Thông báo

Collapse
No announcement yet.

HUẤN NHỤC (Tại Trung Tâm Huấn Luyện Không-quân Nha Trang)

Collapse
X

HUẤN NHỤC (Tại Trung Tâm Huấn Luyện Không-quân Nha Trang)

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • HUẤN NHỤC (Tại Trung Tâm Huấn Luyện Không-quân Nha Trang)

    HUẤN NHỤC
    Tại Trung Tâm Huấn Luyện Không-quân Nha Trang
    Tình Hoài Hương
    *


    Ngày… tháng… năm 1965
    Hồng Hạnh thương nhớ,
    Thuở anh còn mài đũng quần trên ghế các trường Tiểu-học, Trung-học và Đại-học, anh ngưỡng mộ đời phi công, yêu ngành bay bổng đã đêm từng đêm ngày từng ngày anh ôm mộng: mai sau sẽ ngao du đây đó trên mây trời lồng lộng, sảng khoái giang hồ bồng bềnh phiêu lãng một mình một con tàu bay qua bốn bể. Vì:

    Đời phi công ngang dọc vượt ngàn non.
    Từ đại dương bay qua vạn lâm sơn.
    Giữa sáng nắng khuya chiều bồng bềnh tới.
    Tự hào đó muôn đời tôi ước muốn…
    Mộng vàng ươm sương gió cuốn non sông.
    Thiều quang cánh chim bằng rong nghìn núi.
    Đêm chập chờn thao thức vùi trăng vỗ.
    Ngày tha phương cánh bạc tô vuông đời.
    Bầu trời tròn hoài mong đợi trong tôi.
    Từ thinh không anh nhìn đời bát ngát.
    Tự do ấy toả rung ngàn nốt nhạc.
    Mộng hải hồ hằng khao khát thế nhân.
    Dưới chân mây tôi nhìn lên vạt nắng (1)


    Huấn nhục tại Quân Trường Mẹ dù nhọc nhằn vất vả nhưng anh cảm thấy vui, thích, thương và nhớ những ngày nầy, vui từ mỗi buổi bình minh lúc mặt trời rạng rỡ đỏ thắm pha màu hồng tươi, quyện lẫn từng vạt mây ngà bồng bềnh trôi trong không phận Nha Trang, mây hồng lững lờ soi mình lung linh trên mặt biển lặn sóng. Mặt trời ươm nắng từ từ ngoi lên khỏi biển xanh ngắt mênh mông, ánh dương bơi bơi trong không gian vô tận. Chim biển rộn ràng chao lượn rối rít hót những âm thanh líu lo, nghe vui vẻ lạ thường.


    Lúc chiều về khi tia nắng yếu mà còn hơi nóng, phía núi xa xa có những mảng mây ửng hồng, hoà với mây tím chắn che trên đỉnh, mặt trời lấp ló dưới chân đồi, khiến anh tưởng tượng có sơn nữ sau khi ngâm mình dưới suối mát, trên đường về nhà sàn, nàng quay lại mỉm cười vu vơ, mặt bẽn lẽn, e ấp, lưu luyến ngắm bọn anh chưa muốn xa. Có lẽ ánh mắt nồng nàn của sơn nữ thay lời chào tạm biệt... khi còn thấy nhau. Em ơi! khoan vội nói:

    - Anh đã đăng vô lính, không lo chuyên tâm học hành đỗ đạt, rồi ra làm “quan tàu bay” như má anh ưa nói. Anh ở đó mà lãng mạn mơ cô nầy nhớ cô kia. Anh phiêu bồng bay lên mây nói chuyện tào lao, mơ mộng tới mấy sơn nữ ở dưới núi. Không có đâu, đừng mơ hão nhớ huyền. Mệt.

    Do như vầy nè em:

    Tôi từng ở đây khung mây miền nhiệt đới
    Nghiêng cánh trần gian năm tháng bạc màu
    Tôi nhớ phi trường tôi nhớ gió
    Thấy cánh diều rơi tôi nhớ bạn bè… (2)


    Ha ha ha! Chiều nay rảnh rỗi, anh viết thư gởi em hầu đáp lại tấm chân tình, mà bấy lâu nay người thân thiết riêng dành cho anh. Cũng như anh đền đáp cho Ba Má phần nào khi họ thắc mắc, băn khoăn, phân vân từ cuộc sống mới về “đứa con cưng” của họ nơi quân trường, mà anh chưa có dịp kể cho gia đình nghe, như đã hứa. Hy vọng thư nầy đến kịp lúc, từ phương xa mọi người có thể dõi theo dấu chân anh:
    Anh nhớ ngày đầu tiên khi vừa vô quân trường Không-quân Nha Trang, tụi anh "được" các niên trưởng dàn chào “tưng bừng", nên cơ thể ngất ngư mệt bá thở, làm bạn Quân sợ gần té đái (ai mà chẳng có lúc yếu lòng xìu xìu ển ển, hả em). Khuya đó, nó lân la tới gần bọn anh, to nhỏ rủ rê bọn anh:

    - Tụi mình đào ngũ về Sài Gòn đi.

    - Mầy nói cái gì?

    - Thì “đào tẩu”, có gì... sau đó trốn lên Đà Lạt. Hén.

    - Thôi mầy. Đã vô đây sao yếu vậy?
    - Chết nhát hả? Ngủ đi mầy.


    Quân tiu nghỉu uể oải lững thững đi về phòng ngủ. Vậy mà bây giờ Quân hân hoan theo kịp bạn bè, nó vui vẻ kiên nhẫn chạy bén gót theo bạn học và hành bất cứ điều gì không hề bỏ cuộc, không thua kém ai. Vậy mới biết: “Làm trai cho đáng nên trai. Xuống đông đông tĩnh lên đoài đoài tan”.


    Thời khóa biểu học trong quân trường khá sít sao, chặt chẽ. Tờ mờ sáng sớm trường mở loa phát nhạc quân hành. Tất cả anh em liền ngồi bật dậy như cái lò xo, mắt nhắm mắt mở họ thay bộ đồ thể thao, thường là áo thun T Shirt, quần dài treillis, có quần tắm lót bên trong. Anh cùng bạn lo chạy ra sắp hàng điểm danh như thường lệ. Khoảng năm giờ sáng, ông Thượng-sĩ huấn luyện viên thể dục hướng dẫn tụi anh chạy bộ thẳng ra bờ biển, rồi rẽ về bên phải chạy đi Cầu Đá xa quân trường sáu kí lô mét.

    Trong lòng anh vui, tức cười nữa em à, người ta nói: "gái mười bảy bẻ gãy sừng trâu", mà bọn anh là trai đôi mươi đang thời sung mảng, tráng kiện khỏe mạnh phơi phới, thì dù là gái mười bảy, mười tám, có muốn “thi đấu vật”, cô ấy đành phải chịu lép vế nằm dưới... là thường. Vậy nếu anh có chạy năm bảy kilô mét, thì nhằm nhò gì! Chạy có đổ mồ hôi nhưng không thấy mệt, vẫn đều bước nhịp. Không "cu cậu" nào rơi rớt… tụt hậu cả nghe em! Ai nấy ca vang bài hát "Không Quân Hành Khúc".

    Lúc tụi anh chạy ngang qua căn cứ Hải Quân, thì câu hát: "Ta là đàn chim bay trên cao xanh. Khi nhìn qua
    khói những kinh thành xa. Ðôi cánh tung hoành vượt trên mây xanh. Ta là tinh cầu bay trong đêm trăng. Ðây đó hồn nước ơi! Không quân Việt Nam vút trên ngàn mây gió u u u… Ôi phi công danh tiếng muôn đời. Nhìn xa phi trường Việt Nam. Không quân ra đi cánh bay rợp trời" ...


    Bọn anh không ai nói với ai, cùng nhau quay mặt vô bên Hải Quân bạn, đồng thanh cất cao giọng hát để "giựt nổi", để “làm le, làm dóc, chơi trội” chút xíu. Ấy là bọn anh cố ý chọc phá, vui chơi, khoe sự bay bướm với mấy chàng áo trắng “Hoa Biển” lả lướt trên sông nước í mà!

    Rồi, đoàn sinh viên sĩ-quan Không-quân chạy trở về, tới khúc quanh trước khi vô cổng quân trường, mọi người được huấn luyện viên cho tự do thoải mái: Ai muốn hít thở không khí trong lành, ai đi thả bộ trên bãi cát trắng, hoặc ai muốn tắm, muốn bơi... đều có quyền đùa giỡn vẫy vùng trên sóng biển.


    Mỗi lần chạy về cổng căn cứ Không-quân, anh ngó lên tấm bảng ghi hàng chữ đậm: "Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu" - ai nấy đều cảm thấy yên tâm. Sự kiên nhẫn và chịu đựng ngày càng gia tăng, không quản ngại nhọc nhằn gian khổ, anh em cố gắng trì chí học hành. Hy vọng sau nầy sẽ gia nhập từ một trong những Không-Đoàn.

    Đúng giờ quy định các anh tới sân trường tập họp điểm danh, rồi tan hàng, anh chạy về phòng lo sắp xếp mền, gối, nệm ngay ngắn. Dưới chân giường có "chưng" đôi giày bóng lộn, con ruồi đậu lên còn trợt té. Trong tủ có bi đông nước, ca nhôm sáng chói. Mọi thứ quần áo, đồ dùng: phải ngăn nắp sạch sẽ. Trên đầu giường khóa sinh có tờ giấy trắng in sẵn tên, họ, để đàn anh đi kiểm soát phòng. Họ rút cây viết ra ghi điểm thưởng hay phạt! Nghiêm minh công bằng lắm nghe em!


    Mỗi sáng thứ Hai sinh viên sĩ quan Không-quân và cơ hữu xếp hàng chào cờ, rồi đi diễn binh. Trước mỗi Thứ Bảy cán bộ cho sinh viên sĩ quan biết: Tuần sau khoá sinh học môn gì. Họ cẩn thận niêm yết bảng "Thời Khoá Biểu" tại mỗi phòng sinh viên. Lần đầu tiên họ cho khóa sinh test, để sắp lớp. Dĩ nhiên anh học lớp cao: đó là lớp học từ 2.100 > 2.500. Sáng anh học Anh-văn. Sau mỗi ngày học, anh tới phòng Lab thực tập làm bài, luyện giọng. Những bạn yếu học lớp 1.100 > lớp 1.500. Trình độ khá hơn thì 1.600 > 2.000. Sau khi học hết các lớp, anh thi đạt điểm cao nhứt khoá! Hãnh diện nghe! Nể anh chưa?


    Anh đi học mặc quần áo kaki vàng, giày soulier bas. Học môn quân sự thì mặc treillis, giày bốt cao cổ, đội mũ lưỡi trai. Học: căn bản môn quân sự, kể cả lết, bò, trườn, chống hai tay lên vỉ sắt. Học chiến thuật tác chiến. Cơ-bản Thao Diễn. Thể thao quân sự. Vũ khí chiến lược. Nghệ thuật chỉ huy. Vân vân… Tóm lại chương trình học có rất nhiều "thực đơn" của tân khóa sinh nên biết: phải nắm vững mọi vấn đề cần thiết cho sĩ quan chỉ huy. Mỗi tháng, các anh có tiền lương, đồng tiền tuy hạn chế, vừa phải, nhưng không chật vật eo hẹp, không túng thiếu mà sinh ra nợ nần đâu.


    Mãi kể với em tí xíu đôi nét sinh động của đời nhà binh, còn chút nữa anh quên nói tiếp: sau khi tập thể dục, về phòng anh đi làm vệ sinh, thay quần áo thích hợp, ăn sáng xong là đi học trên lớp, hoặc ra bãi tập. Trưa tụi anh xếp hàng đàng hoàng đi lên Phạn Xá. Tân khóa sinh Không-quân chưa được đeo Alpha trên áo, thì phải đứng nghiêm chào, tự xướng danh:

    - Khóa sinh tên: … số quân…


    Rồi anh em mới bỏ mũ ra, tuần tự vô nhà ăn. Anh đi tới bàn nào gần nhứt. Nhiều dãy bàn dài kèm hàng ghế đóng dính liền nhau. Mỗi hàng ghế có mười sáu người ngồi. Sinh-viên chia ra từng "ca rê" ngồi ăn cơm chung một mâm bốn người. Nhưng khoan đã... có lớp lang bài bản điệu nghệ cả nghe em! Anh đứng nghiêm trước ghế, chờ tất cả khoá sinh vô phòng ăn đâu đó, họ nghe lịnh cán bộ:

    - Tất cả khoá sinh: ngồi!

    Đám khóa sinh Không-quân hô to:

    - Xuống.


    Bấy giờ mới được ngồi xuống mà ăn nhe em! Trời ơi! Hôm nào hổng hên, anh ngồi chung với vài bạn “vai u thịt bắp, mồ hôi dầu”. Thì kể như hôm đó coi như anh "trúng độc đắc", nghĩa là mình thua họ là cái chắc. Vì, họ ăn uống dễ dãi, rất mau và ăn quá khỏe. Bọn anh chỉ chỏ rù rì phụ nhĩ với nhau:

    - "Tay đó" là hung thần phạn xá đó nghe mầy!

    Gắp thật lẹ, lùa thật mau
    Ăn không kịp nghỉ, nuốt không cần chờ
    Thằng nào lẹ, thằng đó nhờ
    Thằng nào chậm chạp đói mờ người ra (3)


    Thoáng một cái là trên mâm thức ăn hết sạch, chén canh ruồi cũng hết trơn từ khuya. Vài ông "chăm chỉ" bẻ trái chuối ra, chan nước trà vô mà lua cơm tiếp. Miễn sao họ ăn cốt no bụng. Mấy lần đó anh đói meo, chỉ có nước chờ giờ nghỉ giải lao, anh cắm đầu cắm cổ chạy lên Câu Lạc Bộ mua cái gì ăn thêm, cho đỡ đói. Nếu Câu Lạc Bộ không có đồ ăn theo ý thích, anh nói ông chủ mua dùm. Hôm sau họ sẽ đem hàng về là anh có thể "chè chén" tí. Sống ở đây như một đại gia đình ôn nhu trật tự, có "cá tính" mới lạ vui vẻ và thích thú.


    Anh không quên nói nhè nhẹ về mấy món "ăn chơi” trong thời gian huấn nhục, bọn anh "được" các niên trưởng chiếu cố: Nhảy xổm, hít đất vài chục cái là xoàng như cơm bữa! Tối bị phạt chạy vòng Cộng Hoà cũng thường, chỉ giúp mình ngủ thêm ngon, đâu có ngán! Nhưng anh “hơi hãi" nếu bị phạt dã chiến hoài em ơi! Nhờ anh có chích TAB nên nắng gió sương khuya: coi như nó giúp anh biến làn da tụi trở nên rám nắng, “phong trần, hiên ngang, khí phách nam nhi”, vóc dáng tụi anh rắn rỏi hẳn ra, càng đẹp trai.


    Lúc đó em coi các anh cũng “đã con mắt” mà thôi! Phải không nà? Tuy nói vậy nhưng ai "vô phước" bị dã chiến hoài là te tua, cả phòng cũng mệt lây, vì họ lo phụ giúp anh ấy thay quần áo, khi thì quần treillis áo vàng, vác sac marin chạy đi trình diện ông "hành văn... NT" (niên trưởng) chỉ trong vòng vài phút chẳng hạn.
    Bị phạt lấy muỗng cà phê múc nước đổ đầy bi đông khoảng năm mười phút. Nào lấy tăm xỉa răng đo chiều ngang barack bao nhiêu thước. Lúc thì khoả sân cát cho bằng phẳng giữa trưa nắng chang chang. Xen kẽ là những cú nhảy xổm, hai tay nắm hai lỗ tai tréo nhau, hay kiểu nhảy chân co chân duỗi như cái cày… Mình phải ráng thực hành đúng theo "mẫu sáng tạo kỳ tài" của "Quan" sinh-viên sĩ-quan Niên Trưởng à nhen. Bởi vì tụi nầy hổng ngán mấy “Ông” sĩ-quan Trung-úy, Đại-uý bằng... "hãi" mấy “Ngài” Niên Trưởng mang họ "Hành"-văn đâu! Đó, anh chỉ nói sơ sơ cho em hiểu chút ít về "Huấn Nhục".


    Nhiều cái tức cành hông mà không cần có lý do giải thích hay lập luận gì hết! Ba cái tự ái vặt về đời sống
    dân sự, sự cãi lý của sinh viên, học sinh ngoài hàng rào kia, thì ở trong nầy “các Ngài” sẽ trị... "mấy tển ấy" hổng dám hó hé... họ đã im re, xép ve! Chớ ở đó mà ngông nghênh, tự đắc. Họ không được ngóc đầu dậy ở trong quân trường đâu, em à! Đây là những "chén mồ hôi" nhỏ tong tong từng giọt... theo những bước chạy tốc hành trên bãi cát nóng trong quân trường Không-Quân-Mẹ ở Nha Trang.

    ***


    Sau ba tháng huấn nhục trầy da tróc vảy, họ huấn luyện sinh viên sĩ quan Không-quân nhuyễn như nhồi bột, mọi người chịu đựng gian khổ, nhục nhằn. Cuộc sống các anh hầu như giống cái máy (hay sắp trở thành cái máy, mà chẳng biết). Các anh gò mình trong trật tự, có khuôn khổ, tập quen dần kỷ luật sắt ở Trung Tâm Huấn Luyện Không-quân Nha Trang có KBC 4721.

    Ngày… Tháng... dần qua mau, niềm vui mừng vinh quang đã tới! Đó là ngày tụi anh chính thức trở thành sinh-viên sĩ-quan thực thụ. Khoá sinh được làm lễ gắn Alpha tổ chức tại sân trường Không-Quân Nha Trang. Buổi ra mắt sinh-viên sĩ-quan vô cùng nghiêm trang, chu đáo trọng thể với niềm xúc động đặc biệt, đầy tự hào hãnh diện không thể quên. Có Chỉ-huy-Trưởng Căn-cứ, Chỉ-Huy-trưởng Liên-Đoàn Sinh-Viên Sĩ-Quan, Sinh Viên Sĩ-Quan Khóa Sinh, thân nhân, bạn hữu ai có điều kiện, ở gần xa đều có thể tham dự đông đủ.


    Từ sáng sớm khoá sinh sĩ quan ra sắp hàng chỉnh tề ở ngoài sân. Có vài anh len lén vụng trộm thủ chiếc dép nhựa, hay miếng giấy cạc tông nhỏ. để kê dưới đầu gối. Chớ quỳ hàng giờ trên sân bị nóng và đau rục đầu gối, ai mà chịu cho nỗi. Nhưng bạn ấy phải thận trọng, kín đáo. Vì nếu cán bộ thấy, thì chết đa. Khóa sinh quỳ gối đọc lời tuyên thệ rồi được vinh dự gắn Alpha lên cầu vai.


    Ngày đầu tiên được phép xuất trại, anh ra phố đi rong chơi tự do thoải mái nhìn ngắm Nha Trang tưng bừng vui vẻ biết bao. Ngoại trừ những bạn nào bị ghi thẻ phạt, là không có phép xuất trại. Cán bộ niên-trưởng kiểm soát khá kỹ, họ vui vẻ dặn dò sinh viên sĩ-quan đủ thứ. Trước khi xuất trại, sinh-viên phải ghi nhớ và thuộc lòng những điều cần giữ kỷ luật:


    Ra phố, phải có tác phong của sinh-viên sĩ-quan đàng hoàng.
    Quần áo chỉnh tề, không được ăn mặc cẩu thả. Không "chè chén" say sưa làm mất thể diện phong cách con nhà tướng.

    Không cười đùa giễu cợt, giỡn hớt "lố lăng" lấc cấc, trơ trẽn dòm ngó chỉ chỏ lung tung ngoài phố.

    Cấm đi xích lô. Cấm đi xe đạp. Chỉ được phép đi xe vespa, xe hơi. Taxi.

    Mỗi khi gặp tuần tra của căn cứ, phải đứng lại nghiêm chào. Sau đó anh mới ung dung thong dong đi tiếp.

    Nếu ai vi phạm bất cứ một trong những nội quy nào, lập tức bị cán-bộ ngồi trên xe tuần tiễu nhảy xuống, tới thu hồi tấm giấy phạt (để ở túi áo bên phải của sinh-viên). Khóa sinh ấy lo âu chờ xử phạt. Cũng nhờ có kỷ luật quân trường ban hành gắt gao, cuộc sống có điều độ, chững chạc và uy nghiêm như vậy, hầu hết sinh viên tăng trọng lượng, khỏe mạnh, cường tráng, vui tươi hơn lúc trước nhiều.


    Theo quan niệm của anh: hình phạt "dã chiến", thật ra đó là cách tập luyện khoá sinh có nhiều thể lực, có sức khỏe, có tinh thần và kiên cường nhẫn nhục chịu đựng gian khố, biết ôn nhu, trầm tĩnh, đắn đo, khôn ngoan, có nhiều kinh nghiệm sống, tháo vát hơn. Hầu vượt qua mọi chông gai, gian nan, thử thách trên trường đời đầy binh lửa (khi quốc gia hưng vong thất phu hữu trách). Mà lạ thật em à, anh rất ưa thích! Đó là chặng đường của sinh-viên sĩ-quan ai cũng phải qua cầu.


    Và, gió sẽ thổi cuốn bay đi hết tất cả thù oán, nóng giận, hiềm khích với đàn anh (khi bị phạt). Sau khi thành công ra trường đời, họ chỉ để lại trong lòng mình chuyện "xử phạt" giống như năm bảy kỷ niệm vui vui, không hề phai lạt từ thuở xưa nơi quân trường mẹ. Thử hỏi mấy ai đành lòng quên! Khi đó thì ta có nhớ gì ngoài dư hương kỷ niệm tươi đẹp:
    Nhớ cảnh sơn lâm bóng cả, cây già
    Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi
    Với khí thét khúc trường ca dữ dội
    Ta bước chân lên, dõng dạc đường hoàng... (4)


    Nhờ gian truân vất vả, cho nên lớp lớp các đàn anh mới huấn luyện cho đàn em thêm dũng khí, dày kinh nghiệm, đầy bản lãnh để thăng tiến trên đường binh nghiệp. Quân trường Võ Bị Đà Lạt, Võ khoa Thủ Đức, gần sát bên hông trường anh là Hải Quân... hoặc Huấn Khu Đồng Đế, Lam Sơn, Dục Mỹ... "Đó" cũng như "đây" có khác gì... Ở đâu thì quân luật nhà binh đều tương tự như nhau, khóa sinh răm rắp tuân hành kỷ luật nghiêm chỉnh. Phải vậy thôi. Thật thà mà nói thì anh ưa thích cuộc sống thi vị ngọt ngào, ấm áp trìu mến dịu êm, hơn là cứ nạt nộ rân trời.


    Anh nhớ thương Sài Gòn da diết, nơi đó có cha mẹ, anh chị em. À, quên nữa... (quên gì cũng có thể okay, nhưng lỡ quên em, hổng khéo em lại hờn, thì nguy to)... anh rất nhớ Đà Lạt miền cao nguyên Lâm Viên... anh ví nơi đó là vùng quê hương thứ hai của mình. Bởi vì tại miền gió núi mây ngàn kia có người con gái ngoan hiền, thùy mị rất dễ thương, khiến tim anh tan nát và dày vò... vì bản tính anh có chút đào hoa của tuổi trẻ, khiến em đau buồn, hờn giận... đến nỗi chúng mình đã xa rời nhau.


    Gợi lại chuyện cũ thêm xót xa buồn, anh xin ray rứt ngậm ngùi tạm biệt em. Chúc em vui mạnh, bình yên nhen. Hẹn thư sau em hén. Anh nhớ em nhiều và xin phép được trìu mến ôm em nhen.

    PH

    Tình Hoài Hương

    (1) Tình Hoài Hương
    (2) Đông Quyên
    (3) Phan Ni Tấn N.D
    (4) Thế Lữ
    Hình mượn trên internet
    Bút trần nào tả được lưu luyến!
    Thơ trần đành cam chịu vô duyên...
    Tình Hoài Hương


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X