Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Đêm Noel, chợt nghe lại nhạc Pháp một thời...

Collapse
X

Đêm Noel, chợt nghe lại nhạc Pháp một thời...

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Đêm Noel, chợt nghe lại nhạc Pháp một thời...

    Đêm Noel, chợt nghe lại nhạc Pháp một thời...


    Phạm Nga


    1.

    Một năm nọ phải nói là còn an bình bởi chưa có dịch Covid19, vào đêm Noel 24-12, cùng gia đình đến chơi ở khu du lịch - giải trí Văn Thánh, tôi tình cờ được thưởng thức một chương trình ca nhạc đặc biệt mừng Giáng sinh thật tưng bừng, hoành tráng trên sân khấu ngoài trời. Phụ trách đệm nhạc cho tất cả các tiết mục ca, múa và hòa tấu xen kẽ là một ban nhạc gồm toàn các nhạc công trung niên trở lên.

    Sau khi các ca sĩ trẻ đã luân phiên ra hát xong xuôi các ca khúc quốc tế truyền thống về lễ Noel thì đêm cũng hơi khuya, không khí ồn ả trên sân khấu đã dịu xuống. Đến lúc này, ca sĩ chính của ban nhạc là anh nhạc công đứng giữa, thủ cây guitare accompagné, mới cất tiếng. Anh hát cũng toàn những ca khúc ngoại quốc vang bóng một thời, đặc biệt là các ca khúc nổi tiếng trong các thập niên 60 - 70. Tôi chợt ngẩn ngơ khi anh hát mấy ca khúc Pháp mà ở tuổi còn đi học hồi đó, tôi và bạn bè cùng yêu chuộng - phải nói là đã mê như điếu đổ, như: Nue comme la mer, En écoutant la pluie, J’entends siffler le train, J’ai entendu la mer, Aline…

    Trên sâu khấu đã tắt bớt đèn và thả khói mù, người hát nhiều lúc nhắm nghiến mắt như muốn tách mình ra khỏi thực tại khi nhẩn nha từng ca từ mượt mà. Còn ở hàng ghế dưới, tôi - người nghe hát - cũng đang thả hồn mình cho những những lời hát huyền hoặc ấy chợt kéo xa ra khỏi thực tế ồn ào, náo nhiệt xung quanh.

    En écoutant la pluie, Et j’entends siffler le train, J’ai entendu la mer…, thật tuyệt vời khitình cờ có những ca từ cùng nói về những âm thanh buồn bã, sâu lắng của biển, của mưa, của chuyến tàu chuyển bánh trong đêm …

    Nếu tôi nhớ không lầm thì tính từ lúc các ca khúc này xuất hiện trên thế giới cùng với những ‘thần tượng’ của tôi là Richard Anthony, Christophe, Adamo… đã hơn nửa thế kỷ rồi. Sau tháng 4-75 cho đến ngày nay, những người mê nhạc Pháp như tôi muốn nghe lại riêng những bản nhạc xưa ấy thì chỉ có thể lục lạo từ các đĩa nhạc cũ hay truy cập từ các trang web âm nhạc quốc tế, chứ rất ít có cơ hội được thưởng thức alive, sống động như ở cái sân khấu tình cờ này. Lý do là các ca sĩ Sài Gòn hiện nay, nhất là các ca sĩ trẻ, rất ít biết, ít tập nên ít khi trình diễn nhạc Pháp trước công chúng, đặc biệt là các ca khúc thật hay của thời 60 – 70 thế kỷ trước.

    Hình như, giữa anh bạn nhạc công/ca sĩ đang đứng hát kia và tôi, với tuổi tác cùng ở quãng xế chiều của cuộc đời, run rủi gặp nhau đêm nay mà như đã sẵn có sự đồng điệu thầm lặng từ thời trẻ trai của mỗi người, là cùng yêu chuộng nhạc Pháp – thích nghe và thích hát một số ca khúc Pháp khá cũ mà chúng tôi không thể nào quên…

    Rồi đêm vui cũng tàn, tôi ra về mà thầm băn khoăn không biết làm sao ngỏ lời cám ơn anh bạn nhạc công/ca sĩ hát nhạc Pháp của mình – người vừa tặng mình một bữa tiệc âm nhạc tuyệt vời.

    2.

    Chẳng bao lâu sau đó, vào ngày đầu năm mới dương lịch, tôi lại được gia đình và bạn bè dẫn đi dùng buffet ở khu du lịch - nhà hàng Tân Cảng, sát bên cầu Sài Gòn. Hết sức tình cờ, trình diễn trên sân khấu nhỏ của nhà hàng cũng chính là ban nhạc mà tôi đã gặp vào đêm Noel ở khu du lịch Văn Thánh. Có điều là các anh em này đang chơi liên tục toàn các ca khúc Mỹ, như: Casablanca, Take me home - country road, It’s now or never, Bad moon rising… Tuy nhiên, dù bàn chúng tôi ngồi là ở một vị trí lệch hẳn qua một bên, chỉ nghe được tiếng đàn, tiếng hát mà không thể nào nhìn rõ được người trình diễn trên sân khấu, ngay từ giây phút đầu tiên tôi đã nhận ra ngay giọng hát của anh ca sĩ hát nhạc Pháp của mình vào đêm Noel mới đây.

    Tôi bèn rời bàn, mang máy ảnh đến gần sân khấu… Đúng là anh ca/nhạc sĩ rất gây ấn tượng mà tôi chưa biết tên, chỉ có điều là hôm nay anh mặc áo thun màu khác và không có mủ ông già Noel trên đầu.

    Tôi ‘canh’ đến giờ ban nhạc giải lao, các nhạc công vừa cất đàn, rời sân khấu thì lập tức tiến đến ngỏ lời làm quen với anh ca sĩ.

    Anh tự giới thiệu mình là Simon Quế, chơi accompagné và hát chính, cũng là trưởng ban nhạc chuyên về nhạc ngoại quốc này. Và cơ duyên hạnh ngộ khiến tôi có thể gặp ban nhạc “Simon Quế” đến 2 lần liên tục ở 2 sân khấu khác nhau là theo hợp đồng biểu diễn đã ký với SaiGon Tourist – công ty chủ quản của cả hai khu du lịch Văn Thánh và Tân Cảng, ban nhạc này chơi luân phiên cách đêm ở cả hai địa điểm suốt bảy đêm hằng tuần.

    Ở tuổi 54, anh Quế mang dáng dấp một tay rocker về già, một nghệ sĩ phong trần, vui tính với mái tóc đuôi gà màu muối tiêu, áo thun đỏ phong phanh, quần jean sờn bạc … Anh cho biết là mình học nhạc lý từ hồi trung học ở Collège de Fraternité (trường Bác Ái, Chợ Lớn), và sau đó thi đỗ vào Trường Quốc gia Âm nhạc&Kịch nghệ Sài Gòn rồi học vừa nhạc pháp vừa nhạc cụ.

    Tuy giọng không còn ngân nga, luyến láy nhiều nữa nhưng bằng giọng ‘plat’ của mình, Quế hát tiếng Pháp khá chuẩn về phát âm (prononciation). Và mừng cho chàng ca sĩ lứa U.60 này là hơi hám còn khá khỏe, ‘làm’ tốt hết các bài có các quãng cao như Nue comme la mer, Sans Elle, Mal…
    Chợt nhớ lúc Quế còn trên sân khấu, anh đã giới thiệu bài mới hay cám ơn khán/thính giả bằng tiếng Anh, tôi đùa:

    Nghe anh ồm ồm nói tiếng Anh tôi nghĩ anh cứ như dân Philippine ! Nghe mấy đứa cháu ở nhà nói, trong một số quán bar nhạc sống ở Sài Gòn hiện nay, nhạc công người Phi chơi cũng nhiều…”

    Quế vui vẻ cho biết là anh cũng đã có vài dịp chơi nhạc chung với các nhạc công người Phi Luật Tân. Hỏi nhận xét của Quế về những nhạc công người ngoại quốc này thì anh nói là họ chủ yếu chỉ trình diễn nhạc Mỹ, nếu khán giả yêu cầu nhạc Pháp thì họ thường không có bài để đáp ứng. Thêm nữa là họ giỏi về nhạc Rock Mỹ, Rock Latino ồn ào nhưng hơi kém về nhạc Pop, Ballade êm nhẹ.

    Câu chuyện trao đổi giữa chúng tôi về một đề tài duy nhất là âm nhạc càng lúc càng hào hứng thì chợt anh nhạc công vốn vẫn chơi guitar solo trong suốt chương trình, tóc còn bạc hơn Quế nữa, đến nhắc bạn mình đi uống nước để trở lên sân khấu.

    Tôi lúng túng xin lỗi cả hai người về chuyện mình vô tình lấy mất mấy phút giải lao của Quế và thật mát lòng khi chàng ca sĩ bước đi còn quay lại nói: “Để em hát mấy bản Pháp cho anh nghe nhé!”.

    Thế là một lát sau, Quế và ban nhạc không tiếp tục buổi diễn với nhạc Mỹ nữa mà chuyển sang đàn, hát liên tiếp mấy bản nhạc Pháp…

    3.

    Đêm dần khuya đi một cách thật vui vẻ cho mọi người ở đây, dễ thấy nhất là mấy người bạn quanh tôi đều nhiều lần hồ hỡi đi lấy thêm, cố gắng ăn thêm các món nướng, món hải sản, món sà lách, món ngọt… này khác – cho đủ “sở hụi” tương xứng với trị giá của cái vé mấy trăm ngàn đồng mua ở cổng nhà hàng, như tính toán rất thực tế của tuyệt đại đa số dân đi ăn buffet.

    Riêng tôi, nếu lúc này ‘tính điểm’ về chuyện ăn uống để hưởng thụ cuộc đời thì niềm vui ấy cũng chỉ kém cỏi, ít thắng lợi về vật chất hơn ai hết vì dù sao, có ham hố, cố ăn đi nữa thì ở tuổi già, cái dạ dày dở hơi, làm việc kém cũng không cho phép tôi ngốn ngấu cho thật nhiều các món buffet đủ mùi béo bở.

    Bù lại, đến 2 lần trong mùa lễ hội cuối năm này, tôi đã được sống trong một khoảnh khắc hạnh phúc rất tình cờ nhưng no nê cảm giác mãn nguyện, cảm xúc lặng lẽ mà ngọt ngào, ấm cúng - đó là được nghe lại những ca khúc Pháp xưa, cũ hay nhất mà tôi đã yêu thích từ thời tóc xanh của mình…



    Phạm Nga
    (Cận Noel 2020)


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X