Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Sàigòn Về Khuya - Hoàng Châu

Collapse
X

Sàigòn Về Khuya - Hoàng Châu

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Sàigòn Về Khuya - Hoàng Châu

    Sàigòn Về Khuya

    Thế mà đã 51 năm qua. Sàigòn thuở ấy, đối với tôi còn đẹp hơn là cái tên thế giới mệnh danh: Hòn Ngọc Viễn Đông! Chợ Bến Thành vẫn với lối kiến trúc đặc thù nỗi bật trên vòm trời Đông Nam Á. Thuở ấy tôi chưa có dịp ngồi trên phi cơ hay trực thăng để nhìn toàn cảnh thành phố thân yêu. Tôi lạ lùng với xe điển chạy nháng xanh lè hay thích thú mỗi khi ngồi xe điện đụng nhau trong khu giải trí Đại Thế Giới. Có lần tôi chứng kiến cảnh Tây đen bị chọi đá lổ đầu sau khi vụ Trò Ơn biểu tình bị Tây bắn chết. Hình như các trường học tại Sàigòn Chợ Lớn thuở ấy đều bãi khóa. Tôi thuở ấy ở tại Ngã Sáu Chợ Lớn cạnh trường mù. Con đường nầy thay đổi nhiều tên lắm. Khi tôi biết, là tên Jean Jacque Rousseau, rồi Nhơn Vị, rồi Trần Hoàng Quân, rồi Hoàng Thụy Năm. Nhưng dân Sàgòn Chợ Lớn vẫn quen miện gọi là JJ Rousseau. Từ Ngã Sáu Chợ Lớn có thể đi bộ đến Bến Xe Đò Lục Tỉnh. Người ta quen gọi là lục tỉnh, nhưng bấy giờ đã là Hăm Mốt Tỉnh ở Nam Kỳ rồi. Gần khu nầy còn có hãng thuốc Mic, Bastos, hãng la ve nước ngọt BGE. Đi quá một đỗi là thấy trường Trung Học Petrus Trương Vĩnh Ký uy nghi, rồi thấy Chợ Bình Tây tráng lệ. Con đường Hai Mươi sau đổi là Phan Thanh Giản, chạy qua Ngã Bảy và thẳng về Gia Định. Xe buýt, xe ngựa, taxi, xích lô máy, xích lô đạp dập dìu. Con đường cũng chạy ngang Chợ Vườn Chuối gần Chùa Tam Tông Miếu.

    Mấy năm sau tôi về học tại Sàigòn và ở vùng Hòa Hưng. Đó là khu phố nhộn nhịp đơn sơ, cuối đường Éparges. Ngó qua đám ruộng với con rạch nước đen ngòm là phố xá chập chùng bên đường Mac Mahon sau đổi là Trương Minh Giảng. Cặp vách thành là cổng xe lửa Hòa Hưng. Chiều chiều nghe xe lửa từ miền Trung về túc còi inh ỏi. Nghe thét rồi quen rồi nhớ rồi ghiền. Chiều nào vắng tiếng còi là thấy nhớ nhung. Tôi cứ tưởng là xe bị kẹt. bị trể. Nhưng mà giờ xe lửa làm sao mà sai trái cho được? Tôi đâu ngờ là vào thời điểm nầy dân Sài gòn nào biết là loạn lạc đã dấy lên và xe bị trể vì chướng ngại vì mô mìn! Tôi nhiều khi nghe tiếng còi mà nhớ mỗi lần về thăm nhà ngồi xe đò mà nhìn xe lửa chạy song song theo quốc lộ 4 từ Sàigòn về Mỹ Tho. Tiếng còi xe lửa nhắc tôi chiều rồi lo học bài làm bài cho sớm để kịp tuần cuối tháng về quê thăm Mẹ. Mấy năm học ở Mỹ Tho, tuần nào tôi cũng về quê và chiều chủ nhật thì cởi xe trở lại. Chợ Điều Hòa Mỹ Tho thứ bảy nào tôi cũng vào mua trầu vàng và cau dầy mang về cho Mẹ. Bắc Rạch Miễu qua lại sông Tiền khỏi cồn Rồng, qua chiếc tàu chìm qua cồn Phụng là tới phía Bến Tre. Tàu chìm trơ ống khói giữa sông Tiền nghe đâu đã bị dội bom vào hồi thế giới đại chiến thứ hai. Những bạn học hay rủ tôi lội đua ra tàu chìm, nhưng tôi ngại lắm vì sợ ma da và hồm oan lính chết theo tàu. Tôi chỉ lội qua tàu chìm trước dinh Tỉnh Trưởng Mỹ Tho nơi Vườn Hoa Lạc Hồng mà cũng thấy sợ cóng người rồi.

    Sàigòn về khuya nhìn về hướng phi trường Tân Sơn Nhất sáng trưng thật đẹp. Nhìn về hướng Ngã Sáu Sàigòn như mặt trời hừng đông. Xóm tôi ở, hầu như người ta không ngũ. Nhà nào cũng vặn đèn sáng trưng để học bài khuya. Đèn điện vào những năm 50 bắt đầu yếu dần, người ta phải tăng cường thêm máy tăng điện thế (survoltage) mới kéo nổi bóng sáng thêm. Lại còn có màn ăn cắp điện, nhiều khi điện cúp tối thui. Những đêm trăng sáng thì vui lắm. Trẻ em trong vùng nầy không chơi thân mật bằng nhóm trẻ vùng Ngã Sáu Chợ Lớn. Nơi đây đất rộng, nhà cửa khang trang, tình láng giềng thể hiện rất tốt đẹp. Còn khu Éparges có lẽ là xóm lao động, ngoài những nhóm hiếu học còn có nhóm lêu lỏng đi tắt lên vùng Ông Tạ, Chí Hòa phá phách.

    Len lách qua các đường hẹp ngoằn ngoèo ra sát vách tường nhà ga xe lửa là các vòi nước phông tên công cộng. Những cô gái đẹp dịu hiền sắp hàng lúc nào cũng trên mười cô, mỗi cô hai thùng nước. Họ, những cô gái gánh nước, rất tôn trọng thứ tự trước sau. Họ đêm nào cũng gánh mỗi cô ít nhứt là năm đôi nước để xài cho ngày mai. Họ phải kiên nhẫn và kiên nhẫn chờ luân phiên. Khi đầy đôi, họ gánh về nhà rồi trở lại nối đuôi theo thứ tự. Năm đôi nước phải mất ít nhất 4 tiếng đồng hồ! thế mà đêm nào cũng thế, tội cho thiếu nữ Sài gòn xóm tôi thuở ấy. Chứa nước trong nhà phố chật hẹp thì chỉ một hay hai thùng phuy. Người con gái xóm tôi ngoài thời giờ học bài làm bài còn phải đi gánh nước. Cũng có những cô gái ngây thơ nhưng là phận ở đợ, ở mướn cho người. Cô nào cũng ngoan hiền dễ mến. thỉnh thoảng cũng có vài vụ cải vả tranh chấp hoặc năn nỉ xin đặt thùng trước. Nhưng rồi cũng không ồn ào chi, mọi việc dàn xếp trong trật tự và dân chủ. Vòi nước thì có lúc mạnh lúc yếu. Nước Sàigòn là nhu cầu cũng cấp thiết như là điện. Những lúc ngồi chờ tới phiên là lúc những mẫu chuyện tâm tình được kể cho nhau nghe. Xa xa là những bạn trai học bài khuya ra hứng mát. Những mối tình thơ mộng nẩy nở dưới đêm trăng. Có những cặp thành đôi lứa với tuổi đời quá trẻ, họ đành chấp nhận dang dở học hành để bền duyên tơ tóc.

    Tôi nhiều khi lang thang ra Ngã Sáu Lê văn Duyệt ngắm xe cộ về khuya. Không gì đẹp hơn nhìn xe xích lô máy bánh nhỏ xíu chạy vù. Xe từ hướng Sáigòn chạy ra phải vòng theo công viên rồi quẹo tẻ về một trong sáu ngã. Bên lề là xe bán bánh mì thịt nguội, xe bán sữa đậu nành nóng và bánh ngọt. Trước cổng ga xe lửa còn có quán cà phê mở cử sáng đêm. Thỉnh thoảng còn thấy bà bán chè đậu đỏ gánh về muộn. Ngồi ăn chè khuya nhìn những cô gánh nước dưới ánh đèn mờ hay dưới bóng trăng thành thị, tôi mơ về một viễn tượng tương lai. Mộng nào cũng đẹp. Tôi xây rồi lại xóa. Cô nào cũng có duyên. Vài mẫu chuyện đổi trao làm suy nghĩ mấy đêm. Nhưng rồi lại suy nghĩ đường hoạn lộ còn dài. Chữ hiếu chưa báo đền. Rồi tình hình đất nước nhiễu nhương. Trai thời loạn, nghĩa vụ gần kề. Ôi sao mà ngổn ngang trăm mối. Những gánh nước đô thành cứ ám ảnh không thôi.
    Trong khi đó, chỉ cần băng ngang qua đường rầy xe lửa bên đường Lê văn Duyệt sau nầy, là những hôp đêm nhảy đầm tới sáng. Nam thanh nữ tú dập dìu. Vòng hết tường thành ga xe lửa băng ngang cống Bà Xép, Chợ Ông Tạ là Chợ Chí Hòa. Qua khỏi Chợ Chí Hòa là khu nghĩa địa đất cúng. Nơi đây nhiều mồ mã lụp xụp của những người tứ cố vô thân hay những người nghèo khó tại đô thành. Thân xác họ vùi nơi đây vài ba năm thì bị ủi đi để dành chỗ trống chôn những ngưòi mới. Nơi đây cũng là nơi chiến địa ngày xưa với những trận Kỳ Hòa Chí Hòa đẫm máu của Gia Định Thành ngày xưa mà oan hồn còn phảng phất tới Phú Thọ Hòa. Mà thôi đừng đi xa nữa sẽ tới Trường đua ngựa và Trường kỹ thuật Phú Thọ. Hãy trở lại chợ Hòa Hưng, vòng vô Khám Lớn Chí Hòa. Con đường vào khám bây giờ người ta xây cất nhà cửa sát lộ.


    Vùi đầu trong sách vở rồi lên đại học rồi vào trường chuyên môn rồi động viên rồi lưu lạc đó đậy…Tôi xa Sàigòn lúc nào không hay. Khi nhớ lại thì chánh quyền thay bậc đổi ngôi. Những đứa bạn gánh nước hàng xóm hồi nào nay con đùm con mang. Có đứa cũng là bà sĩ quan nầy mệnh phụ kia. Có đứa còn trẻ đẹp mà phải quấn khăn tang chồng. Còn tôi thì nỗi trôi về địa phương chinh chiến, khói lửa ngập tràn. Rồi vào một mùa xuân giặc tràn vào, tôi phải xa rời quê hương xứ sở. Sàigòn giờ chắc là thay đổi nhiều lắm…

    Vào cuối năm 1995, tức là hơn hai mươi năm sau tôi có dịp trở lại Sàigòn để nhìn mặt mẹ già lần cuối. Mẹ tôi giờ cũng thành người thiên cổ. Mẹ tôi đã lìa trần một năm sau khi đã nhìn thấy mặt con mà Mẹ tưởng đâu đã bỏ thây trong cơn loạn lạc 1975. Tôi trở lại phi trường Tân Sơn Nhất vào lúc 12 giờ khuya. Từ trên phi cơ nhìn xuống, Sàigòn với ánh điện vàng khè như lệ nhỏ. Ra khỏi phi trường đường phố âm u vắng lặng. Nghe nói dân chúng bây giờ tăng thêm mấy triệu người từ miền ngoài vào, nhưng không còn cảnh nhộn nhịp về đêm như thuở xưa. Tôi ở Sàigòn ba đêm ngày không đi dạo phố xá, nên không biết Sàigòn hoa lệ cở nào. Tôi rời Sàigòn trở lại Hoa Kỳ vào lúc 3 giờ sáng. Sàigòn thì lúc nào cũng âm u, như Sàigòn đã chết ở lòng tôi tự thuở nào! Tôi có gặp lại vài người láng giềng ngày xưa, mà con gái của họ là bạn của tôi thuở nào. Tôi có hỏi thăm thì tình cảnh cũng không khá giả gì. Cũng chồng con đùm đề và buôn gánh bán bưng độ nhựt. Có đứa bạn gái mà một dạo tôi dạy kèm toán đố thì cũng vất vả theo chồng về làm ruộng rẩy thật tội nghiệp. Tôi ngậm ngùi đi ngang phông tên nước ngày xưa, thấy cũng vẫn còn đó. Tôi không can đảm ra xem cảnh gánh nước đêm khuya. Tôi vẫn biết lại cũng những cô gái trẻ trung với những thùng thiếc chờ tới phiên hứng nước. Tôi có để ý thấy khung nền xi măng quanh phông tên nước bể vụn chắc là người gánh phải đông hơn ngày trước. Tôi chạnh lòng nhớ lại những đôi nước giữa đô thành đêm khuya một dạo. Cuộc đời như nước đổ trôi đi. Nguồn mội thì không thay đổi. Có ai biết được dưới lòng đất sâu mạch nước đã chuyển dòng? Trên mặt đất bằng người ta đâu cần để ý. Hể nước yếu đi thì người ta đóng ống thép xuống sâu, dùng máy bôm mạnh sẽ có nước. Nhưng trong nước có hồn người, có tâm tình trong trắng của những cô gái Sàigòn không biết đua chen theo cuộc sống phồn hoa. Họ chỉ biết mang nước về nhà xây dựng hạnh phúc gia đình. Xóm ga xe lửa bây giờ chắc là nhà đã đổi chủ, những gia đình uống nước Hòa Hưng sau cuộc đổi đời mất nước giờ biết trôi dạt về đâu?

    Ngày xưa tôi cũng đã từng uống nước Hòa Hưng, đã từng tắm gội từng lon nước Hòa Hưng vì nước đô thành khan hiếm lắm. Thế mà giờ nầy tôi cũng không còn cơ hội nào uống được nước nguồn Đồng Nai nước sông Sàigòn. Ngày xưa hồi còn nhỏ bé mà tôi cũng biết quý nước khi về học tại Sàigòn. Biết quý mà không biết giữ, nên giờ tôi có hối tiếc cũng bằng thừa! Nhưng mà làm sao để giữ nước Sàigòn, tôi vẫn còn thắc mắc mãi cho đến ngày tàn trên bước đường lận đận lưu vong.

    Hoàng Châu


    nguon : quocgiahanhchanh.com


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X