Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Thương Đất, Nhớ Đất

Collapse
X

Thương Đất, Nhớ Đất

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Thương Đất, Nhớ Đất

    Thương Đất, Nhớ Đất
    ~~~


    1.

    Vùng ấp Đồng Ké là một vùng đồi khô và thấp: lúa vụ Chiêm thường bị hạn, lúa vụ Mùa thường bị ngập. Khi bắt đầu thế kỷ 20, đây là thứ ruộng cỏ mọc cao hơn lúa, mà lúa thì, theo cách nói của nhà nông, chó chạy không lấm dái.

    Nhưng vào khoảng giữa những năm 20, 30, người Pháp đào đập Liên Sơn chặn nước của con sông Phó Đáy. Nước từ miền cao đổ xuống qua vùng Sơn Dương, Bình Tích, Bình Ri, đến Liên Sơn thì bị đập ngăn đường dồn lại thành hồ lớn, để thoát qua những cửa cống lớn chảy vào nhũng con sông kênh, những con sông máng, êm ái và chừng mực đem sự sống phồn thịnh, điều hòa đến cho hai tỉnh Vĩnh Yên, Phúc Yên. Ruộng có nước suốt năm gọi là "thủy hạn vô tai", giá tiền mỗi mẫu tăng gấp 10 ngàn lần, kể cả mức đồng tiền mất giá khoảng 10 lần, trong 20 năm.

    Nhưng giá trị của ruộng đất tăng không làm lợi cho dân cày mà chỉ làm lợi cho điền chủ. Khắp miền Tây Bắc hai tỉnh Vĩnh Phúc có rất nhiều đồn điền. Gần hết nông dân bán ruộng có 2 hay 3 đồng một mẫu trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng 30-33. Ông cậu tôi, ông Mai Du Lân, có đến 400 mẫu do bà vợ nhỏ để lại. Trên con đường hàng tỉnh từ Yên Lạc lên Chợ Vàng, Lập Thạch, số ruộng đó được chia gần đều thành ba ấp: Vân Hội, Ấp Mới, Ấp Đồng Ké.

    Tôi đến ở ấp Đồng Ké hồi cuối tháng Ba năm 1947, sau một thời gian kháng chiến thất bại. Cùng với mẹ tôi và vợ tôi, tôi được sống ở đây những ngày sung sướng nhất. Nhưng rồi đến giữa năm sau mẹ tôi nằm xuống ngủ. Tôi an táng mẹ tôi trên thửa ruộng liền ngay với ấp, cách nhà tôi không đến mười bước chân.


    Ruộng liền bờ tre bao giờ cũng tốt, nên thường để cấy lúa vụ Mùa, và để trồng mầu vụ Chiêm, Mẹ tôi mất rồi thì thửa ruộng nơi an nghỉ của mẹ tôi được trồng rau lú bú, lớn lên gọi là cải củ.

    Hơn một sào không có vết chân trâu bò, tôi tự tay cuốc lấy. Cây cải không được bón phân chuồng hay phân bắc. Bốn luống dài được tra chà mắm -bã nước mắm-, bốn luống ngắn thì tro rạ, đất bùn đáy ao phơi khô đập nhỏ, trộn với muối. Tôi không bao giờ là chuyên viên canh nông, nhưng tôi nhớ có đọc một cuốn sách viết một cách tổng quát rằng đất vùng cao hay thừa vôi thiếu mặn, trong khi ruộng miền bể thì thừa mặn thiếu vôi.

    Dân hàng ấp cười tôi nhiều lắm, lúc tôi nói ý định của tôi với họ. Nhưng sau khi nghe tôi giải thích thì họ cảm động.

    - Sinh tiền, mẹ tôi sạch sẽ lắm, tôi nói. Mẹ tôi cũng ưa tĩnh mịch để suy nghĩ. Bây giờ mẹ tôi nằm xuống, tôi không muốn để chung quanh nhà mẹ tôi dơ bẩn. Trâu bò quần quật đi lại chắc mẹ tôi không được yên.

    Tôi nói mẹ tôi nằm xuống là nhớ mẹ tôi đã mất, nhưng tôi vẫn hoang mang không quen được với sự thật là mẹ con tôi không bao giờ gặp nhau được nữa. Tôi mơ hồ như mẹ tôi chỉ đi vắng mấy ngày, mẹ tôi ở đâu xa mà vẫn gần, mẹ con không thấy được nhau nhưng vẫn quanh quất, gần gụi.

    Thế nên ban ngày ánh sáng mặt trời làm cho loãng nhẹ những cảm tưởng nhớ nhung thân thiết, và công việc làm ăn đòi hỏi được tiếp tục, thì tôi hay ra ngồi bên phần mộ chưa mọc cỏ, lẩn mẩn vuốt ve chai mảnh sành những cụm đất mềm và nhặt những mảnh vất xuống đầm Sồ bên cạnh: "Chúng mày không được nằm đây?" tôi mắng khẽ và nhẹ nhàng những mảnh vỡ vô tri ấy.


    2.

    "Mẹ gối đầu lên Tam Đảo, gác chân lên Tản Viên, tay trái mẹ có đồi cao, tay phải mẹ có sông dài, mẹ yên nghỉ và tha thứ cho con". Không phải tôi khấn mà tôi nói thầm với mẹ tôi. Tôi muốn xin lỗi mẹ tôi trăm lần, ngàn lần, vì cũng vào tháng Bảy năm trước, mẹ tôi lẩm chẩm đi bộ vào tận Me Huyện, mãi trong chân núi, để lĩnh mấy chục bạc lương hưu trí, rồi đem gần hết số tiền mấy chục đó mua cho tôi một đôi dép, một cái mũ.

    Tôi vẫn đi chân không, mặc quần áo nâu, đội cái nón tàng tàng và khi trời mưa nhiều thì khoác áo tơi lá đi họp. Từ ngày về ở ấp, tôi thật sự hòa mình vào giới nông dân nghèo khổ, tin tưởng rằng Việt Minh cảm phục tôi về thái độ "học tập nhân dân" đó. Tôi không biết họ khinh tôi, nhưng mẹ tôi biết. Mẹ tôi mua bán hết số tiền lĩnh được. Tôi không còn đồng nào để tiêu pha bừa bãi mấy hôm và lấy thế làm tủi, làm giận. Mẹ tôi cầm đôi dép đưa cho tôi, tôi không nót gì, cũng không đỡ lấy. Mẹ tôi ngỡ ngàng đặt xuống đất. Tôi gọi thằng Tùng lên bảo nó: "Cho mày đấy!". Thằng bé ngơ ngác không dám cầm. Tôi quát to: "Tao cho mày, mày có lấy không?" Thằng bé giật mình cúi xuống, mẹ tôi run run hai tay nhặt cái mũ và đôi dép đưa cho nó. Tôi đứng dậy, hùng hổ bảo vợ tôi đưa cho tôi cây gậy đánh chó lớn rồi quày quã đi vào trong xóm ở chơi qua đêm.

    Hôm sau tôi về muộn, vẫn còn giận. Mẹ tôi để phần cơm, có canh cua nấu mùng tơi. Tôi thích món này lắm, nhung đặt tay ngoài bát canh thấy nguội, tôi quăng đũa xuống mâm, không ăn. Vợ tôi theo tôi ra sân khẽ nói: "Anh vào ăn một bát cho mẹ bằng lòng. Đêm qua mẹ khóc cả đêm" Tôi im lặng đi thẳng ra cổng, định trở vào trong xóm.

    Con đường từ ấp vào xóm băng qua một cánh đống lau đang con gái. Mặt trời trên đỉnh đầu soi nắng rất gắt. Tôi băng băng đi nhanh theo lối mòn quen thuộc. Tôi không nghĩ gì đến mẹ tôi mà nghĩ cách bảo vợ chồng nhà Guồng bán chịu cho con gà làm thịt, ăn một mình. Mùi thom gà luộc chan hòa trong gió. Bỗng nhiên có tiếng khóc nấc thật gần. Tôi đứng khựng lại, quay nhìn đằng sau. Không có ai. Cánh đồng giữa trưa hoàn toàn vắng. Tiếng khóc là tiếng khóc của mẹ tôi.

    Chỉ trong một giây phút thôi, tôi tê tái khắp thân thể. Hai giòng nước mắt chảy xuống hai bên sống mũi trước khi tôi nhớ đến sự tàn nhẫn của tôi đối với mẹ tôi từ hôm qua đến nay. Tôi kinh sợ khôn cùng, không phải vì thấy mình bất hiếu quá sức, mà vì sự thay đổi nào biến con người tôi thành một thứ người ích kỷ, nhẫn tâm đến thế.

    Mẹ tôi với tôi hai mẹ con sống bên nhau tự bao giờ. Mẹ tôi thương và chiều đứa con trai duy nhất, tôi phá phách hoang toàng nhưng mùa rét nào cũng hết lòng hầu hạ mẹ tôi khi bệnh suyển hoành hành. Không một tiếng thở dài, không một cái nhìn lảng tránh, không một cử động thiếu nhẹ nhàng năng giác: mẹ tôi có học nhiều và rất tinh tế, tôi chỉ cần đưa chén nước hơi nhanh, cũng đủ cho mẹ tôi bắt tôi đi nghỉ để nằm chịu trận một mình.

    Cơn suyển làm mẹ tôi tắc thở. Chỉ một mình tôi biết vuốt lưng, tay đặt xuống thật nhẹ, vuốt thật mạnh thật chậm xuống ngang lưng rồi nhẹ nhàng cất tay đưa lên trở lại. Vuốt hàng giờ, vuốt cả buổi, đến khi nào cơn thở bớt đi mới thôi. Mẹ tôi biết tôi mệt, bảo thôi nhưng tôi không nghe. Cho nên cơn suyển cắt đi rồi, mẹ tôi khỏe trở lại, thì tôi xin gì cũng cho, nói dối nói giá thế nào cũng chấp nhận. Thành thử giữa mẹ con tôi như có điều giao ước ngầm: tôi có hiếu khi mẹ tôi bệnh, tôi bất hiếu khi mẹ tôi mạnh. Bao nhiêu tiền bạc mẹ tôi dành dụm được đều bị tôi phung phí hết. Mẹ tôi không bao giờ phàn nàn, không bao giờ mắng mỏ. Một số tiền nào đó được gửi về quê, hồi tôi còn bé, nhờ bác tôi làm nhà mua ruộng. Mẹ tôi yên tâm về phận mình, chỉ thúc giục tôi học hành chăm chỉ để nên người. "để sau này khỏi bị nhục vì nghèo khó"...

    Không ngờ khi bác tôi mất, ba tôi bị bà vợ trẻ thúc đẩy, tự tay sửa chữa, tẩy xóa trong sổ điền địa thuộc quyền người cháu làm chưởng bạ. Mẹ tôi không còn thửa ruộng nào, thước đất nào, đành lên ấp Đồng Ké nảy ở nhờ và làm rẽ với cậu tôi. Và cuộc kháng chiến đã bùng ra, ngay sau đó.

    Sự nghèo túng, sự dồn nén và sự tan vỡ của tinh thần gia đình trong lòng làm cho tôi thay đổi. Cay đắng, gắt gỏng, nhiều khi muốn cố giữ tính ôn hòa, bình thản, nhưng rồi lại buông thả, cục cằn. Chỉ mới mấy tháng, tôi cãi mẹ tôi nhiều lần, mà lần nào cũng tìm cách làm cho mẹ tôi tủi cực, đau đớn.

    Tôi nghe như mẹ tôi hiểu rõ nỗi thao thức trong tâm hồn tôi. Những bữa cơm thường, chỉ có rau chấm nước muối, thấy mẹ tôi săn sóc cho tôi nhiều hơn. Và cứ mỗi khi tôi ăn năn trở về, không nói xin lỗi mà im lặng đến ngồi bên cạnh mẹ tôi, thì mẹ tôi lại tìm chuyện gì nói để cho tôi khuây khỏa.

    Năm ấy tôi 27 tuổi. Năm sau, tôi 28 tuổi, mẹ tôi mất, thiếu thốn đủ mọi thứ.


    3.

    Không biết tại sao lúc trước tôi không nói, không muốn nói hay không thể nói, lời xin lỗi với mẹ tôi, mà bây giờ tôi nhắc lại hoài hoài với những cục đất chèn nhau trên phần mộ mà tôi bóp nát trong tay. Không phải nói tôi có mơ tưởng hão huyền rằng mẹ tôi có thể nghe thấy và cảm thông niềm hối hận của tôi. Tôi không phải là con người thường tự tha thứ cho mình một cách dễ dãi, sau một hồi van vái nhận tội với thánh thần. Vì từ lâu rồi, tôi đã biết tội lỗi của tôi chỉ được chính tôi tha thứ khi nào tôi thông cảm được tội lỗi của kẻ khác: mỗi lần nghe nói đến những đứa con bất hiếu, tôi tự nhiên muốn a dua nguyền rủa chúng, nhưng lần nào tôi cũng dừng lại kịp thời vì nhớ ra mình bất hiếu không kém.

    Tôi, ngược lại, cũng không bao giờ chấp nhận lập trường luận lý của kỹ thuật tây phương. Mẹ tôi mất, không phải là mất hết. Mẹ tôi cũng như những bậc chú bác mẹ cha của người khác, không phải là một bộ máy gồm da thịt máu xưong, với linh hồn như năng lực làm cho máy chạy. Khi chiếc xe hơi đứng lại, bạn không thể hỏi linh hồn nó đi đâu, nên bạn cũng không có gì để thắc mắc trước di thể của một người thân quá vãng. Tôi hiểu nhưng tôi không tin như thế là đúng.

    Ngày mồng 2 tháng Bảy, vào giơ Thìn, tôi một mình thay mặc quần áo cho mẹ tôi. Mỗi cái nhắc chân, nhắc tay, mỗi cái luồn áo xỏ quần, là một nâng niu trân trọng. Mắt mẹ tôi nhắm, miệng ngậm kín. Má mẹ tôi lạnh, tai mẹ tôi lạnh, tóc mẹ tôi khô. Những bộ phận đó chết thật rồi: miệng không nói cười, tai không nghe, mớ tóc bạc không còn che kín bờ vai. Linh hồn của chúng thoát đi hoặc tan vỡ. Nhưng không phải cuộc đời của mẹ tôi chỉ sở cậy vào ngũ quan không thôi, vì có nhiều lúc mẹ tôi không nói, không nhìn, không nghe, mà nghĩ ngợi.

    Tôi còn nhớ năm trước, sau khi biết ba tôi tẩy xóa sổ điền địa trong tay chưởng bạ Chiểu, tôi đã mặc quần áo định về phủ Ninh Giang khiếu tố. Mẹ tôi nghiêm nghị không cho. Mẹ tôi nói: "Ba con chỉ làm già để thử. Con ra khỏi cổng, cô Bé tất nhiên chạy theo níu lại. Mẹ sẽ lấy về được ít ruộng, nhưng con không còn là con của ba nửa!" Tôi hiểu ý mẹ tôi muốn nói, nhưng tôi vẫn còn lẩm bẩm: "Con không cần, con có mẹ đủ rồi". Mẹ tôi lắc đầu: "Con mẹ không cần có bố, vì con đã lớn, nhưng cháu mẹ cần có ông nội. Ý nghĩa của gia đình là tụ hợp, gắn liền đời sống riêng lẻ, nên gia đình đứt quãng thì muốn sống riêng cũng không được."

    Tôi không quên lời khuyên của mẹ tôi. Tôi không quên tôi đã kinh ngạc biết bao. Mẹ tôi suy nghĩ về những việc đã qua và những điều chưa tới. Quá khứ và tương lai được gắn liền thành một hình ảnh không có đường nét, không có màu sắc, không có tiếng động. Một đứa cháu xuất hiện trong đầu óc mẹ tôi, không tên không tuổi. Thế mà mẹ tôi đã thương yêu nó, bảo vệ nó, không nhờ linh hồn của cơ quan trong thân thể, mà nhờ một linh hồn khác, một thứ ký ức linh mẫn bao gồm tất cả những hiểu biết, những yêu thương, những tin tưởng của suốt cả cuộc đời.

    Linh hồn đó của mẹ tôi không biến đổi và cũng không tan vỡ khi mẹ tôi mất, vì khi mẹ tôi còn sinh tiền, nó không cần bám víu vào đâu để tồn tại. Cũng như khi mẹ tôi ngủ, ngũ quan đều nghỉ yên, nhưng linh hồn đó vẫn thức: nó mượn những chi tiết có thật để tạo thành những cảnh trí chưa cần gặp trong đời, nó mượn những âm thanh quen thuộc để tạo những tiếng nói im lặng. Trong giấc mơ. Cho nên tôi nghe mẹ tôi mất đi như đi ngủ. Giấc mơ dài. Linh hồn mẹ tôi ở đâu, còn ghi nhớ được những gì về vợ chồng tôi mà mẹ tôi thương yêu mỗi đứa một khác?

    Trí tưởng của tôi không theo mẹ tôi vào được giấc mơ dài im lặng. Sự phục vụ của giác quan không còn thì mọi liên lạc đều dứt. Không trông thấy tôi để nhớ thương, không nghe thấy tôi để tha thứ, không theo được vào bếp để chỉ dạy cho vợ tôi làm thức ăn, linh hồn mẹ tôi không bị những tiếc nuối hay oán hối níu lại trong vòng vẩn đục của những cuộc sống thấp kém. Linh hồn mẹ tôi chắc hẳn đã bay lên cao xa lắm trong bầu trời xanh quen thuộc mà lạ lùng với tất cả.

    Tôi không theo được mẹ tôi như cơn gió thoảng, như đám mây bay, mà trái lại, tôi thấy mình gần gụi một niềm luyến tiếc hay một khả năng cuốn hút không tên. Một âm vang trách móc không thành lời. Vừa hiện hữu vừa khiếm khuyết... Ký ức của tai của mắt không còn: con tên gì, bao nhiêu tuổi, vợ con cưới ngày nào, ở đâu, đâu còn nhớ! Vì ký ức không có điểm tựa, cũng không còn phối hợp, dễ tan loãng vào khoảng không đầy những luồng từ điện. Mẹ tôi thấm nhuần đạo Phật, không bao giờ tham sống, không bao giờ có ý chí ganh đua mạnh mẽ, nên có thể nói khi mẹ tôi mất thì mắt nhắm, miệng ngậm, tay buông một cách dễ dàng êm ả như trôi xuôi. Ý tôi muốn nói mẹ tôi nằm xuống như thiếp ngủ, nên cho dù ngoại cảnh có tác động thế nào cũng không khiến được cho những dòng năng lực đang nguội dần, tan dần, có thể cô đọng lại thành hình người. Như ma quỷ.

    Mẹ tôi sống hiền hòa nên mất đi là siêu thoát, tôi nhớ mà không thương; ngày giỗ đầu tôi châm hương đốt nến, nhưng không cùng với vợ tôi van vái cầu xin phù hộ. Rồi đến chiều tạnh mưa trong chốc lát, tôi đứng giữa sân ngẩng mặt lên cao xanh, rất yên ổn trong tâm hồn bởi tin tưởng có mẹ tôi ở vùng trời nào trong lành hơn cả.

    Nhưng mẹ tôi không hoàn toàn xa xôi như vậy. Hơn một thước đất dưới mặt ruộng, trong tấm áo quan bằng gỗ giồi, chính tay tôi đặt mẹ tôi vào, và dùng dây thừng thả xuống, và khỏa đất đắp lên. Xưa nay người ta quen nghĩ người chết là người sống đấy. Người ta trang trọng, linh đình với một thân thể đã nguội mất sự sống. Tôi không nghĩ thế là sai, nhưng cũng không tin hoàn toàn là đúng.

    Vì thân xác đã mất đến hai khả năng quan trọng: tiếp thu và ghi nhận ngoại cảnh bằng giác quan và ghi nhận mọi phản ứng của thân xác đối với ngoại cảnh, là động lực sống hiện hữu trong mọi sinh vật, kể cả những sinh vật chỉ có một số giác quan giới hạn. Động lực thứ hai khởi xuất từ ký ức về nội thân và ngoại cảnh nhưng phóng xa vào khu vực trừu tượng mà tạo thành cuộc sống tâm linh. Mất hai động lực ấy, thân xác hết phần giá trị. Nhưng vẫn còn phần căn bản.

    Phần căn bản là các tế bào: thân xác được hình thành ra sao, sẽ trở lại y như trước. Sau khi phần tinh anh và chủ lực đã thoát đi, các tế bào bị cắt đứt hệ thống liên lạc với khối óc -trong khi khối óc không được nuôi nấng bằng dưỡng khí trong hồng huyết cầu- thì tế bào trở lại là muôn ngàn triệu, muôn ngàn tỷ hạt sống vi ti riêng biệt.

    Không mấy ai có kinh nghiệm của các nhà vi ti sinh học để hiểu rõ về đời sống của mỗi loại tế bào, nhưng một số bài học lúc còn trẻ, một số bài báo được đọc khi đã lớn, cho người ta biết mỗi tế bào, như một con vi trùng, có sự sống tuy ngắn ngủi nhưng lại rất liên tục của nó. Tôi mường tượng thấy trong thời kỳ hoài thai, một bà mẹ, bằng toàn thể con người của mình đã đào tạo nên thân hình đứa trẻ theo một đồ bản kiến trúc được ghi khác nhau trong con tinh trùng và quả trứng. Mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút giây, sự đắp nặn kéo dài hơn 9 tháng. Sự tan rã của thân xác cũng cần đến khoảng thời gian đó trong lòng đất, để tránh sự can thiệp vội vã của các sinh vật lớn đang sống.

    Mỗi tế bào, tùy theo điều kiện khách quan, sẽ trôi theo một giòng nước mạch đến một rễ cây để tưới mát và làm nên sự trưởng thành -kết quả hay khai hoa- của nó. Hay làm mồi cho một con giun để chính con giun lại làm mồi cho một con gà nào đó trong sân.

    Mỗi tế bào có linh hồn đơn sơ nhưng riêng biệt của nó. Ở trong người, nó họp với những tế bào đồng loại để làm thành da thịt, tim phổi, dạ dày hay gan ruột: mỗi bộ phận có đời sống và linh hồn riêng của nó -bao nhiêu linh hồn riêng lại gắn nối vào nhau, nuôi dưỡng và tuân phục tùy hoàn cảnh, một bộ tham mưu chung là khối óc. Tôi muốn ví thân thể sinh vật như lãnh thổ một quốc gia, dưới một chế độ dân chủ. Mỗi địa phương là một tỉnh, có chính quyền riêng, nhưng cũng có một cơ quan tập trung tin tức, báo cáo tình hình lên thượng cấp và nhận chỉ thị từ trung ương đưa xuống.

    Một con người có tâm hồn linh mẫn có thể biết và chi phối được nội thể của mình. Nhưng người ta, từ bao giờ, kinh ngạc và đắm say ngoại cảnh, chỉ cố gắng nhìn vào ngoại cảnh để tìm hiểu mà quên hẳn thân mình, sự sai lầm đó chắc có ngày được sửa chữa, để nối lại những kiến thức của Hoa Đà, Hải Thượng.

    Nhưng sự tìm hiểu ra ngoài thật ra cũng không vô ích. Bởi chính nhờ sự xông xáo, vùng vẫy trong thiên nhiên mà loài người tăng thêm nhu cầu và tạo đạt những khả năng mới, làm dễ dàng cho sự sống. Tiếng nói đặt tên cho sự vật, chữ viết giao truyền tin tức trong không gian và thơi gian, khiến cho mỗi con người chỉ sống một cuộc đời không trọn, trong thực tế, mà thành sống nhiều cuộc đời trọn vẹn, trong tâm tư.

    Đời sống là như thế, mẹ tôi là như thế. Khi tinh anh rời khỏi, cỗi gốc vẫn còn. Một vòng luân hồi -vòng luân hồi thấp- được dàn trải dưới sâu và trên mặt đất. Mẹ tôi khi còn sống hiền hậu và gan dạ. Từ hồi nhỏ, tôi nhận thấy mẹ tôi thay đổi giọng nói, nhưng không thay đổi lời nói, nhất là không thay đổi nét mặt bao giờ. Rồi đến lúc lớn khôn, tôi hiểu thêm rằng người can đảm hay bình tĩnh đã có những đức tính ấy ngay trong bản thể: khi sợ hãi, như thấy cái chết đến nơi, thì dạ dày thắt lại, ruột lộn lên, tim ngừng đập khiến cho da thịt lạnh, hệ thống thần kinh mất tự chủ làm cho chân tay run rẩy. Hiểu như thế rồi thì tôi tiếc. Giá chiến tranh và chế độ không xua đuổi, vợ chồng tôi còn ở ấp Đồng Ké còn lâu. Chờ khi mấy đứa con chúng tôi ra đời, chúng nó sẽ được nuôi nấng bằng những giọt sữa trong đó có tế bào của con gà trong sân, con cá trong đầm, của cây cải ngoài ruộng cao ngay đầu nhà. Rồi chính tự chúng sẽ biết tìm lấy mà ăn những thứ đó.

    Sang năm tôi sẽ cho cấy lúa nếp chung quanh mộ mẹ tôi. Tôi mường tượng rằng mỗi hạt lúa phải chứa đựng năm ba tế bào của mẹ.


    4.

    Tôi yêu đất, nhớ đất từ ngày ấy. Giữa mùa Xuân năm sau tôi bị gọi đi công tác. Rồi bị quân nhảy dù Pháp bắt mà về ở Hà-nội. Thấm thoát hai mươi năm tôi không được dẫm chân xuống bùn sâu để rút lên đánh oặc. Tôi không được cuốc xuống mặt ruộng rồi khẽ rung tay cho rời ra những khối đất mịn màng tỏa khói vào một buổi sáng Thu lành lạnh. Tôi không được vuốt những lá lúa và, bằng mắt nhìn, mơn trớn những củ rau trắng muốt.

    Tôi càng yêu, càng nhớ mẹ tôi từ ngày ấy. Nơi phố phường chỉ có mặt nhựa và gạch hoa. Xe chạy ngoài lộ không phun hơi ấm như luống cày. Tôi có cảm tưởng đến hai lần lạc mẹ.

    Nhưng cũng có lúc tôi tự an ủi rằng không có gì quý báu mà lâu bền được ở đời. Của quý báu có mất người ta mới biết tiếc. Như mẹ tôi còn sống thì mẹ con tôi gằn hắt nhau luôn, trong cơn nghèo khó. Nhưng mẹ tôi mất rồi thì mẹ tôi trở thành kỷ niệm trong tôi, sáng loáng, khoan dung, vừa gần gụi vừa bao la rộng rãi.

    Tôi ở Bắc, mẹ tôi cùng ở, tôi vào Nam, mẹ tôi cùng vào. Giữa mùa Xuân năm ngoái, tôi có dịp lên thăm hai trường Đại học Quân sự và Đại học Đà lạt. Nhờ một học trò thân, tôi đến ở nhờ nhà một vị tướng hồi hưu. Nơi đầu nhà có mộ chí của một người đàn bà đẹp và hiền -người trong nhà nói như vậy- là vợ của ông tướng. Ông tướng rất tham nhũng, theo lời đồn ngoài thiên hạ. Nhưng đối với tôi, ông ta là một người trung thành với bà vợ đã quá vãng. Chung quanh mộ có nhiều hoa, rất nhiều hoa đẹp. Một buổi sáng mặt trời còn nghiêng bóng, tôi ngồi bên người thiếu phụ chỉ sống có nửa đời, vuốt ve những lá cỏ xanh còn đọng sương lạnh giá. Bỗng tôi thấy, ngay bên mả, một bông hồng vàng hàm tiếu. Bông hồng lạ, lớn mà vẫn đẹp, tỏa một mùi thơm như phấn. Bông hồng như mỉm cười. Tôi thảng thốt gọi tên thứ của cô gái út trong một gia đình đông đúc. Tôi có thể còn mơ ngủ: bông hồng chầm chậm nghiêng mình trong bầu không khí loãng nhẹ không động gió.

    Từ ngày ấy tôi càng yêu, càng nhớ mẹ tôi. Và nhớ thêm người khác, biết bao nhiêu người khác đã quá vãng. Biết bao nhiêu người đã trở về lòng đất, đem thân mình làm tăng thêm mầu mỡ, làm vững mạnh và nối tiếp một vòng luân hồi từ đất sâu, đáy nước, lên mặt sông, mặt ruộng và phố phường -từ một chiều, đặc và không biến thiên, đến bốn chiều: dài, rộng, sâu và không gian- cho phép đời sống được hình thành, đổi thay không cùng trong số đông vô hạn.

    Đất và nước, đối với tôi, chứa đựng một niềm tin không sao diễn tả. Mỗi hạt lúa gieo xuống, hay một cây giống mọc lên, có ý nghĩa như một người nằm xuống. Không phải người đó chết, vì mẹ tôi không chết, vì mẹ tôi chỉ làm một cuộc du hành không ngưng nghỉ. Còn thân xác của chúng ta có là gì khác những chu kỳ hợp tan, tan hợp, lạ lùng và mầu nhiệm của Luân hồi?

    Nguyễn Mạnh Côn
    15-1-LXXII
    Thư Quán Bản Thảo số 42, Tháng 5-2010: Chủ đề về Mẹ



    * Nguyễn Mạnh Côn là tên thật.
    Bút hiệu khác: Nguyễn Kiên Trung, Đặng Văn Hầu.
    Sinh năm 1920 tại Bắc Việt. Vào Nam năm 1953.
    Chết trong trại tù cộng sản ngày 1 tháng 6 năm 1979. Xem thêm.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X