Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tản Mạn Ngày 30 Cuối Năm và Tết Nguyên Đán Tân Sửu

Collapse
X

Tản Mạn Ngày 30 Cuối Năm và Tết Nguyên Đán Tân Sửu

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tản Mạn Ngày 30 Cuối Năm và Tết Nguyên Đán Tân Sửu



    Tản Mạn Ngày 30 Cuối Năm và Tết Nguyên Đán Tân Sửu
    .Trương Văn Út (Út bạch lan)

    “Mỗi năm hoa đào nở”
    Lại thấy tôi đã già !
    Tay thợ cày cào phiếm
    Ngoài trời mưa lạnh run



    Trong bốn mùa luân chuyển của đất trời, có lẽ mùa Xuân vẫn là mùa đẹp nhất. Bởi sau những ngày đông âm u lạnh lẽo, những cành cây gồng mình khẳng khiu trụi lá, chuyển mình đổi thay, bắt đầu đâm chồi nảy nụ như vươn sức sống mãnh liệt nhất và cứ tuần hoàn nhịp điệu như thế biến thiên với thời gian bất tận và ở địa cầu này hình thành quy luật tự nhiên: Xuân sanh – Hạ trưởng - Thu liễm - Đông tàn. Mùa xuân là mùa khai hoa nên muôn hoa khoe sắc rực rỡ, cỏ cây vạn vật và đất trời cũng đổi thay dáng mới… Phải chăng vì thế, cứ mỗi độ Xuân về lòng người luôn đầy háo hức và rộn ràng? Xuân về ư, người người như có nhiều hy vọng và niềm tin vào năm mới sẽ tốt đẹp hơn. Nhưng xuân đến cũng khiến những người con xa quê, những người thân yêu xa xứ thêm bồi hồi, mong ước về ngày Tết đoàn tụ... Ai có đi xa rồi mới thấy thấm, thấy nhớ cái hương vị Tết của quê nhà. Mùi thơm ngậy của những chiếc bánh chưng mới vớt ra khỏi nồi, khói còn bay nghi ngút. Mùi của các loại mứt đã được bàn tay khéo léo của Mẹ, của Chị, của Em ngào từ đường mía mật ngọi lịm thanh vướng vít hương vị ở bờ môi chưa nỡ tan phai được làm làm từ trước ngày 28 được mang ra bày cúng Lễ Gia Tiên . Mùi nồng nồng củ hành, củ kiệu muối chua trên mâm cơm với dưa giá, thịt kho trưa ngày 30 cuối năm… Những hương vị giản dị, quen thuộc với mỗi người Việt là nét văn hóa đậm tình gia tộc và mang mang truyền thống đất lề, quê thói thiêng liêng nối tiếp tự ngàn xưa tới giờ … Tết Nguyên Đán hay chỉ một tiếng nói Tết thôi là tôi nghe đâu đó trong tiềm thức có âm thanh tiếng gõ leng keng của những ngày Xuân thơ ấu với biết bao niềm vui rộn rã, hân hoan với tiếng pháo nổ vang đầu ngõ nhà ai còn lan tỏa mùi khói lam quyện trong gió mơn man đầu xuân, cùng những câu chúc phước lành cầu cho năm mới an khang thịnh vượng... Những ngày tháng Giêng rộn ràng ngây ngây như trong mê say đầm ấm, thư thả tâm tình an lạc, hạnh phúc có đôi vợ chồng son trong xóm súng sính áo hoa, khuôn mặt hân hoan nói cười vừa làm đám cưới trong tháng chạp cuối năm … Mùa Xuân, tôi lại chợt nghĩ về tuổi trẻ. Tuổi trẻ của một đời người thì cũng có quy luật tuần hoàn theo thời gian Sinh Lão Bệnh Tử. Thời thơ ấu, thời niên thiếu, thanh niên...rồi lão. Bây giờ là lão, mà lão thì thường sống với quá khứ và hoài niệm thời còn trẻ của mình. Tuổi trẻ của một người chính là quãng đời thanh xuân đẹp nhất, mà ai đã đi qua đều mong ước được quay trở lại ít ra cũng một lần thời gian êm đềm, hạnh phúc ? Bởi đó là quãng đời ta sống với những ước mơ, đam mê và hoài bão. Là quãng đời cho phép ta sống hết mình, sống và cống hiến cao độ đến từng phút giây ngày tháng.
    Nơi đây, hôm nay, những ngày tiết trời vào xuân se lạnh, thỉnh thoảng vài cơn mưa bụi thoáng qua, chỉ để lại lấm tấm từng giọt sầu rơi, không làm ướt đôi vai áo lại khiến cho những người con xa xứ như chúng ta xuyến xao. Ngồi một mình, nhấm nháp ly cà phê nhìn qua khung cửa sổ, những cành đào lung lay dưới cơn gió thoảng qua, năm ba bụi cúc vàng nở muộn co ro trong sương lạnh làm tôi lại nhớ về một thời đã xa. Cái thời chẳng bao giờ còn quay lại được nữa. Cái thời đạp xe đạp từ Bà Chiểu đến Đại Học Khoa Học đường Cộng Hoà, buổi chiều về, chạy dọc theo con đường Duy Tân có hàng lá me bay, tạt ngang Nguyễn Huệ để ngắm những cây mai vàng rực rỡ thấm đượm không khí tết của Sài Gòn ngày xưa. Nay thì chẳng còn... chẳng còn gì như mùa Xuân đã chết trên cội soan già của một lứa với đời lận đận.

    Xuân đang về trên đời tôi lữ thứ
    Hay Xuân về hồn viễn xứ điêu linh
    Không hoa tươi, hoa héo chẳng hoa tình
    Không bánh pháo, một mình nâng ly nhạt

    Đêm nay là đêm giao thừa năm Tân Sửu, ngoảnh mặt nhìn thấy mình như chú cuội ngồi dưới gốc đa chờ trăng lặn tìm lại bóng dáng hằng nga và ước gì Sài Gòn, Đà Lạt ở bên tôi trong lúc này để tôi khỏi tìm hình bóng quê hương trong từng giấc mơ về. Mơ trở về để lang thang trên đường Nguyễn Huệ những ngày trước tết ngắm nhìn những câu đối đỏ mai vàng mà không thấy sao vàng cờ đỏ.

    Xuân đong đưa hay tình xuân tôi lạt
    Mà lòng buồn nhớ bóng dáng ngày xưa
    Chiều hôm nay một chiều của cuối mùa
    Người tri kỷ chả về vui Xuân nhỉ ?

    Năm 1954, dòng sông Bến Hải chia cắt đôi bờ. Năm 1975, Thái Bình Dương tách rời đôi bến, quê hương tôi như vẫn ngàn năm nghỉ mệt mỏi đợi chờ. Xuân đến, Xuân đi trong hững hờ lạc lõng trên đường xa xứ lạ, còn gì đâu là Tết với Xuân …? Xuân năm nay vui ít hơn buồn, khi đã có bao nhiêu thân xác đi theo trận dịch Wuhanvirus và có biết bao nhiêu tâm hồn quí mến đi theo Donald Trump với nỗi buồn bi da diết. Thôi thì :

    Cố hương xa, rưng lòng người lữ thứ
    Cội Mai vàng Xuân cô lữ buồn thiu !

    Tôi xếp lại chồng báo cũ trên kệ sách, nhìn chồng báo Chiến Sĩ Cộng Hòa lại nhớ tới Anh – Em đồng chí vẫn còn đang tất bật với cuộc đời bão nổi trên lộ trình dài về Quê Hương … ! Làm sao tôi quên được vì trong đó cũng có phần tim óc của tôi đóng góp cho tờ Nguyệt San Chiến Sĩ Cộng Hòa này ? Anh Em chúng tôi xuất thân báo chí, văn chương từ “Tổ Nòi Vạn Thắng”, trong đó có các sư huynh Trần Danh Chương vốn là đại úy Phi Công có cao học Văn Khoa và cử nhân Luật, Luật Sư Đỗ Văn Võ, thẩm phán Hoàng Dân Bình, trung tá Nam Giang Nguyễn Văn Bang với bạn là nhà văn Nguyễn Đức Lập, đại úy nhà văn Ngô Thiện Cơ, cử nhân Văn Khoa Bành Quang, và cây viết Trịnh Khải Hoàng, Cao Văn Tập, Nguyễn Thiên Khôi, Nguyễn Đ Hùng… Chúng tôi là những cây viết Chính Trị - Văn Hóa của báo Vạn Thắng và Vạn Thắng Thư Cục xuất bản năm 1985 - 1991 cho tới 1995 thì đình bản …
    Vào tháng 3 năm 2009, bà Hoàng Dược Thảo chủ nhân và là chủ nhiệm kiêm chủ bút cơ sở báo Saigonnhỏ, mời Trịnh Khải Hoàng về giao cho thực hiện tờ Nguyệt San Chiến Sĩ Cộng Hòa với ý hướng mới đặc nặng yếu tố Văn Hóa – Chính Trị riêng cho giới H.O và thân nhân định cư tại hải ngoại, chứ không chỉ hoài niệm và gói ghém trong khuôn khổ và quá trình chiến đấu với “đơn vị cũ, chiến trường xưa” và đặc biệt giữ thêm cho tờ báo có giá trị làm tài liệu là “Nền Văn Chương Người Việt Tự Do Hải Ngoại” và là “Lịch Sử Ngàn Người Viết” nên báo Chiến Sĩ Cộng Hòa không nhận đăng và tài trợ cho quảng cáo cơ sở và dịch vụ thương mãi, duy nhất chỉ có trang giới thiệu sơ sở in ấn hệ thống báo Saigonnho, Tân Văn , Chiến Sĩ Cộng Hòa mà thôi. Bà Hoàng Dược Thảo làm chủ nhiệm và cơ sở hệ thống Saigonnho đều hành nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa. Cựu đại úy Đặng Văn Thạnh của nhà sách Tú Quỳnh hay tin đem tới tặng 100 số báo Chiến Sĩ Cộng Hòa của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa xuất bản trước 1975.

    Trịnh Khải Hoàng làm chủ bút chỉ đề danh Ban Chủ Biên Nguyệt San Chiến Sĩ Cộng Hòa và tổ chức từ Design hình thức Logo với cựu trung úy Hà Việt Hùng giáo sư trường Thiếu Sinh Quân Quốc Gia (Vũng Tàu), nhà báo Việt Thường đóng góp ý tưởng, chị Mỹ Loan yểm trợ, luật sư Đỗ Văn Võ yểm trợ bài vở. Đặc biệt các Anh – Em bằng hữu với Trịnh Khải Hoàng mỗi người chung sức đóng góp ít nhiều tiền cho tờ báo xuất bản, mặc dù bà Hoàng Dược Thảo đã có đủ số tiền dự chi cho tờ báo. Đã viết thì phải viết cho rõ những người có lòng hảo tâm tới báo Chiến Sĩ Cộng Hòa như cụ Lê Tư Vinh tặng cho 1000 $ dollar, cựu đại tá Trần Lý chỉ huy phó Trung Tâm 3 Huấn Luyện Quang Trung bay về tòa soạn tặng cho 600 $ dollar và đãi toàn thể nhân viên báo Chiến Sĩ Cộng Hòa bữa tiệc xuất bản số phát hành đầu tiên, cựu đại tá Hà Mai Việt bay từ Houston – Texas tới tòa soạn để gặp mặt người chủ bút trẻ tuổi rất cảm động ! Số báo ra mắt đầu tiên có đủ tài chánh chi phí mà không cần dùng tới tiền của cơ sở Saigonnhỏ. Nhiều anh em, bạn bè trong nhóm Vạn Thắng đóng góp công sức quảng bá báo Chiến Sĩ Cộng Hòa đi khắp nơi có cộng đồng Việt. Anh em Không Quân trong nhóm Hội Quán Phi Dũng như văn thi sĩ Yên Sơn, Thùy Dương đăng bài viết hổ trợ nhiệt tình. Không kém phần quan trọng là từ số 1 xuất bản vào tháng 6 năm 2009 thì những nhà báo, nhà văn như Thế Huy, Tiểu Tử , Phan Văn Song, Tiến Sĩ Trần tại Pháp, nhà báo Nguyễn Đức Chung của Hồn Việt UK, Kim Âu Hà Văn Sơn của báo Chính Nghĩa hết lòng giúp tới tay độc giả và làm đại diện và phát hành báo Chiến Sĩ Cộng Hòa vô vị lợi… Mỗi số báo từ số 1 cho tới số 7 có chủ đề riêng và nội dung đề cập tới từng chủ để vận hành liên quan tới nhau như xâu chuỗi diễn tiến. Tôi và những bằng hữu trong giới nhà binh cầm bút khá bận rộn với tờ báo Chiến Sĩ Cộng Hòa này cho tới số thứ 7 thì Trịnh Khải Hoàng giao lại tờ báo cho bà Hoàng Dược Thảo và từ sau đó thì báo mới có danh tánh người chủ bút mới là ông Trần Trọng Bảo… Sau khi bà Hoàng Dược Thảo bị tòa xử thua kiện thì cơ sở báo Saigonnhỏ và Chiến Sĩ Cộng Hòa bị báo Người Việt tịch thu, từ đó báo Saigonnhỏ và Chiến Sĩ Cộng Hòa vẫn còn phát hành, cho tới hiện nay, nhưng thuộc về báo Người Việt vốn có danh là báo “Người Vẹm” tại khu Bolsa. Riêng tôi vẫn còn giữ Chiến Sĩ Cộng Hòa Googlegroups cho tới nay.
    Những tưởng mình sẽ thôi không viết nữa vì viết lách không phải là thứ tìm công danh quá mùa danh lợi và là thứ “lập công danh tối hạ thị văn chương” ! Nhưng rồi bạn bè phụ trách các trang báo cứ yêu cầu và hối thúc … Tôi lại phải cào bàn phiếm tiếp tục như một duyên nghiệp “tay trái” ! Bây giờ lại có thêm “con bé” Jane Bomb rất cương nghị, cứng đầu trong nhóm Việt Nữ Hoa Tự Do muốn “vung đao chém cá tràng kình ở biển đông” tuyên chiến với bọn Hán Thất Pắc Pó, lại nữa thân sinh của nhóm “tứ nữ cường nhân cốc” này cũng là huynh trưởng trong trường mẹ Võ Bị Quốc Gia nên tôi tiếp tục cào phiếm viết tiếp với bao chuyện khúc nôi trên trời, dưới đất … Âu cũng là duyên nghiệp lỡ thời vận.

    Khai Bút Đầu Năm

    Hàng năm cứ mỗi độ xuân về, năm hết, tết đến, không phải riêng Houston Texas thành phố tôi đang ở, mà hầu hết bất cứ nơi nào có người Việt Quốc Gia tỵ nạn Cộng Sản đều có tổ chức hội chợ Tết ở chùa, nhà thờ, cộng đồng địa phương và nhất là các hội đoàn ái hữu, quân đội, tất niên rồi tân niên liên tục hàng tuần từ đầu tháng hai đến cuối tháng ba. Bạn bè đồng hương , đồng nghiệp, đồng ngũ gặp nhau trong những dịp này, thường mời bia hay rượu cùng chén thù, chén tạc đôi khi rượu gợi nhớ về thời vàng son xuân sắc, quên tất cả buồn phiền đời sống vây quanh, lúc say quên hết những thực tế phũ phàng đi vào giấc mộng dễ dàng và êm ả, nhưng đôi khi quá chén bị bà xã phiền hà thì phải cầu cứu thi sĩ Tản Đà:

    Say sưa nghĩ cũng hư đời
    Hư thì hư vậy say thời cứ say
    Đất say đất cũng lăn quay
    Trời say mặt cũng cũng đỏ gay ai cười ?
    (Tản Đà)

    Nhiều khi quá chén vì "tửu bất khả ép, ép bất khả từ" nên "tửu nhập ngôn xuất" bị vợ nhéo đùi trách:

    Ở đời chẳng biết sợ ai
    Sợ thằng say rượu nói dai tối ngày

    Bị nhéo đùi, cấu xé nhiều rồi bèn cười ruồi phân bua cầu hòa nịnh vợ:

    Vua Ngô ba mươi sáu tn vàng
    Chết xuống âm phủ có mang được gì
    Vua Chổm uống rượu li bì
    Thác xuống âm phủ khác gì vua Ngô !

    Con chuột 2020 đã ra đi để lại bao nhiêu tang tóc phiền muộn cho con trâu mang cái kiếp sáu khổ, cày bừa suốt ngày, đêm về còn phải ăn đứng, ngủ đứng. Năm 2020 là năm Canh Tý, đã Tý mà còn can Canh nữa thì không khổ sao được. Canh là canh cô mồ quả, chỉ sống một mình, ai ai cũng ghê sợ xa lánh, thậm chí còn đi mua thuốc về để diệt cho tuyệt nòi chuột nữa. Tý là chuột, là một trong 12 con giáp đứng đầu trong sổ phong thần của Thập Nhị Địa Chi. Theo truyền thuyết dân gian, chuột ma mãnh, láu cá… khi lội qua sông chầu Ngọc Hoàng, sợ nước nên năn nỉ trâu cho đứng ở trên đầu, khi gần bờ thì nhảy phóc lên trước nên đứng đầu sổ. Loài chuột chẳng hữu ích gì mà trở thành kẻ thù của con người. Sống thì phá hoại mùa màng, nhà cửa… còn gây ra mối họa gieo rắc rất nhiều những căn bệnh truyền nhiễm cho con người. Người ta ước tính chuột có thể gây nên khoảng 35 căn bệnh khác nhau do virus từ chuột, trong đó nguy hiểm nhất là bệnh dịch hạch.
    Năm Canh Tý 2020 không xảy ra bệnh dịch hạch do chuột gây ra mà bởi con Covid-19 có cái tên nghe cũng thấy thèm thèm "Corona", nó khởi hành từ Wuhan của ba Tàu rồi từ đó nó đi chu du khắp thế giới gieo rắc nỗi kinh hoàng chết chóc cho muôn triệu người… ! Trong lịch sử nhân loại, chưa có bệnh dịch nào nguy hiểm, lây lan nhanh chóng và đe dọa mạng sống trầm trọng như vậy. Ngoài tên gọi Covid-19 còn có những tên gọi khác cũng gây tranh cãi như Wuhanvirus, Chinavirus, Chinese virus trên chính trường. Ở Mỹ lại càng xôn xao đỗ lỗi cho nhau dịch bệnh, vì đó cũng là đề tài cho thời điểm tranh cử tổng thống. Tháng 3/2020 bệnh dịch hoành hành, nhiều giới chức tiểu bang, địa phương ban bố tình trạng “Lockdown”, “Stay at home, Shelter in place, Safer at home”… cô lập ở nhà đơn phương của năm ba tiểu bang Dân Chủ cũng gây tranh cãi với chính quyền liên bang. Nhà hàng, tiệm nail, hớt tóc, quán cà phê, vũ trường bị đóng cửa, đường phố vắng tanh. Rồi chuyện tranh cãi về khẩu trang bị Trung Cộng phỗng tay trên thu mua trước nên thiếu hụt trầm trọng, quan trọng nhất ở bệnh viện, bác sĩ, nhân viên y tế chữa trị cho bệnh nhân, chuyện cạnh tranh bào chế thuốc chích ngừa, chuyện ông bác sĩ “Phắc Xì hay Phao Xì” Fauci tuyên bố đầu voi đuôi chuột, chuyện bà Bể Lỗ Xì luận tội ông Trump không có trách nhiệm bổn phận tích cực lo cho dân Mỹ vì bệnh dịch “Cô Vít” thể như bà là bà nội, bà ngoại của hơn ba trăm triệu dân Mỹ vậy. Ôi cảm động quá muốn chữi thề !
    Năm Canh Tý là năm toàn dân Mỹ ăn tả pí lù đủ 12 tháng, bị bịt miệng, trói chân trói tay, bị đốt nhà, phá cửa hàng, đập xe và nhất là chết phải xếp hàng chờ nhà quàn cho appointment mới có vé vào lò holocaust, xã hội loạn xà ngầu!
    Đã bị "Lockdown và Stay At Home" thì còn tiệc với tùng cái gì nữa, hội chợ, họp hành tất niên, tân niên năm Tân Sửu bị dẹp ráo, mọi người chạy đôn, chạy đáo đi tìm chỗ chích ngừa “Cô Vít” càng sớm càng tốt. Nghe nói có người phải chờ năm sáu tiếng đồng hồ mới tới lượt mình. Chích xong về gọi điện thoại khoe rằng tôi đã chích ngừa rồi, vài ngày sau nghe tin qua đời vì bị tai biến mạch máu não! Phán quan của Diêm Vương đã có danh sách tới ngày giờ là gọi tên ai thì người đó tự động đi chầu, Ngọc Hoàng thì có Thái Thượng Lão Ông cầm sẵn sổ Thiên Tào điểm tới tên ai thì người đó phải bay liền mắc mớ chi phải sợ “Cô Vít” made in China này. Sở dĩ Diêm Vương chưa gọi tên Xạo Sự tôi, Ngọc Hoàng cũng quên call name, cho nên tôi chẳng có gì mà sợ hãi con “Cô Vít” đến cuống cuồng như vậy. Cô Vít ba Tàu sợ tôi thấy mẹ, vì trong máu của tôi toàn là Cô Nhắc (XO Cognac) .

    Rượu thơ mình lại với mình
    Khi say quên cả tấm tình phù du

    Chỉ có hơi buồn buồn vì thiếu vắng bằng hữu huynh đệ chi binh trong những ngày cuối năm mà rượu ngon không có bạn hiền, thịt mỡ dưa hành với câu đối đỏ mà không có những ông đồ gàn tri âm tri kỷ của tôi đến xông nhà ngày mùng một tết để "tửu nhập ngôn xuất" để rộn ràng nhà cửa.

    Say thời say nghĩa say tình
    Say chi chén rượu mà mình nói say
    Hoặc
    Rượu nào rượu lại say người
    Bớ người say rượu, chớ cười rượu say .

    Nhà thơ núi Tản, sông Đà sống cuộc đời "say sưa nghĩ cũng hư đời" nhưng thi nhân mượn thơ và rượu thoát khỏi thực tế chua chát, đắng cay :

    Rượu thơ mình lại với mình
    Khi say quên cả tấm hình phù du

    “Người Việt Nam Ta” có một lễ tục lâu đời là "Tống Ôn-Tống Gió". Lễ tống ôn - tống gió được tổ chức không đồng nhất giữa các địa phương. Có nơi chọn ngày 15, 16 tháng Giêng Âm lịch, có nơi tổ chức vào ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch, hoặc 15 tháng 7 Âm lịch, nhưng đa số chọn ngày 19 tháng Giêng Âm lịch. Giờ giấc cúng ở mỗi địa phương cũng khác nhau. Có nơi chọn đêm khuya, có nơi chọn giờ Ngọ (12g trưa), có nơi lại chọn 6 giờ chiều… Dù chọn giờ nào, ngày nào thì Lễ tống ôn - tống gió cũng phải gắn với các nơi thờ tự như chùa, miễu… Mục đích của lễ tục này là cầu bình an cho gia đình, xóm làng, tống khứ những gì xui rủi để mong đón nhận những điều tốt lành trong thời gian tới. Theo nghĩa đen của từ này thì tống là tiễn đi, xua đi, ôn là dịch bệnh, gió ở đây là gió độc gây bệnh cho con người, dân miền Nam thường dùng cụm từ “trúng gió”. Lễ tục này có từ những buổi đầu khai hoang mở cõi, khi mới bắt đầu định hình chợ búa xóm làng. Lúc bấy giờ, sơn lam, chướng khí còn nhiều, ao tù nước đọng, muỗi mòng, rắn rết khắp nơi, những bệnh thông thường cũng có thể gây tử vong cho con người. Chẳng những vậy, có những bệnh còn lây truyền sang nhiều người, dẫn đến những trận đại dịch. Bất lực trước hoàn cảnh, họ cho rằng những bệnh tật đó là do ma quỷ, do những người “khuất mặt khuất mày” gây ra nên làm lễ cúng cầu các vị ấy, mong cuộc sống bình an đến với gia đình mình, làng xóm mình.

    Khai bút đầu năm nay, xạo sự tôi cũng theo lễ tục "Tống Ôn-Tống Gió" của dân mình nhưng thay vì cắt bẹ chuối làm thuyền tống tiễn bằng đường sông rạch, chuẩn bị phẩm vật cúng thần thả trôi sông sau ba ngày cúng bái ở đình làng, thì tôi gói ghém tất cả những bát nháo nhiễu nhương của năm Canh Tý bỏ vào một cái va li đem ra bưu điện gửi express mail cho đảng Dân Chủ Mỹ với câu niệm phật:

    Dốc hết tình này ta trả cho người
    Dốc hết tình này ta trả cho đời
    Trả hết tình ta cho gió Kamala và ôn Bí Đần.


    Xong trở về nhà khui chai Cordon Bleu nhấm nháp với giò thủ, thịt đông dưa chua, và một tô giò heo giả cầy cho quên chuyện phải gió, ôn dịch.

    Rượu ngon bởi vị men nồng
    Người khôn bởi vị giống nòi mới khôn

    Xin thân kính chuyển bài thơ mới nhất của Song Thy (Van Bach Lan) để thay lời kết:

    Xuân Về... Tết Đến
    Bánh mứt, trà thơm đầy hương vị
    Mai vàng nở thắm khắp nơi nơi
    Xuân về Tết đến lòng mãi nhớ
    Tết cũ, Xuân xưa có còn đâu!?

    Ừ nhỉ! Sao lòng còn náo nức
    Tiếng pháo giao thừa vọng âm vang
    Rộn ràng lời chúc ngày Mồng Một
    Tay bắt mặt mừng sáng Mồng Hai

    Tân Sửu trâu cày ruộng nông sâu
    Lúa non lo lắng lả ngọn sầu
    Bao giờ đuổi được “nàng Cô vít”
    Giao thừa ta đón đủ sắc màu

    Lúc ấy chắc là đông vui lắm!
    Làng trên xóm dưới cũng râm ran
    Biết vậy nên mở lòng đón đợi
    Ngày dịch “co ro” bị dẹp tan

    Lúc ấy mùa nào cũng là Xuân
    Ngày nào cũng Tết cũng tưng bừng
    Ta đi thăm lại hàng quán cũ
    Nối nhịp vòng tay cùng ca vang

    Tết ...Tết... sẽ vui cùng hy vọng
    Ta lại chúc nhau vạn phước phần
    Giao thừa nhớ tặng bình an mãi
    Tết đến vui thêm hạnh lợi nhiều.
    (Song Thy)

    Thân Kính Chúc Quí Vị Ngày Mùng Một Tết Ngập Tràn Niềm Hy Vọng Mới.
    Út Bạch Lan.




Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X