Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Luẩn Quẩn Loanh Quanh

Collapse
X

Luẩn Quẩn Loanh Quanh

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Luẩn Quẩn Loanh Quanh

    Trong vòng hơn hai tháng nay, khoảng chín giờ sáng nào tôi cũng pha Café Du Monde thêm một chút sữa đặc trộn với coffee+milk loại “iced coffee” của Starbucks đựng trong cái chai 325ml. Uống quen thấy cũng ngon ngon, hợp goût. Vừa uống, vừa coi SBTN Morning của Ðỗ Dũng với Mai Phi Long, và cũng vừa “nhìn trời hiu quạnh” ngoài kia khung cửa sổ. Tôi nghĩ, các bạn già thử chịu khó, đổi goût cà phê filter “cái nồi ngồi trên cái cốc”, mà thêm cà phê chai của Starbucks vào xem sao. Chắc không đến nỗi nào. sáng nay trời thấp thật gần, lành lạnh, lất phất những giọt mưa Thu. Muôn ngàn lá cây đủ màu sắc là đà bay theo chiều gió. Lòng buồn vời vợi. Nghĩ mình như những chiếc lá già cỗi rụng rơi lã chã ngoài đường xe chạy, tôi thẫn thờ đọc mấy câu thơ của Tản Ðà. “Trận gió Thu Phong rụng lá vàng. Lá rơi hàng xóm lá bay sang. Vàng bay mấy lá năm già nửa…”, mà khắc khoải chuyện xưa, chuyện nay buồn nhiều hơn vui. Vì cả cuộc đời khốn đốn với chiến tranh. Nhỏ thì Việt Minh- Pháp. Lớn thì Việt Cộng- Quốc Gia. Già thì bỏ nước mà đi. Thiên mệnh năm lựa, bảy lọc mình còn sống quá tuổi “thất thập cổ lai hy” đến ngày hôm nay, nghĩ cũng ơn phước rồi. Có điều còn sống đây, mình thường nghĩ về chuyện cũ ngày xưa và chuyện mới bây giờ cứ luẩn quẩn loanh quanh chơi vơi trong đầu, trong bụng không dứt tình con người đồng bào với nhau …


    Sáng nay, Thu đã trước nhà

    Cách đây hơn một tháng, một ông bạn Kỹ Sư Nông Lâm Súc là Sinh Viên Sĩ Quan cùng đại đội 37 với tôi khi học Trường Bộ Binh Thủ Ðức, hiện là người bạn thân hàng xóm có ý kiến tặng tôi nửa tiền mua chiếc xe hơi mới khoảng chừng 25 hay 30 ngàn đô la. Việc nầy tôi không thấy lạ, vì trước đó, ảnh đã nhiều lần có ý kiến tương tự. Tôi biết ảnh nói thật, nhưng tôi chỉ biết nói lời cám ơn, không dám nhận. Lại nhớ năm 1993 sau khi từ Florida về lại Kansas City, một người em bạn mới thân mà thâm giao trên đất Mỹ đã “nài nỉ” tôi nhận bộ bàn ghế và cái TV 27 inches mới tinh giá gần hai ngàn đô la. Tôi không nhận, anh ta khóc òa. Năm 1992 trước khi đi Mỹ, vợ chồng một người anh em bạn đồng hương ban đêm lặn lội đến nhà tôi ở Phan Thiết “tặng anh chị để làm kỷ niệm” cặp nhẫn vàng một lượng. Vợ chồng tôi không nhận. Ổng bả buồn, giận mấy năm trời! Lại nhớ đến một người bạn nữa, nhưng là của vợ tôi ở Florida năm 1994 không ngày nào là không gọi điện thoại giục “anh chị qua đây hoặc “quản lý” một tiệm tạp hóa, hoặc coi một nông trại, vợ chồng tôi giao lại hoàn toàn cho anh chị”. Ðược biết vợ chồng chú thím ta qua đây năm 1975 làm ăn phát đạt, có 2 tiệm tạp hóa, có một nông trại dưới Miami, có hai con trai là bác sĩ và một con gái là dược sĩ đều đi làm xa. Tôi và vợ tôi thật tình cám ơn và cũng tìm lời nói khéo mà từ chối. Ông bà nầy giận dai dữ, đến bây giờ cả hai mươi năm rồi không một lần liên lạc lại.
    Ðúng 2 giờ trưa Thứ Bảy ngày 24 tháng 10 năm 2015, đứa con gái út của tôi cho hay “con mới trả 77 đô la cho hai người lính cứu hỏa ở Sam’s Club, vì thấy họ tội nghiệp”. Nó thấy “tội nghiệp” cũng phải. Mới Thứ Hai ngày 12 tháng 10 năm 2015 vừa qua, hai người lính cứu hỏa ở đây tên Larry J. Leggio và John V.Mesh đã chết một cách anh hùng và thảm thương trong tại nạn “cứu hỏa” ở ngả tư Independence và Prospect gần nhà tôi. Ở Mỹ, lính Cảnh Sát, lính Cứu Hỏa “vị quốc vong thân” nhiều hơn lính đánh giặc, thương họ cũng phải. Con nhỏ nầy tôi không quên lúc mười tuổi đã móc hết trong túi ra được 5 đô la cho ông già Mỹ Ðen homeless đứng ngoài trời tuyết lạnh cầm bảng “hungry”. Hồi còn ở Việt Nam chừng bảy tuổi thấy một người bưng tô bánh canh người ta ăn thừa mà húp, nó bưng mặt chạy vào nhà khóc như bị đánh đòn. Hỏi ra, nó nói “tội quá!”.
    Năm 1985 sau khi tù “học tập cải tạo” ra, tôi về quê Phan Thiết sinh sống với cha mẹ và các con. Ở đây, tôi thấy hằng ngày từng đoàn người Bắc vùng Thanh, Nghệ, Tĩnh dắt dìu nhau đi bộ vào Nam. Họ, cả vợ chồng, con cháu đi tới đâu xin ăn tới đó, trông thật tội tình. Ðã mười năm “giải phóng”, cả nước “bần cố nông” hết trơn!? Ba má tôi đã nhiều lần mời họ vào nhà nghỉ chân, đãi cơm ăn, cho thêm áo quần, tiền bạc…Ba tôi nói, cái đói khổ thì ba tôi đã từng khi mồ côi cha mẹ lúc mới 11 tuổi còn phải đùm bọc người em gái chỉ 8 tuổi. Ông cụ đọc mấy câu thơ Gia Huấn Ca của Nguyễn Trãi cho nghe“…Thương người lỡ bước lầm than kêu đường. Thấy ai đói rách thì thương. Rách thường cho mặc, đói thường cho ăn. Thương người như thể thương thân. Người ta phải bước khó khăn đến nhà…”. Gia Huấn Ca tôi đã học năm Ðệ Thất trường Phan Bội Châu, Phan Thiết năm 1957 với thầy Thư. Hồ Chí Minh và bè lũ Việt Cộng là tay sai Nga, Tàu đem tà thuyết Cộng Sản vào Việt Nam làm dân nghèo, nước mạt, xã hội tan hoang…không ngóc đầu lên nổi. Tôi có 6 năm tù “học tập cải tạo” ở Yên Bái, Lào Cai, Hoàng Liên Sơn, Vĩnh Phú, Thanh Hóa và 3 năm ở Biên Hòa, Thuận Hải mới thấy, đâu đâu dân tình cũng khốn khổ xác xơ nguyền rủa chế độ không tưởng sắt máu, phi nhân, phi dân tộc cầm đầu bởi một lũ ác quỷ giả dạng kiếp người nầy.


    Hỏa hoạn do Nguyễn Thị Thu Hồng gây ra

    Khoảng 9 giờ tối Thứ Hai ngày 12 tháng 10 năm 2015, vợ chồng tôi từ nhà đứa con gái lái xe về thì không về được, vì dãy phố trên đường Independence và Prospect bị cháy lớn. Khi về đến nhà mới biết có 2 người lính cứu hỏa chết 2 và toàn bộ dãy phố bị cháy nát. Qua cuộc điều tra kết thúc ngày 25 tháng 10 năm 2015, người ta mới biết là Nguyễn Thị Thu Hồng, 43 tuổi cố ý đốt cháy tiệm nail LN Salon & Spa của mình. Y thị trước đây cũng đã từng 2 lần gây hỏa hoạn để nhận tiền bồi thường của bảo hiểm. Một lần năm 2013 và một lần nữa ngay tại tiệm nail nầy mới hồi tháng giêng năm nay. Một việc làm gây buồn cho giới làm nail và làm buồn cho người Việt ở đây biết chừng nào. Tôi lại liên tưởng đến một cặp vợ chồng ông bạn tôi. Hai ông bà mang bất hòa từ Việt Nam qua đây, sống như mặt trời mặt trăng. Bà nhất quyết trước sau cũng “dứt tình” với ổng. Không may mà cũng rất may, ổng bị tai nạn xe hơi “chắc chắn là chết”, ai cũng nói như vậy. Vợ chồng tôi tới bệnh viện thăm và cũng nghĩ như vậy, vì thấy ổng bị bể đầu, máu trong đầu được chuyền ra bịch nylon để kế bên. Bả nhất định cuốn gói, bỏ ổng ở lại, mặc ai nói gì. Trớ trêu, nghe từ đâu insurance sẽ đền cho ổng bạc triệu, bả bấy giờ “dại gì mà đi”. Từ sau tai nạn, vợ chồng ăn ở đến nay, không nghe nói “anh đường anh, tôi đường tôi” nữa. Cái insurance “bảo hiểm” người ta đủ thứ trên đời đã ảnh hưởng đến tâm lý con người biết chừng nào; hại có hại, lợi có lợi, không biết đâu mà lường.


    Chiến dịch “Trực Thăng Vận”

    Tội nghiệp hai người lính cứu hỏa chết cháy bỏ lại mẹ già, vợ trẻ, con thơ khóc than thảm thiết. Nói gì nói, chết cháy thấy sao mà thương tâm quá. Thằng bạn tôi ngày xưa cùng quê, cùng xóm, cùng học một trường không thi đậu Tú Tài 1 phải vào Ðồng Ðế, ra Trung Sĩ. Ba năm Trung Sĩ, Trung Sĩ Nhất không chết, vào học Khóa 5/70 Ðặc Biệt Thủ Ðức, ra Chuẩn Úy chưa nóng lon cũng bị chết cháy trong chiến trường “trực thăng vận” ở Hòa Tân tỉnh Gò Công năm 1971. Cái chết tức tưởi của nó chưa kịp về phép thăm cha mẹ ở Ðức Long, Phan Thiết, chưa kịp nói lời yêu đương với bồ đương ngóng chờ, chưa kịp một buổi cà phê đen với mấy điếu Bastos đỏ nơi quán Ðào Viên với mấy thằng bạn “Mai ta ra trận ta còn sống, về ghé Sông Mao phá phách chơi…”. Nó chết, con người không còn con người, không còn ai nhìn ra nó Ðặng Văn Nghê. Chiến tranh là một cuộc tương tàn khốc liệt. Chiến tranh Việt Nam vừa qua lại là một cuộc chiến giữa những người anh em ruột thịt, bè bạn thâm giao, xóm giềng thân thuộc làm sao không xé ruột cháy gan!? Thằng Nguyễn Văn Hùng, người làng Tân Phú Xuân, quận Thiện Giáo thuộc tỉnh Bình Thuận cùng học với tôi lớp Ðệ Nhị C trường Phan Bội Châu Phan Thiết đã theo Việt Cộng chết không biết hang hóc nào trong rừng sâu núi thẩm. Nó là một đứa bạn rất thân với tôi, từng ăn cơm một nhà, cùng ngủ chung một bộ phản, cùng hút với nhau một điếu thuốc chia hai. Sau khi đậu Tú Tài 1 năm 1963, nó đành đoạn bỏ mẹ nó sống côi cút nơi vùng thôn dã khô cằn. Mẹ nó, người vợ bị chồng theo Việt Minh bỏ lại một mình chịu gian khổ nuôi nó lớn lên, cho nó ăn học. Cho nên, nó biết buồn gì đâu khi bỏ người yêu, bỏ bè bạn, bỏ trường xưa, bỏ phố phường nó mới nghêu ngao “Con đường tình sử nằm đây. Ðèn khuya mắt đỏ còn đầy dấu xưa…” âm thầm vào mật khu Ba Hòn ? Nó đi, đi mãi con đường thiên lý chủ nghĩa Cộng Sản không ai thấy nó về. Nó đi không bao giờ về! Hai đứa nầy bởi là hai đứa bạn thân nhất thời trai trẻ của tôi, nên mỗi khi nhắc đến chiến tranh Việt Nam giữa người Việt Quốc Gia trong Nam với tay sai Nga, Tàu của bọn Việt Cộng ngoài Bắc thì không làm sao mà không nhắc tới.


    46 Năm Khóa 2 Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia

    Bạn bè tôi là những chiến hữu Khóa 2 Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia, Khóa 6/70 Thủ Ðức hiện còn sống ít hơn là đã quá cố. Bây giờ đây, ai cũng già cả, yếu đuối, và bệnh hoạn thì khắp châu thân. Anh em với nhau ngày đó, bây giờ đứa chỗ nầy, đứa chỗ nọ xa nhau, nhớ nhau mà buồn, mà thương, mà muốn gặp đôi khi không biết phải làm sao! Mấy lần về Nam Cali họp mặt mới thấy tấm lòng anh em muốn hội ngộ biết chừng nào. Nói chí tình, nếu không có những người chịu khó, chịu khổ ở đó đứng ra dang tay đón chào anh em khắp nơi về thì đố mà có ngày hội ngộ, ngày họp mặt được. Cũng phải nói, nếu các bạn già chúng ta bốn phương “án binh bất động” thì cũng vậy, chẳng có ngày hội ngộ, chẳng có ngày họp mặt gì hết. Tôi được may mắn một lần làm nhiệm vụ kêu gọi anh em “bốn vùng chiến thuật” khắp năm châu về tham dự Kỷ Niệm 46 Năm Khóa 2 Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia cách đây hai năm, mới thấy việc đi đứng của anh em không dễ một chút nào. Có anh bạn “tiền không có”. Có anh bạn “phải giữ cháu”. Có anh bạn “mới vừa bị stroke”. Có anh bạn “đang nằm liệt giường”. Có anh bạn “đi không muốn nổi”. Có anh bạn “nghễnh nghễnh ngãng ngãng”. Có anh bạn “vợ bệnh” hay “con đau”. Có anh bạn “mới vừa nằm xuống”. Có anh bạn “có nó thì không có tôi”…Khó lắm và khổ lắm chúng ta có một Ngày Hội Ngộ. Nói thì nói vậy, trong lòng anh em, ai cũng muốn đi một lần, dù “sao sẽ ra sao”. Vì dù “sao sẽ ra sao” nên anh em cũng đông đảo, cũng đầm thấm, cũng vui vẻ, vì ai cũng biết trước được rằng mai đây chắc gì mình còn có một lần nữa gặp nhau!


    Trại tù Z.30D Hàm Tân, Thuận Hải năm 1988

    Ngày 26 tháng 6 năm 1975 từ giả vợ con tôi trình diện “học tập cải tạo” tưởng chỉ trong mười ngày là về, ai ngờ là đi tù chín năm trong Nam, ngoài Bắc. Biên Hòa, Yên Bái, Hoàng Liên Sơn, Lào Cai, Vĩnh Phú, Thuận Hải… đâu đâu đời tù tôi đi qua cũng đói rách, lao động cực lực, sống chết mong manh như sợi tóc. Những anh em mới nói chuyện với nhau đó thì đã chết ngay vì tai nạn thường xuyên, vì kiệt lực hết sức, vì chỉ một miếng thịt trâu thèm ăn…và cũng vì bệnh hoạn không có một viên thuốc uống. Mình nghĩ mình chắc cũng chết bất cứ lúc nào, mà buồn. Bạn tôi đó, nằm bên trái tôi, nằm bên phải tôi thay nhau chết không kịp chôn; có người “trốn trại” bị bắn chết khiêng về, dân trong vùng xỉa xói như lũ quỷ đói ăn thịt người; có người đang vắt sức lao động mệt ngất ngư thì bị mấy thằng tiểu yêu “bộ đội” kêu ra đánh nhừ tử. Nhiều người, vợ đi lấy chồng khác, bỏ con bơ vơ, mẹ già còm cỏi dắt cháu vào thăm cha, mà có gì đâu cho con! Ðời tù “học tập cải tạo” khổ sai, không án, không biết ngày về, éo le dồn dập, trăm điều cay đắng! Hầu hết, con cái bị đuổi học, gia đình phải “đi kinh tế mới”, bị ngược đãi, không cho có việc làm, sống đời khổ nhục nước mắt với nước mắt… Ðược thả ra, vì “chế độ cũ”, vì “ngụy quân ngụy quyền”, người tù “học tập cải tạo” phải sống một cuộc đời tối tăm, uất hận từng ngày, từng giờ. Bạn tôi, người làm thuê, người đạp xích lô, người chạy xe ôm, người bán vé số, người “bốc xếp”, người bán cà rem, người thổi bong bóng, người mài dao kéo, người “mánh mung” đủ nghề “hạ cám” để kiếm miếng ăn chờ ngày “chết là hết”. Tôi sống nghề làm nhang nghèo nàn với vợ con, đắp đổi qua ngày cũng không muốn nổi, may có vợ phụ buôn bán, không thì không biết làm sao sống đời một vợ năm con thời mạt vận “quản chế”,“tem phiếu”, “hộ khẩu”, “quản lý thị trường”, “công an khu vực”…


    Ðôi song ca Ngọc Cẩm - Nguyễn Hữu Thiết

    Thứ Năm ngày 29 tháng 10 năm 2015 vừa qua, tiệm Phương Khanh theo lời dặn của tôi, đã gọi điện thoại cho vợ chồng tôi tới mua dĩa Asia Golden 4 Khúc Nhạc Tình Quê mới ra. Asia 4 Khúc Nhạc Tình Quê cho tôi nghe lại những bản nhạc thời thập niên 50 sao mà thái bình thịnh trị quá đổi. Nhớ Bến Ðà Giang, Lúa Mùa Duyên Thắm, Lối Về Xóm Nhỏ, Trăng Rụng Xuống Cầu, Lời Người Ra Ði…dắt tôi trở về làng xưa xóm cũ Ðức Long, Phan Thiết của tôi những năm 1952 đến 1960 thời Pháp sắp chấm dứt và thời Tổng Thống Ngô Ðình Diệm bắt đầu.“Ai qua bến Ðà Giang, cho tôi nhắn vài câu, thương về mái tranh nghèo bên hàng cau…”, “Chiều dần rơi sau mái đồi, ánh trăng buông lả lơi. Nhịp chày rơi như tiếng ca thiết tha xây cuộc đời…”, “Về thôn xưa ta hát khúc hoan ca, ngọt bông lúa tình quê thêm đậm đà…”, “Một chiều anh bước đi, em tiễn chân anh tận cuối đồi. Nghe dặn lời rằng chiến đấu đừng sờn lòng, rằng sóng gió đừng sờn lòng, đừng nề gian khổ…” nghe sao như thấy con người, trời đất dồn về đây vui điệu hoan ca. Sau năm 1954, với cái Radio Ấp Chiến Lược, đôi song ca Ngọc Cẩm-Nguyễn Hữu Thiết hát giọng lơ lớ miền Trung đã làm rung động trái tim chúng tôi già trẻ thời bấy giờ muốn đứng im mà nghe lòng thổn thức. Dù cô Ngọc Cẩm, người Huế hát giọng cao quá cao và chú Nguyễn Hữu Thiết người Phan Thiết gốc Quảng Trị hát giọng thấp quá thấp lãng đãng với nhau nghe sao mộc mạc mà thiết tha, đơn sơ mà thấm đậm. Ðến nay cũng đã sáu chục năm hơn, mà sao dư âm ngày đó vẫn cứ chờn chợ trong tôi và chắc là mãi mãi trong tôi. Tôi dám cam đoan với ai từ lứa tuổi của tôi trở về trước mà không thuộc một vài đoạn nhiều bài hát của đôi song ca tài danh nầy, có khi còn cải lời đổi chữ nữa là khác. Nầy “Trong đêm trăng, tiếng chày khua, ta hát vang trong đêm trường mênh mang. Ai đang say, chày buông rơi nghe tiếng vơi tiếng đầy…”, “Em gái vườn quê, cuộc đời trong trắng, dầm mưa dãi nắng mà em biết yêu trăng đẹp nhày rằm…”. “ Mây trắng bay qua khi trăng dần lan. Muôn câu hò nhịp nhàng khắp thôn trang. Ðoàn người say sưa vui tiếng hát vang. Lúa dâng sữa ngọt đậm tình ta với nàng…”. Tiếc là thời gian thanh bình thịnh trị đó quá ngắn ngủi không đầy một chục năm, vì bè lũ tay sai Nga, Tàu là bọn Việt Cộng u mê mà sắt máu đã phá hủy tan tành!
    Chiều tối Thứ Bảy ngày 31 tháng 10 năm 2015 năm nay là ngày Halloween như hằng năm, ở đây cùng khắp nước Mỹ, mấy cháu nhỏ được cha mẹ dắt đến từng nhà “xin kẹo”, vui còn vui hơn Trung Thu bên Việt Nam nhiều. Con tôi, mấy đứa cách nay hơn hai chục năm trước cũng như các con của chúng nó bây giờ mong tới ngày Lễ Ma Halloween nầy, mà khoe nhau những bị kẹo “ai hơn ai?” rồi chẳng ăn gì, quăng đi. Kẹo nầy đâu phải kẹo rẻ tiền, ăn không ngon, thiếu vệ sinh? Kẹo nầy đủ thứ, đủ loại ăn ngon biết chừng nào và tiền cũng mắc lắm chứ. Ðâu phải như ba tôi ngày xưa thường uống nước trà buổi sáng với “kẹo thèo lèo” bình dân, rẻ tiền. Năm nay nước Mỹ đã bỏ ra cả 7 tỷ rưởi đô la xài chơi ngày Lễ Ma Halloween chứ giỡn sao. Chỉ kẹo phát cho các “em bé đi xin kẹo” để chơi không thôi cũng mất gần 2 tỷ rưởi. Chạnh nghĩ những năm tù “học tập cải tạo” ngoài Bắc mà thương hết sức mấy đứa con nít “chưa từng biết chứ nói gì ngậm một cục kẹo, ngay cơm ăn độn còn bữa có bữa không và áo quần không có mà mặc nữa là” như lời những người lớn ở ngoải nói cho biết. Ðiều mà chúng tôi, những người tù mang tội “ngụy quân, ngụy quyền” phải “học tập cải tạo” khắp hóc núi, rừng sâu trong Nam, ngoài Bắc không lạ chút nào cái ác nghiệt tột cùng, cái nghèo tận mạng của cái gọi là nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hay Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam? Từng cục kẹo, cái bánh, cục đường con nhịn thèm trong Nam “bới” cho cha trong tù ngoài Bắc, ai không thấm thía, đau đớn trong lòng thời tù Việt Cộng?
    Cuộc sống con nguời ngày một văn minh, nên tình cảm trai gái tụi trẻ bây giờ lai láng hơn mình ngày xưa chăng? Tụi nó đâu có “mắc cỡ” ôm nhau hun hít không chùng lén chút nào giữa đường giữa sá, nơi đông người, lúc thanh thiên bạch nhật, sợ gì “nam nữ thụ thụ bất thân”? Có phải như vậy, mà sấp nhỏ thời buổi nầy đâu có thiếu thốn gì mà phải đi lấy chồng lấy vợ quá sớm “tảo hôn” như lớp già chúng tôi hồi đó có khi còn đang học Trung Học Ðệ Nhất Cấp đã phải cưới vợ “nối dõi tông đường” phải không? Tôi nhớ năm học Ðệ Nhị quen một cô em gái học Ðệ Lục cùng trường mà không biết làm sao với làm sao. Dù là trẻ hơn tôi mấy tuổi, nhưng em ta có thể là một cô giáo dạy vỡ lòng tình yêu cho tôi, thằng dốt đặc cán mai. Em xích tới gần thì tôi vụng về, nhát gừng dang ra xa. Em muốn nghe những lời ngọt ngào trai gái thì tôi bâng quơ, tảng lờ, lặng thinh một cách quê mùa, khờ khạo…Vậy là em bỏ. Bỏ đi là phải. Lại nhớ năm 1963, quen một cô gái Bắc Kỳ ở ấp Ðông Ba, Gia Ðịnh theo bạn về Phan Thiết ăn Tết. Sau đó cả một năm dài, tuần nào tôi cũng nhận được một lá thư với những lời lẽ tha thiết, nhớ mong kèm theo cuối thơ là một nụ hôn đỏ thắm của nàng in vào tờ “pelure” hồng với mấy giọt dầu thơm cả năm vẫn cứ thơm. Ngày vào Chu Văn An nhập học, tôi băng qua cầu Bông, ngang lăng Lê Văn Duyệt, quẹo trái đường Chi Lăng tới thăm người bạn gái mình nhớ nhớ thương thương đã nhiều. Trời ơi! Nàng ôm tôi cứng ngắt. Trời ơi! Bất ngờ quá, tôi có biết gì đâu, còn biết gì đâu! Rồi cũng ngu ngơ, cũng vụng về, cũng dại khờ…Và cũng “vậy là em bỏ”. “Bỏ đi là phải”. Cuối năm 1968 từ nơi làm việc Quảng Ngãi ghé về Tân Ðịnh, nơi mấy năm trước tôi làm “précepteur” dạy kèm mấy đứa nhỏ, gặp lại cô em gái bé chút xíu chút xiu hồi đó, bây giờ đã là một thiếu nữ “giai nhân”. Thằng dại gái năm nào để vuột mấy em gái lãng đãng mối tình đầu bây giờ dày dạn gió sương, đã dắt được cô học trò lớp Ðệ Tứ, “hoa khôi” trường Văn Hiến của thầy Phan Ngô về nhà năm sau đó.


    Song thân của tôi năm 1960

    Hồi những năm 1950, tôi học giỏi nổi tiếng khắp phường Ðức Long, cả xã Phú Phong, nhưng từ 1960 về sau thì học không bằng ai, vì thích lêu lổng hơn là “gạo”. Ba tôi mồ côi cha mẹ từ năm mới 11 tuổi, nên học ít, khổ nhiều, nhưng được bà con quý trọng, tôn kính vào bậc trưởng thượng “thân hào nhân sĩ” địa phương. Tôi lớn lên mới biết, người ta quý trọng, kính mến ba tôi là vì cái tư cách, cái đạo đức, cái cương nghị nơi ba tôi mà hiếm người có, chứ ba tôi có cao kiến gì ngoài loe ngoe năm ba chữ Hán. “Giấy rách phải giữ lấy lề”, chúng tôi làm gì làm cũng phải nghĩ về danh giá gia đình mà cư xử. Tôi không quên, anh Hai của tôi đã có con, có cháu nội đầu, mà phải nghe lời ba tôi nằm dài xuống bộ phản để chịu đòn. Chắc như vậy mà khi tôi ở tù “học tập cải tạo” ra năm 1984, người ta rất đông tới thăm hỏi, mừng vui tôi “người về từ cõi chết”. “Người về từ cõi chết” nhiều người nói như vậy. Cái lạ là, cùng xóm có một anh Việt Cộng gốc “tập kết” đương nhiệm chức vụ trưởng phòng Sở Nhà Ðất Phan Thiết đã mời tôi vào nhà uống Hennessy đầu năm Bính Dần 1986. Ông ta tay bắt mặt mừng, hình như có chút khoe khoan, vừa chúc mừng năm mới, vừa khui chai rượu ra “mời anh”. Sau nầy tôi mới biết, ổng là em bà con với bà chị dâu của tôi người Quảng Ngãi. Cho đến ngày hôm nay, vợ chồng ổng vẫn kính trọng gia đình tôi và rất quý mến vợ chồng tôi. Cũng may cả gia đình tôi, một vợ và năm con qua hết bên Mỹ, không thì không biết làm sao con người tôi “ngụy quân ngụy quyền” sống được dưới cái quái thai Việt Cộng? Ở đây, con cái bạn bè tôi đứa Bác Sĩ, đứa Luật Sư, đứa Nha Sĩ, đứa Dược Sĩ, đứa Kỹ Sư, đứa nào cũng thành danh, lương có đứa cả nửa triệu đô la một năm. Con tôi, không có chí có tài, có đứa chỉ có bốn năm, có đứa chỉ có sáu năm Ðại Học về thương mại, ngân hàng, đầu tư, lương chỉ được năm chục ngàn, sáu chục ngàn đô la một năm, nhưng sống tằn tiện cũng được thong dong. Có điều, chắc chắn nếu tụi nó còn ở với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hay Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam thì “cu li” cũng nhiều lắm. Nói ra có nhiều điều không dễ tin, ngay cả vài người bạn tôi ở Mỹ về hai đứa con út của tôi học bốn năm đầu Ðại Học đã không tốn một xu lại còn mỗi một “semester” dư ra mười ngàn đô la, để có “ ba me năm ngàn, con năm ngàn”. Dù sống trên đất Mỹ, các con tôi trước khi rời khỏi nhà không bao giờ quên, dù có quên cũng phải quây trở lại lạy bàn thờ Phật và bàn thờ Ông Bà như vợ chồng tôi mấy chục năm sống tha hương. Chúng tôi lạy Phật không phải cầu mong lên Niết Bàn hay sợ xuống Ðịa Ngục, mà nhìn Phật để tập sống theo Người. Chúng tôi lạy bàn thờ Ông Bà không phải cầu mong “phù hộ”, mà để nhớ ơn, để theo gương.


    Tuổi bây giờ đã già lắm rồi, ngồi nghĩ lại chuyện đời xưa và chuyện ngày nay nhiều vô số kể, mình nói cách nào đi nữa cũng không làm sao mà nói cho tận. Cũng như sách mình đọc, đọc làm sao cho hết; chân mình chạy, chạy làm sao cho cùng. Ta vẫn nghe “Ðộc bất tận đích thư; tẩu bất tận đích lộ” là đó. Huống gì khó tránh khỏi điều dị nghị khen chê. Chưa nói, cũng chuyện đó, ngày hôm nay thì đúng, mà ngày hôm qua thì sai, “Kim thị tạc phi” là vậy. Và cũng chuyện đó, chỗ nầy là phải, chỗ kia là trái như câu nói của Blaie Pascal mà chúng ta thường nói nhau nghe thời học Trung Học “Plaisante justice, qu’une rivière ou qu’une montagne borne! Vérité en deça des Pyrénées, eurreur au-delà”. Sống mà được lòng người không dễ chút nào.“Ở sao cho vừa lòng người. Ở hẹp người cười. Ở rộng người chê. Cao chê ngỗng. Thấp chê lùn. Béo chê béo trục béo tròn. Gầy chê xương sống, xương sườn phơi ra”. Chỉ mong, những lời mình viết ra đây là viết cho mình, cho bạn bè mình không thêm, không bớt, không tô son điểm phấn cho mình đẹp mặt nở mày sẽ không bị chế diễu. Ðể ngừng ngang đây, tôi mượn lời nói của Blaise Pascal một lần nữa được dịch qua tiếng Anh cho dễ hiểu “Do you wish people to think well of you? Don’t speak well of yourself”.

    NGUYỄN THỪA BÌNH
    Thu 2015


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X