardier trên Rue Catinat, Sài Gòn
    Ngày 30 tháng 19 năm 1945


    Với những lỗ châu mai, thành lũy và tháp của nó, pháo đài cũ của Pháp ở Tây Ninh nằm – nhìn từ xa – giống như một món đồ chơi trong mặt trời về chiều. Nó xuất phát từ thời đầu của cuộc thuộc địa hóa, khi những người Pháp đầu tiên xâm chiếm ở Nam Kỳ còn phải chống lại cướp sông. Màn chống muỗi được giăng ra trên những cái giường xếp. Bóng tối đến bất chợt, và màn đêm oi bức dính da. Những người lính ăn khẩu phần của họ. Rượu vang đỏ được lấy ra từ ở đâu đó. Người ta ồn ào trong những công sự của cái pháo đài xưa cũ. Vào buổi chiều đã có một nhóm cảnh sát chính trị đặc biệt từ Sài Gòn đến, phần nhiều là người Âu Á. Họ đã hỏi cung tù binh. Đã có tra tấn trong lúc đó, như chúng tôi nghe được lúc đến pháo đài. Người ta nhúng đầu của các nghi phạm vào trong một cái thùng nước cho tới khi họ chịu cung khai. Đó được gọi là la baignoire – bồn tắm. La gégène, cực hình bằng điện nhờ vào một cái máy phát điện nhỏ, thời đó vẫn còn chưa thông dụng ở Đông Dương. Nhưng những người Á, người ta nói thế, có những biện pháp tinh xảo và đáng sợ để bắt những kẻ cứng đầu cũng phải nói. Đau khổ cho những người Âu nào còn sống mà lọt vào tay của du kích quân! Chúng tôi đã nhiều lần thấy xác chết người Pháp trôi nổi trên sông nước của Nam Kỳ mà tinh hoàn của họ bị nhét vào mồm và đã bị đóng cọc xuyên qua người bằng một cây tre. Trong khi nhóm lính làm ồn ào và đòi gái Campuchia, những nhóm tiền đồn hai người hay ba người đóng ở rìa của khu rừng. Trong sự đơn độc nguy hiểm này, sự hoang dã dường như đầy những tiếng ồn của thế giới động vật. Một con côn trùng càng nhỏ thì lại càng gây ra nhiều tiếng động. Trong lúc đó có những cái gì đó chạy vụt qua và kêu sột soạt. Một cuộc săn đuổi và giết nhau không thương xót đang diễn ra trong thiên nhiên về đêm. Chỉ có nỗi lo sợ phải xấu hổ là ngăn chận những người lính đang đóng ở bên ngoài bắn bừa vào cái thế giới xung quanh đang kêu lách cách, rì rì và ken két đó, thế giới mà người ta không nghe thấy được những người do thám của quân địch có thể đang bò tới trong sự che chở của nó.

    Trong một căn phòng trong tháp, các sĩ quan đánh giá thông tin do một nhân viên tình báo từ Sài Gòn vừa trình bày cho họ. Người chuyên viên của Phòng Nhì là một người lai người Hoa, với một khuôn mặt chim, rình rập. Ông đã đóng phần chính trong các cuộc tra tấn. Người Pháp đã đánh mất phần lớn những ảo tưởng mà họ đã quay trở lại Đông Dương cùng với chúng vào lúc ban đầu. Thời đó, các đặc phái viên của de Gaulle – một phần còn trước khi Nhật Bản đầu hàng – đã nhảy dù xuống những vùng nổi dậy của người dân bản xứ, vì ở Paris người ta tin rằng các du kích quân chống Nhật sẽ chào đón họ như bè bạn và người giải phóng. Phần lớn những con người liều lĩnh đó đã bị giết chết rất nhanh chóng dưới những cực hình đáng sợ. Những người sống sót – theo thủ tướng sau này Pierre Messmer – phải mừng là các du kích quân đỏ đã nhốt họ lại trong cũi tre, nơi họ phải chịu dựng sự phỉ nhổ của người dân và bị ném trứng thối.

    Người đàn ông của Phòng Nhì nói về một thay đổi trong tình hình chính trị ở Tây Ninh. Vào lúc ban đầu, đạo quân viễn chinh còn tìm kẻ thù chính ở Đông Dương trong các giáo phái và các nhóm người thỏa hiệp với người Nhật và hy vọng được độc lập nhờ vào lòng khoan dung của Nhật Hoàng. Ở các tỉnh quanh Tây Ninh thì đó trước hết là giáo phái pha trộn Cao Đài với một triệu rưỡi người. Ở đồng bằng sông Cửu Long, ở rìa của những cánh đồng lau sậy, thì là phong trào của các chiến binh phật tử Hòa Hảo, có tròn 600.000 người theo đạo. Nhưng mới đây, những người tôn giáo quá khích rối rắm này, sở hữu lực lượng dân quân có khả năng chiến đấu, nhìn thấy họ bị đe dọa bởi lần trỗi dậy của mặt trận cách mạng đỏ của Việt Minh. Họ phản ứng với sự thù địch mang tính bản năng chống lại hệ tư tưởng duy vật của các cán bộ cộng sản, những người với sự nhiệt tình của một tông đồ đã xúi giục người nông dân nổi dậy, và ngay từ bây giờ đã tìm cách hòa hoãn với thế lực thuộc địa trước đây, dưới điều kiện là người Pháp sẽ tôn trọng quyền tự trị của Cao Đài và Hòa Hảo. Từ bây giờ thì đã rõ, rằng các giáo phái này có thể sẽ trở thành những đồng minh quý giá, vì dường như chỉ riêng họ mới sở hữu được động lực tinh thần không thể thiếu được để đứng vững trước làn sóng tấn công ý thức hệ của chủ nghĩa cộng sản.

    Phe chống cộng sản của chủ nghĩa dân tộc Việt Nam vẫn còn nhìn thấy trước mắt mình cảnh tượng đáng thương hại của hoàng đế An Nam, Bảo Đại, nghĩa là “Người gìn giữ cái lớn”, người trong tháng 4 năm 1945 đã được người Nhật tuyên bố trở thành người đứng đầu của một vương quốc Việt Nam độc lập và trong lúc đó đã dựa trên đảng Đại Việt thân Nhật và các quan lại ở Huế. Bảo Đại, năm 1925 trở thành hoàng đế lúc mười hai tuổi, chỉ có thể tự khẳng định mình được một vài tuần trước người dẫn đầu du kích quân có chòm râu dê đó từ vùng Bắc Kỳ ở phương Bắc, người dưới cái tên Hồ Chí Minh đã tuyên bố thành lập nước “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Hồ Chí Minh không phải là kẻ xa lạ đối với các cơ quan mật vụ Pháp. Ông ấy đến Pháp như là một người thợ rửa ảnh trẻ tuổi và ngay từ năm 1920 đã có mặt trong lúc thành lập Đảng Cộng sản Pháp ở Tours như là một đồng chí từ Viễn Đông. Sau đó, ông đi qua trường lớp của Đệ Tam Quốc tế trước khi bắt đầu cuộc đấu tranh chống người Nhật trong Đệ nhị thế chiến từ ở biên giới Nam Trung Quốc với một nhóm nhỏ những người trung thành. Trong thời gian đó, điều ngược đời là Hồ Chí Minh còn hưởng được sự trợ giúp của mật vụ Mỹ OSS đóng ở tỉnh lỵ Trung Quốc Côn Minh và giúp đỡ Việt Minh, phong trào tập hợp quốc gia của những người cộng sản Việt Nam, với vũ khí và tiền bạc.

    Trong những ngày đó, “Pasha” vẫn còn hy vọng rằng đội Commando của ông ấy có thể sẽ được triệu tập để thực hiện những hoạt động lớn lao. Trong nửa phần phía Nam của Đông Dương, qua một chiến dịch, quân đội viễn chinh Pháp đã có thể đứng vững được nhờ vào lòng rộng lượng của Anh quốc. Nhưng ở phía Bắc của vĩ tuyến 16 – ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ và ở Bắc Lào –, theo như trong Hiệp định Potsdam quy định, được giao trách nhiệm tước vũ khí người Nhật là quân lính Trung Quốc của Tưởng Giới Thạch, các sư đoàn của Quốc Dân Đảng. Họ đã đứng vững như là thế lực chiếm đóng mới, và rõ ràng là hoàn toàn không hề nghĩ đến việc trao trả lần chinh phục bất ngờ này lại cho các ông chủ thuộc địa Pháp ngày xưa. Nếu như theo ý muốn của Roosevelt, người kiên quyết chống chính sách thuộc địa một cách mơ mộng, thì lẽ ra đã không còn có một người lính Pháp nào được phép quay trở lại Đông Dương. Nhưng Roosevelt đã chết khi Nhật hoàng đầu hàng, và người Anh rất muốn nhìn thấy người Pháp và người Hà Lam bấu chặt vào các sở hữu trước kia của họ, những cái mà người Nhật đã để lại trong loạn lạc và lộn xộn. Có lẽ họ cần phải hướng cơn bão của chủ nghĩa dân tộc châu Á đến một vùng đệm ở Đông Dương và Indonesia mà trong sự bảo vệ của vùng đệm này, Liên hiệp Anh – trong con mắt của người Pháp vẫn còn là “nước Anh xảo trá” – bắt đầu tiến hành chính sách Thịnh vượng Chung tự do và có tầm nhìn xa của mình trên tiểu lục địa Ấn Độ.

    Vào sáng sớm có một cơn mưa đến bất ngờ. Độ ẩm đã được mặt trời hút lấy khi tôi đi đến thánh đường của những người Cao Đài, một tòa nhà màu vàng khổng lồ theo kiểu của một nhà thờ Pháp. Vào giờ này, rừng rậm trên sườn núi dốc của “Bà Đen” óng ánh trong màu xanh đậm. Việc bình thường hóa hẳn đã tiến xa hơn là chúng tôi dự đoán vào lúc ban đầu, vì thánh đường này đã đầy hơn nửa vào lúc làm lễ ban sáng. Giáo hoàng của giáo phái Cao Đài đã chạy trốn sang Thái Lan, nhưng phần lớn giáo sĩ của ông ấy – thuộc vào trong số đó là một hội đồng giáo chủ và nhiều giám mục – vẫn ở lại tại chỗ, không bị người Pháp gây khó dễ và đang tiến hành những nghi lễ kỳ lạ của mình trong gian chính khổng lồ, giống như một đại sảnh của thánh đường. Từ ở nơi đó, ở nơi mà trong một nhà thờ Công giáo là nơi của bệ thờ, có một con mắt khổng lồ nhìn từ một tam giác có hào quang bao quanh xuống cộng đồng tín ngưỡng. Các giáo sĩ tùy theo cấp bậc mà phủ kín người với quần áo lụa màu xanh, đỏ và vàng, những cái chấm dứt với cái mũ trùm đầu nhọn của Ku-Klux-Klan. Người theo đạo bình thường mặc quần áo màu trắng. Tiếng cầu kinh rì rầm làm cho người ta nhớ tới tiếng cầu nguyện của Kitô giáo và tiếng tụng kinh của Phật giáo. Những người theo đạo liên tục quỳ xuống và tiếng cồng chiêng vang lên không ngưng. Khói nhang bay lên đến tận con mắt huyền bí đó. Tôn giáo pha trộn kỳ lạ của Cao Đài không nhiều tuổi hơn là thế kỷ 20. Thuộc trong số các thánh của họ, những người được sùng kính đặc biệt, là Đức Phật, Khổng Tử, Giê-xu và … nhà thơ người Pháp Victor Hugo. Ở cổng vào thánh đường, các nhà tiên tri này của đạo Cao Đài được mô tả qua những bức tượng đắp nổi nhiều màu chất phác. Khách tham quan người Pháp đặc biệt buồn cười về tượng mô tả Victor Hugo, người rõ ràng vì thông điệp nhân đạo của mình như là tác giả của “Những Người Khốn Khổ” mà đã được nhận vào điện thờ các thần này. Tôi có xúc cảm nhiều nhất là ở việc cái đầu râu trong số ba người của Académicien này trông giống bức chân dung được lưu truyền lại của Karl Marx hết sức. Về cơ bản thì không có lý do gì để chế diễu cả. Những lần thành lập tôn giáo đều luôn gắn liền với những điều kỳ lạ. Đạo Cao Đài chắc chắn không phải là một hiện tượng dài lâu. Nhưng trong sự cống hiến cuồng tín của nó, trong sự tìm kiếm những mô hình xa lạ, trong hoạt động vì quốc gia của nó, trong mối liên quan nào đó, nó cũng tương tự như cái tôn giáo ý thức hệ bí mật và kiên quyết đó của những người cộng sản Việt Nam, đã giành lấy được một phần của quyền lực về cho họ ở Hà Nội, và môn đồ của nó ở đồng bằng sông Cửu Long đã ngày một nhiều hơn.


    Bên trong Thánh đường của đạo Cao Đài



    Người Pháp tin là đã hiểu được người An Nam của họ. Ở Nam Kỳ đã có cả một lớp tư sản địa phương thành hình, đã tiếp nhận ngôn ngữ và lối sống Pháp, còn nhận được cả quốc tịch Pháp nữa, bác sĩ, luật sư, chủ đồn điền. Nhưng sống dưới tầng lớp tinh hoa này là một dân tộc mà nhiều nhất là chỉ có những nhà dân tộc học của Ecole d’Extrême-Orient và những nhà truyền đạo nào đó hiểu biết. Các “nhà quê” này, những người nông dân trồng lúa này, như họ bị gọi một cách khinh rẻ, chỉ được sử dụng như là lính dẫn ngựa trong Đệ nhất thế chiến vì người ta cho rằng họ không có khả năng quân sự. Những kẻ được gọi là chuyên gia Đông Dương, các old hands, những kẻ ngu đần không chịu mở mắt của chủ nghĩa thực dân được gọi một cách kính nể bằng một từ anglo-saxon như thế, đã kể lại cho những người lính mới đến của đạo quân viễn chinh, rằng dân An Nam không bao giờ chiến đấu trong bóng đêm, vì sợ ma, “Ba Cui” và sợ cọp. Chẳng bao lâu sau đó, người ta nhận ra rằng sống ở Việt Nam là chủng tộc chiến binh kiên cường nhất Châu Á, và rằng màn đêm thật ra mới chính là môi trường của họ.

    Dấu ở dưới sự kỳ lạ của một giáo phái thường là một cốt lõi chính trị nghiêm chỉnh chết người. Sau này chúng tôi sẽ gặp gỡ giáo xứ kỳ lạ của “Thánh Cây Dừa” ở tại một nhánh của sông Cửu Long. Một doanh nhân gù người An Nam bất chợt có ý tưởng thành lập một tôn giáo mới do Thượng Đế giao phó. Ông thường ngồi thiền trên một cây dừa. Người gù này đã hết sức nhanh chóng tập họp được một cộng đồng tín ngưỡng quanh mình, tiến hành những nghi thức thờ cúng kỳ lạ, tuân theo các quy định khổ hạnh và mặc những chiếc áo choàng màu nâu. Vì nhà tiên tri của mình, người không thể nằm ngữa ngủ được vì thân thể tật nguyền của mình, nên các môn đồ đều nằm ngủ nghiên. Thánh địa chính của họ nằm trên khu nhà sàn trên dòng nước, nhưng chẳng bao lâu sau đó, các đền thờ được trang trí hoa mỹ của họ lan đến tận ngoại ô Sài Gòn.

    Có một trái địa cầu khổng lồ gây sự chú ý của tôi, cái mà họ đã dựng lên trên một cái bệ ở giữa sông. Trên quả địa cầu đó, nước Việt Nam ngày nay được thể hiện quá khổ và trải dài ở rìa Thái Bình Dương từ Kamchatka cho tới Úc. Sự thể hiện đất nước quê hương như thế này có ý nghĩa gì, tôi hỏi một người già ngoan đạo, người với bảy chòm râu của mình trông giống như một ông thánh của đạo Lão. Ông thầy tu trả lời bằng tiếng Pháp trong trẻo đến mức đáng kinh ngạc: “Khi nào nước Việt Nam tái thống nhất và tự do – Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ dưới một quốc gia –, thì chúng tôi sẽ to lớn và hùng cường như quả địa cầu đó mô tả.” Rằng sự ấp ủ tôn giáo trong đất nước bị chia cắt này loan báo trước sự xuất hiện của một thời đại mới, một con người Việt Nam mới, việc đó thì không có một nhân viên hành chính hay một sĩ quan thuộc địa Pháp nào hiểu được kịp thời. Nhưng vào thời bắt đầu Công Nguyên, có một thống đốc hay một sĩ quan binh đoàn La Mã nào trong tỉnh Syria mà lại linh cảm rằng các sự kiện huyền bí trong dân tộc Do Thái sẽ khởi đầu cho sự chấm dứt đế chế của họ và thay đổi toàn bộ nhận thức của thế giới Cổ đại đâu.

    Trước khi đội Commando trở về nơi thường trú của họ trong một ngôi nhà dòng họ của người Hoa trên Boulevard Galliéni [Đường Trần Hưng Đạo] ở nửa đường vào Chợ Lớn, đoàn xe bị kẹt lại bởi một dòng tuần hành bất thường. Trong hàng ba, nhưng không có vũ khí, một đoàn dài những người lính của tất cả các binh chủng – sĩ quan đi đầu – bước đều bước qua đường phố nội thành Sài Gòn. Chúng tôi hỏi người đứng xem là đang xảy ra việc gì. Một nhóm nhỏ người Pháp chống chiến tranh và những người phe tả chống chế độ thuộc địa, người ta nói thế, đã phân phát tài liệu yêu cầu nước Pháp rút khỏi Đông Dương và lên án đoàn quân viễn chinh, rằng thay vì honneur et patri, danh dự và tổ quốc, họ đã viết honneur et profit, danh dự và lợi nhuận, lên lá cờ của họ. Hãng in nhỏ của “Nhóm Thất bại Chủ nghĩa” này đã bị những người biểu tình thuộc quân đội đập cho tan tành. Bây giờ người ta đồng thanh hô to trên Rue Catinat: “De Gaulle au pouvoir!” – “De Gaulle lên nắm quyền!” Trong tháng Giêng năm 1946, Tướng de Gaulle bất ngờ đã từ bỏ chức vụ của ông như là người đứng đầu chính phủ lâm thời của Pháp. Qua đó, ông muốn phản đối những cuộc tranh cãi đảng phái tái xuất hiện và phản đối sự tan rã nội bộ của Pháp, và đã bực tức lui về ngôi nhà nông thôn của ông ở Colombey-les-Deux-Eglises. Quân đội Đông Dương, mà nguyên tố de Gaulle hiện diện mạnh ở trong đó, bất chợt cảm thấy mình mồ côi, nhất là khi các đảng phái cánh tả của Pháp bắt đầu hoạt động chống lại chiến dịch ở Viễn Đông. Không chỉ những người có cảm tình với Đảng Cộng sản Pháp là đứng rõ ràng ở bên phía của những người Việt dân tộc chủ nghĩa. “De Gaulle lên nắm quyền!” còn vang lên thêm vài lần nữa. Rồi một đội quân cảnh cũng gửi được những người biểu tình đó trở về doanh trại của họ mà không cần phải tốn nhiều công sức. Còn phải mười hai năm nữa, trước khi cũng tiếng gọi đó –được một đám đông người nắm bắt lấy trên diễn đàn Algérie – sẽ khởi đầu cho lần lật đổ nền Đệ Tứ Cộng Hòa.

    (còn tiếp)


    Last edited by KiwiTeTua; 07-18-2022, 08:57 AM.

  • #2
    4. Hiệp ước của Bác Hồ với viên Tướng Pháp - Hải Phòng, Xuân 1946

    Vịnh Hạ Long có một hình ảnh ma quái. Ngay sau khi màn sương tan bớt đi một ít, vô số những tảng đá vôi kỳ lạ xuất hiện trên biển màu xanh đậm, bất động. Một cơn mưa nhỏ, lạnh, được gọi là chachin [mưa phùn], cứ rơi xuống không ngưng. Những người lính của hạm đội đổ bộ Pháp đứng rùng mình ở cạnh lan can tàu và ngay bây giờ đã nhớ nhung cái nóng nực của Sài Gòn rồi. Ngày càng có nhiều thuyền buồm hiện ra từ sương mù. Cả gia đình sống trong những gian phòng đơn sơ trên những chiếc thuyền đó. Với những cánh buồm màu nâu sậm của chúng, các chiếc thuyền lướt đi trên nước như những con dơi. Người dân Việt trên thuyền tìm cách tiếp xúc với đạo quân xâm lược xa lạ đó. Họ ăn mặc rách rưới và mời mua vài con tôm cá. Chắc họ phải thiếu thốn ghê gớm, vì họ lao đến những phần thức ăn thừa rơi ra từ lối lên xuống tàu, còn vớt cả những lon đồ hộp rỗng lên và gom chúng lại như những vật quý giá. Qua cái nhìn đầu tiên, các ngư dân từ Hạ Long này là một dân tộc nhỏ bé hết sức thân thiện. Họ nói ríu rít không ngưng. Và khi những người lính muốn tán tỉnh các cô gái và các cô này mỉm cười đáp trả, thì người Pháp hãi hùng nhận ra rằng răng của họ đã được nhuộm đen.

    Hạm đội nằm trước thành phố cảng Hải Phòng của Bắc Việt Nam đã ba ngày rồi. Tướng Leclerc đã lên đất liền, để đàm phán với các viên chỉ huy Trung Hoa Quốc gia. Về nguyên tắc, Chính phủ Tưởng Giới Thạch ngay từ cuối tháng 2 đã đồng ý để cho người Pháp thay thế quân đội của họ ở phía Bắc của vĩ tuyến 16. Nhưng quyền hạn của viên tổng tư lệnh đối với các viên tư lệnh tỉnh Vân Nam của ông ấy, đã tràn vào Bắc Kỳ với những đám người cướp bóc của họ, dường như là có giới hạn. Đám lính hỗn loạn của Trung Hoa Quốc gia đó đã ập vào Bắc Việt Nam như một đàn châu chấu. Họ đã cướp bóc, hãm hiếp và đối xử như đang ở trong một đất nước bị họ xâm chiếm. Việc rút quân đối với họ hoàn toàn không đúng lúc.

    Vào ngày thứ tư, tiếng đại bác vang rền qua phong cảnh núi đá tuyệt đẹp của vịnh Hạ Long. Viên tổng tư lệnh Pháp không còn kiên nhẫn được nữa. Một đội xung phong đã đổ bộ vào bờ biển, và chiếc tàu khu trục “Le Triomphant” đã từ cửa sông Hồng đi lên theo hướng các bến tàu của Hải Phòng. Chiếc tuần dương hạm bị các khẩu đội pháo bờ biển nhắm bắn, nhưng với một vài loạt đạn nó đã làm câm bặt sự phản kháng. Lá cờ trắng được treo lên trên các vị trí của người Trung Quốc, và những người Pháp đổ bộ ngạc nhiên nhận ra rằng các khẩu súng của quân địch, những khẩu súng mà các người lính từ Vân Nam chẳng biết làm gì với nó, được điều khiển bởi tù binh Nhật.



    Tàu khu trục Le Triomphant

    Tôi quan sát những người lính Trung Hoa Quốc gia không biết mệt. So với người Việt, họ tương đối to cao. Họ mặc quân phục màu xanh da trời với xà cạp quấn dầy. Lúc hành quân, họ thích nhất là đeo giày lên vai và đi chân đất. Ngược với người Bắc Kỳ, những người tò mò chen chúc nhau quanh những kẻ mới đến và dò hỏi họ, có một bức tường tâm lý ngăn cách đứng giữa người Pháp và người Trung Quốc, cái không bao giờ được phá vỡ. Các thiên tử tuy là có xe tải mới xuất xưởng của General Motors và mỗi buổi sáng đều tập thể dục dưới tiếng hét gây kinh sợ trong các công viên của Hải Phòng, nhưng họ trông giống như một đám lính thời Trung cổ. Thương gia giàu có người Hoa ở Hải Phòng, cũng bị những người đồng hương của mình cướp bóc không kém gì người Việt, ghê tởm nhìn đám người đó và để mặc cho sự khinh thường của đạo Khổng về tất cả những gì thuộc binh lính tự do tuôn chảy ra.

    Người Nhật bị bắt làm tù binh thuộc kiểu người hoàn toàn khác. Kỷ luật của quân đội này vẫn còn nguyên vẹn, và các sĩ quan ra vẻ quan trọng đi lại giữa những người dưới quyền của họ như những con mèo đực mang ủng. Sau đó, người Nhật đứng thành hàng ngàn người ở các bến tàu và lên tàu chở hàng để trở về đất nước mặt trời mọc sau chiến bại đầu tiên trong lịch sử nhiều ngàn năm của họ.

    Lần đầu tiên, các nhà hành chính người Pháp và các chuyên gia Đông Á, những người quay trở lại Bắc Kỳ, mới cảm nhận rằng họ đang đứng đối diện với một thế giới đã thay đổi hoàn toàn và đối diện với những sức mạnh khổng lồ không thể kiểm soát được. Tướng Leclerc de Hautecloque nhận thức được tình hình mới sớm nhất. Trong một quyển tiểu thuyết của Hemingway, ông ấy đã bị phác họa một cách không đúng như là một người quý tộc kiêu căng. Từ năm 1940, Leclerc đã tập họp những nhóm đầu tiên của Lực lượng Pháp Tự do ở Trung Phi và trong thời gian ba năm sau đó đã cùng với họ kéo qua sa mạc của Tchad và Libya cho tới bờ biển Địa Trung Hải, và Tướng Eisenhower đã có đủ lịch sự để cho đơn vị Pháp này là nhóm quân đầu tiên của phe Đồng Minh tiến quân vào Paris. Leclerc đã cảm ơn ông ấy một cách không tốt, vì chống lại mệnh lệnh dứt khoát của viên Tổng Tư lệnh Đồng Minh, trong mùa Đông 1944/45 ông ấy đã tiến quân qua vùng núi Vosges vào đồng bằng sông Rhein về đến thành phố Strasbourg, thể theo một lời thề mà ông ấy đã thề dưới những cây dừa của ốc đảo Kufra, và đã kéo lá cờ Tricolore lên trên nhà thờ ở đó. Người đàn ông gầy và bướng bỉnh này, người mà không bao giờ rời cây gậy của mình, đã gặp một đồng lõa khác biệt ở Bắc Việt Nam, gặp nhà cách mạng Hồ Chí Minh.

    Có ít người Pháp, những người ở Đông Dương lúc bấy giờ, là hiểu được ý nghĩa sâu xa của các tiếp xúc bí mật giữa Leclerc và “Bác Hồ”, như ông được những người đi theo ông gọi, ông Đô đốc Thierry d’Argenlieu đó lại càng không, người nhận nhiệm vụ từ de Gaulles, được trao toàn quyền về hành chính, đến Viễn Đông như là cao ủy Pháp. Trước chiến tranh, d’Argenlieu, cũng là một người theo de Gaulle từ giờ phút đầu tiên, là tu viện trưởng của một tu viện dòng Cát Minh. Ở Đông Dương, ông ấy cư xử như một hiệp sĩ Thập Tự Chinh đến muộn, chống lại mọi thỏa hiệp với kẻ thù của Pháp và bị báo chí cánh tả ở Paris gọi là “nhà tu khát máu”.

    Nhà dân tộc chủ nghĩa Hồ Chí Minh đã hiểu theo bản năng, rằng việc người Trung Quốc ở lại Bắc Kỳ sẽ gây tai hại cho nền độc lập của Việt Nam nhiều hơn là một thỏa thuận tạm thời với người Pháp. Cuối cùng thì sự thống trị thuộc địa Pháp chỉ kéo dài gần một thế kỷ, nhưng từ hai ngàn năm nay dân tộc Việt Nam đã phải chống lại sự lệ thuộc hóa và chống lại sự đồng hóa hoàn toàn bởi Trung Quốc. Thêm vào đó là các cân nhắc chính trị hiện thời. Phát hiện ra một chính phủ Mácxít dưới sự lãnh đạo của mặt trận tập hợp dân tộc Việt Minh, người Trung Quốc Quốc Dân Đảng nghi ngờ Hồ Chí Minh, người đứng trong cùng một tư tưởng hệ như kẻ thù không đội trời chung Mao Trạch Đông của họ. Cả trong Đông Dương cũng có những người dân tộc chủ nghĩa trung lưu, hướng theo ví dụ Trung Quốc của Tưởng Giới Thạch. Năm 1931, họ đã tạo một cuộc khởi nghĩa chống lại người Pháp, cái bị cơ quan thuộc địa nhận chìm trong máu. Vào thời đó, Đảng Cộng sản Đông Dương cũng nhờ vào sự giúp đỡ của người Mácxít Pháp mà thành lập được một vài chi bộ. Thời điểm của Hồ chỉ đến khi những thăng trầm của Đệ nhị thế chiến giao lại cơ hội to lớn cho nhóm du kích quân được tổ chức hơn hẳn của ông. Đi theo sau Quốc Dân Đảng, những người dân tộc chủ nghĩa trung lưu của phong trào “Việt Nam Quốc Dân Đảng” hay VNQDD đã trở về Hà Nội, và người Trung Quốc đã bắt buộc Hồ Chí Minh phải nhận những kẻ thù giai cấp đó vào trong chính phủ của ông, những người mà ông hết sức căm thù. Trong mùa Đông 1945/46, giữa Việt Minh và VNQDD ngày càng có xung đột dữ dội hơn, tới mức việc nhanh chóng thay thế người Trung Quốc bởi người Pháp đã trở thành một câu hỏi sống còn cho Hồ Chí Minh.

    Một sĩ quan Hải Quân Nhật Bản trao thanh kiếm của ông cho chuẩn úy Anthony Martin trong một nghi lễ tại Sài Gòn
    Hình: Wikipedia

    Tướng Leclerc về phần mình nhìn nhà Mácxít Hồ Chí Minh như là một đồng minh có thể. Thuộc địa Pháp từ sau cuộc bại trận năm 1940 thế nào đi chăng nữa thì cũng thuộc về quá khứ và cần phải được thay thế bằng những mối liên kết mới, tự do, giữa nước mẹ và những lãnh thổ hải ngoại của nó. Hồ Chí Minh đã đề nghị là nước Cộng hòa Việt Nam sẽ ở lại trong một liên minh quốc gia với Pháp. Ông muốn tạm thời chuyển các chủ quyền cơ bản trên lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng và chính sách tiền tệ về cho Paris. Một thỏa thuận kỳ lạ đã diễn ra vào thời điểm đó: việc người Pháp đổ bộ vào phía Bắc của vĩ tuyến 16 đã cứu những người cộng sản Bắc Kỳ ra khỏi gọng kìm của Quốc Dân Đảng và VNQDD; về chính sách đối nội, Đệ tứ Cộng hòa Pháp, cái cũng vừa mới được xác nhận qua một cuộc trưng cần dân ý, giao cho Việt Minh toàn quyền ở Bắc Việt Nam. Bù vào đó cho người Pháp, lính Tưởng Giới Thạch sẽ rút quân và Đông Dương sẽ ở lại trong một liên minh hải ngoại Pháp, cái trong văn bản hiến pháp mới có tên là Union Française.

    Cả hai bên hẳn biết rằng mình đã thỏa thuận với quỷ. Trong quân đội Pháp, người ta không thật sự muốn phi thuộc địa hóa, và phần lớn các sĩ quan bảo thủ đều ghét cay ghét đắng các chính ủy Việt Minh đỏ. Sau khi những người Trung Quốc mang đầy chiến lợi phẩm cuối cùng rồi cũng hành quân trở về Trung Quốc qua biên giới ở Quảng Tây và Vân Nam, các ủy ban cách mạng của Việt Minh đầu tiên là dẹp sạch các đối thủ thuộc giới trung lưu của họ và đã thảm sát các thành viên lãnh đạo của VNQQD trong thành phố Yên Bái nhỏ bé. Người Pháp bất động đứng nhìn các lực lượng chống cộng sản này, các lực lượng mà họ sẽ cay đắng cảm thấy thiếu trong những năm sau này, bị thủ tiêu như thế nào. Sau khi những người Trung Quốc phiền toái đã rút lui và sau cuộc thảm sát ở Yên Bái, các đại tá của đạo quân viễn chinh trong thâm tâm rất nôn nóng, muốn bóp cổ Việt Minh càng sớm càng tốt và dùng bạo lực vũ khí để tái thành lập pax franca ở Viễn Đông.

    Về phần mình, người Việt chẳng hề che dấu những ý định thật sự của họ. Chữ “Độc Lập” kỳ diệu được viết bằng mực đỏ và những chữ cái khổng lồ trên mỗi một bức tường, trên nhựa đường của mỗi một con đường. “Độc Lập” có nghĩa là “độc lập” và chỉ có một kẻ ngu đần mới có thể cho rằng các nhà dân tộc chủ nghĩa cuồng tín có niềm tin Mácxít này sẽ từ bỏ hoàn toàn chủ quyền toàn vẹn, rằng sẽ có lần họ chịu xếp mình đứng dưới Paris trong bất cứ một hình thức nào. Với cùng một sự dứt khoát đó, khẩu hiệu trên những bức tường khác cũng yêu cầu sự thống nhất của “Ba Kỳ”, của ba phần đất Việt Nam: Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Các nhà cách mạng của Việt Minh biết rằng giới tài chính Pháp có nhiều ảnh hưởng ở xung quanh Banque de l’Indochine trong trường hợp khẩn cấp thì cũng sẵn sàng phó mặc vùng đồng bằng sông Hồng quá đông dân với lượng người đang đói khổ cho số phận của nó, cũng như bỏ vùng đồi núi không mến khách của Trung Kỳ. Nhưng họ cũng biết rằng những nhóm có nhiều ảnh hưởng này sẽ không từ bỏ sở hữu của họ ở Nam Kỳ, từ bỏ đồng bằng ruộng lúa ở cạnh sông Cửu Long, những đồn điền cao su mang lại nhiều lợi nhuận của miền Nam và muốn tạo từ vùng đất này một nước cộng hòa riêng với sự khoan hồng của Pháp.

    Trong những tuần đó, Hải Phòng có một quang cảnh kỳ lạ. Bây giờ bay phất phới bên cạnh Tricolore là lá cờ đỏ với ngôi sao vàng đã được chính thức hóa của Việt Minh. Cộng hòa Việt Nam trẻ tuổi có quân đội riêng, mặc quân phục màu nâu rỉ sắt. Những người lính đội nón cối màu xanh thêm vào đó. Vũ khí của họ phần lớn có nguồn gốc từ các kho vũ khí của Nhật. Cùng với bộ binh thuộc địa Pháp, những người đàn ông nhỏ bé này của Bác Hồ được gửi đi trong các đội tuần tra hỗn hợp. Trong thực tế, các đối tác tình cờ này đứng đối diện với nhau như chó với mèo. Các bộ tham mưu Pháp xem đó là một sự sỉ nhục, khi họ phải thương lượng bình đẳng với những kẻ bắn lén đó, mà người dẫn đầu về quân sự của họ, một Võ Nguyên Giáp nào đó, đã có được các kiến thức chiến lược của mình nhờ là thầy giáo dạy Sử. Sự thật, rằng Giáp là một người hâm mộ tướng Bonaparte, chỉ mang lại cho ông ấy một nụ cười thương hại.

    Mùa mưa lạnh lẽo chấm dứt một cách đột ngột. Trong vòng một tuần, Bắc Kỳ biến đổi trở thành một cái lò nóng rực. Những dãy đồi núi lởm chởm đầu tiên bây giờ gần như có thể với tới được. Ai cũng cảm nhận được rằng Bắc Việt Nam sẽ là một chiến trường khó nhọc. Hải Phòng – ngoại trừ hai quảng trường có thể mang lại danh dự cho một tỉnh lỵ nhỏ của Pháp – là một thị trấn xấu xí. Thế nhưng trong tháng Xuân này, hoa phượng vĩ và hoa phượng tím nở rộ rực rỡ trong màu đỏ như lửa và màu tím.

    Thời đó tôi được phân cho ở cạnh một con kênh đào, trong một vùng tương đối buồn tẻ, nơi những khu phố ngoại ô xấu xí của Hải Phòng chuyển sang cái rộng lớn đơn điệu của những cánh đồng lúa. Đêm nào cũng có những bài hát chiến đấu cách mạng vang lên trong những làng ở gần đó. Chúng tôi dùng ống nhòm quan sát dân quân Việt Minh diễn tập, những người do thiếu súng ống mà thường phải cầm cây tre. Khi có các xác chết không toàn thây của ba công binh Pháp trôi dạt trên con kênh đào tìm đường ra biển vào một buổi sáng sớm, chúng tôi biết rằng sẽ không còn lại được bao nhiêu ngày của sự yên lặng dối trá này. Một tuần sau đó, tôi lại được gọi về Sài Gòn và xuống chiếc tàu tuần dương “Tourville” trong vịnh Hạ Long. Trong mặt trời đỏ về chiều, một phong cảnh đẹp đến ngạt thở phô bày ra cho tôi. Từ những làn nước yên lặng trong vịnh, lấp lánh như vàng nguyên chất trong ánh sáng muộn, những tảng núi đá vôi đen đứng sừng sững như những tấm bia mộ thời hoang sơ. Các chiếc thuyền buồm đi thành những vòng cung rộng lớn và chuyển động trước ngôi tinh tú đang chìm xuống như những con côn trùng quay vòng quanh một ngọn lửa.


    5. Gương mặt mới của chiến tranh Sài Gòn, đầu 1951

    Bốn năm sau đó, tôi ngồi trong chiếc máy bay Paris – Sài Gòn, trong một chiếc DC 4, cái cần đến ba ngày và hai lần ngủ qua đêm ở Cairo và Karachi mới tới được điểm đến. Phần lớn hành khách đều là những người đàn ông khỏe mạnh trong tuổi đi lính. Họ có tóc hớt kiểu bàn chải của quân đội, nhưng tất cả đều mặc thường phục, vì các cơ quan ở Calcutta, những người miễn cưỡng đã đủ khi nhân nhượng cho chiếc máy bay của Air France này đỗ lại, không muốn nhìn thấy quân phục Pháp. Giới báo chí Paris đã đưa những tin xấu từ Viễn Đông bằng những cái tít thật to. Đầu tiên, các kế hoạch bảo vệ đồng bằng sông Hồng đã rơi vào tay của địch thủ vì bị phản bội. Rồi đến viên tổng tham mưu Pháp lúc bấy giờ, người có cái tên đáng ngờ là “Revers”, cái có nghĩa là thất bại hay bại trận, đã quyết định rút các đồn lính ở biên giới quá muộn, những đồn lính có nhiệm vụ che chắn Bắc Kỳ trước các tỉnh láng giềng của Trung Quốc.

    Lính của Tiểu đoàn 1 Dù Lê Dương đang chiến đấu trên Quốc lộ 4, tháng 9 năm 1950
    Các tiền đồn đó nằm trong mối nguy chết người kể từ khi quân đội toàn thắng của Mao Trạch Đông tiến quân vào cho tới vùng phía nam của Quảng Đông và Vân Nam. Nước Cộng hòa Nhân dân đã đứng rõ về phía của Hồ Chí Minh, cung cấp vật liệu cho những người đồng minh đỏ và đào tạo cho quân đội cách mạng Việt Nam ở Nam Ninh theo các phương pháp đã được thử thách của cuộc chiến tranh giải phóng nhân dân. Trên đường rút lui từ thành phố Cao Bằng nhỏ ở biên giới, một đoàn quân ba ngàn người của Pháp đã bị phục kích trên những khúc quanh chữ chi của con đường xuyên rừng trên núi và trên thực tế đã bị tiêu diệt. Đồn Lạng Sơn chỉ tự cứu thoát được mình bằng cách hấp tấp tháo chạy bỏ lại toàn bộ vật liệu. Với lần chiến thắng của cuộc cách mạng Mao, vành đai ngăn chận của Pháp ở phía Bắc của Đông Dương không còn có thể giữ vững được nữa. Báo chí ở Paris chuẩn bị cho giới công chúng Pháp, giới công chúng mà trước sau gì thì cũng xa lánh cuộc chiến ở Viễn Đông, nếu như họ không giận dữ đấu tranh chống lại nó, về lần chiến bại mang tính quyết định của đạo quân viễn chinh trong tam giác của sông Hồng. Cuộc chiến tranh Đông Dương có tên là cuộc chiến tranh bẩn thỉu – la sale guerre – trong những quyển sách nhỏ của ĐCS Pháp, và ở Marseille, nơi các công nhân bốc xếp ở bến tàu thường đình công tại những chiếc tàu đi đến Sài Gòn, lực lượng tăng cường phải xuống tàu trong sự che chở của bóng tối. Ngay đến quan tài của những người đã hy sinh cũng được bí mật mang xuống tàu.

    Lần này tôi đến Sài Gòn như là một nhà báo. Tôi tìm thấy “Pasha” mà không cần lâu lắm. Ông ấy ngồi tháo mồ hôi trong một căn hộ trên đường Catinat và loay hoay đầy trìu mến cạnh một cái máy phát, cứ như thể đó là một cái máy của địa ngục. Không nhận ra được, rằng hiện giờ ông đã có hai ngôi sao đô đốc đầu tiên. “Pasha” đang lập một đội Commando mới từ lính hải quân. “Anh đừng ở lại Nam Kỳ”, ông khuyên tôi. “Ở đây chỉ còn có việc thường ngày và sự cẩu thả thôi. Anh hãy ra miền Bắc, hiện chúng tôi đang chơi những lá bài cuối cùng của chúng tôi ở đấy.” Hai ngày trước đó, một trận tấn công lớn của Việt Minh, được tiến hành bởi bốn mươi tiểu đoàn trong những đợt xung phong sát nhau để chiếm pháo đài Vĩnh Yên, đã sụp đổ trong làn đạn của người Pháp. Quân đội cách mạng, sử dụng phân nửa của toàn bộ lực lượng của họ và sau khi tràn ngập được cứ điểm Việt Trì đã tin là nắm được phần thắng, đã mất 8000 người trong trận đánh kéo dài năm ngày. Tổng tham mưu Việt Nam Giáp, một lãnh tụ du kích quân thận trọng, đã chống lại lần mạo hiểm đánh trận công khai này, thế nhưng ông ấy đã bị phủ quyết trong Bộ Chính trị của Đảng “Lao Động”, đảng cộng sản nòng cốt cứng rắn của Việt Minh. Người Việt đỏ không may. Họ bất thình lình phải đối diện với một viên tổng chỉ huy mới của người Pháp, tướng de Lattre de Tassigny, người đích thân ra đến tận chiến tuyến đầu để tạo can đảm cho quân lính, và là người đã sắp xếp mới các sư đoàn Pháp đang có được lại thành các combat teams cơ động. Nhưng mang tính quyết định trước hết là sự can thiệp của không quân, đã được tăng cường bởi những cung cấp hết sức vội vã của người Mỹ. Các nhà chiến lược của Việt Minh đã không chuẩn bị trước cho lần ném bom napalm. Kể từ chiến thắng cuối cùng của Mao Trạch Đông, các chiến binh đỏ đã có được một hậu phương khổng lồ, bất khả xâm hại. Thế nhưng người Pháp, chuyến phiêu lưu thuộc địa muộn màng của họ mới đây đã còn là một cái gai trong mắt của giới ngoại giao Washington, bây giờ lại có thể dựa vào sự giúp đỡ và tình đoàn kết nhiều hơn nữa của người Mỹ, kể từ khi Hoa Kỳ bị vướng sâu vào trong cuộc xung đột Triều Tiên.

    Hình ảnh của thành phố Sài Gòn đã biến đổi hoàn toàn trong vòng bốn năm vừa qua. Những dấu vết cuối cùng của sự đổ nát và dơ bẩn, hậu quả từ lần chiếm quyền lực ngắn ngủi của các nhà cách mạng Việt Nam trong năm 1945, đã được dọn dẹp từ lâu. Hơn bao giờ hết, bây giờ Sài Gòn giống như một préfecture êm đềm của Pháp ở miền nhiệt đới. Trong những cửa hàng trên Rue Catinat có hàng hóa xa xỉ. Giới Mafia Corse và những kẻ đầu cơ khác làm giàu qua traffic de la Piastre. Tiền tệ của Đông Dương, Piastre, bị những kẻ đầu cơ gom mua với giá rẻ đến buồn cười trên thị trường chợ đen và được chuyển khoản với giá chính thức cao gấp nhiều lần về nước mẹ. Trong lúc đó, những lứa sĩ quan trẻ tuổi của ngôi trường chiến tranh Saint Cyr lại đổ máu trên đồng ruộng. Những người đi phép gầy gò, bị bệnh sốt rét hành hạ căm ghét nhất là các sĩ quan tham mưu béo mập ở hậu phương, những người với cái đầu đỏ chiều chiều ngồi trên hàng hiên của khách sạn “Continental” uống rượu cognac và vào ban đêm kéo đi những cô gái điếm Việt Nam đẹp nhất. Hiện giờ, lực lượng chiến đấu phải hài lòng với Parc aux buffles, cái chiếm một diện tích khổng lồ ở đầu đại lộ Galiéni. “Công viên Trâu” là một nhà chứa của quân đội, nơi có khoảng một ngàn cô gái bán dâm An Nam và Campuchia vừa ồn ào và cười khúc khích vừa hành nghề của họ. Họ tranh điểm sặc sỡ, hầu như không mặc quần áo và phần đông xinh đẹp đến mức đáng ngạc nhiên. Những người lính, vừa mới bước vào sân trong của Công viên Trâu qua điểm canh gác ở cổng và hầu như không tin vào mắt họ, thật sự là đã bị lột quần ra.


    Quân đội Đông Dương diễu hành ở Sài Gòn năm 1951

    Tuy vậy, cuộc chiến cũng không dung thứ hoàn toàn cho thành phố Sài Gòn vừa quê mùa đồng thời cũng vừa không biết ngượng này. Vào ban ngày, quán rượu, nhà hàng nào cũng được bảo vệ bởi một tấm lưới có mắt dầy, kể từ khi những kẻ ám sát của Việt Minh hay quẳng lựu đạn vào người mặc quân phục. Vào đêm, hỏa châu chập chờn trên những cánh đầm lầy của Rừng Sát ở bên kia sông Sài Gòn. Vào lúc đó, không phải là không có nguy hiểm khi đi xe xích lô vào khu phố Chợ Lớn của người Hoa, nơi mà một xã hội đóng kín của một triệu người Hoa, những người hưởng lợi từ chiến tranh nhiều hơn là tất cả các người Pháp cộng lại, cứ làm như là họ hoàn toàn không có liên quan gì đến việc bắn nhau và giết người đó. Trong các sòng bạc của “Grand Monde”, những cái giỏ mạt chược chỉ còn dành cho dân nhà nghèo, trong khi các thiên tử khá giả đặt những số tiền khổng lồ với những gương mặt như hóa đá tại các thiết bị đánh bạc chạy bằng điện hiện đại xuất phát từ Hoa Kỳ. Ở ngay cạnh “Grand Mode” và những thói xấu của nó có những ngôi nhà bằng gỗ ván nghèo nàn nằm nép mình cạnh bờ sông hôi thối, đầy chuột. Hàng trăm chiếc thuyền là nhà ở kết lại với nhau ở đây, và các chính ủy của Việt Minh đi lại trong khu phố nghèo này giống như con cá trong nước đã được trích dẫn nhiều lần.

    Tôi rời Sài Gòn đi về hướng Nam vào sáng sớm. Cả ở Nam Kỳ, cuộc chiến cũng có một gương mặt mới. Con đường trải nhựa đến Mỹ Tho và Cần Thơ có những tháp canh gỗ viền ở hai bên, một quang cảnh khiến cho người ta nhớ đến các trại lính La Mã. Những cái tháp canh này, được xây trong tầm mắt nhìn thấy để có thể báo tín hiệu cho nhau, được cho là xuất phát từ một phát minh của tướng Galiéni, người trong thế kỷ 19 với chiến lược “vết dầu loang” của ông ấy đã bình định được đảo Madagascar. Các vị trí xung quanh những công sự lỗi thời này được che chắn bởi chướng ngại vật bằng tre sắc như dao. Vì cách thức bảo đảm an toàn này chôn chân quá nhiều lực lượng, nên bộ tổng chỉ huy Pháp chuyển sang thay thế quân lính của mình bằng “lực lượng trợ giúp tình nguyện” người Việt, bằng những người tình nguyện chống cộng sản. Các đồng minh mới này của Pháp trông không gây nhiều tin tưởng cho lắm.Họ mang quần áo màu đen của người nông dân trồng lúa. Đặc biệt là về đêm, tinh thần của các binh nhất và hạ sĩ quan Pháp, những người chỉ huy các chiến lợi phẩm-du kích quân, bị thử thách cao độ. Vì vào lúc đó, ở trong các ruộng lúa bắt đầu có tiếng xào xạc, tiếng bò trườn và tiếng súng bắn. Loa phát thanh bất thình lình hét to những bài hát hay câu khẩu hiệu cộng sản và dân tộc từ trong bóng tối và khiến cho ếch nhái câm lặng. Chỉ một vài người lính canh trong các công sự đơn độc là có những biện pháp tâm lý chống lại, như người hạ sĩ quan có râu từ Auvergne, người đêm đêm đặt những cái đĩa hát trầy trụa của mình lên, và nhờ vào một cái máy khuyếch đại mà để cho các bài nhạc valse Wien kêu ầm ngược lại.

    Người Pháp nắm tương đối chắc Nam Kỳ ở trong tay. Các giáo phái chiến đấu, Cao Đài và Hòa Hảo, đã ký kết hòa bình của họ với Paris. Trong lãnh thổ của họ, họ lo sao cho những người Việt Minh thâm nhập vào bị săn lùng một cách không thương tiếc. Họ cũng hăng hái tương tự như người Cộng sản và từng trải trong chiến tranh du kích. Đặc biệt là người của Hòa Hảo không hề lùi bước trước bất cứ một sự tàn nhẫn nào. Trong tỉnh Bến Tre, các giáo phái được tăng cường bởi lực lượng của một viên thiếu tá Công giáo, một người nửa Âu nửa Á được gọi là Leroy. Leroy không để cho người khác đùa với mình. Trong khu vực quanh Sài Gòn – Chợ Lớn, người Pháp đã bước vào một liên minh hết sức phi đạo đức với một đảng cướp trên sông, Bình Xuyên. Những kẻ cắt cổ người này không những được trao cho quyền hành cảnh sát của Sài Gòn mà còn cả lợi nhuận khổng lồ của các sòng bạc trong “Grand Monde” ở Chợ Lớn nữa. Người dân sợ và căm ghét dân Bình Xuyên. Họ làm việc hiệu quả đến mức đáng ghê sợ, và có những tin đồn kinh khiếp về những phương pháp hỏi cung của họ. “Chúng tôi đã lún sâu lắm rồi”, Pasha cười khi tôi gặp lại ông ở phi trường Tân Sơn Nhứt, để bay ra Hà Nội với chuyến bay đặc biệt của ông. “Lúc còn ở Tây Ninh, đã có ai nghĩ rằng những kẻ ngu ngốc của Cao Đài đó sẽ có lần là chiến hữu không thể thiếu được của chúng tôi chứ?".

    Comment


    • #3
      6. Người đàn ông quý tộc và những tin xấu
      Hà Nội, đầu 1951

      Đường băng của sân bay Gia Lâm ở phía Đông của Hà Nội óng ánh trong cơn mưa phùn lạnh lẽo. Những chiếc máy bay tiêm kích ném bom mới được người Mỹ cung cấp xếp thành hàng ở rìa đường băng. Người Pháp vẫn còn dùng một phi đội Ju52 cũ kỹ để chuyên chở vật liệu và quân lính. Hà Nội nằm ở bên kia sông Hồng, con sông mang tên của nó thật là đúng. Căng qua trên con sông đang dâng lên cuồn cuộn là các vòm sắt và trụ sắt của cây cầu Paul Doumer, cái mà dưới thời Đệ Tam Cộng hòa đã có lần được ca ngợi là một công trình kỳ diệu của kỹ thuật. Cây cầu này hoàn toàn không thể đáp ứng đủ cho tiếp vận quân đội. Nó bị nghẽn bởi những chiếc xích lô chở quá nhiều hàng hay xe bò của người dân địa phương. Thêm vào đó, tàu hỏa từ và đi Hải Phòng cũng qua đây. Con đường liên kết duy nhất qua sông Hồng này được bảo vệ bởi một lực lượng lính thuộc địa da đen đông đảo, những người mà người ta gọi chung là “người Senegal” , mặc dù phần đông trong số họ đến từ Thượng Volta. Những người da đen lạnh rùng mình trong cái ẩm ướt. Với những con mắt buồn, trên những ngương mặt đen thui như than trông to như một cái đĩa ăn, họ nhìn xuống những đoàn kiến bận rộn của người Việt bé tí hon, những người đứng còn chưa đến vai của người châu Phi cao lều nghều. “Người Senegal”, chẳng bao lâu sau đó đã lộ ra là hoàn toàn không có khả năng chiến đấu chống du kích ở châu Á. Họ cảm thấy lo sợ và nhớ nhà trong sự xa lạ thù địch này. Tất nhiên là họ cũng có vợ bé người Việt của họ, những người bị người dân bản xứ hết sức khinh miệt, vì người Á rất coi trọng sắc tộc. Thường hay có những vụ đâm nhau bằng dao được báo cáo từ các đơn vị da đen, và lúc nào cũng là vì ghen tuông và đàn bà. Các sĩ quan người Pháp thích nhất là gửi họ trở về châu Phi. Trong trường hợp tốt nhất thì có thể dùng họ làm lực lượng canh gác, và cũng chỉ vào ban ngày.





      Cầu Long Biên đầu thế kỷ 20. Hình: Wikipedia


      So với Sài Gòn, Hà Nội là một thành phố yên tịnh và khắc khổ. Nhịp cuộc sống đập chậm hơn. Trong nước của con Hồ Nhỏ giữa khu trung tâm buôn bán và khu phố người Hoa, các bức tường sặc sỡ của một ngôi chùa nhỏ tạo thành vết màu sắc duy nhất trong sự buồn thảm của cái ngày nhiều mưa này. Ngay đến cái lễ hội nghèo nàn thu hút được một vài đứa bé đi chân đất cũng không có khả năng lan truyền đi được sự vui tươi. Chiếc xe Jeep đón tôi ở phi trường chạy qua những con đường rộng có cây ở hai bên. Các nhà quy hoạch thành phố người Pháp đã thêm thanh danh vào cho tiếng tăm của họ, khi họ phác thảo khu phố hành chính với các dinh thự màu hoàng thổ mà viên toàn quyền Đông Dương thuộc Pháp đã từng làm việc ở trong đó. Chúng tôi đi ngang qua pháo đài, được xây theo kiểu hầm công sự Vauban tối tăm và vào thời gian người Việt Minh nổi dậy trong tháng 12 năm 1946 đã phục vụ cho dân thường người Âu như là nơi trú ẩn. Rồi chúng tôi rẽ vào trong một tổ hợp nhà tương đối đẹp, biệt thự hai tầng sơn màu vàng, trước đó có lính đứng canh. Tôi đã tới trại dành cho báo chí, được một hạ sĩ quan dẫn vào trong một gian phòng rộng với một cái giường khổng lồ và màn chống muỗi, và giới thiệu tôi với viên thiếu tá đang trực, chịu trách nhiệm cho cơ sở này. Thiếu tá Roëllec là một người béo phì vui sống của vùng Bretagne. Mặc cho mặt trời nhiệt đới, ông ấy vẫn còn trắng bệch và cái đầu hói của ông để cho ông trông có vẻ già hơn tuổi tác. Ông bị thương ở ruộng lúa vì một mảnh đạn pháo ở mông, việc mà luôn được bình luận bằng những chuyện tếu lâm rẻ tiền giống nhau trong đám hỗn tạp chủ yếu là nhà báo người Pháp đó. Roëllec là dân nhậu rất cừ, và bất cứ lúc nào có thể thì đều khoe khoang về sức lực tình dục của mình. Mười lăm năm sau đó, khi tôi gặp lại ông ở Lào như là đại tá của lính nhảy dù, niềm tin vào lính dù Pháp của tôi đã bị sốc nặng.

      Trong quầy rượu của trại báo chí có treo nhiều tấm bản đồ lớn. Vừa đang có một cuộc họp báo. Thông tín viên AFP Lulien, người mà tôi quen biết từ Paris, thì thầm giải thích cho tôi rằng quầy rượu này không phải được thiết lập riêng cho giới nhà báo. Trước chiến tranh, tổ hợp này của chúng tôi là một nhà chứa hạng sang, và có những trang bị nội thất nhất định xuất phát từ thời gian đó. Viên đại úy Pháp ở cạnh tấm bản đồ là một người lịch sự nhưng không thân mật, hơi kiêu căng. Có lẽ ông ta cũng chỉ lạnh lùng như vậy vì ông phải thường xuyên thông báo tin xấu, và vì ông có một ác cảm rất Pháp, không thể vượt qua được, đối với nhóm nhỏ các thông tín viên chiến tranh anglo-saxon đã tới Hà Nội sau trận đánh ở Vĩnh Yên. Người Mỹ và cả người Anh quan sát các cố gắng tuyệt vọng của quân đội Pháp ở Bắc Bộ như những người kiểm duyệt nghiêm khắc. Họ tin chắc rằng họ có thể tiến hành cuộc chiến này có hiệu quả hơn nhiều, vâng có thể chiến thắng nó trong thời gian ngắn. Sẽ hoàn toàn không thể chịu đựng được người Mỹ, nếu như diễn tiến của chiến dịch Triều Tiên, bắt đầu trong mùa hè vừa qua, không làm cho họ cảm thấy không chắc chắn. Các thông tín viên người Anh thường là các cựu chiến binh già từ chiến tranh Miến Điện và Thái Bình Dương. Người này hay người kia đã từng là sĩ quan, và lắc đầu nhìn những con gà trống Gallia này, hoàn toàn không phải là niềm ưa thích của [nhà văn] Kipling. Người Pháp cá cược với nhau rằng nhà báo Anh nào là cư dân ngụy trang của Intelligence Service.

      Cuộc họp báo quân đội tương đối ngắn và ít thông tin. Viên đại úy thông báo rằng vào buổi tối tới đây, viên tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Viễn Đông và cao ủy cho Đông Dương, tướng Jean de Lattre de Tassigny, sẽ đến thăm và dùng bữa ăn tối với họ. Người Anglo-Saxon bình thản trước lời thông báo này, nhưng các nhà báo người Pháp thì lại thảo luận sôi nổi vì nó. De Lattre không phải là một viên tướng bình thường. Khi còn là sĩ quan trẻ tuổi, ông đã được phòng tình báo quân đội Đức “Fremde Heere West” phát hiện và ghi nhận. Sau lần sụp đổ của nước Pháp trong mùa hè 1940, con người dòng dõi quý tộc trẻ tuổi này từ vùng Vendée sùng Công giáo đã gia nhập lực lượng “Etat Français” của thống chế Pétain, và chữ ký của ông – sợ kinh hoàng – còn nằm trên một văn kiện của một tòa án quân đội Vichy, tuyên án tử hình “Đại tá” de Gaulle. De Lattre tự phục hồi danh dự khi phiêu lưu chạy trốn sang Bắc Phi năm 1942, sau một cố gắng nổi dậy không thành chống người Đức đang tiến quân về miền Nam nước Pháp. Hoạt động không ngưng nghỉ, ông đã thành lập Đệ Nhất Quân đoàn Pháp, đổ bộ lên vùng Provence trong mùa hè 1944, tiến qua vùng Bourgogne vào tới Alsace, và trong những trận đánh nhiều tổn thất đã có thể lấy lại vinh quang đó, cái mà nước Pháp bị tổn thương đang hết sức cần tới nó.

      Những tuần cuối cùng của chiến tranh đã dẫn Đệ Nhất Quân đoàn Pháp xuyên qua vùng Rừng Đen cho tới tận Bodensee (Hồ Constance) và tới Vorarlberg. Hiện giờ họ đã tự khoác lấy cho mình câu khẩu hiệu tự cao “Rhein và Donau”. Các sĩ quan sợ ông ít nhất là cũng như kẻ thù sợ. Trong vùng chiếm đóng ở Đức, ông đã cư xử như một ông vua và được mọi người gọi là le Roi Jean (Vua Jean). Ở Sigmaringen, người ta cho rằng ông đã đuổi cổ thái tử của dòng họ Hohenzollern ra khỏi lâu đài vì cung cách cư xử của người này theo ông đã không xứng đáng với thời điểm suy tàn của nước Đức, và đã để lại cho ông ta một chiếc xe đạp để đi khỏi đó. Đối với de Lattre, người Pháp tóc không đủ vàng, mắt không đủ xanh và không đủ nhanh nhẹn. Những thói cẩu thả, những cái thật khó mà tẩy trừ ra khỏi các anh chàng ngự lâm pháo thủ Pháp, đã làm cho ông Vua Jean nổi cơn thịnh nộ. Những lần ông đến thăm không báo trước tại các bộ tham mưu và trại lính trong vùng đất người Schwaben lúc nào cũng tạo ra hoảng loạn. Uy quyền của con người kiêu căng này là một hiện tượng thật đáng ngạc nhiên.




      Tướng Jean de Lattre de Tassigny

      Điều đó cũng vẫn như vậy ở Đông Dương, nơi mà de Lattre tiếp nhận một tình trạng vô vọng tại thời điểm khó khăn nhất. Ngay từ đầu, ông đã biết rằng ông sẽ không giành được vòng nguyệt quế nào, thậm chí cũng không có được chiến thắng nào ở Bắc Bộ. Đó là một con đường hy sinh mà con người tự kiêu và nóng nảy này khởi hành. Vào thời điểm đó, chỉ có ông và người bác sĩ của ông là biết rằng ông mắc một chứng bệnh vô phương cứu chữa. Lúc đến Sài Gòn, de Lattre đã yêu cầu toàn bộ sĩ quan đoàn trình diện ở Tân Sơn Nhứt. Quy định phải mặc quân phục nhiệt đới màu trắng. Viên tướng với đôi mắt tinh tường phát hiện ra trong cái khối vuông màu trắng như tuyết đó một trung tá béo mập bất hạnh, xuất hiện trong ka ki từ những lý do nào đó. “Anh sẽ được chở về Pháp trong chuyến bay kế đến”, de Lattre rít lên, và rồi nói với những người đang ở đó: “Tôi nhìn thấy ở đây quá nhiều đại tá và quá ít thiếu úy.” Ông nói rất đúng.

      Ở trận đánh Vĩnh Yên, con người quý tộc miền Tây nước Pháp này đã ở tuyến đầu cùng với người của ông, Kể từ lúc đó, ông được quân đội càng yêu mến hơn. Cả ở Hà Nội người ta cũng nhìn thấy các sĩ quan tham mưu vội vã chạy qua sân trại lính để đổ đi những mảnh giấy và rác cuối cùng, khi ông ấy sắp đến thanh tra. Lính thường chỉ có thể khoái trá những điều đó thôi.

      Thiếu tá Roëllec thích nhất là cử luôn cả các nhà báo trong trại báo chí đi quét tước và lau chùi, trước khi ông Vua Jean tới thăm họ. Thay vì vậy, ông đuổi nhóm phụ bếp như đuổi thỏ hết lên cầu thang lại xuống cầu thang, và động viên khích lệ những người đàn bà lau chùi quét dọn. Trưởng lão của các thông tín viên Pháp, Max Olivier của tờ “Figaro” ít ra thì cũng khám xét xem móng tay đồng nghiệp ông có sạch không. Việc đó diễn ra không phải là không có phản đối. Báo chí Pháp được đại diện ở Hà Nội tốt hơn là trong ban biên tập nào đó ở Paris. Ở đó có Olivier đã được nhắc đến, một ông khổng lổ theo đạo Tin Lành từ vùng Cévennen, một người mà không điều gì có thể làm cho ông ta mất bình tỉnh được, và là một người biết tường thuật về Ấn Độ một cách hết sức lôi cuốn, nơi mà ông là thông tín viên vào thời tuyên bố độc lập. Ấn tượng mạnh nhất của ông từ thời gian đó là đám tang của Gandhi: bệ thiêu xác cao của Mahatma bị ám sát mà hàng trăm ngàn con người giận dữ, la hét, khóc lóc chen chúc nhau quanh đó; đám đông người liên tục đổ tới nơi thiêu xác như một dòng dung nham; cảnh sát người Sikh khổng lồ dùng gậy của họ đánh vào đám đông và đập nát xương vai với xương sọ của những người ở hàng đầu. Ít lâu sau đó, Olivier được cho là đã làm quen với một người phụ nữ Hàn Quốc từ một gia đình danh giá trong lúc dự lễ nhà thờ Tin Lành ở Seoul, người mà ông đã kết hôn và hạnh phúc mang theo về Pháp.

      Julien của AFP được cho là một người có bản tính vui vẻ, đơn giản. Bên cạnh công việc làm, dường như ông đi tìm mục đích sống thật sự của mình trong những cuộc truy hoan không ngưng nghỉ, những cái mà người ta không tin là anh chàng gầy gò kiểu thầy giáo này lại có khả năng. Ai cũng biết rằng ông có một người đàn bà Á lai Âu rất đẹp ở Sài Gòn, điều mà hoàn toàn không làm cho ông buồn phiền ở Hà Nội. Số phận đến với Julien, khi ông ăn nằm với vợ của một phi công quân đội Pháp đúng vào lúc người này bị bắn rơi. Sự trùng hợp này có ảnh hưởng sâu đậm tới Julien, người mà người ta cho rằng ông hoàn toàn không có khả năng có những cảm xúc như vậy, tới mức ông kết hôn với người vợ góa và bắt đầu từ đó trở thành người chồng ngoan ngoãn nhất Đông Dương.

      De Lattre đến trong trang phục dân sự và làm cho tất cả mọi người đều ngạc nhiên. Ông cư xử hết sức lịch sự với đám báo chí, giống như ông đang giao thiệp với những người cùng đẳng cấp. Ông quan tâm tới trước hết là các nhà báo Mỹ. Tiếng Anh của ông thật tồi và khiến cho người ta nhớ tới giọng nói biếm của [diễn viên] Maurice Chevalier. Mặc dù vậy, de Lattre hoàn toàn không làm cho người ta cảm thấy buồn cười. Những tên yankee mà ông chinh phục được họ một cách nhanh chóng đến mức đáng ngạc nhiên, nhận thấy rằng viên tổng tư lệnh Pháp này giống người đồng nhiệm Mac Arthur ở Triều Tiên vể thể chất cũng như về tâm lý tới mức đáng kinh ngạc. De Lattre, ông hoàn toàn không che dấu điều đó, hoàn toàn không có ảo tưởng. Chỉ có thể nghĩ tới sự tự khẳng định của quân đội Pháp ở Đông Á khi nó là một phần của một thế lực lớn thuộc “Thế giới Tự do”, như người ta hay nói vào thời đó. Đứng trước cuộc cách mạng Mác-xít trên Trung Hoa lục địa, ông dựa vào lá bài tình đoàn kết Pháp Mỹ, nhưng hẳn ông cũng biết rằng một hoạt động như vậy chắc chắn là sẽ thất bại. “Khi người Trung Quốc đến…”, ông nói và rồi nhún vai trong một cử chỉ bất lực. Vị tướng dự định bay sang Washington trong thời gian tới đây, để quảng bá cho hoạt động của nước Pháp tại Đông Dương trong giới công khai, và, đây là điều mà ông phải cảm thấy thật bẽ mặt, kêu gọi Quốc Hội chấp thuận trợ cấp thêm về tài chính và cung cấp thêm vũ khí cho đạo quân viễn chinh của ông.

      Khi de Lattre đi khỏi, một thiếu úy của Service de Presse quay sang những người đang hiện diện với một câu hỏi: “Chúng tôi nhận được điện từ Sài Gòn, rằng có một nhà báo người Mỹ tên là Graham Greene đã tới đó. Có ai ở đây biết ông ấy hay không?” Tiếng cười rộ thật to trả lời cho ông.


      7. Vị linh mục dũng cảm
      Phát Diệm, 1951

      Nhà thờ đè nặng lên các mái nhà bằng tranh của ngôi làng như những thành trì đồ sộ. Dấu hiệu đặc biệt của tỉnh Phát Diệm là cây thánh giá. Nó là thành trì của Công giáo ở rìa của vịnh Bắc Bộ. Nhóm tháp tùng từ dân quân, có nhiệm vụ bảo vệ chúng tôi trước những cuộc tập kích của Việt Minh, thở phào rõ ràng khi chúng tôi rời khỏi vùng nguy hiểm. Cho tới chừng nào mà lá cờ mới của Việt Nam quốc gia, chống cộng sản, bay trên các thị trấn trong vùng đồng bằng của sông Hồng, và chính phủ của nó vẫn còn hưởng ân sủng của nước Pháp – một lá cờ vàng với ba sọc đỏ nằm ngang – thì người ta phải luôn luôn chuẩn bị tinh thần cho tất cả mọi việc. Lúc trời tối, lá cờ của vua Bảo Đại, người mà người Pháp lại đặt ra đứng đầu nhà nước và cố gắng xây dựng để chống lại Hồ Chí Minh, sẽ được lấy xuống. Vào ban đêm sự thống trị của các chính ủy đỏ bắt đầu. Lần nào cũng vậy, khi có một cử động nào đó trên những con đê thấp thì những người lính gác của chúng tôi đều mở khóa an toàn súng và hồi hộp nhìn vào làn sương mù. Tiếng đại bác dội về từ xa xa.

      Nhưng bây giờ thì chúng tôi ở nơi an toàn, từ khi lá cờ vàng-trắng của Vatican bay trên ngôi nhà to lớn của Chúa. Đức Giám mục Lê Hữu Từ của Phát Diệm, mà chúng tôi vừa tới được vùng của ông, là một người đàn ông dũng cảm. Người cộng sản cũng biết điều đó, từ khi người cựu cố vấn của Hồ Chí Minh này rời bỏ những người Mác-xít vô thần. Monseigneur Lê Hữu Từ, thuộc dòng Xi-tô Khổ tu, cũng giữ khoảng cách với người Pháp. Ông là một người Việt yêu nước hoạt động tích cực, luôn cảm nhận một sự ngờ vực sâu sắc đối với các đại diện của chính quyền thuộc địa trước kia. Ông đã có trải nghiệm với các nhân viên của Đệ Tam Cộng hòa, và đầu tiên thì bất cứ một người Pháp nào cũng bị ông nghi ngờ là một người của hội Tam Điểm giả dạng.

      Nhà thờ Phát Diệm là một công trình xây dựng cao và đồ sộ cũng như những nhà thờ còn lại của vùng đồng bằng. Nhưng nó được xây hoàn toàn bằng gỗ và được trang trí với nhiều nguyên tố có phong cách Trung Quốc. Người cố vấn cho Lê Hữu Từ, một linh mục người Bỉ, đang chờ chúng tôi. “Các anh đến đây đúng vào một thời điểm rất lý thú”, đức cha người vùng Flanders nói. “Các anh trải nghiệm ở đây một sự việc giống như một cuộc tranh cãi giữa đạo và đời. Thủ hiến Bắc Kỳ, Nguyễn Hữu Trí thuộc đảng Đại Việt thủ cựu, muốn ép buộc đức giám mục của chúng ta tự giới hạn mình ở những nhiệm vụ tôn giáo của ông và rút lui ra khỏi chính trị.” Một đám đông khổng lồ đứng nghẽn lại trước nhà thờ. Từ ở trên cao, những con người đó với loại nón rơm tròn của họ trông giống như những cây nấm đang tụ tập lại. Trời mưa từ nhiều ngày nay. Người Công giáo Phát Diệm đứng trong bùn lầy lạnh sâu cho tới mắt cá chân. Lối vào quảng trường lớn trước nhà thờ được những người lính của đức giám mục chận lại. Lê Hữu Từ có lực lượng quân đội nhỏ, riêng của ông, do chính ông chỉ huy và luyện tập theo các quy tắc của Việt Minh dưới lá cờ của Tòa Thánh. Các biện pháp phòng ngừa này là không thừa, vì tại lần rước lễ Mình Máu Thánh Chúa cuối cùng, du kích quân đỏ đã trà trộn vào trong số các tín đồ và đã bất ngờ gây ra một vụ bắn nhau kinh hoàng. Để cứu vãn tình thế, Lê Hữu Từ buộc phải yêu cầu đơn vị Pháp ở kế cận giúp đỡ. Bay phấp phới trên mái nhà của nhà thờ, ở phía dưới lá cờ vàng-trắng với những chiếc chìa khóa của Thánh Phêrô, là màu sắc của nước Việt Nam quốc gia, của Pháp, Hoa Kỳ và Liên hiệp Anh. Người Pháp buồn rầu ghi nhận sự hiện diện của Anglo-Saxon, nhất là khi các chủng sinh trẻ con Việt đều chào mừng mọi người Âu đến đây với một nụ cười tinh ranh trong một thứ tiếng Anh hổ lốn thật kinh khủng. Đứng trước sự suy tàn của nước Pháp, cái mà Lê Hữu Từ cho rằng không thể tránh khỏi, thậm chí còn cảm nhận đó là ý muốn của Chúa Trời nữa, những người Công giáo ở Bắc Kỳ đã nhìn Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ như là những người bảo hộ bất bại của họ trong tương lai.

      Lê Hữu Từ bước lên bục ở lối vào giáo đường trong chiếc áo choàng màu trắng của dòng tu. Ông là một người gầy gò và khổ hạnh, có một ngọn lửa thiêng trong đôi mắt. Trong loại hình, ông rất giống người đứng đầu chính phủ sau này của nước Việt Nam cộng sản Phạm Văn Đồng. Các lễ sinh đứng trước ông, giơ cao huy hiệu, mũ tế và rồng. Đức giám mục ban phước cho đám đông đang quỳ xuống bùn. Rồi ông bắt tay các chức sắc và khách. Khi một Thiếu tá kỵ binh người Pháp, người đóng vai trò sĩ quan liên lạc ở Phát Diệm, hôn chiếc nhẫn của đức giám mục, thì Julien, người xuất thân từ một gia đình xã hội chủ nghĩa chống giới chức sắc nhà thờ, đã phát sặc vì phẫn nộ. Bên cạnh các linh mục công giáo quay quanh Lê Hữu Từ cũng có một vài chức sắc Phật giáo xuất hiện trong áo màu xám. Họ hòa hợp hết sức tự nhiên vào hình ảnh này. Đức giám mục bước ra trước micro. Những người dân quân ở hai bên cầu thang, đã cầm súng chào dưới chiếc mũ mềm rộng vành, đặt vũ khí xuống. Đám đông người đứng dậy và căng biểu ngữ ra, như họ đã từng học được tại những cuộc biểu tình của Việt Minh.

      Ông người Bỉ phiên dịch cho chúng tôi những gì xảy ra tiếp theo sau đó. Monseigneur Lê Hữu Từ giải thích cho giáo phận của ông về tình hình chính trị mới ở Bắc Kỳ. Ông không che dấu sự khinh thường của mình đối với hoàng đế Bảo Đại dã được tái cử vào chức vụ đứng đầu nhà nước. Bảo Đại luôn luôn cúi mình xuống trước kẻ mạnh hơn, dù đó là người Pháp, người Nhật hay người cộng sản thì cũng vậy. Cuối cùng thì ông đã chạy trốn Hồ Chí Minh bằng cách sang Hongkong, đã trở thành một doanh nhân thành đạt và lẽ ra tốt nhất thì cứ ở lại đó. Người chăn chiên của Phát Diệm ngược lại vẫn ở bên cạnh người của ông, ông đã tạm thời liên kết với Hồ Chí Minh từ những lý do về chiến thuật, nhưng luôn luôn lên án tư tưởng Mác-xít. Năm 1949, khi Việt Minh cũng muốn thực hiện chiến lược tiêu thổ kháng chiến của họ ở các tỉnh Công giáo Phát Diệm và Bùi Chu trước người Pháp đang tiến tới, người Công giáo dưới sự lãnh đạo của những người chăn dắt họ đã cầm lấy vũ khí và chấm dứt cơn ác mộng đỏ đó. Nhưng bây giờ thì có những mối nguy hiểm mới đang tiến tới gần họ.

      Người Pháp cuối cùng cũng đã chấm dứt trò chơi chia để trị của họ ở Nam Kỳ và bổ nhiệm một người đứng đầu chính phủ cho toàn Việt Nam. Họ chọn lựa người địa chủ Trần Văn Hữu từ Sài Gòn, người bên cạnh quốc tịch Việt Nam cũng sở hữu quốc tịch Pháp, và như là người đại diện đặc trưng cho giới tư sản Nam Kỳ đã gặp phải một sự chống đối quyết liệt ở Bắc Kỳ. Bảo Đại, người nhìn Trần Văn Hữu như là một công cụ của người Pháp, vì vậy mà cũng bổ nhiệm một thủ hiến Bắc Kỳ dường như cũng phù hợp với vùng đất khắc nghiệt này. Chính trị gia đảng Đại Việt Nguyễn Hữu Trí đã bị cảnh sát Pháp chú ý tới lúc trước chiến tranh như là một nhà quốc gia chủ nghĩa hiếu chiến và đã phải chạy trốn sang Trung Quốc. Mới đây, ông ủng hộ một giải pháp tách hoàn toàn Việt Nam ra khỏi Pháp và dựa vào lá bài Mỹ. Lẽ ra ông ấy đã có thể là đối tác lý tưởng của Phương Tây trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cộng sản ở châu Á, nếu như đảng Đại Việt của ông là một phong trào quần chúng rộng khắp. Thế nhưng ông chỉ có ít người theo, và các quan lại lao vào những chức vụ béo bở của nền hành chánh mới thì đại đa số không có uy tín trong người dân. Không thể nghi ngờ lòng yêu nước của thủ hiến Trí. Nhưng để thực hiện đường lối độc lập quốc gia và tự khẳng định mình trước những người cộng sản thì ông lại phải dựa vào chính quân đội Pháp đó, quân đội mà ông thích nhất là muốn xua đuổi họ đi. Và bây giờ thì ông lại còn cố gắng sáp nhập giáo phận Phát Diệm vào trong vùng ảnh hưởng nhỏ hẹp của ông và nhân danh một chế độ tập trung quốc gia, cái trong hoàn cảnh này chỉ là một trò khôi hài mà thôi, để mà tước quyền lực của Monseigneur Lê Hữu Từ.

      Đức giám mục đóng vai trò bị khuất phục của mình như một diễn viên giàu kinh nghiệm. “Cha sẵn sàng”, ông nói to trong tiếng nói kêu quang quác kỳ lạ của đất nước ông như thế, “tuân theo các chỉ thị của người thủ hiến Hà Nội. Cha sẵn sàng đặt xuống trách nhiệm thế tục cho giáo phận yêu mến của cha và chỉ chăm lo cho các nhiệm vụ chăn dắt các con chiên của cha.” Một làn sóng phản đối cất lên. Đám đông người đó lại quỳ xuống và đồng thanh hét to như đã chuẩn bị trước: “Chúng con không muốn có người cầm quyền xa lạ. Chúng con đi theo đức giám mục của chúng con và xếp mình dưới quyền hạn giám mục của ngài trong mọi việc!” Khi Lê Hữu Từ với gương mặt ửng đỏ giang hai tay ra và ban phước lành, chuông từ tất cả các nhà thờ của đồng bằng đều vang lên, và lực lượng dân quân Phát Diệm bước đi diễu hành trong sự pha trộn từ kèn hiệu của Pháp và cồng chiên Trung Quốc.

      Chuyến đi về Hà Nội rất cực nhọc. Đường sá hầu như đã bị những “phím dương cầm” nổi tiếng làm cho hầu như không thể đi lại được. Những cái hố đó phải được xe xúc đất lấp lại vào mỗi buổi sáng. Nằm dưới ghế xe Jeep là những cái bao cát, vỉ Việt Minh đã bắt đầu cài mìn có hệ thống lên tất cả các con đường giao thông. Đó tất nhiên không phải là một cách thức bảo vệ hữu hiệu. Xung quanh vùng đồng bằng và tại tất cả các điểm kiểm soát đều được tích cực xây dựng và pha trộn bê tông. Tướng de Lattre đã ra lệnh thiết lập một chiến tuyến phòng thủ, để ngăn chận các cuộc tập kích của đối thủ đỏ. Các công sự này được xây dựng theo đúng phong cách của tuyến phòng thủ Maginot, việc đã gây ra nhiều lời bình luận mang tính mỉa mai. Các quân nhân bực tức nhất là về những lợi nhuận hết sức tai tiếng mà một số doanh nghiệp Pháp nhất định đã thu được trong vụ này. Các công sự màu xám ngay từ đầu đã có tác động như tín hiệu của một sự suy tàn. Chúng được bảo vệ bằng hàng rào kẽm gai. Việc bảo vệ công sự thường được giao cho các đơn vị thuộc địa da đen. Do người ta nghi ngại rằng “người da đen Senegal” sẽ chạy trốn về ban đêm vì sợ đêm tối và lính du kích nên cứ chiều tối là họ bị nhốt vào trong các công sự của họ. Mãi tới bình minh người ta mới thả họ ra.

      Ở gần Hà Đông, chúng tôi gặp một tiểu đoàn của quân đội quốc gia Việt Nam vừa mới được thành lập. Người Pháp coi thường lực lượng này và cũng để cho những đồng minh da vàng biết điều đó. Điều này về phần nó thì lại có hậu quả là những người lính Á châu này phải tự hoài nghi chính mình và ít biểu lộ tính hăng hái chiến đấu. “Anh cứ nhìn đi”, viên đại úy tháp tùng tôi phàn nàn, “thay vì lùng sục đồng lúa, di chuyển trong bùn lầy nhẹ nhàng như những người củng quê của họ bên phía Việt Minh, những người lính quốc gia này luôn luôn đi dạo trên đường lộ và chất đầy vật liệu và vũ khí lên người cho tới mức họ hoàn toàn bất động. Họ nên đi chân trần thay vì mang giày ủng hành quân của chúng tôi.”

      Tôi được de Lattre de Tassigny mời ăn tối. Vợ của ông đến Hà Nội, điều được đánh giá như là dấu hiệu cho tiến độ chứng bệnh của ông. Bernard con trai ông, một anh thiếu úy rất trẻ, cũng là khách mời. Vài ngày tới đây, Bernard sẽ hy sinh ở vùng núi Hòa Bình. Cũng có một đại tá người Mỹ hiện diện, to tiếng lan truyền sự lạc quan và tỏ lời khen Madame de Lattre một cách thô thiển, khiến cho vị tướng bực mình thấy rõ. De Lattre không được vui. Cuộc thử nghiệm với thủ hiến Trí đã chứng tỏ là không có lợi. Đặt một kẻ thù của nước Pháp làm thủ hiến Bắc Kỳ thì còn có thể được, nhưng khi người đàn ông này chứng tỏ mình không có khả năng đưa ra một lực lượng ủng hộ mình đáng kể, thì người ta đã đánh cược sai. Vào buổi chiều cùng ngày, Nguyễn Hữu Trí trong cơn mưa phùn quen thuộc của mùa này đã kêu gọi triệu tập một cuộc biểu tình lớn trước nhà hát. Đó là một sự kiện thật đáng để thương hại. Người địa chủ tóc bạc đó, mà gương mặt của ông tiết lộ một nguồn gốc Ấn Độ nào đó, cuối cùng cũng đã thất sủng ở viên cao ủy.

      Hai ngày trước đó, de Lattre đã gặp người đứng đầu nhà nước Bảo Đại trên chiếc du thuyền của ông ấy ở tại vịnh Bắc Bộ. Đã rất to tiếng trong lúc đó. Người cựu hoàng đế béo mập được cho là rất thông minh và hoàn toàn không có nét đặc sắc riêng. Ông là con cháu của Gia Long, người đã mang những người Pháp đầu tiên tới Huế, để làm giảm thiểu sự phụ thuộc của ông ấy vào Trung Quốc. De Lattre đã hoài công yêu cầu Bảo Đại hãy cố gắng hết sức mình vì sự thịnh vượng của tổ quốc ông ấy. Nhưng ông đã gặp phải một playboy uể oải, phản ứng với tất cả những lời đề nghị giống như một diva bị xúc phạm. Cuối cùng, theo một nhân chứng người Pháp, ông đã biểu lộ một gương mặt giống như một cu li xe kéo được trả công bằng một tờ tiền có mệnh giá lớn và không chịu đưa ra tiền thối lại.

      Viên Tướng đã không động đến thức ăn và chỉ uống một ly nước. “Mới đây”, ông bắt đầu như vậy, “tôi đã triệu tập sinh viên Sài Gòn quanh tôi. Tôi đã nói với họ, rằng chúng tôi muốn trao trả mọi quyền hành về quê hương của họ cho họ, nhưng tôi mong chờ ở giới trẻ của đất nước này, đặc biệt là giới tinh hoa trí thức Việt Nam, hãy hoạt động yêu nước. Những người con được hưởng đặc quyền của giới tư sản ở đây không thể cứ mãi mãi trông cậy vào những người con nông dân và công nhân Pháp đang chịu đựng rủi ro để ngăn chận chiến thắng của chủ nghĩa cộng sản Châu Á. Tôi đã kêu gọi họ: Messieurs, tôi khinh thường các anh khi các anh cứ tiếp tục theo đuổi những trò tiêu khiển và giải trí của các anh, trong khi người dân của các anh phải chịu đựng khổ nhọc và đang chết dần. Nếu thế thì tôi sẽ kính trọng các anh nhiều hơn rất nhiều, nếu như các anh đi sang phía bên kia và cùng với Việt Minh chiến đấu chống chúng tôi.”

      Viễn cảnh cuối cùng của cuộc chiến trong những ngày đó: Theo lời khuyên của de Lattre, tôi đi xe về tỉnh Thái Bình ở cạnh biển. Chiến dịch “Thủy Ngân” đang diễn ra ở đó. Hai trung đoàn thuộc Sư 320 của Việt Minh bị bao vây ở đó, theo các bộ tham mưu tại Hà Nội.

      Mây treo nặng nề trên bầu trời xám như chì. Một làn gió lạnh cắt da thịt thổi từ hướng bắc. Các đứa bé, cưỡi trên những con trâu giống như nhân vật Mowgli, có đôi chân tím ngắt vì lạnh. Quân đội của “Liên hiệp Pháp” là một đám quân lính đủ loại. Người Maroc mặc những cái áo djellaba dài có kẻ sọc nâu bằng lông cừu thật dầy. Người Algeria thì có thể nhận được qua những chiếc khăn quấn đầu của họ. Thời đó có ai mà biết được rằng mầm mống cho cuộc cách mạng Algeria cũng đã được gieo xuống tại những cánh đồng lúa này. Người dân vùng Maghreb bị nhiễm virus chủ nghĩa dân tộc ở Đông Dương. Khi một chiếc xe tải được đánh dấu với huy hiệu đỏ-xanh của lực lượng lính lê dương, những câu nói tiếng Đức vẳng sang phía chúng tôi. Có những đơn vị nào đó của bộ binh thuộc địa Pháp đã gồm một phần ba là người Việt. Người ta gọi điều đó là le jaunissement – vàng hóa đạo quân viễn chinh. Người Pháp từ nước mẹ là thiểu số trong tập hợp đủ loại này.

      Đừng sá chấm dứt ở bộ chỉ huy tiền phương của Groupe Mobile 10. Bên cạnh đó, một khẩu đội pháo bắn phá trong những khoảng thời gian thất thường. Bộ chỉ huy được đặt trong một ngôi đền thờ. Mặc cho khói thuốc lá dầy đặc, mùi nhang vẫn còn trong không khí. Ở ngoài kia, hai trung đội lính dù tiến đến tuyến đường làng cuối cùng trước biển. Cách xa nhau, họ lội qua nước và thường chìm xuống cho đến tận đầu gối ở giữa những cây lúa màu xanh nhạt. Chỉ có một hỏa lực yếu ớt chống trả lại họ ở rìa làng, cái hoàn toàn câm bặt khi họ tới được những ngôi nhà bằng đất đầu tiên. Lính dù chỉ cho chúng tôi xem những cái hố sâu dưới mặt đất do Việt Minh đào mà nhiều lắm thì chỉ có một đứa bé mười ba tuổi người Âu là có thể chui vào đó được. “Khi chúng tôi lục soát làng mạc thì họ kéo cỏ hay bụi rậm lên che đầu, và thế là chúng tôi có thể đi ngang qua họ hàng giờ liền”, những người lính nói.

      Một vài người bị thương nhẹ bước tới chúng tôi từ con đường đất đắp cao. Họ lấm đầy bùn lầy. Ở tại một ngã tư, những người lính dù chỉa súng liên thanh kiểm soát một đoàn người tỵ nạn vô tận, bất thình lình xuất hiện cứ như là họ được dựng dậy từ bùn lầy. Bây giờ dân thường đổ từ khắp mọi hướng về đây. Việt Minh đã đẩy họ vào ô vuông cuối cùng của vòng vây dọc theo bờ biển, để có thể biến mất trong đám đông đó lúc khẩn cấp, và lén thoát được qua phòng tuyến của người Pháp. Các du kích quân của Sư đoàn 320 Việt Minh thế nào thì cũng đã mặc bộ quần áo màu đen của người nông dân trước khi họ thâm nhập vào vùng đồng bằng.

      Người Pháp sàn lọc những người đàn ông trẻ tuổi ra. Chẳng bao lâu sau đó, họ tìm thấy các loại giấy tờ đầu tiên: thẻ quân đội, mệnh lệnh trung đoàn, những bài hát chiến đấu ý thức hệ, truyền đơn, hình Hồ Chí Minh, thậm chí một bức ảnh với thống chế Stalin nữa. Thế nhưng vũ khí nằm ở đâu đó trong ruộng lúa. Một chính ủy trung đoàn bị tình cờ phát hiện. Ông bị phát hiện ra trong cái hố dưới mặt đất của ông vì thiết bị dò mìn phản ứng với chiếc đồng hồ đeo tay của ông. Người đàn ông cứ lặng lẽ nhìn u uất ra phía trước và cự tuyệt không khai báo.

      Mưa phùn rơi xuống hàng người tỵ nạn vô tận. Vùng Thái Bình là một trong những vùng quá tải dân số nhiều nhất trên toàn thế giới. Đó là một hình ảnh của sự khốn cùng. Khổ cực nhất là những người phụ nữ với con của họ, đã không có gì để ăn từ nhiều ngày nay. Trịnh trọng đi giữa những người phụ nữ nông dân còng lưng là các quan lại trong làng với chòm râu thưa và khăn quấn màu đen của giai cấp họ, các nhà sư Phật giáo trọc đầu và thỉnh thoảng có cả một vị linh mục Công giáo với chiếc mũ thuộc địa và áo linh mục, người dẫn đầu giáo xứ của ông như dẫn đầu một đại đội có kỷ luật. Những con trâu đồ sộ dẫm chân đi bên cạnh đó.

      Vào buổi chiều, mặt trời xuyên qua các đám mây và phản chiếu trên đồng ruộng. Giữa những diện tích nước óng ánh và bầu không khí ẩm thấp, những cái dường như chỉ là một nguyên tố, chuỗi màu đen của những người tỵ nạn, bị dồn lại trước một cây cầu, nhìn từ xa trông giống như một chuyến bay tối tăm của những con chim di trú trong một bức họa Trung Hoa phi thực.

      8. Sau chiến bại Điện Biên Phủ
      Hà Nội, trong mùa Hè 1954

      Pháo đài Điện Biên Phủ đã thất thủ. Chiến bại của người Pháp ở Đông Dương đã được định đoạt. Tổng chỉ huy Navarre đã đánh cược và đã thua. Ông đã tập trung 60.000 người lính của quân đội ở tại cái thung lũng lòng chảo hoang vắng đó trong vùng sinh sống của người Thái đen. Ngôi làng Điện Biên Phủ, cho tới lúc đó chỉ là trạm trung chuyển nhỏ bé giữa vùng núi của Bắc Kỳ và đồng bằng sông Mekong của Lào, bây giờ đã nổi tiếng khắp thế giới. Người Pháp đã co cụm ở đó với ý định lôi kéo một trận tấn công vỗ mặt của quân đội Việt Minh về phía mình. Nhiều năm trời, các bộ tham mưu ở Hà Nội đã mơ được đối diện với địch thủ trên một chiến trường công khai và tiêu diệt họ ở đó. Đạo quân viễn chinh đã quá mệt mỏi với cuộc chiến du kích quân tiêu hao, cho tới mức họ chấp nhận những rủi ro thật lớn của sự cô lập trong cái thung lũng lòng chảo hoang vắng đó. Tướng Navarre đã đánh giá quá thấp người thầy giáo dạy sử nhỏ bé Võ Nguyên Giáp chỉ huy quân đội Việt Minh và tính siêng năng cần mẫn của địch thủ ông. Tất cả các chuyên gia đều thề thốt rằng không thể chuyên chở đại bác bằng đường bộ xuyên rừng núi tới Điện Biên Phủ được. Việt Minh đã làm được điều đó dưới những điều kiện gian khổ không thể hình dung ra hết được, và ngay sau loạt đạn đầu tiên của những người bao vây thì công sự của phe phòng thủ đã sụp đổ, những người đã chuẩn bị nhiều lắm là cho đạn súng cối. Tướng lĩnh Pháp ở Đông Dương dường như là muốn xác nhận thêm câu nói của Clémenceau mà theo đó chiến tranh là một việc quá nghiêm trọng để mà được phép giao nó cho giới quân đội.

      Chính phủ bình dân liên minh ở Paris ít nhất thì cũng phải gánh chịu cùng một trách nhiệm to lớn như vậy. Người của Phong trào Cộng hòa Bình dân, trước đây có lần được xếp vào lực lượng tiến bộ của nước Pháp, bám chặt trong sự mù quáng kỳ lạ vào cái ảo tưởng của di sản thuộc địa. Trong giờ phút cuối cùng, Ngoại trưởng Georges Bidault còn cố gắng thuyết phục người Mỹ ném bom nguyên tử chiến thuật xuống các vị trí của người cộng sản quanh Điện Biên Phủ. Thế nhưng mới trước đó một năm, Washington đã phải miễn cưỡng chấp thuận ngưng bắn ở Triều Tiên. Lần đầu tiên, Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ không thắng được một cuộc chiến mà chấm dứt nó bất phân thắng bại trên cơ sở của hiện trạng. Ngay cả từ John Foster Dulles cũng không còn nghe được gì về việc can thiệp hạt nhân vào Đông Dương nữa. Khi rồi lá cờ đỏ với ngôi sao vàng được treo lên trên công sự Pháp cuối cùng, báo chí Phương Tây, thậm chí cả công chúng Pháp, phản ứng với một cảm giác nhẹ nhỏm đáng thương hại. Lần leo thang chết người của cuộc “chiến tranh bẩn thỉu” đã được ngăn chận. Quân đội Pháp còn giữ được đồng bằng sông Hồng, nhưng cả ở đây, chiến bại toàn bộ của họ chỉ là một câu hỏi của thời gian. Tướng Giáp tập trung quân đội của ông để tổng tấn công vào Hà Nội.

      Nhà báo từ khắp nơi trên thế giới đổ về Hà Nội. Chiến tranh Đông Dương – ngược với chiến dịch Triều Tiên – cho tới nay đã bị giới xuất bản quốc tế đối xử giống như con ghẻ. Thậm chí một phần của báo chí Paris cũng xấu hổ trước chiến dịch thuộc địa muộn màng này. Nhưng bây giờ thì giờ khắc cuối cùng sắp đến, và những con kền kền bắt đầu tụ họp lại. Trời nóng nực tới mức khó chịu đựng được trong những tuần mùa hè này. Các cánh đồng ruộng lúa ở đồng bằng sông Hồng bị ngập nước. Hơi bốc lên từ cái hồ không có bờ này biến Bắc Kỳ thành một gian phòng đầy hơi nước. Tinh thần trong trại báo chí mang tính bực dọc. Thiếu tá Roëllec mập mạp đã được thay thế bởi một viên chỉ huy gân guốc có mái tóc đen kiểu bàn chải tên là Gardes, người vui mừng vì hưởng được sự kính nể chung. Thời đó, không một ai đoán rằng bảy năm sau, viên sĩ quan ở Algeria thuộc vào trong số những người chủ mưu của OAS (Organisation de l’armée secrète – Tổ chức quân đội bí mật), đảo chính chống de Gaulle và còn muốn giết vị tướng đó nữa. Báo cáo tình hình, cuộc họp báo hàng ngày, diễn ra sôi động. Các thông tín viên người Mỹ vẫn còn chưa chấp nhận lần rút ra khỏi vùng phía nam của đồng bằng với thành phố Nam Định, là việc khiến cho thủ hiến Trí từ chức. “Sau khi sắp xếp lại mặt trận ở Phủ Lý, quân đội chúng tôi đã vào các vị trí ở Hà Đông”, phát ngôn viên nói. – “Cái gì”, một người Mỹ béo mập hỏi, “các anh cũng bỏ Hà Đông rồi à?” Giới quân đội Pháp phản đối: “Không thể nói về một cuộc rút quân ra khỏi Hà Đông được.” – “Nó sẽ bị bỏ vào ngày kia”, người Mỹ béo mập nói cay độc, không nao núng. Phần lớn các câu hỏi đều xoay quanh số phận của các tù binh Pháp từ Điện Biên Phủ, bị tháp tùng trong những chặng hành trình chết người xuyên rừng rậm và đồi núi dài hàng trăm kilômét để vào các trại giam của Việt Minh. Nhà báo Mỹ trong các thông báo của họ đã tường thuật về một death march (cuộc hành trình chết chóc), cái bị kiểm duyệt quân đội biến thành exhausting march (cuộc hành trình kiệt sức). Người Pháp không muốn chọc giận kẻ thù vào thời điểm quyết định của những cuộc đàm phán ở Genève. Người Mỹ nổi giận về lần giảm nhẹ tường trình của họ. “‘Exhausting march’ có nghĩa là gì? Đối với một người Mỹ thì đi bộ một vòng qua ba khu phố đã là một hành trình kiệt sức rồi.” Tôi nhớ lại cảnh tượng này khi quân đội Mỹ bước vào kế thừa người Pháp mười năm sau đó.

      Hà Nội đã trở thành một trại lính kiên cố. Các công sở quấn mình vào trong những hàng rào kẽm gai như trong một cái tổ kén. Bầu không khí vĩnh biệt nằm trên những con lộ rộng lớn có trồng cây và trên những ngôi biệt thự được chăm sóc kỹ lưỡng. Dân thường người Pháp gói ghém đồ đạc vào va li. Họ thảo luận về những thông báo cuối cùng từ Genève. Người thủ tướng mới của Pháp Pierre Mendès-France ngồi ở đó cạnh bàn đàm phán với người Trung Quốc Chu Ân Lai và toàn quyền của Việt Minh Phạm Văn Đồng, người đứng đầu chính phủ sau này của nước Việt Nam thống nhất. Phe cánh hữu thủ cựu của Pháp đã mở đường cho Mendès-France thuộc phái tiến bộ, tự do cánh tả, khi vấn đề là phải uống cạn chén rượu đắng của chiến bại. PMF, như ông được gọi tắt, hoàn toàn không phải là người đầu hàng. Ông tranh cãi với răng nanh và móng vuốt vì mỗi một điều khoản trong hiệp định ngưng bắn, vì mỗi một tất đất ở Đông Dương. Thậm chí ông còn đưa ra một tối hậu thơ cho thời điểm ngưng bắn, nếu không – ông đe dọa như vậy – ông sẽ tăng cường thật nhiều lính nghĩa vụ cho đạo quân viễn chinh. Ngay những người thuộc địa cũ ở Hà Nội cũng kính nể Mendès-France, vì họ biết rằng ông chơi bài tố tuyệt vọng cho tới đâu. Quân đội Pháp ở Bắc Kỳ đứng trước lần sụp đổ.

      Tối tối, những loạt súng pháo vang rền ở rìa thành phố. Từ hàng hiên người ta có thể nhìn thấy những họng súng lóe sáng chập chờn ở chân trời. Từ những quán rượu cạnh bên, từ “Régina” hay “Phénix”, những nốt nhạc đứt quãng của một bài tango Trung Hoa vang lên. Hà Nội thuộc Pháp chuẩn bị kết thúc trong tiếng ồn của nhạc khiêu vũ và đại bác.

      9. Trận chiến cuối cùng
      Hưng Yên, trong tháng Bảy 1954

      Có tiếng hét lớn “Alerte” vào giữa đêm. Những chiếc xe bọc thép trinh sát và xe có xích ở bánh sau, bao bọc xung quanh vị trí của chúng tôi như một vòng tròn pháo đài xe, khai hỏa bắn tận lực. Hỏa châu chiếu sáng màn đêm. Độ một chục quả đạn pháo của Việt Minh rơi xuống gần bộ chỉ huy Pháp. Những người bị thương la to gọi y tá. Tôi cúi người xuống nấp trong cái hố cá nhân hình chữ nhật mà chiếc giường dã chiến dưới cái màn che muỗi của tôi được dựng dưới sự che chở của nó giống như một cái hòm gỗ. Cuộc bắn nhau chấm dứt bất thình lình. Những người lính bộ binh thuộc địa dọc theo con đường của Hưng Yên vừa trải qua trận đánh cuối cùng của cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Vào cùng giờ đó, các chữ ký dưới hiệp định ngưng bắn được đặt xuống.

      Khi mặt trời mọc và những người lính Việt Minh của Trung đoàn 42 trong hàng rào dây kẽm gai đã được đếm xong, các viên sĩ quan tụ tập xung quanh chiếc máy ra-đi-ô. Một đại tá béo mập với giọng nói vùng miền nam nước Pháp cởi trần ngồi trước lều như một con chó dữ. Một giọng nói phụ nữ thanh lịch của Đài phát thanh Hà Nội đọc không biểu lộ xúc cảm các điều kiện đầu hàng của Pháp ở Bắc Kỳ. Vĩ tuyến 17 sẽ trở thành đường phân giới giữa Việt Nam đỏ ở miền Bắc và nước cộng hòa quốc gia đối kháng ở miền Nam. Cuộc rút quân ra khỏi Bắc Bộ của Pháp sẽ diễn ra từng chặn một, kéo dài qua nhiều tháng. Qua đó, những nhóm người dân chống cộng sản của miền Bắc có khả năng di tản vào Sài Gòn mà không cần có sự giúp đỡ. Hai năm sau khi ngừng bắn, bầu cử tự do và có kiểm soát ở cả hai nửa phần đất nước sẽ quyết định về tương lai cuối cùng và việc tái thống nhất có thể của Việt Nam.

      Không ai nói lời nào trong lúc nghe tin tức. Các gương mặt không biểu lộ cảm xúc. Với việc xác định đường phân giới ở vĩ tuyến 17, qua đó mà thành phố Huế của các hoàng đế thoát được sự kiểm soát của cộng sản, nước Pháp đã thành công vượt quá sự chờ đợi. Đó là nhờ vào sự kiên trì của Mendès-France, nhưng cũng nhờ vào tác động của trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc Chu Ân Lai. Chu đã tạo áp lực lên đoàn đàm phán của Việt Minh, và ép buộc họ phải nhượng bộ. Ông muốn qua đó mà không cho người Mỹ vào Đông Dương hay ngay từ lúc đó đã muốn phòng ngừa trước một nhà nước Việt Nam láng giềng quá tự tin? Các sĩ quan Pháp ở cạnh con đường của Hưng Yên hoàn toàn không biết gì về những cuộc đấu tranh ở hậu trường này của Hội nghị Genève. Họ không cho rằng phần nhà nước chống cộng sản của Sài Gòn sẽ có cơ hội lâu dài. Đội quân đã tiếp nhận tin ngừng bắn mà không có hân hoa, nhưng cũng không phản đối. Cam chịu là cảm xúc thống lĩnh. Những người lính bộ binh thuộc địa hiểu lờ mờ, rằng họ sẽ để lại một phần của chính họ ở trong đất nước thù địch và xa lạ này, đất nước mà họ thầm kín gắn bó với nó qua một tình yêu không được đáp trả. Họ nhìn ra phong cảnh đồng ruộng bằng phẳng, nơi những người nông dân lại đứng đằng sau các con trâu kéo chiếc cày của họ trong lớp đất bùn màu mỡ, cứ như mồ mả của tổ tiên ở cạnh bên đã không bị tàn phá bởi đạn pháo vài giờ trước đó. Ở cạnh một cái ao, nơi những đứa trẻ con xinh đẹp cười đùa và tắm táp, có một bụi cây màu xanh nhạt đang nở hoa. Giống như những người lính muốn hấp thu thật sâu các hình ảnh này vào người họ, trước khi họ trở về với sự đơn điệu đầy sương mù của những khu công nghiệp ngoại ô ở quê hương họ.

      Chúng tôi hồi hộp trên chuyến trở về Hà Nội. Vô số những trái mìn trên đường lộ vẫn còn chưa được dọn. Có những cột khói bốc lên trong những khoảng cách đều đặn, khi có một chiếc xe bị nổ tung. Từ lúc bắt đầu ngừng bắn, sự bình thản kiên nhẫn được trình diễn ra cho tới nay đã chấm dứt. Bây giờ thì “chỉ đừng là người chết cuối cùng của cuộc chiến đã bị đánh bại này”.

      Viên đại tá béo mập giống như thức tỉnh từ một giấc mơ nặng nề. Ông không nói từ nào, còn không chửi thề đến một lần. Ông đưa tay từ giã và tìm lại được tiếng nói: “Tôi không nói adieu với các anh. Tôi nói hẹn gặp lại, vì vẫn còn tiếp tục. Hẳn là chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ gặp lại nhau ở Bắc Phi.” Ông nói thật là đúng.

      10. Trao đổi tù binh
      Hai Thon, trong mùa Hè 1954

      Người ta bắt đầu trao đổi tù binh ngay sau khi Hiệp định Genève được ký kết. Trong những cuộc hành quân dài, Việt Minh đã dẫn một phần của quân đội đóng ở Điện Biên Phủ về thành trì của họ tại tỉnh Thanh Hóa ở cạnh biển, nơi mà người Pháp chưa từng bao giờ có thể đứng vững ở đó trong mười năm của cuộc chiến. Hải quân Pháp về phần mình đã đưa ra một chiếc tàu đổ bộ kiểu LSM, để chở một trăm người Việt Minh bị bắt giam đến điểm gặp trong vùng đất của kẻ địch.

      Những người lính Việt Minh bị bắt tạo một ấn tượng kỷ luật. Các nữ y tá Pháp, những người phải chịu đựng sóng biển nhiều nhất trên con tàu phẳng này, phản đối việc nhiều mối tình bạn đàn ông hết sức thân mật đã thành hình giữa những người Việt Nam này trong những năm dài sau hàng rào kẽm gai. Một thiếu úy cụt tay của Sư đoàn 320 nắm quyền chỉ huy. Tại lần chuyên chở đầu tiên này, đa số là người bệnh và bị thương. Người phát ngôn chính thức của nhóm là một người đàn ông trẻ tuổi gầy gò, đã hồi phục một cách đáng ngạc nhiên từ những vết bỏng napalm nặng của ông. Ông quả quyết mình là một người lính bình thường. Thật sự thì ông hẳn là một chính ủy. Ông nói trong tiếng Pháp ngập ngừng về niềm tin của mình, rằng sự thống trị của những tên thực dân mới và của những kẻ độc quyền rồi cũng sẽ sụp đổ ở Nam Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ mang lại hòa bỉnh và sự công bằng cho dân tộc của ông. Trong tương lai, bất cứ một tù binh nào cũng sẵn sàng hy sinh tất cả. Bài diễn văn của người cựu sinh viên với ánh mắt cuồng tín không nổi bật bởi tính độc đáo. Mang tính bi kịch nhiều hơn là trường hợp của một người lính cụt chân theo đạo Công giáo từ tỉnh Phát Diệm. Ông ấy không muốn dính líu gì tới chủ nghĩa cộng sản. Thế như Bác Hồ đã tạo lập một mặt trận yêu nước rộng rãi mà trong đó bên cạnh người Mác-xít cũng có chỗ cho người Cơ đốc giáo. Nhìn chung thì những người tù binh trên con tàu đổ bộ này lo lắng nhiều hơn là hân hoan. Hẳn là họ tự hỏi cuộc tiếp đón bởi các cơ quan đỏ vào ngày hôm sau sẽ như thế nào.

      Vào sáng sớm, chúng tôi đến được cửa sông của con sông Mã và mắc cạn đến ba lần. Cuối cùng, một chiếc tàu buồm tiến đến gần mà một lá cờ trắng với chữ thập đỏ đang bay trên cột buồn của nó. Ba sĩ quan Việt Minh trong bộ quân phục xanh màu cỏ ngồi xổm ở mạn tàu. Theo thỏa thuận, họ không được phép mang theo vũ khí, nhưng dưới một tấm bạt bị trượt đi thì người ta có thể nhận ra được vài khẩu súng. “Tính tin người của họ thật là làm cho người ta cảm động”, viên thiếu tá thuyền trưởng cao nghều chỉ huy cuộc trao đổi tù binh bên phía Pháp cười to. Rồi ông nhảy xuống một cái xuồng nhỏ và chèo vào đất liền cùng với người bác sĩ quân y, trong khi một hoa tiêu địa phương lái chiếc tàu của chúng tôi cho tới gần bờ. Nấp ở phía sau bụi rậm của con dốc là ngôi làng đánh cá nghèo Hai Thon. Khối đồ sộ màu xanh của núi Thanh Hóa lấp lánh ở chân trời. Trong lúc cánh cửa rộng ở đầu con tàu đổ bộ nặng nề mở ra, những người tù binh bắt đầu xếp thành hàng. Chúng tôi nhảy xuống chiếc bè tre đang đi về phía chúng tôi và lội nước ở đoạn cuối cùng cho tới bãi cát. Khoảng ba mươi người lính Việt Minh và sĩ quan đang chờ chúng tôi. Họ không mang quân hàm lẫn huy chương. Ở cách xa một đoạn, người dân thường đứng chen chúc với nhau trong bộ quần áo nông dân màu nâu đen.

      Trong ngôi nhà tiếp đón bằng tre có một cái bàn thương lượng được trải khăn vàng. Ngự ở đầu của nó, giống như trên một cái bàn thờ tổ tiên, là tấm hình Hồ Chí Minh dưới lá cờ đỏ có ngôi sao vàng. Đại diện của phía bên kia tự giới thiệu. Phát ngôn viên của họ là một thiếu tá khắc khổ. Giọng nói của cuộc đàm phán lạnh lùng và đúng mực. Người ta thống nhất với nhau là các tù binh Việt Minh lên đất liền trước, và tiếp theo sau đó là lần trả tự do cho một trăm người Pháp. Là người trở về đầu tiên, viên thiếu úy của Sư đoàn 320 bước đến gần người thiếu tá và báo cáo. Viên thiếu tá ôm chầm lấy ông ấy thật mạnh và vụng về cho tới mức người thiếu úy lảo đảo. Ủy ban tiếp đón của Việt Minh rõ ràng là cảm động, khi các tù binh trên những chiếc bè tiến tới gần và theo hiệu lệnh của viên chính ủy của họ mà hô to những câu khẩu hiệu đã được tập dượt sẵn, hoan hô Hồ Chí Minh, cách mạng và chiến thắng. Mỗi một lần muôn năm được người dân đánh cá tưởng thưởng bằng tiếng vỗ tay. Bây giờ, những người Việt Minh bị bắt ra vẻ mệt mỏi và ốm đau nhiều hơn là thật sự. Những người phụ nữ nông dân ôm chầm lấy họ, quạt gió cho họ và vuốt ve mặt họ. Những người trở về nhà nhanh chóng cởi bỏ bộ đồ Pháp ra khỏi người và đổi nó lấy bộ quân phục của Việt Minh.

      Chúng tôi có thể đi lại tự do và nói chuyện phiếm tương đối thoải mái với đại diện của phía bên kia. Họ quan tâm tới các diễn tiến ở châu Âu, và có nhiều thông tin tới mức đáng ngạc nhiên. Cuộc trao đổi chấm dứt đột ngột khi người Pháp nhìn thấy các tù binh của họ. Họ bị trận đánh Điện Biên Phủ, chuyến đi vô tận về Thanh Hóa và những bệnh nhiệt đới hành hạ thật đáng sợ. Nhiều người nằm trên cáng dưới một cái mái che tạm bằng lau sậy. Rất ít người còn có thể tự đi lại. Họ chào mửng những người đồng hương đang tới gần với đôi mắt sốt, cảm ơn. Không, họ không bị hành hạ. Nhưng chuyến đi bộ qua rừng rậm thật là chết người, và rất nhiều người đã chết. Họ nhận được cùng thức ăn uống như những người lính Việt Minh, nhưng đối với một người Âu thì chúng hoàn toàn không đủ. Hầu như tất cả đều mắc bệnh lỵ và sốt rét. Các nữ y tá người Pháp, chăm sóc ngay lập tức cho đội quân gầy giơ xương đó, bây giờ nhìn thù địch và căm thù tới lực lượng chăm sóc người Việt. Cuộc chuyên chở ra bờ sông được bắt đầu trong bầu không khí buồn phiền. Trước khi họ lên tàu đổ bộ, những người Pháp trở về quê hương muốn, hẳn là đã nhìn thấy từ kẻ địch, bày tỏ lòng yêu nước và sự tin tưởng theo cách của họ. Nhưng họ chưa từng bao giờ học cách hô khẩu hiệu. Một nhóm người hét to “Hipp hipp hurra!” như trong sân bóng đá, và một người bị thương ở chân, đi cà nhắc, hô to “Vive la France!”, giống như ông ấy là de Gaulle vậy.

      Chuyến trở về Hải Phòng rất cực nhọc. Một ngọn gió mạnh thổi lên trên Vịnh Bắc Bộ. Những người sống sót của Điện Biên Phủ kể về trận đánh, về sự thất bại của giới chỉ huy, về sự ngạc nhiên khủng khiếp khi hỏa lực pháo binh bất thình lình dập xuống những vị trí không đủ chắc chắn của họ. Một tiểu đoàn Thái đào ngũ ngay lập tức. Lực lượng quân đội da màu còn lại của Union Française thụ động và tìm nơi ẩn nấp. Thật sự chiến đấu cho tới cái hố cá nhân cuối cùng và cho tới kết cuộc chỉ là những người lính nhảy dù Pháp và lính lê dương. Những người lính thuật lại đầy khinh bỉ về các sĩ quan của những đơn vị khác, những người đã không lo cho người của họ. Nhưng lính lê dương, cho tới tám mươi phần trăm là người Đức, thì đã bước ra để chết, giống như trong một trận đánh huyền bí của người Goth.

      Hai viên thiếu úy kiệt lực không nhập cuộc. Họ đã bị Việt Minh bắt ngay từ lúc bỏ Cao Bằng vào cuối năm 1950. Các chính ủy cộng sản đã công kích họ nhiều năm trời – không ngày nào mà không có học tập chính trị và cải tạo nhiều giờ liền. Để sống sót, nhưng cũng từ một sự tò mò trí thức nhất định, các tù binh của trại sĩ quan Pháp – ngược với các hạ sĩ quan thô lỗ, giả điếc với các tuyên truyền viên đỏ – đã tham gia cuộc chơi và một phần còn giả vờ tin vào chủ nghĩa Mác và chống chủ nghĩa thực dân nữa. Điều kiện sống trong những trại tù binh này khủng khiếp đã đủ, nhưng khó có thể chịu đựng nhất về lâu dài là tính khăng khăng cứ cho mình là đúng, sự kiêu ngạo về tư tưởng hệ, thái độ kẻ cả ở những người thuyết giáo da vàng của cuộc cách mạng thế giới này. “Sau một năm, chúng tôi có cảm giác như mình là những con chuột lang mà người ta đang tiến hành những thử nghiệm đột biến tư tưởng hệ ở chúng. Điều đó tồi tệ và làm mất phẩm cách nhiều hơn là đói ăn và bệnh tật”, một viên thiếu úy nói. “Nhưng chúng tôi đã học được một điều”, người đi cùng với ông nói, “tức là chúng tôi đã tiến hành một cuộc chiến ngu ngốc, hoàn toàn không hợp thời. Ở đây trong châu Á và ngày mai hẳn là ở châu Phi, chúng tôi đối đầu với một cuộc “chiến tranh cách mạng”, và chỉ có thể tự khẳng định được chúng tôi ở nước ngoài khi chúng tôi đối phó với những người da màu với cùng những biện pháp tuyên truyền, với một sự nhồi sọ tàn bạo tương tự như Việt Minh đã dạy cho chúng tôi. Không biết là liệu chúng tôi có phải cải tạo người Pháp ở nước mẹ tương tự như vậy hay không, để họ học được rằng tình yêu tổ quốc, sự trung thành và ý thức kỷ luật là gì. Các chính khách và đảng phái của nền Đệ tứ Cộng hòa đã phản bội chúng tôi một cách thật nhục nhã và đã bỏ mặc chúng tôi, nhưng nếu cần thì chúng tôi sẽ dạy cho họ biết rằng đổi mới cách mạng là gì.” Viên thiếu úy thứ nhì nói giọng khàn khan và gần như là thì thầm. Bây giờ ông bị một cơn ho hành hạ, và mảmh vải sạch mà các nữ y tá đã đưa cho ông nhuộm màu máu. Sóng biển mạnh tới mức người trên tàu – ngoại trừ các thủy thủ – đều buồn nôn. Chẳng bao lâu sau đó, chúng tôi bám chặt vào lan can tàu, để cho cơn bão oi bức thổi vào mặt và nôn mữa vào trong màn đêm đen như mực.

      Comment


      • #4
        11. Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhì - Người Mỹ

        Phong cách Mỹ
        Việt Nam, Xuân 1965

        Phong cách tiến hành chiến tranh của người Mỹ là một phong cách hoàn toàn khác. Người ta không coi trọng công sự phòng thủ. Hỏa lực riêng là tất cả. Trong những trường hợp khó khăn thì dựa vào không quân, và khi hết sức tồi tệ thì những chiếc trực thăng, những chiếc chopper không thể thiếu được, sẵn sàng để chở các cố vấn Mỹ bay ra. Tôi có trải nghiệm đầu tiên của tôi với cuộc chiến tranh lần thứ nhì, với cuộc Chiến tranh Đông Dương của Mỹ, ở Kontum trên cao nguyên của Trung Kỳ, cách biên giới ba nước không xa, nơi Việt Nam, Lào và Campuchia gặp nhau. Ở lân cận thành phố Kontum nhỏ bé có một nhóm Special Forces đóng quân, dựng lên những ngôi nhà xây sẵn và kéo hàng rào kẽm gai. Nhóm Green Berets như họ được gọi vì chiếc mũ nồi xanh, đã được đích thân Tổng thống Kennedy hỗ trợ.

        Ở Kontum, một Thiếu tá gốc người Libanon chào đón chúng tôi. Ông và người của ông tạo một ấn tượng tự tin và cương quyết. Đó là dân chuyên nghiệp của chiến tranh, đã được đào tạo để chiến đấu trong rừng rậm, phá hoại và chống nổi dậy ở phía sau chiến tuyến của địch thủ. Dirty tricks cũng nằm trong chương trình đào tạo. Các nhà quan sát người Pháp nói rằng ba người của Special Forces có giá trị ít nhất là ngang với một đại đội Mỹ bình thường. Viên thiếu tá đầy sẹo đậu mùa ngụ ý nói rằng ông đã có một con đường công danh nhiều biến động ở sau lưng. Do biết tiếng Ả Rập toàn hảo mà ông đã được cử vào những nhiệm vụ đặc biệt, đầy phiêu lưu, ở Cận Đông. Nhưng bây giờ thì hầu như toàn bộ Green Berets đều được tập trung lại ở Nam Việt Nam, để đương đầu với thách thức cộng sản từ miền Bắc. Ở Kontum, họ đã tụ họp được một nhóm quân lính người địa phương đáng tin cậy, trung thành với họ. Họ là thổ dân cao nguyên. Người Mỹ đã tiếp nhận cách diễn đạt Montagnard của người Pháp cho họ. Tại dân tộc Việt ưu đẳng ở ven biển thì những con người có da màu đồng với mắt hẹp tí này, được cho là thuộc chủng tộc Polynesia, được gọi là “Mọi”, tức là mọi rợ. Nếu như không được Kitô giáo hóa bề ngoài thì họ vẫn còn theo các tín ngưỡng vật linh của họ. Họ chia ra thành nhiều bộ tộc với nhiều thứ tiếng rất khác nhau, nhưng có một điều liên kết họ lại: sự căm thù người Việt, những người trong thời gian nhiều thế kỷ đã đẩy họ ra khỏi những vùng đồng bằng màu mỡ lên vùng rừng núi hoang vắng một cách có hệ thống. Trong năm 1946 tôi còn nhìn thấy người Mọi ở quanh Đà Lạt trần truồng, chỉ một cái khố đi xuyên qua rừng rậm. Bây giờ thì phần lớn đàn ông mặc quân phục màu xanh của Mỹ, và những người phụ nữ đã che dấu bộ ngực có hình dạng đẹp của họ. Tôi đi thăm một ngôi làng nhà sàn của họ ở gần Kontum. Ngôi nhà chung nhô lên ở giữa với đầu hồi nhà cao, giống Mã Lai. Đối với người Âu, những con người đơn giản này rất tin cậy và thân mật. Một vài người già tự giới thiệu mình là lính phụ trợ của quân đội thuộc địa Pháp và chào theo kiểu quân đội. Chúng tôi phải hút uống thứ bia có mùi vị như mục nát của họ, hay gọi thứ nước uống gớm ghiếc này như thế nào đi nữa, từ những cái bình thật to. Trong lúc đó thì không thể lừa gạt được, vì người Mọi dùng một cái phao nhỏ để kiểm tra xem chúng tôi có uống thật nhiều từ thứ nước được mang ra chào khách đó hay không.

        Kontum nóng và nhiều bụi vào ban ngày. Những người thuộc Special Forces nhanh chóng làm quen với chúng tôi với phong cách không câu nệ nghi thức của Mỹ. Những người lính nhà nghề này, phần lớn đều xăm hình trên ngực hay cánh tay, không phải là đại diện đặc trưng cho quốc gia của họ. Họ cứng rắn hơn rất nhiều khi so với những người lính Mỹ khác mà chúng tôi đã gặp ở Sài Gòn và vùng lân cận. Đa số là người mới nhập cư hay ít nhất là những công dân Mỹ không hòa hợp được với các suy nghĩ rập khuôn của xã hội Mỹ. Một người Mễ, một người Phần Lan và một người da đỏ thuộc trong nhóm nhỏ này ở Kontum, nhưng chỉ có một người da đen. Các Green Berets vẫn còn được giới báo chí Mỹ ca ngợi như là những người anh hùng, nhưng về cơ bản thì họ là những người không thích nghi trong đất nước chịu nhiều ảnh hưởng Thanh giáo của họ, đất nước mà không còn có thể sử dụng những con người đứng ngoài cuộc này vào việc gì được nữa, kể từ khi thời của những người săn da thú và anh hùng súng lục đã qua rồi.

        Viên thiếu tá người Libanon, một người theo Cơ đốc giáo của Giáo hội Maronite, như được nhanh chóng biểu lộ, bình luận về việc tăng cường hoạt động của Mỹ ở Đông Nam Á với một sự hoài nghi thật sáng suốt. Năm 1964 là một năm đen tối cho quân đội quốc gia Nam Việt Nam. Các cố vấn Mỹ tính toán rằng hàng tháng đã tiêu diệt được lực lượng chiến đấu tương đương với một tiểu đoàn đầy đủ của Việt Cộng. Người cộng sản bây giờ chuyển sang giai đoạn tấn công của cuộc chiến tranh cách mạng, và mới đây đã tấn công với lực lượng cỡ trung đoàn. Special Forces chế nhạo các sĩ quan tham mưu từ Hoa Kỳ, những người đã huấn luyện quân đội Sài Gòn hướng tới một sự lập lại của Chiến tranh Triều Tiên, đã trang bị cho họ nhiều vũ khí hạng nặng và nhiều xe thiết giáp đến mức phi lý. “Cứ như là người Bắc Việt sẽ lăn qua vĩ tuyến 17 với xe tăng Nga vậy”, viên trung úy người Phần Lan cười to. Lần đổ bộ các đơn vị Mỹ đầu tiên – đi đầu là một trung đoàn marines, lội nước vào bãi biển gần Đà Nẵng và được thiếu nữ Việt trao vòng hoa ở đó – được những người đàn ông ở Kontum xác nhận với sự chế nhạo rõ ràng: “Ở đây là một cuộc chiến tranh du kích, còn marines thì thích nhất là chỉ muốn lập lại Guadalcanal và Okinawa thôi.” Cả việc ném bom các mục tiêu chiến lược ở Việt Nam do Tổng thống Johnson ra lệnh cũng không gây ấn tượng cho họ. “Người ta không nghiền nát kiến bằng xe lăn đường”, người da đỏ nói.

        Vào sáng ngày hôm sau, viên thiếu tá mời chúng tôi đi xem giờ giảng dạy chiến đấu. Ở gần làng Montagnard Dak Seng, chỉ cách biên giới Lào vài ki-lô-mét, một trinh sát người bản địa đã phát hiện ra một căn cứ của Việt Cộng, cái mà thật sự thì hẳn là được lính chính quy Bắc Việt đóng giữ. Trên bãi cỏ của phi trường Kontum, thời đó không lớn hơn một sân bóng đá nhiều cho lắm, có một tá chiếc trực thăng đang chờ đợi. Lính người Việt, vũ trang với súng tiểu liên M-16, nón Mỹ nặng nề trên đầu, quá lớn cho những anh chàng nhỏ bé đó, leo lên trực thăng. Phần lớn đều mặc áo chống đạn, vì thêm hay bớt một ít trang bị không hề đóng vai trò nào đối với những người châu Á dẻo dai này. Phi công hầu hết là người Mỹ. Ở độ cao thấp, chúng tôi bay phành phạch qua rừng rậm và làm hoảng loạn một bầy voi ở nửa đường. Không thể nhận ra một đường băng trong rừng rậm. “Đường mòn Hồ Chí Minh khả nghi đó trông giống y như thế này chứ không khác gì cả”, viên phi công hét to át tiếng ồn của động cơ. Bất thình lình, những chiếc trực thăng bay thành đội hình giống như một bầy ong. Ba chiếc chopper khai hỏa vào một mô đất hầu như không thể nhận ra được và bắn hỏa tiển, những cái nổ tung với khói sậm màu. Chúng tôi lơ lửng tựa như đứng yên tại chỗ, chỉ còn cách mặt đất một mét. Cùng với những người lính Việt Nam, chúng tôi nhảy ra ngoài và tìm chỗ ẩn nấp ở rìa của cái trảng. Trận đánh đã qua rồi. Cuộc tấn công đã diễn ra hoàn toàn bất ngờ. Nếu như người Bắc Việt không nhanh chóng tháo chạy thì họ đã nằm cạnh các hàng rào bằng tre như những xác chết đã cháy thành than hết nửa. Đó là một cách tiến hành chiến tranh mà người Pháp thậm chí còn không dám mơ tưởng tới. Sau vài phút, chúng tôi lại leo lên chiếc trực thăng của chúng tôi và bay trở về. Người Nam Việt phải hành quân đường bộ về Kontum. Họ có nhiệm vụ tìm quân địch. Viễn cảnh này không tạo hân hoan.

        Ngôi nhà đồ sộ nhất của Kontum là nhà của đức giám mục. Ngôi trường dòng sát cạnh giống như một trại lính thuộc địa Pháp. Trường dòng đóng cửa, nhưng đức giám mục, Moseigneur Seitz, một người vùng Alsace nguyên thủy, nhiều râu, vẫn còn ở lại vị trí của mình. Ông còn gửi các linh mục của ông tới những ngôi làng hẻo lánh nhất của người Mọi, để ban phước và giảng giáo lý. Những nhà truyền giáo người Pháp hiểu biết Việt Cộng tốt hơn là các chuyên gia tình báo của Special Forces. Họ thường hay gặp phải các du kích đỏ và thỉnh thoảng còn bị họ bắt đi. “Tôi biết rất tốt người đối thủ của tôi, viên chính ủy chỉ huy của Việt Cộng”, đức giàm mục nói. “Ông ấy là một nhà đấu tranh lão thành, đã chiến đấu từ năm 1946 trong bí mật. Ông ấy là một người lý tưởng quên mình, gần như là một ông thánh, người ta sẽ nói như vậy nếu như ông ấy đứng bên cạnh chúng tôi. Trong tháng Bảy 1954, ngay trước lần ngưng bắn, khi trại lính Páp rút đi, lúc đó tất cả họ đã bước từ trong rừng ra, và đã thiết lập một dạng hành chánh xã hội chủ nghĩa ở Kontum trong vòng vài tuần. Thể theo Hiệp định Genève, họ được rút về miền Bắc vài tuần sau đó. Nhưng bây giờ thì họ lại có mặt ở đây. Sư đoàn Nam Việt Nam, đóng quân ở chỗ chúng tôi và miễn cưỡng lắm mới dám bước ra khỏi vùng lân cận của thành phố Kontum, đã mất tinh thần chiến đấu rất nhiều và sẽ không có khả năng giữ vững được lâu nữa, ngoại trừ người Mỹ bước vào thay thế.”

        Trong toàn bộ Thế giới thứ Ba, các nhà truyền giáo thuộc vào trong số những nguồn cung cấp thông tin đáng tin cậy nhất. Có lẽ là các linh mục Công giáo vượt trội hơn các đồng nhiệm Tin Lành của họ trong tính khách quan của các phân tích của họ. Trong con mắt của họ, nếu như nhận thức thần học của họ vẫn còn nguyên vẹn, thì thế giới vẫn là một thung lũng nước mắt, và họ biết rằng không một ai có thể nắm quyền trong sự vô tội. Trong lúc lắng nghe Monseigneur Seitz, tôi phải nghĩ những nhà tu dòng Phan-xi-cô của Lashio ở Bắc Miến Điện, những người trong mùa Xuân 1952 đã có thể cung cấp cho tôi tin tức về tình hình cuộc nội chiến rối rắm giữa người cộng sản, “cờ trắng và đỏ”, giữa người Karen, Shan và Kachin chính xác hơn là các tùy viên quân sự trong thủ đô Rangoon rất nhiều. Con người vùng Alsace này có tính khí khác hẳn với ông người Pháp buồn rầu của dòng Sa-lê-diêng, người mà thời đó với sự tuyệt vọng trong giọng nói, ở giữa đống đổ nát vì bom đạn của Mandalay, đã thừa nhận sự thất vọng sâu sắc của ông đối với những người Miến Điện được giao cho ông. “Tôi cho họ là những đứa trẻ con”, ông ấy ta thán lúc đó, “nhưng bây giờ tôi mới phát hiện ra rằng họ là những đứa trẻ con xấu.” Monseigneur Seitz không chia sẻ một sự bi quan như vậy. Ông gắn kết với những người Montagnard của ông, và kiên cường đấu tranh để cứu vớt linh hồn của họ trước ảnh hưởng xấu xa của những nhà ý thức hệ Mác-xít. Ông vẫn còn hình thể và niềm tin Chúa của một hiệp sĩ Thập Tự Chinh.

        Cha sở của giáo phận là một người trí thức trầm tư. Ông nói về tấn bi kịch của Tổng thống Công giáo Ngô Đình Diệm. Ông thuật lại sự điên rồ của ông quan liêm khiết đó, người với thiểu số gần hai triệu người Công giáo đã cố gắng biến Nam Việt Nam thành một nền cộng hòa Công giáo theo kiểu của [Thủ tướng Áo] Dollfuß. Qua đó, ông đã gây ra phong trào chống đối của người Phật giáo. Điều dễ hiểu là các môn đồ của Gautama đã chống lại chiến dịch chuyển đạo Kitô giáo đó của Diệm, nhưng rồi đã nhanh chóng trở thành lực lượng đối lập chính trị hiếu chiến. Lần đột biến của các chức sắc Phật giáo, cho tới lúc đó hoàn toàn trung lập, thành những nhà đấu tranh chủ đạo đầy nhiệt huyết cho cuộc lật đổ cách mạng thì chắc chắn không phải là hoàn toàn tự phát. Trong cuộc chiến tranh chống Pháp, Phật giáo không hề đóng vai trò nào hết. Dưới thời của Diệm, các phái viên của Việt Cộng đã thâm nhập có chủ đích vào chùa chiền. Lần biến đổi từ người chính ủy thành những nhà tu hành, từ phái viên Việt Cộng thành chức sắc thiền tu dễ như trò chơi trẻ con, ở nơi mà bất cứ Phật tử sùng đạo đều cần nên ở trong tu viện một khoảng thời gian ngắn của đời mình.

        Với lần tăng cường tham chiến của Mỹ ở Đông Dương, hàng đoàn nhà báo Mỹ đã tới Sài Gòn. Họ đã đặt trụ sở lui tới thường xuyên của họ ở trong tầng cao nhất của khách sạn hiện đại “Caravelle”, được cho là thuộc nhà thờ Công giáo, ở trong một quán rượu khô khan, được điều hòa nhiệt độ quá lạnh, và nhanh chóng thống nhất với nhau trong đánh giá tình hình: Phải bỏ nhà độc tài Diệm, và người Phật giáo như là những người đại diện thật sự cho người dân Việt Nam, sẽ chỉ ra con đường cứu thoát tiến tới hòa bình và dân chủ giữa chủ nghĩa phát xít nhà thờ của “con người liêm khiết” và chủ nghĩa cộng sản của Mặt trận Giải phóng. Rằng các nhà sư Phật giáo nói chung là không hề đại diện cho dân tộc theo Nho giáo này, rằng học thuyết của Guatama như là tôn giáo trốn tránh của người dân nghèo chỉ tồn tại ở ngoài rìa và ở Nam Kỳ trước hết là nhờ vào láng giềng Campuchia mà phái Phật giáo Nguyên thủy mới có một sự hiện diện tương đối lớn hơn, những điều đó thì nhiều lắm là chỉ có một vài người ngoài cuộc của CIA là biết tới, những người mà không ai lắng nghe họ. Khi rồi thật sự là một vài chức sắc chọn con đường tử vì đạo, đổ xăng lên người trên đường phố và bùng cháy như những ngọn đuốc sống, thì sự phẫn nộ của giới tường thuật bùng nổ và được mang sang cho người đọc. Bà Nhu, cô em vợ đẹp và đầy quyền lực của Tổng thống Diệm, đã vô tình góp phần vào việc đó khi bà tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn rằng bà không thể ngăn cản các nhà sư tổ chức buổi nướng thịt riêng của họ.

        Lại chính là Tổng thống Kennedy, người Công giáo đầu tiên đứng đầu nhà nước Hòa Kỳ, đã cho lật đổ nhà độc tài Công giáo Diệm trong mùa thu 1963 và bắt đầu một chương nhục nhã nhất của nền ngoại giao Mỹ. Kennedy, người ta cho là như vậy, đã mù quáng tin vào tường thuật của thông tín viên New York Times David Halberstam, một người tích cực chống Diệm. David là một người bạn cũ từ thời loạn lạc ở Congo và chiến tranh ở Kantaga. Nhưng đối với chiều sâu khó hiểu của sự kiện ở Đông Nam Á thì anh còn có ít cảm giác hơn là đối với thế giới giàu sang tươi đẹp của Bờ biền Đông, cái mà anh biết cách mô tả nó thật sắc sảo. Cuối cùng, Ngô Đình Diệm trở thành nạn nhân của một âm mưu Mỹ mà giới tướng tá Nam Việt Nam có nhiệm vụ phải tiến hành nó. Việc người đứng đầu nhà nước bị giết chết trong lúc đó có thể là một sự cố. Trong sự kiêu hãnh của ông ấy và danh dự của ông ấy, rõ ràng là Diệm đã từ chối lời mời chạy trốn của các trung gian người Mỹ và thích cái chết hơn. Nhát dao đâm vào con người yêu nước cứng nhắc nhưng chính trực này từ đó đè nặng toàn bộ chính sách Việt Nam của Mỹ như một dấu ấn của Cain [đã giết chết người em ruột của mình].

        Cha sở của giáo phận Kontum có nghe kể rằng trong những tháng thống trị cuối cùng, nhà độc tài bị hy sinh đó qua sự giúp đỡ của Pháp đã cố gắng tiến hành đối thoại với Hồ Chí Minh, để cứu thoát dân tộc Việt Nam khỏi lần quốc tế hóa cuộc nội chiến đang sắp sửa xảy ra. Các tiếp xúc này đã tăng tốc cho quyết định đầy thảm khốc đó của Nhà Trắng. Tiếp theo lần thủ tiêu Diệm là một chân không trong hình dạng của một chính phủ quân đội lòe loẹt do tướng Dương Văn Minh đứng đầu, thời xưa được người Pháp gọi là le gros Minh, bây giờ là Big Minh. Nhưng Big Minh cũng nhanh chóng bị người Mỹ nghi ngờ. Con người uể oải chậm chạp này đã nhận được những quân hàm đầu tiên của ông trong quân đội Pháp, và vẫn còn giữ lòng trung thành hết sức bất ngờ với thế lực thuộc địa cũ cũng như với tướng de Gaulle. Chẳng bao lâu sau, Dương Văn Minh bị lật đổ qua một cuộc đảo chính do người Mỹ dàn dựng và được đưa đi lưu vong sang Bangkok. Giờ bi kịch của ông mãi trong tháng Tư năm 1975 mới tới, vào đêm trước của lần người cộng sản tiến vào Sài Gòn, khi ông được gọi ra đứng đầu nền Cộng hòa Nam Việt Nam đang phân rã và chỉ còn được phép tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Sau khi trục xuất Big Minh, tướng lãnh sân khấu và chính trị gia bù nhìn đã thay thế nhau trong Dinh Norodom, dinh toàn quyền Pháp ngày xưa, cái mà người ta đã đổi tên thành “Palais Độc Lập”, “Đinh Độc Lập”. Cuối cùng, đại sứ Mỹ quyết định chọn tướng Khánh trò trịa mà chòm râu dê của ông đã gây ra nhiều lời đùa cợt. Khánh là con trai của một diễn viên và qua đó là thành viên của một giai cấp bị coi thường ở Việt Nam. Đối với Hoa Kỳ, ông là một đồng minh quá nhún nhường, hoàn toàn không đủ khả năng trong tình huống khủng hoảng cực kỳ này

        Ông cha sở đã thố lộ xong và bây giờ thì mỉm cười độc ác ở sau đôi mắt kính dầy cộm của ông. “Từ sau vụ giết chết Diệm thì rất hiếm khi người ta còn nói về người Phật giáo nữa”, ông nói. “Thời gian sau này, CIA đã tóm lấy các điệp viên của Việt Cộng và đưa người của họ vào trong chùa. Nhiều lắm thì Phật giáo chính trị đã cố thủ ở thành phố Huế của các hoàng đế trước đây như là pháo đài cuối cùng.”

        Trái tim dân tộc Việt đập nhịp ở Huế, thời đó người ta nói như vậy. Vẫn còn chưa có quân đội Mỹ đổ bộ vào thủ đô ngày xưa của Vương quốc An Nam, nhưng người dân của nó đã đông cứng lại trong sự kháng cự thù địch và bản năng, chống lại những kẻ xâm nhập mới này. Huế mang dấu ấn của những bức tường màu xám, mục nát của hoàng thành. Không thể không nhận ra phong cách của bậc thầy xây pháo đài người Pháp Vauban. Cung điện bị bỏ bê không còn loan báo sự lộng lẫy đế vương nữa.

        Một bác sĩ trẻ người Đức, hành nghề và giảng dạy trong bệnh viện của đại học Huế, tháp tùng chúng tôi trong chiếc Peugeot của ông ấy tới các lăng mộ hoàng đế xưa cũ. Các lăng mộ này đã nằm trong vùng đất đồi núi giữa hai chiến tuyến, nơi mà Việt Cộng thống trị sau khi màn đêm buông xuống. Những lăng mộ này là bản sao trung thành của các gương mẫu Trung Quốc. Chỉ là ở đây thì tất cả đều nhỏ hơn và khiêm tốn hơn, ngay tới các con voi và các con vật huyền thoại viền các đại lộ cũng vậy. Quan lại bằng đá đứng xếp hàng để bày tỏ lòng thần phục theo thứ bậc. Không ở đâu mà có thể nhìn thấy rõ ràng hơn, rằng người Việt Nam chỉ nhờ vào một sức mạnh phản kháng kỳ diệu mà đã chống lại được sự sáp nhập vào Trung Quốc. Họ đã tiếp nhận chữ viết và văn hóa của Trung Quốc, trước khi các nhà truyền giáo Âu châu tiến hành phiên âm tiếng Việt ra chữ cái La-tinh. Các đền thờ của thành phố người chết nằm rải rác trong các công viên yên lặng. Hoa sen và hoa súng nở trên làn nước xanh rêu của những cái hồ vuông. Chúng tôi tiếp tục đi xe trên một con đường đất về phía tây. Chúng tôi dừng lại trên một ngọn đồi vẫn còn có một công sự bê tông cũ của Pháp ngự ở trên đó. Quả bóng mặt trời màu đỏ hạ xuống gần tới hình bóng của dãy núi. Biên giới Lào nằm ở đó. Ở dưới chân chúng tôi là một trong những phong cảnh đáng yêu nhất của châu Á. Dòng sông Hương kéo qua những cánh đồng lúa xanh tươi và những bụi tre gợn sóng như một dãy bạc rộng lớn. Trong ánh sáng lẫn khói, những chiếc tàu đánh cá và thuyền buồm trôi đi trên Rivière des Parfums. Một cái tháp chùa mở rộng những cái mái cong cong của nó ra.

        Ông bác sĩ tóc vàng người Đức hối thúc quay trở về. “Bản thân tôi thì không sợ Việt Cộng”, ông nói, “họ biết tôi lâu rồi và biết rằng tôi không hỏi màu sắc chính trị tại các bệnh nhân của tôi. Vào ban ngày tôi còn đi thăm các ngôi làng khét tiếng là có thiện cảm với những người nổi dậy nữa. Nhưng người ta không biết các anh và có thể cho rằng các anh là người Mỹ.” Lúc đó, người bác sĩ ở Huế còn chưa biết những gì sẽ đến với ông. Tại đợt tấn công lớn đầu năm của người Bắc Việt trong tháng Giêng 1968, khi quân lính của Hà Nội kéo ngôi sao vàng cách mạng của họ lên hoàng thành và đương đầu bốn mươi ngày trời với cuộc tấn công của sức mạnh Mỹ chiếm ưu thế, thì ông cùng với một số đồng nghiệp đã bị giết chết. Lúc đầu, người ta quả quyết rằng người Bắc Việt Nam là những kẻ tội phạm, việc nghe không có vẻ hợp lý cho lắm trước tinh thần kỷ luật cao của quân đội chính quy của Giáp. Vì vậy mà sau này người ta bí mật lan truyền đi rằng các bác sĩ ở Huế đã bị một nhóm nguyên là sinh viên của họ giết chết, những người đã bị điểm xấu trong kỳ thi Y của họ hay là muốn chứng tỏ lòng nhiệt tình cách mạng của họ.

        Ông chủ quán người Hoa ở Huế phiên dịch cho chúng tôi tin tức từ ra-điô. Chính phủ quân đội của Tướng Khánh ở Sài Gòn đã quyết định đối phó cứng rắn với những người thuộc phe trung lập và những người theo cái được gọi là “lực lượng thứ ba”, những người mà trước hết là tụ tập trong phạm vi của những ngôi chùa Phật giáo. Còn chưa nhận ra được gì từ điều này ở Huế. Vào buổi sáng, chúng tôi dự một buổi hành lễ Phật giáo kỳ lạ. Các cố gắng làm chuyển đạo và chính sách tăng lữ của nhà độc tài Công giáo Diệm đã gây ra không những phản kháng mà còn cả một sự bắt chước làm kinh ngạc ở thế hệ trẻ. Trong ngôi chùa lớn nhất ở Huế, các nhà sư tiến hành nghi lễ Phật giáo của họ trong cách thức hành lễ chặt chẽ của một buổi lễ Công giáo La Mã. Tín đồ đứng chính xác và tụng kinh của họ như kinh cầu nguyện. Các cô gái được tổ chức trong một loại giống như hội đoàn trinh nữ với những chiếc áo dài màu xanh da trời, và các Boy Scout với chiếc nón của hướng đạo sinh phân phát tờ rơi truyền đạo trước nhà thờ, nhìn trông rất giống hướng đạo sinh của Thánh Georg. Sự chống đối mang tính hiếu chiến của tín đồ Phật giáo ở Huế, dẫn tới một cuộc bạo động công khai của sinh viên một năm sau đó để chống lại nhà chức trách ở Sài Gòn và chống sự thâm nhập ngoại bang của Mỹ, sụp đổ đột ngột và dứt điểm khi lính nhảy dù theo lệnh của Tướng Kỳ được chở ra bằng máy bay và đi lùng bắt các nhà sư.

        Ba người trung lập nổi tiếng nhất của Sài Gòn bị bắt nhanh gọn trong mùa xuân 1965 và bị chở ra đường phân giới ở vĩ tuyến 17. Ở đó, các bộ tham mưu tuyên truyền đã triệu tập một đám đông khản giả đứng reo hò ở bờ nam của sông Bến Hải, trong khi ba peace monger này – diễn đạt khó tin này bắt nguồn từ giới báo chí Sài Gòn – bị trục xuất qua cây cầu sang miền Bắc. Những người cộng sản ở Hà Nội đủ khôn ngoan để tiếp đón ba người khách không tự nguyện này và cho họ đi tiếp tới Paris, nơi họ tiếp tục chiến dịch để tạo thành một lực lượng thứ ba ở Nam Việt Nam. Tại thời điểm đó, cuộc nội chiến đã bùng nổ ra trên toàn Việt Nam. Nhưng ở cái lưng ong của đất nước hẹp nằm cạn biển này, nơi hai quốc gia thù địch đụng đầu nhau, thì tổng tư lệnh Giáp cho tới nay vẫn còn chưa ném các trung đoàn của ông vào chiến trận. Ông muốn giữ vững ảo cảnh, rằng chiến sự ở Trung và Nam Kỳ chỉ là một cuộc nổi dậy của những người ở địa phương, chiến đấu cho tự do. Với sự can thiệp ồ ạt của người Mỹ thì việc nhẫn nhịn vì dư luận thế giới như vậy đã trở thành thừa.

        12. Victor Charlie không muốn lộ diện
        Thung lũng Kim Sơn, mùa Thu 1966

        Tướng Westmoreland, tổng chỉ huy Hoa Kỳ ở Việt Nam, đã tìm thấy phương thức công hiệu để chống du kích quân, người ta nói như vậy vào thời đó trong các ban tham mưu ở Sài Gòn, và giới báo chí Phương Tây hòa vào dàn đồng ca này.

        Công thức mới của chiến thắng có tên là “Search and Destroy – Tìm và Diệt.” Không còn ai muốn biết gì về chiến lược cho tới nay nữa, cái mà mới đây đã được giới thiệu dưới cái tên “Clear and Hold – Quét và Giữ”. Chiến thắng dường như nằm trong tầm tay, từ khi Sư đoàn Kỵ binh số 1, được gọi là First Cav, với một đoàn trực thăng tỏa ra ở giữa Trung Kỳ đi tìm những chỗ ẩn nấp của Việt Cộng. Du kích quân bị phát hiện trong thung lũng Kim Sơn. Khi chúng tôi bay trực thăng đến được nơi mà đại đội First Cav mới đáp xuống trước đó thì những người lính Mỹ đã đi qua đám cỏ voi cao được vài ki-lô-mét. Chúng tôi đi hàng một và lúc nào cũng đặt chân vào dấu của người đi trước. Qua đó, rủi ro dẫm phải mìn nhỏ đi. Đặc biệt đáng sợ là những cái bẫy hố hiểm độc có tre được vác nhọn và tẩm thuốc độc ở dưới đó. Dưới một bụi tre rậm, lính kỵ binh phát hiện ra nhiều cái vại to bằng đất sét chứa đầy gạo. Những cái vại đó bị đập vỡ. Kiến sẽ lo liệu nốt phần còn lại. Đất mới vừa được đổ lên ở rìa của một xóm nhỏ tí. Lính Mỹ đào xuống và phải bịt mũi lại. Họ đã phát hiện ra một mồ chôn tập thể của khoảng mười hai cái xác chết đã thối rữa. Tôi chú ý thấy những người lính của First Cav thường hay tạm nghỉ nhiều cho tới đâu, và họ bảo vệ vị trí của họ không cẩn thận cho tới đâu. Rõ ràng trực thăng là một phương tiện vận chuyển tiện nghi cho tới mức người ta đã quên cách hành quân. Ngoài ra thì tuy là “tìm” rất nhiều, nhưng không “diệt” được gì cả, nếu như không kể tới vài ngôi nhà tre bị đốt cháy. “Xin đừng quay phim”, đại úy Lewis từ Alabama nói. “Chính thức thì chúng tôi không được phép đốt cháy những căn nhà này.” Viên đại úy là một người da đen có diện mạo đẹp và dễ gây thiện cảm. Ông chỉ huy một đại đội hầu như chỉ toàn người da trắng, và uy quyền của ông là không tranh cãi. Trong lúc nghỉ trưa, ông kể cho tôi nghe câu chuyện của ông. Vào ngày ông khởi hành sang Việt Nam, khi ông từ giã vợ ông từ một cái buồng gọi điện thoại công cộng ở Montgomery, ông bị một tên phân biệt chủng tộc quá khích người da trắng bắn ở sau lưng. Quân đội đã tỏ tình đoàn kết với ông, và ông đã được ưu tiên thăng chức chỉ huy đại đội.

        Vào buổi chiều, chúng tôi lên tới một đỉnh núi được xác định là nơi đóng quân của bộ chỉ huy một tiểu đoàn VC không chính quy. VC hay Victor Charlie là tiếng gọi tắt được người Mỹ hay dùng cho “Việt Cộng”. Súng cối được bố trí, và người ta bắn bừa vào rừng rậm. Suốt cả ngày, chúng tôi không nhìn thấy một VC duy nhất. Một giờ sau, khi nối được liên lạc vô tuyến với bộ tham mưu trung đoàn, đại úy Lewis báo cáo giết chết được mười hai địch quân. Khi tôi hỏi ông, ông lấy đâu ra con số này, thì ông nhún vai trả lời, rằng đó là một tính toán xác suất sau lần bắn súng cối. Ngoài ra thì việc gian lận con số tổn thất của đối phương là một việc làm rất phổ biến. Trong mối lợi ích cho uy tín cá nhân và con đường tiến lên, bất cứ viên chỉ huy trung đoàn nào đều cũng phải nộp lên bộ tổng chỉ huy những con số càng cao càng tốt; vì Body-Count, việc tổng cộng lại những xác chết của địch thủ, là một trong những việc làm chính của các bộ tham mưu ở Sài Gòn. Thông tin này được nhập vào máy tính, những cái có nhiệm vụ phán xét về lực chiến đấu còn lại của Victor Charlie. “Chỉ huy của tôi muốn tôi cùng chơi trò chơi đó”, đại úy Lewis nói và bật cười thật to.

        Trong diễn tiến của năm 1966, những ngôi làng đánh cá và vịnh cát đáng yêu của Trung Kỳ – Nha Trang, Cam Ranh, Qui Nhơn hay bất cứ chúng được gọi như thế nào – đã biến thành những nhà máy khổng lồ của chiến tranh, thành những khu nhà ở đơn điệu và những sa mạc nhựa đường. Từ sớm cho tới tối, máy bay chiến đấu và vận tải đủ mọi loại ầm ỉ trên phi trường Đà Nẵng. US Air Force bắt đầu ném bom những kho nhiên liệu trong phạm vi gần Hà Nội. Hoạt động cất và hạ cánh không ngưng nghỉ đó diễn ra cứ như là ở băng chuyền với sự toàn hảo về kỹ thuật và tổ chức. Ở đây, người Mỹ ở trong thế mạnh của họ. Nhưng cách cảng quân sự và cách Air Base Đà Nẵng chỉ một vài ki-lô-mét có một dãy đất liền nhiều đồi núi trọc đâm ra Biển Đông, và với tất cả các phương tiện kỳ diệu của họ, lính Mỹ vẫn không giành được sự kiểm soát hoàn toàn những ngọn đồi đó. Không phải là điều ngạc nhiên, khi Việt Cộng thường hay thành công trong việc tấn công căn cứ hùng mạnh nhất thế giới này bằng hỏa tiển.

        Kể từ khi nước Mỹ can thiệp mạnh, thành phố Sài Gòn đã thay đổi theo một cách không làm cho người ta vui mừng. Các con lộ và đường hẻm quanh đường Tự Do đầy những bộ quân phục màu xanh của Mỹ. Nhưng màu xanh của cây thì lại héo úa khô cằn dưới một đám mây xăng hôi ghê gớm. Có lỗi ở đây không chỉ là những cái ống xả khí ồn ào của các đoàn xe tải quân đội vô tận, mà trước hết là con số đông không thể mô tả được của những chiếc xe gắn máy, được gọi ngắn gọn là “Honda”, làm tắc nghẽn tất cả các con đường giao thông. Đi theo sự hiện diện đè bẹp của Hoa Kỳ, Sài Gòn đã lâm vào trong một cơn say tiêu thụ nhân tạo hối hả, và biểu tượng của phong cách sống mới này là chiếc Honda. Đồng thời, thủ đô của Nam Việt Nam cũng đã trở thành một nhà chứa khổng lồ. Quán rượu tai tiếng với những cô phục vụ mang tạp dề ngắn mọc lên như nấm. Cả sự bán dâm cũng mang kiểu cách công nghiệp. Dịch vụ chào mời có đủ loại, từ những căn phòng hạng sang có máy điều hòa nhiệt độ với âm nhạc stereo và tường bằng kính cho tới những hang động tội lỗi hôi hám thuộc loại thấp nhất, nơi những cái giường dục vọng chỉ được ngăn cách bởi những tấm vải dơ dáy. Lính Mỹ đen có khu đèn đỏ riêng của họ ở bên kia sông. Đứng trước cảnh tượng của thành phố tội lỗi này, cái mà con cháu của những người hành hương ngoan đạo dựng lên ở Đông Dương, người Việt không cần phải là cộng sản để trở thành người chống Mỹ.

        Vào sáng sớm của ngày Quốc Khánh, hai hỏa tiển đã rơi xuống cạnh nhà thờ. Chúng được bắn đi từ vùng đầm lầy Rừng Sát. Mặc dù vậy, cuộc duyệt binh lớn trước Dinh Độc Lập vẫn được tiến hành đúng theo giờ đã được dự định trước. Sài Gòn đã học cách sống chung với những vụ ám sát. “Nếu người Việt cũng chiến đấu tốt như họ diễu hành thì họ đã thắng cuộc chiến này lâu rồi”, các tùy viên quân sự thì thầm trên khán đài danh dự. Trong những bộ quân phục chiến đấu được cắt may rất thanh lịch, với những chiếc khăn quàng cổ nhiều màu và giày ủng được đánh bóng, các đơn vị của ARVN, Army of the Republic of Vietnam, diễu hành ngang qua người đứng đầu chính phủ mới, Tướng Kỳ, và đại sứ Mỹ Cabot Lodge. Đó là một buổi trình diễn thời trang chiến đấu. Các đội hình phụ nữ trong những chiếc quần bó sát trông rất gợi cảm. Montagnard từ trên cao nguyên lắc lư tiến tới trên những con voi của họ. Người nhái trong những bộ quần áo cao su lăn tới trên những chiếc xuồng bơi của họ. Vào cái ngày này, người ta muốn phô diễn rằng người Nam Việt Nam không đứng đó một mình. Người Mỹ tham gia ở cấp trung đoàn với những cái nón óng ánh bạc. Tiếp theo sau đó là người Nam Hàn thuộc Sư đoàn Mãnh Hổ với những gương mặt kabuki đáng sợ.

        Người Úc xuất hiện theo âm điệu của “Waltzing Mathilda”. Thậm chí một vài người lính Thái, Philippines và New Zealand cũng có mặt. Sếp an ninh, Đại tá Loan, một người Bắc gầy gò với cái cằm hớt và mũi quặp, đi lại không biết mệt với chiếc máy bộ đàm của ông. Cảnh sát của Loan cũng đáng sợ như những người Bình Xuyên tiền nhiệm.

        Tôi mới trở về từ một chuyến đi xuyên Đông Dương vào ngày hôm trước đó. Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn rất không an ninh, pourri, như người Pháp ngày xưa nói. Mục rữa trước hết là giới lãnh đạo quân đội, đứng đầu là ông tướng Quang tròn trịa với giọng nói the thé đó, người nhận hối lộ không ai bằng. Dưới sự hiện diện của tôi, giữa Quang và một viên đại tá Mỹ cao gần hai mét được cử tới làm cố vấn sư đoàn đã xảy ra một trận cãi cọ dữ dội. Ứng phó với những người lùn đầy mưu mẹo hẳn là không phải là việc dễ dàng cho con người khổng lồ đơn giản đó. Ở Tây Ninh, dưới chân núi Bà Đen, lực lượng Green Beret cùng với một vài người lính đánh thuê bản địa, thuộc thiểu số Campuchia “Khmer Krom”, xây một đồn trại hình ngôi sao. Việt Cộng hoạt động đặc biệt tích cực trong vùng biên giới với Campuchia và có một loạt căn cứ tiếp tế không thể bị tấn công ở trong nước láng giềng. Đối với Tướng Westmoreland, các Sanctuary này là một thách thức không thể chịu đựng được. Lực lượng Green Beret ở Tây Ninh phải thừa nhận rằng tuy đã lập một trạm công sự quan sát và vô tuyến Mỹ ở trên ngọn “Bà Đen”, nhưng sườn của ngọn núi này vẫn còn đầy Việt Cộng. Sức chiến đấu của Cao Đài đã bị phá vỡ dưới những cú đánh của Ngô Đình Diệm, và thậm chí một phần của giáo phái này còn chạy sang với “Mặt trận Giải phóng” nữa. Chỉ những người Phật giáo chiến đấu của Hòa Hảo là còn canh gác ở rìa của cánh đồng sậy, để giữ không cho các chính ủy đỏ tới gần những ngôi làng của họ. Nhưng họ vẫn còn chưa quên được việc nhà tiên tri rối ren và khát máu của họ, Ba Cụt, thời đó với sự trợ giúp của điệp viên Mỹ đã bị quân lính Diệm bắt giữ và chém đầu công khai. Chỉ ở đó, nơi những người tỵ nạn Công giáo từ Bắc Kỳ cư ngụ trong các ngôi làng xinh đẹp, thì mới có an ninh, trật tự và phép tắc. Quanh các chiếc tháp nhà thờ màu vàng trắng và những bức tượng Đức Mẹ màu xanh của họ, các linh mục dạn dày kinh nghiệm đấu tranh từ miền Bắc đã thiết lập một khuôn khổ nghiêm ngặt và phẩm hạnh. Tôi quan sát một giáo sĩ đang dạy cho các con chiên của ông ném lựu đạn và đánh cận chiến bằng lưỡi lê ở phía sau Hang Thánh. Chiếc áo thầy tu màu đen hoàn toàn không làm cho ông vướng víu trong lúc đó.

        13. Trên đường đi tìm thời gian đã mất
        Lào, Thu 1966

        “Ở dưới đó là bắt đầu Cánh đồng Chum”, viên phi công nói và chỉ xuống một lòng chảo khổng lồ, được đồi núi viền quanh khắp các hướng. Không nên bay ngang qua Plaine des Jarres này. Người Bắc Việt, những người đã chiếm lấy vị trí chìa khóa chiến lược này ở phía bắc của Lào, mới đây đã có súng phòng không của Nga. “Mới tuần rồi họ đã bắn rơi một chiếc máy bay tư nhân ở gần Tchepone”, viên phi công nói thêm và quay chiếc Cessna của ông sang hướng tây bắc.

        Ông có tên là Pierre Mounier và đã từng là hạ sĩ quan phục vụ trong Không quân Pháp. Cùng với một cựu chiến binh khác của cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, ông đã thành lập hãng hàng không bé tí hon này. Mounier hẳn là đã chở tất cả những loại hàng lậu mà người ta có thể nghĩ ra, kể cả thuốc phiện. Chúng tôi mướn chiếc Cessna của ông cho đội quay phim truyền hình của chúng tôi với một giá rẻ tới mức buồn cười, và trong lúc đó có cảm giác là chúng tôi đã tạo cho ông công việc làm thật thà đầu tiên kể từ lâu lắm rồi, và qua đó cũng tạo chứng cớ ngoại phạm cho ông đối với các cơ quan nhà nước. Mounier là một người trầm lặng, đáng tin cậy. Ông sống với một phụ nữ Lào và biết rõ đất nước này như lòng bàn tay của ông.

        Chúng tôi đáp xuống trên một cao nguyên đầy cỏ giữa rừng núi. Ở xung quanh là những lán nhà vững chắc bằng tôn, có ăng ten cao. Ở trên đường băng, chúng tôi ngay tức khắc bị các chiến binh Á châu bao xung quanh. Loại chủng tộc này trông quen thuộc đối với tôi. Đó là người Mèo. Thành viên của dân tộc miền núi này trong thời của cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất đã là đồng minh trung thành của người Pháp. Họ đã đến với người Mỹ khi người Bắc Việt trong liên minh với các đơn vị tượng trưng của người cộng sản Lào, cái được gọi là “Pathet Lào”, vượt qua đường phân giới được thỏa thuận năm 1954 và chiếm lĩnh Cánh đồng Chum. Đã có một sự biến đổi đáng kể ở tại các chiến binh Mèo này. Họ mặc quân phục đồng nhất, và đã đổi những khẩu súng kíp của họ để lấy súng tiểu liên mới tinh kiểu M 16. Họ nhận được tiền lương khá nhiều. Lo cung cấp lương thực và đạn dược thường xuyên cho các tiền đồn nằm trên núi hay vị trí cố thủ này là những chiếc máy bay của một công ty được cho là mang tính thương mại và tư nhân, được gọi là “Air America”, cái trên thực tế là công cụ đắc lực của mật vụ Mỹ CIA. Phụ nữ Mèo vẫn còn mặc trang phục đẹp như tranh vẽ của họ. Những vòng bạc nặng quanh cổ và mắt cá thể hiện sự thịnh vượng. “Người Mèo chưa từng bao giờ hạnh phúc như vậy”, Mounier nói. “Từ khi họ chiến đấu bên cạnh người Mỹ, họ không thiếu thứ gì cả. Mỗi người có hai khẩu súng dưới tấm đệm rơm và họ được phép tiến hành chiến tranh tùy thích.” Một nhóm nhỏ người Mỹ mặc thường phục quản lý vị trí chỉ huy trung tâm này của kháng chiến Mèo. Đứng đầu là một người đàn ông cường tráng trong một chiếc áo Hawaii sặc sỡ, biết nói tiếng Lào trôi chảy. “Tên tôi là John”, ông tự giới thiệu một cách đơn giản và nói rằng ông làm việc cho một tổ chức giúp đỡ nhân đạo, hoạt động trước hết là quanh vấn đề dinh dưỡng của các dân tộc miền núi. Ông biết là ông không thể giả vờ điều gì với chúng tôi được. Bên cạnh một chuyên viên vô tuyến và một vài chuyên gia, những người tự biểu lộ mình là thành viên của Special Forces qua kiểu hớt tóc, Crew Cut, cũng có ba phụ nữ Mỹ sống ở vùng đất đầy bí mật này. Một người dạy học cho trẻ em Mèo, người kia giám sát việc phân phát lương thực, người thứ ba quản lý bệnh viện, nơi có một vài chiến binh Mèo bị thương nặng đang nằm ngủ gà gật hết sức bình thản để chờ bình phục hay chờ cái chết đến. Người cô giáo gặp khó khăn nhiều nhất, vì chậm nhất là khi lên mười hai, con trai Mèo mặc quân phục xanh vào, cầm lấy một khẩu súng M 16 và theo cha lên đường chiến đấu.

        “Tôi còn phải thanh tra một tiền đồn”, John nói. “Nhưng máy bay của anh và phi công của anh không thể đáp xuống đó được đâu”. Tôi bước vào một chiếc máy bay thể thao bé tí với ông, rồi chúng tôi lượn tròn trên những vực thẳm đen tối vào trong một bức tường sương mù che mất chân trời, mặc dù lúc đó là mùa khô. Chúng tôi hẳn phải ở tại một độ cao trên 2000 mét, khi chiếc máy bay hướng đến những ngôi nhà bằng đất sét của một ngôi làng thật đáng thương. Bây giờ tôi cũng phát hiện ra đường băng sơ khai, được xây giống như một đường dốc để nhảy ski. Lúc đáp xuống, chiếc máy bay hạ cánh thật mạnh và được hãm lại bởi dộ dốc. Khi bay lên, chiếc máy bay lấy tốc độ trên sườn dốc và bắn vào khoảng không như một người nhảy ski. Không phải là hoàn toàn không nguy hiểm.

        “Tại đây, chúng tôi ở rìa của Plaine des Jarres và bị Pathet Lào đỏ với chính quy Bắc Việt bao quanh”, John bảo đảm với một nụ cười thật rộng. “Một chủng tộc khác với người Mèo sẽ không chịu đựng được trò chơi mèo với chuột này, vì khả năng hoạt động hàng không của chúng tôi rất có giới hạn trong vùng đất hỗn độn nguyên thủy này.” Tôi phát hiện ra những cánh đồng cây anh túc quen thuộc ở rìa làng. Người Mèo đã không thôi khai thác và bán thuốc phiện. Tin đồn được khăng khăng truyền đi, rằng hãng hàng không “Air America” thuộc vào trong số những nhà chuyên chở đặc quyền của loại ma túy này. Có nhu cầu rất lớn và thật tham lam từ lính Mỹ ở Việt Nam. Tiêu thụ bạch phiến ở đó đã có quy mô của một trận đại dịch. John không muốn nói về đề tài này. “Cuối cùng thì người Mèo cần phải sống”, ông nói ngắn gọn, “còn lúa thì không mọc được ở độ cao này.”

        Cuộc chiến ở Lào là một cuộc phiêu lưu lớn. Tuy Mounier nói rằng ở đây chỉ có đánh nhau bằng Thái Cực Quyền thôi. Người Lào không thích hợp để làm lính vì quá chậm chạp và hiền lành. Nhưng hoạt động chiến đấu được những người khác lo cho: từ các chuyên gia của Central Intelligence Agency cùng với đồng minh Mèo của họ ở một bên, từ các trung đoàn đã thâm nhập vào của người Bắc Việt ở phía bên kia, những người cũng tuyển mộ du kích quân trên núi cho các đơn vị của Pathet Lào đỏ. Chủng tộc người Kha, như tên này thố lộ, đã bị người Lào của đồng bằng Mekong đối xử như là nô lệ nhiều thế kỷ liền. Bây giờ thì họ tình nguyện liên kết với các chính ủy từ Hà Nội, những người đã hứa hẹn với họ sự bình đẳng và những điều kiện sống tốt hơn trong một nhà nước Lào xã hội chủ nghĩa của ngày mai.

        Không thể nào mà còn phi lý hơn là tình hình ở Lào được nữa. Đứng đầu các nhà cách mạng đỏ là nhân vật đầy ấn tượng của hoàng tử Souphanhouvong, người với cái đầu mèo và bộ râu mép to trông giống như một samurai Đông Nam Á. Với sự giúp đỡ của Nga, phong trào “Neo Lao Haksat” của ông đã xây dựng một mê cung hang động trong vùng núi Sam Neua và Vieng Xai, thậm chí có cả trường giảng dạy cho cán bộ và xưởng sửa chữa ở đó, và qua đó thoát được những trận ném bom của US-Air Force. Souphanouvong cũng được các đối thủ của ông kính trọng. Chỉ sau khi người cộng sản Lào nắm toàn quyền năm 1975 thì mới lộ ra rằng “ông hoàng tử đỏ” chỉ là một tấm bảng hiệu cho các chiến lược gia ở Hà Nội, và người sếp thật sự của Pathet Lào là một quan chức lai Việt, cho tới đó hoàn toàn không được biết tới, Kaysone Phomvihane, người đã biến quê hương của ông thành một nhà nước chư hầu của nước Cộng hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

        Trong lúc đó, Thủ tướng Souvanna Phouma ngự tại Vientiane, cả ông cũng là một hoàng tử và là anh em cùng cha khác mẹ với đối thủ đỏ của ông. Souvanna Phouma là một nhà quý tộc mập mạp có học thức cao và phong cách lịch sự. Vào lúc đầu, như là người của phe trung lập, ông được bổ nhiệm đứng đầu chính phủ và xem nước Pháp như là tổ quốc thứ hai của ông. Người Pháp, mà sau lần ngưng bắn năm 1954 đã được trao cho nhiệm vụ đào tạo quân đội Hoàng gia Lào, đã mất dần thế đứng mà không thể xoay chuyển được. Sau khi một nhóm nhỏ thuộc phe trung lập của Đại tá Kong Lê anh dũng tan rã tại những trận đánh quanh Cánh đồng Chum, hai trăm nhà hướng dẫn quân đội người Pháp chỉ còn đóng vai trò phụ. Trong trại của họ ở Vientiane, họ đã mời chúng tôi đến dự một buổi tiệc chiêu đãi kỷ niệm lần ngưng bắn năm 1918. Các sĩ quan Pháp đến dự trong quân phục trắng. Viên thiếu tướng chỉ huy chào mừng con số đông quan khách người Lào, trong đó tất nhiên là cũng có hoàng tử Souvanna Phouma. Đó là một sự kiện hoài cổ.

        Các thỏa thuận ban đầu về việc trung lập hóa Lào, còn do Kennedy và Khrushchev thương lượng, đã vỡ tan như bong bóng xà phòng từ khi tình hình ở Việt Nam bắt đầu sôi sục thật sự. Souvanna Phouma đã hoài công cố gắng giữ vững đường lối một lực lượng thứ ba của ông. Nhưng ở Vientiane và trước hết là trong tình Champassak hết sức bảo thủ và phong kiến ở phía nam, ông phải tính trước với các âm mưu và cố gắng lật đổ của các lãnh chúa phong kiến đó, những người cấu kết với mật vụ Mỹ và với họ hàng Thái Lan của họ ở bên kia sông Mekong. Vì cả đảng đỏ đối nghịch cũng ngày càng không dung hòa và hung hãn hơn, Souvanna Phouma không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc về phần mình cũng dựa trên lá bài Mỹ, và qua nước cờ này mà đánh lừa được các đối thủ phản động của ông, đứng đầu là hoàng tử Boun Oum. Lộn xộn thành hình thêm vào đó ở biên giới với Vân Nam. Ở đó, các sứ giả của Mao Trạch Đông đã biến tỉnh cực bắc của Lào, Phong Saly, thành một vùng chịu ảnh hưởng thuần túy Trung Quốc, nơi mà cả người Việt cũng không được khoan dung. Trong các thỏa thuận chính thức với chính phủ Vientiane, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã được giao cho nhiệm vụ xây một hệ thống đường sá ở miền Bắc Lào, giữa Vân Nam, Điện Biên Phủ và cố đô Luang Prabang, cái về lâu dài sẽ lập thành kết nối đường bộ chiến lược giữa Trung Quốc và Vương quốc Thái Lan. Ở đó, nơi các công binh của Mao Trạch Đông làm việc, cả các chiến đấu cơ của Mỹ cũng nhận được chỉ thị nghiêm ngặt là phải tránh bầu trời đó.

        Trong các sứ quán ở Vientiane, huyền thoại của tambours de bronze luôn được kể lại. Tiếng trống đồng này thuộc vào trong số các sản phẩm đẹp nhất của thủ công Lào từ thời Cổ đại xa xưa. Mặt tròn được trang trí với những dấu hiệu thiên văn học. Ở rìa có những nhóm ba con ếch đang giao cấu, và đường hàn được trang trí bằng những con voi bé tí. Những cái trống trong đền thờ này, huyền thoại kể như vậy, vào thời xa xưa đã được một lãnh chúa Lào thông minh sử dụng để đánh lừa kẻ địch trong chiến tranh. Khi một đạo quân Trung Quốc mạnh hơn rất nhiều tiến vào từ phương bắc, người hoàng tử đã cho lấy những cái trống đó từ trong chùa ra và đặt chúng dưới vô số những thác nước của đất nước này. Qua đó mà thành hình một tiếng ầm ào quái dị, khiến cho quân lính của hoàng đế Trung Quốc có ấn tượng rằng một đạo quân Lào hùng mạnh đang tiến đến. Các thiên tử, hoảng sợ vì tiếng ồn của tambours de bronze, thời đó đã rời “đất nước triệu voi” mà không buồn chiến đấu, huyền thoại chấm dứt như vậy.

        Phản chiếu trong thủ đô Vientiane ngủ quên và xấu xí là những sự đối nghịch mà Vương quốc Lào đã tan vỡ ra vì chúng. Vươn lên cao ở cuối một con lộ rộng lớn, một khải hoàn môn màu xám xấu kinh khiếp, cái có nhiệm vụ tưởng nhớ đến những người anh hùng chiến tranh đã chết của Lào. Cái đài tưởng niệm đồ sộ này không bao giờ được xây xong, mặc dù giá xây dựng được thỏa thuận vào lúc ban đầu đã bị vượt quá đến gấp mười lần. Số tiền được cho là đã biến mất vào túi các chủ thầu Trung Quốc và một nền quan liêu tham nhũng toàn phần. Cách không xa sự ồn ào náo nhiệt của ngôi chợ trung tâm là tổ hợp được canh gác cẩn mật của tòa đại sứ Mỹ, được che chắn bởi những bức tường màu trắng. Đại sứ Mỹ không chỉ hoạt động như là thống đốc của Lào, ông ấy trên thực tế cũng là tổng chỉ huy. Ông đích thân điều động các phi vụ của US Air Force và quyết định các mục tiêu. Ở Lào, CIA có quyền lực vô hạn và đóng vai trò của mình – chỉ đánh giá thuần túy về kỹ thuật – cũng không tệ. Hàng đoàn những người thích phiêu lưu mạo hiểm và kẻ cướp từ Hoa Kỳ đã đi theo tiếng gọi của Air America. Họ bay những phi vụ hiểm nghèo, tự cho mình là những bản sao của “James Bond”, chuyên thực hiện những vụ kinh doanh mờ ám và sau khi màn đêm buôn xuống thì gây bất an cho các hộp đêm tai tiếng nhất của thủ đô đã từng hết sức buồn tẻ này. Hàng đoàn những cô gái bán dâm Thái Lan đã vượt qua biên giới Mekong và đi lại giữa Vientiane và thành phố Udorn nhỏ của Thái Lan. Một đám đông những người cải trang người khác giới cũng bay tới từ Bangkok. Họ trang điểm gợi dục và được phụ nữ hóa qua những thủ thuật giải phẫu cho tới mức những người lính đánh thuê say rượu của Air America thường chỉ phát hiện ra bản chất thật sự của họ khi đã quá muộn.

        Cách đại sứ quán Mỹ không đầy ba trăm mét có hai người lính khác thường đứng gác trước một tòa biệt thự kín đáo. Họ đội mũ nồi với dấu hiệu xanh đỏ trên nón và những bộ quân phục quá rộng. Các gương mặt là của người nông dân. Họ được trang bị súng AK-47 Trung Quốc. Họ canh giữ trụ sở đại diện chính thức của Đảng Cộng sản Pathet Lào ngay trong thủ đô Lào. Pathet Lào đã đưa ra khoảng ba mươi người lính thường trực để bảo vệ cho ủy viên đặc biệt Soth Petrasy của họ. Họ hẳn phải hết sức là buồn chán, không được phép rời ra khỏi phạm vi biệt thự, chơi bóng chuyền và trồng rau cải trong ngôi vườn nơi ở của họ. Soth Petrasy là một người hòa đồng. Lần nào đến Lào, tôi cũng đến thăm ông và uống trà với ông. Mối liên lạc giữa sứ quán kỳ lạ này với các cơ quan chính quyền đỏ của Sam Neua, cũng như việc thỉnh thoảng thay thế nhân sự canh gác, được bảo đảm bởi một chiếc máy bay Aeroflot nhỏ mà phi công của nó chắc chắn là cũng không vô hại hơn các đồng nghiệp của họ ở bên kia, bên có hộp thư bưu điện quân đội Mỹ.

        Người Lào về tính chất là một dân tộc vui vẻ, không lo nghĩ, thích vui đùa. Họ dường như chịu dấu ấn từ học thuyết bao dung của Gautama. Trong khi CIA và người Bắc Việt tiến hành cuộc chiến tranh nhỏ của họ trên vùng đồi núi vì những vị trí chìa khóa quyết định của cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai này, và US Air Force cố gắng làm tê liệt con Đường mòn Hồ Chí Minh với lượng bom khổng lồ cũng như với những mưu mẹo điện tử hiện đại nhất, người dân Vientiane tiến hành các lễ hội Phật giáo của họ một cách hết sức vô tư. Vào buổi chiều, toàn thể chính phủ, đứng đầu là hoàng tử Souvanna Phouma, đã hành hương trong đám rước long trọng về đến thánh đường sơn trắng Tat Luang ở phía đông của thủ đô. Các bộ trưởng mặc trang phục nghi lễ của hoàng cung với quần đen dài tới gối và áo khoác trắng. Một dàn chào tăng lữ trong màu vàng áo cà sa yên lặng và trang nghiêm đón nhận sự thần phục này. Các cô gái Lào cúi gương mặt tròn như mặt trăng thật dễ thương của họ xuống, và đã thắt mái tóc đen thường dài cho tới tận gối của họ lại. Lúc diễu hành từ chùa này sang chùa khác về đêm, bất cứ người nào tham dự cũng đều cầm một cây đuốc. Người ta cười đùa rất nhiều tại những buổi lễ như vậy, và nụ cười vàng của Đức Phật được chuyền qua những gương mặt thư giãn của các tín đồ.

        Vào buổi sáng hôm sau đó, Vua Savang Vatthana đi đến ngôi chùa lớn nhất tại nội thành. Vị vua to lớn, bướng bỉnh, người được người dân rất kính trọng, không thích rời cung điện có nhiều trang trí của ông ở Lung Prabang, mặc dù du kích quân đỏ đã tiến gần tới thành phố hoàng gia xưa cũ, chỉ còn cách hai mươi ki-lô-mét. Tôi tớ từ tộc người Khan trong chế phục đỏ tươi mang theo những cái chiên nặng. Đội quân bảo vệ cung đình cầm cây kích giống như đội lính Thụy Sĩ của Tòa thánh Vatican. Ông đã lại nhớ tới những ngôi vườn mơ mộng của ông ở Luang Prabang, nơi sự yên lặng về đêm chỉ được ngắt quảng bởi tiếng chiêng và tiếng tụng niệm đều đều của các nhà sư. Savang Vatthana tôn vinh một niềm đam mê văn học kỳ quặc cho Marcel Proust. Người Pháp nói rằng con người kỳ dị này có thể trích dẫn thuộc lòng cả nhiều chương từ tác phẩm “À la recherche du temps perdu” của Proust. Trên đường đi tìm thời gian đã mất, đó cũng là một tựa đề phù hợp cho sự mô tả vương quốc đáng yêu ở Viễn Ấn này, cái đã chìm đắm vì một chính sách quyền lực vô lương tâm của các siêu cường quốc.

        Chiếc máy bay thuê bao của chúng tôi đã cho phép chúng tôi đi thăm nhiều vùng đất rộng lớn của Lào. Ở tại nhóm nhỏ tan tác cuối cùng của những người thuộc phe trung lập ở Vang Vieng, nơi những tảng núi đá giống như những cái bánh đường màu xanh che khuất mất chân trời, chúng tôi đã gặp một viên thiếu tá người Pháp đơn độc, người nhận biết rõ tính vô chức năng của ông. Ở vĩ độ của Thakek, chúng tôi bay sang phía đông và xem xét liệu có thể thực hiện được không ý định được cân nhắc đó của một số chiến lược gia người Mỹ nhất định, lập một cái then chắn ngang qua Lào. Điều đó dường như là một hoạt động vô vọng. Giữa Thakek ở Mekong và ngôi làng Tchepone ở cạnh biên giới với Việt Nam, có một phong cảnh hỗn độn lởm chởm nằm kéo dài ngang qua đó. Địa hình này hoàn toàn không thích hợp cho một tuyến phòng ngự liền nhau. Ở pháo đài phía bắc Ban Huei Sai, nơi Trung Quốc và Miến Điện gần tới mức có thể với tới được, nơi những người buôn lậu thuốc phiện gặp nhau và “Tam Giác Vàng” bắt đầu, chúng tôi không thể đáp xuống vì dòng sông Mekong – được cấp nước từ băng tuyết tan chảy ra của Himalaja – đã tràn ngập phi trường. Cuối cùng, chúng tôi bay ở độ cao thấp ngang qua cao nguyên Bolaven ở cực nam của đất nước và được một đại tá béo mập và lừ đừ của Quân đội Hoàng gia Lào tiếp đãi ở trong trại lính Atopeu bị cô lập. Viên đại tá tháp tùng chúng tôi cho tới địa điểm kiểm soát giao thông xa nhất của ông, chỉ cách ngôi làng nhà sàn Atopeu có hai ki-lô-mét. Ở đó là đã bắt đầu vùng đất giữa hai chiến tuyến, và viên đại tá phỏng đoán chốt canh đầu tiên của Bắc Việt ở phía sau khúc quanh của con đường rừng. Khu vực quanh Atopeu được các mật vụ của Sài Gòn cho là trung tâm của Đường mòn Hồ Chí Minh. Mạng lưới liên kết chiến lược đó đã được xây mở rộng đáng kể trong thời gian mới đây, viên đại tá giải thích trước tấm bản đồ tham mưu. “Về đêm, chúng tôi không chỉ nghe được những đoàn xe vận tải, chúng tôi còn thấy được ánh đèn xe đã được che bớt đi của họ ở phía xa. Ở đó, thỉnh thoảng cứ giống như là trên đại lộ Champs Elysées”, ông cười và nói thêm, rõ ràng là cường điệu. Ông rất hãnh diện là đã từng tham gia một khóa học ở Pháp. Liệu trong trường hợp khẩn cấp thì ông có bảo vệ và giữ được Atopeu hay không với hai trăm người lính của ông, tôi hỏi. Lúc đó, viên đại tá phá ra cười thật to. “Nếu như chúng tôi có may mắn, chúng tôi sẽ cố hết sức mở đường qua cao nguyên Bovalen về tới Pakse ở Mekong. Ở đây tại Atopeu thì chúng tôi nằm vô vọng trong cái bẫy chuột.” Thời mà người Lào có thể xua đuổi một đối thủ mạnh hơn mình với tiếng ầm ầm từ những cái trống đồng của họ rõ ràng là đã thuộc về quá khứ xa xôi rồi.

        14. “Hủy diệt để cứu thoát”
        Việt Nam, Thu 1967

        Gần như đã thắng cuộc chiến rồi, các phát ngôn viên quân đội Mỹ tuyên bố ở Sài Gòn. Mỗi ngày, viên briefing officer đều biết tường thuật về hàng trăm structures, kho dầu và kho đạn, bị US Air Force phá hủy ở phía bắc và phía nam của vĩ tuyến 17. Lúc hỏi vặn thêm thì mới biết rằng với khái niệm structures, người ta thường chỉ muốn nói tới những ngôi nhà bằng tre ở trong vùng của địch quân. Toàn bộ nhiều hệ thống máy tính đã dựa trên con số body count được cẩn thận thâu thập về một mối mà tính toán ra rằng “main force” của kẻ địch về cơ bản là đã bị tiêu diệt, và các irregulars đã kiệt lực. Ở trên này, ở Cồn Tiên, nơi Bắc và Nam Việt Nam đụng đầu nhau, thì người ta ít nhận ra được điều gì từ những thông tin chiến thắng đó.

        Trời lạnh và có gió thổi mạnh ở gần đường phân giới, cái mà đã trở thành mặt trận được giành giật dữ dội. Mây thấp và có màu xám. Mưa rơi xối xả thành dòng xuống một phong cảnh không có cây cối đang chìm vào trong bùn lầy. Tôi gặp một đoàn marines đang tiến ra các vị trí tiền tuyến. Ba con trâu, rơi vào một loạt đạn súng cối, nằm thối rữa ở hai bên của con đường đá ong trơn trượt và tỏa ra một mùi hôi thối ngọt ngọt. Những người lính marines mang vác nặng, ướt sũng và đầy bùn. Hình ảnh hằn lên bầu trời mang nhiều tính đe dọa của họ khiến cho người ta nhớ tới những tấm ảnh của Verdun. Ở đoạn này của cuộc Chiến tranh Việt Nam, người ta không còn nói về công thức thành công nhanh nhẹn search and destroy nữa. Máy bay B 52 của US Air Force với những thảm bom đã biến cái được gọi là “cổ chai” của Bắc Việt Nam, dãy đất hẹp cạnh biển giữa sông Bến Hải và thành phố Vinh, thành một phong cảnh như trên Mặt Trăng. “Chúng tôi sẽ ném bom người cộng sản trở về thời kỳ Đồ Đá”, Tướng Curtis Le May đã dọa. Mặc dù vậy, Tướng Giáp vẫn có thể đẩy hệ thống vị trí và công sự của ông cho tới sát cạnh tuyến của người Mỹ, và thậm chí mới đây ông còn mang được cả pháo binh hạng nặng ra chiến trường, chỉ có Chúa Trời mới biết làm như thế nào. Trong những khoảng cách thất thường, đạn pháo rơi xuống quanh các căn cứ của Mỹ, và đã ép buộc những người lính marines vừa chửi thề vừa đào hầm hố sâu vào trong lòng đất giống như đất sét. “Việc kẻ địch bắn phá đã hết sức khó chịu”, viên thiếu tá nói, người nhận dẫn tôi đi tham quan Cồn Tiên. “nhưng còn tồi tệ hơn rất nhiều là những con chuột mà chúng tôi phải sống chung với chúng trong sự dơ bẩn, và thỉnh thoảng còn tấn công cả người của tôi nữa.” Tiếng ồn của pháo binh và bom máy bay vang rền từ phía xa xa. Không nhìn thấy gì từ kẻ địch, mặc dù họ hẳn là đã đào hố ở phía sau dãy đất màu nâu. “Họ luôn có thể xâm nhập qua các vị trí của chúng tôi, tuy là có hàng rào kẽm gai và bãi mìn”, viên thiếu tá rủa sả và lau nước mưa ra khỏi mặt. “Chúng tôi chiến đấu chống lại một đạo quân chuột chũi.”

        Vào mùa này, mặt trời tháng Mười Một khô ráo và ấm áp đang chiếu sáng trên Sài Gòn. Bonne société saigonnaise gặp nhau ở hồ bơi của “Cercle Sportif”. Câu lạc bộ sang trọng này mà trong đó vẫn còn lại một thoảng của thời thuộc địa Pháp, là một cái chợ tin tức tuyệt vời. Thuộc trong số những người khách quen trong những ngày đó là các tùy viên quân sự Đức và Hà Lan. Ông người Hà Lan là một sĩ quan thuộc địa đã bạc tóc ở Quần đảo Mã Lai, người mà người ta không thể bịa được điều gì với ông nữa. Trong nhân sự còn lại của đại sứ quán Đức, viên trung tá người Đức có tiếng là người bi quan. Trong lúc đại diện ngoại giao của Bonn ở trên đường Võ Tánh tường thuật về sự ổn định hóa có lợi cho người Mỹ, về chiến thắng nhất định sẽ đến của sự việc tốt, thì người tùy viên quân sự chìm đắm trong những lời tiên đoán bi quan và những lời tiên đoán thảm họa mà không ai màng nghe tới. Trong “Cercle Sportif”, người ta có thể hẹn gặp các quản lý đồn điền người Pháp. Đa số là các sĩ quan trẻ, những người sau thảm bại Algerie đã rời quân ngũ. Họ phải thương lượng hàng tuần với các chính ủy Việt Cộng, đóng tiền và giải quyết các câu hỏi về nhân sự, để tiếp tục lấy nhựa từ những cây cao su trong đồn điền của họ và được phép chở cao su thô đi. Giới tư sản Nam Kỳ coi “Cercle Sportif” như là nhà, và tụ tập trên các sân quần vợt. Tất nhiên là cũng có nhiều khách quen người Mỹ, nhưng nói tiếng Pháp được cho là lịch sự.

        Tôi được mời ăn tối tại tổng lãnh sự Pháp Tomasini, một người xứ Corse bẳn tính, khi còn trẻ đã nổi bật trong lực lượng kháng chiến ở Savoyen và trong lực lượng du kích quân của Vercors. Mặc dù tóc ông đã bạc, người ta vẫn còn nhận ra được tính thích mạo hiểm của ông. Chúng tôi biết nhau từ thời hỗn loạn ở Kantaga, nơi ông như là tổng lãnh sự ở Elisabethville đã lo lắng rất nhiều cho những người lính đánh thuê của Pháp, và đã bị thương nặng qua một vụ mưu sát. Bữa ăn tối chỉ có hai chúng tôi, trong ngôi biệt thự kiểu cũ trên đường Hai Bà Trưng. Cả một bảo tàng những vật quý báu của Đông Á đã được những người tiền nhiệm của ông sưu tập lại ở đây. Sau khi người phục vụ đi khỏi, Tomasini lấy một cái phong bì dầy ra khỏi két sắt. “Cái mà anh nhìn thấy ở đây là một thông điệp của Việt Cộng”, viên tổng lãnh sự bắt đầu nói. “Một người chủ đồn điền của chúng tôi, Jean Dufour, một người đã có tuổi, đã sống ở Đông Dương suốt cuộc đời của ông, và ngược với lời khuyên của chúng tôi vẫn cứ khăng khăng ở lại đồn điền của ông ấy cạnh con quốc lộ cũ lên Đà Lạt, đã biến mất từ nhiều tuần nay. Người Việt đã bắt ông vào lúc về đêm, và đã mang ông về nơi họ đang ẩn náu. Kể từ lúc đó, chúng tôi hoài công cố gắng bắt liên lạc với Dufour. Tối hôm qua, tôi đã được một sứ giả của Mặt trận Giải phóng bí mật tới thăm, một người Việt trung niên lịch sự, chắc chắn là đã có lần đi học trong trường lớp của chúng tôi. Ông phải thông báo cho tôi một tin rất buồn, người sứ giả tuyên bố khi chúng tôi còn lại một mình. Rất đáng tiếc là Monsieur Dufour đã qua đời trong tù. Mặt trận Giải phóng rất tiếc là buộc phải giam giữ ông, sau khi ông ấy vẫn cứ tiếp tục cuộc phát quang có ảnh hưởng không tốt tới an ninh của du kích quân trong khu vực đó, ngược lại với những chỉ thị rõ ràng của chính quyền cách mạng. Dulour lâm bệnh nặng trong tù, và đã qua đời mặc dù người ta đã cố gắng chữa trị, trước khi người ta có thể chở ông ấy về Sài Gòn và trả tự do cho ông ấy. Nhân danh “Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam”, ông có nhiệm vụ đưa cho người tổng lãnh sự Pháp những vật dụng cá nhân của ông mà Dulour đã mang theo người trong lúc bị bắt đi, và cũng trao trả cả số tiền mà người ta đã tịch thu tại người chủ đồn điền. Người ta đã trừ ra phí tổn thuốc men từ số tiền đó, nhưng trong phong bì màu vàng có một danh sách chi tiết về việc này. Ngoài ra, Mặt trận Giải phóng muốn thành thật chia buồn với thân quyến của Dufour về trường hợp số phận đau buồn này. Có thể đó là một niềm an ủi cho họ khi biết rằng Monsieur Dufour lúc trước khi qua đời đã ghi nhận những ý định của cuộc cách mạng Việt Nam, và đã tự phát đồng tình với các mục tiêu của nó.” – Tomasini lắc đầu. “Thật là cảm động”, ông nói, “ông Dufour đáng thương đã được Việt Cộng ban phép thánh trước khi đi gặp Karl Marx.”

        Tôi thuật lại cho ông nghe trải nghiệm trong tuần vừa rồi của tôi. Các cố gắng của tôi, tiến hành một cuộc trao đổi trực tiếp với đại diện của Việt Cộng cuối cùng cũng đã thành công. Đầu tiên, tôi đã cố nhờ một nữ luật sư trung lập, bà Ngô Bá Thành, người mà nhờ vào sự thúc ép của những tổ chức tự do Mỹ đã được trả tự do do sau khi bị giam giữ khá lâu trong một nhà tù ẩm ướt của Sài Gòn. Bà Thành là một phụ nữ mạnh mẽ và hăng hái, là một luật sư có tiếng trên trường quốc tế. Bà bị giám sát quá chặt nên không thể giúp gì cho tôi được, bà nói. Ngoài ra thì bà vẫn tiếp tục hoạt động chính trị, và bà bảo đảm với tôi rằng cái được gọi là lực lượng thứ ba của Việt Nam trong liên minh với những người Phật tử yêu nước sẽ đưa ra một cơ hội thật sự để chấm dứt chiến tranh và chuẩn bị cho một tương lai tự do. Việc mà bà bị cấm hoạt động chính trị sau khi người cộng sản nắm quyền ở Sài Gòn, và bà bị chính quyền cách mạng quản thúc tại gia, việc này thì thời đó bà Ngô Bá Thành không ngờ tới.

        Cuộc gặp bí mật cuối cùng được sắp xếp qua trung gian của một sản xuất nút áo Sài Gòn mà truyền đơn phe đối lập thỉnh thoảng được in ở trong phòng chứa dụng cụ của ông ấy. Điểm hẹn là một nhà hàng-quán nhảy ở cạnh xa lộ dẫn ra Biên Hòa. Dấu hiệu nhận ra người trao đổi với tôi là một cái áo mưa vắt trên cánh tay. Sự lựa chọn quán ăn này khiến cho tôi bất ngờ. Ngay lúc mới bước vào, tôi đã được tiếp đón bởi những cô chiêu đãi viên rất bạo dạn và có ngụ ý rõ rệt. Nhân viên cao cấp và sĩ quan của chính quyền Sài Gòn thường hay tiêu khiển ở đây. Bà chủ duyên dáng của quán này, người không ngần ngừ dẫn tôi tới một cái bàn nằm ở nơi vắng vẻ trong ngôi vườn, là người tình của phó sếp cảnh sát Sài Gòn. Sau một lúc, có ba người thường dân Việt tiến đến gần. Một người vắt chiếc áo mưa qua cánh tay như đã thỏa thuận. Họ tự giới thiệu và tôi cố gắng nhớ tên của họ, mặc dù chúng rõ ràng là được nghĩ ra. Người lớn tuổi trong số ba người, như ông bảo đảm một cách đáng tin, là một cán bộ công đoàn già, đã hoạt động từ thời Pháp trong số công nhân cảng. Người thứ nhì là một nhà trí thức đặc trưng của Việt Nam với mắt kính dầy cộm và trong diễn tiến của buổi tối hôm đó đã tự bộc lộ mình là người đại diện về tư tưởng hệ. Người thứ ba là một gã lực lưỡng, ít nói, có lẽ là đã được đào tạo về quân sự. Chúng tôi đặt nhiều món ăn Việt và chẳng bao lâu sau đó đã được những người phục vụ để yên cho. Những gì mà tôi biết được tại buổi tối bí mật này đều hoàn toàn không phải là điều giật gân. Điều mà tôi khâm phục là sự tự tin mà những người đàn ông này có thể nói là đã đi vào hang cọp với nó. Tôi quan tâm tới trước hết là những ý định cho tương lai của “Mặt trận Giải phóng”. Nhà tư tưởng hệ trẻ tuổi trả lời. Nhà tường thuật người nước ngoài không nên để cho người khác đánh lừa mình qua thông tin chiến thắng của những tên Đế quốc Mỹ và của những con rối Sài Gòn của chúng, fantoches, như ông diễn đạt. Nhân dân Nam Việt Nam đang chờ đợi giờ của họ, giờ của cuộc nổi dậy dân tộc. Chẳng bao lâu nữa, thế giới sẽ biết được các lực lượng cách mạng của Việt Nam có những khả năng nào. Rượu vang và rượu đế mà các sứ giả của Việt Cộng uống rất nhiều cuối cùng đã tạo nên một sự thư giãn nhất định. Hai người trẻ vẫn cẩn thận. Người công đoàn thì ngược lại kể những câu chuyện từ cuộc đời của ông và về những trải nghiệm của ông trong hai mươi năm hoạt động bí mật. Ông ấy là một kiểu người niềm nở, đối xử giống như một người cha già, và sau này tôi đã rất thương xót khi biết rằng ông đã bị bắt và bị tra tấn trong diễn tiến của chiến dịch “Phượng Hoàng”. Hai người kia ra sao, họ có tử trận trong lần nổi dậy lớn vào năm mới đó hay không, cái mà họ đã tuyên bố hầu như không che đậy với tôi, điều này thì tôi không bao giờ biết được.

        Từ căn cứ Mỹ Dak To, ở vùng đất đáng ngờ đó, nơi Việt Nam, Camphuchia và Lào giáp giới với nhau, người ta báo cáo là đã xảy ra chiến sự dữ dội với quân đội chính quy Bắc Việt. Trong “Cercle Sportif” có ý kiến trái ngược với nhau. Đa số các nhà quan sát nhìn đó là cố gắng tuyệt vọng của người cộng sản, muốn tiếp tục tiến hành với quy mô nhỏ cuộc xung đột mà họ đã thua về mặt quân sự ở tại các vùng đồng bằng Trung Kỳ và Nam Kỳ. Việc họ dời trọng điểm hoạt động của họ ra vùng rìa cực cùng là một lời thừa nhận thế yếu của họ. Viên đại tá Hà Lan lo ngại ngược lại, rằng đây là một hoạt động đánh lạc hướng có quy mô lớn của Hà Nội. Thật sự thì đang diễn ra những chuẩn bị chiến lược hoàn toàn khác.

        Vào ngày hôm sau đó, một chiếc Hercules thả tôi xuống Dak To. Vì quá vội nên tôi chỉ tìm được một người Pháp quay phim đã bị tàn tật nặng, Auguste Lecoq, người đã mất một chân của ông trong lúc bị bao vây ở Điện Biên Phủ. Khi chúng tôi đứng trên tấm lưới kim loại của sân bay Dak To được núi đồi có rừng bao phủ viền khắp chung quanh, gương mặt của Lecoq đầy vẻ lúng túng. “Cái lòng chảo này khiến cho tôi nhớ tới cái chân bị bắn cụt của tôi”, ông nói. “Lúc đó, tôi bị bắn trúng trên đường băng của Điện Biên Phủ, khi những viên đạn pháo đầu tiên của Việt Minh rơi xuống.” Thế nhưng ở Dak To thì không phải lo ngại những việc tương tự như vậy. Ưu thế không quân toàn phần, cái ưu thế nghiền nát mọi thứ, bảo đảm điều đó.

        Tai họa diễn ra cách Dak To vài ki-lô-mét về phía tây nam trong rừng rậm ở trên núi, nơi một tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn Không vận 173 của Mỹ nhận nhiệm vụ tìm kiếm kẻ địch ở những nhánh cuối của con đường mòn Hồ Chí Minh. Trên sườn đồi 875, các paratroopers của Mỹ đã lọt vào một bẫy phục kích của người Bắc Việt và có nguy cơ bị tiêu diệt trong rừng rậm. Lực lượng tiếp ứng được vội vã điều động tới cũng đã bị tổn thất. Mặc dù bị cụt chân, Lecoq vẫn trèo lên chiếc trực thăng bước đầu chở chúng tôi tới một tiền đồn pháo binh. Đạn dược được lấy ở đó, và rồi chúng tôi bay theo hướng tiếng ồn của chiến sự. Người Mỹ đang ở trong một tình huống tuyệt vọng. Với một độ chính xác thật khó tin, các chiếc máy bay cường kích F 100 đã tạo một dãy đất trống trong khu rừng nguyên thủy, để tạo khả năng cho những người lính dù đang bị dồn ép tổ chức một vị trí cố thủ. Bất thình lình, chiếc trực thăng của chúng tôi rơi thẳng như một cái thang máy xuống bãi đất vừa được phát quang đó, nơi mà những người lính Mỹ đang dùng các thân cây khổng lồ vừa bị đốn gục xuống làm nơi ẩn nấp. Những người lính đang vội vã đào hố cá nhân. Họ đào chiến hào vì cuộc sống của họ. Tiếng ồn điếc tai khắp chung quanh. Ở rất gần đó, các chiếc máy bay cường kích hú lên trong lúc lao xuống các đối thủ vô hình, và ném bom của chúng xuống những nơi ẩn nấp của người Bắc Việt, cách vị trí của người Mỹ gần ba trăm mét. Chiếc trực thăng lơ lửng cách mặt đất bị đào xới lung tung độ chừng một mét, khi tôi giúp Locoq nhảy xuống. Các paratroopers còn sống sót lấm đầy bùn sình. Họ đã kéo các xác chết đồng đội họ vào trong những cái túi nhựa màu xanh, và bây giờ vội vã ném các gói hàng đáng sợ đó như bao tải chứa thư lên chiếc chooper đang lắc lư, bay lên cao ngay khi đạt tới tải trọng tối đa. Chiếc trực thăng kế tiếp đã đứng chờ sẵn ở phía trên chúng tôi. Tổn thất của người Mỹ cao khác thường. Người bị thương được mang ra khỏi vòng vây đầu tiên. Sự kiệt sức và nỗi sợ chết nằm trong ánh mắt của những người đàn ông. Quân phục đã rách nát. Chỉ còn áo chống đạn là có thể chịu đựng được với gai nhọn. Khi màn đêm đến, chúng tôi đánh răng lập cập vì lạnh. Trong đêm đó, những chiếc F 100 đã tạo nên một địa ngục thật không thể tưởng tượng ra được quanh vùng của điểm cao 875. Vùng đất được chiếu sáng như ban ngày, và toàn bộ nhiều sườn đồi bốc cháy dữ dội trong napalm. Ngọn núi mà người ta đang giành giật ác liệt đã bị giã gần như trọc lúc rạng đông. Những người lính dù chuyển sang tấn công dưới hỏa lực yểm trợ rất mạnh. Họ khom người chạy qua khu rừng cây đã cháy thành than và còn đang bốc khói hướng lên đỉnh núi. Họ rơi vào làn đạn súng cối của đối phương ba lần và mất một vài người. Rồi họ đứng trước những lối vào hang động bị hun khói, trống rỗng, những cái hang cáo và đường hầm dưới mặt đất, những cái dường như được xây cho một chủng tộc người lùn. Lính Mỹ chỉa súng phun lửa của họ vào vào những cái lỗ đó và ném thuốc nổ vào. Rồi họ đứng thành nhóm để chờ hàng đoàn trực thăng từ Dak To đang bay phành phạch tới để chở đi. Bầu trời trên cao nguyên Trung Kỳ lại có màu xanh dịu dàng. Những dãy hơi nước của các chiếc máy bay chiến đấu kéo đi như như những sợi chỉ bạc. Những người lính đứng nhìn kiệt sức xuống khu rừng xanh bất tận. Họ đã giật điểm cao 875 ra khỏi tay của quân thù, nhưng trải ra ở trước họ là một phong cảnh có sẵn hàng trăm ngọn núi giống như vậy. “Không biết chúng tôi có phải xung phong chiếm tất cả chúng hay không?” một hạ sĩ quan đứng bên cạnh chúng tôi nói và đưa cho chúng tôi một lon Coca-Cola.

        Trở về tới Dak To, các paratroopers tập hợp lại để tưởng niệm người chết một cách đặc biệt. Lá cờ sao được treo rũ. Những người đàn ông đứng bất động, trong lúc một tuyên úy quân đội đọc từ trong Kinh Thánh. Giày ủng trống rỗng của những người đã hy sinh, được đánh bóng, được sắp hàng một cách thật chính xác giống như theo một nghi thức thờ vật và được xếp thành một vòng bán nguyệt ma quái. “They died with their boots on”, đó là tựa của một phim truyện Mỹ từ những cuộc chiến tranh chống người da đỏ.

        Hai tháng sau đó, tin tức về đợt tấn công lớn vào đầu năm đến với tôi ở châu Âu. Việt Cộng đã lợi dụng bầu không khí lễ hội của Tết Phật giáo vào đầu năm Thân để khởi động một cuộc tổng tấn công trên toàn Nam Việt Nam, cái đã khiến cho người Mỹ hoàn toàn bất ngờ. Một tổ tự sát thậm chí còn tấn công vào cả đại sứ quán Mỹ mới, đã được xây như một pháo đài ở ngay trong trung tâm Sài Gòn. Hầu như toàn bộ các thị trấn của đồng bằng sông Cửu Long đều tạm thời rơi vào tay của những người nổi dậy, và thành phố Bến Tre, như người phát ngôn viên chính thức nói, “phải bị hủy diệt để cứu thoát”. Cố đô Huế bị các đơn vị Bắc Việt Nam hành quân từ Lào sang chiếm đóng. Những người lính của Hà Nội kéo lá cờ của Việt Cộng lên trên hoàng thành và đương đầu gần bốn mươi ngày với những cuộc tấn công dữ dội của lính thủy quân lục chiến Mỹ. Cuối cùng, đợt tấn công dịp Tết thất bại. Các nhà cách mạng đỏ đã nghĩ rằng toàn thể người dân Nam Việt Nam sẽ nổi dậy. Nhưng đại đa số người Nam Việt đều hoàn toàn thụ động. Không một đơn vị duy nhất nào của quân đội quốc gia đã chạy sang với những người cộng sản. Thuần túy về quân sự thì đợt tấn công dịp năm mới 1968 là một thảm họa và là một thất bại đáng sợ cho Hà Nội. Các lực lượng chiến đấu tại chỗ của Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam bị tiêu diệt. Các chính ủy, điệp viên và những người hoạt động đã xuất hiện công khai, và trong những tháng tiếp theo sau đó đã trở thành nạn nhân của một chiến dịch tập trung có quy mô khổng lồ của cảnh sát. Phần lớn các nhà bình luận Phương Tây hét vang từ chiến thắng.

        Trên thực tế thì với lần bắt đầu đầy bi kịch này của năm con khỉ, số phận cuối cùng đã quyết định nghiên về cho Bắc Việt Nam. Ở Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ, sự căm phẫn bị dồn nén lại về “cuộc chiến tranh bẩn thỉu” đã bùng phát thành một cơn bão, sinh viên và trí thức đứng ở hàng đầu của phong trào phản đối. Các hiệp hội cựu chiến binh và hiệp hội phụ nữ kéo ra biểu tình trước tòa Nhà Trắn. US-Army trong trận đánh đầu năm đã giành được một thành công lớn trong lúc phòng vệ. Thế nhưng người tổng chỉ huy Bắc Việt Nam Võ Nguyên Giáo đã có thể ghi nhận thành công chính trị lâu dài về phần mình. Những lực lượng không mệt mỏi của ông đã làm cho đối thủ Mỹ mạnh hơn mất tinh thần chiến đấu. Bị ấn tượng bởi lần phát cuồng của người cộng sản, mà các tướng lĩnh của ông đã không nhìn thấy trước được, Tổng thống Johnson bỏ cuộc và tuyên bố ông sẽ ngưng ném bom Bắc Việt Nam và giảm bớt có hệ thống sự hiện diện của quân đội ở Nam Việt Nam. Washington tuyên bố sẵn sàng bắt đầu đàm phán với Hà Nội. Bản thân ông, Johnson cho biết, thì không còn có ý định ra tranh cử trong lần bầu cử tổng thống sắp đến nữa.

        15. Tan rã và bỏ chạy
        Huế, Phục Sinh 1972

        Người Philippines chào mừng ngày Thứ Sáu Tuần Thánh theo cách của họ. Chúng tôi trải nghiệm màn khổ hình trong một thành phố nhỏ ở miền Nam của đảo Luzon. Những người sám hối, chủ yếu là đàn ông, đã ấn vòng gai lên đầu mình, để cho máu chảy xuống trán. Hàng chục người cầm roi tự trừng phạt cái lưng trần của họ, cho tới khi những vết rộng lớn, màu đỏ thẩm bật tung ra. Những người khác với nón sắt và cây giáo đã cải trang thành lính lê dương La Mã – điều hẳn là phải mang lại nhiều thích thú hơn. Họ dùng roi quất lên những người đóng vai Giê-xu đi qua các con hẻm và cuối cùng cột họ lại trên chiếc thập tự giá, trước khi họ dựng dậy các bản sao này của Đồi Sọ [nơi cây thánh giá mà Chúa bị đóng đinh ở trên đó được dựng lên]. Ở đâu đó trên Luzon có một con người kỳ dị cho đóng đinh mình lên thánh giá hàng năm, người ta nói với chúng tôi như thế. Chúng tôi đã từ bỏ không đến tham quan hành vi quá mức này. Giàn đồng ca và những bài ca sám hối vang thật to ra từ vô số những cái loa, nhưng phổ biến nhất trong Tuần Thánh này là các vua thánh từ màn trình diễn nhiều thành công của Manila: “Chúa Giê-xu, siêu sao”. Sevilla và Hollywood đã bước vào một liên kết kỳ lạ trên quần đảo chịu dấu ấn Tây Ban Nha-Mỹ này. Một phần khán già sùng đạo đã tham gia chịu đòn roi. Tôi mê mẩn quan sát một người phụ nữ già dùng roi đánh hết sức đều đặn vào tấm lưng đầy máu của một người đàn ông trẻ nằm giang tay trong bụi bặm như thế nào. Rồi người tài xế Ben của chúng tôi kéo tôi sang một bên. Ben nhỏ người đến buồn cười, thế nhưng vết thẹo dao thật to trên gương mặt Mã Lai dữ dằn của anh mang lại cho anh một nét ngang tàng nào đó. Chúng tôi ngờ là Ben thuộc vào giới giang hồ được tổ chức rất tốt của Manila, điều không làm giảm đi mức tin cậy của chúng tôi vào anh. Anh có tên là “Mackie dao” ở đội quay phim.

        Ben nghe ra-đi-ô trong ô tô. “Người Bắc Việt đã khởi động một chiến dịch lớn vào ngày hôm qua”, anh nói. “Người ta cho rằng họ đã vượt qua được tuyến phòng thủ của Nam Việt Nam.” Chúng tôi vặn to lên. Thật sự là Tướng Giáp lại bất ngờ tấn công thêm một lần nữa. Ông tấn công chính xác ở nơi mà không một ai tính trước, ở dãy phân giới hẹp dọc theo vĩ tuyến 17. Người Nam Việt Nam, phải tiến hành chiến đấu trên mặt đất một mình từ khi lực lượng quân đội Mỹ được giảm xuống còn 50.000 người bởi Tổng thống Johnson, đã bố trí sư đoàn yếu nhất của họ, Sư đoàn 3 Bộ binh chủ yếu gồm những người đào ngũ bị bắt lại và dân trộm cướp lừa đảo, ở trong khu vực bị coi thường này. Vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh, khi đạo quân xung phong của Hà Nội sau trận pháo kích hủy diệt lao tới các vị trí của người Nam Việt với những đoàn xe tăng Xô-viết kiểu T-52 và T-54, thì không còn có thể giữ vững gì được nữa. US Air Force bị lớp mây thấp cản trở trong việc can thiệp vào chiến sự trên mặt đất. Các advisers người Mỹ cho máy bay trực thăng chở ra khỏi các cứ điểm bị bao vây của phòng tuyến Mc Namara quanh Đông Hà và Cam Lộ, việc làm mà cuối cùng đã chôn vùi hoàn toàn tinh thần chiến đấu của quân đội Sài Gòn. Người ta nói rằng tỉnh lỵ Quảng Trị đã thất thủ. Vào cùng thời điểm đó, một đoàn xe tăng Bắc Việt khác từ vùng biên giới với Campuchia ở phía bắc Sài Gòn đã lao theo Đường 13 về hướng nam và đã bất ngờ đánh úp thị trấn Lộc Ninh nhỏ bé. Ngược lại, ở gần An Lộc, người Bắc Việt, vẫn còn chưa quen với chiến tranh di động và đã ném xe tăng của họ tới trước mà không có lực lượng bộ binh bảo vệ đầy đủ, đã bật lại trước sự chống cự quyết liệt của lính dù Nam Việt Nam và vũ khí chống tăng của họ. Cuộc tấn công dừng lại cách phía nam An Lộc hai mươi ki-lô-mét.

        Vài ngày sau đó – sau khi xin chiếu khán và mua vé máy bay – chúng tôi lạnh run đáp xuống phi trường Phú Bài đang có mưa tầm tả ở phía nam của Huế. Bầu không khí thật ảm đạm. Ngang qua hàng rào kẽm gai của những trại lính và căn cứ Mỹ đã bị bỏ lại mà những ngôi nhà gỗ của nó đã bắt đầu hư hỏng, chúng tôi đi vào cố đô trong một chiếc xe buýt kêu cót két. Khách sạn có thể ở duy nhất – nằm cạnh sông Hương – đã đầy nhà báo từ khắp nơi trên thế giới. Lúc chúng tôi tới, có một người da trắng cô độc đứng trước cửa ra vào với những tấm kính đã bị vỡ tan. Ông mặc một cái áo chống đạn như một người lính Mỹ. Gương mặt vàng nhạt lởm chởm râu chưa cạo. Quần áo ướt đẫm của ông dính chặt vào người, và cái kính mắt gọng thép đã bị mờ đi vì độ ẩm. Mặc dù vậy, tôi vẫn nhận ra ông ngay lập tức, và chúng tôi ôm chầm lấy nhau.

        Tôi đã quen với Dietrich Schanz ở Congo. Lúc đó, ông đi du lịch qua Sa mạc Sahara và nửa châu Phi với một chiếc xe buýt VW, cho tới khi ông cùng với người vợ Nga của ông đến với sự hỗn loạn đen của Léopoldville. Dietrich Schanz khởi hành từ Bonn như là một nhà tư tưởng tiến bộ và người chống chủ nghĩa thực dân. Cuộc khủng hoảng Kongo đã lấy đi những ảo tưởng nào đó của ông. Lần quay ngược mang tính quyết định trong phán xét của ông về Thế giới thứ Ba hẳn đã diễn ra khi chiếc xe của ông bị một người lính da đen say rượu của Force Publique chận lại trên Đại lộ Albert. Dietrich, người thời đó để râu, bị hỏi bằng một thứ tiếng Pháp hầu như không thể hiểu được, rằng ông có phải là nhà truyền đạo hay không. Khi ông phủ nhận, người chiến binh Congo đã tát ông thật mạnh. Chỉ các nhà truyền giáo mới để râu, người giữ trật tự da đen nói, và ai cải trang là nhà tu hành thì sẽ bị nghi là gián điệp. Mãi sau này, sau khi Patrice Lumumba bị ám sát chết, Moise Tschombe bị bắt cóc và thời kỳ vinh quang Mobutu bắt đầu ở Kinshasa, như Léopoldville bây giờ có tên là vậy, thì Dietrich Schanz đã dựng cơ ngơi thông tín viên của ông ở Hongkong, và kể từ lúc đó ông đã đi thăm không biết mệt các nước Đông Nam Á. Ông đã chán ngán người da đen, nhưng thật ta thì ông cũng không yêu thích người châu Á. Người Hoa Hongkong đối với ông thì quá xảo trá, lạnh lùng và trơ trẽn. Ông gọi người Thái, không phải là không có lý do, là the giggling race, chủng tộc cười khúc khích, ông trách người Việt tính cẩu thả ở miền Nam và sự cuồng tín ở miền Bắc. Mãi khi ông được cử sang Teheran trong những năm sau đó, ông mới bắt đầu tiếc nuối những người Đông Á và có lẽ là cả những người châu Phi nữa.

        Trong một nghề nghiệp, cái bị trừng phạt bởi một số đông những kẻ làm ra vẻ quan trọng, những người nửa tri thức và những tên nhậu nhẹt say sưa, thì nhà báo Dietrich Schanz là một trường hợp ngoại lệ nổi tiếng và làm ấm áp con tim. Ông đã giữ được trái tim trẻ con của mình, cũng như nói chung là một tính thơ ngây mạo hiểm nhất định, điều là tiền đề không thể thiếu được cho hoạt động báo chí trong những vùng có khủng hoảng. Khi ở đâu đó bùng cháy thì Dietrich đã có mặt ở đó qua chiếc máy bay đầu tiên. Rằng ông như là free lance được trả tiền hết sức thấp và phải liều mạng sống của mình, trong khi những thông tín viên khác, được trang bị tốt hơn, nghĩ ra các tường thuật chiến trường của họ trong phòng khách sạn có điều hòa nhiệt độ, điều đó thì ông ghi nhận với sự khinh thường. Tính khôi hài vùng sông Rhein của ông vẫn còn nguyên vẹn. Đối với ông thì thật ra trải nghiệm quan trọng hơn là thành công. Ông là một Don Quijote của báo chí.

        Dietrich khuyên chúng tôi mua nệm cho phòng khách sạn – giường đã biến mất –, áo mưa, nón sắt và áo chống đạn ở chợ của Huế, bên kia cây cầu sắt. Với một ít may mắn thì chúng tôi cũng có thể tìm được một chiếc taxi cho chuyến đi ra mặt trận. Bản thân ông vừa mới trở về từ phòng tuyến đầu tiên ở Đông Hà. Khi một tấm thảm bom B-52 từ trên bầu trời đang mưa nặng hạt rơi xuống ở bên kia sông Cửa Việt mà hoàn toàn không có một điều gì cảnh báo trước, và mặt đất nảy lên như trong một cơn động đất, thì ông trong cơn hoảng loạn đã nhảy xuống một cái hố đầy nước, làm trò tiêu khiển cho một loạt quân nhân Nam Việt Nam, những người đã quen với tiếng ầm ầm giống như tận thế đó rồi.

        Vào sáng ngày hôm sau, chúng tôi đi trên Quốc lộ 1 cũ tiến ra Quảng Trị ở hướng Bắc, quốc lộ mà thời trước được người Pháp gọi là “con đường không vui” và được Bernard Fall lưu tên mãi mãi trong quyển sách của ông. Chúng tôi đã mướn một chiếc Citroën màu đen cũ rích, loại không thể thiếu được trong những phim gangster của Pháp thời trước chiến tranh. Thời xưa, người ta đã gọi kiểu xe này là la reine de la route vì tính năng chạy trên đường trường của nó. “Nữ hoàng đường sá” của chúng tôi ở Huế nằm trong một tình trạng thật đáng thương hại. Trời mưa nhỏ qua mái. Lò xo bật tung lên khỏi lớp đệm. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn không muốn tin vào những người thích đùa đó, bảo đảm với chúng tôi rằng chiếc xe của chúng tôi thật sự là xuất phát từ phần trước và phần sau của hai chiếc Citroën khác nhau mà một người thợ sửa xe người Việt đã hàn chúng lại. Khi chúng tôi nói đích đến của chúng tôi cho người tài xế Việt tên Nho biết, ông ấy lắc đầu không hài lòng. “C’est très mauvais, Monsieu”, ông nói, việc mà mặc dù vậy vẫn không ngăn cản ông mang đứa con trai mười tuổi lên ngồi ở ghế trước và khởi hành chạy lạch cạnh về hướng Bắc.

        Người Bắc Việt từ phía Tây đã tiến quân về chỉ còn cách Quốc lộ 1 bốn ki-lô-mét, cái dây rốn đó của phòng tuyến bảo vệ giữa Huế và Quảng Trị. Phong cảnh chìm trong mưa. Tiếng ầm ầm vang rền của pháo binh thổi về trong làn gió tây. Ở đấy, ở đâu đó trong sương mù, là căn cứ pháo binh Bastogne đang bị tranh giành ác liệt của Nam Việt Nam. Bastogne là cái then chận cuối cùng của lối ra thung lũng A Shau, nơi người ta cho rằng Sư đoàn 324 B của Bắc Việt đang đứng sẵn sàng. Marines tỏa ra ở cả hai bên của “con đường không vui”, chạy song song với tuyến đường sắt Sài Gòn – Hà Nội. Họ lùng sục làng mạc và những khu rừng tre, tìm kiếm quân địch đã xâm nhập vào. Lực lượng tinh nhuệ này, là nòng cốt của lực lượng dự bị chiến lược của Sài Gòn, đã được vội vã chở ra phương Bắc: Không thể nhận ra sự buồn rầu lẫn sợ hãi ở những người đàn ông da vàng trong bộ quân phục rằn ri này. Họ là dân chuyên nghiệp của chiến tranh. Họ lập các vị trí phòng thủ trong tầm còn nhìn thấy được dãy nhựa đường. Họ luôn nhìn lên bầu trời, xem cuối cùng lớp mây có tách ra hay không, tạo khả năng hoạt động cho các chiếc máy bay cường kích của Mỹ.

        Trong tỉnh lỵ Quảng Trị, tất cả các cừa hàng đã đóng cửa và được đóng ván che kín. Đầy người tỵ nạn vác trên vai một gói đồ đạc hay trẻ con. Với sự bình thản đáng ngạc nhiên, họ đứng dưới cơn mưa tầm tả chờ được phát thức ăn. Những người đáng thương nhất trong số họ hẳn là những người từ trên núi, Montagnards, người mọi từ tộc Bru. Họ nguyên thủy sống quanh pháo đài Khe Sanh của Mỹ và từ 1968 đã phải dời nơi tỵ nạn ít nhất là ba lần rồi. Lá cờ Mỹ ở cực bắc Việt Nam đang bay phấp phới trên thành cổ Quảng Trị. Các cố vấn của Sư đoàn 3 Nam Việt Nam nhóm họp ở đó và đã dùng không biết bao nhiêu là bao cát để xây vị trí chỉ huy thành một cái hang động tương đối an toàn. Ngược với những người tô hồng ở Sài Gòn, các advisers của Quảng Trị nhìn tương lai với những phỏng đoán ghê gớm. Họ yêu cầu chúng tôi mặc áo chống đạn, những cái được gọi là flak-jackets, trước khi chúng tôi tiếp tục đi vế hướng Bắc. Trong lúc đó, tôi chợt nhận ra rằng không còn người phóng viên chiến tranh nào mặc quân phục Mỹ nữa, điều trước đây là quy luật sắt đá khi người ta muốn đi vào vùng chiến sự. Ngược lại, giới báo chí bây giờ chuộng áo sơ mi màu xanh nước biển và vàng, những cái tuy dễ được nhìn thấy như là mục tiêu, thế nhưng lại chứng tỏ họ không phải là người chiến đấu. Người Mỹ thuật lại cho chúng tôi, rằng người Nam Việt mới đây đã từ chối không muốn dùng những đội xung kích để đánh giải thoát cho các phi công Mỹ bị bắn rơi ở phía sau chiến tuyến của đối phương. Phản ứng dễ hiểu của một quân đội Á châu, đánh giá mạng sống của một người lính da trắng không cao hơn mạng của một người da vàng.

        Cầu phao được xếp chồng lên nhau ở phía trước công sự chỉ huy. Lúc nào cũng phải tính đến việc những nhóm phá hoại của quân địch sẽ cho nổ tung các cây cầu của Quốc lộ 1 mang tính quan trọng sống còn. Hai giờ trước khi chúng tôi đến, một đội như vậy của công binh xung kích đã tiến vào cho tới ngoại ô của Quảng Trị, nhưng tại đó – cách những cột cầu đầu tiên chưa đầy một trăm mét – đã bị lính Biệt Động Quân Nam Việt phát hiện và tiêu diệt. Bây giờ thì hơn hai chục cái xác chết đang nằm như những con búp bê đầy máu trong những cái hố cá nhân đã được đào vội vã của họ. Những cái nói cối màu xanh với ngôi sao đỏ nằm rải rác xung quanh. Những người bị thương chắc đã bị bắn chết ở cự ly gần, vì đầu đã bị làm biến dạng bỏi những cái lỗ đáng sợ.

        Trước cảnh tượng những người chết này, tài xế Nho từ chối không tiếp tục chạy tiếp với chiếc Citroën của ông nữa, chiếc xe mà trước sau gì thì cũng đã giống một chiếc xe tang rồi. Sự đắn đo của ông thật dễ hiểu, vì bắt đầu từ đây chỉ còn xe tăng chạy với tốc độ cao nhất theo hướng Đông Hà ra phía bắc. Cuối cùng, một chiếc xe cứu thương cho chúng tôi đi cùng và thả chúng tôi xuống tại một ngã ba ở rìa phía nam của Đông Hà. Con đường này bây giờ thật ngột ngạt trong sự vắng lặng của nó. Thật sự thì ba ngày sau đó, Đông Hà sẽ thất thủ. Chúng tôi phải đi bộ trở về. Cách Quốc lộ 1 gần năm trăm mét, chúng tôi phát hiện ra một đoàn gồm bảy chiếc xe tăng Bắc Việt đã trở thành nạn nhân của súng bazooka từ lính marines Sài Gòn. Chúng đã lao nhanh về phương Nam như những con trâu điên và đã bỏ mặc các quy tắc cơ bản nhất về phòng vệ. Lần đầu tiên, giới tướng lĩnh Hà Nội bộc lộ tính thích chiến tranh cơ động kinh điển theo gương mẫu Xô viết. Vừa khi chúng tôi muốn quẳng những chiếc flak-jackets vướng víu của chúng tôi xuống mương thì có một chiếc xe Jeep dừng lại chở chúng tôi đi cùng. Nho đã trung thành chờ chúng tôi với chiếc Citroën của ông.

        Chúng tôi về tới Huế lúc trời sụp tối. Những bức tường màu đen của cấm thành biến mất vào trong màn mưa phùn. Một nhóm người ướt như chuột lột chen nhau trước cửa chính. Hai chiếc xe tăng chiến lợi phẩm, đã nằm lại ở Đông Hà vì thiếu nhiên liệu, được kéo về Huế và được dựng lên ở đây như là chiến tích. Một chiếc là thiết kế Nga của loại T 54, chiếc kia là kiểu T 59 do Trung Quốc sản xuất. Chúng giống nhau tới mức dễ nhầm lẫn. Một cố vấn Mỹ leo vào cửa tháp để thanh tra. Ngoài ra thì những người còn lại cuối cùng của quân đội Mỹ chỉ muốn xuất hiện càng ít càng tốt ở Huế, vì người Việt, trước hết là quân nhân của ARVN, đang bực tức người đồng minh to lớn. Quân đội Sài Gòn có cảm giác bị bỏ mặc. Hàng chục ngàn người tỵ nạn đã đổ vào cố đô và cắm trại sống thật đáng thương trong bùn lầy. Chỉ những người dân giàu có nhất của Huế mới có khả năng mua một vé máy bay về hướng Nam. Toàn bộ chỗ ngồi đều được đặt trước nhiều lần. Những khoảng tiền hối lộ cao ngất ngưỡng. Nỗi sợ hãi người cộng sản rất lớn, từ khi rất nhiều người dân thường bị giết chết trong đợt tấn công dịp Tết 1968 bởi những những băng nhóm đỏ không có kiểm soát.

        Ở một con đường nhỏ, người hiếu kỳ bu quanh xác chết của ba du kích quân Việt Cộng như một đàn ruồi. Vào sáng sớm, những người lính du kích đã cố xung phong vào nhà tù của cảnh sát. Và bây giờ thì họ bị bỏ nằm ở đó dưới trời mưa để răn đe. Các dân quân trẻ tuổi của Nam Việt Nam thờ ơ nhìn xuống các xác chết đó, những người có thể là anh em của họ.

        Phòng ăn được bố trí ở tại tầng cao nhất của khách sạn. Làn gió ẩm ướt xuyên thấu qua mọi kẻ hở. Các thông tín viên sưởi ấm bằng rượu Whisky thuộc hàng PX mà người ta vẫn còn tìm thấy trên chợ đen của Huế. Bầu không khí thật gloomy. Giữa một nhóm nhỏ sĩ quan tham mưu Việt Nam, tôi phát hiện ra Claude Rouget, người đã trở lại Việt Nam như là thông tín viên đặc biệt của “Figaro”, nhưng không bao giờ ngưng cảm nhận mình là một sĩ quan. Dưới mái tóc trắng, ngày nay ông trông giống như một nhà trí thức tinh tế. Trong mùa xuân 1954, ông đã tình nguyện nhảy dù xuống pháo đài Điện Biên Phủ bị bao vây và sắp thất thủ. Cho tới lúc đó, ông là trợ tá của tổng tư lệnh Pháp Navarre. Sau chiến bại Điện Biên Phủ, ông phải chịu đựng các biện pháp cải tạo của Việt Minh vài tháng trời, và việc đó chắc chắc không phải là đã qua đi mà hoàn toàn không để lại dấu tích gì. Vì trong xung đột Algerie, Rouget thuộc trong số các sĩ quan Pháp muốn áp dụng các biện pháp giả cách mạng của chiến tranh tâm lý. Người ta cho rằng ông đã dính líu vào vụ đảo chính de Gaulle. Trong lòng chảo Điện Biên Phủ, ông – cũng như phần lớn đồng nghiệp người Pháp – hẳn là đã xem thường các đồng minh Việt Nam quốc gia. Nhưng bây giờ thì điều đó đã qua rồi. Trong cái tình hình tuyệt vọng này ở Huế, những điều cùng chung từ thời thuộc địa lại sống dậy. Các đại tá người Việt và Rouget trao đổi ký ức với nhau, hỏi về số phận của những người bạn cũ và cùng nhau phàn nàn về các yankees.

        Vài ngày sau đó, tài xế Nho chở chúng tôi đi trên con đường độc đạo số 1 về Đà Nẵng ở phía nam. Đúng ra thì người ta phải cho rằng con đường liên kết mang tính chiến lược này giữa mặt trận ở phía bắc và căn cứ không quân với tiếp tế chiến lược của người Mỹ ở Đà Nẵng phải bị tập kích liên tục. Nhưng ngay cả trên những khúc cua dẫn lên đèo Hải Vân, dòng tiếp tế vẫn lăn đi mà không gặp trở ngại nào. Những chiếc xe tải ngược chiều bật đèn pha chạy xuyên qua làn sương mù. Từ nỗi sợ hãi bản năng trước một cuộc phục kích bất thình lình, những người tài xế bám sát vào nhau gần cho tới mức bất cứ một vụ thắng gấp nào cũng phải dẫn tới thảm họa. Trời mưa không ngưng. Xuyên qua làn hơi nước, chúng tôi nhận ra những chiếc tháp canh của quân đội chính phủ như những bóng dáng mờ ảo. Trong phong cảnh này, cuộc chiến đã đánh mất mọi hiện thực. Ở bên kia của Col des Nuages, lớp mây chợt tách ra. Sau những nhánh tre của một khúc quanh, vịnh Đà Nẵng mở ra ở phía dưới sâu. Những chiếc thuyền buồm nổi bật lên trên biển nhợt nhạt, bất động như trên một bức họa mực tàu.

        Mười bốn ngày sau đó, chúng tôi quay trở lại vùng phía bắc. Thời tiết đã thay đổi. Mặt trời thiêu đốt không thương xót từ trên bầu trời không một đám mây. Bùn lầy của mùa mưa đã tan rã ra thành bụi nhỏ, xuyên qua mọi kẻ hở và phồng lên thành những đám mây màu gỉ sắt ở phía sau các đoàn xe. Không thể đi tới Quảng Trị được nữa. Tỉnh lỵ bị người Bắc Việt bao vây. Chiến tuyến chạy theo sông Mỹ Chánh, nơi các marines của Nam Việt Nam trụ trong những cái lô cốt cũ của Pháp và kiên cường nhìn làn hỏa lực của Mỹ dập xuống địch thủ ở cách đó chưa tới hai trăm mét. Trong lúc đó, họ bình thản dùng đũa lùa cơm vào miệng.

        Những người tỵ nạn đầu tiên từ Quảng Trị là những người dân thường. Họ kiệt quệ lết qua cây cầu Bailey của sông Mỹ Chánh. Xe bò chở đầy đồ gia dụng và trẻ con. Đàn ông và phụ nữ già nua đi khập khiễng trên những bàn chân bị thương và dùng gậy tre của họ để thay nạng. Những người bị thương tựa vào nhau. Người dân Quảng Trị đã xuyên qua những bãi mìn và pháo đại bác bắn chặn để đi về phương nam, vào trong cái được cho là sự an toàn.

        Thiếu tá Price, cố vấn Mỹ của lính marines Nam Việt Nam, như là người quan sát của pháo binh đã điều chỉnh hỏa lực của Hạm đội 7 Hoa Kỳ xuống các vị trí đầu tiên của những người cộng sản và đồng thời cũng ghi nhận các vị trí rơi xuống của hỏa tiển từ những chiếc trực thăng Cobra. Nhưng bây giờ thì ông đứng thẳng dậy, vuốt bộ râu mép màu vàng đỏ của ông lại cho ngay ngắn, đội nón lên và mặc áo chống đạn vào. Ông nhận được một thông tin khàn khàn qua máy bộ đàm, cái mà ông chỉ miễn cưỡng báo cho chúng tôi biết. Vào sáng sớm, viên chỉ huy của Sư đoàn 3 Nam Việt Nam trong bộ chỉ huy của ông ở Quảng Trị đã mất tinh thần và đã bay ra ngoài bằng trực thăng. Các cố vấn Mỹ nối đuôi theo sau, và bây giờ thì những người còn ở lại lâm vào tình trạng hoảng loạn. Đầu tiên, lính Biệt Động Quân, nổi tiếng là một lực lượng tinh nhuệ, đã tịch thu xe cộ còn sử dụng được và khởi hành đi về phía nam, hầu như không bị người Bắc Việt ngăn cản. Những phần tan rã của Sư đoàn 3 đi tiếp theo sau đó trong sự sợ hãi vô cùng. Pháo đài Quảng Trị thất thủ mà không có chiến đấu, một điềm xấu cho những trận đánh sau này. Người Bắc Việt lẽ ra đã có thể khai hỏa để biến thảm bại này thành một cuộc tàn sát. Nhưng họ đã không làm. Có lẽ họ hy vọng có một làn sóng gây sốc tâm lý sẽ xuất hiện khi những con người đào ngũ này về đến nơi, một làn sóng mà sẽ làm sụp đổ toàn bộ cấu trúc phòng thủ của Trung Kỳ.

        Vào buổi trưa, những nhóm quân lính chạy trốn đầu tiên về tới cây cầu Mỹ Chánh, một hình ảnh tan rã đáng xấu hổ. Họ một phần say rượu và bắn bừa vào không khí. Những chiếc xe tải và xe xích lao đi với vận tốc cao nhất về hướng nam, giống như thể quỷ sứ đang đuổi theo họ. Để vẫn còn giữ được thể diện trong tình huống mất phẩm cách đó, những người lính đào ngũ giả vờ đùa giỡn thô bạo và dùng xe tăng của họ để rượt gà và chó. Trên đường trở về Huế, chiếc Citroën đen của chúng tôi đã bị ba người lính có ánh mắt hung tợn chận lại bằng những tràng đạn từ các khẩu M-16 của họ. Họ dồn vào băng ghế trước bên cạnh người tài xế. Chúng tôi mời họ hút thuốc lá để trấn an. Họ càng cách xa mặt trận bao nhiêu thì lại trở nên hòa nhã bấy nhiêu. Trước Huế, họ xin lỗi với mọi thể thức cho lối đối xử không hay của họ, cảm ơn cho chuyến lift và vẫy tay một lúc lâu ở phía sau chúng tôi. Họ vẫn là những đứa con của một dân tộc hết sức văn minh.

        Tâm lý chiến bại, như đã được dự định trước, lan về đến cố đô. Hai phần ba người dân cùng với những chiếc xe thô sơ và gói hành lý đi trên “Con đường không vui”, cực nhọc tiến về cảng Đà Nẵng được cho là an toàn. Khi Thượng Hải bị đánh chiếm và quân đội Tưởng Giới Thạch tan rã hẳn là cũng phải giống như vậy. Quang cảnh trông thật đáng sợ, vì đám đông người đang đổ mồ hôi, thở hắt dưới gánh nặng đó im lặng đẩy mình đi hầu như không có tiếng động và điệu bộ hướng về phương nam, giống như một con thú đã bị trọng thương. Phẩm cách vẫn còn được giữ ngay cả trong sự tuyệt vọng. Trong thành phố Huế về đêm, ánh lửa đỏ sáng rực trên dòng sông. Có tiếng súng bắn. Những người lính cướp bóc bây giờ đã chuyển sang cướp phá và phóng hỏa chợ, sau khi người bán từ chối không giao rượu của họ ra mà không nhận được tiền. Trong lúc đó, những người lính đã bị quân cảnh chống lại. Mìn nước nổ dưới sông Hương. Chúng có nhiệm vụ ngăn chận không để cho người nhái Bắc Việt giật nổ cây cầu duy nhất và không thể thiếu được.

        Việc mà chúng tôi vẫn còn có chỗ ngồi trong chiếc máy bay Air Vietnam về Sài Gòn được đặt chỗ trước gấp nhiều lần là nhờ vào người tháp tùng và thông dịch viên Tran Van Tin của chúng tôi. Với cái giá trả thêm là một trăm dollar xanh, người ta có thể mua được một sự ưu tiên như vậy, và không ai hiểu việc đó tốt hơn là Tin. Ông nhỏ người như tất cả người Việt, và hầu như không nhìn thấy gì khi không có chiếc kính mắt. Làn da trắng của ông cho thấy có một dòng máu Trung Hoa. Từ hơn mười năm nay, Tran Van Tin đã phục vụ một cách đáng tin cậy và với một hiệu quả gần như là huyền thoại cho cả hai đài truyền hình Đức. Không có giấy phép quay phim nào, không lần gia hạn chiếu khán nào, lần giải quyết vấn đề nào với hải quan mà ông không tiến hành được trong thời hạn ngắn nhất. Thêm vào đó, ông là một thiên tài ngoại ngữ. Bên cạnh tiếng Pháp, tiếng Trung và tiếng Anh, ông còn tự học được tiếng Đức tốt cho tới mức ông gây ngạc nhiên cho bất cứ người nào mới tới đây. Tin nhiều tuổi hơn là vẻ ngoài. Có những thông tin mâu thuẫn với nhau về con đường sự nghiệp của ông. Ông là trẻ mồ côi ở Huế, rồi trong cuộc chiến tranh của người Pháp, ông được một viên đại tá lính lê dương nhận làm con nuôi, người ta nói như vậy. Sau này thì lại được quả quyết rằng ông chỉ là người mang lại may mắn cho trung đoàn đó, mà ông cũng không thể hoàn toàn không có gia đình, vì ông thỉnh thoảng có nói về người mẹ già cần sự giúp đỡ của ông và về một người anh em là nhân viên cảnh sát đã bị người cộng sản bắn chết. Tin là một người luôn hối hả, và tính hay bồn chồn của ông đã mang những thông tín viên truyền hình nào đó tới ranh giới của một lần phát điên. Sau vài năm làm việc gắn bó với hai đài truyền hình ARD và ZDF, ông có được hai chiếc xe limousine kiểu Mỹ, tuy cũ nhưng vẫn còn dùng được, chỉ huy một nhóm tài xế, trợ lý quay phim và phu khuân vác, những người thường được ông giới thiệu là chú, anh em họ hay cháu và tất cả đều bị trả tiền lương rất tệ. Tài năng kinh doanh của ông đi đôi với tài lăn lộn để sống còn. Người ta quả quyết rằng thời trước, Tin thân cận với chính quyền của nhà độc tài Công giáo Ngô Đình Diệm, trước khi ông phải tiến hành một bước ngoặc nhanh như chớp và tìm những người bảo hộ mới. Về cá nhân, tôi có một quan hệ hoàn toàn không có vấn đề gì với ông. “Đối với tôi, ông giống như một người cha”, thỉnh thoảng ông nói với tôi như vậy, một lời quả quyết mà tôi không muốn đặt lên chiếc cân vàng. Nhưng tôi chưa từng bao giờ bị Tin lừa dối hay bỏ rơi. Người trưởng nhóm thu hình kỳ lạ này, cũng giống như những người đồng hương nào đó của ông, là một người mơ mộng về chính trị. Ông đã trình bày trong một bản thảo dầy ba trăm trang về việc người ta có thể giải phóng nền cộng hòa Nam Việt Nam ra khỏi tham nhũng và suy đồi đạo đức như thế nào, và xây dựng một nhà nước chống cộng sản thành công ra sao. Tuy vậy, rất nhiều nguyên tố suy đồi cần phải được diệt trừ không thương xót trước đó, người ta đọc trong đó như vậy.

        Thế nào đi chăng nữa thì Tin vẫn mang được chúng tôi lên chiếc máy bay về Sài Gòn mặc cho hàng ngàn người đang chờ đợi, và ông rất thích thú với lần xác nhận này, rằng ông là người không thể thiếu được. Lúc đáp giữa chặng xuống Đà Nẵng, một nữ hành khách xinh đẹp người Việt trong chiếc áo dài thanh lịch đã khóc thét lên sau một cuộc trao đổi ngắn với một sĩ quan không quân. “Có việc gì vậy?” tôi hỏi người nam tiếp viên Việt Nam. Người này phát ra một tiếng cười châu Á cao giọng. “Người ta vừa mới báo cho bà ấy biết là chồng bà, phi công của Không quân Việt Nam, đã bị bắn rơi vào ngày hôm qua.” Người tiếp viên hàng không bất chợt nhận ra rằng tiếng cười của ông, cái chỉ để làm chủ hoàn toàn lòng thương xót và sự bối rối của chính mình, có thể bị những người da trắng đang lắng nghe hiểu lầm, và rồi tạo một nét mặt nghiêm trang chết người.

        (còn tiếp)

        Comment



        Hội Quán Phi Dũng ©
        Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




        website hit counter

        Working...
        X