Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tôi làm nghề bơm quẹt gaz - Vĩnh Khanh

Collapse
X

Tôi làm nghề bơm quẹt gaz - Vĩnh Khanh

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tôi làm nghề bơm quẹt gaz - Vĩnh Khanh

    Tôi làm nghề bơm quẹt gas.

    Vĩnh Khanh


    S
    áng sớm, mới vừa dọn hàng ra chuẩn bị cho một ngày làm, chưa kịp gì cả thì đã bị trận mưa lớn tuôn ào xuống xối xả. Chiếc dù lớn đã bạc màu, che không kín hết những hạt nước quất rát rạt vào mặt theo những cơn gió giật mạnh, nên tôi phải lấy thêm tấm nylon trùm ngay lên cái tủ kiếng nhỏ, dằn lên trên mấy viên gạch để gió không thổi bay. Đâu đó xong xuôi mới yên tâm choàng thêm cho mình một tấm nylon mỏng, ngồi co ro trên chiếc ghế đẩu ở một góc khuất, nơi chiếc dù có thể hứng đở cho tôi nhiều nhất. Nhìn gian hàng nhỏ nhoi của mình với chiếc tủ nhỏ đóng bằng gổ có bánh xe đẩy, được bao bọc bằng những mảnh kiếng, bên trong bày biện sơ sài mấy cái hộp quẹt gas nhựa bên cạnh mấy bình thuốc xịt tóc của phụ nữ đã dùng xong được chế biến, "tái sinh" bằng cách bơm gas vào rồi bán lại cho chúng tôi để bơm quẹt gas… rồi lại nhìn trời mưa mà không khỏi than thầm: “Mới sáng sớm đã mưa như thế này! Bữa nay coi bộ không xong rồi!”.

    Tôi đã nhảy vào nghề bơm quẹt gas nhựa này một cách thật tình cờ. Cách đây vài tháng, cái thùng kiếng hành nghề bơm quẹt gas nhựa này còn thuộc về một thanh niên trẻ tên Châu. Anh chàng này xin bà Dì tôi cho ngồi phía trước nhà làm ăn và mỗi chiều xin được gởi thùng kiếng đồ nghề phía trong sân. Khoảng thời gian này tôi và gia đình mới vừa từ rẫy gần Long Khánh bỏ về Saigon kiếm kế sinh nhai chứ cuộc sống nương rẫy quá vất vả mà hoa lợi thu hoạch được không đủ đâu vào đâu. Tuy thế cuộc sống ở thành phố cũng không phải là dễ kiếm việc, chạy đôn chạy đáo nhiều nơi mà vẫn không tìm được việc làm cố định. Những lúc rỗi rảnh tôi hay ra ngồi chơi xem Châu "hành nghề". Vào thời điểm này, những chiếc quẹt gas nhựa bắt đầu thịnh hành ở VN . Ở các nước khác người ta dùng hết gas rồi vứt đi, nhưng tại VN dân chúng tiết kiệm bằng cách bơm gas vào xài tiếp và có khi bơm đi bơm lại cả chục lần mà cái quẹt gas nhựa vẫn còn sử dụng rất tốt. Nhờ thế mới nẩy sinh ra nghề bơm quẹt gas này. Thấy công việc cũng nhàn mà lợi tức kiếm được tương đối đỡ hơn những công việc lặt vặt mà tôi đã làm trước đây nên tôi có ý định học lóm Châu nghề này rồi cũng sẽ sắm một thùng kiếng nhỏ và kiếm một góc đường nào đó ngồi thử thời vận. Tuy nhiên vận may xui khiến tôi vào nghề này không một chút khó khăn nào cả. Một hôm Châu cho tôi hay có thể trong vòng ba ngày sắp tới, nó có việc sẽ đi xa nên muốn tìm người sang lại cái tủ kiếng đồ nghề. Nó hỏi tôi có muốn sang lại không? Nó sẽ để rẽ lại cho. Thật đúng là buồn ngủ mà gặp chiếu manh. Tôi nhận lời liền. Sau khi thương lượng, Châu đã để hết tất cả đồ nghề lại cho tôi với một giá khá "dễ chịu". Lúc đó nó mới "bật mí" là nó sắp đi vượt biên. Sau đó Châu gấp rút "truyền nghề" lại cho tôi chừng hai tiếng đống hồ rồi nó đi mất.

    Kể từ đó - nói theo ngôn từ to lớn của xã hội "cách mạng" - tôi nghiễm nhiên trở thành "ông chủ một cửa hàng phục vụ quẹt gas", ngày ngày ngồi nhìn dòng xe cộ qua lại, lai rai cũng có khách ghé vào bơm gas, thay đá lửa. Nhờ thế cũng giúp cho tôi có phương tiện sinh sống qua ngày. Tuy chỉ là một sinh hoạt kiếm tiền nhỏ nhoi, nhưng so ra với những gì tôi làm trước đây thì vẫn đỡ khổ hơn nhiều. Sau khi tôi đi tù cải tạo về, phải nói là nghề nào của tôi cũng đều là bất đắc dĩ! Từ cuốc đất làm rẫy, trồng trọt hoa màu, làm cu li cho nhà máy đường… rồi khi chịu không nổi bỏ về Saigon ở chui nhủi không hộ khẩu thì ra đứng chợ trời… chẳng những cực khổ cả ngày ngoài đường mà chẳng có nghề nào đem lại cho vợ chồng con cái tôi được hai bữa cơm ổn định cả. Giờ đây với công việc tương đối nhàn hạ này tôi cảm thấy thoải mái nhiều lắm. Trước hết là từ đây ít nhất tôi không phải chạy đôn chạy đáo hàng ngày ở những chợ trời với những món hàng trao tay kiếm lời một cách vất vả nhưng thu nhập thì bữa có bữa không, thay vào đó tôi chỉ cần ngồi trước nhà, công việc lại nhẹ nhàng mà thu nhập tương đối đều, những lúc vắng khách tôi còn có thể giúp việc nhà lặt vặt được.

    Mỗi sáng sau khi đẩy chiếc thùng kiếng ra hành nghề, sắp xếp bày biện đâu đó xong xuôi, tôi hướng qua quán cà phê của ông Năm Taxi bên kia đường, giơ một ngón tay lên ra dấu, thằng con ông Năm đã quen với dấu hiệu này rồi, mấy phút sau nó bưng qua cho tôi một ly cà đen nhỏ và một bình nước trà. Tôi đã trở thành "mối" quen của quán này từ bấy lâu nay. Cứ ngồi nhâm nhi cà phê, phì phà thuốc lá lai rai chờ khách vãng lai ghé vào nhờ bơm quẹt gas, thay đá lửa…Lâu lâu sửa chữa một vài hư hỏng như quẹt bị xì gas, bánh xe bật lửa mòn cần thay… tôi vừa làm việc vừa chuyện vãn pha trò với khách hàng dần dần cũng kiếm được một số khách "ruột", có một số người chỉ đến chổ tôi nhờ bơm gas chứ không chịu đến nơi khác. Nhờ thế cũng đỡ khổ.

    Mới thoạt nhìn, nghề bơm quẹt gas này không có gì là khó, cứ hết gas thì bơm gas vào, hết đá lửa thì thay đá lửa, dễ ăn quá! Ban đầu tôi cũng nghĩ như vậy, cho đến khi tôi gặp "ca" khó khăn không làm được thì mới biết không phải quá dễ như tôi đã tưởng. Đôi khi có một vài lắt léo bên trong mà phải có người chỉ hoặc nhúng tay vào thì mới biết, chứ khơi khơi nhào vào làm thì cũng khó nói lắm. Có loại quẹt gas phải bơm từ dưới đáy, có loại phải bơm ngay từ trên đầu hoặc có một vài loại phải đục một lổ nhỏ rồi bơm gas vào từ đầu một mũi kim, loại dùng để tiêm thuốc cho bệnh nhân, sau đó dùng cao su chèn vào cho gas khỏi xì ra. Có một vài hộp quẹt gas "lạ" phải dùng một đầu van đặc biệt thì mới bơm gas vào được, nếu không thì khi bơm, gas sẽ xì thoát ra ngoài hết.

    Dụng cụ để làm công việc này chẳng có gì nhiều: Một cái nhíp dùng để gắp những vật nhỏ, một ống chích bằng nhựa và kim chích dùng để bơm gas vào những quẹt gas phải đục lỗ, một lưỡi dao mổ hoặc lưỡi lam thật bén để cắt những miếng "ron" cao su , một cái kềm nhỏ, một cái kéo, một cái búa nhỏ, mấy cái đầu van và mấy miếng cao su dùng làm "ron"… Những thứ lặc vặt khác đa số là đồ chế biến lại. Công việc hàng ngày chủ yếu là bơm gas và thay đá lửa cho những chiếc quẹt nhựa khách đưa tới. Song song đó tôi mua lại những quẹt gas hư, cũ. Chịu khó sửa chữa rồi bán lại kiếm lời. Đôi khi khách mang lại nhờ sửa chữa những chiếc quẹt bị hư hõng mà đa số là bị bệnh xì gas, mòn bánh xe nẹt đá lửa… Công việc này thú thật mà nói gần như đều lấy công làm lời. Còn ba cái vốn liếng như gas, đá lửa thì có bao nhiêu đâu. Một bình gas lớn bơm cho khách hơn cả tuần mới hết. Nên hể có khách đưa quẹt tới, không cần biết đó là công việc gì, tôi cũng cầm chắc là vốn 1 lời tới 4,5 trở lên. Nhờ thế tuy công việc mới nhìn qua không ra gì nhưng lợi tức thu vào cũng giúp tôi sinh sống qua ngày được.

    Có một kỷ niệm vui vui mà không bao giờ tôi có thể quên được khi ra làm cái nghề kiếm bạc cắc này. Lúc mới ra làm, thật tình mà nói tôi đâu có biết rành hết về mấy chuyện bơm quẹt gas này đâu. Anh chàng thanh niên trẻ sang lại cho tôi cái thùng kiếng đồ nghề này chỉ truyền láp dáp cho tôi chút đỉnh bằng lý thuyết chứ lúc đó đâu gặp chuyện để tôi có cơ hội thực hành, nên khi đụng chuyện tôi làm trật lên trật xuống hoài. Với mấy cái quẹt nhựa thông thường thì cũng dễ, nhưng thỉnh thoảng gặp mấy cái quẹt gas "xịn" hiệu lạ hoắc thì cách bơm gas vào coi vậy mà cũng phức tạp lắm, đồng thời phải có đúng đầu van cho mỗi loại quẹt gas đó thì bơm gas mới vào. Cho nên mỗi khi khách mang tới những quẹt gas mắc tiền lạ lạ là tôi than thầm trong bụng :" Nữa rồi. Tới nữa rồi!!". Tuy thế ngoài mặt tôi cũng vồn vã nhận với khách và viện cớ đang bận, hẹn khách khoảng sau 1,2 tiếng đồng hồ gì đó tới nhận.

    Thông thường những vị khách này vui vẻ giao cho tôi và hẹn giờ trở lại lấy sau, còn ai muốn lấy liền mà thấy tôi bận thì họ mang đi chỗ khác, cũng "thoát" được nạn cho tôi. Với những khách chịu giao hàng và nhận lời tới lấy, ngay sau khách đi, tôi mang cái hộp quẹt gas đó đạp xe lên phía trước đối diện chợ Trương Minh Giảng nơi có một "sư phụ" lão luyện đang hành nghề như tôi nhờ cứu bồ dùm.

    Nhớ lần đầu tiên tôi nhận một cái quẹt gas lạ hiệu Dunhill, cầm cái quẹt gas trên tay mà lòng nghĩ là "thua" rồi đó. Nhưng tôi cũng muốn thử nên nói thòng một câu với khách hàng cho chắc ăn:

    - Chà! Cái quẹt gas này phải cần một cái đầu van đặc biệt mới bơm vào được. Hiện tôi không có cái van đó ở đây. Để tôi thử mấy cái van kia xem sao nhé . Nếu bơm vào được thì tốt quá, còn lỡ như không có cái đầu van nào vừa với nó, thì anh chịu khó trở lại lấy sau được không?

    Khách nói:

    - Được rồi, anh cứ làm thử đi.

    Thế là tôi loay hoay thử hết tất cả mấy cái van mà tôi đang có, nhưng thử cái nào cũng không xong, gas cứ xì hết ra ngoài không chịu vào. Cuối cùng khách bằng lòng để cái quẹt gas và hẹn giờ sẽ trở lại lấy. Ngay sau khi khách vừa đi, tôi đóng "cửa hàng" lại và lấy xe đạp dọt liền. Tôi cứ đạp dọc theo con đường Lê Văn Sỹ qua khỏi cổng xe lửa số 6 một khoảng thấy có một anh chàng đang ngồi hành nghề bơm gas trước một thùng kiếng nhỏ. Anh này hình như cũng mới ra nghề vì trước đây đi ngang tôi không thấy. Tôi vào nhờ anh ta bơm gas cho hộp quẹt của tôi, giả vờ như mình cũng là một người khách. Ai dè anh chàng này nhận ra tôi liền:

    - Hình như anh cũng ngồi bơm gas ở góc Nguyễn Huỳnh Đức trước trường dạy may K.T. phải không? Tôi đi ngang qua mấy lần thấy anh ngồi đó?

    Hết còn đường nào chối, tôi nói ngay:

    - Đúng rồi! Tôi cũng mới ra làm không bao lâu. Anh làm ở đây khá không?

    - Cũng lai rai thôi. Tôi mới ra làm mấy bữa hà, còn sau anh nữa. Nghề bất dắc dĩ mà. – Anh ta cười thật hiền - Ủa sao anh lại mang nó tới cho tôi bơm gas vậy?

    Tôi cũng cười cầu tài:

    - Thật tình mà nói. Cái quẹt gas này của khách chứ không phải của tôi. Khách mang lại nhưng tôi không có cái van của nó, lỡ nhận rồi nên mang đến anh xem thử anh có thì giúp dùm.

    - Để tui coi coi. Anh làm trước tui mà bó tay thì chắc tui cũng không xong rồi. Thất nghiệp kiếm ăn khó quá, nên cũng sắm bậy mấy món này kiếm sống qua ngày, chứ ba cái đồ quỷ này mà nghề ngỗng gì.

    Cả hai đứa cười xòa. Anh chàng cũng sốt sắng tìm xem có cái đầu van nào có thể bơm gas vào cái quẹt đó được không, nhưng rốt cuộc cũng giống như tôi, anh không làm được. Tôi đành cám ơn anh và lại tiếp tục đạp xe đi tìm cứu tinh khác. Hẹn với khách 1 tiếng đồng hồ sau tới lấy mà giờ này còn kiếm "thầy" chữa bệnh chưa được thì đúng là kẹt thiệt. May quá, chạy tới phía trước đối diện chợ Trương Minh Giảng, tôi thấy có chổ bơm quẹt gas bên trong lòng vỉa hè. Mừng quá, tấp xe đạp vào ngay:

    - Em làm ơn bơm dùm cái quẹt gas này đi.

    Người ngồi chổ này là một thanh niên trẻ khoảng hơn 20 tuổi, gương mặt tái xanh dáng vẻ gầy guộc như người đang bệnh nặng.

    Cậu ta ngồi bệt dưới mặt đất trước một cái thùng kiếng nhỏ thấp lè tè, ngước lên nhìn tôi không nói năng gì chỉ lẳng lặng nhận cái quẹt gas trên tay tôi và bắt đầu mở một cái hộp nhỏ nơi cậu ta để những dụng cụ linh tinh cho công việc này rồi lấy ra mấy cái van nhỏ ngắm qua ngắm lại. Còn tôi thì nhìn chăm chăm vào những cử động của cậu ta không bỏ sót một chi tiết. Với con mắt "nhà nghề", sau khi ngắm nghía xong cậu ta chọn ra một đầu van ưng ý và bắt đầu cắm vào dưới đáy của cái quẹt gas mắc dịch đã làm khó tôi và bắt đầu bơm gas vào một cách nhẹ nhàng. Tôi cố tình quan sát xem cái van đó như thế nào để tìm cách học lóm nhưng nó nhỏ quá và bị khuất sau cái thùng kiếng nên tôi không thấy rõ hình thù nó ra sao. Xong xuôi cậu ta lấy một miếng giẻ lau lau cái quẹt gas và đưa trả lại cho tôi:

    - Anh cho xin 5 đồng.

    Tôi móc tiền ra trả mà lòng còn thấy tiếc vì rốt cuộc cũng chẳng biết cậu ta đã dùng cái van như thế nào để bơm gas dễ dàng như vậy. Mục đích đi kiếm thầy để học lóm, có gì lần sau tự mình làm chứ không lẽ mỗi lần gặp chuyện khó lại chạy lên đây hoài?? Tôi không dừng được nữa, nên khoá xe đạp sát vào bên trong rồi ngồi xuống kế bên cậu ta, đến lúc này tôi mới nhìn thấy hai chân của thanh niên trẻ này bị liệt và bị teo lại hết, vì thế anh ta mới phải ngồi bệt trên một cái ghế bằng gỗ sát mặt đất. Một thoáng xót xa cho anh ta và chút tự ái nổi lên trong lòng, nhưng rồi tôi cũng ngồi xuống:

    - Em có thể cho anh hỏi thăm được không?

    Chàng thanh niên trẻ ngạc nhiên nhìn tôi:

    - Có chuyện gì không anh?

    - Nói thiệt với em. Anh cũng mới ra nghề bơm quẹt gas này không lâu. Anh ngồi ở góc Nguyễn Huỳnh Đức, gần cổng xe lửa số 6. Anh không rành gì nghề này, chằng qua thời buổi khó khăn cũng phải ra kiếm sống qua ngày. Bữa nay khách đưa cho anh cái quẹt gas này mà anh không có đúng đầu van của nó nên bơm không được, cuối cùng phải chạy lên đây nhờ em "cứu bồ" dùm. Em có thể cho anh xem hồi nảy em dùng cái nào mà bơm vào dễ dàng vậy? Nếu em chỉ giúp thì anh cám ơn lắm.

    Chàng thanh niên ngước gương mặt tái xanh, bệnh hoạn của mình lên nhìn tôi:

    - Ủa vậy hả? Anh cũng làm nghề này hả? Sao hồi nảy anh không nói trước. Thôi em tính anh 3 đồng thôi. Coi như lấy lại tiền gas được rồi. Anh muốn hỏi coi cái đầu van hồi nảy hả? Đây nè, đồ quỷ này có gì đâu.

    Cậu ta vừa mĩm cười vừa lấy đưa tôi coi cái van nhỏ xíu hồi nảy đã dùng để bơm gas vào hộp quẹt, gương mặt vẫn không dấu được dáng mệt mỏi bệnh hoạn. Tôi hơi bối rối với sự khẳng khái của chàng thanh niên trẻ này:

    - Không sao đâu. Em cứ tính 5 đồng đi. Anh sẽ lấy lại tiền của khách mà. Em chỉ cho anh là tốt quá rồi.

    Cái đầu van nhỏ xíu mà cậu thanh niên đã nói :"Đồ quỷ này có gì đâu" thật tình mà nói trông cũng giống như những đầu van khác, nhưng điểm đặc biệt là nó được chế ra từ một mũi kim chích đã cắt đứt gần hết phần mũi kim chỉ còn chừa một đoạn ngắn ngủn và có chêm vào hai miếng "ron" cao su: một trong, một ngoài để bít kín không cho gas xì ra khi bơm gas vào quẹt. Chính cái "đồ quỷ" này đã làm khó tôi quá trời. Trong khi tôi vừa ngắm nghía cái van nhỏ xíu đó, tìm cách để chế một cái giống vậy sau này có mà sử dụng khi cần, thì cậu ta buột miệng:

    - Tướng của anh đâu giống làm nghề này?

    Tôi quay lại:

    - Chứ em nói tướng của anh thì làm nghề gì mới đúng? Đói thì đầu gối phải bò thôi em ơi.

    - Không! Ý em nói là tướng của anh không thích hợp làm nghề này. Nếu anh có phải làm thì cũng là tạm thời thôi. Thiếu gì chuyện ngon lành hơn mà anh phải làm chuyện này?

    Tôi cười:

    - Em nói còn hơn thầy bói nữa. Thôi em ơi! Có một chuyện làm kiếm sống qua ngày là may rồi. Mấy bữa trước, anh còn chạy lung tung không kiếm ra được cái gì làm kiếm tiền sống hết kìa. - Tôi trả lại cậu ta cái van - Cám ơn em nhiều nghe. Anh phải đi về đây, hẹn khách 1 tiếng mà nãy giờ đi coi bộ trể rồi.

    Nhìn theo tôi dắt xe đạp xuống lòng đường, cậu ta nói vói theo:

    - Mai mốt nếu kẹt thì anh cứ mang đến đây. Có gì em giúp cho nghe.

    Tôi cám ơn cậu ta lần nữa và đạp xe đi. Đầu óc cứ lãng vãng hoài hình ảnh anh chàng trẻ tuổi bệnh tật đó. Cậu ta đã bị liệt hai chân và trông bề ngoài có vẻ bệnh hoạn quá, vậy mà vẫn ngồi kiếm sống hàng ngày đã vậy còn là một người tốt bụng. Một cảm giác xấu hổ dâng lên trong lòng khi tôi nghĩ mình là người còn lành lặn tay chân, sức khoẻ đầy đủ, lại đi hỏi thăm và nhờ sự giúp đỡ của một người tật nguyền, kém may mắn hơn mình nhiều mặt. Tự nhủ trong bụng, thế nào cũng phải trở lại làm quen với anh chàng này.

    Mấy ngày sau tôi có dịp đi ngang qua khu chợ Trương Minh Giảng, ghé vào thăm cậu ta. Gặp tôi cậu nhớ ra ngay:

    - Anh đó hả? Hôm nay có gì không anh?

    - Không! Không có gì cả. Đi ngang qua đây nhớ tới em, nên ghé qua chơi thôi. Hôm nay em khỏe không?

    - Khỏe. Bữa nay anh không làm sao? - Cậu ta cười.

    Nhìn nụ cười của cậu, tôi thấy ái ngại lắm. Tuy cậu ta trả lời tôi là khoẻ, nhưng sắc mặt cũng vẫn không dấu được vẻ mệt mỏi. Tôi dựng xe đạp, ngồi xuống kế bên:

    - Hôm nay anh bận đi lo một vài công chuyện nhà, ngang qua đây ghé nói chuyện chơi với em chút rồi về làm.

    Tôi nhìn qua mấy hàng quán chung quanh và hỏi cậu:

    - Em uống cà phê hay nước gì không? Anh gọi luôn cho. Hôm nay để anh mời em coi như cám ơn em lần trước giúp anh.

    Cậu ta nhìn tôi, ánh mắt thật thân thiện:

    - Em không biết uống cà phê. Anh gọi cho em ly chanh muối là tốt rồi.

    Cậu cho biết tên là Hưng, mồ côi cha từ lúc còn nhỏ, ở với mẹ và mấy đứa em. Lúc nhỏ Hưng bị sốt xuất huyết, các bác sĩ bệnh viện Nhi Đồng cứu sống được mạng nhưng hai chân cậu bị liệt luôn, vì gia đình nghèo quá nên cậu ra ngồi bơm quẹt gas kiếm tiền phụ giúp cho mẹ. Tôi nghe chuyện kể mà thấy thương tâm vô cùng. Nhìn tướng bệnh hoạn, yếu đuối của cậu ta lẽ ra phải nằm ở nhà hoặc bệnh viện để được chăm sóc sức khoẻ, thuốc thang bổ dưỡng… vậy mà phải vất vả ra ngoài làm việc kiếm tiền phụ mẹ mỗi ngày. Đúng là thời buổi tận mạt, đi chỗ nào cũng gặp cảnh khó khăn. Thân phận của người dân trong nước đâu đâu cũng chịu những khổ ải khác nhau, nhưng tựu trung cũng chỉ vì hai bữa ăn… tôi cũng không khỏi cảm khái khi nghĩ lại thân phận của chính mình, tay chân lành lặn còn không kiếm nổi sinh kế để bảo bọc gia đình nói chi tới chuyện gì khác. Ngồi nói chuyện chơi với Hưng một lúc rồi về, từ đó thỉnh thoảng có việc đi ngang qua chỗ cậu ta làm, nếu không bận việc gì tôi đều ghé vào thăm cậu ta.

    Từ khi tôi ngồi phía trước nhà bơm quẹt gas, nơi này bỗng trở thành một điểm dừng chân nghỉ ngơi của mấy thằng bạn đang hàng ngày chạy đôn chạy đáo tứ phương làm những nghề mà trước đây chẳng có đứa nào rành cả. Thằng thì đạp xích lô, đứa đẩy xe trái cây đi bán dạo… có thằng kiếm được chân chạy mối thuốc tây "chui" thì đã được đám mạt rệp như tôi coi là ngon lành rồi… hoặc có thằng "nhàn" hơn nữa thì làm tài xế không công cho vợ đi buôn bán mỗi ngày…. nói chung đứa nào đứa nấy bỗng chốc nhìn lại mình thấy không giống ai cả. Mỗi ngày sau khi chạy kiếm ăn khắp nơi, chiều về mấy đứa bạn thường hay ghé vào tán dóc với tôi một lúc. Nhờ thế tuy chỉ ngồi một chỗ, nhưng tin tức của những thằng bạn khác tôi đều được "cập nhật" đều đặn.

    Ngồi ở nơi đây tôi cũng dần dần quen thuộc những thời khoá biểu của những người quen trong xóm hoặc những sinh hoạt chung quanh. Buổi sáng khi tôi kéo cái tủ kiếng nhỏ đựng đồ hành nghề của tôi ra bên ngoài thì gần như cùng một lúc tiệm sửa xe gắn máy của thằng Thọ ở kế bên cũng lục đục mở cửa chuẩn bị cho một ngày làm mới. Cũng vào lúc đó hai ba người đàn bà ở xóm trong ra đứng chờ xe của hãng dệt quốc doanh đến chở đi làm. Quán cà phê ông Năm bên kia đường mặc dù mở cửa từ sáng sớm, nhưng hình như phải đợi đến lúc tôi kéo cái tủ kiếng ra bên ngoài thì dân đi làm hoặc dân chạy mánh mung mới bắt đầu vào uống cà phê đông dần lên… Mấy ngôi nhà trước mặt tiền bên góc đường cũng bắt đầu mở cửa bày ra tiệm hớt tóc, tiệm sinh tố… và sinh hoạt cho một ngày mới bắt đầu ở khu Nguyễn Huỳnh Đức, Lê Văn Sỹ này. Riết rồi trở thành một thói quen, ngày nào hàng quán của ai không bày ra là biết ngày đó ở nhà người đó có chuyện gì xảy ra rồi…

    Bữa nay mới sáng sớm đã bị trận mưa lớn, vậy mà những sinh hoạt chung quanh vẫn cứ lập lại y như mọi ngày. Tiệm sửa xe gắn máy của thằng Thọ kế bên, quán cà phê ông Năm… và ngay cả mấy người đàn bà ở xóm trong ra đứng đợi xe tới chở đi làm… và ngay cả tôi nữa… Tất cả đều theo đúng thời khóa biểu sinh hoạt hằng ngày. Mọi người đều phải tất bật để lo cho cuộc sống áo cơm khó khăn của mình nên cho dù mưa dầm hay nắng hạn ai nấy đều cố gắng theo đúng thời khóa biểu sinh hoạt này, không ai muốn làm trật.

    Ngồi co ro trên chiếc ghế đẩu sau chiếc tủ kính nhỏ bé, vừa núp mưa vừa suy nghĩ miên man tôi không khỏi bật cười khi nhớ tới Hưng, cậu thanh niên tật nguyền và là "sư phụ" của tôi trong nghề bơm quẹt gas lúc trước đã phán cho tôi một câu: "Tướng anh đâu giống làm nghề này?" . Tôi nhủ thầm trong bụng: " Bữa nay mưa như vậy chắc nó cũng đang ngồi ngáp ruồi trên đó rồi. Mẹ kiếp! Em và anh có thằng nào có tướng trông giống làm nghề bơm quẹt gas này đâu! Tướng không giống mà rốt cuộc cũng làm được mới là hay chứ, phải không Hưng?"


    Vĩnh Khanh
    Phố Đá Tròn, cuối năm 2006


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X