Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tháng 4 gợi nhớ !

Collapse
X

Tháng 4 gợi nhớ !

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tháng 4 gợi nhớ !

    Tháng 4 gợi nhớ !


    Phương Vy


    Chuyến xe lửa được “cất” 46 năm !

    Đã gần 46 năm mình nghĩ đã quên hết những chuyện đau buồn mà mình đã đi qua. Nhưng đã là chuyện đau buồn thì có mấy ai thật sự dễ dàng để mà quên, và mình cũng không ngoại lệ vì chẳng qua chúng ta cất dấu nó quá kỹ bằng cách đi tìm những điều tốt đẹp hơn để chôn lấp nó mà thôi.

    Với mình ngay lúc này những giông gió trong cuộc sống không còn đủ sức cuốn mình vào quỷ đạo để mình phải gục ngã. Nhưng chỉ có tháng 4 của mỗi năm nó luôn khơi lại vết thương, không phải vết thương nào cũng chảy máu, và cũng không phải không chảy máu là nó không đau.

    1975, gần 46 năm về trước, sau trận nổ kho đạn ở khu Căn cứ Long Khánh, nơi có một số Sĩ Quan VNCH bị nhốt ở đó dưới cái danh gọi là “học tập cải tạo”, K (ba của con gái mình) cùng các anh Sĩ Quan khác được chuyển trại về căn cứ Long Giao. Trong lần nổ kho đạn ở Long Khánh đó K rất may mắn nếu không nhờ người bạn từ xa gọi để anh quay mặt đi thì anh đã bị một miếng kim loại từ xa bay tới cắt đứt hết hoàn toàn phần trước mặt của anh, sự may mắn đó để lại cho anh vết thương bên mép miệng phải vá sống hơn mấy chục mũi kim vì không có thuốc tê - sau này mỗi khi anh cười cái miệng của anh bị méo qua một bên. Ngay lúc đó các anh bạn đứng chung quanh anh nghĩ rằng anh đã chết, vì máu ra ướt hết cả phần trên người của anh khi anh quỵ xuống. Nhưng anh vẫn còn may mắn hơn một anh Sĩ Quan khác tên P, anh P bị thương nát hết một bên chân. Trong số các anh Sĩ Quan bị nhốt có nhiều anh là bác sĩ quân y, họ quyết định mổ cắt bỏ đi phần chân bị thương từ dưới đầu gối của anh P, vì không có dụng cụ y khoa, như thuốc mê hay thuốc gây tê và dao kéo kim chỉ để khâu lại vết mổ, v.v... mấy anh BS để anh P lên bàn dùng cái mùng chụp lên để che đi phần nào vi trùng bám vào vết thương, mấy anh BS vận dụng mọi thứ sắc bén để khi cắt phần chân bỏ đi nhanh nhất có thể, và diệt trùng bằng cách bỏ tất cả dao kéo kim chỉ vào nồi nước nấu cho sôi, thay cho thuốc mê BS dùng khăn cho vào miệng của anh P và cột hết chân tay của anh P vào chân bàn, và an ủi khích lệ anh P có niềm tin để chịu đựng. Vì kim chỉ chỉ để may trên vải do có mấy anh mang theo, bỏ vô nồi nấu để sát trùng nên nó bị rối lại, các anh phải mất thêm thì giờ để gỡ nó ra, lúc này anh P vì quá đau đớn nên đã ngất lịm đi.

    Và thêm một lần nữa anh P không may mắn vì vết thương của anh bị nhiễm trùng, anh phải bị thêm một lần nữa cắt bỏ hết phần đùi của cái chân bị thương. Nếu các anh SQVNCH nào bị nhốt ở Long Khánh rồi chuyển qua Long Giao vào thời điểm đó thì không thể nào quên được tiếng thét của anh P qua hai lần cưa chân mà không có thuốc mê. Nhờ tất cả các anh có mang theo thuốc trụ sinh phòng bị cho mình, các anh gom góp lại để cho anh P uống sau khi tỉnh lại, và chắc nhờ anh P chưa tới số nên anh từ từ anh khỏe lại sau lần mổ thứ nhì !

    **Tất cả câu chuyện của anh P mình biết được là do K và các bạn ở tù chung mỗi khi gặp nhau đều nhắc lại. Và mình cũng được biết vợ anh P ở ngoài (chị không biết mình), chị là người phụ nữ rất đẹp tên của chị là H**

    K có người anh bà con gọi má anh bằng cô ruột, anh họ hàng đó là bộ đội có chức vụ cũng kha khá. Từ Miền Bắc vào Saigon thăm gia đình của K, má K nhờ anh tìm cách đưa bà đi thăm K và một người em trai của K cùng bị nhốt chung trại với K. Biết được tin người anh bà con xin được giấy phép đi thăm nuôi cả nhà K và mình vui mừng không biết bao nhiêu mà kể. Nhưng cấp trên của người anh họ cho phép gặp chỉ có một người bị nhốt mà thôi, vì K có thêm một người em trai Sĩ Quan nữa bị nhốt chung. Cả gia đình bàn bạc là chọn đi gặp K, và mình được má K cho phép mình ẵm con gái mình cùng đi theo. Trong lúc này mình và người chị bà con của K đã ra bán chợ trời nên cũng có chút đỉnh tiền mỗi ngày về đưa cho má K coi như đóng góp phần ăn ở của hai mẹ con mình.

    Má của K nấu ăn rất khéo và rất ngon, nhất là những món ăn của Miền Bắc. Trước mấy ngày đi thăm K, trong nhà như có tiệc, ai cũng một tay một chân phụ vào lo nấu nướng để mang cho 2 anh em K. Nếu mình nhớ không lầm thì tất cả thức ăn ngày đó mang đi phải hơn 100 ký lô gồm những món thật mặn và thật ngọt cùng thuốc lá.

    Tâm trạng của mình lúc này vô cùng hỗn loạn - mừng gặp được K và hồi hợp vì muốn K ở trước mặt má của K nói rõ và quyết định về thân phận của hai mẹ con mình. Vì khi K mang hai mẹ con mình về gia đình K chỉ nói với cả nhà cho mình ở tạm, để K đi trình diện 10 ngày sau K về sẽ đưa hai mẹ con mình về quê ngoại của mình sinh sống.

    Chuyến đi gồm có má của K, người anh họ đứng đơn bảo lãnh, và hai mẹ con của mình. Phương tiện đoạn đầu tiên từ Saigon tới Long Khánh chúng mình đi bằng xe lửa và đi vào lúc tối, ông anh họ thì ngủ suốt trong chuyến đi, riêng má của K và mình không thể nào ngủ được, nhưng không ai nói chuyện với ai vì trong lòng của mỗi người đang mang một “nỗi niềm” riêng. Tất cả xuống xe lửa ở trạm Long Khánh lúc trời vừa sáng, và từ LK chúng tôi đi bằng xe đò để tới Long Giao, dân địa phương ở đây họ nhìn chúng tôi họ biết ngay là đi thăm tù SQVNCH. Trên đường đi ngang qua nhà lòng chợ LK, mình nhìn thấy một đống bao nhỏ lớn đủ cỡ chất chồng lên nhau như một đống rơm ở nhà quê sau mùa gặt lúa, cùng lúc người tài xế lái xe lên tiếng và chỉ về hướng những gói đồ và nói: “đồ ăn của gia đình mấy anh Sĩ Quan gửi tới, vì ở tại đây vẫn còn một số Sĩ Quan chưa chuyển đi nơi khác.” Tự nhiên mình và má của K nhìn những bao thức ăn đó nước mắt cứ tuôn ra không ngớt.

    Trong thời gian đi bán chợ trời tiền lời có bao nhiêu về mình đưa cho má K vì gđ đã cưu mang hai mẹ con mình, chị bà con của K khuyên mình nên giữ một ít tiền trong người phòng khi có chuyện cần dùng, nên mình có một ít tiền riêng, trên đường đi vô Long Giao mình đưa cho má K. Khi đưa mình gập ngừng gọi tiếng má trong họng phát ra không rõ vì trước đó mình gọi bà bằng bác: “...á.. cầm tiền này chút vô gặp anh K đưa cho anh bỏ túi.”

    Từ chỗ xe đò bỏ chúng tôi xuống đi vô tới cửa trại cũng hơi xa, chúng tôi phải đi bằng xe Honda ôm, 3 chiếc chở 3 người còn 1 chiếc chở 2 bao thức ăn. Vô tới cổng mình chỉ nhìn thấy phiá bên tay trái có một cái nhà nhỏ toàn bằng lá, mình nhìn thẳng vào sau cổng trại ngoài rừng cây ra mình không thấy nhà hay một bóng người nào hết. Chúng tôi còn đang đứng lóng ngóng thì thấy có một chiếc xe Honda 67 từ bên trong cổng chạy ra - cả 2 người đều mặc đồ bộ đội mặt lạnh như tiền. Một người nhảy xuống xe nhìn ông anh họ K chào nói: “chào đồng chí”, và ông anh họ chào lại cũng nói lời y như vậy. Người bộ đội mời chúng tôi vô trong cái nhà lá nhỏ, bên trong nhà chỉ có 1 cái bàn và 4 cái ghế. Ông anh họ mời má K ngồi và anh ngồi kế bên, anh chỉ cái ghế đối diện kêu mình ngồi trên đó. Khi mình định ngồi xuống thì lại nghe tiếng máy xe Honda nữa ngừng bên hông nhà, một cán bộ đi trước K đi theo sao với hai tay bị còng. Người cán bộ lại chào người anh họ có vẻ rất kính trọng (sau này mình mới biết ông anh đó làm chức vụ rất lớn trong bộ đội) người cán bộ kề tai nói nhỏ gì với ông anh họ mà anh ấy cứ gật đầu lia lịa (gần như chúng tôi là gđ đầu tiên được đi thăm thân nhân bị nhốt nơi đây).

    K được cán bộ mở khoá còng tay ra ngồi xuống ghế theo chỉ dẫn của cán bộ, và người cán bộ đó ngồi cạnh bên K với cái ghế còn lại, nên mình ẵm con đứng dựa vô vách lá sau lưng của má K, đến đây chúng tôi mới biết K bị thương ở mặt vì vết thương vẫn còn đỏ với nhiều dấu kim may để lại, làm cho một bên mặt phải của anh bị trệ xuống. Má K nhìn K không nói được nên lời, bà cứ khóc có lúc thành tiếng có lúc im lặng nhưng thân thể của bà run rẩy lên từng chập, còn riêng mình đứng yên một chỗ toàn thân như đã chết chỉ còn đôi mắt và tuyến nước mắt còn hoạt động nên nó cứ tuông ra và tuông ra. K thì cố gượng cười nhìn má anh và nói, “con và T khoẻ lắm má đừng lo.” Vì vết thẹo dài còn mới khi anh nhách mép nói hay gượng cười với cặp mắt lưng tròng nhìn mặt của anh rất thê thảm, chỉ có ông anh họ là bình tỉnh cười nói khuyên răn K nên chấp hành hết những gì trong trại đưa ra rồi sẽ được mau về nhà thôi. Thỉnh thoảng K liếc nhìn mình, thời gian gặp K chỉ được có 1 tiếng đồng hồ, đến khi má K bình tỉnh hết khóc thì giờ còn lại chỉ có 20 phút, vì bà quá sợ nên bà muốn người anh họ luôn ngồi kế bên bà để nói chuyện gửi gấm 2 anh em của K với người cán bộ. Ông anh họ sực nhớ tới mình, ông đứng dậy nói: “này này, cái V ẵm con tới đây cho ba nó trông mặt mũi con gái được bao lớn rồi. Mình muốn xỉu vì mừng và vì quá mỏi tay, mình ngồi xuống thì má K nói liền với K, “thôi con để cho hai mẹ con nó ở lại nhà mình chờ đến lúc con về rồi hãy tính.” K nhìn mình như muốn hỏi mình ở nhà K có ổn không ? Ở hoàn cảnh này mình làm sao nói hết những gì mình muốn nói, trước mặt má K với mọi người và thời gian còn lại quá ít ỏi, mình ấp úng nói ra câu không đâu vào đâu: “anh còn ở đây lâu lắm hả?” K chỉ kịp nắm tay con gái dùng ngón tay cái xoa xoa trên lên bàn tay con và kéo tay con gái lại hôn nhẹ rồi bỏ xuống liền, cùng một lúc K lấy chân khều khều bàn chân của mình rồi tất cả mọi người đứng lên, trong lúc đứng lên K chồm tới gần mình và nói: “tuỳ em muốn ở đâu cũng được.”

    Lúc chuẩn bị đi ai cũng hăng say nôn nóng đến ngày được gặp mặt người thương, khi trở về thì má K và mình thân xác rã rời đau buồn suy nghĩ không biết đến bao giờ mới được gặp lại K. Mình không thể nào diễn tả hết nỗi lòng xót xa trong lúc này, má K vì khóc nhiều cộng thêm cái mệt của 2 chuyến xe và xe honda ôm nên khi lên xe lửa trở về lại Saigon bà đã ngủ say.

    Con gái của mình có cái đặc biệt là từ lúc sanh cháu ra tới lớn cháu rất ít khóc, khi còn nhỏ dù cho cháu có khó chịu hay đói bụng thì chỉ có cựa quậy chút chút rồi thôi. Mình dù đã quá mệt cũng không tài nào ngủ được, ngồi ôm con nhìn ra cửa sổ trên xe lửa lòng vẫn còn vương vấn tiếc nuối giữ trong lòng những điều muốn nói với K mà không nói được. Thỉnh thoảng tiếng kèn của xe lửa vang lên cộng thêm có lúc tàu như ngừng lại rồi lại chuyển bánh chạy đi, tiếng bánh xe bằng sắt chạm vào đường rầy cũng bằng sắt mình nghe những tiếng động này thật hải hùng, nó như xé rách bầu trời trong đêm, và như ánh trăng biết mình đang cô đơn và lo sợ khi nghĩ về tương lai nên cứ chạy theo mình qua khung cửa sổ.

    Không lâu sau ánh trăng bị mây đen che khuất báo hiệu trời sắp mưa, mình thấy thấp thoáng vài ánh đèn vàng leo lét và cơn mưa đã đến, lúc này mình mới cảm thấy lạnh và sự cô đơn càng thêm giá buốt, và để quên đi cái lạnh, mình ước ao sau này mình cùng K ngồi trên chiếc xe lửa như thế này đi thật xa để mình mới có đủ thì giờ kể cho K nghe nỗi niềm trong lòng mình kể từ khi xa K. Lúc này mình chưa đầy 20 tuổi.

    Sau chuyến đi thăm K về, ba má của K kỳ vọng là 2 anh em K được thả về nhà sớm, nhưng gần 1 tháng sau ở nhà nghe tin K bị đưa đi ra Miền Bắc Cao Bằng Lăng Sơn. Cả gia đình của K và mình chỉ biết khóc mà thôi.

    Thế là từ đó mình vẫn tiếp tục ra chợ trời mua bán. Một thời gian sau mình nghe tin má của mình ở quê bị bệnh ung thư, mình phải phụ má nuôi 8 đứa em, và lo thuốc men cho má. Ba dượng của mình cũng bị đi tù cho nên mình thường đi về quê để lo cho má mình và lo cho các em. Và để nhất cử lưỡng tiện mình mang hàng 2 chiều từ quê lên Saigon và từ Saigon về quê bán. Mình bán đủ loại hàng, thị trường cần gì mình mua và bán cái đó. Có những chuyến từ quê mình mang lên Saigon là thịt heo, vì là hàng lậu nên mình dấu bằng cách cột chắc vô bụng giả như mình đang mang bầu vậy.

    Sau khi K bị đưa ra Miền Bắc má của K được đi thăm K trong chuyến bà về thăm lại quê và bà con ở ngoài đó. mình không có đi ra Bắc thăm K lần nào vì phải tốn tiền nhiều lắm. Trong thời điểm của những năm sau 1975 đa số ai cũng khốn đốn, những người có tiền thì ngày đêm họ tìm đường đi vượt biên, riêng mình đã không tiền còn phải gồng gánh cho gia đình của mình, mười miệng ăn và còn thêm thuốc men cho má của mình.

    Cho đến hôm nay mình vẫn còn tồn tại sau thời gian dài của năm tháng, với sức khỏe và tinh thần bị bào mòn mệt mỏi, nhưng mình luôn cảm thấy nhẹ nhàng vì mình đã sống trọn vẹn và ý nghĩa của một kiếp người.

    Mình chỉ cầu mong cho mọi người hãy sống tử tế với nhau, nếu không thương nhau cũng đừng có ghét nhau, đừng hại nhau, đừng làm tổn thương nhau, và hưởng trọn vẹn hạnh phúc của mình đang có, vì cuộc đời đẹp lắm, nó có xấu đi cũng bởi vì lỗi của chúng ta có góp phần trong đó.


    Phương Vy


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X