Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Bạn Đường

Collapse
X

Bạn Đường

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Bạn Đường

    Bạn Đường




    (Bạc Liêu ngày xưa)



    Còng lưng gánh nốt đời lưu lạc
    Nặng trĩu nghìn cân nhớ nước non”
    (Thơ Cao Tần)



    Mỗi tuần vào chiều thứ sáu là tôi có điện thọai của Thu, qua thứ bảy thì Phong gọi và cứ như vậy nếu không nhận được điện của một trong hai người thì chính tôi cũng sẽ gọi ngược lại, thông lệ này được bắt đầu và vẫn tiếp tục từ gần ba mươi năm nay.

    Qua thời gian tất bật ở quê nhà, tiếp theo bằng cuộc đời luân lạc xứ người, chúng tôi tìm lại được nhau và luôn trân quí tình bạn thâm giao này. Sau năm 1975 Phong và gia đình về định cư ở Florence, South Carolina, một thành phố nhỏ gần ven biển miền đông nam Hoa Kỳ. Tới bây giờ hầu hết người địa phương nơi đây xem hắn như dân bản xứ cố cựu. Tính theo thâm niên Phong sống ở Florence lâu gấp đôi thời gian ở quê nhà Bạc Liêu. Riêng Thu thì nổi trôi tận tới miền bắc Gia Nã Đại, thành phố Edmonton, tỉnh Alberta. Chổ Thu ở cách San Diego của tôi gần cả chục vĩ tuyến. Tôi và Phong cách nhau một lục địa và hai bờ đại dương khác, sai biệt 3 múi giờ thời đạo, nơi Thu sống và chỗ tôi ở cách nhau một đối cực của 2 vùng khí hậu tương phãn.

    Mỗi lần xuống Cali thăm con, Thu đều ghé nhà ở chơi với chúng tôi ít hôm. Buổi sáng thức dậy, dưới lạnh se se của mấy ngày cuối năm San Diego hắn chỉ muốn ra sau vườn nhà tôi ngồi cởi trần khoe bộ xương cách trí, Thu muốn đong cho thật đầy những giọt nắng ấm Cali để hong bớt đi phần nào cái buốt giá điếng người của mùa đông Edmonton, vợ tôi nhắc:

    - Anh nói với anh Thu coi chừng bị cảm lạnh đó!

    Thu cưòi “lối” chế nhạo đám dân xứ ấm máu loãng dễ bị lạnh cẳng với thời tiết như dân Nam Cali, hắn so sánh cái lạnh của mùa đông ở San Diego không bằng cái lẻ cuả mùa xuân Edmonton. Vừa nhâm nhi ly cà phê phin Việt Nam, đốt thêm điếu Benson & Hedges, Thu cho rằng đâu cần phải về Việt Nam, ở ngay tại mảnh vườn nho nhỏ của tôi hắn cũng có thể tìm được một chút hơi ấm quê nhà, nơi hắn đã bỏ lại bên kia đại dương 30 năm xưa. Đến bây giờ hắn cũng chưa hề muốn trở lại VN, đôi lần tôi ngỏ ý rủ Thu cùng về quê một chuyến, may ra hắn có thể giải oan những uất ức trong lòng, nhưng hắn luôn khăng khăng từ chối. Cả nhà hắn ai cũng đã trở lại VN, Cha hắn, ông cụ trở về BL và sau cùng qua đời tại quê nhà, đã nhiều lần Hiền, vợ Thu, nói riêng với tôi:

    - Anh làm ơn khuyên anh Thu dùm em, cả nhà em ở Sài gòn ai cũng muốn gặp anh Thu, nhưng ảnh thà để em về thăm gia đình em một mình chớ nhất quyết không chịu về VN. Em là vợ ảnh, mà ảnh còn không chịu nói rõ lý do vì đâu anh không muốn về VN, thiệt tình em không biết phải làm sao!

    - Thôi kệ nó, cứ coi như nó đã hết thuốc chữa đi!

    - Tuị mầy, thằng Phong và Dũng may mắn đi trước 30 tháng 4 /75, nên không hề biết được chút nào đắng cay mà mấy thằng ở lại như đám tụi tao phải chịu đựng…

    Thu và nhiều người khác đã ở lại sau những ngày tàn cuộc, vốn gốc Cảnh sát ngành hành chánh, hắn vẫn nếm đủ hương vị đắng cay ”bảy món ăn chơi” của số phận thằng lính thua. Sau khi “học tập cải tạo” được thả về, hắn lại phải đi công tác thủy lợi liên miên ngoài bờ biển bãi bùn. Kế tiếp làm lao động ngành xây dựng, nhất cử nhất động đều bị kiểm soát chặt chẽ bởi công an khu vực, và sau cùng hắn cũng tìm được đường vượt biên. Hồi còn đi học, Thu là tên ốm “đẹt” nhất trong đám chúng tôi, có biệt danh “Thu Lép”, tôi không hiểu làm sao hắn có đủ sức gánh vác nổi những cam khổ để vượt qua thời dâu bể này. Nhưng hắn vẫn an nhiên tự tại, tiếp tục sống nhăn răng gần ba mươi năm nay ở một nơi lạnh giá như chỗ quê hương thứ hai của hắn.

    - Ê! mầy còn nhớ Thầy Báu không?

    - Có, ổng là bác Ba của Phong, là ba của thầy Tòan dạy Âm nhạc cho tụi mình, ông Toàn thay cho thầy “Bầu“ Kha bị động viên nhập ngũ.

    - Mầy có nhớ năm mình học đệ tam, lúc thi lên lớp nhằm môn thể dục của thầy Báu, muốn được lên lớp phải thi các bộ môn: nhảy xa, nhảy cao, leo dây và ném quả tạ phải không? Thật tình tao không có vấn đề với chuyện nhảy nhót trong cái vuông cát mèo ị kia cũng như leo trèo lên xuống cái sợi dây thừng to hơn cái ống quyễn của tao, nhưng khi dỡ thử cái tạ 4 kg thì tao có cảm tưởng nó nặng hơn cả hết tấm thân “lép” 27kg xương da của mình, không cách gì tao có thể làm một màn điền kinh lực sĩ mà trục nó đi được như đám hổ bôn tụi mầy. Vì vậy tao đành phải chơi mánh. Khi tới phiên tao thi, tao cũng cố hết sức bình sinh để nâng cái tạ kinh hoàng đó ngang vai, một bên thì tao nhờ thằnh Tính “Ngọng” gây chú ý cho thầy Báu, và trong lúc ổng phân tâm, thằng Phong đứng song song với tao ném quả tạ khác đi và nó liên tục hớt lấy trái tạ trên tay tao cũng vừa chín mùi rớt xuống, nó diễn rất nhanh và ăn khớp, vì nếu chậm một chút quả tạ giết người kia sẽ đáp xuống chân có thể làm tao được miễn dịch vĩnh viễn. Đúng như tụi mình dự tính, lợi dụng nơi nhãn lực kèm nhèm của thầy Báu già nên tao được thoát nạn và lấy đủ điểm môn thể dục lên lớp đệ nhị.

    - Mầy còn nhớ năm 70, mầy và thằng Dũng vừa mãn khóa Hải Quân về phép không? Tụi mình đi nhậu cho tới 2-3 giờ sáng, quá giờ giới nghiêm vẫn liều mạng đi tướí ngang cầu quay. Quá nửa đêm mà tụi bay rống cổ lên ca bản “Hải Quân Hành Khúc” õm tỏi còn bắt tao phải ca theo, chẳng biết chút lời lẽ gì, tao cũng ráng ư, a vói tụi bay cho vui và tụi mình còn dám tự động mở rào kẽm gai an ninh của lính gác cầu để về chợ. May là mấy anh đó biết tao…

    - Nhớ thời còn làm việc ở Bac Liêu tao thích nhất món vịt và lòng heo un khói hết xẫy ở cái tiệm bán đồ phá lấu gần hãng nước đá Trung Sơn, mùi vị khó quên. Một lần ở Montreal, tao cùng mấy thằng bạn xuống phố Tàu thấy có tiệm bán món này, chủ là người Việt gốc Chợ Lớn, dù phải đứng sắp hàng cả giờ bọn tao cũng cố chờ để mua cho bằng được, khi tới phiên, tao chơi luôn 3 phần để ăn trả thù. Khi về đến nhà bày ra thử, thấy mùi vị cũng khá lắm, có phảng phất chút quê nhà, nhưng thiệt tình chẳng thiên vị mà nói, không ai có thể làm món vịt un khói và phá lấu so bằng hương vị bùa ngãi của Bạc Liêu.

    - Có một lần tao tới quán Pạc Hó ăn mì xào giòn và được giới thiệu món đặc sản Pò Léo “Tư Hon Kèm Xại” (ruột già heo hầm dưa cải chua) chính gốc Tiều Châu. Nghe tên không cũng đủ phê. Gia đình tao người Việt gốc An Nam nên ít khi thử qua món này, thọat đầu cũng hơi khó ngửi, nhưng sau đó thì phát ghiền, muốn thưởng thức món quái chiêu này đòi hỏi phải có trình độ của người sành điệu, cũng giống như dân Đài Loan, Hồng Kông ghiền món tàu hũ thúi, hay người Phi Luật Tân thèm Ba lutt, món trứng vịt muối chôn dưói đất lâu ngày. Sau này dưới Cầu số 4 có quán Hia Nấu chuyên trị món Gà xối mỡ và ở đặc biệt món “Tư Hon Kèm Xại“ còn cao thủ hơn, món ruột heo già được dồn thêm đậu phọng trộn với nếp tẽ, bó lại như xúc xích sau đó hấp chín và đem hầm lại với dưa cải chua Tuà xại, khi dọn ra bàn đưọc chế biến thành món Lẫu “Tư Hon Kèm Xại” mới bái phục.

    - Ngang quán Dũ An bên kia ty cảnh sát chỗ tao làm việc, mầy còn nhớ quán cà phê Hà Nội (trước kia là tiệm may) nhà cuả Bích Hợp, cô em Bắc Kỳ Bạc Liêu có giọng hát ngọt ngào như mía Trà Nho.

    - Có, gia đình Bích Hợp hiện đang ở Quận Cam, nói đến Bích Hợp làm tao chợt nhớ tới ngưòi bạn đã qua đời Quan Chiếu, khó mà quên được thời gian Chiếu và Hoàng còn sống ở Quận Cam, hàng tuần đám Bạc Liêu tụi tao hay hội nhau thù tạc ở nhà Châu Minh Hoàng, hay ở lâu đài tình ái của anh Dương Học Văn, anh Hoàng Nguyễn (anh hai thằng Chánh). Bao nhiêu năm nay Bích Hợp cũng là một trong những đồng hương hoạt động nhiệt tình nhất của hội Ái Hữu Bạc liêu, vùng Nam Cali.

    - Mầy còn nhớ, bên cạnh quán Hà Nội là sạp Nem nướng không? Mỗi tối đi ngang qua đó, đôi khi mình phải cố tình đi lẹ hơn để khỏi bị mùi thơm ma quái này lôi kéo, đòi nợ bao tử.

    - Khó mà quên món Tĩm Xấm, bánh bao, há cảo của Tái Hủ, còn hột gà ốp la chiên trong cái chảo nho nhỏ bằng nhôm, thêm chút muối tiêu và một ít Maggie ăn với bánh mì nóng, thêm tách trà đỏ Lipton chanh đường, sao nó ngon như đồ thiên trù ngự thiện. Mấy món đìểm tâm thông thường này bây giờ mình có thừa mưá ở đây, nhưng tại sao không có chỗ nào tao tìm được hương vị tuyệt vời như hồi đó.

    - Có lẽ là phàm ở đời cái gì hiếm thì quý, lúc đó tiền bạc tương đối hiếm quý với đám học trò nghèo tụi mình bạn hiền ạ!

    - Hồi học trường Nam Tỉnh Lỵ, tao nhớ hoài món hủ tiếu xào giá hẹ của Ý Hen, nhất xứ Vĩnh Lợi, tuyệt nhất là mấy miếng hủ tiếu cơm chấy dưới đáy chảo, phải quen thân lắm mới được Ý Hen dành cho một chút bánh khét chảo đặc biệt này. Dĩa hủ tiếu nóng hổi thêm, một muỗng tép bằm xào để vỏ, một muỗng trứng vịt chiên kiểu đánh nhỏ rời, trải lên trên mặt chút đồ chua củ cải trắng chen với vài sợi cà rốt màu cam thật hấp dẫn. Sau cùng phải chan thêm một cống nước mắm pha chua ngọt (rất vừa miệng có thể đem uống không cũng chưa đã). Không quên là cho một muỗng nhỏ, thật nhỏ, ớt bầm nhuyễn có pha thêm chút tỏi cho thơm cay, vừa đủ cay để cảm thấy còn thòm thèm muốn ăn thêm dĩa nữa. Như vậy là hoàn tất món hủ tiếu xào giá hẹ bình dân mà ngon hết xẫy cuả tuổi học trò Bạc Liêu.

    - Đúng rồi, tao nghe bà xã tao nói Ý Hen chỉ bán hủ tiếu xào giá hẹ cho học trò ở trường Lớn vào buỗi sáng, vào buổi chiều Ý còn một tuyệt chiêu khác là món Bánh cống hay Bánh Chìa Tuốl ở chợ Bạc Liêu. Món hủ tiếu xào giá hẹ này chỉ riêng ở Bạc Liêu mình mới có, bên cạnh tô Bún nước lèo bất hủ Bạc Liêu, còn bánh củ cải xếp Bạc Liêu, bánh Cống (bánh Chìa Tuốl), bánh Hẹ, bánh Xèo… Qua nhiều đời nhờ nguồn nguyên liệu phong phú của địa phương, các món ăn truyền thống Bạc Liêu được mấy tay đầu bếp Việt Miên Tiều phối hợp khéo léo trở thành hương vị riêng biệt Pò Léo. Đây là bản sắc độc đáo cuả món ăn Bạc Liêu, chịu ảnh hưởng của Việt, Miên, Triều Châu khẩu vị vừa bình dân nhưng không kém cầu kỳ và rất ngon miệng.

    - Nếu nhắc Ý Hen thì phải kể đến Ý Xũ, Ý bán bánh mì sáng cho học trò tiểu học ngay góc tòa án, phía bên nhà cháy, so với Ý Hen, bả cũng là “kỳ phùng địch thủ” tao hâm mộ món “thổi kèn tây” bình dân của Ý Xũ vì nó gọn và đa dụng hơn, mỗi ngày nếu được một ổ bánh mì Quãng Nguyên Hưng mới ra lò, chẻ chính giữa, ém vô mấy viên xíu mại chịu chơi, xong chan lên mặt một muỗng nước sốt cà đặc chế của Ý Xũ, hoặc đổi lại bằng một ổ bánh mì bì chan nước mắm có chút ớt bầm trải trên đồ chua thì ngày đó sẽ gọi là hạnh phúc. Nếu hôm nào ngân sách eo hẹp, chỉ đủ tiền mua ổ bánh mì không, Ý Xũ vẫn tốt bụng thêm cho ít đồ chua và chan nước sốt cà, no charge, ăn an ủi vẫn ngon hơ.

    - Nhắc tới hẹ bông, không xứ nào trồng hẹ tốt hơn khu đất Vồng biển xứ mình, có ai nhớ được món hẹ bông xào chem chép không? Cả hai thứ đều ngọt tự nhiên nên hợp lại thì hết ý. Bây giờ chem chép ở Bạc Liêu hình như không còn nhiều, nên xào với tép bạc lột vỏ hay tàu cua chiên cho người chay lạt như tụi tao cũng tới lắm.

    - Mầy còn nhớ lần đầu tiên trúng áp phe có được chút tiền, tụi mình tập làm dân chơi, kéo nhau ra quán Thùng Đỏ thưởng thức mỗi đứa ly rượu Rivalet pha soda, lần đầu trong đời tao đi nhậu cao cấp như vậy, chưa bao giờ tao được ăn món dưa chua ngon và bắt mồi như ở chỗ nầy. Đặc biệt nhất là món dưa Cón xại, độc nhất vô nhị của tiệm Thùng Đỏ. À, tao nghe tao nghe nói vợ mầy biết làm món này, tai sao tụi mầy dấu nghề, lần tới tao qua Cali mầy dặn L.Hoa làm món đó cho tao, theo yêu cầu tiêu chuẩn của dưa chua Thùng Đỏ nghen!

    - Được thôi, chuyện nhỏ mà, nhưng mầy có chắc năm nay vợ chồng mày chịu dời gót ngọc qua đây để chơi với tụi tao không? Theo tao thì các món dưa muối, tôm khô củ kiệu, đồ chua cay không đâu qua được Bà Vú Ngũ Châu.

    - Sau khi học tập ra, tao trở lại Bạc Liêu sống đùm đậu với ông bà già, thân lính ngụy không ai cho làm gì nhiều, thậm chí mỗi lần xách cần câu ra kè đá bờ kinh xáng chổ nhà Bà Huyện Xổn, câu cá chốt về nhà kho sả, cũng bị mấy ảnh tới hỏi giấy và làm khó dễ. Sau cùng tao xin được chổ làm ở C.Ty Xây dựng, toán đóng cừ, cũng nhờ mấy anh em trong tổ thương tình tao ốm yếu và thấy mình cũng có chút đỉnh chữ nghĩa, từng làm kế toán nên giao cho công việc nhẹ trong văn phòng, khi nào hết việc trong phòng thì trở ra ngoài tiếp dộng cừ, nhờ vậy có chút ít mánh mung anh em chia cho hằng ngay tao cũng kiếm được vài đồng lẻ đem về và nếu hôm nào có dư chút đỉnh thì tìm thằng Bảo, và Tính “Ngọng”, ba thằng cưa 2 xị nước mắt quê hương với một dĩa đặc sản Cò rô ti. Thằng Bảo làm việc trong kho Vật tư nên nó khá hơn tao, Tính “Ngọng“ cũng như Bảo tụi nó may mắn không phải lận đận như tao lúc mới về.

    - Mầỳ có biết con kinh Lò Gạch bây giờ biến thành đại lộ Hoà Bình không? Cứ mỗi lần về thăm Bạc Liêu, hàng ngày vợ chồng tao hay đi bộ trên con đường đó ra chợ, nơi Ngã Tư quốc tế ngày xưa có quán cà phê nhà sàn trên bờ kinh? Tao nói đùa với L. Hoa là chỗ mình đang đi hôm nay, 40 năm trước là mình phải đi trên mặt nước của con kinh Lò gạch hồi xưa.

    - Sao mà quên được, chổ đó tụi mình đã từng “Ngồi Đồng” hồi còn đi học. Bên kia là miễu Ông Lò, có bàn Billard cuả nhà thằng Công, mầy còn nhớ quán cơm tấm Tuyết Sương ở Miểu Tiên Sư không? Với món cơm tấm bì tuyệt chiêu, kế bên là quán của Ông Đội Đắc có món bò nướng ngói ăn với rau sống chấm mắm nêm mà nhớ đời.

    - Có, những gia đình này bây giờ cũng ở gần đây, Bác Ba Chơn, quán Tuyết Sương và gần hết con cháu cũng ở San Diego, tao có gặp vợ chồng anh Sùng và cô Sương trong mỗi lần họp mặt đồng hương Bạc Liêu. Anh Phụng, chi Quy con ông Đội Đắc cũng ở tại Quận Cam. Anh Phụng từng là Hội trưởng của Hội Ái Hữu Bạc Liêu.

    - Mầy có biết đám ruộng phía sau khu nhà ông Hội đồng Them và Cậu Hai Lỹ *** bây giờ là khu hành chánh của Tỉnh Bạc Liêu, họ mở đường mới nối liền từ cầu Hứng Gió chạy thẳng tới Trung Tâm Dân Chí hồi truớc. Không riêng gì con kinh Lò Gạch, mà kinh cầu sắt Vĩnh Trạch bây giờ cũng không còn. Tao còn nhớ, mỗi lần qua nhà thằng Hấu chơi, tụi mình hay kéo nhau ra quán Bà Hen trên đầu cầu số 3, bên kia có miễu Ông Tề, hồi đó tụi mình thường chỉ đủ tiền uống trà đá chanh đường, riêng thằng Dũng thì ráng gồng cho được để có ly xây chừng với 2 điếu Capstan. Ý Hen bây giờ già lắm, gia đình bà và các con ngụ ở thành phố Los Angeles, hầu hết con cháu qua đây đều trưỡng thành, mỗi lần họp mặt Tân Niên của đồng hương Bạc Liêu bà đều được các con chở tới tham dự. Tao nhớ có chuyển cái email hình phóng sự tiệc Tân niên họp mặt Bạc Liêu cho mầy mà!

    - Mầy có biết ngang bót Hội Đồng Điều, trước nhà tao bây giờ có thêm Chợ Xóm Mới, chỗ này khi trước nằm trên khuôn viên nhà của ông Đốc Phẩm. Con rạch nước từ sau nhà thương qua phía sau nhà tao chảy qua nhà máy xây luá dưới chùa Tịnh Độ ra Kinh Xáng, bây giờ đã bị lấp, thay thế bằng cống nước ở dưới, trở thành con hẻm chạy ngang qua phía sau nhà tao. Về Bạc Liêu, mỗi ngày khoảng 5 giờ sáng, tao dậy sớm đi bộ hết một vòng chợ, sau đó đi xuống hướng chùa Tịnh độ và bọc trở lên phía sau nhà tao, men theo con hẻm mới (trên rạch nước cũ). Đi tới gần nhà thương qua Cầu Quay 2, băng ngang trước cửa chùa Ông, Tu Muối, xong tao quay lại và trở ra chợ, cũng mới có 6 giờ sáng. Tìm một quán cà phê góc ngã tư mà ngồi, ngóng xem có ai quen để rủ uống cho có bạn, nhưng ít khi gặp được người quen cũ. Tao tiếc quá, phải chi nhà thơ Vũ Hữu Định ngày xưa thay vì đến Pleiku, mà đổi xuống Bạc Liêu thì chắc chắn, cũng sẽ xài y chang mấy câu ông đã viết cho bài thơ Pleiku:

    . . . Đi dăm bước bỗng về chốn cũ,
    một buổi chiều nao lòng bỗng bâng khuâng.. .


    Thì thôi, xứ Bạc Liêu mình đành an phận với giai điệu Đêm buồn tĩnh lẽ của mùi mẫn giọng ca Chế Linh, và ca sĩ đồng hương Vĩnh Châu, Trường Vũ.


    (Bạc Liêu ngày nay)

    Bạc Liêu bây giờ có thêm hai cái Cầu mới xây bắc ngang Kinh Xáng. Cầu Quay 2 từ Hồ tắm Piscine, khu nhà thầy Trung, bắc ngang qua trước cửa Chùa Ông. Cầu Quay 3 chỗ nhà máy xây lúa Hậu Giang, dưới Sóc Đồn nối liền con đường đi ra Vĩnh châu và xuống Vàm Lẽo. Nhớ lại khoảng mười năm trước vợ chồng tao về thăm nhà, nghe bà con quảng cáo quán Bún nước Lèo của chị Quý ở Xóm Mới, nấu bằng nước dừa tươi, nồi đất lửa than, ngon nhất xứ, mầy biết đây là xóm cũ cuả tao mà, tao sẽ quen hết tất cả mọi người, và cho rằng theo người Bạc Liêu sành điệu thì thời điểm thích hợp nhất để thưởng thức bún nước Lèo là vào buổi xế chiều, khỏang 2 đến 3 giờ chiều, sau khi bữa ăn trưa vừa tiêu bớt, lúc giao thời trước bữa cơm chiều. Nhất quyết chờ cho đúng thời điểm này, hai vợ chồng tao còn rủ thêm mấy đứa cháu đi chung, định bụng tao sẽ làm đủ một cặp đề huề, một tô Bún nước Lèo cá lóc phụ thêm một tô bún nước lèo bì cho đủ tiêu chuẩn (tham ăn) nước ngòai. Khi tụi tao tới nơi thì đúng lúc chủ quán vừa mới bán hết hàng đang chuẩn bị đóng cửa, quán này rất đắc khách nên thường bán hết bún khoảng sau hai chiều. Đúng ngay thời điểm thưởng thức trong sách vở của người sành điệu. Thiệt không điệu đời chút nào hết, hôm sau tụi tao phải trở lại Saì Gòn và sau đó về Mỹ, trong lòng vẫn còn ấm ức vì chưa được thưởng thức món “quốc hồn quốc túy” hạng nhất Bạc Liêu thời nay. Hai năm sau tụi tao trở lại Bạc Liêu, sau khi một vòng đi tour miền Trung và cao nguyên nếm qua món lạ xứ người, nhưng trong lòng vẫn không quên món bún nước Lèo bất nhị của quê nhà. Về Bạc Liêu loay quay cũng mất mấy ngày, nhưng tao nhất quyết sẽ dành một ngày để thưỏng thức món ruột của quê ta, lần này tiêu chuẩn của ngưòi sành điệu được du di tới khỏang 9 – 10 giờ sáng, như vậy thì không cách gì mà quán bún nhà Xóm Mới của mình lại hết hàng đuợc. Chín giờ ba mươi sáng, hai vợ chồng tao thả bộ xuống chợ Xóm Mới, khi tới quán Bún Nước Lèo thì không ngờ bị thêm một lần nữa vỡ mộng, hôm nay là ngày nghĩ, quán bún không mở cửa, chủ tiệm chỉ làm việc 6 ngày trong tuần, cũng không có bảng cáo thị niêm yết thông báo cùng thân chủ đồng hương: having my day off. Thêm một lần nữa, tiêu chuẩn dân sành điệu (connaisseur) của tao lại chọn lầm ngày, sau đó cũng như lần trước, tụi tao đành mang theo nỗi niềm tương-tư-2-Bún-nước-lèo trở lại Mỹ. Qua năm sau, vợ chồng tao phát nguyện quy y Phật, bắt đầu trường chay, và sau đó khi trở lại Bạc Liêu, một hôm tình cờ đi ngang qua quán bún nước Lèo Xóm Mới, thấy mọi người tấp nập ngồì quay quần xì xụp, thưởng thức tô bún độc đáo quê nhà, thì vỡ lẽ ra đây mới thực sự là thời điểm thưởng thức Bún nước Lèo của người sành điệu Bạc Liêu, lúc nào ăn cảm thấy ngon là hợp thời, không phải chờ đến giờ hoàng đạo nào hết. Bỗng nhiên tao sực nhớ là mình đã phát nguyện trai tịnh cho những ngày về sau, nên bất giác mỉm cưòi quay đi. Farewell Bún nước Lèo Bạc Liêu.

    - Nghe nhắc tới bún tao không quên được món bún và bánh Tầm bì của Chế Ten ở trên vỉa hè nhà thuốc Ông Phiên, kế phòng mạch của Bác sĩ Vinh, giống như bã có pha ma túy trong nước mắm và nước cốt dừa bánh tầm bì, hễ ai ăn qua rồi sẽ ghiền và không bao giờ đi ăn nơi món này ở nơi khác, từng cọng bì và sợi thịt chiên đưọc thái nhuyễn đều đặn thiệt nghệ thuật, thính được rang đúng lửa và xay mới hàng ngày, chưa hề biết hơi tủ lạnh (đâu có đâu mà để!). Không như mấy tiệm cơm tấm bì ở bên nầy đang quảng cáo nổ lớn như kho đạn, gọi dĩa cơm nhìn cọng bì và thịt sợi thô vụng như mấy miếng cá khô chiên bị bằm.

    - Mầy có biết là tao chờ cả chục năm mới rảnh rỗi được sang Cali, ước mong gặp lại mầy và thằng Dũng để cùng tụi nhau nhậu một trận “long trời lở đất” như mình đã từng ước mơ hồi còn ở VN, nhưng tới khi gặp lại tụi mầy, thì hỡi ơi, hai thằng bây: một thằng chỉ biết đi nhà thờ và kiêng cữ để thờ phượng Chúa, còn một thằng thì trường chay theo Phật theo thầy, một giọt rượu thừa của tụi bây tao mà đã chờ bao năm nay coi như sẽ không bao giờ có, hỏi xem có nản hay không?

    - Thế thì, chúng em xin cắn cỏ ngậm vành, tạ lỗi cùng ngài, chúng em đã trót sám hốí theo con đường này khá lâu nên không thể phá giới được, Tuy nhiên chúng em cũng xin tạm mượn chai nước lọc, hay 7 Up mà thù tạc cùng ngài, ngài có tới đâu thì em cũng ráng tới đó.

    - Đã vậy thôi sao tới nhà mầy tao còn phải bị ăn chay, hơn nữa mầy lại bỏ hút thuốc lá. Còn đâu những ngày đói khổ mình chia nhau từng điếu Bastos xanh... xị cay xị ngọt...

    - Nhưng ngài cứ tự tiện dùng Seagram 7 crown whiskey của xứ Ca na điên của ngài, và đốt nhang khói bằng thuốc ngọai như thường lệ, chúng em quyết sẽ không xuống đường phản đối kêu oan.

    - Vậy cũng tạm chấp nhận được. Có còn hơn không!

    Những điều Thu đã trải qua sau thời gian tôi rời VN, dù không ở đó để chứng kiến, nhưng được hắn kể đi lập lại trong ba mươi năm nay như một trường ca điệp khúc, trong đó đầy mảnh vụn của những giấc mơ chưa thành, có những gưong mặt người thân, bằng hữu, đa số đã nằm xuống hay không còn ở Bạc Liêu, có những buồn vui, đau thương, chia lìa và có những đoạn đời có tôi cùng nó trong những ngày cơ cực ở Sài Gòn, sống vội bấp bênh, đầy mộng mị và chưa hề nghĩ đến ngày mai que sera sera. Tuy nhiên có một lý do huyền diệu nào đó, những mẩu chuyện trùng lắp này chưa từng làm cho bọn chúng tôi thấy mệt mỏi hay nhàm chán, dù phải nghe đi nghe lại nhiều lần trong ba mươi năm nay như một cuốn băng nhão. Đôi lúc nghe Thu kể chuyện, tôi có cảm tưởng như chính nó đang kể chuyện cho riêng nó nghe hơn là cho tôi, tôi là nhân chứng và vừa là độc giả gần gũi nhất cho quyển hồi ký chưa viết và sẽ không bao giờ kết thúc của nó, những đọan hồi ức buồn nhìều hơn vui mà nó cưu mang suốt quảng đời còn lại. Giống như tiếng thở dài của oan hồn một cuộc chiến đã ngưng tiếng súng từ ba mươi mấy năm xưa, nhưng tiếng vọng của những oan khiên ngày cũ mãi còn chồng chất, vẫn còn chờ đợi cho một lần đưọc đàn việt cầu siêu. Có lẽ cho tới bây giờ, ở nơi đó, người ta còn quá bận rộn tóm thâu và hưởng thụ những thành quả họ thâu hoạch, họ vẫn suy nghĩ, đánh giá mọi sự kiện bằng đầu óc biện chứng, nên không ai coi những hành động đã làm ngày xưa là sai lầm mà vẫn tiếp tục tự hào, ca tụng những điều này như một thành tích vẻ vang.


    Bốn mươi năm rời Bạc Liêu, nơi chúng tôi sanh ra và phải vội vã lớn lên trong thời chiến, chúng tôi lên đường tha phương cầu thực, bốn mươi năm là một thời gian rất lâu của một đời người, ở quê nhà người ta vẫn lặng lẽ sống qua bao năm, nhiều thế hệ đã sanh ra, lớn lên trên cuộc đất Bạc liêu. Bạn bè đồng lứa chúng tôi ở bên nhà bây giờ nếu không nằm xuống thì cũng hưu trí về vườn, riêng bọn tôi ở đây, đang cố sức già kéo nốt chặng cuối con đường lao động, mong vài năm nữa buông cày, lãnh tiền trợ cấp xã hôị, món hưu bổng khiêm nhường mà mình đã bỏ cả đời làm việc đóng góp cho đất nước tạm dung. Chỗ này, nơi ta dừng chân một lúc, ngoảnh mặt nhìn lại không thể ngờ rằng ta đã ở lại đây lâu hơn cả một đời ở Việt Nam. Bạn Đường chúng tôi còn lại không nhiều, mỗi người mỗi ngã, khi gặp nhau (qua điện thoại) chỉ có dăm câu chuyện cũ mèm để kể nhau nghe.

    Quê xưa hiền hòa vẫn mãi mãi còn trong tâm tưởng, chúng tôi những đứa con vốn mang hộ tịch sanh quán Bạc Liêu, nhưng chỉ được dịp sống với quê nhà một quảng nhỏ đời mình, tuy nhiên khoảng thời gian này cũng lưu lại cho chúng tôi những ấn tượng rất sâu đậm trong ký ức, đủ làm hành trang mang theo trọn đời. Dù ở bất cứ nơi đâu, dù thêm bao lâu nữa, có quay trở lại, hay không còn dịp để quay về, xin hoài vọng một chút ký ức mịt mờ của những ngày thân ái năm xưa. Hơn bao giờ hết, chúng tôi luôn hãnh diện thưa với bà con là tôi quê quán xứ Bạc Liêu.


    Trái Hỉ
    Mùa Thu 2011
    http://www.hoiaihuubaclieunamcali.org

    --------------------------------------
    *** (Cho ct và cb, ngưởi Bạc Liêu. Hh)


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X