Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Xin Còn Gọi Tên Nhau (Chút hương thắp niệm Lệ Thu)

Collapse
X

Xin Còn Gọi Tên Nhau (Chút hương thắp niệm Lệ Thu)

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Xin Còn Gọi Tên Nhau (Chút hương thắp niệm Lệ Thu)

    Trịnh Cung: Xin Còn Gọi Tên Nhau (Chút hương thắp niệm Lệ Thu)




    (Hình: Nguyễn Lập Hậu)
    Có lẽ, Lệ Thu là giọng hát tôi yêu thích nhất trong những giọng ca nữ Việt Nam được đánh giá hàng đầu Việt Nam.


    Tôi đã nghe Lệ Thu hát từ khi giọng oanh vàng này tuổi chỉ mới 20 tại khiêu vũ trường Tự Do từ năm 1962.


    Lúc đó, Lệ Thu hát gây ấn tượng nhất không phải là những ca khúc Việt Nam như của Đoàn Chuẩn, Phạm Duy hay Cung Tiến mà là một ca khúc kinh điển của Schubert, bản Serenade do Phạm Duy chuyển sang lời Việt:


    ...”Thoáng hương trong chiều rơi
    Chiều nay hát cho xanh câu yêu đời
    Cho người thôi khóc thương ai
    Cho niềm yêu đến bên tôi”
    (Dạ Khúc)




    Cứ mỗi lần ca khúc này được Lệ Thu cất lên mỗi đêm ở Tự Do, vũ trường này như hoá thân thành một thính phòng thanh nhã và quí phái trong nhạc điệu boston lãng mạn như những đường bay của tơ lụa. Ca khúc kinh điển này của Franz Schubert, một nhà soạn nhạc bậc thầy thuộc nước Áo với lời Việt Phạm Duy như chỉ dành riêng cho Lệ Thu của Sài Gòn vì cho đến hôm nay, đã nửa thế kỷ, các nữ danh ca Việt Nam, chưa có ai làm lu mờ được giọng hát Lệ Thu và cũng chỉ chừng đó thôi Lệ Thu đã trở thành ngôi sao sáng của khung trời nhạc Việt ngay từ những năm đầu Lệ Thu bước chân vào các sân khấu âm nhạc Sài Gòn.


    Và cũng chính giọng ca thiên phú đầy truyền cảm của mình, Lệ Thu, ngay sau đó đã đặt thêm dấu ấn Lệ Thu khi hát hai ca khúc cũng mang đậm chất nhạc kinh điển được viết bởi Cung Tiến là Hoài Cảm và Hương Xưa. Và cho đến nay, cũng không có danh ca nữ Việt Nam nào hát nhạc Cung Tiến thành công hơn Lệ Thu. Với Hoài Cảm, khi chúng ta nghe Lệ Thu cất lên:


    ...” Lòng cuồng điên vì nhớ
    Ôi đâu người, đâu ân tình cũ?
    Chờ hoài nhau trong mơ
    Nhưng có bao giờ thấy nhau lần nữa


    Một mùa thu xa vắng
    Như mơ hồ về trong đêm tối
    Cố nhân xa rồi, có ai về lối xưa ?”


    Thì tâm hồn chúng ta không thể không đẫm lệ.


    Tất nhiên, những người đã nghe Lệ Thu đều vẫn biết chị hát rất đặc sắc những ca khúc trữ tình của nhiều nhạc sĩ lỗi lạc khác như Phạm Duy, Đặng Thế Phong, Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Tô Vũ, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Ngô Thuỵ Miên, Vũ Thành An,... nhưng sau Cung Tiến, Lệ Thu không thuộc về ca khúc của bất kỳ ai, ngay cả Phạm Duy, nhạc sĩ vĩ đại nhất của nền tân nhạc Việt Nam, đã rất ngưỡng mộ giọng ca Lệ Thu và ông đã công khai cho biết trong một chương trình dành riêng cho Lệ Thu ở Mỹ, “Nước Mắt Mùa Thu” là ca khúc ông viết riêng cho Lệ Thu.


    ...”Nước mắt mùa thu khóc ai trong chiều
    Hàng cây trút lá nghĩa trang đìu hiu
    Từng chiếc từng chiếc lệ khô vàng héo
    Buồn thương từng kiếp nằm trong mộ réo tên người đời quên”


    Thế nhưng, Lệ Thu, không ngờ con thuyền chở bao nắng mưa, sương khói đi qua nhiều bến đỗ khác từ sau Cung Tiến, không dừng lại ở đâu được lâu, có phải vì đời ban cho nàng một uy quyền đầy kiêu hãnh hay định mệnh còn phiêu lãng trên dòng trường giang âm nhạc Việt?


    Thế nhưng, có một lương duyên đến muộn với giọng hát cao số yêu quí của chúng ta, chàng hải hồ đến từ biển khơi, nhạc sĩ Trường Sa.


    Các ca khúc Xin Còn Gọi Tên Nhau, Rồi Mai Tôi Đưa Em, Một Mai Em Đi,.. xuất hiện vào những thập niên 70, Trường Sa như một tia sét làm rụng tim người nghe nhạc vốn đang bão hoà trong một khu vườn tình khúc tưởng như đã an bài, không có chỗ cho những “người lính mới” khi Lệ Thu cất lên giọng nữ thánh của mình trong “Xin Hãy Còn Gọi Tên Nhau”:


    “Tiếng hát bay trên hàng phố bâng khuâng
    Chiều đong đưa những bước chân đau mòn
    Chợt nghe mùa thu bay trên trời không
    Còn ai giữa mênh mông đời mình”


    Đúng là Trường Sa, chàng nhạc sĩ mặc áo thuỷ thủ, đã viết ca khúc này cho một tiếng hát không chỉ làm cho Trường Sa phải bâng khuâng mà còn làm cho cả những hàng phố Sài Gòn bâng khuâng, tiếng hát đó không ai khác hơn là Lệ Thu.


    Với “Rồi Mai Tôi Đưa Em”, anh chàng thuỷ thủ trở lại thành phố, nơi tình yêu để lại:


    ...” Còn đây không gian xưa quen gót lầy
    Bên hè phố cây lá thưa chim đã bay
    Ngồi nghe yêu thương đi qua tầm tay
    Giữa tiếng ru trầm vào cơn mê này”


    Và lại “Mùa Thu Trong Mưa”, cũng một tình khúc nữa chỉ vì Thu ?


    “Chiều mưa không có em
    Bờ đá công viên âm thầm
    Chiều mưa không có em
    Giăng mắc mây không buồn trôi


    Gọi mùa Thu lãng quên
    Vào tiếng mưa rơi êm đềm
    Trời còn mưa ướt thêm
    Cho dài ngày tháng không tên”


    Và còn nhiều ca khúc khác của Trường Sa, tất cả mang âm hưởng lãng mạn của những nuối tiếc và lẻ loi, ngôn ngữ đẹp chân thành và đầy cảm xúc, âm nhạc Trường Sa đi giữa kinh điển và đại chúng nên tạo ra một thứ thẩm mỹ âm nhạc dễ chiếm một sự ngưỡng mộ rộng lớn và lâu dài, nhất là những ca khúc ấy lại rất hoà điệu với giọng ca Lệ Thu mà Khánh Ly gọi là vàng 10.


    Tiếng hát ấy, hôm nay, đang bay trên hàng phố của Little Sài Gòn hay trên những thành phố ở Việt Nam, bay qua những khung trời, bất cứ ở đâu có người Việt đang ngồi nghe Lệ Thu hát mà lòng họ tràn đầy thương tiếc.


    Cám ơn Lệ Thu. Cám ơn giọng hát đẹp vĩnh hằng.


    Lệ Thu đi bình an nhé.


    Bolsa, January 15-2021
    TC





Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X