Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Bỉ vỏ - Mối tình đầu của Nguyên Hồng...

Collapse
X

Bỉ vỏ - Mối tình đầu của Nguyên Hồng...

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Bỉ vỏ - Mối tình đầu của Nguyên Hồng...

    Bỉ vỏ - Mối tình đầu của Nguyên Hồng khi đến với nghệ thuật

    "Bỉ vỏ" là cuốn tiểu thuyết đầu tay đánh dấu cột mốc lớn trong sự nghiệp văn chương của Nguyên Hồng. Tác phẩm được đánh giá như một bức tranh sinh động về thân phận những con người dưới đáy cùng của xã hội trong thời đại cũ.

    Văn học Việt Nam vào thế kỷ XX xuất hiện trào lưu hiện thực phê phán bởi lẽ đất nước lúc bấy giờ nằm dưới ách thống trị và đô hộ của thực dân Pháp. Bằng một cái nhìn thấu cảm, những nhà văn đã dựng lên biết bao cảnh đời, số phận của tầng lớp nhân dân và Bỉ vỏ là một minh chứng cho điều trên.

    Điểm qua một vài nét về Nguyên Hồng và Bỉ vỏ
    Nguyên Hồng là một nhà văn có tuổi thơ bất hạnh, cha mất sớm, nhà lại nghèo. Ông từng có quãng thời gian sống ở trong ngục tù, mẹ của Nguyên Hồng đi thêm bước nữa, sau đó nhà văn đã cùng mẹ ra Hải Phòng và cư ngụ trong các xóm Cấn, xóm chùa Đông Khê.

    Ở đó, nhà văn đã sống trong những tháng ngày bị câu thúc thân thể, đày đọa và tù tội. Đói khổ, thất nghiệp đã khiến cho Nguyên Hồng cảm thấy lo sợ và ông đã tưởng chừng bản thân sẽ chết vào năm mười sáu tuổi ấy giữa bữa sớm, bữa mất, lắm phen chỉ có miếng cháo lót lòng.


    Hình ảnh tác giả Nguyên Hồng lúc còn trẻ

    Nhưng rồi nhà văn đã nghĩ, nếu bản thân dù chết đi thì cũng phải để lại cho cõi đời này một cái gì đó mãi mãi có thể an ủi được mẹ của mình hoặc có thể thương nhớ người và vật đã làm ông thích thú đến say mê:
    "Nghĩa là tôi phải để lại một cái gì tinh khiết nhất của hồn và xác tôi cho cõi đời mà tôi yêu mến".

    Từ đó Nguyên Hồng bắt đầu cầm bút, ông viết bất chấp cả cái đói ê ẩm đang hằng ngày gào thét, ông viết say mê quên luôn cả những nỗi đau thấm thía trong đêm mưa lạnh. Và rồi Bỉ vỏ đã ra đời trong những năm tháng chênh vênh nhất cuộc đời của Nguyên Hồng.

    “Bỉ vỏ ra đời trên một cái bàn kê bên khung cửa trông ra vùng nước đen ngầu bọt của một bãi đất lấp dở dang và một chuồng lợn ngập ngụa phân tro”.

    Cuốn sách được viết vào năm 1938 nên Bỉ vỏ mang trên mình những hiện thực cuộc sống đậm nét nhất của xã hội trong giai đoạn lúc bấy giờ. Đọc tác phẩm mới thấy, văn chương đối với tác giả là một lẽ sống, ông luôn có một cái nhìn thấu cảm với những con người cùng khổ, nhất là người phụ nữ.

    Ở Bỉ vỏ đã có một tình yêu lớn lên trong sự hy sinh
    Cốt truyện xoay xung quanh nhân vật Tám Bính, đúng như tên gọi, Bỉ vỏ có nghĩa là “người đàn bà ăn cắp”, Nguyên Hồng từ đó đã xây dựng nên cuộc đời đầy sóng gió và nghiệt ngã của chị. Từ một người chân chất, thật thà sống ở thôn quê, Tám Bính bây giờ đã sống cuộc sống mưu toan trên máu và nước mắt của người khác.

    Bỉ vỏ mở đầu với hình ảnh của Bính hằng ngày gánh gạo lên chợ huyện để bán, lần nào chị cũng nhìn thấy Chung, một người đàn ông mang quần áo tây chỉn chu mãi trông về phía mình, đôi lần Bính còn nghe được tiếng gọi vồn vã hay chòng ghẹo dịu dàng.


    Hình ảnh bìa sách tiểu thuyết "Bỉ vỏ"

    Cô gái ở tuổi hai mươi mang trong mình trái tim nhạy cảm ấy đã trót yêu lấy người mà tưởng chừng cả đời sẽ phó mặc cho họ. Nhưng cảnh đời thật lắm éo le, Chung bỏ đi không một lời an ủi trong khi Bính đã bụng mang dạ chửa.

    Không những thế, đứa con của Bính sau khi được sinh ra phải nhận lấy sự hắt hủi của ông bà ngoại, họ đem nó đi bán để đổi lấy thanh danh cho gia tộc. Trước việc đó, Bính đã bỏ nhà lên Hải Phòng tìm Chung và cũng là kiếm tiền để chuộc lại con.

    Thân gái một mình bơ vơ nơi đất khách quê người, khi lên Hải Phòng, Bính bị hai người đàn ông toan cưỡng hiếp nhưng không thành, không những thế chị còn mang thêm cái danh cướp chồng, gái đứng đường mà đi vào nhà “lục xì”.

    “Đeo một cái tiếng theo giai, Bính như đã chết đi nửa phần. Nay lại thêm cái tiếng đĩ thõa thối thây dày da thì Bính thật không đủ sức chịu đựng được. Bính đến chỉ còn cách tự vẫn thôi. Vậy thà nhịn đói mặc rét héo hắt chết dần chết mòn ở tỉnh còn hơn về quê hương nương nhờ bố mẹ, rồi lại chịu thêm bao nỗi đòi đoạn khác”.

    Ở đó, Bính đã sống ê chề và cực nhục, chị toan tử tự nhưng được Năm Sài Gòn, trùm lưu manh Hải Phòng chuộc ra ngoài. Và từ lúc Bính nức nở rơi nước mắt trong căn phòng tối thì cũng chính là khoảnh khắc Năm Sài Gòn biết thế nào là rung động.

    “Dưới hai vai run rẩy của Bính, Năm Sài Gòn bỗng thấy tâm trí lạnh và mềm hẳn đi. Năm càng đăm đăm nhìn cái gương mặt xanh xao buồn thảm của Bính, trong lòng Năm càng rào rạt. Thật là một sự lạ, một sự lạ kỳ diệu trong cái đời du thủ du thực của Năm là còn biết thương, nhất là còn biết yêu!”.

    Đọc đến đây, sẽ có một phần độc giả liên tưởng đến Chí Phèo và Thị Nở trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao. Dù khác nhau ở mỗi hoàn cảnh nhưng họ đều là những con người ở lớp đáy cùng của xã hội và chính họ đã chứng minh được cho chúng ta thấy, tình yêu luôn nảy sinh từ đáy sâu tâm hồn dù hoàn cảnh có cơ cực hay nghèo khổ đến nhường nào.

    Từ ngày làm vợ Năm Sài Gòn, Bính luôn được yêu thương và chiều chuộng hết mực bởi lẽ đối với anh thì đây là người đàn bà đã làm êm đẹp những cảm xúc mà xưa nay Năm vẫn chưa cảm nhận được. Và điều này cũng không ngoại lệ với Bính.

    “Tấm lòng tốt chan chứa yêu thương của Năm sẽ giữ nàng ở với Năm cho tới ngày trọn đời”.

    Tưởng chừng cuộc đời của hai con người gặp gỡ nhau như một định mệnh ấy sẽ êm xuôi và tốt đẹp nhưng hạnh phúc đã không còn mỉm cười với họ.

    Trong một lần cướp bóc, Năm Sài Gòn đã bị “cớm” bắt, những tưởng Bính sẽ bỏ anh nhưng lòng chị lúc bấy giờ nao nao, chạy ngược xuôi trong chợ mua bánh kẹo và cân giò để chiều mai cùng đàn em Tư-lập-lơ vào tù thăm Năm.

    Trong suốt ba tháng chờ đợi anh trắng án thì chị quyết không nhận tiền bồi của đàn em mà mưu sinh bằng nghề bán hoa quả với một gánh hàng nhỏ. Từ khi gặp anh, Bính đã trở thành “bỉ vỏ” lành nghề tuy nhiên trong tận sâu thẳm của chị vẫn có mong muốn tìm lại sự lương thiện trước đây mà mình đã đánh mất.

    Bính muốn Năm và mình sẽ làm lại từ đầu, cùng nhau sống một cuộc đời bình thường như những người khác nên khi anh ra tù, chị đã không e dè mà nói ngay.

    “Chờ Năm uống chén nước, Bính nhìn Năm và hỏi rất dịu dàng:

    – Em rắp tâm chờ mình ra để nói với mình xoay cho em ít tiền làm vốn buôn bán vợ chồng nuôi nhau vậy mình có bằng lòng không?
    – Chết! Tôi lại để mình nuôi thì thà đâm đầu xuống sông cho rảnh kiếp”.

    Nhưng Năm Sài Gòn không nghe, Bính bất đắc dĩ trở lại con đường cũ. Trong một lần hiểu nhầm, anh đã đuổi chị đi, lúc này Bính nghe tin dưới quê cha mẹ gặp khó khăn, suýt nữa phải đi tù nên chị đành phải nhắm mắt cưới Ba Rãy, tên mật thám gác xà lim ở Hải Phòng.

    Hắn đưa cho chị trăm ngót bạc để về quê lo cho cha mẹ, Bính sống một cuộc sống trong nhung lụa nhưng tận sâu thẳm trái tim của chị, không có ngày nào là Bính không nhớ về Năm.

    Trong một lần tình cờ, chị phát hiện anh đang bị bắt bởi chính người chồng hiện tại của mình, không một chút suy nghĩ, Bính nhanh chóng giải cứu và trốn thoát cùng anh:

    “Cánh cửa sắt nặng chịch của xà lim vừa hé mở, khóa không kịp đóng lại, hai bóng đen đã cắm đầu chạy mỗi lúc một nhỏ dần, rồi biến mất trên con đường xa tắp”.

    Chúng ta vẫn có thể nhìn thấy được tình yêu khuất lấp phía sau những con người bị xã hội tha hóa, đầy hủ tục ấy chối bỏ. Bính và Năm Sài Gòn tuy đều sống dưới lớp đáy cùng của thời đại cũ nhưng họ đã đi vào trang văn của Nguyên Hồng với một tình yêu chưa bao giờ vụt tắt:

    “Năm nắm chặt tay Bính dịu ngay nhời:
    – Giận mình thì ít, thương mình thì nhiều…”.

    Đọc Bỉ vỏ, độc giả có thể sống trọn những cảm xúc qua từng nhân vật và tác phẩm chính là sự kết hợp giữa chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa hiện thực. Chúng ta không chỉ nhìn thấy tình yêu giữa Bính và Năm Sài Gòn mà trong Bỉ vỏ còn hiện lên tình cảm gia đình và tình mẫu tử.

    Ở đó đã có một tình yêu dần lớn lên trong sự hy sinh và nỗi bất hạnh, ở đó có hai con người đến với nhau như một tia sáng le lói trong chuỗi bi kịch của cuộc đời họ.

    Một bức tranh xã hội tha hóa trong Bỉ vỏ
    Vào những năm đầu thế kỷ XX, khuynh hướng văn học hiện thực đã phát triển một cách rầm rộ và có quy mô hơn bao giờ hết. Những cây bút trong giai đoạn này tập trung đi sâu vào cuộc sống của nhân dân để vẽ lên một bức tranh xã hội đang dần tha hóa.

    Đồng thời qua đó có thể lên án mạnh mẽ chế độ thống trị lúc bấy giờ và Bỉ vỏ chính là một trong những tác phẩm tiêu biểu chứng minh cho điều trên.

    Nguyên Hồng không miêu tả trực tiếp quá trình bần cùng hóa của con người mà nhà văn chỉ đơn giản đưa nhân vật đi đến chốn đô thị xa hoa để tha phương cầu thực.

    Chúng ta bắt gặp một ổ cờ bạc của bọn bịp bợm, buôn hàng lậu ở Muống trong Quán Nải và trong Bỉ vỏ cũng không ngoại lệ.

    Tám Bính khi còn ở nhà “lục xì” vì tiếp khách quá nhiều nên người chị đâm ra mệt mỏi cùng với bệnh tật. Trong lúc ốm, Bính được Hai Liên, chị em trong nhà hỏi han, không phải cháo cơm bình thường mà là:

    “Chợt mành vén lên, Hai Liên bước vào cười gọi Bính:
    – Chị Tám Bính làm gì đấy? Buồn định tìm thuốc để hút phải không. Tốt! Em tiêm cho nhé!”.

    Trong Bỉ vỏ, nhà văn không chỉ nhắc đến Hải Phòng mà còn có cả Hà Nội, một thành phố lớn mà theo Vũ Trọng Phụng thì đó là một xã hội chó đểu:

    “Hà Nội thủ đô xứ Bắc Kỳ, một thành phố đầy rẫy sự ăn chơi xa xỉ, đã tạo ra một số gái mãi dâm nhà nghề không thể đếm xiết, thì Hải Phòng, một hải cảng sầm uất bực nhất của Đông Dương, một thành phố công nghệ mở mang, với hơn ba mươi nghìn dân lao động bần cùng ở các tỉnh dồn về, cũng có một đặc điểm là sản xuất được một số “anh chị” gian ác, liều lĩnh không biết là bao nhiêu”.

    Ngay cả nhân vật Tám Bính, từ một cô gái thôn quê bị đày đọa bởi những tục lệ phong kiến ngặt nghèo, khắc nghiệt cũng phải bỏ làng ra tỉnh rồi bị lừa bịp, cưỡng hiếp biến thành lưu manh, gái điếm ở phố Hạ Lý và cuối cùng phải lành nghề “bỉ vỏ” cùng Năm Sài Gòn kiếm tiền sống qua ngày.

    Đàn em của Năm Sài Gòn như Tư-lập-lơ hay Ba Bay cũng sống trong tệ nạn hút thuốc phiện và ngay cả chính cha mẹ Tám Bính cũng vì buôn thuốc phiện mà suýt bị bắt vào tù.

    Cuộc đời Bính như một vòng lặp nhân quả, trong một lần “chạy vỏ”, Năm Sài Gòn đã cướp được đưa bé mang vòng vàng trên tàu thuỷ. Chị vội vàng nhận ra được, đó chính là đứa con của mình bị cha mẹ bán năm nào nhưng nó đã chết khi vừa lên bờ, cái xác của nó giờ đây đã lạnh ngắt như mặt đồng tiền.


    Hình ảnh bìa sách tiểu thuyết Bỉ vỏ

    Không những thế, đến cuối truyện, giữa lúc Bính nhận ra đứa trẻ ấy thì đội mật thám đã xông vào, chị và Năm Sài Gòn bị chính Ba Rãy bắt, người chồng trước đây của chị:

    “Tám Bính đưa mắt ướt đầm đìa trông Năm lắc đầu:
    – Thế là hết!

    Xóm Cấm Hải Phòng”.

    Qua ngòi bút hiện thực của Nguyên Hồng thì Bỉ vỏ đã góp một tiếng nói chung trong việc phản ánh xã hội Việt Nam trước cách mạng, mục rữa và vô nhân đạo. Chính nó đã đẩy con người trong giai đoạn này vào bước đường cùng, sống trong sự khốn nạn dài vô tận.

    Giống với những nhân vật khác như chị Dậu hay Lão Hạc thì cái kết cho của cuộc đời của họ đều là những câu hỏi vẫn đưa được trả lời.

    Tác phẩm giúp Nguyên Hồng gây được tiếng vang lớn trên văn đàn Việt Nam
    Với bút pháp hiện thực đầy tỉnh táo, Nguyên Hồng đã miêu tả một cách dữ dội quá trình bần cùng hóa, tha hóa của lớp dân nghèo ở chốn thành thị. Đó là thời đại đầy hủ tục, con người sống trên định kiến của xã hội và đồng tiền dường như lăn tròn trên lương tâm của họ.

    Nhân vật Tám Bính là một trong những minh chứng cho hiện thực trên, Nguyên Hồng đã chia sẻ khi nói về Bỉ vỏ rằng:

    “Tám Bính lẻ loi, bơ vơ, trơ trọi ấy, cũng cả một phần tôi và một phần của bao nhiêu người cùng cảnh. Tôi mượn Tám Bính để đưa ra giữa ánh sáng ban ngày một sự thật trong những sự thật của một hạng người, một số người. Tôi mượn Tám Bính để làm cho nhiều người thấy có một sự thật trong những sự thật như thế của xã hội”.

    Bỉ vỏ giúp độc giả có cái nhìn rõ hơn về số phận đau khổ, nghiệt ngã của con người, nhất là người con gái trong xã hội lúc bấy giờ. Nguyên Hồng viết tiểu thuyết lúc chưa đầy hai mươi tuổi nên thông qua Bỉ vỏ, nhà văn đã thể hiện được giá trị nhân đạo, nỗi niềm cảm thông sâu sắc với những kiếp người bé mọn.

    Đồng thời ông trân trọng nâng niu những ước mơ, phẩm chất tốt đẹp trong tâm hồn của mỗi cá nhân, Bỉ vỏ là niềm tin tin vào khả năng vươn dậy của một con người trong xã hội đương thời.

    Tác phẩm đặt ra vấn đề về nhân cách, về khát vọng hạnh phúc của nhân vật để giúp người đọc có thể nhận thức được sâu sắc và nhìn rõ hơn mặt trái của thời đại Việt Nam trước cách mạng tháng Tám.

    Nguyên Hồng đã khẳng định được sức sống bất diệt đối với sự lương thiện của một con người, mà nhân vật Bính chính là như vậy. Niềm khát khao hoàn lương, khát khao hạnh phúc luôn là mẫu số bất tử không thể nào huỷ diệt được, nó giống như ngọn lửa cháy âm ỉ dưới một lớp tro tàn chờ cơn gió của tình thương mà bùng lên mãnh liệt.

    Minh Minh


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X