Câu cua biển
Bài nầy viết đề tặng riêng những người bạn gốc miền quê VN, có một thời tuổi thơ gắn liền với đồng ruộng trước khi cất cánh bay cao. Một số từ ngữ được viết theo cách phát âm người dân quê địa phương nên có thể không đúng theo ngôn ngữ văn chương, mong được thông cảm và sửa sai.
Câu cua biển, thú vui thời thượng!
Với đồ nghề là chiếc cần câu không lưởi, hộp nhựa đựng vài con cá ươn, chiếc vợt lưới nhỏ và cái vỏ tre (hay lưới) đựng “chiến lợi phẩm” là có thể đi săn cua biển - một thú vui thời thượng hiện đang được nhiều người ưa thích… Vào những ngày cuối tuần hay dịp lễ, Tết, ở những vùng cửa biển ngập mặn thuộc Đồng bằng sông Cửu Long như: Bình Đại, Thạnh Phú, Ba Tri (Bến Tre); Đại An, Long Toàn (Trà Vinh); Ngọc Hiển, Đầm Dơi (Cà Mau)…, có nhiều nhóm tổ chức đi câu cua biển. Thú vui này hiện đã trở thành mốt tiêu khiển của du khách thành thị, Việt kiều, đồng thời cũng là nghề mưu sinh của dân nghèo sở tại… (trích từ internet)
Với đồ nghề là chiếc cần câu không lưởi, hộp nhựa đựng vài con cá ươn, chiếc vợt lưới nhỏ và cái vỏ tre (hay lưới) đựng “chiến lợi phẩm” là có thể đi săn cua biển - một thú vui thời thượng hiện đang được nhiều người ưa thích… Vào những ngày cuối tuần hay dịp lễ, Tết, ở những vùng cửa biển ngập mặn thuộc Đồng bằng sông Cửu Long như: Bình Đại, Thạnh Phú, Ba Tri (Bến Tre); Đại An, Long Toàn (Trà Vinh); Ngọc Hiển, Đầm Dơi (Cà Mau)…, có nhiều nhóm tổ chức đi câu cua biển. Thú vui này hiện đã trở thành mốt tiêu khiển của du khách thành thị, Việt kiều, đồng thời cũng là nghề mưu sinh của dân nghèo sở tại… (trích từ internet)
Chuyện tôi kể không phải là những thú vui kiểu thời thượng nầy mà về những ký ức trẻ thơ miệt vườn, nơi tôi được sinh ra và lớn lên trong màu xanh của những vườn dừa cao ngất trĩu nặng chùm trái, những cánh đồng lúa mượt mà gợn sóng theo từng cơn gió chạy dài thẳng cánh cò bay, những bờ mương ngập nước với hàng dừa nước ngổn ngang bập dừa thường dùng làm củi đốt nấu nướng bất tận miệt đồng quê Việt Nam. Quê tôi với con kinh dài ngày hai lần nước lớn ròng ngầu đục lên xuống mỗi ngày, uốn lượn quanh co giữa những đám dừa nước lao xao, qua những cánh đồng mang biết bao phù sa về vun đầy mầu mỡ cho vườn tược và ruộng đồng, cùng với nguồn cá tôm phong phú quanh năm, nhất là cua biển chuyên sống vùng nước lợ, chịu cả nước mặn lẫn nước ngọt.

Thuở ấy, khi đồng ruộng vẫn còn nguyên thủy là nguồn cung cấp lúa gạo cho nông dân miền ven biển với hai mùa nước mặn ngọt, lúa chỉ trồng được mùa nước ngọt khi nước sông Cửu Long dâng cao vào mùa mưa đẩy lùi khối nước mặn trở ra biển. Khi mực nước trên sông vào mùa khô giảm xuống, nước biển tràn vào là lúc ruộng đồng bỏ hoang, người dân tìm những phương kế khác sinh sống hay treo cẳng chờ mùa. Ngày nay ruộng đồng quê tôi không còn dùng để trồng lúa mà được khai thác nuôi tôm quanh năm với dòng nước mặn nầy, cuộc sống người dân có vẻ khá hơn xưa nhiều, tuy nhiên cũng không ít người phá sản vì việc nuôi tôm không thuận lợi. Tai họa lớn nhất là sự ô nhiễm môi sinh, đất đai trở nên cằn cỗi, nhiễm độc vì những thứ thuốc hóa học nuôi tôm. Ruộng đồng được cắt thành ô nhỏ, đào xới sạch sẽ và be bờ kỹ lưỡng, đi đâu cũng thấy thiết bị nuôi tôm. Có người nuôi tôm thua lỗ vì tôm chết, muốn quay lại nghề trồng lúa nhưng đất không còn lành như trước, viễn ảnh con đường canh tác không mang lợi và chỉ còn nợ nần chồng chất.
...trong khi con tôm sú “3 chìm, 7 nổi”, dịch bệnh tràn lan chưa khắc phục được, người nuôi tôm thiếu vốn và không khả năng đầu tư thả giống nuôi trở lại...
Do tôm nuôi bị dịch bệnh chết tràn lan, nhiều hộ bị thua lỗ nặng không có lối thoát, nợ nần chồng chất, nên nhiều hộ phải chọn giải pháp chuyển diện tích nuôi tôm sang hình thức nuôi cua... (trích từ internet)
Do tôm nuôi bị dịch bệnh chết tràn lan, nhiều hộ bị thua lỗ nặng không có lối thoát, nợ nần chồng chất, nên nhiều hộ phải chọn giải pháp chuyển diện tích nuôi tôm sang hình thức nuôi cua... (trích từ internet)
Ở miền Nam có 2 loại cua: cua đồng và cua biển. Cua đồng sống trên những cánh đồng nước ngọt, sinh sản nhiều vào mùa mưa, nhỏ con, ít thịt nên ít ai ăn. Thường cua đồng được dùng làm thực phẩm nuôi vịt. Người ta bắt cua đồng về dùng chày quết nhỏ, trộn với lúa cho vịt ăn mau lớn, đẻ sai trứng. Cua biển thì khác, có thể làm nhiều món ăn hợp khẩu hoặc đem bán.
Câu cua biển đối với tụi trẻ chúng tôi có phần đơn giản nhưng mang nhiều kích thích hơn những thứ khác. Cuối tuần nghỉ học, cùng vài thằng bạn rủ nhau vào ruộng câu cua là một cái thú. Đi săn những con cua biển xanh điểm màu nâu xậm trên 2 càng chắc nịch mà mỗi lần bị chúng kẹp vào đau thấu trời xanh thường là niềm vui cuối tuần khó cưỡng lại. Sáng sớm thức dậy, điểm tâm bằng cục xôi nếp mẹ nấu sẵn, mang theo một gói dành ăn trưa, uống ngụm nước mưa trong lu trước hiên nhà, thế là đủ một ngày "C-ration". Một chút tưởng tượng thêm: "nếu" ngày ấy là bây giờ, có lẽ tôi sẽ mang theo bình cà phê nóng hay vài lon coke, khúc bánh mì thịt, một quyển sách ưa thích, máy ipod hoặc iphone với các bộ truyện đọc hấp dẫn mp3 "chôm" trên HQPD hay nghe nhạc.... Nói chung là còn nhiều thứ "ăn chơi" thời đại mà tuổi thơ ngày nay có thể có được để vừa câu cua vừa thư giản (tôi nghĩ câu cua chưa hẳn thuần là giải trí vì luôn bận rộn và căng thẳng với những chú cua). Đây chỉ là một chút so sánh để hình dung một cách biệt xã hội nửa thế kỷ trước. Ngày ấy, sáng sớm ra đi với chiếc quần cụt, đầu trần, chân đất, một bó cần câu trên vai, bên hông lủng lẳng chiếc giỏ đựng đồ ăn cũng dùng để đựng cua khi câu được (nước uống không cần vì có thể ghé cách chòi vịt trên đồng uống ké, nước mưa lúc nào cũng dự trữ đầy lu), thế là quá đầy đủ.
Chuẩn bị.
Trước tiên là chuẩn bị đồ nghề. Một "bộ" cần câu trung bình khoảng 20 cây, có khi 30 cây tùy thích, được tạo từ những nhánh cây tầm vông lớn cở bằng ngón tay, dài khoảng 1,5m-2m (phải là cây đòn dông, dẻo nhưng chắc chắn, không bị gãy khi gặp phải những con cua lớn kéo). Dây câu là một sợi nhợ đan lưới cở trung bình (vừa rẻ vừa chắc, còn dư dùng để đan vợt câu cua) dài khoảng 3m, một đầu được buộc chặt vào một sợi dây kẽm nhỏ dùng để buộc cục gạch hay đất nung to bằng quả trứng giữ cục mồi nằm yên sâu dưới nền ao, ruộng hay bên bờ kinh (có công dụng như cục chì trên cần câu cá), dây kẽm được làm dư ra một đoạn khoảng 20 cm dùng để cột mồi câu cua sau đó.
Mồi câu cua cũng là một chuẩn bị cần thiết, thường chúng tôi phải đi bắt những con cóc vào ban đêm (cóc dễ bắt nhất và thường xuất hiện ở những nơi ẩm thấp quanh nhà, lại chậm chạp, thịt cóc lại dai ít bị cua kéo mất), cắt đôi cóc ra làm hai, cột chặt vào đoạn kẽm thay cho lưỡi câu trên mỗi cần câu. Sau đó cuộn dây vào cần câu, tất cả gom lại thành một bó khoảng 20 cây, nặng vừa sức cho lứa tuổi 10, 13 chúng tôi. Cũng có khi mồi câu cua được lấy từ những con "chình" (một loại lươn nhỏ cỡ ngón tay) được chặt khúc khoảng 5 cm hay những loại cá biển thịt dai như cá đuối..., nếu dùng những loại cá thường thì chỉ sau một vài cú cắn hay kẹp của cua, mồi sẽ bị rã ra hay bị tha đi mất.
Như vậy là xong phần cần câu, một dụng cụ không thể thiếu tiếp theo là vợt lưới dùng để vớt cua khi kéo lên đến mặt nước, đường kính khoảng 40 cm như thường thấy ở những người đi câu cá, thường thì do chúng tôi tự đan lấy và chế biến. Một nhúm dây cột cua thường làm từ bập dừa khá chắc chắn và một giỏ tre dùng để đựng cua. Thế là xong một ngày hứa hẹn nhiều thú vị.
Cua biển sống trên vùng nước lợ đã quen cả hai mùa nước mặn ngọt, chúng sinh sản đầy trên những thửa ruộng ngập nước hay những ao đìa vào mùa Xuân. Những con cua "nhé" (cỡ 300 gr trở xuống) thì thịt không nhiều, người ta thích bắt chúng trong hang khi đang lột vỏ hơn, ngoài ra cua to hơn thì thời gian lột cũng ít đi nên ít khi gặp. Vào hai ngày mồng 9, mồng 10 và ngày 24, 25 hàng tháng từ khoảng tháng 2-5 âm lịch, khi mực nước sông xuống thấp nhất, nước trên ruộng rút đi gần hết để lại những bờ ruộng trơ trọi với vô số hang lỗ do cua cá tạo nên. Tìm bắt cua lột cũng là một nghệ thuật. Hang cua thường thì to, ngoằn ngoèo và sâu, người ta cần một cây móc cua lôi chúng từ trong hang ra tốn rất nhiều công sức vì chúng chống cự rất dữ, thọt tay vô chỉ có nước lảnh đủ. Hang cua lột thì ngược lại, thường cạn và được chú cua nằm bên trong bịt kín lại bằng lớp bùn trước miệng hang (gọi là cua "đùn mà") để đề phòng những tên cua mất dại bò vào ăn thịt khi chúng "nằm cữ" tức đang lột (mềm như cua lột). Tuy nhiên với dân bắt cua lột, lớp đất nầy cho biết cua đang, sắp hay đã lột trong những ngày trên. Màu đất mới tức chưa lột, khô quá thì đã muộn, vừa ráo thì đúng cử. Chắc ăn hơn, mở lớp đất nầy ra, nhìn màu nước trong hang thì biết vua đã lột hay chưa. Nếu nước trong thì một là cua sắp lột (cua hai vỏ) hay đã lột xong trước một vài ngày rồi. Cua hai vỏ (cua cốm) thì đầy thịt nhưng không bằng cua lột, cua đã lột xong chừng một vài ngày là loại "cua ốp" không còn thịt thà, vỏ đã cứng và không còn giá trị ăn uống vì không có thịt. Ngược lại, nước đục trong hang tố cáo cua vừa lột xong, cứ thò tay vào rinh nguyên con ra, cua mềm nhuốc, ăn cả con nguyên con thật béo bổ. Chỉ ít ngày sau là nước sông lên cao nhất trong tháng (ngày rằm và 30), nếu còn sống sót sau đợt ruồng bắt của con người, cua đã cứng vỏ và tự mở cửa hang bò ra ngoài với kính thước mới và hòa vào dòng nước ruộng mênh mông.

Bọn trẻ chúng tôi không tranh nổi với các anh bắt cua chuyên nghiệp nên cứ đi săn những chú cua đói trên ruộng, trong mương rãnh, ao hồ hay ngoài kinh là chắc ăn. Câu cua trên ruộng thường vào khoảng tháng 10 lúc lúa trổ bông, mực nước ruộng sâu khoảng 5-7 tấc, lúc nầy những con cua cái mang đầy gạch son để từ từ chuyển thành chùm trứng to dưới bụng, đang lên ruộng lúa sống và chuẩn bị đẻ. Câu cua trong trong mương rạch hay ao đìa mở (cửa ao mở cho cá cua từ sông ra vào tự nhiên, hoặc có người chủ đặt những cái "hom" một chiều ở miệng đìa, cá cua chỉ có vào nhưng không ra được) thì chắc ăn hơn. Ở đây mực nước sâu, có thể câu cả ngày và thường bắt gặp các chú cua "kình" tức cua thuộc hạng sư phụ, to và chắc thịt, tuy nhiên thường thì phải hỏi xin phép chủ nhân ao đìa xem có được phép câu hay không. Hôm nào gặp lúc kẹt con nước kinh (nước ròng), tôi thường vào các ao đìa của ông tôi câu, lúc nào cũng có cua dự trữ sẵn.
Câu trên kinh rạch tùy thuộc vào con nước lớn ròng nhưng tự do và thoải mái hơn, vừa câu vừa có thể tắm sông bằng thích. Khi nước kinh rạch vừa "nhửng" lớn, tức dòng nước dưới kinh bắt đầu ngừng chảy ra (nước ròng) và đồi chiều để chảy vào (nước lớn), mực nước kinh từ từ dâng lên. Lúc nầy mấy chú cua cá lẫn trốn trong hang bắt đầu thò ra kiếm ăn. Chúng tôi chọn một khúc kinh nhiều cây cối hay dừa nước, những nơi cua cá thường làm hang trú ẩn, thả dàn cần câu cua xuống, mỗi cần cách nhau năm mười mét, có khi vài chục mét tùy theo địa hình bờ sông. Bung nhợ ra gần bờ kinh, cần câu cắm chặt vào nền đất. Thả xong giàn câu cũng mất gần giờ, trở lại từ đầu kiểm soát, có khi cần câu bị cua lôi mất.
Mỗi đứa làm chủ một khúc bờ kinh gần vài trăm thước. Thú nhìn cua cắn mồi cũng là một niềm vui. Sợi dây nhợ căng thẳng, cần câu oằn lên xuống từng đợt theo sức kéo của chú cua, mạnh nhẹ tùy thuộc vào sức vóc của từng chú. Cua có sức mạnh và thêm tật mê mồi, nhất là mồi có mùi hôi càng dễ lôi cuốn, hai càng chú ghì rất chặt miếng mồi trước miệng, khi kéo chú cua lên cũng khá vất vả.
Vì cần câu cua không có lưỡi câu nên cần nhiều khéo léo và kiên nhẫn, tôi cho là cả một nghệ thuật. Làm sao để dẫn dụ con cua từ dưới đáy kinh rạch hay ao hồ đang mê cắn mồi lên đến mặt nước không bị hoảng sợ nhả mồi giữa chừng đòi hỏi nhiều nhẫn nại, tuổi thơ tôi học được chữ nhẫn có lẽ một phần cũng từ những ngày tháng hồn nhiên nầy. Có khi gặp phải chú cua cứng đầu, bám chặt vào một gốc cây nào bên dưới, phải trì kéo cho đến khi chú chiụ buông gốc ra và theo mồi lên mặt nước, tạo nên một khoảnh nước cuồn cuộn đầy kích thích. Khi đến gần mặt nước, vừa thấy bóng hay càng chú cua bên dưới và lẹ tay vớt liền, chậm chút chú thấy bóng mặt trời chói mặt là buông ngay, vớt theo chỉ có chút bọt chú cua để lại. Rồi, một chú cua vàng hực đang dẫy dụa, hai càng mở rộng như đe dọa trong vợt lưới, bao mệt nhọc đều tan biến. Đem được lên bờ, đè ngay chú xuống đất, trói thúc hai càng lại theo phép bằng loại dây bập dừa dẻo và chắc, chú cua đành nằm ngoan ngoãn trong chiếc giỏ tre đang ngâm dưới nước.

Câu cua ở kinh rạch thì thường bận rộn nhiều vào lúc nước mới lớn. Không ai đi câu lúc nước ròng vì cua cá thường trốn vào hang ổ. Nước vừa lớn là lúc cua cắn mồi nhiều nhất, khi nước đã đầy kinh rạch thì mấy chú cũng đi chơi xa theo dòng nước kinh vào ruộng hay ao hồ nên thường không còn nhiều. Một cơn nước từ lúc "nhửng lớn" cho tới khi "nhửng ròng" cũng mất gần nửa ngày, thời gian qua nhanh hay chậm tùy thuộc vào các chú cua nằm trong một góc nào đó dưới làn nước mênh mông. Xếp cần câu xong, chúng tôi lại có dịp nhảy xuống kinh bơi tắm thỏa thích. Trở về nhà thường với quần áo ướt sũng, mặt mài nhem nhuốc và làn da đen "mốc cới".
Tuổi thơ qua nhanh như chiếc bóng đã ngã chiều của một ngày đầy thi vị. Giờ nhớ lại nhưng không ao ước sống lại, bởi có những khoảng thời gian trong đời rạng rỡ hơn, ý nghĩa hơn. Chút ký ức để nhớ về quê hương, cội nguồn và nhất là mẹ tôi, người luôn lo lắng trong từng bước con đi, từ lúc tập tễnh bước những bước đầu tiên trong đời cho đến khi đã cất cánh bay cao vời vợi, để lại Người một mình với nỗi nhớ thương con khôn cùng, với cảnh cũ thật im lìm cô quạnh, với những cây cần câu cua trên vách mà khi nhìn lại chắc là phải đau lòng đến rơi lệ. Mắt tôi cũng đang nhòa đi khi viết đến những dòng nầy....
Ninhgia
Comment