Thông báo

Collapse
No announcement yet.

“Thành phố trong hồi tưởng” những Mùa Thu - Nguyễn Mạnh Trinh

Collapse
X

“Thành phố trong hồi tưởng” những Mùa Thu - Nguyễn Mạnh Trinh

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • “Thành phố trong hồi tưởng” những Mùa Thu - Nguyễn Mạnh Trinh

    “Thành phố trong hồi tưởng” những Mùa Thu

    Nguyễn Mạnh Trinh


    Mùa Hạ đã qua. Sân trường với những ô vuông gạch đỏ mấy ngày trước là nơi để nô giỡn của mấy chú sẻ nâu nay ồn ào náo nhiệt. Ngồi trên phòng làm việc nhìn thấy cũng làm sinh động thêm không khí trong campus của mùa tựu trường. “Back To School”, lại một chu kỳ sinh hoạt mới. Thấy lại những khuôn mắt ngơ ngác lẫn háo hức của những cô cậu sinh viên mới. Thấy lại những công việc mà hàng năm tái diễn cùng với một vài thay đổi cho huê dạng và một ít khác lạ. Tự nhiên, thấy lại sự chia sẽ với hồi tưởng một ngày nào, thuở còn sinh viên học sinh ở Việt Nam rồi qua đây làm một sinh viên già vừa làm vừa học rồi trở lại làm việc ở ngôi trường đại học. Bao nhiêu là kỷ niệm. Thời gian đi qua. Thấm thoát cũng đã gần trọn đời người. Tôi đã thấy, ở đây. Bao nhiêu lớp sinh viên đã vào học và ra trường. Bao nhiêu là mộng ước, đã có, thành tựu hoặc tàn lụi. Và, tôi vẫn còn ở lại, nhìn theo, làm một người mà như thơ Hoài Khanh “Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng. Nghe trong hồn rêu cỏ mọc hoang vu...” Nước vẫn chảy và, đời cứ theo dòng. Những khuôn mặt sinh viên đi qua. Và, tôi ở lại, như cầu thệ thủy dưới ánh tà huy, của một mường tượng nào xa xăm lãng đãng...

    Hình như, tôi thấy lại những cổng trường xưa, những bạn, thầy cũ. Hình như, tôi đi ngược về, những không gian nào, thời gian nào, xưa cũ nhưng không mất hút. Có lúc, mường tượng và sinh động. Một đời sống nào, trở lại. Một giấc mơ nào, tái sinh. Tôi đọc “Thành Phố trong Hồi Tưởng”. Tôi đọc “Tình Khúc Ðại Học”. Tôi đọc “Tuyển tập Trần Hồng Châu”. Bây giờ, ngày khai trường của một năm học mới, fall semester năm nay.

    Có lẽ, cả một đời giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch, tức nhà thơ Trần Hồng Châu, gắn bó và dính liền với những ngôi trường đại học. Là khoa trưởng của đại học Văn Khoa thuộc Viện Ðại Học Sài Gòn. Là giáo sư thỉnh giảng đại học Southern Illinois University. Là cựu sinh viên luật đại học Hà Nội, cựu sinh viên văn chương đại học Sorbonne.

    Thành ra, khi viết “Tình ca Ðại Học”, ông đã có cái tâm cảm của một người sống lại một thời của mình. Những giấc mơ tuổi trẻ, những ấp ủ đi tìm kiếm ngọn nguồn của trí tuệ, cùng với tính tình lãng mạn phóng khoáng, đã hiển hiện trong từng dòng chữ. Không phải là những khoe khoang mà chính là thái độ khiêm tốn kẻ sĩ. Một người có tài năng có danh vị mà cũng đặt tên cho tác phẩm của mình “Dăm Ba Ðiều Nghĩ Về Văn Học Nghệ Thuật”.

    Giở từng trang sách của “Tuyển Tập Trần Hồng Châu”, tôi thấy một trời thơ mênh mông lai láng. Không chỉ ở phần thơ tuyển, mà, tất cả trong tuyển tập từ những tùy bút, đến những trang biên khảo, đều có nét thơ mộng lãng mạn cách riêng. Có một chút bềnh bồng nghệ sĩ, cũng như, một chút suy tư của người đã lỡ bước vào khung cửa triết học. Nhưng ở tất cả, là một khuôn trời mà cánh chim xoải bay cũng chưa về đến đích. Ở đó, là những áng mây phiêu du, bất định...

    Jacques Prevert đôi khi đã làm người đọc là tôi nhớ mãi với những câu thơ Barbara của một thời học trò, theo giọng đọc của thầy giáo già mà nghe xôn xao trong lòng những giấc mộng viễn du, của trái mơ cứ chín nẫu trong lòng mà tay không thể với hái...


    “Rappelle-toi Barbara.
    Il pleuvait sans cesse sur brest ce jour-la
    Et tu marchais souriante
    Epanouie ravie ruisselante...”


    Thì, Trần Hồng Châu cũng làm cho tôi như sống lại một thuở mê say đắm đuối mộng tưởng đến phương trời mà mình đã quen từ sách vở: “Barbara, Trời Mưa Trên Môi Tả Ngạn”


    “Barbara!
    Trời mưa trên phố biển
    Trời mưa trên môi tả ngạn
    Trời lặn cùng ta
    Em vẫn là em
    Hoa ngàn năm hóa thạch...

    Ðêm Paris
    Một mình một mình
    Từng giọt lạnh cường toan mưa trên hồn nhỏ
    Anh nằm nhìn quả cầu lửa

    Thơ cháy
    Chẳng còn đường về mê cung em
    Barbara! Trời mưa trên phố biển?
    Trời mưa trên môi tả ngạn?...”


    Ba tập thơ “Nhớ Ðất Thương Trời “, “Hạnh Phúc Ðến Từng Giây” và “Nửa Khuya Giấy Trắng” chọn lại vài chục bài thơ trong tuyển tập như chứa đựng hết những tinh túy của một nhà khoa bảng mà đến khi gần nhắm mắt lìa đời vẫn mong muốn là một thi sĩ. Một thi sĩ hiểu theo ý nghĩa cao đẹp nhất, một người luôn đi tìm cái đẹp và ăn nằm với cái đẹp. Với riêng tôi, tìm trong thơ, quả ông có cái nét đẹp ấy. Của một tấm lòng chân thành muốn đi tìm thẩm mỹ quan vĩnh viễn muôn đời. Ở trong thơ, là một biển trời tâm sự. Trong vần điệu, là nhịp thở của trái tim giàu cảm lụy. Từ ngôn ngữ, đã sẵn lời tâm huyết thiên thu.

    Ở thể tùy bút, là những tản văn có phong vị đẹp của những bài thơ âm hưởng. Nhà giáo Nguyễn Khắc Hoạch có lúc trở thành một cậu sinh viên đầy mơ mộng của ngôi trường Sorbonne danh tiếng ngày nào: “...Tôi yêu dáng điệu hồn nhiên và tư tưởng sung mãn của Bachelard trong những bài giảng sớm thứ năm. Bachelard với chòm râu bạc phất phơ như một rừng hoa mai bừng nở với giấc mơ Thơ... Cùng nhau giong buồm lái trở về nguồn Trí Tuệ và Cảm Xúc nguyên thủy... Tôi yêu những hoài bão lớn lao của tuổi trẻ trên lầu tình tự vắng vẻ, cách xa huyên náo hỗn tạp của thị thành và thị dân đang quay cuồng vùng vẫy trong sương mù và trong những vùng lửa đèn màu nửa khuya ở dưới chân đồi Ste. Geneviève mà chúng tôi vẫn thân mật âu yếm gọi là Ste. Ginette như một cô em gái bé bỏng nghịch ngợm.

    Ở đây trên đỉnh “đồi” linh thiêng tôi đã mơ tuyệt đối và hiểu tại sao người ta có thể đắm đuối say mê Thơ và Tư Tưởng như nhan sắc của một người tình. Ở đây tôi đã nâng niu những giây phút bé nhỏ trong đó tôi bồi hồi cảm động gặp lại chính tâm hồn mình, diện đối diện giữa thanh vắng và hướng nội trầm tư. Ở đây tôi đã tập thói quen không bằng lòng với cái tầm thường, cái ấu trĩ để cố noi theo hướng đi lên của tinh thần và nghệ thuật...

    Tôi đã ngồi rất lâu dưới chân tượng Montaigne, hiện thân của thâm trầm và khoan dung trong những giờ nhập thiền diện bích tuy đây không có bức tường nào cả. Ðể đón hoàng hôn chầm chậm xuống trong những tấm áo mây chiều lượt là màu ngũ sắc. Ðể lắng nghe tâm tư sốt vỡ da và lớn mạnh cùng với cỏ cây quanh khu vườn trước cửa Ðại Học. Ðể thấy trên những nẻo đường của Văn và Triết, lối độc hành cổ điển vẫn có những nét độc đáo và thực là cần thiết, nếu không phải là lối khám phá duy nhất...”

    Rồi Cambridge, Heidelberg, Havard, những ngôi trường đại học vang danh của thế giới cũng đầy kỷ niệm với một người luôn mê say đi tìm chân lý cho trí tuệ và chân lý cho cuộc đời. Những con đường, những giảng đường, chỗ nào khi ghé thăm trở lại cũng đầy cảm xúc. Chốn này, đã là nơi miệt mài đi tìm cách thực hiện giấc mộng ấp ủ.

    “...Tôi yêu điệu blue “Dòng sông xanh” của Cambdidge, điệu moderato tịch mịch chầm chậm nhẹ nhàng buông lơi, điệu nhạc tươi sáng vừa dựng xong trong tâm tư cho riêng chính mình. Ðể tạm quên ý nhạc waltz cuồng say, dồn dập choáng váng của thành Wien, với sông nước Donau, dòng sông xanh, xanh... màu vàng lá úa, màu buồn tàn thu, màu hoàng hôn mệt mỏi héo hon!...”

    Hay: “...Tôi yêu bản trường ca màu hồng của Heidelberg. Màu mong manh sáng chói yêu đời và cũng hơi đàn bà... tình cảm, bâng khuâng... Hồng nhạt, chiếc cầu đẹp như một giấc mơ, vươn mình qua sông Neckar chở đầy lịch sử, thơ, nhạc và tình yêu. Hồng, hồng mấy công thự baroque của đại học và tòa lâu đài trên ngọn đồi xây toàn bằng sa thạch, màu bình minh của núi rừng “từng biếc chen hồng” ở chung quanh vùng...”

    Với Havard, cái nôi của những nhà lãnh đạo tương lai của thế giới, của những cô chiêu cậu ấm nắm hết ngày mai của nhân loại:

    “...Tôi yêu màu nâu pha đỏ, màu đỏ nâu ấm áp bền vững - màu bordeaux hay huyết dụ? - của tường nhà Havard. Ấm áp ngay cả khi tuyết rơi trắng muốt xóa mờ những bãi cỏ xanh. Ấm áp nhưng cũng e dè như người dân Boston cổ kính, như những dãy phố tỉnh nhỏ vùng New England với tường nhà để gạch đỏ lộ thiên, dãi dầu cùng mưa nắng. Màu phù hợp với kiến trúc nhẹ nhàng, mãnh mai thì “lập quốc” khác hẳn với những khối ciment cục mịch vô hồn ở các đại học non trẻ, chào đời sau Thế chiến thứ hai...

    ... Tôi ít yêu hơn bọn thiếu niên con nhà kiều dưỡng được đào tạo ở Havard để sau này bước vào chính trường.Họ mang tên Roosevelt hay Kennedy. Sống trong nhung lụa và vòng tay nuông chiều của các bà mẹ âu yếm nhưng thiển cận lại được chăm sóc trong lồng kính vĩ đại bên bờ Charles River, xa rời cái phức tạp của cuộc sống đích thực. Vì vậy mà họ ra làm lãnh tụ, dìu dắt cả trăm triệu người trong một thế giới chính trị bá đạo, muôn mặt lắt léo và đầy mưu mô xảo quyệt. Cho nên trong việc đối ngoại xứ này đã có những quyết định quá chừng ngây thơ (có người độc miệng hơn còn gọi là... ấu trĩ) và nền ngoại giao Mỹ quốc từ sau thế chiến đã đi hơn một bước giật lùi nguy hiểm tuy về kinh tế đã có nhiều thành tích vẻ vang. Trách nhiệm của học đường, của những kỹ sư tâm hồn! Người tuổi trẻ Harvard hãy cẩn thận!

    Chiều hôm nay tạm biệt Harvard. Ánh trời hoàng hôn lọc qua kẽ lá nhuộm vàng từng mảng tường gạch đỏ thành một màu kỳ thú. Tôi ngắt một chiếc lá ivy. Tôi ngắt cả mùa thu kẹp vào tập thơ của một tác giả trẻ tuổi sáng tác sau những khuôn cửa sổ nhìn ra Harvard Yard. Chiếc lá biểu tượng. Chiếc lá kỷ niệm từ một hải đảo trí thức và sáng tạo bập bềnh giữa vô vàn đợt sóng vật chất của một thời đại một thế giới tưởng như cũng đang chìm dần vào ánh trời hoàng hôn...”

    Với đại học Văn Khoa, nhà thơ đã mang cái tâm lãng mạn phóng khoáng của mình để gây dựng một nền đại học dân tộc phản ánh được tâm tình của một thời đại Việt Nam nhiều biến cố và mang cái tâm nỗ lực xây dựng tương lai.

    “Tôi yêu những tấm lòng trinh bạch và màu trắng đơn sơ hồn hậu màu thanh bần lạc đạo trên sân tường Văn Khoa. Văn Khoa linh hồn thầm kín của đại học và quê hương trong những mùa lịch sử nóng bỏng và sôi động... Tôi yêu màu trắng chiều đông hơi ngả sang xám hay xanh nhạt của trường cũ cũng như trường mới, thoáng gợi cái mong manh u buồn của lớp phấn light blue shadow nằm dài trên mí mắt khi những cửa sổ linh hồn bâng khuâng ngỡ ngàng dường như mở rộng cuốn chúng ta vào muôn vạn nẻo đường mịt mùng xa vời vợi hun hút sâu như vực thẳm giữa lòng đại dương... Nhớ thương luôn nên mắt có quầng viền!”

    Tôi muốn trích dẫn nhiều hơn những dòng tuyệt bút mang cái tâm vằng vặc vào văn chương. Nhưng nếu như thế thì phải mang cả cuốn sách vào trong bài viết. Thì, với vài đoạn đơn sơ, chúng ta cũng có thể cảm được cái lòng kẻ sĩ của một người sống trong một thời đại quá nhiều dâu biển biển dâu. Có lúc, như trong bài thơ thi sĩ đối thoại với cụ Tiên Ðiền, người đã mang vào văn chương Việt Nam những vần châu ngọc, để thấm thía cái câu “bất tri tam bách dư niên hậu”:


    “...Ðoạn trường gói chặt tấm son
    Một thiên bạc mệnh chưa mòn tuyết băng
    Bóng ai lãng đãng cầm trăng
    Gió thu hồng biếc một vầng quan san
    Lửa hương một nắm tro tàn
    Hồng Lam trăm mối đoạn trường về đâu

    Ðường đời còn mải phân vân
    Thì xin ước hẹn vô vàn mai sau
    Thì xin tát cạn nguồn sầu
    Nghìn thu tuyệt bút điểm màu vấn vương
    Phấn hương thừa nhặt nẻo đường
    Nòi tình ai cũng đoạn trường với ai?

    Ðêm thu mộng triệu khơi miền
    Ðoạn trường bướm trắng ưu phiền gió trăng
    Gặp người ta lại cố nhân
    Bất tri tam bách... một vần cảm thông”


    Bây giờ, giở từng trang Tuyển tập như thấy lại hình dáng người thầy xưa hiện về. Viết văn, làm thơ, soạn tiểu luận, hay chấm bài, soạn sách giáo khoa, dù đang đứng trên bục giảng đường hay đang trải hồn theo mộng biếc thanh xuân những ngày du học, tất cả chỉ làm rõ nét thêm một vóc dáng thi nhân muôn tuổi. Tôi vẫn nghĩ, trong tâm thức đơn giản của mình, thi ca sẽ có đời sống dài hơn là khoảnh khắc ba trăm năm mà cụ Nguyễn Du đã thắc mắc cho nỗi niềm còn mất của chữ nghĩa riêng mình!


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X