Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tới mô mình tới đó

Collapse
X

Tới mô mình tới đó

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tới mô mình tới đó

    Tới mô mình tới đó

    Chu Kim Long



    Cầm khúc khoai mì luộc trên tay, tôi đứng dưới tàn lá mỏng của mấy cây chưa bị phát quang, bên cạnh Tôn Thất Ngọc Sơn tổ 2 đang vừa ăn khoai mì vừa kể chuyện phim Ben Hur cho mấy anh em đứng, ngồi, vừa ăn vừa nghe. Phim này tôi đã coi ở rạp Văn Hoa Đakao, đường Trần Quang Khải năm 1960, năm tôi học lớp đệ Tứ (lớp 9) trường Trung học Huỳnh Thị Ngà, đường Trần Nhật Duật – Tân Định, gần rạp Văn Hoa Đakao. Những ngày tháng trước đây, khi còn ở trại tù Trảng Lớn, tôi ở cùng tổ, cùng khối với Sơn – cựu Trung Úy Pháo binh, mồ côi mẹ, ba Sơn làm việc trong ngành Hỏa Xa và người em kế Sơn còn nhỏ. Nét mặt Sơn đăm chiêu, buồn, khi nhắc đến hoàn cảnh người em côi cút, mà Sơn lại gặp cảnh tù đày. Sơn rất mê phim ảnh, có trí nhớ dẻo dai và tài kể chuyện phim.

    Sơn sinh ra và lớn lên ở Xóm Thơm gần ga xe lửa Gò Vấp, tỉnh Gia Định, tổ tiên Sơn gốc người miền Trung. Xóm Thơm – nơi tôi đã qua lại biết bao lần hằng năm trong thời học sinh Trung học. Với chiếc máy hiệu Sachs chở đầy những cây vải Tám, vải The mà các máy dệt của thày mẹ tôi vừa sản xuất ra - từ Xóm Mới, tôi chạy lên ngã năm Gò Vấp, đi thẳng vào đường Phạm Ngũ Lão rồi rẽ phải vào đường Phan Thanh Giản độ chừng ba mươi mét, để rẽ trái và đi tắt ngang qua ga Xóm Thơm Gò Vấp vào ngã ba Cây Quéo, đi tới đường Chi Lăng Gia Định, rồi rẽ phải để vào con hẻm có hãng nhuộm vải nằm trong khu vực mang tên là hãng Đồng, cách trường trung học Đạt Đức khoảng nửa cây số để giao những cây vải The cho hãng nhuộm, rồi tiếp tục chạy xe lên chợ Vườn Chuối, nằm cạnh đường Phan Thanh Giản, Sài Gòn, để giao cho bác Cự - người khách hàng của thày mẹ tôi. Đó là những năm tháng của tuổi học trò với những khó khăn, vui buồn, vừa đi học vừa chạy việc phụ giúp gia đình. Nhưng là những kỷ niệm khó quên của những năm tháng đầu đời mà gia đình thày mẹ tôi vừa ổn định, sau cuộc di cư từ Bắc vào Nam, tất cả vẫn nằm sâu trong ký ức tôi.

    Thời gian Tôn Thất Ngọc Sơn sống trong trại tù, bên cạnh những ngày lao động khổ sai, Sơn thường kể lại cho anh em đồng tù nghe những chuyện phim xa xưa, như để tìm quên ngày tháng khổ cực, thư giãn tâm trí, và sống lại những ngày xưa yêu dấu đã ra đi theo mệnh nước thăng trầm. Sơn có một đặc tính đáng yêu là lạc quan và an phận, cười cười nói nói, đôi lúc kể huyên thuyên chuyện này chuyện kia ngày xưa, và đôi khi làm cho người tù nào đó không quen biết Sơn thoáng nghe được tưởng là Sơn bị chạm điện, mát dây. Nhưng thực ra, đó là bản tính tếu trời phú cho Sơn để vượt qua những năm tháng tù đày, xa cha và người em mồ côi mẹ. Vui tính, nhưng không dèm pha, chê bai bất cứ ai, Sơn rất tốt bụng, chân tình. Đôi khi Sơn thấy tôi dơ tay phát biểu này nọ lúc họp tổ, họp đội, hay ưu tư khi nói chuyện với Sơn về những tháng ngày tù đày, nhất là thời gian chúng tôi còn bị giam tại trại tù Trảng Lớn, Sơn lại khuyên tôi:

    - “Bồ suy nghĩ làm chi cho mệt, kệ nó, tới mô mình tới đó, mắc mớ chi mà lo, mà lo rồi mình cũng đâu giải quyết được, đúng không?” – rồi Sơn cười và buột miệng hát nho nhỏ một đoạn bài Rừng lá thấp hay Biển mặn - những bản tình ca của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Có lẽ Sơn thích những bản tình ca lính chiến của Trần Thiện Thanh, nên đôi khi Sơn ngẫu hứng, Sơn ca nho nhỏ vừa đủ cho một hai người nghe.

    Khoảng hơn nửa năm đầu tiên ở trại tù Trảng Lớn, Sơn hay ca một cách vô tư trong lúc lao động, quẩn quanh trong khu vực của đội, làm cho Trần Văn Lích – cựu Đại đội trưởng, thuộc Sư đoàn 18, anh chàng khối trưởng người Việt gốc Hoa, là bạn láng giềng, cùng ở Xóm Thơm Gò Vấp với Sơn nghe được – Lích cằn nhằn, giọng người Việt gốc Hoa.

    - Sơn, đừng hát nhạc giàng....

    - Có sao đâu mà ông sợ gúa dzậy – Sơn cãi lại

    - Ừ tao sợ, thôi mầy đừng hát nữa, để cho tao yên – Lích trả lời, Sơn mỉm cười và ngưng hát.

    Những giờ nghỉ để ăn trưa khi đi lao động trong các khu rừng gần trại Cây Cày A thường là những lúc Sơn kể chuyện phim hay chuyện xưa, những chuyện vô thưởng vô phạt, tôi hay đứng ăn và không góp chuyện. Một lần - trong lúc Sơn đang say sưa kể chuyện thì tôi đã ăn xong hai ba khúc khoai mì luộc với muối hơi mặn. Tôi tu một hơi dài bình nước lạnh mang theo mỗi khi đi rừng và vác cái cuốc trên vai, bước đi được vài ba bước về khu vực mà đội tù đang làm cỏ thì tôi sực nhớ đến câu nói của Thủ trưởng Năm Quân, sau ngày chúng tôi vừa nhập trại tù Cây Cày A “...trong số các anh, có 126 anh là Công Giáo, Bắc Kỳ di cư....”. Câu nói làm tôi nhớ đến cội nguồn của mình, mà bao nhiêu năm trước năm 1975 sống tại Sài Gòn, tôi không bao giờ nghĩ tới, sống thản nhiên ăn học, kể cả khi nhập ngũ theo lệnh tổng động viên năm 1968 cho đến ngày miền Nam rơi vào tay Cộng Sản Bắc Việt - tôi không nghe thấy ai đề cập đến chuyện đạo Phật, hay Công Giáo, Bắc Kỳ di cư hay dân địa phương trong đời sống dân sự cũng như đời quân ngũ bao giờ. Nhưng trong tối nói chuyện trên hội trường, viên thủ trưởng trại đã gằn gịọng nhắc tới, làm tôi liên tưởng về chính sách phân loại người tù theo binh chủng, lý lịch gia đình cũng như tôn giáo của đảng Cộng Sản. Vừa nhớ đến lời nói của viên thủ trưởng, tôi lại sực nhớ đến lời người bạn tù Tôn Thất Ngọc Sơn khuyên tôi khi hai đứa tôi cùng sống trong một tổ, một khối ở Trảng Lớn, mà người bạn láng giềng Xóm Thơm của Sơn là Trần Văn Lích làm khối trưởng: “Bồ suy nghĩ làm chi cho mệt, kệ nó, tới mô mình tới đó”. Nhớ lời người bạn tù, tôi đã bỏ lơ đi những suy nghĩ vẩn vơ ra khỏi tâm tư, cầm cái cuốc lên cuốc cho xong cái chỉ tiêu mà đội trưởng VHH đã khoán trắng cho mỗi tổ.

    Bất cứ một người quân dân cán chính nào phục vụ dưới Chính thể Việt Nam Cộng Hòa khi đã vướng vào vòng tù tội của đảng Cộng Sản Việt Nam sau ngày 30 tháng tư, đều hiểu rõ ý nghĩa của mấy chữ “bao giờ các anh cảm thấy đã tiến bộ thì các anh được về” là một câu nói cho biết ngày trở về là ngày vô định. Vì vậy, tuyệt đại đa số người tù không muốn làm khổ gia đình, làm khổ vợ con trong những năm tháng đổi đời, họ viết thơ báo tin sức khỏe, nhưng thường không ngỏ ý xin gia đình đi thăm nuôi theo mỗi định kỳ. Thay vào đó, nhiều người tù tìm kiếm những búp măng rừng, làm những cái bẫy thú rừng nhỏ bắt chồn, bắt chuột rừng hoặc trồng thêm gốc Bàu, gốc mướp để có thêm chút ít thực phẩm phụ cho những ngày được một hai chén cơm thay cho củ mì và Bobo – trong số đó có Tôn Thất Ngọc Sơn.

    Tôi thường làm bánh khoai mì nướng sau khi dùng lon sữa bò bào thành sợi để ăn xen kẽ với khoai mì luộc cho đỡ ngán, và chỉ làm một lần mà có thể ăn được hai ngày. Vì vậy, sau những buổi lao động ngoài rừng về, tôi có thời giờ chơi bóng chuyền hoặc thỉnh thoảng ghé vào tổ 2 nghe Sơn kể chuyện trời trăng mây nước của những năm xa xưa. Trong các sinh hoạt giải trí của người tù thì những môn chơi như bóng chuyền, cờ tướng, xoa mạt chược, kể chuyện phim, kể chuyện kiếm hiệp hay độc tấu guitar không bị liệt vào danh sách cấm kỵ, nên các tổ trưởng và đội trưởng thường không lên tiếng nhắc nhở hay nhòm ngó tới. Có một lần tôi ghé, thấy Sơn đang sắt khoai mì, tôi hỏi: Sơn đang chế biến món gì vậy?

    - Có chi đâu mà chế mà biến. Tôi đang tính làm món Cà Ri chay – Sơn nói rồi cười.

    - Ủa, hôm nay ngày mấy mà Sơn ăn chay? – tôi hỏi.

    - Ông nói chi lạ rứa, ở tù mà ăn chay chi. Tôi nấu nồi Cà Ri chay chùa – Sơn nói rồi cười.

    - Cà Ri chùa? Chùa nào ở đây? – tôi hỏi Sơn.

    - Nói giỡn thôi, Quang bên tổ 1 mới có thăm nuôi, hắn cho tôi gói Cà Ri. Nên để đổi món, tôi tính nấu nồi Cà Ri. Không thịt không mỡ là chay, của cho không là của chùa,. Ông chậm hiểu quá, đúng là dân rừng dân rú – Sơn vừa nói vừa cười sau lời nói hai ba nghĩa, chọc quê tôi.

    Sơn sống hồn nhiên, tìm niềm vui qua những lúc kể chuyện phim và những câu nói khôi hài. Mồ côi mẹ trước ngày đi tù, cha già, em nhỏ, cả năm mới có lần thăm nuôi. Nhưng Sơn không bao giờ tỏ ra buồn phiền, than trách số phận, Sơn tìm quên qua tình bạn đồng cảnh ngộ. Tính Sơn hơi tếu, ca hát, với trí nhớ dai các phim đã chiếu, Sơn lại kể một cách hào hứng khiến anh em say mê, quên mệt sau những giờ “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”. Ngày ngày đi rừng, cũng như bạn bè, Sơn tìm những búp măng rừng đem về luộc, chấm muối ăn thêm với khoai mì. Những lúc chỉ có hai đứa chúng tôi ngồi bên nhau, Sơn thường nhắc tôi kiên nhẫn, đừng nóng nảy với ý kiến này ý kiến kia với đội trưởng, với tổ trưởng. Sơn nói như một điệp khúc: “ thời thế đổi thay, con người thường tham sinh úy tử nên lòng dạ đổi thay. Làm sao bồ biết được chúng đang nghĩ gì và sẽ làm gì để lập công, hại bạn. Vậy mắc mớ chi tới mi tới tui mà có ý kiến. Tới mô mình tới đó, ngày mơi để ngày mơi lo, bồ lo bồ cũng không giải quyết được. Vậy bồ lo làm chi rứa!”

    Những ngày tháng sống ở các trại tù Trảng Lớn – L3T5, rồi Đồng Ban, Cây Cày A và Bàu Cỏ - có một lần tôi ở cùng tổ cùng khối với Sơn, còn lại thì ở cùng đội nhưng khác tổ, và thời gian chung sống bên nhau khá dài nên hiểu nhau và gần gũi nhau hơn. Nhưng, có lẽ, “bởi số chạy đâu cho khỏi số”. Nên, dù đã nghe Sơn nhắc nhở: “đừng nóng nảy với ý kiến này, ý kiến nọ....” và tôi cũng đã tự chế rất nhiều. Nhưng tôi và một số anh em vẫn có tên trong sổ đen của các đội trưởng, tổ trưởng. Vì vậy, tôi đã phải xa Tôn Thất Ngọc Sơn, theo đội Cơ Động tăng cường lao động cho trại tù Cây Cày B. Đây là thời cơ thuận lợi nhất để các đội trưởng, tổ trưởng đẩy những anh tù “tiêu cực lao động lại hay phát ngôn bừa bãi đi chỗ khác cho khuất mắt”. Giết, hại không được, thì đày đọa cho đáng đời!

    Thập niên tám mươi, trại tù Bàu Cỏ thống thuộc trại Cây Cày B - đây là trại tù chính do công an điều hành và trực thuộc Bộ nội vụ của chính quyền Cộng Sản (ngày nay gọi là trại tù Cây Cày). Ngoài dãy nhà bếp chính, nơi cung cấp những bữa ăn trưa và chiều cho các đội tù cải tạo, còn có một dãy nhà nằm song song với dãy nhà bếp, không có vách che và là nơi để cho các tù cải tạo nấu nướng những món ăn cá nhân.

    Vừa xa người tù Tôn Thất Ngọc Sơn ở trại Bàu Cỏ được hơn một tuần. Cuối tuần, tôi xuống dãy nhà bếp cá nhân tính làm cái bánh khoai mì nướng. Vừa để mấy củ mì xuống nền nhà thì một người tù đang nấu đồ ăn gần nơi tôi để mấy củ khoai mì, đứng dậy hỏi tôi:

    - Anh mới tới tuần trước phải không? Bữa nay có thăm nuôi, bếp vắng quá, chỉ còn anh và tôi là con bà phước thôi. Mình tha hồ nấu nướng và tán dóc.

    - Tôi vừa theo đội Cơ Động từ Bàu Cỏ qua đây – tôi trả lời.

    - Bên Bàu Cỏ có chi khác trước không? – người bạn tù hỏi.

    - Không, từ ngày họ phân loại theo cấp bậc và chuyển các anh về đây thì bọn tôi cũng vẫn ngày ngày cuốc đất trồng trọt, phát quang dọn rẫy thôi. Ở đây an ninh canh phòng có vẻ chật chẽ. Bên trại Bàu Cỏ không có điểm danh, chốt trong khóa ngoài, tiêu tiểu ở trong phòng sau 7 giờ tối như ở đây, ngoại trừ các đội tù hình sự và “phản động”– tôi nói.

    - Ỏ đây, kế cận rừng, ven biên, nên họ kiểm soát chặt chẽ lắm. Vậy mà có giữ được chi mô, mấy tay giang hồ vẫn cao bay xa chạy. Bây chừ, tiếng súng bắn báo động còn nhiều hơn xưa. Mà lo chi, tới mô mình tới đó – người bạn tù nói.

    Từ lúc anh bạn tù hỏi thăm, nghe giọng anh nói, tôi đã nghĩ anh là người miền Trung và những lời nói của anh làm tôi nhớ đến Tôn Thất Ngọc Sơn – người bạn tù đã nói với tôi “tới mô mình tới đó, mắc mớ chi mà lo”. Thấy tính anh cũng xuề xòa, quảng giao, dễ nói chuyện như người bạn tù Tôn Thất Ngọc Sơn bên trại Bàu Cỏ, nên tôi hỏi anh:

    - Quê anh chắc hẳn là miền Trung. Vậy anh thuộc Bửu, Vĩnh, Thân hay Tôn Thất?

    - Giòng tộc tôi ở Huế. Nhưng nội ngoại tôi đã xuôi Nam lâu rồi. Ba tôi là công chức ở Long An. Tôi sanh đẻ ở đó, mang giòng họ Tôn Thất, nhưng vì chiến tranh, loạn lạc, tôi chưa về thăm Huế, quê nội quê ngoại bao giờ. Anh thấy đó, giọng nói tôi bị pha trộn giữa hai miền, không còn thuần nhất của xứ Huế. Ừ, mà lo chi chuyện nớ. Còn chi mô mà lo – Anh trả lời tôi sau khi đã cho biết tên anh là Tôn Thất Sang.

    - Vậy anh có bà con gì với Tôn Thất Ngọc Sơn ở Xóm Thơm, Gò Vấp không? Sơn, Trung úy Pháo binh, bạn hàng xóm của Trần Văn Lích, sư đoàn 18 đó – tôi hỏi và giải thích cho Sang.

    - Tôn Thất Ngọc Sơn! Không, tôi không biết Sơn. Ngày ở Cây Cày A có lẽ chúng tôi ở khác đội. Bọn sinh sau đẻ muộn như tôi không biết gì về quê hương bản quán – chiến tranh mà, mọi thứ đều bị bật gốc, mất hết cội nguồn. Nhưng, nghe nói giòng họ Tôn Thất hay Tôn nữ có liên quan xa gần hay liên hệ thế nào với hoàng tộc thì chỉ các cụ cố tổ mới biết rõ thôi. Từ ngày Mặt trận Việt Minh nổi lên, chiến tranh, loạn lac triền miên, làm gì còn gia phả mà biết. Thôi còn chi mô nữa mà nói chuyện đó bây chừ, chuyện xưa rồi. Cứ khi nao anh thấy có người quanh quẩn ở bếp, là biết có Tôn Thất Sang rồi – Anh nói, rồi cười.

    - Sao vậy? – Tôi hỏi.

    -Có chi lạ, ngày nào tôi cũng nấu những món ăn mới, những thực đơn của các nước Xã Hội Chủ Nghĩa anh em. Hôm nay tôi đang nấu món súp Bungary – tiếng Việt mình gọi là Bảo Gia Lợi đó. Sang nói rồi cười tủm tỉm.

    Tôi bước tới cái bếp củi, bên cạnh có hũ thủy tinh muối hột, và nhìn vào cái nồi nhỏ anh đang nấu – trong nồi, bên cạnh những khúc khoai mì chạy chỉ là những cọng và lá rau dền. Tôi hỏi Sang: Mấy thứ rau này anh trồng à?

    - Trồng khỉ gì, tùy theo món Mát Cơ Va, Hăng Gari, Lục Xâm Bảo, Cu Ba, Ăng Gôla, Miên, Lào mà thay đổi các loại rau trái, muối, ớt. Mấy loại rau trái như Dền, Sam, Chùm Bao, hoa chuối, mồng tơi, rau lang mọc quanh trên đất trại, và ngoài bìa rừng thiếu giống chi. Ông trời trồng rồi cho mình hái lượm. Hôm nào muốn ăn món ăn quê hương bản quán thì mình có món Măng Rừng kho muối tiêu ớt - tiêu chùa, bạn cho, muối nhà bếp, còn ớt là của núi rừng, cay xé tâm can. Muốn ăn bánh Xã Nghĩa thì có bánh Khoai mì nướng Pác Pó – mấy “anh đội” nói những “hom” khoai mì giống này đem từ miền núi rừng Cao Bắc Lạng về đó, “quý hiếm” lắm . Bữa nào tôi mời ông ăn mấy món tôi nấu cho dzui và để biết hương vị ngọt bùi ra sao.

    Nghe Sang nói cười một cách thâm thúy trên gương mặt hốc hác, đen sạm làm tôi lại chợt nhớ đến hình ảnh, và nụ cười “lấy sự khốn khó làm vui mừng” của Sơn, bên trại tù Bàu Cỏ. Thấy tôi cười đồng tình, Sang nói tiếp:

    - Ông thấy tôi biết nấu nhiều món của “các đồng chí anh em” không? Đều là những món sang trọng, khoái khẩu cả, ăn vô sướng tê tái cõi đời. Tôi tên Sang, đã là Sang thì lúc nào cũng Sang, lúc nào cũng khoái ăn sang. Khoái ăn sang là sáng ăn khoai. Anh nói diễu, cười rồi nói tiếp:

    - Thân sinh tôi là công chức, hai bà chị làm cho Air VietNam – sau ngày tan hàng, tất cả đều “ở nhà, nhìn trời hưu quạnh” chú em nhỏ đang học lớp 10. Thư qua thư lại, gia đình tôi cũng biết xưa nay tôi sống bao giờ cũng có bạn có bè, nên cũng an tâm. Vậy mà, một năm một lần, không bố tôi thì chị tôi cũng đi thăm. Vì thương gia đình, tôi phàn nàn khi nhà đòi đi thăm thì bố tôi và chị tôi nói: “Đi để coi mi ốm o thế nào, còn sống hay đã chết”. Nói chi lạ rứa, làm sao tôi chết được – Sang nói, rồi hỏi tôi: “thằng Bò, cái Lớn, cái Bé! Anh phải sống”. Hồi ở trung học, anh có đọc truyện của nhà văn Khái Hưng trong Tự Lực Văn Đoàn không? Sang nói và hỏi với giọng bùi ngùi, thở dài rồi nói “Anh phải sống”.

    Tiếng của các anh trực thăm nuôi các đội tù vẫn thay nhau đi từ khu vực thăm nuôi về lán ngủ gọi tên những anh em có người nhà lên thăm, tiếng gọi vang lên các lán ngủ. Người thì vội vã bước lẹ đôi chân đi ra khu thăm nuôi, người thì tay xách vai vác những quà bánh về lán ngủ. Từ ô cửa sổ của hai ba dãy lán ngủ của các đội tù cải tạo có mấy tiếng gọi: Mát Cơ Va, Mát Cơ Va lên đây lên đây... rồi lại có tiếng người khác gọi Bungari, Bungari... Sang tắt bếp, quay qua nói với tôi trong lúc tôi đang bào khoai mì: “mấy người có thăm nuôi gọi tôi, tôi về lán chút xíu. Gặp ông, nói chuyện, thấy ngày qua mau quá hỉ”.

    Nhìn theo bóng dáng Sang bước nhanh qua cái sân đất rộng trong ánh nắng gay gắt của ngày hè, đi về phía lán ngủ. Tôi nghĩ đến sự vô tình của đời người đã xui khiến tôi gặp hai người bạn tù có ý chí và nghị lực trong hai trại tù khác nhau, nhưng lại có hoàn cảnh tương đối giống nhau để vượt lên những khó khăn, là những người quảng giao, dễ thương, làm cho mọi người quen biết mến phục. Vừa bào khoai mì tôi vừa nghĩ miên man về thân phận những người tù rồi như người vừa tỉnh ngủ, quên đi những suy nghĩ miên man - tôi tự nhủ: “tới mô mình tới đó”, và tôi tiếp tục làm cho xong cái bánh khoai mì nướng để ăn thay cho món khoai mì luộc.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X