Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Nhật ký Cali

Collapse
X

Nhật ký Cali

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Nhật ký Cali

    Nỗi Buồn Tháng Tư

    Anh thương nhớ,
    Tháng tư năm nay đã khởi sự đến với em bằng một loạt chuyện không vui vẻ chút xíu nào, khiến em muốn điên cả đầu vì không biết chuyện gì đang xảy ra với mình . . . Bắt đầu là chuyện không nhận được điện thoại của anh theo như thông lệ, đã vậy khi em ráng dẹp bỏ chút dỗi hờn rất ư là trẻ con trong tâm hồn một bà già của mình để gọi cho anh thì lại càng hốt hoảng hơn khi tiếng chuông điện thoại như đang rơi vào một khoảng không đáng sợ, và sự im lặng ấy đã khiến em càng thêm bồn chồn lo lắng, đầu óc dường như mụ mị đi, không thể suy nghĩ cho ra được điều gì, người thì không khác nào đang ngồi trên đống lửa, và dĩ nhiên chẳng làm được việc gì cho ra hồn...

    Em cũng không biết phải gọi cho ai, liên lạc với ai để biết tin tức của anh, dù biết chắc chắn là tin sẽ không có gì vui, và cho dẫu có lo lắng cũng chẳng thể nào thay đổi được điều gì, nhưng dù có xấu đến đâu thì cũng phải biết, và cho dù biết có gọi anh B. để hỏi thăm, chắc cũng không biết được gì hơn, nhưng dẫu sao, có người để chia sẻ nỗi lo âu với mình còn hơn phải chịu đựng một mình. Vì cho dù có nam tính đến đâu, như mọi người vẫn nghĩ như vậy về em, cuối cùng em đã phải bật khóc vì quá lo lắng, bởi dẫu sao em cũng chỉ là đàn bà, phải thế không anh ?

    Anh thương yêu,
    Chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn không biết được tin anh như thế nào, em cũng có đôi lúc dại dột nghĩ rằng anh đã từ bỏ cuộc rong chơi trên trần thế này, và anh đã vội vàng ra đi đến nỗi không kịp nói lời từ biệt với em… Và cho dù em biết nếu điều này xảy ra thì đó cũng là lẽ thường tình của thân phận con người ở vào lứa tuổi của chúng mình, nhất là khi anh đã phải trải qua thời gian dài trong lao tù cộng sản, giống như bao nhiêu người Trai Đất Việt của quê hương Miền Nam Việt Nam, và em đã chợt nghĩ đến câu thơ của ai đó, được Phạm Duy phổ nhạc, mà em đã có lần nghe được :
    Sống đã chẳng cùng, chết sao hay
    Người ở đâu, người ở đâu
    Lòng không như mặt mà lòng lệ tràn đầy . . .”
    Và dĩ nhiên đó là điều em không hề mong muốn, nhưng thật ra trong cuộc đời của tất cả chúng ta, có ai lại muốn những điều không may, không tốt đẹp đến với mình đâu, nhưng rất nhiều khi những điều đó đã xảy đến cho dù mình không hề mong muốn, và đâu phải cứ những gì mình không muốn thì cũng sẽ không xảy ra. . . Giống như chuyện chúng mình đã xảy ra một lần, cách đây hơn bốn mươi lăm năm xưa . .. Khi anh lặng lẽ rời bỏ em không một lời giã từ, anh đã buông tay mà không có chút tín hiệu nào cho em biết, anh đã : “Bỏ mặc tay buồn không bàn tay” như một câu hát của TCS, và bàn tay bơ vơ của em đã phải bước xuống cuộc đời với những bước chân lạc lõng, và dĩ nhiên cho dù em không “Đổ Vạ” cho anh chăng nữa thì rõ ràng như hai với hai là bốn rằng cuộc đời em cũng đã nát tan, với muôn vàn cay đắng và không hề giống như lòng mình mong muốn chút xíu nào.
    Thật ra, nếu có anh thì cuộc đời với những đổi thay quá nghiệt ngã, cũng như quá xa lạ so với những gì em từng có, từng được hưởng từ bàn tay bao dung và bảo bọc của ba mẹ, thì chắc cái gánh đời trên vai em cũng không nhẹ nhàng gì trong xã hội mới đó, nhưng ít ra cái gánh đó cũng không đến nỗi quá nặng nề nếu có bàn tay anh đưa dẫn, và dĩ nhiên em sẽ còn có được những phút giây bình an khi có anh kề bên cùng chia sẻ, và chắc chắn những giọt lệ trong mắt em cũng đã không phải âm thầm rơi xuống lặng lẽ trong đêm, những giòng nước mắt sẽ không đơn độc giá lạnh trên má trên môi, sẽ không phải âm thầm khô, rồi lại âm thầm ướt chồng chất lên thành vết hằn cuộc đời trên khuôn mặt cô bé ngày nào của anh . . .

    Anh thương yêu,
    Có nói gì đi nữa thì cũng không làm sao níu lại thời gian đã mất, có tiếc nuối bao nhiêu thì cũng đã muộn màng, không ai có thể lấy lại được thời gian, một thứ mà Thương Đế đã trao ban cho con người tưởng chừng như miễn phí, mà nào đâu có miễn phí chút xíu nào phải không anh? Bởi dường như chúng ta đã phải đánh đổi rất nhiều, kể cả mạng sống. . . Thế nhưng, có vẻ đa số chúng ta không hề sống với những hạnh phúc mà mình đang có, chúng ta đã hình như chỉ luôn đi tìm những gì đã lỡ tay để vuột mất, luôn bới tìm những kỷ niệm để sống với quá khứ, với những hoài niệm, những tiếc nuối của một thời trẻ dại, một thời chưa biết hay nói đúng hơn là đã không để những toan tính, những giả trá xen vào những nghĩ suy, cũng như hành động của mình … Và em cũng không khác gì với mọi người, em đã chỉ sống với những kỷ niệm ít ỏi của tình đôi ta. Có khác chăng em đã không hề oán trách cuộc đời, oán trách Thương Đế, hay oán trách anh . . . Em chỉ thấy buồn và ngậm ngùi cho thận phận mỏng dòn, yếu đuối của chính mình mà thôi. cũng chính vì lẽ đó mà em yêu vô cùng một bài hát, nghe ra quá đỗi ngậm ngùi, và thấm đẫm nỗi buồn trong từng con chữ của TCS viết cho mọi người, viết cho cuộc đời mà em thấy dường như ông ấy viết cho riêng em, viết cho cuộc tình của chúng mình . . .Từng câu chữ nghe mà thấm đẫm nỗi buồn :
    “Bỏ mặc căn nhà, bỏ mặc tôi. Bỏ mặc nơi đây, bỏ mặc người . . .”
    Quả là anh đã bỏ mặc em với những tháng ngày yêu thương cũ từ sau lần gặp cuối cùng của chúng mình ở bờ biển Vũng Tầu, trong Tháng Tư Đầy Biến Động đó, những ngày tháng hấp hối của Miền Nam Thân Yêu của tất cả chúng ta... Và anh cũng đã giống như câu hát:
    Bỏ trăm năm sau ngàn năm nữa. Bỏ mặc tôi là tôi là ai?
    Anh đã ra đi không một lời từ biệt, không một lời trối trăn, và anh đã để lại trong lòng em nỗi khắc khoải nhớ nhung trùng trùng trong lòng đến hơn bốn mươi năm sau . . . Và cứ mỗi lần chợt nhớ đến, lại thấy cộng thêm vào đó chút tủi thân, thêm chút mủi lòng cho thân phận riêng mình. Có lẽ không cần nói, anh cũng đã biết tại sao em tủi thân, phải không ? Bởi nếu anh là một cô bé chưa bước qua ngưỡng cửa của tuổi hai mươi, khi yêu một người nào đó với tất cả tấm lòng trong trắng, yêu không hề có chút toan tính thiệt hơn, yêu với tất cả niềm tin tưởng gần như tuyệt đối vào người mình yêu, bỗng một hôm tỉnh thức với nỗi đơn độc, bơ vơ và lo lắng tột cùng khi chợt nhận ra rằng mình đã vĩnh viễn không chỉ mất mà còn sẽ không biết được tin tức gì của người mình yêu thương. . . Cộng thêm vào đó là sự đổi thay bất ngờ của một Đất Nước, nơi mình đã từng được sinh ra, được trải qua những ngày ấu thơ êm đềm, một thời thiếu nữ đầy ắp những mộng tưởng bỗng dưng một cơn sóng dữ tràn vào và cuốn trôi tất cả . . .
    Cơn sóng kinh mang đó đã làm thay đổi đến chóng mặt tất cả những gì thân quen, mọi sự đã thoáng chốc quay ngoắt 180 độ, sự ngoảnh mặt hoàn toàn của cả một đất nước đã từng quen thuộc khiến không chỉ riêng em mà nhiều người đã không thể chấp nhận được . . . Sự đổi thay đến ngay từ tên gọi những con đường cho đến nếp sống . . . Và tệ hại nhất vẫn là sự đổi thay ngay trong tình người, những người hàng xóm mới hôm qua đang còn thân thiết bỗng hôm nay xuất hiện những con người với chiếc băng màu máu trên cánh tay đã khiến sự nghi kỵ phủ trùm trên từng khuôn mặt . . . Thậm chí ngay cả nơi những người bạn học mới ngày hôm qua còn đang cười nói với nhau, mới vừa cùng chia nhau những ly chè, tô phở, vậy mà hôm nay đã trở nên lạ xa ngay nơi giảng đường lớp học. . .
    Những bài tình ca lãng mạn của một thời thiếu nữ ngày nào đã phải câm nín trên môi miệng để thay vào đó những lời hát mang tính căm thù : “ giải phóng Miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước, diệt đế quốc mỹ, phá tan bè lũ bán nước, ôi xương tan máu rơi, lòng hận thù ngút trời . . .” Miệng phải hát mà lòng nghe đắng cay đến nhỏ máu, bởi những người yêu nước bỗng trở thành tội đồ bán nước. Cha mẹ mình, người mình yêu bỗng trở thành “Ngụy”, và quả thật trong đó có một câu hát đã trở thành một phần tâm trạng của em, bởi nó đã dấy lên trong lòng em, cô bé ngây thơ ngày nào của anh một “Lòng hận Thù Ngút Trời . ..” cho dẫu từ xưa cho đến tận phút giây đó em chưa hề biết nuôi trong lòng mình một chút xíu hờn oán nào đối với ai . . . Và cũng bởi từ lúc lòng oán thù dấy lên trong em, cũng như màu tang trắng từ đó phủ chụp trên đời mình, anh cũng biết là màu trắng xóa của tuyết trên miền Nam Cực, hòa cùng với ánh mắt trời đã làm con người ta bị mù lòa, và máu trang trắng của ngày Big Minh kêu gọi buông súng cũng đã làm mù đôi mắt của em, và em đã bước xuống cuộc đời như thế đó, và em cũng thấy tự dưng vô cùng tủi cho phận mình vì anh đã để em mang tâm trạng bị bỏ rơi như câu hát :Bỏ mặc tôi là tôi là ai” . Cái tâm trạng cô đơn và hoảng loạn vì bị bỏ rơi đã khiến em trong hơn bốn mươi năm qua không giây phút nào không nhớ đến anh, và không bao giờ hết thắc mắc tự hỏi mình “Tại Sao” anh lại đối xử tàn nhẫn với em như thế . .. Đã nhiều lúc em nghĩ, có lẽ em chỉ là một phần của “ Giờ Ra Chơi” trong cuộc đời anh . . . Chắc anh không quên, những đứa học trò chúng mình có đủ thứ trò chơi trong khoảng 15- 20 phút giữa giờ học để tha hồ ăn quà vặt hay chơi đùa mọi thứ trò trẻ con với nhau, nhưng khi kẻng vào lớp là phải vứt bỏ lại tất cả để vào lớp với bổn phận của người học trò . .. Và anh đã phải vào lớp với những bổn phận của anh, và giờ ra chơi, là em dù không muốn chăng nữa thì cũng bị vứt bỏ lại bên ngoài cửa lớp, phải thế không anh? Tuy nhiên, em chỉ thấy lạ một điều cho dù nghĩ anh tàn nhẫn, hay nghĩ mình chỉ là “Giờ Ra Chơi”, nhưng chưa bao giờ em hết nhớ thương anh, cho dù đời em đã phải trải qua không biết bao nhiêu đau khổ, những đứa con em, vì là “Nguyễn Phước Tộc” nên chỉ mang theo họ của giòng tộc của người cha chứ không hề được ghép họ của cả cha và mẹ, như một hình thức nhận diện tình yêu thương thắm thiết của hai đấng sinh thành, giống như những đứa con của bạn bè em, ví dụ như “Trần Nguyễn...” hay “ Huỳnh Trương...” như những đứa con anh, và tệ hơn nữa là em đã phải đơn độc và cô đơn khi đối mặt với tất cả những khó khăn lần đầu tiên gặp phải trong đời mà không có được một chút cảm thông hay chia sẻ cùng với ai như hầu hết mọi người phụ nữ của Miền Nam, sau tháng tư tăm tối ấy.

    Anh thương yêu,
    Cũng may là sau hơn bốn mươi lăm năm em lại tìm được anh, nhưng thật ra vẫn chỉ là trùng trùng xa cách, tất cả cũng chỉ là chút hoài niệm nhớ nhung những tháng ngày yêu dấu cũ. . . Cũng may, chúng mình đang được sống trong thời đại của những phát triển kỹ thuật nên khoảng cách xa xôi cũng được kéo lại gần gũi qua giọng nói tiếng cười tưởng như đang ở đâu đó cạnh mình, thế nên khi không nghe được giọng nói thân yêu của anh em đã lo lắng như thế nào, em lại hốt hoảng như lại một lần nữa lạc mất anh trong đời. Em sợ một lần nữa lại bị : “ Bỏ xa xôi yêu và gần gũi, bỏ mặc tôi buồn giữa cuộc vui” Cho dù cuộc vui của chúng mình hôm nay chỉ là những giòng email ngắn ngủi, hay vài mươi phút nói chuyện không đầu đuôi của chúng mình qua điện thoại, và điều em sợ nhất vẫn là :” Bỏ tôi hoang vu và nhỏ bé, bỏ mặc tôi ngồi giữa đời tôi”. Thế nên em vẫn mong là anh sẽ không bao giờ bỏ em lần nữa, cho dù cuộc đời luôn là vô thường, luôn là những bất trắc không thể đoán biết trước, nhưng em vẫn mong dù không cùng sống, và dù là khoảng cách tuổi tác chúng mình cũng khá xa nhau nhưng em vẫn mong chúng mình sẽ cùng được nắm tay nhau trên chuyến tầu cuối cùng đi về một cõi đời không ưu phiền vì có những cách ngăn trắc trở. Anh có muốn như thế không anh?!

    Phạm Thiên Thu
    Last edited by hung45qs; 07-15-2021, 04:58 AM.
    Hung45HTQS


  • #2
    Viết Cho Ngày Giỗ Bạn

    Hiền thương nhớ,

    Hôm nay là ngày giỗ của ông đó, biết không? Tui đi lễ, cầu cho linh hồn ông, linh hồn Giuse Nguyễn Minh Hiền, thằng bạn đã bỏ trốn bọn tui ra đi trong âm thầm thương tiếc của vợ con ông, ra đi không một lời từ biệt nhắn nhe gì với tụi tui, cho dù tui đã được “ sự ủy thác” của cả bọn bạn cũ chúng mình ngày xưa là phải cố gắng tìm tin tức của ông, nhưng mãi đến khi ông trốn tránh cuộc đời này được bốn năm thì tui mới biết được tin ông, và liên lạc được với vợ ông sau ngày giỗ lần thứ tư của ông một ngày, đó là lý do hôm nay tui đi lễ, và cầu cho linh hồn ông được siêu thoát, và về nhà viết cho ông vài dòng tưởng nhớ . ..trong lần Giỗ Thứ Năm của ông

    Thật ra, ý định viết cho ông, và cho kỷ niệm của nhóm bạn tụi mình đã có từ rất lâu; nhưng không hiểu sao cứ mỗi lần ngồi vào bàn để gõ vài chữ là tui lại thấy đầu óc mình tắc nghẽn lại, bởi vô số những kỷ niệm của chúng mình chen chúc nhau, hình như kỷ niệm nào cũng muốn tuôn ra, muốn dành nhau để được nhắc đến trước, giống như đám xe hai bánh trên đường phố Sài Gòn bị kẹt trong giờ cao điểm, chiếc xe nào cũng muốn tìm đường để nhanh chóng đến trường hay đến nơi làm việc, và cứ thế mà chen chúc nhau, leo cả lên lề đường để rồi kẹt cứng với nhau, nhích từng bước chân còn chưa được, nói chi lăn trọn được một vòng bánh xe nên cuối cùng lại như một đám bùng nhùng trong trong cái nắng nóng và bụi mù của khói và hơi xăng trên đường phố Sài Gòn, quê hương ngày cũ của chúng mình, và tui cũng giống như chiếc xe bị kẹt, thế nên nên chẳng thể nào viết được. . . Vậy nên tự dưng tui cứ phải mang theo trong lòng một món nợ, muốn mà không sao trả nổi. Hôm nay lần đầu tiên tui đi Nhà Thờ một mình, với ý lễ là cầu nguyện cho linh hồn của ông được sớm bình an ở một nơi mà tụi tui chưa biết, nhưng chắc chắn ngày nào đó rồi cũng sẽ tới, sẽ biết, và sẽ gặp được ông. Lúc đó đừng ỷ là “ ma cũ” mà ăn hiếp “ma mới” tụi tui nha, lúc đó chắc là ông khỏe hơn tụi tui bởi ông đã về nơi chốn đó sớm hơn, phải vậy không bạn Hiền? Mà tui nghĩ chắc ông không nỡ lòng nào bắt nạt con nhỏ bạn này đâu há, hồi xưa chơi với nhau tui toàn ăn hiếp mấy ông vì ỷ mình nhỏ tuổi nhất trong đám tụi mình phải không ?! Tui có cái tật hay nói lung tung, chuyên môn lạc đề phải không.

    Thôi, tui bắt đầu “ trả nợ ” nhen, tui nhất định phải trả cho xong món nợ này . ..và nhất là với riêng ông. Hai đứa chúng mình có rất nhiều món nợ ân tình với nhau, và có lúc tui đã tự động không còn gọi mày xưng tao với ông khi có mặt những người khác, có lúc đã phải gọi ông bằng “Anh”, vì cần ông cứu bồ trong một trường hợp khẩn cấp, không biết lâu rồi ông còn nhớ không, và đã có lúc có người lầm tưởng tui là người yêu của ông, người yêu của anh chàng Viễn Thám của binh chủng TQLC, binh chủng mà tôi rất yêu, yêu cũng chẳng hiểu tại sao, và ông vô tình lại trở thành Người Hùng Mũ Beret Xanh. Thôi, bây giờ tui trở lại chuyện của sáu đứa tụi mình nghe . . .

    Hiền thương nhớ,

    Trước khi trả hết món nợ này thì tui phải xin phép vợ con ông để trở lại “ Những ngày xưa thân ái” của bọn chúng mình, và trở lại với lối xưng hô mà hồi đó ai nhìn vào bọn chúng mình cũng lấy làm lạ, và chắc chắn cũng rủa thầm trong bụng là “ Lũ Mất Dạy”, bởi vì trong đám có 5 thằng con trai và 3 đứa con gái, và chỉ nhìn qua thôi thì cũng biết mấy thằng con trai này chắc chắn phải lớn tuổi hơn ba đứa con gái kia, và trong đó ngoại trừ con nhỏ Phúc và ông Linh ra, sáu đứa chúng mình đều gọi nhau bằng “ Mày” xưng “Tao” y chang như cả bọn đều là con trai hay thuần con gái chứ không có màn khách sáo gọi nhau bằng những danh xưng khác, chẳng hạn như “Anh,Tôi, Bạn, Chị, Em”, hay chỉ xưng tên với nhau, như những nhóm bạn khác . .. Vậy thì tui sẽ gọi ông như thế này nha: “ Hiền ơi, Mày nghe Tao nói với mày nha. Thôi, bây giờ tao trở lại chuyện của sáu đứa tụi mình nghe . . .

    Tụi mình bắt đầu chơi với nhau khi tao lên lớp đệ tứ, tao học trường Nữ Trung Học Trinh Vương, là trường Công Giáo do các soeur Dòng Mến Thánh Giá Gò Thị quản lý, sở dĩ tụi mình quen nhau vì lúc đó sinh hoạt chung hội đoàn “Thanh Sinh Công”, Nữ có hai chi đoàn, một là Cecilia của các học sinh, và một là đoàn Lucia của các chị đã đi làm, và “chó ngáp phải ruồi” nên chỉ sau một năm sinh hoạt tao được lên làm Đoàn trưởng Đoàn Nữ Cecilia, và đoàn trưởng thì dĩ nhiên “gánh” cũng nặng, và phải biết nhiều thứ, tao thì dường như ngoài “ khả năng phá phách” ra thì có biết chút đỉnh hát hò và nói năng hơi mạnh dạn chút xíu, còn ngoài ra mọi thứ kỹ năng đều phải nhờ mọi người góp tay vào, và không phải chuyện gì bọn con gái cũng có thể làm được, và đó là lý do chính mà tụi mình chơi với nhau, vì đoàn Pio của tụi bay, tay nào cũng được xem là “Cự Phách” nên nhiều kỹ năng khi đi cắm trại hay họp đoàn, nhìn cái mặt méo xẹo của tao khi đứng trước một núi công việc, đã làm mấy thằng bay “ Động Lòng” nên lăn lưng ra gánh vác giùm mọi chuyện, ông Linh họa sĩ thì khỏi nói đến tài vẽ vời, thậm chí vẽ phông cho sân khấu diễn kịch, hay cải lương tao nghĩ có lẽ cũng là chuyện nhỏ với ổng. Còn tụi bay mỗi thằng một vẻ tài năng, có thằng còn được tao gọi là : “ Đa gi năng”( tên một loại thuốc chữa bịnh ghẻ hoặc kiết lỵ hay gì gì đó, tao quên rồi), và sau mỗi lần chung tay góp sức làm việc là tụi mình thường “Tự Thưởng” cho nhau một chầu Café Dung, và cái thói quen ngồi nhâm nhi ở café Dung đã trở thành “Tật” của tụi mình vào mỗi thứ bảy cuối tuần, chắc cả bọn tụi mình, mấy thằng còn sống, và chưa muốn quên tình bạn xưa của chúng mình đều nhớ rất rõ. Có lần tao còn phải bao hết cả đám chầu phở Hợp Lợi, ở trước cổng trường Trinh Vương, khi tao trả tiền tụi bay còn ngượng ngùng phản đối, nhưng tao biết tụi bay chỉ đủ tiền chi cho một mình mà thôi, tao mặc nhiên coi mình như con trai khi chơi với tụi bay nên cũng chẳng nề hà chuyện phải để cho con trai trả tiền, tao chỉ nghĩ đứa nào trả cũng thế mà thôi. Tụi mình lúc đó còn làm báo với nhau, tao nhớ những bài báo quay Ronéo, hồi đó tụi mình chọn tên báo là “Thận Phận”, tao chọn theo tên tập thơ của ông anh bạn gần nhà, lẩm rẩm mà tụi mình cũng ra được mấy số chứ chơi đâu, tao nhớ hồi đó thằng Vy viết bài đụng chạm đến mấy anh lớn trong TSC nên tụi mình cũng bị cha tuyên úy “giũa te tua”, và tờ báo bị “đóng cửa”, không phải vì tụi mình sợ hãi gì ai, nhưng lúc đó thằng Toan và thằng Minh, thằng Vy bị đi lính. Cũng vì cái tội ham chơi nên thằng Minh và thằng Vy trợt vỏ chuối kỳ thi Tú Tài, nên phải ca bài “ Rớt tú tài anh đi Trung Sĩ”, thằng Vy ra đơn vị rồi bị thương nằm QYV Qui Nhơn, thằng Minh về Truyền Tin, và đùng cái thấy nó có vợ. Thằng Toan đi không Quân và may mắn được đi Mỹ học về Air Traffic Control, con Bích về Sài Gòn trước một năm, học trường Trường Sơn, con Phúc còn ở lại Qui Nhơn, và tao sau đó cũng về Sài Gòn học Đệ Nhất ở Nguyễn Công Trứ . . . Thế là tụi mình mỗi đưa một phương, lúc đó tao không nhớ là mày làm cái giống gì, hình như mày về Kim Châu, Bình Định thì phải . .. Bỗng một buổi sáng Chúa Nhật, nghe chuông cổng nhà reo, và đứa cháu gái lên lầu nói : “ Cô, có chú nào kiếm”, tao chạy vội xuống thì ra là mày, cái thằng Hiền, hiền như ma soeur của tao, mặc đại lễ của trường Võ Khoa Thủ Đức, thì ra mày đi lính mà không cho tao biết, đợi tới lúc gắn alpha rồi mới tới thăm cho tao bất ngờ. Thực ra hôm đó tao đang chờ hẹn với một “Người Đẹp”ở Suối Tre, Long Khánh đến thăm, và quả thật lúc đó mày đã là cứu tinh của tao. Tao phải vội vã kể chuyện cho mày nghe để biết mà cứu bồ, và đó là lần đầu tiên tao phải đổi giọng gọi mày bằng “Anh” hẳn hoi. Chuyện là lúc đó tao có viết vài cái truyện vớ vẩn đăng trên tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong, trong mục Lính Viết, và tao lấy bút danh là “Phạm Bùi Trần Vũ”, và không hiểu tao viết tếu táo thế nào mà lại có một cô nàng viết thư làm quen, tòa soạn chuyển, và chị ấy cứ tưởng tao là lính, có nghĩa là con trai, và tao hồi đó cũng giả bộ là con trai để viết thư qua lại với nàng. Tới hồi quen nhau một thời gian thì chị nói có việc đi SG, đòi ghé nhà thăm, tao phải chịu chứ biết sao, thật tình tao cũng hơi bối rối chưa biết tính thế nào, đang tính kiếm chuyện nói láo khi chị tới, và cũng chưa biết sẽ nói dối cách nào, nói thật cái anh chàng PBTV là “ Thị Mẹt” thì sợ bất ngờ quá chị bị shock và chạm tự ái… Ai ngờ mày tới kịp lúc, cứu tao một bàn thua trông thấy, chị cũng nhút nhát nên dẫn theo một cô bạn nữa, thực lòng lúc đó tao hối hận lắm, vì nhìn thấy sự chân thành của một cô gái ở tỉnh như chị (Thương vì cùng là phận gái), nhưng không nỡ nói ngay sợ chị bị shock, nên tao phải nhờ mày đóng thế vai anh chàng PBTV vậy, mọi chuyện cũng êm xuôi, và chị lại rất thích và có cảm tình với tao sau lần gặp mặt đó. Sau khi tiễn chị về, tao với mày có chuyện vãn và ăn uống với nhau chút đỉnh, rồi mày phải trở lại Quân Trường, hồi đó với tao, cái trường Sĩ Quan Thủ Đức còn lạ lẫm lắm, cho dù cuối năm đó má tao từ Qui Nhơn vô mua nhà gần trường Võ Khoa Thủ Đức, tao cũng chỉ có một lần duy nhất vô trường vào ngày Chúa Nhật để thăm anh con Tuyết cùng với con Phúc mà thôi, cho nên khi mày học cho tới khi ra trường tao chưa có lần nào ghé thăm. Trở lại chuyện chị Thương ( tên của độc giả ái mộ tao), tối hôm đó tao đã bỏ cả học bài để viết thư xin lỗi và trình bày lý do sáng nay tại sao vẫn phải tiếp tục nói dối chị . .. Sau đó chị cũng đồng ý thứ lỗi cho tao, tao và chị lúc đó lại trở thành “Chị và Em” thay vì “Anh Em” như trước đây, thật lòng khi giới thiệu nhờ mày giả dạng, tao cũng muốn cho mày quen chị luôn,, nhưng tao chợt nhớ lúc trước mày có quen bà Liên, là đệ tử ( đi tu làm soeur) học lớp với tao, mà cũng quên hỏi mày chuyện tình của mày tới đâu . ..
    Rồi tao thi đậu Tú Tài 2, vào học SPCN ở Đại Học Khoa Học Tự Nhiên, tao có người yêu là lính TQLC cũng vào năm đó, và tình cờ không hẹn mà mày cũng về Binh Chủng Mũ Xanh, đã thế còn học khóa Xình Lầy ở Dục Mỹ và trở thành lính Viễn Thám của TQLC, trước khi đi Dục Mỹ mày về phép ghé thăm tao ở Thủ Đức ( lúc đó tao không còn ở đường Kỳ Đồng nữa), khi ra trường, về Rừng Cấm ( của Sư Đoàn TQLC) mày cũng ghé thăm và ở lại nhà chơi với má tao và cả con nhỏ Kính từ QN vào nữa, tao nhớ lúc đó tụi mình đánh vũ cầu, mày cởi trần và mặc quần lính TQLC, thấy mày đeo tràng hạt bằng dây dù thắt, tao hỏi mua ở đâu, mày cởi ra đeo vào cổ tao và nói, giữ luôn để cầu nguyện cho mày, ra trường mày về tiểu đoàn mấy tao cũng không nhớ, chỉ biết là đại đội viễn thám. Chiến cuộc càng ngày càng khốc liệt, thỉnh thoảng nhận thư mày tao cũng thấy lo lo và nhớ đến chuỗi tràng hạt bện bằng giây dù màu Treillis, tao lúc đó cũng làm biếng đọc kinh lắm nhưng bất giác cũng nguyện cầu với Đức Mẹ cho sự an nguy của mày, vì cả bọn chúng mình, lúc bấy giờ chỉ có mỗi mình mày, thằng bạn hiền như ma soeur của tao là đang xông pha nơi hòn tên mũi đạn, còn ba thằng khỉ gió kia thì thằng nào cũng như con rận rúc trong cái mền nên cũng không có gì phải lo lắng, mày lên thiếu úy chỉ sau vài tháng đánh đấm với việt cộng, và sau cái ngày rút quân khỏi Quảng Trị, mày đã không may kẹt lại nơi phần đất nắng gió đó, và tao đã buồn râu vì nhớ đến cả bọn chúng mình ngày xưa nay đã tan tác, chỉ còn mình tao cô đơn trên giảng đường đại học, và tao thấy chán đời làm sao . . . Và rồi cái ngày khốn kiếp đó cũng đã đến, sự đọa đầy không chỉ dành cho Miền Trung đất cầy lên sỏi đá, mà cả Miền Nam trù phú này bỗng chốc cũng biến thành chiếc nôi rách nát trên những thân phận bị đọa đầy, và tao cũng đã bước xuống cuộc đời trong muôn và đớn đau trắc trở . . .

    Thực ra, sau năm 1975, có người ra Quảng Trị thăm chồng, mày có viết vài hàng gửi về nhờ đưa đến nhà cho tao, nhận thư mày tao mừng hơn bắt được vàng, thư đi tin lại được vài lần, thì một hôm cũng chị bạn đó ghé nhà đưa thư và nói chồng chị dặn tao đừng viết thư cho mày nữa, vì không hiểu tao đã viết gì mà mày đã buồn, đã khóc và đã viết gì cho tao không rõ nhưng đã bị tụi khỉ gió đó đánh mày như cái mền rách, má tao nghe vậy bà vừa xót thương mày, lại vừa giận tao nên chửi tao không còn manh giáp… Thời gian trôi đi trong đủ thứ khó khăn và muộn phiền của cuộc sống, cô tiểu thư khuê các của mày là tao ngày xưa giờ cũng như bèo giạt trên con rạch buồn tủi của cuộc đời sau nhiều lần vượt biên bị tù và nhà cửa bị tịch biên, bỗng một ngày nghe tin mày được thả về, dù thân thể vẫn còn đầy đủ chân tay, nhưng để đi được mày đã phải bước bằng đôi nạng và phải có người dìu đi, lòng tao như kim châm muối xát mà chẳng biết phải làm gì, tao lại lọ mọ kiếm giấy bút gửi thư cho mày ( cũng chẳng hiểu thời buổi khó khăn ngày ấy , thông tin như rùa, mà như một phép mầu tao vẫn biết được tin của mày, chúng mình lại thư đi tin lại, tao nhớ mày viết cho tao là những tờ thư của tao giống như một cơn gió mát thổi qua đời mày, và mày giống như chiếc phong linh, bất chợt gặp cơn gió thoảng của tao đã làm rung lên những âm giai ngày xa xưa cũ, những giòng thư của mày lúc đó với tao sao thấm đẫm chất thơ và lãng mạn, và tao chợt nhận ra những tình cảm ngày xưa không nói của mày đối với tao, là những rung cảm rất chân thành mà tao đã không chịu nhận ra . . . Lúc đó tao đã tay bế tay bồng, đời tao đã tàn như xác pháo, sau một thời gian chúng mình lại bặt tin nhau, rồi tao lại nghe nói mày đưa má vào bệnh viện Saint Paul mổ mắt, tao và con Phúc lại lang thang vào bệnh viện tìm mày, lúc đó tao không biết chút thông tin nào, nhưng khi vào đến sân bệnh viện, nhìn thấy một người đứng ở hành lang trên trên tầng lầu cao nhất, tao cứ vẫy tay và gọi đại tên mày, ai ngờ người đó đi xuống sân và đúng là mày. Cũng chỉ gặp nhau được vài mươi phút rồi hôm sau tao lại có chuyện đi ra Huế, sau đó lại không gặp nhau được nữa. tao chỉ nhớ lần cuối cùng chúng mình gặp nhau vào một buổi tối cũng ở khu CXKT ngày xưa, nhưng không phải ở ngôi biệt thứ mang số 23 của gia đình tao trước năm 1975, mà trong một ngôi nhà tranh vách đất, trước khi tao với mày và hai đứa con nhỏ của tao ăn hết tô phở ở chiếc xe ba bánh của chú tầu đầu khu cư xá, tao còn nhớ, dưới ánh đèn điện câu vàng vọt, mày ẵm thằng con trai tao trên tay, trước khi đưa nó qua lại cho tao bồng, mày nắm tay tao và nói một câu, mà có lẽ không bao giờ tao có thể quên được tình thương mày đã dành cho tao, dù cho thời gian đã trôi qua rất lâu, và cho dù tao đã không nhân vì lời hứa đó mà bắt mày chung vai gánh bớt gánh nặng cuộc đời này giùm tao, bởi tao đã nghĩ, thật không công bằng đối với mày, và vì tao luôn cảm thấy tao vẫn nợ mày món đòn thù mày đã phải gánh chịu vì những thương cảm mày dành cho tao năm nào, và tại sao thằng bố của mấy đứa con tao đã ăn ốc, và để lại cái gánh vỏ là hai đứa nhóc và tao cho mày phải đổ. Có thể Mày đã không còn nhớ câu nói đó, nhưng tao thì luôn nhớ và luôn thấy mắc nợ với mày: “ Nếu Thu cần làm gì, nếu Thu cần đến bàn tay của Mình trong cuộc đời này thì mình sẵn sàng cho Thu mượn một số năm trong cuộc đời còn lại của mình”. Lúc đó chắc mày đã nghĩ tao rất xấu, bởi vì tao đã không trả lời mày mà chỉ lắc đầu, mày nói, không cần trả lời ngay bây giờ, lúc nào cần cứ nói, và mày sẽ có mặt ngay bên tao. Tao đã vùng vằng gắt gỏng trả lời:” Không cần”. Thực ra lúc đó tao rất muốn nói rằng tao rất cần đến mày, rất cần một bờ vai để tựa nương những lúc quá mệt mỏi với cuộc đời, nhưng tao cũng đồng thời nhận ra rằng tao không có quyền nói như vậy, tao không có quyền ích kỷ đến như vậy. Bởi tao biết chắc chắn là nếu tao nói cần là đời hai đứa mình sẽ vô cùng khốn khổ, vì tao biết mày sẽ không bao giờ chịu buông tay nếu tao vẫn tiếp tục khổ, và tao cũng biết chắc chắn là nếu tao nói tao cần thì rồi mày sẽ dính mãi vào tao, một thằng đàn ông độc thân không việc gì phải dính bén vào tao, bởi tao biết chắc chắn tao rất thương mày, nhưng cũng chắc chắn rằng không yêu mày, vì tao đã biết rõ ràng tình yêu của tao đã dại khờ chung thủy với một người mà cho đến giờ phút đó tao cũng không biết rằng họ đang ở đâu, vì sau cái ngày ba mươi đen tối đó của đất nước, người cùng màu áo trận giống mày, nhưng không phải là mày . . . Sau này qua thằng Minh và con Phúc tao biết mày đã lấy vợ, tao biết mày tự dưng uống rượu rất nhiều, tao nghe rất buồn, nhưng chỉ nói với thằng Minh là nếu có gặp thì xem mày có khỏe không rồi cho tao biết, cũng đừng trách móc mày, và nhất là đừng nhắc nhở gì đến tên tao . . . Sau này nghe nói mày và gia đình đi Mỹ theo chương trình H.O. tao cũng mừng cho mày, sau đó lại nghe nói mày bị bệnh thận, phải chạy thận, và cả thay thận, nhưng cuối cùng thì số phận cũng không mỉm cười với chúng mình, nên khi tao biết được tin của mày thì đúng là “Tin …Tức Mình” vì hôm đó chính là ngày Giỗ lần thứ tư của mày. Còn đám bạn chúng mình thì thôi cũng đừng nhắc đến làm gì, ngày xưa còn bé, còn trẻ thì khác, sau này đời có nhiều thay đổi thì cũng có nhiều điều khác lắm, mày chỉ cần biết là thằng Minh và tao dù có hay cãi cọ, đôi khi hiểu lầm nhau, nhưng hình như tao và nó cũng còn chút tình thương bạn bè ngày cũ, mỗi khi có chuyện chán đời tao cũng có thể gọi phone than thở với nó một chút, nhưng cũng hạn chế vì tao nghe nó vợ nó hay “đổ ghè tương” cho dù lúc này đã già khú đế cả đám, cháu nội ngoại tùm lum. Còn thằng Vy và thằng Toan thì thôi, xin cho tao miễn bàn, con Bích thì cũng nghe đâu ở Canada, năm 2012 tao và nó có gặp nhau một lần, do tao cố tìm, và liên lạc được với má nó, nên mới biết mà gọi phone cho nó, sau đó gặp một lần nữa ở đại hội Liên Trường Qui Nhơn, năm 2014 thì phải, nhưng mày có nhớ câu thiên hạ nói “ Lạt như nước ốc” là thế nào không, con Phúc vẫn còn ở Qui Nhơn, còn thằng Toan, ngày xưa đứa nào cũng nghĩ nó và tao thân thiết hơn, và mỗi lần đi phép về SG, khi ra QN trở lại, không có máy bay quân sự thì tao là người mua vé máy bay Air VietNam để nó khỏi rơi vào cái tội Đào ngũ vì trễ phép, nó vẫn còn nợ tao nhiều thứ, chứ không phải như mày, nhưng tao đâu thèm nhắc tới nhưng nó vẫn chối khi thằng Minh hỏi. Quả là thế thái nhân tình, thằng đó tao nói thẳng là nó bạc hơn vôi và lạt hơn nước ốc. Hôm trước tao có cho nó số phone của vợ mày cũng như nhắn tin đám giỗ của mày mà nó cũng chẳng trả lời cho tao hay gọi phone cho vợ mày, còn thằng Vy thì tao miễn bàn, vì tụi mày ghét nó như con chó ghẻ, hồi đó nó có ghé nhà cho tao một bầy chó Chiwawa, nhưng đúng là nó cũng chỉ là thằng chó. Tao nói có hơi hỗn hào giống ngày xưa gọi tụi bay bằng mày tao dù nhỏ hơn tụi bay ba bốn tuổi, ừ tính tao vậy đó, hay nói cái giọng cà chớn vậy đó. Có vậy thì tao mới là tao, bạn của tụi bay phải không. Tạm biệt mày nha. Tao mà nói nữa chắc là lại nổi xung thiên lên với mấy thằng bạn cũ của chúng mình. Từ nay chắc chỉ nhớ mày trong khi đọc kinh chứ không nghĩ là có thể viết gì nữa đâu, mấy thằng kia đọc được chắc chửi tao chết luôn,chi dù tao không viết sai chút nào, thôi kệ tụi nó há.

    Tao chúc mày bình an nơi cõi khác, một cõi không có hận thù ghét ghen, một cõi chỉ có những nụ cười, có tiếng gió thoảng qua làm chiếc phong linh là may reo vang trong gió nghe Hiền.

    Nói vậy thôi chứ tao đang muốn khóc đây nè, thương nhớ mày lắm đó, thằng bạn hiền như ma soeur, hiền như cái tên gọi của mày, hiền và thinh lặng giống ông Thánh Bổn Mạng Joseph của mày

    Tạm biệt ! Sayonara nha !

    Phạm Thiên Thu
    Last edited by hung45qs; 07-15-2021, 04:59 AM.
    Hung45HTQS

    Comment


    • #3
      Ngàn Năm Mây Bay

      Hiền thương nhớ,

      Lẽ ra sẽ không viết gì cho Hiền nữa như đã nói trong lá thư gửi Hiền nhân ngày giỗ lần thứ năm vừa qua, cũng như mình đã tự hứa với lòng, vì dẫu sao bây giờ Hiền đâu còn “Tự Do” như ngày xưa còn trẻ của chúng mình. Và cho dù Hiền đã về nơi cõi khác, nhưng mình vẫn muốn tôn trong một nửa kia của Hiền, mình muốn sự nhung nhớ thương yêu đó chỉ để dành riêng cho một nửa kia của Hiền được “ Độc Quyền”mà thôi, nhưng tại sao hôm nay bỗng dưng mình lại viết cho Hiền nữa ( thắc mắc rồi phải không?) Để mình nói cho nghe nha . . . Như Hiền biết đó, tất cả mọi chuyện trên đời này đều có nguyên nhân, nguyên cớ cho dù là tình cờ chăng nữa. Ngày hôm qua mình đã cất một món đồ khá quan trọng đối với sức khỏe của mình, nên đã gói rất cẩn thận cất đi (vì cũng sợ cái tính hay quên của mình) . . . Thế mà cũng không sao thoát khỏi cái biểu hiện đãng trí của tuổi xế chiều, và cái cần tìm ấy cứ trốn ở đâu khiến mình tìm hoài chẳng thấy, nên cho dù đã nhớ rõ rang rằng không có bỏ trong ngăn kéo đó, nhưng câu nhắc nhở của các cụ ngày xưa : “ Có bệnh thì vái tứ phương” nên chi mình cũng lục tìm lung tung chỗ thế thôi, mình cũng không hiểu sao lúc này mình hay để quên đồ đạc, và lạ lùng thay nó cũng biến mất tăm tích y như những người quen, những người bạn cứ dần biến mất khỏi cuộc đời mình giống như Hiền vậy đó, và thế là bỗng dưng những tờ thư cũ của Hiền viết cho mình, vừa tròn bốn mươi năm cũ ( tháng 7/1981) cùng với một bài thơ con cóc của mình viết vào năm 1972 ( Mùa Hè Đò Lửa), và một tờ giấy cũ, trong đó mình có ghi chú một vài sự việc đã xảy ra vào những ngày tháng cuối cùng của Miền Nam (Việt Nam Cộng Hòa), bỗng dưng lại hiện ra ngay trong tầm mắt mình . .. Những trang thư cũ của Hiền viết bằng mực tím, trên trang giấy học trò vàng úa, lá thư được mở đầu bằng câu : “ Ngàn Năm Thân Yêu” ( Hiền vẫn giữ thói quen từ những năm tháng trước 1975), những khi viết cho mình, dường như chẳng bao giờ gọi mình là Thiên Thu như những đứa bạn khác, thay vào đó là : “Ngàn Năm” mỗi khi thư cho mình từ hành quân gửi về. . . Mình cũng không hiểu sao, sau bao nhiêu biến cố xảy đến với cuộc đời và gia đình mình, từ khi còn là cô tiểu thư khuê các, với căn biệt thự kín cổng cao tường, như bạn bè thường nói về mình, cho đến khi phải lê lết giữa chợ đời với quần bô, áo vải, và cả không một mái lá trú mưa tránh nắng mà những tờ thư đó, và cả bài thơ “ Chuyện Tình Buồn” của anh Phạm Văn Bình viết lại, để tặng cho mình vào một ngày của tháng Tư năm 1975, khi mình ghé qua 15 Lê Thánh Tôn (Bộ tư Lệnh TQLC), hỏi thăm tin của anh HVP, không hiểu sao mình vẫn còn cất giữ được, đã vậy còn theo mình đến tận xứ sở Cờ Hoa này nữa chứ . . .

      Nhìn lại những tờ thư cũ của Hiền đã viết cho mình khi vừa được ra khỏi trại tù, không dưng lòng mình bồi hồi xúc động, và thấy nhớ thương Hiền, cũng như nhớ lại một thời tuổi teenage của bọn chúng mình ở Qui Nhơn quá đỗi, nhất là những tình cảm ngày xưa bọn chúng mình đã cùng dành cho nhau, và cả những tình cảm câm nín của riêng từng đứa dành đặc biệt với ai đó trong nhóm, nhưng vì một lẽ riêng không thể tỏ bày nên đã phải giấu kỹ trong lòng, và cho dù không được bày tỏ, nhưng người được cho vẫn nhận biết cho dù không thể nói ra, và nhiều khi phải giả vờ như không biết, giả vờ như chẳng có gì đặc biệt đâu, vờ như tình cảm của sáu đứa vẫn chia đều cho nhau (Ai cũng hiểu chỉ một người “Vờ” không hiểu)*. Chắc là như vậy thật rồi, phải không Hiền?!

      Hiền thương nhớ,

      Quả là cuộc đời của tất cả bọn chúng mình đã thật sự có những thay đổi đến không thể ngờ, nhất là sau biến cố quá đau thương và lớn lao đã xảy đến cho Đất Nước chúng mình, mọi sự đổi thay đã đến hầu như 90% với tất cả những người dân Miền Nam thân yêu và hiền hòa, một sự Đổi Đời quá đau đớn, và phũ phàng… Để rồi kể từ ngày ấy, mọi mất mát dường như đã trở nên đương nhiên, thậm chí trở thành quen thuộc và bình thường cho tất cả chúng ta, dẫu rằng trong lòng luôn cảm thấy đớn đau, và tận nơi sâu thẳm của tâm hồn luôn có sự phản kháng trong tuyệt vọng, và cả sự ê chề cho sự thay đổi của thế thái nhân tình chăng nữa . . . Ngay chính lúc đó, tình yêu thương bạn bè của hai đứa chúng mình dành cho nhau vẫn rất là Thật và vẫn rất là Người ( Con người đầy tình yêu thương và Nhân Bản, như bản chất rất thật thà và thẳng thắn của những con người được sinh ra và giáo dục trong xã hội của Miền Nam VNCH, với Nhân Chi Sơ Tính Bản Thiện)

      Hiền thương yêu,

      Những tờ thư cũ của Hiền đã bỗng dưng đánh thức trong “Ngàn Năm Thân Yêu” của Hiền ngày xưa, những tình cảm bất ngờ mà ngày xưa mình đã “Vờ Không Hiểu”, và ngày xưa Hiền đã ví von rằng Hiền là chiếc phong linh được cất giấu trong xó tủ, và mình đã đến, lấy ra lau chùi và treo lên, và “Ngọn Gió Ngàn Năm” đã làm chiếc “Phong Linh Hiền” reo vui trở lại, cũng như Mình của những tháng ngày xưa cũ ấy đã dấy lên trong Hiền chút gì đã ngủ quên nên Hiền đã viết: “Thu Làm Rộn Mình dễ Sợ”, chút gì đó đã khuấy động con người thật tưởng đã chết đi của Hiền, nhưng không phải vậy, nó không hề chết mà chỉ nép mình đâu đó trong một góc khuất của tâm hồn, nên bất chợt những tờ thư của mình đã đánh thức và kéo nó ra khỏi chỗ núp trong trò chơi trốn tìm. Hôm nay lại cũng những tờ thư cũ của Hiền đã trở thành ngọn gió thổi ngược vào chút hồn đã khô cằn của “ Bà Già Khó Chịu” này, khiến Ngàn Năm bỗng dưng xuyến xao nhớ lại một thời con gái đã quá xa vời, và nó cũng đã làm tâm hồn mình không dưng rộn ràng xao xuyến . . . Thế nên, bỗng dưng mình ước ao có được cỗ máy thời gian để có thể đưa chúng mình trở về quá khứ êm đềm của một thời đã qua. Cho dù nhiều kẻ giả hình đã dường như muốn chối bỏ những ngày tháng cũ; họ đã rên than, thậm chí có nhiều kẻ còn gào thét lên, đó là thời của chiến tranh, thời của tuổi trẻ bị đánh cắp, thời phải quên đi, thời của nồi da xáo thịt vv…

      Thật ra, đó chỉ là nhũng kẻ giả hình, những kẻ muốn trốn chạy quá khứ và sự thật . . . Riêng với Ngàn Năm, dẫu sao đó cũng là những tháng ngày tuổi thơ và tuổi trẻ tràn ngập tình yêu thương và cả bình an thực sự nơi tâm hồn, với mình đó chính là những tháng năm đẹp nhất đời người, cho dẫu đến tận giờ phút này chút tình ngây thơ trong trắng của chúng mình ngày xưa, của Ngàn Năm dành cho Hiền cũng vẫn chỉ là cơn gió thoảng đẩy đám mây trắng bay qua đời nhau, và dù chỉ bay qua chứ không đậu lại, để có thể kết thành những cơn mưa phùn nhẹ hạt vương trên mắt trên mi nhau chăng nữa, thì giống như một câu thơ được phổ nhạc của NTN: “ Có còn hơn không, có còn hơn không …”, phải vậy không Hiền?!

      Hiền thương nhớ,

      Trong ba lá thư Hiền gửi mà mình còn giữ được, trong đó Hiền có cho mình biết đại khái những tháng ngày bị đọa đày trong lao tù cộng sản, và những tháng ngày đó đã hủy hoại thể xác và nhất là đã gây nên những thương tổn nơi tâm hồn Hiền như thế nào. Tuy nhiên, trong những tháng ngày đau khổ đó, Hiền vẫn mang theo trong hành trang được cất giấu ở một góc riêng trong tâm hồn, hình ảnh và cái tên của “Ngàn Năm Thân Yêu” như thế nào; và trong đó có cả những lần về phép ngắn ngủi, dù thời gian không nhiều lắm nhưng Hiền luôn cố gắng phân chia cho đại gia đình ở Qui Nhơn và cho riêng Ngàn Năm ở Sài Gòn một khoảng thời gian dù không được nhiều như mong muốn, và Hiền vẫn luôn kiên nhẫn ngồi nhà chờ cho đến giờ mình tan học về . . . Chúng mình hai đứa lại có có dịp nhắc nhở đến cả đám bạn cũ, cũng như cùng lang thang với nhau qua những con phố của Sài Gòn, và lúc nào cũng ghé vào Pole Nord cho mình ăn kem thỏa thích, và cho dù kem ở Pole Nord không ngon bằng kem Liegoise của Lan Phương, nhưng ở đó có những chai beer ướp lạnh để Hiền có thể vừa nhâm nhi, vừa ngắm nhìn “Ngàn Năm Thân yêu” nhấm nháp các loại kem và cười nói đủ thứ chuyện trên đời . . . Thấy hai đứa mình cười nói bên nhau, ai nhìn vào cũng tưởng mình là “Người Yêu Của Lính”, không biết lúc đó trong đầu Hiền nghĩ ngợi gì, riêng mình thì vui lắm, vui vì thấy Hiền còn bình an, vui vì thấy chúng mình vẫn còn nhau trong đời, vui vì tình bạn hiếm có giữa hai chúng mình. Một tình bạn mà thiên hạ cứ khăng khăng cam đoan rằng không thể có tình bạn giữa hai người đàn ông và đàn bà. Và mình luôn “hang hái” cãi lại hai đứa tui là con trai và con gái, chưa phải đàn ông và đàn bà, trong lúc Hiền chỉ mỉm cười khó hiểu. Nhưng thật ra, mình đâu cần thiên hạ nghĩ gì phải không Hiền . . .

      Hiền thương nhớ,

      Khi nghe tin Phúc nhắn là Hiền đã được ra tù, nhưng không biết có khỏe không, mình mừng tưởng như được khai sinh thêm lần nữa, nhưng khi nói đến tình trạng sức khỏe thì mình lại lo vì biết chắc, những người đang ở bên ngoài cái nhà tù lớn của cả Nước như chúng mình còn bữa khoai bữa sắn thì những tù nhân như Hiền làm sao mà có thể khá hơn được . . . Rồi mình cũng được biết, cái thân xác còm cõi, cao 1m7, sau một tháng được Mẹ và anh Khánh chăm sóc nuôi nấng trong bệnh viện, về đến nhà vẫn vỏn vẹn có 34kg, đi phải chống gậy mà vẫn bị ngã nếu không có người dìu một bên, ngày xưa đọc những giòng thư đó mình đã âm thầm khóc thương cho Hiền, cho số phận của tất cả những người Trai Hùng Thế Hệ của VNCH, một Đất Nước khốn khổ và phải liên lỉ chiến đấu ngay từ những ngày lập quốc tự ngàn xưa, và cho đến tận bây giờ vẫn bị thằng tầu phù phương bắc áp chế, giành đất cướp tài nguyên. Giết chồng đoạt vợ nhằm đồng hóa Dân Tộc Việt Nam; một Quốc Gia Anh Dũng và luôn chiến đấu không mệt mỏi, đã bị những thế lực ngầm của các cường quốc chia phần nhau trên bàn cờ quốc tế, khiến nên phải lao đao lận đận trong lao tù, trong sự trả thù hèn hạ của cái phe được cho là “Bên Thắng Cuộc”( mà thật ra có thắng không thì cho đến giờ này mọi người cũng đều biết, và thật ra nhiều người của cả hai phía cũng đã biết và biết rất rõ, như hai với hai là bốn rằng, có đánh đâu mà thắng, có thua đâu mà hàng. Biết tự những ngày xa xưa, nhưng nào ai dám nói, giờ có nói thì cũng đã quá muộn màng).

      Hiền thương nhớ,

      Thế hệ cha anh, bạn bè chúng mình đã phải hy sinh dường như quá vô nghĩa, và đau đớn nhất là sau bao nhiêu xương máu đã đổ ra, bao nhiêu sinh mạng của cả hai miền Nam Bắc đã trở thành phân bón mà đất vẫn không chút mầu mỡ cho cây xanh nảy sinh những mầm sống tươi tốt, ngược lại đất ngày càng cằn cỗi vì những thứ hóa chất độc hại từ phía bọn tầu phù cung cấp, quê hương chúng mình mất dần đất đai vào tay bọn giặc bắc phương hèn hạ và tàn độc, người dân ngày càng sống hèn vì bị quản lý qua cái bao tử, một thứ quản lý hết sức tàn nhẫn và vô nhân.
      Ngày xưa chúng gọi Miền Nam chúng ta là “Phồn Vinh Giả Tạo”, khi nhìn thấy sự lịch lãm và sang trọng, sự hiền hòa và lễ độ của người dân Sài Gòn, sự nồng hậu của một số phần tử “Đâm Sau Lưng Chiến Sĩ”, cũng như của đám người “ Ăn Cơm Quốc Gia Thờ Ma Cộng Sản” tưng bừng chào đón chúng ( Và thật ra trong đó cũng có cả sự sợ hãi được che giấu), thế nhưng ngày nay thì sao nhỉ? Thành phố nào cũng đầy những chương trình Game Show trên truyền hình nhằm ru ngủ người dân; mục đích làm cho họ quên đi những bất công của xã hội đang đè nặng tên vai trên cổ, những cái Ách nặng nề mà những người dân đang bị những “Thái Thú Tô Định thời Hiện Đại”, những tên thái thú, nô bộc có cùng màu da, tiếng nói đang cai trị, chúng tròng vào cổ người dân cái ách vô hình, bắt họ kéo cày trả những món nợ họ không được dùng, được hưởng mà vẫn phải oằn lưng trả nợ để cho chúng và con cháu chúng hưởng thụ trên những giọt mồ hôi, và cả nước mắt và Máu (nhiều người đã phải bán Máu kiếm những bữa cơm rau cho gia đình) của dân oan, dân đen . . .

      Hiền thương nhớ,

      Những trang thư được Hiền gửi cho mình vào những tháng ngày Sài Gòn xơ xác, Sài Gòn của những tháng ngày lần đầu biết đến thứ lương thực bằng loại hạt gọi là “Cao Lương”, và cả những hạt gạo trộn đầy bông cỏ, những bữa cơm trong nồi có những thứ gọi là “Củ” nhiều hơn “Hạt” ( Củ lang, củ mì trộn lèo tèo vài hạt gạo hẩm mốc), và cả cô Tiểu Thư Ngàn Năm Thân Yêu của Hiền phải lê lết chiếc quần bằng vải tám bạc màu ngồi bệt dưới gốc me bên lề đường chiên từng miếng khoai, miếng chuối kiếm cơm gạo nuôi hai đứa con nhỏ dại, và người cha già thất thế vừa từ trại tù cộng sản thả ra. Một gia đình với lý lịch lẽ ra phải bị tống về vùng “Kinh Tế Mới” để cuốc đất trồng rau, nhưng mình vẫn cố gắng “bám trụ” lại Sài Gòn để những đứa con có được những con chữ, dù những con chữ nay đã bị đầu độc, méo mó và biến dạng, đêm đêm phải cắn răng nghe con ca tụng : ” Tháp mười đẹp nhất bông sen . . .” đi kèm với cái tên nghe qua là máu muốn ứ trào, cổ họng nghẹn ngào đắng nghét, và chỉ muốn ói mửa ra cho hết những sự ghê tởm, oán hờn đè nặng tâm tư, những từ ngữ nghe qua là chỉ muốn như một tác phẩm của Jean Paul Sartre ( Buồn Nôn) chăng nữa . . .

      Nhưng dẫu sao cuối cùng, lương tâm của những con người được gọi tên là “Đồng Minh”cũng đã được đánh thức, nên đã có được chút may mắn dành cho một số người còn sống sót sau những tháng ngày bị đầy đọa oan uổng trong các trại tù khổ sai của cái gọi là “bên Thắng Cuộc”, họ đã “Tìm Lại Được Chút Cuộc Đời Đã Bị Đánh Cắp” qua chương trình có tên gọi H.O. như một phần đền bù, chuộc lại lỗi lầm của kẻ đã phản bội, bỏ rơi những người đã một thời được gọi là “ Đồng Minh” vì đã cùng chiến đấu ở “ Tiền Đồn Chống Cộng của Thế giới Tự Do”, thế nhưng sự đền bù đó cũng chỉ là một phần rất nhỏ trong món nợ của sự phản bội, bởi còn biết bao mảnh đời đã phải chịu u uất, đọa đày oan uổng trong cái nhà tù lớn hơn, trên chính quê hương của mình, những con người không được sống cho đúng nghĩa con người, bởi sự kỳ thị và trả thù hèn hạ không chỉ với họ, mà còn với cả đời con cháu của họ, những đứa trẻ vô tội cũng bị kỳ thị, không cho học những ngành nghề phù hợp với khả năng cho dù có thi đậu được điểm số cao chăng nữa. Sự kỳ thị vô hình chung tạo nên sự hận thù và mặc cảm cho nhiều thế hệ trẻ sau này của Đất Nước, và tệ nhất là đã làm băng hoại cả một đất nước, vì sự suy đồi đạo đức, sự thờ ơ trước nỗi đau của đồng loại, điều duy nhất họ quan tâm là sự ích kỷ và vun vén cho riêng mình, một lớp người trước đây được gọi là “Lũ sâu bọ lên làm người”, bỗng chốc trở thành những tên tài phiệt, tư bản đỏ, phất lên nhanh chóng và khủng khiếp bằng sự ăn cắp xương máu của người dân, nhưng chúng luôn tự hào một cách trơ trẽn với sự đánh cắp đó của mình, thậm chí con vênh váo vì sự đánh cắp đó, chính tai mình đã từng nghe, mắt mình chứng kiến những đứa từ ngày tháng đầu bước chân vào Miền Nam thân yêu của chúng ta, chân còn lấm bùn, quần ngắn trên mắt cá chân cả tấc vì thiếu vải, những đứa: “Từ bắc vô nam tay cầm bó rau, tay kia cầm dây để bắt con cầy . ..” thế nhưng chỉ một thời gian không lâu sau đó, trong lúc cả nước còn đang phải ăn cái thứ gọi là Bo Bo, thì nó ra chợ hỏi có thịt bò không, để mua về cho chó ăn, nghe giọng nói, nhìn khuôn mặt câng câng đểu cáng của con mẹ thuộc loại : “răng đen mã tấu “ hỏi câu đó mà mình sôi cả ruột gan, chỉ muốn tát ngay vào mặt nó vài cái… Và tệ nhất là những con người sống đạo đức và tử tế bỗng dưng trở thành những kẻ được gọi tên là : “Dở Hơi, Dở người, Rỗi Việc”, nói cách khác là những người Ngu và Khùng, vì đã sống có tình người, sống đạo đức, tử tế và nhân bản . . .

      Hiền thương nhớ,

      Thư cho Hiền vào tháng bảy, tháng mà Đất nước mà mình đang tạm dung thân, đón chào Ngày Lễ Độc Lập, với tưng bừng pháo hoa, ngày lễ Độc Lập của họ cũng làm mình nhớ đến cuộc Nội Chiến của Hai miền Nam Bắc Hoa Kỳ, nhưng sau đó là gì . . . Là những hành xử đầy tính Anh Hùng Mã Thượng của Bắc Quân đối với ngưới anh em Nam Quân, và họ đã có được một đất nước như thế nào trên trường quốc tế hôm nay; trong lúc đó sự ti tiện và trả thù lại thể hiện một cách quá hèn hạ giữa người Việt Nam chúng ta với nhau, một Đất Nước luôn tự hào có Bốn Ngàn Năm Văn Hiến, so với một Quốc Gia mới lập quốc được vài trăm năm ( Thật đáng xấu hổ).

      Và cũng trong tháng Bảy này, một tin buồn vô cùng nữa lại đến với Sài Gòn thân yêu của chúng ta. Một cơn đại dịch đã đến với toàn Thế Giới ( dường như cứ mỗi trăm năm, nhân loại chúng ta lại phải hứng chịu một kiếp nạn nào đó, có lẽ vì sự thờ ơ và độc ác của con người đối với nhau nên Thượng Đế gửi đến một hồi chuông cảnh tỉnh thì phải, không tin Hiền cứ nhớ lại thử), và lần này cơn đại dịch đã không chừa lại bất cứ quốc gia nào, Việt Nam dĩ nhiên cũng không thể ngoại trừ, nhưng đau đớn thay cho Sài Gòn chúng ta, Thủ Đô thân yêu của VNCH một lần nữa bị thất thủ, và còn bị phân biệt đối xử so với cái miền của bên thắng cuộc ( Thực lòng mà nói, mình là người Miền Bắc, nhưng sao bây giờ mình không muốn nhắc đến nó chút xíu nào cả). Đơn giản bởi Sài Gòn đã trở nên máu thịt của mình rồi, và cũng bởi Sài Gòn không chỉ của riêng Sài Gòn, mà Sài Gòn chính là tiêu biểu cho cả Miền Nam Thân Yêu, Sài Gòn chính là Việt Nam Cộng Hòa, cho dù bây giờ Sài Gòn đã bị pha vào nhiều tạp chất từ đâu hẳn Hiền cũng đã rõ, nhưng những gì cốt lõi của Sài Gòn vẫn không mất đi, không bị những thứ táp nham đó làm cho thay đổi và biến chất, Sài Gòn vẫn là Con Rồng ( Trứng Rồng lại đẻ ra Rồng, liu điu lại đẻ ra dòng liu điu) Sài Gòn luôn bao dung và hào phóng khi ôm ấp vào lòng Sài Gòn hơn hai triệu dân Miền Bắc 1954, trong đó có những đứa bé thơ như chúng mình ngày ấy, để giờ đây chúng ta đã trở thành người anh em thân yêu của Sài Gòn, giờ đây chúng ta biết đau, biết thương và biết khóc cho những con đường Sài Gòn đã bị mất tên . .. Thế nên, cho dù sau cái ngày đau thương cùng cực của Đất Nước, sau cái ngày phải “Mang Tên Xác Người” chăng nữa, Sài Gòn vẫn luôn Bất Tử trong lòng những người dân Việt Nam còn đang hít thở bầu không khí của Quê Hương, hay đang lưu lạc tha phương cầu thực nơi xứ người . . .

      Sài Gòn với những cơn mưa rào bất chợt, nhưng cũng nhanh chóng tạnh ráo; giống như con người bộc trực, thẳng thắn của Sài Gòn, luôn bất bình với những giả trá điêu ngoa, lọc lừa, nhưng lại cũng dễ động lòng thương xót, cảm thông với những mảnh đời bất hạnh, Sài Gòn luôn bao dung tha thứ, luôn cư xử theo cách của kẻ trên ngựa ngay cả với kẻ thù. Trong những cơn hoạn nạn, Sài Gòn luôn là người hào phóng đóng góp cho những đứa em cùng mẹ khác cha với mình từng miếng cơm manh áo, không ngại chia sẻ và ôm vào lòng Sài Gòn bao nhiêu kẻ tha phương để họ có được chốn dung thân, nơi gối đầu, và ấm lòng với những bữa cơm miễn phí, những tô phở chỉ có một, hai ngàn dành cho người nghèo, những bình nước trà cho người khát, những thùng tiền dành cho người lỡ bước, và cả những chiếc máy gạo sẻ chia . . .Tất cả đều là tấm lòng rất Sài Gòn, rất mã thượng của người dân Nam B. Nhưng cũng thật đau lòng thay, khi “Sài Gòn Thất Thủ” vì cái con cúm tầu phù hoành hành thì chẳng thấy ai ngó ngàng chia sẻ, chỉ rặt một lũ mặt dầy vênh váo ra vẻ ta đây đang ban phát ân huệ cho Sài Gòn, thật ra chúng chỉ là một lũ vay mượn vinh quang từ Sài Gòn đang bịnh nặng, Sài Gòn bịnh mà vẫn phải gồng mình gánh vác cho cả nước những khoản chi phí rất ư là vô lý. Giống như “Thằng Còng làm cho thằng ngay ăn” Hay “thằng còm làm cho thằng béo xơi”. . . Để rồi sau đó lại chỉ có “Những mảnh lá rách đùm những mảnh lá nát”, có nghĩa trong những khốn cùng của đời sống thì cũng chỉ những người Sài gòn thực thụ đưa tay bảo bọc lẫn cho nhau . . . Nỗi đau không chỉ nằm nơi đó, đau ở chỗ chính những người có cùng màu da, giọng nói kỳ thị khi phân biệt vùng miền . . . Mình thật đau lòng khi nghe một người bạn là thày giáo dạy đại học than: “ Dân Sài Gòn bọn mình giờ trở thành công dân hạng hai rồi Thu ơi”Vì sao nên nỗi thế nhỉ, vì những loại Vaccine Moderna, hay Pfizer chỉ dành cho miền bắc, còn Sài Gòn ơi em hay xài vaccine của bọn tầu phù đi. . .

      Hiền thương nhớ,

      Dù có nói vạn lời chăng nữa, cũng không thể nào đủ ngôn từ diễn tả được hết nỗi lòng yêu thương và xót sa dành cho Sài Gòn của mình, dành cho những mảnh đời bất hạnh của Sài gòn, sự căm phẫn không thể nào vơi trong lòng mình, cho dù Chúa dạy “ Con hãy yêu thương kẻ thù, tha thứ cho kẻ bách hại con” . .. Mình có thể tha cho kẻ bách hại mình, nhưng có thể nào tha cho kẻ đã làm băng hoại và suy đồi đạo đức của cả một dân tộc hay không. Những người thương binh mắt mù, chân què, tay cụt, mà vẫn bị trả thù, bị phân biệt đối xử ngay từ ngày bị kéo ra khỏi những Quân Y Viện khi vết thương còn loang máu, có người ruột còn đổ lòng thòng vẫn phải dìu nhau mà trốn chạy, những di chứng giống như cái ung nhọt vẫn còn mưng mủ sau gần nửa thế kỷ tiếng súng im bặt trên quê hương, nhưng cuộc chiến vẫn âm thầm diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Đừng tưởng những người đang sống tha phương nơi xứ người là sung sướng và hạnh phúc hơn những người còn phải “ Ôm một mối căm hờn trong cũi sắt” tại quê nhà đâu. Những nỗi u uất vẫn còn đang âm ỉ đó Hiền, hàng ngày ở cái chốn gọi là “ Sài Gòn nhỏ” này, hàng ngày vẫn bắt gặp đâu đó những giọng nói Việt Nam nhưng không cùng thanh âm của “ Bắc Kỳ năm Tư” chúng mình, những âm sắc nghe chói tai và kệch cỡm của “lũ sâu bọ lên làm người” dường như vẫn ẩn hiện đâu đó ở đây, gây phân hóa trong cộng đồng người Việt Nam Mang Mầu cờ Vàng. Và cũng không ít cảnh đau lòng xảy ra ngay trong một số gia đình những người thân quen của chúng ta. Có một số phụ nữ Việt Nam ngày xưa, giờ đã đánh rơi đâu đó cái tam tòng tứ đức ( dĩ nhiên mình cũng không cổ súy cho việc phải theo cổ nệ này của bọn tầu phù), họ đã quên mất sự hy sinh xương máu của người chồng mình ngày xưa, để mình được một bước lên bà; ngay cả khi các ông đưa gia đình sang ăn nhờ ở đậu xứ người, các ông chồng vẫn phải nai lưng làm lại từ đầu để lo cho gia đình, dù thân xác đã mỏi mòn trong những trại tù cộng sản, thì cũng lại có những bà vợ ( Dĩ nhiên không phải là tất cả, vẫn còn nhiều người phụ nữ Việt Nam đáng được vinh danh vì sự hy sinh khi nuôi chồng con trong lao tù cộng sản) bỗng dưng như được “ Khai Phóng”, và họ đã không còn nhớ đến người chồng quan quyền ngày xưa, người đã một thời xông pha trận mạc, một thời lo lắng yêu thương chăm sóc họ . . . Dường như họ đã quên, và họ đã coi thường chồng ra mặt, lắm khi còn đối xử cách cay nghiệt với người đã đưa mình qua xứ sở văn minh này . . . Đau lòng quá phải không Hiền, nhưng điều mình buồn và lo nhất là thế hệ con cháu Người Việt sau này ở ngoại quốc. Tiếng Việt nói không rành, tập tục Việt Nam không biết ( vì nhiều người Việt đã sai lầm khi dùng con mình để thực tập tiếng Anh cho bản thân họ, họ đã quên gìn giữ tiếng nói quê hương cho con cháu, vì thế nên cũng khó mà nuôi dưỡng lòng yêu Quê Hương Tổ Quốc). Còn ở quê nhà thì Lịch Sử Lập Quốc và Truyền Thống Bất Khuất Anh Hùng, Lịch Sử Oai Hùng từng mười ba lần đánh thắng bọn xâm lược bắc phương của cha ông ta dường như đã bị bỏ quên. Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đánh thắng quân Nguyên Mông. Đại đế Quang Trung- Nguyễn Huệ phá tan hơn hai vạn quân Thanh. Bà Trưng, Bà Triệu đánh đuổi giặc Ngô và lũ ghẻ tầu Mã Viện, Gìn Giữ từng tấc đất của Cha Ông để lại, đã không được truyền dạy, không được giáo dục ngay từ những ngày thơ ấu thì bảo sao có thể giữ được kỷ cương phép nước, nếp nhà. Lịch sử đã bị vo tròn bóp méo, và tệ hơn nữa đã không được dạy dỗ cho đúng sự thật, các phương tiện truyền thông thì chỉ chiếu rặt những film tầu, nhiều đến độ người Việt còn biết về Càn Long, Khang Hi, Từ Hi thái hậu, hay Lã bất Vi, Võ tắc Thiên rành rẽ hơn biết về Sử Việt Nam, thật quá đau lòng Hiền ạ. Tuy nhiên khi mình nói ra những điều này thì lại bị những người cùng thời, thậm chí cả những đứa bạn học ngày xưa, nhưng giờ đây chúng cũng đang có cơ hội hưởng chút ơn mưa móc của chế độ nên chê bai mình “Khùng”, “ Lo Chuyện Bao Đồng”, nhưng riêng mình vẫn tự nghĩ “ Thà Thắp Lên Một Ngọn Đèn, Còn Hơn Ngồi Nguyền Rủa Bóng Tối” như ngày xưa mình đã từng được học
      Thôi nha Hiền, chắc Hiền cũng đã mệt vì nghe mình than vãn, mình ngừng đây. Cuối cùng vẫn chỉ muốn nói với Hiền một câu thôi. Mình vẫn luôn nhớ tình bạn của chúng mình và mình vẫn luôn yêu thương Sài Gòn của chúng mình, thế thôi!

      Ngủ yên nghe bạn Hiền

      Phạm Thiên Thu
      Last edited by hung45qs; 07-15-2021, 05:00 AM.
      Hung45HTQS

      Comment


      • #4
        Sài Gòn Vẫn Mãi Trong Tim

        Sài Gòn thương yêu,
        Hôm nay là ngày 20/7, thế là Sài Gòn ốm nặng tròn mười ngày rồi phải không, những ngày tháng này gặp ai trong cộng đồng Việt Nam ở nơi này cũng nghe nhắc đến Sài Gòn với bao nhiêu yêu thương, lo lắng và đồng cảm, thế nhưng cũng không phải là không có những lời nói khó nghe về Sài Gòn trong những tháng ngày lâm bệnh này đâu đó, mình thì im lặng, lắng nghe và nhìn xem những gì đang diễn tiến quanh Sài gòn thân yêu của mình, im lặng để cho những nỗi buồn thương tiếc nhớ thẫm đẫm vào hồn, và im lặng để những hình ảnh yêu thương cũ như một khúc film, như một đoạn đời không tài nào bôi xóa, không thể nào lãng quên quay chầm chậm trong đầu để âm thầm tiếc nhớ xót sa và thương cảm, cho dẫu mình vẫn biết thời gian là mũi tên đã bắn đi rồi, sẽ không bao giờ có thể quay trở lại điểm xuất phát, nhưng mình luôn ước ao phải chi thời gian có thể là chiếc Boomerang của thổ dân Úc, khi quăng đi rồi sẽ quay trở lại với người đã quăng nó, để mình có thể xin lỗi Sài Gòn, xin lỗi những tháng ngày tuổi trẻ đã phung phí ở đâu đó một cách vô tình, xin lỗi những người đã từng yêu thương và trân trọng mình mà mình đã hờ hững đi qua, thờ ơ không tôn trọng, và cả giả vờ như không hay biết, hay cười cợt trêu chọc, để giờ này rất nhiều lúc phải âm thầm tiếc thương cho quá khứ, bởi quá khứ luôn là một khúc quanh khó quên, nên cho dù có cố tình quên, thì nó vẫn âm thầm hiện ra đâu đó trong đời sống của riêng mình, hiện ra vào những phút giây không ngờ đến nhất . . .

        Sài Gòn thương nhớ,
        Mình viết cho Sài Gòn vào đúng ngày ký kết hiệp định Geneve, cái hiệp định vô duyên và khắc nghiệt đã bị các cường quốc thỏa hiệp cùng nhau, để rồi phân định ranh giới cắt chia đất nước chúng mình thành hai miền xa lạ, cho dù vẫn có cùng màu da, tiếng nói, và dĩ nhiên màu máu nào chẳng đỏ, và máu nào khi rời khỏi xác thân thì cũng tanh tưởi như nhau. Sự chia cắt đó đã làm bao nhiêu triệu lít máu thấm vào lòng đất, bao nhiêu xác thân đã trở thành phân bón cách vô nghĩa, và cả đớn đau . .. Tuy nhiên vẫn không đau bằng những tâm hồn đã nát tan vì mất niềm tin vào cuộc sống, sự thay đổi trong suy nghĩ và những suy đồi trong nếp sống của những con người hôm nay, thêm vào đó có cả bao nhiêu sự khổ đau oằn nặng lên tâm hồn những người Dân Đất Việt của chúng mình cho đến tận bây giờ những nỗi đau vẫn âm thầm nhức nhối và mưng mủ trong lòng mỗi con người, dù đang sống ở nơi nào trên trái đất này thì những người Việt Nam còn có một tấm lòng, còn có chút hồn quê ẩn dấu trong tâm tưởng vẫn âm thầm nhỏ lệ xót thương cho những ngày tháng cũ, cho một hình bóng đã xa mờ trong quá khứ . . .

        Viết cho Sài Gòn hôm nay bỗng dưng mình nhớ đến một bài hát của nhạc sĩ Thanh Bình, một nhạc sĩ đã không gặp may mắn trong cuộc đời, và cho đến tận lúc chết cũng dường như không được bình an, cho dẫu rất nhiều người đã biết đến ông trong ca khúc “Tình Lỡ: Thôi rồi còn chi đâu em ơi, còn còn lại chăng dư âm thôi . . .” Bài hát đã làm nên tên tuổi cho nhiều ca sĩ, cả những người thành danh sau 1975, và không phải người của Miền Nam, nhưng ít ai biết ông còn có những bài hát rất hay, rất nổi tiếng như “Tiếc Một Người, với những ca từ khiến lòng ta ngậm ngùi tiếc thương cho một người đã xa xăm trong quá khứ, hay như bài “Những Nẻo Đường Việt Nam” bài hát đã được nhiều hội đoàn như Hướng Đạo Việt Nam đưa vào tập Đoàn Ca của mình ( Những nẻo đường Việt Nam, suốt từ Cà Mau thẳng tới Nam Quan … Bài hát đã khẳng định ranh giới trải dài của dải đất quê hương Việt Nam). Tuy nhiên, có một ca khúc của ông xuất bản từ rất lâu, sau ngày Quốc Hận 20/7/1954, đó là bài : “Thư Về Làng” mà hôm nay mình muốn bắt chước ông, và mượn lời ca của ông, dĩ nhiên sẽ phải đổi vài ca từ cho phù hợp với nốt nhạc, để viết cho Sài Gòn, bài hát của ông: “Từ Miền Nam, viết thư về thăm xóm làng, sắt son gửi trong mấy hàng thăm bà con dãi dầu năm tháng, từ Tiền Giang, thương qua Đèo Cả thương sang, đêm đêm nhìn vầng trăng sáng, thương những Già hôm sớm lang thang. Em thơ ơi, có còn học hành sớm tối, áo nâu tươi gái làng còn che môi cười, và đàn bò còn nghe chim hót lưng đồi, nhớ nhung rồi thương quá lắm bé thơ ơi, ruộng vườn yêu ơi, thôn làng ruộng vườn yêu ơi, từ ngàn trùng khơi nhắn qua non sông núi đồi . . .”, và dĩ nhiên, mình chỉ dám copy vài dòng thôi : “Từ Quận Cam, viết thư về thăm “phố nhà” … “Phố nhà” vì như thế hát mới vần với điệu nhạc, và cũng vì Sài Gòn với mình chính là Phố Nhà Thân Yêu, vì mình đã đến với Sài Gòn từ ngày chưa đủ tuổi thôi nôi, và cho dù có đi đâu chăng nữa thì cuối cùng mình cũng ghé lại chốn xưa, và sau này mình đã ở cùng Sài Gòn suốt bốn mươi năm liền không rời xa, cho đến tận ngày dời nhà qua Quận Cam, xa tận bên kia bờ Đại Dương chăng nữa thì Sài Gòn vẫn ở với mình trong từng nỗi nhớ xót sa . . .

        Những ngày tháng này, có rất nhiều điều để nói về Phố Nhà Thân Yêu Sài Gòn của chúng mình lắm đó, thật ra mình cũng không hiểu rõ lắm thực hư thế nào, vì dường như tin tức chỉ nói đúng có một nửa sự thật, mà sự thật một nửa thì cũng chẳng khác gì lời dối trá. Một nửa cái bánh mì, vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật chắc chắn không phải là sự thật, lắm khi ngược lại còn là lời dối trá trắng trợn, bởi khi chúng ta cắt ra một câu nói của ai đó với ác ý thì dĩ nhiên câu nói đó lại trở thành mũi dao nhọn hoắt đâm vào tim người đã nói, điều này dường như là “ Độc Quyền” của những người ăn trên ngồi trốc của quê hương chúng ta hôm nay, điều này không nói hẳn SG cũng quá rõ rồi phải không, đó chính là lý do tại sao mình vẫn “Tịnh Khẩu” trong những ngày này đó Sài Gòn

        Sài Gòn thương nhớ,
        Hôm nay lại qua một ngày mới rồi mà thư cho Sài Gòn vẫn chưa viết xong, SG có biết tại sao không, để mình nói cho SG biết nha. Sáng hôm qua mình đang viết cho Sài gòn với biết bao nhiêu yêu thương rộn chảy trong tim mình, lá thư đang viết được hơn ba ngàn chữ, bỗng nhiên chỉ một cái “click”vào phím “cách” tự dưng nó biến mất hơn hai ngàn chữ mình vừa viết xong, hai ngàn chữ với những tâm tình và yêu thương của mình cho Sài gòn, mình tức phát khóc và điên cả đầu, vì tự dưng không nhớ nổi mình đã viết những gì cho Sài Gòn thân yêu của mình, và cả ngày hôm qua cho đến tận bây giờ mình cũng không thể nào nhớ lại nổi dẫu chỉ là một con chữ, chắc mình đang bị bịnh quên nó hành rồi Sài Gòn ạ, mình đã cố quên đi nỗi bực dọc này vì mình biết có làm gì thì cũng không thể nào tìm lại những gì đã đánh mất, giống như Sài Gòn đã bị vuột mất những tháng năm tươi đẹp cũ, và cho dù giờ này Sài Gòn có tô son trét phấn cho dày vào thì cũng giống như một cô gái đã về chiều, sau thời gian dài đã phải trải qua bao nhiêu tang thương khốn khó trong đời, giờ muốn tìm lại chút thời xuân sắc cũ bằng những thứ phấn điểm trang rẻ tiền thì chỉ khiến thêm bẽ bàng chua xót, vì không thể nào tìm lại đôi má hồng tự nhiên, nụ cười hồn nhiên rạng rỡ, và đôi mắt trong sáng ngây thơ của tháng ngày xa xưa cũ . .. Giống như phía sau những tòa nhà rực rỡ ánh đèn của những Vincom, những thương xá bày bán những món hàng xa xỉ là một Sài Gòn với những mảnh đời bất hạnh, những mảnh đời không cả chốn dung thân, đến độ phải sống chung “Nhà Với Những Người Chết”, đã phải lấy những ngôi mộ làm chỗ nương thân, những vỉa hè làm nơi gối đầu, như mình đã được nhìn thấy qua những Clip được đăng tải tràn lan trên các trang mạng

        Sài Gòn thương yêu,
        Rất nhiều người đã viết, đã nói về SG trong những ngày bị con cúm tầu phù xâm chiếm và hành hạ, giống như một “ thứ cùi hủi mới của khoa học và thời đại ác ôn”, và tệ hại hơn nữa cơn đại dịch này giống như một thứ âm mưu đen tối nào đó đang đổ ập lên Sài Gòn thân yêu của mình cùng với mười sáu tỉnh thành phía nam để thêm một lần nữa SG như bị trói chặt tay chân vì cái con virus vô hình nào đó, ( SG có thấy lạ không, cho dù mình biết rằng những nghĩ suy này có vẻ không hợp lý lắm, nhưng với những con người chỉ có trái tim mang tính cơ học, nghĩa là chỉ biết co bóp cho máu luân lưu nuôi cơ thể, chứ hoàn toàn không có chút yêu thương, và nhân bản thì có điều gì lại không thể xảy ra phải không SG)

        Rất nhiều bài viết về Sài Gòn trong những tháng ngày này, thương yêu có, thông cảm có, than vãn cũng có, và cả “Sài Gòn ơi, tôi đã mất người trong cuộc đời . . .” Riêng với mình thì lại khác, Sài Gòn luôn là một thực thể vô cùng thiêng liêng và trân quý trong trái tim mình, cho dù mình không phải là “dân Sài Gòn chính cống bà lang trọc, có nhãn hiệu cầu chứng tại tòa” như những đứa bạn học của mình ngày xưa ở SG, và thật ra mình cũng chưa thể đi hết những ngõ ngách trong lòng Sài Gòn chăng nữa, nhưng với mình Sài Gòn không bao giờ mất, bởi cho dù ngày nay bộ mặt Sài Gòn đã bị biến dạng giống như cô gái trở nên đẹp nhờ dao kéo chăng nữa, thì với mình, chỉ cần một phút giây thoảng qua, với đôi mi khép hờ, cả một Sài Gòn với những góc phố thân yêu mình từng đi qua vẫn hiển hiện không sai một chấm phẩy nào, cho dù chúng đã bị biến mất không còn chút dấu vết của những ngày xa cũ. Nhưng không làm sao có thể quên được phải không Sài Gòn? Sài Gòn với những buổi sớm mai còn đang ngái ngủ, những cửa hàng vải vóc, giày dép của những Tự Do, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Huệ, Crystal Palace, Thương Xá Tax, Cafeteria Rex, Passage Eden . . . còn chưa kịp mở mắt, vì một đêm thức khuya mở cửa cho một Sài Gòn rực sáng về đêm, thì mình đã ngồi ở La Pagode nhâm nhi croissant và café, cùng với giọng ca của Adamo, Christophe, Sylvie Vartan . . .

        Và mình nhớ có lần ai đó đã nói với mình rằng chẳng nên đi chơi với người yêu vào buổi sáng của SG, vì rồi nắng sẽ lên nên dù em có mặc áo Lụa hà Đông chăng nữa thì cũng chỉ mát trong thơ mà thôi, riêng mình vẫn muốn lang thang qua những con phố Sài Gòn vào buổi sớm mai, bởi đơn giản là mình muốn ngắm nhìn những sinh hoạt rất bình thường của Sài Gòn ngay từ khi những người bán hàng rong bình dân, từ những xóm lao động nghèo quẩy trên vai gánh xôi, gánh hủ tíu mì bình dân, hay gánh bánh ướt chả chiên và bánh cóng rải đi khắp những con phố của Sài Gòn hoa lệ, đến trước cổng những nhà máy sản xuất thuốc lá, những hãng xưởng để nhanh tay gói xôi, hay cắt bánh vào điã cho những người công nhân vừa ăn, vừa râm ran nói đùa với nhau vài câu trước khi bắt tay vào công việc quen thuộc hàng ngày . . . Và rồi khi nắng bắt đầu ngự lên những vòm cổ thụ trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trần Quý Cáp và nhất là nơi hai hàng me trên đường Gia Long, khi những giọt mồ hôi nhẹ vương lên đôi má ửng hồng vì nắng SG thì lại ghé vào đâu đó trên con đường Duy Tân, một quán nhỏ bên đường để : “Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt”; hay thậm chí một xe đẩy bán chè cạnh những ngôi trường nữ sinh nhộn nhịp, cùng với bò bía, bột chiên, hay gỏi khô bò cay xé lưỡi cũng là nơi không dễ bỏ qua . . . Và rồi bữa cơm trưa ở quán Bà Cả Đọi, với những món ăn quen thuộc ngon như mẹ nấu ở nhà, cũng làm cho lòng kẻ tha hương bỗng dưng ấm lại . . . Ăn xong nếu thấy mỏi chân thì rủ nhau ghé vào Rex, hay Vĩnh Lợi, Lê Lợi, hưởng không khí mát của máy lạnh, và để tiếng đối thoại của các diễn viên trên màn ảnh ru mình vào giấc ngủ trưa ngắn ngủi, xong lại mở mắt ra thưởng thức cuốn film với những tài tử mình yêu thích… Xế trưa nếu thích thì vào hẻm Casino ăn bún chả giò, bún thịt nướng, và nhiều thứ linh tinh khác, hay ghé qua bà cụ bán bún riêu cua ốc giò heo phía sau rạp Eden, bát bún đỏ màu gạch cua và cà chua, thêm chút gừng ngâm dấm trộn vào những cọng rau muống chẻ xanh mướt và kinh giới thơm phức, thêm chút mắm tôm và ớt… Trời đất !, nhắc tới đây đã nghe nước miếng chảy ra rồi đó Sài Gòn…. Ôi Sài Gòn của mình, sẽ không thể nào kể ra cho hết những kỷ niệm, những món ăn từ vỉa hè cho đến những nơi được xem là sang trọng phải không, chắc là phải nhiều kỳ, nhiều lần nữa mới có thể kể hết . .. Bây giờ có lẽ là không phù hợp khi nhắc đến những kỷ niệm êm đềm này phải không . . .

        Sài Gòn thương nhớ,
        Viết cho Sài Gòn đã hơn mười ngày rồi mà vẫn chưa xong, từ tháng bảy, và hôm nay đã là một ngày đầu tháng Tám, tháng gợi nhớ đến những ngày Tựu Trường đã qua trong đời, tháng Tám với bài “ Tôi Đi Học” của Thanh Tịnh đã xa nhưng vẫn luôn là nỗi nhớ nhung bâng khuâng trong lòng không biết bao nhiêu thế hệ những cô cậu học sinh của Sài Gòn trước 1975 . . . Năm nay ngày tựu trường của Sài Gòn dường như đã chẳng còn ai nhớ đến ngoài chuyện phải lo “ Chiến Đấu” với con Virus vô hình mà vô cùng lợi hại, nó phủ chụp một màu xám xịt lên cả thế giới nói chung và Sài Gòn thân yêu nói riêng, những tin tức thật chẳng vui chút nào, nếu không muốn nói là quá thảm thương cho Sài Gòn, cho quê hương Việt Nam chúng ta, những con số nhiễm bệnh, những người dân Sài Gòn lìa bỏ cuộc đời đắng cay nghiệt ngã này cách đột ngột khiến lòng mình lo âu và buồn bã, giống như một câu hát của PD “Đất Nước tôi bốn ngàn năm ròng rã buồn vui, khóc cười theo mệnh Nước nổi trôi . . .” và cả những kẻ được gọi là “Cha Mẹ của Dân” vẫn cứ bình chân như vại, chả thấy có một động thái nào khả dĩ làm an lòng dân. Mình thấy buồn và lo quá cho Sài Gòn mà chẳng biết làm gì, dĩ nhiên ngoài những dòng thương nhớ gửi Sài Gòn, mình cũng phải có những gì phải làm chứ, nhưng chỉ Sài Gòn biết là đủ rồi. Tuy nhiên trong những nỗi buồn lo đó mình cũng thấy được chút ấm áp của Tình Người Sài Gòn dành cho nhau và cho những người tạm cư khốn khó, đó là những bữa cơm nóng được gói ghém đưa đến tận tay người đang thiếu đói, những bó rau muống, những bịch giá được gửi trao cho những người cần, những “ Chợ Không Đồng” của các Linh Mục, các Soeur, các Tu Sĩ Nam Nữ của các Tôn Giáo cùng chung tay chia sẻ những gì cần thiết tối thiểu trong cuộc sống,và nhất là đã không quản ngại hiểm nguy khi tình nguyện đi đến với những người đang bị nhiễm bệnh, giúp đỡ những người phải cách ly khỏi cộng đồng và gia đình vì đã bị lây nhiễm con Virus tầu phù khốn kiếp bởi họ đã không quên câu :
        “Nhiễu điều phủ lấy giá gương
        Người trong một nước phải thương nhau cùng”, hay : “Lá rách đùm lá nát”


        Và cả tấm lòng của những người bị xã hội gọi là “Giang Hồ”, quả thật giang hồ của Sài Gòn cũng có khí phách của anh hùng Lương Sơn Bạc, khi họ đã cùng chia sẻ cho nhau, cho những người Sài Gòn, những người tạm cư từng bó rau, lon gạo. Mình cũng thấy những người dân phải tự chở nhau bằng xe hai bánh, đùm túm con nhỏ và đồ đạc về quê, vì ở Sài Gòn không còn việc làm, không còn cả tiền để trả tiền thuê nhà và tiền ăn . . . Thật khổ cho dân Việt tôi, cũng may sao có được những tấm lòng vàng đã tự đứng ra trao tặng những người đi đường về quê phần quà gồm hai ổ bánh mì, hai chai nước, hai hộp sữa và năm trăm ngàn đồng tiền VN để đi đường. Quả thật không sai khi người ta nói : “Nước có Biến mới biết Tôi Trung, Nhà có Nạn mới biết con Hiếu” Và chỉ trong cơn hoạn nạn mới thấy được “Tấm Lòng Rất Sài Gòn” của Người Sài Gòn dành cho nhau và cho cả tha nhân, những người từ nơi xa đến và chắc chắn là họ sẽ xin được nhận Sài Gòn làm quê hương. Và cho dẫu trong hoàn cảnh nào chăng nữa thì : “ Sài Gòn ơi tôi không bao giờ có thể đánh mất người trong cuộc đời, và cho đến ngày tàn cuộc đời thì Sài Gòn vẫn sống mãi trong tôi, trong tim bao nhiêu người con xa xứ”. Thương nhớ lắm Sài Gòn ơi, Cố vượt qua cái ách nạn cuộc đời này nghe Sài Gòn !

        Phạm Thiên Thu
        Hung45HTQS

        Comment


        • #5
          Đầu Năm Khai Bút

          Dường như đã khá lâu, chị không còn nhớ rõ vào khoảng thời gian nào, nhưng nói đúng hơn chị đã không còn giữ đều đặn thói quen dậy thật sớm vào sáng Mùng Một Tết Nguyên Đán để “Động Thổ”, “ Động Thủy”, và cả “ Động Hỏa”( là người đầu tiên trong gia đình bước xuống bếp, mở vòi hứng nước đặt lên bếp), lấy ấm tách để sẵn, chờ cho nước sôi tráng ấm tách trước khi bỏ vào đó nhúm trà Mộc Thái Nguyên, để châm một bình trà cho ông bà trên bàn thờ Gia Tiên, mà trong đầu chị nghĩ dành riêng cho Ba, sau đó là chén trà dành cho chính mình.

          Chị còn nhớ những ngày còn bé ở quê nhà, tối Giao Thừa nào, Ba chị cũng thức không chỉ để đón thời khắc thiêng liêng giao thoa của Năm Cũ với Năm Mới, mà còn để chờ nghe xem năm nay con vật nào ra đời, ngày đó chị hay thắc mắc và tự nghĩ : “ Sao Ba mình lại bận tâm làm gì chuyện này nhỉ, đơn giản, năm Con Heo thì con Heo ra đời, con Con khỉ thì con khỉ ra đời”, và khi chị nói điều này với ba thì ba giải thích không phải như thế, Ba nghe là nghe con vật nào cất tiếng kêu đầu tiên, ví dụ con gà gáy, con heo kêu, hay con chim, con chuột gì đó . . . Còn Mẹ chị thì luôn dặn “ Sáng mai mọi người cứ nằm ngủ yên trên giường, không được bước xuống trước khi Mẹ xuống bếp và mở nước nghe chưa”; ngày còn bé nghe mẹ dặn thế là chị thích lắm vì được “Nướng” cho đã con mắt mà không bị ai làm phiền, hay réo gọi phải thức sớm đi học. ..

          Dường như cái thói quen “ Đầu Năm Khai Bút” của chị cũng đã bị gián đoạn kể từ sau cái Tết con Mèo oan nghiệt đó của Đất Nước, và cũng giống như một câu hát của Phạm Duy trong bài Tình Ca: “ Khóc Cười theo Mệnh Nước Nổi Trôi”, cuộc đời không chỉ của riêng chị, mà hầu như tất cả những người Dân của Miền Nam Nước Việt Nam Cộng Hòa, sau ngày bị đồng minh phản bội, đã cùng nổi trôi theo với tiếng khóc nhiều hơn tiếng cười. Khóc vì Một Tháng hay Mười Ngày tập trung của người cha, người chồng, người yêu . .. Bởi cái thời lượng giả trá về thời gian đó đã bị kéo dài đến nhiều năm tháng đọa đày ở những nơi rừng thiêng, nước độc, ma sơn chướng khí; bị hành hạ về thể xác, cũng như bị tra tấn về tinh thần bằng những chiêu trò ngu dốt và ác độc của những kẻ ngu đần, nhưng luôn lầm tưởng là mình giỏi giang nên đã trả thù giai cấp bằng mọi giá. Thế nên hầu như những con người chân thật của Miền Nam đó đã trở về bằng xác thân mỏi mòn, rã rời mà vẫn phải kéo dài kiếp sống với tâm trạng của một kẻ bị lưu đầy ngay trên quê hương của chính mình; nhưng cũng có người đã không có được cái hạnh phúc trở về dẫu rằng trên chiếc băng ca, và trực thăng sơn màu tang trắng, hay tấm poncho thay cho “Da ngựa bọc thây như lời bài thơ được phổ nhạc của Linh Phương, và như chính lòng họ cũng mong như vậy, bởi : “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” thế nhưng, thật đau đớn khi xác thân lại bị chôn vùi đâu đó trên phần đất Bắc giá lạnh chưa quen, và ai oán thay không có được một khúc cây để ghi lên đó tên tuổi, đánh dấu mộ phần, và cho dù phần đất nơi vùi dập nắm xương tàn đó cũng được gọi tên là Việt Nam, nhưng thật ra lại vô cùng xa lạ. . . Rồi lại khóc vì phải cắn răng, nén đau đẩy những đứa con đứt ruột đẻ ra của mình ra đi trên những chiếc thuyền mong manh so với trùng trùng sóng nước của biển khơi, để sau đó thêm nhiều lần khóc con trong tù, nhất là những giọt nước mắt mặn đắng trên môi trên má khi nghe tin chiếc tầu có đứa con yêu thương của mình đã bị lũ hải tặc không còn tính người vùi dập khiến giữa biển khơi tan nát băng trinh, và đứa con yêu đã điên cuồng hoảng loạn, phải hủy hoại thân mình giữa biển cả mênh mông . . . Và cả trăm ngàn cảnh đời, trăm ngàn lý do để khiến mình phải khóc nhưng phải cố nén để nuốt ngược giòng lệ vào trong cái thói quen “ Đầu Năm Khai Bút” của chị dường như mãi đến đầu Thiên Niên Kỷ Thứ Ba ( Thế Kỷ 21) mới được chị lập lại, nhưng khác với Mẹ mình, chị không dặn con cháu như Mẹ đã dặn chị ngày xưa, nhưng chị luôn thức dậy sớm nhất nhà để được hưởng cái không gian tĩnh lặng của một ngày mới nhất trong Năm Âm Lịch, và chị luôn cảm thấy dường như chỉ có khoảng thời gian này mới chính là của riêng chị, bởi đó là lúc chị không phải bận tâm lo toan cho những công việc theo thói quen, đôi khi đến nhàm chán, không phải nghe tiếng “ càm ràm” của đàn con lũ cháu chí chóe với nhau vào mỗi buổi sáng trước khi đến trường… Và nhất là được hít thở cái không khí mát rượi vào buổi sáng, khi những giọt sương sớm còn đọng lại trên những đóa hoa mai tứ quý trước sân nhà, sau đó ngồi vào bàn viết đã được để sẵn một tập giấy, cây viết máy với mực pha màu tím, đã được chuẩn bị sẵn từ tối hôm trước ( chị vẫn thích viết bằng cây bút hiệu Pilot như thời xưa còn cắp sách) để viết cái gì đó, có khi không cần phải viết cái gì đó mới mẻ ( Sáng tác thơ văn chẳng hạn . . .), đơn giản chỉ chép lại một vài câu thơ trong bài nào thơ nào đó mà mình yêu thích . . . Có lẽ ai cũng sợ đầu năm mà mình làm không xong việc gì đó thì cả năm sẽ không hoàn thành được điều mình mong muốn ( Vì bị “ Dông” hay “Giông” cả năm, chị cũng không hiểu lắm cái chuyện này…), nên luôn chuẩn bị cho mình cái gì đó để viết, hay đơn giản chỉ để viết lại cho đầy đủ những gì đã có sẵn.

          Có lẽ chính vì vậy mà Tết con Mèo năm đó ( chị vẫn còn đang là sinh viên), chị cũng khai bút đầu năm, sau khi đã cùng gia đình tham dự Thánh Lễ Minh Niên ở ngôi Nhà Thờ nhỏ bé trong khu cư xá nơi gia đình chị cư ngụ, và dĩ nhiên sau khi Chúc tết ba mẹ, nhận phong bao lì xì . . . Thông thường chị chuẩn bị cho mình một bài học nào đó để soạn dàn bài, trong trường hợp không biết phải viết gì để khai bút đầu năm, không hiểu sao năm đó vì quá bận rộn giúp mẹ trong việc biếu Tết họ hàng, bạn hữu và làm các món ăn cho ngày Tết mà chị quên không soạn sẵn hay sao đó, trong đầu lại chẳng có một chút ý tưởng nào, bỗng dưng trong vô thức, những câu thơ trong:” Chinh Phụ Ngâm” chị được học trong chương trình Việt Văn Lớp Đệ Tam, trào ra từ ngọn bút:

          Chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt
          Xếp bút nghiên theo việc đao cung
          Thành liền mong tiến bệ rồng
          Thước gươm đã quyết chẳng dung giặc trời
          Chí làm trai dặm nghìn da ngựa
          Gieo Thái Sơn như tựa hồng mao
          Giã nhà đeo bức chiến bào
          Thét roi cầu Vị, ào ào gió thu
          Ngòi đầu cầu nước trong như lọc
          Ðường bên cầu cỏ mọc còn non
          Ðưa chàng lòng giằng dặc buồn
          Bộ khôn bằng ngựa, thủy khôn bằng thuyền
          Nước trong chảy lòng phiền chẳng rửa
          Cỏ xanh thơm dạ nhớ khó quên
          Nhủ rồi tay lại trao liền
          Bước đi một bước lại vin áo chàng
          Lòng thiếp tựa bóng trăng theo dõi
          Dạ chàng xa ngoài cõi Thiên San
          Múa gươm rượu tiễn chưa tàn
          Chỉ ngang ngọn giáo vào ngàn hang beo
          Săn Lâu Lan, rằng theo Giới Tử
          Tới Man Khê, bàn sự Phục Ba
          Áo chàng đỏ tựa ráng pha
          Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in
          Tiếng nhạc ngựa lần chen tiếng trống
          Giáp mặt rồi phút bỗng chia tay
          Hà Lương chia rẽ đường này
          Bên đường, trông bóng cờ bay ngùi ngùi
          Quân trước đã gần ngoài doanh
          Liễu Kỵ sau còn khuất nẻo Tràng Dương
          Quân đưa chàng ruổi lên đường
          Liễu dương biết thiếp đoạn trường này chăng?
          Tiếng địch trổi nghe chừng đồng vọng
          Hàng cờ bay trong bóng phất phơ
          Dấu chàng theo lớp mây đưa
          Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà
          Chàng thì đi cõi xa mưa gió
          …………………………………………….
          Ngày tháng cũ đó, khi viết những câu thơ này của Chinh Phụ Ngâm khúc, dù chị không phải là người hay tin dị đoan, nhưng dường như chị vẫn cảm thấy có điều gì đó rất bất an trong những câu mình đã viết ra, dù đó chỉ là tác phẩm văn học của Đặng Trần Côn viết, và bà Đoàn thị Điểm đã dịch ra, chứ không phải của mình, nhưng trong thời điểm chiến tranh của quê hương Việt Nam lúc bấy giờ; và nếu quan tâm chút xíu đến thời cuộc thì ai cũng có thể dễ dàng nhìn thấy thật rõ ràng, đó hoàn toàn là một cuộc chiến không hề cân sức giữa hai miền Nam Bắc. Bởi một bên có vẻ như đã bị Đồng Minh đem con bỏ chợ, còn phía bên kia được cả hai nước đàn anh cộng sản hà hơi tiếp sức thì quả thật những lo lắng của chị, và của những người dân Miền Nam, nhất là những người là vợ con của Người Lính Việt Nam Cộng Hòa, không phải không có lý do. Và dĩ nhiên chị cũng không thể nằm ngoài quỹ đạo đó. Thế nên chị đã lo cho anh đến thắt ruột, bào gan như người ta thường ví von, nhưng khổ sở nhất đối với chị là sự lo lắng đó chỉ “Một mình mình biết, một mình mình hay” chứ không thể chia sẻ cho ai, với ai và dĩ nhiên chị cũng không thể nói cho anh biết về nỗi lo lắng của mình. Bởi có lẽ trong mắt anh ngày ấy, chị chỉ là một cô bé mới lớn, khá ngây thơ, và thuộc dạng “ Ăn chưa no, lo chưa tới” thì phải. Thế nên chị đã phải cố gắng giữ kín sự lo lắng cho riêng mình, và nỗi đau ấy vẫn tiếp tục dày vò đeo đẳng chị trong nhiều năm tháng kể từ ngày mất nước, và mất luôn cả anh trong đời này, và nó luôn là một vết thương không lành miệng trong chị . . . “ Chinh Phụ Ngâm Khúc” quả thật là một áng văn thơ hay nhưng bàng bạc nỗi buồn vì chia cách trong chiến tranh. Và chiến tranh đã luôn như vậy tự ngàn xưa cho đến hiện nay, từ những cuộc chiến đấu bằng vũ khí thô sơ như kiếm cung, gậy gộc, cho đến những loại vũ khí tối tân hiện đại nhất, tất cả đều mang đến chết chóc, tang thương và chia lìa, những câu thơ của Chinh Phụ Ngâm như : “Dấu chàng theo lớp mây đưa ” hay“Chàng thì đi cõi xa mưa gió”, tất cả đối với chị giống như một lời tiên tri cho sự cách xa, cho một sự mỏi mòn vì chờ đợi; và hẳn là một viễn cảnh chờ đợi không mấy gì sáng sủa ở tương lai “ Chàng Siêu tóc đã điểm sương mới về” . . . Anh đã lặng lẽ rời xa chị, ngay sau lần cuối cùng hai người gặp nhau nơi bãi biển đông đúc lính tráng, và những người dân di tản từ miền trung và cao nguyên tập trung về, và chị đã đợi chờ anh trong vô vọng hơn suốt nửa đời người.

          Anh, một người chị quen biết vào những năm tháng vừa bước vào ngưỡng cửa đại học, và không biết có phải đó là sự sắp xếp của số phận hay không mà chị và anh đã yêu nhau tự lúc nào chị cũng không biết và không còn nhớ rõ, và cho đến tận bây giờ, sau nhiều năm tháng đi qua, chị vẫn luôn tự thắc mắc không biết chị quen anh từ đâu và từ bao giờ, chị chỉ biết chắc chắn là hai người đã quen biết nhau không qua sự giới thiệu của bạn bè của cả hai người, bởi cho đến tận giờ phút này chị cũng chưa biết người bạn nào của anh, ngoại trừ vài người thuộc cấp cùng đơn vị cũ, mà chị chỉ được biết từ sau khi quen anh. Còn bạn chị lại càng không phải, vì sau mùa hè cuối cùng của bậc trung học, mỗi đứa đã đi về một phương trời riêng của mình, đứa thì lên xe hoa, đứa ở lại học Sư Phạm, đứa lên Đà Lạt, và cả ngược ra Huế, riêng chị đã vào Sài Gòn từ năm học lớp đệ nhất, và một số bạn cũng vào Sài Gòn, nhưng lại không học cùng trường, và những người bạn này cũng không thân thiết, và không cùng chơi chung nhóm thế nên anh không thể nào là bạn của nhóm này . . . Và trong suốt những năm tháng đọa đầy của riêng mình nơi quê nhà, dường như không lúc nào là chị không nhớ đến anh, thậm chí khi thảo luận chuyên đề về Tình Yêu với giới trẻ trong những lớp học, chị luôn luôn bảo vệ ý kiến riêng của mình: “trên đời này không có gì vĩnh cửu được với thời gian, ngoại trừ tình yêu”, và dường như chị lúc nào cũng bị mọi người phản bác lại, bởi họ luôn cho rằng Tình Yêu chính là thứ dễ thay đổi nhất . . . Bởi tình yêu phát xuất tự con tim, và dường như trái tim của con người là thứ dễ bị thương tổn và dễ bị đánh gục nhất, khi bị đánh gục dĩ nhiên sẽ thất vọng và thay đổi . .. Và lúc nào họ cũng dễ dàng đưa ra rất nhiều ví dụ điển hình để chứng minh cho luận điểm của họ. Riêng chị, chị không bao giờ đưa ra ví dụ nào để chứng minh, hay phản bác, vì chẳng lẽ lại đưa chính bản thân mình ra làm ví dụ, nhưng chị luôn khăng khăng giữ vững quan điểm của mình, và cho rằng, tình yêu là vĩnh cửu, bởi trong thâm tâm của riêng mình, chị luôn thương nhớ và yêu anh, hay yêu “cái tình yêu của riêng mình” chị cũng không biết nữa, cho dù thật lòng mà nói đã có nhiều lúc chị cũng cảm thấy có chút gì đó cay đắng trong lòng nên thầm oán giận anh, thấy mình bị thương tổn, bởi cảm giác bị bỏ rơi và bị lừa dối thì phải, nhưng dường như trái tim chị luôn mù quáng nên chị luôn tìm mọi cách để bào chữa cho sự biến mất tăm tích của anh trong cuộc đời mình.

          Thật lòng mà nói, đúng vào cái ngày cuối tháng Tư Định Mệnh Đen Tối phủ chụp lên Đất Nước, chị vẫn nhớ như in thời khắc của ngày hôm đó, ( lúc tên hèn tướng Big Minh kêu gọi buông súng) màu nắng Hạ vẫn chói chang, và không khí như vẫn đang nóng ran vì tiếng súng vẫn còn vang đâu đó, nhưng sao chị bỗng nghe lạnh buốt tận xương tủy, và sự tối tăm như phủ chụp không chỉ trong tâm hồn chị, mà còn của cả phần đất Miền Nam Việt Nam thân yêu, vàgiống như một màn ảo thuật trên sân khấu, cuộc sống bỗng chốc quay ngoắt một trăm tám chục độ, giống như người đang ở trong ánh sáng chói chang bước vào màn đêm đen kịt khiến mắt ta gần như mù lòa, và dường như cuộc đời quá nghiệt ngã đối với một cô tiểu thư chưa hề nếm trải sự khổ cực trong cuộc mưu sinh như chị . . . Sự sụp đổ của một chế độ, cùng với niềm tin bị đánh cắp, và sự đổi thay đến chóng mặt của xã hội, đã bắt cô tiểu thư khuê các ngày nào trong chị phải miễn cưỡng bước xuống cuộc đời, bước xuống trong sự bỡ ngỡ và bằng nỗi khốn khó tận cùng đến không ai có thể ngờ . .. Điều này đã khiến đôi lúc chị quên mất anh, quên mất quãng thời gian được xem như đẹp nhất của đời mình, và cũng có lúc chị đã tự bắt mình quên hẳn anh cho xong, cứ coi như phần đời trước đó chỉ là một giấc mơ đẹp và lãng mạn thoảng qua. Giống như một giấc Nam Kha “Giật mình dậy nồi kê chửa chín” ( Như chị đã từng được học trong chương trình Việt Văn thời Trung Học). Và nhất là khi tình cờ chị gặp được một người cùng binh chủng Mũ Xanh với anh, sau khi đi tù tập trung cải tạo về cho biết một chút tin tức không nhiều lắm về anh, nhưng chỉ bấy nhiêu cũng đủ làm chị thấy lòng mình đắng cay và buồn tủi, cho dù lúc đó chị cũng không mong muốn anh đi tìm mình, và càng không muốn gặp được anh, vì chị không muốn anh nhìn thấy sự đổi thay tàn tạ của con người chị, và thật ra chị cũng sợ nếu gặp lại anh, chút tàn trò ấp ủ trong lòng cho riêng mình lại bùng lên thì quả là khó xử cho cả hai trong hoàn cảnh éo le và khó khăn lúc đó ( vì qua người lính Mũ Xanh tình cờ gặp, chị đã biết được cái điều mà anh giấu kín không cho chị biết, ngay cả trong lần cuối cùng gặp nhau ở VT, chỉ có riêng hai người, anh vẫn làm cho chị nghĩ rằng mình là người duy nhất trong lòng anh, giống như chị đã xem anh là người duy nhất chị yêu thương, lo lắng, và vì quá ngây thơ cũng như quá tin tưởng vào tình yêu của anh nên chị không chút nghi ngờ và gạn hỏi anh điều gì, thậm chí về gia đình, ba mẹ anh em của anh( Ngày ấy chị chỉ biết một điều duy nhất “Yêu anh mà thôi” ) Nhưng rồi nhiều lúc chị cũng lại thấy oán giận và trách sao anh đã không đi tìm mình . . .

          Quả thật, trái tim yêu của con người dường như luôn mâu thuẫn với nhau thì phải, và sự mâu thuẫn đó luôn giằng xé trong lòng chị, nhất là vào những đêm khó ngủ vì những cơn đau nhức hành hạ, và khi biết anh đã rời xa Quê Hương, theo chương trình nhân đạo H.O. mà có lẽ lương tâm của người bạn đồng minh Hoa Kỳ ngày xưa đã bị cắn rứt, và chợt thức giấc. Nhất là nhờ những người VN đã may mắn thoát khỏi vào những ngày cuối tháng Tư năm ấy, nhưng vẫn còn người thân kẹt lại, hay vì “Tình Nghĩa Đồng Bào” nên đã cố gắng đánh động lương tâm người Mỹ, như bà Khúc Minh Thơ và một số nhân sĩ VN mà chị không biết, và cũng nhờ sự sáng suốt của TT Donald Reagan nên dường như họ đã nhận ra những sai lầm, vì đã đánh đổi người bạn đồng minh nhỏ bé, lấy cái thằng tầu phù với dân số cả Tỷ người kia, vì nhiều lý do chính trị hay kinh tế ẩn giấu nào đó, cũng không trách được vì con người thường nghĩ đến những mối lợi cho xứ sở của họ, và dĩ nhiên mối lợi cho chính bản thân họ, trước khi nghĩ đến vấn đề nhân đạo, hay công bình bác ái, như người ta thường lớn giọng kêu gào. . . Và chị biết chắc chắn với tính cách của anh thì anh sẽ không bao giờ trở lại Xứ Sở này ngày nào còn bóng những kẻ đã đọa đày anh trong lao tù, thế nên hy vọng một lần nào đó trong đời gặp lại anh đã trở nên vô vọng và hoàn toàn biến mất trong lòng mình đi nữa, chị vẫn không thể bắt trái tim mình thôi thổn thức mỗi khi chợt nhớ về anh, nhớ về những tháng ngày yêu thương được chị xem là quá ngắn ngủi so với hơn bốn mươi lăm năm chờ đợi trong khắc khoải, và không có chút hy vọng, của một mối tình thơ dại trong thời chiến, so với niềm đau và sự chịu đựng gian khó của những người phụ nữ khác đã phải kinh qua trong cuộc chiến của một Đất Nước nhỏ bé . . . Nhưng Tình Yêu thì đâu thể đem ra cân đo đong đếm, hay so sánh thiệt hơn với người khác, phải thế không?!

          Tuy nhiên, có một điều chị vẫn thấy lạ lùng và khác thường vì dường như trên nguyên tắc, Quê Hương Việt Nam Thân Yêu của chị đã không còn chiến tranh từ hơn bốn mươi năm qua, bởi tiếng súng đã im, hai miền Đất Nước đã không còn vĩ tuyến cách ngăn, nhưng riêng mình, và chắc có rất nhiều người dân Miền Nam cũng cùng ý nghĩ giống chị . . . Dường như vẫn có một cái Barrier ngăn cách giữa con người của hai miền Nam Bắc, cho dù họ vẫn cùng nói chung một ngôn ngữ, và trong lòng vẫn thấy chẳng chút bình yên, bởi những bất công, những tệ nạn ngày càng lan tràn trên quê hương, những giá trị Đạo Đức không chỉ bị xói mòn, mà có những thứ đột nhiên biến mất hẳn trong cuộc sống thường nhật, có một số điều rất bình thường, bỗng chốc trở nên một loại “Xa Xí Phẩm Của Đạo Đức”, và tệ hại hơn nữa, dường như Người Dân Việt Nam sau nhiều thập niên bị cai trị bởi chính sách “Bao Tử Trị” nên dường như đã trở thành thinh lặng như bầy cừu ngay khi bị đem ra xén lông thì phải. Riêng mình, dường như chị thấy mình cũng đang rơi vào tình trạng “Sống Hèn” vì không dám phản kháng, sống cam chịu và an phận, vì còn con cháu cần đến sự bảo bọc của mình . . . Và chị đã tự tạo cho mình một thế giới ảo riêng tư, đêm đêm chị vẫn tưởng nhớ đến anh, và vẫn nghĩ anh không đi đâu xa, anh vẫn còn đang chiến đấu ở đâu đó trên quê hương này, đôi lúc chị cũng tự thắc mắc như trong Chinh Phụ Ngâm :

          Chàng từ đi vào nơi gió cát
          Ðêm trăng này nghỉ mát phương nao?
          Xưa nay chiến địa dường bao
          Nội không muôn dặm xiết bao dãi dầu
          Hơi gió lạnh, người rầu mặt dạn
          Dòng nước sâu, ngựa nản chân bon
          Ôm yên, gối trống đã chồn
          Nằm vùng cát trắng, ngủ cồn rêu xanh

          Và nhiều lúc chị cũng chợt nhớ ra rằng anh đã không còn hít thở chung bầu không khí với mình ở quê hương này, anh đã đi xa tận bên kia đại dương, và vì chị cũng biết tin những người ra đi, cũng chẳng phải dễ dàng gì trong cuộc mưu sinh. Anh đang ở nơi nào đó chị không rõ, nhưng chị biết là anh vẫn phải lao vào một cuộc chiến cơm áo gạo tiền mới, ở một nơi không phải là quê hương để lo cho gia đình vợ con, chị lại thấy tủi thân, nhưng cũng vẫn thấy thương nhớ anh, nên lại như người cô phụ đợi chờ người chinh phu không có ngày về :

          Chàng từ sang Ðông Nam khơi nẻo
          Biết nay chàng tiến thảo nơi đâu?
          Những người chinh chiến bấy lâu
          Như xem tính mệnh như màu cỏ cây
          Nức hơi mạnh, ơn dày từ trước
          Trải chốn nghèo, tuổi được bao nhiêu?
          Non Kỳ quạnh quẽ trăng treo
          Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò
          Hồn tử sĩ gió ù ù thổi
          Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi
          Chinh phu tử sĩ mấy người
          Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn?
          Dấu binh lửa, nước non như cũ
          Kẻ hành nhân qua đó chạnh thương
          Phận trai già cõi chiến trường
          Chàng Siêu mái tóc điểm sương mới về

          Chàng Siêu mái tóc điểm sương mới về Còn anh chắc giờ tóc cũng trắng mái đầu, nhưng ngày về chắc chẳng bao giờ có được, và thế thì chắc chắn sẽ chẳng bao giờ chị gặp được anh. Nghĩ đến đây, và dù chỉ nghĩ thôi đôi mắt chị dường như lúc nào cũng nhạt nhòa, và hai giòng lệ nóng không thể nào ngừng tuôn. Bất giác chị nghe như trong tim mình đang lên tiếng“ Buồn quá đi thôi KBC 3331 ơi ! em nhớ anh, và có lẽ sẽ chẳng bao giờ thôi nhớ anh

          Phạm Thiên Thu

          Hung45HTQS

          Comment


          • #6
            Thầy Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh

            Không kể đến những lần tham dự Thánh Lễ tại nhà thờ Đức Mẹ La Vang được gặp thầy, thậm chí có nhiều lần ngồi cạnh thầy trong giáo đường, và dĩ nhiên có nói chuyện với thầy, nhắc đến tác phẩm tiêu biểu của thầy mà tôi đã được biết và đọc từ những ngày mới vào Lớp Đệ Thất trường Nữ Trung Tiểu Học Trinh Vương Qui Nhơn, được thầy Vũ Linh Châu đọc cho nghe trong những giờ học môn Việt Văn, và cũng vì người bạn đời của thầy là chị Phiến Đan và con gái tôi ở cùng Ca Đoàn, biết tôi rất quý mến thầy nên khi tái bản quyển “ Đời Phi Công” in lần thứ sáu, phát hành vào ngày 28/11/2017, thầy đã gửi tặng tôi một quyển có chữ ký của thầy ( dĩ nhiên tôi rất quý, không phải vì thầy là một người nổi tiếng, mà vì thầy là Niềm Tự Hào của Người Việt Nam chúng ta vì những đóng góp cho nền Khoa Học, và Toán Học cũng như những đóng góp cho xã hội qua “Hội Khuyến Học Truyền Thống Nguyễn Xuân Vinh”).

            Lần đầu tiên chính thức cả 4 thế hệ gia đình chúng tôi đến thăm thầy gồm Mẹ Tôi, Tôi, Con Gái và Hai Cháu Ngoại là sau cuộc Hội Ngộ của anh em Không Quân được tổ chức tại Fort Rucker, vào tháng 10/2015. Lần đó thầy và Phiến Đan đã mua vé để tham dự cùng chúng tôi, nhưng đến giờ chót vì lý do sức khỏe, bác sĩ không cho thầy đi máy bay nên đành hủy, tôi chẳng có “dây mơ rễ má” gì với Không Quân, ngoài một số bạn xưa của liên khóa 72-73 Không Quân, nên tôi được các anh và các bạn nhờ layout và in “Đặc San Hội Ngộ Fort Rucker 2015” cũng như cùng anh Vượng ( Anh của bạn Giao) làm MC cho cuộc gặp gỡ lần đầu trở về nơi đã đào tạo ra mười hai mầu mũ của Trực Thăng Không Quân VNCH (VNAF). Và sau cuộc trùng phùng với chủ đề “Ngày Trở Về”, lúc chia tay các anh lớn như Tr/T Lộc ở Houston ( anh đã qua đời), anh Quý An ở San Jose, anh Vượng và một số anh em trong BTC không thể trực tiếp đến thăm thày nên tôi lại được nhờ đại diện anh em đến biếu thầy quyển Đặc San cũng như thăm hỏi thầy thay cho mọi người

            Trong cuốn Đặc San đó thầy cũng đóng góp cho chúng tôi một đoản văn ngắn bằng tiếng Anh “ The Eagle’s Wings”, Tôi cảm thấy rất vinh dự và hạnh phúc khi được ủy thác cho công việc này. Vì lòng trân trong và quý mến dành cho thầy; bởi thầy không chỉ là Người Lính đã từng giữ chức vụ Tư Lệnh Không Quân của Quân Lực VNCH, khi bọn chúng tôi còn đang học tiểu học, Thầy còn là Nhà văn, Nhà Khoa Học, Nhà Toán Học , Nhà Giáo với nhiều đóng góp và thành tựu được rất nhiều người trong giới Khoa Học Quốc Tế biết đến. Và hôm nay lần thứ hai, cách lần gặp thứ nhất đến tận Bảy năm tôi mới lại chính thức đến thăm thầy ( Vì sau thời gian bị nạn dịch Covid hoành hành, dường như mọi sinh hoạt bình thường trước đây đã không còn như xưa, nên con gái tôi và người bạn đời của thầy cũng không thường gặp nhau để tập hát lễ).

            Tôi được biết tin thầy và cầu nguyện cho thầy qua email báo tin của thầy Phụng Năng Trần, con gái tôi thì gặp nhạc sĩ Lê Tín Hương, người bạn thân của gia đình thầy cho biết tin, tôi hỏi số phone của Phiến Đan để hẹn đến thăm thầy, khi nghe tiếng con gái tôi thì Phiến Đan trả lời và nói : “ Chị đang nghĩ đến em và mẹ em định gọi thì em gọi, mấy hôm nay chị bận lu bu vì mọi người đến thăm nên chưa kịp gọi cho em. Trong ca đoàn mình chị nhớ đến em trước nhất vì chị biết em và mẹ rất thương thầy, chắc thầy khó qua khỏi, nếu cơ thể không tái tạo được máu . . . ”

            Tôi nghe thấy buồn quá, dẫu biết rằng số phận của con người rất mỏng dòn và nằm trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, cho dẫu một sợi tóc trên đầu chúng ta rơi xuống cũng không ngoài Ý Thiên Chúa. Vậy nên tôi nóng lòng đến thăm và gặp thầy, muốn nắm lấy bàn tay của thầy lần nữa, tôi sợ như năm trước, khi đi Seattle mà tôi không kịp đến thăm chú Phạm Hậu ( nhà thơ Nhất Tuấn của Truyên Chúng Mình mà tôi cũng đươc biết đến qua thầy vũ Linh Châu từ năm Đệ Thất, và sau này khi chú đến Cali đã cùng cô Hoàng Oanh, người bạn đời đến nhà thăm “ Cô học trò Đệ Thất năm xưa”, và dùng cơm với gia đình, cùng với thày cô Vũ Linh Châu, vậy mà tôi đã không đến thăm được, cho tới khi đọc được tin chú mất qua lời chia buồn của ĐSKQ- Bắc Cali, đã khiến lòng tôi ray rứt mãi không nguôi)

            Tôi sợ lắm, sơ những cây cao, bóng cả của Việt Nam Cộng Hòa chúng ta một ngày nào đó không còn được ai nhớ đến, nhưng dẫu sao tôi cũng vẫn tin vào câu nói của Tướng Douglas Mac Arthur “Old soldiers never die, they just fade away” Vâng, tôi muốn nhắc lại và sửa đi đôi chút: “ Người Lính Già, Người Lính Việt Nam Cộng Hòa không bao giờ chết”. Cũng thế, thầy Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh không bao giờ chết, vì còn rất nhiều học trò và người mến mộ cũng như những đóng góp thầy để lại cho đời sẽ làm cho hình ảnh và đức độ của thày luôn sống mãi trong lòng rất nhiều người. Nhất là khi một người đã đi xa nhưng luôn có người còn trên trần thế này tưởng nhớ đến, thì người đó không chết bao giờ, và tôi biết chắc có rất nhiều người luôn nhớ đến Thầy, và chắc chắn tôi cũng là một trong số những người đó . . . Nhưng dĩ nhiên tôi vẫn nguyện cầu mỗi ngày cho có một phép lạ nào đó giúp thầy ở lại với chúng ta, và đồng thời cũng cầu xin Chúa cho Thầy có đủ Sức và Niềm Tin cũng như Hy Vọng để vượt qua những cơn đau đang hành hạ Thầy, giúp Thầy có được lòng tin nơi Thiên Chúa Ba Ngôi, là Đấng mà Thầy đã chọn làm Niềm Tin Tôn Giáo của Thầy.. .

            Sáng nay con gái tôi đã cùng chồng và Đức Ông Phạm Quốc Tuấn đến thăm thầy, Đức Ông đã xức dầu và ban phép lành cho thầy; riêng tôi và người bạn thì đến sau đó vài tiếng, vì có nhiều người muốn đến thăm thầy, cho dù đến để chỉ nhìn thầy và ứa lệ . . . Nhưng cũng phải tôn trọng người bạn đời đang chăm sóc thầy nữa, phải cho PĐan có chút thời gian nghỉ ngơi, và cũng để không làm thầy mệt, vì tôi biết tuy thầy hai mắt thầy nhắm lại và thầy không nói được như cách nay một tuần nhưng chắc chắn là thầy vẫn nghe . . . Khi tôi đến thì cũng vừa lúc người y tá đến thăm sức khỏe thầy, tôi ngồi với Đan, nghe kể lại những chuyện cũ với thầy, và chụp vài tấm ảnh trong lúc chờ đợi. Khi tôi và người bạn vào Đan nói với thầy :”Chị Thu đến thăm thầy đây, bố nhớ chị Thu không, tôi tiếp lời nói “ Con là Thu của nhóm Fort Rucker, thầy nhớ con không?”, bỗng nhiên thầy mở mắt nhìn tôi và ra hiệu là có nhớ. Đan reo lên :”oh, hay quá, nghe tên chị thầy mở mắt kìa . .. bố, bố cười với chị đi ”.Thầy nghe Đan nói, cũng cố cười nụ cười của người già yếu, gắng gượng và mỏng manh quá đi thôi, và tôi cũng ráng gượng cười mà nước mắt cứ chực ứa ra . . . Tôi thấy thương thầy quá, đưa tay lên vuốt vầng trán của thầy, và nói :”Thầy ơi, con thương thầy quá mà chẳng biết làm gì, ngày nào con cũng chỉ biết cầu nguyện cho thầy được bình an mà thôi” Mắt thầy vẫn nhắm nhưng từ hai khóe những giòng lệ ứa ra, Đan đưa tôi tissue và nói : “Chị lau nước mắt cho thầy đi, thầy cảm động đó”. Tôi đưa tay chặm nước mắt cho thầy, bỗng dưới làn chăn mỏng, bàn tay thầy nhúc nhích, tôi kéo tấm chăn ra và thầy đưa tay lên nắm lấy bàn tay của tôi, tôi cảm động quá vuốt bàn tay của thầy, thầy lại đưa bàn tay trái lên tôi cũng nắm lấy, những ngón tay gầy guộc và lạnh của thầy đan vào tay tôi khiến lần này không phải là thầy mà chính tôi lại ứa nước mắt . . .

            Thầy ơi, thời gian của thầy không biết còn được bao lâu, con cũng không biết có thể nào gặp lại thầy lần nữa hay không, cho dù con có hứa sẽ đến, sẽ mặc áo dài màu đen theo ý muốn của thầy, nhưng cuộc sống con người đôi lúc có những chuyện không thể nằm trong sự toan tính của mình, thế nên con chỉ biết cầu nguyện cho thầy mỗi sáng thức dậy, và mỗi tối trước khi đi ngủ, con mong thầy luôn có được sự bình an trong tâm hồn.

            Tạm biệt và chúc cầu Bình An luôn ở cùng Thầy

            Phạm Thiên Thu
            ( Cali : 21/7/2022)
            Hung45HTQS

            Comment



            Hội Quán Phi Dũng ©
            Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




            website hit counter

            Working...
            X