Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Lý Tống và Memphis

Collapse
X

Lý Tống và Memphis

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Lý Tống và Memphis



    Trước Tết một tuần tôi và con gái xếp đặt đi thăm đứa con trai (hiện là Nghiên Cứu Sinh Luận Án Tiến Sĩ) bên Mississippi. Khi ngồi trong Cafeteria-University of Mississipi tôi nói tuần sau con nhớ về ăn Tết nghe. Tôi nói mà không chắc là con có về được không vì trên Tivi cho biết tuần tới thời tiếc rất lạnh và sẽ có mưa đá. Tôi thật tình không muốn cho con phải lái xe trên những quãng đường tuyết đá phủ đầy và tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
    Và Tết đã trôi qua một cơn giá buốt kinh người của miền Đông Nam Hoa kỳ. Con trai không về và mỗi ngày con gái đi làm tôi bồi hồi đứng ngồi không yên khi theo dõi những tai nạn lưu thông được chiếu đi, chiếu lại trên Tivi. Nhìn qua hàng xóm mái nhà nào cũng phủ đầy tuyết đá. Nhin người lại nghĩ đến ta, không biết cái mái nhà của mình có chịu nỗi sức nặng của tuyết đá hay không đây. Một tiếng động nhỏ nhặt nào cũng làm tim mình thót lại. Lò sưởi, máy sưởi mở chạy liên tục, rã rời. Cháy nhà, sập mái, bể ống nước có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
    Ngoài trời mưa tuyết bão bùng, ngồi trong nhà ấm cúng bên lò sưởi xem phim, nhất là những phim trắng đen xưa với Gregory Peck, Jimmy Stewart, Audrey Hepburn, Sophia Loren…Thì còn gì tuyệt bằng. Nhưng thực sự mình không hưởng trọn hạnh phúc đó khi nhìn thấy một người đàn bà co ro dưới tuyết lạnh vì xe bị tai nạn. Police làm việc không ngừng và một người Homeless la lối om sòm khi được phỏng vấn:
    -Mọi người hãy cất cái mông ra khỏi ghế ấm và ra đây mà xem! Một người bạn già của tôi đã chết vì lạnh. Ra đây mà xem!
    Người phóng viên và cảnh sát lặng người nghe ông chửi. Họ cảm lặng như thấy mình có trách nhiệm vì cái chết của một người Homeless già. Chưa đầy một giờ sau tất cả những đài truyền hình trong thành phố đã loan tin khẩn cấp: Tất cả những trung tâm giúp đỡ những người không nhà đang mở cửa dể giúp họ có thức ăn và nơi chốn tránh lạnh.
    Nhìn người rồi lại nghĩ đến ta. Bao nhiêu người không nhà ở xứ sở mình biết có ai đoái hoài trong cơn hoạn nạn.
    Những ngày Tết trôi qua lạnh lùng, mà thật ra mình cũng đã quen rồi sau hơn hai mươi mấy năm sống trên đất Mỹ. Thôi chỉ còn mong chờ một cái Tết do Cộng Đồng tổ chức vào ngày mùng Ba. Mong chờ và lo sợ vì không biết ngày đó thời tiết như thế nào. Nếu trời quá xấu thì kể như mang nợ. Tiền của đồng bào yểm trợ chưa đủ trả cho nhà hàng, ban nhạc. Cả ban tổ chức chỉ mong vào số tiền đóng tại chỗ của khách tham dự và tiền bán vé số mà các lô trúng đều là quà tặng từ hãng Williams Sonoma. Williams Sonoma là một công ty lớn có tiếng trên đất Mỹ và rất có thiện cảm với người Việt Nam ở thành phố này, trong những ngày Tết, ngày Quân Lực hay ngày Cứu Trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa họ đều tặng nhiều quà cáp có giá trị để ban tổ chức bán vé số gây quỹ.
    Trong năm nay, đặc biệt một ông cố vấn Cộng Đồng lại mời một người bạn tù ngày xưa qua Memphis ăn tết với Cộng Đồng cho vui. Việc ông ta mời bạn tù xưa đến đây chung vui thì cũng chẳng có chi quan trọng nhưng khổ nỗi người bạn tù của ông lại quá nổi tiếng từ trong ngoài nước cho đến cả thế giới thì mới là khổ! Mời một người nổi tiếng đến ăn Tết với mình mà chỉ có ban tổ chức với khách ngồi nhìn nhau, rồi nhìn ra ngoài trời tuyết phủ thì thật là Sầu Ra Quan Ải chứ chẳng phải chơi!
    Người nổi tiếng này có nhiều người thương yêu, kính trọng và chắc chắn cũng có lắm kẻ ghét bỏ, chê bai. Điều đó cũng chẳng có chi là quan trọng vì ghét thương là lẽ thường tình của nhân thế. Khi một người nổi tiếng đến trong thành phố cũng có người bàn ra, tán vào. Có người nôn nao muốn xem mặt cho biết vì tính tò mò, cũng có người khát khao muốn diện kiến một lần vì không biết có lần nào nữa không. Và chắc chắn cũng có người hơi e ngại. Vì sao e ngại thì cũng khó có thể nói ra và cũng không cần thiết để phải nói ra! Tuy nhiên điều quan trọng nhất là ai cũng lo cho thời tiết đêm ăn Tết của cộng đồng với sự tham dự của người khách đặc biệt năm nay!
    Tối thứ sáu trời mưa gió lạnh lùng chỉ có vài người trong Cộng Đồng đi đón anh. Chuyến đi bị trễ gần hai tiếng đồng hồ vì thời tiết xấu. Sự chờ đợi làm chúng tôi càng nôn nao gặp anh hơn và khi gặp anh rồi trong cái phi trường khá vắng vẻ của thành phố ít người Việt này, tôi bỗng có ý nghĩ so sánh lạ lùng này. Bao nhiêu tài tử điện ảnh nổi tiếng trong những phim ảnh đấm đá, hành động, điệp vụ bí mật của Mỹ chỉ diễn những vai trò giả tạo do đạo diễn bày đặt ra, hay lập lại cuộc đời hoạt động của một nhân vật xưa cũ nào đó để lấy tiền thì lại đám đông xum xoe chào đón. Họ chào đón một người anh hùng không có thực. Còn anh một người làm những việc kinh thiên động địa, khuấy nước, chọc trời đang hiện diện ở đây, trong một phi trường vắng những chuyến bay này thì không ai hay biết. Không ai nhận ra anh ngoài chúng tôi, vài ba người Việt Nam đi ra đón. Sự nhận ra nhau giữa con người đôi khi không song hành cùng thời gian. Bao nhiêu tác phẩm nổi tiếng đã bị bỏ quên ở một thời điểm nào đó. Những người họa sĩ đã bị bỏ đói trước khi tác phẩm của họ được đánh giá cao hàng trăm triệu dollars. Những người anh hùng luôn đã được tôn sùng khi họ đã ra người thiên cổ. Và biết đâu có một ngày nào đó người ta sẽ làm một cuốn phim về anh, người thủ vai anh sẽ được trầm trồ khen ngợi, chào đón tưng bừng như một thần tượng. Mà thật đó đâu phải là anh.
    Người bạn tù ngày xưa của anh đã không giấu được niềm hân hoan khi trông thấy anh, biết ông ta đã hơn hai mươi mấy năm mà chưa bao giờ tôi thấy ông ta vui như lần gặp lại anh. Có lẽ anh không biết điều đó.
    Đêm tổ chức Tết trời vẫn mưa tầm tã nhưng khí hậu lại ấm lên chút đỉnh. Nhà hàng khá đông đúc khoảng năm trăm người vừa Việt vừa Mỹ đến tham dự, ngồi bán vé số bên ngoài có nhiều người khách hỏi tôi về anh, họ nghĩ rằng thời tiếc xấu quá anh sẽ không ghé đến thàng phố này. Tôi nói anh đang có mặt ở đây. Ban tổ chức thở ra nhẹ nhõm vì dù trời ướt át nhưng nhà hàng cũng đầy kín người!
    Và người ta giới thiệu anh lên sân khấu để chúc Tết đồng bào Memphis. Anh là ai?
    Anh, người tù vượt ngục bằng đường bộ hơn ba mươi năm trước để phản đối sự giam cầm phi lý của người Cộng Sản sau khi họ đã cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam. Anh, người đã gióng lên một hồi chuông cho cả thế giới biết về giá trị của hai chữ Tự Do. Và cũng chính anh đã liều lĩnh thực hiện những phi vụ táo bạo trở về thả truyền đơn để nhắc nhở đồng bào biết là họ đang ở trong một nhà tù lớn. Họ đang ngồi dưới một đáy giếng chỉ nhìn thấy một mảnh trời xanh trên đầu mà tưởng đó là bầu trời bao la của chính mình. Ngày đó họ gọi anh là một kẻ mù thời cuộc, họ tự hào cho là đất nước đang giầu mạnh ấm no, hạnh phúc sao lại có kẻ còn cố gieo rắc những tư tưởng Dân Chủ, Tự Do vô bổ như thế để làm gì. Nếu dân tộc Việt Nam có vài trăm hay vài ngàn người mù thời cuộc như anh thì cũng là hồng phúc cho đất nước mình.Và hơn mấy chục năm sau đất nước vẫn lầm than, điêu linh nghèo đói, vẫn chầu chực kêu gọi và mong chờ vào số tiền gởi về của những thành phần mà họ gọi là “phản quốc” năm xưa.
    Những việc anh làm tưởng như không có thật, bởi vì nó táo bạo quá, gan lỳ quá! Tất cả như chuyện phiêu lưu, nhuốm đôi chút huyền thoại của những tác giả có đầu óc tưởng tưởng tượng dồi dào. Họ dựng lên một nhân vật làm chuyện vá biển, lấp trời để mua vui cho thiên hạ.
    Họ gọi anh là một người khùng điên thời đại ưa làm chuyện ngông cuồng để thỏa mãn lòng tự cao vô lối (nếu đất nước ta có vài chục người điên như anh nhỉ!) nhưng họ quên rằng những việc anh làm chẳng phải cho riêng anh. Anh đã làm cho đồng bào anh, đất nước anh và anh không bao giờ biết đầu hàng dù ngục tù, lao lý luôn luôn sẳn sàng chào đón anh ở một thời điểm nào đó. Những hệ lụy do những hành động của anh, anh đón nhận với chút khinh bạc, đôi khi nhuốm chút khôi hài. Ai hiểu thì hiểu không hiểu thì thôi, và hình như chưa bao giờ anh hối hận vì những việc mình đã làm.
    Những việc lớn anh đã làm khiến mọi người sững sờ, kinh ngạc. Những phi vụ táo bạo mà tử thần luôn hân hoan đưa chiếc hái để đón chào trong khoảnh khắc rủi may nào đó đã làm anh trở thành một người anh hùng của dân tộc Việt Nam yêu Tự Do, Dân Chủ. Đồng thời chính những hành động đó đã làm anh trở thành khắc tinh của những người sẳn sàng quỳ lụy, cúi đầu trước ngoại bang hay bó tay trước một chủ nghĩa không tưởng dẫn đất nước vào vòng nô lệ muôn kiếp. Họ gọi đó là vòng quay của bánh xe lịch sử. Lịch sử lại tái diễn như nó đã từng tái diễn trong quá khứ. Và với quan điểm của họ thì thôi: Cũng đành nhắm mắt đưa chân, để xem con Tạo xoay vần đến đâu!( Kiều)
    Những việc nhỏ anh làm khiến mọi người phì cười, thích thú. Việc hóa thân thành một phụ nữ tấn công một chàng ca sĩ - thích hét hơn là hát - đã làm cho một số người hả gan, hả dạ vì họ ghét mà không biết làm gì cho bỏ ghét. Đồng thời cũng chính việc làm của anh đã khiến một số người bực bội, không bằng lòng. Họ cho đó là một việc làm nhỏ nhen không thích hợp vói một người anh hùng từng làm những việc kinh trời, động đất như anh.
    Với tôi, chính anh đã nhắc nhở chúng ta khi thưởng thức âm nhạc đừng hoàn toàn nghe bằng trái tim mà hãy nghe bằng một chút trí óc. Ngày hôm nay họ hát một bản nhạc tình đưa chúng ta vào vùng thiên đàng hoa mộng hay trở về một thuở vàng son đã mất. Và ngày hôm qua hay ngày mai họ sẳn sàng ca hát, nhảy múa xưng tụng những nhân vật, những luận điệu dối gian hay những bàn tay tội đồ đã từng nhuốm máu, mồ hôi và nước mắt của chính đồng bào chúng ta. Chúng ta tự nuôi một số chí rận trong cơ thể mình một cách vô tội vạ mà không hề hay biết. Hãy dành tất cả từ tinh thần đến vật chất cho những người ca sĩ có lòng, biết đau với niềm đau của dân tộc. biết thế nào là nô lệ, biết thế nào là niềm tự hào của một đất nước anh hùng!
    Tôi cũng đã đọc nhiều bài báo mạ lỵ anh. Tôi không có ý kiến nhiều về những tác giả đó! Tuy nhiên tôi nghĩ rằng chắc người Cộng Sản sẽ lấy làm tâm đắc lắm với những bài viết như thế vì lẽ rằng: Họ chẳng phải làm gì cả vì đã có người chửi thế cho họ rồi. Và cũng có người đã từng chụp nón cối cho anh. Điều đó cũng chẳng có chi mới lạ vì bây giờ nón cối dư thừa quá, biết đâu sẽ đến lượt chó mèo, chim chuột sẽ được chụp mũ Cộng Sản trong một ngày không xa lắm đâu.
    Họ cũng nói đến cuộc đời tình ái lăng nhăng của anh nữa. Một người lính Không Quân Việt Nam Cộng Hòa cao ráo, đẹp trai mà không đắt đào mới là chuyện lạ. Một người đàn ông đi đứng nghênh ngang, nói năng ồn ào, ưa làm những chuyện động trời mà những người khác không dám làm thì cũng khó mà sống êm đềm, hạnh phúc trong một mái gia đình với vợ hiền, con ngoan. Và dù anh có ước ao một cuộc sống bình thường như mọi người đàn ông khác thì cũng chẳng có người đàn bà nào can đảm chấp nhận anh. Một cuộc phiêu lưu không có ngày mai. Thôi thì cứ để anh vui chơi như loài ong bướm đa tình và đi cho trọn con đường chông gai mà anh đã tự chọn hay định mệnh đã chọn cho anh. Có những con người được sinh ra để gánh vác những trọng trách mà những người khác không thể làm. Người ta không thể bắn một mục tiêu bằng hai con mắt mở lớn được.
    Anh chỉ có một con đường để đi: đó là Quê Hương, Dân Tộc. Yêu thương, kính phục hay ghét bỏ, khinh khi là chuyện của tha nhân. Ngày hôm qua người ta thương anh, ca tụng anh nhưng cũng có thể hôm nay họ từ khước anh. Và cũng có thể ngày hôm nay họ không hiểu anh nhưng ngày mai câu chuyện đã khác đi trong lòng nhân thế! Điều gì cũng có thể xảy ra, nhưng chắc rằng có một điều không ai có thể chối cãi được là chính anh đã làm được những điều mà không ai dám làm hoặc không dám nghĩ đến.
    Anh là ai?
    Lý Tống. Tên anh là Lý Tống, một sĩ quan thuộc binh chủng Không Quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Anh đã về tham dự Tết với đồng bào ở thành phố Memphis thuộc Cộng Đồng Người ViệtTự Do West Tennessee, một địa danh nghe chừng xa lạ với Cộng Đồng người Việt tị nạn Cộng Sản tại Hoa Kỳ và trên thế giới!
    Anh đã được giới thiệu như một nhân vật người Việt Nam nổi tiếng trước khoảng năm trăm khán giả Việt-Mỹ đến tham dự Tết vào tối thứ Bảy ( 2/21/2015) nhằm ngày mùng Ba Tết năm Ất Mùi. Anh được biết đến bằng những danh hiệu do báo chí ngoại quốc đặt như Black Eagle, James Bond 007, Papillon, Top Gun, Leaflet Cowboy, Robin Hood, Don Quixote, Folk Hero, True Patriot, Mr. Impossible, The Last Action Hero, Resistance Icon, Freedom Fighter hay Kinh Kha thời đại … Và trong lòng những đồng bào còn thao thức vì Quê Hương, Dân Tộc đêm nay anh được biết đến bằng tên Lý Tống, một người Việt Nam luôn luôn kiên cường đối đầu và phản kháng chế độ phi nhân của Cộng Sản trong quá khứ cho đến tương lai. Anh chưa bao giờ đầu hàng dù có những lúc anh không thể làm gì được. Anh hùng khi gấp cũng khoanh tay. (Nguyễn Công Trứ)
    Trong tiếng vỗ tay hoan hô nhiệt liệt của đồng bào thành phố Memphis và vùng phụ cận sau một bài diễn văn ngắn bằng tiếng Anh và tiếng Việt, Lý Tống đã vui vẻ tiếp xúc và chụp hình với mọi người từ những Cựu Chiến Binh Mỹ, các anh em Cựu Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa đến các bạn trẻ và em nhỏ. Buổi dạ tiệc mừng Xuân Ất Mùi đã thành công ngoài sức tưởng tượng của ban tổ chức. Mặc cho trời mưa gió phủ phàng trong một mùa Xuân trên đất khách.
    Lý Tống lưu lại một tuần tại Memphis -Tennessee. Trong thời gian ở đây anh đã gặp gỡ các đạo hữu của chùa Phổ Đà và các bạn trẻ thuộc Hội Thánh Tin lành Memphis cùng có những buổi hội luận thân mật với những thành viên của Cộng Đồng Người Việt Tự Do và Hội Cựu Chiến Sĩ Memphis và được hướng dẫn đi thăm Graceland Mansion của ông vua nhạc Rock- Elvis Presley và những thắng cảnh khác.
    Vì thời tiếc quá khắc nghiệt, giá lạnh và sự giao thông quá khó khăn nên nhiều dự tính đã không thực hiện được như sự mong muốn của những thành viên trong cộng đồng người Việt cũng như Hội Cựu Chiến Sĩ Memphis. Nhiều đồng bào đã tỏ ra vô cùng hối tiếc đã không gặp mặt Lý Tống vì không dám lái xe trên những quãng đường đông đá. Những đài truyền hình địa phương đã khuyên dân chúng tránh đi ra đường để giảm bớt khó khăn, bận rộn cho nhân viên công lực.
    Khi Lý Tống rời Memphis, chúng tôi cũng nhận được nhiều cú điện thoại gọi về để thăm hỏi. Đa số đều mong có một cuộc hội kiến nào đó trong những mùa nắng ráo. Khi tôi viết những giòng chữ này thì một cơn mưa tuyết khác đang đổ xuống thành phố, các trường học lại được lệnh phải đóng cửa. Thành phố trắng xóa, buồn phiền trong cơn lạnh chết người vì ngập đầy tuyết trắng.Khi anh đi rồi, khi nghe những lời tiếc nuối của những đồng bào chưa được diện kiến anh tôi bỗng nghiệm ra sự chí lý của những câu:
    Thiên thời, địa lợi.
    Mưu sự tại nhân thành sự tại thiên.
    Tôi cũng như mọi người và cũng có thể cả anh nữa đều lấy làm tiếc nuối cùng ước ao phải chi ngày anh đến thành phố này khí hậu khá hơn một chút xíu. Tôi cũng không quên câu: Với chữ “nếu” người ta có thể bỏ cả thành phố Paris vào cái chai (Avec des si, on mettrait Paris en bouteille)
    Tuy nhiên câu nói của cụ Nguyễn Bá Học ngày còn cắp sánh đến trường hồi trung học vẫn còn vang vọng trong tâm thức tôi:
    -Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông.
    Vẫn có những người đến để gặp anh vì họ còn thao thức đến vận mệnh của đất nước, vì tò mò muốn biết Lý Tống là ai, vì muốn hổ trợ cho những việc làm của anh trong quá khứ và có thể trong tương lai. Có nhiều lý do mà tôi không thể biết đến nhưng dù sao họ cũng đã đến. Còn những người khác cũng với nhiều lý do nào đó để không đến. E ngại hay nuối tiếc đôi khi làm đời sống mình trở thành nặng nề hơn.
    Thay mặt Cộng Đồng người Việt Tự Do West Tennessee (Vietnamese Freedom Community west Tennessee) và Hội Cựu Chiến Sĩ Memphis và vùng phụ cận (Vietnamese Veteran Asociation of Memphis and Vicinity) chúng tôi xin chân thành cảm tạ anh Lý Tống đã đến chung vui với đồng bào Memphis nhân dịp Tết Ất Mùi 2015 và chúc anh có nhiều sức khỏe cùng nghị lực tiến bước trên con đường anh đã đi vì Quê Hương, Dân Tộc Việt Nam. Con đường không êm xuôi, bằng phẳng với cỏ đẹp hoa thơm và chắc chắn còn nhiều giông tố bão bùng đang chờ đón. Nhưng dù sao cũng chúc anh luôn mạnh bước như anh đã đến với chúng tôi trong mùa Đông buốt giá và có chúng tôi cùng đồng bào Memphis đã chào đón anh. Vì đã trót tương phùng trong một quán, dẫu trà ôi rượu nhạt cũng là duyên.
    Chúng ta đã nhận diện ra nhau - những người đi tìm Tự Do - trong cơn giông bão khắc nghiệt của Miền Đông Nam Hoa Kỳ và trong cơn phong ba, nhiễu nhương của Dân Tộc Việt Nam. Chúng ta luôn luôn yêu thương Tổ quốc Việt Nam và mong có ngày chúng ta sẽ sánh vai với những đất nước Tự Do khác trên thế giới.
    Chúng tôi xin cảm tạ anh Nguyễn Hữu Lượng và hiền thê là chị Tuyết Lan đã lo lắng cho anh Lý Tống nơi ăn chốn ở trong thời gian một tuần lưu lại Memphis. Chúng tôi cũng xin cảm ơn Anh Đặng Quốc Dũng Chủ Tịch Cộng Đồng và phu nhân Mộng Lan đã đưa anh Lý Tống đi tham quan Memphis. Anh Ngô Tái Hiệp Hội Trưởng Hội Cựu Chiến Sĩ Memphis, bà Phan Thị Quy Thủ Quỹ cùng tất cả anh chị em trong cộng đồng, hội Cựu Chiến Sĩ và các bạn trẻ đã tỏ lòng ưu ái và tạo điều kiện để anh Lý Tống có thể tiếp xúc với đồng bào. Không quên cảm ơn Ban Trị Sự chùa Phổ Đà đã tiếp đón, chào mừng anh Lý Tống vào ngày mùng 4 Tết Ất Mùi.
    Riêng tôi ngoài lời cảm ơn. Tôi xin chúc anh mau thoát khỏi những hệ lụy mà cuộc đời đang dành cho anh. Và chúng tôi đang chờ phi vụ cuối cùng của anh đó. Một ngày nào đất nước được thanh bình, no ấm người ta sẽ không bao giờ quên tên anh. Xin mượn một bài hát với lời lẽ rất đơn sơ của Minh Kỳ và Hoài Linh để tặng anh và tất cả anh hùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa:
    “Ngày nao khi đất nước hết binh đao, giữa đoàn hùng binh có anh đi hàng đầu, trở về thành đô nắm tay ta mừng nhau. Người đi ngày ấy áo nhuộm bụi đường, chiều nay về giữ kinh thành say hương”


    Mimosa Phương Vinh

  • #2
    Anh Hùng Lý Tống


    “Ngày nao khi đất nước hết binh đao, giữa đoàn hùng binh có anh đi hàng đầu, trở về thành đô nắm tay ta mừng nhau. Người đi ngày ấy áo nhuộm bụi đường, chiều nay về giữ kinh thành say hương”
    Last edited by SVSQKQ; 03-07-2015, 06:01 AM.

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X