Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Hồi ký TÔI TÌM TỰ DO - Nguyễn Hữu Chí ( Hữu Nguyên )

Collapse
X

Hồi ký TÔI TÌM TỰ DO - Nguyễn Hữu Chí ( Hữu Nguyên )

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • #76
    Hồi ký TÔI ĐI TÌM TỰ DO (Nguyễn Hữu Chí)

    Hữu Nguyễn


    KỲ 75

    Trên chặng đường từ Quảng Trị đi Huế dài hơn 60 cây số, chị Ba và mấy người khách trên những hàng ghế đầu, đều vui vẻ trò chuyện với tên Vân công an, cho y đủ thứ đồ ăn, thức uống, thuốc lá,… nên bầu không khí căng thẳng trong xe lúc đầu đã biến mất lúc nào không hay. Mọi người trong xe cũng thôi không kể những câu chuyện châm biếm, chọc ghẹo bộ đội, nên cả hai tên công an cũng không còn ngượng ngùng, lúng túng như trước. Trong bầu không khí “thân mật” như vậy, chúng tôi cũng trò chuyện vui vẻ với tên Vân, nên sự nghi kỵ thù nghịch cũng giảm đi rất nhiều. Tôi vui mừng và hy vọng, với chiều hướng tốt đẹp như vậy, tôi sẽ thuyết phục được tên Vân cởi còng cho chúng tôi một khi đến Huế.

    Huế là thành phố có vẻ đẹp rất quyến rũ qua những đường nét cổ kính. Nhất là vào mùa mưa, với những trận mưa phùn, đường phố thấp thoáng người qua lại, tạo cho thành phố vẻ đẹp trầm buồn, khiến lòng người, dù già hay trẻ, lúc nào cũng phảng phất bâng khuâng mà không hiểu vì đâu. Từ khi đặt chân đến Miền Nam, tôi được đến Huế đôi ba lần, nhưng lần nào cũng vội vã, chẳng nhớ rõ đường phố, quang cảnh của thành phố, vậy mà mỗi khi đọc thấy ở đâu hay nghe ai nhắc đến Huế, là tôi thấy lòng xao xuyến và hình ảnh Huế lại hiện về thật rõ trong tâm trí…

    Khi xe tiến vô thành phố Huế, tên công an ngồi ở trên quay sang phía tài xế nói gì, tôi nghe không rõ, chỉ thấy người tài xế gật gật đầu. Khoảng mươi phút sau, xe chạy chậm dần rồi dừng lại tại một góc đường. Tên công an ngồi phía trước đứng dậy, quay xuống gật đầu với tên Vân. Tên Vân đứng dậy, quay sang phía chúng tôi, nói giọng vui vẻ:

    – Rồi, bây giờ chúng ta xuống xe chớ.

    Cả ba chúng tôi vội vàng đứng dậy. Trong lòng tôi phập phồng lo âu, vì tôi biết, trong khoảng thời gian ngắn ngủi trước mắt, mọi chuyện sinh tử của tôi sẽ được quyết định.

    Ngay lúc ấy, chị Ba cũng đứng dậy, cầm cây thuốc lá trao cho tên Vân và nói:

    – Chị cho hai chú cây thuốc…

    Tên Vân lúng túng đẩy ra:

    – Úi trời, sao chị tốt với tụi tôi thế chớ…

    Chị Ba lại dúi cây thuốc vào tay tên Vân, nói giọng ngọt ngào thân mật:

    – Chú này sao mà khách sáo thế. Chị cho thì cứ cầm lấy…

    Tên Vân quay nhìn tên công an kia. Tên này gật đầu. Tên Vân liền cầm cây thuốc đút vô ba lô, rồi vui vẻ nói, vẻ khiêm tốn:

    – Vâng chị cho thì chúng em xin chớ. Chúng em cảm ơn chị.

    Chờ tên Vân đút cây thuốc vào ba lô xong, chị Ba nói tiếp, giọng nhỏ nhẹ, khuyên bảo:

    – Chị cũng cảm ơn hai chú đã nghe lời chị, cởi trói cho mấy người này. Thôi thì các chú đã làm phúc, mình không hưởng thì con cháu các chú cũng được hưởng. Còn cái còng tay, nếu hai chú nể lời chị, thì tháo còng cho họ. Coi mặt mũi mấy người này cũng thật thà. Họ chỉ dại dột phạm tội vượt biên chứ đâu có phải cướp của giết người gì, phải không hai chú? Dong người ta đi giữa phố phường, thanh thiên bạch nhật này mà còng tay họ như vậy thì còn gì là uy tín của cách mạng…

    Tên Vân ngần ngừ:

    – Chị khuyên, thì tụi này cũng muốn nghe. Nhưng…

    Chị Ba vội đỡ lời:

    – Vì coi hai chú như em, nên chị khuyên vậy thôi, hai chú nghe thì chị mừng, còn không thì chị cũng chẳng giận. Bây giờ chị có mấy gói thuốc và ít tiền muốn cho mấy người này, có được không chú?

    Tên Vân quay sang nhìn tên công an kia. Tên kia không nói, không gật cũng không lắc. Y thản nhiên nhảy xuống xe. Tên Vân nhìn chị Ba gật đầu:

    – Thuốc thì chị cho họ được, còn tiền… thì không.

    Chị Ba vội vàng dúi vào túi áo ngực của tôi và T, mỗi người một gói thuốc lá. Tôi nhìn chị, xúc động, nói vội:

    – Cảm ơn chị… Chị tốt quá.

    Sau đó, chúng tôi lần lượt lưu luyến chào chị rồi bước xuống xe. Tên Vân bước xuống sau cùng. Xe từ từ chuyển bánh. Mấy người trên xe thò đầu, thò tay ra vẫy. Tôi và T tay bị còng nên đứng yên nhìn theo trong niềm xúc động. Còn H vì hai tay không bị còng, nên dơ tay vẫy theo. Hai tên công an cũng nhìn nhau, rồi không ai bảo ai cũng dơ tay vẫy lấy vẫy để…

    Khi chiếc xe khuất bóng, tên Vân quay sang thì thầm với tên công an kia, rồi bảo chúng tôi:

    – Bây giờ các anh giữ gìn trật tự và kỷ luật đi theo chúng tôi thì chúng tôi sẽ không trói các anh nữa…

    Thấy y có vẻ dễ dãi, tôi vội nói, giọng lễ phép:

    – Thưa cán bộ, cán bộ còng tay chúng tôi như thế này mà bắt chúng tôi đeo ba lô, đi bộ giữa phố thì kỳ lắm, ảnh hưởng đến uy tín cách mạng…

    Tên Vân im lặng. Tên công an kia sẵng giọng:

    – Sao mà kỳ? Xưa nay, dong tù đến lao Thừa Phủ này, ai cũng phải còng tay như vậy hết. Các anh đừng có bướng. Tưởng tháo được dây trói rồi leo thang làm tới có phải không? Thôi đi, không có nói lôi thôi gì nữa.

    Nói xong, y quay lưng đi đầu. Tiếp theo là T, H và tôi. Tên Vân đi sau cùng. Tôi không biết đường tôi đi là con đường nào, và bao lâu thì sẽ tới lao Thừa Phủ, nên tôi cũng không biết khi nào, ở đâu, tôi có thể chạy trốn tốt nhất. Biết rằng, chạy trốn giữa ban ngày, ở giữa thành phố Huế, với hai tên công an có vũ khí đang canh chừng là một hành động phiêu lưu, đầy nguy hiểm. Nhưng tôi đâu còn có cách nào hơn. Nguy hiểm hơn nữa, tôi thấy trên đường phố lác đác có những tên công an áo vàng, bộ đội đi lại. Như vậy, dù tôi có chạy thoát khỏi tay hai tên công an áo vàng đang dong giải, tôi vẫn có nguy cơ bị bắt. Khó khăn hơn, với hai tay ở phía trước bị còng trong chiếc còng số 8 và chiếc ba lô đeo sau lưng, dây ba lô thì choàng qua cổ, làm sao tôi có thể chạy?

    Đi được khoảng mấy trăm thước, sau một thoáng suy nghĩ, tôi quyết định làm bài liều. Tôi vội nhịn thở, rồi phình hơi trong bụng và trong ngực thật căng, cho hơi nóng và máu dồn lên mặt. Đếm thầm trong óc được khoảng một phút, thấy đầu choáng váng, mắt hoa, tôi liền giả vờ bước loạng choạng, rồi khuỵu chân, kêu lên một tiếng thất thanh trước khi té rụi bên lề đường….

    Thấy vậy, tên Vân vội bước tới, lay lay vai tôi. Tôi hé mắt, miệng thều thào:

    – Cán bộ… tôi không… thở được.

    Nhìn thấy mặt mũi, cổ của tôi đỏ bừng, trong khi dây ba lô thít chặt lấy cổ của tôi, tên Vân vội vàng gỡ chiếc ba lô ra khỏi cổ. Tôi nằm vật ra đường, miệng mũi thở hổn hển một hồi rồi nói, giọng thảm thiết:

    – Cán bộ làm ơn tháo còng tay để tôi đeo ba lô, chớ còng tay tôi rồi bắt tôi đeo ba lô bằng cổ thì làm sao tôi thở nổi.

    Tên Vân cáu kỉnh:

    – Bao nhiêu người đeo ba lô bằng cổ đâu có sao. Đó, anh T kia cũng đeo ba lô bằng cổ như anh, đâu có thấy gì…

    Đã liều thì ba bẩy cũng liều. Tôi thều thào bịa:

    – Tôi bị bệnh… tim.

    Tên Vân trợn mắt:

    – Anh bị bệnh tim? Sao ở trại anh không khai báo?

    Tôi giả vờ nói như người sắp chết:

    – Cán bộ biết… tôi mà. Tôi đâu… dám nói dối…

    Lúc đó, tên công an kia bước tới hỏi tên Vân. Tên Vân nói gì đó một hồi. Bước lại phía tôi nằm, tên kia đá nhẹ vào hông rồi bảo, giọng gay gắt:

    – Tôi cho anh đúng 10 giây, anh phải đứng dậy đi ngay.

    Tôi giả vờ hoảng hốt, vội vã bò dậy, nhưng miệng vẫn mếu máo:

    – Thưa cán bộ, tôi mệt quá, tôi không thở được…. Tôi chết mất…

    Tên Vân thở dài, giọng thương hại:

    – Thôi được, anh để tôi mang ba lô cho anh.

    Nghe y nói vậy tôi chết điếng. Y mang ba lô hộ tôi thì tôi chẳng còn lý do gì để đòi y tháo còng. Tuy bế tắc như vậy, nhưng tôi vẫn phải giả vờ vui mừng và biết ơn:

    – Cảm ơn cán bộ.

    Sau đó, chúng tôi tiếp tục lên đường với đội hình như cũ. Chỉ khác là lần này, tôi không phải đeo ba lô, còn tên Vân thì phải đeo cả chiếc ba lô của y và chiếc ba lô của tôi. Tuy ba lô của tôi không nặng nề lắm, nhưng đeo 2 chiếc ba lô, đi bộ trên đường phố giữa trời nắng chang chang, cũng khiến y vất vả, mệt mỏi… Vì vậy, giữa lúc tôi đang lo lắng, băn khoăn quan sát đường xá tính kế liều mạng thoát thân, bỗng dưng tên Vân quát to:

    – Anh Chí đứng lại!

    Tôi giật mình, vội đứng khựng, trong lòng lo ngại. Tên công an đi đầu và H, T đang đi nghe quát cũng dừng bước, quay lại nhìn. Tên Vân vứt phịch cả hai chiếc ba lô xuống đường, rồi lôi chùm chìa khóa đeo ở thắt lưng. Chẳng nói chẳng rằng, y bước tới trước mặt tôi, tra chìa khóa vào chiếc còng số 8 tôi đang đeo, loay hoay mở…

    Thấy vậy, tên công an kia vội hét lên:

    – Ê Vân, mày làm gì vậy?

    Tên Vân không thèm trả lời, tiếp tục mở còng cho tôi. Tên công an kia bước tới:

    – Mày điên rồi à? Tháo còng cho nó, lỡ nó trốn thì sao?

    Tên Vân thản nhiên:

    – Nó trốn tao chịu!

    – Bộ tao không chịu sao?

    Tên Vân vỗ vỗ tay vô khẩu súng ngắn đeo ở hông:

    – Long, mày biết tài bắn súng của tao mà.

    Thì ra tên công an đi cùng với tên Vân là Long. Mãi đến lúc này nghe Vân nói, tôi mới biết. Tên Long lại hét lên:

    – Ai chả biết mày bắn giỏi. Nhưng tháo còng cho nó để nói chạy, dù mày có bắn chết nó thì cả mày lẫn tao cũng vẫn bị tù.

    Tên Vân phớt lờ lời nói của tên Long. Y lạnh lùng nhét chiếc còng số 8 vô đằng sau lưng, ném trả tôi chiếc ba lô, rồi quá cụt lủn: “Đi!”

    Được cởi còng, tôi mừng quá, muốn thét lên. Nhưng ngoài mặt, vẫn ra vẻ mệt mỏi, tôi chậm rãi khoác ba lô lên vai, thở dài đứng dậy, bước đi uể oải. T và H nhìn tôi, ánh mắt chứa đầy ngụ ý và sự gửi gắm, rồi bước theo. Tôi biết, trong ánh mắt đó, cả T và H đều cầu mong cho tôi may mắn thoát nạn.

    Tên Long thấy vậy đành thở dài bất lực, bước nhanh về phía trước. Như vậy là đội hình của chúng tôi bây giờ thay đổi, Long đi đầu, rồi đến tôi, H, T, và tên Vân đi sau cùng.

    Thái độ ngang ngạnh của tên Vân không ngờ đã giúp tôi vượt qua được một chướng ngại vô cùng to lớn trên đường tẩu thoát:Chiếc còng tay! Nhưng tôi biết, khi bỗng dưng có quyết định tháo còng cho tôi, tên Vân đã ít nhiều bị lời khuyên của chị Ba ảnh hưởng, cùng lòng trắc ẩn mà y đã bị chị Bà và những người trên xe cảm hoá.

    Thêm vào đó, thấy thái độ ngoan ngoãn đến ngốc nghếch của tôi, tên Vân cũng chủ quan tin tưởng, tôi sẽ không khi nào dám trốn chạy.

    Bây giờ thảnh thơi, tay không bị còng, bị trói, tôi thấy thoải mái và tự tin vô cùng. Nhìn lại tất cả những gì đã xảy ra từ sáng sớm đến giờ, tôi thấy mình thật may mắn. Hình ảnh của chị Ba lại xuất hiện trong tâm trí, với nụ cười phúc hậu, ánh mắt khuyến khích, khiến tôi thêm tự tin. Tôi hỏi tên Long công an:

    – Thưa cán bộ, mình sắp đến nơi chưa?

    Tên Long trả lời cụt ngủn:

    – Sắp!

    Tôi nhìn về phía trước, không thấy bất cứ dấu hiệu gì cho thấy có một lao khám. Tôi nhớ khi còn ở trại giam Đông Hà, ông HK đã nói cho tôi biết, lao Thừa Phủ là một tòa nhà hình bác giác, do Nhật xây nên rất lớn, ở xa đã trông thấy. Thận trọng và kín đáo quan sát dọc con đường, tôi không thấy một con hẻm. Như vậy rất khó cho tôi chạy trốn. Với hai tên công an đều có súng, và nhất là khả năng thiện xạ bắn trúng cả sóc khi đang chạy của tên Vân, tôi biết, nếu chạy trốn, tôi sẽ chín phần chết, một phần sống. Vì vậy, tôi chỉ hy vọng vào hai yếu tố, thứ nhất là bất ngờ và thứ hai là ngay khi chạy, tôi phải lao ngay vào một con hẻm. Khả năng bất ngờ chạy vào nhà dân, rồi được dân cưu mang, giúp đỡ giống như ngày nào ở Phú Nhuận là điều rất khó…

    Chúng tôi đi như vậy được khoảng 15 phút, thì tới một ngã ba. Nhìn sang bên trái, tôi thấy cách ngã ba không xa có một con hẻm bên tay trái. Tôi bồn chồn, tính chạy, nhưng thấy vị trí của mình ở phía trước cả T, H và tên Vân, nếu chạy, tôi sẽ bị tên Vân chặn lại ngay. Đang dùng dằng chưa biết tính sao thì bỗng nhiên tên Long quẹo vô tay phải. Bước theo tên Long, tôi thấy một con đường lớn, thẳng tắp hiện ra trước mắt. Tên Long dơ tay chỉ thẳng về phía trước và nói:

    – Lao Thừa Phủ đó!….

    Tôi giật mình nhìn. Quả nhiên ở phía cuối đường, cách khoảng vài trăm thước, tôi thấy hai cánh cổng lớn của nhà giam. Hai bên đường, lác đác có nhiều bóng công an, bộ đội đi lại. Và ngay phía bên phải có một quán nước. Chợt nghĩ ra một kế, tôi vội vàng dừng bước, tay ôm bụng, quặn gập người rồi ho lấy ho để. T, H và tên Vân thấy vậy liền đứng lại. Long quay lại nhìn tôi, gằn giọng:

    – Anh này lại muốn dở quẻ phải không?

    Tôi vẫn tiếp tục ho. Long quát to:

    – Anh có đi không thì bảo?!

    Tôi thều thào:

    – Cán bộ cho tôi uống chút nước. Tôi rát cổ quá…

    Long bực tức, văng tục:

    – Mẹ… Ăn uống gì ở đây? Đi cố lên, vào trong “đó” thì uống! Sắp đến nơi rồi còn gì.

    Tôi liều mạng, vứt ngay chiếc ba lô xuống đất, tiếp tục gập người lại mà ho. Tên Vân có vẻ thương hại, đứng nhìn tôi một lúc rồi nói với tên Long:

    – Thôi cho họ ghé vô quán uống nước đi…

    Tên Long quát giọng dứt khoát:

    – Mẹ… không ăn uống gì ở đây hết. Giao tù rồi, tao còn phải đi…

    Tên Vân bỗng dưng cũng trở nên ương bướng không kém. Y gằn giọng:

    – Mẹ… máy đi đâu cứ đi. Tao bảo cho chúng nó vô quán uống nước là vô uống, nghe chưa!

    Tên Long gầm lên:

    – Mẹ… thằng “Nùng con”. Mày muốn chơi cha tao hả?!

    Vân chưa kịp trả lời thì ngay lúc đó, từ bên kia đường có tiếng gọi lớn:

    – Ê, Long, Long!…

    Long quay lại, rồi reo to:

    – X (tôi không nhớ tên) phải không? Sao mày lại ở đây?

    Nói chưa dứt câu, Long chạy băng qua bên kia đường. Hai tên Long và X ôm chầm lấy nhau rồi nhảy tưng tưng, rất vui vẻ. Sau đó, Long quay về phía chúng tôi nói lớn với Vân:

    – Vân, mày cho họ vô quán uống nước. Tao nói chuyện với bạn tao một lúc rồi đi…

    Vân gật đầu không nói gì, chỉ vẫy tay ra hiệu cho chúng tôi ghé vô quán nước ngay bên đường. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Thật đúng là ơn trên phù hộ, tôi không những được ghé vô quán uống nước, mà còn may mắn đẩy được tên Long công an…. cách xa tôi hơn hai chục thước. Bây giờ chỉ còn có tên Vân, tôi sẽ bất ngờ loại bỏ hắn trước khi chạy trốn. Điều này đối với tôi không khó. Tôi biết, thông thường, những quán nước ở Huế đều bán nước trà xanh. Tôi tính, khi vô quán uống nước, tôi sẽ gọi mấy chén nước trà xanh nóng bỏng. Sau đó, tôi giả vờ lễ phép, bưng một chén cho tên Vân, rồi xuất kỳ bất ý, hắt chén trà nóng vô mặt y, trước khi tôi bỏ chạy….

    còn tiếp

    Comment


    • #77
      TÔI ĐI TÌM TỰ DO (Nguyễn Hữu Chí)

      Hữu Nguyên


      KỲ 76

      Tôi tin tưởng, với chiều cao thước bảy, đôi giầy Bata thể thao, cùng sự bất ngờ và quyết tâm chạy trốn bằng mọi giá, tôi sẽ bỏ xa tên Vân công an, chỉ cao khoảng thước rưỡi, lại đi đôi dép nhựa Hải Phòng. Tin như vậy nhưng điều khiến tôi lo ngại nhất là tài bắn súng của Vân. Nhưng tôi hy vọng, trước khi tên Vân kịp rút súng, tôi đã kịp quẹo phải ở ngã ba. Đến khi y có thể nhắm bắn tôi thì tôi đã bỏ hắn một quãng đủ xa vài chục thước, rồi tôi sẽ quẹo trái vô con hẻm tôi vừa trông thấy lúc trước. Tôi không biết, con hẻm đó dài ngắn như thế nào, có an toàn cho tôi không, nhưng một khi đã quẹo vô đó, tôi sẽ nhào vô bất kỳ nhà ai ở ngay đầu hẻm để ẩn nấp. Và nếu thuận lợi, tôi sẽ trốn ngay sang những nhà hàng xóm kế cận…

      Để thuận tiện cho việc trốn chạy, việc đầu tiên phải làm là vứt ngay chiếc ba lô trên vai xuống, rồi kéo vạt áo lau mồ hôi, tôi kín đáo quan sát. Lúc đó, tên Vân đứng nhìn sang bên kia đường, nơi tên Long đang tán gẫu với bạn. Thái độ của tên Vân rất thờ ơ, không mảy may quan tâm đến chúng tôi.

      Tôi hỏi Vân:

      – Thưa cán bộ đưa tiền để tôi mua nước uống.

      Tên Vân móc túi lấy tiền đưa cho tôi. Nét mặt của y vẫn dửng dưng, không chút đề phòng. Tôi kín đáo nhìn, thấy bao súng ngắn của y vẫn đóng kín, cài nút. Như vậy, khi tôi chạy, nếu y có rút súng bắn, cũng phải chậm mất vài giây. Vài giây tuy ngắn ngủi, nhưng trong lúc thập phần nguy hiểm, chúng có thể cứu tôi thoát chết trong đường tơ kẽ tóc.

      Tôi bước vô quán nước. Quán vắng không có một ai. Chủ quán là một thiếu phụ tuổi ngoài 40, nét mặt phúc hậu, có mái tóc đen, dầy, quấn thành lọn sau gáy, và cặp mắt đen láy, dưới cặp lông mày cong tuyệt đẹp. Trên chiếc bàn bằng gỗ cao khoảng nửa thước có mấy nải chuối, ít trái cây, mấy lọ thuỷ tinh đựng các loại bánh kẹo, thuốc lá…. Phía góc bàn có mấy chén nước trà xanh rót sẵn, để nguội. Quanh bàn có hai chiếc ghế dài, bằng gỗ và mấy chiếc ghế nhỏ, đóng ghép sơ sài.

      Tôi chào chị và nói:

      – Chị cho tôi hai chén nước trà nóng…

      Chị chủ quán nhìn tôi, ánh mắt tò mò, rồi đưa tay chỉ mấy chén nước trà rót sẵn và nói, giọng thản nhiên:

      – Có nước trà rót sẵn để nguội, chú uống cho mát. Uống trà nóng làm gì mất công chờ…

      Tôi mỉm cười nói:

      – Cảm ơn chị, xin chị chén trà nguội uống cho mát. Nhưng chị cứ cho tôi xin hai chén trà THIỆT NÓNG đi.

      Nói xong, tôi đưa tiền cho chị, rồi cầm chén nước trà rót sẵn để nguội, uống một hơi khoan khoái. Chị nhìn tôi, mắt mở to có vẻ ngạc nhiên, khó hiểu nhưng không nói gì. Chị lặng lẽ lấy hai cái chén lật ngửa để trên bàn, rồi rót đầy nước trà nóng hổi. Nhìn mấy chén nước trà nóng, khói bốc nghi ngút, không hiểu sao lúc đó tôi vừa mừng lại vừa ngại ngùng. Mừng vì tôi nghĩ, với nước trà nóng hổi như vậy mà hắt vào mặt tên Vân, chắc chắn tên Vân sẽ tối tăm mặt mũi, và phải mất vài phút đồng hồ y mới có thể mở được mắt mà đối phó. Khi đó, tôi đã cao chạy xa bay, và y sẽ vô phương tìm kiếm. Nhưng nhìn chén nước trà nóng hổi như vậy tôi cũng ngại ngùng, không muốn hắt ly nước trà nóng vô mặt Vân. Dù sao, trên suốt chặng đường từ Đông Hà về Huế, y cũng đã giúp đỡ chúng tôi, và tỏ ra khá dễ dàng đối với tôi…

      Trong tâm trạng bối rối, giằng co như vậy, tôi lặng lẽ hai tay bưng hai chén nước trà nóng hổi bước chậm rãi về phía tên Vân. Lúc đó, Vân lưng vẫn đeo ba lông, đứng nhìn về phía Long ở bên kia đường. Bước đến sát Vân, tôi lễ phép:

      – Mời cán bộ uống nước.

      Vân không thèm nhìn tôi, trả lời cộc lốc:

      – Tôi không uống.

      Tôi hít một hơi thở thật sâu, hai ta dâng cao hai chén nước trà nóng, tính hắt cả hai vô mặt Vân, nhưng rồi tôi lại do dự, không nỡ…. Ngay lúc ấy, bỗng nhiên tên Vân hình như linh cảm thấy điều gì không ổn, y quay phắt lại nhìn tôi, cặp mắt mở lớn… Lúc đó, cặp mắt của y chỉ cách hai chén nước trà nóng tôi đang cầm trong tay có hơn gang tay…. Tôi hoảng hốt, bối rối… và trong một phần mười của tích tắc đồng hồ phân vân và do dự, chẳng hiểu sao, tôi vội thả rơi hai chén nước trà nóng xuống đất rồi quay đầu bỏ chạy thục mạng…

      Cả người tôi lúc đó vọt thẳng về phía trước bằng tất cả sức mạnh trong người, giống như một mũi tên vừa rời khỏi cánh cung. Đôi giầy Bata thể thao được ông HK buộc giây chặt chẽ, kỹ lưỡng, như dính chặt lấy chân, nên tôi chạy thật ngon lành, chân không bén đất… Phải đến mấy giây đồng hồ sau, tôi mới nghe thấy tiếng hô ú ớ của tên Vân:

      – Đứ… ứ… ứng lạ… ại!

      Thì ra, tên Vân lúc đó phần hoảng hốt, phần y là người miền núi, nói tiếng Việt không sõi khi bất ngờ, nên lúng túng, hô không rõ tiếng. Nhưng tên Vân chỉ lúng túng khi nói. Trái lại, khi hành động, y đã làm nhanh hơn tôi tưởng. Tôi cứ nghĩ tôi sẽ kịp quẹo vô ngã ba trước khi y kịp rút súng bắn. Không ngờ, ngay sau tiếng hô ấp úng, “Đứng lại!” tôi đã nghe ba tiếng súng “Đoàng! Đoàng! Đoàng!” vang lên trong không gian. Kèm theo tiếng súng là tiếng rú nghẹn ngào của H, cháu gái tôi! Từ đó cho đến nay, đã gần 30 năm trôi qua, nhưng mỗi khi nhớ lại tiếng rú của H vào buổi chiều hôm đó, tôi vẫn có cảm tưởng như H đang rú lên khi bị ai bóp cổ!…

      Không biết lúc đó, Vân bắn chỉ thiên hay nhắm bắn tôi, nhưng tôi thấy mình không hề bị trúng đạn, cũng không hề nghe thấy tiếng đạn xé gió. Có lẽ khi rút súng bắn, tên Vân đã không bắn tôi vì y nghĩ đến “ông cậu Nguyễn Hữu X trưởng ty công an nhân dân tỉnh Quảng Trị” mà tôi đã bịa đặt, hoặc y nghĩ tôi còn con nít, hoặc y nghĩ đến hai chén nước trà nóng tôi đã không tạt vô mặt y. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không biết lý do nào đúng, chỉ biết lúc đó, ngay khi nghe tiếng súng, tôi vội vàng chạy theo chữ chi để tránh đạn…

      Ba tiếng súng vừa dứt, tôi cũng nghe nhiều tiếng la hét nổi lên ở phía sau. Tuy không biết những ai la hét, tôi biết chắc đó là những người đang đuổi theo săn bắt tôi. Nghe tiếng súng nổ, tiếng la hét, những người đi hai bên đường đều vội vàng tìm chỗ ẩn nấp, né tránh. Nhờ vậy, tôi chạy càng dễ dàng. Dù không ngoái nhìn lại phía sau, chỉ nghe tiếng chân chạy, tiếng la hét, tôi biết, tên Vân, Long và có thể vài tên công an khác đang đuổi tôi phía sau.

      Sự việc lúc đó nói thì lâu, nhưng xảy ra nhanh chóng vô cùng. Trong chớp mắt, tôi đã lao đến ngã ba có con đường bên tay trái. Tôi vội quẹo vô, và trong một tích tắc ngắn ngủi, tôi vội nhìn về phía bên trái thì thấy tên Long chỉ còn cách tôi khoảng 50 thước, tay vung vẩy khẩu súng. Phía sau là Vân và một tên công an áo vàng khác, có lẽ là bạn của Long. Ngay lúc đó, hai tiếng súng vang lên. Lần này, tôi nghe tiếng đạn xé gió bên tai. Tôi biết, tên Long đã bắn tôi! May mắn, tôi không trúng đạn, và may mắn hơn, tôi cũng đã lọt vô bên trong một con hẻm… Tôi biết, với khoảng cách 50 mét ngắn ngủi, tên Long sẽ theo sát tôi trong tích tắc, và khi đó tôi sẽ vô phương tháo chạy. Vì vậy, bằng mọi cách, lọt vô con hẻm rồi, tôi phải tìm cách biến khỏi con hẻm, trước khi tên Long quẹo vô.

      Hiểu như vậy, nên mới chạy được khoảng chục thước, trông thấy ngay bên trái có cái ngõ đầu tiên dẫn vô một nhà dân, lập tức tôi quẹo vô, chạy thẳng vô trong. Nhìn thoáng qua tôi không thấy một chỗ ẩn nấp. Căn nhà chạy ngang, có nhiều cửa, nhưng đều đóng im ỉm. Tôi không biết những cánh cửa đó có khoá không, nhưng trong lúc này, chạy đến gõ cửa, chờ cửa mở là điều vô cùng nguy hiểm. Đó là chưa kể, chủ nhà từ chối không chứa chấp, hoặc hô hoán lên, thì càng nguy hiểm. Vì vậy, khi thấy trước mặt có căn nhà tựa nhà kho, hai cánh cửa nửa khép nửa mở, tôi vội đẩy cửa, bước vô. Thì ra đó là một căn bếp, tro tàn nguội lạnh, không có một ai. Bếp lợp ngói, ba phía là tường cao kín mít, ngoại trừ vài lỗ thông hơi nhỏ, lối vô duy nhất vô bếp là hai cánh cửa bằng gỗ đã mục nát ở phía trước mà tôi vừa bước qua.

      Tôi thở hổn hển, vội vàng khép cánh cửa lại, nhưng không dám cài then vì sợ động. Lúc đó tôi rất kinh hoàng, vì không ngờ mình lại chạy vào ngõ cụt. Nếu tên Long, tên Vân nhìn vô cái ngõ này, lập tức chúng sẽ phát hiện ra ngay căn bếp khép hờ. Khi đó chúng bước vô và tôi sẽ hết đường chạy trốn… Nghĩ đến đó, tôi run bắn cả người…

      Nhìn quanh, thấy trong bếp bên cạnh đống soong chảo, nồi niêu, và ít củi để cạnh đám rơm rạ, có một thanh sắt dẹt, dài khoảng sải tay, chiều ngang 5 phân, dầy khoảng hơn phân, dùng để cời bếp. Mừng quá, tôi vội chộp lấy thanh sắt, rồi vừa thở hổn hển, vừa đứng thủ thế ngay cạnh cánh cửa bếp. Trong hoàn cảnh lúc đó, tôi thấy mình chỉ còn có một con đường là liều mạng chống cự để sống còn. Nếu tên Long, tên Vân hay bất cứ tên công an, bộ đội nào đẩy cánh cửa bếp bước vô, tôi quyết dùng thanh sắt để tự vệ bằng mọi giá.

      Đứng trong bếp, tôi vẫn nghe thấy tiếng hò hét huyên náo ầm ĩ ngay phía ngoài đường. Thở hổn hổn một hồi, thấy đỡ mệt, nhưng tôi vẫn hoảng hốt, vì thấy mình trốn trong một căn bếp, ở ngõ cụt như thế này thì sẽ bị bắt bất cứ lúc nào. Mấy tên công an ở ngoài sẽ báo động tù trốn. Lao Thừa Phủ ở cạnh, chúng sẽ kéo thêm công ăn, bộ đội, rồi chúng sẽ kết hợp với công an phường, khóm, mở các cuộc bố ráp trong khu vực này. Như vậy, không sớm thì muộn tôi sẽ bị bắt, bị đánh đập, tra tấn cho đến chết. Nghĩ đến đó, tôi thấy tôi không thể mãi cố thủ ở trong căn bếp này, mà phải tìm cách thoát khỏi căn bếp trước khi chúng mở cuộc bố ráp.

      Nghĩ vậy, tôi vội cúi nhìn qua kẽ nứt của cánh cửa bếp thì thấy, phía ngoài đường tuy có tiếng la hét, nhưng không thấy có người nào qua lại. Nhìn sang bên trái, tôi thấy có bức tường gạch cao khoảng hai thước rưỡi, còn bên phải là một sân cỏ rộng, cách biệt với đường phố bên ngoài bằng một bức tường gạch, cao khoảng thước rưỡi.

      Chờ đợi khoảng một phút, thấy bên ngoài tiếng la hét giảm dần, quang cảnh ngoài đường cũng vắng vẻ, tôi liền từ từ mở nhẹ một bên cửa, rồi vội lách mình ra ngoài. Nhìn vào chân tường ngay cạnh bếp, tôi thấy có một bể nước nhỏ. Tôi vội nhún người nhảy lên bể nước, rồi vung hai tay bám vào một cành cây to cỡ cổ chân. Bằng một động tác “hít xà đơn” quen thuộc, tôi tung hai chân lên cao, rồi nhẹ nhàng rút hai cánh tay. Lập tức cả người tôi thăng bằng trên cành cây, êm ái không một tiếng động. Từ cành cây, tôi bám hai tay vào tường gạch, rồi nhoài người qua. Trong chớp mắt, cả người tôi đã nằm gọn trên bức tường gạch. Từ vị trí trên cao này, tôi vội nhìn ra ngoài đường và giật mình kinh hoàng. Thì ra tên Long vẫn còn đang đứng ở ngoài đường, một tay cầm khẩu súng ngắn dơ cao, đầu thì hết ngoái bên trái lại ngoái bên phải, miệng không ngớt hò hét. May mắn cho tôi, lúc đó tên Long quay lưng về phía tôi, mặt nhìn về phía bên kia đường, nên y không thấy tôi phía đằng sau. Bằng không, tôi đã bị y phát hiện, và trong hoàn cảnh đó, tôi vô phương trốn thoát.

      Hú vía, tôi vội vàng hai tay bám chặt lấy mép tường, rồi khẽ nghiêng người về bên kia tường, để cho người rơi xuống thật nhẹ nhàng. Chạy dọc theo bức tường gạch khoảng hai chục thước, tôi đụng phải một hàng rào bằng dây kẽm gai cao khoảng ba thước. Tôi không hiểu sao gia đình đó lại có hàng rào kẽm gai cao như vậy. Nhưng nhìn quanh, tôi mới thấy mấy hàng rào kẽm gai khác cũng cao tương tự. Lúc đó, tôi thấy, chạy về bên trái là không được vì tường gạch cao, chạy dài, không có chỗ bấu víu. Nếu chạy tiếp về bên phải thì không an toàn vì nhà đó cũng sát với con đường mà tên Long đang đứng. Tôi chỉ còn có con đường duy nhất là leo qua hàng rào kẽm gai trước mặt, chạy vô căn nhà phía sau căn nhà tôi vừa ẩn nấp, rồi tìm cách thoát ra một con đường nào đó ở phía trước nhà, cách xa con đường tên Long đang đứng.

      Nghĩ vậy, tôi vội vàng bám dây thép gai leo như điên cuồng, bất chấp gai ngọn cào vào quần áo, đâm vào da thịt, máu chạy đầm đìa cả tay, chân, đùi, bụng, ngực… Tôi cũng không hiểu sao lúc đó, tuy bị dây thép gai đâm vô người, máu chảy tùm lum mà tôi không thấy đau đớn ghê gớm gì. Cũng may sân nhà hàng xóm bên cạnh có nhiều bụi cây, nên khi tôi trèo hàng rào kẽm gai, không ai để ý thấy.

      Trong chớp mắt, tôi leo qua được hàng rào kẽm gai, thả người nhảy xuống mảnh vườn bên kia an toàn. Vừa đứng vững được hai chân trên mặt đất, quay người lại, tôi điếng người, rợn tóc gáy khi thấy một con chó becgie hồng hộc chạy tới. May mắn cho tôi, đó là loại chó becgie đã được chủ huấn luyện nên nó không hề sủa ầm ĩ. Bằng không, những tiếng sủa vang của nó sẽ khiến mấy tên công an ở ngoài đường nghe rõ mồn một, và biết ngay tôi đang ở đâu.

      Trong tình thế lúc đó, tôi biết ngay, nếu tôi có những cử chỉ nhút nhát, sợ hãi, hay hoảng hốt bỏ chạy, tôi sẽ bị con chó becgie cắn không chết cũng trọng thương. Vả lại, nếu tôi bỏ chạy, chắc chắn nó sẽ sủa vang, và khi đó, tụi công an, bộ đội sẽ ào tới bao vây, bắt sống tôi. Hiểu như vậy, tôi thấy tôi chỉ còn mỗi một cách là cố tỏ ra thật bình tĩnh, thản nhiên, không sợ hãi, may ra con chó sẽ không sủa và không cắn.

      Nghĩ vậy, tôi vội đứng thẳng, mắt nhìn thẳng vào mắt con chó, tay chỉ thẳng vào mặt nó, và miệng khẽ quát “Im!…” Khi nói tiếng “im” tôi cố gắng kéo dài, giọng nói rít lên, và giữ vẻ mặt thật thản nhiên, lạnh lùng. Nghe tiếng quát, con becgie đứng ngay lại, miệng khẽ rít lên, rồi phủ phục hai chân trước, nhưng nó vẫn nhe hàm răng trắng ởn, nhìn tôi giận dữ và gừ gừ trong cổ họng….

      Tôi rất mừng. Ít nhất, tôi đã thắng được một bước. Nhưng nếu tôi vẫn đứng đó, duy trì thế thù nghịch như vậy, chắc chắn con chó sẽ leo thang, sẽ sủa vang gọi chủ, hoặc sẽ lao vào cắn tôi. Trường hợp nào thì tôi cũng gặp nguy hiểm. Vì vậy, tôi phải thực hiện bước phiêu lưu kế tiếp. Giả vờ không thèm để ý đến con chó, tôi thản nhiên bước tới phía con chó đang phủ phục, rồi bước ngang qua mõm của nó. Khi làm vậy, tôi chấp nhận rủi ro bị con chó cắn. Nhưng tôi đâu có cách nào khác! Thiệt may mắn cho tôi, con chó nằm yên, không cắn, không sủa. Không những thế, khi tôi đi qua, nó còn đứng dậy lẽo đẽo bước theo tôi…

      còn tiếp

      Comment


      • #78

        TÔI ĐI TÌM TỰ DO (Nguyễn Hữu Chí)

        Hữu Nguyên


        KỲ 77

        Thấy vẻ thuần phục của con chó becgie, tôi an tâm đi qua khu vườn rộng đủ loại cây cối um tùm rồi thẳng hướng tới nhà bếp, nằm vuông góc thước thợ với dẫy nhà chính. Tôi không biết, chủ nhà là ai, nhưng nhìn khu vườn rộng mênh mông, nhà ngang nhà dọc bề thế, tôi rất lo lắng. Kinh nghiệm đã cho tôi biết, sau 1975, những căn nhà to lớn, bề thế, đều bị cán bộ cộng sản cao cấp chiếm lấy làm của riêng, hoặc biến thành cơ sở của công quyền. Như vậy, với căn nhà bề thế như thế này, có lẽ số tôi sẽ lành ít dữ nhiều. Biết vậy, nhưng trong tình thế của mình lúc đó, nếu tôi dừng lại tỏ ý ngại ngùng hoặc bỏ chạy, con chó becgie sẽ không để tôi yên. Vì thế, tôi chỉ còn có con đường duy nhất là cố giữ thái độ bình tĩnh đi thẳng vô nhà bếp.

        Bước vô trong bếp, tôi rất ngạc nhiên khi thấy giữa khu bếp rộng và dài, nối liền với khu nhà ngang bề thế, có khoảng một chục nam nữ học sinh tuổi 17, 18, đang đi lại tấp nập, nói chuyện huyên náo. Trong không khí tấp nập huyên náo đó, không một quan tâm khi thấy tôi bước vô. Quá kinh hoàng, mệt nhọc, lại thêm phần lúng túng không biết xử thế ra sao, tôi đành ngồi tạm xuống một chiếc ghế làm bằng khúc cây, miệng thở hổn hển…

        Đang thở thì có một cậu học sinh bước tới lễ phép hỏi:

        – Thưa chú, chú cho con hỏi, chúng con đang nấu cơm thì hết củi. Bây giờ lấy củi ở đâu hở chú?

        Tôi ngớ người, ngạc nhiên và nghi ngại nhìn người học trò. Đó là cậu học trò trẻ măng, cặp mắt trong sáng, sự ngây thơ thật thà ngời ngời trên khuôn mặt. Tự nhiên, mọi nghi ngại lo sợ trong tôi biến mất. Tôi liền thật thà thú nhận:

        – Chú không phải… là người ở nhà này, nên chú cũng như con…

        Cậu học trò tròn mắt, ngạc nhiên:

        – Ủa, chú không phải…

        Nói đến đó, cậu học chợt nhìn thấy những vết máu trên bộ quần áo rách rưới vì kẽm gai cào của tôi. Cậu ấp úng lo sợ:

        – Chú… chú là…

        Tôi đưa ngón tay trỏ lên miệng làm dấu cho cậu im lặng, rồi hỏi nhỏ:

        – Con không phải là người ở trong nhà này?

        Cậu học sinh lễ phép:

        – Thưa chú không. Chúng con là học sinh đến trọ học để thi vô sư phạm…

        Thì ra là vậy! Hèn nào, mấy cô cậu học sinh trong bếp khi nhìn thấy tôi bước vô đều thản nhiên. Tôi an tâm, nói nhỏ với cậu học sinh:

        – Bây giờ con lấy dùm chú một ly nước lạnh, rồi chú sẽ nhờ con một việc. Nhưng con đừng nói cho ai biết về chú nghe.

        Cậu học sinh ngoan ngoãn gật đầu, đứng lên đi lấy nước. Mấy phút sau, cậu trở lại với ly nước trong vắt trên tay. Tôi cầm ly nước uống ừng ực. Nước vô đến đâu, tôi thấy mát ruột mát gan đến đó. Uống xong ly nước, tôi thấy mình tỉnh táo hẳn. Tôi đưa chiếc ly không cho cậu học sinh, và hỏi:

        – Con có biết chủ nhà tên gì không?

        Cậu học sinh lễ phép:

        – Thưa chú, chủ nhà là ông X.

        – Cảm ơn con. Bây giờ… con lên trên nhà mời ông X xuống đây cho chú nói chuyện.

        Cậu học sinh nhìn tôi, vẻ mặt, ánh mắt chưa hết ngạc nhiên, nhưng vẫn ngoan ngoãn “dạ” một tiếng rồi đi lên nhà.

        Cậu học sinh vừa đi khỏi, tôi cũng đứng dậy đi lại chỗ vòi nước trong bếp là nơi cậu học sinh lấy ly nước lạnh, tôi mở vòi lấy nước, lau qua mặt mũi, chân tay, cho sạch sẽ phần nào. Xong xuôi, tôi vừa trở lại chỗ ngồi thì cậu học sinh trở lại. Đi theo cậu là một người đàn ông tuổi chạc ngoài 50, nét mặt phúc hậu, da dẻ hồng hào, mặc bộ đồ bà ba màu mỡ gà, cử chỉ ung dung, đường bệ. Lạ lùng một điều, trông thấy tôi, ông không hề tỏ vẻ ngạc nhiên, ngỡ ngàng chút nào. Trái lại, ông tươi cười niềm nở bước tới vỗ vai tôi, và nói lớn, giọng sang sảng, thân quen, cứ như ông quen biết tôi từ lâu lắm:

        – Ủa, chú mày về bao giờ vậy? Sao lâu quá chẳng nghe tin tức gì cả. Rồi rồi đi lên đây… làm ly cho ấm bụng rồi nói gì hãy nói…

        Miệng nói, mắt nhay nháy, người đàn ông thản nhiên bá vai rồikéo tôi đi lên trên nhà. Thoạt đầu, tôi hơi ngỡ ngàng, tưởng người đàn ông nhận lầm tôi với người nào đó, họ hàng hoặc là đàn em của ông. Đến khi thấy ông nháy nháy mắt với tôi, tôi chợt hiểu, thì ra ông đã đóng kịch để che mắt những người chung quanh. Tuy ở đó lúc ấy chỉ có học sinh, nhưng sau 1975, thời thế đảo điên, ai ai cũng thận trọng, không dám tin một ai. Thôi thì ông ta có khôn ngoan, biết đề phòng như vậy cũng tốt. Có điều tôi vẫn ngạc nhiên, không hiểu vì sao ông lại có thái độ khôn ngoan cùng cái “nháy mắt mời gọi sự thông đồng” của tôi như vậy. Tuy băn khoăn không hiểu rõ, tôi vẫn lặng lẽ và ngượng ngùng để ông kéo đi…

        Bước vào nhà trên, quang cảnh càng huyên náo, nhộn nhịp vì ở đây đông học sinh hơn. Mọi người đều không để ý đến tôi, trong khi ông kéo tôi vô một căn phòng, rồi nhẹ nhàng đóng cửa, cài chốt cẩn thận. Chỉ vô chiếc ghế duy nhất, ông đột ngột thay đổi cách xưng hô:

        – Anh ngồi đó nghỉ chút, chờ tôi lấy cho anh bộ quần áo khác thay, chứ anh mặc bộ đồ rách rưới, máu me tùm lum đó ra đường, tụi nó thấy là biết liền à.

        Tôi ngạc nhiên. Thì ra ông ta đã biết tôi là ai hay sao? Tôi đang lúng túng, không biết trò chuyện ra sao, thì ông đã mở cửa bước ra ngoài. Khoảng 5 phút sau, ông trở lại, trao cho tôi một bộ đồ màu xám đã bạc mầu rồi thong thả và nhẹ nhàng nói tiếp:

        – Tôi nghe tiếng súng nổ ở mạn đó là biết ngay có chuyện… Đến khi trông thấy anh, ngay từ xa là tôi hiểu ngay… Thôi anh khỏi giải thích dài dòng làm gì. Bây giờ anh mặc tạm bộ đồ này vô. Tôi đã gọi xe ôm cho anh rồi. Họ sẽ đến ngay để chở anh ra ga. Ở ga đông người, anh dễ trà trộn, đi đâu cũng tiện. Còn ở đây, đông người bất tiện lắm. Vả lại, chúng đang lùng kiếm anh, nên chúng dám vô từng nhà ở khu này để xét sổ gia đình. Khi ấy thì nguy hiểm cho cả anh lẫn cả tụi tôi.

        Nghe anh nói tôi rất khâm phục trí phán đoán và cách ứng xử nhanh chóng của anh. Tôi vội vã vừa thay đồ vừa hỏi anh:

        – Chú có biết mấy giờ thì có chuyến tàu tốc hành từ Huế vô Sàigòn không?

        Ông lắc đầu:

        – Tôi không biết gì về giờ giấc tàu tốc hành. Nhưng anh đi tàu tốc hành làm gì, nguy hiểm lắm. Tàu tốc hành bao giờ cũng bị kiểm soát giấy tờ kỹ lắm. Tốt nhất anh nên đi tàu chợ vì tàu chợ tuy chậm, nhưng hành khách đông nghẹt à, rất khó cho họ kiểm soát. Hơn nữa, tàu chợ thường dừng ở các ga nhỏ, nên anh có thể lên xuống dễ dàng.

        Tôi dụt dè:

        – Tôi bây giờ không có giấy tờ gì trong người, sợ không vô được trong nhà ga để mua vé….

        Ông cười bảo tôi:

        – Anh mua vé làm gì cho tốn tiền. Còn chuyện vô ga qua cửa chính thì khó, chứ anh vô ga bằng cách đi dọc theo đường rầy thì chẳng ai để ý làm gì. Nhất là anh chẳng có hành lý gì, cứ thong thả mà đi…

        Nghe ông nói, tôi mừng quá, nghĩ ra ngay. Đúng như ông nói, đường rầy nào mà chẳng dẫn đến một nhà ga. Và trong hoàn cảnh của Việt Nam lúc đó, công an, bộ đội, nhân viên soát vé dù có đông đúc mấy đi nữa cũng chỉ có thể kiểm soát được khu vực chung quanh nhà ga, chứ không thể kiểm soát hết cả đường rầy. Vì vậy tôi chỉ cần kiếm một đoạn đường rầy nào thích hợp, cách nhà ga không xa, rồi đi dọc theo đường rầy là vô được nhà ga dễ dàng.

        Tôi vừa nghĩ đến đó thì có tiếng gõ cửa. Ông X mở cửa, thì thầm với ai đó ở bên ngoài, rồi quay lại bảo tôi:

        – Xe ôm tới rồi, chú em…

        Tôi vội vàng đứng dậy, lúng túng và cảm động:

        – Con cảm ơn chú… đã giúp đỡ con trong lúc hoạn nạn…

        Ông đặt hai bàn tay lên vai tôi, thân mật nói:

        – Thời thế đảo điên thì người tốt phải gặp cơn hoạn nạn. Nhưng trông chú mày tao thấy hậu vận không đến nỗi nào. Hung hiểm dù có thế nào tao dám chắc chú mày cũng qua khỏi. Thôi đi nghe!

        Nói đến đó, ông dúi vào tay tôi ít tiền, rồi nói:

        – Chú mày cầm lấy chút tiền tiêu… Cái này tuy chẳng nhiều, nhưng cũng đủ tiền cho chú mày đi tàu đi xe và ăn uống dọc đường. Bây giờ, tôi mở cửa, chú mày cứ tự nhiên đi thẳng ra ngoài cổng, đừng chào hỏi bất cứ ai. Ngoài đó, xe ôm đã chờ sẵn. Chú cứ bảo họ chở chú thẳng ra ga Huế. Thôi chúc chú bình an.

        Tôi cảm động, xiết chặt bàn tay của ông một lần nữa trước khi bước ra ngoài.

        Nghe lời ông, tôi thản nhiên đi thẳng ra cổng. Tôi hiểu, ông không đi cùng tôi ra cổng là để giữ mọi chuyện kín đáo, hàng xóm láng giềng khỏi nhìn thấy ông đi cùng với tôi, một người lạ mặt đang bị truy lùng. Trong hoàn cảnh đất nước bị cộng sản chiếm đóng từ sau 1975, sự cẩn thận của ông quả thật vô cùng cần thiết.

        Bước ra ngoài đường, tôi khoan khoái hít một hơi thở thật sâu, trước khi thấy người tài xế xe ôm. Anh tài xế trông còn rất trẻ, khoảng 30 tuổi, nhưng nước da ngăm đen, râu ria xồmn xoàm, trông rất oai phong. Anh nhìn tôi, ánh mắt có vẻ tò mò nhưng không nói gì. Có lẽ bộ quần áo tôi mặc rộng thùng thình, trông không giống ai, nên anh để ý chăng? Tảng lờ trước ánh mắt tò mò của anh, tôi giữ vẻ mặt thản nhiên và nói:

        – Anh cho tôi ra ga…

        Khoảng 15 phút sau, tôi đặt chân đến nhà ga Huế. Lúc đó khoảng 3 giờ chiều. Đứng bên ngoài nhà ga kín đáo quan sát, tôi thấy trước cửa nhà ga ngoài nhân viên hoả xa, còn có cả bộ đội lẫn công an canh gác, đi lại thường xuyên. Hàn khách đi tàu chợ rất đông, đứng kín cả sân ga, phía trước phòng bán vé.

        Nhớ lời dặn của ông X, tôi không vô mua vé, mà rẽ trái vô con đường chạy dọc theo đường rầy xe lửa. Đi được khoảng một cây số, tôi rẽ phải vô một con hẻm nhỏ. Đi tiếp khoảng trăm thước, gặp đường rầy cắt ngang, tôi rẽ phải, đi dọc theo đường rầy về phía nhà ga. Quả nhiên, không đầy 15 phút sau, tôi đi vô sân ga Huế. Lúc đó, sân ga rất đông và huyên náo, hành khách đi lại cùng khắp, chẳng ai để ý đến ai. Nhờ vậy, tôi vô sân ga một cách an toàn, và chỉ vài phút sau, tôi đã trà trộn dễ dàng vô đám đông mấy trăm hành khách đang chờ tàu chợ.

        Ngồi trên sân ga, nhớ lại tất cả những gì đã trải qua trong ngày, tôi thấy mình thật may mắn. Nhờ ơn trên phù hộ, tôi từ một người tù tội đang trên đường bị giải giao tới lao Thừa Phủ, bỗng thoát cũi sổ lồng, được tự do, dù chỉ là tự do tạm. Nhìn những gương mặt héo hắt, lo âu, vất vả bươn chải để kiếm sống của những hành khách chung quanh, tôi thầm nghĩ, mình quả thật là người may mắn nhất, hạnh phúc nhất. Tôi không biết trong những ngày tháng tới, số phận của tôi sẽ như thế nào, nhưng với những may mắn đã trải qua, tôi thực tâm hy vọng, nếu tôi chịu khó bền bỉ trước sau như một, quyết tâm tìm cách vượt biên, chắc chắn tôi sẽ đến được bến bờ tự do.

        Tôi lên chuyến tàu chợ Huế – Sàigòn vào khoảng 4 giờ chiều. Đúng như lời của ông X nói, tàu đông nghẹt những khách là khách, trong đó phần lớn là những đi buôn bán, với đủ thứ quang gánh, thúng mủng và các loại hàng hoá thể hiện rõ ràng đời sống nghèo túng của người dân Miền Nam sau cuộc đổi đời khốc liệt năm 1975.

        Trên tàu, từ bên trong các toa đến các bậc lên xuống ở ngoài toa, từ trên các ghế ngồi đến các hành lang chật hẹp,… người ngồi, người nằm ngổn ngang, chồng chéo lên nhau tựa như nêm cối. Được ngồi trên tàu chợ, giữa những người dân lao động, tôi thấy thật yên tâm, vì trong tình cảnh như vậy, việc khám xét vé hay giấy tờ là điều vô cùng khó khăn. Nhưng đề phòng mọi chuyện bất chắc có thể xảy ra, tôi vẫn chọn ngồi ở phần nối giữa hai toa tàu. Ở đó, tôi có thể dễ dàng quan sát cả hai toa tàu cùng lúc. Một khi có bóng dáng công an, bộ đội hay nhân viên hoả xa đi lại xét giấy tờ hay xét vé, tôi đều có thể nhanh chóng phát hiện và kịp thời gian né tránh, bằng cách chui vô toilet hoặc leo lên nóc tàu.

        Vì không mang theo bất cứ thứ hành lý đồ đạc nào, nên tôi di chuyển giữa các toa tàu thật dễ dàng nhanh chóng. Tôi cũng đã tính toán, trong trường hợp xấu nhất, chẳng may bị hỏi vé hay giấy tờ, tôi sẽ khai mình bị mất bóp. Khi đó, dù tin hay cho rằng tôi trốn vé, biện pháp duy nhất họ có thể đối phó là đuổi tôi xuống tàu khi tàu dừng lại ở một nhà ga nào đó. Trong trường hợp đó, nếu thuận tiện, khi tàu chuyển bánh, tôi sẽ bám vô một toa tàu khác, leo lên. Còn nếu xấu nhất, không thể leo trở lại kịp, tôi sẽ ở lại nhà ga, chờ chuyến tàu chợ kế, rồi leo lên, đi tiếp cuộc hành trình…

        còn tiếp

        Comment


        • #79
          TÔI ĐI TÌM TỰ DO (Nguyễn Hữu Chí)

          Hữu Nguyên


          KỲ 78

          Ngồi trên chuyến tàu chợ từ Huế về Sàigòn, tôi suy nghĩ, nếu mọi chuyện chót lọt, tàu sẽ đến Sàigòn vào lúc 2 giờ sáng, là giờ giới nghiêm. Như vậy tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi di chuyển, nhất là trong hoàn cảnh lúc đó tôi không có một thứ giấy tờ nào trong người. Vì vậy, tôi quyết định phải xuống ga Biên Hoà, vì ở một nhà ga nhỏ vào lúc đêm khuya, chắc chắn không có chuyện canh gác, xét hỏi giấy tờ phiền phức như ga Sàigòn. Điều quan trọng nữa là tại Biên Hoà, tôi có gia đình bà chị ruột ở cách ga Biên Hoà không bao xa. Chị đã cùng gia đình di cư vô Nam năm 1954, định cư ở Biên Hoà, và cả anh chị lẫn các cháu đều rất yêu thương tôi. Tôi biết chắc, dù có gặp bất cứ khó khăn hay nguy hiểm đến thế nào, anh chị cũng sẵn sàng cưu mang, giúp đỡ tôi.

          Tuy quyết định như vậy, tôi không biết rõ tàu có dừng lại tại nhà ga Biên Hoà hay không. Vì vậy, tôi hỏi một chị đi buôn hàng chuyến trên tàu mà tôi nghe mọi người gọi là chị Ba. Nghe tôi hỏi, chị Ba quay sang lay lay vai người đàn ông tuổi khoảng sáu mươi, mắt đang nhắm, không hiểu ngủ hay không, và hỏi:

          – Anh Hai, anh Hai… Tàu này có dừng ở Biên Hoà không vậy?

          Người đàn ông vẫn nhắm mắt, trả lời gọn lỏn:

          – Không!

          Chị Ba quay sang nhìn tôi, vẻ tò mò:

          – Chú muốn xuống Biên Hoà?

          Tôi thận trọng, nhưng thật thà:

          – Dạ, tôi muốn ghé Biên Hoà thăm bà chị.

          – Chú từ đâu vô vậy?

          Tôi không dám nói dối:

          – Dạ, thưa tôi từ Huế…

          – Từ Huế? Sao xa xôi như vậy vô thăm chị mà chú không mang hành lý chi cả là thế nào?

          Tôi lúng túng chưa biết trả lời sao thì ông Hai, mắt vẫn nhắm nghiền, hai tay khoanh trước ngực, lên tiếng:

          – Cô Ba này kỳ cục thiệt. Cô là cái quái gì mà xía vô đời tư của người ta vậy?

          Không hiểu ông Hai quan hệ với cô Ba thế nào, nhưng nghe ông nói, cô Ba chỉ “hứ” một tiếng rồi im lặng. Vậy là tôi thoát nạn khỏi phải trả lời câu hỏi hóc búa của cô.

          Nhìn ông Hai, tôi muốn lên tiếng cảm ơn, nhưng không biết nói làm sao. Bỗng nhiên, ông Hai lại nói trổng, trong khi hai mắt vẫn nhắm, hai tay vẫn khoanh trước ngực:

          – Tàu này không dừng ở ga Biên Hòa, nhưng qua đó tàu sẽ chạy chậm. Chú mày có gan thì cứ nhảy là được…

          Tôi nhìn ông Hai ngạc nhiên. Ông vẫn nhắm mắt, hai tay khoanh trước ngực như người đang ngủ. Trong lòng thầm cảm ơn ông Hai, tôi đưa mắt nhìn ra bên ngoài, thấy cảnh vật bao trùm trong bóng đêm, và đoàn tàu đang vùn vụt lao nhanh với tốc độ khoảng 80 cây số giờ….

          Khoảng 1 giờ đêm hôm đó, tàu chạy qua ga Biên Hòa. Tôi không biết khi đó, tàu đã chạy chậm lại bao nhiêu, nhưng tôi đã phải liều mạng nhảy, và may mắn, tôi chỉ bị sây sát qua loa ở hai bàn tay và hai đầu gối. Cả sân ga Biên Hòa vắng tanh, không một bóng người. Nhưng để an toàn, tôi không đi ra qua cổng chính của nhà ga, mà đi dọc theo đường rầy một đoạn gần cây số, rồi mới rẽ ra đường lộ, đi bộ tới nhà chị.

          Khi mở cửa, trông thấy tôi đứng đó vào lúc hai giờ sáng, anh chị tôi vừa ngạc nhiên, mừng rỡ, vừa lo sợ, vội kéo ngay tôi vô trong nhà. Sau khi tắm rửa, thay quần áo, tôi vừa ăn mì gói vừa kể cho anh chị tôi nghe đoạn đường gian truân đầy nguy hiểm nhưng cũng vô cùng may mắn mà tôi đã trải qua. Nghe xong, anh rể tôi hỏi:

          – Bây giờ cậu định thế nào?

          Tôi thưa:

          – Em định ở đây với anh chị một hai ngày cho lại sức. Sau đó em sẽ về Sàigòn tìm cách vượt biên tiếp. Bằng mọi giá, em phải đi khỏi Việt Nam. Hoàn cảnh của em, anh chị đã biết, nếu sống ở đây, không sớm thì muộn em cũng sẽ bị bắt, và khi đó là đời em tàn.

          Chị tôi thở dài:

          – Cậu may mắn sống sót được đến ngày hôm nay cũng là nhờ ơn bề trên phù hộ. Rồi vong linh tổ tiên, vong linh thầy lúc nào cũng ở bên cậu, giúp đỡ cậu. Thôi thì bây giờ, cậu đã sống sót về được đến đây, thì cứ ở đây với anh chị, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Anh chị sống được là cậu sống được. Cậu đừng nghĩ đến chuyện vượt biên nữa. Nguy hiểm lắm. Thầy nhà mình chỉ có hai người con trai. Một người ở ngoài Bắc, còn trong này thì chỉ có mình cậu. Lỡ cậu có mệnh hệ nào, vợ con không có thì… anh chị có lỗi với thầy, với gia tộc, dòng họ…

          Nói đến đó, chị tôi sụt sùi khóc. Tôi im lặng đau lòng, nhưng không dám nói rõ quyết tâm vượt biên bằng mọi giá của tôi, vì biết có nói ra cũng chỉ làm cho chị thêm đau lòng mà không giải quyết được chuyện gì. Nhưng anh rể của tôi thì hiểu biết và bộc trực, nên nghe chị tôi nói vậy, anh bực dọc nói với chị:

          – Bà này chẳng biết cái gì cả. Bộ bà không nghe cậu ấy nói hay sao? Hoàn cảnh của cậu mà ở Việt Nam ngày nào thì nguy hiểm ngày ấy. Tụi nó mà bắt được thì cậu ấy không tử hình cũng tù mọt gông. Ở đó mà vợ với con…

          Quay sang tôi, anh nói tiếp:

          – Cậu cứ yên tâm ở đây với anh chị cho đến khi nào cậu thấy cần đi thì cậu đi. Hoàn cảnh của anh chị tuy nghèo, chẳng giúp được cậu những chuyện lớn lao, nhưng nuôi cậu rau cháo qua ngày là chuyện không có khó. Còn chuyện vượt biên, tôi thấy cậu vàng bạc không có, đi bằng tàu, bằng thuyền là chuyện rất khó. Vậy thì tại sao cậu không tính ra Bắc, rồi vượt biên bằng đường bộ ở mạn biên giới Việt Trung? Dù sao thì cậu cũng đã từng ở Miền Bắc mấy chục năm, đường xá quen thuộc, phong tục tập quán cũng rành, gì chứ chuyện trà trộn với cán bộ, bộ đội ở Miền Bắc để đi tới biên giới, đối với cậu đâu có khó…

          Lời nói của anh tôi làm tôi nhớ đến câu khuyên nhủ tương tự của bố KL trước đây không lâu. Tôi thấy đúng, trong hoàn cảnh túng thiếu của tôi lúc bấy giờ, tôi không

          thể nào có được cả chục cây vàng để mua được một chỗ trên tàu, dù là đi bán chính thức hay đi chui. Như vậy, tại sao tôi không trở về Miền Bắc, tìm cách vượt biên qua ngả biên giới Việt Trung ở Lạng Sơn hoặc Móng Cái?

          Anh tôi hút một điếu thuốc lào, rồi tiếp:

          – Dạo này tôi thấy nhà nước đang có chiến dịch xua đuổi người Hoa về nước nên người Hoa đi đàn đàn lũ lũ về Trung Quốc như nước chảy. Vậy tốt nhất, cậu nên học ít tiếng Hoa rồi trà trộn với người Hoa, vượt biên sang Trung Quốc…

          Tôi do dự:

          – Nhưng thưa anh, Trung Quốc hiện giờ cũng là cộng sản, giống hệt như Việt cộng. Em sợ, nếu em vượt biên sang đó, nhà cầm quyền Trung Cộng bắt được, sẽ cho Việt cộng dẫn độ em về Việt Nam trị tội…

          Anh tôi gật gù nói:

          – Cậu nói vậy nghe cũng có lý chứ không phải không. Nhưng cậu phải hiểu, hiện nay, Việt cộng với Trung cộng không ưa nhau. Cứ tình thế này, hai nước sẽ coi nhau như kẻ thù không đợi trời chung cho cậu coi. Bây giờ trên đài phát thanh, có ngày nào mà Việt cộng không chửi Trung cộng bá quyền đâu. Tôi e rằng tình thế này sẽ có ngày chúng đánh nhau to là đằng khác…

          Chị tôi đứng dậy:

          – Ông thì tối ngày chỉ mong cho hai nước đánh nhau. Thôi ông để cho cậu ấy đi nghỉ đi. Trời gần sáng rồi. Có gì ngày mai hai anh em bàn tiếp…

          Anh tôi im lặng không nói gì thêm, nhưng vẫn ngồi đó, bất động. Tôi xin phép anh chị vô giường nằm. Tưởng rằng, trải qua không biết bao nhiêu là mệt nhọc và kinh hoàng, nằm xuống, tôi sẽ ngủ ngay, nhưng tôi vẫn trằn trọc không ngủ vì trong đầu đầy ắp những ý tưởng về một chuyến vượt biên qua ngả biên giới Việt Trung. Thú thực, cho đến lúc đó, tôi không hề nghĩ tới chuyện vượt biên qua ngả Miền Bắc. Có lẽ cuộc sống thoải mái ở Miền Nam, cùng tấm lòng đôn hậu và thái độ không ưa cộng sản của hầu hết người dân Miền Nam đã khiến tôi dễ dàng có tâm lý chỉ tìm đường vượt biên qua các ngả ở Miền Nam. Nay qua lời khuyên của anh rể, tôi thấy tôi có cơ hội thành công hơn nếu tôi chọn con đường vượt biên qua ngả biên giới Việt Trung.

          Đã từng sống ở Miền Bắc hai chục năm, tôi tin tưởng, mình sẽ dễ dàng trà trộn với người Hoa để đến Lạng Sơn, hoặc Móng Cái, là hai thị trấn giáp với Trung Hoa. Một khi đến được hai thị trấn này, tôi sẽ cắt đường, xuyên rừng rậm ở Lạng Sơn, hoặc bơi qua sông Ka Long để sang đất Trung Quốc. Điều khiến tôi lo ngại nhất là, trong hoàn cảnh hai chế độ Trung cộng và Việt cộng đang ở thế thù nghịch, nếu tôi sang được đất Trung Quốc, tôi có thể bị nghi ngờ là gián điệp của Việt cộng. Nhất là khi tôi không biết tiếng Hoa, cũng không phải là người Hoa, thì càng dễ bị Trung cộng nghi ngờ. Nhưng thực tế này cũng là một lợi điểm, giúp tôi thuyết phục nhà đương cục Trung Cộng tin tưởng, tôi chỉ là một người Việt tỵ nạn cộng sản thuần tuý. Chắc chắn, họ cũng phải biết, Việt cộng không bao giờ gửi một gián điệp sang Trung Quốc khi gián điệp đó không phải là người Hoa lại không biết tiếng Hoa. Vả lại, tôi tin tưởng, khi đến Trung Quốc, thân nhân và bằng hữu của tôi ở hải ngoại sẽ có đủ bằng cớ để chứng minh tôi là một người tỵ nạn cộng sản.

          Vui mừng và hy vọng với chuyện vượt biên qua biên giới Việt Trung, ngay chiều hôm đó, khi tỉnh giấc sau một giấc ngủ dài, tôi vội vàng từ biệt anh chị, đáp chuyến tàu chợ trở lại Sàigòn.

          Ngay khi đặt chân đến Sàigòn, tôi vội vàng báo tin cho chị tôi biết, hoàn cảnh tù đầy của cháu BH và T, để chị lo thăm nuôi và chạy chọt. Sau đó, tôi lấy những giấy tờ giả mà tôi đã giấu trước khi đi vượt biên. Với những giấy tờ giả đó cùng số tiền ít ỏi của một người bạn đã rút hụi trao cho, tôi vội vã lên đường ra Bắc.

          Nhờ có kinh nghiệm an toàn về tàu chợ, nên tôi chọn tàu chợ đi kiểu sâu đo, từng chặng đường ngắn, từ Sàigòn ra Nha Trang, Vinh, Ninh Bình, Nam Định, Phủ Lý và cuối cùng là Hà Nội.

          Nhờ đi tàu chợ nên tôi vừa không phải mua vé, vừa không bị xét hỏi giấy tờ. Cũng nhờ đi tàu chợ nên tôi có cơ hội được làm quen với rất nhiều người có tấm lòng vàng, đã bất chấp mọi nguy hiểm, liều mình giúp đỡ tôi bằng tất cả chân tình. Trong suốt ba chục năm qua, mỗi khi nghĩ tới những kỷ niệm của ngày đó, tôi đều bồi hồi xúc động, và nhận ra một sự thật, nếu không có những con người với tấm lòng vàng đó, chắc chắn tôi đã không sống sót để đến được bến bờ tự do. Trong những ngày tháng đất nước bị nghiêng ngửa giữa cơn hồng thuỷ cộng sản đó, tôi hoảng hốt trốn chạy trên những chặng đường dọc theo chiều dài của đất nước, đã có những người bỗng nhiên xuất hiện, giúp đỡ tôi trên một chuyến tàu, ở một bãi đậu xe, cạnh một nhà ga tỉnh lẻ… để rồi mãi mãi chia lìa cho đến ngày hôm nay. Bây giờ, khi ngồi viết những dòng chữ này, tôi phải đau lòng thú nhận, trong số những người đã giúp đỡ tôi trên đường tôi vượt biên, vẫn có những người tôi vĩnh viễn không bao giờ tìm thấy, thậm chí ngay cả tên của họ là gì, tôi cũng không biết. Nhưng dù cho biết hay không biết, tất cả những hình ảnh của họ, cùng với quê hương, lúc nào cũng ngự trị trong tâm trí tôi, mãi mãi trinh nguyên và thuỷ chung tròn trịa như mới được gặp hôm qua hôm kia…. Trải qua những ngày tháng dừng chân ở các thành phố, bỡ ngỡ khi đến để rồi bịn rịn lúc chia tay, tôi mới hiểu hết được ý nghĩa câu thơ, “Khi ta đến đất là nơi ta ở. Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn”….

          còn tiếp

          Comment


          • #80

            TÔI ĐI TÌM TỰ DO (Nguyễn Hữu Chí)

            Hữu Nguyên


            KỲ 79

            Mùa thu năm 1978, tôi an toàn trở lại Hà Nội, sau thời gian hơn 3 năm xa cách. Lần trước, trở lại Hà Nội vào đầu tháng 5 năm 1975, lúc đó tôi vẫn đinh ninh thầy của tôi còn sống. Không ngờ thầy tôi đã mất trước đó một năm. Lần này trở lại Hà Nội, tôi chỉ còn có Mẹ, người thân yêu nhất của tôi, và cũng là người đã chịu đựng không biết bao nhiêu đau khổ vì tôi. Với thân phận của một thằng tù vượt ngục, đang bị truy lùng ráo riết và có thể bị bắt lại bất cứ lúc nào, tiền bạc lại không có, tôi biết, khi gặp lại tôi, Mẹ lại khóc. Biết vậy, nhưng ngoài Mẹ, tôi đâu biết nương tựa vào ai?

            Để an toàn, tôi lang thang suốt cả buổi chiều hết khu công viên quanh hồ Bảy Mẫu đến hồ Ba Mẫu chờ đến tối mới dám về nhà Mẹ. Sau khi đi qua đi lại nhà Mẹ hai ba lần, thấy yên tĩnh tôi mới mở cổng thật nhẹ nhàng. Đi qua cửa sổ có rèm cửa, thấy đèn bên trong còn sáng, tôi nhìn vô, nhưng không thấy ai. Bước tới mấy bước, đến trước cửa, tôi gõ cửa thật nhẹ, theo đúng ám hiệu hai nhanh, một chậm, mà Mẹ tôi đã dặn ngày xưa. Vẫn không thấy tiếng trả lời, tôi gõ mạnh hơn. Cũng không có tiếng trả lời. Nhìn qua khe cửa, tôi thấy ngọn đèn điện vàng khè, tỏa ánh sáng yếu ớt trong căn nhà yên tĩnh, không một bóng người. Tôi đoán, có lẽ Mẹ tôi đi sang hàng xóm một chút rồi về, nên Mẹ tôi vẫn để đèn.

            Với tay lên hốc cửa bên trên cửa, tôi sờ thấy ngay chiếc chìa khóa cửa. Như vậy là trong suốt bao nhiêu năm qua, Mẹ của tôi vẫn để chiếc chìa khóa cửa ở đó, trong niềm hy vọng, chờ đợi tôi và tin tưởng một ngày không xa, tôi sẽ về.

            Tôi lấy chìa khóa, mở cửa, bước vô nhà, rồi khép cánh cửa lại. Nhìn đồ đạc trong nhà, tôi rưng rưng lệ. Vẫn những đồ đạc đơn sơ, mộc mạc, biểu hiện cuộc sống vô cùng nghèo khổ của Mẹ tôi.

            Đói bụng, tôi vội lục nồi niêu xoong chảo nhưng không thấy một thứ gì có thể ăn được, tôi đành phải lấy gạo thổi cơm. Vừa đặt nồi cơm lên bếp, tôi nghe tiếng Mẹ tôi hỏi vọng từ ngoài cửa:

            – Chí đó phải không?

            Nghe tiếng Mẹ hỏi, tôi mừng quá, luống cuống thế nào làm đổ ụp cả nồi cơm còn đầy nước xuống bếp làm cho khói, bụi bốc lên mù mịt. Để mặc mọi thứ đó, tôi vội vàng chạy ra mở cửa. Mẹ tôi đứng đó run run, một tay Mẹ chống gậy, một tay cầm bó rau, không biết là rau gì. Tôi giật mình, vì trước đó, tôi chưa trông thấy Mẹ tôi chống gậy bao giờ.

            Mẹ tôi thều thào:

            – Đi về thấy cửa mở, Mẹ đoán ngay con đã về…

            Tôi vội vàng dìu Mẹ vô nhà, rồi tiện tay, tôi đóng vội cánh cửa. Thấy bộ điệu vội vàng của tôi, Mẹ hiểu ngay, liền run run hỏi:

            – Mày lại trốn tù nữa hả con?…

            Tôi lúng túng, không biết nói sao. Mẹ tôi thở dài, ngồi phịch xuống giường. Tôi quỳ xuống đất, gục đầu vào lòng Mẹ, không nói, nhưng trong lòng tôi muôn phần đau đớn. Mẹ tôi đưa tay xoa đầu tôi, rồi nói trong tiếng khóc xụt xịt…

            – Sao con về… mà khổ sở… thế này hở trời?…

            Trong nỗi lo lắng, xót xa, buồn phiền của Mẹ, tôi thấy nát tan cả cõi lòng. Xụt xịt một hồi, Mẹ hỏi:

            – Bây giờ con định thế nào?

            Tôi ngước cặp mắt đẫm lệ nhìn Mẹ. Mẹ tôi vừa khóc vừa lau nước mắt cho tôi. Thấy Mẹ quá đau khổ, tôi vội trấn an:

            – Mẹ yên tâm, con về với Mẹ trong vài ngày rồi con sẽ gặp anh bạn, anh sẽ lo cho con mọi chuyện để con đi thật an toàn.

            Mẹ tôi không tin:

            – Bạn của con? Bạn nào mà tốt vậy con?

            Tôi nói dối cho Mẹ yên lòng:

            – Anh ta tên là Hùng, bạn tù chung với con. Anh ra tù trước. Còn con, trốn ra sau.

            Mẹ tôi vẫn nghi ngờ:

            – Mà anh ta hiện ở đâu?

            Tôi tiếp tục nói dối:

            – Dạ, anh ấy hiện đang ở Lạng Sơn, gần sát biên giới Việt Trung. Chúng con định trốn sang Trung Cộng theo ngả Lạng Sơn…

            Mẹ tôi run rẩy:

            – Con sang Trung Cộng làm sao được. Hai nước sắp đánh nhau đến nơi rồi. Con sang đấy họ sẽ giết con mất.

            Tôi chậm rãi, và thì thầm giải thích:

            – Thưa Mẹ, con là tù vượt ngục, đang bị nhà cầm quyền Việt Nam truy lùng. Nếu con đến được Trung Quốc, ở đó họ sẽ không giết con đâu. Hai nước đang thù nghịch, nếu con chứng minh được con là nạn nhân của CSVN, thì Trung Quốc họ còn giúp đỡ con nữa.

            Mẹ tôi băn khoăn:

            – Nhưng làm sao con có thể chứng minh được? Mà con đâu có biết nói tiếng Hoa?

            Tôi cười vui vẻ để Mẹ an tâm:

            – Mẹ ạ, con không biết nói tiếng Hoa, nhưng ở vùng biên giới tiếp giáp Lạng Sơn, Móng Cái, Trung Cộng đang tiếp nhận mấy trăm ngàn người Hoa về nước, thì lúc nào họ chả có người Hoa biết nói tiếng Việt. Còn chuyện chứng minh con là nạn nhân của cộng sản thì đâu có khó, vì tất cả những chuyện đó đều là sự thật. Vả lại, gia đình mình có đông thân nhân ở ngoại quốc, rồi còn bạn bè của con nữa. Con sẽ liên lạc với tất cả những người đó, để họ chứng minh những gì con nói là đúng sự thật, con là nạn nhân của CSVN.

            Tối hôm đó, hai Mẹ con chúng tôi tâm sự đến khuya trong niềm vui đoàn tụ lẫn nỗi buồn sắp chia ly. Thao thức trằn trọc không ngủ, tôi nhớ lại ngày xưa còn bé, có lần được ghé vùng biển Hải Hậu, Nam Định, nhìn những cánh buồm ở chân trời, tôi khao khát được đi xa, được đặt chân đến những vùng đất hoang lạ ở một nơi nào đó… Nhưng bây giờ, sau những năm tháng trôi dạt, trở lại căn nhà xưa có Mẹ già, tự dưng tôi thấy lòng mình trùng xuống trong muôn nỗi xót xa, và tôi chỉ muốn dừng chân, cắm bến, mãi mãi được sống bên cạnh Mẹ, dù cho có nghèo khổ, rau cháo qua ngày….

            Vì tình hình an ninh ở Hà Nội lúc đó rất chặt chẽ, ở thêm ngày nào sẽ nguy hiểm ngày ấy, nên ngay sáng hôm sau, tôi đến nhà anh Z, ở ngay khu ga Hà Nội (trước là ga Hàng Cỏ), để anh giúp đỡ cách vượt biên giới Việt Trung. Nhà anh Z trước ở gần khu tập thể Văn Chương, cạnh hồ Linh Quang, sau đổi về ở gần Cung Văn Hóa hữu nghị, cách sở công an thành phố không xa.

            Tôi biết anh Z qua lời giới thiệu của một người bạn trọ chung phòng ở Nam Định. Đó là một cuộc gặp gỡ tình cờ, nhưng không ngờ cuộc gặp gỡ đó lại quyết định cuộc đời của tôi. Nguyên do, trên đường từ Sàigòn ra Hà Nội, tôi đã xuống ga Nam Định và ở lại đó hai ngày hai đêm. Đêm đầu tiên vì trời quá khuya, không tiện tìm đến nhà người quen, nên tôi phải ngủ tại một nhà trọ bình dân, cách ga xe lửa không đầy 500 thước. Sau khi đưa giấy tờ cho nhân viên nhà trọ ghi tên tuổi, địa chỉ, tôi đóng tiền trọ, rồi theo chân một cậu bé tuổi khoảng 15, dắt đến một chiếc giường cũ kỹ, trên trải một chiếc chiếu đã ố vàng. Cả nhà trọ rộng khoảng 80 thước vuông, chiều ngang 6 mét, chiều dài hơn chục mét. Dọc theo nhà trọ là hai dẫy giường kê theo từng cặp liền nhau, cặp nọ cách cặp kia khoảng hơn thước. Khi tôi đến đã thấy có một người đàn ông nằm trên chiếc giường kê sát giường của tôi.

            Thấy tôi, anh niềm nở ngồi dậy chào hỏi làm quen, thái độ rất chân tình. Anh cho biết tên là H., quê của anh ở Vụ Bản. Anh phải lên Nam Định xin giấy tờ của tỉnh để bán nhà từ đường. Vì nhà thuộc quyền sở hữu của người anh cả, nhưng anh cả đi bộ đội, chết ở chiến trường B (Miền Nam), nên chính quyền địa phương không chịu chấp thuận cho sang tên nhà đất.

            Chuyện trò tâm tình với anh, tôi cũng tự giới thiệu tên tôi là Cường (như tên giả ghi trong giấy tờ), cán bộ nông lâm súc, trên đường ra Hà Tây công tác. Đang nói chuyện thì có công an khu phố đến điểm danh khách trọ. Y đọc to tên từng người có trong danh sách, và khi đọc đến tên ai, người khách trọ đó phải đứng dậy hô to, “có mặt”. Phần dùng tên giả chưa quen, chưa thực sự nhập vai, phần thấy màn điểm danh khách trọ cũng hay hay nên tôi lặng lẽ theo dõi với sự thích thú, quên cả việc hô “có mặt” khi người công an đọc to tên của tôi: “Nguyễn Văn Cường”. Thú thực, khi đó tôi có nghe người công an đọc tên, nhưng cứ đinh ninh “Nguyễn Văn Cường” là tên của người khác, đâu có biết đó là tên giả của mình.

            Mãi đến khi người công an đọc tên tôi lần thứ ba, kèm theo số giường, anh H. mới nhìn tôi ngạc nhiên:

            – Ủa, công an đọc tên anh, sao anh không lên tiếng?

            Tôi giật mình, sực nhớ ra tên giả của mình, bèn hốt hoảng đứng dậy hô to: “Có mặt”. Tên công an đứng ở trên bậc thang lừ lừ nhìn tôi rồi quát một tiếng gọn lỏn:

            – Điếc hả!

            Tôi tính trả lời, nhưng nghĩ sao, tôi lại im lặng, chịu đựng. Dù sao mang tiếng “điếc” cũng còn hơn bị tên công an phát hiện ra mình dùng “tên giả”.

            Tối hôm đó, anh H và tôi trò chuyện tới khuya. Nói đúng hơn, anh H nói nhiều, còn tôi thì chỉ nghe. Vì lạ nước lạ cái, gặp nhau trong quán trọ, cộng với hoàn cảnh của tôi lúc đó đâu có tiện cho tôi phơi bầy phế phủ với anh.

            Sáng hôm sau, anh mời tôi đi ăn sáng. Tôi lưỡng lự rồi nhận lời. Anh H có vẻ thông thuộc đường phố Nam Định. Đi khoảng 10 phút, anh dẫn tôi vô một tiệm ăn vắng vẻ, chủ quán là một bà cụ, tuổi ngoài 60, trông có vẻ nghễnh ngãng. Chẳng cần hỏi ý kiến tôi, anh tự động gọi hai tô miến gà “có người lái”. Quay sang tôi anh giải thích:

            – Ở đây chỉ có một món miến gà, nên tôi gọi luôn hai tô…

            Bà cụ bưng ra hai tô miến gà lõng bõng nước, vài miếng thịt chặt nhỏ. Khi bà cụ đi xa, anh H. nhoài người, mặt anh dí vào mặt tôi, hỏi:

            – Chú mày tên thật là gì?

            Tôi lúng túng, ngạc nhiên và giật mình không biết trả lời sao. Anh mỉm cười thân thiện, và đột ngột thay đổi cách xưng hô:

            – Tớ biết, tên của chú mày không phải là Cường?

            Thấy anh như vậy, tôi đành phải thú nhận:

            – Chẳng nói giấu gì anh, hoàn cảnh của tôi có nhiều chỗ éo le, khó nói, nên phải dùng tên giả…

            Anh H xua xua tay:

            – Khỏi nói, khỏi nói. Tối qua nhìn mặt chú mày là tớ biết. Chuyện gì đã khó nói, thì chú mày cứ giữ ở trong bụng. Còn chuyện gì khó khăn, muốn tớ giúp đỡ thì cứ nói. Tớ tuy nghèo kiết xác, tiền bạc không có, nhưng bằng hữu thì đông. Trước kia, tớ là dân buôn trâu bò, nên giao thiệp rộng, bạn bè tỉnh nào cũng có…

            Sau một thoáng cân nhắc, tôi thú thực với anh H một phần cuộc đời của tôi và ý định vượt biên qua ngả biên giới Việt Trung. Nghe xong, anh cười lớn, sảng khoái:

            – Chuyện gì cậu nhờ thì tớ còn phải suy nghĩ, chứ chuyện vượt biên qua ngả biên giới Việt Trung thì là nghề của tụi này. Cả đàn trâu mấy trăm con, tụi này còn đưa lậu từ Phòng Thành, qua Đông Hưng vô Móng Cái được, huống hồ chuyện đưa chú mày qua bên ấy. Chú mày yên trí, chuyện này tớ sẽ lo được.

            Nghe anh H nói tôi vô cùng mừng rỡ, nhưng cũng rất phân vân. Sau một thoáng lo ngại, tôi thú thực:

            – Được anh giúp đỡ tôi rất mừng. Nhưng thưa với anh, tôi chẳng có tiền bạc gì…

            Anh H cười gạt đi:

            – Khỏi lo, khỏi lo. Nói thực với chú em, chuyện vượt biên này đâu có tốn kém gì. Mạng lưới buôn trâu của tớ từ biên giới về các tỉnh thì vẫn còn đó. Khi thì buôn trâu, khi thì buôn hàng họ, đủ thứ, gặp cái gì buôn cái đó. Bây giờ tớ chỉ cần gửi gắm chú mày với lão Z ở Hà Nội là chú mày cứ yên tâm đi thẳng một lèo qua biên giới. Bảo đảm không gặp trục trặc gì.

            Tôi ngạc nhiên:

            – Lão Z?

            Anh H cười:

            – Lão Z là biệt hiệu của tụi tớ đặt cho lão, chứ lão còn trẻ măng à. Mới ngoài 30 tuổi thôi. Nhà lão ở gần chùa Xã Đàn, Hà Nội. Chú mày ở Hà Nội có biết hồ Xã Đàn không nhỉ?

            Tôi mừng rỡ:

            – Dạ hồ Xã Đàn cạnh khu tập thể Nam Đồng?

            – Thì chỗ đó đó… Trước làm ăn được, có cơ ngơi ngang dọc đủ cả, nên bố lão Z ở đó. Sau này buôn bán bị thua lỗ, cơ ngơi bán sạch, chỉ còn có mỗi cái chuồng trâu, nên bố lão Z mới cho con về ở đường Lý Thường Kiệt, gần đài phát thanh Việt Nam… Bây giờ tớ cho chú mày địa chỉ của lão. Chú mày học thuộc lòng nghe. Đừng viết ra giấy, lỡ có chuyện gì nguy hiểm cho lão…

            còn tiếp

            Comment


            • #81

              TÔI ĐI TÌM TỰ DO (Nguyễn Hữu Chí)

              Hữu Nguyên


              KỲ 80

              Ngay ngày hôm sau, theo địa chỉ của anh H cho, tôi tìm đến nhà của anh Z vào lúc 10 giờ sáng. Đó là căn nhà một tầng, bằng gạch, xây cất theo lối Hà Nội cổ, cánh cửa gỗ nặng nề, bụi bặm bám đầy, trông tựa nhà hoang. Sau giây phút ngần ngừ, tôi bấm chuông. Lắng nghe một hồi không thấy động tĩnh gì kể cả tiếng chuông cũng không

              thấy, tôi bấm chuông hai ba lần nữa, vẫn im lìm. Đang tính bỏ đi, bỗng nhiên có tiếng đàn ông, ngay sau cánh cửa, hỏi nhỏ nhưng rõ ràng, oai vệ:

              – Ai đó?

              Tôi lễ phép:

              – Thưa tôi là bạn của anh H, được anh bảo đến đây tìm anh Z…

              Một thoáng im lặng, rồi tiếng người đàn ông:

              – Ở đây không có ai là “anh Z”, chỉ có “lão Z” thôi.

              Tôi sực nhớ ra lời dặn của anh H, vội nói:

              – Dạ đúng, anh H dặn tôi đến tìm “lão Z”. Tôi nói lộn…

              Cánh cửa gỗ dầy bằng lim đen từ từ mở, tiếng bản lề rít lên khô khan, có vẻ như lâu lắm nó chưa đón người khách nào.

              Trước mặt tôi là một cụ già tuổi khoảng bảy tám chục, da hồng hào, râu tóc bạc như cước, chòm râu dài đến ngực. Mới thấy cụ, tôi đã đem lòng kính ngưỡng, vội cúi đầu kính cẩn:

              – Con chào cụ. Cụ tha lỗi, con nghe tiếng nên không biết…

              Cụ cười phúc hậu:

              – Tôi là ông nội của “lão Z”. Mời anh vô đi… Theo tôi, theo tôi…

              Dứt lời, cụ quay lưng bước đi với vẻ tráng kiện, nhanh nhẹn. Tôi đi theo cụ qua một phòng khách nhỏ, kế đến là sân lát gạch bát tràng màu gan gà, rồi tới phòng khách thứ hai rộng hơn, đầy đủ tiện nghi hơn. Cụ mời tôi ngồi xuống chiếc tràng kỷ bằng gỗ. Nhìn chung quanh, tôi thấy cách trang trí đậm đà màu sắc nhà cổ Hà Nội. Tất cả mọi vật trong phòng đều làm bằng gỗ lim đậm. Từ kèo cột, nóc nhà đến sàn nhà; từ bức hoành phi, hai câu đối, đến các bức tranh, bàn ghế,… tất cả đều bằng gỗ.

              Cụ pha nước trà cho tôi uống rồi ân cần hỏi chuyện. Tôi cũng thành thật đem chuyện tôi gặp H ở Nam Định trong hoàn cảnh nào, H biết tôi dùng tên giả ra sao, dặn dò tôi tới “lão Z” để được giúp đỡ như thế nào,… nhất nhất thuật lại cho cụ nghe.

              Nghe xong chuyện, cụ vuốt râu cười ha hả rồi sảng khoái nói:

              – Anh thật thà với tôi như vậy tôi rất cảm động. Tôi cũng chẳng cần biết vì sao anh phải dùng tên giả. Thời buổi này, tri kỷ tri bỉ với nhau vậy là đủ, phải không anh? Còn tôi, chẳng nói giấu gì anh, “lão Z” là cháu nội của tôi. Tôi người gốc Lộc Bình, Lạng Sơn, sống bằng nghề buôn trâu được mấy đời rồi. Từ thời Pháp lận. Ngày đó thì khấm khá lắm. Con trâu là đầu cơ nghiệp mà anh. Các cụ mình đã chẳng nói, “Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà. Cả ba việc ấy ắt là khó thay”… Con trâu nó to tát như vậy nên các cụ nhà mình mới nói là “tậu”, nó cũng giống như tậu nhà, tậu ruộng vậy mà. Buôn trâu nhờ vậy nó mới phất dễ. Nhưng sau này thì khốn khó đủ đầu. Mà sau này khốn khó đâu chỉ có nghề buôn trâu đâu, cái thời quỷ ngự trị thế gian này thì anh biết rồi đó, có nghề nào được sống cho ra hồn đâu… Anh ngồi chơi uống nước đi… “lão Z” cũng sắp về bây giờ rồi…

              Quả nhiên, tôi ngồi nói chuyện với cụ được một lúc thì “lão Z” về. Thoạt trông, tôi hiểu ngay tại sao anh có tên “lão Z”. Thì ra gương mặt của anh tuy còn rất trẻ, chỉ mới khoảng trên dưới 30, nhưng mái tóc của anh bạc trắng. Anh có thân hình cao to, lưng hơi khòng, bước đi vòng kiềng, mắt lồi, lông mày xếch, ngoại trừ có miệng rộng và mũi to hình trái mật, chứng tỏ là người đởm lược giống ông nội, còn thì bề ngoài anh trông khác hẳn ông nội.

              Sau khi nghe tôi kể đầu đuôi câu chuyện đã gặp H và toan tính vượt biên qua biên giới Việt Trung của tôi, “lão Z” trầm ngâm một lúc, rồi nói:

              – Chuyện vượt biên sang Trung Quốc đối với tụi tôi thì không có khó, vì dân buôn trâu chúng tôi thông thuộc đường lối, đi về bên đó như cơm bữa, muốn đi lúc nào chả được, mà muốn qua chỗ nào cũng dễ. Thời đó bảo đưa anh qua biên giới thì dễ như trở bàn tay. Nhưng đó là ngày xưa. Còn kể từ khi nhà nước ta có chính sách chống

              Trung Cộng bá quyền khu vực, thì tình hình dọc theo biên giới hai nước rất là căng thẳng, lúc nào cũng như sắp đánh nhau to. Hầu hết các làng xóm, thị trấn dọc theo biên giới bây giờ đều được lệnh “tiêu thổ” chuẩn bị chiến tranh chống quân Tàu xâm lăng, nên tất cả những “chốt” của tụi này đều chẳng còn…

              Tôi băn khoăn hỏi:

              – Theo anh thì liệu quân Tàu có xâm lăng mình không?

              – Thì hai nước chửi nhau còn hơn kẻ thù. Cứ nghe đài phát thanh, nhà nước mình chửi tụi Tàu cộng bây giờ còn gấp mấy chửi Mỹ ngày xưa. Mà tụi Tàu thì người đông, gạo thóc không đủ ăn, nên chúng đang muốn xua quân dùng chiến thuật biển người xâm lăng mình để nướng quân mà anh. Thiệt tình, bây giờ thì chả còn “môi hở răng lạnh” mà cũng hết cả “núi liền núi, sông liền sông, chung một tiếng gà gáy cùng”… Đúng là nghĩa tình sớm nắng chiều mưa.

              – Anh nghĩ bao giờ thì Trung Cộng xâm lăng.

              – Chuyện đó làm sao tôi biết được. Nhưng nếu anh muốn vượt biên sang Trung Cộng thì phải đi càng sớm càng tốt. Bây giờ Trung Cộng còn cho người Hoa về nước, thì tốt nhất anh cứ đóng giả người Hoa, trà trộn về nước với họ, qua ngả Lạng Sơn hoặc Móng Cái. Chứ chờ đến sau khi hai nước đánh nhau thì chẳng còn có cơ hội nào nữa đâu.

              Ngưng một chút suy tư, anh nói tiếp:

              – Theo tôi thì tốt nhất bây giờ anh nên trà trộn với người Hoa, đi tàu chợ đến Lạng Sơn, rồi từ Lạng Sơn anh đi gặp ông MN là “chốt” của tôi ở đó. Ông ta sẽ chỉ dẫn cho anh cách qua biên giới an toàn.

              – Còn ngả Móng Cái đi có dễ không?

              – Ngả Móng Cái thì gian nan lắm. Đi ngả này chỉ có thể đi xe lửa từ Hà Nội đi Hải Phòng. Còn từ Hải Phòng đi Móng Cái toàn đường lộ, phải đi xe hơi. Mà đi xe hơi thì dễ bị công an xét hỏi giấy tờ lôi thôi, rất nguy hiểm. Nhất là từ vùng Đam Hiền, Đại Điền lên đến Yên mô, Long Kiềng, Móng Cái, bây giờ toàn bộ đội, công an không à. Dân ở vùng này chỉ còn loáng thoáng thôi. Anh vô đó bây giờ là anh có cảm tưởng như vô doanh trại bộ đội vậy đó.

              – Nếu đi xe sợ bị xét giấy tờ lôi thôi, anh nghĩ tôi có thể đi bộ từ Hải Phòng đến Móng Cái được không?

              Lão Z trợn mắt nhìn tôi:

              – Bộ anh điên hả? Từ Hải Phòng đến Móng Cái cả mấy trăm cây số, đi bộ làm sao được. Nhất là thời tiết này đang sắp bước vào mùa đông, lãnh lẽo vô cùng… Tốt nhất anh cứ nghe tôi đi đến Lạng Sơn, rồi sẽ có người nhà của tôi giúp đỡ cho anh qua biên giới. Mà anh phải lo liệu nhanh nhanh mấy được… Thêm ngày nào là khó khăn thêm ngày ấy.

              Sau một phút suy nghĩ, tôi nhớ đến người bạn tù, quê ở Hải Phòng. Tuy anh này vẫn còn ở trong tù, nhưng tôi vẫn nhớ địa chỉ của gia đình anh. Tôi biết, sau khi tôi trốn tù, nhà cầm quyền địa phương chắc chắn chỉ theo dõi gia đình của tôi. Còn đối với gia đình của các bạn tù, thì họ sẽ không để ý. Vì vậy, nếu tôi thận trọng, tôi có thể đến nhà của anh M để nhờ vả. Biết đâu, gia đình anh chẳng giúp tôi vượt biên theo ngả Móng Cái? Nghĩ vậy, tôi hỏi thêm “lão Z”:

              – Nếu đi ngả Lạng Sơn không trót lọt, tôi sẽ trở lại Hà Nội đi ngả Móng Cái, có được không?

              “Lão Z” gật đầu:

              – Được chứ sao không. Khi đó, tôi sẽ gửi anh cho một người bạn ở Hải Phòng. Anh chàng này là dân giang hồ thứ thiệt, chì khỏi chê.

              Tôi mừng rỡ, hỏi anh:

              – Vậy anh có thể cho tôi luôn tên và địa chỉ của anh ta được không? Lỡ có chuyện gì, đi Lạng sơn không thành thì tôi sẽ đáp xe lửa đi thẳng Hải Phòng, khỏi đến đây làm phiền anh…

              “Lão Z” lắc đầu:

              – Chuyện đó để sau tính. Bây giờ anh đi đường Lạng Sơn thì cứ biết đường Lạng Sơn. Khi nào không thành, anh về đây đi đường Móng Cái thì lúc đó hãy hay…

              Sau đó “lão Z” cho tôi tên và địa chỉ người thân ở Lạng Sơn, nhưng bắt tôi học thuộc lòng ngay tại chỗ, chứ không cho tôi ghi chép. Sự cẩn thận của anh, chứng tỏ anh là người rất từng trải.

              Khoảng hạ tuần tháng 8 năm 1978, tôi đáp tàu chợ đi Lạng Sơn. Trên tàu, hầu hết hành khách là người Việt gốc Hoa. Những người Hoa từ Miền Nam thì đa số nói tiếng Hoa. Còn người Hoa từ Miền Bắc thì lại nói tiếng Hoa rất ít, vì chính sách đồng hoá bắt học đọc, học nói, học viết tiếng Việt, của nhà cầm quyền Hà Nội trong suốt mấy chục năm kể từ khi CS chiếm đóng Miền Bắc. Trên suốt chặng đường từ Hà Nội đi Lạng Sơn, tôi được người Hoa ở Miền Bắc kể lể không biết bao nhiêu chuyện công an, bộ đội cộng sản Việt Nam tàn ác, cướp bóc của cải, phá phách nhà cửa, tiệm buôn… của người Hoa. Có nhiều chuyện nghe thật thê thảm, không biết bao hàng xóm láng giềng Hoa Việt, suốt bao nhiêu thế hệ sống có tình có nghĩa, sớm lửa tối đèn có nhau, bỗng nhiên bị hâm nóng bởi ngọn lửa tuyên truyền của CS, bỗng một sớm một chiều trở thành thù nghịch, tìm mọi cách để giết hại nhau.

              Dọc đường từ Hà Nội đi Lạng Sơn, tôi cũng chứng kiến hàng đoàn xe quân sự chở đầy bộ đội, tiến về phía bắc. Ngoài ra, xe tăng, đại pháo và những đoàn bộ đội, trang bị đầy đủ súng ống, cũng lũ lượt đổ về phương bắc.

              Tôi đến được ga Đồng Đăng vào chiều tối Thứ Bảy cuối tháng 8. Tôi không nhớ chính xác đó là ngày nào, nhưng tối hôm đó trời mưa phùn và rất lạnh. Ga Đồng Đăng là ga đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam trên tuyến đường từ Trung Quốc sang Việt Nam. Cả sân ga lúc đó ồn ào, náo loạn, hệt như một nhà ga trong chiến tranh. Thêm vào đó, những chiếc loa trên sân ga ầm ĩ phát thanh những bài chửi bới Trung Cộng thật thậm tệ.

              Vượt khỏi trí tưởng tượng của tôi, toàn bộ nhà ga Đồng Đăng lúc đó đầy bộ đội, công an biên phòng và các lực lượng dân quân du kích. Tất cả những người Hoa từ trên tàu bước xuống đều bị đám công an và bộ đội biên phòng dồn vào một góc sân ga. Tiếng kêu hét, tiếng gọi nhau, tiếng khóc la, ầm ĩ, huyên náo cả một góc trời…

              Một người công an mặc áo bốn túi, không đeo quân hàm, không đội mũ, cầm một chiếc loa bằng sắt tây, nói lớn bằng tiếng Việt. Một người công an khác đứng cạnh, cầm một chiếc loa khác, nhắc lại những lời của người công an kia, bằng tiếng Quảng và tiếng Quan Thoại. Đại ý, người công an báo cho mọi người biết, chính quyền Trung Cộng đã quyết định đóng cửa biên giới, không chịu cho người Hoa về nước, bất kể họ có chiếu khán nhập cảnh do toà đại sứ hay lãnh sự của Trung Cộng tại Việt Nam cấp hay không. Vì vậy, tất cả mọi người phải chấp hành nghiêm chỉnh lệnh cư trú tạm thời ở trong nhà ga, trường học, và những căn nhà hoang quanh ga Đồng Đăng. Để bảo vệ an ninh và tính mạng của mọi người, không một ai được phép qua ải Chi Lăng cũng như qua biên giới. Bất cứ ai bất tuân lệnh sẽ bị lực lượng biên phòng “xử lý” tại chỗ.

              Sau khi viên công an nói tiếng Hoa dứt lời, mọi người xôn xao bàn tán. Tiếng la ó, chửi bới, khóc than càng thêm ầm ĩ. Tôi nghe tin cũng thấy chán nản, nhưng không đến nỗi tuyệt vọng. Vì phương án vượt biên giới của tôi ngoài cách trà trộn với người Hoa, còn có cách nhờ ông MN, một trong những “chốt” buôn trâu được “lão Z” gửi gắm. Yên tâm với phương cách này, tôi lặng lẽ kiếm một góc kín đáo trong nhà ga, nằm ngủ, với ý định sẽ tìm gặp MN vào ngày mai…

              còn tiếp

              Comment


              • #82
                TÔI ĐI TÌM TỰ DO (Nguyễn Hữu Chí)

                Hữu Nguyên


                KỲ 81

                Sáng hôm sau, tôi dậy sớm, hỏi thăm đường đến nhà ông MN. Hỏi ba người trong ga, cả ba đều lắc đầu không biết. Đi ra ngoài sân ga, nhìn đường phố vắng vẻ, không có một ai, cả thị trấn giống như một thành phố đã chết. Băng sang bên kia đường, tôi gặp một cụ già, bị cụt mất một chân, mặc chiếc áo của người thiểu số, không hiểu là áo của người Nùng hay Mèo, nhưng lại mặc chiếc quần bộ đội cũ đã bạc mầu. Nghe tôi hỏi, cụ ngạc nhiên, nhìn tôi từ đầu đến cuối rồi nói, giọng lạnh lùng:

                – Phố xá đây đi tản cư hết rồi. Chẳng còn ai ở đó đâu mà kiếm.

                Chỉ tay một vòng chung quanh ga, cụ tiếp:

                – Cả cái thị trấn Đồng Đăng này, cả cái huyện Cao Lộc này đều được lệnh tản cư hết rồi. Tất cả bây giờ là vườn không nhà trống để chống tụi Trung cộng bá quyền xâm lăng. Bộ anh không biết chuyện đó sao?

                Nghe cụ nói đi nói lại hai lần chữ “tản cư” tôi ngạc nhiên. Thông thường, người ở Miền Bắc hay dùng chữ “sơ tán”. Còn “tản cư” là từ thông dụng thời trước 1954. Nghe cụ hỏi, tôi lúng túng:

                – Thưa cụ, tôi từ xa tới, tìm kiếm người bà con, nên không biết…

                Cụ nhìn tôi từ đầu đến chân một lần nữa, rồi gật gù:

                – Anh không phải người Hoa. Tôi biết. Vậy làm sao anh lại có họ hàng với hắn. Anh đến tìm thằng MN làm gì? Hắn bị công an bắt cả tháng nay rồi. Bị bắt về tội buôn lậu trâu qua biên giới.

                Tôi ngạc nhiên lẩm bẩm, “Bị bắt về tội buôn lậu trâu!”

                Cụ già nhìn tôi lắc đầu, rồi thấp giọng thì thầm:

                – Thì đó là tội mà mấy người dân ở đây họ nói như vậy, chứ lão biết hắn ta bị bắt vì tội làm gián điệp cho Trung cộng…

                Tôi giật mình, nhưng cố giữ vẻ mặt bình tĩnh. Ông cụ tiếp:

                – Nói đúng ra thì hắn cũng chẳng có làm gián điệp gì đâu. Đi buôn lậu trâu qua biên giới thì phải quen biết, quà cáp, kết thân cả hai bên. Chuyện đó lâu lắm rồi, cả chục năm trước lận, ai mà chả biết. Nhưng đến lúc lộn xộn, hai nước thành thù nghịch thì công an họ phải tóm cổ hắn trước để đề phòng làm nội gián cho địch đó mà.

                Chỉ tay vào chiếc chân cụt, cụ già nói:

                – Còn lão cũng may, vì cái chân cụt này nên tụi nó tha, chứ không thì lão cũng bị họ bắt rồi. Trước đây lão cũng bị bắt lên bắt xuống chỉ vì cái tội đi lính cho Pháp. Mà thời đó gia đình lão không đi lính cho Pháp thì lấy gì ăn. Vậy mà từ khi hoà bình lập lại (1954) cho đến nay, họ cũng bắt lão cả thẩy mấy lần rồi. Hễ tình hình rục rịch, an ninh bất ổn là họ lại bắt lão vài tháng, có khi cả năm. Đợt lâu nhất là cái năm máy bay Mỹ bắn phá Miền Bắc, lần đó lão cũng bị họ bắt giam 4 năm lận…

                Sau khi nói chuyện với cụ, tôi hoàn toàn chán nản. Như vậy là việc đến gặp ông MN để nhờ ông giúp đỡ cho tôi vượt biên sang Trung quốc đã không thể được. Trong hoàn cảnh của tôi lúc đó, tôi chỉ có hai cách. Một là tiếp tục trốn tránh ở lại Đồng Đăng, chờ cơ hội khi nào Trung cộng mở cửa biên giới cho người Hoa về nước thì tôi sẽ trà trộn với họ qua biên giới. Hai là tôi phải tìm cách vượt biên giới một mình. Bằng không, tôi phải trở lại Hà Nội, tìm đến “lão Z” để nhờ lão giúp đỡ, vượt biên theo ngả Hải Phòng, Móng Cái.

                Tối hôm đó, tôi nằm nghĩ miên man. Việc trốn tránh ở lại Đồng Đăng tôi thấy rất nguy hiểm, và không biết phải chờ đợi cho đến bao giờ. Mà mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày tôi có thể bị công an VC phát hiện. Đó là chưa kể những khó khăn khác như ăn ngủ, tiền bạc thiếu thốn… làm sao đủ sống để tôi có thê ăn dầm nằm dề ngày này qua ngày khác. Vì vậy, tôi thấy chỉ còn có cách vượt biên giới một mình. Bình thường,

                chuyện này không có khó. Chỉ cần định phương hướng, rồi cắt rừng mà đi, gặp núi thì trèo, gặp sông suối thì lội, nhanh thì một vài giờ, lâu thì vài ngày đêm, tôi sẽ vượt qua được biên giới Việt Trung. Nhưng hiện tại, toàn bộ vùng biên giới ở các các cửa khẩu, việc canh gác vô cùng nghiêm mật, nên chuyện cắt rừng sẽ vô cùng nguy hiểm. Nếu chẳng may bị lọt vào tay bộ đội biên phòng VC thì dám mất mạng như chơi.

                Giữa lúc đang lo lắng tìm cách vượt biên, tình cờ tôi quen được một anh chàng người Hoa, tên là A Coóng, ở phố Hàng Bạc, Hà Nội. Anh cho tôi biết, cả gia đình họ hàng nhà anh đã trở về Trung quốc từ tháng trước. Riêng anh bị kẹt lại vì phải chờ lấy chiếu khán nhập cảnh của toà đại sứ Trung cộng ở Hà Nội. Anh bảo, nếu anh về nước có giấy nhập cảnh của toà đại sứ Trung cộng thì sẽ được đãi ngộ xứng đáng hơn, không phải đi về “nông xường” (công trường) sản xuất, mà được ở thành phố, thị xã, thị trấn làm ăn.

                Sau một hồi trò chuyện, tôi mới biết A Coóng cũng là dân buôn dọc qua biên giới. Khi ga Đồng Đăng bị đóng cửa vì những xung đột giữa hai quốc gia, A Coóng vẫn tiếp tục buôn bán qua biên giới ở vùng Bản Tả, cách Đồng Đăng khoảng 60 cây số về phía bắc. Chuyện trò thân mật và tin tưởng ở quyết tâm vượt biên sang Trung quốc bằng mọi giá của tôi, A Coóng mới rủ tôi đi bộ đến Bản Tả, rồi từ đó sẽ vượt qua biên giới Việt Trung.

                Sau một hồi suy nghĩ, tôi băn khoăn hỏi anh:

                – Tại sao mình không vượt biên đâu đó gần Đồng Đăng mà phải đi lên Bản Tả mới vượt biên được?

                A Coóng mỉm cười:

                – Chung quanh Đồng Đăng bây giờ có cả chục ngàn người Hoa muốn về nước, nên cả Trung cộng lần Việt cộng đều canh phòng biên giới rất kỹ lưỡng. Cả một vùng hơn chục cây số từ đây lên đến tận Khuổi Po, Nà Mát bây giờ là một con chim cũng không bay qua lọt. Việt cộng thì sợ gián điệp Trung cộng thâm nhập, mà Trung cộng thì sợ gián điệp Việt cộng thâm nhập. Mình vượt biên ở đây dù cho có qua lọt đi nữa, cũng sẽ bị Trung cộng nghi mình là gián điệp Việt cộng đem bắn bỏ.

                Ý kiến của A Coóng nghe có lý, nhưng tôi không hẳn đồng ý. Tôi hỏi:

                – Làm sao Trung cộng chỉ nghi ngờ mình là gián điệp mà có thể đem mình bắn bỏ được?

                A Coóng nhún vai:

                – Chiến tranh mà! Nó đem nướng dân nó vài triệu còn được huống chi đem vài mạng cóc chết như mình đi bắn bỏ.

                Tôi vẫn bảo thủ:

                – Nếu họ tin mình là gián điệp Việt cộng thì ít nhất họ cũng phải giữ lại điều tra để khai thác, chứ dại gì đem mình bắn bỏ ngay.

                A Coóng lại nhún vai:

                – Thì trước sau gì, nếu chú mày đã lọt vào tay Trung cộng là bị họ bắn bỏ. Bắn ngay hay chờ khai thác rồi bắn thì có gì khác đâu. Tôi là người Việt gốc Hoa, tôi đã từng buôn bán với họ cả mấy chục năm, tôi đâu có lạ gì họ. Thời “cách mạng văn hoá” họ giết người của họ như ngoé mà đâu có cần phải nghi ngờ gì…

                Tuy không đồng ý với A Coóng, nhưng cuối cùng tôi cũng đồng ý đi theo anh đến Bản Tả ngay tối hôm đó. Dù sao, trong hoàn cảnh của tôi lúc đó, bất cứ cơ hội gì giúp tôi sang được bên Trung quốc, tôi cũng vội vàng ôm lấy, mà không được phép chọn lựa.

                Vừa đi vừa nghỉ, chừng một đêm một ngày, chúng tôi đến Bản Tả vào chiều hôm sau. Dọc đường đi, tôi phải công nhận A Coóng rất thông thuộc địa hình, có tài đặt bẫy cầm thú và nấu nướng trong rừng.

                Khoảng chập choạng tối, A Coóng dắt tôi rẽ vào một con đường nhỏ, đi tới một căn nhà sàn, anh nói đó là nhà của người yêu cũ của ảnh. Anh bắt tôi đứng đợi anh ở dưới chân nhà sàn, rồi anh lên nhà một mình.

                Tôi mệt rũ rượi, hai chân mỏi nhừ, nên ngồi dựa vào cầu thang, thiu thiu ngủ lúc nào không hay. Đang ngủ thì giật mình vì có người lay lay vào vai. Mở mắt thì thấy A Coóng đứng bên cạnh cùng với một thiếu phụ, tay đang cầm bó đuốc bập bùng. Tuy ánh lửa không đủ sáng, nhưng tôi cũng thấy người thiếu phụ rất đẹp. A Coóng ra hiệu cho tôi đi theo anh lên nhà sàn. Tôi lẳng lặng đứng dậy đi theo.

                Bước vào trong nhà sàn, tôi thấy có một cụ già đang ngồi ở góc nhà, mắt nhắm nghiền. Giữa nhà là một đống củi, lửa cháy bập bùng. Bên cạnh là một mâm cơm, chủ yếu là khoai mì, củ mài và thịt heo khô, rất nhạt nhẽo và khó nuốt. Vừa ăn, A Coóng vừa buồn rầu không nói gì. Nhìn vẻ mặt của A Coóng, tôi không biết vì sao anh buồn. Lâu lâu, anh lại nói tiếng thiểu số với người thiếu phụ, nhưng tôi không hiểu đó là tiếng Mường, tiếng Thái, hay tiếng Nùng. Vì không thấy A Coóng nói gì với tôi, nên tôi cũng im lặng trong suốt bữa ăn.

                Ăn xong, người thiếu phụ dọn dẹp chén đũa rồi đi ra phía hiên sau. Chờ người thiếu phụ đi khuất, A Coóng thì thầm bảo tôi:

                – Vượt biên ở đây không được rồi.

                Tôi ngạc nhiên lo lắng nhìn A Coóng hỏi:

                – Sao vậy?

                – Họ rải mìn đầy khắp các con đường dọc theo biên giới. Trâu bò của dân đạp trúng mìn, chết ngổn ngang…

                Tôi giật mình. Nếu chuyện gài mìn dọc biên giới ở Bản Tả là thật thì chuyện vượt biên của chúng tôi ở đây chắc chắn là vô cùng nguy hiểm. Hoàn cảnh của tôi khiến tôi phải liều lĩnh chấp nhận mọi rủi ro, nhưng còn A Coóng, chắc chắn anh chẳng dại gì phải liều lĩnh như tôi. Tôi ngần ngại hỏi:

                – Bây giờ anh tính thế nào?

                – Trở lại Đồng Đăng chứ còn thế nào nữa.

                Tôi thở dài chán nản. Như vậy là tốn bao nhiêu công lao đi suốt từ Đồng Đăng tới Bản Tả, cuối cùng công cốc.

                Ngay sáng hôm sau, tôi và A Coóng lên đường trở lại Đồng Đăng. Lần đi, chúng tôi hăng say, vui vẻ và hy vọng bao nhiêu thì lần về buồn bã, chán nản và thất vọng bấy nhiêu. Cũng may trên đường trở về, chúng tôi không gặp khó khăn trở ngại gì. Ngay khi đến Đồng Đăng, tôi chia tay A Coóng, vì anh chấp nhận ở lại, chờ ngày Trung cộng mở cửa biên giới cho người Hoa về nước. Còn tôi, tôi không thể ở đó chờ đợi trong vô hạn, khi mà nguy hiểm đang rình rập bủa vây. Tôi quyết định trở về Hà Nội, để tìm được vượt biên qua ngả Móng Cái. Tôi biết, thị trấn Móng Cái bên Việt Nam và thị trấn Đông Hưng (Tống Hếnh, theo tiếng Quảng) của Trung Quốc, đối diện nhau và chỉ cách nhau có con sông Ka Long. Vì vậy, dù Việt cộng có rải mìn dọc theo biên giới, chúng cũng không thể nào rải mìn ở ngay giữa một thị trấn đông dân khi nào ở đó dân còn đang sinh sống, và chiến tranh giữa hai nước chưa xảy ra. Tôi hy vọng, sẽ đặt chân đến thị trấn Móng Cái trước khi hai nước xảy ra xung đột võ trang.

                Không may cho tôi, lúc đó, xe lửa từ Đồng Đăng đến Hà Nội không còn. Thì ra sau khi có lệnh đóng cửa biên giới của Trung cộng, nhà cầm quyền Việt Nam cũng ra lệnh ngưng không cho xe lửa chuyên chở người Hoa về Đồng Đăng. Do vậy, nếu tôi muốn về Hà Nội gấp, tôi phải đi đến Bắc Giang, mới có xe lửa về Hà Nội. Còn không, tôi phải đi bộ về Bản Thi, chờ ở đó nhiều tuần, mới có một chuyến xe lửa về Bắc Giang. Đường đi từ Đồng Đăng về Bắc Giang xa cả mấy trăm cây số, đi bộ phải mất cả chục ngày trời. Còn về Bản Thi thì gần, nhưng lại phải chờ nhiều tuần mới có xe lửa.

                Sau khi suy nghĩ, cân nhắc thiệt hơn, cuối cùng tôi lên đường đi Bản Thi trước. Nếu đến Bản Thi tôi đáp được xe lửa về Bắc Giang thì may. Còn không, tôi sẽ đi bộ tiếp về Bắc Giang. Trên đường đi, tôi sẽ tìm cách quá giang bất cứ loại xe tải nào nếu thuận tiện.

                còn tiếp

                Comment


                • #83
                  TÔI ĐI TÌM TỰ DO (Nguyễn Hữu Chí)

                  Hữu Nguyên


                  KỲ 82

                  Trên đường trở lại Bản Thi, tôi thấy người Hoa vẫn lũ lượt đổ về Đồng Đăng. Thì ra, hay tin Trung Cộng đóng cửa biên giới, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã tạm ngưng hoặc cho giảm số lượng các chuyến xe lửa từ Hà Nội đi Đồng Đăng. Nhìn cảnh các gia đình người Hoa buồn bã, khóc lóc, bồng bế, dắt díu nhau đi, trong đó có cả những cụ già lưng còng phải chống gậy, những người bệnh phải nằm võng, những em bé phải ngồi trong thúng để cha mẹ gánh, hoặc được cha mẹ địu sau lưng,… tôi mới thấy thấm thía thân phận muôn đời khốn khổ của người dân trong xã hội cộng sản. Và tôi cũng hiểu, những thân phận bất hạnh mà tôi gặp trên đường Hà Nội đi Lạng Sơn còn là những người may mắn so với hàng vạn người Hoa khác phải chết tức tưởi trong các trại cải tạo, các vùng kinh tế mới, cũng như trên đường vượt biển vượt biên. Ngoài ra cũng còn có những người Hoa ở khắp mọi miền của đất nước đã phải tự tử vì bị cộng sản o ép, cướp bóc của cải, tiền bạc…

                  Trong chuyến đi tàu chợ từ Hà Nội đến Đồng Đăng, tôi đã đóng giả người Hoa. Vì tàu chợ quá đông người Hoa, nên việc trà trộn của tôi không bị ai phát hiện. Nay một thân một mình trở lại Hà Nội, tôi bắt buộc phải thay đổi cách ăn mặc sao cho thích hợp. Sau khi ghé vô một quán nước bên đường, kín đáo quan sát người qua lại và lắng nghe mấy người khách trong quán trò chuyện, tôi thấy cách tốt nhất là đóng giả “thanh niên xung phong”. Khác với các đơn vị bộ đội thường kiểm soát chặt chẽ quân số, các đơn vị thanh niên xung phong bao giờ cũng lỏng lẻo hơn, khó kiểm soát hơn. Hơn nữa, với tôi lúc đó, đóng giả một thanh niên xung phong cũng dễ dàng hơn.

                  Để đóng giả thanh niên xung phong, đầu tiên tôi chỉ vô sạp bán quần áo cũ, mua một bộ đồ bộ đội cũ, một chiếc nón cối và một đôi dép râu. Tất cả những thứ này là đồ dùng hàng ngày của thanh niên xung phong, nhưng cũng được bầy bán nhan nhản ở Miền Bắc và bất cứ ai cũng có thể mua mặc. Thay bộ đồ thanh niên xung phong xong, tôi tìm đến một tiệm sách mua một tấm hình Hồ Chí Minh, cuộn tròn lại, và một cuốn sách “Ngục Trung Nhật Ký” của HCM. Hai vật này tuy chẳng phải là hành trang cần thiết cho người đi đường bình thường, nhưng tôi biết, với tôi lúc đó, nếu biết khai thác đúng lúc, đúng đối tượng, để tạo nên cái vẻ thật “tình cờ”, nhiều khi nó còn có giá trị hơn cả giấy thông hành. Quả nhiên, nhờ nó, tôi đã thoát chết ngay tối hôm đó…

                  Mặc bộ đồ thanh niên xung phong, tay cầm cuốn sách NTNK và bức hình HCM, tôi hỏi đường đến bưu điện địa phương để điều nghiên tình hình. Tới bưu điện, tôi đứng ở bên này đường, giả vờ chăm chú coi sách, nhưng thật sự là kín đáo quan sát người ra vô bưu điện. Quả nhiên, chờ không lâu, tôi thấy có một toán thanh niên xung phong ồn ào bước vô bưu điện. Tôi vội băng qua đường, bước vô theo họ.

                  Giống như hầu hết những bưu điện ở Miền Bắc, bưu điện ở đây cũng rất sơ sài và nghèo nàn. Một chiếc quầy bằng gỗ chạy dài suốt chiều ngang, phân chia giữa người bán và người mua. Ở góc phòng là một chiếc bàn gỗ ọp ẹp, cao ngang ngực, trên để một chén keo dùng để dán tem, nhưng keo khô cứng, ruồi bâu đầy. Chung quanh tường, ngoài mấy tầm hình lãnh tụ cộng sản Việt Nam như thường thấy ở bất cứ công sở, cửa tiệm quốc doanh nào trên Miền Bắc, còn có những khẩu hiệu chống đối Trung cộng và kêu gọi mọi người không ngừng nâng cao cảnh giác trước mọi âm mưu tuyên truyền đánh phá của “bá quyền Trung cộng”.

                  Bước tới quầy, sát cạnh mấy người thanh niên xung phong, tôi hỏi mua mấy chục con tem, phong bì, trong khi nhanh chóng và kín đáo quan sát mấy phong thư của mấy người thanh niên xung phong để trên quầy. Trên mỗi phong thư bao giờ cũng có hai phần, người gửi và người nhận. Tôi chỉ quan tâm phần người gửi, nên cố gắng nhớ thật nhanh, tên họ người gửi, đơn vị, địa chỉ. Sau đó, giả vờ viết phong bì, tôi ghi vội những chi tiết mình vừa thu thập. Cứ như vậy, trong thời gian ngắn ngủi khoảng 5 phút đồng hồ, tôi đã biết được ba đơn vị thanh niên xung phong khác nhau quanh huyện Cao Lộc, Lạng Sơn.

                  Sau khi bỏ thư xong, tôi bước ra ngoài bưu điện, đứng hút thuốc chờ đợi. Khoảng mười phút sau, một toán thanh niên xung phong khác đi tới. Cầm cuốn NTNK cố ý để cho bìa sách quay ra phía ngoài, tôi bước tới đon đả mời thuốc và chào hỏi người thanh niên đi cuối cùng:

                  – Chào anh. Anh cho tôi hỏi chút được không?

                  Người thanh niên đứng lại, nhìn tôi ánh mắt có vẻ dò xét, nhưng tay vẫn nhậm lẹ rút điếu thuốc tôi mời. Tôi niềm nở bật quẹt. Anh châm lửa, kéo một hơi thuốc thật dài, rồi ém khói. Nhìn những ngón tay ám khói thuốc vàng khè và điệu bộ hút thuốc của anh, tôi biết anh là dân nghiện thuốc thứ thiệt. Tôi rút thêm một điếu thuốc, thản nhiên cài lên vành tai anh, rồi thân mật vỗ vai anh:

                  – Tôi có thằng em đi thanh niên xung phong, đóng ở quận Cao Lộc, mà sao tôi tìm hoài không ra nó…

                  Anh chàng rít thêm một hơi thuốc thật sâu, ánh mắt lờ đờ, vẻ dò xét đã biến mất sau khói thuốc:

                  – Thằng em anh ở đơn vị nào?

                  Tôi nhắc tên một đơn vị mà tôi vừa coi lén được trong bưu điện. Người thanh niên cười hềnh hệch, đưa tay cho tôi bắt, và nói:

                  – Vậy là thằng em anh ở cùng tiểu đoàn với tôi, nhưng khác đại đội. Tôi tên Q. Còn anh tên gì?

                  – Tôi tên Lương. Tôi nhận được thư thằng em, nên vội lên thăm. Nó cho biết đơn vị của nó ở quận Cao Lộc, nhưng không nói rõ làng xã, nên tìm khó quá.

                  Sau đó, tôi niềm nở mời anh Q vô trong quán nước bên kia đường vừa hút thuốc, uống nước, vừa trò chuyện. Trong thời gian trò chuyện khoảng mười phút đồng hồ, hút hết ba điếu thuốc, ăn hết mấy viên kẹo vừng, anh vui vẻ cho tôi biết khá tường tận về đơn vị thanh niên xung phong của anh. Từ tên tuổi tiểu đoàn trưởng, đại đội trưởng, trung đội trưởng, đến cả chủ tịch xã, bí thư xã uỷ, bạn bè của anh… anh đều nhất nhất cho tôi biết. Anh cũng cẩn thận chỉ cho tôi biết đường đi đến đại đội thanh niên xung phong có “thằng em” của tôi. Tôi cố gắng nhớ hết tất cả những chi tiết anh nói để trong những ngày tới, trên chặng đường từ đây về đến Hà Nội, tôi sẽ sử dụng tất cả những chi tiết đó để đóng vai một thanh niên xung phong đóng tại quận Cao Lộc, Lạng Sơn, nay được đi phép về thăm nhà.

                  Chiều hôm đó, trong vai một thanh niên xung phong đi công tác, tôi đi bộ từ Đồng Đăng theo quốc lộ 4A tới thị xã Lạng Sơn. Trước đây, qua điều nghiên trên bản đồ, tôi biết từ thị xã Lạng Sơn, nếu tôi tiếp tục đi bộ theo quốc lộ 4B, tôi sẽ tới được Tiên Yên, Hải Ninh, Móng Cái, để rồi tại Móng Cái, tôi có thể bơi qua sông Ka Long, vượt biên sang bên Đông Hưng của Trung Cộng. Nhưng tuyến đường 4B không có xe lửa, còn nếu đi bộ thì tôi sẽ không đủ sức, vả lại tôi cũng không biết đường xá ra sao. Vì vậy, thay vì rẽ trái theo quốc lộ 4B, tôi quyết định rẽ phải, theo quốc lộ 1A để đi về Bắc Giang. Một khi đến được Bắc Giang, tôi hy vọng sẽ có xe lửa về Hà Nội. Bằng không, tôi sẽ cố gắng đi bộ tiếp về Bắc Ninh, nơi này chắc chắn sẽ có xe lửa, hoặc xe đò về Hà Nội thường xuyên mỗi ngày. Tôi tính toán thì như vậy, nhưng thực tế có những chuyện bất ngờ xảy ra làm đảo lộn tất cả mọi chuyện… Đầu đuôi câu chuyện bất ngờ đó như sau.

                  Sau khi rời khỏi thị xã Lạng Sơn được hơn chục cây số, thấy thỉnh thoảng có xe dân sự cũng như quân sự chạy cùng chiều, mà lần nào vẫy xe xin quá giang cũng không được, nên tôi tìm đến một khúc đường cua, khuân vài hòn đá lớn vứt ra đường. Sau đó, tôi ẩn trong bìa rừng chờ đợi. Khoảng nửa tiếng sau, hai chiếc xe chạy tới. Trời lúc đó mới chập choạng tối, nên tôi vẫn nhìn rõ từ xa, cả hai không phải là xe nhà binh, mà là loại xe tải, phía sau không có mui, trống trơn. Yên tâm, tôi chờ đợi sẵn sàng. Quả nhiên, khi chạy đến khúc quanh, gặp mấy tảng đá nằm ngổn ngang giữa đường, hai chiếc xe đều bấm còi ầm ĩ, rồi chạy chậm hẳn lại, đủ cho tôi bám vô chiếc xe sau, nhảy lên xe an toàn.

                  Ngồi trên xe, tôi thở một hơi dài khoan khoái. Từ phía sau, tôi ghé mắt nhìn quá ô kiếng nhỏ của buồng lái, thấy chỉ có một người tài xế, mặc chiếc áo cộc tay. Tôi yên tâm phỏng đoán, xe này sẽ chạy theo quốc lộ 1A tới Bắc Giang, hoặc ít nhất cũng phải tới Kép là khu vực công nghiệp lớn trong vùng. Từ Kép, tôi sẽ đi bộ tiếp tới Bắc Giang không bao xa. Như vậy nếu mọi chuyện tốt đẹp, chỉ nội tối mai, tôi sẽ có mặt tại Hà Nội. Chỉ có điều khi xe chạy tôi phải luôn luôn chú ý theo dõi đường xá, để bất cứ lúc nào, nếu xe quẹo vô rừng bất tử, tôi phải biết ngay để tìm cách nhảy khỏi xe. Tuy trong bụng nghĩ vậy, nhưng vì quá mệt mỏi, trời lại tối, nên ngồi trong xe được một lúc, chẳng may tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay….

                  Đang ngủ mê man trên sàn xe, bỗng nhiên tôi giật mình vì những tiếng đập rầm rầm ngay sát bên tai. Vừa mới kịp mở mắt, tôi đã thấy mấy ánh đèn bấm loang loáng chiếu thẳng vào mặt. Hoảng hốt, tôi vội dơ tay che mặt thì một bàn tay cứng, nháp, rất khỏe và thô bạo chộp lấy bàn tay tôi, rồi kéo mạnh, khiến cả người tôi không tự chủ, bỗng đứng bật dậy, hai chân tôi loạng choạng, trong khi cả người tôi chúi về phía trước. Sức kéo của người đàn ông rất mạnh, nên cả bả vai lẫn khuỷu tay của tôi bỗng đau buốt rồi tê đi. Giữa lúc tôi còn đang lao đao, đứng chưa vững, thì bàn tay của người kia khẽ xoay nửa vòng, khiến cánh tay tôi bị vặn trái như vỏ đỗ, và cả thân thể tôi cũng bị vặn theo. Tôi chỉ kịp kêu lên một tiếng đau đớn, thì đã thấy cả hai cánh tay của mình bị bẻ quẹo ra sau lưng, và bị khoá chặt trong hai bàn tay cứng như thép nguội. Dưới sức ghì của gã đàn ông, người tôi gập lại vì đau đớn… Trong ánh đèn bấm, tôi loáng thoáng thấy có mấy người đứng trên sàn xe. Có tiếng quát lơ lớ giọng Nghệ An:

                  – Mày là ai?

                  Tiếng quát chưa dứt, tôi đã quặn người vì một quả đấm móc xoáy ngay vô bụng.

                  Tiếng quá thứ hai:

                  – Ai cho mày lên xe?

                  Tiếng quát chưa dứt, lại một quá đấm xoáy thứ hai. Tôi đau nghẹn cả họng. Một luồng hơi lạnh buốt xông lên tận óc. Tôi đã từng bị đòn thù nhiều lần, nhưng quả thật chưa bao giờ tôi bị người khác đấm vào bụng mà lại đau khủng khiếp đến như vậy…

                  Tiếng một người khác, có vẻ người Hải Phòng, làu nhàu:

                  – Hỏi “thằng chệt” chó chết này làm quái gì. Cứ đập chết mẹ nó đi, rồi vứt xác xuống hồ…

                  Tiếp theo y giáng vào mặt tôi hai cái tát nảy lửa… Mắt tôi hoa lên, miệng mặn mặn. Giọng Hải Phòng lại làu nhàu chửi:

                  – Đ.M. mày! Mày vứt đá chặn đường ông để đi xe không vé, phải không?!

                  Câu nói chưa dứt, y đã đấm vào bụng, vào ngực tôi bốn năm quả. Những trái đấm của y tuy không đau đớn và hiểm độc bằng quả đấm xoáy đầu tiên, nhưng cũng làm cho tôi nghẹn thở.

                  Từ phía dưới xe, một người khác hét lên, giọng có vẻ chỉ huy:

                  – Tụi bây đưa nó xuống đây!

                  Nghe lệnh, tên có bàn tay thép liền kéo mạnh hai cánh tay, khiến cả người tôi rướn cong trong đau đớn. Cùng lúc, y co giò đạp mạnh vào lưng tôi, và buông hai bàn tay. Cả người tôi như chiếc diều đứt dây, bay khỏi xe, rớt xuống cỏ, lộn đi hai vòng… Tất cả mọi chuyện, từ khi tôi bị gọi dậy, cho đến khi bị đá té lộn trên sân cỏ, nói thì lâu, nhưng xảy ra trong chớp nhoáng. Thấy thái độ hung hăng, liều mạng, coi mạng người như ngoé của đám tài xế công nhân xe tải, tôi hoảng hốt nghĩ, chắc phen này tôi sẽ bị họ đánh chết. Nghĩ vậy, nên tôi cố gượng đứng dậy, tính chạy trốn, nhưng cả sống lưng nhức buốt, và cặp giò thì tê cứng… nên tôi lại té rụi xuống mặt đất.

                  Ngay lúc đó, tôi nghe tiếng người nhảy huỳnh huỵnh từ trên xe xuống đất, kèm theo tiếng la hét, reo hò đòi đánh tôi chết. Tôi vội lật ngửa người, nhìn lại, thì thấy trong ánh đèn bấm loang loáng, ba bốn bóng người lố nhố lao tới, trong đó có cả người cầm gậy… Tôi nhắm mắt tuyệt vọng, vội vàng dùng hai tay ôm kín lấy đầu, chờ trận đòn khủng khiếp giáng xuống người…

                  còn tiếp

                  Comment


                  • #84

                    TÔI ĐI TÌM TỰ DO (Nguyễn Hữu Chí)

                    Hữu Nguyên


                    KỲ 83

                    Giữa lúc tôi đang hoảng hốt, tuyệt vọng, hay tay ôm đầu, hai chân co lại để che bụng, ngực, và cả người cong như con tôm, gồng mình chuẩn bị chịu đòn, thì bỗng từ trên xe, có người la thật to:

                    – Ê, dừng tay! Đừng đánh nó nữa! Nó không phải chệt đâu!

                    Tiếng người khác hỏi lại:

                    – Sao mày biết nó không phải chệt?

                    Rồi có tiếng người khác hét lên:

                    – Tao bảo đảm nó là chệt đó mà. Cứ đập chết nó rồi quẳng xuống hồ cho cá ăn là xong.

                    Một giọng khác, nói có vẻ chỉ huy:

                    – Khoan. Tụi bây làm gì mà vội vậy. Nó có chạy mất đâu mà lo.

                    Có tiếng chân người nhảy từ trên xe xuống. Lúc này tôi mới hé mắt nhìn. Trong ánh đèn bấm loang loáng và ánh đèn điện vàng vọt từ cổng trại, tôi thấy mấy tên đang đứng vây quanh tôi, dáng điệu hung dữ, nhưng tất cả đều quay đầu về phía người từ trên xe nhảy xuống. Lúc đó, cả người tôi đau tê tái, nhưng qua ánh đèn, tôi vẫn nhìn thấy tên đó cầm trên tay cuốn sách Ngục Trung Nhật Ký và tấm hình Hồ Chí Minh. Tên đó cầm cuốn sách trao cho tên cao to đeo xà cột đứng giữa và nói:

                    – Báo cáo thủ trưởng, em thấy anh này mang theo cuốn Ngục Trung Nhật Ký của Bác thì anh ta không thể nào là người Hoa được.

                    Tên “thủ trưởng” cầm cuốn sách coi phía trước, lật phía sau, hỏi giọng hoài nghi:

                    – Mày có chắc cuốn sách này của y không?

                    – Thì xe của em xưa nay chỉ chở gỗ, có bao giờ chở sách đâu, thưa thủ trưởng.

                    Tên “thủ trưởng” chỉ tay vào bức hình cuộn tròn trong tay tên tài xế rồi hất cằm hỏi:

                    – Còn cái đó là cái gì? Mở ra coi…

                    Tên tài xế vâng lời, tháo dây, mở tấm hình… Nhìn tấm hình, thấy đó là hình Hồ Chí Minh, tên thủ trưởng vội quay ra quát:

                    – Đ.M. chúng bây, đánh đấm gì mà chẳng hỏi người ta một tiếng. Cứ nhắm mắt mà đánh thôi…

                    Dứt lời, tên “thủ trưởng” bước tới chỗ tôi nằm, thân mật cúi xuống nâng tôi đứng dậy và nói:

                    – Đồng chí tha lỗi cho tụi nó, vì chúng nó cứ tưởng đồng chí là điệp vụ Trung cộng trá hình.

                    Rồi một tay vỗ vỗ vai tôi, một tay nắm lấy tay tôi lắc lắc, tên “thủ trưởng” hỏi giọng ngạc nhiên:

                    – Mà sao đồng chí không nói ngay từ đầu, để cho hai bên khỏi hiểu lầm?

                    Tôi méo miệng, đau đớn:

                    – Thì các đồng chí đâu có hỏi nếp tẻ gì. Tự dưng tôi đang ngủ là xúm vô đánh tôi liên tục, có hở lúc nào đâu mà tôi nói…

                    Tên “thủ trưởng” cười xuề xoà:

                    – Thôi thôi, đồng chí thông cảm bỏ qua đi nghe. Bây giờ là lúc chúng ta cần phải đoàn kết trên dưới một lòng để đối phó với tụi Trung cộng bá quyền…

                    Tôi mỉm cười chua chát:

                    – Dù sao trước khi ra tay hành động, các đồng chí cũng phải hỏi han cho ra đầu ra đuôi…

                    Tên “thủ trưởng” thấp giọng:

                    – Nói thiệt với đồng chí, tháng trước chúng tôi bị tụi Trung cộng chơi một vố đau điếng. Hai chiếc xe bị đốt, một đồng chí tài xế bị chết thiêu, để lại vợ goá, con côi ba đứa. Vì vậy, tối nay khi xe về đến doanh trại, thấy đồng chí nằm ngủ trên xe là anh em cứ ngỡ là gián điệp Trung cộng đột nhập… liền vội vàng ra tay xử lý tại chỗ… Thôi thôi, những chuyện đáng tiếc đã qua thì mình cho qua luôn đi. Bây giờ mời đồng chí vô trong doanh trại tụi tôi làm tô cháo gà rồi anh em mình nói chuyện…

                    Tôi cố nén tiếng thở phào nhẹ nhõm. Vậy là tôi thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Cuộc đời quả thật có nhiều chuyện may rủi không thể nào lường trước được. Thôi thì tôi chỉ biết một lòng một dạ thành tâm cầu nguyện với Thượng đế, với Thầy và chị Phúc; và tôi sẽ cố gắng làm hết sức mình mà thôi. Thầy tôi mất lúc đó đã được hơn 4 năm. Tôi tin tưởng, Thầy tôi luôn luôn phù hộ cho tôi. Còn chị Phúc mất khi chị mới có 4 tuổi, tôi mới được 2 tuổi. Nhiều người thân của tôi vẫn nói chị Phúc của tôi mất khi còn bé như vậy nên rất thiêng. Những khi giỗ chạp, đốt hương trên mộ của chị, bao giờ cây nhang cũng cháy đỏ lừ dù trời thật lặng gió. Đã vậy, lần nào đốt nhang cũng có bướm trắng rất to xuất hiện, bay chập chờn trước mộ. Suốt thời gian mười mấy năm trời, kể từ khi biết nghĩ cho đến khi tôi phải lên đường đi bộ đội, năm nào Tết đến, dù lạnh lẽo, mưa phùn gió bấc đến thế nào đi nữa, tôi cũng lẽo đẽo theo Thầy về quê thăm mộ. Trong khi mộ Tổ bên nội cũng như bên ngoại và mộ Bà nội đều quây quần ở một chỗ cao ráo, được xây cất bề thế, đàng hoàng, thì không hiểu sao mộ chị Phúc của tôi lại cô đơn, lạnh lẽo ở mãi gần đền Xăng Ti, cách xa mộ Tổ tới 300 thước. Vì thế, lần nào đến thăm mộ chị Phúc, Thầy cũng bảo tôi đi kiếm gạch, đá, đất để đắp lại mộ cho chị. Và lần nào cũng vậy, khi đọc kinh cầu nguyện trước mộ chị Phúc xong, Thầy tôi cũng kể lại câu chuyện, mỗi khi chị Phúc uống thuốc khóc thảm thiết là tôi cũng khóc gào theo, nhất định không chịu để người lớn cho chị uống thuốc… Sau này, trải qua nhiều hiểm nguy trong cuộc đời, hay mỗi khi nghe người khác nói tôi được quý nhân phù hộ, chẳng hiểu sao bao giờ tôi cũng nghĩ tới chị Phúc của tôi!… Vì tôi chẳng hề biết mặt chị Phúc, nên mỗi khi nghĩ tới chị, trong óc tôi luôn luôn hiện lên hình ảnh một người con gái, mờ mờ ảo ảo, trong tà áo trắng tinh khiết và mái tóc đen dài buông xoã… Chỉ có vậy thôi!…

                    Trời lúc đó tuy tối, nhưng nhờ ánh đèn điện vàng vọt chung quanh trại tôi cũng thấy được hai chữ “Quyết Thắng” ở ngay trên cổng. Doanh trại là ba dẫy lán tập thể song song, dài khoảng hai chục thước, dẫy nọ cách dẫy kia khoảng mười thước. Tất cả đều giống nhau, làm bằng gỗ, vách nứa, mái lợp tranh, nền bằng đất nện lồi lõm. Hai đầu của doanh trại đều có bãi đậu xe, với khoảng vài chục chiếc đủ loại.

                    Bước vào dẫy lán ở giữa, tôi thấy có chiếc bàn gỗ sơ sài nhưng chắc chắn chạy dài cùng với hai hàng ghế làm bằng thân tre ghép chạy dọc hai bên. Trên bàn là nồi cháo thiệt to, bốc khói nghi ngút. Tên “thủ trưởng” cầm cuốn Ngục Trung Nhật Ký và bức hình Hồ Chí Minh đã cuộn lại, trịnh trọng đặt trước mặt tôi, rồi đích thân múc cháo ra chiếc bát sắt sơn xanh màu lá cây, trao cho tôi.

                    Trong lúc ăn, tên “thủ trưởng” cũng hỏi tên tuổi của tôi, làm gì, đi đâu, tại sao lại liều mạng nhảy xe quá giang… Với tất cả những tin tức tôi đã thâu lượm về các đơn vị thanh niên xung phong hiện đang đóng tại quận Cao Lộc, Lạng Sơn, tôi trả lời trôi chảy những câu hỏi của y. Qua thái độ thân thiện của tên “thủ trưởng”, tôi hiểu y hỏi cho qua chuyện, chứ y không hề mảy may nghi ngờ gì tôi. Tôi không ngờ cuốn Ngục Trung Nhật Ký và bức hình Hồ Chí Minh trong tay tôi lại có thể có giá trị to lớn xua tan mọi nghi ngờ của y đến như vậy. Cũng nhờ kinh nghiệm quý báu này mà sau đó, trên đường từ Hải Phòng đi Móng Cái, tôi tiếp tục dùng cuốn Ngục Trung Nhật Ký và bức hình Hồ Chí Minh để vượt qua nhiều trạm gác nguy hiểm của cộng sản. Thậm chí ngay cả khi thị trấn Móng Cái đã nằm trong tình trạng quân quản, trên mọi đường phố, các cửa tiệm của thị trấn đều kín đặc bộ đội các binh chủng, tôi vẫn lọt vô thị trấn một cách dễ dàng, đàng hoàng ngồi ăn ngay tại tiệm ăn của thị trấn, mà không một ai tra vấn giấy tờ. Lý do là trên bàn ăn, tôi đã để sẵn cuốn Ngục Trung Nhật Ký và tấm hình Hồ Chí Minh!

                    Ngay tối hôm đó, sau khi ăn cháo gà xong, mặc dù bả vai bên phải của tôi còn bị nhức buốt, tôi vẫn xin quá giang xe của đơn vị vận tải Quyết Thắng đi Bắc Giang. Khi chia tay, tên “thủ trưởng” còn dúi vào tay tôi gói thuốc lá và mấy viên kẹo dừa. Cả hai đều mang nhãn hiệu Trung quốc!

                    Người tài xế lái xe đi Bắc Giang là một thanh niên tuổi mới ngoài 20, tên là Hải. Tuổi tôi lúc đó cũng chỉ 26, nhưng không hiểu sao Hải cứ gọi tôi là chú, xưng con ngọt xớt. Tôi cũng không mất thì giờ cải chính. Hải người Hải Phòng, nhưng nói năng lễ phép, cử chỉ rụt rè, khác hẳn phần đông những tài xế gốc Hải Phòng thường ngang tàng, coi trời bằng vung, mở miệng là chửi thề.

                    Trên chặng đường từ Đông Sơn đến Bắc Giang, Hải kể cho tôi nghe những câu chuyện kinh tâm động phách của công ty lái xe Quyết Thắng. Thì ra ngay cạnh doanh trại của công ty có một cái hồ rất lớn. Ở đó, trong mấy tháng gần đây, các tài xế của công ty Quyết Thắng đã đánh chết rồi vứt xác xuống hồ rất nhiều người Hoa đi buôn lậu, khi họ đi quá giang xe của công ty. Tôi không biết chuyện của Hải đúng sai đến mức độ nào, nhưng quả thật tôi đã rùng mình khi nhớ lại lúc tôi bị đánh, đã có người hô to, đập tôi chết rồi vứt xác xuống hồ cho cá ăn! Nếu tôi không khôn ngoan mua cuốn Ngục Trung Nhật Ký và bức hình Hồ Chí Minh, có lẽ giờ này, tôi đã chìm sâu dưới hồ làm mồi cho cá…

                    Gia đình Hải cũng là cả một bi kịch, nạn nhân của chế độ cộng sản. Bố Hải trước 1954, đi lính cho Pháp. Đến khi Pháp và Việt Minh ký hiệp đình Geneva, cả gia đình đã định di cư vào Nam, nhưng vì bố Hải lo đi bán ngôi nhà ở Hà Nội, nên cả nhà bị kẹt lại. Sau đó, bố Hải bị đi cải tạo ở vùng rừng thiêng nước độc rồi bị chết vì sốt rét. Mẹ Hải là giáo viên dậy toán nên được chế độ cộng sản dùng một thời gian với đồng lương “thu dung”, sau đó bị sa thải. Em trai của Hải là Phòng mới 16 tuổi, đã bị chết vì đắp ụ pháo cao xạ chống máy bay Mỹ năm 1967. Hải là người con trai duy nhất còn lại nên được miễn “nghĩa vụ quân sự” không phải đi xâm lăng Miền Nam. Đến gần đây, trước nguy cơ bị Trung cộng bá quyền xâm lăng, công ty của Hải bị nhà nước trưng dụng thành lực lượng giao thông vận tải bán quân sự, nên phải chuyển từ Hải Phòng đến Lạng Sơn.

                    Xe chạy suốt đêm cho đến sáng hôm sau, tôi đến được thị xã Bắc Giang. Sau khi chia tay Hải, tôi hỏi thăm đường đến ga xe lửa, và chờ đến trưa hôm đó, tôi đáp chuyến tàu chợ về Hà Nội.

                    Xuống ga Hàng Cỏ, tôi định về nhà Mẹ, nhưng không hiểu sao, tôi thấy trong người nôn nóng bồn chồn lạ lùng. Tôi linh cảm có chuyện gì đó chẳng hay sắp xảy ra cho tôi. Cảm giác kỳ lạ này đã xảy ra với tôi vài lần, và lần nào cũng đúng, nên suy nghĩ một hồi, chẳng hiểu sao tôi quyết định đi bộ đến nhà “lão Z” để hỏi xin địa chỉ người quen của lão ở Hải Phòng. Để có thể quan sát từ xa nơi định đến có an toàn không, bao giờ tôi cũng có thói quen đi ở bên dẫy phố đối diện. Nhờ vậy hôm đó thật may mắn, khi cách nhà “lão Z” khoảng hơn 100 thước, tôi đã thấy một đám đông công an áo vàng và bộ đội tụ tập trước nhà lão…

                    Cặp cuốn sách Ngục Trung Nhật Ký trong nách, tay cầm bức hình Hồ Chí Minh, tôi cố giữ vẻ mặt thản nhiên đi qua nhà “lão Z” ở phía bên này đường. Qua được khoảng 200 thước, tôi tìm cách băng qua đường, để có thể đứng lại nhìn về phía nhà “lão Z” theo dõi động tĩnh. Sau vài phút, tôi thấy từ trong nhà lão một toán công an đi ra, cùng với hai bố con “lão Z” và một thiếu phụ. Cả ba đều bị còng tay và bị bịt mắt. Tất cả đều bị giải lên xe bít bùng. Không đầy 5 phút sau, xe tù chuyển bánh. Đám công an lên xe máy hai bánh hoặc ba bánh. Riêng đám bộ đội thì nhảy lên một xe tải quân sự có hai hàng ghế ở hai bên. Còn lại hai tên công an khác lặng lẽ đi vào trong nhà “lão Z” đóng kín cửa lại. Tôi đoán ngay, hai tên công an đó ở lại với mục đích âm thầm theo dõi và thộp cổ tất cả những ai đến thăm “lão Z” sau đó. Thấy vậy tôi sợ rợn cả người. Nếu tôi không tình cờ trở lại nhà “lão Z” đúng giờ phút đó, làm sao tôi nhìn thấy tận mắt cuộc bắt giữ hai bố con “lão Z”? Và nếu tôi trở lại gõ cửa nhà “lão Z” dù bất cứ lúc nào sau khi “lão Z” bị bắt, chắc chắn tôi cũng sẽ bị công an tóm cổ. Bây giờ nghĩ lại tôi mới thấy cải rủi ro bị đám tài xế của công ty Quyết Thắng hành hung, rồi được tha, được đi quá giang xe đến Bắc Giang,… là cả một loạt những diễn tiến trong cái rủi có cái may, để cuối cùng, cái may mắn lớn nhất của tôi là thoát khỏi còng sắt của công an đang chờ sẵn ở nhà “lão Z”.

                    Lững thững bước trở lại ga Hàng Cỏ, tôi quyết định, ghé thăm Mẹ vài tiếng đồng hồ rồi lên đường đi Hải Phòng ngay đêm hôm đó. Lúc ấy, tôi cảm thấy chung quanh tôi những nguy hiểm đang bủa vây, móng vuốt của kẻ thù đang rình rập, và nếu tôi lần khân ở lại Hà Nội thêm một hai ngày, chắc chắn tôi sẽ bị bắt.

                    Rất tiếc, tối hôm đó Mẹ tôi không có ở nhà. Căn nhà trong ngõ hẻm vẫn âm u. Ánh đèn điện vàng vọt từ ngọn đèn đường không đủ xua tan bóng đêm và những mảng tối đen thẫm của những toà nhà cao to chung quanh. Đẩy chiếc cổng gỗ, tôi bước vào trong sân, rồi tần ngần đứng trước cửa. Thò tay lên chiếc hộc quen thuộc, tôi vẫn thấy chiếc chìa khoá cửa Mẹ tôi giấu trên đó. Cầm chiếc chìa khoá trên tay lúc ấy, tôi rất muốn mở cửa, bước vô nhà nằm ngủ một giấc trên chiếc giường của Mẹ, để rồi giật mình xúc động khi được Mẹ tôi về nhà đánh thức dậy… Nhưng tôi hiểu, đằng sau mọi sự bịn rịn vì hạnh phúc luôn tiềm ẩn những nguy cơ. Nhất là trong hoàn cảnh của tôi lúc đó, dù có được hạnh phúc gặp lại Mẹ trong chốc lát thì rồi khi chia tay, tôi cũng chỉ mang lại cho Mẹ những khổ đau của biệt ly mà thôi…

                    Nghĩ ngợi một hồi, cuối cùng tôi thở dài đau đớn, bỏ lại chiếc chìa khoá vô hộc, rồi bước ra vườn. Tôi muốn tìm một bông hoa, nhưng không thấy nên tôi ngắt một cành lá chỗ gần ngọn không biết là của cây gì, đem nhét vào dưới khe cửa. Tôi hy vọng, khi trở về nhìn thấy cành lá, Mẹ tôi sẽ đoán biết, tôi đã trở lại thăm Mẹ!… Xong xuôi, tôi áp má vào cánh cửa, nói mấy lời thì thầm, tạm biệt Mẹ, mà nghe lòng rưng rưng, đớn đau, và nước mắt lã chã rơi, mặn đắng trong miệng của tôi…

                    còn tiếp

                    Comment


                    • #85

                      TÔI ĐI TÌM TỰ DO (Nguyễn Hữu Chí)

                      Hữu Nguyên


                      KỲ 84

                      Tối hôm đó cuối mùa thu, đầu mùa đông, trời mưa phùn lất phất, gió lạnh buốt. Lúc ấy trong nỗi lạnh lẽo cô đơn, tôi muốn ở lại với Mẹ vô cùng. Tôi muốn đêm hôm đó, được gục đầu vào vai Mẹ, nghe Mẹ kể lại những câu chuyện vui buồn của cuộc đời mà Mẹ đã đi qua, để được lần cuối cùng, thu vào trong tâm trí tôi hình ảnh của Mẹ, trước khi tôi ra đi… Nhưng nhìn những mảng sáng tối bủa vây chung quanh, tôi linh cảm như có muôn vàn nguy hiểm đang bủa vây rình rập. Tôi thực sự hoảng hốt, nghĩ không sớm thì muộn, cuối cùng tôi sẽ bị cộng sản bắt giữ. Tôi lo sợ, nếu tôi còn chần chừ ở Hà Nội, tôi sẽ bị chúng bắt và sẽ làm liên luỵ đến những người thân yêu, trong đó có Mẹ của tôi… Đã từ lâu, tôi luôn luôn thầm nhủ với lòng, tôi sẵn sàng chấp nhận mọi đắng cay, chịu đựng mọi nguy hiểm cho mình, nhưng không bao giờ làm cho những người thân yêu của mình bị liên luỵ. Mẹ tôi đã già yếu, nếu bị cộng sản bắt giữ hành hạ, và đau khổ khi chứng kiến tôi bị bắt, Mẹ sẽ đau khổ và tổn thọ vô cùng… Không, tôi không thể nào để Mẹ chứng kiến hay biết tin tôi bị bắt. Muốn vậy, tôi phải ra đi, để nếu có bị cộng sản bắt, giết, tôi sẽ bị bắt, bị giết ở một nơi nào đó, mà Mẹ không thể chứng kiến, không thể biết… Nghĩ vậy, tôi âm thầm gạt lệ, đi ra cửa. Đưa tay kéo cánh cổng gỗ, cài chốt cổng, tôi thấy bàn tay của mình run lên, và trong lòng nghẹn ngào, xúc động. Tôi lo ngại ra đi lần này là mãi mãi vĩnh biệt. Vĩnh biệt căn nhà! Vĩnh biệt Mẹ! Cho dù tôi có vượt biên thành công, để rồi tôi được sống sót ở một nơi nào đó trên thế giới, thì Việt Nam sống trong sự kìm kẹp của cộng sản, tôi cũng không thể nào trở về đoàn tụ với Mẹ hay về thăm Mẹ…

                      Như bị một sức mạnh vô hình níu kéo lần cuối, tôi vịn tay vào cánh cổng gỗ, ngửa mặt nhìn vào bầu trời đen kịt, mặc cho những giọt mưa phùn lạnh lẽo hoà cùng nước mắt, để thấy lòng mình thật đau đớn, cuộc đời mình thật bất lực, ngay cả những giấc mộng cỏn con, bình thường trong cuộc sống, được sống với Mẹ, tôi cũng không làm nổi…

                      Từ ngoài đầu hẻm có tiếng chân người đang đi tới… Tôi thở dài, nhìn lần cuối cùng căn nhà của Mẹ, rồi quay lưng, bước đi lầm lũi trong con hẻm đầy bóng tối. Mưa mỗi lúc một nặng hạt, gió lạnh hú từng cơn vật vã, nhưng tôi vẫn lầm lũi bước đi trong niềm tuyệt vọng và nỗi nhớ nhung chất ngất. Chẳng hiểu sao, trong tâm trạng đó, tôi chỉ muốn đầy đoạ thân xác tôi, đầy đoạ cuộc đời tôi chìm ngập trong giông tố bão bùng và đau đớn…

                      Sự thực sau này mọi chuyện diễn ra đúng như những gì tôi đã lo ngại. Sau khi ghé thăm Mẹ lần cuối vào buổi tối hôm đó, tôi ra đi, và đi mãi… suốt thời gian ngót ba chục năm trời, để rồi cuối cùng, tôi bàng hoàng đau đớn khi nghe tin Mẹ tôi vĩnh viễn giã biệt cõi đời vào một ngày cuối năm âm lịch, cách đây không lâu. Em tôi nói với tôi qua tiếng khóc nức nở, cho đến những ngày hấp hối sắp qua đời ở tuổi ngoài chín mươi, trên giường bệnh, Mẹ tôi vẫn cứ nhắc đến tôi bằng những lời thều thào ứa nước mắt, “Thằng Chí đâu rồi?! Sao nó bảo đi một lúc, mà nó đi mãi không thấy về?!…”

                      Khi nhận được tin Mẹ qua đời, tôi vô cùng đau đớn. Ngay buổi tối, tôi ngồi kể chuyện cuộc đời vô cùng đau khổ của Mẹ cùng những nỗi trái ngang trong tình mẫu tử giữa Mẹ và tôi cho các con của tôi nghe, để rồi tất cả mấy bố con chúng tôi cùng ôm nhau khóc… Những lời kể đầy xúc động, đứt nối trong sự nghẹn ngào của tôi, những câu hỏi ngây thơ của các con tôi, cùng những giọt nước mắt của các con và của tôi tối hôm đó đã thắt chặt hơn nữa sợi dây tình cảm thiêng liêng của tình Bà cháu, tình Mẫu tử, tình phụ tử, cùng tình yêu quê hương đất nước của các con tôi và tôi…

                      * * *

                      Đúng nửa đêm hôm đó, tôi đáp chuyến tàu tốc hành Hà Nội đi Hải Phòng. Cũng giống như những lần trước, tôi không mua vé và không vô ga Hà Nội bằng cổng chính. Trời khuya, tối đen như mực, cộng với mưa phùn, gió bấc lạnh như cắt da, đã giúp tôi lọt vào sân ga một cách dễ dàng. Nhờ đã có kinh nghiệm thường xuyên đi tàu trốn vé, nên tôi nhanh chóng qua mắt được nhân viên kiểm soát vé và an ninh của “cục đường sắt Việt Nam”.

                      Tôi cũng xin nói thêm một chút ở đây để quý bạn đọc hiểu được, vì sao tôi phải trốn vé. Sau lần vượt biên lần thứ nhất, bị bắt tại Đông Hà, Quảng Trị, tôi không còn một đồng xu dính túi, và cũng không thể nhờ vả được ai. Tất cả thân nhân của tôi ở trong Nam ngoài Bắc đều vô cùng thiếu thốn. Trong Nam thì trải qua cuộc đổi đời, đổi tiền, cộng với hoàn cảnh phải nuôi chồng con trong các trại cải tạo, nên không một ai còn có đủ điều kiện giúp đỡ tôi. Thêm vào đó, khi hay tin sau 1975, tôi không chịu trốn ra ngoại quốc cùng với bằng hữu, đã vậy tôi còn ra Bắc vô Nam, nên ngay cả một số người thân yêu ruột thịt của tôi cũng nghi ngờ tôi là hồi chánh giả. Trong hoàn cảnh đó, làm sao tôi dám nhờ vả. Vì vậy, khi quyết định vượt biên bằng đường bộ từ Sàigòn đi Hà Nội, tôi chỉ có được 76 đồng bạc do một người bạn thân rút hụi trao cho. Đó là tất cả số tiền tôi có, dùng để chi tiêu cho chặng đường vượt biên mấy ngàn cây số. Ra đến Hà Nội, thấy cuộc sống muôn phần cơ cực túng thiếu của Mẹ, tôi cũng đâu dám nhờ vả. Tôi phải nói dối với Mẹ là có người bạn ở Hải Phòng giúp đỡ mọi chuyện vượt biên để Mẹ yên tâm. Trong hoàn cảnh eo hẹp tiền bạc như vậy, nếu tôi không trốn vé, thì chỉ một chiếc vé tàu Sàigòn đi Hà Nội là tôi hết tiền, lấy đâu tiền cho tôi ăn uống dọc đường.

                      Đề phòng có thể bị xét hỏi giấy tờ, rồi bị tịch thu bóp và bị bắt bất ngờ, tôi phải giấu số vốn 76 đồng cùng giấy tờ giả lưu không ở dưới vớ. Trong bóp, tôi chỉ để mấy hào lẻ, giấy tờ giả đang dùng, và một hai trang báo của cộng sản được gấp làm tám. Những trang báo này đều là những bản tin thời sự hay bài viết có nội dung “tích cực” thể hiện đúng đường lối chính trị của đảng cộng sản. Bỏ nó vô bóp để nếu chẳng may công an bộ đội khi xét giấy tờ, chúng có nghi ngờ bắt giữ tôi, thì những trang báo đó sẽ có công dụng gián tiếp “chứng minh” tôi là người có “lập trường cách mạng”. Điều này sẽ khiến cho chúng phần nào thiếu cảnh giác. Và trong thời gian 24 tiếng đồng hồ đầu tiên kể từ khi bị bắt giữ, sự lơ là thiếu cảnh giác của chúng sẽ là điều vô cùng quý giá giúp tôi có thể trốn thoát.

                      Lợi ích thứ hai là những trang báo bỏ vô bóp sẽ khiến cho bóp thêm dầy. Nhờ vâäy, những tên công an, bộ đội một khi giữ bóp, chúng sẽ đinh ninh chúng giữ trong bóp đủ loại giấy tờ, tiền bạc, cùng cả sinh mạng của tôi. Vì thế, chúng tin là tôi sẽ không dám trốn một khi chúng đã giữ được bóp. Dĩ nhiên, khi chúng đã đinh ninh như vậy thì chúng chẳng để ý khám xét thân thể của tôi, và chúng cũng không canh gác tôi quá chặt chẽ. Khi đó, tôi sẽ lợi dụng lúc lộn xộn trong đồn công an, trong trạm gác, xin đi tiểu để trốn, hoặc nếu gặp cơ hội thuận tiện, tôi sẽ bỏ chạy ngay trước mắt bọn chúng.

                      Có điều khi đáp chuyến tàu tốc hành từ Hà Nội đi Hải Phòng tôi gặp một khó khăn bất ngờ. Trước đây, khi đáp các chuyến tàu chợ từ Sàigòn ra Hà Nội, tôi đã đi theo kiểu sâu đo từ Sàigòn ra Đà Nẵng, rồi ra Huế, Vinh, Nam Định, và cuối cùng là Hà Nội. Những chuyền tàu chợ đó bao giờ cũng đông đặc khách buôn thúng bán bưng, ngồi chật ních các toa, nên việc kiểm soát vé vô cùng khó khăn. Trái lại, tàu tốc hành thì lại ít khách, nên việc kiểm xoát vé rất chặt chẽ. Thêm vào đó, tàu tốc hành không dừng lại các ga xép, nên việc nhảy lên nhảy xuống để lánh mặt nhân viên xoát vé là chuyện không tưởng.

                      Đặc biệt, nhân viên soát vé tàu tốc hành bao giờ cũng đi hai người. Một người thuộc “cục đường sắt”. Một người thuộc “cục công an đường sắt”. Qua quan sát tôi thấy, ngay cả một số người có vé xe lửa đàng hoàng, cũng bị tên công an hỏi giấy tờ. Điều đáng lo hơn là sau mỗi lần tàu dừng lại ở ga chính để đón khách mới lên, việc soát vé ở các toa lại tái diễn rất kỹ lưỡng.

                      Sau mấy lần suýt bị nhân viên soát vé chộp được, tôi phải lùi dần đến mấy toa nằm hạng nhất. Trong lòng đang lo lắng, không biết còn phải lùi đến đâu trước khi bị bắt, thì tình cờ tôi trông thấy mấy người ở toa nằm hạng nhất đang đứng ngoài hành lang nói chuyện, hút thuốc, cãi lộn cười đùa ầm ĩ. Điều lạ lùng là khi nhân viên soát vé cùng tên công an đi qua những toa nằm, chúng đều không hề hỏi vé những hành khách ở các toa nằm, và những người ở toa nằm cũng thản nhiên không thèm để ý gì đến nhân viên soát vé và tên công an…

                      Sau một hồi quan sát tôi hiểu tại sao. Thì ra, ở những quốc gia tự do, những người đi tàu tốc hành mà ở toa nằm có thể là những người giầu có. Nhưng trong xã hội cộng sản vào thời điểm lúc bấy giờ, những người ở toa nằm đều là những người có vai vế thế lực trong xã hội. Dù cho họ có giầu có đi nữa, thì sự giầu có đó cũng phát xuất từ thế lực chính trị. Vì vậy, nhân viên soát vé và công an không bao giờ để ý đến việc xoát vé và hỏi giấy tờ những người ở toa nằm.

                      Biết được như vậy, tôi nhanh chóng đi dọc theo hành lang của mấy toa nằm để kiếm người làm quen, tán gẫu. Gặp hai người đầu, tôi chỉ lân la hỏi chuyện để biết được số toa, loại giường nằm, giá vé… Nhờ những dữ kiện này, khi gặp người thứ ba tên Quốc, là một cán bộ lương thực đi từ Hà Nội đến Hải Phòng, tôi dễ dàng đóng vai một hành khách cũng đi tàu loại toa nằm, nhưng ở một toa nằm khác, đi dạo chơi và tình cờ gặp Quốc trò chuyện làm quen.

                      Quốc còn rất trẻ, xấp xỉ tuổi tôi, nhưng nhờ ông bố là uỷ viên đảng uỷ phòng lương thực Hà Nội, nên anh nhanh chóng được cất nhắc lên địa vị then chốt. Gia đình vợ của Quốc ở Hải Phòng, nên anh thường xuyên đi lại để mang lương thực anh “chôm chĩa” được về “tiếp tế” cho gia đình vợ.

                      Sau vài câu chuyện làm quen, tôi khéo léo lái sang đề tài truyện kiếm hiệp của Kim Dung. Quả nhiên, chỉ trong thời gian ngắn ngủi không đầy năm phút đồng hồ, Quốc bị cuốn hút vào câu truyện… Thì ra Quốc cũng là một người mê đọc truyện kiếm hiệp. Nhưng vì lúc đó, tất cả sách vở ở Miền Nam đều bị chụp cho cái mũ là “văn hoá đồi truỵ” và bị thiêu huỷ, nên truyện kiếm hiệp được đưa về Bắc rất lén lút, ít ỏi và thường là không đủ bộ. Tuy là cán bộ lương thực, một nghề ngon lành nhất trong chế độ cộng sản, Quốc tốn kém rất nhiều tiền bạc, “tem phiếu” để mua chác, đánh đổi hoặc mượn những bộ truyện kiếm hiệp về coi, nhưng không bao giờ được đọc đủ bộ. Một người mê kiếm hiệp mà đọc không đủ bộ thì đủ biết người đó ấm ức đến như thế nào. Vì vậy, sau khi hỏi tôi mấy câu, nghe tôi trả lời đâu vào đấy, Quốc khoái quá, đưa hai tay cầm lấy tay tôi lắc lấy lắc để và reo lên:

                      – Thú quá, thú quá. Anh đúng là ông bạn vàng của tôi. Tôi vẫn ước ao vào Nam một chuyến để lùng kiếm bằng được mấy chục bộ truyện kiếm hiệp của Kim Dung rồi về nhà xin nghỉ hưu, để đọc truyện cho đã…

                      Nghe anh nói “mấy chục bộ truyện kiếm hiệp của Kim Dung”, tôi biết ngay anh hiểu rất lơ mơ về những pho kiếm hiệp mà Kim Dung đã trước tác nên đinh ninh cả những tác phẩm “hậu Kim Dung”, “nguỵ Kim Dung” cũng là của Kim Dung. Tôi liền thong thả giải thích cho anh hiểu, truyện kiếm hiệp của Kim Dung không phải là mấy chục bộ, mà ông chỉ sáng tác có 14 bộ cộng với truyện Việt Nữ Kiếm sáng tác đầu tiên không kể. Sau này nhà văn Nghê Khuông lấy tên đầu của mỗi bộ hợp lại thành hai câu thơ “Phi Tuyết Liên Thiên Xạ Bạch Lộc. Tiếu Thư Thần Hiệp Ỷ Bích Uyên”. Tôi cũng nêu tên từng bộ kiếm hiệp theo thứ tự của hai câu thơ…. Anh nghe thích quá, vội kéo tôi vô trong toa của anh, lấy nước trà, bánh kẹo mời tôi rất trịnh trọng, rồi vội lấy giấy bút, ghi chép cẩn thật tên từng tác phẩm. Chép xong, anh đưa cho tôi coi lại cẩn thận. Anh hí hửng nói:

                      – Trong số 14 bộ này, tôi chỉ mới đọc được có ba bộ là Cô Gái Đồ Long, Tiếu Ngạo Giang Hồ và Anh Hùng Xạ Điêu. Mà cả ba bộ này tôi cũng chỉ đọc lõm bõm một vài tập, chẳng bộ nào đủ cả. Đọc lõm bõm vậy mà tôi đã thấy thật là hay, thật là tuyệt vời. Càng đọc tôi càng thấy tụi “nguỵ” ở Miền Nam chúng nó sướng thật. Chỉ nguyên cái khoản được đọc truyện kiếm hiệp thôi, chúng cũng sướng gấp vạn mình đứt đuôi nòng nọc rồi, đừng nói đến những thứ khác. Giá mà ngày xưa tôi biết ở Miền Nam có truyện kiếm hiệp hay như vầy thì tôi đã theo ông chú vượt tuyến vô Nam theo “nguỵ” rồi…

                      Nói chuyện với anh, tôi cũng rất ngạc nhiên và buồn cười khi anh nói trong ba bộ truyện kiếm hiệp của Kim Dung anh đã đọc, anh khoái nhất nhân vật Điền Bá Quang. Vì anh đọc lõm bõm, hiểu biết chắp vá, nên tôi phải kể cho anh nghe về nhân vật quái kiệt Khoái Đao Điền Bá Quang có biệt danh “Giang Dương Đại Đạo, Vạn Lý Độc Hành, Thái Hoa Dâm Tặc” này. Câu chuyện của tôi khiến cả mấy người cùng toa với anh đều nhỏm dậy say sưa nghe, quên cả ngủ… Và quả nhiên, trong suốt chặng đường từ Hà Nội đi Hải Phòng, nhân viên soát vé và công an tuy đi qua toa nằm nơi chúng tôi trò chuyện nhiều lần, nhưng không một lần nào dừng lại hỏi vé và giấy tờ của tôi.

                      còn tiếp

                      Comment


                      • #86

                        TÔI ĐI TÌM TỰ DO (Nguyễn Hữu Chí)

                        Hữu Nguyên


                        KỲ 85

                        Vì nghiền kiếm hiệp và thấy tôi “thuộc” kiếm hiệp như “cháo chảy”, Quốc tỏ ra hào phóng và chân tình mời tôi ghé nhà chơi vài tuần. Quốc hí hửng cho tôi biết, nhà của anh ở Thuỷ Nguyên, Hải Phòng, là “tụ nghĩa quán” có đầy đủ “sơn hào hải vị” để khoản đãi “khách giang hồ diệt gian trừ bạo”… Thấy Quốc chân tình và có những ngôn ngữ pha màu sắc kiếm hiệp như vậy tôi cũng phì cười muốn nhận lời. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tôi thấy không nên. Dù sao Quốc cũng là một cán bộ được chế độ cộng sản ưu đãi, gia đình Quốc chắc chắn có nhiều người là đảng viên. Tôi lại mới quen Quốc, chưa hiểu rõ tính nết của Quốc thế nào. Hơn nữa, tôi cũng biết rằng, một cán bộ cộng sản khi nói chuyện về những đam mê thơ văn nghệ thuật hay những cơn nghiền truyện kiếm hiệp, họ thường dễ dàng giấu kín được bản chất gian manh và sự xảo quyệt của họ, khiến mình dễ mắc bẫy, coi thường. Tuy nhiên, khi điều kiện đòi hỏi, bản chất này sẽ nổi lên và sẽ trở thành “tư tưởng chủ đạo” điều khiển mọi suy nghĩ và hành động của họ. Biết vậy, tôi cảm ơn Quốc và chỉ xin địa chỉ của Quốc, rồi hứa sẽ ghé chơi khi thuận tiện.

                        Tại Hải Phòng, tôi có quen hai gia đình. Một là gia đình của QM, người bạn tù với tôi ở quân lao Gò Vấp. Gia đình của anh trước ở An Lão, sau dọn về Kiến An. Gia đình thứ hai là gia đình TP, chị ruột của NK, bạn học cũ của tôi. Gia đình chị TP ở gần sông Kinh Môn, An Huy, ngay cạnh quốc lộ 10 là đường đi Thuỷ Nguyên. Qua tâm tình với QM và bạn học NK, tôi rất tin tưởng, hai gia đình này sẽ giúp đỡ tôi vượt biên bằng đường bộ qua ngả Móng Cái.

                        Nhờ thuộc lòng địa chỉ cả hai gia đình, nên ngay khi tàu dừng tại ga Hải Phòng, tôi đã gọi xích lô đạp, đến nhà QM trước vì nhà của anh ở khu Kiến An. Còn nhà của chị TP ở khu An Huy, tôi sẽ đến sau, vì từ nhà chị TP tôi sẽ theo quốc lộ 10 đi Thuỷ Nguyên rồi đi Yên Hưng. Từ Yên Hưng tôi sẽ theo quốc lộ 18 để đi Hồng Gai, Cẩm Phả, Tiên Yên. Cuối cùng, từ Tiên Yên tôi theo quốc lộ 4B để đi Móng Cái, Hải Ninh. Tất cả những địa danh và đường đi này, tôi đều dựa vào bản đồ chi tiết do một người bạn thân mua được ngay tại Hà Nội.

                        Nhà của QM nhỏ, hẹp, chạy dài, xây bằng gạch theo lối cổ từ thời Pháp thuộc. Cả tường gạch lẫn mái ngói đều phủ rêu, trông rất cũ kỹ và u ám. Tuy Hải Phòng là thành phố cảng nổi tiếng từ thời Pháp, nhưng sau khi cộng sản tiếp quản, Hải Phòng đã thành thành phố chết. Khi tôi đặt chân đến nhà QM, điện nước vẫn không có, nhà vẫn thắp bằng đèn dầu và vẫn phải có người xếp hàng để lấy nước từ những vòi nước công cộng ở ngoài đường phố chính, vào mỗi buổi sáng tinh mơ mờ đất.

                        Tôi đến nhà QM vào một buổi chiều cuối tháng 8 năm 1978. Thời tiết lúc đó đã rất lạnh vì mưa phùn, gió bấc. Tôi co ro chậy vội từ chiếc xích lô vào hàng hiên. Đưa tay áo lau qua mặt mũi, rồi xoa hai tay vào nhau một hồi cho đỡ cóng vì lạnh, trước khi tôi đưa tay gõ vô cánh cửa bằng gỗ lim đen và dầy. Gõ cửa đến lần thứ hai, cửa mới hé mở. Người mở cửa là một cô bé tuổi mới 14, 15, tóc cột thành hai bím nhỏ, hai mắt đen láy, nhưng đầy vẻ tò mò, e ngại. Cô bé hỏi tôi, giọng lễ phép nhưng rụt rè:

                        – Thưa chú hỏi ai ạ?

                        Tôi hơi ngần ngừ không biết có nên nói đến tên của QM hay không. Nếu nói, liệu cô bé này có biết QM là ai? Nếu không, làm sao cô bé biết tôi là ai. Sau một thoáng suy nghĩ, tôi nói ngay:

                        – Chú là bạn của chú QM. Ông con có nhà không?

                        Cô bé nhíu mày, trông có vẻ chững chạc như người lớn, nhưng đầu hơi nghiêng nghiêng, vẻ ngây thơ như một con chim non:

                        – Chú QM? Cháu chỉ nghe ba cháu nói về bác QM thôi. Nhưng bác QM cháu không có nhà. Chỉ có ông nội cháu…

                        Tôi chợt nhớ, trong tù QM đã nói với tôi anh là con trai cả. Như vậy đáng lẽ tôi phải nói mình là bạn của bác QM thì cô bé bớt bỡ ngỡ. Tôi định lên tiếng, thì cô bé nói luôn, giọng líu lo rất dễ thương:

                        – Chú chờ cháu một chút, để cháu vô thưa với ông nội.

                        Dứt lời, cô bé cẩn thật đóng cửa, cài then. Tôi nghe tiếng chân cô bé chạy vô trong nhà, lòng ngạc nhiên không thể ngờ được cô bé lại ăn nói lễ độ đến như vậy….

                        Không đầy mấy phút sau, có tiếng chân đi dép lẹp xẹp, tiếng kéo then cửa lạch cạch, rồi cánh cửa mở rộng….

                        Trước mặt tôi là một cụ già tuổi khoảng 70, đậm người, râu dài, lông mày rậm, tóc dài tới vai, da dẻ hồng hào. Cả râu, tóc, lông mày đều bạc trắng như cước. Cụ khoác một tấm mền màu cứt ngựa, khoét lỗ ở giữa để cụ chui qua cổ, thêm vào đó, cụ còn quấn quanh cổ một chiếc khăn bằng vải đen. Tuy cụ đã lớn tuổi nhưng mắt rất sáng và tiếng nói sang sảng:

                        – Anh là bạn của thằng M phải không? Mời anh vô, mời vô…

                        Tôi kính cẩn:

                        – Thưa cụ…

                        Cụ già cười ha hả:

                        – Tôi là bố của nó đây. Tôi cũng tên là M. Nó là con cả, khi đẻ nó tôi không có nhà, nên mẹ nó nhớ tôi quá, mới lấy tên của tôi đặt cho nó. Mời anh vô đi… Mà anh đừng có gọi tôi là cụ, già chết. Cứ gọi tôi là chú được rồi… Tụi trẻ quanh đây chúng vẫn gọi tôi là chú M đó… Tôi năm nay gần 80 rồi nhưng còn trẻ khoẻ lắm. Đàn ông con trai ở đây đấu vật vẫn còn thua tôi đó… Cũng nhờ tôi lấy vợ muộn, rất muộn nên khoẻ mạnh vậy đó. Tôi có bốn bà vợ cả thẩy, nhưng chỉ có bốn thằng con trai, hai đứa con gái…

                        Chỉ vào cô bé gái đang đứng nép sau lưng, cụ nói tiếp:

                        – Con bé này là con út của thằng hai. Thằng đó được bốn đứa con, hai trai hai gái. [cụ thở dài] Nếu thằng QM nó chẳng tù tội thì giờ này tôi đã có cháu đích tôn rồi…

                        Theo chân cụ tôi đi dọc theo một hành lang hẹp, treo đầy quần áo đang phơi. qua một căn phòng nhỏ âm u làm nhà bếp, đi hết một khoảnh sân nhỏ lót gạch bát tràng, trước khi bước vô căn phòng vừa là phòng khách vừa là phòng ngủ.

                        Trong phòng lúc ấy có hai người đàn ông tuổi khoảng 40 đang trò chuyện. Thấy cụ và tôi bước vô, hai người vội vã đứng dậy khoanh tay kính cẩn cúi chào cụ, quay sang chào tôi, rồi đi vào phòng trong. Cụ mời tôi ngồi xuống chiếc sập bằng gỗ lim và thong thả pha trà mời tôi uống. Tôi vừa uống trà, vừa kể cho cụ nghe về tình bạn giữa tôi và QM. Cụ im lặng lắng nghe, phong thái bình tĩnh, nét mặt thản nhiên, nhưng ánh mắt cuả cụ rất buồn và xúc động….

                        Hút một điếu thuốc lào, cụ nhìn tôi mơ màng:

                        – Tôi hỏi câu này nếu không nên không phải mong anh bỏ qua. Theo anh thì thằng QM nhà tôi còn bị tù bao lâu nữa?

                        Tôi ngần ngừ một chút rồi thành thật:

                        – Thưa chú, cũng tuỳ theo tình hình. Nhưng cháu nghĩ nhanh nhất cũng phải 3 năm nữa…

                        – Còn lâu nhất?

                        – Dạ lâu thì cháu nghĩ, phải… 10 năm.

                        Cụ thắc mắc:

                        – Anh nói tuỳ tình hình là thế nào?

                        – Dạ thưa, tình hình ở đây là xã hội ở bên ngoài có ổn định hay không. Nếu ổn định thì tù chính trị sẽ được thả sớm. Còn không thì có khi bị tù dài dài…

                        Cụ buồn bã gật gù:

                        – Tôi biết, tôi biết. Nói vậy cũng giống như mấy người mình đi lính cho Pháp ngày xưa vậy. Bị tụi nó bắt tù cả chục năm mới được thả cho về. Về không bao lâu, đến khi Mỹ ném bom Miền Bắc là họ lại bị bắt vô tù. Mà tù tội ở cái chế độ này là vậy đó, chả ai có án tù bao giờ cả. Thích là họ cứ giam. Giam cho đến khi nào họ muốn thả thì họ thả. Thiệt là khổ…

                        Nói chuyện đến đó thì cô bé lúc nãy khệ nệ bưng vô một cái mâm trên có hai đĩa bánh cuốn thật lớn, một đĩa chả quế, một đĩa đậu hũ và rau sống, nước mắm. Đi theo sau là một cô bé tuổi khoảng 12, bê một cái khay nhỏ, trên có một nậm rượu, hai chiếc chén, hai đôi đũa và hai cái ly nhỏ.

                        Cụ mời tôi cầm đũa, rồi gắp bánh cuốn, chả quế, đậu hũ cho tôi thật hậu hĩ. Vì đói và lạnh, bánh cuốn lại nóng hổi, chả quế lại rất thơm ngon, nên tôi tận tình thưởng thức. Còn cụ không ăn, chỉ nhâm nhi uống rượu, ngồi nhìn tôi ăn. Chờ tôi ăn đến chén thứ ba, cụ mới thong thả nói, giọng rất xúc động:

                        – Anh quen thân với thằng M ở trong tù, nên tôi coi anh như con. Trước đây, đọc những lá thư anh viết hộ cho nó khi anh còn ở trong tù, tôi rất quý anh, vì ngôn ngữ của thằng M nhà tôi nó không đằm thắm tình nghĩa như vậy bao giờ. Thằng M nó lêu lôång, đàn đúm với bạn bè, chẳng chịu học hành gì cả, nhưng tôi không giận nó chút nào. Tôi nói thiệt với anh, gia đình tôi ngần đó đứa con, đứa cháu, không đứa nào tôi cho chúng nó đi học. Đi học mà làm gì. Thời đại này, chúng nó đi học chỉ thêm hư hỏng thôi. Vì thế, để chúng nó ở nhà, tôi trực tiếp dậy dỗ, nên anh thấy đó, mấy đứa con, đứa cháu của tôi chúng nói rất lễ phép, khác hẳn trẻ con thiên hạ. Bây giờ, anh đã đến thăm gia đình tôi là điều rất quý. Vì vậy, nếu anh thấy tôi có thể giúp được điều gì, anh đừng có ngại, cứ cho tôi biết…

                        Tôi trầm ngâm một lúc rồi thưa thực hoàn cảnh vượt ngục của tôi. Cụ ngồi im lặng nghe tôi nói. Tôi nói xong, cụ hỏi:

                        – Bây giờ anh có giấy tờ gì trong người không?

                        Tôi thưa có, rồi lấy giấy tờ đưa cho cụ coi. Coi kỹ càng xong, cụ hỏi:

                        – Những giấy tờ này tuy là giả, nhưng tôi thấy thật 100%. Vì thế, anh cứ yên tâm nghỉ ngơi ở đây. Tôi sai thằng hai mang giấy tờ của anh sang bên công an khu phố trình giấy cho đúng thủ tục. Vì ở đây bất cứ người nào lạ mặt ra vô là có người đi báo công an liền. Mình không đi báo, thế nào tụi nó cũng đến tận nơi gõ cửa, đòi coi giấy tờ rồi tra vấn rất phiền phức. Anh thấy như vậy có được không?

                        Tôi hơi ngần ngại. Đúng như cụ nói, giấy tờ là giấy tờ thật, do “cơ quan chủ quản cấp cục” ở Sàigòn cấp phát có chữ ký, con dấu đàng hoàng, nhưng tên tôi thì lại là giả. Vì thế, trong hoàn cảnh của tôi lúc đó, càng tránh không dính dáng đến công an, cửa quyền của cộng sản chừng nào thì càng tốt chừng ấy.

                        Hiểu được những lo ngại của tôi, cụ M nói:

                        – Anh cứ yên tâm đi. Gia đình của tôi tuy có thằng M đi tù, nhưng ở đất này, tụi công an khu phố cũng có phần nể nang nhà này. Thằng trưởng đồn công an khu phố đây lại đang muốn làm con rể của tôi. Vì thế, thằng hai nó mang giấy tờ của anh sang trình cho hợp lệ thôi. Tôi bảo đảm là nó không có tra hỏi gì anh đâu.

                        Nghe vậy tôi yên tâm:

                        – Dạ chú đã nói vậy thì cháu chẳng có gì phải lo ngại…

                        Sau khi anh hai đem giấy tờ của tôi đi, cụ quay sang tôi hỏi tiếp:

                        – Bây giờ anh tính trà trộn với người Hoa, vượt biên theo ngả Móng Cái, Đông Hưng có phải không?

                        Tôi ngạc nhiên không thể ngờ cụ biết trước và biết rõ được như vậy. Cụ mỉm cười:

                        – Tôi nói vậy anh ngạc nhiên lắm phải không? Nói thiệt với anh, cho đến nay, người Việt trà trộn với người Hoa để vượt biên có cả ngàn vạn người. Vì vậy thấy anh đến đây là tôi đoán ra ngay, chứ chẳng phải tôi tài cán gì cả… Có điều, tôi phải nói thiệt, trông thấy anh đi đôi dép râu là tôi thấy rất nguy hiểm cho anh.

                        Tôi giật mình cúi nhìn đôi dép râu để dưới nền nhà, rồi hỏi cụ:

                        – Chú nói cháu đi đôi dép râu này là rất nguy hiểm?

                        Cụ vuốt râu cười:

                        – Tôi nhìn anh thì thấy anh là người tháo vát, tính tình quyết đoán. Tướng mạo anh lại có quý nhân phù trợ nên tiền hung hậu kiết, dù gặp nguy hiểm đến thế nào, anh cũng sẽ vượt qua. Nhưng đôi dép râu anh đi thì mới tinh, da chân của anh lại trắng đều, chẳng có dấu vết gì của quai dép râu cả. Cởi dép râu ra là thấy ngay anh mới đi dép râu được vài tuần lễ là cùng. Vì vậy, tụi công an bộ đội xét giấy tờ anh, chỉ cần tinh ý một chút là nghi ngờ anh ngay. Một thanh niên xung phong từ Sàigòn ra tận Miền Bắc đi công tác, mà lại mới đi dép râu không lâu, dép lại còn mới tinh như vậy thì có đúng là anh đang “lậy ông tôi ở bụi này” hay không?

                        còn tiếp

                        Comment


                        • #87
                          TÔI ĐI TÌM TỰ DO (Nguyễn Hữu Chí)

                          Hữu Nguyên


                          KỲ 86

                          Nghe cụ M nói, tôi cúi xuống nhìn đôi dép râu mình đang đi và nhận ra ngay sự hớ hênh nguy hiểm của mình. Thì ra, trong quá khứ tôi đã có cả hai chục năm đi dép râu nhưng tôi vẫn vô tình không để ý đến những dấu hiệu quan trọng của một người đi dép râu lâu năm. Sự thực ở Miền Bắc trong suốt những năm dài sau 1954, hầu như mọi người đều phải đi dép râu, vì đó là một phương tiện đơn giản, rẻ tiền, hữu dụng và lâu bền cho những người nghèo khổ. Dép râu làm bằng vỏ xe cũ phế thải, cắt theo hình bàn chân để làm đế, phía trên dùng ruột xe cắt thành quai, ở mu bàn chân thì có hai quai vắt chéo hình chữ X, ở cổ chân có hai quai ôm khít phía trước và phía sau. Vì các quai dép đều làm bằng cao su, ôm chặt bàn chân người đi nên người nào đi dép râu lâu, bao giờ trên da hai bàn chân cũng có những dấu quai dép hằn sâu và khác hẳn mầu da còn lại. Còn tôi, vì sau thời gian dài 7, 8 năm không đi dép râu, nay mới đi dép râu trở lại, nên hai bàn chân của tôi không có những dấu vết của người đi dép râu lâu năm. Người nào tinh ý, chỉ nhìn thoáng qua là biết.

                          Tôi lo ngại hỏi:

                          – Thưa cụ, bây giờ cháu phải làm thế nào? Hay là cháu… đi giầy?

                          Cụ M lắc đầu:

                          – Không, anh đi giầy không được. Từ đây đi đến cửa khẩu Móng Cái cả mấy trăm cây số, lúc thì đi bộ, lúc đi xe, thì giầy nào, chân nào chịu cho thấu. Tốt nhất là anh cứ đi dép râu. Nhưng để tôi chọn cho anh một đôi dép râu cũ cũ, chứ đi đôi dép này mới quá, chân anh lại trắng quá, nên dễ bị để ý. Mình đã là người sống ngoài vòng pháp luật thì đừng làm cái gì, đừng dùng cái gì, để cho người khác để ý…

                          Ngay buổi tối hôm đó, cụ sai đứa cháu chọn cho tôi một đôi dép râu cũ trong thùng dép cũ của gia đình. Đôi dép vừa vặn chân của tôi nên không phải sửa đổi gì. Cụ bảo tôi đi đôi dép đó rồi lấy đất bùn trộn với ít than bột đắp lên hai bàn chân tôi. Sau đó, cụ lấy vải quấn cả dép lẫn bàn chân tôi lại. Tối hôm đó, tôi lên giường ngủ với cả đôi bàn chân nặng trĩu than đất như vậy.

                          Sáng hôm sau, cụ M lấy nước tưới vô hai bàn chân của tôi rồi gỡ vải, gỡ bùn. Nhìn xuống hai bàn chân, tôi ngạc nhiên thấy chúng đen đủi. Khi cởi đôi dép râu, tôi thấy những dấu quai cao su hằn sâu trên da hai bàn chân. Như vậy là tôi đã có được đôi bàn chân của người đi dép râu lâu năm.

                          Cụ M cười bảo tôi:

                          – Bàn chân của anh bây giờ đi dép râu là rất hợp. Nhìn vô không ai biết là anh mới đi đâu. Vì da của anh trắng, nên tôi chỉ làm cho chân anh ngăm ngăm đen thôi, chứ không muốn làm đen quá, người ta lại để ý. Bây giờ, tôi với anh đi ăn phở rồi về bàn đường đi nước bước từ đây đi Móng Cái…

                          Tôi ngủ lại nhà cụ M hai đêm, rồi tạm biệt cụ lên đường đi Móng Cái. Đây là chặng đường gian khổ và nguy hiểm nhất cho tôi. Xe đò trên chặng đường này rất hiếm, hầu hết đều là xe nhà binh, hoặc xe của các công sở, chở hàng hóa di tản. Không khí trên các chặng đường từ Hải Phòng đi Móng Cái rất sôi sục khí thế chống Trung Cộng. Đâu đâu cũng đầy cờ xí, khẩu hiệu, loa phóng thanh và những đoàn người hô to các khẩu hiệu chống Trung Cộng, hoặc hát các bài hát khích động lòng căm thù cộng sản Tàu, kêu gọi mọi người sẵn sàng hy sinh bảo vệ tổ quốc.

                          Chờ đợi xe ở các bến xe khách rất nguy hiểm, vì các nơi này lúc nào cũng dầy đặc công an, bộ đội. Trên đường đi, các đoàn xe quân sự chở đầy bộ đội, vũ khí, hoặc kéo theo các khẩu đại pháo to nhỏ đủ cỡ tiến về phía biên giới. Ngoài ra, còn có những đoàn xe do bò kéo, hoặc người kéo, chở đầy dây kẽm gai, các bàn chông thép, tiến về biên giới. Coi kỹ các bàn chông thép và hỏi những người kéo xe, tôi được biết, những chông thép này là do các đoàn thể ngoại vi của cộng sản như thanh niên, phụ nữ, học sinh, bô lão… tại các địa phương làm dưới sự chỉ đạo của đảng cộng sản. Chông có đủ loại, to nhỏ khác nhau, nhưng nhìn chung điều giống nhau ở cách thức làm. Chông chỉ có hai bộ phận chính là đế làm bằng xi măng, nhỏ thì bằng chiếc chén ăn cơm, to thì bằng tô canh. Ở giữa có từ ba đến 5 chiếc chông thép có ngạnh, cao thấp khác nhau, cắm sâu vô đế xi măng.

                          Trưa hôm đó, tôi thấy một cụ già kéo một chiếc xe bò đầy các bàn chông thép, đang ngồi nghỉ ăn cơm nắm ở dưới gốc cây bên vệ đường. Cụ khoảng ngoài 60, râu tóc bạc phơ, mặc bộ đồ bộ đội đã bạc màu, rách như tổ đỉa. Cụ ngồi phệt thoải mái ngay trên mặt đất ăn cơm. Trước mặt cụ là một tầu lá chuối non, chặt vội bên đường. Trên tàu lá chuối là nắm cơm, vài củ khoai, một gói muối nhỏ và bi đông nước. Nói là “ăn cơm nắm”, sự thực bữa cơm của cụ chỉ có một nắm cơm nhỏ bằng quả chanh, còn lại là khoai lang chấm muối. Cụ ăn khoai mà không hề bóc vỏ, cứ thản nhiên cầm cả củ khoai để nguyên vỏ, chấm muối, ăn ngon lành. Ăn khoai xong, cụ mới cầm “nắm cơm chim” bằng cả hai bàn tay đưa lên trước mắt ngắm nghía hồi lâu, rồi cụ nhắm mắt lại, đưa nắm cơm lên mũi hít hà một cách say sưa…. Chòm râu của cụ rung rung không ngớt. Hít hà một lúc lâu, cụ mới từ từ cắn từng miếng cơm nhỏ, nhai một cách chậm rãi, tận hưởng cái hương vị tuyệt vời của miếng cơm trắng… Từ lúc cắn miếng cơm nắm đầu tiên cho đến khi nuốt miếng cơm nắm cuối cùng, cụ đều ăn một cách chậm rãi, và mắt luôn luôn nhắm, mũi hếch lên, hai cánh mũi phập phồng… như đang tận hưởng cái hạnh phúc được ăn miếng cơm trắng.

                          Tôi ngồi cách cụ không xa, ngắm cụ ăn bữa cơm trưa mà thấy xúc động…. nhớ tới không biết bao nhiêu thảm cảnh trong các bữa ăn độn khoai, độn sắn, độn mì, độn củ chuối… dưới hàng triệu mái gia đình Miền Bắc trong suốt mấy chục năm kể từ sau 1954. Tôi biết trong suốt mấy chục năm đó, hàng triệu em bé ở Miền Bắc đã khóc vì thiếu sữa, thiếu cơm, vì không nuốt nổi những miếng khoai hà, sắn thối, hay những cục mì luộc đầy mối mọt, mà nhà nước cộng sản phân phối nhỏ giọt cho mọi người qua chế độ tem phiếu. Quanh những “bữa cơm” thiếu cơm, thậm chí không có cơm, lại luôn luôn vắng mặt chồng, con và những người thân, hàng triệu người mẹ, người vợ đã phải khóc trong âm thầm đau đớn… Rồi tôi nhớ lại ở Miền Bắc sau năm 1954, có một nhà văn, nhà thơ nào đó đã nói, sống ở trên đời được ăn một bữa cơm không độn có chết cũng sướng… Sau 1975, cùng với gót dép râu xâm lăng của cộng sản, thảm cảnh ở Miền Bắc lại lan tràn trên lãnh thổ Miền Nam, và cả hai miền của đất nước cùng chịu chung số phận bị cộng sản đầy đọa, thiếu thốn mất mát đủ mọi thứ, kể cả nhân phẩm.

                          Ngoài đường phố lúc đó, xe cộ các loại, người già, người trẻ đi lại lũ lượt, bụi bặm đầy trời, nhưng cụ già vẫn thản nhiên ngồi ăn, coi như một mình cụ là cả một thế giới. Cụ biết tôi ngồi cách cụ không xa, đang chăm chú quan sát cụ, nhưng cụ bất cần.

                          Chờ cụ ăn uống xong xuôi, tôi bước lại mời cụ điếu thuốc. Cụ cầm điếu thuốc, nhìn tôi, mắt hấp háy, vẻ ngạc nhiên, nhưng không nói gì. Tôi ngồi xuống bên cạnh cụ, lễ phép giới thiệu:

                          – Thưa cụ, con tên là Lai… Còn cụ, quý danh…

                          Cụ cười ha hả, cắt ngang lời tôi:

                          – Quý danh!… Tôi từ bé đến lớn nghèo hèn khốn khổ, chả có cái gì là quý thì làm gì có quý danh. Cậu cứ gọi lão là Bò Giếng đi… Lão làm con bò kéo xe cả mấy chục năm nay rồi… Còn Giếng hả? À nhà lão có cái giếng, cả làng đến xin nước, nên họ cứ gọi lão là Bò Giếng. Tên thật của lão thì cũng có chớ, nhưng bà con gọi mãi là Bò Giếng thì mình nghe hoài cũng quên luôn cả tên thật của mình. Hà… hà… Vậy cũng vui. Cậu ở quanh đây hả?

                          Tôi thưa:

                          – Con ở Hải Phòng.

                          Cụ ngạc nhiên:

                          – Ở Hải Phòng? Từ đó đến đây cũng cả vài trăm cây số. Sau cậu đi xa vậy mà chẳng có hành lý gì là thế nào?

                          – Con đi thăm người bạn ở Móng Cái.

                          – Thăm ai thì cũng vậy. Đi xa thì mình phải có hành lý chớ. Nghèo giầu gì cũng phải mang theo bộ quần áo, chớ đi tay không như cậu thì cũng hơi lạ. Vậy nên tôi mới ngạc nhiên tưởng cậu người ở đây…

                          Nói đến đó, cụ quay nhìn tôi vẻ thăm dò. Tôi tảng lờ như không biết, hỏi tiếp:

                          – Cụ cho con hỏi, cụ kéo xe chông này đi đâu vậy?

                          – Tôi kéo lên trên Tịnh Xá. Cậu không biết là bây giờ nhà nước đang lo tụi Tàu cộng nó xâm lăng, nên mình phải lo phòng thủ biên giới, rải chông thép dọc theo sông Ka Long, để lỡ tụi nó chơi trò biển người tràn qua, thì vướng chông nằm đó…

                          Nghe cụ nói đến đó, tôi lạnh người. Mục đích của tôi trong chuyến đi này là vượt biên giới Việt Trung. Tôi không biết chính xác sẽ vượt biên giới ở chỗ nào. Nhưng nếu như dọc theo biên giới hai nước được rải đầy loại chông thép, đế xi măng này, thì điều đó rõ ràng là một trở ngại đầy nguy hiểm cho tôi.

                          Tôi lo ngại thăm dò:

                          – Thưa cụ, biên giới mình với Tàu dài cả mấy ngàn cây số như vậy thì lấy đâu chông thép mà rải cho hết được?

                          Cụ Bò Giếng lắc đầu:

                          – Cái chuyện đó nhà nước họ lo. Mình là dân thì chỉ biết thiên lôi chỉ đâu đánh đó thôi. Trên trung ương họ bảo tỉnh, tỉnh bảo huyện, huyện bảo xã, xã bảo làng, làng họp dân lại giao khoán cho từng nhà phải nhận 2000 cụm chông thép đem về đổ xi măng rồi cắm chông vào, chờ khô thì đem lên Tịnh Xá nộp… Đó là nhà ít người. Còn nhà nào đông người thì phải lấy hơn, có khi phải lấy gấp đôi. Nghe đâu cả mấy tỉnh từ Hải Phòng, Quảng Ninh, Móng Cái cho đến cả Lạng Sơn, Lai Châu, nghĩa là các tỉnh dọc theo biên giới Việt Trung, phải làm mấy chục triệu chông thép để đưa về rải…

                          – Thưa cụ, vậy xi măng là do dân tự túc?

                          – Xi măng, cát, chông thép thì do xã cung cấp. Mình thì lo nước và công làm. Mỗi nhà lấy 10 bao xi măng, 10 bao cát, làm 2000 cái chông xi măng, mỗi cái nặng nửa kí lô. Bổn phận chống xâm lăng thì như vậy, nhà nào cũng phải làm. Nhưng ai tình nguyện làm hơn thì nhà nước sẽ phát cho cái giấy khen. Cứ làm thêm 1000 cái thì được một cái giấy khen to bằng bàn tay. Tôi thì tôi chả ham những thứ nấy. Mà của đáng tội, trong làng tôi cũng chẳng có ai ham giấy khen. Thấy kêu gọi mãi cũng chẳng có ai làm, bây giờ trên tỉnh họ giảm xuống còn có 100 cái cũng cho giấy khen.

                          Tôi hỏi tiếp:

                          – Tại sao sau khi làm xong, cụ phải chở đến Tịnh Xá? Bộ nhà nước không cho xe hơi đến chở chông đi cho cụ sao?

                          – Nhà nước họ lo chở từ huyện lên tỉnh. Còn trong huyện thì dân chúng khắp các xã phải lo nhà nào nhà nấy chở đến mấy địa điểm do huyện phân phối, bố trí. Tôi đi chuyến này là chuyến thứ ba rồi. Còn hai chuyến nữa thì hết.

                          – Khi đó cụ sẽ được nghỉ?

                          – Làm sao mà nghỉ được. Hết chuyện này thì lại có chuyện khác. Đất nước mình đang sắp có chiến tranh mà. Hết chuyện làm chông thì làm dây kẽm gai, lo biểu tình chống Trung cộng, rồi đi dân công lên biên giới lo rải chông, lo giúp các công ty nhà nước đi sơ tán…

                          Cụ xin tôi điếu thuốc nữa. Tôi đưa gói thuốc cho cụ, rồi hỏi:

                          – Vậy dọc theo biên giới mình chỉ rải chông, chăng kẽm gai thôi sao?

                          Cụ cười ha hả:

                          – Cậu này sao mà ngây thơ quá vậy. Rải chông, chăng kẽm gai là ngăn cản tụi Tàu cộng nó dùng biển người. Còn xe tăng, đại pháo nó tràn sang thì mình phải lo rải mìn chống tăng nữa chớ. Nghe đâu nhà nước đã cho rải cả mấy triệu trái mìn chống tăng rồi đó. Chỉ rải ở những chỗ xe tăng nó có thể tràn qua thôi. Còn những vùng rừng núi hiểm trở thì chỉ rải mìn cá nhân và chông là đủ rồi. Nhưng đó là những bí mật quân sự nên tôi chỉ biết đại khái vậy thôi…

                          còn tiếp

                          Comment


                          • #88
                            TÔI ĐI TÌM TỰ DO (Nguyễn Hữu Chí)

                            Hữu Nguyên


                            KỲ 87

                            Chia tay cụ Ba Giếng ở Cẩm Phả, tôi đi bộ được một đoạn vài cây số thì may mắn, quá giang được một chiếc xe tải chở than đá đi Nà Peo, qua thị trấn Tiên Yên. Tài xế là một thanh niên chịu chơi, gốc Hải Phòng, tuổi khoảng trên dưới 30, mắt xếch, lông mày rậm hình lưỡi mác, râu quai nón, tóc xoăn để từng lọn dài tới ngang vai. Hai cánh tay của anh gân guốc, xâm hình rồng, cọp và mấy chữ Tàu. Anh cho tôi biết tên của anh là H và do một mình lái xe đi Nà Peo, nên anh hào hiệp cho tôi ngồi ngay trong phòng lái. Nhờ vậy tôi cũng đỡ mệt mỏi và thoát khỏi ướt át, lạnh lẽo khi gặp trận mưa thiệt lớn vào chiều hôm đó.

                            Dọc đường, anh kể cho tôi nghe những câu chuyện vô cùng thương tâm của những gia đình người Hoa từng sinh sống ở Hải Phòng cả mấy đời, nhưng vì đường lối thù nghịch giữa Trung Cộng và Việt Cộng, nên họ đã trở thành nạn nhân, phải bỏ lại tất cả nhà cửa, ruộng vườn, lên đường chạy về Trung Hoa. Anh cũng tâm tình về tình hàng xóm láng giềng giữa người Hoa và người Việt thắm thiết bao nhiêu đời, nay do nhà nước VC tuyên truyền nhồi sọ, bỗng một sớm một chiều người Việt trở nên thù nghịch, căm ghét người Hoa đến độ có thể đâm chém họ, đốt nhà của họ. Nọc độc tuyên truyền của VC đã thổi bùng “lòng yêu nước mù quáng” trong lòng người Việt khiến họ dám làm cả những hành vi tồi tệ nhất như ném phân, ném xác thú vật chết vào nhà hay giếng nước của người Hoa, đánh đập ông bà già hay trẻ em người Hoa. Thậm chí có cả những người Hoa bị giết, nhà của người Hoa bị đốt cháy, cửa tiệm của người Hoa bị đập phá, những cuộc tình Việt Hoa phải bị huỷ bỏ… Vào thời điểm đó, ở Miền Bắc, tại những nơi có người Hoa, rất nhiều người Việt đã làm những hành động man rợ đó chỉ vì “ngọn lửa yêu nước mù quáng” mà cộng sản đã cố tình đốt lên một cách ác ý.

                            Khuya hôm đó, xe đến thị trấn Tiên Yên. Anh H lái xe chở tôi đến tận bến xe của thị trấn và cẩn thận dặn tôi ngủ ngay tại bến chờ xe đi Quảng Hà, vì xe khách bấy giờ rất hiếm.

                            Thị trấn Tiên Yên là nơi cuối cùng của quốc lộ 18 khi nó đụng quốc lộ 4B. Tại ngã ba Tiên Yên, rẽ trái vô quốc lộ 4B sẽ đi Nà Peo rồi tới Lạng Sơn. Còn rẽ tay phải cũng vô quốc lộ 4B đi Quảng Hà, Móng Cái. Trước đây, khi tình hình biên giới Việt Trung không căng thẳng, xe hành khách qua lại Tiên Yên thường xuyên. Nhưng từ khi xung đột biên giới ngày càng leo thang, viễn ảnh cuộc xâm lăng của Trung Cộng ngày càng cận kề thì xe khách qua Tiên Yên hầu như vắng bóng. Riêng xe nhà binh thì từng đoàn, từng đoàn đi suốt ngày đêm… Không khí chiến tranh ở đây được hâm nóng hơn nhiều so với Hải Phòng, Cẩm Phả. Thị trấn Tiên Yên cũng tiêu điều giống như một thành phố chết, vì đại đa số dân chúng lo sợ trước viễn ảnh Trung Cộng xâm lăng, đã “sơ tán” đi các nơi khác.

                            Tối hôm đó nằm ở bến xe Tiên Yên tôi trằn trọc không ngủ được. Từ Tiên Yên đi Móng Cái chỉ có khoảng 90 cây số, đủ ngắn để tôi có thể cuốc bộ trong hai ngày đêm, nếu tôi không quá giang được xe. Nhưng tôi biết, đoạn đường càng gần tới đích thì nguy hiểm rình rập càng nhiều. Suốt thời gian ngót một năm qua, kể từ khi vượt ngục, tôi đã gặp không biết bao nhiêu may mắn. Và càng gặp may mắn, tôi lại càng lo ngại cho những nỗi bất hạnh đang chờ đợi. Điều nguy hiểm hơn là đoạn đường từ Tiên Yên đi Móng Cái hầu hết là bộ đội, dân quân, du kích hoặc công nhân quốc phòng. Thành phần dân sự và thanh niên xung phong rất ít. Thêm vào đó, trước nguy cơ bị Trung Cộng xâm lăng, đường từ Tiên Yên đi Móng Cái có rất nhiều trạm gác của các đơn vị bộ đội chủ lực, của tỉnh đội, huyện đội, xã đội… Tất cả những trạm gác này có nhiệm vụ ngăn chặn gián điệp Trung Cộng xâm nhập. Vì thế, việc tôi đóng vai một thanh niên xung phong đi thăm thân nhân ở Móng Cái là điều rất dễ bị nghi ngờ nếu bị các trạm gác này xét hỏi giấy tờ.

                            Qua nghiên cứu bản đồ và hỏi thăm đường xá kỹ càng, tôi biết được quốc lộ 4B chạy từ Tiên Yên đến Móng Cái dài khoảng 90 cây số. Trong tình huống cực kỳ khó khăn, không thể đi ban ngày qua các trạm gác dọc đường, tôi sẽ phải đi ban đêm. Thời tiết lúc đó đã bước vào mùa đông, nên lạnh giá, cộng với trời tốt, sẽ là những điều kiện gây khó khăn cho tôi không ít, nhưng trái lại cũng tạo thuận tiện giúp tôi vượt qua các trạm gác.

                            Ở bến xe Tiên Yên đêm hôm đó cũng có khoảng hơn chục hành khách chờ xe. Một nhóm bốn người bộ đội có mang theo súng ống đầy đủ. Qua trò chuyện giữa họ và những người trong bến xe, tôi biết biết họ được đi phép đặc biệt, nay phải trở về đơn vị đóng ở Hải Ninh, gần Móng Cái. Cả bốn người bộ đội đều trẻ măng và đều hăng say chửi Trung cộng. Còn lại là ba người công an biên phòng đóng ở Hải Hoà thì ít nói, khi nói, chỉ rì rầm nói với nhau; hai vợ chồng công nhân ở Hải Đông thì mắc võng ngủ li bì không hề trò chuyện với ai. Người cuối cùng, nằm ngay cạnh tôi, là một cụ già tuổi khoảng 70 ở Trà Cổ, cách Móng Cái khoảng 7, 8 cây số. Cụ là người vui vẻ trò chuyện với tất cả mọi người, nhất là với tôi vì cụ ngủ ngay cạnh tôi.

                            Cụ cho tôi biết, cụ là người gốc Nùng, tổ tiên của cụ là Nùng Trí Cao, trước từng đánh nhau với Tàu khiến Tàu thua nhiều trận, phải cắt đất phong vương cho người Nùng tự trị. Cụ cũng tự hào nói khi quận He Nguyễn Hữu Cầu khởi nghĩa, tổ tiên của cụ cũng đã từng là tướng tiên phong của quận He. Tôi không biết chuyện của cụ kể thực hư bao nhiêu phần trăm, nhưng tướng mạo của cụ rất quắc thước, vừa có vẻ phong trần lại có vẻ ngang tàng, uy dũng, tuy cụ đã ngoài 70 tuổi.

                            Chờ xe đến trưa hôm đó, toán bộ đội và toán công an biên phòng đi quá giang được một đoàn quân xa, còn lại có mấy người dân thường, nên tôi và cụ mạnh dạn trò chuyện. Nhân dịp này tôi cũng khéo léo hỏi dò cụ về địa hình địa vật thị xã Móng Cái.

                            Theo lời kể của cụ thì Móng Cái ngày xưa có tên là Múng Cỏi, (?) nhưng khi nào đổi tên thành Móng Cái thì cụ không biết. Chỉ biết khi lớn lên cụ đã biết Móng Cái là thị xã của tỉnh Hải Ninh. Sau này, thị xã Móng Cái lại đổi thành thị trấn vì tỉnh Hải Ninh bị xuống cấp từ tỉnh thành huyện. Cụ tự hào kể cho tôi nghe về những danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở Trà Cổ mà lâu ngày tôi chẳng còn nhớ, chỉ nhớ có mỗi mũi Sa Vĩ ở gần Cồn Mang, Trà Cổ là địa danh rất nổi tiếng vì đó là chỗ khởi đầu cho hình thể chữ S của tổ quốc Việt Nam.

                            Cụ bảo ngày xưa khi còn bé cụ vẫn lội qua sông Ka Long vào mùa nước cạn, để sang bên Đông Hưng, Trung Quốc mua đồ lậu về bên Móng Cái bán. Nghe cụ nói vậy, tôi mừng húm, vội hỏi:

                            – Thưa cụ, như vậy giữa Móng Cái và Đông Hưng chỉ cách nhau có con sông Ka Long?

                            Cụ gật đầu:

                            – Thì Móng Cái mình ở bờ bên này sông Ka Long. Còn Đông Hưng, Trung Quốc thì ở bờ bên kia sông Ka Long…

                            – Sông Ka Long có rộng không cụ?

                            – Mùa nước lớn thì khoảng 200 mét còn mùa này thì chỉ hơn 100 mét. Như sức tôi ngày còn trẻ chỉ nhắm mắt sải vài sải là qua sông dễ dàng…

                            Tôi mừng quá. Vì thú thực cho đến lúc đó, tôi chỉ thấy sông Ka Long trên bản đồ và nghe nói, chứ chưa hề biết nó rộng hẹp, nông sâu như thế nào. Tôi hỏi tiếp:

                            – Cụ nói ngày xưa mùa nước cạn, cụ lội được qua sông Ka Long?

                            Cụ cười, mắt lấp lánh vẻ tinh nghịch. Trông cụ như trẻ lại cả chục tuổi:

                            – Thì hồi đó có ngày nào mà tôi chẳng lội bộ qua sông Ka Long. Hồi đó nước sông mùa cạn chỉ ngang đầu gối… tôi vừa lội vừa cúi xuống nhặt sỏi chọi nhau mà. Nhưng đó là cái thời tôi mới lên 10, cũng cách đây cả 5 con giáp rồi còn gì. Bây giờ chả hiểu sao nước sông càng ngày càng sâu. Mùa nước cạn cũng phải một đầu một với… Mà nước sông bây giờ cũng chảy xiết lắm. Mùa nước lũ, con sông nó réo lên ầm ầm, đứng trên cầu ném miếng gỗ xuống, chỉ thoáng chốc đã trôi mất tăm hơi…

                            Nghe cụ nói “đứng trên cầu” tôi mừng quá, hỏi ngay:

                            – Thưa cụ, sông Ka Long có cầu?

                            Cụ gật đầu, nhìn tôi vẻ ngạc nhiên:

                            – Cậu không biết chuyện đó sao? Cầu Ka Long có cả mấy chục năm nay rồi. Nó là chiếc cầu biên giới bắc qua sông Ka Long. Mà sông Ka Long là biên giới tự nhiên giữa mình với Tàu…

                            Tôi cố giữ vẻ tự nhiên:

                            – Thưa cụ, con ở Hải Phòng, lên Móng Cái thăm người em lần này là lần đầu…

                            Cụ gật gù:

                            – Cậu người Hải Phòng à? Thế cậu có biết 6 vị người Đồ Sơn, Hải Phòng là người đã có công lập nên làng Trà Cổ cách đây mấy trăm năm không?

                            Tôi luống cuống:

                            – Thưa cụ, con mang tiếng người Hải Phòng nhưng là dân ngụ cư…

                            Cụ cười ha hả:

                            – Cậu còn trẻ mà cũng biết dùng cái chữ “ngụ cư” là khá lắm đấy. Nói để cậu biết, cái cầu Ka Long được dựng lên từ thời Pháp thuộc, thay thế cái cầu treo hồi đó rất nguy hiểm… lâu lâu lại có người bị rớt xuống sông Ka Long chết mất xác.

                            – Thưa bây giờ mình có còn đi lại qua cầu Ka Long được không?

                            Cụ lắc đầu:

                            – Tôi không biết bây giờ thế nào. Nhưng cách đây khoảng hai tháng khi tôi còn ở đó thì bộ đội biên phòng mình chỉ cho qua cầu những người Hoa nào có giấy xuất cảnh của Việt Nam và giấy nhập cảnh do tòa đại sứ của Trung Cộng ở Hà Nội cấp.

                            Cụ vừa nói đến đó thì người công nhân mắc võng ngủ li bì bỗng lên tiếng, giọng ồm ồm:

                            – Bây giờ nội bất xuất ngoại bất nhập rồi cụ ơi. – Y nói nhưng vẫn trùm mền nằm trên võng.

                            Cụ già ngạc nhiên:

                            – Ủa ai nói với ông vậy?

                            – Giời đất. Chuyện đó ai mà chả biết, đâu cần phải ai nói.

                            – Ông nói hay nhỉ? Tôi ngồi sờ sờ ra đây mà tôi đâu có biết.

                            – Thì cụ đi đâu cả hai tháng trời, nay mới trở lại thì làm sao cụ biết. Thời đại chiến tranh chống chủ nghĩa bá quyền của Trung Cộng, tình hình mỗi ngày mỗi khác, nói gì tới hai tháng.

                            – Ông nói vậy thì cả mấy chục ngàn người Hoa bị nhà nước mình trục xuất, đang lũ lượt đổ về Móng Cái làm sao họ sang bên Đông Hưng được?

                            Đến đây thì người đàn ông ngồi dậy, lột mền, để lộ gương mặt râu ria, tóc tai xồm xoàm. Y liếc mắt nhìn tôi, cặp mắt sắc lẻm, đầy vẻ soi mói. Tôi né tránh cặp mắt của y. Tiếng ồm ồm của y lại cất lên:

                            – Cụ phải hiểu, trục xuất người Hoa là chuyện của mình. Còn tiếp nhận người Hoa hay không là chuyện của họ. Bây giờ bên Trung Cộng họ đóng cửa biên giới không chịu cho người Hoa vô nước của họ thì mình đâu có làm cách nào đẩy người Hoa họ vô được…

                            Cụ già gật gù:

                            – Ừ ừ, ông nói vậy thì có lý. Bên họ đã không nhận thì mình đâu có bắt ép họ qua cầu được.

                            Người đàn ông có vẻ hứng chí:

                            – Thằng em của tôi là trung tá bộ đội biên phòng nên nó hiểu rất rõ tình hình trên đó. Nó bảo đây là âm mưu quỷ kế của tụi Tàu cộng chơi cái trò “gậy ông đập lưng ông” để chơi mình đó cụ ạ…

                            Cụ già thắc mắc:

                            – Ông tha lỗi cho tôi, ông nói đây là cái trò “gậy ông đập lưng ông” là thế nào? Ông nói rõ hơn được không?

                            – Thì cụ thấy rồi đó, nhà nước mình chơi trò trục xuất người Hoa để làm cho tụi Tàu cộng nói bối rối, phải đối phó với hàng trăm ngàn Hoa kiều khi về nước. Tụi Tàu cộng nó dư sức biết đó là trò phá đám của mình nên nó mới tương kế tựu kế, ra lệnh đóng cửa biên giới, không cho người Hoa về nước. Kết cục là mấy trăm ngàn người Hoa bị kẹt bên nước mình, gây khốn khó cho mình. Cụ thấy đó, bây giờ suốt dọc theo biên giới toàn người Hoa là người Hoa…

                            còn tiếp

                            Comment


                            • #89
                              TÔI ĐI TÌM TỰ DO (Nguyễn Hữu Chí)

                              Hữu Nguyên


                              KỲ 88
                              Chờ ở bến xe Tiên Yên suốt cả ngày hôm sau không có xe, tôi đành phải đi bộ. Hoàn cảnh của tôi lúc đó không cho phép tôi nấn ná ở bến xe Tiên Yên vì ở lại thêm ngày nào là nguy hiểm thêm ngày ấy. Đoạn đường từ Tiên Yên đi Quảng Hà tương đối yên ổn, có nhiều người qua lại, nên tôi có thể đi ban ngày. Nhưng từ Quảng Hà trở đi, tình hình vô cùng căng thẳng, các trạm gác mọc lên san sát, thường dân, thanh niên xung phong đi lại cũng rất ít, nên tôi đành phải đi ban đêm, còn ban ngày thì chui vào rừng rậm ngủ. Có những đoạn đường, thấy nguy hiểm quá, tôi đã phải cắt rừng để tránh những trạm gác dọc đường.

                              Như tôi đã kể, suốt chặng đường vượt biên từ Hà Nội trở đi, tôi không hề mang theo quần áo, đồ đạc gì. Ngoài bộ quần áo mặc trên người, ít giấy tờ giấu trong người, tôi chỉ mang có tầm hình Hồ Chí Minh và cuốn Ngục Trung Nhật Ký để đánh lừa công an, bộ đội ở các trạm gác dọc đường đi. Vì chỉ mặc có một bộ quần áo, nên trước khi ngủ trong rừng, tôi phải lộn trái ra mặc cho quần áo khỏi dơ, kẻo không sẽ bị công an, bộ đội hay người đi đường để ý.

                              Tôi nhớ thời điểm đó đã cuối thu chuẩn bị sang đông, nên thời tiết rất lạnh. Tôi chỉ mặc phong phanh có một bộ quần áo, với chiếc áo lót, nên lạnh lẽo vô cùng, đêm nào cũng chỉ ngủ chập chờn khi tôi đã quá mệt.

                              Cuối tháng 9, tôi đến một làng nhỏ, lâu ngày tôi quên mất tên. Làng này nằm ngay cạnh đường quốc lộ 4B và cách biển không xa. Đứng ở trên ngọn đồi đầu làng, tôi có thể nghe tiếng sóng biển rì rào. Trèo lên ngọn đồi cao, tôi có thể trông thấy biển cả về phía đông, núi non trùng điệp về phía tây, và nhìn lên phía bắc, tôi đã thấy cả một quầng ánh sát ở chân trời. Tôi biết đó là thị trấn Đông Hưng bên Trung Cộng, vì khi ấy, thị xã Móng Cái có lệnh không được thắp đèn, bật điện… nên cả thị xã tối om.

                              Hầu hết những làng tôi gặp trên đường đi ở vùng từ Đầm Hà đổ lên đều vườn hoang nhà trống, vì dân chúng được lệnh “sơ tán” chuẩn bị đối phó với nguy cơ “bành trướng xâm lăng của bá quyền Trung Cộng”. Riêng làng này, từ trên đồi cao, tôi vẫn nhìn thấy có ánh đèn le lói thấp thoáng dưới một vài mái nhà.

                              Lúc đó khoảng 7 giờ tối, nhưng trời đã tối mịt. Suốt hai ngày trời đi bộ, ngủ trong rừng, ăn uống thiếu thốn, không một hạt cơm nóng, một ngụm canh, ngọn rau, nên tôi thấy mệt mỏi vô cùng. Thêm vào đó, vì luôn luôn sống trong tâm trạng của một người bị săn lùng, có thể bị bắt, bị bắn bất cứ lúc nào, nên tinh thần của tôi rất bạc nhược. Sau một hồi tính toán, tôi quyết định đi vô làng, tìm một nhà dân nào có thể tin cậy hoặc mua chuộc, để mua hoặc xin đồ ăn.

                              Theo con đường mòn từ trên đồi cao đi xuống làng, tôi thấy căn nhà đầu tiên cửa đóng, không có đèn đóm gì. Đoán không có ai ở nhà nên tôi không vô. Căn nhà thứ hai cách đó khoảng 20 thước, cũng cửa đóng im ỉm. Đi tiếp khoảng trăm thước, đến căn nhà thứ ba, tôi thấy có ánh đèn và tiếng người trò chuyện.

                              Đứng ngoài xa quan sát, tôi thấy có hai ông bà già cùng với 3 người con đang ngồi ăn cơm ngoài sân, bên cạnh ánh đèn dầu tù mù. Thấy đông người, tôi hơi ngại, định bỏ đi, thì bỗng nhiên, một con chó khá to từ trong nhà chạy về phía tôi, sủa vang… Tôi lúng túng, chưa kịp tính thế nào thì có ánh đèn bấm rọi về phía tôi…. Biết bỏ đi sẽ bị gia đình nghi ngờ, tôi liền liều lĩnh, chân bước thẳng vô trong sân, miệng lớn tiếng chào hỏi, giọng thân mật:

                              – Chào bố mẹ. Sao gia đình mình ăn cơm muộn vậy, bố mẹ?

                              Mấy người đang ăn cơm đều lố nhố đứng hết lên nhìn tôi, nhưng không một ai lên tiếng trả lời. Tôi hiểu ngay, trong hoàn cảnh dân làng vùng gần biên giới Việt Trung đang sống trong sự phập phồng lo sợ về một cuộc xâm lăng của Trung Cộng, bỗng dưng thấy người lạ đột ngột bước vô nhà, họ không thể không nghi ngại. Vì vậy, tôi vội đon đả nói tiếp:

                              – Cháu là thanh niên xung phong trên đường đi công tác ở Móng Cái. Đơn vị cháu đóng ở Đầm Hà, ngay quê ông Tùng, bí thư huyện uỷ, chắc bố mẹ biết ông Tùng chứ nhỉ?

                              Địa danh Đầm Hà và tên ông Tùng đều là những tin tức tôi đã thu lượm được trên đường đi. Để có thể đóng vai người địa phương, qua mặt được các trạm kiểm soát trên đường, tôi đã thu thập các tin tức địa phương bằng phương pháp “sâu đo”, dùng những dữ kiện đã khai thác được ở xã A, nơi vừa đi qua, để dò hỏi nắm bắt những dữ kiện cần thiết ở xã B, nơi mình sắp tới. Rồi sau đó dùng dữ kiện của xã B để khai thác xã C…. Một khi đã biết được địa danh, tên, cá tính của chủ tịch, bí thư xã… nơi vừa đi

                              qua, tôi dễ dàng đóng vai người địa phương, làm quen với người này người nọ, để dò hỏi địa danh, tên tuổi của chủ tịch, bí thư xã, hoặc chủ tịch, bí thư huyện, là nơi tôi sắp tới. Tôi biết, trong hoàn cảnh lúc đó, nếu tôi nhắc đến tên chủ tịch, bí thư xã Đầm Hà, chưa chắc gì mọi người trong gia đình đã biết vì hai xã cách nhau tương đối xa. Vì vậy, chắc ăn nhất là nêu tên Tùng, bí thư huyện uỷ, vì từ Đầm Hà lên đến Móng Cái đều cùng chung một huyện, dân chúng chắc chắn phải biết tên bí thư huyện uỷ.

                              Quả nhiên, ngay khi tôi nhắc đến tên Tùng, mọi người trong gia đình đều vui vẻ coi tôi như người làng, không khí căng thẳng lúc ban đầu đột nhiên biến mất. Ba người con, tuổi khoảng trên dưới 20, đều đon đả chào tôi rồi ngồi xuống mâm, tiếp tục ăn cơm. Bà cụ cũng chào tôi vui vẻ, rồi vặn to ngọn đèn dầu. Còn ông cụ thì kéo tôi lại chiếc chõng tre, vừa đi vừa oang oang nói:

                              – Biết ông Tùng chủ tịch huyện chớ. Ở cái huyện này thì ai mà chả biết ông Tùng. Tôi nói anh bỏ qua đi cho, ông Tùng là rể của làng tôi đấy.

                              Chuyện này thì quả thực tôi không biết. Nhưng qua những chuyện tôi đã thu thập được trên đường đi thì tôi biết, vợ Tùng là Loan, bí thư xã Đầm Hà. Vì vậy tôi giả vờ ngạc nhiên, nhưng thân mật hỏi ông:

                              – Ủa như vậy bà Loan vợ của ông Tùng là con ai ở làng mình bố nhỉ?

                              Ông cụ thích thú, giọng nói có vẻ “ta đây”:

                              – Anh cũng biết con Loan nữa à. Nó là con cô Quyền bán bánh đúc cuối xóm đấy. Mà cô Quyền còn là em họ của vợ tôi nữa đấy…

                              Tôi vui vẻ:

                              – Một người làm quan cả họ được nhờ. Như vậy làng mình cũng ít nhiều được hưởng bổng lộc của ông huyện Tùng, bố nhỉ.

                              Ông cụ gật gù:

                              – Bổng lộc thì xưa nay chẳng có gì rõ ràng đâu. Chỉ được cái thuế má, thiên hạ phải nộp đủ nộp đúng ngày giờ. Còn làng mình thì chậm lại một hai tuần. Nhưng được cái may là bây giờ các làng trong huyện chung quanh đây ai cũng phải sơ tán hết cả. Chỉ riêng làng mình thì được ở lại cho đến cuối tháng 10… Nhờ vậy nên chúng tôi cũng thư thả thu dọn đồ đạc mang đi từ từ, chứ bỏ lại hết thì xót xa lắm…

                              Bà cụ đi tới cầm ngọn đèn dầu để lên chõng và hỏi tôi:

                              – Anh đã cơm nước gì chưa?

                              Tôi thú thực:

                              – Dạ thú thực với bố mẹ là con chưa ăn tối. Con đi công tác ở Móng Cái, nhưng lỡ xe, đến đây thì đêm tối, đi nữa sợ nguy hiểm, nên vào đây quấy quả bố mẹ…

                              Bà cụ vui vẻ:

                              – Chả dám, chả dám… Có gì đâu mà quấy quả.

                              Biết cuộc sống của gia đình nghèo túng, thiếu thốn, nên tôi nói ngay:

                              – Thưa bố mẹ, con đi công tác có tiêu chuẩn nhà nước cấp. Vì vậy dù có vào ăn tiệm hay ăn nhà dân, con vẫn phải có bổn phận đóng góp, gọi là chút đỉnh với bố mẹ…

                              Nói xong, tôi lấy ra hai tờ giấy bạc (tôi nhớ không chính xác là bao nhiêu) trao cho bà cụ. Bà cụ cầm một tờ, còn trả lại tôi một tờ, và nói:

                              – Giời đất ơi, anh ngồi ăn cơm với chúng tôi chỉ thêm đũa thêm bát chứ có tốn kém gì nhiều đâu mà anh đưa lắm tiền thế này. Thôi chúng tôi cầm một tờ này là đủ rồi…

                              Bà cụ đẩy đi, tôi đẩy lại một hồi, cuối cùng tôi nói:

                              – Mẹ cứ cầm lấy đi. Đó là tiêu chuẩn nhà nước cấp cho con một ngày. Nếu bây giờ con ăn không hết, thì mẹ cho con xin một nắm cơm với ít muối mè để ngày mai con mang đi ăn đường.

                              Nghe vậy, bà cụ gật đầu, cẩn thận bỏ cả hai tờ giấy bạc vào cái ruột tượng ở thắt lưng, rồi quay ra bảo mấy người con lo dọn cơm cho tôi ăn.

                              Bữa cơm rất thanh đạm, nhưng lạ lùng, lại có một món ăn rất sang. Những món thanh đạm là một tô cơm độn khoai nấu hơi nhão, một đĩa rau lang luộc, một đĩa tép và một chén mắm hến mặn chát. Món rất sang là thịt trâu rang muối. Thấy món thịt trâu, tôi rất ngạc nhiên, nhưng không tiện hỏi. Tôi ăn bữa cơm rất ngon lành. Chỉ trong chớp mắt tôi ăn hết tô cơm độn và cả đĩa rau lang luộc. Vừa ăn tôi vừa nghe ông cụ nói chuyện về tình hình chính trị quân sự giữa hai nước và những vụ lộn xộn xảy ra dọc theo biên giới Việt Trung.

                              Vừa ăn cơm xong, thì có tiếng đàn bà gọi vọng từ ngoài ngõ:

                              – Bà Lương ơi, sang mà chia thịt.

                              Gọi xong, không cần nghe bà Lương trả lời, người đàn bà bỏ đi ngay. Tôi ngạc nhiên:

                              – Làng mình có hội hè đình đám gì hay sao mà chia thịt, bố mẹ?

                              Ông cụ thở dài:

                              – Hội hè đình đám gì đâu anh. Đi chia thịt trâu đó.

                              Ủa tại sao được đi chia thịt trâu mà lại thở dài? Tôi nghĩ bụng và sực nhớ đến chén thịt trâu rang muối, một món ăn sang trọng trong một bữa cơm độn khoai, thật là trái ngược. Đã vậy, bây giờ lại có người gọi đi chia thịt trâu nữa. Tại sao trâu chết nhiều vậy nhỉ?

                              Tôi thắc mắc:

                              – Ủa, làng mình trâu bị chết dịch hở bố?

                              Ông cụ lắc đầu:

                              – Dịch gì đâu, trâu chết vì mìn chống tăng đó.

                              Thấy tôi có vẻ ngơ ngác chưa hiểu, ông cụ nói tiếp:

                              – Nhà nước họ gài mìn chống tăng ở khắp mọi nơi để phòng khi tụi Tàu nó xâm lăng, anh hiểu không. Nào ngờ đâu, xe tăng của tụi Tàu đâu chưa thấy, chỉ thấy trâu của mình thi nhau chết vì dẵm phải mìn… Chỉ nội từ đầu tháng đến giờ làng này đã chết mất 4 con rồi… Cứ cái đà này độ vài tháng nữa, Tàu nó không xâm lăng thì trâu chết hết, mình cũng chết, cả làng phải đi kéo cầy thay trâu mất thôi… Đó, tối này anh ngủ ở đây thế nào anh cũng nghe tiếng mìn nổ. Trâu mình dẫm phải mìn cũng có mà thú dữ dẫm phải mìn cũng có…

                              Tôi lo ngại:

                              – Bố bảo là nhà nước gài mìn chống tăng ở khắp mọi nơi?

                              – Khắp mọi nơi. Mìn chống tăng có, mìn chống người có. Đủ loại, đủ kiểu.

                              Tôi phịa chuyện để thăm dò:

                              – Con nghe ông Tùng nói là mình chỉ gài mìn dọc theo biên giới Việt Trung….

                              Ông Lương cười như mếu:

                              – Chỉ gài dọc theo biên giới thì ngăn chặn tụi Tàu cộng làm sao được. Chúng dùng biển người thì người nó đổ vô cứ như thác như lũ ấy chớ. Tui nói anh nghe, suốt cả một vùng đất từ Quang Thắng đổ lên đến biên giới bây giờ là toàn mìn, toàn chông. Mìn của mình phải thiên la địa võng như vậy thì mới chống được tụi Tàu…

                              Tối hôm đó tôi nằm trên chiếc chõng tre, nhưng dù mệt mỏi vô cùng, tôi vẫn trằn trọc không ngủ được, phần vì muỗi đốt, phần bị những bãi mìn mênh mông ám ảnh…. Thú thực, tôi đinh ninh, nếu không vượt biên qua Trung cộng theo ngả thị xã Móng Cái được, tôi sẽ chui vào rừng, cắt đường để bơi qua sông Ka Long, vượt qua biên giới. Nhưng nay đứng trước tình trạng mìn chống tăng, mìn cá nhân gài khắp nơi dọc theo biên giới hai nước, làm sao tôi có thể vượt qua những bãi mìn đó để đến bờ sông Ka Long an toàn???

                              còn tiếp

                              Comment


                              • #90

                                TÔI ĐI TÌM TỰ DO (Nguyễn Hữu Chí)

                                Hữu Nguyên


                                KỲ 89

                                Mặc dù tối hôm đó rất mệt mỏi, nhưng vì tâm sự rối bời như canh hẹ, nên tôi chẳng ngủ được nhiều. Trằn trọc, chập chờn mãi, đến khoảng bốn, năm giờ sáng, muỗi đốt nhiều quá, nên tôi dậy tập thể dục, hít thở thật sâu khí trời thanh tịnh buổi sáng cho tâm hồn bớt căng thẳng, sẵn sàng cho một ngày quyết định, tự do hay là chết của tôi.

                                Kể từ ngày ở tù tại Quân Lao Gò Vấp, tôi có duyên được gặp một vị cao tăng đắc đạo. Tuy chỉ được sống chung với Thầy có vỏn vẹn hai tuần lễ, nhưng nhờ Thầy chỉ dậy, tôi đã học được những điều, mà sau này, càng sống, càng trải qua những phúc họa của cuộc đời, tôi càng nhận ra những triết lý mới lạ của những điều Thầy đã dậy.

                                Một điều may mắn nữa là thời gian đó, Thầy đã chỉ dậy cho tôi cách thở thật đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả cho sức khỏe. Nhờ tập luyện theo sự chỉ dẫn của Thầy nên sau lần tôi bị hơn chục tên vệ binh đánh hội đồng tại nhà ăn của Quân Lao, không đầy 3 tháng sau tôi đã hồi phục sức khỏe.

                                Thầy bảo tôi, với người tập luyện võ thuật hay tập thiền, luyện thở là bước căn bản đầu tiên, nhưng phức tạp. Với những người bình thường, luyện thở chỉ cần luyện có 3 bước: Trước hết là nhắm mắt, gạt bỏ mọi tạp niệm, giữ cho thân thể và tâm hồn thật thư thái, rồi từ từ hít thở thật sâu cho không khí vô đầy lồng ngực. Tiếp theo là nín thở một lúc cho dưỡng khí ngấm vào máu huyết trong cơ thể. Cuối cùng là từ từ thở ra cho thật hết thán khí. Cả 3 bước đơn giản này đều có thể làm ở bất cứ đâu, khi tập luyện, đi dạo, lúc ngồi chơi, làm việc hay ngay cả khi nằm ngủ. Từ ngày ấy, tôi làm theo lời chỉ dẫn của Thầy, và dần dần tôi nhận ra, không khí, nhất là vào buổi sáng, có một hương vị và năng lượng lạ lùng, làm cho sức khỏe của mình hồi sinh. Nhất là trong những lúc bối rối, lo lắng, sợ hãi, tôi chỉ nhẹ nhàng và kín đáo hít thở thật sâu, nín thở một lát, rồi thở ra thật hết, độ vài lần là thấy lòng bình tĩnh, tâm hồn thanh thản hẳn lại.

                                Quả nhiên lần này cũng vậy, sau khoảng mươi phút hít thở bầu không khí thanh tịnh của buổi sáng ở một miền thôn quê gần biển, tôi thấy lòng mình thư thái hẳn lại. Tôi đi ngược trở lại con đường mòn dẫn lên đồi cao. Từ trên đồi cao, tôi quan sát thấy thị trấn Móng Cái trong tầm nhìn của tôi. Thời tiết lúc đó lạnh lẽo vì cuối Thu đầu Đông. Khoảng cách giữa tôi và thị trấn Móng Cái khoảng 5, 7 cây số đường chim bay. Bình thường đi bộ vượt qua được khoảng cách này chỉ mất hai, ba tiếng đồng hồ, nếu đi đường quốc lộ. Cắt rừng thì mất khoảng 5 tiếng. Nhưng khó khăn là tình trạng canh gác vô cùng cẩn mật suốt dọc đường quốc lộ. Vượt qua được những trạm gác này là chuyện không có dễ. Còn nếu cắt rừng mà đi thì tránh được các trạm gác nhưng lại gặp phải mìn, chông và cạm bẫy. Với công an, bộ đội biên phòng, tôi có thể tìm cách qua mặt họ. Trong trường hợp bị nghi ngờ và bị bắt, tôi cũng sẽ tìm mọi cách thoát thân. Tuy như vậy sẽ thập phần khó khăn, nguy hiểm, nhưng còn có phần hy vọng sống sót. Còn đối với mìn chông cạm bẫy là những vật vô tri, không tai mắt, nếu tôi chẳng may vướng phải, đời tôi sẽ tàn tức khắc. Sau khi suy nghĩ thiệt kỹ, tôi quyết định đi theo đường quốc lộ để lọt vô thị trấn Móng Cái. Vì thị trấn nằm ngay cạnh sông Ka Long, nên một khi vô được thị trấn, tôi sẽ tìm cách bơi qua sông để sang bên Trung Quốc.

                                Quyết định như vậy, tôi liền quay trở lại nhà lấy cuốn sách thơ và tấm hình Hồ Chí Minh, định lặng lẽ ra đi, sau khi viết mấy lời cảm ơn gia đình ông cụ vào một cuốn vở học trò để trên bàn. Không ngờ khi tôi đang cắm cúi viết, bỗng nghe có tiếng ho. Quay lại, tôi thấy cụ ông từ trong buồng đi ra. Cụ hỏi:

                                – Anh định đi phải không?

                                Tôi thưa:

                                – Dạ thưa bố, con phải đi sớm vì trưa nay con phải có mặt ở Móng Cái.

                                Cụ ngồi xuống chiếc ghế duy nhất cạnh bàn, với tay lấy chiếc điếu bát, chậm rãi vê thuốc cho vào nõ điếu. Vừa vê thuốc, cụ vừa nói:

                                – Đây đến Móng Cái đi bộ chỉ khoảng hơn hai tiếng. Nhưng giấy tờ khám xét dọc đường thì phiền phức lôi thôi, mất thì giờ lắm. Để tôi xem xem nào, từ đây đến đó, dễ phải hơn 20 trạm gác là ít nhất. Mỗi trạm nhanh cũng phải 10 phút, chậm thì phải nửa tiếng. Vị chi là anh phải 4, 5 tiếng khám xét giấy tờ, cộng với hai tiếng đi bộ là 6, 7 tiếng đồng hồ. Anh đi bây giờ thì phải chiều mới tới được Móng Cái.

                                Tôi bật lửa, châm vào đóm, đưa cho cụ. Hút thuốc, nhả khói, cụ nói tiếp:

                                – Anh có giấy tờ đi đường đầy đủ thì nên chọn lúc trạm gác vắng người. Còn giấy tờ của anh không đầy đủ, thì tốt nhất chờ lúc đông người, đến gần trưa hay đi. Đông người thì vô hồi vô phèng, tụi nó cũng làm phiên phiến cho xong. Thói đời xưa nay là vậy… Còn đi bây giờ thì sớm quá, mà trời lại lạnh buốt như thế này… Điệu này năm nay sợ lạnh hơn năm ngoái…

                                Tôi thoáng nhìn cụ. Thấy nét mặt của cụ vẫn dửng dưng khi nói câu đó. Tôi thầm nghĩ, có lẽ cụ chỉ tình cờ nói, chứ không nghi ngờ gì tôi. Dù sao, tôi cũng thầm cảm ơn cụ. Có điều, tôi dù có giấy tờ tùy thân “hợp pháp” do một cơ quan cấp bộ của cộng sản ở Sàigòn cấp, nhưng tôi đã có cách đi riêng của tôi khi qua các trạm gác, thay vì phải trình giấy tờ. Nghĩ vậy, tôi ngỏ lời cảm ơn cụ và xin tạm biệt.

                                Khi bắt bàn tay già nua nhăn nheo của cụ, tôi cũng đưa cho cụ 10 đồng. Đây là số tiền đầu tiên tôi tiêu trong số tiền 82 đồng hốt hụi của một người bạn đã trao cho tôi ở ga xe lửa Bình Triệu trước khi tôi lên tàu ra Bắc. Số tiền đó tuy ít ỏi, nhưng đó là tất cả vốn liếng của người bạn rất nghèo đó có thể có được. Vì vậy tôi vô cùng cảm động và biết ơn người bạn đó không biết để đâu cho hết. Thú thực, ngay khi viết những dòng chữ này, lòng tôi vẫn bồi hồi xúc động, nhớ lại những ngày tháng sóng gió, tôi bị săn đuổi như một con thú trên chính quê hương của tôi. Trong suốt những ngày tháng bị săn đuổi đó, đã có những người thân ruột thịt, những bạn hữu, những ông bà, cô bác, chú dì, anh chị em,… đã tận tình giúp đỡ tôi, bất chấp khó khăn nguy hiểm… Trong số đó, có những người tôi quen biết, sau này tôi có được cơ hội đền đáp một trong muôn phần ơn nghĩa. Nhưng cũng có không biết bao nhiêu ân nhân, với tấm lòng vàng, đã giúp đỡ tôi, nhưng vì hoàn cảnh éo le lúc đó, tôi đã vĩnh viễn không bao giờ biết được họ là ai, ở đâu… Nhưng trong suốt thời gian ba mươi năm qua, mỗi khi bồi hồi xúc động nghĩ tới những kỷ niệm xưa, tôi luôn luôn tâm niệm, nếu không có được những tấm lòng vàng của những con người vô danh đó, chắc chắn tôi không thể nào còn sống đến hôm nay, hay ít nhất, tôi cũng không thể nào có được cuộc sống tự do như hôm nay….

                                Hôm đó, vào buổi sáng tinh mơ của một ngày cuối tháng 9 năm 1978, tôi chia tay ông cụ, lên đường trực chỉ thị trấn Móng Cái. Đoạn đường không đầy 10 cây số với khoảng 20 trạm gác đang chờ đợi tôi. Trước đây, ngược xuôi đi lại ở Miền Nam, tôi không lo ngại khi thấy trạm gác của bộ đội, công an. Như tôi đã nói, ở Miền Nam, tuy cũng bị cộng sản săn lùng, nhưng tấm lòng yêu thương đùm bọc của người dân Miền Nam dành cho những nạn nhân cộng sản, trong đó có tôi, đã khiến tôi yên tâm đi lại như cá bơi trong nước. Còn ở Miền Bắc, người dân đã sống trong sự kìm kẹp tuyên truyền của chế độ cộng sản cả mấy chục năm, nên khi trở lại đất Bắc trong thân phận của một người tù vượt ngục đang bị săn đuổi, ngay cả khi gặp người thân ruột thịt ở nơi chôn nhau cắt rốn, tôi cũng không dám thổ lộ hoàn cảnh thật của mình. Nói như vậy, quý độc giả thấy được nọc độc của cộng sản lợi hại đến là nhường nào. Và nhiều lúc tôi tự hỏi, nếu bây giờ tôi trở lại Miền Nam trong thân phận của một người bị chế độ CS săn đuổi, liệu tôi có còn được người dân Miền Nam, sau 30 năm bị CS tuyên truyền, đầu độc, sẽ tiếp tục đùm bọc, yêu thương, che chở để cho tôi được hạnh phúc sống trong cảm giác như cá bơi trong nước của ngày xưa hay không?

                                Từ con đường mòn trên triền đồi, bước xuống đường quốc lộ, tôi cảm thấy ngay bầu không khí sôi sục chiến tranh. Trời lúc đó còn rất sớm, cây cỏ còn đẫm sương, và khí

                                lạnh còn dàn dụa trong không gian, nhưng những đoàn quân xa, những đơn vị bộ đội dài dằng dặc, cùng dân quân, du kích, dân công chiến trường… đã lũ lượt đổ về Móng Cái.

                                Trạm gác đầu tiên tôi thấy trên đường quốc lộ là một túp lều tranh dựng tạm bên đường. Phía đằng trước lều, có mấy tên công an áo vàng, súng ngắn đeo ở hông, đang xét giấy tờ người qua lại. Quanh quẩn bên cạnh là mấy tên bộ đội biên phòng, đeo súng AK, dáng điệu uể oải, thờ ơ, với vẻ ngái ngủ còn đọng trên gương mặt.

                                Quan sát một lúc, tôi thấy ngay, trạm gác không xét giấy tờ các đơn vị bộ đội và những người dân ăn mặc lam lũ, có vẻ là người địa phương. Riêng xe cộ qua lại bị kiểm soát rất kỹ. Không những tài xế xe phải xuống xe xuất trình giấy tờ, mà công an, bộ đội biên phòng còn bắt mở cửa xe, khám xét, thậm chí còn nhảy lên cả phía sau xe tìm kiếm lục lọi… Nhìn cách thức kiểm soát xe cộ của trạm gác, tôi thở phào hú hồn, vì trước đó tôi đã có ý định nhảy xe quá giang vô thị trấn, giống như trước đây ở Quảng Trị, tôi đã từng làm và may mắn thoát.

                                Sau một hồi quan sát, tôi liền nghĩ ra một kế. Tôi vội cởi chiếc áo bộ đội đã bạc màu, thắt ngang hông, để hai tay áo lủng lẳng hai bên, còn trên người chỉ mặc chiếc áo may ô màu vàng khè, ống quần thì sắn móng lợn, bên cao bên thấp. Nách tôi cắp cuốn sách Ngục Trung Nhật Ký, tay cầm bức hình Hồ Chí Minh đã cuộn tròn. Tôi biết, với ngoại hình như vậy mà mang hai vật này thì quả là hơi kệch cỡm, nhưng tôi không có cách nào khác. Tôi phải mang theo nó, vì sau này lỡ gặp lúc hiểm nguy, rơi vào tay bộ đội, công an, sự hiện diện của nó sẽ có giá trị hơn bất cứ thứ giấy tờ nào. Nó sẽ gián tiếp chứng minh một cách trung thực và ngay tình tôi là người “ái mộ HCM”. Điều đó sẽ xóa tan ngay những nghi ngờ trong đầu óc của bất cứ tên cán bộ, công an, bộ đội nào khi bắt giữ tôi…

                                Trạm gác nằm về phía bên phải đường, nhưng ngay phía bên trái, đối diện với trạm gác cũng có hai tên công an áo vàng đứng cạnh mấy tên bộ đội biên phòng xét giấy tờ người qua lại. Lúc đó trời còn sớm, số người qua lại phải xét giấy tờ chưa đông, nên bộ điệu của mấy tên này rất thờ ơ, thiếu cảnh giác. Chúng đứng cụm lại một chỗ lo tán gẫu, không để ý gì những người dân lam lũ đi qua đi lại…

                                Thấy được chỗ sơ hở đó, tôi quyết định đi về phía bên trái. Vừa đi, tôi vừa huýt sáo một bài hát của cộng sản, mà lâu ngày tôi đã quên mất tên. Trong lòng tôi lúc đó rất lo lắng, sợ hãi, trống ngực đập thình thịch, nhưng bề ngoài tôi vẫn cố giữ vẻ mặt bình tĩnh, bước đi thật ung dung qua trạm gác…

                                Quả nhiên, không một tên công an, bộ đội nào để ý đến tôi. Chắc nhìn bộ điệu của tôi, dép râu, nón cối, ống quần sắn móng lợn chân cao chân thấp, lại mặc chiếc áo may ô ố vàng, người không mang theo hành lý gì, nên chúng đinh ninh tôi là một người dân địa phương bình thường, chẳng cần phải xét hỏi giấy tờ.

                                Qua được trạm gác một quãng xa, tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Giả vờ băng ngang đường, tôi ngoái đầu nhìn lại phía sau, thấy mấy tên công an bộ đội vẫn đang xét hỏi giấy tờ một hàng dài những người Việt gốc Hoa, gồng gánh đủ thứ đồ đạc trên vai, trên xe đạp, xe bò, xe ba gác… Theo lời của một người Hoa tôi tình cờ gặp trên đường, cộng sản đã bắt tất cả những người Hoa trên đường trở về nước phải đến trại tập trung ở cách Móng Cái 5 cây số về phía tây, để chờ đợi Trung Cộng mở cửa biên giới cho họ hồi cư…

                                Như vậy là tôi đã may mắn qua được trạm gác thứ nhất. Trước mặt tôi còn khoảng 20 trạm gác nữa phải vượt qua. Tuy lo lắng, sợ hãi, nhưng tôi yên tâm, vì trong lòng tôi đã có kế hoạch, bằng mọi cách thật cẩn thận và an toàn, qua được trạm gác nào thì qua, đến chiều tối, tôi sẽ tìm vô rừng ngủ, chờ ngày mai đi tiếp….

                                còn tiếp

                                Comment



                                Hội Quán Phi Dũng ©
                                Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




                                website hit counter

                                Working...
                                X