Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Huyền Thoại Về Hoa Hồng Giáng Sinh

Collapse
X

Huyền Thoại Về Hoa Hồng Giáng Sinh

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Huyền Thoại Về Hoa Hồng Giáng Sinh


    Huyền Thoại Về Hoa Hồng Giáng Sinh
    ~~~



    Chirstmas Rose, tranh: Claude Monet (1840–1926)


    Cướp Cha sống trong một cái hang giữa rừng Göinge/Gờingnghe, đã có những ngày hắn xuống làng xóm nằm dưới thung lũng trong rừng kiếm ăn. Cướp Cha là một kẻ sống ngoài vòng pháp luật, hắn không dám rời khỏi khu rừng và chỉ dám mai phục chờ những lữ khách mạo hiểm xuyên rừng. Nhưng vào thời điểm vợ chồng tên cướp sống trong rừng Göinge, phía bắc Skåne/Xcồne, có rất ít người vãng lai. Khi Cướp Cha cả mấy tuần đi kiếm ăn mà toàn gặp xui xẻo, thì đến phiên Cướp Mẹ đi. Mụ cho năm đứa con đi cùng, tất cả đều mặc quần áo da rách rưới, đi giày vỏ cây và mỗi đứa đều đeo một chiếc bao trên lưng to bằng chính đứa trẻ. Khi Cướp Mẹ vào nhà ai, thì không ai dám từ chối điều mụ muốn vì mụ thế nào cũng quay lại vào đêm hôm sau và đốt cái nhà mà mụ chưa được đón tiếp đàng hoàng. Cướp Mẹ và lũ con của mụ còn tệ hơn cả bầy sói tồi tệ nhất, và đã có lần người ta định dùng giáo đâm bọn chúng, nhưng chuyện này không bao giờ xảy ra vì người ta biết rằng vẫn còn thằng cha già đang ở trong rừng và hắn ta sẽ trả thù sát ván nếu có chuyện gì không hay xảy ra cho vợ con hắn.

    Cướp Mẹ đi từ trang trại này sang trang trại khác để ăn xin. Một ngày nọ, mụ đến tu viện Öved/Ờved. Mụ bấm chuông cổng tu viện và yêu cầu các thầy dòng đưa đồ ăn ra cho mụ, thầy giữ cửa, từ một ô cửa nhỏ ở cổng, nhìn ra và đi ra đưa cho mụ sáu ổ bánh mì, một cho mụ và mỗi đứa trẻ mỗi ổ.

    Trong khi Cướp Mẹ đứng ở cổng thì bọn trẻ chạy loanh quanh. Sau đó, một đứa trong đám nhóc kéo mạnh váy của mụ như muốn ra hiệu cho mẹ nó biết là nó đã tìm thấy thứ gì đó, mẹ nó phải đến mà xem, và người mẹ lập tức đi theo nó.

    Toàn thể tu viện được bao quanh bởi một vòng tường cao và dày, nhưng thằng nhóc đã phát hiện ra một cánh cửa nhỏ đang hé mở nơi tường sau. Khi Cướp Mẹ đến, mụ đẩy cửa bước vào mà không xin phép theo phép tắc đòi hỏi.

    Vào thời điểm đó, Viện phụ Hans là bề trên tu viện. Ngài nổi tiếng là người biết rất nhiều về các loại cây thuốc, và Ngài đã tạo một vườn cây thuốc trong khuôn viên tu viện, và đây là nơi Cướp Mẹ cùng lũ con lẻn vào.

    Cướp Mẹ vô cùng kinh ngạc trước những gì mụ thấy, và mụ đứng như trời trồng ở lối vào. Lúc đó đang giữa mùa hè, vườn của Viện phụ Hans đầy hoa rực rỡ cả đỏ lẫn vàng. Ngay khi ấy, một nụ cười hạnh phúc nở trên khuôn mặt già nua của mụ, và mụ bắt đầu bước chậm rãi lên một lối đi hẹp giữa những luống hoa.

    Một thầy dòng ba [1] thầy phụ trách làm vườn của tu viện, đang quỳ gối, chống tay nhổ cỏ dại. Chính thầy ta đã để hé cửa bên hông tường phía sau hầu vứt những rác rến vào đống phân ủ bên ngoài. Khi thấy Cướp Mẹ đi vào vườn cây thuốc [2] với lũ con năm đứa theo sau, thầy đứng dậy, ra lệnh cho mẹ con cút đi, nhưng Cướp Mẹ cứ tiếp tục bước đi. Mụ cứ tỉnh bơ nhìn từ hoa huệ trắng, hoa hồng đỏ, cho đến những dây hoa leo cao trên tường tu viện và những bông hoa cây cỏ khác.

    Thầy nghĩ rằng mụ không hiểu ý thầy nói. Thầy bèn nắm tay mụ để dẫn mụ ra ngoài, thì mụ hất tay thầy ra, thầy đành thối lui. Mụ cong lưng đi vì mụ đang cõng trên lưng chiếc túi ăn xin, nhưng rồi mụ vươn thẳng người lên và nói: “Ta là Cướp Mẹ của của rừng Göinge. Nếu ngon, thì cứ hãy đụng vào người ta đi.” Mụ nói thế, rõ ràng là mụ tin chắc rằng chẳng ai dám đụng đến mụ, như thể mụ là nữ hoàng Đan Mạch vậy.

    Lần này thầy nói một cách lịch sự với mụ rằng đây là nam tu viện; và không một phụ nữ nào được phép vào khuôn viên của tu viện. “Nếu mụ không đi, các thầy dòng khác sẽ giận tôi vì chuyện quên đóng cổng, và dám là các thầy ấy sẽ đuổi tôi khỏi vườn thuốc này cũng như khỏi tu viện.”

    Nhưng những lời cầu xin của thầy chẳng làm Cướp Mẹ động lòng mảy may. Mụ tiếp tục đi qua những luống hoa và trầm trồ ngắm nào là cây kinh giới với những bông hoa màu tím, nào là cây kim ngân lủng lẳng từng chùm hoa màu đỏ pha vàng.

    Thầy không còn lựa chọn nào khác hơn là chạy vào tu viện để kêu cứu.

    Khi thầy dòng ba trở lại cùng với hai thầy vẻ mặt hằm hằm khác, Cướp Mẹ thấy ngay sự việc bây giờ đã trở nghiêm trọng. Mụ đứng giậm chân giữa lối đi và bắt đầu thét đến nhức óc là mụ sẽ trả thù tu viện tới bến nếu mụ không được ở lại khu vườn lâu mau tùy ý mụ. Nhưng các thầy đâu có sợ Cướp Mẹ, các thầy sẽ tống mụ ra khỏi cổng, nhưng chuyện đâu có dễ như các thầy nghĩ. Mụ cắn, mụ cào các thầy, năm đứa nhóc cũng hùa với mẹ.

    Lại một lần nữa phải cần có thêm tiếp viện. Đương khi chạy trên con đường nhỏ dẫn đến tu viện, các thầy gặp Viện phụ[3] Hans đang trên đường xuống vườn cây thuốc để xem có gì mà ồn ào vậy. Các thầy hổn hển kể rằng Cướp Mẹ từ rừng Göinge đã xâm nhập tu viện, và các thầy không thể đuổi mụ và lũ trẻ ra ngoài.

    Nhưng Viện phụ Hans từ tốn bảo các cứ thầy trở lại chỗ làm việc của mỗi thầy. Ngài lặng lẽ đi đến vườn cây thuốc và Ngài thật ngạc nhiên khi thấy người đàn bà. Ngài biết chắc là mụ chưa bao giờ nhìn thấy một khu vườn thuốc trong đời, nhưng dẫu sao có vẻ như mụ biết một số cây cỏ ở đây, biết cả những loại hiếm nhất. Một số, mụ mỉm cười, một số khác, mụ gật đầu.

    Viện phụ Hans yêu khu vườn của mình đến nỗi khiến người ta tự hỏi sao một người thánh thiện như Ngài lại yêu những thứ thuộc trần thế và chóng qua đi như thế. Và dù người đàn bà lạ này trông có vẻ hoang dã và đáng sợ, Ngài vẫn không khỏi không cảm thấy vui vui vì mụ đã đấu tranh với ba thầy để được yên ổn chiêm ngưỡng khu vườn. Ngài đến gần mụ và hỏi nhỏ là mụ có thích những loài hoa rực rỡ trong khu vườn không.

    Cướp Mẹ quay ngay về phía Viện phụ Hans như thể mụ đang thủ thế chờ một cuộc tấn công khác, nhưng khi nhìn thấy mái tóc bạc trắng và cái lưng còng của Viện phụ, mụ trả lời nhẹ nhàng:

    “Khi vừa mới vào, con nghĩ mình chưa bao giờ thấy có thứ gì khác đẹp hơn, nhưng bây giờ con cảm thấy rằng khu vườn này không thể bằng một khu vườn khác mà con đã từng biết.”

    Viện phụ Hans chờ một câu trả lời khác với câu trả lời như vậy từ miệng mụ. Đôi má nhăn nheo của Ngài thoáng ửng đỏ.

    Thầy làm vườn vừa quay trở lại, nghe thế, chỉnh mụ:

    “Đây là Viện phụ Hans. Ngài đã cần mẫn và vất vả lắm mới sưu tầm được những hạt giống quý từ những vùng đất xa xôi. Mọi người đều biết rằng chưa từng có một khu vườn nào đẹp hơn trong toàn vùng này, và những quân lục lâm thảo khấu như mụ là gì mà dám nói ngon như thế.”

    “Tôi đâu có nói ngon gì,” Cướp Mẹ nói. “Tôi chỉ muốn nói rằng nếu các cha, các thầy nhìn thấy khu vườn mà tôi đã từng thấy, các cha, các thầy tất sẽ nhổ tuốt những bông hoa ở đây và vứt chúng đi như cỏ dại!”

    Nhưng thầy làm vườn vốn hãnh diện về những bông hoa trong vườn này như chính Viện phụ Hans, nên khi nghe mụ nói thế, thầy ta bèn cười khinh khỉnh:

    “Mụ toàn bốc phét! Cũng có thể là có một khu vườn khá đẹp mà mụ đã tạo ra giữa những cây thông và lúa bách xù ở trong rừng Göinge. Tôi dám đánh cá bằng sự cứu rỗi của linh hồn tôi là mụ chưa bao giờ được đến gần một vườn cây thuốc như vườn này.”

    Cướp Mẹ đỏ mặt vì ông thầy dòng ba không tin lời mụ, mụ trả lời:

    “Mãi cho đến hôm nay tôi mới vào khu vườn trong nội vi tu viện. Nhưng các cha, các thầy vốn là những người sùng đạo, nên biết rằng mỗi Đêm giáng sinh, cánh rừng Göinge to lớn biến thành một vườn hoa để mừng ngày Chúa sinh ra đời. Chúng tôi sống trong khu rừng đó, vào dịp đó, đã thấy phép lạ diễn ra. Trong khu vườn ấy có những bông hoa đẹp đến mức tôi không bao giờ dám đưa tay ra mà hái.”

    Ông thầy dòng ba muốn đáp lời lại, nhưng Viện phụ Hans ra hiệu cho thầy ta đừng nói bởi vì Ngài hồi còn nhỏ đã được nghe kể là có một khu rừng đã khoác áo lễ hội vào Đêm giáng sinh. Ngài đã nhiều lần muốn xem nhưng không thành. Ngài khẩn khoản xin là liệu mụ có thể, vào dịp Giáng sinh, đến và dẫn Ngài theo vào nơi ở của gia đình mụ. Hay là mụ có thể sẽ sai một trong những đứa con mụ đến để chỉ đường cho Ngài, Ngài sẽ đi một mình và chẳng những Ngài sẽ không bao giờ trở mặt mà còn trọng thưởng họ theo quyền hạn của Ngài.

    Cướp Mẹ lúc đầu từ chối vì mụ nghĩ đến Cướp Cha và nguy cơ đường vào hang bị lộ. Nhưng đồng thời ý muốn chỉ cho Viện phụ Hans khu vườn của mụ, mà theo như mụ nói, còn đẹp hơn vườn của Ngài đã khuất phục được mụ, nên mụ đành xuôi theo.

    “Ngài có thể mang theo một thầy đồng hành,” mụ nói. “Và Ngài là một người nhân đức thánh thiện, Ngài phải cũng phải hứa là Ngài sẽ không giương ra bất kỳ cuộc phục kích hay cạm bẫy nào.”

    Viện phụ Hans hứa, thế rồi Cướp Mẹ cùng lũ con bỏ đi. Nhưng Viện phụ Hans dặn thầy làm vườn không được nói cho ai biết về thỏa thuận nầy. Ngài sợ rằng các cha, các thầy sẽ không để cho một người già ốm yếu như Ngài lại đi vào hang trộm cướp.

    Ngài cũng nghĩ là Ngài sẽ không tiết lộ thỏa thuận này cho bất cứ ai. Nhưng bây giờ tình cờ Tổng Tổng giám mục Absalon/Ápxalon từ Lund đến Öved/Ờved và trú lại tu viện qua đêm. Khi Viện phụ Hans dẫn Tổng giám mục đi thăm khu vườn thuốc, Ngài nghĩ đến chuyện vợ tên cướp và những đứa con của mụ. Thầy làm vườn đang nhổ cỏ dại trong các luống hoa, thầy nghe Viện phụ Hans kể với Tổng Tổng giám mục về Cướp Cha và gia đình hắn, những kẻ bấy lâu nay sống ngoài vòng pháp luật trong rừng. Bây giờ Ngài muốn xin Tổng Tổng giám mục ban cho hắn một tờ đại xá để hắn và gia đình có thể trở về và sống một cuộc sống đàng hoàng giữa những người khác. [4]

    “Căn cứ tình hình hiện nay,” Viện phụ Hans nói, “thì những đứa trẻ ăn cướp đang lớn lên giữa những chuyện tàn bạo, chúng cũng sẽ làm những chuyện tàn bạo còn kinh khủng hơn những chuyện tàn bạo cha chúng đã làm trước đây, và chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ có cả một băng cướp ở trong rừng trên kia.”

    Nhưng Tổng Tổng giám mục Absalon trả lời là Ngài không ưa chuyện bọn đầu trộm đuôi cướp sẽ chung đụng với những người lương thiện ở vùng đồng bằng. Tốt nhất cho tất cả các bên là cứ để hắn ta và gia đình ở luôn trong rừng.

    Nghe vậy Viện phụ Hans bèn kể cho Tổng Tổng giám mục nghe về cánh rừng Göinge vào mỗi độ Giáng sinh về khoác lên mình tấm áo lễ hội. Ngài nói:

    “Những tên cướp tuy xấu xa, nhưng chỉ xấu xa ở mức vinh hiển của Chúa vẫn còn có thể hiển lộ cho họ, vì vậy, họ không thể xấu xa đến mức không đáng được con người thương xót.”

    Nhưng Tổng Tổng giám mục là người không dễ gì thuyết phục được, Ngài cười nụ trả lời:

    “Tôi chỉ hứa với Viện phụ chừng này: Ngày Viện phụ lấy cho tôi một bông hoa từ khu vườn Giáng sinh ở rừng Göinge, tôi sẽ trao cho Viện phụ một tờ đại xá cho tất cả mọi người trong khu rừng mà Viện phụ yêu cầu.”

    *

    Viện phụ Hans đã làm theo ý mình, và Giáng sinh năm sau, Ngài không mừng lễ trong tu viện với các thầy, các cha mà đi đến rừng Göinge. Một trong những đứa con hoang dã của Mẹ Cướp đến dẫn đường, và người đồng hành với Viện phụ là ông thầy làm vườn đã từng đụng độ với Cướp Mẹ trong vườn thuốc.

    Suốt mùa thu, Viện phụ Hans đã mong thực hiện cho được cuộc hành trình này, và Ngài rất vui vì mình hôm nay có thể lên đường. Thầy làm vườn là người đồng hành với Ngài. Thầy ấy rất yêu quý Viện phụ Hans và không muốn ai khác đi theo và trông nom Ngài, chứ dứt khoát thầy chẳng có ý đi để xem khu vườn Giáng sinh mà mụ Cướp Mẹ đã bốc phét. Thầy cho rằng toàn thể sự việc mụ đã kể chỉ là tưởng tượng, một cái bẫy, mà Cướp Mẹ quỷ quyệt đã gài và đợi Viện phụ Hans sa vào.

    Khi Viện phụ Hans cưỡi ngựa về hướng bắc, trên đường vào rừng, người người nơi nơi đều đang chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh. Ở mỗi trang trại, người ta đốt lò trong phòng tắm hơi sửa soạn cho một cử tắm hơi buổi chiều trước lễ Đêm giáng sinh. Người ta mang những tảng thịt và bánh mì và những đồ ăn ngon khác từ nhà kho thực phẩm vào nhà, và đem những bó rơm từ kho lẫm lớn để rắc trên sàn nhà.

    Khi đi ngang qua những nhà thờ nhỏ làng quê, Viện phụ thấy, người người cùng với thầy giúp xứ đang bận rộn treo lên tường những tấm thảm trang trí đẹp nhất mà họ có được, và trên con đường dẫn đến tu viện Bosjö/Busơ, Ngài thấy những người nghèo, những người vốn hay đến tu viện xin bố thí, đang rảo bước trên đường với những ôm bánh và những chiếc nến dài mà họ nhận từ cổng tu viện.

    Khi nhìn thấy tất cả những sự chuẩn bị cho lễ Giáng sinh như thế, Viện phụ lại càng háo hức và hối hả. Ngài nghĩ rằng một cuộc lễ lớn hơn nhiều đang chờ đợi Ngài, lớn hơn tất cả những gì những người vùng này đang chuẩn bị để ăn mừng.

    Còn ông thầy dòng ba thì lại càm ràm, phàn nàn khi thấy ngay cả ở trang trại nhỏ nhất, người ta cũng đang chuẩn bị mừng Lễ giáng sinh như thế này, mà Viện phụ và mình phải đi vớ vẩn như vậy. Ngoài ra, thầy càng lúc càng lo lắng hơn, và thầy van xin Viện phụ Hans hãy kịp thời quay bước, chớ có dại dột mà tự ý trao thân vào nanh vuốt bọn đầu trộm đuôi cướp.

    Nhưng Viện phụ Hans vẫn cứ tiếp tục tiến bước mà chẳng mảy may để ý gì đến ông thầy dòng ba đang năn nỉ ỉ ôi. Ngài đã bỏ lại khu dân cư trong thung lũng sau lưng và giong ngựa đến những khoảnh rừng hoang vắng. Ở đây đường trở nên tồi tệ hơn. Đường chỉ là một con đường mòn lăm chăm đá lá thông trải đầy, và không có cây cầu hay tấm ván nào để giúp du khách vượt khe, qua suối.

    Cuộc hành trình quả thật dài và khó khăn. Con đường chạy dọc theo những lối mòn dốc và đóng băng, xuyên qua những đồng lầy và ao lầy, xuyên qua những bụi cây và qua những cây trốc gốc. Hai vị càng đi xa, trời càng lạnh và chẳng mấy chốc mặt đất phủ đầy tuyết.

    Khi ánh sáng ban ngày bắt đầu mờ dần, thằng cướp nhóc dẫn họ băng qua một đồng cỏ trong rừng có những cây cao bao quanh, những cây rụng lá theo mùa giờ đã trụi lá và những cây thông, cây bá xanh tươi quanh năm. Phía sau đồng cỏ là một bức tường đá dựng đứng, trên bức tường đá ấy có một cánh cửa làm bằng ván dày.

    Lúc này Viện phụ Hans biết rằng họ đã đến nơi, và ông xuống ngựa. Thằng nhóc mở cánh cửa nặng nề cho Ngài và Ngài nhìn vào hang đá, một nơi ở tồi tàn với những bức tường đá trơ trụi. Vợ tên cướp đang ngồi bên đống lửa củi đang cháy giữa sàn nhà. Dọc theo các bức tường là những lớp trải cành vân sam và rêu, trên một trong những lớp đó, tên cướp đang nằm ngủ.

    “Vào đi,” vợ tên cướp kêu lên mà không đứng dậy, “và dắt ngựa vào, kẻo chúng lại chết cóng bây giờ!”

    Bây giờ Viện phụ Hans mạnh dạn bước vào hang, có ông thầy dòng ba đi theo. Ở bên trong, hang trông thật nghèo nàn và thê thảm, và không hề có một chút gì gọi là chuẩn bị mừng Lễ Giáng sinh. Vợ tên cướp không nấu cũng không nướng gì, không quét nhà cũng không chà rửa. Lũ con của mụ đang nằm trên nền đất xung quanh một cái nồi mà chúng đang ăn, nhưng trong nồi chẳng là gì khác hơn một thứ cháo loãng. Nhưng Cướp Mẹ cũng chững chạc ta đây như bất kỳ người vợ nông dân giàu có nào:

    “Bây giờ Ngài hãy ngồi đây bên đống lửa, và sưởi ấm đi,” mụ nói, "và nếu Ngài có mang theo thức ăn thì lấy ra mà ăn vì đồ ăn chúng tôi nấu ở đây trong rừng sẽ khó hợp khẩu vị Ngài. Và nếu Ngài cảm thấy mệt sau chuyến hành trình, Ngài có thể nằm xuống giường mà ngủ. Ngài không cần phải sợ ngủ mê. Tôi đang ngồi đây gác lửa, tôi sẽ đánh thức Ngài dậy sớm để Ngài xem những gì Ngài cất công đến để xem.”

    Viện phụ Hans làm theo lời vợ tên cướp và lấy túi thức ăn đi đường ra. Nhưng Ngài, vì mệt quá, nên chỉ ăn một chút. Ngài vừa nằm dài trên lớp trải liền rơi vào ngay giấc ngủ.

    Thầy dòng ba cũng được chỉ cho một lớp trải để nằm, nhưng thầy không dám nằm. Thầy nghĩ nhiệm vụ của mình là phải trông chừng Viện phụ Hans, sợ tên cướp chỗi dậy làm hại Viện phụ. Tuy nhiên, chẳng mấy chốc sự mệt mỏi xâm chiếm thầy và thầy ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Khi tỉnh dậy, thầy thấy Viện phụ Hans đã ra khỏi tấm trải, và đang ngồi bên đống lửa nói chuyện với Cướp Mẹ, Cướp Cha, kẻ sống ngoài vòng pháp luật, đang ngồi bên cạnh. Hắn thì cao gầy, có vẻ mệt mỏi và chán nản. Hắn ngồi ngồi quay lưng lại với Viện phụ Hans, và hắn làm ra cái vẻ là hắn không thèm nghe hai người trò chuyện.

    Viện phụ Hans kể cho Cướp Mẹ nghe về tất cả những việc chuẩn bị cho Lễ Giáng sinh mà Ngài và thầy dòng ba đã chứng kiến ​​dọc đường tới đây, đồng thời Ngài nhắc mụ về những bữa tiệc Giáng sinh và những trò chơi Giáng sinh vui vẻ mà có lẽ mụ đã dự phần khi còn trẻ, khi mụ sống bình an giữa những người khác.

    “Thật đáng tiếc cho con cái của bà,” Viện phụ Hans nói. “Chúng không bao giờ được mặc quần áo đẹp chạy nhảy trên đường làng hay lăn mình trong đống rơm Giáng sinh như những đứa trẻ khác.”

    Lúc đầu, vợ tên cướp trả lời cộc lốc và đầy miễn cưỡng, nhưng dần dần mụ bắt đầu góp chuyện và rồi hào hứng chuyện trò hơn. Đột nhiên, Cướp Cha quay về phía Viện phụ Hans và giơ nắm đấm chỉa vào mặt Viện phụ:

    “Tên thầy tu khốn nạn, ngươi đến đây để dụ khị vợ con ta à? Ngươi không biết ta là kẻ sống ngoài vòng pháp luật, không dám héo lánh ra ngoài rừng sao?”

    Viện phụ Hans dịu dàng nhìn hắn ta và nói:

    “Ý định của tôi là kiếm cho anh một tờ đại xá do tổng Đức Tổng giám mục ban.” Ngài chưa nói xong câu thì cả tên cướp và vợ hắn đều phá lên cười. Chắc hẳn họ đã biết tỏng rằng những người trốn tránh trong rừng như họ sẽ được nhận bao nhiêu sự gia ân xuống phước từ Tổng giám mục Absalon.

    “Vâng, nếu Ngài có thể kiếm cho tôi một tờ ân xá từ Tổng giám mục Absalon,” Cướp Cha nói, "thì tôi hứa với Ngài rằng tôi sẽ không bao giờ ăn trộm nữa, dù một con ngỗng cũng không”

    Ông thầy dòng ba giận sôi gan vì đám cướp này dám cười nhạo Viện phụ Hans, nhưng bản thân Ngài lại tỏ ra khá thoải mái. Thầy hiếm khi thấy Ngài ngồi lặng lẽ và vui vẻ giữa các tu sĩ ở tu viện Öved như Ngài đang ngồi với bọn lục lâm thảo khấu ở đây. Nhưng đột nhiên vợ tên cướp đứng dậy và nói:

    "Ngài cứ ngồi đây chuyện trò với chúng con, thưa Viện phụ Hans, chúng ta quên bẵng mất việc vào xem khu rừng mà con đã nói. Con nghe tiếng chuông Giáng sinh đã bắt đầu vang vang.”

    Mụ chưa kịp nói xong thì mọi người đã đứng dậy lao ra khỏi hang. Nhưng bên ngoài trời vẫn còn tối và lạnh giá. Tin báo lễ duy nhất là tiếng chuông ngân xa xa mà cơn gió nồm yếu ớt mang đến.

    “Tiếng chuông vang đó có thể đánh thức được khu rừng đang chết giữa trời đông sao?” Viện phụ Hans ngẫm nghĩ trong lòng. Vì Ngài đứng giữa bóng tối mùa đông, Ngài nghĩ là hoàn toàn không thể có một khu vườn hoa hiện lên được lúc này. Làm sao Ngài có thể tin vào một việc như thế chứ!

    Khi chuông vừa vang lên được một lúc thì có một luồng ánh sáng bất ngờ chiếu xuyên qua khu rừng. Ngay sau đó, trời lại tối như cũ, nhưng sau đó ánh sáng lại xuất hiện. Ánh sáng lao về phía trước như một luồng sáng rực rỡ giữa những hàng cây tối tăm, mạnh đến nỗi làm cho bóng tối biến thành bình minh yếu ớt.

    Sau đó, Viện phụ Hans thấy tuyết tan khỏi mặt đất, như thể có ai đó đã kéo một tấm thảm khỏi mặt đất và mặt đất bắt đầu chuyển sang màu xanh lục. Cỏ đuôi ngựa bung ra và chĩa lên không trung trong khi những chồi dương xỉ cuộn tròn như những cây gậy giám mục. Cây thạch nam mọc trên sườn đá và cây cói đã bén rễ trong đầm lầy và nhanh chóng khoác lên mình màu xanh mới, những bông hoa mùa xuân mọc lên với những búp căng vun đã nhú ra những màu sắc.

    Tim Viện phụ Hans đập thình thịch khi Ngài cảm nhận được những dấu hiệu đầu tiên cho thấy khu rừng đang thức tỉnh. “Ta, một lão già, mà thực sự được phép nhìn thấy điều kỳ diệu như vậy chăng?” Ngài nghĩ thế và nước mắt ứa ra.

    Sau đó trời lại tối sầm đến mức Ngài sợ bóng tối của màn đêm sẽ lại chiếm ngự. Nhưng ngay lập tức những làn sóng ánh sáng mới ập tới, mang theo tiếng ào ào của thác nước tan chảy và của dòng suối được buông thả. Lá của những cây rụng lá theo mùa bung ra đột ngột đến nỗi trông chúng như vô số con bướm xanh bay đến đậu trên cành. Và không chỉ có cây, cỏ cũng thức giấc. Những con chim mỏ chéo nhảy nhót trên cành. Chim gõ kiến ​​mổ vào thân cây làm vỏ cây bay ra. Một đàn chim sáo từ phương Nam đến đậu trên ngọn cây vân sam để nghỉ ngơi. Đấy là giống sáo đẹp; đầu mỗi chiếc lông vũ nhỏ tỏa ánh sáng đỏ rực, và khi chim di chuyển, chúng lấp lánh như những viên đá quý.

    Trời lại tối đen một lúc, nhưng ngay sau đó một làn sóng ánh sáng mới ập đến. Một cơn gió nồm ấm áp, mạnh mẽ ùa đến và gieo trên đồng cỏ trong rừng những hạt giống nhỏ từ các đồng cỏ phía Nam mà chim, tàu và gió đã mang đến, và vì sự khắc nghiệt của mùa đông nên đã không thể nở hoa ở đây, và bây giờ chúng đã bén rễ và nảy mầm ngay khi chúng chạm tới mặt đất.

    Khi làn sóng ánh sáng tiếp theo nữa lại ập đến, quả việt quất và nam việt quất chín rộ lên. Ngỗng hoang và hạc kêu vang trong không trung, chim sẻ làm tổ và sóc con bắt đầu chơi đùa giữa các cành cây.

    Mọi việc bây giờ diễn ra quá nhanh đến nỗi Viện phụ Hans không kịp ngẫm ra rằng phép lạ mà Ngài chứng kiến lớn đến mức nào. Mắt Ngài không đủ để nhìn, tai Ngài không đủ để nghe cho hết. Làn sóng ánh sáng tiếp theo này ùa vào, nó mang theo mùi ruộng mới cày. Xa xa có tiếng những nữ mục tử trẻ đang gọi đàn cừu và những chiếc chuông nhỏ của đàn cừu đang rung lên. Những cây thông, cây bá được bao phủ bởi rất nhiều trái thông màu đỏ đến nỗi chúng tỏa sáng như những chiếc áo choàng màu tím. Bụi cây bách xù sinh ra những quả mọng đổi màu theo từng khoảnh khắc. Và những bông chớm xuân phủ đầy mặt đất màu trăng trắng, xanh và vàng. Viện phụ Hans cúi xuống hái một bông hoa dâu tây và khi ông đứng dậy thì quả dâu đã chín.

    Cáo mẹ chui ra khỏi hang cùng một lũ con chân lông đen. Nó le lén bước tới chỗ vợ tên cướp và cào cào vào váy của mụ. Vợ tên cướp cúi xuống vỗ về. Con cú vừa rời tổ bay đi săn đêm, giờ bay trở về, và giật mình vì ánh sáng, nó tìm kiếm vết nứt trên vách núi và nằm xuống ngủ. Có con chim trống kêu cu ru cu ru, con mái với một quả trứng trong mỏ [5] lặng lẽ bay lượn quanh tổ có những chim con.

    Lũ con của Cướp Mẹ ré lên sung sướng. Chúng ăn ngấu nghiến những quả mọng, to như quả thông, treo trên bụi cây. Một đứa trong lũ nhóc đang chơi với một đàn thỏ con, một đứa khác đang chạy đua với vài con quạ non đã nhảy ra khỏi tổ trước khi chúng tập bay, đứa thứ ba nhặt con rắn độc đang bò trên mặt đất và quàng rắn độc quanh cổ và cánh tay của nó. Cướp Cha đứng cạnh bờ đầm lầy ăn trái dâu tằm. Khi hắn nhìn lên, một con vật to lớn màu đen đang đi bên cạnh anh. Cướp Cha bẻ cành liễu và đánh thẳng vào mũi con gấu, nói:

    “Cút về hang của mày đi!" Con gấu nói, rồi quay đi và lê bước đi nơi khác.

    Những đợt nắng ấm và ánh sáng mới không ngừng ập đến, và lần này chúng mang theo đàn vịt trời từ hồ trong rừng tới. Phấn hoa màu vàng từ đồng lúa mạch đen bay lơ lửng trong không khí, trong đó những con bướm lớn như bông hoa huệ đang bay bay. Tổ ong trong bọng cây sồi đã đầy mật đến nỗi mật chảy tràn xuống dọc thân cây. Bây giờ bông hoa cũng bắt đầu mọc lên, bông hoa đến đây và nảy sinh từ những hạt giống của những miền đất lạ. Những bông hồng đẹp nhất thi đua mọc với những cây dâu đen trên vách núi. Và những bông hoa to như mặt người mọc tràn đồng cỏ. Viện phụ Hans nghĩ đến bông hoa mà ông cần hái để dâng cho Tổng Tổng giám mục Absalon, nhưng ông vẫn do dự mãi không biết chọn bông nào, bông mọc lên sau cứ đẹp hơn bông trước, mà ông lại muốn chọn bông hoa đẹp nhất cho vị Tổng giám mục.

    Bây giờ bầu không khí thấm đẫm lớp lớp sóng ánh sáng, đến mức bầu không khí lên cơn run rẩy. Tất cả niềm vui, sự tươi sáng và hạnh phúc của mùa hè đang reo hò xung quanh Viện phụ Hans. Ngài cảm thấy rằng trái đất này không thể mang lại niềm vui nào lớn hơn những gì đang trào dâng xung quanh Ngài, và Ngài tự nhủ: “Giờ đây tôi không biết làn sóng ánh sáng tiếp theo có thể mang lại cho tôi sự vinh hiển nào lớn hơn nữa.”

    Và ánh sáng cứ liên tục tuôn đến, và Viện phụ Hans cảm thấy như ánh sáng ấy đến từ miền xa xăm nào. Ngài cảm thấy không khí thượng giới bao quanh mình, và Ngài bắt đầu run rẩy vì hồi hộp chờ đợi. Nếu niềm vui trần thế đã viên mãn như thế này thì niềm vui thiên đường cũng chẳng còn bao xa.

    Viện phụ Hans nhận thấy mọi thứ trở nên yên tĩnh: chim chóc im tiếng hót, cáo con không còn chơi đùa và hoa ngừng mọc. Niềm hạnh phúc đang đến gần lớn lao đến nỗi con tim gần như ngừng đập. Mắt rưng rưng lệ hồi nào không hay, linh hồn khao khát chao cánh trong Cõi vĩnh hằng. Xa xa, nghe có tiếng đàn hạc/harpe mơ hồ, và bài ca thượng giới nghe như thầm thì.

    Viện phụ Hans chấp tay quỳ xuống. Khuôn mặt Ngài rạng rỡ niềm hạnh phúc. Ngài chưa bao giờ dám nghĩ rằng, ngay trong cuộc đời này, Ngài có thể hưởng được niềm vui thiên đường và được nghe các thiên thần hát những bài ca Giáng sinh như thế.

    Nhưng bên cạnh Viện phụ Hans là ông thầy dòng ba đã đồng hành cùng Ngài, và những ý tưởng đen tối cứ quay cuồng trong đầu thầy. “Đây không thể là một phép lạ chính thống khi phép lạ như thế này lại xảy ra cho bọn đầu trộm đuôi cướp,” thầy nghĩ. “Những cảnh kỳ diện này không thể do Thiên Chúa, chúng tất phải xuất phát từ Cái Ác. Chính ma quỷ xảo quyệt đã gửi chúng đến để mà mắt chúng ta, do đó, làm cho chúng thấy những thứ không vốn không hiện hữu.”

    Ở phía xa, tiếng đàn hạc và giọng hát thiên thần vang lên, nhưng ông thầy dòng ba nghĩ rằng đó chẳng qua chỉ là những linh hồn bị đày trong địa ngục đang tiến lại gần.

    “Chúng sẽ dụ dỗ và quyến rũ chúng ta,” thầy dòng ba thở dài. “Chúng ta sẽ không bao giờ thoát khỏi đây mà linh hồn còn toàn vẹn! Chúng ta sẽ bị mê hoặc và cuối cùng trở thành con mồi cho quỷ dữ.”

    Giờ đây các thiên thần đã ở gần đến mức Viện phụ Hans có thể thấy hình dáng sáng láng của các đấng thấp thoáng giữa những tán cây rừng.

    Và ông thầy dòng ba cũng nhìn thấy như thế, nhưng thầy chỉ nghĩ đấy chỉ là ma quỷ đang tiềm ẩn trong những hình dáng sáng láng ấy, chúng đã ra phù ra phép vào đúng đêm Đấng Cứu Thế ra đời. Càng cao pháp thuật thì lừa gạt những người khốn khổ càng dễ.

    Lúc nào lũ chim tíu tít bâu quanh đầu Viện phụ Hans đến nổi Ngài có thể bắt được chúng bằng tay. Trái lại, thú vật lại sợ ông thầy dòng ba, nhưng có một con chim bồ câu bay đến và đậu xuống thầy, lại còn tựa đầu vào má thầy. Ngay lập tức, thầy nghĩ con chim bồ câu chính là con quỷ đầu đàn đang đến dụ dỗ và quyến rũ thầy. Thầy ta đập con chim bồ câu và hét lên lớn đến mức tiếng hét vang vang khắp khu rừng:

    "Cút về cái hoả ngục của mày đi!"

    Ngay lúc đó các thiên thần đang gần đến mức Viện phụ Hans có thể nghe được tiềng lào xào của những chiếc cánh uy nghi của các đấng, và Ngài gập mình xuống đất để chào đón các đấng. Nhưng khi lời của ông thầy dòng ba oang lên, tiếng hát của các đấng dừng lại cái rụp, và đoàn lũ thiên thần bắt đầu bỏ chạy. Và cả ánh sáng và hơi ấm dịu dàng cũng biến mất vì bị sự lạnh lẽo và tối tăm của lòng người xua đuổi. Màn đêm tối sầm sà xuống mặt đất, cái lạnh ập đến, hoa cỏ trên mặt đất héo úa, muông thú vội vã bỏ đi, tiếng thác ầm ầm im bặt, lá cây héo ùa rơi xuống đất xào xạc như mưa.

    Viện phụ Hans cảm thấy trái tim mình, vừa mới dâng trào niềm hạnh phúc, giờ đây đang co thắt lại vì đau đớn tột cùng. “Không bao giờ,” Ngài nghĩ, “mình còn có thể sống được nữa khi các thiên thần của Cõi trời vừa mới bay đến rất gần mình, giờ lại bị xua đuổi trong khi các đấng đang hát những bài ca giáng sinh cho mình.”

    Cùng lúc đó, Ngài nhớ đến bông hoa mà Ngài đã hứa với Tổng giám mục Absalon, Ngài cúi xuống mò mẫm trong đám rêu và lá cây để cố gắng ngắt cho được một bông hoa vào giây phút cuối, nhưng Ngài nhận ra mặt đất đã đóng băng dưới ngón tay mình và tuyết thì trơn trượt.

    Trái tim Ngài tan vỡ, và Ngài không thể đứng dậy được nữa, Ngài ngã sóng soài trên mặt đất.

    Khi bọn cướp và thầy dòng ba mò mẫm tìm đường quay lại hang động của tên cướp thì họ không thấy Viện phụ Hans đâu nữa. Họ lấy những thanh củi đang cháy từ đống lửa và chạy đi kiếm Ngài, và họ rồi tìm thấy Ngài đang nằm chết trên lớp tuyết dày.

    Ông thầy dòng ba bắt đầu than khóc. Thầy ta hiểu rằng chính thầy là người đã gây ra cái chết của Viện phụ Hans bởi vì thầy đã tước đi chén vui mừng mà Viện phụ Hans khao khát được uống cạn.

    *

    ​Sau khi xác Viện phụ Hans được đưa xuống tu viện Öved, những người lo việc hậu sự tẩm liệm cho Ngài, họ thấy Ngài đang nắm chặt trong bàn tay phải của mình một thứ gì đó mà chắc chắn Ngài đã chộp được vào giây phút cuối cùng trước khi chết. Cuối cùng, khi họ mở tay ra, họ thấy thứ mà Ngài đang nắm chặt khư khư, là một cặp củ có rễ trắng mà Ngài đã nhổ lên từ đám rêu và lá cây. Và khi ông thầy dòng ba, người đã đồng hành với Viện phụ Hans, nhìn thấy những củ này, thầy đã lấy chúng và trồng trong vườn cây thuốc của Viện phụ Hans.

    Thầy đã chờ đợi và theo dõi suốt năm, mong chờ một bông hoa xuất hiện, nhưng thầy đã chờ đợi trong vô ích suốt ba mùa xuân, hạ, thu. Khi mùa đông đến, tất cả lá và hoa đều chết, thầy không còn chăm bón cặp củ ấy nữa.

    Nhưng khi đêm Giáng sinh đến, thầy nhớ quay quắt Viện phụ Hans đến mức thầy đi ra vườn cây thuốc để may ra kiếm được một vài mảnh nhớ về Ngài. Và coi kìa, khi đi ngang qua nơi thầy đã vùi cặp củ trụi lủi xuống đất, thầy thấy những thân cây mọc lên xanh xum xuê tự lúc nào và đã ra hoa với những cánh hoa màu trắng bạc đẹp tuyệt trần!

    Thầy kêu các cha, các thầy đến mà xem chuyện lạ, và khi các vị nhìn thấy cây hoa nở hoa vào đêm Giáng sinh, trong khi tất cả những bông hoa khác dường như đã chết, họ thấy rõ rằng hoa này thực sự đã được Viện phụ Hans lấy từ khu vườn Giáng sinh ở rừng Göinge.Rồi ông thầy dòng ba đã xin phép các cha, các thầy biếu Tổng giám mục Absalon vài bông hoa từ phép lạ to lớn như vậy.

    Khi ông thầy dòng ba đến gặp Tổng giám mục Absalon, thầy dâng cho Ngài những bông hoa ấy và nói:

    “Viện phụ Hans gửi cho Ngài những bông hoa này. Đây là những bông hoa trong khu vườn Giáng sinh ở rừng Göinge Đức viện phụ hứa sẽ hái để dâng Đức Tổng giám mục.”

    Khi Tổng giám mục Absalon nhìn thấy những bông hoa đã mọc lên từ mặt đất trong mùa đông đen tối và nghe được lời trăn trối của Viện phụ Hans, Ngài tái mặt như thể vừa nhìn thấy một người chết. Ngài ngồi im lặng một lúc rồi nói:

    "Viện phụ Hans đã giữ lời hứa thì ta cũng phải giữ lời hứa." Ngài liền sai viết một tờ đại xá cho tên lục lâm thảo khấu, kẻ đã lang bang ngoài vòng pháp luật trong rừng từ khi còn trẻ.

    Ngài đưa lá thư cho ông thầy dòng ba, thầy vội vã cáo biệt và lần mò tìm đến hang của tên cướp. Mãi vào ngày sau lễ Giáng sinh, thầy mới đến nơi. Nhưng khi thầy bước vào hang, tên cướp đi về phía thầy và nhứ nhứ cái búa.

    “Này, cái bọn thầy tu, ta sẽ chém chết các ngươi một duộc!” Hắn nói. Chính là vì các ngươi mà rừng Göinge, đêm Giáng sinh tối qua, đã không khoác áo lễ hội đẹp đẽ như những năm trước."

    "Đó là lỗi của tôi chứ không của ai khác," ông thầy dòng ba nói, “và tôi sẵn sàng chết để chuộc lỗi, nhưng trước hết anh để cho tôi nói với anh lời Viện phụ Hans nhắn gởi cho anh.”

    Và thầy lấy lá thư của vị Tổng giám mục ra và nói với hắn rằng hắn không còn phải sống ngoài vòng pháp luật nữa. “Từ này về sau anh và các con anh mừng Lễ Giáng sinh với những người khác, các con anh phải được chạy nhảy trong đống rơm Giáng sinh, như Viện phụ Hans muốn.”

    Nghe thế, Cướp Cha, mặt tái nhợt, im thin thít, nhưng vợ tên cướp thay mặt hắn nói: “Khi Viện phụ Hans đã giữ lời hứa, thì Cướp Cha cũng phải giữ lời hứa.”

    Khi tên cướp và vợ hắn và cùng bầy nhóc đã rời bỏ hang trộm cướp, ông thầy dòng ba vào rừng ẩn tu, sống ngay trong hang xưa của họ, và thầy không ngừng cầu nguyện xin Chúa tha thứ cho sự ngu muội của mình, và xin Chúa làm cho trái tim sắt đá, lạnh lùng của mình được trở nên mềm mại và ấm áp.

    Nhưng rừng Göinge kể từ đó không bao giờ còn mừng ngày Đấng Cứu Thế ra đời với bộ áo lễ hội như xưa. Từ tất cả những vinh hiển của ngày Lễ Giáng sinh năm ấy, chỉ còn lại bông hoa mà Viện phụ Hans đã móc được củ. Hoa được gọi là hoa hồng giáng sinh. Và hàng năm từ những bụi hoa hồng nằm vùi dưới tuyết ấy mọc lên những nhành tươi xanh với những cánh hoa trắng vào dịp Giáng sinh, như thể hoa không bao giờ có thể quên rằng hoa đã từng mọc lên trong vườn Giáng sinh to lớn trong rừng độ nọ.


    Selma Lagerlöf

    Nguyễn Văn Thực dịch từ tiếng Thuỵ Điển (Legenden om Julrosorna)
    Oslo, Giáng sinh 2023


    Selma Lagerlöf (1858 – 1940), người Thuỵ Điển, nhà văn nữ đầu tiên trên thế giới đoạt giải văn chương Nobel, 1909. Bà viết nhiều truyện Giáng sinh, sợi chỉ đỏ xuyên suốt các truyện là sức mạnh của tình yêu có thể biến đổi được lòng người, và thông điệp của Lễ Giáng Sinh là ước mong người dưới thế biết thương yêu, chăm sóc nhau. (Lời người dịch)



    --------------
    [1] Thầy dòng ba: Trong một nhà dòng thường có ba loại tu sĩ: thầy dòng nhất gồm linh mục hay là các thầy sẽ làm linh mục; thầy dòng nhì là những thầy dòng không làm linh mục; thầy dòng ba là những người đã kết hôn mà nay vợ đã chết, muốn sống gần tu viện, để đọc kinh cầu nguyện với các tu sĩ loại 1 + loại 2, thường các thầy dòng ba này hay làm những việc tay chân, việc lặt vặt như ông thầy trong truyện này.

    [2] Thời trung cổ 476-1400 hay 1450, gần 400 năm còn gọi là thời kỳ đen tối trong lịch sử Âu châu, các tu viện là trung tâm trí thức và y khoa. Vườn thuốc trồng cây thuốc và các loài hoa dị thảo mà các tu sĩ sưu tầm.

    [3] Viện phụ: Abbot: từ tiếng aramic: abbas: cha, như thế viện phụ là cha tu viện: tu viện trưởng

    [4] Thời trung cổ Âu châu một số Giám mục được vua ban đất đai, hay đất đai của Giáo hội, và các vị có quyền cai trị trong các thái ấp ấy như một lãnh chúa.

    [5] Chim ngậm trứng là có thật.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X