Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Đối Diện Tử-Thần - Thành Giang

Collapse
X

Đối Diện Tử-Thần - Thành Giang

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Đối Diện Tử-Thần - Thành Giang

    ĐỐI DIỆN TỬ-THẦN
    THÀNH GIANG
    US. Copyrights 2014, by TG



    NHỮNG CHUYẾN BAY HUYỀN-THOẠI BÂY GIỜ MỚI KỂ:
    NGƯỜI PHI-CÔNG LÁI MÁY-BAY VẬN-TẢI KHÔNG CÓ ĐỘNG-CƠ HOẠT-ĐỘNG


    Đ/U NGUYỄN-LÝ-THIẾT
    NGƯỜI HOA-TIÊU VẬN-TẢI CƠ ƯU-TÚ



    Thiếu úy Nguyễn Lý Thiết từ Mỹ về Việt-nam cuối năm 1969. Anh phục vụ cho phi-đoàn THANH-LONG 415, vận-tải cơ C-47, chuyên chở hành khách, thuộc Không Đoàn 33 Chiến Thuật, năm 1970 đến 1972, Căn cứ KQ Tân-Sơn-Nhứt vẫn còn ở cấp số Không-đoàn Chiến-thuật, sau năm 1972, KLVNCH bành trướng mạnh mẽ mới thành lập Sư-đoàn V Không-Quân, chia ra làm 2 Không-đoàn: KĐ33CT và mới thành lập thêm KĐ53CT.
    Giữa năm 1970, chúng tôi vừa học xong ngành sơ đẳng Cơ-Khí Phi-Hành Vận-Tải C119, gọi tắt là Cơ-phi vận-tải, một ngành cơ-khí phi-hành xa lạ, mới mẻ của KQ, rất ít người biết đến. Một nửa khóa 3 Cơ-Phi Vận-Tải, gồm có 25 người cơ-khí phi hành của chúng tôi được đưa về phục vụ cho phi đoàn 415, Thanh-Long, C-47. Thiếu úy Thiết đã là hoa tiêu chánh của phi đoàn và chúng tôi đã học qua phi cơ C119, bây giờ, chúng tôi phải học xuyên huấn lại ngành Cơ-Phi, loại vận tải cơ C-47, của phi đoàn 415.


    KHI CHÚNG TÔI LÀM VIỆC CHO PHI-ĐOÀN THANH-LONG 415, Phi đoàn này đã xảy ra 2 tai nạn phi cơ lớn lao, rất khủng khiếp trong năm 1971. Không một nhân viên phi hành nào của phi đoàn Thanh-Long 415 có thể dễ dàng quên lãng được: Tai nạn khủng khiếp thứ nhất, chiếc phi cơ C47 của phi đoàn 415, Thanh-Long, do trưởng phi cơ là trung úy Thư cầm lái, thiếu úy Nguyên phi công phụ, trung sĩ Huỳnh Thanh Thế cơ-phi và một Áp tải phi hành nữa. Phi hành đoàn này đã chở 20 hành khách, thuộc nhân viên phái đoàn của chính phủ VNCH từ Pleiku sang Qui Nhơn, gặp thời tiết xấu, mây mù, phi cơ đã đụng phải núi ở phi trường Qui Nhơn, tổng cộng 20 hành khách và 4 nhân viên phi hành đoàn đều thiệt-mạng thê thảm, thân xác không toàn vẹn, hòa trộn lẫn nhau, câu chuyện này đã được viết chi tiết đầy đủ hơn trong bài Tiếc Thương Anh Những Cơ Phi Vị Quốc Vong Thân của tác giả Thành-Giang và Phi-Vụ thứ hai: PHI-CƠ BAY KHÔNG CÓ ĐỘNG CƠ HOẠT-ĐỘNG, Một phi vụ hy hữu nhất chưa từng có trong lịch sử của Không quân VNCH. Chiếc Vận tải cơ C-47 đã tắt cả hai máy trên không, vẫn đáp được an-toàn, không gây tổn thất nhân mạng nào và phi cơ hoàn hảo, trong phép màu hay là một tài năng xuất chúng của một viên phi công Vận-tải huyền thoại, Nguyễn-Lý-Thiết, ông đã điều khiển phi cơ không có động cơ nào hoạt động, ông bay lượn bằng các cánh lái phi cơ, đáp an toàn chiếc vận tải cơ nặng nề, khi cả hai động cơ nào đều tắt máy.
    Vào lúc trưa, mùa hè năm 1971, phòng hành quân phi đoàn 415 đang vắng lặng. Thượng sĩ Cơ-phi Quang lai, người có nước da trăng trắng, mũi cao, ông hơ hãi, thất thần, nhanh nhẹn bước vào cửa phòng hành quân phi-đoàn, căn nhà nằm giữa một dãy phi-đoàn thuộc KĐ33CT, gương mặt xanh mét, thể hiện rõ sự kinh hoàng vẫn còn vương vấn trên gương mặt, đầu tóc bơ phờ, miệng quát tháo ồn ào thóa mạ:
    - Me... kiếp...! Ông ta định giết chúng tôi! Đã làm tắt cả hai máy trên trời. Câu chuyện bay thử máy của họ bắt đầu được mọi người biết đến qua một tai nạn kinh hoàng, Nghìn Năm Một Thuở của chiếc Phi-Cơ Vận Tải C-47 năng nề, hai động cơ đã bị tắt máy trên không, đã đáp an toàn xuống phi trường Tân-Sơn-Nhứt trong sự mầu nhiệm, hoàn hảo, không gây ra một sự chết chóc nào, một chuyến bay kỳ diệu và huyền thoại của ngành hàng không quân sự của KLVNCH năm 1971.


    HÌNH ẢNH: Trung úy Nguyễn-Lý-Thiết, ngồi trên ghế phi công trưởng phi cơ C-7A Caribou, năm 1973.
    (nguồn ảnh: từ website: Gia Đình PĐ 431 Phượng-Long)



    HÌNH ẢNH: Vận tải cơ C-47 của phi đoàn 415, cùng loại phi cơ đã tắt cả hai máy trên không,
    Trung úy Nguyễn-Lý-Thiết đã bay lượn và đáp an toàn ở Phi trường Tân-Sơn-Nhứt, năm 1971.


    CHI TIẾT PHI VỤ: (vì sự tế nhị, chúng tôi xin phép không dùng tên thật của người hoa-tiêu Trưởng phi cơ). Một phi vụ bay thử máy trên không tại phi trường Tân-Sơn-Nhứt. Phi hành đoàn chỉ vỏn vẹn có 3 người: Trưởng phi cơ là Thiếu tá Quỳnh, trung úy Nguyễn Lý Thiết là copilot và thượng sĩ cơ phi Quang (lai). Họ thi hành phi vụ bay thử máy, phi hành đoàn phải là những nhân viên phi hành kinh nghiệm, lão luyện. Thường khi, phi vụ bay thừ máy, phi cơ chỉ bay trên không phận phi trường Tân-Sơn-Nhứt, có lẽ, phòng hờ khi gặp khẩn cấp họ sẽ đáp ngay xuống phi trường. Bay thử máy, phi hành đoàn chỉ bay ở cao độ trung bình 6,000 đến 6,500 bộ trên không.


    TAI NẠN BẮT ĐẦU: Không biết vì lý do gì khiến cho trưởng phi cơ, Th/tá Quỳnh trở nên ngớ ngẩn đến khôi hài, đã gây ra một tai nạn hiếm hoi, ông đã làm mất đi sự nghiệp phi công và bị cúp bằng bay: sau khi ông ấn nút “tắt máy xuôi cờ” để thử cái máy mới vừa được thay thế, cần phải được bay test trước khi đưa phi cơ vào xử dụng, chuyên chở hành khách. Không biết vì mất ngủ, hay gặp biến cố gì trong gia đình, khiến ông đã lơ đễnh, hoặc ông đã vội vã, hấp tấp hành động, thiếu sự chú tâm, đã nhầm lẫn, bấm nhầm nút (feather switch) làm xuôi cờ, tắt luôn cái máy đang chạy, Nút tắt máy trên không được những người KQ ngành Vận-tải gọi là NÚT XUÔI-CỜ, KQ Hoa-kỳ gọi là Feather Switch. Nút xuôi cờ này là gì? khi muốn tắt máy trên không, phi-công chỉ cần ấn cái nút “xuôi cờ” này vào, máy sẽ tắt, nhưng trước khi máy tắt, chân cánh quạt sẽ được tự động xoay chuyển về vị trí xuôi cờ, có nghĩa là bờ đụng của chong chóng phải xoay thắng với hướng gió phía trước của phi cơ, tránh cho cánh quạt bị gió quay. Nếu phi công tắt máy nhưng không xuôi cờ, sau khi máy tắt, nó gây ra hiện tượng cuồng quay, do gió đã quay chong chóng, rất nguy hiểm, nó sẽ gây ra nhiều sức cản phi cơ bay tới hoặc nó sẽ bị đứt cốt chong chóng. Vậy thì, khi phi công ấn nút xuôi cờ nầy vào, cánh quạt sẽ phải xuôi cờ xong, theo chiều gió, trước khi máy tắt. Công tắc “xuôi cờ”có hình tròn, được sơn màu đỏ, có hai cái nút “xuôi cờ” riêng biệt cho mỗi một động cơ, nó chỉ nằm cách nhau độ 2 inches trên bảng phi cụ. Mỗi cái nút nó được bao bọc bởi một vòng tròn che chở, tránh cho những trường hợp phi công lỡ tay va chạm, đụng vào thì nó sẽ làm cho tắt máy ngoài ý muốn.


    NHẦM LẪN TẮT HAI ĐỘNG CƠ: Có thể vì tâm thần bất ổn hay ông Trưởng-Phi-Cơ lơ đễnh, đã quên hoặc ông bất cẩn, nhầm lẫn giữa hai công tắc của hai động cơ. Ông TPC chưa đề máy đã tắt của động cơ đang được thử máy, đáng lý ra, ông phải đề cho nó chạy hoàn toàn trở lại trước đã, rồi mới bấm nút tắt động cơ thứ hai. Ông đã vô tình bấm lộn luôn công tắc của máy đang chạy tốt. Thế là cả hai động cơ đã tắt trên không. Trưởng phi cơ đã điếng hồn về sự nhầm lẫn chết người của mình, ông ngồi thừ ra kinh hãi. Hai nhân viên KQ đồng hành là: phi công phụ và cơ phi cũng hồn phách biến mất trên mây, họ kinh hoàng khi chiếc máy bay của họ không còn động cơ nào hoạt động để kéo chiếc máy bay của họ đi tới, cả 3 người hồi hộp, hồn biến mất, chờ đợi cái chết đang cận kề. Vì hành động sai sót nguy hiểm của TPC xảy ra quá bất ngờ, hai nhân viên phi hành cùng trong phòng lái là: phi công phụ và cơ phi, cũng đã không kịp có phản ứng kiểm soát, cảnh báo hay ngăn cản sự nhầm lẫn tai hại của trưởng phi cơ, hầu ngăn chặn việc làm nguy hiểm của ông ta, đã gây ra tai nạn chết người này.


    NGƯỜI PHI CÔNG CỨU TINH: vì là một viên phi công trẻ gan dạ, bình tĩnh, tự tin, đã học xong các loại phi cơ chiến đấu một động cơ ở Mỹ, bài học đáp khẩn cấp khi phi cơ một máy single engine hư động cơ, còn ẩn hiện trong ký ức. Người phi công phụ, trong phản ứng tự nhiên cho sự tự tồn, ông quyết định ngay phải làm cái gì đó để cứu sinh mạng mình, trung úy Thiết đã chụp ngay cần lái, cố gắng dùng các cánh lái phi cơ bay lượn trong không khí được giây lát. Ông trưởng phi cơ cũng đã hoàn hồn, thiếu tá Quỳnh cố gắng đề máy trở lại, hy vọng cứu vãn được tình thế đang nguy ngập, đề máy hoài đến khi bình điện yếu, mà cả hai động cơ vẫn không chạy, phi cơ tiếp tục bồng bềnh rơi. Không còn động cơ nào hoạt động kéo phi cơ đi tới, chỉ có cái trớn yếu ớt còn sót lại khi động cơ còn hoạt động, nó bay lượn yếu ớt trên không trung, Tr/u Thiết hy vọng nhờ vào bộ cánh rộng lớn của phi cơ, bay lượn trên không như những chiếc gliders đổ quân thầm lặng của Mỹ trong Đệ II Thế chiến, Những chiếc Gliders không trang bị động cơ, do phi cơ kéo lên trời, rồi thả nó bay lượn trên không, nó không gây tiếng động, các chiếc gliders dùng để bất ngờ, thầm lặng đổ quân Mỹ vào chiến trường. Sức rơi dường như mỗi lúc một nhanh hơn, Trung úy Thiết đã khám phá một lối bay không động cơ, để tạo ra trớn phi cơ lướt tới, ông phải hơi chúi mũi phi cơ lao xuống để tạo cái trớn, rồi phải kéo mũi phi cơ trở lại cân bằng, ông rất thận trọng, cố gắng bay lượn phi cơ không có động cơ hoạt động trên không như vậy cho đến khi phi cơ sắp chạm mặt phi đạo. Điều tiên quyết, để sống còn là phải giữ cho phi cơ rơi nhưng phải được cân bằng trên không, dù phi cơ bị chao đảo, nghiêng ngửa thế nào trong không khí, hạ mũi phi cơ xuống lấy trớn rồi kéo lên cho phi cơ lướt đi. Tuyệt đối, ông phải kềm cho vững, quyết không để cho nó cấm mũi chúi xuống hẳn hay bị lật ngửa bụng lên trời. Phi hành đoàn sẽ tàn mạng, vô phương cứu chữa, nếu để cho phi cơ của họ bị đảo ngược trên không. Thương sĩ Quang cũng đã hoàn hồn sau biến cố tắt hai máy đột ngột, ông lo lắng khi phi cơ chưa ra được bánh đáp, nếu trường hợp đáp không có bánh đáp sẽ vô cùng nguy hiểm. Bình điện đã hết điện, phi cơ không có động cơ hoạt động, hệ thống thủy điều không làm việc không thể đẩy bánh đáp xuống. Bắt buộc, Thượng sĩ Quang đã phải hì hụt cố gắng bơm thục mạng hệ thống thủy điều bằng tay, để đưa bánh đáp hạ xuống, dù bơm tay rất nặng nề, vì mạng sống, ông Quang cũng phải cố gắng hết sức lực để bơm, cố hoàn tất việc xuống bánh đáp, trước khi phi cơ của họ chạm mặt đất. Trung úy Thiết đã cố gắng lái phi cơ không động cơ hoạt động, lượn qua bay lại, giữ cho phi cơ bồng bềnh, không nghiêng đổ hẳn, phi cơ cứ từ từ chậm chạp lướt xuống trên không, mất dần cao độ, rơi xuống theo vòng tròn lớn trên không phận phi trường Tân Sơn Nhứt. Phi cơ mất hết điện, phi hành đoàn không thể liên lạc được với nhau. Và họ không gọi được Đài kiểm soát không lưu Tân-Sơn-Nhứt để thông báo khẩn cấp, nhưng nhân viên đài kiễm soát đã nhìn thấy chiếc phi cơ bồng bềnh, không động cơ nào làm việc, đang trên trời lao xuống, họ không liện lạc được với phi cơ, nhưng họ biết ngay chiếc phi này đang lâm nạn, gặp khẩn cấp, cần hạ cánh gấp. Họ đã nhanh chóng thông báo, ngưng các khi cơ khác xin chỉ thị cất cánh, clear phi đạo. Cho đến khi phi cơ sắp chạm xuống mặt phi đạo, Trung úy Thiết đã cố gắng áp dụng một thủ tục đáp khẩn cấp tương tự như một phi cơ một máy (single engine) hư hỏng máy đã được học, chúi mũi xuống lấy trớn, miệng quát tháo ra lệnh cho cơ phi tiếp tục bơm hệ thống thủy điều phòng hờ bánh đáp bắt buộc phải down xuống nhưng phải lock lại, để nó không bị xếp vào, khi phi cơ chạm đất, Khi phi cơ cấm mũi bay xuống thật nhanh với cái trớn phi cơ, Trung úy Thiết kéo mũi phi cơ cân bằng như lúc phi cơ đáp bình thường với trớn phi cơ chạy, nhưng thắng không còn ăn bởi vì hệ thống thủy điều đã không hoạt động được, dù cho thượng sĩ Quang đã hì hụt bơm, tạo áp lực để thắng phi cơ. Trung úy Thiết đã giúp cho chiếc Vận tải cơ C-47 không động cơ của ông đáp một cách nhẹ nhàng và an toàn xuống mặt phi đạo Tân-Sơn-Nhứt. Phi cơ không một chút hư hại, phi hành đoàn 3 người đều bình an vô sự. Một cái đáp lịch sử an toàn, có một không hai của ngành vận tải thuộc KLVNCH, do một người phi công gan dạ, tài năng và ưu việt đã đáp phi cơ không có động cơ hoạt động, thật ngoạn mục và bình an. Trung úy Thiết cho biết anh đã lái chiếc phi cơ, không có động cơ hoạt đồng từ trên không, ở cao độ 6,500 bộ cho đến khi nó đáp xuống phi đạo đã mất hơn 3 phút bay lượn phi cơ. Tai nạn vận tải cơ tắt hai máy trên trời này là lỗi lầm của người phi công trưởng phi cơ, sau khi bị điều tra. Ông trưởng phi cơ đã bị cúp bằng bay, trở thành là một viên sĩ quan liên lạc của KQ, giúp cho các khóa sinh KLVNCH thuộc phi đoàn Thanh-Long 415 theo học phi cơ mới C-7A Caribou ở căn cứ Phan Rang, do KQ Hoa-kỳ huấn luyện vào tháng 10 năm 1971.


    HÌNH ẢNH: Chiếc Glider trông giống như một chiếc phi cơ, không có trang bị động cơ, đang được một chiếc phi cơ khác kéo nó bay lên không, rồi phi cơ sẽ thả chiếc Glider tự nó bay lượn trên không và âm thầm đáp xuống đất, đổ quân ngay trên chiến trường Normandy, trong Đệ Nhị Thế Chiến. Trung úy Thiết cũng đã áp dụng phương cách bay lượn của Glider và đã đáp chiếc vận tải cơ C-47 nặng nề, không động cơ nào hoạt-động của ông xuống phi đạo Tân-Sơn-Nnứt an toàn.



    NHỮNG TAI-NẠN KHÁC: Sau tai nạn này xảy ra, chúng tôi lại trực nhớ lại vài tháng trước, chúng tôi đã bay với Th/tá Quỳnh một phi vụ chuyên chở hành khách xuống Bình Thủy. Phi công vận tải nào của Phi-đoàn 415 cũng đều biết phi cơ vận tải C-47 rất cũ kỹ, bánh lái phi cơ đặt ở đuôi máy bay, rất khó điều khiển khi phi cơ di chuyển dưới đất. Ông Th/tá Quỳnh, trưởng phi cơ, đã có nhiều giờ bay, nhưng vẫn bất cẩn khi di chuyển phi cơ dưới đất, ông queo cua, đã để lọt bánh đáp bên phải xuống đầu đường mương, phi cơ không cách nào di chuyển được nữa. Ông phải tắt máy, tìm kiếm những chiếc xe cam nhông quân độ GMC mạnh mẽ, nhờ họ kéo phi cơ ra khỏi đường mương. Đáng lý ra, khi nhờ xe GMC kéo phi cơ lên khỏi đường mương, để mọi chuyện được êm xuôi, suôn sẻ, không ai biết. Lại cũng một sự ngơ ngẩn khác đã làm lộ ra tai nạn ông di chuyển phi cơ bị lọt đường mương. Có lẽ, ông luôn gặp vận xui, hết thời rồi hay sao ấy? Có thể, vì trong lúc quá lo lắng ông đã không chú tâm nhiều đến người tài xế lái xe GMC, ông tài xế này đã dùng một sợi dây kéo quá ngắn, cột vào bánh đuôi phi cơ, khi người tài xế dùng hết sức lực của chiếc xe kéo chiếc phi cơ ra khỏi đầu đường mương. Sợi dây kéo quá ngắn gần 2 mét. Khi chiếc xe GMC giật mạnh lên rồi thắng gấp, chiếc phi cơ vẫn còn cái trớn chạy lui, Cái cánh lái đuôi phi cơ lên xuống làm bằng vải, đã đụng mạnh vào hông xe, bể một bên cánh, thế là hết phương cách nào cho phi cơ bay được nữa rồi, đã làm lộ tẩy ra tai nạn lọt đường mương, ông phải báo cáo về phi-đoàn 415, cho biết phi cơ đã bị hư hỏng nặng, nhờ kỹ thuật ở Tân-Sơn-Nhứt xuống sửa chữa cánh lái phi cơ và rước phi hành đoàn về Tân-Sơn-Nhứt. Rất tiếc, ông đã không chú ý đến điểm quan trọng của tai nạn này. Ông có thể tránh được tai nạn, nếu ông nhờ chúng tôi thủ sẳn cục gỗ chèn bánh phi cơ, ông ra hiệu cho chúng tôi chận bánh đáp chiếc máy bay khi chiếc xe đã thắng gấp. Phi cơ sẽ ngừng lại trước khi nó đụng vào hông xe.


    UY TÍN KLVNCH: cũng vì danh dự và uy tín to lớn của KLVNCH, tất cả các tai nạn phi cơ, Không quân VNCH đều có vẻ như muốn giữ kín chi tiết, hầu tránh những sự hoang mang trong hành khách, khiến cho họ lo lắng sợ hãi không dùng phi cơ quân sự. Tất cả những kinh nghiệm, những chi tiết quan trọng của các tai nạn phi cơ, nhân viên phi hành vận tải dường như đã không có cơ hội học hỏi công khai, không được biết gì nhiều, họ chi được hiểu biết, chỉ học lóm với nhau qua những sự truyển miệng của nhau mà thôi, đó là một sự sai lầm đáng tiếc, rất to lớn của KQVNCH. Rất nhiều phi công và nhân viên phi hành cần được một sự học hỏi kinh nghiệm thực sự của những người phi công đã trải qua những kinh nghiệm tai nạn khẩn cấp chết người trên không trung của họ, Họ phải được khích lệ, biên soạn hay thuyết trình lại những kinh nghiệm quý báu đó cho các nhân viên phi hành khác học hỏi, để họ chuẩn bị tinh thần tốt hơn cho những chuyến bay khẩn cấp của những người KQ khác trong tương lai. BÌNH TĨNH, TỰ TIN, GAN DẠ VÀ PHẢI ĐƯỢC HỌC HỎI KỸ THUẬT BAY VÀ HÀNH ĐỘNG KHẨN CẤP CHÍNH XÁC trên không, họ mới có thể đối phó và sống sót được trong những phi vụ hiểm nghèo. Đáng lý ra, hai nhân viên phi hành: là trung úy Thiết và thượng sĩ Quang của phi vụ này phải được khích lệ biên soạn, trình bày cho tất cả nhân viên phi hành vận tải được học hỏi, hướng dẫn họ phải biết LÀM THẾ NÀO GIỮ CHO PHI CƠ VẬN TẢI GẶP KHẨN CẤP TẮT HAI ĐỘNG CƠ TRÊN KHÔNG, bay xuống và đáp được an toàn như họ đã làm, mới phải! Hầu hết những nhân viên phi hành đều có chung một cảm nghĩ, sự lo lắng giống nhau, trong sự tự tồn của cá nhân, họ rất cần những bài học “hoạt động khẩn-cấp chính xác” trên không vô cùng hữu ích như vậy, để giữ bình tĩnh, tự tin khi gặp khẩn cấp thực sự trên không.


    KÍNH PHỤC VIÊN PHI CÔNG TÀI BA: chúng tôi đã rất ngưỡng một người phi công ưu tú Nguyễn- Lý-Thiết, tự tin, đã đáp chiếc phi cơ lịch sử an toàn, không có động cơ nào hoạt động, một cách hoàn hảo, bảo toàn sính mạng nhân viên phi hành đoàn và cả tài sản lớn lao của quốc gia. Chúng tôi tiếp tục làm việc chung với Trung úy Thiết (ở Oregon), sau khi đã làm việc chung ở phi đoàn Thanh-Long 415. Khi phi đoàn Thanh Long này giải tán 1972. Trung úy Thiết đã trở thành là một Trưởng phi cơ C-7A Caribou, Chúng tôi có dịp bay (phi hành) chung và chứng kiến vài tài năng khác nữa của trung úy Thiết, qua hai lần hư hỏng phi cơ nhớ đời khác nữa, mới chứng tỏ được khả năng nhanh trí, hành động chính xác của một viên phi công ưu tú:


    Tháng 7, năm 1972, sau khi đã thành lập phi đoàn C-7A, Caribou thứ ba, Phi-đoàn Phượng-Long 431, ở căn cứ KQ Phù Cát, Bình Định. Chúng tôi thi hành một phi vụ chuyên chở 25 hành khách từ Phù cát đi Sài Gòn. Phi vụ được khởi hành vào lúc 5 giờ sáng, khi trời hãy còn tối om. Chúng tôi đã cẩn thận làm tiền phi, kiểm soát kỹ lưỡng bên ngoài phi cơ xong, hai ông phi công cũng đã kiểm soát lại lần thứ 2. Phi cơ hoàn hảo. Chiếc máy bay đang đậu trong ụ, mũi phi cơ hướng vào vách ụ, khoảng cách không quá hai mét. Trung úy Thiết bắt đầu quay máy. Máy số 1 bên trái vừa nổ xong. Bất chợt, chúng tôi có cảm giác phi cơ đang di động, ngay lập tức, tiếng động cơ rú lên ồn ào, rồi phi cơ giật lùi trở lại, trong sự bất ngờ và ngơ ngác của chúng tôi. Không hiều tại sao xảy ra hiện tượng kỳ quặc này. Trung úy Thiết vội vàng tắt máy, ông cho biết lý do. thắng phi cơ ở bến đậu (parking brake) đã bị hư hỏng, khi động cơ hoạt động, tự nó bò đi, suýt chút nữa nó hút mũi phi cơ vào vách ụ, bể cái radar. May quá, trung-úy Thiết đã nhanh trí, lẹ tay, vô reverse chong chóng, đồi sải ngược của cánh quạt, hút gió từ phía sau động cơ thổi ngược về mũi phi cơ, đẩy lùi, cho phi cơ di chuyển ngược chiều trở lại về phía sau, tránh cho phi cơ bị va chạm mạnh mũi vào vách ụ, sẽ bể cái radar ở trước mũi phi cơ. Trung úy Thiết thật tài tình, quá nhanh trí, lẹ tay, chỉ một cách duy nhất để dừng phi cơ, đổi sải chong chóng, lui phi cơ ngay lập tức, mũi phi cơ nằm cách vách ụ đâu có xa, chỉ hơn một mét thôi. Sự nhanh nhẹn của ông đã kịp thời cứu cho chiếc phi cơ không bị bể mũi, hư hại nặng, hỏng cái radar, tiết kiệm tiền bạc của chính phủ, công sức và thời giờ cho những nhân viên kỹ thuật dưới đất, họ chỉ sửa chữa, thay ống dầu thắng là phi cơ có thể xử dụng được ngay trong chốc lát. Chúng tôi rời khỏi phi cơ, đi tìm kiếm nguyên nhân hư thắng. Thì ra một đường ống dầu thắng thủy điều ở chân bánh đáp phi cơ đã bị nứt, khi quay máy, áp lực thắng làm chảy một đống dầu dưới bánh đáp bên phải, khiến cho thắng không ăn, không giữ được phi cơ tại chỗ, làm cho nó tự động di chuyển. Chúng tôi phải đồi phi cơ khác để thi hành phi vụ.


    Phi vụ Chuyển quân: năm 1973, 3 chiếc C-7A Caribou chở phái đoàn quân nhân Võ Phòng của phủ Tổng thống VNCH ra Phan Rang giữ an ninh cho Tổng Thống Nguyễn-Văn-Thiệu về thăm nhà. Sau khi đổ quân xong, Trung úy Thiết di chuyển phi cơ, định cất cánh bay về Sài gòn. Khi di chuyển, bánh đáp bên trái bốc khói, cái mâm thắng phi cơ bị kẹt, cháy đỏ hoe. Chúng tôi khẩn báo với Trung úy Thiết và ông đã kịp thời hủy bỏ phi vụ, để phi cơ lại Phi trường Phan Rang chờ sửa chữa, rồi chúng tôi tháp tùng phi cơ bạn về Sài-gòn. Nếu trung úy Thiết cất cánh, có thể chúng tôi sẽ gặp nhiều rắc rối lớn: khi cất cánh có thể bể bánh đáp phi cơ, cũng có thể động cơ sẽ phát hỏa nếu gặp hơi xăng hay phi cơ bị hư hỏng thắng trong lúc đáp. VỚI CHÚNG TÔI: phi hành đoàn khám phá sự hư hỏng trước khi để xảy ra khẩn cấp, bao giờ cũng tốt hơn là để cho nó xảy ra rồi và phải gặp khó khăn, mới giải quyết tình trạng khẩn cấp, gặp những nguy hiểm trên không rồi mới đối phó. Đôi khi nó có thể sẽ gây ra những tai nạn không lường.


    Còn nhiều phi vụ kỷ niệm với Đ/u Thiết trong những lần Biệt phái tướng Vùng II Pleiku, dưới thời Trung Tướng Nguyễn-Văn-Toàn làm tư lệnh, với những kỷ niệm vui buồn, không sao kể siết. Bài viết này, như một lời tri ân với một người phi công ưu tú, anh Thiết đã cùng với các ông phi công trưởng phi cơ C-7A Caribou tài năng khác của phi đoàn Phượng-Long 431, các anh đã bay bổng rất an toàn, giữ gìn sinh mạng của chính mình và các nhân viên phi hành là các đồng đội đồng hành của phi đoàn Phượng-Long được an toàn với quân số toàn vẹn 100% cho đến ngày Sài Gòn thất thủ 30-4-1975.
    Là những Nhân viên phi hành, chúng tôi luôn tri ân những phi công ưu tú, không chỉ các anh đã giữ gìn an toàn sinh mạng cho đồng đội, hành khách, mà còn bảo vệ được tài sản lớn lao của quốc gia VNCH, mỗi một chiếc phi cơ hư hại tốn phí hàng triệu ngân quỹ quốc gia, bị đình trệ công tác hay hủy bỏ những chuyến bay rất cần thiết của KLVNCH.


    NHỮNG PHI CÔNG TÀI NĂNG CỦA PHI-ĐOÀN 431


    Nhân bài viết này, chúng tôi cũng xin cám ơn các vị trưởng phi cơ C-7A Caribou phi đoàn 431 kính mến: Đại úy LÊ VĂN TÍNH, sĩ quan huấn luyện phi đoàn 431. Khi phi cơ cất cánh ở Pleiku, vừa rời phi đạo, một động cơ hư hỏng, nó đã bị back fire trong lúc đang cất cánh. Ba tiếng nổ “bằng. bằng, bằng” của động cơ bên phải (máy số 2), báo hiệu sự hư hỏng của máy trong khi phi cơ vừa rời mặt phi đạo, Mọi người đều phập phòng lo sợ. Cũng tại phi đạo Pleiku này, năm 1972, người bạn đồng môn cơ phi thân thiết của chúng tôi cũng đã lâm nạn và qua đời tại đây, khi phi cơ vận tải chiến đấu AC-47, Hỏa-Long 817, Nha Trang, của các anh đã biệt phái cho Pleiku. Tương tự, phi cơ của các anh cũng đã cất cánh bị hư một máy trên phi đạo này, phi công cố gắng quay đầu trở về để đáp. Không biết phi công đã lái phi cơ như thế nào trong lúc bay vòng phi cơ, chiếc máy bay đã lật ngửa và rớt xuống ngọt đồi bên ngoài phi trường. Đầu của người bạn thân của chúng tôi, cơ-phi Trần-Văn-Rẹn bị va chạm mạnh vào nóc phi cơ, thùng đạn đùa tới làm gẫy chân của anh, Rẹn đã hấp hối trong 30 phút, trên tay người bạn cơ phi Vinh, cùng khóa 5/69 HSQ-CKPH, họ đã cùng đi biệt phái ở Pleiku và Rẹn đã qua đời trên đường anh được đưa đến bệnh viện.


    Phi vụ của chúng tôi đã xảy ra tương tự, phi công phụ và cơ phi là tôi đã vừa lo lắng, vừa phải theo dõi chặt chẽ từng động tác khẩn cấp của phi công trưởng phi cơ, Chúng tôi cố gắng theo dõi và tìm những sự sai sót của phi công có thể sẽ xảy ra như trường hợp thiếu tá Quỳnh đã nhầm lẫn tắt hai động cơ và phải thông báo, ngăn chận ngay những sai lầm của họ, nếu có. Chúng tôi an tâm, Đại úy Tính là một viên phi công rất bình tỉnh, chính xác và thông minh lúc phi cơ trục trặc máy đang khi cất cánh, phi cơ đang xử dụng tối đa công xuất 2,700 vòng phút của hai động cơ, phi cơ vừa rời mặt phi đạo, chưa đạt được cao độ. Rất nguy hiểm. Đại úy Lê Tính đã phải giảm công xuất “đúng” máy hư, giữ cho việc cất cánh an toàn bằng hai dộng cơ hoạt động, ông phải cố gắng bay an toàn với một máy rưởi, từ từ ông giảm công xuất máy số 2, “chính xác” máy hư bên phải, đã bị back-fire, ông giảm nó xuống một nửa công xuất, còn 1,400 vòng phút, động tác chính xác của ông, đúng như sự quan sát của chúng tôi về cái máy số 2 đã bị hư hỏng, khi kim đồng hồ máy số 2 này rớt xuống liên tục theo những tiếng nổ back fire, phải lanh mắt mới nhận biết được. Sau khi Đ/u Tính giảm động cơ phải xuống còn 1,400 vòng phút, động cơ đã tạm ổn, không còn phát ra những tiếng nổ back fire nữa. Ông cố gắng giữ gìn và nương động cơ số 2 đã hư, để nó phụ giúp sức cho cái máy tốt, đưa phi cơ lên cao độ an toàn, để phi công vòng phi cơ trở lại đáp ở phi trường. Gần 5 phút Đại úy Tính cẩn thận quẹo phi cơ đang bị quá tải, nghiêng về bên trái, phía bên động cơ còn tốt, đúng theo luật bay phi cơ một máy, ông vòng phi cơ trở lại trong sự hồi hộp lo lắng của mọi người, mọi sự bất cẩn của phi công, phi cơ có thể sẽ rớt trên các ngọn đồi như các bạn KQ AC-47 Hỏa-Long của chúng tôi. Sự lo ngại của tôi thực sự chấm dứt, khi nhìn thấy các vệt sơn trắng làm dấu ở đầu phi đạo chậm chạp lướt qua dưới bụng phi cơ. Chúng tôi mới thở phào nhẹ nhỏm, Rồi! Đã thoát nạn, phi cơ có làm crash trên mặt phi đạo, cũng không hề hấn gì nữa rồi, chỉ sợ khi đang bay vòng lại và nó chết máy bất ngờ, làm crash và rơi xuống các ngọn đồi hoang ngoài kia mà thôi. Đại úy Tính nhẹ nhàng đáp phi cơ trở lại phi trường Pleiku êm ả, ông đã cứu mạng cho 25 hành khách, phi hành đoàn, và phi cơ đã chở nặng quá tải (overload) 500 lbs hàng hóa, mà nhân viên hậu trạm cứ theo kèo nhằn Đ/u Tính nhờ chuyên chở thêm giùm, mà tôi đã lo ngại, khuyên nhủ kín với đại úy Tính nên từ chối trước khi cất cánh, họ nên chờ chuyến sau, vì sự van nài như đỉa đói của nhân viên hậu trạm, cuối cùng Đ/u Tính đã nhận lời. Chúng tôi phải chờ phi đoàn 431 gửi phi hành đoàn túc trực, spare, đưa kỹ thuật ra Pleiku sửa chữa động cơ, rước phi hành đoàn và hành khách về lại Sài-gòn.


    Người anh khả kính: thiếu tá Nguyễn Văn Sáu, phụ tá trưởng phòng hành quân Phi đoàn 431, người anh điềm đạm, hiền lành, thân thiện đáng kính, người phi công TPC tự tin, dầy kinh nghiệm, lúc nào anh cũng rất thân thiện, niềm nở vui tươi và anh đã thường xuyên rủ rê chúng tôi cùng bay chung trên nhiều phi vụ ở Việt-nam, khi chúng tôi cùng có dịp, anh thay thế Trưởng phòng hành quân và tôi thay anh trưởng ngành Cơ phi, chúng tôi cùng cắt bay cho các đoàn viên. Thân tình nòng ấm đó anh vẫn giữ cho đến ngày nay, mỗi khi có dịp họp mặt phi đoàn Phượng-Long 431.


    Nhân viên phi hành Vận tải đi bay mỗi ngày đều gặp phải rất nhiều trục trặc hư hỏng, hay khẩn cấp, góp nhặt những kinh nghiệm phi hành rất quý báu. Chúng tôi rất may mắn, đã được làm việc chung với những viên phi công tài năng, bay an toàn và chúng tôi đã sống sót sau chiến tranh. Vì sự sinh tồn chung của nhau, chúng tôi đã phải làm việc siêng năng, cẩn thận kiểm soát kỹ lưỡng phi cơ và quan sát chặt chẽ mọi động tịnh khác thường của chiếc máy bay, hầu sớm phát hiện ra các triệu chứng có thể sẽ xảy ra nhưng hư hại phi cơ, biết trước những hư hỏng của chiếc máy bay, tốt hơn để cho đến lúc chúng nó gây ra tai nạn khẩn cấp trầm trọng. Về mặc an toàn cho tập thể của các Phi-hành-đoàn, chúng tôi đã góp phần, phải thường xuyên theo dõi từng động tác của phi công TPC trong những lúc khẩn cấp: kiểm soát, nhắc nhở hay ngăn chặn những sai sót của phi công có thể họ đã bất cẩn phạm phải.


    ĐI BAY, HAY ĐI PHI HÀNH: Chúng tôi sợ nhất khi phải đi bay với các hoa-tiêu: liều mạng, đùa nghịch, quờ quạng, bất cẩn hay bất cần đời, họ thường gây ra những hành động bay bổng mất an phi, nguy hiểm, chết người. Nhưng phi đoàn 431 luôn may mắn và toàn vẹn quân số sau hơn 3 năm hoạt động. Chúng tôi là những nhân viên phi hành: phi công phụ, điều hành viên, cơ phi và áp tải, là những nhân viên phi hành có đời sống phụ thuộc vào khả năng của những viên phi công trưởng phi cơ, những hoa-tiêu khéo léo, bạo dạn, tự tin, hành động chính xác và luôn tôn trọng luật an phi. Tôn trọng mạng sống cá nhân của mình, sinh mạng phi hành đoàn và hành khách.


    Cuốn sổ ghi giờ bay của chúng tôi đã ghi đầy những phi vụ khẩn cấp của một đời bay bổng. Có thể buồn vì đã gặp những nguy khó trên không trung nhưng vui vì vẫn còn sống sót, tồn tại! Chúng tôi đã học hỏi được những kinh nghiệm trân quý trên không. Không phải lúc nào cũng gặp những phi vụ buồn thảm của phi trường bị pháo kích tơi bời, hay phập phòng lo sợ khi bay khẩn cấp nguy khốn trên không. Cuộc đời của những người nhân viên phi hành vận tải rất đáng quý, khác hẳn với các ngành KQ chiến đấu cơ khác, cứ đi đánh trận rồi bay quay vể hậu cứ. Nhân viên phi hành phi cơ vận tải luôn được nhiều thời giờ thông dông khắp đó đây, được bù đấp bằng rất nhiều phi vụ vui tươi khác, đã được đi khắp nơi trên đất nước miền nam Việt-nam thân yêu để được hưởng những đặc ân độc đáo của quê hương: Bún bò Huế miền trung, được dùng các sản phẩm lạ của người Thượng miền cao nguyên, khô nai thứ thiệt, cà phê hảo hạng Ban Mê Thuột, các sản phẩm hải sản sơn mài xinh xắn Nha Trang, được hưởng sầu riêng mít ngọt của Sông Bé, Đức Phong, các thức ăn tươi bổ dưỡng, hoa đẹp và cây thông giáng sinh hiếm quý Đà-Lạt. Những hoa lan xinh đẹp đảo Côn-Sơn, tôm cua ngon ngọt của Năm-Căn, nước mắm độc đáo Phú-Quốc. Toàn những món ăn lạ lẩm của đất nước Việt-nam. Chưa kể những ân sủng tuyệt vời là đã được đi ngoại quốc: Phnom Penh Cam bốt hay Bankok Thái lan. Dù cho, chẳng may phải trả giá, có thiệt mạng trong các tai nạn phi-cơ vận-tải, người nhân viên phi hành vận tải vẫn mãn nguyện với giấc mộng phi hành của mình, thỏa chí tan bồng, được bay đây đi đó trên khắp vùng trời Việt-nam.


    PHI ĐOÀN PHƯỢNG-LONG 431, C-7A CARIBOU là một phi-đoàn hoàn hảo. Một phi đoàn không đập và ph1 hủy một phi cơ nào, “nhân viên phi hành không đổ một giọt máu, không mất một giọt lệ của thân nhân” sau hơn 3 năm bay bổng và hoạt động trong Chiến tranh tàn khốc của Việt-nam. Sự nguy hiểm vì chiến tranh của nhân viên phi hành đoàn Phượng-Long 431 cũng tương đương không thua gì với các phi-đoàn vận-tải bạn của KLVNCH. Nhưng Phi đoàn Phượng-Long là một phi đoàn may mắn, được bình an nhất. CÁM ƠN CÁI ĐỨC CỦA BAN LÃNH ĐẠO PHI-ĐOÀN PHƯỢNG-LONG 431, C-7A CARIBOU! Tháng 7 Âm lịch năm nào, phi đoàn cũng cúng kiến lớn “vong linh” tử sĩ KQ, phù hộ cho những sự may mắn.


    THƯƠNG NHỚ MÃI VÙNG TRỜI VIỆT-NAM YÊU DẤU.
    Chia sẻ vài kinh nghiệm và những kỷ niệm vui buồn đời nhân viên phi hành vận tải cùng các cựu chiến hữu KQ và các độc giả đọc giải trí. Vì nghề nghiệp chính của chúng tôi là một nhân viên Cơ khí phi hành, có thể có những sai sót trong việc viết lách qua những gì đã chứng kiến hằng ngày. Nếu nhận ra những sự sai sót, quý niên trưởng KQ vui lòng đính chính, sửa chữa và niệm tình tha thứ. Chân thành cám ơn!


    THÀNH-GIANG.
    6-26-21



Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X