Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Xóm Nhà Tôi

Collapse
X

Xóm Nhà Tôi

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Xóm Nhà Tôi

    Xóm Nhà Tôi
    Tạ Tỵ

    GỬI

    (Viết trong thời gian lưu vong nơi đất khách)
    Tôi cảm thấy có bổn phận phải thưa trước với Bạn đọc rằng, những đoản văn và truyện được sưu tập trong tuyển tập này, đều đã đăng tải trên các Tạp Chí tại Mỹ cũng như Gia-Nã-Đại, Tây Đức và Úc Đại Lợi…v..v... Mỗi bài viết như một bông hoa nở đơn độc và cách khoảng thời gian khá xa. Mỗi đóa được cắm vào chiếc bình khác nhau, cũng như không cùng chung một không gian vậy. Có bông đẹp, có bông xấu, nhưng đối với riêng tôi, nó là tinh huyết, là sự trăn trở nhục nhằn qua những đêm dài mất ngủ, qua bao nhiêu suy nghĩ để trút xuống mặt giấy từng dòng nhớ thương lãng đãng!

    Tôi viết văn, tức đã thú nhận phần nào sự bất lực của con người trước cuộc sống, do vậy, nếu chữ nghĩa có dẫn dắt Bạn đọc đến những giận hờn nào đó, cũng chi là sự cưỡng chống gián tiếp giữa ước mơ và thực tại.

    Nói đúng ra, trong mười hai bài được in trong sách hòan tòan không phải chúng là truyện ngắn, theo đứng nghĩa của nó. Chính thực, trong đó, có vài bài được viết dưới thể dạng nửa Tùy Bút, nửa Tạp Văn nhằm giãi bầy tâm sự !...

    Nhà văn không phải thần thánh cũng chẳng là tên phù thủy chuyên sai khiến lũ âm binh chữ nghĩa, Nhà văn cũng là người như mọi người, nghĩa là muốn tồn tại, vẫn phải ăn, phải thở, phải nói, phải cười, phải khóc, phải căm giận và oán thù những gì nó làm cho đời sống xấu đi, hoặc hạ thấp giá trị con người xuống hàng thú vật. Do đó, nếu Bạn đọc có bắt gặp đó đây những ngôn từ thô bạo, cũng nhằm mục đích nói lên tự đáy lòng, sự không chấp nhận cái chế độ Cộng Sản phi nhân cũng như cung cách đối xử của các viên chức quản trị tại các Trại Tỵ Nạn bất cứ ở đâu, đối với những kẻ đánh mất quê hương, sống cuộc đời vô Tổ Quốc chẳng biết đến bao giờ?

    Quả thực, không bao giờ tôi dám mơ ước, văn chương có thể cải tạo được đời sống, dù rằng, người xưa có nói: "văn dĩ tải đạo", nhưng cái ngôn từ cao quý đó đã bị xóa nhòa bởi những hỗn tạp, xô bồ do cuộc sống đẩy đưa mà người ta gọi là Tiến Hoá, là bước đi của Lịch Sử cũng như Văn Học!

    Chúng ta đang sống những năm cuối của Thế kỷ hai mươi, một Thế kỷ qua đi với muôn vạn nhục nhằn, thống khổ, chẳng riêng gì Việt Nam mà cả nhân loại gánh chịu, Nào Đệ Nhất Thế Chiến đến Đệ Nhị Thế Chiến và kết thúc bằng hai trái bom nguyên tử làm tiêu tan hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản với rất nhiều xác chết và hệ lụy theo sau... Cuộc chiến trên ba mươi năm tại Việt Nam cũng làm thương vong gần hai triệu thanh niên, gồm cả hai miền Nam, Bắc.

    Ngày 30-4-75 đã kết thúc những tháng năm bi thảm của cuộc nội chiến, nhưng nó lại úp chụp xuống nhân dân miền Nam một chiếc lưới khổng lồ để nhốt kín Tự Do, mặc sức cho oán thù hành động!... Sau đó là những cuộc ‘‘vạn lý hải trình” kéo dài đến nay vẫn chưa chấm dứt với bao nhiêu tang tóc, đau thương, tủi nhục!... Ôi, Việt Nam, quê hương ngàn đời yêu dấu, biết đến ngày nào mới vượt thoát ải đầu Hỏa Ngục?

    Những bài viết của tôi không hoàn toàn hư cấu mà cũng chẳng là sự thực trăm phần trăm, chi biết mỗi truyện đều được thực hiện bằng chất liệu do cuộc sống cung cấp, còn phần hư cấu thuộc về kỹ thuật hành văn. Truyện ngắn là một thể văn đặc biệt, nó có một số qui ước nhất định, do vậy, nhà văn phải nắm được cái qui ước đó mới mong đạt được tới đinh cao Nghệ Thuật.

    Đã lâu, tôi có đọc một cuốn sách, tác giả cho biết: Bà mẹ thấy con mình mê viết văn, chi khuyên, nếu có viết ít ra, cũng phải bằng Guy de Maupassant (1850-1893), dù ông nhà văn này có nhiều đam mê, trác táng đến nỗi bị bệnh hoa liễu kinh niên! Guy de Maupassant, một văn tài lỗi lạc của nước Pháp ở thế kỷ 19 chuyên viết truyện ngắn và truyện vừa, chứ không viết tiểu thuyết trường giang như các nhà văn khác. Còn André Maurois, nhà văn có chân trong Hàn Lâm Viện Pháp từ năm 1938, khi được hỏi, vì sao ông không viết truyện ngắn, Maurois trả lời: Tôi không có thì giờ! Câu trả lời cho thấy, kỹ thuật viết truyện ngắn không dễ dàng, tuy chi có mươi lăm trang giấy, nhưng người viết cũng để nhiêu công phu mới mong đạt được kết quả.

    Lập luận như trên để chứng minh, ở mỗi khu vực chuyên biệt trang văn chương đều có những khó khăn và hứng thú riêng của nó!

    Sau hơn bảy năm dài, sống đời lưu vong, tôi chi viết được mười hai đoản văn chứa đựng trong cuốn sách này. Chúng là mười hai bông hoa do tôi thu góp lại, cắm vào chiếc bình Văn Học để làm quà tặng quý Bạn có lòng yêu mến chữ nghĩa Việt-Nam.

    San Diego, ngày 1 tháng 8-1990
    Tạ Tỵ
    ____________________
    Xóm Nhà Tôi



    TÔI trở về vào một buổi tối, sau bốn ngày đêm vật vã trên con tầu ậm ạch suốt một ngàn tám trăm cây số đường dài. Con tầu đưa tôi từ Hà-Nội trở về miền Nam do nước Cộng Sản anh em Bulgarie chi viện. Toa tầu tương đối sạch sẽ hơn con tầu Pháp thuộc thuở xưa đôi chút. Những chiếc bóng đèn đã bị tháo gỡ mất phân nửa, nên toa tầu cũng chẳng sáng được bao nhiêu trong đêm. Tôi nhìn lên chiếc đồng hồ treo cao nơi sân ga, kim chi 20 giờ thiếu 15. Con tầu xuyên Việt sẽ khởi hành đúng 20 giờ 30 phút. Khi tầu chuyển bánh bỗng có nhiều cô gái, mỗi cô ôm một gói đồ chạy sầm sầm lên toa rồi dúi nhanh vào gầm ghế, nơi dành riêng cho những người cải tạo trở về. Chỗ tôi ngồi cũng bị nhét hai gói to, choán cả chỗ đặt chân, tôi cau mặt tỏ ý phản đối, nhưng cô gái nhoẻn cười:

    - Thôi mà anh, thông cảm chút, chỗ các anh ngồi Công An không khám đâu, để tụi em kiếm tí cơm!

    Tôi biết đó là những món đồ lậu thuế, mang từ Bắc vô Nam theo luật cung cầu. Khi những cô gái ôm đồ lên toa, không phải chi có chúng tôi, những người tù trong các Trại Cải Tạo được tha về, mà có sự hiện diện của nhiều kiểm soát viên đeo băng đô thuộc cơ quan đường sắt. Họ có đó, nhưng không nói gì. Chắc chắn đã có sự thoả thuận về vấn đề chia chác. Còn Công An, chỗ nào và nơi nào tôi cũng nhìn thấy những bộ đồng phục mầu vàng úa với đôi dép nhựa. Nhà nước Cộng Sản cai trị bằng một hệ thống Công An dầy đặc cả công khai lẫn bí mật. Khi còn ở trong Trại Cải Tạo, một tên Công An đã nói cho tôi biết, quân số Công An hiện nay nhiều gấp đôi quân số bộ đội. Khi trước, tôi thường nghĩ, dưới chế độ Cộng Sản, mọi người đều phải làm ăn lương thiện, ai ngờ, chưa bao giờ miền Bắc lại có nhiều dân buôn lậu như bây giờ. Danh từ chuyên môn gọi là "chui". Chắc kinh nghiệm đã cho họ biết, chỗ dành riêng này chẳng còn gì để khám xét, vì tất cả những gì cần lấy, Cộng Sản đã lấy hết từ sáu năm qua, bây giờ chúng tôi mỗi người chỉ còn một túi nhỏ, đựng vài chiếc quần áo cũ và ít đồ tùy thân thực sự cần thiết. Tên Công An có nhiệm vụ áp tải chúng tôi từ Trại giam tới nhà ga và đưa ra tầu, đứng dưới “ke” với tay lên cao nói: “Từ giờ phút này, các anh được tự do!”. Con tầu bắt đầu di chuyển, nhanh dần, sau tiếng còi rúc vang. Hắn lao người vào đám đông, chỉ một thoáng chiếc thân hình nhỏ thó đã mất hút.

    Con tầu rời khỏi ga, vẫn nhà ga cũ kỹ, tuy bề mặt đã được sửa chữa, xây cất, sơn phết cho ra vẻ một nhà ga của Thủ đô vừa chiến thắng Đế Quốc và Miền Nam, nhưng bên trong vẫn ngần ấy khung cảnh phơi bầy sự nghèo nàn, nhơm nhếch, thiếu văn minh, từ con người tới sự vật.

    Đây là lần thứ hai, tôi qua Hà Nội. Lần đầu, tôi bị giải từ Lào Cai, một tỉnh ở sát biên giới về Hà Nam Ninh vì có cuộc tranh chấp biên giới Việt Hoa. Tôi gặp Hà Nội tại sao lòng se lại? Hà Nội, nơi tôi cất tiếng khóc chào đời, rồi lớn lên và đã sống suốt tuổi hoa niên qua bao nhiêu thăng trầm, mà sao bây giờ tái ngộ, trong một hoàn cảnh khốn khó? Tôi cảm thấy như có một sự tình không ổn định, không thoải mái, chẳng phải do tôi mà ngoại giới đã chi phối trong mỗi sụy nghĩ. Hà Nội nhỏ bé và nghèo nàn, khép kín trong mỗi ô vuông từ khuôn cửa tới những con đường hẹp nhiều ổ gà. Tôi không muốn nhìn vì càng nhìn, càng cảm thấy mình không còn thuộc về Hà Nội như ngày trước, khi xa Hà Nội, tình cảm tôi luôn luôn hướng về nó như hướng về người tình muôn trùng xa cách!

    Đêm nay, tôi đã trở về căn nhà mến yêu. Tôi đã gặp lại những người thân. Tôi đã sống trong một không gian quen thuộc, quá quen thuộc đến nỗi tưởng như cứ nhắm mắt cũng nhìn thấy, sờ thấy tất cả những gì mình muốn dùng, muốn biết. Tôi mong được quên, quên đi tất cả những ngày tù gian khổ, quên đi con tầu chạy chậm như rùa, quên đi những khuôn mặt lạnh lùng nham hiểm của những tên Công An Việt Cộng, quên đi những lời nói đầy công thức, có tính cách rập khuôn của những tên bộ đội gác tù. Tôi muốn quên, quên hết để hưởng trọn vẹn những giây phút thiêng liêng của đời sống tự do, dù sự tự do đang bị một màng lưới Công An vô hình bủa vây quanh quất! Tôi biết mình sẽ còn phải gánh chịu nhiều hệ lụy trong những ngày sắp tới, nhưng tôi tự nhủ, sẽ sẵn sàng đối phó với mọi hòan cảnh dù thuận hay bất lợi cho riêng mình. Trong đầu tôi, biết bao nhiêu hình ảnh quay cuồng, nhào lộn. Cho đến bao giờ tôi mới quên được khuôn mặt rạng rỡ của anh xích-lô máy, khi biết tôi mới được tha, vừa ra khỏi ga Bình Triệu đang ngơ ngác kiếm xe.

    - "Uả, anh Hai đi cải tạo dề, dzui quá ta! Anh Hai dề đâu? Mời lên, trả bao nhiêu cũng được mà!”.

    Từ lâu lắm, tai tôi mới được nghe những lời nói êm ái như vậy! Tôi cứ tưởng những thành phần cải tạo như tôi, và giai cấp cần lao như anh, thành phần cốt cán của Xã Hôi Chủ Nghĩa, chắc chắn phải có thái độ với giai cấp ngày trước. Nhưng không, anh ta gặp tôi, như gặp lại "người của mình” xa cách lâu ngày! Anh ta là biểu tượng của mẫu người miền Nam với đầy đủ đức tính phóng khoáng, hồn nhiên, yêu chuộng tự do bằng ngôn ngữ cũng như hành động. Tiếng máy xe nổ rầm rập, lao trong bóng tối. Mắt tôi không nhận ra những con đường tuy quá quen thuộc từ xưa. Bóng tối và ánh sáng mờ mờ vun vút lùi lại phía sau. Thành phố Saigon ban đêm thiếu đèn, nên kiến trúc đẹp đẽ của những ngôi biệt thự chạy dài theo đường Hồng Thập Tự (nay là Xô Viết Nghệ Tĩnh) không tạo nên sắc thái diễm lệ của Saigon ngày trước. Tôi cố nhận diện Saigon qua tầm mắt, nhưng Saigon có đó mà hình như vẫn xa vời đối với tôi lúc ấy! Tốp, tốp! miệng nói, tay tôi ra hiệu cho xe dừng lại. Tiếng thắng kêu ren rét theo tiếng máy xe nổ bồm bộp. Tôi nhẩy đại xuống định vô nhà lấy tiền trả, nhưng từ chiếc tủ kính nhỏ bầy thuốc lá, trên đặt ngọn đèn dầu le lói, một bóng người đàn bà chạy nhanh ra:

    - “Ồ anh mới về, tiền xe đây!". Tôi sững người nhìn: “Liên, Liên đó ư? Có phải Liên thực không? Sao gầy quá vậy? Sao khốn khó đến thế này?”. Tôi đảo mắt nhìn Liên rồi nhìn ngọn đèn dầu hiu hắt, không soi tỏ một khoanh đất. Liên trả giùm tôi tiền xe. Anh phu xích-lô cúi chào tôi lần cuối rồi rồ máy. Tiếng máy nổ chát chúa phá tan sự yên tĩnh của đêm vắng. Liên nắm chặt tay tôi:

    “Anh được về, mừng ghê vậy đó!".

    Tôi chưa kịp cám ơn Liên, bỗng thân hình tôi như bị xiết chặt bởi hai cánh tay tuy không to, không gân guốc nhưng cũng đủ làm khó cựa quậy:

    - “Ông ơi, ông có làm gì đâu mà tụi nó giam ông lâu thế! Ông có nhớ tôi là ai không?"

    Trong bóng tối, làm sao tôi nhìn rõ để nhớ ra ai? Tôi chỉ thấy một mái tóc trắng như tuyết và hơi rượu tỏa theo giọng nói run run vì quá cảm động. Tự nhiên, hai cánh tay buông tôi ra, rồi đưa lên mặt. Ông ta đã khóc. Ông vừa khóc vừa chửi “tụi nó” tàn ác quá, bất nhơn quá! Tôi hết sức lo sợ vì vừa mới thoát khỏi nhà tù Cộng Sản, bàn chân chưa đặt tới viên gạch đầu tiên cửa thềm nhà, lại gặp ông già gân này, chẳng coi Công An Cộng Sản vào đâu, chửi bới lung tung, nhỡ có chuyện gì tính sao đây? May quá, vợ tôi chạy ra. Vừa nhìn thấy cũng ôm chặt lấy tôi mà khóc. Ôi, những giọt nước mắt! Tại sao người ta lại khóc khi niềm vui chợt đến? Mọi người có mặt quanh tôi đều khóc. Họ khóc vì quá cảm động khi nhìn thấy thân hình gầy guộc, áo quần tơi tả của tôi và có thể, trong tiềm thức họ chợt sống lại hình ảnh tôi, trước ngày đi cải tạo! Xin cám ơn, những giọt nước mắt, những hạt ngọc của tình cảm đã tưới thắm tình người. Tất cả mọi nhà trong xóm tôi đều bật đèn, mở cửa ra nhìn. Tai tôi bỗng ù vì có quá nhiều lời nói:

    - Chao ơi, gầy và già quá, trông như ổng cụ! Khi đi tóc ông ta đâu có trắng nhỉ?
    - Tù Cộng Sản mà, chịu gì nổi!

    - Trông đen sạm hẳn đi, nếu gặp ngoài đường chắc không nhận ra!

    Mỗi lời nói, đập vào tai tôi như một nhát búa, tuy nó hàm chứa tình thương! Vào đến trong nhà, óc tôi vẫn giữ hình ảnh ông già ôm tôi với hơi rượu nồng nặc. Tôi khẽ hỏi vợ:
    - Ông già nào đó?

    Vợ tôi nhìn thẳng vào mắt:
    - Anh không nhớ sao? Bác Năm Taxi đó!

    Tôi buột miệng:
    - A, bác Năm, sao mau già quá vậy?

    Vừa dứt câu, ông già đi xộc vào nắm chặt tay tôi, rồi lấy giọng trang nghiêm:
    - Nè ông, mai đi nhậu với tôi nghe!

    Tôi dạ, dạ ngỏ lời cám ơn. Bác Năm Taxi bước nhanh ra cửa, lúc này miệng bác không còn mùi rượu mà là mùi thuốc rê khét lẹt! Căn nhà tôi ở, hình như nhỏ hơn khi trước vì mỗi lúc, số người trong xóm tới hỏi thăm vì tình cảm hay vì tò mò, càng lúc càng đông. Một vài người tôi còn nhận ra, một số, tôi quên tên và không biết ở nhà nào trong xóm? Bỗng có giọng nói cất cao:

    - Thôi, tụi mình đi dề, để ông nghỉ mệt, mai mốt tính!

    Sau câu đó, mọi người tản dần. Tôi cảm thấy, trong thâm tâm dâng lên mối xúc động sâu xa vì không ngờ với tư thế của một người cải tạo trở về, lại được ân cần thăm hỏi như vậy. Tất cả những gì mà tôi nghĩ và phác họa về thái độ sống của tôi sau ngày trở về đều sai. Tôi đi vào giấc ngủ với niềm hân hoan, với sự yên tâm vì cơn ác mộng 6 năm đã thuộc về quá khứ. Tôi đã vượt chết, đã sống lại, sau những năm tháng dài gánh chịu biết bao khốn khó, nhục nhằn...

    Tôi trở dậy, mặt trời đã lên cao. Mở to mắt tôi nhìn chòng chọc vào từng sự vật, những sự vật quá quen thuộc hôm trước, sao sáng nay lại trở nên mơ hồ như có một màn sương mỏng vây quanh. Tôi nghĩ, đây là một giấc mơ, một huyễn hoá! Có lẽ nào Cộng Sản lại tha tôi, tha một tên “cực kỳ phản động, điên cuồng chống phá Cách Mạng!”. Nhưng không, đây là sự thực, một sự thực không thể chối cãi. Những bức tranh màu sắc rực rỡ, treo đầy khắp bốn mặt tường kia, chiếc bàn viết với những vật dụng quen thuộc đó, đâu phải điều xa lạ và còn nhiều, nhiều nữa, tất cả như có một sự tình, một ẩn ức mà sau những năm tháng dài xa cách, chúng vẫn giữ kín để chờ dịp thố lộ! Tự nhiên trong đầu tôi lại vang lên những tiếng kẻng. Tôi giật mình thảng thốt khi nghĩ đến những tiếng kẻng vang lên mỗi sáng, mỗi trưa, mỗi chiều, mỗi tối! Tôi đã sống như con thú bị nhốt trong chuồng và đời sống hòan tòan bị chi phối bởi tiếng kẻng. Kẻng thức, kẻng ngủ, kẻng ăn, kẻng tập họp lao động, kẻng vào, kẻng ra!... Buổi sáng nay, tôi thức dây mà không do tiếng kẻng. Tôi không phải tập họp để lao động khổ sai, hình phạt do Cộng Sản đặt ra để áp chế những người tù chính trị. Tôi tự nhủ, đây là sự thực, tôi đã được tha, tôi là một, trong số những người tù may mắn! Tôi đứng dậy mở toang cửa để đón ánh sáng vào nhà. Trời cao và xanh, một vài cụm mây trắng ngần trôi lơ lửng phía xa. Những cánh chim bay chao chát như đan lưới làm không gian xao động nhịp nhàng. Tiếng xe gắn máy nổ vang, tín hiệu của nhịp sống thành phố. Tất cả, tất cả, đối với tôi như còn mới, mới quá! Tôi biết, ngày một, ngày hai, những tiếng động đó và cuộc sống chung quanh sẽ làm tôi quen dần và buộc tôi phải a vào nó, như a vào một cuộc chơi, tuy chẳng thích hợp, nhưng không phương cách chối từ!

    - Có bác Tân đến thăm đó anh!

    Tiếng nói từ dưới nhà vọng lên. Tôi thò dầu qua cửa nói vọng:
    - Mời bác lên chơi!

    A, bác Tân, một công nhân nhà in, nhà ở ngay đầu hẻm, khi trước, tuy là công nhân nhưng nhà bác cũng khá khang trang. Bác có xe Suzuki đi làm, nhà có Tivi, tủ lạnh. Bác có hai người con là sĩ quan cấp úy. Cả hai đều bị đi học tập cải tạo! Tôi chỉ vừa kịp nghĩ tới đó, bác Tân đã lên đến cửa phòng. Vừa nhìn thấy tôi, bác sững nhìn:
    - Ồ, ông đấy ư?

    Tôi ngạc nhiên, tại sao bác lại có câu hỏi như vậy? Không phải tôi thì ai là người dám có mặt ở trong kích thước này? Tôi cười bải lải:
    - Dạ thưa bác, tôi đây, chính tôi đây!

    Bác Tân hơi cúi đầu như giấu nét mặt cảm động:
    - Nếu không nhìn kỹ, khó nhận ra!

    À thế ra, Cộng Sản đã giam giữ và cải tạo tôi để trở thành con người khác, thì nay hình hài tôi quả thực đã đổi thay, nhưng tinh thần tôi lại là chuyện khác! Chúng tôi ngồi đối diện, nói chuyện qua ly trà nóng! Tôi nhìn bác Tân, bác cũng già và gầy guộc. Mái tóc đã rụng nhiều trông rõ cả da đầu. Những nếp nhăn kéo dài chằng chịt. Hai gò má cao ghệch, mầu da đen sỉn, chứng tỏ sự thiếu dinh dưỡng! Tôi, kẻ bị giam giữ, gánh chịu cay đắng thì thân xác đổi khác là chuyên dĩ nhiên, còn bác được Cộng Sản tôn vinh là giai cấp làm chủ đất nước, giai cấp hàng đầu của Cách Mạng, mà sao thân xác cũng thay đổi không ít? Tôi đoán biết, ở nơi bác, cũng có những ẩn ức khó nói ra:

    - Sao, có cháu nào được về chưa bác?

    Tôi hỏi để gợi ý tìm hiểu.
    - Chưa ông ơi! một đứa còn bị giam ở Pleiku, một đứa Thanh-Nghệ-Tĩnh.

    Nói xong bác thở dài, đầu hơi cúi xuống. Tôi nói giọng an ủi:
    - Các cháu ở cấp bậc thấp mà, chắc họ không giữ lâu đâu. Hơn nữa, bác thuộc giai cấp công nhân, giai cấp lãnh đạo, chắc Đảng và Nhà Nước cũng sẽ “chiếu cố” cho gia đình bác, lo gì.

    Tôi thấy chiếc yết hầu của bác lên xuống như cố gắng đè nén lời nói nào đó, có thể, một câu chửi thề. Bác nhìn tôi, cặp mắt đờ đẫn như mất thần. Bác nói chậm rãi:
    - Đảng và Nhà Nước cái con mẹ gì? Chỉ bóc lột là khoẻ thôi!

    Tôi sững sờ hỏi:

    - Bác nói sao?
    - Còn nói gì nửa, mỗi lần kỷ niệm, mỗi lần thi đua, một người làm việc bằng ba, làm ngày, làm đêm, rốt cuộc cả sở được thưởng công lao bằng một mảnh vải đỏ, to bằng chiếc xi-líp với nhưng hàng chữ đao to búa lớn để phỉnh phờ, chán lắm ông ơi! Cách Mạng cái con mẹ gì? Công nhân làm chủ, nhưng Nhà Nước quản lý! Quản lý là gì, là nắm bao tử đó! Đời sống đắt đỏ như thế, lương lậu có mấy chục đồng, chẳng có giờ ô tê, ô tiếc gì ráo trọi. Không có tháng mười ba, chỉ có bóc lột và bóc lột thôi! Từ ngày Cách Mạng thành công, mọi thành phần cũ của miền Nam đều lụn bại. Bác ở trong, không biết đấy, chứ ở ngoài, đời sống dân chúng cũng khổ như chó. Tôi bán cả xe gắn máy, tủ lạnh, Tivi để ăn và có tiền thăm nuôi hai cháu đi học tập cải tạo. Bây giờ hết tiền, chẳng còn đâu mà thăm nuôi tiếp tế cho chúng nữa. Thôi, đành phó mặc!

    Tôi ngước nhìn, tỏ ý ngạc nhiên:
    - Sao bác không đấu tranh?

    Bác cau mặt như có ý chê tôi không biết gì về tình hình chính trị dưới chế độ Cộng Sản:
    - Sao? Bác nói sao? Đấu tranh à? Ông đã qua gần sáu năm trong các trại cải tạo rồi đó! Dưới chế độ Cộng Sản, Trại Cải Tạo nhiều hơn trường học mà! Ai dám? Bây giờ chẳng cứ giai cấp công nhân mà tất cả mọi người đều biết, sống dưới chế độ Cộng Sản là phải chấp nhận mọi thiệt thòi để cho Đảng và Nhà Nước hưởng. Khi trước, chúng tôi dám lãn công, biểu tình đấu tranh vì chúng tôi có luật pháp che chở, nay luật rừng mà!... Bác cười, nụ cười méo xệch, để lộ hàm răng đã khuyết quá nửa. Biết rằng không nên đi quá sâu vào một vấn đề mà mình đã nhìn rõ, đã quán triệt được định lý của nó, tôi nói sơ qua cho bác nghe về chuyện trong tù, để xuyên qua đấy, bác có thể ý niệm được phần nào về sinh hoạt của hai đứa con trai bác.

    Tôi tiễn bác xuống thang, đồng hồ điểm đúng mười hai tiếng. Buổi trưa Saigon, trời nắng chang chang. Sau thời gian dài đi tù, tôi đã bỏ hẳn được thói ngủ trưa. Có tiếng bổ củi ở đầu hẻm. Tôi nghĩ, tại sao lại có người vô ý thức đến như vậy, nhè buổi trưa mà bổ củi làm mất sự yên tĩnh của người khác. Tôi mở cửa nhìn ra. Một người đàn bà gầy guộc đen đúa, một tay giữ khúc cây to, ngoằn ngoèo giống như chiếc rễ cây, một tay cầm chiếc rìu bổ xuống liên tục. Chiếc rìu hình như quá nặng so với sức khoẻ của người đàn bà, nên mỗi lần nhấc lên, cánh tay có vẻ uể oải như muốn bỏ rơi xuống. Nhưng không, tôi đã lầm, tuy trông vậy mà khúc cây cứ teo dần, sau chừng nửa giờ, người đàn bà đã ôm vào lòng một bó củi. Vì hăng say lao động, mái tóc soã tung xuống phủ lấp nửa lưng như gói trọn nửa thân hình người đàn bà vào một mạng lưới đen nhánh. Người đàn bà ôm bó củi đi ngang qua. Tôi chợt kêu:

    - A, Ngọc, sao, khá không?

    Người đàn bà nở nụ cười ngượng ngập:
    - Không khá, anh ơi!

    Tôi nhìn, nhìn tròng trọc vào tấm hình hài nhỏ thó, răn rúm đang đứng trước mặt. Tôi không thể hình dung nổi một cô giáo người Huế, dạy cấp hai Trung học khi trước, đã có một thời xinh đẹp, duyên dáng! Cô đã từng đánh điện từ Cần-Thơ về Saigon, bắt người nhà phải gửi gấp cho cô bánh xà-bông thơm hiệu Cadum mà cô ưa dùng, đã bỏ quên! Cô đã từng trưng diện đúng thời trang và tuy là nhà giáo nhưng cũng bay bướm để đến nỗi mang trong thân xác một vết thương! Vết thương đó, may mắn thay, được một đồng nghiệp chữa lành, nay chỉ còn thẹo! Tất cả, những hình ảnh cũ, lướt thật nhanh trong trí nhớ. Tôi hỏi lơi:

    - Vẫn dạy học chứ Ngọc?
    - Nghỉ rồi anh à! Các cháu đông quá, lương không đủ sống. Lúc này em đi bán quần áo cũ, chỉ mình nhà em đi dạy để lấy “gạo hộ khẩu.”

    - Mấy cháu rồi?
    - Bẩy! - Ối cha, tôi buột miệng kêu rồi chợt nhận thấy sự vô ý của mình, nên chữa:

    - Lúc này, đông con kể ra cũng hơi cực, nhưng mai sau được nhờ! Người đàn bà nhíu mày:
    - Anh nghĩ coi, đứa lớn nhất mới mười hai, biết đến bao giờ mới nhờ được, anh? Dưới chế độ này, hy vọng gì nhờ với vả!

    Một que củi rớt xuống, tôi cúi nhặt giùm. Có lẽ, chẳng muốn kéo dài cái không khí ngỡ ngàng này, Ngọc cúi đầu, nói sẽ:
    - Nghe tin anh về tối qua, chưa kịp lại chào. À, trông anh gầy quá hỉ! Xin phép về, nhà chưa nấu cơm!

    Người đàn bà ôm chặt bó củi và chiếc rìu vào ngực, chiếc ngực lép kẹp, lom khom đi sâu vào hẻm.

    Lúc này đã quá trưa mà chưa nấu cơm, tôi đoán biết phần nào sự khó khăn trong đời sống của gia đình Ngọc. Buổi chiều, tôi mangchụyện cô giáo Ngọc ra nói với vợ; vợ tôi cho biết thêm, từ ngày Sài-gòn bị Việt Cộng chiếm đóng, nếp sống của cô giáo Ngọc thay đổi hẳn. Cô không còn diêm dúa điểm trang, rất chịu khó lao động. Lúc trước, cô dạy học tận Phú Lâm, tuy xa vậy, trưa nào cũng đạp xe về nhà chăm sóc lũ con nhỏ. Cô nắm than, bổ củi và làm tất cả những gì có thể làm để cứu sống gia đình. Tâm tính cô thay đổi hẳn. Cô trở nên dữ dằn, thô bạo, nếu có sự đụng chạm với bất cứ ai, dù nhỏ nhặt. Người lối xóm gọi đùa cô là “ổ kiến lửa,” chẳng ai muốn đụng đến. Tôi ngồi lặng im, thứ lặng im của mặt đại dương đang chứa chấp trong lòng nó những lượng sóng ngầm.

    - À, anh đừng quên chiều nay đi nhậu với bác Năm Taxi đó!
    - Còn sớm mà! Trong đầu tôi lúc này hình như có một tảng nước đá đóng cứng ở trong. Nó làm tê liệt cả hệ thống thần kinh, toàn thân mất cảm giác!

    Cái xóm nhà tôi, nếu nhìn bề ngoài, quả thực không thay đổi bao nhiêu. Vẫn ngần ấy ngôi nhà, vẫn từng ấy chiếc hàng ba, vẫn cây trứng cá xoè to tàn lá, che rợp một khoảng đất, nơi tụ tập của lũ trẻ con, leo trèo hái trái, nghịch ngợm hò hét suốt ngày. Tôi rất khổ tâm nhưng chẳng biết làm sao hơn là phải hứng chịu tất cả những gì cuộc sống đẩy tới. Con hẻm, nơi đã mấy chục năm, tôi đi về, qua lại, nên thuộc lòng từng mô đất, từng vũng lõm ngập nước sau mỗi cơn mưa và bụi bay mù mỗi lần có chiếc Honda phóng nhanh khi mùa nắng. Những đống rác và những bãi phân chó, phân trẻ con lúc nào cũng có, đến nỗi chẳng ai buồn nhìn, buồn dọn. Sau gần sáu năm trở về, nhìn lại, chỉ có đôi chút cách biệt là, màu vôi đã loang lổ đầy rêu bám, những khuôn cửa, sơn đã tróc trơ màu gỗ, một vài cây hàng ba mục gẫy như răng bà lão, không được thay, còn rác rưởi và phân vẫn vậy! Tôi đã nhầm tưởng, với chiếc đũa thần cách mạng, Cộng Sản có thể biến những khu lao động, hoặc các xóm nghèo mỗi ngày mỗi khá, ai ngờ, nó còn thê thảm hơn chế độ cũ mà Cộng Sản thường rêu rao là chế độ kìm kẹp, bóc lột! Mọi người đều nhìn rõ, biết rõ, nhưng chẳng ai dám lên tiếng. Vả lại, vấn đề sửa chữa, sơn phết nhà cửa lúc này không phải chuyện dễ, mọi thứ vật dụng đều phải mua theo giá chợ đen, chất lượng chẳng ra gì, do đó, mọi người đều phải lo cho bao tử trước đã.

    Ánh nắng chiếu chếch qua ô cửa, xuyên vào phòng, tạo nên một mảng ánh sáng sắc cạnh. Tôi đi vào buồng tắm. Dòng nước mát lạnh từ chiếc hương sen toả xuống. Tôi ngửa mặt hứng những giọt nước chẩy đầm đìa, tràn vào mũi, vào miệng. Chất nước ngòn ngọt hòa tan cùng nước miếng trôi vô cuống họng. Tôi chợt nghĩ đến vũng nước đục ngầu do hố bom B-52 dội xuống miền Bắc mà tôi đã phải tắm khi bị giam cầm tại đó. Vũng nước này hàng ngày là nơi dầm mình của trâu bò. Tôi nhìn rõ nhiều vết chân và những bãi phân khô ở trên bờ. Tôi rùng mình, không dám hồi tưởng thêm.

    Mặc xong quần áo, tôi ngồi vào ghế, rít một hơi thuốc lào. Khói thuốc chạy vào cuống phổi làm ngây ngất. Trong đời, nếu có ai đã làm quen với thuốc lào, lúc ấy mới nhận biết, ngoài thuốc phiện, cần sa, không có một loại thuốc hút nào có thể gây cảm giác mạnh như thuốc lào, kể cả các loại xì-gà ngon nhất ! Cũng do đấy, có nhà văn đã ban cho nó một mỹ tự: “Tương Tư Thảo!” Khi tôi ra cửa, mặt trời đã khuất. Ánh nắng chỉ còn thoi thóp trên ngọn cây trứng cá. Bác Năm Taxi, từ đầu ngõ bước vô. Mặt bác đỏ gay càng làm tăng màu trắng của mái tóc.

    - Ủa, sao ông ra trể zậy?
    - Dạ, dạ, còn sớm mà!

    Bác Năm nắm tay tôi kéo đi như dắt đứa trẻ con. Bác dẫn tôi ra ngay đầu ngõ, quẹo về bên phải độ mươi bước đến một quán hàng, trước đây bán mì, nay là quán rượu bình dân. Xung quanh chiếc bàn tròn, đã có bốn, năm người ngồi, mặt người nào cũng hồng hồng. Chai rượu đế ngâm thuốc còn non nửa. Trên mặt bàn có đĩa đậu phọng đã vơi một phần

    - Ngồi xuống, nhậu!

    Bác Năm vừa nói vừa ấn tôi ngồi xuống chiếc ghế đẩu. Rượu được rót ra ly cối. Ở đây mọi người đều uống bằng ly cối, nhìn nó, tôi thấy nóng lạnh, vì từ ngày đi tù, tôi không được quyền uống rượu, nên bây giờ trông thấy phát sợ. Tất cả đều nâng ly chúc mừng ngày trở về của tôi. Tôi vô cùng bối rối và cảm động vì luôn luôn phải đối phó với những bất ngờ, do cảm tình và lòng tốt của mỗi người lối xóm. Tôi nâng ly đặt vào môi nhấp một chút. Hơi rượu cay sè làm tôi nhăn mặt. Bác Năm cười khà:

    - Mấy ông quen uống Uýt-ki, Cổ-nhát nay đụng thứ dữ này, mấy ông dội, hé?

    Tôi cười, mọi người đều cười; tôi nhìn vào ly của mỗi người, ly nào cũng vơi quá nửa sau một tợp đầu, còn ly của tôi hầu như y nguyên

    - Bữa nay “zui,” mừng ông mới “zề” nào “zô, zô”! thế là mọi người lại nâng ly đưa lên môi nốc cạn, rồi úp ngược ly xuống mặt bàn. Tôi cứ ngồi như phỗng đá. Từ phía bên kia đường, một người đàn bà có tuổi, mập ú, lạch bạch băng qua chỗ chúng tôi ngồi. Bác Năm Taxi hỏi tôi, có nhớ bả không? Tôi chú ý, chợt nhận ra đó là bà chủ nhà hộ sinh đầu phố. Tôi gục gặc đầu :

    - Dạ, dạ, nhớ, bà chủ nhà hộ sinh Hoa Hồng. Vợ tôi đã sanh đứa con thứ tư ở đấy mà!

    Bác Năm cười khà khà, hơi rượu bốc ra nồng nặc:
    - Đúng, nhưng cái nhà hộ sinh đó đã hiến cho nhà nước từ năm 76 rồi vì không đóng nổi thuế! Có điều mỉa mai, khi Việt Cộng mới chiếm đóng Sài-gòn, bả tự vỗ ngực tự tôn xưng mình là “Cách Mạng nằm vùng,” xách động phụ nữ hăng say lắm, coi mình như thứ thiệt, ai cũng nể. Nhưng chẳng hiểu sao, đứa con trai duy nhất của bà, Trung úy Hải Quân, vẫn phải đi học tập cải tạo, căn nhà hộ sinh vẫn bị đánh thuế nặng và một phần bị ban Y tế Phường chiếm đóng, sử dụng. Qua năm sau, chồng bà chết vì quá uất, bả buồn, biếu luôn căn nhà hộ sinh rồi tình nguyện hồi hương về Bến Tre. Nay thỉnh thoảng, bả nhớ nhà, nhớ phố, lên chơi vài bữa rồi về! Cũng như tôi, đã phải bán cả xe Taxi vì không đủ tiền đóng thuế, tiền xăng nhớt quá mắc, khách đi không có. Ông tính, thời buổi này, mỗi người một chiếc xe đạp, tiền đâu đi Taxi? Tất cả đều chìm xuống đất đen, ông ơi! Còn sống ngày nào, còn chút tiền nào, tôi uống rượu cho quên đời!...

    Nói xong, bác Năm cúi đầu như cảm khái cho tình đời thay đổi. Mái tóc bạc phơ của bác xõa xuống như một tấm màn trắng che phủ màu da đỏ gắt vì men rượu.

    Tôi trở về khi trời nhá nhem, bước từng bước chếnh choáng. Tuy không có gương để soi, nhưng qua hơi thở nóng ran, tôi cũng tự cảm thấy mặt mình đỏ nhừ như trái gấc chín.

    *****

    Trời Sàigòn sáng nay không nắng. Sắc mây bàng bạc phủ kín vòm cao. Gió thổi hây hây, mát rợi. Tôi vẫn chưa quen với giấc ngủ bình yên, thoải mái dưới mái gia đình. Mỗi lần tỉnh dậy, mỗi lần bàng hoàng tưởng như trong mộng. Tôi phải đánh thức lương tri để nhận thức, đây là sự thực! Tôi mở cửa ra bao-lơn, quơ tay làm vài cử động cho đỡ mỏi. Trước mặt tôi, nhô lên cây Thập Tự Giá của nhà thờ Chợ Quán, in trên nền trời như một chứng tích! Những mái nhà cao thấp không đều, mỗi cái mỗi màu làm nhức mắt. Hàng cây phía xa lắc lư theo chiều gió như một lũ say. Tôi chợt nhớ những gì đã thay đổi ở dưới những mái nhà trong xóm, do vợ tôi kể lại. Mỗi trường hợp, mỗi hoàn cảnh đều có nguyên do, mà ngụyên do chính tại miền Nam thua trận!

    Căn nhà đối diện, chủ nhân nguyên là một công chức cấp Chủ Sự tại Trung Tâm Cải Huấn. Sau khi Việt Cộng chiếm Sàigòn, ông sợ quá trốn về quê vợ mấy năm. Khi trở lại căn nhà cũ, mọi người thấy ổng gầy dộc hẳn đi trông như cái xác ma. Gia đình ông khánh kiệt sau hai lần Việt Cộng đổi tiền. Chiếc La Dalat, ông đã bán từ lâu. Mỗi lần đi khám bệnh tại Bệnh viện ở Chợ Lớn, đứa con trai chở ông trên chiếc xe ba gác. Ông ngồi thu lu trên manh chiếu nát trải giữa lòng xe như một con thú bị thương. Vì thuốc men quá đắt, đời sống mỗi ngày mỗi suy sụp, ông đã phải tự kết thức cuộc đời bằng những viên độc dược ! Tầng trệt căn nhà của ông đã bị Công An Phường dùng làm địa điểm tiếp tân cũng là nơi họp tổ dân phố hàng tháng. Tôi nhìn soáy vào tấm bảng đỏ có hàng chữ vàng treo ngay trước nhà, lòng đau nhói! Tên Công An khu vực đeo súng ngắn, đội cối vàng, đang đứng dang chân ngay trước cửa. Vẻ mặt quê mùa, đần độn cố làm ra vẻ oai nghiêm. Tôi biết, tất cả những sinh hoạt của gia đình tôi lúc này đang bị tên Công An Khu Vực bám sát, và sự yên ổn đời sống của riêng tôi có hay không, một phần cũng tùy thuộc vào sự báo cáo của tên này. Tôi buồn, vì nó hiện diện ngay trước mặt mình, không cách nào chối bỏ!

    Để tránh ám ảnh, tôi quay mặt sang phía khác, nhìn bâng khuâng. Một tiếng nói êm dịu từ phía dưới vọng lên:

    - Trông ổng đâu đến nỗi!

    Tôi cúi nhìn. A, bà Phong ở xế cửa đang đứng trước hàng ba nhìn lên. Tôi cất lời chào. Bà mỉm cười, nụ cười buồn bã thay lời nói. Thời gian, ôi, thời gian, đích thực nó là kẻ thù ghê gớm của con người. Mới gần sáu năm mà dung nhan bà đã thay đổi không ít! Mái tóc bà không còn đen nữa, những vết nhăn đã kéo dài. Gia đình bà Phong, một gia đình khả kính trong lối xóm. Ông bà sống rất mực thước, ngoan đạo. Ông bà có bốn người con trai, thì ba là sĩ quan của miền Nam, còn một làm thẩm phán. Sau cơn biến động, một chạy thoát qua Mỹ, một trốn học tập cải tạo, một sĩ quan phi công đi tù, còn một được tự do. Sau mấy năm sống dưới ách thống trị của Cộng Sản, người được tự do vì làm nghề ông tòa nên nhận thức được sự kìm kẹp bất công của chế độ Cộng Sản, đã tham gia Mặt Trận Phục Quốc. Chưa hoạt đông gì đã bị bắt, hiện đang bị giam tại trại Phan Đăng Lưu, một trại giam tù chính trị ở miệt Gia Định. Với một hoàn cảnh như vậy thời đá cũng tan nát cứ gì lòng người! Còn đứa dâu út, vợ người sĩ quan phi công lại bỏ nhà đi theo đám Văn công Việt Cộng, rồi lăng nhăng ong bướm không hỏi han gì đến người chồng đang tù tội! Việc tiếp tế thăm nuôi các người con ở tù Cộng Sản do mình bà đảm nhiệm. Can đảm thay các bà mẹ Việt-Nam. Tôi nhìn bà như nhìn một thần tượng của tình thương,

    - Mấy bữa nay, chúng tôi tính qua thăm, nhưng để ông nghỉ mệt!

    Tôi ngỏ lời cám ơn, toan quay vào, mắt tôi bỗng bắt gặp một thân hình răn rúm đang dắt chiếc xe đạp cũ mèm, đằng sau chở một hòm kính bầy thuốc điếu, các đồ tạp vặt như bút nguyên tử, bao thư, tập vở học trò. Từng bước chân chậm chạp kéo lê trên nền đất không đều. Ông ta đội chiếc mũ lưỡi trai sụp xuống một nên tôi không nhận diện được, chỉ đoán là người quen lối xóm. Vừa lúc ấy, đứa con gái thứ tư của tôi vừa lên tới, báo cho biết có bác Lý đến thăm. Tôi hỏi vội:

    - Ai dắt xe đó con?

    Nó nhăn mặt:

    - Bố quên sao? Ông Đại úy Cảnh Sát ở ngõ trong; ông được tha năm ngoái. Vừa được tha về, ông phải đi mổ ngay, suýt chết đó, bố! Ông có đứa con mới vượt biên tháng trước, lọt rồi!

    Tôi cố moi trong trí nhớ hình ảnh ông Đại úy Cảnh Sát với sắc phục nghiêm chỉnh, thường vui vẻ chào hỏi tôi lúc trước, mỗi lần gặp!

    Hình ảnh ông Đại úy Cảnh Sát bị xóa mờ cấp tốc trong tiềm thức khi bước chân bác Lý đã lên đến bậc thang cuối! Vừa nhìn thấy tôi, bác Lý buông lời qua nụ cười:
    - Úy cha, thế nào bồ?

    Tôi trả lời bải lải:
    - Còn thế nào nữa, chết đi sống lại đó, ông ơi!

    Bác Lý, thường được bà con lối xóm kêu là cậu Năm, khi trước, bác làm Đại lý thuốc Tây và có liên hệ với Cộng Sản trong vấn đề tiếp tế thuốc ra vùng giải phóng. Quê bác ở miền Tây, thuộc thành phần địa chủ. Buổi chiều ngày 30-4-75, khi bộ đội Cộng Sản vô Sàigòn, tôi nhìn thấy bác và đứa con trai lớn hì hục treo tấm bảng đồng có ghi hàng chữ: “Chi Bộ Đảng Lao Động Việt-Nam,” ngay trước cửa nhà. A, cho đến giờ này, những người sống trong cái xóm nhỏ, mới biết cậu Năm hoạt động cho Cộng Sản! Hai lá cờ, một đỏ sao vàng, một giải phóng, cùng treo một lượt ở hai bên tấm bảng. Không hiểu cậu Năm đã may và giấu cờ ở trong nhà từ bao giờ mà cậu đã có để sử dụng ngay trong giờ phút thứ nhất, báo hiệu sự sụp đổ của miền Nam. Chính vì những sự kiện đã nhìn thấy, nên giờ đây, trong khung cảnh này, tôi vẫn cảm thấy ngài ngại khi nói chuyện với một người từng hoạt động cho Cộng Sản. Nhưng không, cậu Năm chửi Cộng Sản như máy, cậu chửi chùm lớp, từ cấp lãnh đạo đến hạ tầng. Đứa nào cũng cửa quyền, tham nhũng, hưởng thụ, bóc lột! Cậu chửi không tiếc lời, theo cậu, miền Nam thua trận chẳng qua vì quá nhu nhược, quá tình cảm, không nỡ tố cáo nhau dù biết người đó là Cộng Sản nằm vùng. Tôi chỉ ầm ừ chứ không buông lời nào cả, vì chưa biết cậu Năm chửi thực hay giả? Tôi đã được nhiều người nhắn nhủ rằng, tụi Công An Cộng Sản hay dùng phương pháp đó để gài bẫy bắt người, chớ nên chửi theo! Sau mấy ly trà, bác Lý ra về. Tôi ngồi thu mình trong ghế hút thuốc lào vặt. Bác Lý có đến mười hai đứa con, phần đông là con gái. Nhiều cô lớn tồng ngồng mà chưa chồng. Bác nhất định không cho đứa nào vượt biên dù bác có tiền.

    Chiều chiều tôi thường thấy bác cùng vài người bạn già ngồi nói chuyện đời, nơi khoanh đất trước cửa. Đôi lúc hứng chí, bác Lý ôm đứa cháu nội vào lòng nựng:

    - Hà, hà ông cháu mình cùng đứng lên đấu tranh cho chiếc bao tử nào !

    Bác nói to rồi cười vang ra như không có ai bên cạnh. Vợ tôi có nói, năm trước, họp để bầu Tổ trưởng, bác Lý từ ngoài, mặt đỏ gay, khệnh khạng bước vào phòng họp nói lớn:

    - Họp cái con mẹ gì, chỉ định cho rồi đi!

    Tên Công An Khu Vực tức giận toan đưa bác ra Phường, nhưng đứa con gái lớn đã nhanh trí xin lỗi tên Công An và bà con lối xóm do bác quá chén! Vấn đề vì sao bác Lý chửi Cộng Sản, vì lý do nào Cộng Sản chưa bắt bác đi cải tạo, điều đó chắc có ẩn giấu một sự tình!

    *****

    Buổi trưa, tôi nằm nghỉ mệt trên sàn gác, tiếng bổ củi từ đầu ngõ vang lại. Tiếng động không đều, khi nặng khi nhẹ, làm tôi nghĩ đến cánh tay đen đúa gầy guộc của Ngọc. Có lẽ ngoài buổi trưa, nàng không tìm đâu ra chút thì giờ để làm công việc đó. Tôi nhỏm dậy. Tiếng bát đĩa vỡ và tiếng chửi tục tằn vẳng lại từ xa. Bữa nay nắng gắt. Sắc trời thăm thẳm không gợn sợi mây. Hàng cây phía xa bất động phơi mình tắm nắng. Tôi mở cửa nhìn. Trên chiếc bao lơn của căn nhà hai từng lầu, phía sau nhà bác Lý, một gã đàn ông to con, mặt đỏ gay, đang dang chân, một tay chống nạnh, một tay chỉ vào một cô con gái phì nộn đang khóc tức tưởi, mái tóc rậm tròn xoe như chiếc rế úp trên đầu:

    - Đù má mầy, tao biết cái “của mầy” rộng như đại dương rồi. Mầy là con đĩ ngựa, đồ khốn nạn!

    Gã đàn ông nắm chặt bàn tay như muốn thoi vào mặt cô gái dăm bẩy cái cho vơi cơn tức. Nhưng hắn cố ghìm:

    - Tao biết, tao biết hết! Mầy đã ngủ với thằng cối xanh nào, đã đi ăn đêm với thằng cối vàng nào trong thời gian tao đi tù! Tao biết hết! biết hết! Đột nhiên hai cánh tay gã vung lên. Những quả đấm lao tới tấp vào thân thể cô gái. Tiếng khóc bật to như xé không gian. Không biết từ bao giờ, vợ tôi đã đứng bên cạnh:

    - Thôi, vào đi anh, nắng quá mà!

    Ông Trung Úy Biệt Động Quân đó, cứ nhậu say là đánh chửi vợ, vì trong thời gian đi cải tạo, cô vợ ở nhà lăng nhăng với Việt Cộng. Tôi sững nhìn:

    - Sao hắn biết? — Ồ chuyện xẩy ra, làm sao bịt miệng thiên hạ được? Trong sáu năm nay, những trường hợp như vậy thiếu gì, anh?

    Tôi trở vào nhà, quăng mạnh người xuống chiếc đi-văng. Hai tay khoanh làm gối, ngửa mặt nhìn trần nhà loang lổ, do nước mưa để lại dấu tích. Trong tiềm thức, hình ảnh những người tù chập chờn sống động. Ôi! biết bao nhiêu gian khổ, nhục nhằn đang vây chặt từng số phận trong kích thước của những trại Tập Trung Cải Tạo rải rác suốt dải quê hương! Tôi nghĩ đến những người vợ hiền, những người mẹ tốt từ sáu năm nay đã hy sinh tất cả cho những người chồng, người con không may! Tôi ít khi dám nghĩ tới những người đàn bà hư, vì dù sao, họ cũng là thiểu số. Hoàn cảnh đã xô đẩy họ, dục vọng đã cám dỗ họ, cuốn hút họ vào những vực thẳm tội lỗi!... Thời gian qua đi nặng nhọc. Nằm chán, tôi đứng dậy đi vòng quanh phòng. Tôi nhìn vào từng tấm tranh, nhìn vào mặt chiếc bàn trơ trụi, không một tờ giấy, cuốn sách! Cái không khí sinh hoạt sống động của nền Văn hoá Nghệ thuật trước kia, nay không còn! Tất cả những giá trị Văn hóa của miền Nam đã bị Cộng Sản kết án và bôi nhọ. Cộng Sản đã đào một cái hố quá rộng, quá sâu không có cách nào lấp nổi, giữa hai nền Văn hoá Tự Do và Vô Sản. Tôi suy nghĩ, suy nghĩ hoài về mọi vấn đề, nhưng cuối cùng tất cả đều khựng lại trước ngõ cụt! Chiều đã xuống xóa mờ dần cảnh vật bên ngoài.

    *****

    Buổi tối trời đầy sao, khu vực tôi ở bị tắt đèn theo chu kỳ, mỗi tuần ba lần, chưa kể khi máy hỏng bất tử; những ánh đèn dầu thấp thoáng trong mỗi căn nhà. Tôi đứng dựa lan-can nhìn xuống. Lối ngõ tối như chiếc vực. Phía bên kia đường, một ngọn đèn nhỏ le lói. Tôi biết đó là ngọn đèn bán hàng của Liên. Mỗi tối, nàng bán thuốc lá tại đó. Liên thường mặc chiếc áo cánh trắng. Tôi nhìn màu trắng bất động sau ánh đèn mờ. Tôi quen nàng trong một đêm dạ hội cuối năm do sinh viên Văn Khoa tổ chức cách đây khá lâu. Rồi tình cờ, gia đình Liên dọn nhà đến gần khu tôi ở. Chúng tôi thường gặp nhau; mỗi lần gặp, tôi cảm thấy ở Liên có những suy nghĩ về cuộc sống gần như tôi vì vậy tôi quí mến Liên và coi nàng như em gái. Liên không thích chế độ miền Nam lúc trước, nên tư tưởng, phần nào thiên Cộng. Nàng đã lên đường, xuống đường mỗi lần tình hình miền Nam bị xáo trộn chính trị. Nàng đã đấu tranh vì nhiệt tình tuổi trẻ chứ không thuộc đảng phái nào. Tính tình Liên rất hồn nhiên cởi mở, ngay cả tình yêu, Liên cũng không cần đắn đo suy nghĩ. Khi trước, Liên thường nói với tôi:

    - Có mất gì đâu anh, mỗi người vui một chút! Nhưng hôm nay, tôi tin rằng Liên đã trở thành con người khác. Sau gần sáu năm sống dưới chế độ Cộng Sản, nàng đã nhận thức được giá trị của cuộc sống. Tôi nhìn ngọn đèn buồn bã như nhìn thấy một biểu tượng cô đơn. Có bóng chiếc nón cối dừng lại cúi xuống châm thuốc. Tên bộ đội nói với Liên những gì tôi không biết, qua cử chỉ, tôi thấy Liên đưa hai tay lên ôm chặt lấy đầu như tỏ ý không muốn nghe. Tên bộ đội cúi xuống nữa, đầu hắn gần chạm vào mái tóc Liên, đột nhiên nàng đứng lên, lảng ra xa. Tên bộ đội định theo sát, nhưng khi gần tới bên, không hiểu sao hắn quay người đi thẳng. Tôi vừa chứng kiến một cuốn phim câm, nhưng qua đó đã đoán được phần nào tâm trạng của Liên trong môi trường thực tế vô cùng khốn khó. Tôi định sẽ gặp Liên một ngày nào gần đây để tìm hiểu! Tôi ngửng mặt nhìn lên. Những vì sao lấp lánh như từng chuỗi kim cương ghim cứng trên tấm màn nhung tím biếc. Tiếng động cơ xích-lô máy nổ chát chúa phá tan sự im lặng của đêm sâu. Saigon ban đêm không còn náo nhiệt phồn vinh như trước. Thành phố chỗ sáng, chổ tối, đèn đường chỗ có, chỗ không. Saigon lúc này như một thành phố chết. Tôi biết, Saigon vẫn có những quán ăn nhậu, quán café, nhưng chỉ là những quán bình dân và các thực, ẩm khách phần đông là dân chạy ‘‘mánh” chợ trời hoặc các thanh niên chán đời chưa có phương tiện vượt biên! Không muốn nhìn, không muốn nghĩ, tôi đóng cửa dìm đời mình vào giấc ngủ, một giấc ngủ chênh vênh vì ngày mai, khi tĩnh giấc, chuyện gì sẽ tới?...

    *****

    Tôi thức dậy từ lúc còn mờ đất. Tôi quơ tay tìm chiếc điếu cày, mồi thuốc, châm lửa. Đưa điếu lên môi, tôi rít một hơi dài, nước điếu kêu reng réc. Khói thuốc luồn nhanh vào lồng ngực. Các dây thần kinh căng ra. Thân xác tôi chơi vơi, rũ liệt. Tôi thở dốc như một lực sĩ vừa qua cuộc chạy đua thần tốc. Tôi ngất lịm, hồn lâng lâng bay bổng tít mù! Cơn say tuy ngắn, nhưng vô cùng khoái cảm. Ôi, điếu thuốc lào thứ nhất mỗi sáng sớm, nó có giá trị gần như một nhu cầu không thể thiếu trong tôi.

    Trời bắt đầu sáng. Sắc trời bữa nay xấu. Màu mây xám chì, chĩu nước. Tôi bước chậm chạp xuống nhà dưới, toan mở cửa đi ra ngoài đường dạo chơi để quan sát sự sinh hoạt của Saigon buổi mai ra sao, bỗng có tiếng hỏi:

    - Anh đi đâu sớm vậy?

    Tôi trả lời khật khưỡng:

    - Đi đây đó vậy thôi! Vợ tôi cười:
    - Chắc anh nhớ tiếng kẻng không ngủ được! Giờ này ở trong Trại Cải Tạo, các ông sắp sửa đi lao động, phải không anh?

    - Chưa đâu, giờ này đang chờ lãnh phần ăn sáng, một củ khoai, phần tư chén bo-bo hay khoai mì khô, hoặc bất cứ thứ gì có thể ăn được, không quá số lượng năm mươi gam cho mỗi đầu tù. Vừa lúc ấy ở ngoài đường có tiếng rao:

    - Ai bánh cuốn nóng? Tiếng rao the thé, nhức nhối.

    - Sáng nay anh ăn bánh cuốn nhé?
    - Ừ, tôi trả lời buông sõng! Quả thực, khi còn ở tù, thứ gì cũng thèm, từ củ khoai, củ sắn, quả chuối và ao ước khi nào được tha về sẽ bảo vợ con mua cho ăn mỗi thứ một bữa thoả thích. Nay, trong hoàn cảnh có thể thực hiện được, không hiểu sao lại chán hết.

    Trong khi vợ tôi mua, tôi chú ý nhìn đôi bàn tay thô kệch của người đàn bà vụng về xếp từng chiếc bánh vào đĩa. Những chiếc bánh cuốn nóng, tỏa hơi bay nhẹ trong không khí. Mùi thơm tỏa ra làm tôi cảm thấy đói.

    - Vào ăn cho nóng, anh! Đang ăn, vợ tôi ngước nhìn hỏi:

    - Anh có nhớ con mẹ bán bánh là ai không?
    - Không nhớ - Con mẹ này là vợ thằng Cương hồi xưa chuyên môn bán đô Mỹ ở ngõ trong đó! Khi tụi Việt Cộng mới vào, chồng mụ được tụi Cộng Sản chỉ định làm Trưởng Ban An Ninh Phường, mụ vợ lên mặt. Thấy nhà mình thuộc thành phần cải tạo, nó coi chẳng ra gì, nó còn dạy mình phải sống như thế nào cho thích hợp với Cách mạng. Mỗi lần hội họp, hắn ngồi vắt vẻo ở hàng ghế đầu, mặt vênh váo. Nhưng bây giờ nó bị tụi Việt Cộng đá văng ra rồi, lại hiện nguyên hình!

    - Thôi, chấp làm gì em, đời như thế cả! Vợ tôi nhìn chằm chặp:
    - Nhưng cuộc đời nhiều đứa khốn nạn quá, chịu không nổi! Chính vì mình không chấp lúc trước nên mới thua đó anh!

    Vì biết tính vợ, tôi đứng dậy đi vào nhà trong thay quần áo.

    Tôi qua thăm ông Phú, một công chức về hưu trước ngày Việt Cộng chiến thắng. Sở dĩ khi trước, tôi quí mến ông chỉ vì tính ông vui vẻ, ham đọc sách. Tôi vốn lười đọc, chỉ nghe ông kể lại. Sau khi nghe, tôi coi như mình đã đọc và tự cho mình cái quyền nói về cuốn sách đó khi cần. Nhà ông ở cuối xóm. Muốn vào nhà phải đi qua một cái ngõ nhỏ, sâu hoắm, hai bên trồng đủ loại cây kiểng, trong đó, có hai cây mai vàng, mỗi khi Xuân về, hoa nở phủ kín từ gốc đến ngọn. Tôi đưa tay ấn vào nút điện. Tiếng chuông reo vang phía trong, vọng đến tai. Chờ một lúc, không thấy ai ra mở cổng, tôi nghĩ, có lẽ mình đến sớm quá, nên nhà còn ngủ. Tôi toan quay về, bỗng có tiếng dép kéo lê trên nền xi-măng. Tôi nhón gót nhìn qua khe cổng. Một gã con trai, trạc ba mươi tuổi, nghiêng người gần sát đất, trườn từng bước chân khó nhọc. Thân hình gã dúm dó, siêu vẹo trông không ra hình người, chẳng ra hình thú. Nét mặt đau khổ in hằn qua những nếp nhăn chảy dài ở hai bên má. Những sợi râu lún phún mọc dài ngắn chỗ thưa, chỗ mau ở trên mép và dưới cằm tạo cho khuôn mặt có những nét khôi hài đặc biệt. Đó là người con trai duy nhất của ông bà Phú. Anh ta bị bệnh tê liệt từ bé. Ông bà Phú đã tốn bao nhiêu tiền bạc để chạy chữa nhưng không khỏi, đến nay coi như thành tật. Anh ta không đi được, mà lết. Người lối xóm cho rằng vì bà Phú ăn ở ác nghiệt, nên đứa con gánh chịu. Tôi ngẫm nghĩ, nếu đúng vậy, Thượng Đế bất công hay sao? Ai làm nấy chịu mới đúng chứ! Theo tôi biết, bà Phú quả có khe khắt với chồng con thật, nhưng tôi tin, chẳng vì thế mà Thượng Đế nỡ hành hạ bà, qua đứa con trai duy nhất

    - Ông đã dậy chưa, cậu?

    Một giọng nói khàn khàn cất lên:
    - Rồi!

    Anh quỳ gối xuống, cố gắng cất mình lên cao đưa tay với cái chốt cổng, ấn qua bên. Tôi đẩy nhẹ, lách mình vô trong. Tôi vào gần hết ngõ, ông Phú lật đật chạy ra, chiếc khăn rửa mặt vắt trên vai. Ông cười, nụ cười gượng gạo chứ không thoải mái như hồi trước.

    - Mời vô!

    Tôi dạ, dạ, theo ông vào phòng khách. Tôi sững nhìn, căn phòng lúc này trống lốc, chiếc tủ sách cao nghệu, khi trước chiếm trọn bề dài của bức tường nay không còn nữa. Tất cả đồ đạc đều thay đổi vị trí, coi chống chếnh chả đâu vào đâu. Hồi xưa nơi đây bầy biện toàn đồ sang trọng, lúc nào cũng bóng láng ngăn nắp. Có lẽ, thấu rõ tâm trạng tôi lúc ấy, nên ông đưa tay mời ngồi. Ông cười sòa:

    - Có nhiều chuyện để nói lắm, ông ơi! Tôi đun nước, anh em mình làm ấm trà cho ấm bụng.

    Ông xuống bếp. Có tiếng bà Phú nói léo xéo từ dưới vọng lên:
    - Ông tiếp khách đi, để tôi đun. Người gì mà kỳ cục, có ấm nước làm cũng không xong!

    Ông Phủ lê dép đi lên. Nét mặt ông bần thần, sượng sùng. Chiếc trán ông lúc trước đã cao, nay càng cao vì tóc rụng gần hết. ông ngồi đối diện tôi, đưa tay sửa lại gọng kính, nói chậm rãi:

    - Còn sống là may rồi! Gần sáu năm cải tạo đâu phải chuyện đùa! Ở ngoài, chẳng ngày tù nào, còn khốn đốn nữa là! Ồ, gầy và đen quá há? Nhưng không sao, ăn uống, nghỉ ngơi ít bữa, sẽ lại người! Giọng nói trầm trầm, ngầm ý an ủi. Sự thực, mục đích tôi sang thăm ông đâu phải cần lời an ủi, mà đích thực, muốn được ông nói cho nghe những gì đã xẩy ra dưới chế độ Xã Hôi Chủ Nghĩa trong gần sáu năm qua, một con người đã sống dưới nhiều chế độ, từ thời Pháp thuộc tới nay, ông vốn có óc nhận xét sự việc một cách sâu sắc, tinh tế, nên tôi tin những gì ông nói ra đều phản ảnh đúng đời sống hiện tại. Tôi đảo mắt nhìn xung quanh, như có ý hỏi. Ông nói ngay:

    - Cái tủ sách! Ái chà, cái tủ sách gồm hơn ba ngàn cuốn quý mà tôi thu thập cả một đời người đã bị tụi Công An nó tịch thâu hết rồi, trong đợt đánh Văn hoá đồi trụy! Cuốn nào dù tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Việt, tụi nó đều quy là văn hoá đồi trụy ráo trọi. Nó bảo thẳng vào mặt tôi:
    - Thành phần chế độ cũ, phản động, không cho đi cải tạo là may rồi!

    Ông bạn thấy không, tụi nó làm ăn như vậy đó, cho lũ Công An vô học đi làm công tác kiểm kê văn hoá, lại dọa nạt, hà hiếp nhân dân! Cách Mạng cái con mẹ gì, đồ ăn cướp! Nhưng ức nhất, tụi nó tịch thu sách của mình, không đem hủy như thời Tần Thủy Hoàng, lại mang ra chợ sách, bán lấy tiền tiêu, mới đau mình chứ? Sở dĩ tôi biết được vì một hôm nhớ sách, tôi dạo chợ sách để xem, bỗng thấy những cuốn sách của mình bầy bán. Tôi hỏi người bán, mua sách này ở đâu? Người bán cười riễu:
    - Sao ông ngây thơ thế? Đừng hỏi lẩn thẩn! Tôi ngượng quá, bỏ đi một nước. Ông Phú cười héo hắt.

    Có tiếng guốc từ ngoài, bà Phú bưng khay trà đi vô. Nhìn thấy tôi, bà nhếch môi:
    - Chào ông, mạnh giỏi chứ?

    Bà cụ này dấm dớ bỏ cha, vừa ở tù về làm sao mạnh giỏi được? Tôi toan trả lời thẳng những gì mình nghĩ, nhưng ông Phú đã đứng dậy, đỡ lấy khay trà, bảo vợ cùng ngồi uống nước. Bà Phú vốn gầy nay lại bị bệnh thấp khớp hành hạ nên trông thiểu não ra mặt. Các đầu khớp xương của bà sưng vù; tôi nhìn bà cử động khó khăn. Bà vừa rót nước vừa mỉa mai:

    - Xin cám ơn ông đã đến thăm ba phế binh!

    Tôi ngạc nhiên toan hỏi, bà đã tiếp:
    - Ông nghĩ coi, lúc này gia đình tôi có đúng là gia đình phế binh không? Này nhé, ông nhà tôi về hưu; từ ngày 30-4, ổng mất sổ hưu trí, không có công ăn việc làm; tôi như thế này, bệnh thấp khớp hành hạ mỗi đêm không ngủ được. Đi khám bệnh, Bác sĩ cho toa mua thuốc. Tôi không mua, nghĩ mình đã già, sống chết không cần; tiền mua thuốc để ăn, sướng hơn. Còn thằng con duy nhất lại thế kia, hỏi không phải gia đình phế binh còn là gì?

    Bà nói, và nói nhiều, toàn những chuyện không đâu, vì vậy câu chuyện giữa tôi và ông Phú coi như không thực hiện được. Sau chén trà thứ ba, tôi đứng dậy, xin phép về. Ông Phú nói vài lời xã giao lấy lệ, chắc ông đã đoán biết chẳng nên giữ tôi lâu. Những giọt mưa bắt đầu rơi trên mái tôn lộp bộp.

    Vừa về đến cửa, mưa bắt đầu mau. Gió nổi to, thổi tung những rác rưởi, bao nylon, cuốn đi mất hút. Cơn mưa bỗng trút xuống như thác. Tôi nhớ đến những cơn mưa rừng ở miền biên giới ngoài Bắc, trong năm tháng tù đầy. Ôi, những cơn mưa rừng! Tiếng mưa như quất vào không gian muôn vạn ngọn roi nhọn sắc. Cảnh vật đắm chìm vào một khu vực đầy bất trắc, đe dọa. Có thể một cây rừng trốc gốc, có thể núi lở, có thế nước suối dâng lên cuốn phăng tất cả những gì ngăn cản sức mạnh của nó. Tôi lên lầu, nhìn mưa qua ô kính. Những dòng nước chẩy ào ạt phía ngoài làm tôi cảm thấy mặt mình như có nước. Tôi đưa tay lên vuốt. Nhưng không, da mặt khô ran! Tôi suy nghĩ, không hiểu vì đâu, mình lại có cử chỉ như vừa rồi?

    Cơn mưa miền Nam khi trút xuống thật dữ dội, nhưng cũng mau tạnh. Bầu trời xanh dần. Mặt trời lại chiếu làn ánh sáng rực rỡ xuống cảnh vật. Tôi mở cửa nhìn ra, cảnh vật như tươi hẳn lên vì nước mưa đã rửa sạch bụi bậm. Tôi tỳ tay vào thành cửa nhìn bâng quơ xuống đường. Một chiếc xe Vespa lao nhanh vào ngõ rối tắt máy ngay sát nhà. Tôi thoáng thấy gã đàn ông ngồi phía sau buông eo ếch người đàn bà, nhẩy xuống đất, lủi nhanh vào chiếc cửa đã mở sẵn, trong khi người đàn bà loay hoay cố sức đẩy chiếc xe qua bực thềm. Người đàn bà đó, quá quen thuộc, tôi biết từ khi còn ở tuổi nhẩy dây. Do vây, dù đã có chồng con từ lâu nhưng quen miệng tôi vẫn gọi bằng cô. Mấy bữa trước, vợ tôi nói, người chồng đã vượt biên năm ngoái. Hiện cô sống với mấy đứa con chờ đi bảo lãnh. Cô tên Bạch, người phốp pháp, trắng nhễ nhại. Trông có nồng nàn, đằm thắm. Hôm tôi mới về, cô có chạy sang hỏi thăm. Cho tới thời gian gần đây, đời sống của gia đình cô mới dễ chịu, trước cũng lao đao lắm. Cô Bạch có một thời gian đi làm cho cơ quan truyền thông của Cộng Sản. Vì đi làm nên cô có nhiều bạn cả trai lẫn gái. Chồng cô, một trí thức, từng du học tại Pháp, nhưng Cộng Sản vốn không ưa trí thức nên dù người chồng có hết sức phục vụ chế độ Cộng Sản bằng khả năng chuyên môn, vẫn không đủ sống!... Cuối cùng phải tìm cách vượt biên. Trong những ngày đầu khó khăn của một người dân ty nạn, người chồng đã tằn tiện gửi về cho vợ con từng bao thuốc lá, từng lọ thuốc, từng thước vải. Nhưng dần dà những thùng quà lớn được gửi đều qua Tân Sơn Nhất. Từ đó, cô sống phong lưu, cũng từ đó, sự phóng túng hình hài được bộc lộ. Hôm nay, tình cờ tôi mới được nhìn thấy tận mắt sự việc. Có điều ngạc nhiên, không phải cô sống riêng biệt, mà sống chung cùng bố mẹ già. Nhưng bố mẹ cô hình như coi vấn đề lăng nhăng tình ái này như chuyện thường tình, vì khi còn trẻ, họ cũng vậy! Tôi có nghe vài người lối xóm phê bình về tính nết của cô. Tôi chưa tin hẳn vì sự yêu, ghét đều có thể làm lệch nhận xét. Ngay cả đến vợ, tôi cũng chỉ nghe, ít khi phê bình hay có ý kiến trực tiếp. Tâm hồn tôi sau gần sáu năm gánh chịu bao nhiêu phiền lụy, ngộ nhận, nên lúc này tôi trở thành dè dặt đối với tất cả chuyện gì khi chưa có chứng minh. Vấn đề cô Bạch nuôi người tình, tên cán bộ Việt Công từ miền Bắc vào, cùng làm chung cơ quan lúc trước, bằng tiền mồ hôi nước mắt của người chồng từ ngoại quốc gửi về, đó thuộc về trách nhiệm của riêng cô; nào có liên hệ đến ai? Sau những năm dưới sự cai trị của Cộng Sản, biết bao nhiêu gia đình đã tan nát, bao nhiêu giá trị bị lật nhào, bao nhiêu nền tảng bị phá vỡ, thì hôm nay thêm cô Bạch có “ăn nem" vụng chồng, đó chẳng qua vì cô không đủ nghị lực từ chối sự thôi thúc của thân xác qua sự vật vã mỗi giờ, mỗi ngày, mối đêm dưới cơn lốc dục tình! Tôi nghĩ vậy, nhưng sao trong lòng vẫn gợn lên một nỗi buồn ứ nghẹn, như có một viên sỏi chắn ngang cuống họng! Tôi cứ suy tư và lý luận bâng quơ, cố tìm ra một lý lẽ đổ lỗi cho ngoại cảnh nhưng cuối cùng, chính tôi cũng chẳng biết gì hơn là trút tiếng thở dài, bực bội!

    Thời gian trôi rất chậm. Quay vào nhà, tôi cầm cuốn sách mong đọc cho khuây khoả; không một dòng chữ nào đi vào óc. Trước mắt tôi, không phải những hàng chữ mà nó biến thành một cái hố đen ngòm, sâu hoắm. Từ dưới đáy, nổi lên dần dần từng hình thể, nhẩy múa loạn xạ, cuối cùng nổ bùng và cháy tan như ảo ảnh. Tôi giật mình, mới hay vừa thiếp đi ít phút!

    Buổi tối nay có cuộc họp Tổ, nơi căn nhà trước mặt. Cánh cửa mở toang. Tên Công An khu vực đi ra, đi vô. Hắn cố để lộ cho mọi người thấy cây súng ngắn đeo ngang hông. Buổi họp được ấn định từ tám giờ, nhưng mọi người đều đến trước. Điều tôi ngạc nhiên là thành phần họp toàn đàn bà, con nít. Không có bóng người đàn ông nào! Phía cuối phòng có đặt chiếc bàn và ghế dành cho tên Công An khu vực, Tổ Trưởng đứng kế bên, nhân dân ngồi bệt xuống đất. Tất cả đều im lặng. Tên Công An đại diện cho quyền uy Cộng Sản nói lý do buổi sinh hoạt rồi nhường lời cho Tổ Trưởng. Tổ Trưởng lúc trước là công chức sở Thuế Quan. Nghe nói anh làm việc rất khôn ngoan, vừa được lòng bọn Công An, vừa được lòng lối xóm. Ngày tôi mới về, anh có qua hỏi thăm; trong lúc vui câu chuyện, anh nói:

    - Bác nên “chui”, ở đây uổng lắm! Bác còn làm được nhiều việc mà! Để giữ mình, tôi nói không đi đâu cả, được tha là may rồi, còn đòi hỏi gì hơn nữa? Anh cười xòa!

    Từ nhà, tôi nghe rõ tiếng anh Tổ Trưởng nói sang sảng trong phòng hội. Tôi nghĩ, đây không phải cuộc họp đúng nghĩa, mà ngồi nghe phổ biến lệnh của nhà nước. Mỗi lần đến đoạn quan trọng có đóng góp tiền bạc, như ủng hộ công trình xây cất nhà máy điện Trị An, ủng hộ tiền tuyến, anh Tổ Trưởng ngừng lại hỏi:

    - Bà con có ý kiến gì không?
    - Không! Tất cả đều nhất trí trả lời như vậy vì mọi người đều thuộc lòng câu: Thứ nhất ngồi lì, thứ nhì đồng ý, chớ có nói lốp bốp mang vạ vào thân! Tên Công An xen vô:

    - Xin bà con cô bác thông cảm với khó khăn của nhà nước. Bà con đóng góp vô hôm nay để ngày mai bà con dùng điện thả cửa, khỏi cần hạn chế sáu chục chữ một tháng, không còn cúp điện ba ngày một tuần. Còn tiền tuyến, trên mặt trận Campuchia, các chiến sĩ ta đang chiến đấu ngày đêm, gian khổ, đang đổ máu để giữ vững nền độc lập cho nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa anh em, chống lại bọn phản động Bôn-Bốt - Yên Sa-ri, kẻ thù của nhân dân Campuchia.

    Tôi nghe từng tiếng. Tên Công An nói như con vẹt, nói mà không biết nói cái gì, không giải thích tại sao nhà nước lại đem xương máu thanh niên Việt-Nam để bảo vệ nền độc lập của dân tộc Campuchia? Nhưng mọi người chỉ nghe và chấp hành chứ không ai dám phát biểu thẳng thắn những gì mình nghĩ!

    Buổi họp tan. Vợ tôi - người ra trước nhất vì ngồi sát mé cửa - vừa vào trong nhà, bả nói như trút cơn tức bực:

    - Họp với hành. Mất cả thời giờ; khi nào cần đóng góp tiền bạc thì tụi nó không phân biệt gia đình nào có người đi học tập, gia đình nào không! Khi chia chác quyền lợi thì nó gạt ra, vì gia đình mình thuộc thành phần cải tạo. Ai mà chịu nổi?

    Vợ tôi nổi đoá, nói hơi lớn.

    - Thôi mà em, ai sao mình vậy ! Em đừng bao giờ quên, tụi mình hiện nay đang ở mức thang thấp nhất của xã hội. Vợ tôi ngúng nguẩy:
    - Nhưng tức lắm!

    Tôi lê từng bước chân mệt mỏi lên lầu. Buổi tối nay, trời oi bức. Không ngọn gió nào lọt vào phòng dù cửa mở hết! Mảnh trăng thượng tuần cong veo đã trôi về phía tây. Tôi nhìn ra xa, thành phố Saigon ban đêm vẫn sinh hoạt theo ngần ấy ước lệ. Ngọn đèn của Liên giờ này đang cháy le lói nơi đâu ngõ. Liên có đó, tôi không nhìn mà cũng đoán thấy nét mặt của nàng buồn hiu trước một khung cảnh tuy quen thuộc nhưng không ưa thích.

    Chẳng biết làm gì, giờ ngủ chưa tới, tôi ngồi hút thuốc. Nhưng khói thuốc cuối ngày không đem lại thích thú. Tôi cho tay tắt đèn vì tự nhiên thấy sợ ánh sáng. Căn phòng tối om. Tôi đi lại trong căn phòng như kẻ mộng du. Trong tôi có nhiều sự việc a vào một lúc, nên không có sự việc nào nổi bật rõ ràng. Đầu tôi đau nhói như có nhiều múi kim gút cùng cắm vào một lượt. Tôi gieo mạnh người xuống giường, ngửa mặt nhìn trần nhà. Mầu trắng đục mờ mờ giăng ngang tầm mắt. Tiếng vẩy đuôi của con thạch sùng nghe buồn nản! Cuộc sống đôi lúc như phi lý. Con người sinh ra chỉ được tượng hình như một con múa rối và định mệnh đã khéo léo điều khiển mối dây để mở đầu cũng như kết thúc một sự tình nhất định nào đó đã an bài! Tôi nghĩ vẩn vơ, bất giác đi vào giấc ngủ lúc nào không hay!

    *****

    Tôi chợt tỉnh dậy vì có nhiều tiếng động từ nhà bên vọng đến. Sự thực, nếu những tiếng động đó xẩy ra ban ngày, nó chẳng đáng gì, nhưng về đêm, nhất là đêm khuya, mọi tiếng động dù khẽ cũng trở thành lớn. Tiếng dao và chén đĩa chạm nhau cùng tiếng thì thầm làm mất giấc ngủ. Tôi nhỏm dậy ra bên cửa sổ nhòm xuống. Chiếc sân được soi sáng mờ mờ bởi ngọn đèn nhỏ, hai bóng người đang ngồi ăn bữa đêm. Trên mặt chiếc bàn bầy đầy chén đĩa, thức ăn. Cô Bạch không mặc áo, nửa thân trên chỉ có mảnh sú-cheng màu đen nâng bộ ngực đồ sộ, làm nổi bật màu da trắng nõn. Gã đàn ông cởi trần, mặc quần sà-lỏn. Gã thuộc loại to con. Chiếc lưng gã quay lại phía tôi che lấp một phần chiếc bàn. Cô Bạch cắt thịt, dùng nĩa đút thịt vô miệng gã đàn ông. Gã ăn ngon lành, thỉnh thoảng ngừng nhai, trườn người về phía cô Bạch, cô cũng rướn thân lên. A, họ mớm cho nhau! Vui thật! Hình ảnh người chồng chợt hiện lên, nhìn tôi như trách móc!

    - Ủa, lạ vậy? Sao anh lại nhìn tôi với đôi mắt căm thù, oán giận? Tôi có trách nhiệm gì về vấn đề vợ anh ngoại tình? Ai bảo anh đi? Trước khi đi, sao anh không tìm cách khoá lại?

    Đột nhiên, tôi cảm thấy ngớ ngẩn và phạm tội nhìn lén sinh hoạt thầm kín của gia đình người khác. Tôi tự cảm thấy mắc cỡ nên quay vào. Nằm hoài không sao gây được giấc ngủ, tôi trở mình. Những đầu xương chạm vào mặt gỗ kêu lục cục. Tôi cứ xoay qua, trở lại mãi. Tiếng dao nĩa, tiếng cười khục khục vẫn vang đến bên tai. Vì tránh ám ảnh, tôi nhoài người với tay cầm lọ thuốc an thần ở đầu giường, cho luôn bốn viên vào miệng. Một dòng nước mát lạnh trôi qua cuống họng pha vị đắng chát nồng nồng!

    Sungei Besi 8-1982
    Tạ Tỵ

  • #2
    Có điều muốn rõ:


    Từ lâu mỗi khi nhắc đến Ông Tạ Tỵ là tôi có vài lấn cấn trong lòng .
    Tôi có nghe tiếng bấc ,tiếng chì về ông trong trại tù cải taọ .
    Tôi cũng có đi tù cải taọ nhưng khác trại nên không biết thực hư thế nào
    Kinh mong quý anh nào ở tù chung với ông Tạ Tỵ nên cho một lời ngay thẳng ,trung thực về tư cách con nguời của ông ra sao .
    Tôi tin tiếng nói của quý vị như là ánh sáng chiếu rọi vào đám mây đen tối này để tỏ rõ mọi chuyện .
    Trân trọng và chân thành cám ơn trước !! N-N

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X