Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Kế hoạch điều phối của vua quang trung đánh quân thanh ​​​​​​​

Collapse
X

Kế hoạch điều phối của vua quang trung đánh quân thanh ​​​​​​​

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Kế hoạch điều phối của vua quang trung đánh quân thanh ​​​​​​​

    KẾ HOẠCH ĐIỀU PHỐI CỦA VUA QUANG TRUNG ĐÁNH QUÂN THANH

    Thưa anh chị em thân mến,

    Khoảng thời gian trước đây, tôi đã viết loạt bài về Vua Quang Trung nhà Tây Sơn, đó là toàn bộ cuộc đại chiến đánh bại quân Mãn Thanh năm Kỷ Dậu 1789: "Một Mùa Xuân Vĩ Đại Của Dân Tộc".

    Nay, Hoài Hương trân trọng mời anh chị đọc tiếp tác phẩm: "Kế Hoạch Điều Phối Của Vua Quang Trung Đánh Quân Thanh".

    Chúc anh chị em hưởng xuân Giáp Thìn năm 2024 với trăm điều vui tươi an lành hạnh phúc.

    Chúng ta cùng nhau hướng về quê hương, thắp nén nhang dâng Ông Bà đêm Giao Thừa, tưởng nhớ công ơn của tổ tiên, cầu khấn anh linh Vua Quang Trung và chư liệt vị tướng sĩ Nhà Tây Sơn, xin phù hộ cho đất nước đau khổ của chúng ta sớm thoát khỏi hiểm họa Tàu phương bắc một lần nữa.
    Cảm ơn quý anh chị ghé đọc bài tôi viết.

    Tình Hoài Hương
    * * *

    KẾ HOẠCH ĐIỀU PHỐI CỦA VUA QUANG TRUNG ĐÁNH QUÂN THANH
    (Tất cả ngày tháng dưới đây tôi ghi theo Dương LịcLịch)
    Tình Hoài Hương
    *

    Triều đại xưa một thời ôi hưng phế.
    Tỉnh giấc nồng dụi mắt nhớ thương nhau.
    Thềm lục địa bên trời em khản cổ.
    Gởi lời ru ta con sóng bạc đầu.
    Có những lúc muốn vá trời lấp biển.
    Vác kiếm qua sông dựng lại ngọn cờ.
    Ngày tháng qua rồi, cả một đời ta.
    Nợ áo cơm vướng vai từng thân phận.
    Một đời người qua vội, có gì đâu?
    Dẫu ngàn năm không vơi được nỗi sầu…
    (1)

    Quân Tây Sơn với danh nghĩa "phù Lê diệt Trịnh", làm một chuyến ra Bắc chỉ trong chớp mắt.

    Khi biết tin Nguyễn Nhạc ra Bắc, Nguyễn Hữu Chỉnh khuyên vua Chiêu Thống sắp sẵn ngọc tỉ để ra hàng. Chỉnh lại giục quan văn trong triều thảo gấp tờ biểu xin hàng. Triều thần bàn bạc mấy ngày chẳng xong, mọi người ngơ ngẩn nhìn nhau không ai dám hạ bút trước.

    Khi vua Chiêu Thống của Nhà Lê thân hành đi đón Thái Đức ở cửa Nam, vua Lê đứng sẵn bên trong cửa ô, vua Chiêu Thống sai hoàng thân là Thanh Nguyên Hầu (sử không ghi rõ tên vị này) quỳ ở bên trái ngoài đường chào Thái Đức, và Nguyên Hầu sẽ nói thay mình.
    Vua Thái Đức cứ thế đi qua cửa ô không đáp lễ, vua giục ngựa đi thẳng, Thái Đức cho một người quay lại nói rằng:

    - Quả nhân thấy nhà vua lễ độ quá, sợ rằng nếu xa giá ở lại chậm trễ, hoặc giả quả nhân làm phiền quý thể phải quỳ lạy mệt nhọc, thì quả nhân mang tiếng suốt đời là thất lễ. Bởi thế, quả nhân vội vã đi ngay. Xin ngự giá hãy cứ về cung nghỉ ngơi, ngày khác thong thả ta sẽ cùng gặp nhau.

    Vua Lê nghe vậy, biết là vua Tây Sơn còn ưu đãi mình, mới không bàn đến việc đầu hàng nữa.
    Ngày hôm sau, mùng Sáu Tháng Tám Âm Lịch, vua Thái Đức sai bày ở phủ đường của Nguyễn Huệ ba chỗ ngồi. Chính giữa phủ kê sập của vua Thái Đức, bên trái là ghế của vua Chiêu Thống, bên phải là ghế của Nguyễn Huệ. Như thế, đủ chứng tỏ vua Lê cũng biết điều, nhún nhường, rất có nhân cách cầu hòa của một người giữ tiết độ khoan đãi có khả trung tín trực.

    Dẫu sao thì từ cương vị một ông vua, vua Lê đã giấu nỗi buồn riêng khi quá yếu thế, bất lợi mọi mặt mà bảo vệ ngai vàng của mình, nên vua Lê Chiêu Thống tất nhiên phải đi cầu viện quân Thanh, (mà có người cho hành động đó là “cõng rắn cắn gà nhà”):

    Dẫu mưa sa tôi vuốt mặt âm thầm.
    Cơn mưa dầm xanh thêm đám mạ.
    Luống cày vỡ đất mềm, tôi đau xót.
    Con trâu già đứng ngậm nỗi buồn riêng.
    (1)

    Vua Càn Long (nhà Thanh) liền lợi dụng cơ hội ấy, muốn lạm dụng “kẻ đàn anh” có uy thế quyền hành, nhân đó hắn muốn cử quân xâm lược nước ta. Càn Long cử Tôn Sĩ Nghị đem 20 vạn quân Thanh tới nước Nam, ngoài miệng leo lẻo thơn thớt mượn cớ giúp nhà Lê, nhưng thực tâm tà ý là chúng chỉ muốn xâm lăng chiếm đoạt, và cai trị dân nước ta mà thôi.

    Ngày 21-12-1788, đô đốc Nguyễn Văn Tuyết của Tây Sơn ngày đêm phi ngựa vô Phú Xuân. Ông cấp báo về việc “rước voi về giày mả tổ của vua Lê Chiêu Thống”.

    Được tin ấy, mượn cớ phò Lê, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ làm lễ chính thức đăng quang lên ngôi hoàng đế tại núi Bân. Ông đặt đế hiệu là Quang
    Trung, rồi lập tức hạ lệnh xuất quân, tự thống lãnh 10 vạn quân thủy, bộ, ngày đêm xuất quân tiến ra Bắc, đánh Bắc Hà.
    Ngày 15-l-1789, trên đường hành quân từ Phú Xuân ra Tam Điệp, vua Quang Trung tuyển dụng quân sĩ, thành một đoàn quân hùng hậu. Quân Tây Sơn có ưu thế hơn quân Thanh, khi đất nước lâm nguy, quân dân Việt ta từ xưa vốn đã có truyền thống bất khuất yêu nước mãnh liệt. Tình cảm ấy đã tác động mạnh mẽ đến tinh thần dân tộc. Quân dân đã quạt bùng ngọn lửa tranh đấu bất khuất dâng tràn. Sức mạnh của họ là chung lòng đoàn kết, quật cường chiến đấu. Dù gian nan khổ cực trăm bề, nằm sương gối đất, đói khát nhọc nhằn, họ vẫn dũng cảm chiến đấu chống giặc, tiến công mãnh liệt như vũ bão.

    Đại quân Bộ binh Tây Sơn tập hợp tại phòng tuyến Tam Điệp, vùng huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Thủy binh tập hợp tại Biện Sơn, Gò Bia, đồi Ông Đùng. Pháo binh Tây Sơn tập bắn. Tại Thung Voi nhốt voi chiến. Làng Gạo chứa lương thực. Đồng Cán Cờ, đồng Con Chuối là nơi tập trận, tập chém chuối, v.v...

    Trong buổi nói chuyện bàn về mưu kế đánh giặc giữa vua Quang Trung với Nguyễn Thiếp, (La Sơn Phu Tử, một danh sĩ nổi tiếng của đất Nghệ An). Ông Nguyễn Thiếp nói với vua Quang Trung:

    - Bây giờ trong nước trống không, lòng người tan rã. Quân Thanh ở xa tới đây, không biết tình hình quân ta yếu hay mạnh, chúng sẽ không thể hiểu rõ
    nên đánh ta, hoặc nên giữ yên giống hiện tại ra sao. Tôi nghĩ Chúa Công đi ra đó chuyến này, không quá mười ngày thì giặc Thanh bị dẹp tan.

    Khi tiến quân ra đến Nghệ An, Thanh Hóa, vua Quang Trung sai người đưa thư đến Tôn Sĩ Nghị xin đầu hàng. Lời lẽ vua viết trong thư nhún nhường, khiêm tốn, khiến Tôn Sĩ Nghị cứ tưởng Nguyễn Huệ hèn kém, nhút nhát. Tôn Sĩ Nghị càng tỏ ra ngạo mạn, vênh váo, khinh khi vua Quang Trung ra mặt. Hắn ra lệnh cho Vua Quang Trung:

    - Hãy rút quân về Thuận Hóa, chờ ta phân xử.

    Biết rõ ý đồ của Tôn Sĩ Nghị, Vua Quang Trung quyết định mở chiến lược tập kích chớp nhoáng, bất ngờ trước ngày 6 tháng Giêng, Tết Kỷ Dậu. Khi làm lễ “thệ sư” tại Thọ Hạc (Thanh Hóa), Nhà Vua biểu lộ ý chí quyết tâm tiêu diệt địch, Ngài dõng dạc nói những lời tuyên bố đanh thép trước ba quân, mong đất nước mau chóng được tự do, độc lập, tự chủ, tự cường:

    - Trẫm đứng trước ba quân khích lệ tinh thần thượng võ của mọi người, ta nâng cao ý chí quyết chiến quyết thắng, gieo cho toàn quân binh có ý thức nhận thấy mình có trọng trách, bổn phận của người công dân khi đất nước lâm nguy, thất phu hữu trách. Trẫm hai lần gây dựng họ Lê, thế mà tự quân họ Lê không biết giữ xã tắc, bỏ nước đi bôn vong, sĩ dân Bắc Hà không hướng về họ Lê, lại trông mong vào Trẫm.

    Tại trấn doanh Nghệ An (thành phố Vinh), vua Quang Trung tổ chức một cuộc duyệt binh lớn. Vua đọc bài hịch kêu gọi quân sĩ, khẳng định sự tồn tại bền vững của đất nước:

    - Trong khoảng vũ trụ, đất nào sao nấy, đã phân biệt rõ ràng, thì phương nam, phương bắc chia nhau mà cai trị cho thuận lòng người. Ta dấy nghĩa quân, chỉ đánh một trận là thắng, mà đuổi chúng về phương bắc. Nay người Thanh lại quá mưu đồ, độc ý chiếm lấy nước Nam ta đặt làm quận huyện, không biết noi gương mấy đời Tống, Nguyên, Minh ngày xưa. Vì vậy ta phải kéo quân ra đánh đuổi chúng…”

    Hoặc:

    - Bớ chư quân! Phàm ai bằng lòng chiến đấu, hãy vì ta giết sạch quân giặc Thanh. Nếu ai không muốn, hãy xem ta giết vài vạn người trong một trận, đó không phải là chuyện hiếm lắm đâu.
    * * *

    Đại quân Tây Sơn đi theo hai đường: thủy, bộ, tiến ra Bắc. Vua Quang Trung có sáng kiến thông minh, tuyệt chiêu rất độc đáo: toán quân bộ binh thì ba
    người một nhóm đi theo thế liên hoàn, cho hai người khiêng võng, để một người nằm nghỉ ngơi trên võng dưỡng sức cho khỏe, cứ vậy họ thay phiên nhau vận công. Theo cách đó bộ binh đông đảo từ Qui Nhơn rầm rộ ra Bắc chớp nhoáng chỉ mất ít ngày:

    Tiếng nhạc ngựa lần chen tiếng trống,
    Giáp mặt rồi phút bỗng chia tay.
    Hà Lương chia rẽ đường này,
    Bên đường, trông bóng cờ bay ngùi ngùi.

    … Hơi gió lạnh, người rầu mặt dạn,
    Dòng nước sâu, ngựa nản chân bon.
    Ôm yên gối trống đã chồn,
    Nằm vùng cát trắng, ngủ cồn rêu xanh.
    (2)

    Vua Quang Trung chuẩn bị những phương tiện chống lại hỏa lực của địch, đó là những tấm mộc từ tấm ván gỗ phản, cửa nhà, cửa đình, cửa chùa… ghép chặt lại, phía ngoài quấn rơm ướt dày, cứ mười người bộ binh khiêng một tấm ván dày làm mộc. Toán quân đi phía sau tấm ván sẽ ào ạt xung
    phong chạy tiến lên. Những tấm ván gỗ đó do dân địa phương tự nguyện đóng góp giúp quân Tây Sơn đi đánh thắng giặc ngoại xâm.
    Thủy binh Tây Sơn giữ vai trò quan trọng khi vận chuyển tốc độ mau, hành quân nhanh, được trang bị nhiều hỏa hổ (súng phun lửa) đại bác các cỡ đặt trên chiến thuyền. Thủy binh trang bị nhiều loại thuyền chiến, thuyền vận tải lớn chở 100 voi chiến, các thuyền mang được 60 khẩu đại bác, chở 700 người.

    Theo thư Barizy gởi Letondal trong Archives des Missions étrangères de Pari, Cochinchine, một sĩ quan người Pháp Jean Baptiste Chaigneau, khi chạm trán với Thủy quân Tây Sơn, ông đã thán phục và thừa nhận:

    - “Trước khi tận mặt thấy Thủy quân của địch (quân Tây Sơn), tôi có ý khinh thường, nhưng bây giờ xin thú thực là tôi đã lầm, địch có những tàu mang 50, 60 khẩu đại bác. Trên đất liền thì họ đặt đại bác lên lưng voi chiến, như một thứ “pháo tượng hành binh”.
    Cuối Tháng Chạp Năm Mậu Thân, vua Quang Trung mở tiệc khao cho quân binh ăn Tết Nguyên Đán trước thời gian. Trong bữa tiệc khao quân trước giờ xuất trận, vua Quang Trung khẳng định lại một lần nữa quyết tâm đánh tan quân giặc, chiếm thành Thăng Long, để ngày mùng 5 tháng Giêng một lần nữa sẽ mở tiệc ăn mừng chiến thắng vẻ vang giữa kinh thành tráng lệ:

    - Người Thanh nghe quân ta ra Bắc, tất nhiên hắn sẽ tập trung hết quân tinh nhuệ xuống phía nam mà giữ Thượng Phúc, Phú Xuyên. Vậy thì ta sẽ xuất
    kỳ bất ý chia quân chẹn ở Thái Nguyên, Lạng Sơn… Lần này ta thân hành cầm quân tiến đánh quân Thanh, thì ta đã tính sẵn, chẳng quá mười ngày là đuổi được người Thanh.


    Trong buổi lễ bừng bừng khí thế chống xâm lăng đó, vị thống soái trẻ trung lừng danh gang thép ấy mới 36 tuổi đã tuyên bố trước ba quân về ý chí sắt đá, quyết tâm phải san bằng mọi khó khăn, gian khổ, không tiếc hy sinh, để quét sạch giặc ngoại xâm ra khỏi đất nước. Một lần nữa vua Quang Trung kêu gọi quân sĩ:

    - Nhà Thanh, từ khi vua Càn Long lên ngôi đến nay, luôn mưu toan khuếch trương bờ cõi, đã chiếm phía tây, lại toan lấn áp phía nam. Sự mất còn của nước ta là do quyết định ở trận nầy. Nay chúng ta hãy làm lễ ăn Tết Nguyên Đán trước, đợi đến sang xuân ngày mùng 7 vào thành Thăng Long sẽ mở tiệc lớn ăn mừng. Các ngươi hãy ghi nhớ lấy lời ta nói xem có đúng thế không?”
    ***

    Tình Hoài Hương.

    (1) thơ Đông Quyên.
    (2) "Chinh Phụ Ngâm" của Đặng Trần Côn, do Đoàn Thị Điểm dịch.

    Còn tiếp… (Mời đón đọc các bài khác về nhà Tây Sơn).

    Tình Hoài Hương biên soạn bài viết được cô đọng về tiêu đề chính, dựa theo lịch sử Việt Nam, từ:

    * Sách trong Bộ Giáo Dục VNCH.
    * Việt Nam Sử Lược (Trần Trọng Kim).
    * Nam Hải Dị Nhân (Phan Kế Bính).
    * Đại Cương Lịch Sử Việt Nam (Nguyễn Khắc Thuần)
    * Sử quán triều Nguyễn,
    * Đại Nam thực lục.
    * Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (Đào Duy Anh)
    * Sách “Tây Sơn thực lục”.
    * Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ...
    * Đại Nam chính biên liệt truyện.
    * Notion d'Histoire d’ Annam, par Maybon et Russier.
    * Abrégé de l’ Histoire d’ Annam, par Shreiner.
    * L'Empire d' Annam, par Gosselin.
    * L'insurrection de Gia Dinh, par J. Silvestre.
    *

    Bút trần nào tả được lưu luyến!
    Thơ trần đành cam chịu vô duyên...
    Tình Hoài Hương


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X