Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Về quê tảo mộ

Collapse
X

Về quê tảo mộ

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Về quê tảo mộ

    VỀ QUÊ TẢO MỘ

    Năm nào cũng vậy, cứ đến 20 hoặc 25 tháng chạp là anh em tôi lại nôn nao về Nội hay Ngoại. Đó là những ngày cúng tảo mộ của dòng họ , cũng là dịp để gặp lại anh em, thân tộc, họ hàng .

    “.. Tối 24 tôi trằn trọc không ngủ được, không phải vì ăn nhiều “Thèo lèo, cứt chuột” của ngày đưa ông Táo, mà có lẻ vì nôn nao chờ đến sáng để được theo Ba về Nội. Sáng 25 là ngày lệ “tảo mộ” của dòng họ Nguyễn. Gia đình, dòng họ nhà tôi ai cũng cử con cháu tập trung về rất sớm. Năm nào cũng vậy, tôi được Ba ưu tiên một xuất tháp tùng.
    Nói là đi tảo mộ chứ thật ra tôi chỉ thích cái không khí ngồi quanh lò than xem bà Nội nướng bánh Phồng, bánh tráng để sáng cúng. Ở miền Nam vào những ngày cận Tết trời chỉ se lạnh, ngồi cạnh Bà nhìn nhìn Bà xoay lật từng cái bánh trên lớp than hồng thấy nó ấm áp làm sao. Thỉnh thoảng có cái bánh nào bị bể, hay không vừa ý, Bà bẻ chia cho mấy thằng cháu liền. Bà nói cúng Ông Bà là phải lựa cái nào cho nó tròn trịa , mặt bánh nở đều, hồng hào thì Ông Bà mới chứng cho con cháu năm mới làm ăn phát đạt . Anh em chúng tôi nghe và chỉ biết vậy, chưa hiểu nổi Ông Bà kia là ai và chữ “chứng” là gì . Chỉ biết ngồi nhìn Bà và nhay bánh rào rạo ngon lành.
    Bốn giờ sáng là Ba tôi đã vác cuốc đi cùng mấy Bác và mấy anh lớn, mấy nhóc nhỏ cở dưới 10 tuổi cở chúng tôi không được đi theo. Ba tôi nói đi lội vô “Lâm” gai góc, rắn rít nguy hiểm lắm, con nít ở nhà chờ sáng Ba về.
    Khi cả nhà cùng vác cuốc, cầm dao ra đi, đám con nít chúng tôi bỏ bếp than đứng dậy chạy ra sân nhìn theo một cách tiếc rẽ. Mãi đến khi không còn nhìn thấy ánh đuốc trên tay chú Mười lập lòe dẩn đường mới trở vào nhà.
    Lúc nầy thì Bà Nội đã nướng xong mấy chục bánh xếp đầy trên hai cái nia đặt trên dàn bếp. Đám con nít chúng tôi bắt đầu chuyển hướng ra phía sàn nước sau nhà để xem mấy Bác gái, mấy chị lớn làm gà, vịt.
    Bên kia sông, phía Đông Trời đã ửng hồng , tiếng gà gáy sau nhà đã cùng tiếng gà hàng xóm càng lúc càng hòa nhịp một cách rộn rã .
    Khác với bên Ngoại thường cúng tảo mộ vào ngày 20, bên Nội tôi cúng đúng vào ngày 25 tháng chạp. Hai ngày nầy là ngày cúng đông nhất của cả làng tôi và các làng lân cận. Chỉ cần nhìn không khí chộn rộn của những người đàn ông xuôi ngược trên đường là tôi có thể đánh giá được những ngày nào có nhiều nhà cúng trùng. Tục lệ ở quê Nội là phải “tảo mộ” xong trước lúc bình minh. Trời vừa sáng là bắt đầu dọn cúng Ông Bà, Thần Trời, Thần đất . Lúc nhỏ tôi chẳng biết “tảo mộ” là gì nhưng khi thấy mấy Bác, mấy anh họ lui cui dọn dẹp sạch sẽ phần mộ của Ông Nội sau nhà nên tôi cũng đóan được phần nào. Ba tôi giải thích :-Tảo mộ là nhổ cỏ, dọn dẹp sạch sẽ ngôi mộ của Ông Bà mình, ai có tiền thì quét vôi mới . Tết người sống mình dọn dẹp nhà cửa ăn Tết thì cũng phải làm cho nhà cửa của Ông Bà giống như vậy. Thằng em nhỏ nhà tôi thì ngây ngô hơn :
    -Nhà của Ông Bà là cái mã hả Ba? .”
    Đó là ký ức của tôi áng chừng đã gần 50 năm.

    Tối qua cũng là ngày 24 Tết, khi về quê để chuẩn bị dự buổi tảo mộ cuối năm , tôi lại có cái cảm giác giống y thời tuổi nhỏ. Trằn trọc không ngũ được, chỉ mong sao trời mau sáng để đi cùng mấy đứa em về nhà Nội.
    Thời gian sau nầy thì việc tảo mộ được du di khá nhiều, không nhất thiết phải làm cho xong trước khi trời sáng nửa.Có nhà xuất hành lúc mặt trời đã lên cao khỏi ngọn Tre. Vã lại sau nầy mã mồ Ông Bà đã được xây bằng gach –xi măng một cách vững chắc, chỉ cần quét dọn vài phút là xong một ngôi mộ. Còn việc cúng kiến thì cũng chỉ cần đừng đề quá “ngọ” là được.

    Lúc Phong, đứa em trai chở tôi vể đến nhà thờ Nội thì mấy người anh em họ đã đi rồi. Người chị dâu và mấy cô em gái đang lui cui dưới bếp tươi cười chào:
    -Trời chú Năm, mấy chục năm nay mới về tảo mộ ha. Anh Chín với mấy chú đi được nửa tiếng rồi, chắc giờ đang ở “ Lâm vông” .
    -Dạ chị, để em đi theo.
    Làng tôi có một khu rừng nhỏ, rộng khoảng chục hécta . Đó là một khu cây cối um tùm có nhiều khu mộ gia đình, mộ hoang cũng có. Cũng không biết tự lúc nào mà người dân làng đặt tên là Lâm Vông. Lâm Vông cũng không xa nhà Nội và Ngoại tôi bao nhiêu . Từ nhà Nội nuốn về Ngoại phải men theo con đường mòn tắt qua Lâm nầy. Lúc nhỏ mỗi lần đi ngang đây nhất là lúc trời chạng vạng tối mặc dù đi cùng Ba hay Mẹ hai chân tôi đều như quíu lại. Con nít mà, ai mà chẳng sợ Ma , nhất là khi nhìn thấy mấy cái mã mới còn đèn nhang vương vải.Đi trước cũng không dám, đi sau cũng không dám , rốt cục cứ bị Ba chửi vì cái tật lúc nào củng đá vào chân Ba .
    Sau nầy tôi cũng được mấy Bác giải thích tại sao người ta gọi là Lâm Vông. Chử Lâm không phải là rừng mà chỉ là khu cây cối um tùm như một cánh rừng nhỏ. Còn Vông là tại vì ở đây có trồng nhiều cây Vông nem. Dòng họ nhà tôi có nhiều người được an táng trong khu Lâm nầy. Nhưng mãi đến giờ anh em nhà tôi cũng chưa ai xác định được tên tuổi họ tộc một cách rõ ràng . Năm rồi nhờ vào ít tiền của mấy anh em ở nước ngoài gửi về, Bác tôi mướn thợ xây đúc được mấy cái núm chụp lên trên để dể nhận diện.
    Lâm Vông bây giờ chỉ còn lái cái tên. Bốn phía đất hoang đều đã có chủ. Nhiều người trong xóm tự khai hoang trước 75 , rồi sau 75 cũng có. Sau đó lại bán qua lại bằng giấy tay. Đến lúc Bác tôi nhân dịp Thanh Minh đem mấy cái núm đặt lên phần mộ Ông Bà cũng bị ngăn cản. Chủ đất mới nơi có mồ mả Ông Bà tôi không cho vì “ chỉ được đem ra chớ không được đem vô, đất giờ đã có chủ...”.Chuyện mấy cái núm cũng phải lôi thôi tới chính quyền phân xử mới xong!
    Tôi và thằng em men theo con đường mòn cũ thẳng tới Lâm Vông. Đường đi bây giờ đã rộng rãi hơn nhiều , được bê tông hóa sach sẽ. Chỉ còn lại mấy đường mòn vào Lâm thì vẩn còn nhiều mương, rảnh. Phong em tôi nhờ về quê thường nên rành đường dẩn tôi đi tắt qua ngã nhà Năm Hiệp-người em cô cậu. Thời chiến tranh, tôi nghe nói ông Cậu khai hoang phần rìa Lâm Vông cất chòi ở, rồi sau đó mở rộng đất đai ra. Sau 75 cậu mất , đất nhà giao lại cho người con trai cai quản. Vừa đi Phong chỉ tôi từng khu vườn, khu nhà ..Đây là nhà Câu Mười Hai, Nhà Cậu Hai Vinh, Nhà có cây mai lớn là nhà Ông Năm Cổn.. Nhà nầy là nhà thằng Dề , nó vượt biên năm 80 nghe nói về chơi được hai lần rồi.Mình đi tắt bên hông nhà Năm Hiệp , nhảy qua cái mương là tới khu mã Ông Bà Năm.Chắc anh Chín với mấy anh em đang ở đó.
    Mà đúng thật, trong số anh em đang lúm xúm quét dọn tại hai ngôi mộ Ông Bà Năm có cả thằng em bạn dì của tôi –Bảy Huẩn. Sở dỉ tôi còn nhớ cặp mộ nầy là vì đây là mộ Ông Bà Ngoại nó. Gặp nhau mấy anh em đều toe toét cười chào. Năm Hiệp đang lui cui nhổ cỏ cũng đưa hơi về phía tôi một câu :
    -Lúc nầy uống được vài ve chưa anh Năm?
    Cái thằng quỷ, hể gặp tôi là hay chọc quê cái tật uống không hết một lon của tôi từ mấy chục năm nay.
    Một ông già mắt hom hem đứng trước nhà nhìn tôi đăm đăm..tôi suy nghỉ vài giây rồi chợt nhớ ra:
    -Trời Cậu Tư, cậu khỏe hả cậu.
    -Ừ,..mà mầy là thằng nào vậy..mắt tao giờ chỉ thấy mờ mờ thôi!
    -Dạ , con là thằng Năm con Tám Nhung đây cậu.
    -Thằng làm việc ở Sài Gòn phải hôn, chà lâu dử hén..lâu lắm mới thấy mầy về tảo mộ à..vợ con ra sao rồi mậy..?
    -Dạ con hai đứa cậu, tụi nó cũng lớn hết rồi..
    Đang nói chuyện với tôi bổng Cậu Tư chuyển sang mấy người anh :
    -Cái núm dưới chân Bà Năm là mã thằng Tranh em thằng Kìm. Tụi bây nhớ quét dọn và thắp nhang cho nó . Còn mấy cái mã lạng nữa..lâu rồi không có ai nhìn..tụi bây nhớ cắm cho mấy cây nhang để họ đở tủi ..!
    Rồi giọng cậu bổng dưng chùng xuống :
    -Tội nghiệp thằng Kìm không biết xương cốt ở đâu để mà tìm .

    Kìm và Tranh là hai người con của Cậu Hai đờn , người anh em cô cậu với Má tôi. Nghe nói lúc trẻ Cậu Hai chơi đàn kìm rất hay, trở thành nghệ danh Hai đờn . Nhưng cậu lại mất sớm để lại hai người con là Kìm và Tranh. Tranh lại chết từ nhỏ nên hai mẹ con mợ tôi sống cô quạnh trên nền đất cũ bên chồng .Lúc Kìm 16 tuổi thì Mợ Hai tôi lại mất. Kìm phải sống nhờ vào bên Ngoại tôi đến lúc trưởng thành .
    Năm Hiệp nói với tôi:
    -Nghe nói thằng Kìm bị siết cổ bằng sợi kẽm gai, còn kéo xác nó đi lòng vòng ở chợ Nhựt Tiên .
    -Mà nó chỉ là thằng thợ hớt tóc thì làm gì giết nó ?
    -Tại họ khép nó tội “chỉ điểm” nên giết. Rồi dập đâu đó mất xác không ai biết...
    Thực ra , vào thời điểm đó dân làng có ai dám đứng ra để nhận chôn xác dùm “thằng chỉ điểm “ đâu , hoặc nhắn tin hay chỉ lại dùm nơi Kìm chết. Vùng giải phóng mà.
    Nghe nhắc đến Kìm, lòng tôi bổng thấy nao nao.

    Trong số các ngôi mộ của dòng họ tôi thì các ngôi mã đá là còn khá nguyên vẹn.
    Quê tôi là vùng sông nước đồng bằng, không hiểu ngày xưa Ông Bà, Tổ tiên đem đá Ông ( đá tổ ong) từ đâu về đển xây mộ khá chắc chắn. Từng tảng đá tổ ong được cắt xén bằng nhau xếp chồng lên nhau theo thứ tự bao quanh huyệt mộ. Ấy vậy mà qua bao năm tháng mộ vẫn không mấy thay đổi. Cậu Út tôi nói :
    -Chỉ có mấy cái mã đá là còn dúng vị trí thôi. Mấy mả đất có khi giờ đắp núm lại lệch đi cả thước không chừng !.
    Rồi cậu kể lại chuyện cười của Ba tôi tảo mộ "lộn" năm trước 75. Số là làng tôi năm đó đã bị bỏ hoang , trở thành khu oanh kích tự do. Ngày tảo mộ Ba tôi phải len lén trở về làm nhanh rồi đi. Đến năm sau, làng có vẽ yên tỉnh một chút nên có nhiều anh em quay về mới hay ngôi mộ của Ông Tổ cây cối um tùm, còn cái núm gần bên đó thì sạch bong . Xem kỷ lại cái núm đó chính là cái gốc dừa vốn được Nội tôi trồng để làm dấu . Mấy anh em Ba tôi được dịp cười một bửa. Còn Ba tôi thì chống chế :
    -Tui sợ pháo chụp nó bắn chạy không kịp nên phải làm cho lẹ. Thấy cái gốc cao nghệu cứ tưởng cái mộ.. làm được mấy cuốc là xong ..
    Dọn dẹp xong cho mấy ngôi mộ, anh em chúng tôi kéo nhau về nhà thờ. Nắng đã lên khỏi ngọn dừa , nhưng trời vẫn còn mát rượi.
    Lúc nầy phía phụ nữ đã nấu nướng xong . Chi dâu gọi vói lên nhà trên:
    -Ông nói mấy chú xuống phụ dọn đồ cúng , xong hết rồi đó.
    Như đã thành thông lệ, anh em tôi mỗi người một tay đưa thức ăn lên bàn thờ. Anh Chín con Bác giờ là trưởng tộc, nhận nhiệm vụ thắp nhang cúng vái . Chúng tôi mỗi người cũng phải xá từng bàn thờ như để trình diện Tổ tiên Ông Bà là chúng con đã trở về.
    Lúc bắt đầu vào bửa ăn , chị dâu từ nhà sau bước lên khều tôi nói nhỏ:
    -Bửa nay tui mua được mấy chục bánh phồng nếp , tụi nhỏ đang nướng dưới bếp, chút tui dọn lên chú ăn..
    Chị nhắc làm tôi bổng dưng nhớ Nội , nhớ cái không khí ấm áp bên bếp than hồng rạng sáng 24 năm nào. Nhớ từng cái cánh phồng bể của Nội cho mấy anh em chồm hổm ngồi nhai rào rạo bên cạnh Nội mong trời mau sáng./.

    CAO NGUYÊN
    Last edited by caonguyen569; 01-15-2012, 01:47 AM. Lý do: chỉnh lời

  • #2
    Về quê tảo mộ

    Đọc bài của Cao Nguyên làm tôi nhớ những ngày tảo mộ trước Tết trước đây ở Việt-Nam.Với hầu hết người miền Bắc di cư vào Nam ,họ thường có lệ tảo mộ vào 29 hoặc sáng 30 Tết-làm rất nhanh,gọn lẹ rồi về lo chạy chợ Tết .Nếu người thân mới mất,sáng 1 Tết lại ra mộ rất sớm.Nói là Chúc Tết, song hầu như ai cũng ra than khóc ,nhớ người qua vãng mới hôm nào... nay ngày Tết lại không được gặp mặt....Vì vậy đối với chúng tôi những ngày tảo mộ rất là buồn......
    Cám ơn Cao Nguyên

    Dzunguyen 72C

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X