Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Lê Hữu: Nhất Tuấn, muôn thuở “Truyện chúng mình”

Collapse
X

Lê Hữu: Nhất Tuấn, muôn thuở “Truyện chúng mình”

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Lê Hữu: Nhất Tuấn, muôn thuở “Truyện chúng mình”



    Trung tá Phạm Hậu, tức Thi sĩ Nhất Tuấn, hai họ nội ngoại đều gốc Ninh Bình nhưng sinh trưởng tại Nam Định. Di cư vào Nam năm 1954, ông theo học Khóa 12 trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, năm 1955, sau đó phục vụ trong binh chủng Nhảy Dù.

    Từ năm 1969, ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong ngành truyền thông của miền Nam, như Quản Đốc Đài Phát Thanh Quân Đội, Giám Đốc Nha Nghiên Cứu Kế Hoạch Bộ Thông Tin, Giám Đốc Nha Vô Tuyến Truyền Thanh và Tổng Giám Đốc Việt Nam Thông Tấn Xã...

    Ông được biết đến nhiều qua tập thơ “Truyện Chúng Mình” (xuất bản năm 1956) và tập truyện “Đời Lính” (xuất bản 1965). Trên 50 bài thơ trong “Truyện Chúng Mình” đã được các nhạc sĩ phổ nhạc trong khoảng thời gian từ 1956 tới 2008.

    Trong số đó, hai bài được biết tới và được yêu chuộng nhất nhiều nhất có lẽ là “Cầu Nguyện”, được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc với tựa “Con Quỳ Lạy Chúa Trên Trời”, và bài “Hoa Học Trò” được nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc và đổi tựa thành “Bây Giờ Còn Nhớ Hay Không”.


    Lê Hữu: Nhất Tuấn, muôn thuở “Truyện chúng mình”

    Nhất Tuấn và “Nàng thơ” (1971)


    Tình như tóc rối xin đừng gỡ ra
    (“Tóc rối”, thơ Nhất Tuấn)

    Ngày ấy tuổi học trò
    Sân trường đầy phượng đỏ…


    Câu thơ Nhất Tuấn và mầu phượng thắm sân trường luôn gợi lại trong mỗi chúng ta nỗi tiếc nhớ xa xôi về những tháng năm tươi đẹp nhất của một đời người.

    Mầu hoa phượng trong thơ Nhất Tuấn còn gọi là “mầu hoa học trò”, mầu hoa thắm tươi và đẹp tựa mối tình đầu vụng dại của những cô cậu học trò hay mơ hay mộng.

    Tình đầu là nụ hoa vừa chớm nở, là những xao xuyến, những rung động của trái tim vừa chớm biết yêu. Tình đầu là mộng ước, là giấc mơ tươi đẹp nhất của một thời tuổi trẻ.

    Phượng đỏ, mimosa vàng

    Bây giờ còn nhớ hay không?
    Ngày xưa hè đến phượng hồng nở hoa

    (Hoa Học Trò)

    “Ngày xưa”, hai tiếng ấy nghe sao êm đềm quá! Chuyện “ngày xưa” ấy chỉ còn lại những tấm ảnh cũ đã nhạt mầu và những cánh hoa ép khô của một mùa kỷ niệm nằm im lìm trong những trang thơ Truyện Chúng Mình một thuở.

    Sân trường phượng vỹ, tiếng ve gọi hè, và mối tình đầu thuở học trò ấy, làm sao mà quên được!

    Trong những giấc mộng nhỏ êm đềm đưa chúng ta về gặp lại một mùa nào “hoa bướm ngày xưa”, vẫn thấp thoáng những cánh phượng hồng và một sân trường kỷ niệm.



    Bao nhiêu kỷ niệm ngày xưa
    gửi vào đây một bài thơ cuối cùng

    Bây giờ còn nhớ hay không
    đến người em nhận làm chồng? Mà… thôi!

    (Hoa Học Trò)

    “Mà… thôi!” Hai tiếng ấy trong câu thơ cuối của Nhất Tuấn nghe như lời trách cứ nhẹ nhàng, như tiếng thở dài thật nhẹ mà vẫn nghe lòng chùng xuống, vẫn nghe tim thắt lại.

    Rưng rưng phượng đỏ trên đầu
    Tìm em, anh biết tìm đâu bây giờ!

    (Hoa Học Trò)

    Tôi yêu hai chữ “rưng rưng” trong câu thơ ấy. Câu thơ đọc lên nghe… rưng rưng.

    Tôi cũng yêu hai chữ “khắc khoải” trong thơ Nhất Tuấn.

    Đêm nay Noel đây
    Chuông nhà thờ khắc khoải
    Gió đồi lang thang bay
    Mưa buồn giăng ngõ tối

    (Mimosa Thôi Nở)

    Câu thơ nghe một nỗi gì… khắc khoải, một không gian lạnh và buồn.

    Câu thơ cũng mang một khí hậu rất Đà Lạt, thành phố cao nguyên đầy mây trắng và sương mù, và cũng gợi nhớ những năm dài “chinh chiến điêu linh”. Rồi cuộc đời lính chiến, rồi “mấy dặm sơn khê”, rồi “mưa rừng gió núi”…, đã khiến cho những lứa đôi yêu nhau phải “người ở một phương nhớ một phương” vì những cách ngăn, chia lìa của một mùa ly loạn.

    Lại một Noel nữa
    mấy mùa Giáng Sinh rồi
    Anh ở đồn biên giới
    thương về một khung trời

    (Niềm Tin)

    Khung trời nào đây? Thành phố nào đây? Nếu không phải là thành phố suốt đời mây bay ấy.

    Rừng Ái Ân vẫn đó
    Hồ Than Thở còn đây
    Thông im buồn đợi gió
    Mây đồi xa còn bay

    (Nhớ Về Đà Lạt)



    Ðà Lạt như cô gái xuân thì, xinh tươi và mơ mộng. Ðà Lạt, thành phố của những tên gọi khác nhau, thành phố ngàn thông, thành phố mù sương, thành phố của tình nhân.

    Đà Lạt, trong những trang thơ Truyện Chúng Mình của Nhất Tuấn, còn là thành phố của từng cụm mây trắng lững lờ, thành phố của những hồ, những thác, những thung lũng, những ngọn đồi, những con đường dốc, những hàng thông xanh và những cánh đồng ngút ngàn hoa mimosa vàng.

    Mimosa nở vàng cành
    Thông reo, gió đuổi mây xanh cuối trời

    (Truyện Cành Hoa Mimosa)

    Đà Lạt, trong những trang thơ Truyện Chúng Mình của Nhất Tuấn, còn là “Thành phố mimosa vàng”, thành phố của những câu thơ trữ tình nhuốm màu vàng tươi của sắc hoa.

    Nhưng em không về nữa
    Đường khuya mưa bay bay

    Mimosa thôi nở
    trong hồn anh đêm nay
    (Mimosa Thôi Nở)

    Trong mưa bay anh thờ thẫn ra về
    Mimosa tràn ngập lối anh đi…
    (Mưa Trong Kỷ Niệm)


    Có từng sống ở thành phố của những cánh mimosa vàng rực ấy mới thấy được, mới cảm được và mới yêu được vẻ đẹp nên thơ của những cơn mưa phùn, mưa bụi ấy. Những cơn mưa lất phất đánh thức những nhớ thương dịu dàng. Những cơn mưa thật mỏng, thật nhẹ, những cơn mưa gọi là “chỉ-vừa-đủ-làm-ướt-tóc” của những đôi tình nhân.

    Đà Lạt mờ sương khói
    một mình anh lặng im…
    Giá mình đừng gặp nhau
    trên núi đồi Đà Lạt
    Vì tình yêu ban đầu
    đã tan theo sóng nhạc
    (Tiếng Hát Đồi Sim)


    Ông bà Nhất Tuấn – Seattle, 6/2019

    Có vẻ như thành phố “mờ sương khói” ấy, thành phố của những ngày vui mơ hồ ấy, vẫn luôn ở một góc nào trong trái tim chàng thi sĩ và trong những trang thơ Truyện Chúng Mình ngày nào chàng còn ở với cuộc sống.

    Có phải vì lẽ ấy, trong chuỗi ngày ly hương và trong buổi hoàng hôn của đời người, nhà thơ đã chọn về định cư ở Seattle, “Thành phố mưa bay” hay “Thành phố ‘xanh hoài ngàn năm’” (Evergreen City) giữa miền đồi núi chập chùng của vùng trời tây bắc Hoa Kỳ, để tưởng vọng về thành phố quê hương đầy ắp những kỷ niệm mà một phần đời của nhà thơ còn gửi lại nơi chốn ấy.

    Tình một thuở, tình muôn thuở

    Hình như họ biết chúng mình… với nhau
    (“Chờ nhau”, Nguyễn Bính)

    Không rõ có sự đồng cảm, đồng điệu nào giữa thi sĩ Nguyễn Bính và tác giả Truyện Chúng Mình, chỉ biết rằng cả hai chàng thi sĩ đều chuộng cách gọi ấy và vẫn hay kể về những câu chuyện “chúng mình” làm xao xuyến không ít những trái tim.

    “Chúng mình” nghe thân mật hơn, thắm thiết hơn và cũng tình tứ hơn những “đôi mình”, “đôi ta”… hay bất kỳ tên gọi nào để cho hai người cùng gọi chung một tên.

    “Truyện chúng mình” của Nhất Tuấn là những chuyện vui chuyện buồn, chuyện vu vơ mưa nắng, chuyện thì thầm nhỏ to, chuyện tâm tình và hò hẹn, chuyện nhớ nhung và đợi chờ, chuyện ghen tuông và hờn trách, chuyện gặp gỡ và chia phôi, chuyện… ngàn lẻ một chuyện của những lứa đôi trên đời này.

    Thơ Nhất Tuấn là những dòng thơ hồi tưởng. Hồi tưởng về những mùa vui, tràn ngập hạnh phúc, tràn ngập thương yêu. Tâm hồn nhà thơ là tâm hồn nặng trĩu những hồi tưởng, nặng trĩu những hoài niệm quá khứ. Tuổi đời càng chất chồng, tình quê càng đậm đà. Càng xa quê lâu năm, nỗi nhớ càng thêm se sắt.

    Tóc mây Hà Nội năm nào
    Em đem từng sợi buộc vào đời anh
    Bây giờ tóc bạc, tóc xanh
    Tình xưa anh vẫn quẩn quanh tìm hoài


    Những câu lục bát ấy ở trong bài “Tóc rối”, một trong những bài tôi yêu thích nhất của tác giả Truyện Chúng Mình. “Bắt” được những câu thơ hay trong một bài thơ hay luôn luôn là điều thú vị. Những câu thơ hay tựa những bông hoa đẹp. Những người khác có thể yêu thích những câu thơ khác trong những bài thơ khác của Nhất Tuấn, tựa như người ta yêu những bông hoa, những vẻ đẹp khác nhau vậy. Ðiều này cũng cho thấy, mỗi người đều có thể tìm được trong những trang thơ Nhất Tuấn những bài thơ, những câu thơ mình yêu thích.

    Tôi hiểu được vì sao nhiều người yêu thơ Nhất Tuấn đến độ thuộc nằm lòng hoặc nắn nót chép lại và cất giữ cẩn thận nhiều bài thơ Truyện Chúng Mình trên những trang báo cũ. Thật dễ hiểu, mỗi người đều ít nhiều bắt gặp mình, bắt gặp những câu chuyện lòng của mình trên những trang thơ ấy và vẫn muốn tìm lại bài thơ cũ mình yêu thích như đi tìm lại thuở ban đầu khó quên.

    Bốn mươi năm, cuộc tình sầu
    Bốn mươi năm, mối duyên đầu khó quên

    (Tóc Rối)

    “Tình một thuở” trong thơ Nhất Tuấn đã hóa thành “tình muôn thuở”.

    Chàng thi sĩ ấy từng có một thời để yêu và một thời để ngồi kể lại Truyện Chúng Mình.



    Những bài thơ tình không-bao-giờ-cũ ấy, ở bất cứ tuổi nào, bất cứ thời nào, đọc lên nghe vẫn rưng rưng cảm xúc vì là những bài thơ tình muôn thuở, kể về những câu chuyện chúng mình muôn thuở, muôn-đời-muôn-kiếp-không-phai.

    Nhất Tuấn, ông đã viết hộ những đôi tình nhân những trang nhật ký tình yêu thắm thiết. Truyện Chúng Mình của Nhất Tuấn, tưởng rằng chỉ là “chuyện hai người”, tưởng rằng chỉ có “hai người” biết với nhau thôi, vậy mà đã hóa thành “truyện chúng mình” của bao nhiêu là lứa đôi.

    Nhất Tuấn, ông đã nhận được biết bao nhiêu lời cám ơn của biết bao nhiêu lứa đôi nên vợ thành chồng nhờ vào mối duyên tơ đến từ những bài thơ Truyện Chúng Mình ấy.

    Nhất Tuấn, ông đã như chìm đắm trong màn sương mù dày đặc của lãng quên vào những năm tháng cuối đời. Đôi lúc tôi bắt gặp ông ngồi lặng lẽ một mình một bóng, vẻ mặt không vui không buồn. Đôi lúc ai đó thử gõ gõ vào cánh cửa im bặt ấy để mong đánh thức được chút gì trong ông, nhưng chỉ hoài công.

    Cho dù ông có nhớ nhớ quên quên như thế nào, cho dù ông có lìa xa thế gian này một ngày nào, người ta vẫn không sao quên được ông như vẫn không sao quên được những lời thơ tha thiết ấy,

    Bây giờ còn nhớ hay không?… / Bây giờ còn nhớ hay không?

    Câu thơ cứ lặp đi lặp lại, nghe như một nỗi gì tiếc nuối xa xôi.

    Câu thơ ấy còn nghe vẳng lên, câu hỏi ấy còn đeo đuổi mãi, như muốn nhắc nhở người yêu thơ Truyện Chúng Mình tìm về những “dấu chân kỷ niệm” còn hằn trên lối cũ như những giấc mơ ngọt ngào không bao giờ tắt hẳn.

    Bây giờ còn nhớ hay không?…

    Lê Hữu
    (3/2014)


    (nguồn: T.Vấn & Bạn Hữu)





    Last edited by Nguyen Huu Thien; 08-08-2021, 03:57 AM.

  • #2
    Nhận Tin Buồn,

    Niên Trưởng Phạm Hậu, K12 (nhà thơ Nhất Tuấn),
    Nguyên Giám Đốc Việt Tấn Xã
    Nguyên Quản Đốc Đài Phát Thanh Quân Đội
    đã nhảy saut cuối về Trời ở tuổi 86, không gian còn vương dấu giày.
    Xin chia buồn cùng Đại Tỉ, chị Phạm Hậu và tang quyến về sự vĩnh biệt này.
    Thành kính cầu nguyện Linh Hồn Giu-Se Phạm Hậu,
    Sớm Hưởng Nhan Thánh Chúa.

    Thành kính,

    Ngô Văn Xuân, Võ Ý, K17
    Phan Nhật Nam, K18
    Tô Văn Cấp, K19
    Last edited by Nguyen Huu Thien; 08-08-2021, 03:58 AM.
    Hung45HTQS

    Comment


    • #3
      Nhận Tin Buồn,

      Chiến Hữu Nguyễn Xuân Hùng (nhà thơ Đả Cẩu Bổng)
      Pháp Danh Thiện Thành,


      Nguyên Giám Đốc Đài Phát Thanh Pleiku,
      vừa thất lộc ngày 01 tháng 8 năm 2021 tại Little Saigon
      Hưởng thọ 83 tuổi.

      Xin chân thành chia buồn cùng tang quyến
      Thành kính nguyện cầu hương linh Thiện Thành
      Sớm Vãng Sanh Lạc Quốc

      Thành Kính,

      KQ Võ Ý
      Phi Đoàn 118 Bắc Đẩu Pleiku
      Last edited by Nguyen Huu Thien; 08-08-2021, 10:41 PM.

      Comment


      • #4

        Những người muôn năm cũ

        Đọc mục Phân Ưu của nhà thơ KQ Võ Ý trước sự ra đi của cựu Đại úy Nguyễn Xuân Hùng (nhà thơ Đả Cẩu Bổng), nguyên Giám Đốc Đài Phát Thanh Pleiku, tôi bỗng nhớ lại những năm tháng sống ở chốn xưa gió núi mưa rừng (1969-1972) và nhận ra một điều: “văn bút Pleiku” ngày ấy cũng khá hùng hậu. Ngoài các nhân tài phục vụ trong phi trường Cù Hanh, còn có những tên tuổi lẫy lừng ngoài "phố núi cao – đi dăm phút đã về chốn cũ": Kim Tuấn, Vũ Hữu Định, Nguyễn Xuân Hùng, Hoàng Khởi Phong...

        Tôi vẫn nhớ chiều nào theo ông Lê Bá Định và các đàn anh tới nhà thuốc tây của bà Kim Tuấn ăn một bữa cơm “chùa” thịnh soạn. Năm mươi mùa thu qua đi, nay nhìn lại chỉ còn anh Võ Ý và ông "cựu Đại úy Quân cảnh" ngày nào!


        Những người muôn năm cũ
        Hồn ở đâu bây giờ...

        (Vũ Đình Liên)

        Kim Tuấn (1938 – 2003)




        Vũ Hữu Định (1942 - 1981)

        Nhà văn KQ Lê Bá Định (1939 - 2014)


        Nhà thơ KQ Võ Ý (1940 - )



        Hoàng Khởi Phong (1943- ) qua nét vẽ của Trương Thị Thịnh
        Last edited by Nguyen Huu Thien; 08-09-2021, 02:45 AM.

        Comment



        Hội Quán Phi Dũng ©
        Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




        website hit counter

        Working...
        X