Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Françoise Sagan, tiểu yêu nữ khả ái

Collapse
X

Françoise Sagan, tiểu yêu nữ khả ái

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Françoise Sagan, tiểu yêu nữ khả ái

    Trần Hữu Thục - Françoise Sagan, tiểu yêu nữ khả ái

    nguồn : Diễn đàn Thế Kỷ

    Sagan, tên thật là Françoise Quoirez, tục danh là Kiki, sinh vào ngày 21 tháng 6 năm 1935 ở Cajarc, một ngôi làng ở miền tây nam Pháp. Bà là người con thứ ba của Paul Quoirez, một thương gia giàu có. Khi bà lên 15, gia đình dời về sống ở Paris. Bà mê đọc sách từ hồi còn nhỏ; 12 tuổi, viết truyện và làm thơ; 13 tuổi, đọc Nourritures terrestres của André Gide; 14 tuổi, đọc L’homme révolté của Albert Camus; 16 tuổi, đọc Marcel Proust, Rimbaud. Về học hành, bà theo học trường dòng (couvent des Oiseaux) trước khi vào học Sorbonne. Hai năm ở Sorbonne, bà chẳng học hành gì nhiều, phần lớn thời gian bà dành cho đi chơi và uống cà phê và đọc truyện. Biết uống rượu vào năm 15 tuổi. Trong kỳ thi cuối năm, bà hỏng tú tài khiến gia đình rất phiền muộn. Ðể xoa dịu nỗi buồn bực, bà cảm thấy phải “làm một cái gì”, bèn ngồi xuống và bắt đầu viết. Viết xong trong vòng 32 ngày (có báo nói là 7 tuần), bà gửi ngay cho nhiều nhà xuất bản, trong đó có René Julliard. Julliard nhận ngay để xuất bản với một điều kiện duy nhất: phải có phép của cha mẹ, vì “cô bé” Françoise chưa tới 21 tuổi. Bà vội vã về hỏi ý kiến cha. Ông đồng ý ngay nhưng không cho bà dùng tên gia đình (họ) mà phải dùng bút hiệu. Dễ thôi! Bà lấy tác phẩm yêu thích nhất của mình À la recherche du temps perdu của Marcel Proust, giở ra một trang, thấy đoạn tả quận công Sagan đi ngang trên chiếc xe ngựa, thế là chọn ngay tên Sagan. Và bắt đầu từ đó, Françoise Quoirez trở thành Françoise Sagan.



    Mùa hè năm 1954 là một mùa hè buồn thảm đối với toàn thể nước Pháp. Quân đội Pháp sa lầy và cuối cùng thất bại nhục nhã tại Ðiện Biên Phủ. Cuộc chiến tranh Ðông Dương kết thúc. Tuổi trẻ Pháp chán nản, tuyệt vọng và mất phương hướng. Cũng năm đó, về mặt xã hội, người ta ghi nhận hai biến cố quan trọng, diễn ra ở hai cực hoàn toàn đối nghịch theo kiểu người ta thường nói: “thiên thần” – “ác quỷ ». Về phía “thiên thần”, sự xuất hiện của linh mục Pierre mà những hoạt động của ông đã tượng trưng cho tinh thần bác ái ở mức độ cao nhất (Roland Barthes đã phân tích rất kỹ hình tượng này trong tác phẩm Mythologies, Paris 1957, phần nói về các huyền thoại hiện đại). Và về phía “ác quỷ”, thì là sự xuất hiện của Sagan, một thiếu nữ nổi loạn, xé rào, vô luân. Tất nhiên, đó chỉ là một cách nói. Nhưng nhìn ở một khía cạnh khác,theo Etienne de Montety (Figaro Magazine), thì nước Pháp mất Ðông Dương lại được bù trừ lại bằng sự xuất hiện của Sagan, một nhà văn ngoại hạng. Bonjour tristesse - được ví von như một trái bom nổ chậm đặt tại ngưỡng cửa của Cộng hòa văn chương Pháp - ra đời hai năm trước phim Et Dieu créa la femme của đạo diễn Roger Vadim với một khuôn mặt tài tử hoàn toàn mới của nước Pháp và của thế giới: cô đào sexy Brigitte Bardot. Ðược xem như hình tượng của giới trí thức thập niên 1950, trong không khí của một nước Pháp phục hồi sau chiến tranh - cùng với Bardot - Sagan đã thổi một luồng không khí mới mẻ, tươi tắn, đưa trào lưu nghệ thuật Pháp và toàn thế giới vào một bước chuyển biến đầy bất ngờ thích thú, tạo nên những chấn động tâm lý, văn chương và xã hội kéo dài nhiều thập niên về sau.

    Triết lý của câu chuyện là: chẳng có gì là quan trọng. Một cô bé 17 tuổi ngủ với trai mà không hề yêu, lại không mang thai cũng không hề hối hận và chẳng bị trừng phạt. Nói một cách khác, người ta có thể tự do, không phải trả giá cho hành động của mình, dù đó là một hành động vô luân. Françoise Mauriac, một trong những nhà văn được kính trọng nhất thời bấy giờ, trong một bài báo viết trên trang đầu của tờ Le Figaro ngay sau khi tác phẩm được phát hành, - không nhắc đến tên tác phẩm mà cũng không nêu tên tác giả - gọi tác giả là một “tiểu yêu khả ái” (charmant petit monstre), cụm từ về sau trở thành một biệt hiệu dành riêng cho Sagan mà tôi đã mượn tạm để đặt tựa đề cho bài viết này.

    Năm sau, một bản dịch tiếng Anh được phát hành và lập tức nằm số 1 trên danh sách bestseller của tờ New York Times. Từ 3000 ấn bản (có báo nói là 5000) lần phát hành đầu tiên, vào đầu năm 1958, sách bán đạt con số kỷ lục là 810 ngàn ấn bản ở Pháp và hơn một triệu ấn bản ở Hoa Kỳ và được dịch ra 20 thứ tiếng. Lập tức, tác phẩm tạo nên một sự thành công lạ thường. Nó chiếm được giải “Prix des Critiques”, mang lại cho Sagan 500 ngàn bảng Anh và đồng thời bị Giáo hoàng lên án mạnh mẽ, khiến cho một linh mục Công giáo đã phải từ chối làm phép hôn phối trong lễ cưới lần đầu tiên của bà. Sau này, Sagan cho rằng đó là một “thành công đầy tai tiếng” (succès de scandale) khi lần đầu tiên được phát hành ở Pháp. Bà nói bà cũng không hiểu tại sao mà người ta lại có vẻ ồn ào, sôi động như thế về tác phẩm của bà, lúc đó. Ba thập niên sau, nhớ lại, bà hiểu ra rằng sự giận dữ xuất phát từ mối quan hệ giữa nhân vật nữ, Cécile, và anh bồ của cô ta. Người ta không thể chấp nhận được chuyện một cô gái 17 hoặc 18 tuổi lại làm tình với một đứa con trai trạc tuổi mình mà chẳng hề bị trừng phạt gì cả. Ðã thế, cô gái biết về chuyện tình ái lăng nhăng của cha mình, lại còn thảo luận chuyện đó với cha, đề cập đến những đề tài lúc đó vẫn còn là điều cấm kỵ giữa cha mẹ và con cái. “Ðối với đại đa số độc giả (nguyên văn: ba phần tư), tai tiếng của tác phẩm là do chỗ một nhân vật thiếu nữ trẻ lại ngủ với trai mà không có thai, lại chẳng cần cưới nhau. Riêng đối với tôi, tai tiếng của câu chuyện là một nhân vật lại có thể – do vô thức, do ích kỷ – đưa đến cái chết của một người khác”, Sagan nói.

    Thành công bước đầu tạo động lực cho Sagan hăng hái cầm bút tiếp. Trung bình cứ hai năm bà cho ra đời một tác phẩm. Những tựa sách của Sagan chất đầy trong thư viện, trên các kệ sách gia đình và nằm trong trí nhớ mọi người. Từ năm 1954 đến 1965, có thêm ba sáng tác mới đuợc nằm trên danh sách bestseller: Un certain sourire, Aimez-vous Brahms và La chamade. Cả ba cuốn đều được đóng thành phim và đều là những phim thành công rực rỡ. Thành công ở truyện, bà nhảy sang viết kịch và kịch bản phim và tỏ ra có tài viết những đoạn đối thoại thông minh, dí dỏm. Tuy nhiên, trừ hai vở kịch đầu tiên, Chateau en Suède (1960) và Les violons parfois (1962) gây được tiếng vang trong công chúng thưởng ngoạn, nhiều vở kịch khác ra đời những năm sau đó như La Robe mauve de Valentine (1963), Bonheur, Impair et passe (1964), Le cheval évanoui (1966) không mấy thành công. Có lẽ do vậy, với La garde du coeur, tiểu thuyết xuất bản năm 1968, hầu như bà trở lại viết truyện dài, chỉ thỉnh thoảng mới viết một vở kịch.

    Nói chung, dù là kịch hay tiểu thuyết, đề tài của bà thường na ná nhau, đại loại mô tả cuộc sống của giai cấp trưởng giả nhàn rỗi, chán nản, hoài nghi, cô đơn với những nhân vật đàn ông, đàn bà luôn luôn đánh vật với số phận của mình và những thanh thiếu niên buồn bã, hờn dỗi, phung phá, nổi loạn, thách thức đạo lý xã hội đương thời. Truyện thường xoay quanh những chuyện tình trái khoáy, qua đó, nói lên sự xung đột giữa hai thế hệ. Chẳng hạn như trong La garde du coeur (kịch, 1968) - lấy khung cảnh ở Hollywood - kể lại câu chuyện của một thiếu phụ trung niên, đảm nhiệm việc chăm sóc cho một thiếu niên đẹp trai rồi đâm ra có cảm tình với cậu ta, tạo nên tình cảm phân vân giữa một bên là người tình đồng trang lứa và cậu con trai hoang đàng đáng tuổi con mình; hay trong Un Orage immobile (truyện, 1983) - lấy khung cảnh của một ngôi làng nhỏ - kể lại tình yêu say đắm của một phụ nữ góa chồng xinh đẹp say mê một anh chàng công chứng viên trẻ tuổi. Các nhân vật của bà thường là những người tuyệt vọng trong quan hệ cá nhân, tìm cách lấp khoảng trống thời gian bằng cách đi tìm những thú vui nhục cảm, đưa đến các hành vi vô luân. Nói chung, nội dung truyện cho thấy tính cách vô mục đích trong cuộc sống hàng ngày. Chúng đưa ra hình ảnh của một nước Pháp hiện đại, trong đó, trách nhiệm cá nhân chẳng có nghĩa lý gì so với lối sống theo mốt thời thượng, một nguyên tắc mà bà xác định theo đuổi cho đến cùng. Chúng làm rúng động tầng lớp bảo thủ và thường khiến các nhà phê bình văn chương nhăn mặt, nhưng lại được rất nhiều người - đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên – thích thú, ngưỡng mộ, góp phần tạo nên ảnh hưởng đáng kể đến nhiều nhà văn nữ đàn em sau này.

    Theo Josyane Savigneau (Le monde 25/9/04), khác với nhiều nhà văn có tính “hiếu đại” (mégalomanie), thường mơ ước sáng tác được một tác phẩm lớn - với niềm tin rằng đó là một cái gì độc đáo có thể tồn tại mãi mãi, để lại cho hậu thế - có vẻ như trong thâm tâm, Sagan không thích thế hoặc không hy vọng mình sẽ làm được như thế. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho tờ Le Monde” vào năm 1984, bà nói rõ: “Tôi mơ làm nhà văn khi tôi bắt đầu đọc sách. Chắc chắn điều đó không có gì khác thường. Sau khi hỏng tú tài, tôi chán nản. Lúc đó tôi học năm đầu ở trường Sorbonne. Tôi bắt đầu viết Bonjour tristesse trong quán rượu. Viết xong, tôi gởi đến những nhà xuất bản. Julliard nhận. Rồi là bài báo của Mauriac, rồi là “Giải Phê Bình” (Prix des Critiques) và tất cả bắt đầu một thành công vĩ đại, có cái gì không cân xứng. Riêng tôi, tôi biết tôi thích những câu chuyện tầm thường của tôi. Tôi chẳng hổ thẹn gì, vì văn chương không đến nỗi dở, mà tôi thì làm việc đàng hoàng. Tôi lại biết đọc sách. Tôi đã đọc Proust, đã đọc Stendhal... Những con người như thế quả làm mình không dám chường mặt ra”, bà nói.

    Trả lời cho một cuộc phỏng vấn khác vào năm 2003 với Alain Louyot (tạp chí L’Express) về viết lách, bà nói: “Tôi có cảm tưởng là mình vô cùng may mắn trong cuộc đời. Tôi có cái may mắn thích viết và có thể viết được. Tôi lại có điều kiện thuận tiện để viết vì tôi vốn rất lười biếng. Tôi nhớ đã có lần tôi viết một câu chuyện tình trong chiếc Limousin trong khi đang đi du lịch ở xứ Népal (...) Khi tôi có đề tài ở trong đầu, tôi có thể viết liền một mạch 12 tiếng đồng hồ. Và khi viết xong, tôi cảm thấy buồn, cảm thấy như mình trở nên mồ côi. Tôi chỉ có thể viết khi tôi hoàn toàn hạnh phúc”. Ðược hỏi về chuyện thành công trong cuộc đời, bà cho biết: “Tôi không cho rằng tôi đã thành công ở trong cuộc đời. Nhưng tôi đã thành công ở chỗ tôi làm cái mà tôi thích: vừa sống vừa viết”. Cũng theo bà, “Viết là cách duy nhất xác định tôi chính là tôi. Tôi luôn luôn có cảm tưởng là sẽ đi đến một cái gì bế tắc. Vừa được vừa thua. Vừa tuyệt vọng vừa phấn khích” (“Sagan et Nous”, Henri Haget, L’Express 27/9/04).

    Phát biểu về trào lưu “Tân tiểu thuyết” do các nhà văn Marguerite Duras, Alain Robbe-Grillet, Michel Butor, Claude Simon, Phillipe Sollers, và Nathalie Sarraute chủ trương vào đầu thập niên 1960, bà nói: “Tôi không tin ở kỹ thuật, không tin ở chuyện người ta có thể làm mới tiểu thuyết. Chính ở nơi con người mà người ta đào xới (để sáng tác). Y như chuyện người tiều phu. Thân cây (ông ta muốn đốn) đủ lớn để ông ta khỏi phải mất thì giờ để kiểm tra xem cái rìu ra sao”, bà phát biểu (Henri Haget).

    Bàn về giá trị văn chương các tác phẩm của Sagan, hầu như mọi người đều đồng ý rằng, trong số hơn 40 tác phẩm của mình, Bonjour tristesse là tác phẩm thành công nhất và có giá trị nhất. Không kể văn hào Mauriac, thì người đầu tiên ca ngợi Sagan là ông già hàn lâm viện Emile Henriot, người phụ trách mục sổ tay văn học hàng ngày cho tờ Le Monde. Theo Laurent Greilsamer (Le Monde, ngày 11/7/04, bài “Bonjour Sagan”), cuốn sách mỏng chưa tới 200 trang khổ nhỏ mà như muốn làm bỏng tay ông. Ông thả xuống rồi cầm lên, đọc đi rồi đọc lại. Ông gọi đó là “một kiệt tác nhỏ bé vô liêm sỉ và tàn bạo” (un petit chef-d’oeuvre de cynisme et cruauté). Tính cách vô luân của nó (immoralisme) khiến ông say sưa, đưa đến một so sánh đáng đồng tiền bát gạo: “Ðó là tác phẩm của một cô bé mới có 18 tuổi, có lẽ là còn rất ngây thơ trong trắng, nhưng đầy tưởng tượng sáng tạo và trong chừng mức cho phép, ta có thể so sánh toàn bộ cái tác phẩm đầu tay lạ thường này với một Choderlos de Laclos [1] hung bạo trong Liaisons dangereuses, với cái ngây thơ cay độc trong Hauts de Hurlevent (Ðỉnh gió hú) của Emily Bronte và với ngọn lửa băng giá trong Diable au corps của Radiguet”. Và ông kết luận “Tất cả trở nên nhạt nhẽo sau một tác phẩm như thế” [2]

    Nhà văn nổi tiếng Hoa Kỳ John Updike, viết trong tờ The New Yorker 20 năm sau khi Bonjour tristesse xuất hiện, ca ngợi tác phẩm là “sôi động như biển cả” (sparkling sea), “hẻo lánh như rừng hoang” (secluding woods), “nhanh nhảu tự nhiên” (animal quickness), cốt truyện thì rất hiệu quả (academically efficient), các nhân vật nam, nữ được xây dựng một cách hoàn hảo. Theo ông thì tác phẩm được viết bởi niềm tin hồn nhiên của tác giả trẻ vào tính chất khêu gợi (của các sự kiện).

    Khen như thế chắc cũng hết mức rồi!

    Mà chê thì cũng lắm. Thành công của Bonjour tristesse, theo một số nhà phê bình, nếu gạt ra ngoài những ảnh hưởng tâm lý và xã hội do thời điểm xuất hiện của tác phẩm, thì cũng chỉ là thành công của một tiểu phẩm – petite musique – vì nó đã mỏng lại không chứa đựng ý tưởng gì lớn lao (pas grand-chose). Khái niệm «tiểu phẩm» về sau được sử dụng bởi những người chỉ trích để mỉa mai Bonjour tristesse. Mặt khác, họ cho rằng Sagan viết quá nhiều, do đó, các tác phẩm về sau càng ngày càng nhạt nhẽo, mất tính nghiêm túc. Họ nhiều lần lên tiếng phê phán lối viết dễ dãi cũng như thứ tư tưởng chuộng khoái lạc quá đáng đến chỗ gần như ngông cuồng của bà. Ðiều đó khiến cho các nhà xuất bản lên tiếng khuyến cáo, hy vọng Sagan viết lách đàng hoàng hơn và cố gắng hơn. Nhưng bà làm ngơ. Cuối cùng, các nhà xuất bản đành quyết định ngưng những số tiền ứng trước mà họ vẫn dành cho bà để viết tác phẩm mới. Cũng dễ hiểu tại sao, tất cả những những tác phẩm sau này, kể cả kịch, đều không hưởng được những thành công như Bonjour tristesse. Theo Roger Shattuck - sử gia và giáo sư Pháp văn tại đại học Boston University -, tiếng tăm của Sagan “đã suy giảm đáng kể sau chừng 5, 6 cuốn đầu tiên” vì bà viết quá nhiều và lập đi lập lại mãi những gì mình đã viết và cũng vì cách thưởng thức văn chương thay đổi theo thời gian.

    Một nhà phê bình văn chương khác, Serge Gavronsky - giáo sư văn chương Pháp tại đại học Bernard -, trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1995, cho rằng những truyện dài đầu tay của Sagan diễn tả sự nổi loạn và tính ích kỷ của nhiều trong số những bạn đồng lứa của bà trong các gia đình trưởng giả Pháp, hoàn toàn phù hợp với khoảng thời gian đó - khoảng giữa thập niên 1950 – và “gắn chặt” với quá khứ văn chương Pháp. Nói khác đi, chúng chỉ là những tác phẩm tồn tại một thời.

    Nhưng có lẽ lời kết án Sagan nặng nề nhất nằm trong tác phẩm biên soạn văn chương căn bản dùng cho học sinh Pháp, “Les auteurs de la Litérature francaise”, theo đó, thế giới trong truyện của Sagan là “một thế giới tục lụy, giàu có, nhàn rỗi và xa hoa; một số nhân vật sống mà không quan tâm đến vật chất, đó là những kẻ say sưa, yêu nhau bừa bãi mà không bị lên án. Do chuộng những gì dở dang, chuộng lối phân tích gay gắt, cay độc và có tính ái kỷ (narcissism), Sagan mãi mãi được xem như là đã làm hư hỏng cả một thế hệ” (New York Times, 25/9/04).

    Tuy viết nhiều và rất nổi tiếng, chỉ trừ giải “Prix des Critiques” được tặng cho Bonjour tristesse năm 1954 và giải “Prix de Monaco” cho toàn thể tác phẩm của bà năm 1984, Sagan không đoạt được giải văn chương nào đáng kể nào của Pháp và thế giới. Sagan coi thường chuyện đó. Ðã có lần, khi được đề cử trở thành một thành viên của Hàn Lâm Viện Pháp, bà từ chối thẳng thừng. Bà cho biết, bà đã đọc đủ những cuốn sách hay để nhận ra sự khác biệt giữa giá trị văn chương của Bonjour tristesse (mà bà quả quyết là chưa bao giờ đọc lại) và những bàn tán ầm ĩ quanh tác phẩm. Giám đốc nhà xuất bản Robert Laffont nhận xét: “Bà không được thừa nhận như một nhà văn vĩ đại, nhưng điều đó chẳng quan trọng gì. Bà viết những gì bà thích và chẳng quan tâm gì đến những điều khác, về các giải thưởng. Bà viết cho chính bà”.


    *

    Văn thì thế, còn người thì sao?

    Người ta thường gọi bà là “écrivain bohémien” (nhà văn phóng đãng, sống ngoài vòng cương tỏa). Bản thân bà là một nhân vật, hơn thế nữa, một siêu nhân vật. Khác với quan niệm cho rằng nhà văn là loại người im lặng, chịu đựng và viết, Sagan viết và sống, sống đến tận cùng của cuộc sống. Viết những gì bà sống và sống những gì bà viết. Bà tạo ra chúng bằng chữ nghĩa của riêng bà, không trường phái, không quan tâm đến những chê, khen này nọ. Khen thì OK, mà chê cũng OK. Nói theo kiểu Sagan, “Tôi là một thứ tai nạn kéo dài” (Je suis un accident qui dure). Và công chúng theo dõi cái “tai nạn kéo dài” đó rất kỹ, không chán, không mệt. Từ lúc còn là một cô gái 19 tuổi (có lẽ) cho đến khi bà lìa đời. Quanh đời sống của bà là những scandale. Scandale tiếp nối scandale. Nhiều đến nỗi, với Sagan, scandale đâm ra mất hết ý nghĩa nguyên thủy để chỉ còn là những tin thời sự sốt dẻo, lúc nào cũng lôi cuốn thứ công chúng tò mò. Áo quần, tai nạn, tình nhân, du lịch, quan hệ, bài bạc, rượu chè, thôi thì đủ thứ, bất cứ gì dính đến Sagan cũng có thể trở thành những sự kiện nóng sốt, góp phần nuôi dưỡng các cột báo Pháp hàng ngày.

    Với một khuôn mặt gầy, nhỏ, đôi mắt tinh quái nhô ra từ một mớ tóc cắt ngắn, trong hai thập niên 1950 và 1960, hình ảnh của bà dường như trở thành một thứ dáng dấp cấp tiến của Paris. Bà cùng bạn bè lập ra nhóm tiền phong “La bande Sagan”, trong đó có cả ca sĩ Juliette Greco. Bà thường xuyên xuất hiện ở các quán cà phê, hộp đêm, các quán ăn với những nhân vật nổi tiếng trong văn giới như Jean Paul Sartre, Hemingway, Henry Miller và trong chính giới như chính trị gia trẻ tuổi tả phái Françoise Mitterand, hút thuốc lá hiệu Gauloises, tay bưng cốc cà phê. Một trong những mốt của Sagan là đi vào hộp đêm với một người bảo vệ và đi ra với một người bảo vệ khác, luôn luôn đậu xe thể thao ngay ngoài cửa nơi đến bất chấp luật lệ giao thông. Ðể minh họa cho rõ hơn hình ảnh độc đáo của Sagan, hình bìa của một trong những tác phẩm in hình bà cỡ tuổi 19, 20 khoác trên người chiếc áo da dài đứng cạnh cửa của chiếc xe hơi hiệu Jaguar, với đôi mắt viền đậm.

    Xuất phát từ quan niệm riêng mà cũng do sự thúc đẩy bởi tiền bạc và tiếng tăm, bà lăn xả vào một cuộc sống ồn ào, sôi động ngay lúc chưa tới tuổi 20: uống rượu thâu đêm suốt sáng, say mê bài bạc, khoái lái xe thể thao với tốc độ cao. Một cuộc thăm dò dư luận được tiến hành vài năm sau khi Bonjour tristesse ra đời cho thấy hầu hết mọi người đều cho rằng Sagan là một ngôi sao điện ảnh hơn là một nhà văn. Bà đề cập đến cái thú lái xe hết tốc lực trong Avec mon meilleur souvenir, un recueil de portraits (1984): “Bất cứ ai mà không cảm thấy hưng phấn với tốc độ thì chẳng có hưng phấn để sống. Dù ta có điền cuồng và tuyệt vọng trong tình yêu đến đâu, lúc lái xe với tốc độ 120 dặm một giờ, ta sẽ thấy bớt đi nhiều. Máu sẽ không còn đông cứng quanh trái tim ta; máu ta đập tối đa trong cơ thể, cho đến tận từng ngón tay, ngón chân và tròng mắt, lúc đó chúng là những kẻ canh giữ quyết định và không mệt mỏi của cuộc đời ta”. Năm 1957, có lần bà đã bị tai nạn xe hơi, làm nứt xương sọ và nhiều vết thương khác khi chiếc xe hiệu Aston-Martin lật ngược ở tại Milly, một thị trấn miến bắc nước Pháp, khiến bà bị hôn mê suốt cả ba ngày mới tỉnh.

    Táo tợn hơn, Sagan yêu đương bừa bãi, buông thả mình trong sinh hoạt tình dục gần như vô độ với nhiều bạn tình khác nhau. Một trong những bạn tình của Sagan cho biết là Sagan “muốn thử qua mọi kinh nghiệm ái ân, với hai người, có khi với ba hay bốn người và cả với phụ nữ”. “Tôi thật may mắn quá sức bởi vì khi tôi lớn lên thì đồng thời thuốc ngừa thai đã xuất hiện. Khi tôi 18 tuổi, tôi nghĩ mình có thể chết đi được vì sợ có thai, nhưng rồi có thuốc ngừa thai và thế là tôi mặc sức yêu đương thả giàn mà chẳng có hậu quả gì, có đến 30 năm. Sau đó thì bệnh AIDS mới xuất hiện. Ba mươi năm này trùng hợp với tuổi trưởng thành của tôi, cái tuổi dành để vui chơi thỏa thích”, bà phát biểu trong một cuộc phỏng vấn được thực hiện trước phiên toà xử bà về tội hút xách năm 1993.

    Sagan còn sử dụng ma túy. Bà hai lần bị bắt vì hút xách và tàng trữ thuốc phiện, vào các năm 1990 và 1995, phải đóng tiền phạt và bị tù treo, khiến có lần, lãnh tụ hữu khuynh Jean Marie Le Pen lên tiếng đòi hỏi bà phải bị treo cổ vì tội chứa chấp và sử dụng ma túy. Năm 2002, bà lại dính líu đến pháp luật một lần nữa vì đã không khai thuế về số tiền hơn 800 ngàn euro kiếm được do một áp phe về dầu hỏa, có liên quan đến cựu tổng thống Pháp Mitterand, bạn của bà.

    Về chuyện gia đình, bà có hai đời chồng. Năm 1958, bà lấy Guy Schoeller, lớn hơn bà 20 tuổi, ly dị năm 1960. Năm 1962, tái giá với Robert James Westhoff, một điêu khắc gia Mỹ. Hai người có một đứa con trai, Denis. Năm sau, 1963, lại ly dị. Sau đó, bà quyết định sống độc thân cho đến chết. Bà nghĩ gì về tình yêu? “Tôi cho rằng tình yêu giống như một căn bệnh, một sự ngộ độc. Thỉnh thoảng, tôi bị ngộ độc chừng 3 hay 4 năm, và rồi không bao giờ nữa. Tôi nghĩ rằng người ta có thể sống với nhau hạnh phúc hơn là tôi thường tin, nhưng tôi vẫn không cho rằng nó có thể là mãi mãi”. Còn hôn nhân thì sao? Là “món măng tây ăn cùng với xà lách trộn, cũng ngon đấy nhưng chả có gì quan trọng”.

    Thập niên 1960, Sagan tuyên bố mình chọn lập trường tả khuynh, vì “mốt” hơn là vì xu hướng chính trị thay đổi.

    Thập niên 1970, tóc bà đột nhiên chuyển từ màu nâu sang vàng hoe, bà càng muốn sống vội hơn nữa. Ðam mê đánh bạc mạnh thêm đến nỗi Bộ trưởng Nội Vụ phải tuyên bố cấm bà không được vào các sòng bài. Sau nhiều lần suýt chết vào năm 1978, bà bị chẩn đoán lầm là bị bệnh ung thư, bà ngưng uống rượu một thời gian.

    Trong thập niên 1990, có khoảng thời gian bà đâm ra sống đàng hoàng. Bà ủng hộ tổng thống xã hội Mitterand, bàn đến các vấn đề chính trị nghiêm túc, vận động cải cách chế độ lao tù, chống kỳ thị và chống chiến tranh. Năm 1994, tác phẩm Un chagrin de passage viết về một người đàn ông tiếp cận với nỗi cô đơn sau khi biết mình chỉ còn sống có 6 tháng trên đời, khiến người ta hy vọng bà sẽ trở lại với chuyện viết lách nghiêm túc. Nhưng thói nào tật đó. Dường như bà không thoát khỏi số phận của mình. Năm 2001, bà bị ra tòa vì tội trốn thuế và bị án một năm tù treo. Bản án khiến cho những người hâm mộ bà tức giận. Họ phát biểu: “Bà nợ tiền của Quốc Gia, nhưng nước Pháp còn nợ bà nhiều hơn nữa” [3]

    Cái nhìn của Sagan về chính bà và đời sống của mình rất thành thật. Trong Et toute ma sympathie (1993) ghi lại nhiều suy gẫm của bà, bà nhận xét mình là một “thứ đàn bà kỳ quặc, trẻ con và rối rắm. Dẫu vậy, bà không bao giờ thốt ra một lời tỏ ý tiếc về cách sống “vô độ”, không kiềm chế của mình nhưng thú nhận rằng bà chưa bao giờ thực sự trưởng thành. “Kết quả là tôi thực sự không hiểu những giá trị của người lớn và tôi sẽ không bao giờ (muốn) hiểu”. Khác với những người phụ nữ lớn tuổi, thường chọn hình thức thỏa hiệp và an phận, Sagan luôn luôn giữ cái nhìn của một đứa trẻ con, kinh ngạc, sắc sảo, bỡ ngỡ, sẵn sàng lao vào phung phá cuộc đời, khinh miệt những lợi lộc bản thân, chứa đựng một năng lực bền bỉ trong một thể chất mảnh dẻ khiến ta nghĩ rằng bà sẵn sàng chống báng lại mọi điều. Có lần, bà nói với một viên chức tư phá p điều tra rằng “Tôi tin rằng tôi có quyền tự hủy miễn là tôi không làm hại ai”.

    Ðược yêu cầu kể ra những nhân vật mà bà ngưỡng mộ nhất, bà trả lời: Nhiều, trong đó có Jean-Paul Sartre (1905-1980). Ðó là người mà bà giao du mật thiết cho đến lúc ông chết. Những ngày cuối đời, bà thường tìm đến thăm Sartre, lúc này đã mù, và dẫn ông đi chơi, đi ăn sáng, ăn tối. Trong Avec mon meilleur souvenir, un recueil de portraits (1984), bà dành cho triết gia này những giòng chân tình nhất: “Nói ngắn gọn, ông là người đã yêu mến, đã viết, đã chia sẻ, đã cho tất cả những gì gọi là quan trọng mà ông muốn cho, đồng thời, ông từ khước tất cả những gì hào nhoáng mà người ta dành cho ông (...) Sartre sinh ngày 21/6/1905, tôi sinh ngày 21/6/1935, nhưng tôi không nghĩ rằng – vả lại, tôi chẳng muốn nghĩ đến điều đó – tôi không nghĩ rằng tôi sẽ còn trải qua đến 30 năm nữa mà không có ông trên hành tinh này”.

    Những năm cuối đời, Sagan dường như không còn là Sagan nữa. Xương sọ vỡ. Bà chịu nhiều lần giải phẫu, ngồi xe lăn, chống nạng. Nợ nần chồng chất, bà phải bán căn nhà ở Normandie, và sống qua ngày ở nhà những người bạn. Cuối cùng, bệnh nặng quá, bạn bè đưa vào nhà thương. Và chết!

    Sagan được an táng tại ngôi làng Seuzac, gần Cajarc nơi bà chào đời, vào ngày 28/9/2004.

    *

    Ðấy, Françoise Sagan! Văn chương và đời sống. Dù ghét dù thương, hẳn mọi người đều nhận rằng bà đã viết và đã sống một cuộc đời ngay thẳng, minh bạch, không ngụy trang, giấu giếm.

    Dẫu vậy, cho đến cuối đời, người ta vẫn ngờ rằng có một cái gì khác nằm đàng sau con người nổi loạn, ngang tàng, trụy lạc đó. Cái gì? Bí ẩn nào? Tại sao? Nhà phê bình văn chương Pháp Bernard Poitrot-Delpech, khi nhắc đến “bí ẩn Sagan”, cho ta một câu trả lời giản dị, quá giản dị: “Bí ẩn Sagan? Ðơn giản biết bao, đó chỉ là nghệ thuật trở thành CHÍNH MÌNH, trên trang giấy trắng, trong cuộc đời” [4] (“Sagan, l’art d’être SOI”, Le Monde 25/9/04).

    Có đúng như thế không? Tùy!

    Thôi thì hãy đọc lại đoạn văn sau đây:

    “Seulement quand je suis dans mon lit, à l’aube, avec le seul bruit des voitures dans Paris, ma mémoire parfois me trahit: l’été revient et tous ses souvenirs. Anne, Anne! Je répète ce nom très bas et très longtemps dans le noir. Quelque chose monte alors en moi que j’accueille par son nom, les yeux fermés: Bonjour Tristesse.” [5] (tr. 180)

    Ðó là đoạn cuối trong Bonjour tristesse, một trong những đoạn văn đã để lại dấu ấn khó phai trong nền văn chương thế giới. Lần đó, đôi mắt cô bé Sagan chỉ khép nhẹ để chào nỗi buồn. Lần này, đôi mắt bà Sagan khép chặt vĩnh viễn. Nỗi buồn Sagan theo Sagan mà ra đi. Nhưng để lại một nỗi buồn khác: nỗi buồn của chính chúng ta. Notre tristesse!

    Xin chào vĩnh biệt, tiểu yêu nữ khả ái Françoise Sagan!

    Một lần nữa: BONJOUR TRISTESSE!




    Tham khảo:

    Bản tin của Reuters, AFP các ngày 24&25/9/04
    Eric Pace, “Françoise Sagan, Who had a Best Seller at 19 With “Bonjour Tristesse” Dies at 69”, New York Times 25/9/04
    Bernard Lehut, “Adieu Françoise, bonjour tristesse”, Le Monde 25/9/04
    Josyane Savigneau, “Sartre est né le juin 1905, moi le juin 1935”, Le Monde 25/9/04
    Bertrand Poirot-Delpech, “Sagan, l’art d’être SOI”, Le Monde 25/9/04
    Etienne de Montety, “Sagan: charmant petit monstre sacré”, Figaro Magazine 2/10/04
    Henry Haget, “Sagan et nous”, L’Express 27/9/04
    Alain Louyot, “Sa dernière interview à L’Express”, L’Express 27/9/04
    Ðặng Tiến, “Françoise Sagan, Buồn ơi vĩnh biệt”
    Françoise Sagan, “Bonjour tristesse”, Livre de poche, 1981
    Françoise Sagan (1935-2004), http://www.kirjasto.sci.fi/sagan.htm
    Adam Bernstein, “Françoise Sagan, Eccentric Writer Of 'Bonjour Tristesse,' Dies at 69”, Washington Post 27/9/04
    Katherine Pancol, “Sagan, une inoubliable légèreté”, Paris-Match 29/9/04
    Nguyễn Văn Lục, “20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975”, Hợp Lưu 79, tháng 10&11/2004


    [1]Pierre Choderlos de Laclos (1741 – 1803), nhà văn Pháp. Tác phẩm “Liaisons dangereuses” đạt được một thành công ngoại hạng và là một scandale thời đó.
    [2]Tout est fade après un tel livre.
    [3]Elle doit de l’argent à l’Etat mais la France lui doit beaucoup plus.
    [4]Le mystère Sagan? Tout simplement l’art d’être SOI, sur la page blanche, dans la vie.
    [5]Ðôi khi, chỉ khi tôi lên giường nằm ngủ vào lúc rạng đông, với tiếng động duy nhất là xe cộ chạy trong thành phố Paris, thì trí nhớ phản bội tôi: (tôi tưởng) mùa hè trở lại với tất cả những kỷ niệm (êm đềm) của nó. Anne, Anne! Tôi gọi thầm tên Anne nhiều lần, gọi rất lâu trong bóng tối. Có điều gì dâng lên trong lòng khi tôi đón nhận cái tên này, mắt tôi khép lại: Buồn ơi, chào mi!


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X