Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tản mạn ngày Tết năm xưa

Collapse
X

Tản mạn ngày Tết năm xưa

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tản mạn ngày Tết năm xưa

    Tản mạn ngày Tết năm xưa.


    Quân Nguyễn


    Hồi nhỏ, mỗi khi đến tết là bọn trẻ chúng tôi hay học thuộc lòng mấy câu mừng tuổi người lớn. Gặp những người già ngang hàng với ông bà mình thì có câu mừng tuổi dành cho người già, gặp những người ngang hàng với ba má mình thì có câu khác, cỡ tuổi ngang với anh chị mình thì cũng có câu khác. Phong tục mừng tuổi đầu năm là một nét đẹp của văn hoá Việt Nam, nó thể hiện lòng biết ơn, sự trân trọng và lòng quý mến của mình đối với ông bà, cha mẹ, cô dì chú bác, hàng xóm láng giềng qua những lời chúc vạn sự tốt đẹp trong ngày đầu năm mới. Sau khi mừng tuổi sẽ nhận được tiền lì xì trong bao đỏ. Mừng tuổi và lì xì thường đi đôi với nhau, phong tục này đã có từ xưa, có điều không biết mừng tuổi có trước hay lì xì có trước ? Mừng tuổi để được lì xì hay lì xì để được mừng tuồi ?

    Đa phần người Việt mình tính tình hào phóng, gặp con cháu trong mấy ngày tết, thích được chúng xếp hàng mừng tuổi, rồi lì xì cho chúng vui vẻ, còn mình sẽ được may may mắn suốt năm nhờ mấy lời chúc.

    Ngày đó xóm tôi có ông Ba làm nghề bán báo dạo, ai cũng gọi ông là ông Ba bán báo. Ông Ba ốm nhom còn bị lảng tai, tôi còn nhớ ông hay mặc cái quần lính cắt ngắn tới đầu gối giơ hai cái ống quyển ốm như hai cây tre. Mỗi sáng, ông ôm một chồng báo đủ các tờ Tia Sáng, Bút Thép, Đuốc Nhà Nam, Chính Luận, Sóng Thần, Trắng Đen, và vài tờ báo bằng tiếng Anh, tiếng Pháp...rảo khắp xóm bán cho những mối quen, số còn lại ông mang đi bán lòng vòng các tiệm cà phê, tiệm ăn rồi ra chợ bán cho mấy người đi chợ. Có hôm ông Ba ghé nhà tôi bán tờ báo rồi xin miếng nước trà ngồi uống nghỉ mệt, móc tiền trong túi ra đếm. Tiền giấy ông xếp ngay ngắn bỏ vào một cái túi vải dù có sợi dây thắt cái miệng lại rồi cột vào lưng quần. Tiền cắc thì ông bỏ vào một cái bịch ni lông rồi quấn sợi dây thun.

    Mấy ngày tết, các tờ báo nghỉ ăn tết, ông Ba cũng nghỉ. Ông sống một mình không vợ con trong một căn nhà nhỏ nằm trong một con hẽm xóm tôi. Ngày mùng Hai tết ông bắt đầu đi chúc tết những nhà trong xóm. Khi đi chúc tết, ông viết câu chúc theo kiểu thư pháp trên một tờ giấy màu hồng cỡ bằng tấm bìa lịch block treo tường mang đến tặng cho hàng xóm. Chữ ông Ba viết rất đẹp, mỗi năm ông viết một câu chúc khác nhau, câu mà tôi còn nhớ là “Cung chúc tân xuân, trường thọ, lộc đầy nhà”. Xóm tôi ai cũng thương ông Ba vì ông hiền lành và lương thiện, cho nên khi ông đến nhà nào chúc tết cũng nhận được bao lì xì, thêm đòn bánh tét hoặc gói trà bánh ú. Sau khi chúc tết hàng xóm xong, ông Ba kêu hết mấy đứa nhỏ trong xóm lại lì xì lại cho mỗi đứa năm đồng tiền cắc (năm đồng thời đó mua được một phong pháo chuột). Đứa nào khoanh tay mừng tuổi ông, ông rất vui rồi chúc lại : “học giỏi nhen con”. Đứa nào chưa biết mừng tuổi, ông vẫn lì xì cho năm đồng.

    Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, không ai nhìn thấy ông Ba bán báo nữa, không biết ông đã trôi dạt phương nào trong những ngày tản cư loạn lạc. Căn nhà nhỏ của ông đóng cửa im ỉm. Những người lớn trong xóm cũng không biết ông Ba ở đâu, người nói ông lên Sài Gòn, người thì nói ông đi theo người ta xuống tàu hải quân đi Mỹ ở Rạch Dừa. Vài năm sau, qua lời kể của một người phụ nữ bán chè gánh ở xóm dưới, mọi người trong xóm tôi mới biết ông Ba sẽ không bao giờ trở về..

    Chị kể vào buổi chiều định mệnh cuối tháng Tư năm 75, chị đang trên đường đi bán trở về nhà thì những quả đạn pháo kích bắt đầu rót xuống Bà Rịa như mưa. Mọi người hoảng loạn kéo nhau chạy ra hướng Vũng Tàu tránh đạn. Chị cũng hòa theo dòng người, khi chạy băng ngang qua một cánh đồng gần chợ mới, chị bị té sụp xuống một cái lỗ và không thể đứng lên được nữa. Ông Ba chạy ngang nhìn thấy chị đang nằm trên bờ ruộng, ông dừng lại đỡ chị đứng lên nhưng một chân của chị đã bị gãy, không thể cử động. Ông quyết định cõng chị trên lưng rồi theo dòng người ra hướng cầu Cỏ Mây để qua Vũng Tàu. Chạy khoảng hơn cây số, ông bị kiệt sức ngã quỵ xuống lề đường ngất đi, chị cố lết ra giữa đường và đã được một chiếc xe tải dừng lại cứu lên, lúc đó chị gần như ngất đi vì quá đau đớn. Trong cơn hoảng loạn của đạn pháo kích dồn dập phía sau, chiếc xe tải đành phải vội vã lăn bánh, bỏ lại ông Ba nằm bên lề đường mặc cho chị van xin họ hãy dừng lại cứu ông Ba. Khi chiếc xe lăn bánh được khoảng trăm mét, một quả đạn pháo kích đã rơi ngay phía sau, đúng nơi ông Ba đang nằm, có vài người chạy nạn đã ngã gục xuống sau tiếng nổ kinh hoàng ấy. Chị bàng hoàng không tin vào mắt mình khi nhìn thấy cảnh tượng đó. Chị vừa thoát chết trong gang tấc, còn người đàn ông đã cứu vớt chị trên lưng, chính là ông Ba bán báo, đang ở trong vùng lửa khói đó...Cảnh tượng hãi hùng này đã trở thành một nỗi ám ảnh triền miên trong tâm trí chị đến nỗi chị không dám tin đó là sự thật. Suốt mấy năm liền chị vẫn ngóng trông, chờ đợi ông Ba sẽ trở về để chị có thể đền ơn ông đã cứu chị, nhưng ông vẫn bật âm vô tín. Chị đành âm thầm lẻn vào nhà ông Ba bán báo lục lọi tìm được một tấm ảnh của ông về đặt trên bàn thờ cùng với cha mẹ của chị. Mỗi ngày chị đều cúng cho ông Ba một chén chè đậu đen nước dừa trước khi gánh chè ra đường đi bán.

    Câu chuyện của chị bán chè về ông Ba bán báo đã làm cho mọi người trong xóm tôi thật xúc động. Ông Ba thật lương thiện, cho đến giây phút cuối cùng, ông vẫn dành tặng cho đời một hành động thiện lương. Chị bán chè gánh đã nợ ông Ba bán báo một ân tình. Còn tôi và những đứa bạn hàng xóm của tôi đã nợ ông Ba bán báo những đồng bạc lì xì tình nghĩa. Những món nợ mà không ai có thể trả lại cho ông Ba ở kiếp này.

    Những cái tết sau đó, trẻ con xóm tôi không còn nhộn nhịp kéo nhau đi mừng tuổi để được lì xì như ngày trước nữa. Không khí ngày Tết trở nên trầm lặng hơn, nhiều gia đình phải bỏ làng xóm đi ra vùng kinh tế mới xa xôi, nhiều anh chị hay lì xì cho bọn trẻ xóm tôi đã phải rời xa quê hương trên những chiếc thuyền mong manh...Nồi thịt kho ngày tết chỉ còn đủ ăn trong ngày mùng Một Tết...

    Những ngày tết vui vẻ, hiền hoà, chứa chan tình cảm ở xóm tôi trước năm 1975 và hình ảnh ông Ba bán báo hay lì xì cho trẻ con đã trở thành một ký ức khó quên trong lòng tôi. Mỗi khi khi Tết đến, ký ức ấy lại ùa về khiến cho tôi muốn viết ra những dòng tản mạn này.


    ***

    Cho tôi xin lại một ngày, ở nơi nơi thành phố cũ.
    Cho tôi xin lại một đời, một đời sống với quê hương.
    Cho tôi đi lại đoạn đường, hàng cây vương dài bóng mát.
    Cho tôi an phận ngàn đời, bên bờ đê vắng làng tôi...





    Virginia, Rằm tháng Chạp, năm Canh Tý.
    Quân Nguyễn


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X