Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Trần Trung Đạo: Nước và Sông

Collapse
X

Trần Trung Đạo: Nước và Sông

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Trần Trung Đạo: Nước và Sông

    Trần Trung Đạo: Nước và Sông




    Hình minh họa: Nguyễn Quang Vinh
    Một lần, hai anh em ngồi uống cà phê trong dịp tôi đến California, nhà thơ Nguyễn Thanh Huy của Việt Báo tại California bảo tôi “Hòa thượng … buồn em.” (Anh có nói pháp hiệu của thầy nhưng tôi không viết ra đây). “Thầy nói cho vui thôi.” Anh trấn an ngay vì ngại tôi lo lắng.


    “Chắc là có buồn thật mà buồn chuyện gì vậy anh?” Tôi thắc mắc. “Thầy bảo em viết trong sách là chưa bao giờ ngồi nghe hết một buổi thuyết pháp của các thầy.” Nói xong anh cười lớn. “Các thầy đều đọc, thương và biết em rất rõ, đừng suy nghĩ gì, thầy chỉ nói cho vui thôi.” Anh an ủi.

    Tôi không viết thư, gọi điện thoại hay bạch với thầy trong những lần được đảnh lễ để giải thích vì tôi biết thầy không xem đó là quan trọng. Các thầy hiểu tánh tôi và biết rõ những công việc tôi làm. Gọi thầy để giải thích là quan trọng hóa một tiểu tiết và làm trần tục đi một tình cảm vốn đã thiêng liêng. Tác phẩm in 17 năm trước. Bây giờ chắc thầy và anh Nguyễn Thanh Huy đều quên rồi. Nhưng tôi vẫn nhớ mình đã viết vậy và có lý do.

    Chuyện là thế này.

    Những ngày ở Viên Giác, tôi thường đứng sau lưng quạt cho các thầy thuyết pháp. Khi các thầy đi giảng ở các quận, chúng tôi, các chú tiểu và tôi, cũng được đi theo. Các anh hay các chú lớn phải ở lại chùa để làm các công việc nặng như gánh nước, trồng khoai, làm đậu. Gọi là “được” cho đúng lễ, thật ra là “bị”. Con nít mà, chẳng chú hay em nào cảm thấy sung sướng được đứng quạt đến nhức cả cổ tay.

    Các buổi thuyết pháp thường kéo dài cả tiếng đồng hồ. Trong phái đoàn của giáo hội tỉnh, không chỉ thầy trụ trì mà còn nhiều bậc tôn đức từ các chùa khác. Các thầy thuyết pháp rất hay nhưng cũng rất lâu. Các chú tiểu và tôi thay phiên quạt cho các thầy. Không phải chỉ quạt cho đúng lễ nghi mà phải quạt cho thầy mát vì trời rất nóng. Tôi quạt chừng nửa tiếng thì mỏi tay và một chú tiểu vào thay. Và cứ thế chúng tôi thay phiên nhau quạt và vì thay phiên nên tôi chưa bao giờ nghe trọn một buổi thuyết pháp của các thầy.

    Lý do theo nghĩa đen hay nghĩa bóng gì cũng đơn giản là vậy nhưng giải thích thì rất dông dài.

    Vào đại học tôi cũng được ngồi nghe nhiều buổi giảng nhưng không còn là “thuyết pháp” mà là những buổi giảng chuyên đề về tôn giáo, văn hóa hay lịch sử.

    Dù sao tôi vẫn biết mình có lỗi. Lẽ ra tôi không nên viết một cách mơ hồ và tối nghĩa để thầy và có thể nhiều độc giả khác “buồn”.

    Các tác giả, thơ cũng văn thường gom góp những câu mình thích nhất hay đại diện gần nhất cho quan điểm của họ về các lãnh vực của đời sống để khi cần thì trích dẫn cho dễ và nhanh. Tôi cũng bắt chước làm theo.

    Một ngày tôi ngồi lướt qua những bài viết của mình và gom những câu đại diện đó thành một bài dài.

    Những câu trong lãnh vực chính trị xã hội như:

    “Một dân tộc không thể vượt qua nếu mỗi người không vượt qua được chính mình.”

    “Văn hóa của một dân tộc không chỉ nằm trong sách vở mà còn trong máu, trong suy nghĩ, trong nhận thức được truyền thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ kỷ nguyên này sang kỷ nguyên khác, ngay cả khi một tác phẩm bị đem đi đốt cũng đã có một tác phẩm mới đang thai nghén trong lòng của một tác giả nào đó.”

    “Người bình thường chỉ biết nhìn một biến cố từ hậu quả nhưng người có ý thức phải hiểu nguyên nhân, bởi vì mọi việc xảy ra trên đời mọi sự vật có mặt trên đời đều có nguyên nhân.”

    “Chúng ta có nhiều quá khứ nhưng đất nước chỉ có một tương lai.”

    “Nỗi đau sẽ không dứt nếu không biết tại sao đau.”

    “Không phải người đi xa mới thấm thía nỗi đau của kẻ thiếu quê hương mà cả những người đang sống trên đất nước vẫn đi tìm kiếm quê hương. Và quê hương chúng tôi đang tìm kiếm không chỉ là núi đồi, sông biển, ruộng vườn, cây trái nhưng là một quê hương có khối óc tự do, có tâm hồn nhân bản, có trái tim dân chủ, có đôi chân tiến về phía trước và đôi tay kiến tạo một xã hội thanh bình thịnh vượng cho mãi mãi Việt Nam.”

    “Chúng ta học những bài học đắng cay của cha ông chúng ta một cách nghiêm túc, chân thành và trân trọng. Nhưng không phải học để rồi khóc than thương tiếc hay đào sâu hận thù tôn giáo mà để từ đó xây dựng một Việt Nam thương yêu, đoàn kết trong tương lai, kính Chúa nếu là con cái Chúa, kính Phật nếu là đệ tử Phật, tương kính đạo của nhau giữa những người khác đạo, và biết vượt qua mọi khó khăn để gìn giữ căn nhà chung của mẹ Việt Nam.”

    “Lịch sử để lại cho thế hệ trẻ Việt Nam một chiếc áo rách và một cuộn tơ rối để may chiếc áo mới, nhưng từ cuộn tơ rối vò kia cho đến khi thành chiếc áo là một quá trình dài, đòi hỏi ở các em không chỉ lòng yêu nước, sự kiên nhẫn mà còn phải có một suy nghĩ độc lập, khách quan khi đánh giá những vấn đề thuộc về quá khứ trên con đường đi đến tương lai.”

    Hay về tôn giáo như:

    “Tượng Phật không phải Phật. Hình tượng chỉ để nhắc nhở. Phật trong tâm, trong suy nghĩ có tánh thiện, trong nhận thức, và vì thế, Phật ở mọi nơi, khoảnh khắc ta nghĩ đến Phật là lúc Phật hiện ra trong ta, bất cứ nơi nào, bất cứ hoàn cảnh nào.”

    “Tôn giáo là ngưỡng cửa đi vào thế giới tâm linh. Mỗi dân tộc, mỗi quốc gia, mỗi nền văn hóa có một ngưỡng cửa riêng. Người dân trên các hải đảo xa xôi không tiếp xúc với đời sống mà chúng ta gọi là “văn minh nhân loại” không có nghĩa là họ không có niềm tin tôn giáo. Họ và chúng ta chỉ khác cách thực tập và áp dụng niềm tin tôn giáo vào cuộc sống.”

    “Thế giới con người sẽ tận diệt nếu một ngày tình thương không thắng được hận thù.”

    “Bước vào tiệm bán đồ kỷ niệm cho du khách ở nhiều nơi trên xứ Ấn, hình ảnh được trưng bày nhiều nhất cũng là đức Phật. Khuôn mặt bao dung, nụ cười nhân hậu của ngài rất thu hút khách thập phương. Nhưng di sản của đức Phật để lại cho chúng ta không phải là khuôn mặt bao dung, nụ cười nhân hậu hay ngay cả đền đài mà là những lời dạy của ngài.”

    “Đạo Phật là đạo của con người với các giá trị tình thương và sự thật nhưng để mang tình thương và sự thật đến cho con người, Phật Giáo cũng cần thay đổi cách hoằng dương.”

    “Đến chùa không phải để “gặp Phật” mà gặp lại chính mình.”

    “Các tôn giáo có nhiều bài giảng dạy về cách làm thế nào để vượt qua định kiến, nhưng định kiến không thể vượt qua chỉ bằng nghe giảng mà là sống, chiêm nghiệm, thực hành những đổi thay từ trong chính bản thân mình.”

    Hay trong lãnh vực đạo đức, nhân văn như:

    “Dòng đời như sợi tơ dài, những người đã đến và đi nhiều khi không để lại nhiều dấu tích nhưng thiếu họ sợi tơ có thể đã đứt đi một quãng. Họ là những chiếc gút nối lại những hoàn cảnh khó khăn, chiếc cầu bắc qua những chặng thăng trầm và chúng ta nên luôn tri ân họ như cành hoa biết cám ơn những giọt sương mai nhỏ xuống cuộc đời mình.”

    “Nét đẹp không phải tìm đâu xa mà có thể ngay tại nơi tôi đang đứng và nét đẹp cũng không chỉ có trong riêng ai mà trong mỗi con người.”

    “Trái đất không chỉ là của con người mà là của muôn loài.”

    “Tôi chỉ là hạt bụi trong trần gian mênh mông nhưng cũng học được một lời dạy của Đức Phật rằng phải biết cám ơn mọi người, mọi vật đã giúp cho ta sống trọn vẹn kiếp con người. Không ai có thể làm nên mọi thứ, con người tồn tại nhờ nương tựa vào nhau, bổ sung những ưu khuyết của nhau.”

    “Thế giới không hoàn hảo nhưng tồn tại và luôn vươn lên nhờ trách nhiệm tự nhiên của mỗi con người điền khuyết cho nhau những thiếu sót, lỡ lầm.”

    “Những chiếc lá của mùa thu cũ đã phai nhưng để lại mầm xanh cho mùa xuân sẽ tới.”

    “Giữa một xã hội còn quá nhiều dị biệt, đôi khi một việc làm nhỏ cũng có thể giúp một người thay đổi quan niệm sống cả phần đời còn lại.”

    “Mọi thối nát mang tính bản chất đều dẫn đến sụp đổ.”

    “Phương pháp đầu tư hữu hiệu nhất và sẽ tạo nên một truyền thống tốt đẹp cho nhiều thế hệ trong gia đình để vượt qua và để vươn lên là đầu tư giáo dục.”

    “Thời gian vẫn trôi qua dù chúng ta không làm gì cả.”

    “Đừng xa lánh nhau chỉ vì màu da, màu áo, sắc tộc, tôn giáo bởi vì trên tất cả, chúng ta là những con người và tình người vốn không màu.”

    “Trong cơn bão của cuộc đời, tất cả đều sẽ bị cuốn đi xa chỉ tình yêu còn lại.”

    “Mỗi việc thiện chúng ta làm là một hạt giống gieo xuống cánh đồng, một ngày hạt giống sẽ nở ra, sẽ lớn lên và sẽ đơm bông.”

    “Nghĩ cho cùng, không chỉ người không nhà kia, mà mỗi chúng ta cũng thế, trên vai lúc nào cũng một gánh nặng nề đầy những lo toan, tính toán, tranh giành, thù hằn, ganh tỵ, và đừng tưởng chúng ta biết được tương lai. Không. Không ai biết chuyện gì sẽ đến cho mình hôm sau. Chúng ta cũng đều là những kẻ không nhà như ông thôi.”

    “Im lặng không phải bao giờ cũng là một thái độ tiêu cực hay đồng ý với một lời phê phán mà trong nhiều trường hợp lại là cách phản đối tích cực nhất. Im lặng để theo đuổi ước mơ, tâm nguyện và lý tưởng của đời mình. Đường còn xa, không nên vì vài ổ gà, mô đất hay dăm cây gai mà thoái chí hay dừng lại.”

    “Không nên lấy đời mình làm thước đo cho chiều dài lịch sử.”

    “Chúng ta phải tự vượt qua, phải sống thật. Nếu mỗi chúng ta không vượt qua được những yếu tố tiêu cực của bản thân mình, rồi những “niềm tin”, “quyết tâm”, “đoàn kết” chỉ là sáo ngữ. Hãy đi. Hãy để lại dấu chân mình trên con đường trước mặt.”

    “Tôi thường im lặng trước các cuộc cãi vã không dẫn tới một hứa hẹn nào nhưng im lặng không có nghĩa là cầu an mà là kiên nhẫn.”

    “Lòng mẹ như dòng sông chảy qua những chặng gian nan nhưng không dội lại tiếng than nào.”

    Các bài viết trong các lãnh vực khác cũng có rất nhiều câu có ý nghĩa căn dặn chính mình như thế.

    Nếu gom lại có thể in một tác phẩm nhỏ. Trong lúc đang tóm tắt tôi dừng để đọc lại và bỏ ngay ý định viết thành bài hay in thành sách. Tôi không trích tiếp nữa.

    Lý do, những câu văn hay đó không phải là những suy nghĩ của riêng tôi. Đó là những lời dạy, những bài thuyết pháp, những mẩu đối thoại, những câu chuyện, những lời dặn dò, những tác phẩm, những thông điệp mà chư tôn đức đã trao cho tôi trực tiếp hay gián tiếp trong chặng đường dài tôi đã đi qua.

    Khi ngồi nhớ lại đời mình, chư tôn đức là hàng cây tôi dựa nhiều nhất từ khi phát nguyện vào Gia Đình Phật Tử ở chùa Ba Phong năm bảy tuổi đến giờ.

    Sau khi cha tôi ra đi tôi không còn ai cả. Nhà cháy. Bà con ly tán. Từ đó, bóng mát che nắng cho tôi, suối mát làm dịu tâm hồn đại hạn của tôi đều phát xuất từ tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật. Nếu không có Đạo Phật thật khó hình dung đời tôi sẽ ra sao giữa bao nhiêu chiến tranh và tàn phá.

    Lời dạy của các thầy là những hạt giống quý giá và những hạt giống đó đọng lại trong nhận thức tôi, nẩy mầm và lớn lên trong tâm hồn tôi nên tôi cứ tưởng là của tôi. Thật ra không phải. Tôi chỉ là một nhánh sông nhỏ và lời dạy của chư tôn đức là nước.

    Nhánh sông đời tôi một ngày sẽ cạn khô nhưng dòng sông Hằng sẽ còn chảy mãi. Những hạt giống qua Nhân Duyên đến với tôi, hôm qua, hôm nay, có thể ngày mai sẽ chảy qua tâm hồn nhiều người khác, nhiều thế hệ khác, không nhất thiết phải là Phật tử, và cứ thế luân lưu một dòng nước Từ Bi mầu nhiệm êm đềm.

    Con đảnh lễ và biết ơn chư tôn đức.

    Thị Nghĩa Trần Trung Đạo

    Hoằng Pháp



Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X