Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Biệt Xứ - hồi ký Nguyễn Hữu Thiện

Collapse
X

Biệt Xứ - hồi ký Nguyễn Hữu Thiện

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Biệt Xứ - hồi ký Nguyễn Hữu Thiện

    BIỆT XỨ
    (Từ Nam Định đến Hải Phòng, 1954)


    Hồi ký
    Nguyễn Hữu Thiện



    LỜI NÓI ĐẦU:

    Bài viết này được trích từ thiên hồi ký TÔI VÀ HỌ NGOẠI, kể về cuộc hành trình dài gần 200 km trong đó có 70 km phải đi bộ băng đồng, từ một vùng quê Nam Định tới thành phố Hải Dương, của mẹ tôi và hai con nhỏ trong cuộc di cư năm 1954.

    Thiên hồi ký này chỉ phổ biến trong nội bộ gia tộc Vũ-ngọc ở Nam Định, tuy nhiên gần đây đọc tùy bút Từ Hà Nội tới Sài Gòn năm 1954 của tác giả Lữ Tuấn, trong đó có đoạn kể về cuộc rút lui của Pháp khỏi Nam Định cuối tháng 6/1954 đưa tới hậu quả “các đội dân quân tự vệ ở nhiều làng mạc các tỉnh vùng này (phía nam Hà Nội) kể cả quanh những trung tâm chiến lược như Phát Diệm, Bùi Chu bị Pháp bỏ rơi...”, tôi mới biết làng mình ngày ấy cũng nằm trong khu vực bị bỏ rơi, dẫn đưa tới những cuộc vượt thoát gian khổ của dân làng trong đó có gia đình tôi, vì thế tôi xin được chia sẻ đoạn hồi ký sau đây với độc giả, và cũng để tưởng nhớ mẹ tôi – một phụ nữ quê mùa nhưng bất khuất.


    (Ảnh minh họa)



    Nếu sau này, năm 1975 là năm bi thảm nhất cho đất nước, dân tộc VN thì trước đó 21 năm, năm 1954 là năm đau thương nhất cho nhân dân miền Bắc, trong đó có Ông Bà ngoại của tôi và con cháu.

    Biến cố đầu tiên xảy ra trong gia tộc tôi vào giữa năm 1954: Ông ngoại tôi - Vũ Ngọc S, tức ông Lý S - bị tử thương trong cuộc tấn công của Việt Minh vào đồn Thức Hóa do lực lượng quốc gia trấn giữ.

    Sau khi Ông mất, Việt Minh từng bước tiến hành chiếm nhà Ông Bà.

    Đầu tiên, họ lấy cái sân gạch trước nhà làm nơi sinh hoạt cho cán bộ và thiếu nhi (sau này gọi là “cháu ngoan bác Hồ”).

    Cũng xin có đôi dòng mô tả cơ ngơi của Ông Bà, mà theo ký ức của tôi có lẽ lớn nhất làng Du Hiếu.

    Thửa đất của Ông Bà hình chữ nhật, gồm một ngôi nhà ngói sáu gian, một cái nhà ngang, một cái ao, một sân gạch rất lớn (để phơi lúa), một cái bể (bồn bằng xi-măng) chứa nước mưa, và vườn tược...

    Gọi là “nhà ngang” bởi vì nó nằm ngang, tạo thành một góc vuông với ngôi nhà chính (mà chúng tôi gọi là “nhà trên”). Nhà ngang được sử dụng làm nơi sinh hoạt, chỗ ăn uống cho con cháu, người làm công, cũng là nơi đặt cối xay lúa và cối giã gạo. Còn Ông Bà thì ăn riêng ở nhà trên; những khi ông vắng nhà, Bà thường ăn chung với con cháu ở nhà ngang.

    Trở lại với việc Việt Minh chiếm nhà Ông Bà làm nơi sinh hoạt. Sinh hoạt của đám cán bộ gồm những tiết mục gì, tôi không để ý tới, chỉ biết trong đó có màn trai gái nắm tay nhau nhảy “son đố mì”.

    Thực ra “son đố mì” chỉ là ba nốt nhạc Sol (G), Do (C) và Mi (E) trong ký âm pháp, nhưng ở đây đã được Việt Minh sử dụng để gọi một ca khúc và điệu nhảy giữa nam nữ cán bộ phát xuất từ Hoa Lục (Trung Cộng). Ngày ấy, ở các vùng quốc gia, người ta thường hát nhái như sau:

    “Son mì son là son đố mì, son mì son là ôm nhau đi, nhờ có bác Hồ mà ta mê ly...”

    Hồ Chí Minh nhảy son đố mì với “thiếu niên tiền phong” ở Hà Nội



    Riêng với những đứa trẻ mới lớn như tôi và người cậu út thì sinh hoạt thiếu nhi (cháu ngoan bác Hồ) rất có sức thu hút. Giờ này tôi không còn nhớ ngày ấy đám cán bộ Việt Minh bày những trò chơi gì cho trẻ con, chỉ biết trong mấy ngày đầu, tôi và cậu út bị thu hút, từ trong nhà ngang hớn hở chạy ra sân tham gia, và lần nào cũng bị dì N nắm cổ lôi vào.

    Sau này hồi tưởng lại, tôi thấy không khí ở nhà Bà lúc đó rất ngột ngạt, người lớn ai cũng trở nên nghiêm trang, ít nói chuyện với nhau, và khi cần phải nói thì chỉ nói nhỏ vừa đủ nghe.

    Chẳng bao lâu sau, đám Việt Minh tiến thêm một bước: sử dụng nhà ngang làm nơi họp hành. Vì thế, mỗi khi họ kéo tới, Bà và mọi người lại phải đi lên nhà trên, nhường nhà ngang cho họ. Nhà trên bằng gỗ quý, rất cao ráo, rộng rãi, thoáng mát nhưng từ khi Việt Minh kéo tới, các cửa ra vào và cửa sổ ở mặt tiền (nhìn ra sân gạch) được đóng kín, mọi người ra vào bằng cái cửa hông, lối đi xuống nhà ngang, cho nên ai cũng cảm thấy bị tù túng, không khí trở nên ngột ngạt hơn nhiều.

    Cho tới một ngày nọ, Bà âm thầm đưa các cậu các dì lên Hà Nội. Từ đó tôi không bao giờ còn được trở lại cái cơ ngơi đẹp đẽ, thân yêu, nơi tôi đã sống một phần tuổi ấu thơ của mình: toàn bộ nhà đất của Ông Bà bị Việt Minh tịch thu!

    * * *


    Ít lâu sau đó, tôi theo mẹ vào nhà bác C, chị gái của mẹ tôi. Tôi không được biết hai chị em nói chuyện gì với nhau, chỉ nhớ trước khi ra về tôi được bác trai cho một tờ giấy bạc Đông Dương 10 đồng màu đỏ. Lúc ấy, tôi chưa đủ trí khôn để thắc mắc tại sao bỗng dưng bác trai lại cho tiền mình, nhưng vì đã được mẹ dạy đánh vần và đếm số, tôi biết đây là một số tiền lớn gấp đôi số tiền 5 đồng Ông ngoại mừng tuổi hôm Tết. Vì thế, tôi thích vô cùng, về nhà nhất định không chịu đưa cho mẹ giữ mà cẩn thận cất trong túi quần soọc (short), cái quần duy nhất của tôi có túi.

    Sau này, tôi mới biết mẹ tôi vào để từ giã hai bác trước khi di cư vào Nam. Cũng theo lời mẹ tôi kể lại, nếu không kể gia đình Bà đã ra Hà Nội từ trước, thì gia đình tôi là gia đình đầu tiên ở làng Du Hiếu quyết định di cư. Bố tôi lén đi trước, nhưng không ở Hà Nội mà tới Hải Dương, tạm trú ở nhà họ hàng để chờ mẹ tôi.

    Buổi tối trước khi chúng tôi đi, ba bà bác dâu bên họ nội, tức ba người chị dâu của bố tôi, âm thầm tới nhà tôi. Cùng với việc từ giã nhau, mẹ tôi đã phân chia chén bát, muỗng nĩa, nồi niêu xoong chảo cho các bác. Những thứ này ở miền Bắc ngày ấy rất quý; bố tôi là con trai út, vì phải nuôi hai em gái nên được hưởng mọi thứ từ ông bà nội.


    Nhà thờ giáo xứ Du hiếu


    Sáng sớm hôm sau, khi nhà thờ Du Hiếu chưa đổ chuông nhất (khoảng 4 giờ sáng), tôi đã bị mẹ đánh thức dậy để đi. Trước hết chúng tôi tới nhà dì T, em gái kế mẹ tôi, để đón chú (dượng) cùng đi. Chú T không chỉ có nhiệm vụ hộ tống chúng tôi mà, quan trọng hơn, còn phải đeo cái tay nải của mẹ tôi trên lưng, vì mẹ tôi phải bế em tôi lúc đó mới được mấy tháng.

    [“Tay nải” là một loại túi vải dài, hai đầu nhỏ dần thành cái quai vắt xéo trên vai, để đựng quần áo, đồ dùng khi đi bộ đường xa]

    Vừa ra khỏi cổng làng, chúng tôi bắt đầu rời đường cái để sử dụng những con đường nhỏ ở dưới đồng ruộng, bởi nếu đi trên đường cái có thể bị cán bộ Việt Minh bắt giữ, hoặc đuổi trở về làng.

    Cũng nên biết, theo các điều khoản của Hiệp Định Genève, ký ngày 20/7/1954, chia đôi đất nước Việt Nam tại vĩ tuyến 17, người dân hai miền Nam Bắc có 300 ngày được tự do chọn lựa sống ở một trong hai miền. Nhưng trên thực tế, trong khi có trên dưới một triệu người miền Bắc di cư vào Nam thì chỉ có vài chục ngàn người miền Nam, phần lớn là cán bộ Việt Minh, đi ra miền Bắc “tập kết”.

    Con số người miền Bắc di cư vào Nam lẽ ra còn cao hơn nhiều nếu như tất cả mọi người được “tự do” ra đi như bản Hiệp Định đã quy định. Nhưng vì Ủy Ban Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến chỉ có mặt ở các thành phố lớn và một số giao điểm giữa vùng quốc gia và vùng Việt Minh, cho nên rất nhiều người dân sống trong các vùng do Việt Minh kiểm soát đã bị họ ngăn cấm di cư...

    Rất tiếc, vì lúc ấy còn nhỏ dại, tôi không nhớ được mọi diễn tiến trong cuộc vượt thoát của bốn người chúng tôi – mẹ tôi, chú T, tôi và em trai tôi – từ làng Du Hiếu tới thị trấn Phủ Lý, thủ phủ tỉnh Hà Nam là tỉnh nằm giữa Nam Định và Hà Nội.

    Tôi chỉ nhớ đại khái lộ trình của chúng tôi như sau: từ Du Hiếu đi Phủ Lý, từ Phủ Lý đi Hà Nội, từ Hà Nội đi Hải Dương, và sau cùng từ Hải Dương đi ra Hải Phòng, tại đây sẽ có tàu há mồm chở ra tàu lớn đậu ngoài khơi để đi vào miền Nam.



    Làng Du Hiếu thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, nằm về phía đông nam (gần biển), cách thành phố Nam Định khoảng 45 km.

    Từ Nam Định muốn lên Hà Nội phải đi ngang qua tỉnh Hà Nam ở hướng tây bắc; khoảng cách từ thành phố Nam Định tới thị trấn Phủ Lý, thủ phủ tỉnh Hà Nam, vào khoảng 35 km, vị chi từ Du Hiếu tới Phủ Lý vào khoảng 90 km, tuy nhiên vì chúng tôi không đi lên thành phố Nam Định mà đi đường tắt, cho nên lộ trình chỉ vào khoảng 70 km.

    Thị trấn Phủ Lý và thành phố Nam Định đều là vùng quốc gia, tại sao chúng tôi không lên Nam Định để từ đó đi xe tới Phủ Lý, rồi từ đây lên Hà Nội?

    Sau này nghe người lớn kể lại, tôi mới biết nguyên nhân là vì đường từ Nam Định đi các tỉnh lân cận (Hà Nam, Thái Bình...) thường bị Việt Minh đặt mìn, đã có nhiều xe - xe dân sự cũng như xe quân sự - bị mìn khiến nhiều người chết, trong số này có người em gái của Bà ngoại tôi cùng cô con dâu chết tan xác!

    Vì thế, chúng tôi và chú T đã phải đi bộ khoảng 70 km từ làng Du Hiếu tới Phủ Lý trong thời gian 14 ngày. Thời gian 14 ngày là do mẹ tôi ghi nhớ, còn khoảng cách 70 km từ làng Du Hiếu tới Phủ Lý là do sau này tôi tìm hiểu qua bản đồ.

    Trên quãng đường 70 km ấy, khi đi qua những làng Công giáo, ban đêm chúng tôi thường ngủ ở sân nhà thờ, sáng sớm thức dậy dự thánh lễ rồi đi tiếp, cũng có khi tạt vào chợ mua thức ăn, bánh trái...

    * * *


    Nhưng trước khi tới được khu vực do quân đội quốc gia kiểm soát, có sự hiện diện của Ủy Ban Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến ở Phủ Lý, chúng tôi đã gặp cản trở sau cùng, và cũng là cản trở lớn nhất trong cuộc hành trình: tại bến đò Phủ Lý, chúng tôi cùng với đoàn người di cư bị Việt Minh ngăn chặn, tuyên truyền xuyên tạc gây hoang mang, trà trộn vào để gây rối loạn.

    Như đã viết ở trên, tôi không nhớ được nhiều diễn tiến trong cuộc hành trình gian khổ từ làng Du Hiếu lên thị trấn Phủ Lý, nhưng riêng sự việc xảy ra tại bến đò, tôi lại nhớ từng chi tiết. Rất có thể vì lúc đó mẹ tôi bỗng trở thành một “người hùng bất đắc dĩ”!

    Đầu đuôi như sau:

    Con đường đi Phủ Lý mà chúng tôi sử dụng, tới bờ sông Đáy là đường cùng, tại đây có một bến đò đi Phủ Lý. Bến đò này nằm trong khu vực có sự hiện diện của Ủy Ban Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến, nhưng họ chỉ có mặt vào ban ngày, khi có những chuyến đò của quốc gia chở người di cư từ đây đi Phủ Lý.

    Khi chúng tôi tới bến đò thì trời sắp tối, không còn đò và các nhân viên trong Ủy Ban Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến cũng đã rút đi. Đoàn người di cư tụ tập tại bến đò càng lúc càng đông; sau này nghe mẹ tôi kể lại có đến cả nghìn người. Vậy mà trong đám đông ấy chúng tôi đã gặp được người trong thân tộc: gia đình bà Bạ P. Ông Bạ P nguyên là thầy dạy học của mẹ tôi, một đảng viên Quốc Dân Đảng, bị Việt Minh bắt đem đi mất tích từ lâu).

    Khi trời đã tối, mọi người đang chuẩn bị chỗ đặt lưng qua đêm thì bỗng có một toán nam nữ cán bộ Việt Minh được xe cam-nhông (vận tải) chở tới nơi; họ ăn mặc như thường dân chứ không mặc quần áo bộ đội, và cũng không mang súng ống (vì ở vùng này cả hai phe đều bị cấm mang vũ khí). Họ tới chỉ để tuyên truyền và gây rối loạn.

    Trước hết, một tay cán bộ đứng trên phía sau một chiếc xe, dùng loa (loa bằng thiếc, ngày đó chưa có loa chạy bằng pin) kêu gọi mọi người đừng dại dột nghe theo lời xúi giục di cư vào Nam mà hãy trở về làng quê của mình sống trong thanh bình, bởi vì trong Nam vẫn còn chiến tranh, chết chóc (họ bịa đặt), vào Nam sẽ bị bắt đi lính cho Pháp, v.v... Rồi tay cán bộ hứa hẹn “Ai trở về thì sẽ được phát một nón (nón lá) bánh kẹo và được ô-tô chở về tận làng!”

    Tay cán bộ nói xong, đám nữ cán bộ đồng loạt xông vào đoàn người di cư, gây rối loạn trong màn đêm bằng cách lôi trẻ em ra khỏi tay cha mẹ, khiến nhiều gia đình bị thất tán, tiếng trẻ con khóc, tiếng người lớn gọi con inh ỏi!

    Trong lúc hỗn loạn đó, chúng tôi lạc mất chú T, mẹ tôi phải nhờ cậu Ph và cậu N con bà Bạ P nắm chặt hai tay tôi. Bỗng một ả nữ cán bộ xông tới, vừa đưa tay như muốn giật lấy em trai tôi trong lòng mẹ tôi vừa nói:

    “Chị muốn đi thì để cháu bé lại chúng em nuôi cho, khi nào chị về chúng em giao lại!”

    Xui cho ả nữ cán bộ đụng phải mẹ tôi, tức “cô Kính con gái ông bà Lý S” nổi tiếng đáo để nhất làng Du Hiếu. Mẹ tôi, tay ghì chặt em tôi vào ngực, miệng quát:

    “Con tôi, tôi đẻ ra thì tôi nuôi, tôi giữ, không khiến chó chị!”

    Ả nữ cán bộ câm họng. “Nhiệt huyết” dâng lên, mẹ tôi lớn tiếng hô hào mọi người chung quanh hãy nắm chặt tay nhau để khỏi bị lạc, và lôi cổ những ả cán bộ Việt Minh trà trộn vào đoàn người ra để “dần cho chúng nó một trận”!

    Cùng lúc đó, một số đàn ông trong đoàn người di cư khám phá ra việc cán bộ Việt Minh kéo cái cầu tàu nổi ở bến đò lên bờ và tính khiêng đi đâu đó, liền tri hô lên cho mọi người biết.

    Cầu tàu nổi (floating pier) này làm bằng tre nứa, gồm mấy đoạn nối lại với nhau, để hành khách từ bờ đi lên đò vì đò ở đây là đò dọc, khá lớn không thể vào sát bờ (ngoài Bắc người ta thường gọi là “tàu”).

    Nếu để Việt Minh lấy mất cái cầu tàu thì ngày mai làm sao lên đò, người lớn có thể lội ra nhưng còn con nít thì sao? Thế là đám đàn ông kéo nhau tới vây quanh đám cán bộ đang khiêng mấy đoạn cầu tàu (chắc tính đem lên xe?), quyết một mất một còn khiến đám này phải bỏ chạy...

    Nhưng nói gì thì nói, đám cán bộ Việt Minh tới để tuyên truyền và gây rối loạn ấy cũng thành công phần nào.

    Thứ nhất, trong khi đại đa số nhất quyết sống chết đi di cư, một số nhỏ đã bị lung lạc trước những lời tuyên truyền xuyên tạc của cán bộ Việt Minh và quyết định quay về.

    Thứ hai, thủ đoạn cho đám nữ cán bộ xâm nhập vào đoàn người để gây rối loạn đã gây tác hại không nhỏ; chẳng cần nói đâu xa, ngay gia đình tôi và chú T cũng bị lạc nhau. Nếu đêm hôm đó chúng tôi không may mắn gặp được gia đình bà Bạ P, không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra: rất có thể tôi đã bị đám cán bộ Việt Minh bắt cóc đem về cho làm “cháu ngoan bác Hồ”, lớn lên trở thành bộ đội “sinh Bắc tử Nam” không chừng!

    Sáng ra, vẫn không tìm thấy chú T, mẹ tôi quyết định tiếp tục cuộc hành trình với gia đình bà Bạ P.

    Sau này, khi gặp lại nhau trong Nam, mọi người mới biết ngày ấy sau khi bị lạc nhau, chú T tin rằng mẹ tôi sẽ phải quay về, bởi vì tất cả quần áo, vật dụng cá nhân của chúng tôi đều nằm trong cái tay nải trên vai chú, chúng tôi không thể nào tiếp tục cuộc hành trình với bộ quần áo duy nhất trên người! Vì thế chú đã gia nhập đoàn người quay trở về làng, hy vọng sẽ gặp lại chúng tôi..., chứ chú đâu có ngờ mẹ tôi nhất quyết tiếp tục cuộc hành trình!

    Riêng tôi, với đầu óc của một đứa trẻ mới hơn 5 tuổi, khi biết mình đã lạc mất chú T, tôi không hề quan tâm tới những khó khăn của mẹ tôi trong những ngày trước mắt mà chỉ đau khổ tức tối vì bị mất 10 đồng của bác C trai cho: cái quần soọc mà tôi cất kỹ tờ giấy bạc màu đỏ trong túi quần, giờ đây đang nằm trong cái tay nải trên vai chú T!

    Mất tiền, tôi quay ra oán trách mẹ tôi: phải chi mẹ tôi cứ để cho tôi mặc cái quần soọc đó, đừng bắt cất trong tay nải thì đâu đến nỗi!

    Nguyên cái quần soọc bằng vải ka-ki (khaki) màu vàng này nằm trong bộ đồ vía - công tử nhất bộ - của tôi, gồm: quần soọc, áo sơ-mi trắng dài tay, cái mũ nồi (beret) bẳng nỉ màu xanh (blue) đậm, một đôi xăng-đan bằng da màu vàng.

    Cái mũ nồi thì hễ ra khỏi nhà, chẳng hạn đi vào nhà Ông Bà, thì được đội, nhưng quần soọc và áo sơ-mi thì chỉ được mặc vào những dịp đặc biệt, trịnh trọng, chẳng hạn hôm tết theo Bà lên Thức Hóa thăm Ông, hoặc mỗi khi đi lễ Thánh Quan Thầy ở nhà thờ xứ Quất Lâm, gốc gác của họ nội tôi.

    * * *


    Vì số người di cư tụ tập tại bến đò Phủ Lý khá đông, phải đợi tới quá trưa, chúng tôi và gia đình bà Bạ P mới được lên tàu – một chiếc tàu gỗ để chở khách khá dài, có mui để che mưa nắng. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi được đi tàu, thuyền. Rất tiếc, vừa lên tàu xong thì trời mưa lớn, để tránh nước mưa hắt vào, các cửa sổ được che kín bằng những manh chiếu nên tôi không thể quan sát khung cảnh trên bờ.

    Từ thị trấn Phủ Lý, đoàn người di cư được xe cam-nhông nhà binh chở ra Hà Nội. Tới Hà Nội thì trời đã tối. Tôi không nhớ gia đình bà Bạ P và chúng tôi chia tay nhau từ lúc nào, chỉ biết sau đó mẹ tôi một tay bế em trai tôi một tay nắm tay tôi đi tới cái sân ở cuối Nhà Thờ Lớn (nhà thờ chánh tòa) Hà Nội để nghỉ qua đêm.

    Sau này khi đã trưởng thành, mỗi lần nhớ lại cái cảnh màn trời chiếu ở sân Nhà Thờ Lớn Hà Nội, tôi lại tủi thân muốn khóc và thương mẹ tôi vô cùng.

    Sau 14 ngày lội ruộng băng đồng dưới trời nắng chang chang, tay lúc nào cũng ôm đứa con mấy tháng, vượt 70 km đường bộ, “cô Kính con ông bà Lý S” nổi tiếng xinh xắn, học giỏi (học trò cưng của ông Bạ P, cô gái đầu tiên trong làng Du Hiếu lên tỉnh thi bằng Tiểu Học và thi đậu), tháo vát, đảm đang, từng thay Ông Bà cai quản cơ ngơi, đôn đốc bao con ăn người làm... giờ đây đang ngồi bệt dưới đất, rũ rượi, bẩn thỉu, rách nát như một mụ ăn mày! (*)

    Tôi không tả oán quá lời, mà chắc hẳn sáng hôm sau những giáo dân đi lễ sớm ở Nhà Thờ Lớn đã tưởng mẹ con chúng tôi là những kẻ ăn mày thật sự!

    Thành thử sau này nhớ lại, tôi vẫn thắc mắc không hiểu tại sao sáng hôm sau cái quán phở đối diện sân nhà thờ lại để cho chúng tôi bước vào?... Lần đầu tiên trong đời, tôi được ăn phở bò. Tôi vẫn còn nhớ được mẹ gọi cho một tô phở có thịt giá 2 đồng, còn mẹ tôi ăn tô không có thịt giá 1 đồng.

    Rời quán phở, mẹ tôi dò hỏi đường đi tới bến xe đò đi Hải Dương, nơi bố tôi đang tạm trú ở nhà bà M, họ hàng phía bên bố tôi.

    Khoảng cách từ Hà Nội tới Hải Dương chỉ vào khoảng 60 km nhưng xe chạy ì à ì ạch xế chiều mới tới; chưa kịp vào bến thì xe bị tắt máy vì nước lụt, nằm ăn vạ ngay phía trước chợ (thành phố Hải Dương nằm cạnh bờ sông Thái Bình, thường hay bị ngập lụt).

    Mọi người phải xuống xe, lội tới thềm chợ đứng tránh lụt. Mẹ tôi lo lắng ra mặt: cứ cái đà này thì còn lâu nước mới rút để mẹ tôi có thể hỏi thăm đường đi tới nhà bà M; có nghĩa là đêm nay lại màn trời chiếu đất!

    Đang lúc mẹ tôi lo âu, tuyệt vọng, bỗng từ phía bên kia đường có tiếng người réo gọi. Thì ra một người nhà của bà M trên đường về nhà ở gần bờ sông, trong lúc chờ cho nước rút bớt, đã vô tình nhìn thấy mẹ tôi trên thềm chợ!

    Đội ơn Chúa. Tới đây kết thúc cuộc hành trình dài gần 200 km của mẹ con tôi, trong đó có 70 km phải đi bộ băng đồng!

    * * *


    Tôi không nhớ thời gian ở nhà bà M kéo dài bao lâu, chỉ biết chúng tôi đã mất một tuần lễ để hồi phục sức khỏe. Riêng tôi còn bị phỏng ở “mặt trong của hai đùi” vì khi đi bộ, da cọ sát vào nhau ngày này qua ngày khác, lại thiếu vệ sinh (không tắm rửa) nên làm độc, giống như bị phỏng nặng. Hậu quả là hai mảng da đen xì phía bên trong đùi mà tôi phải mang suốt đời, giống như một người bị lác! Vì thế, lớn lên tôi không bao giờ dám ôm mộng đi thi “lực sĩ đẹp” (bodybuilders contest)!

    Sau khi bình phục, tôi được bố dắt ra phố Hải Dương chơi mấy lần. Với tôi, một thằng bé nhà quê mà trước đây đi chỉ được lên tới Phú Nhai là xa nhất, cái gì ở Hải Dương cũng to đẹp, lạ mắt; và cũng chính tại Hải Dương, tôi đã được thưởng thức thêm hai thứ đầu tiên trong đời là cà-rem (kem cây) và lạc rang (đậu phộng còn nguyên vỏ) nóng hổi, bùi không thể tưởng tượng!


    * * *


    Rồi tới một ngày nọ, gia đình tôi cùng gia đình bà M lên đường ra Hải Phòng, chỉ cách Hải Dương mấy chục cây số. Tại bờ biển, chúng tôi lên “tàu há mồm” (tàu đổ bộ - landing ship) để được đưa ra tàu lớn, là một chiếc vận tải hạm của Hải Quân Hoa Kỳ.

    Không hiểu vì phải đi theo lộ trình ấn định chung cho tất cả các tàu, hay vì vị hạm trưởng tốt bụng muốn cho đoàn người di cư có cơ hội nhìn lại vịnh Hạ Long – một kỳ quan thiên nhiên của thế giới – lần cuối cùng, chiếc vận tải hạm thay vì lấy hướng nam ngay sau khi ra khơi, lại giữ hướng đông, đi ra quần đảo Cát Bà trong Vịnh Hạ Long rồi mới từ từ xuôi nam, hướng về miền đất tự do.

    Với cả bốn thành viên trong gia đình tôi - bố mẹ, tôi và em trai - đây là chuyến tàu biệt xứ, ra đi không hẹn ngày về.

    Quần đảo Cát Bà



    (*) Sau này vào Nam, năm 1972, khi một đoàn giáo dân miền Trung tỵ nạn cộng sản vào vùng Hố Nai thành lập xứ đạo, mẹ tôi giúp cha xứ mở trường dạy học và giáo lý cho trẻ em. Sau 30/4/1975, trường bị đóng cửa, biết sớm muộn cũng bị nhà nước tịch thu (Việt Cộng gọi là “xung công”) mẹ tôi liền vận động các cụ già tới “chiếm” trường làm nhà dưỡng lão, lập cơ sở chăn nuôi, trồng trọt để tự lực cánh sinh. Việt Cộng đành chịu thua!

    Mấy năm sau, chúng bắt mẹ tôi đi tù ba tháng về tội làm trung gian cho các tu sĩ đi vượt biên
    ; tới khi mẹ tôi được thả, nhà dưỡng lão đã được nhà nước “quản lý”!

    Ít lâu trước khi qua đời, biết tôi có lời thề không về VN một khi quê hương còn bóng cờ đỏ, bà cụ trấn an thằng trưởng nam: “Con không cần về, cứ ở Úc tổ chức lễ cầu hồn cho mẹ được rồi!”

    Tháng 5/2019, vợ tôi về VN thọ tang mẹ chồng.

    Tòa soạn đặc san Lý Tưởng và anh em Không Quân Úc Châu ưu ái gửi vòng hoa phúng điếu (phía bên mặt)
    Lễ phát tang và cầu hồn tại Melbourne, Úc-đại-lợi, do Lm Giuse Bùi Đức Tiến, em họ của mẹ tôi, cử hành
    Last edited by chieutim; 10-01-2022, 04:38 PM.

  • #2
    Nguyên văn bởi Nguyen Huu Thien View Post
    BIỆT XỨ
    (Từ Nam Định đến Hải Phòng, 1954)


    Hồi ký
    Nguyễn Hữu Thiện

    ............................

    Trở lại với việc Việt Minh chiếm nhà Ông Bà làm nơi sinh hoạt. Sinh hoạt của đám cán bộ gồm những tiết mục gì, tôi không để ý tới, chỉ biết trong đó có màn trai gái nắm tay nhau nhảy “son đố mì”.

    Thực ra “son đố mì” chỉ là ba nốt nhạc Sol (G), Do (C) và Mi (E) trong ký âm pháp, nhưng ở đây đã được Việt Minh sử dụng để gọi một ca khúc và điệu nhảy giữa nam nữ cán bộ phát xuất từ Hoa Lục (Trung Cộng). Ngày ấy, ở các vùng quốc gia, người ta thường hát nhái như sau:

    “Son mì son là son đố mì, son mì son là ôm nhau đi, nhờ có bác Hồ mà ta mê ly...”


    Hồ Chí Minh nhảy son đố mì với “thiếu niên tiền phong” ở Hà Nội
    __________________________________________

    Bác chỉ thích HÔNÔM các cháu... Các cháu gái "nhớn" hay "bé" gì cũng tốt cả!
    Mấy thằng bệnh Pedophilia cũng thích như thế đấy...


    Last edited by Nguyen Huu Thien; 11-17-2021, 04:30 PM.

    Comment


    • #3
      CHÚ THÍCH:

      Bác ôm hôn “cháu nhớn” Trà Giang, khi ấy đã 20 hoặc 21 tuổi.

      Trà Giang là nữ “Nghệ sĩ Nhân dân” nổi tiếng với những cuốn phim tuyên truyền như Chị Tư Hậu (1962), Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1972)...


      Last edited by Nguyen Huu Thien; 11-17-2021, 04:27 PM.

      Comment



      Hội Quán Phi Dũng ©
      Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




      website hit counter

      Working...
      X