Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Chút hoài niệm xưa

Collapse
X

Chút hoài niệm xưa

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Chút hoài niệm xưa

    CHÚT HOÀI NIỆM XƯA



    VĂN QUANG


    Cái “trục văn hóa” từ La Pagode, Givral đến Brodard khác nhau thế nào?

    Nằm chung trên đường Tự Do xưa, có ba quán café cùng nổi tiếng như nhau. Bắt đầu từ nhà hàng La Pagode ở góc Lê Thánh Tôn – Tự Do, qua vài nhà hàng đến tiệm sách Xuân Thu, đến hành lang Eden, trong đó có rạp Ciné Eden từ hồi cựu hoàng Bảo Đại mới lên ngôi. Đến góc đường này là NHẢ HÀNG GIVRAL nằm đối diện với khách sạn Continental, sát bên trụ sở Hạ Nghị Viện (nhà hát lớn TP cũ), nhìn chéo sang phải là KHÁCH SẠN CARAVELLE sinh sau đẻ muộn. Đi quá chút nữa là NHÀ HÀNG BRODARD.

    Ba tiệm cùng nằm trên một con đường rất gần nhau, chỉ cách khoảng trên dưới 100m và gần như có kiểu kinh doanh giống nhau.. Nhưng thật ra, nếu để ý kỹ, khách hàng thường chia làm 3 loại khác nhau. Ở đây tôi chỉ kể riêng về mặt “sinh hoạt văn hóa”.

    NHÀ HẢNG LA PAGODE




    Trước hết phải kể đến nhà hàng La Pagode, tôi cho là “cổ kính” nhất. Ngay từ những năm 1953, khi tôi mới biết taxi là “cái giống gì” (bởi ở miến Bắc hồi đó chưa có taxi), tôi đã biết La Pagode.

    Hồi đó Pagode còn bày hàng ghế salon bọc da ra ngoài hành lang, theo lời ông Nguyên Sa thì nó giống hệt nhiều nhà hàng ở Paris. Ngồi ở đây thoáng đãng. Khách đến thường chỉ dùng một ly cà phê, ngồi từ chiều đến tối mịt.

    Phía trong có một bàn đánh “tin” dành cho khách giải trí chứ không có mục đích cờ bạc kiếm tiền. Ông Hoàng Hải, anh ruột của cố chuẩn tướng Lưu Kim Cương, có thể kể là một “nhà vô địch về môn giải trí này. Chúng tôi chỉ cần mua một chục cái jeton, như đồng xu, bỏ vào khe là chơi triền miên. Cứ sắp hết lại kêu ông ông Hoàng Hải “cứu giá”, bonus lại đổ xuống hàng đống jeton tha hồ chơi.

    Khách hàng của La Pagode hầu hết là nhà văn nhà thơ, nhạc sĩ, ca sĩ. Cứ vào buổi chiều, sau giờ tan sở là tụ tập lại đây. Tất nhiên cũng ngồi thành nhóm. Những ngày đầu tôi thường đi cùng Thanh Nam, Thái Thủy, Hoàng Thư và đến đây thường gặp các anh Nguyên Sa, Trần Thanh Hiệp, Mặc Thu, Cung Trầm Tưởng, Mai Thảo, Phạm Đình Chương, Tạ Quang Khôi, Viên Linh, Nguyễn Đạt Thịnh, Phạm Huấn, Anh Ngọc, Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Nguyễn Đình Toàn… Quá nhiều, tôi không thể nhớ hết. Thật sự cái nhu cầu chính là đến đây gặp nhau, để… nói dóc, “bình loạn” vài cái tin văn nghệ, thời sự chính trị cho vui thôi.

    Cả ba nhà hàng này với những cái “loa ngầm, loa không ai kiểm chứng” nên có thời người ta gọi những tin tức ấy là “radio catinat” (bởi con đường Tự Do, thời Pháp được đặt tên là đường Catinat). Tuy nhiên cũng có những nguồn tin “bí mật quốc gia” rất chính xác bên cạnh những nguồn tin chẳng bao giờ là sự thật. Nó cứ nhập nhằng như thế nên “radio Catinat” chưa chắc đã là “láo toét” như nhiều người kết tội nó.
    Vậy tạm gọi Pagode dành cho giới viết lách gặp nhau, xả stress.


    NHÀ HÀNG GIVRAL




    Givral đông nhất và đáng kể nhất vào mỗi buổi sáng. Phóng viên trẻ thường tụ tập ở nhà hàng này vì nó ở ngay trước trụ sở Hạ Nghị Viện, các ông dân biểu thường ra ngồi giải lao tại đây và “thảo luận” đủ thứ chuyện bên lề. Và chuyện bên lề bao giờ cũng hấp dẫn hơn chuyện trong nghị trường. Chuyện “bí mật quốc gia”, chuyện phe nhóm, “gia nô” và không “gia nô”, chuyện tình bà nghị ông nghị…, cứ nghe mấy ông này là có đủ tin “giật gân” trong ngày. Cánh phóng viên thường bắt mối rất chặt chẽ với các ông bà dân biểu và nghị sĩ thượng hạ nghị viện. Thật ra họ có quyền lợi “hỗ tương”, anh cho tôi tin, báo tôi yểm trợ lập trường của anh.

    Trong số những phóng viên, ngoài người Việt Nam còn có một số phóng viên người Mỹ, Pháp từ khách sạn Continental trước mặt ghé sang.
    Hoặc cũng có một số phóng viên người Việt làm cho các đài truyền hình, truyền thanh nước ngoài săn tin tại đây.

    Có một nhà thơ hàng đầu Việt Nam thời đó là thi sĩ Đinh Hùng, bình thường ông hay ngồi ở La Pagode, nhưng khi “hữu sự” ông lại ngồi ở Givral. Dáng người “thanh thoát” nhỏ nhắn rất thư sinh. Lúc nào ông cũng chải chuốt, complet, cravate, đầu chải mượt gọn gàng, tay luôn xách chiếc cặp da, ông còn giữ nguyên vẻ đỏm dáng, lịch lãm của “công tử Hà Nội” những năm 50. Ông thường hẹn gặp những người ái mộ ở đây.. Tôi để ý thấy hầu hết là những nữ độc giả rất trẻ, đẹp. Khi ông ngồi cùng 3-4 cô, khi ông lại rù rì với một người đẹp duy nhất. Đúng là ông có số đào hoa và dù đã ngoại ngũ tuần nhưng trái tim vẫn còn rất trẻ. Những lúc nhìn ông “say” như thế, tôi có cảm tưởng như ông cũng giống như những cậu trai 20 ngồi bên cô gái 18. Ông sống thật với rung cảm của mình.. Có lẽ vì vậy thơ ông bao giờ cũng mang cái óng mượt, thần thoại rất đặc trưng. Có thể, Givral chính là nơi bắt ngưồn cho những cánh thơ thăng hoa của cảm xúc này. Hôm nay ngồi ở Givral, hình bóng anh Đinh Hùng vẫn quanh quẩn đâu đây.. Nhớ lại, khi tôi viết truyện dài “Đời chưa trang điểm”, tiêu đề này chính là đã mượn trong câu thơ “đời chưa trang điểm mà xuân đã về” của anh. Lúc gặp nhau, anh Đinh Hùng nói với tôi: “Ừ, cái tít ấy có vẻ tiểu thuyết lắm, cứ lấy xài đi, đóng thuế cho tớ một cuốn thôi”. Mới đây mà đã hơn nửa thế kỷ rồi anh Đinh Hùng ơi!


    NHÀ HÀNG BRODARD




    Còn nhà hàng Brodard nằm ở góc Tự Do – Nguyễn Thiệp, nhìn sang bên kia là vũ trường Tự Do của ông Cường lùn và chị “tài pán” Nhựt, bà chị này hành nghề cai quản các em “ca nhe” từ vũ trường Ritz Hà Nội vào Nam. Ở đây lại đông vui vào những buổi sáng muộn và buổi tối khi “gà lên chuồng”. Nơi lui tới của những “dân đi chơi đêm” Sài Thành. Những anh hùng “hảo hớn” như Khê – Thăng Long Xích Thố, anh em ông Kim đầu bạc, Kính tennis, Chương Marine cũng lui tới ngồi tán chuyện giang hồ. Các “đại gia, tiểu gia” thời đó không nhiều, chỉ vỏn vẹn một số ông dược sĩ, tu bíp, doanh nhân có “xế bốn bánh” đủ để chở các em đi ăn đêm. Thỉnh thoảng một vài em vũ nữ, thường là loại có hạng như Lệ Hằng, Thủy Điên, Mỹ Khùng… ở mấy cái vũ trường gần đó như Tự Do, Mỹ Phụng, Olympia cũng la cà vào đây tán dóc.

    Ba nhà hàng ấy là 3 sắc thái riêng biệt làm nên cái trục “văn hóa không tên”, cái linh hồn của Sài Gòn, khó phai mờ trong ký ức của những người Sài Gòn.


    NHÀ HÀNG THANH THẾ *

    Còn một địa chỉ nữa ở gần chợ Bến Thành là nhà hàng THANH THẾ, nơi này là chỗ gặp nhau của những ký giả thể thao như đàn anh Huyền Vũ, Thiệu Võ và một số những nhà báo miền Nam.

    Dù sao cũng xin gửi đến bạn đọc nặng lòng với những hoài niệm cũ, với Sài Gòn xưa, một cái gì đã mất đi không thể tìm lại được./-

    Văn Quang

    * Cậu “quý tử” của nhà hàng Thanh Thế là tay trống trong ban nhạc Bộ Chỉ Huy KT&TV/KQ (chú thích của người post bài)

  • #2
    Tình cờ đọc bài "Chút hoài niệm xưa - Văn Quang", được Thiên Lôi Miệt Dưới post trên HQPD. Trong bài viết có nhắc nhở đến các quán La Pagode, Brodard, Givral,.. Trời San Jose đang âm u như sắp chuyễn mưa (cloudy, overcast), mát mẽ, không nóng nực như Sàigòn năm xưa, nhưng cảnh vật làm Kiwi lâng lâng, thả hồn về những "ngày xưa thân ái" của một thời tuổi trẻ... Bây giờ chỉ mới "hơi hơi già" thôi, mặt mày, tướng tá còn "ngon lành" mà sao lúc này ra đường, hay bị kêu là CHÚ, có khi còn bị kêu là BÁC nữa... thỉnh thoảng mới được kêu là ANH... Bất mãn vô cùng!

    Quán Givral, lúc còn là "teenager", khi Kiwi chưa vào KQ, tui vẫn thường ghé mua bánh, mê nhất là bánh "chantilly", bánh "xịt" đầy chantilly béo ngọt, trên bánh có 3 miếng bánh tròn nhỏ có đường thắng vàng chảy lên, ăn tựa như bánh cam nhỏ. Givral có nhiều lọai bánh khác nhưng tôi vẫn mê bánh này, ăn hoài không chán... (bánh "chantilly" đem về thì được, kem phải ăn tại chổ). "Lò bánh" của Givral trên đường Cách Mạng, là nơi làm ra các loại bánh kem ngọt, pâté chaud, croissant, yaourt (yoghurt), sữa..., sau đó được mang xuống tiệm Givral. Mua tại "lò bánh", giá rẽ hơn mua trong tiệm ở góc đường Tự Do (Catinat) và đường Lê Lợi (Bonard).
    (trước đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm năm 1963, đường Cách Mạng tên là Ngô Đình Khôi... chạy ngang Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH và lên thẳng vô phi trường Tân Sơn Nhất. Chạy ngược lại, qua khỏi cầu Công Lý 'cầu Mặt Má Hồng'? và chùa Vĩnh Nghiêm, đường Cách Mạng thành đường Công Lý, chạy ngang qua trường Couvent des Oiseaux, Marie Curie và Dinh Độc Lập).


    Givral

    Kem trong Givral ngon và rẽ hơn La Pagode và Brodard. Kem Thanh Bạch có nhiều vị, ngon và rẽ nhất và quán có bánh Flan rất ngon nhưng địa điểm và quán ngồi "không sang, không le" bằng ngồi trong những quán kia. Bánh "Baba au Rum" của La Pagoda ngon, mềm ướt với đường thắng vàng ngấm vào bánh với chút rượu Rum. Hai tiệm kia hình như không có loại bánh này.


    La Pagode


    Baba au Rum

    Tui thích nhất Givral, sáng sủa, ít người hút thuốc. La Pagode tiệm hơi tối và có nhiều chính khách "sa lông", nhiều "ông già" ngồi hút thuốc phì phèo, bàn tán, cải lộn chuyện chính trị, thời sự... Brodard hay có những chàng lính chiến, "người hùng" về, bất mãn, thích phá phách... dắt đào vô đó ngồi, hay bị "kênh", có ngày bị uýnh lộn oan.


    Brodard

    Continental, Caravelle thì các "ông lớn", "đại gia" vào bàn chuyện áp phe, chuyện "quan trọng", giá cả quá mắc so với túi tiền của thanh niên, còn "lãnh lương" của "ông bà già".

    Continental
    Caravelle

    Ở góc đường, trong khu Passage Eden, nhìn sang rạp Rex , có một tiệm "delicatessen", bán đủ loại bánh, "jambon", "fromage", "saucisse"... của Tây, tiệm thơm lừng mùi thức ăn ngoại quốc, giá bán khá mắc... nhưng tui hay vào, chỉ mua loại bánh "pain d'épice au miel", như "gingerbread" của Mỹ nhưng ngon hơn, bánh dẽo dẽo, ngọt vừa, hơi đăng đắng "nhẩn nhẩn" của mật ong? Khi tỵ nạn sang Mỹ năm '75, đi supermarket ở Tucson, Arizona, tình cờ tui mua được bánh này, ăn ngon quá nhưng sau đó không tìm thấy nữa. Mấy chục năm qua, tìm cả San Jose cũng không thấy.


    Pain d'épice "au miel"
    Last edited by KiwiTeTua; 04-26-2021, 12:47 AM.

    Comment


    • #3
      ...cầu Công Lý: “cầu Mặt Má Hồng”?

      KiwiTeTua quả là một anh chàng cực kỳ "hảo ngọt", nhưng gọi cầu Công Lý là “cầu Mặt Má Hồng” là thiếu chính xác. Mặc dù tên chính thức là “cầu MacMahon” nhưng người Sài Gòn ngày ấy lại phiên âm thành “cầu Bạc Má Hồng”.

      Khúc sông này gọi là rạch Thị Nghè, một nhánh của sông Sài Gòn, chảy tới đường Trương Minh Giảng của tui thì kêu là kinh Nhiêu Lộc. Con kinh này hấp thụ rác rến (và phân súc vật, phân người) của cả vùng Hòa Hưng, Cống Bà Sếp, Bùi Phát, Trương Minh Giảng... cho nên chảy tới cầu Bạc Má Hồng nước vẫn còn đen kịt, mùi xú uế nồng nặc. Vì thế suốt mười mấy năm trời, tui chưa từng nghe nói có người đẹp má hồng bạc phận nào nhảy từ cầu này xuống tự tử cả. Bởi các cụ đã dạy “Sống cho sạch, chết cho thơm”!

      Lẽ ra, cái tên “cầu Bạc Má Hồng” để gọi cầu Bình Lợi mới phải!


      Cầu MacMahon (Bạc Má Hồng) nhìn về phía Trương Minh Giảng, 1972

      Cầu Bình Lợi trước 1975

      Last edited by Nguyen Huu Thien; 04-27-2021, 08:16 AM.

      Comment


      • #4
        Cầu "Mặt Má Hồng"
        Nàng nhảy cái đùng xuống sông là vĩnh biệt tình anh, nằm thẳng cẳng, còn biết chi “Sống cho sạch, chết cho thơm”! ông Thiên Lôi Miệt Dưới ui!

        Sở dỉ không có cô, bà nào "bờ lông giông" (plonger) cái đùng xuống Cầu Công Lý (Cầu Mặt Má Hồng) là tại cái cầu quá ngắn, lúc nào cũng có xe cộ chạy qua chạy lại nhộn nhịp; hơn nữa từ Tân Sơn Nhất chạy xuống... gần chân cầu lúc nào cũng có mấy chú Cảnh Sát đứng xét giấy tờ, coi có thằng nào trốn quân dịch hay không? Vừa leo lên thành cầu, nhón nhón nhảy là bị chụp cẳng, ôm đem về bót rồi...

        Hơn nữa phía dưới đáy sông toàn bùn đen, nhảy xuống nước chỉ ngập đến rún, thì coi như là đi tắm bùn cho đẹp thêm lên chứ đâu có "die" được.



        Tắm bùn đen cho đẹp...


        (NO! Không đồng ý! dịch từ chử MacMahon bridge phải là cầu "Mặt Má Hồng", chứ không "Bạc Má Hồng"... Có chử B đâu mà Bạc?)

        Cầu Bình Lợi cao, nước sâu, dài thòn lòn đến 6 nhịp (4 nhịp chính trên sông), ban đêm vắng vẽ... lở có cô nào thất tình, buồn đời đen bạc, nhảy cái đùng xuống thì cho tiền cũng hông có cha nội nào dám nhảy xuống cứu... Cứu hông được mà có khi bị "ma da" nó kéo cẳng đi luôn thì buồn lắm...

        Đó là lý do tại sao ngày xưa đọc báo chỉ thấy đăng "... nhảy xuống Cầu Bình Lợi tự tử...", chứ chả bao giờ nghe thấy nhảy xuống Cầu "Mạt Má Hồng" cả.


        Hảo Ngọt
        Từ nhỏ đến giờ, Hảo Ngọt là "nghề" của Kiwi, ai cũng biết (Hảo Ngọt chứ không phải "Hảo Ngọt" nghe; nghĩa thật trắng trợn chứ không có nghĩa bóng, mở ngoặc đóng ngoặc gì hết...).

        Kiwi mà vô tiệm bán chè, tiệm bán bánh kem hay tiệm donuts là người nó bổng trở nên bần thần, mắt hoa cả lên... hông biết mua loại nào, mua mấy cái mới đủ ăn?
        Ố là la...





        Last edited by KiwiTeTua; 04-30-2021, 02:03 AM.

        Comment



        Hội Quán Phi Dũng ©
        Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




        website hit counter

        Working...
        X