Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Lẩn thẩn chuyện Saigon

Collapse
X

Lẩn thẩn chuyện Saigon

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Lẩn thẩn chuyện Saigon

    Lẩn thẩn chuyện Saigon

    Mai Xuân Vỹ
    30/4/2018

    Một - Chuyện một tô phở ngày 30 tháng tư

    Ngày 30 tháng tư. Cả nước nghỉ mừng ngày thống nhất. Tôi thấy những tấm paneaux lớn người ta dựng trên nóc các building ở vòng xoay ngả sáu Phù Đổng đối diện Starbucks. Một tấm “nổi bật” đập hẳn vào mắt tôi cái cảnh chiếc xe tăng Trung Cộng húc đổ cánh trái cửa cổng dinh Độc Lập. Hẳn là đâu đó ở trên khắp dải đất này, người ta đang đọc diễn văn chúc tụng ngày và những người có công thống nhất đất nước. Và cũng chắc chắn là bên kia bờ Thái Bình Dương, số người Việt lưu vong đang khóc ngày Quốc Hận. Đất nước tôi vẫn là hai nửa đối kháng kể từ hiệp định Genève năm 1954. Chỉ khác là bây giờ biên giới không còn là vĩ tuyến 17.



    Hôm nay ngày 30 tháng tư tôi đi ăn phở. Chính xác hơn là đi ăn phở Tàu Bay!


    Tôi đến quán trên đường Lý Thái Tổ kế nhà thờ Bắc Hà, đối diện bệnh viện nhi đồng. Hai quán kề sát nhau cùng chung một bờ tường đều kẻ chữ: Phở Tàu Bay. Quán sát hẻm -là vị trí nguyên thủy của phở Tàu Bay năm xưa- với nhân viên phục vụ mặc áo vàng. Quán bên cạnh: áo đỏ. Cả hai đều ghi rõ dưới bảng hiệu những giòng chữ loại trừ lẫn nhau: Phở Tàu Bay Chính Gốc Duy Nhất. Và Quán Cũ từ 54 không chi nhánh!

    Như ngày xửa ngày xưa khi tôi nằm khểnh đọc Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung. Ở những chương đầu, tôi không biết phe nào: Kiếm Tông hay Khí Tông mới là đại diện cho chính phái Hoa Sơn? Giờ đây tôi cũng hoang mang chẳng rõ quán nào là quán của ông chủ có chiếc mũ của lính tàu bay thời đệ nhị thế chiến?

    Gần nửa thế kỷ trước, có rất nhiều sĩ quan VNCH đã phải lựa chọn, phải quyết định vận mệnh của mình trong đường tơ kẽ tóc để rồi hoặc ở trong trại cải tạo hoặc ở Fort Chaffee. Bây giờ đây, tôi đứng trước hai tiệm phở Tàu Bay kề sát nhau. Cả hai đều kẻ bảng phở Tàu Bay chính gốc. Tôi phải quyết định một lần trước khi được ...ăn phở chính gốc!

    Trong một tích tắc, chẳng hiểu vì lý do gì, chẳng biết là đã suy nghĩ ra sao, chỉ sau vài giây ngần ngừ, tôi bước hẳn vào quán bên phía bên tay phải.

    Quán hẹp và ngắn. Chỉ một hai bước sải là đến chân cầu thang dẫn lên lầu. Khách ngồi chật tầng dưới. Tôi bước tiếp lên cầu thang và chợt gật mình vì khuôn mặt quen quen. Chừng như một phản xạ, tôi quay người chìa tay cho một người đàn ông áo T-Shirt trắng quần khaki vàng sậm với một bao da đựng tiền ở thắt lưng: Ông có phải là ông Khang? Chính xác! Người đàn ông vui vẻ trả lời. Khuôn mặt cởi mở bừng lên với một nụ cười hiền lành.

    Ông Khang bắt tay tôi và có vẻ hơi ngỡ ngàng trong ánh mắt bởi tôi không có vẻ gì là khách quen của ông hay của ba ông ngày xưa. Ít ra là bằng cái đánh giá đầu tiên qua số tuổi.

    Nhưng ông không hỏi. Ông mời tôi lên lầu vì khách đã đầy ở tầng dưới và chúc tôi ăn ngon miệng.

    Tôi ăn lại tô phở Tàu Bay của gần nửa thế kỷ trước. Tô phở ngon. Thơm. Nhưng tôi ăn lại kỷ niệm nhiều hơn ăn phở. Tô phở không có giá theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Người Bắc xưa lúc di cư vào Nam chỉ ăn rau muống chứ không ăn giá!

    Tôi ngày ấy chỉ là cậu học trò nhỏ ngày ngày đạp xe ngang qua tiệm phở ngửi mùi thơm từ tiệm bốc ra. Hiếm họa năm thì bảy lượt tôi mới có chút tiền còm mẹ cho để đường hoàng bước hẳn vào tiệm kêu tô phở. Thành thật mà nói, tôi không tài nào nhớ được cái hương vị của phở Tàu Bay ngày xưa. Tôi nghĩ tôi ăn lại đúng cái hương vị cũ qua khuôn mặt của ông chủ quán. Ông chính là nhãn hiệu cầu chứng tại tòa của phở Tàu Bay gia truyền Saigon xưa!

    Chỉ đến khi tôi mua mấy tô mang về cho mẹ và cô em gái, ông Khang mới đến ngồi nói chuyện với tôi. Tôi hỏi ông về chuyện hai tiệm Tàu Bay kề vai sát cánh với nhau. Và ông điềm đạm kể cho tôi chuyện gia đình ông. Chuyện của sự vui vầy sum họp Bắc Nam sau 21 năm chia cắt. Chuyện của những người anh em ông từ phía bên kia vĩ tuyến 17 vào Saigon. Chuyện của sự chia cắt không ở biên giới địa lý mà là ở sự cắt chia của trái tim.

    Tôi cảm ơn ông vì đã chia sẻ chuyện nhà cho tôi. Và từ biệt ông.

    Ông Khang nhã nhặn bắt tay tôi từ biệt. Ông dặn hâm nước dùng riêng trước khi đổ vào tô bánh và thịt. Ông gọi taxi trước cho tôi, và cho một chú bé xách hai cái bọc nhựa chứa những tô mang đi ra tận xe. Ông chẳng nhớ tôi đâu. Làm sao ông nhớ được chú bé gần nửa thế kỷ trước chỉ đạp xe ngang tiệm phở của ông? Ông chỉ đối xử đặc biệt với tôi vì tôi "biết" tiệm phở của Bố ông, và giờ là của ông.

    Ông kể quán bắt đầu xảy ra chuyện kể từ khi ba người con khác của bố ông từ miền Bắc vào nhận họ hàng vào những năm 80. Và kết quả ông Khang là người thua cuộc. Theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bố ông di cư vào Nam năm 54 mang theo tiệm phở. Và ông mặc nhiên là người miền Nam, phía thua cuộc. Những người anh em của ông từ bên kia vĩ tuyến 17 vào dành được phần nhà sát hẻm, là vị trí nguyên thủy của quán, khiến ông trở thành người thua cuộc lần thứ hai. Ông kể bằng cái giọng Bắc quen thuộc của những người di cư tôi từng biết vào những năm xưa ở Bảy Hiền, ở xứ đạo Nam Hà trên đường Lê Văn Duyệt. Giọng ông đều đều trải đời với cái nhẫn của kẻ thua cuộc.

    Tôi nhìn ông cảm khái. Có chút chạnh lòng khi nhớ lại những tháng ngày sau 75 tôi cũng bị đối xử phân biệt vì là con cái của sỹ quan VNCH. Người Cộng Sản đối xử tuyệt đối công bằng với những người thua cuộc không phân biệt già trẻ lớn bé. Tôi tuy là trẻ con không dính líu gì đến cuộc chiến nhưng trong lý lịch là con của phía những người thua cuộc, mặc nhiên mang trong mình dòng máu "Ngụy". Ông Khang, may mắn hơn tôi, bố ông chỉ bán phở, và ông "được" tiếp tục "quyền" bán phở. Nếu không ông sẽ phải kiếm nghề khác và bố ông chắc cũng tàn đời trong trại cải tạo rồi.

    Vậy thì bây giờ đây tôi cho bạn biết: quán sát hẻm, áo vàng là quán của phía thắng cuộc. Thắng cuộc hai lần theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Quán còn lại dĩ nhiên là phía thua cuộc. Bạn chọn vào quán nào theo ý thức hệ của bạn là tùy hỉ. Tôi không muốn lên gân. Chỉ là một tô phở thôi mà. Có gì đâu bạn nhỉ?

    Tôi cũng không vơ đũa cả nắm. Đã có nhiều kẻ thắng cuộc vỗ ngực (xưng danh) "đỉnh cao trí tuệ". Và cũng có kẻ thắng cuộc ngồi tỉnh táo viết sách đúc kết những đúng sai của chính mình. Cũng có một vị cảm khái trong ngày 30 tháng tư là "cũng có triệu người buồn". Đã bao nhiêu năm trôi qua. Đã bao nhiêu dâu bể, bao nhiêu nước chảy qua cầu. Cả thế giới đều biết đến cái thông thái "đỉnh cao trí tuệ" ấy rồi. Nói làm gì nữa thêm thừa. Bạn cứ tự đúc kết và rút ra kết luận cho chính mình.

    Tôi đi giữa nắng Saigon ngày 30 tháng tư. Tôi thấy phố. Tôi thấy cờ. Nhưng tôi không thấy mưa sa như người Trần Dần năm xưa. Chỉ thấy tràn căng mầu nắng chan hòa. Thứ nắng khỏe mạnh của xứ nhiệt đới. Nắng. Nắng chói kinh thành. Nắng chói lọi Saigon thành phố phương nam một thời là kinh thành của Việt Nam Cộng Hòa cũ.

    Tôi đi ngang nhà thờ Nam Hà. Và nhớ lại những ngày sau 30 tháng tư gần nửa thế kỷ trước. Những thanh niên với băng đỏ trên cánh tay hăm hở dồn những đống sách vun cao châm lửa đốt trong sân nhà thờ. Lửa bốc thành ngọn khét mùi da thuộc của những bìa sách quí. Tôi nhớ đến lửa cháy ở kinh thành Hàm Đan 2000 năm xưa. Sách Xuân Thu nói là Hàm Đan cháy suốt ba tháng ròng. Và các sử gia chép đã vào sách những chuyện phần thư khanh nho của Tần Thủy Hoàng, người có công thống nhất cả một đất nước Trung Hoa mênh mông rộng lớn.

    Bạn đừng lo. Cứ nhìn lại 2000 năm lịch sử đi. Có triều đại nào tồn tại vĩnh viễn đâu? Chỉ tồn tại một lịch sử. Và lịch sử sẽ phán xét hết thảy, từ những chuyện ở cấp quốc gia đến tận cấp ...phường! Những ai bán nước những ai thương dân. Ai là "ngụy" ai là đạo tặc.

    Con cháu Việt nhiều trăm năm sau sẽ đọc sử và biết đến những bậc anh hùng, những kẻ lưu xú vạn niên.

    Chuyện Hai. - Chuyện cafe Saigon và QB

    Dù bạn ở phía triệu người vui hay ở phía triệu người buồn, chuyện bạn tìm đến một cái quán nào đó trong muôn vàn quán xá ở Saigon để uống một ly cà phê mừng ngày thống nhất hay để suy tư tưởng niệm chuyện lịch sử là khả năng có thể xảy ra. Tôi xin hầu bạn một chuyện vui chứ không nửa vui nửa buồn như chuyện trên. Và dĩ nhiên là bài này cả hai phía triệu ngườ vui triệu ngươi buồn đều thấy hay hoặc dở như nhau. Không phân biệt chính kiến hay ý thức hệ.

    Và để thanh thản đón ngày mới bằng cách đơn giản là ngồi bên ly café ngắm ngày lên với nhau, bất kể là phía thắng cuộc hay thua cuộc một cách bình đẳng, bạn phải cất kỹ ý thức hệ của bạn vào trong cặp. Phía thắng cuộc chớ có tinh tướng theo cái kiểu đánh đuổi “mỹ cút ngụy nhào”, phía thua cuộc cũng đừng cay cú vì Mỹ bỏ rơi đồng minh gì gì đó nữa. Ta ngồi lại với nhau. Đơn giản là hai người Việt. Ta thiệt thòi quá nhiều vì quyền lợi kinh tế và chính trị của các nước khổng lồ Mỹ Nga Trung Hoa rồi.

    Bên ly café, cái bình đẳng ấy tôi nghĩ là dễ dàng. Nhưng tôi không dám mơ cái bình đẳng ấy trong chính trị. Và chắc là phải vài thế hệ con cháu nữa ta mới thủ đắc được nền dân chủ thực sự với tam quyền phân lập: Hành Pháp Lập Pháp Tư Pháp độc lập, và một ông tổng thống Nguyễn Phú Trọng hay Nguyễn Tấn Dũng nào đó do dân bầu lên, đẹp trai cao ráo như ông Clinton hay Obama!

    Còn chuyện Hàm Đan hay cung A Phòng trong sách Xuân Thu Chiến Quốc, sách ấy tôi đọc từ bé và hẳn là kể lại thiếu chính xác. Tôi biết tôi thiếu cái chính xác vô tư của một sử gia. Bạn bỏ qua cho.


    Mai Xuân Vỹ
    30/4/2018

  • #2
    Lẩn thẩn chuyện Saigon [2]

    Mai Xuân Vỹ
    5/2018

    Hai - Chuyện café Saigon và QB



    Café ở Saigon có hai loại: Robusta và Arabica.

    Ngày xưa, người Pháp trồng nhiều cây robusta ở cao nguyên Di Linh Lâm Đồng Ban Mê Thuộc. Sau này người ta trồng thêm arabica. Bạn uống café nếu có phảng phất vị chua chua là arabica, bởi robusta người ta thu hoạch xong phơi khô là đem đi chế biến ngay, còn arabica thì phải để lên men theo một độ nhất định rồi mới chế biến. Vị chua phảng phất nói trên là từ quá trình lên men này.

    Nhưng thôi. Đó là cả một chu trình công nghệ chế biến khoa học. Và là cả một nghệ thuật trong quá trình sao rang tẩm sấy mà tôi không muốn -và không có khả năng- lạm bàn.

    Café Saigon thì có hai phái: Ngon và ...Dở! Café ngon đôi khi không ngon. Và café dở nhiều khi lại trở nên ngon bất ngờ!

    Tôi xin được nói về phái café dở trước.

    Ở Saigon, bạn đi đâu cũng kiếm được ly café. Ở đầu hẻm nhà bạn, ở trên vỉa hè của hầu như bất cứ con đường nào, bất cứ mọi nơi, và mọi lúc. Có thể nói, hễ nơi nào có người Saigon là có café. Và giá thì rất ...bèo! Tôi mới học được chữ "bèo" ở Saigon. Và thích lắm cái cách dùng chữ bèo của người Saigon. Khen hay chê gì cũng dùng chữ này được.

    Loại café này thuộc phái "Dở". Dở theo cái tiêu chuẩn là café phải có đủ một lượng cafein nhất định. Và từ coffee bean –là hạt café- xay ra, không trộn thêm bất cứ củ quả nào khác. Tôi tạm gọi nó là “Dở” bởi loại café này thường có những tạp vị thêm vào mà ta không xác quyết được là củ quả hay chemicals gì.Vậy mà loại café dở này nhiều khi lại rất ...ngon!

    Mấy bữa trước, tôi đến cái hẻm 349 Lê Đại Hành. Con hẻm rộng đủ cho xe hơi vào lọt. Từ đầu hẻm vào khoảng trăm thước là một ngả ba, ở ngay ngả ba ấy là một cây cổ thụ cao tán lá rộng xanh um với bóng mát tỏa rộng cả khúc hẻm ấy. Và ngay gốc cây là một quán café. Café thuộc phái dở!

    Tôi uống lại ly café của tôi của những năm khốn khó. Café thêm xác cau trộn bắp ở đường Trần Quý Cáp đoạn chợ Đũi và café vỉa hè ở những con hẻm đường Võ Tánh.

    Từ nhà tôi đi xuống nhà thờ Huyện Sỹ, đối diện nhà thờ là một khúc hẻm ngắn, nhưng đi vào chừng chục thước, hẻm sẽ chia nhánh đổ ra Võ Tánh và Ngô Tùng Châu. Phía trổ ra Ngô Tùng Châu có một căn nhà hai tầng, cổng cao với một giàn hoa giấy đỏ rực lửa chồm hẳn ra ngoài hẻm. Xanh biếc lá và rực tràn một mầu lửa đỏ. Đỏ tràn hoa giấy quanh năm. Tôi đi ngang đó có lúc là một étude chói tai của Czerny, cũng có lúc là một bài luyện ngón đơn điệu tẻ nhạt của Hanon. Nhưng có khi là một sonate với nhiều fortissimo như sấm động của Beethoven. Và cũng có lúc là một Ballade dịu dàng của Chopin.

    Tôi đi ngang qua đó nhiều lần. Con hẻm rộng sạch sẽ rụng nhiều nắng trời, thứ nắng vàng tươm ở xứ nhiệt đới chỉ có ở những thành phố phương nam. Thứ nắng cho tôi những trưa vàng. Những chiều biếc. Và tôi chưa hề, chưa bao giờ biết mặt người chơi đàn. Người chơi đàn ấy bây giờ ở đâu? Ở Paris, Nantes, Rouen? Ở California. Ở Virginia hay ở Boston, Philadelphia? Hay ở Sydney, Melbourne?

    Tôi đi ngang hẻm. Lúc nào cũng kiếm cớ đi vòng lại đó nghe tiếng đàn. Tôi đi vào khuôn viên nhà thờ. Đằm mình dưới tay Thánh Giá, đằm mình dưới bóng xanh của cây xanh, nghe hồn phách Chopin lấp lánh trong bóng lá. Tôi đằm mình vào một berceuse xanh biêng biếc. Xanh như khúc cầm nhạc Thanh Tâm Phổ Thiện Trú của Doanh Doanh trong ngõ trúc ở thành Lạc Dương của nhưng năm tôi thơ dại bình yên.

    Tôi đi về nhà. Như người bị đồng nhập, tôi ngồi vào đàn cố gọi dậy hồn Chopin. Phải có một biến cố gì đó xảy ra chứ không lồng ngực tôi sẽ nổ tung lên mất. Biết bao nhiêu mơ ước chất chứa chưa hề thổ lộ cho ai. Tôi sẽ dùng hết sức của ngón tay, cổ tay, và cả cánh tay bổ xuống phím đàn cho những giọt nước mắt trào ra mười đầu ngón tay. Và để rồi nghe lòng mình vơi đi những phiền não ở tám phách cuối khi bản ballade quay trở lại cái nhịp khoan thai mở đầu Tempo Primo.



    * * *

    Còn café ngon ư? Đến đây thì tôi chẳng cần nói bạn cũng biết thừa đi là café gì rồi phải không? Phái café này cũng đầy khắp Saigon: Starbucks, Coffee Bean & Tea Leaf, Mojo, Hilands. Ôi nhiều lắm. Và kể sao cho hết những brands nội địa như Phúc Long, Ciao, RuNam hay Trung Nguyên chẳng hạn. Rồi thì cơ man nào là những quán café trong vườn, hoặc những quán nhỏ nhỏ chứa một lượng khách chừng mươi, mười lâm, hai mươi người. Với phái café này, bạn sẽ có một ly café tiêu chuẩn như những ly café ở New York, ở Paris hay Sydney, Melbourne. Còn ngon hay không là tùy khẩu vị của bạn. Quán "ngon" đôi khi lại không ngon là vậy đó.

    Và đến đây hẳn bạn cũng biết vì sao tôi chia café Saigon ra hai phái Ngon Dở ở trên rồi. Cũng như phái áo sạch và áo rách của Cái Bang vậy. Cùng là café nhưng café "ngon" phải có đầu tư cơ sở, vốn nhiều vốn ít gì thì cũng phải có quán xá cơ ngơi đàng hoàng. Café "dở" không cần cơ sở vật chất như phái ngon, chỉ cần một vỉa hè, một gốc cây che nắng là đủ, và cái vốn cho ly café là tối thiểu -bare minimum như bọn tây thường nói! Đúng ra tôi phải gọi hai loại trên là café Quán và café Lề Đường hay Vỉa Hè mới đúng.

    Thế nhưng đôi khi lại có điều nghịch lý xảy ra: quán không đầu tư về cơ ngơi lại sở đắc một "cơ ngơi" tiền tỉ vượt xa vốn đầu tư của phái ngon. Và hoàn toàn không vốn!

    Bạn không tin ư? Đây tôi chỉ cho bạn. Một quán thôi nhé? Có nhiều quán tương tự nhưng tôi không biết hết, bạn tự khắc sẽ tìm ra thôi, hoặc tôi sẽ update cho bạn sau, ở phần ...appendix!

    Bạn hãy đến góc Duy Tân và Alexandre De Rhodes, ở đó có một khoảnh "vườn" với những cây dầu cao vút được trồng từ thời các đô đốc hải quân Pháp, gốc lớn hơn một người ôm, tán lá rộng hàng chục thước ở trên cao, bóng mát trải xuống thảm cỏ xanh tươi được chăm sóc cắt tỉa hằng ngày. Và ngay trên tấm thảm xanh thiên nhiên ấy là những chiếc ghế đá sạch sẽ.

    Và đây. Cái mà bọn tây thường gọi là the best of both worlds!

    Bạn hãy mua một ly café ngon hợp khẩu vị của bạn rồi đến "quán" ghế đá ấy. Tôi mách thêm cho bạn: chung quanh quán ghế đá ấy là vô vàn quán café ngon dở -theo nghĩa đen- tùy túi tiền và khẩu vị café của bạn: Hilands, Coffee Bean & Tea Leaf, etc.

    Ở quán café này có một utility mà tôi dám cá với bạn là không quán café nào trên hành tinh này có được: đó là toilet!

    Có tới 13 toilets riêng cho nam và nữ -nghĩa là một tổng số 26 toilets đó bạn! Và tất cả đều máy lạnh đàng hoàng dọn dẹp sạch sẽ. Bạn chưa nhìn thấy nó ư? Là shopping complex Diamond đó. Mười ba tầng, tầng nào cũng có toilet nam riêng nữ riêng ở ngay chân cầu thang. Miễn phí. Hoàn toàn miễn phí!

    Dễ gì có ai đó bỏ nổi tiền tỉ để mua một miếng đất rộng như thế, ở một vị trí đắc địa như thế, đẹp như thế, ngay sau lưng nhà thờ Đức Bà, trước mặt dinh Độc Lập, kế bên Hồ Con Rùa? Chưa kể phải bao nhiêu tiền tỉ nữa mới đem được những cây dầu, những cây sao đen trăm năm tuổi trồng lên đó. Và chỉ để bán ...café!

    Tôi nghe nói ông Đinh Cường lúc sinh thời thường cùng bè bạn uống café Starbucks gần nhà ông ở Virginia. Và ở đó ông thường ngẫu hứng vẽ những bức ký họa lên giấy napkin của tiệm. Và ông khoái café ở đó. Ông Đinh Cường từng ở Tân Định, nơi có những quán café ngon nhất Saigon. Tôi đồ rằng ông không có chọn lựa nào khác khi ông qua Virginia và đành phải uống thứ café yếu cá tính ấy riết rồi đâm quen thôi!



    Theo tôi, café Trung Nguyên của ông Vũ ăn đứt thứ café-yếu-cá-tính-Starbucks! Cho dù Starbucks có đi lùng mua các thứ bean, hạt ngon nhất ở Brazil, ở Côte d'Ivoire, ở Kenya, ở Uganda, hay ở đâu đó khắp thế giới. Điều khẳng định cá tính cho café còn nằm ở công đoạn chế biến. Và ở công đoạn này, ông Vũ đã tìm ra cái bí quyết tạo cá tính của café Saigon.

    Ở Melbourne, tôi thường mua các gói café từ số 1 đến số 5, và café Số 8. Tôi cố tình viết hoa Số Tám vì nó outstanding so với các số từ 1 đến 5. Thế nhưng các café “số” này thường lại thiếu chút lửa, và tôi tìm cách bù vào chút "lửa" thiếu ấy bằng một lượng Illy, Lavazza, Vittoria nhất định để café có cái full bodied aroma như café Ý nhưng vẫn duy trì cái vị đặc trưng của café Saigon.

    Café của ông Vũ có "giọng" riêng không lẫn với các thứ café nổi tiếng trên thế giới. Ngon hay không tùy gout của bạn, nhưng chắc chắn là nó có vị riêng không lẫn vào đâu được cả.

    Và lần này về Saigon, tôi biết thêm một thứ café khác nữa của ông Vũ: Café Legend. Thứ này không thấy bán ở Melbourne. Bao bì design thuộc hàng first class. Có in hình Bach, Balzac, Hemingway, Napoléon.

    Napoléon uống café như thế nào tôi không biết. Tôi chỉ biết một Napoléon có trí nhớ cực kỳ tốt, nhớ được vị trí các đồn bót và bản đồ quân sự của toàn cõi Âu châu. Cũng chính là người mà Beethoven đã đùng đùng nổi giận xé bỏ trang bìa bản giao hưởng số 3 với lời đề tặng.

    JS Bach thì tôi biết. Bach uống café cả chục cốc mỗi ngày và có hẳn một Coffee Cantata viết cho café. Balzac thì bảo uống một ngụm café là ý tưởng tràn ra như hàng hàng binh đoàn xuất trận.

    Người ta nói Balzac uống 50 cốc café mỗi ngày. Con số 50 này vẫn là đề tài gây tranh cãi. Tôi không muốn dài dòng về chuyện fifty cups of coffee hay fifty shades of an argument này. Và cũng không chắc lắm về chuyện Balzac ngâm chân vào nước lạnh và uống thật nhiều café để tỉnh táo viết sách trả nợ các nhà xuất bản mà ông đã vay nóng cho những canh bạc của ông.

    Nhưng tôi nhớ Hemingway cái lúc ông bước vào tiệm café ở khu Saint-Germain-des-Prés, mệt mỏi treo mũ áo sờn úa cũ kỹ lên giá, gọi người bồi một cốc café au lait. Rồi rút từ trong túi áo ra cuốn sổ tay, ngồi xuống bàn và bắt đầu viết xuống giấy những ý tưởng cho các tiểu thuyết của ông. Quán café Les Deux Magots ở Saint-Germain-des-Prés bây giờ vẫn còn một cái bàn gắn tấm bảng đồng với giòng chữ “Hemingway đã từng ngồi ở đây”.


    Bạn sẽ uống café một mình. Hoặc sẽ uống café với một –hay nhiều- người bạn. Tôi về Saigon, người bạn café tuyệt hảo của tôi là Quốc Bảo. Một connoiseur. Lần đầu café với Bảo ở Givral gần trọn một buổi chiều mà Bảo từng quả quyết bọn tôi uống sạch cái bình café lớn của Givral buổi chiều hôm ấy. Tôi ngồi café với Bảo hai ba tiếng đồng hồ là chuyện thường. Nghe thời gian vèo đi như một cái chớp mắt. Tôi café với Bảo nói đủ các thứ chuyện trên trời dưới đất. Bảo kể cho tôi những mẫu chuyện ngắn về Saigon xưa. Xưa lơ xưa lắc, lúc cọp còn về tận Tân Kiểng, Chợ Quán. Bảo nhắc tôi nhớ những chuyện tuy đã trăm năm nhưng tưởng như mới xảy ra ngày hôm qua hôm nay. Và những chuyện về người Saigon.

    Tôi hỏi Bảo: Nguyễn Hiến Lê người gì? Bắc. Bùi Giáng người gì? Quảng Nam. Tôi cười: không phải, người Sài Gòn! Và Bảo chợt hiểu ra, cười xòa: Ừ người Saigon phải kể luôn Phạm Đình Chương Phạm Duy nhỉ.

    Bẵng đi một dạo. Chính xác là bốn năm tôi không về Saigon. Cái quán quen tôi vẫn thường ngồi với Bảo đã đổi chủ. Người chủ mới đã xóa món Vienna Coffee ra khỏi menu. Xóa luôn penny, ravioli, tortellini, gnocchi ra khỏi những đĩa pasta Ý theo taste của những Melbournian. Năm nay, tôi ghé lại đó hai lần, mang đến chút lòng cố lý. Rồi buồn bã quay đi mang theo những hoài niệm với Quốc Bảo, với Mai Khôi, với Mỹ Chi, với Hoàng, với TS Mạnh, với Nguyên Thảo, Phan Lê Ái Phương, Kim Quy, Thái Feelings, Dũng Dalat... Và với anh Bảo Chấn một buổi chiều Saigon phảng phất khí hậu cũ khi phố chập choạng lên đèn lúc anh ngồi trầm ngâm ở cái bàn sát cửa nhìn qua Grand, mắt lấp lánh cặp kính cận gọng đồi mồi.

    * * *

    Tôi đứng trước khuôn viên Nhà Thờ Đức Bà, nhìn xuôi theo con dốc đổ về bến Bạch Đằng. Và tôi nhớ Mai Thảo lúc ông giã từ thành phố của ông. Tôi nhìn xuống. Hà Nội ở dưới ấy. [*]

    Chiều nhạt dần. Hai hàng me trên đường Gia Long thả rơi những cánh lá li ti. Và sau lưng tôi, vô vàn những trái sao đen nhỏ xíu xoay tít theo cái vũ hình thật đẹp của chúng ở lưng chừng trời trước khi đáp xuống mặt đường. Nắng lấp lánh trên những ô kính tòa nhà Metropolitan và trên mặt kiếng của những chiếc bàn trống trước tiệm Coffee Bean. Bầy sẻ nhỏ líu ríu đang tranh ăn chợt hốt hoảng bay túa lên không trung khi một chiếc xe máy lao ẩu lên lề đường.

    Tôi cũng nhìn xuống. Quán café của tôi cũng ở dưới ấy.

    Và tôi quay lưng đi, hướng về phía Diamond. Vậy thôi. Chiều đã muộn rồi. Thì tôi sẽ uống một ly trà thay cho café vậy.


    Mai Xuân Vỹ[*]Phượng nhìn xuống vực thẳm. Hà Nội ở dưới ấy. (MT)

    Comment


    • #3
      Lẩn Thẩn Chuyện Saigon [3] - Tiếu Ngạo Café

      Mai Xuân VỹLượt xem: 3833
      Mai Xuân Vỹ
      20/5/2018
      I have measured out my life with coffee spoons
      TS Eliot



      Bạn tôi nhắn:
      Ghé nhà uống café nhé. Café Ngũ Nhạc phái Giữa. Không phải Tung Sơn mà là Thái …không phải Sơn.

      Bạn biết rồi đấy. Có một nhóm núi được liệt vào nhóm các Linh Sơn, là những núi thiêng của Trung Hoa mà Kim Dung đã đem vào truyện làm bối cảnh cho bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ của ông. Tung Sơn còn được gọi là Trung Nhạc, tức là ngọn núi ở giữa trong năm ngọn núi ấy. Và trong quần thể Ngũ Nhạc, Thái Sơn là Đông Nhạc, là ngọn núi ở phía đông.

      Bạn tôi bảo là “giữa”. Và còn bảo là Thái (không phải) Sơn, tức là không phải Đông nhạc Thái sơn thì là Thái gì? Thôi, tôi không diễn giải nữa. Bạn chắc đã hiểu là bạn tôi nói kiểu Trạng Quỳnh rồi.

      Bạn tôi đây là TS Mạnh. Tên bạn tôi viết hơi giống tên một thi sĩ Anh: TS Eliot. I have measured out my life with coffee spoons. Tôi đong đếm đời mình bằng những muỗng café.

      Tôi xin mở một ngoặc nhỏ ở đây. Bạn đừng nhăn mặt khi tôi gọi Eliot là thi sĩ Anh. Đúng vậy. Ông ấy ra đời ở St Louis, Hoa Kỳ. Sống ở đó mãi đến ngoài 20 tuổi mới qua Anh Quốc rồi tuyên bố từ bỏ passport Hoa Kỳ vĩnh viễn. Ông coi mình như người Anh. Và tôi gọi ông là thi sĩ Anh như ông muốn.

      Tuy nhiên, khác với Eliot, bạn tôi không coi Café như “cứu cánh” để đong đếm thời gian, mà chỉ xem nó như “phương tiện” để đi qua cuộc đời. Và dĩ nhiên, TS Mạnh không đong đếm cuộc đời bằng những muỗng café như TS Eliot. Bạn tôi là một doanh nhân, đong đếm đời bằng những tờ giấy tinh tươm mầu xanh có in hình Washington với dòng chữ In God We Trust!

      Câu vừa rồi là tôi đùa thôi. Bạn tôi không “trọc phú” như vậy. Bạn tôi biết pha và thưởng thức những ly café ngon. Biết dùng café như một phương tiện để làm cho đời lên hương lên ý. Mà tôi cũng không hề ám chỉ “trọc phú” thì không biết thưởng thức café. Bạn nào nhỡ xui mà giàu, có tiền rủng rỉnh bạc tỉ rồi dùng tam đoạn luận của Aristote để kết luận tự hại mình thì không phải lỗi của tôi nhé.

      * * *

      Tôi đến nhà Mạnh vào giờ cao điểm ngựa xe như nước, xe phải nhích từng centimetre. May mắn bạn Taxi Grab là người Saigon xưa, nhớ và gọi tên những con đường cũ vanh cách, nên tôi thấy cuốc xe trở nên ngắn và lý thú. Nhà bạn Taxi Grab lúc trước ở đường Đồ Chiểu Tân Định đoạn gần Pasteur, bây giờ, người ta gọi nó là Trần Quốc Toản. Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm –và bao nhiêu lần- về Saigon tôi mới gặp một tài xế taxi là người Saigon cố cựu.

      Nhà TS Mạnh bạn tôi ở trong một con hẻm rộng taxi vào lọt, hai mặt quay ra hai hẻm khác nhau: Lê Văn Duyệt và Hoàng Sa. Đây là nhà mới, căn nhà cũ tôi vẫn tới những năm trước giờ chỉ dùng để chứa hàng. Mặt nhà đường Hoàng Sa có những chùm Sử Quân Tử giăng kín từ sân thượng xuống đến tầng trệt. Tôi và bạn uống café ở trên ấy lúc Saigon nhạt dần nắng cho đến lúc đèn ở các cao ốc phía trung tâm Saigon rộ lên như sao mọc lên từ mặt đất. Tôi xác định được vị trí của tòa nhà Times Square trên đường Nguyễn Huệ bằng ánh sang đổi mầu trên thân building. Thấy được Bitexco nghiêng nghiêng dáng búp sen và chợt nẩy ra cái so sánh về café ở sân thượng nhà bạn tôi và ly café thật tệ ở tầng 54 có cái helipad vào một trưa nắng gắt tôi đã lỡ dại leo lên đó.

      Café bạn tôi pha ngon bất ngờ ngoài sự mong đợi của tôi. Đây chính là một “phái” café quan trọng không kém hai phái Dở Ngon mà tôi đã không nhắc đến trong bài viết trước. Café nhà. Café này phổ biến ở những nước theo văn hóa Anh Mỹ. Là phái café “tại gia” hay là phái “giữa” như bạn tôi đã đùa ở trên.

      Bạn biết rồi đấy, có lẽ trừ Pháp, người Anh và người Mỹ không có thói quen ngồi làm việc ở quán café. Sartre và Beauvoir có một bàn "dành riêng" ở Café de Flore, Saint-Germain-Des-Prés, quận 6 Paris, ở đó họ làm việc và tiếp những người bạn của mình. Hemingway qua Paris mới học thói quen này của người Pháp [1], và quán Aux Deux Magots của Hemingway chỉ cách Café de Flore một con đường nhỏ và hẹp, rue Saint-Benoit. Chỉ là một con đường nhỏ, nhỏ như một con lạch nhưng lại là một đại dương chia cách Café de Flore và Aux Deux Magots. Không hiểu vì lý do gì, từ những năm cuối của thập niên 70s, Aux Deux Magots đã không còn là một quán thời thượng nữa, người ta tránh Aux Deux Magots và đổ đến Café de Flore. Tôi ghi nhớ điều này vì nó trùng khớp với một Saigon cũng đang xuống dốc vào thời điểm ấy.

      Tôi vẫn thường nghe lòng mình nhói lên, nghe tim mình đập hụt một nhịp khi nhìn thấy cái mầu đỏ tím của hoa giấy chồm ra cổng của một căn nhà nào đó lúc tôi bất chợt lái xe qua. Tôi không dừng xe lại được như ở Saigon để được ngắm thỏa thuê cái mầu đỏ tím ấy. Ừ, lòng tôi vẫn có những “soft spots” như người tây phương thường nói. Mà hoa giấy ấy là một.
      Và hai tiệm café cách nhau chỉ một con đường rất nhỏ rất hẹp Saint-Benoit là một trong vô vàn những soft spots ấy. Aux Deux Magots với vải bạt xanh chữ mạ đồng. Café de Flore vải bạt trắng chữ xanh. Aux Deux Magots luôn luôn là quán thời thượng và nổi tiếng, là nơi Oscar Wilde lui tới hầu như hằng ngày khi ông bỏ Anh Quốc sang Paris, và ông mất trong một căn nhà chỉ cách Aux Deux Magots vài con phố. Cũng là nơi James Joyce đến uống thứ vang trắng sản xuất từ những vườn nho Thụy Sĩ, thứ vang trắng ủ trong lòng nó những tuyết giá bời bời của rặng Alpine. Hemingway bảo là Joyce uống thứ vang trắng Thụy Sĩ ấy với bất kỳ ai ngoại trừ ông. Ngoại trừ ông bởi vì ông không phải là bất-kỳ-ai trong số ấy! Tôi không thắc mắc về điều này bởi vì Hemingway vẫn thường có cái tật “nổ” rất dễ thương của ông. Tôi cho qua.
      Tôi còn đọc thấy trong cuốn tiểu sử của Camus do Olivier Todd viết, trong đó ông nhắc đến khu tam giác tạo thành bởi hai quán café nói trên và tiệm Brasserie Lipp [2] ở Saint-Germain-des-Prés, đó là một huyền thoại từ thời đệ nhị thế chiến khi những kháng chiến quân của De Gaulle –phần lớn là những trí thức- đến gặp nhau ở đây. Nó được tiếp nối với Camus, Sartre và Simone de Beauvoir. Cái không khí văn hóa ấy, cái khí hậu ấy vẫn được nuôi dưỡng từ sau chiến tranh, kể từ cái ngày những lộ quân của De Gaulle -từ khắp mọi miền đồng bằng sơn dã trở về Paris- trong quân phục uy nghiêm thẳng thớm, bước rập đều qua cổng Khải Hoàn Môn, cho đến hết những năm 60s khi Camus gặp bạn bè ở một quán, và người tình của ông -Juliette Gréco- hát những bài hát buồn ở quán bên kia. Đó là thời cực thịnh của văn hóa “tiểu tư sản”, là văn hóa bourgois của Paris. Nhìn lại, thật ngạc nhiên và trùng hợp khi cái khí hậu ấy được “phản chiếu”, được song hành bởi Saigon đúng gần khớp với mốc thời gian ấy.
      Như đã nói ở trên, sau nửa thế kỷ, cùng với Saigon, Aux Deux Magots đã bị ném ra ngoài lề những sinh hoạt văn hóa của Paris, của Saint-Germain-des-Prés vào những năm 70s. Một định mệnh trùng hợp không hiểu vì sao?

      * * *

      Ở Melbourne, cuối tuần tôi thường tự pha cho mình một ly cappucino bằng cái máy nhỏ hiệu Krupp của Đức. Cái máy chỉ có áp suất 6 bars nhưng vì quen tay và sử dụng được hết công suất của máy, những ly cappucino hay latté tôi pha từ cái máy nhỏ ấy ngon không kém những tiệm café ngon ở Melbourne. Mấy anh barrista dớ dẩn lơ đễnh với những cái máy 15 bars rất dễ dàng bị tôi qua mặt.

      Còn Mạnh, bạn tôi, thì có một thủ thuật rất “láu cá” theo kiểu “ lấy thịt đè người”. Mạnh dùng một lượng lớn café là 100gr, đổ đầy một cái phin cũng rất lớn –lớn hơn phin bình thường pha cho một người- kiểu Pháp, rồi chỉ lấy cái nước sóng sánh nhỏ từng giọt tinh ròng ấy theo tỷ lệ 1/5 để pha vừa đủ 1 ly café, nghĩa là bạn tôi chỉ lấy 1/5 nước đầu. Mạnh đùa với tôi: Balzac uống 50 ly café mỗi ngày, nhưng sẽ bị shocked và xỉn quay cu lơ nếu uống chỉ 5 ly café tao pha!

      Mạnh “luận” về café Trung Nguyên của ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Và về các nhân vật được ông Vũ “dán” hình lên bìa Legend. Có một nhân vật tôi cố tình không đề cập đến trong bài viết Café Saigon Và QB. Đó chính là Beethoven.

      Beethoven được ông Vũ trang trọng cho lên design của First Class Legend, và cho in lên loại phin đặc biệt mầu đen tuyền đẹp nhã với hàng chữ in trang trọng:



      Với 60 hạt café cho một ly café. Vậy là Beethoven uống café khá đậm. Đậm theo kiểu người Saigon.

      Thực ra một ly café “standard” bây giờ bán ở các tiệm trên thế giới như New York, Paris, Sydney, Melbourne là 70 hạt café. Khi tôi nói điều này bạn sẽ tưởng Beethoven uống café nhạt hơn chúng ta bây giờ? Không phải đâu. Nên nhớ, hạt café Beethoven uống vào những năm 1800s – tức là hơn hai thế kỷ trước- phổ biến ở Âu Châu là café nguyên chất không pha thêm bất cứ thứ gì khác. Kỹ thuật chế biến hạt café thời đó thô sơ và “thật thà” hơn chúng ta bây giờ, do đó lượng caffein của ly café 60 hạt Beethoven uống mỗi sáng nhiều hơn ly café standard 70 hạt của chúng ta uống trong thế kỷ 21.

      Nhiều người ngạc nhiên vì Beethoven là người không hề biết nấu nướng, một đầu bếp có rất nhiều triển vọng đứng ở đầu bảng “tồi” -nếu như có ai đó có làm một bảng phong thần về các đầu bếp tồi- nhưng ly café chính xác với 6o hạt thì ly café này thuộc loại ngon mà một người không sofisticated, không tinh tế về ẩm thực như Beethoven khó mà nghĩ ra. Ai đã mách cho Beethoven cái công thức 60 hạt ấy? Hay tự ông nghĩ ra?

      Theo tôi, Beethoven không phải là người sành điệu. Ông ăn mặc lôi thôi nhếch nhác ngược hẳn với một Chopin thanh lịch, chải chuốt. Một đôi găng tay của Chopin là nửa năm lương của một thợ thuyền ở Paris ngày đó. Chỉ đơn cử một thí dụ.

      Nếu như Chopin có khó tính với một ly café đúng 60 hạt. Tôi tin. Và nếu như có ai đó cho thêm vào hay bớt đi vài hạt, tôi cũng tin là Chopin sẽ nhận ra ngay. Còn trường hợp của Beethoven, tôi ngờ là nếu như thêm vào hay bớt đi chục hạt, Beethoven cũng không hay. Tôi đồ rằng Beethoven phải tự tay đếm đủ 60 hạt café cho ly café mỗi sáng không phải là do ông là người tinh tế về khẩu vị, mà chính là ông không chắc được café ngon ra sao nên mới phải đếm. Đếm để yên chí rằng café ấy ngon.

      Bạn cứ thử xem. Thêm vào hoặc bớt đi chừng mươi hạt xem Beethoven có biết hay không? Dĩ nhiên, bạn sẽ không có cơ hội làm cái test này vì Beethoven đã mất năm 1827. Hóa ra tôi nói chuyện huề vốn, hoặc –nói theo cách của người Saigon- nói kiểu …trớt wướt?

      Không đâu, tôi sẽ cho bạn ít chứng cứ về điều tôi vừa nói ở trên về Beethoven. Mà tôi phải nói trước, những chuyện này rất vớ vẩn bạn không cần biết. Quan trọng là bạn chỉ cần nghe nhạc của ông thôi.

      Xin được dài dòng đôi chút về Beethoven trước khi nói chuyện “60 hạt café” như tôi đã hứa. Nhé?

      Người ta kể rằng có mấy bữa không thấy Beethoven ra quán ăn, hỏi có phải tại ông không khỏe? Ông bảo rằng không ra quán được là vì đôi giầy ông bị rách, nguyên văn của ông là "há mõm".

      Beethoven nổi tiếng là người keo kiệt, bủn xỉn. Tôi phải xin lỗi vong linh ông khi viết lại điều này. Bọn tây gọi ông là tight arse!

      Ông còn nổi tiếng là người ở dơ, rất hiếm khi ông tắm! Tôi có đọc đâu đó về kỷ lục quán quân của những người ít tắm, Beethoven ở trong Top Ten. Và người đầu bảng là Karl Marx!

      Ông lại nổi tiếng là người khó gần, không thân thiện với ai, và khó tình với những người quanh ông, kể cả những người yêu thương ông nhất. Ông đuổi bà bếp của ông buổi sáng, buổi chiều ông cho gọi bà về trở vì không biết tự làm bữa ăn chiều. Ông đuổi Schindler –thư ký không lương trung thành tận tụy của ông- sau buổi première của bản Giao Hưởng số 9 vì một chuyện rất vớ vẩn, rồi hai năm sau lại gọi Schindler trở về tiếp tục làm thư ký không công cho ông cho đến lúc ông chết.

      Cũng một bảng phong thần khác về những người khó tính khó gần, lần này Beethoven cũng lọt vào Top Ten, và người đứng đầu bảng là Newton. Vâng. Chính là nhà toán học lỗi lạc người Anh, người đã phát hiện ra Gravity khi nằm dưới gốc của một cây táo.

      Anton Schindler chính là người viết cuốn tiểu sử đầu tiên của Beethoven khoảng hơn 10 năm sau khi Beethoven qua đời. Cuốn tiểu sử với nhiều chi tiết về cuộc sống riêng tư của Beethoven ít ai biết bởi Schindler có trên dưới 7 năm sống cùng Beethoven dưới một mái nhà.

      Nhưng cũng chính Schindler là người đã phóng đại, tô vẽ thêm thắt –và cắt xén- nhiều chi tiết vào cuộc đời của Beethoven với cái ý tốt là biến Beethoven thành một con người toàn vẹn. Ông đã đốt bỏ rất nhiều cuốn sổ bút đàm của Beethoven cũng với cái ý tốt trên. Chúng ta đều biết Beethoven hầu như điếc hoàn toàn từ năm 1814, ông viết Symphony số 9, năm strings quartet (tứ tấu cho đàn dây) cuối, năm sonatas –trong số 32- cuối cùng trong tình trạng hoàn toàn điếc đặc này. Và kể từ những năm này cho đến cuối đời, Beethoven “nói chuyện” với mọi người bằng cách viết trên những cuốn sổ. Tức là bút đàm.

      Schindler chính là người đã đốt bỏ khoảng 1/3 tổng số những cuốn sổ bút đàm ấy. Với mục đích biến Beethoven thành God như tôi đã đề cập ở trên.

      Ignaz Mocheles -một pianist và composer rất nổi tiếng vào thời đó, bạn nào học piano chắc chắn cũng phải biết ông này- là người dịch cuốn tiểu sử trên sang tiếng Anh. Và đây là "cột mốc" cho các nhà nghiên cứu về Beethoven vào thời điểm đó. Tuy nhiên, chỉ độ 10 năm sau, những điểm thiếu chính xác, tô vẽ, phóng đại hoặc "uốn nắn" Beethoven cho vừa "khuôn" của một thiên tài theo ý "tốt" của Schindler đã được Thayer -người thứ nhì viết về Beethoven- đặt dấu hỏi và hiệu đính lại. Cuốn sách của Thayer được xuất bản vào khoảng 1850.

      Cái chi tiết Beethoven uống ly café sáng với đúng 60 hạt café là cũng từ cuốn tiểu sử Beethoven do Schindler viết. Và tất cả các cuốn sách dầy hay mỏng, viết cẩu thả hay nghiêm túc về 60 hạt café của Beethoven đều dựa trên cuốn sách này của Schindler. Tôi không phủ nhận điều trên, tôi chỉ không đồng ý với những cuốn sách, những tác giả đã từ chuyện 60 hạt café ấy mà mặc định Beethoven là người sành café, biết thưởng thức café như một connoisseur.

      Và điều tôi nói trên không phải là không có căn cứ. Tôi cho là nhiều người chỉ đọc một phần, hoặc không đọc kỹ Schindler rồi vội vã kết luận về café và Beethoven như ta đã thấy.

      Tôi ở Saigon khi viết những giòng này. Và thật là khó cho tôi vì tủ sách của tôi lại nằm ở Melbourne. Và cuốn tiểu sử của Schindler thì tôi đọc đã trên 30 năm nay, rất khó để tôi kiểm chứng những gì tôi nhớ. Thật may mắn cho tôi, thư viện của University Of Toronto có lưu một electronic copy trên Internet. Và tôi có cơ hội chứng minh cho bạn những gì tôi “phản bác” về 60 hạt café của Beethoven trên giấy trắng mực đen.




      Tôi đã nói với bạn là nhỡ Beethoven có đếm thiếu hay thừa chừng chục hạt ông cũng không biết. Điều này Schindler không viết rõ trong cuốn tiểu sử. Nhưng ông có viết rõ ràng là Beethoven thích thứ rượu vang sản xuất ở vùng cao nguyên quanh vùng Buda hơn những thứ rượu vang từ các thứ nho trồng ở các vùng khác. Vậy mà Beethoven của chúng ta lại không phân biệt được thứ rượu đã được cất lâu năm và thứ rượu mới cất. Và đây là bằng chứng:



      Bạn biết đấy, rượu vang lâu năm có thể lên đến vài ngàn đô một chai, và những chai rượu vang cất một hai năm chỉ dưới 10 đô là có.

      Và thứ đến là 60 hạt café. Dưới đây là những gì Schindler viết:




      Bạn thấy đấy. Schindler bảo là Beethoven đếm sai một vài hạt: lest his measure should mislead him to the amount of a bean or two. Tôi cho cách viết ấy chỉ là rhetoric, Schindler có thể viết mislead him to the amount of a few tens or more. Bạn cứ thử tưởng tượng đi. Trong lúc mời khách đến để pha café, vừa đếm vừa nới chuyện với khách, một người lơ đễnh như Beethoven đếm dư hay thiếu chục hạt là điều rất dễ xảy ra. Theo tôi, Beethoven chỉ chính xác lúc ông đếm nhịp –ông là chỉ huy dàn nhạc giao hưởng- và đếm tiền –bọn tây gọi ông là tight arse!

      Nói chuyện dàn nhạc, tôi nhớ lúc ông chỉ huy dàn nhạc trong buổi công diễn đầu tiên của Symphony số 9, ông đã vung vẩy cánh tay hộ pháp của ông –Beethoven rất đậm người- knock out tại chỗ cậu bé cầm đèn đứng cạnh soi nến cho ông đọc tổng phổ.

      Và cũng chính trong trang viết tôi cắt dán ở trên, Schindler viết rõ Beethoven không phân biệt những đồ ăn đã cũ đã ôi, vì ông không hề quan tâm đến chất lượng của chúng từ lúc ông mua đến lúc nó hiện diện trên bàn ăn. Những thứ đồ ăn rất dễ hư như Parmesan cheese chỉ cần nửa ngày ở nhiệt độ như ở Saigon là không ăn được rồi.

      Nên nhớ thời ấy chưa có tủ lạnh, và Vienna vào mùa hè, tức là từ tháng 6 đến tháng 8, nhiệt độ ở trong tầm 36 đến 39 độ bách phân. Nóng hơn Saigon.

      Bạn có thể không tin những điều tôi nói.Nhưng bạn cứ thử nghĩ đi, một người như thế có thể là người “sành điệu” trong thưởng thức café và café thì phải pha chính xác 60 hạt như người ta phô trương hay không?

      Dạo gần đây, có nhiều sách viết về café và Beethoven trên thế giới –chứ không riêng Việt Nam. Đặc biệt là một cuốn sách khá dầy – hơn 500 trang- của Mark Pendergrast, cuốn Uncommon Grounds: The History Of Coffee And How It Transformed Our World. Trong cuốn này, Beethoven được coi là người uống café sành điệu.

      * * *

      Nói cho công bằng, cuốn tiểu sử nói trên không hẳn là không giá trị nói theo kiểu vơ đũa cả nắm. Trong cuốn tiểu sử, Schindler đã cho độc giả những chi tiết cực kỳ quí giá về cách Beethoven chơi đàn, về tốc độ -tức là metronome markings- nguyên thủy của Beethoven. Mãi cho đến bây giờ, các musicologist và những người chơi nhạc Beethoven vẫn bị divided và không đồng ý với nhau về tốc độ do chính tay Beethoven ghi trên các trang bản thảo hoàn tất với chính thủ bút của ông. Những bất đồng này phát sinh từ những điều Schindler viết trong cuốn tiểu sử nói trên, so sánh với những ghi chép, những nhận xét của Czerny về metronome markings của thầy mình: Beethoven.

      Đó là những ý kiến trái chiều, và những bất đồng tranh cãi trên tôi cho là đến vài trăm năm nữa vẫn sẽ chưa ngã ngũ.

      Ta cũng biết, Beethoven dạy Czerny, Czerny dạy Liszt. Và Liszt dạy vô số học trò nổi tiếng như Eugen d'Albert, Hans von Bülow, Frederic Lamond, Moriz Rosenthal, Alexander Siloti, Carl Tausig, Karl Klindworth, Arthur Friedheim etc. Chỉ đơn cử một vài người nổi tiếng nhất thôi.

      Arthur Friedheim là thầy của Rildia Bee O'Bryan thời bà còn là một thiếu nữ, sau này trở thành bà Cliburn, mẹ của Van Cliburn, cũng là thầy dạy vỡ lòng cho Van lúc anh lên ba. Lúc lớn lên vào trường Juliard School, Van Cliburn lại được học với Rosina Lhévinne, một đại diên cho trường phái Piano Nga khởi đi với Anton Rubinstein [3]. Van Cliburn là người Mỹ đầu tiên đoạt giải nhất Tchaikovsky năm 1958 trong thời chiến tranh lạnh. Người mà Sviatoslav Richter cho 100 điểm –trên thang điểm từ 1 tới 10- trong khi cho các thí sinh khác zero.

      Gần đây nhất, Ivo Pogorelich, pianist người Nam Tư –cùng dự thi giải Chopin năm 1980 với Đặng Thái Sơn- đã “claim” mình là học trò đời thứ mấy gì gì đó của Liszt đấy thôi.

      Sở dĩ tôi phải dài dòng thế cũng là vì Czerny, về ảnh hưởng của Czerny với lịch sử của đàn và cách chơi đàn dương cầm. Có thể nói, bất cứ ai học piano đều biết Czerny và các bài tập luyện ngón của ông. Và Czerny là đại diện cho lối chơi dương cầm “chính thống” của Âu châu từ thời Haydn, Mozart, Beethoven cho đến bây giờ.

      Mà thôi, như tôi đã nói ở trên, những điều tôi vừa nói về cách Beethoven ăn mặc thế nào, ăn uống ra sao, uống café theo gout nào v.v… là những thứ vô bổ, trà dư tửu hậu. Bạn chỉ cần nghe nhạc của ông là đủ. Và chấm hết. Beethoven tồn tại đến bây giờ dù ông mất đã gần 200 năm cũng chỉ đơn giản là nhạc của ông –và nhạc của ông- mà thôi.

      * * *

      Tôi đứng trên sân thượng nhà Mạnh, gió lộng bốn bề. Và nhớ gió ở sân thượng nhà tôi gần 40 năm trước. Lúc ấy, nhà tôi cao vượt lên trên những ngôi nhà lân cận, từ sân thượng tôi có thể thấy được tháp chuông nhà thờ Huyện Sỹ, thấy được cả con đường Sương Nguyệt Ánh rợp bóng hai hàng dầu thẳng đứng, thấy được cả những ngọn cây xanh um lá ở vườn Tao Đàn. Bây giờ, sau bao nhiêu năm, những căn nhà chung quanh đã cao vượt lên, che hết tầm nhìn, che hết gió, lấy gần hết bầu trời cao và rộng của tôi mất rồi.

      Nhà Mạnh thì khác, từ Bảy Hiền nhìn về hướng trung tâm Saigon, tầm mắt chừng như vô tận. Nhìn về hướng Tân Sơn Nhất thấy được đường chân trời, thấy những chiếc máy bay lên xuống với đèn chớp đỏ ở đuôi. Nhìn về hướng Bình Triệu Thủ Đức, có một cao ốc thật cao mà tôi và Mạnh không xác định được nó là building gì.

      Và cũng vẫn nhìn về hướng ấy, thả tầm mắt để rơi xuống cầu Bình Triệu, đó là sông Saigon, đó là Thanh Đa nhà HN Sơn, nhà cậu Mai, cậu Doãn. Nhà của họa sĩ Bùi Quang Ngọc với một bức tranh lớn vẽ dở dang suốt ba năm trời. Có một dạo tôi đã đến đó hầu như hằng ngày, rồi buổi tối về ngang Thị Nghè, ghé qua nhà Hạnh ngồi nhìn Hạnh tập đàn. Những bài tập nhiều “wrong notes” của Czerny, những bài Valse vụng về chưa tròn câu của Chopin. Và cố gắng không cười –kẻo cô giận- khi Hạnh cực nhọc ráng ghép hai triplet ở tay phải cho vừa khớp với bốn dấu crochet ở tay trái. Nghe tiếng đàn guitar của Hiến vọng ra từ sau tấm màn dày: Tarrega, Sor, những bài transcript của Bach, Scalatti do Segovia chuyển soạn. Và Villa-Lobos với cái Prélude số 1 có những notes vuốt và các quãng ba chromatique đầy tâm trạng. Ngửi mùi café thơm lừng của chị Huyền đang rang trên sân thượng tỏa xuống. Nhìn anh Hùng thỉnh thoảng đạp xe về rồi vội vã hộc tốc đạp xe đi, mặt khắc đậm những âu lo của cuộc sống. Nghe tiếng Hằng nạt con mèo lúc nó lởn vởn đến gần bàn ăn. Đứa con nhỏ của chị Huyền khóc ấm ức khi con sẻ nhỏ vuột mất khỏi nắm tay cũng nhỏ của nó.

      Và một sáng tháng mười hai, trời Saigon chợt trở lạnh bất ngờ. Trong cái không khí trong veo và yên tĩnh của mùa Đông bất chợt hiếm hoi ở Saigon buổi sáng ấy, chị Huyền từ sân thượng chạy xuống hốt hoảng: John Lennon chết rồi. Nhìn chị run rẩy, tôi cứ ngỡ chị nghe tin dữ của anh Nam chồng chị từ trại cải tạo. May mắn, nó không phải là tin dữ của chị. Và rất không may, nó là tin dữ của cả thế giới.

      Tôi nhớ mãi cái khí hậu của một sáng đầu tháng 12 ấy. There are places I remember in my life though some have changed [4]. Giọng reverbated của John và giọng saccharine hát bè quãng ba của Paul. Phải. Cũng như bài hát ấy, có những nơi những chốn in đậm vào ký ức tôi. Dù có bao nhiêu dâu bể, bao nhiêu nước chảy qua cầu, tôi vẫn nhớ mãi. Những người trong căn nhà bên bờ kênh Nhiêu Lộc ở Thị Nghè ngày đó, với những cái tên luôn bắt đầu bằng vần H. Nhớ mùi café đang rang thơm lừng cả căn nhà. Và nhớ những ly café Hạnh mua cho tôi từ cái quán đầu ngõ.

      * * *

      Cùng với ngày tàn dần. Cùng với đêm buông xuống. Cùng với hàng triệu triệu vì sao lấp lánh của đêm mùa hè ở trên cao khi tôi ngước lên. Dù có chậm thật chậm vì những câu chuyện giữa hai ngụm café về tháng ngày xưa cũ, tôi và Mạnh cũng uống hết ly café. Chuyện của bọn tôi chưa hết nhưng ngày đã gần hết. Và ly café đã cạn hết. Tôi nhớ các bạn thời trung học của tôi Mạnh Cường Huy vào những mùa hè trước, khi bọn tôi lang thang ở những quán café trên đường Lê Lợi, trên đường Nguyễn Huệ, trên đường Trương Minh Giảng với phượng xanh từng tầng điệp điệp từng lớp lá biếc mầu ngọc bích. Mầu xanh ấy giờ của ai?

      Và biết bao những quán khác. Bây giờ những quán ấy có quán còn quán mất. Có quán tôi nhớ có quán tôi quên. Là quán của ai bây giờ?

      Tôi lặng lẽ ghi vào ký ức thêm một ly café đậm. Đậm caffein và đậm hương đêm Saigon. Ly café trên sân thượng lộng gió và trên đầu những chùm sử quân tử mãn khai.


      Mai Xuân Vỹ


      Chú thích:

      [1] Hemingway đến Paris với tư cách là một phóng viên của tờ Toronto Star, sống và viết ở trong một căn apartment kém tiện nghi ven tả ngạn sông Seine trong những năm 1920s. Những người bạn trong circle của ông là Gertrude Stein, Scott Fitzgerald, James Joyce, Ezra Pound, Sylvia Beach, etc. Nếu bạn có xem cuốn phim gần đây của Woody Allen Midnight In Paris, bạn sẽ “gặp” những người bạn của Hemingway vào thời điểm giữa hai thế chiến ấy. Số 74 rue du Cardinal Lemoine trong khu la tinh -latin quartier nằm trong địa phận hành chánh của hai quận 5 & 6- bên tả ngạn sông Seine là nơi ông viết The Sun Also Rises. Thực ra Hemingway ngụ ở nhiều nơi –mà tôi sẽ viết dài hơn vào một dịp khác- trong suốt thời gian từ 1921 đến 1926, và ông quay trở lại theo những đơn vị thuộc những lộ quân của Eisenhower vào giải phóng Paris. Lần sau cùng vào những năm 1950s, ông quay lại Hôtel Ritz để lấy các bản thảo và vật tùy thân gửi ở đó từ 30 năm trước. Những thứ ấy được đem về Mỹ trong một vali được làm riêng cho ông bởi nhà Louis Vuitton.


      Ông viết cuốn sách quan trọng –và nổi tiếng- đầu tiên của ông The Sun Also Rises theo phong cách roman à clef vào ngày 21 tháng 7 năm 1925. Người ta bảo ông viết cuốn ấy rất nhanh, những giòng đầu được viết xuống cuốn sổ nhỏ rút ra từ trong túi áo sờn cũ của ông ở một cái bàn cũng cũ kỹ như áo mũ của ông tại quán Aux Deux Magots trong chính ngày sinh nhật của ông, và hoàn tất nó chỉ trong vòng hai tháng sau đó. Đó là huyền thoại của The Old Man… Tôi cũng không thắc mắc về điều này. Bởi nó đẹp quá.
      Một huyền thoại nữa là chuyện Hemingway “giải phóng” khách sạn Ritz.
      Đó là một ngày tháng tám trong năm 1944 –một năm trước khi thế chiến II chính thức kết thúc. Đêm 24 rạng sáng ngày 25 của tháng ấy năm 1944, khi Đệ Tam Lộ Quân của tướng Patton và những đơn vị biệt phái của De Gaulle chủ yếu là những đơn vị của Sư Đoàn 2 Thiết Giáp -gồm những đơn vị đã bị tổn thất nặng do pháo binh của lực lượng phòng vệ Wehrmacht vòng đai Bắc sông Seine kể từ khi chiến dịch bắt đầu vào ngày 19 cùng tháng- từ phía bắc vượt sông Seine và Sư Đoàn 4 bộ binh Hoa Kỳ từ phía nam, đông nam dưới sự điều động của Eisenhower –tổng tư lệnh quân đồng minh- khép vòng vây tiến vào Paris. Mũi tấn công của sư đoàn này là Đại Đội 9 Thiết Giáp.
      Tướng Philippe Leclerc vì “quốc thể” của cả nước Pháp nói chung và của toàn đội quân Pháp Tự Do của De Gaulle nói riêng –vâng, đây chính là bí danh trong chiến đấu của Bá tước de Hauteclocque, dòng dõi của các tướng lãnh trong những binh đoàn Thập Tự Quân từ nhiều thế kỷ trước, và các tướng lãnh trong binh đoàn viễn chinh Napoléon sang tận Mạc Tư Khoa, và cũng là tổng tư lệnh lực lượng viễn chinh Pháp trong Chiến tranh Đông Dương (1945-1946) tại Việt Nam – đã cãi lệnh chỉ huy trực tiếp của ông -là tướng Gerow thuộc Đệ Tam Lộ Quân dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Patton- và tung những toán tiền quân vào Paris với duy nhất một sứ mệnh quyết tử: lập những “đầu cầu”, trong vòng 24 giờ sau khi xuất phát, cho cả Sư Đoàn.
      Và khi toàn bộ các bộ phận của Sư Đoàn 2 Thiết Giáp đã vượt được sông Seine -chịu thêm rất nhiều tổn thất vì sức kháng cự mãnh liệt của vòng đai an ninh của hỗn hợp quân Wehrmacht và những đơn vị SS cuồng tín tuyệt đối trung thành với Hitler- Leclerc đã lệnh cho cả đoàn quân tơi tả mỏi mệt không hề chợp mắt suốt một tuần lễ của ông tiếp tục tiến xuống phía nam trong nỗ lực tuyệt vọng là phải vào Paris trước Sư Đoàn 2 Hoa Kỳ.
      Và ông đã thành công. Đại Đội 9 Thiết Giáp do Đại Úy Raymond Dronne chỉ huy vượt qua Cổng Ý -Porte d'Italie- vào đến sân Tòa Đô Chính Paris vào đúng 9 giờ 22 phút tối 24 tháng 8. Đó là đơn vị đầu tiên của toàn thể lực lượng Đồng Minh trong chiến dịch giải phóng kinh đô ánh sáng vào đến Paris. Dronne đích thân leo xuống chiếc chiến xa chỉ huy M4 Sherman của mình, bước thẳng vào tổng hành dinh của Von Scholtitz yêu cầu viên tướng này đầu hàng.
      Đúng 3:30 chiều ngày 25 tháng 8, những tay súng ở thành lũy cuối cùng của đạo quân Wehrmacht buông súng đầu hàng. Và trong khi khi tướng Dietrich von Choltitz –tư lệnh toàn bộ lực lượng Wehrmacht của Hitler ở Paris- chính thức đầu hàng tại sảnh lớn của Hôtel Meurice vào buổi chiều, Hemingway với súng trường Garant khoác lệch trên vai, nòng súng chúc mũi xuống đất, nhảy ra khỏi chiếc Jeep thắng gấp ở Place Vendôme, tuyên bố Hôtel Ritz –và cả hầm rượu của Ritz nữa- hoàn toàn tự do.
      Place Vendôme. Tôi nhớ. Ở những phút đầu của Midnight In Paris, máy quay hình có dừng lại một giây ở tấm bảng đồng Place Vendôme. Nơi Chopin thở hơi cuối cùng.

      [2] Brasserie Lipp, hay chỉ vắn tắt: Le Lipp như những Parisien thường gọi nó như vậy bây giờ, được chính phủ Pháp chính thức liệt vào danh sách bảo tồn vào đầu những năm 90s. Đây là nơi mà Malraux -nhà văn và cũng là bộ trưởng văn hóa Pháp- đến đó ăn tối với Saint-Exupéry. Khách vào đó thỉnh thoảng có thể giật mình khi thấy François Mitterand, Pompidou, Giscard d’Estaing hay Jacques Chirac ngồi ăn ở một bàn bên cạnh.


      [3] Ta có thể hiểu vì sao Van Cliburn chinh phục cả toàn thể ban giám khảo giải Tchaikovsky năm ấy: cách chơi đàn của Van có cái "big tone" của trường phái piano Nga -dùng lực của cả cánh tay chứ không chỉ cổ tay- là từ Rosina Lhevinne. Lúc ấy, năm 1958, là đỉnh điểm của chiến tranh lạnh. Nga vừa thành công trong việc đưa phi thuyền Sputnik vào vũ trụ tháng 10 năm trước. Trước Mỹ. Ban giám khảo -chủ tịch là OtarTaktakishvili- đã phải gọi cho Khrushchev xin chỉ thị. Khrushchev -cũng là người sành nhạc cổ điển như người tiền nhiệm Stalin trước đó- chỉ hỏi vắn tắt: anh ta chơi hay không? Tuyệt hay. Vậy thì cứ trao giải cho anh ta. Tôi đọc thấy ở một vài nguồn người ta bảo Khrushchev và Cliburn trở thành bạn sau đó. Tôi không kiểm chứng được thông tin trên. Bạn đọc ở đây: www.star-telegram.com/living/family/moms/article3834080.html

      Và Anton Rubinstein, người sáng lập ra Nhạc Viện St Petersburg, cũng chính là một trong những nguồn cảm hứng để Tolstoi viết cuốn Kreutzer Sonata, khi ông ghé thăm Tolstoy ở điền trang Yasnaya Polyana vào những năm 1880s


      [4] Tôi cũng nhớ mãi bài In My Life của John Lennon. Đây là bài hát sâu lắng trưởng thành đầu tiên của John Lennon và của cả nhóm The Beatles. Trước đó mấy tháng, cả nhóm gặp Bob Dylan. Dylan "chọc quê" The Beatles về lyrics của bài I wanna hold your hand do Paul Mc Cartney viết: I get high. (Tôi say/phê cần sa) trong khi lời nguyên thủy Paul viết là I can’t hide (Tôi không thể dấu đi được).

      Bob Dylan đã nhắc nhở với cả nhóm The Beatles: Man, pay attention to your lyrics!

      Lennon, người có tính cách phức tạp nhất, và đặt lời hay nhất của cả nhóm đã học được bài học đó từ Bob Dylan. Kết quả là sự ra đời của bài “In my life” nói trên. Và sau đó Lennon đã phát biểu với báo chí: When I’m 30, I won’t be out there singing “She Loves You”.

      Cũng trong bài này, tôi không biết có bao nhiêu phần tribute của George Martin bởi những LP thời đó không ghi credit của George Martin –có lẽ là vì marketing. Tôi nhận ra một đoạn gian tấu nghe như clavecin mà không phải clavecin. Mãi nhiều năm sau, tôi mới biết đoạn interlude ấy do George Martin chơi trên dương cầm, sau đó được processed bằng cách “kéo” lên một tốc độ nhanh hơn và cao hơn một quãng 8 bằng kỹ thuật phòng thu AMI.

      Một bài hát khác của John Lennon cũng do ảnh hưởng cách viết lời của Bob Dylan là Norwegian Wood trong album Rubber Soul phát hành vào dịp Giáng Sinh 1965, chỉ hai năm sau đó. Khi viết Norwegian Wood, cách viết nhạc và đặt lời của Lennon đã hoàn toàn già giặn và phát triển (developed) như những bài hát cuối cùng anh viết trước khi bị bắn chết. Bài hát có những lời “siêu thực” và mơ hồ khiến thính giả không biết Norwegian Wood là Rừng Na Uy hay một loại gỗ thông rẻ tiền mà người Saigon gọi là “ván ép” dùng để áp tường khá phổ biến vào thập niên 60s. Đó là chuyện “tình một đêm” hay là one night stand cũng rất thịnh ở các xã hội tây phương do “phát minh” của thuốc ngừa thai vào những năm 60s. Bạn hẳn nhớ Francoise Sagan và Bonjour Tristesse?

      Chưa hết. Leonard Bernstein, một nhà soạn nhạc, dương cầm thủ và chỉ huy dàn nhạc, người có các show thường trực trên đài truyền hình Mỹ vào thời ấy đã dùng Norwegian Wood như một thí dụ về Sonata Form của nhạc Cổ Điển trong một bài phân tích và giới thiệu Classical & Symphonic Music của ông.

      Bài hát cũng là cảm hứng cho Haruki Murakami viết cuốn tiểu thuyết Rừng Na Uy, rồi sau đó được chuyển thành phim do Trần Anh Hùng làm đạo diễn.

      Một điều nghịch lý có liên quan từ bài hát là Dylan và Murakami, một nhạc sĩ và một văn sĩ. Người nhạc sĩ thì được giải Nobel Văn Chương. Còn người văn sĩ thì liên tiếp hụt giải trong những năm gần đây khiến giới “cá cược” nhiều người thua nhẵn túi và công chúng thì ồn áo lên án viện hàn lâm Thụy Điển bất công!

      Chuyện chẳng có gì mà ầm ỉ, nói theo cách của Shakespeare: much ado bout nothing! Nhiều tác gia được cả thế giới công nhận như Tolstoy, Proust, Zola, Chekhov, Nabokov, Borges, John Updike, Mark Twain, etc. đều bị hàn lâm viện Thụy Điển phớt lờ. Và những tác gia nhắc đến trong bài viết trên: Hemingway, TS Eliot, Ezra Pound, James Joyce cũng cùng chung số phận!

      Comment



      Hội Quán Phi Dũng ©
      Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




      website hit counter

      Working...
      X