Thông báo

Collapse
No announcement yet.

sức nặng của cuộc sống

Collapse
X

sức nặng của cuộc sống

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • sức nặng của cuộc sống

    sức nặng của cuộc sống: về hy vọng, thang thoát hiểm và niềm tuyệt vọng hiển hiện

    Ocean Vương ♦ Chuyển ngữ: Ban Biên Tập



    Trời đang mùa đông ở New York. Ngày 8, tháng Một, 2014… Nhiệt độ mấy ngày nay xuống thấp và hôm nay tụt hẳn xuống 4 độ rét cóng. Lạnh quá không thể nào đi tản bộ được. Tôi đứng bên cửa sổ nhìn ra ngoài sân. Trời phủ sương mù suốt buổi sáng, màu trắng đục như sữa tràn xuống thấp đến nỗi toà nhà đối diện đã hoàn toàn biến mất, chỉ còn thấy cái thang thoát hiểm—treo lơ lửng trong không gian. Trông như bộ xương sống của một con vật trong thần thoại bị hoá thạch lúc đang vươn lên tận trời cao.

    Tôi tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu tôi mang cái thang thoát hiểm vào bên trong. Thật sự mà nói, cái cầu thang ấy sẽ như thế nào nếu tôi mang nó trên người tôi, trên nhân cách của tôi—ở chốn công cộng? Một cái thang thoát hiểm sẽ nghe ra như thế nào, giả dụ như tôi đem nó vào ngôn ngữ hằng ngày của mình—và giả dụ như tôi không cáo lỗi về điều đó? Có thể nào đây là một lý do khiến chúng ta sáng tạo nghệ thuật—lý do khiến chúng ta làm thơ? Để nói lên những điều không nói được? Tôi cũng không biết—nhưng tôi muốn tin là như thế. Nói cho cùng, bài thơ không bao giờ cần hắng giọng hay nói về thời tiết hoặc phân trần vì sao nó lại xuất hiện, và nó đang tìm kiếm điều gì. Bài thơ cũng không cần tác giả của nó lên tiếng. Sự quan trọng của nó bắt nguồn từ ước muốn hiện hữu bên ngoài ngôn ngữ thực tiễn. Nó chẳng có vốn liếng gì nhưng vẫn khăng khăng là mình rất xứng đáng. Tôi tìm đến bài thơ và ngay lập tức nó mời gọi tôi đối thoại với cái tôi bí mật của một kẻ nào, cái tôi được bảo bọc khỏi dư luận và sự khao khát của chính nó về một trật tự thông qua việc triệt tiêu cảm xúc. “Tại sao, với tư cách là thi sĩ, Carl Phillips nói, [chúng ta phải] tự lột trần truồng ra, và như vậy đã khiến những điều khó hiểu trở nên lồ lộ thay vì làm thoả mãn hầu hết mọi người bằng cách che giấu chúng? Bởi chưng thơ ca là điều không những nhắc nhở rằng chúng ta là con người, mà còn giúp chúng ta đừng quên điều đó có nghĩa là gì”. Như thế, bài thơ còn hơn là một trang giấy và chữ nghĩa, hơn những động tác lập lờ của những kẻ có học thức, nó là sự mời gọi đến một cuộc đối thoại riêng tư và cần thiết hơn. Tôi tiến gần đến nó tựa hồ như đang leo lên những bậc thang thoát hoả hoạn của một ai đó—tôi leo lên hay leo xuống, đó là chuyện giữa tôi, người đọc và nhà thơ. Và cũng có thể không có gì đang cháy cả. Có thể chúng ta đang ở trên đó để ngắm cảnh. Nhưng ở trên đó chính là điều tôi tự hỏi, dẫu e rằng có thể là thắc mắc hơi quá đáng, nếu một cái thang thoát hiểm có thể làm thành một nhịp cầu thì sao?

    Ocean, con nghĩ là lớn lên con sẽ muốn làm gì?
    Con muốn trở thành một chiếc xe.
    Sao vậy? Con mà thành chiếc xe sao được; con phải trở thành một con người.
    Dạ. Con muốn trở thành mẹ. Mẹ đi nhanh lắm. Như một chiếc xe.
    *
    Ở Boston. Ngày 22, tháng Bảy, 1975. Một vụ hoả hoạn bùng phát tại khu ổ chuột trên đường Marlborough. Đứng trên thang thoát hiểm ở tầng thứ năm của toà nhà, chờ thang cấp cứu của xe cứu hoả, là Diana Bryant, 19 tuổi, cùng đứa con gái mới 2 tuổi của cô tên Tiare Jones. Thang cấp cứu chưa kịp bắc lên thì cái thang thoát hiểm đã sập xuống. Ngay lúc đó, Stanley Forman, một phóng viên nhiếp ảnh chuyên tường trình về các vụ hoả hoạn ở Boston, đưa máy ảnh từ dưới đường lên, chụp được cảnh hai mẹ con đang rơi xuống. Diana tử nạn vì bị chấn thương—còn Tiare sống sót nhờ ngã trên người mẹ. Bức ảnh của Stanley về sau đoạt giải Pulitzer 1976 dành cho hạng mục Nhiếp Ảnh Thông Tin Xuất Sắc và danh hiệu Ảnh Báo Chí Thế Giới Trong Năm.

    Tấm ảnh cho thấy Diana đang rơi chúi đầu xuống. Con gái cô, thân hình thẳng đứng, ngay phía sau cô. Tứ chi của hai mẹ con khuỳnh ra và nhạt nhoà vì sức kéo của trọng lực. Rơi xuống cùng với họ là những chậu hoa. Các mảnh sắt từ cái thang thoát hiểm nằm vắt vẻo bên hông toà nhà. Đó là một bức ảnh của nỗi kinh hoàng và khẩn cấp đau lòng, cho thấy một phụ nữ trong giây phút sinh tử. Và tôi tự hỏi không biết sự mê hoặc đó là chính cái chết—hay cũng có thể là sự thất bại của một dụng cụ làm ra để ngăn chặn sự chết chóc. Rằng chúng ta đã trốn chạy khỏi đám cháy mà rốt cục vẫn bị tàn lụi bằng phương tiện thoát hiểm đó. Rằng khái niệm cuối cùng của chúng ta về sự an toàn, kế hoạch B, kế hoạch phòng hờ, cũng đã bị tan tành khi chúng ta cần đến nó nhất. Trong một ý nghĩa nào đó, bức ảnh đã cho thấy thật rõ ràng điều chúng ta không phải lúc nào cũng có thể bảo nhau mà không sợ “làm cụt hứng”: Tôi vẫn có thể bị tổn thương ngay cả lúc tôi đáng được an toàn.

    Tôi lại nghĩ đến các chậu hoa. Tôi tưởng tượng Diana đang cho những sinh vật xanh tươi vào đất mới rồi đặt chúng trên cái thang thoát hiểm. Cô hẳn đã thấy vui sướng ngần nào khi làm cho không gian của riêng mình được đẹp hơn như thế. Và chính tôi nữa, làm thế nào tôi có thể khiến cho mọi điều được đẹp đẽ (chịu đựng được?) hơn một chút? Tôi nghĩ đến sự khó khăn khi nói thẳng với ai, mặt đối mặt, về sự sụp đổ. Tôi nghĩ đến cậu tôi trong quán cà-phê. Ông hẳn đã cảm thấy hoang mang đến độ nào—khi rơi tuột xuống như thế mà không thể nói điều đó. Làm thế nào mà chúng ta đã đến với một nền văn hoá, trong đó nói đến những chuyện không vui là một điều cấm kỵ? Chúng ta hãy nói chuyện gì khác đi, chuyện gì vui vui ấy. Để chuyện này lúc khác hãy nói, chúng ta thường bảo nhau thế. Làm ơn đừng nói bây giờ, trong bữa ăn tối như thế này.

    Giới hạn ngôn ngữ của tôi có nghĩa là giới hạn trong thế giới của tôi, Wittgenstein đã bảo vậy. Và nếu chúng ta cứ tiếp tục kiểm duyệt những mẩu đối thoại sinh động nhất của mình, thế giới của chúng ta chỉ càng ngày càng nhỏ đi mà thôi. Về điểm này, một bài thơ không cần được chấp nhận trong bữa ăn tối của người nào cả. Nó đối thoại với bất cứ ai chịu lắng nghe, với bất cứ ai cần đến nó. Nhưng trên hết, nó tránh những câu trả lời dễ dãi, những kết luận bị giới hạn hay bị đè nén. Và có lẽ tất cả những gì một bài thơ có thể làm được là nhắc nhở rằng chúng ta không đơn độc—trong cảm xúc của chính mình. Và có lẽ điều đó không là gì cả. Mà cũng có lẽ điều đó đã là quá đủ. Dù vậy, không thể nào biết được việc dính líu đến thơ ca có thể đã cứu được mạng sống của cậu tôi hay không. Cũng có thể. Mà cũng không có thể. Nhưng tôi ao ước giá mình đã tìm được cách nào để tâm tình với ông nhiều hơn về điều đó, để có can đảm đối thoại trên băng tần khẩn trương mở rộng đó. Rằng chúng tôi đã có thể tin cậy lẫn nhau trong sự yếu đuối và biết được, là con người, chúng ta phần nào vẫn bị hư hao, cho dù đã cố gắng hết sức. Tôi chưa bao giờ có thể giải thích với ông tôi thực sự làm gì—với thơ ca và ngôn từ. Gia đình tôi gọi tôi là một học giả vì những người như vậy rất được trọng nể ở Việt Nam. Vì đã mất mát quá nhiều, họ muốn, một cách tuyệt vọng, có được điều gì để lấy làm hãnh diện. Làm sao tôi có thể nói với những người thân của tôi rằng tôi đã bỏ ra hàng giờ, hàng tháng trời để viết nên những bài thơ mà ít ai đọc đến—và hầu như chẳng kiếm được đồng nào để khoe với họ? Tôi rất ngại phải phân bua về chuyện viết lách của mình, e rằng làm vậy sẽ làm ô uế đi hình ảnh đáng ngưỡng mộ mà họ vẫn dành cho tôi. Nhiều gia đình khác hy sinh tất cả để có được những luật sư! cậu tôi vẫn thường nói thế trong những lúc gia đình tụ tập với nhau, tay cầm một chai Heineken và gương mặt ông rạng rỡ vì thích thú. Vậy mà trong nhà này, chúng ta hy sinh để có một học giả. Chúng ta có thể nghèo nhưng chúng ta sẽ sống mãi trong sách vở!

    Có một thế giới khác
    nhưng nó ở ngay trong thế giới này
    Eluard
    *
    Tôi nói về thơ ca vì đó là phương tiện tôi thấy gần gũi nhất. Nhưng điều tôi muốn nói là tất cả các hình thức nghệ thuật, nếu muốn, có thể tạo ra không gian cho những cuộc đối thoại thiết yếu nhất của chúng ta. Nhân vật trong tiểu thuyết, những nét cọ trong một bức tranh, tính cấp thiết về xúc giác của nó, bức tượng Madonna làm bằng hạt cho chim ăn, đã bị ăn mất một phần và teo lại thành một mảnh nhỏ vàng xỉn dưới cơn mưa. Tôi muốn tin rằng có những điều chúng ta có thể nói mà không cần đến ngôn ngữ. Và tôi cho rằng đó là chỗ mà cái thang thoát hiểm được gắn vào, một chỗ không bị ràng buộc gì về thể loại hay những giới hạn vật lý đối với các dụng cụ của người nghệ sĩ. Một chỗ có tiềm năng thuần tuý, đầy những điều có thể, nơi những ước vọng của chúng ta cùng vô số những khoái lạc lạ lùng, dẫu có phù du đến mấy, vẫn vô định hình và chống lại những hư mòn do thế giới hữu lý gây nên.

    Và tuy thế, trong thời điểm mà dư luận dường như vẫn hoài nghi về sức mạnh và giá trị của nghệ thuật, đặc biệt là thơ ca, nhu cầu của nó, mục đích của nó, trong một thế hệ bị ám ảnh về bề ngoài, về việc tiến thân và những tấm ảnh tự chụp thấm đẫm (hay được sửa lại?) trong độ sáng chói lọi qua những màng lọc, trong đó càng ngày chúng ta càng thấy khó nói lớn lên với nhau: Tôi bị tổn thương. Tôi sợ hãi. Và điều gì xảy ra? Bài thơ, như cái thang thoát hiểm, cũng yếu ớt và mỏng manh như thế, đã trở thành cơ cấu kiến trúc phản kháng tập trung nhất của tôi. Một nơi tôi có thể được thành thật như mình muốn—vì cơn hoả hoạn đã bắt đầu trong nhà tôi, thiêu rụi tất cả những của cải quý báu nhất của tôi—và cả những người thân yêu của tôi. Cậu tôi không còn nữa. Tôi sẽ không bao giờ thật sự biết được vì sao. Nhưng tôi vẫn còn lại hình hài của mình và cùng với nó là những ngôn từ này, được đóng bằng búa vào một cái khung vừa đủ rộng để giữ được trọng lượng của cuộc tồn sinh của tôi. Tôi muốn dùng nó để nói về những ám ảnh và những nỗi sợ hãi của mình, cũng như những niềm vui kỳ quặc không giống ai của tôi. Tôi muốn rời khỏi buổi tiệc bằng cách leo qua cửa sổ để tìm thấy cậu tôi đang đứng trên một mảnh sắt có hình thù của niềm tuyệt vọng hiển hiện, mà cũng chính là (làm sao lại không như thế?) sự bắt đầu của niềm hy vọng ngay trước mắt. Tôi muốn đứng đó cho đến khi toà nhà hoàn toàn bị cháy rụi. Tôi muốn yêu thương nhiều hơn là cái chết có thể gây tổn hại. Và tôi muốn nói đi nói lại điều này với mọi người: Rằng cho dẫu rất là con người và rất hoảng sợ, ngay chỗ này, đứng trên cái cầu thang còn dang dở không dẫn đến đâu nhưng đồng thời cũng dẫn đến mọi chốn, vây quanh là cái lạnh của một đêm không trăng sao—chúng ta có thể sống. Và chúng ta sẽ sống.

    Ocean Vuong

    damau.org



    Nguồn: The Weight of Our Living: On Hope, Fire Escapes, and Visible Desperation, (The Rumpus, Aug. 28, 2014).


  • #2
    Mèn đét! Đọc thoáng qua bài này, hông hiểu gì hết ráo... Đọc kỷ lại cũng chẳng hiểu chi mô, bị vertigo ngã cái bịch xuống đất...

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X