Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Buồn Vui Phi Trường - Dương Hùng Cường

Collapse
X

Buồn Vui Phi Trường - Dương Hùng Cường

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Buồn Vui Phi Trường - Dương Hùng Cường

    Buồn Vui Phi Trường
    Dương Hùng Cường



    1. Từ sau vụ công tác Cao Nguyên, khi trở về Sàigòn, Trung thường đi chơi với Thắng. Chàng nhận thấy ở cái anh chàng thợ máy biết bay này, có nhiều thứ trái ngược. Vừa già dặn, vừa trẻ con. Vừa từng trải, vừa ngây thơ. Nghĩa là Thắng có thể ngồi nói chuyện Tam Quốc Chí với các cụ già mà còn có thể ngồi đấu chưởng với lũ lõi.

    Thắng lúc nào cũng mặc một chiếc quần “Jean” màu xanh, bạc phếch. Chàng còn cầu kỳ, bôi dầu máy thành nhiều vệt dài. Đó là lối trang điểm của James Dean… Thắng có một lối lái xe Vespa bạt mạng. Trên sân đậu phi cơ, Thắng hay biểu diễn nhiều vụ “xin tí lửa” cho anh em coi. Xe đang chạy mau, chàng nghiêng cho sàn xe Vespa quẹt xuống sân. Bên phải, bên trái, bên nào cũng được. Những đống nhớt chảy trên sân, thằng nào chạy xe lên cũng té, mà Thắng chạy qua cứ phây phây.

    Với số tuổi ba mươi mốt của Thắng, nhiều người kể như là đã già. Nhưng Thắng thì trái lại… Trung nhận thấy Thắng nhiều khi tinh nghịch một cách thật con nít. Thắng hơn Trung sáu tuổi. Nhưng với Thắng, Trung có thể nghiễm nhiên gọi nhau bằng “mày, tao” mà không cần đắn đo suy nghĩ. Trung thường ngồi sau Vespa của Thắng. Hai đứa chạy nhông nhông khắp Sàigòn. Thắng thường hay thích đùa dai. Tới một ngã tư đèn đỏ…Thắng len lỏi, rồi ngừng ngay đầu một đoàn xe. Đột nhiên, Thắng sang số xe. Tiếng máy xe vào số, nghe như một tiếng gõ mõ. Rồi Thắng phóng lên khi đầu đường chưa bật đèn xanh. Nghe tiếng sang số của Thắng, cả đoàn xe đứng chờ, sang số chạy theo nhưng Thắng vừa chạy đã rẽ ngay tay phải. Tiếng còi cảnh sát thổi rầm rĩ… Chạy được một quãng, Thắng bảo Trung:

    – Chúng mình lại xem chúng nó bị phạt đi…

    Đi chơi với Thắng, Trung bao giờ cũng được hưởng những trò vui nho nhỏ như vậy. Ít khi thấy Thắng buồn. Thắng cười luôn, nhưng Trung biết rằng Thắng đã dấu một tâm sự đau thương ghê gớm.

    Thắng vừa lên Thượng-sĩ… Anh chàng có vẻ ghét thậm tệ cái lon này. Nghe có vẻ già nua quá. Nhưng biết làm thế nào, chẳng lẽ cứ mang lon cũ, rồi vài ba thằng “thối mồm” thế nào cũng tố lên cấp trên là mình bất mãn. Thắng chửi thề:

    – Mẹ kiếp, cứ để ông mang lon Trung-sĩ nhất ông lại còn khoái. Mang cái lon Thượng-sĩ, chẳng ra cái mẹ gì cả!…

    Trong Không Quân, cái cấp bực tuy rằng không hạn chế, nhưng theo kinh nghiệm, nó phải chạy theo cái nghề mà mình làm. Làm sĩ quan, nếu mà theo cái nghề quan sát viên, nghĩa là nghề phó nhòm, thì ít khi nào có thể lên được cái lon Thiếu-tá. Làm thợ máy, kể cả bay lẫn bò sát, ít khi nào có thể lên được cái lon Thiếu-úy. Nếu làm thợ gác cổng, thợ xét giấy tờ ông đi qua bà đi lại, thì ít khi nào lên được tới cái lon Thượng-sĩ.

    Ở trong Không Quân, những thằng có kinh nghiệm một chút, thì thế nào cũng hiểu ngầm cái giá biểu đã định. Không cần như các hiệu buôn phải treo bảng “bán theo giá đã ghi”. Đôi khi cũng có một vài vụ giá lên quá bảng ấn định nhưng mà giá đó là giá chợ đen thì kể đến làm cái…mẹ gì.

    Một điều đáng ngạc nhiên cho Trung nữa, là Thắng có bằng Tú-tài I từ năm 1952. Ngày đó chàng mới học lớp….nhất. Thời gian qua đi mười mấy năm mà Thắng không thi nốt cái bằng Tú-tài bỏ dở. Trung mang cái thắc mắc ấy ra hỏi Thắng. Thắng cười hề hề:

    – Tính tao vốn lười… Có cái bằng Tú-tài, lúc giải ngũ ra, với cái tính lười của tao, thế nào tao cũng làm đơn xin đi làm công chức. Mà làm công chức thì eo ôi chán lắm. Với lại, tao cũng sợ mang tiếng là thi đậu “Tú-tài võ”.

    Những thằng tàu bay thường mang nặng nhiều mặc cảm. Khi khai vào lý lịch có bằng tú-tài, thế nào chúng nó cũng xúm lại hỏi:

    – Tú Tài Văn hay Tú-tài Võ?

    Tú-tài văn là bằng Tú-tài thi đậu khi còn ở ngoài “xi-vin”. Có nhiều thằng ở ngoài “xi-vin” thi hoài thi hủy, mà không sao đậu nổi cái Tú-tài. Kỳ nào cũng chỉ thiếu có vài ba điểm. Tức mình, chúng nó vào lính tàu bay. Mặc quần áo ka-ki, đi thi được vớt tới hơn một chục điểm. Thi đậu là cứ phăng phăng. Bởi vậy, danh từ Tú-tài võ ra đời.

    Trung cũng vừa lên cấp bậc. Từ tạm thời lên thực thụ. Cái lon mới cũng chẳng khác gì cái lon cũ nên chẳng mất tiền mua lon. Lương cũng chẳng thêm được đồng nào. Chỉ có cái thiệt trước mắt là mất tiền cho tụi bạn uống một bữa. Tính sơ sơ có một ngàn đồng. “Một ngàn đồng bạc Đông Dương”. Chúng nó hay gọi như vậy, để tỏ ra mình là con người quốc tế, tiêu nhiều thứ tiền, tuy rằng thằng nào cũng thích ăn…thịt chó.

    Những buổi chiều, khi đèn Sàigòn vừa bật sáng, Thắng và Trung hay lang thang trên đường Tự Do. Đôi khi, hai đứa tạt vào thăm mấy cái snack bar, tìm mấy chị me Tây già, còn sót lại của cái thời “săng-đá”, đấu tiếng Tây bồi. Những giờ phút đó, Thắng nhớ tới cái trường thợ máy Rochefort, rộng mênh mông, con đường 14 juillet dài sâu hun hút.

    Mùa đông miền Charente-Maritimes không lạnh lắm nhưng cũng đủ làm cóng đôi chân. Thắng mặc áo sơ-mi màu xanh thợ máy, cả tháng không thèm thay. Khi nào thấy cái cổ áo bẩn, thì lại mặt lộn ngược trở lại. Thắt cái cà-vạt, khoác thêm cái áo ngoài, lại vẫn “đẹp mắt” như thường. Cái con người của Thắng ở bên Tây thật là bẩn thỉu. Khi rời xa trường Rochefort, Thắng bùi ngùi nhớ Rue des Mousses, nhớ Eden, nhớ ba số 1, nơi có những nàng kiều nữ tóc vàng mắt xanh, 1.500 quan có thể gần nhau một lúc mà nếu gạ được em mang về cái xứ nước mắm này cũng vẫn le như thường.

    Thắng xoay ly rượu nhìn vào tận đáy ly. Những buổi chiều thứ bảy, cầm tích-kê, đứng nối đuôi nhau sau mấy cô đầm non hôi nách, chờ tắm nước nóng. Căn phòng đợi bốc hơi như sương mù, làm ẩm ướt chiếc áo dạ. Ngoài trời, những cành cây khô rung rung, theo từng cơn gió heo hút. Khi có một phòng trống, mụ đầm già dài mồm ra gọi:

    – Le suivant!….

    Cái đuôi người lại nhích thêm được một tí. Le suivant! Le suivant!…Tiếng mụ đầm già ám ảnh Thắng như tiếng gọi văng vẳng vọng về dưới đáy ly rượu tám chục đồng. Thắng chợt tỉnh, khi Trung hỏi:

    – Mày nghĩ gì vậy?….

    Thắng mỉm cười:

    – Tao nghĩ đến con Jacqueline, con bé bán táo ở đường 14 juillet…Mày biết thằng Hưng không? Nó gạ được em. Em dắt nó về nhà. Không biết nó tán tỉnh làm sao mà ngủ được với em, ngủ cả được với em sến của nhà em….Thật là một kỳ tài.

    Thắng kể chuyện và cười vang thích thú, bất chấp những chàng lính Mỹ, ngồi trong quán trố mắt ngạc nhiên. Trung nghĩ đến bà Thừa, nghĩ đến Cúc. Cả hai mẹ con nhà ở đầu ngõ nhà chàng, đều để ý đến chàng. Cô con gái của bà – cô Cúc mê tiểu thuyết kiếm hiệp, cũng chỉ chờ chàng mở một câu là sẵn sàng tung hê tất cả. Nhiều khi chàng nghĩ mình cũng nên khai thác cái mỏ “lẳng lơ có nòi” này. Nhưng chàng muốn trung thành với mối tình của Thủy. Chàng thở dài, gọi thêm hai ly rượu. Vài cô bạn già, cầm ví tay, bắt tay Thắng và Trung:

    – Ô voa Thắng…ô voa!…

    Các cô già làm ban ngày đã hết giờ. Bắt đầu cho những cô trẻ làm việc buổi tối. Thắng và Trung cùng nghĩ tới đời lính, những phiên trực, gác. Cũng chia tay lạnh lùng như ở đây, khi đổi phiên…Chỉ khác có sự bàn giao, vài ba cuốn sổ, vài giòng chữ ngoằn ngoèo ghi vội. RAS. Rien à signaler. Phút cuối của một người là phút đầu của một người. Tiếng thì thầm của vài ba cô con gái, như chìm vào trong cái chán nản lan ra mãi. Thắng uống ly rượu hết một hơi, quơ tay cầm lấy mấy cái bông:

    – Đi thôi mày!

    Vỉa hè Sàigòn còn ướt nước mưa. Qua La Pagode, những khuôn mặt quen thuộc đến nhàm chán. Sàigòn chỉ có thế, chỉ có thế! Thắng lại nghe Trung thở dài:

    – Sao mày không lấy vợ đi? Với cái tuổi hơn ba mươi của mày, đủ tư cách để lấy vợ lắm rồi.

    Thắng thở một hơi thuốc lá:

    – Tao chờ.
    – Chờ cái gì? Chờ chồng của người yêu chết?…

    – Không! Tao chờ một quy chế đủ bảo đảm cho vợ tao khi tao ngỏm.

    Tự nhiên, Trung nghĩ đến một câu trong Chinh Phụ Ngâm. “Dạy con đèn sách, thiếp làm phụ thân”. Ôi! Những người lính đã trót mang tiếng hào hoa như chàng, như Thắng, khi gục ngã, bao giờ cũng nghĩ tới tương lai của vợ, con.

    Lòng Trung thấy buồn một cách lạ. Vợ của những người lính. Con của những người lính. Cái thảm cảnh của xã hội, liên quan đến Trung, đến Thắng, đến tất cả các chiến hữu ở khắp các chiến trường, tất cả như một nét đen thẩm kéo dài như một chữ thập chéo của một hoạ sĩ khi bất mãn với tác phẩm của chính mình.

    Khi mà chồng gục ngã nơi chiến trường, cái bi thảm của những người vợ với tương lai mua vui cho thiên hạ. Những đứa con, lang thang ngoài đường phố, lấy những trái me ở những con đường vắng, lấy cá của sông Sàigòn làm cơm. Và cái đầu đường chờ đợi của những người đó là cái gì? Phải chăng là một cái nhà tù, một cái giường trong nhà thương thí.

    Trung có một người bạn làm quận trưởng. Anh bị Việt Cộng giết trong một vụ phục kích. Rồi một ngày đi du hí, Trung gặp vợ bạn trong một dancing, trong cái không khí đầy khói thuốc lá, nước hoa và rượu mạnh. Trung gọi vợ bạn bằng chị mà không dám hỏi thăm về chuyện gia đình vì gặp “chị” ở đây, đã đoán hiểu cái tình cảnh phải bi thảm quá lắm rồi. Chung quanh Trung, những thằng oắt con, những ông già lụ khụ, gọi tên chị, lôi kéo chị, gọi chị bằng em…

    Thắng và Trung đã lang thang đến bờ sông. Gió lạnh ban đêm làm hai người tỉnh hẳn. Trên trời, mây đen đã tan dần…Vài ngôi sao hiện ra như những đôi mắt u oán, những đôi mắt của những người chiến sĩ đã gục ngã, đôi mắt của anh Đại-úy Quận-trưởng, hằn học nhìn xuống, nhìn những bước chân trên sàn nhảy đã dẫm nát những hy sinh mà anh đã trọn vẹn dâng hiến cho non sông xứ sở.

    Giọng Thắng mơ hồ:

    – Lấy vợ! Có lẽ cũng đến phải lấy vợ. Bây giờ tao mới hiểu, tại sao những thằng tàu bay thích lấy vợ cô giáo. Tao cứ tưởng là một phong trào, một cái gì thuộc về vấn đề thời trang…Thủy của mày vẫn còn đi dạy học đấy chứ?

    Trung gật đầu, thẫn thờ:

    – Ước mong sao những thảm cảnh của vợ con lính chỉ là một cảnh “mưa bóng mây”.

    Thắng rùng mình. Gió đêm từ bờ sông lành lạnh. Chàng bảo Trung đi về. Hai người đi trở về chỗ gửi xe ở phía cuối đường. Những chuyện buồn thường khắc vào con người những nết hằn sâu lên khuôn mặt. Vài tháng trước đây, Biệt-đoàn của chàng có tổ chức một chiến dịch để quyên tiền giúp gia đình một người bạn chiến dịch Nguyễn Thế Tế.

    Biệt-đoàn những người áo đen, những người bạn thật thương yêu nhau, đưa cái công việc quyên tiền giúp một gia đình lên ngang hàng một chiến dịch. Thắng là đại diện của hạ sĩ quan nên theo chân “phái đoàn” ra nhà của Tế. Thắng nhớ rõ cả ngày tháng, ngày mùng ba tháng sáu. Bà mẹ của Tế khóc sướt mướt, kể lể về dự tính cưới vợ cho ông con trai. Người chị và người em gái, nước mắt ngập ngừng trên mi, hỏi ông Chỉ-huy trưởng:

    – Thiếu Tá có biết tin gì về em nó không ạ?

    Chuẩn-úy Nguyễn Thế Tế được ghi là mất tích ngày 22-4-1965, trong một phi vụ Bắc phạt. Cha anh lại vừa mới mất. Cả gia đình, bây giờ chỉ trông cậy vào người con rể, chồng của người chị, hiện đang đồn trú tại một đơn vị thật xa Sàigòn. Thỉnh thoảng, “anh về với em rồi anh lại đi”… Tình cảnh thật đáng thương.

    Số tiền quyên được là bốn mươi chín ngàn hai trăm đồng, chưa kể Phi-đội Trực-thăng thuộc Biệt-đoàn đang công tác tại Nha Trang. Đặc biệt là các bạn phi công cố vấn Hoa Kỳ tại Biệt-đoàn. Họ cũng đóng góp theo cấp bậc và còn tính đóng nhiều hơn, vì họ giàu. Nhưng những anh em trong Biệt-đoàn không muốn như vậy. Ông Thiếu-tá Chỉ-huy trưởng, còn rất trẻ, tâm sự nhỏ với Thắng:

    – Tôi mà chết, tôi cũng chỉ mong anh em đóng góp cho gia đình tôi số tiền năm chục ngàn đồng.

    Những người bạn cùng sống, chết với nhau, thật thương nhau. Nhưng sự giúp đỡ ấy tồn tại được bao nhiêu lâu? Một năm, hai năm?… Cuộc đời của con người đâu chỉ thu gọn ở một năm, hai năm?… Người lính hào hoa, cái tiếng nghe sao như một lời mỉa mai cay nghiệt.

    Ngoài phố, lại có lộn xộn. Khu chợ Ông Tạ, biểu ngữ phản đối chính phủ giăng trắng xóa ngang đường. Phái đoàn theo ông Chỉ-huy trưởng ra nhà Chuẩn-úy Tế. Trước khi đi, ông còn dặn ở nhà:

    – Báo động cho Biệt-đoàn ngay đi… Coi chừng không chúng nó lại chiếm được biệt đoàn. Máy bay sẵn sàng tất cả nhé. Chúng nó mà đảo chính thì bay lên “khện” cho chúng nó một trận.

    Thời nầy, thật là nhiều cái lo. Có nhiều lúc, người ta quên kẻ thù Cộng sản . Đường đi vào nhà Chuẩn-uý Tế lầy lội, nhiều vũng bùn đục ngầu, quyện chặt bánh xe Jeep.

    – Đời thằng phi công An-nam thật khổ… Chắc là hồi trước, chiều nào thằng Tế cũng phóng xe -xô-lếch về cái ngõ này…

    Thắng theo mọi người vào một căn nhà có dàn hoa giấy. Con nít đông đặc ngoài cửa, xúm lại để xem mấy ông nhà binh. Bà cụ già, mẹ của Tế, ôm cháu ngoại trên tay, nhớ đứa con trai. Nếu còn ở gần, năm nay cụ sẽ cưới vợ cho con, sang năm chắc sẽ có cháu nội…

    – Ối con ơi là con ơi!…

    Thắng cắn chặt lấy môi dưới. Trong người của Thắng như có một cái gì trống lên ngực. Tất cả xúm lại an ủi bà mẹ. Viễn ảnh của một ngày xa xôi, có một cuộc trao đổi tù binh.

    Tự nhiên Thắng nghĩ đến bài học khi còn ở lớp nhất “Làm người ai cũng phải có hy vọng”… Cái hy vọng của bà cụ già gần đất xa trời sao mà nó mong manh! Cái cảnh tre khóc măng, như cái cằn cỗi thương tiếc cho màu xanh. Không biết bà cụ già có còn sống để chờ đợi và lấy vợ cho con?…Nét mặt của người chị, mắt nhìn không chớp, vừa lo cho em, vừa lo cho chồng… Người em gái còn thật trẻ, tự hỏi biết đến bao giờ thì anh về…

    – Thưa cụ và bà, trước anh Tế, còn có các anh Thiếu-tá Chẩn và Đại-úy Huề. Chúng ta đành chờ tới cái ngày trao đổi tù binh.

    Người mẹ lại oà lên khóc…

    Thắng cứ bị mãi cái ám ảnh đó. Những bước chân nặng nề, vang trên đường lạc lõng, Trung vẫn còn đi bên cạnh Thắng đây. Mới chín giờ tối, đường Sàigòn đã vắng. Thắng lấy xe đưa Trung về nhà. Thắng thả Trung xuống ở đầu ngõ. Trong căn nhà của Cúc, văng vẳng tiếng cười đùa, tiếng cười của những người con gái….Trung bước qua vũng ánh sáng hắt ra từ khung cửa sổ, rồi lẫn vào ánh đèn đường heo hút….

    ******


    2. Chia tay với Trung, Thắng vòng xe vào trại. Qua một sạp báo, Thắng quơ tay nhặt vội gần một chục tờ báo. Quẳng tờ giấy bạc hai chục lên mặt sạp, Thắng cười với cô hàng báo có đôi mắt buồn buồn rồi lại phóng xe đi. Cửa phòng khóa kín, tắt đèn. Chắc là Hối, người bạn ở cùng phòng, đã đi trực. Đêm nay, Hối trực phi cơ thả bom soi sáng.

    Thắng nghĩ tới cái phi vụ buồn nản, trực flare ship. Chiếc phi cơ chở đầy bom soi sáng, cất cánh lúc mười giờ đêm, bay vòng vòng ở điểm đợi trên không phận Sàigòn trong sáu giờ đồng hồ. Nếu có một đồn bị địch tấn công ở dưới đất gọi lên thì lại trực chỉ đồn đó, tới thả những trái hoả châu cho sáng rực cả vùng trời. Nếu không có, cứ bay ở trên trời cho hết sáu giờ đồng hồ trực.

    Nhiều khi, nhìn mãi những vùng ánh sáng xanh, đỏ của Sàigòn, Thắng có những ý nghĩ dại dột là mong cho một đồn nào đó bị tấn công. Để thay đổi cho cặp mắt. Từ trên cao nhìn xuống, những ánh lửa bay xiên ngang, đan nhau thành những vệt dài rồi vụt tắt như những ngôi sao băng. Ngồi trên thật cao, không nghe lọt những âm động chiến trường .

    Thắng mở khoá, bật đèn, nằm dài trên giường thoải mái.

    – Thắng về rồi đấy à?

    Tiếng Sơn ở phòng bên cạnh hỏi. Dãy nhà của hạ sĩ quan độc thân chia ra làm nhiều phòng, mỗi phòng có hai người. Thắng nói vọng sang:

    – Ừ, về rồi! Có chuyện gì vậy?
    – Đọc báo chưa? Có tin rớt tàu bay của “Air nước mắm” ở Quảng Ngãi đấy.

    Thắng ngồi bật dậy, vội vàng trải rộng tờ báo. Hình chụp một chiếc DC3, tan thành từng mảnh, rải rác trên một khu ruộng. Thắng vừa đọc báo vừa vói tay bật nút máy phát thanh. Tiếng hát vọng ra não nề. “Trời sinh ra ta , ta là cát, đời đưa ta đi, đi về đất“. Thắng cởi hết quần áo, nằm lên giường. Chàng vẫn có thói quen đi ngủ ít khi mặc quần áo. Ở cái cư xá hạ sĩ quan độc thân này, rất nhiều người thích ngủ với thân hình Adam. Nhiều khi Thắng nghĩ lẩn thẩn rằng thế giới này toàn là đàn bà hay toàn là đàn ông, thì thân hình chẳng cần gì phải che đậy.

    Thắng giở vào trang trong , tìm một tiểu thuyết kiếm hiệp. “Vì báo ở Hồng Không qua không kịp nên Mộ Dung Cô Tô phải gác lại một kỳ”. Thắng chợt cảm thấy lẻ loi. Căn phòng ít khi có đầy đủ hai người. Những căn phòng bên cạnh, vang tiếng cười đùa. Thắng tắt máy phát thanh. Ở phòng bên cạnh, chắc là đang có một cuộc kể chuyện tiếu lâm. Phía đầu nhà, trong nhà tắm, không biết thằng nào đang ê a bài hát “Nửa đêm ngoài phố” mà nó tự đặt lấy lời ca…
    ………………………..

    “Rồi kéo áo thung lên mà chùi…
    ………………………

    Tiếng “kéo” uốn éo, kéo dài như tiếng một con đĩ đực. Ở tất cả các cư xá độc thân, nơi nào cũng đều tục tĩu như vậy.

    Thắng mặc vội chiếc áo, đi sang phòng bên cạnh. Thì ra chúng nó đang tán ông già Lộc. Ông Thượng-sĩ già trưởng kho Quân-trang đang khổ sở với chúng nó vì kho Quân-trang đang định phát cho mỗi thằng một đôi giày. Giày Mỹ, cổ hơi cao, thật đẹp. Ông già cứ bấn cả người lên… Ông thuộc loại độc thân cụ, có con gái lớn học lớp Đệ nhị, có con trai lớn bị động viên Thủ Đức. Từ ngày vợ chết, ông gửi hết lũ con vào trường, gửi những đứa lớn cho họ hàng, bà con rồi vào đây sống với lũ quỷ sứ độc thân.

    – Đừng có “áp-phe” với tao. Muốn lãnh thì cứ xuống dưới kho, đứng xếp hàng …
    – Thôi mà bố… Con gửi bố cái phiếu xanh quân trang đây. Bố làm cho con cái “bông”. Một tí ti là xong chứ có lâu lắc gì.

    – Mày gửi rồi thằng nào cũng gửi, tao biết làm sao. Mày xuống dưới kho đi.

    Những thằng trời đánh vẫn xúm vào lải nhải…Tán tỉnh chán rồi hăm doạ. Được rồi, cụ đừng có hòng xả xăng máy bay để đổ vào cái tắc-xông xe bò. Được rồi, hôm nào cụ phải “tét” Anh văn, cụ sẽ biết tay tôi. Được rồi, con gái của cụ, hôm nào tôi theo cho mà coi. Ông già Lộc giận quá, hét lên:

    – Mẹ, đưa hết sổ Quân-trang đây.

    Tất cả những cái mồm đều há hốc ra cười. Thắng cũng chạy mau về phòng, lấy sổ Quân-trang để lĩnh giày sớm. Ông Trưởng kho Quân-trang làm cái công việc của sở ngay tại phòng ngủ. Tiếng cười đùa ầm ầm. Chúng nó vuốt ve ông già Lộc, bật quẹt đốt thuốc ngồi quạt cứ như chầu bố già. Mặt của ông già vẫn hầm hầm. Thắng an ủi:

    – Thôi mà bố… Chúng mình hơn Cộng sản ở chỗ là có nhiều tình cảm. Mẹ kiếp! Ai mà cũng như bố thì mình chiến thắng Cộng sản từ lâu rồi…

    Thắng thấy vui lây với cái không khí trẻ con. Thằng nào cũng đều trên ba mươi cả rồi. Đâu có phải là còn bé bỏng gì. Chúng nó nhất định phải chọc cho ông già cười. Phải cười, bố phải cười… Không cười, tụi tôi lột quần bố…

    Thắng đi về phòng, đã bịt hết cả hai tai lại mà còn nghe thấy tiếng đồng ca chát chúa của cả một ban hợp ca đông đảo, nhất định phải chọc cười ông già Lộc.

    “Bạn cùng ta…
    “Kéo quần bố ra…

    Thắng phì cười. Thắng thấy rằng không thể nào rời được cái cư xá độc thân này. Ông già Lộc cũng mới tới ở được chừng ba tháng.

    Một buổi chiều, bỗng thấy ông lái cái tắc-xông xe bò mà bốn cái bánh nhẵn như đầu Yul Bryner tới cư xá. Ông xách va-li, nhòm từng phòng. Tới phòng thằng Sơn thấy còn một giường trống, ông đặt va-li lên giường.

    – Cho tao ở với mày cho vui…

    Sơn trố mắt nhìn. Ông già Lộc thản nhiên trải drap, căng mùng. Ông viết chữ, dán luôn tên Thượng-sĩ Lộc dưới tên Thượng-sĩ Sơn, ngay cánh cửa. Nghĩa là ông già nhất định sẽ định cư ở đây.

    Rồi ông lôi trong va-li ra một chai whisky còn một nửa. Ngồi xếp chân vòng tròn trên giường ông uống không cần ly. Say rồi ông bắt đầu nói, ông nói tiếng Tây. Nói tiếng Tây chán, ông nói tiếng ta, chửi thề:

    – Mẹ mấy thằng thầy thuốc… Vợ tao chết bây giờ tao buồn lắm…

    Tất cả cái cư xá hạ sĩ quan độc thân nhốn nháo hẳn lên…Chúng nó đi lục tìm thêm whisky, tiếp tế cho ông già… Ừ, mấy thằng này chơi được đây. Hồi tao ở Mạc-xây… Thôi mà bố! Tụi tôi,thằng nào cũng biết mùi đầm cả rồi mà… Ông già Lộc ngữa cổ, tu hết một phần tư chai, giữa tiếng reo hò của lũ quỷ sứ. Nhà tao cho Mỹ thuê rồi. Con mang đi gửi hết. Chờ vài ba tháng, cho nó nguôi ngoai đi rồi tao đòi lại nhà, đòi lại con…Tao đếch thèm ở chung với chúng mày nữa. Uống rượu say sưa, ông nói tiếng Tây một hồi rồi lăn quay ra ngủ. Thằng Sơn phải buông mùng, lầy mền đắp cho ông già Lộc. Tội nghiệp cho kiếp lính già!…

    Ông già Lộc không đòi lại nhà…vì ông khoái cái cư xá độc thân. Mỗi buổi chiều thứ bảy, ông đi nhặt từng đứa con, đưa đi dạo phố, đi coi hát bóng. Thắng gặp một lũ lóc nhóc sáu đứa, phần nhiều cũng đã lớn, theo ông già trong hành lang Tax.

    – Chào bác đi chúng mày!

    Thắng đã luống cuống nhìn người con gái. Mắt mở to như mắt nai. Nó giống mẹ nó đấy. Ông già Lộc hãnh diện vì có con gái đẹp. Đã có một vài thằng nham nhở:

    – Thấy cháu mà bác muốn ở tù quá!

    Thắng biết rằng trong đám bạn bè, thế nào có thằng thành con rể ông già Lộc. Nhưng bây giờ, người lính già vẫn lái cái tắc-xông, có bốn cái vỏ xe nhẵn thín đi làm. Chờ ngày về hưu.

    – Bố Lộc cho mượn cái xe, tối nay đi du hí…
    – Ừ, nhưng coi chừng. Công-tắc vặn thật nhẹ, đừng có vặn mạnh mà gẫy chìa khóa. Có mở cái nắp đằng sau, lấy ma-ni-ven thì coi chừng không nó đập xuống gẫy cổ.

    Ông già dặn liên miên…Thằng mượn xe lè lưỡi…Thôi đành đi xe Vespa vậy. Mượn xe của bố thì thật dễ, nhưng “đi đến nơi về đến chốn” cái đó mới thật là cái khó. Cái xe già nua như tuổi trời, như tuổi lính, như cái lon thượng sĩ. Cuộc đời cứ dần qua cho đúng câu “ăn cơm Lê văn Lộc, ngủ hội trường Phi Long, đầu cắm ba ngọn nến”.

    Thắng nhớ mãi hình ảnh ông già Lộc đi trong thương xá Tax với sáu đứa con. Già Lộc ngậm “píp”, mặt nghiêm trang, khác hẳn với khuôn mặt khi trở về cái cư xá độc thân. Trông lộc ngộc như một con ngỗng đầu đàn. Thắng nghĩ đến tương lai mình. Rồi cũng chỉ như thế. “Tương lai của mày đấy, Thắng ạ!” Thắng tự nhủ mình như vậy và thấy một cái chán nản vô cùng.

    Nếu không có những phút vui trong cái cư xá độc thân này, thì cuộc đời kể như là hạ màn mất rồi. Mỗi buổi chiều, một bà già chừng bốn mươi tuổi, tới lấy đồ giặt. Bà đứng ở đầu nhà, nói vọng vào trước:

    – Các ông ơi, tôi tới lấy đồ giặt….

    Tất cả những câu chuyện đang tán nhảm ngoài hành lang đều bỏ dở. Chúng nó chạy vào trong phòng ầm ầm. Vào phòng để mặc quần áo. Sau chừng năm phút, bà già giặt đồ mới từ từ tới các phòng. Bà ôm một đống đồ giặt đi ra. Có lần Thắng hỏi:

    – Sao bà không giặt đồ cho Mỹ?… Nhiều tiền hơn giặt cho tụi tôi chứ.

    Bà già cười:

    – Giặt cho chúng nó lấy mười hai đồng một bộ. Giặt cho các ông lấy mười đồng. Hơn có hai đồng mà nhiều chuyện bực mình lắm.

    Thắng không hỏi tới những cái bực mình, nhưng mà chỉ cần nghĩ một chút cũng hiểu. Con người vốn nhỏ nhen, bần tiện. Chỉ cần thiệt vài quyền lợi cỏn con cũng đủ đưa tới những sự tranh giành, những sự bẩn thỉu ty tiện. Thắng đã thấy những người bạn, khi còn độc thân thì tính tình phóng khoáng, cũng thuộc vào loại hào hoa nhưng khi lấy vợ thì coi đồng bạc to bằng cái chiếu. Gặp thứ gì cũng khuân về nhà. Một cái thùng gỗ không đáng bao nhiêu. Thậm chí đến cái hộp đựng “bu-gi” cũng mang về. Để chọc mấy lỗ làm cái đựng hạt tiêu. Thắng nghĩ thầm: ” Một cái lọ đựng hạt tiêu ngoài chợ giá có mấy đồng bạc, làm cái gì mà phải khổ sở như vậy…” Nhiều khi, Thắng muốn dùng những lời sỉ vả thật cay nghiệt để mắng những thằng đó, nhưng Thắng kìm hãm lại được. Chắc chúng nó nghèo. Mình đã có vợ đâu mà mình biết. Những chuyện về cơm áo bao giờ cũng day dứt những thằng đàn ông. Mình hết tiền, mình có thể nằm nhà, nhưng chúng nó mà hết tiền, vợ mè nheo, con khóc, có lẽ chúng nó cũng có những nỗi khổ tâm riêng.

    Có một hôm xe bị hỏng, Thắng ngồi chờ ngoài cổng trại, chờ một thằng bạn nào đi qua để quá giang vào trong trại. Trời nặng màu chì, sắp mưa…Thắng ngồi co ro trong điếm canh. Đồng hồ mới chỉ hai giờ mười lăm. Cổng trại lúc nào cũng tấp nập, xe cộ ra vào không ngớt. Thắng đã phải chứng kiến một cảnh mà đã cố dằn lòng mình xuống, mà vẫn thấy sục sôi một ý nghĩ hằn học. Có một đoàn chừng năm chiếc cam-nhông của một nhà thầu cho Mỹ, chở đầy xi-măng, xin vào trong căn cứ. Ngoài cổng giữ lại…Chờ hỏi điện thoại xem có đúng như vậy không . Ông nhà thầu lo lắng nhìn trời. Đã lác đác vài giọt mưa. Mưa mà đổ xuống bây giờ thì mấy xe xi-măng đi tiêu. Ông năn nỉ:

    – Xin ông cho vào nếu không trời sắp mưa.
    – Tôi còn phải hỏi điện thoại..

    Nhưng cuộc đối thoại được dứt khoát ngay khi ông nhà thầu chìa ra một phong thư:

    – Dạ, ông có cái thư ở Nha Trang gửi tới, nhờ tôi chuyển tới ông..

    Người lính mặc “xi-vin” cầm lấy cái bao thư. Thắng có đủ thông minh để biết trong đó đựng cái gì. Thế là chẳng cần đến việc khám xét. Chẳng cần chờ sự liên lạc với cơ quan Mỹ. Thắng muốn đem việc này tố cáo lên cấp trên nhưng dễ gì ai tin mình nên tự nhiên Thắng thành một con người dễ dàng tha thứ. Tội gì mà “đem giây buộc cổ”!

    Thắng cứ thắc mắc về cái “đồng loã” của mình để rồi vài ba đêm thao thức, không ngủ được. Nhiều khi Thắng nghĩ đến công việc làm, đến những người lính biên trấn nằm trên Pleiku, nằm ngoài Đà Nẵng, lúc nào cũng thật gần với sình lầy, để rồi ở đây, có những con người phản bội, mê mải làm giàu, làm những công việc không xứng đáng với những con người cầm súng. Một chút thoáng buồn cho những người lính mang nặng suy tư.

    Những quán nước dưới gốc cây điệp, cũng mang lại cho những người lính Không Quân còn trẻ, những cái tủi hận mênh mông. Những người có vợ mở quán nước, lấy việc nhà làm chính, còn những công việc của Không Quân chỉ là công việc phụ. Một người lính Mỹ vào một quán nước, ngồi vào bàn, dơ tay lên khỏi đầu, búng ngón tay một cái :”Lieutenant, one beer!”. Ông trung úy mang ra một chai bia. Đã một dạo, người ta gọi ông là “Lieutenant one beer”. Trung úy một chai la-de! Tưởng không có gì mỉa may cay độc bằng. Nhưng đồng tiền quyết định tất cả. Cho chúng mày mỉa mai. “Rồi đây, ông lấy giấy năm trăm, ông vo tròn lại, ông búng vào mặt chúng mày cũng đủ rỗ mặt chúng mày ra”.

    Đằng sau những cái quán nước, chỉ cách vài hàng giây kẽm gai và một khu đất trống là Phi Đoàn Trực-thăng. Phi cơ lên xuống, hàng ngày chở những xác chết từ những chiến trường của khắp nẻo đường đất nước. Ban đêm, cả cái phi đoàn ấy lặng lẽ như chìm vào cái ánh sáng lờ mờ của những ngọn đèn điện màu vàng. Như xa hẳn thành phố. Cũng có những tiếng gió rì rào thổi luồn vào đám cỏ. Cũng có những tiếng ếch kêu và tiếng dế nỉ non những đềm sương xuống lạnh.

    Cách đây vài ngày, Thắng phải đi công tác miền Trung. Thắng là nhân viên phi hành đoàn của một chiếc C47, chở bom soi sáng, túc trực ngoài Đà Nẵng. Chiến trường miền Trung đang thời kỳ nóng bỏng. Chiếc C47 vượt qua hai giờ rưỡi bay, hạ cánh xuống phi trường Đà Nẵng. Thắng đứng giữa biển và núi. Khí trời như ở miền Bắc trong mùa khai trường. “Hàng năm, cứ về cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc…”

    Tình hoài bắc của Thắng chợt tan biến khi nghe tiếng Phantom cất cánh, tiếng máy phản lực rít xé không gian, vừa lên khỏi phi trường, chưa kịp lấy cao độ, đã nhào xuống bắn phá. Việt Cộng ở sát ngay phi trường. Chiến trường còn nóng hổi cái không khí sát phạt. Ở Đà Nẵng dù những đêm không nghe tiếng súng, người ta vẫn thấy trong cái im lặng, một cái gì sắp nổ bùng, vỡ ra, để đưa những con người vào cái thế chiến đấu hay là chết.

    Phi cơ của Thắng đậu ở chỗ để dành riêng cho phi cơ chở bom soi sáng. Hai bánh xe đè lên chữ flare ship. Bom soi sáng, lúc nào cũng phải để trên phi cơ, để khi có lệnh gọi, chỉ việc cất cánh bay đi. Thắng phải vào Ban Cứu Hoả để nhờ coi chừng, khi có chuyện gì, nhớ để ý tới chiếc phi cơ mà trong lòng nó mang hàng trăm trái bom dễ cháy.

    Thắng đi bộ vào Đại-đội Cứu-hoả của Không-đoàn 41. Những chiếc xe sơn màu đỏ nặng nề, nằm chờ để dập tắt những ngọn lửa. Thắng gặp toàn những người quen. Thắng tòng ngũ đã gần ba mươi năm, đã qua tất cả các phi trường, nên đi tới đâu, cũng gặp những người quen biết cũ. Với những anh em chữa lửa, Thắng đã từng chia với nhau những lo âu, những bực bội của cái thời Bearcat F8F Biên Hoà, ăn cơm chung với nhau nơi phi trường Nha Trang cát trắng.

    Thắng tới, thì các anh đang cúng rằm tháng Bảy. Hai con heo quay nằm soãi chân ra các góc bàn, nhe hai hàm răng ra cười như chế nhạo lũ người hãy còn tin ở những oan hồn, uổng tử. Những người lính chữa lửa dễ chết lắm. Chết để cứu những người khác sống. Anh Trung-sĩ Mạnh dẫn Thắng ra đằng sau nhà, xem một mảnh bom kỷ niệm của Đội Chữa-lửa Không-đoàn 41. Mảnh bom văng ra từ một chiếc phi cơ phản lực B57. Tàu bay của Hoa Kỳ, nhưng mà khi có lửa cháy thì không phân biệt những gì của ai cháy.

    Mạnh cười nói với Thắng:

    – Nếu tàu bay của Việt Cộng mà rơi xuống, bốc cháy, không chừng chúng tôi cũng chữa…

    Thắng ngồi nghe tâm sự của Mạnh, cũng là tâm sự của người lính chữa lửa Không Quân. Công tác của các anh là một công tác cứu người.

    Những người lính chữa lửa Hoa Kỳ, làm việc được hưởng đầy đủ các thứ tiện nghi. Hoa Kỳ được trang bị một cái máy đo sức nóng, để biết tới độ nào bom có thể nổ để mà… chạy. Lính chữa lửa của cái xứ Giao Chỉ này, thì có lẽ phải chờ đến kiếp sau mới có. Thành ra, khi những trái bom của chiếc B57 phát nổ thì nhìn chung quanh chỉ toàn lính chữa lửa của cái “không quân nước mắm”. Mạnh kể đến đây cười hì hì:

    – Tôi lộn tung đi hai vòng… Lúc đứng lên thì trái bom khác lại nổ, tôi lại nằm xuống. Hơi nóng thấm qua mặt nạ làm rát mặt. Tôi lấy làm lạ là bị bầm vập như vậy mà nhìn xuống tay, vẫn thấy còn ôm khư khư cái vòi rồng…

    Nếu là lúc khác mà nghe Mạnh kể như vậy, thì Thắng thế nào cũng nghĩ bậy. “Ôm khư khư cái vòi rồng”, Thắng nghe Mạnh nói một cách rất thật thà, thành khẩn, nên Thắng chỉ hơi nhếch mép, mỉm cười. Thắng thấy Mạnh rất yêu nghề.

    Giá sinh hoạt ở Đà Nẵng đang lên cao.. Mạnh thở dài, chua xót:

    – Nhiều thằng, buổi sáng, đói mờ người đi, đến nỗi đạp cái thắng xe chữa lửa không nổi.

    Thắng thật buồn.. Vậy mà anh em cũng vẫn góp tiền để mua heo quay cúng cô hồn. Thắng ngồi cạnh anh em, trước mâm thịt heo quay, miếng thịt quay ở trong mồm như muốn mắc nghẹn. Thắng cố duỗi cổ để nuốt. Thắng nghĩ rằng trong Không Quân, có nhiều thằng thật vô ích, chẳng đáng được hưởng một ly ông cụ gì về tưởng thưởng cả thì lại được hưởng đầy đủ. Trong số đó có cả Thắng, nếu Thắng đem so sánh Thắng với các anh em chữa lửa.

    Thắng đưa câu chuyện ra khỏi vùng ưu tư bằng cách kể những kỷ niệm xưa ở Biên Hoà. Những chiếc F8F bất thường như những cô gái “tốc-kê”. Sắp sửa hạ cánh, nhất định chỉ thò ra có một cẳng. Tới những con người khu trục tài hoa như Nguyễn Thế Long, Phạm Phú Quốc, Lưu văn Đức… Nhất là Thiếu-tá Lưu văn Đức. Vừa cất cánh lên khỏi phi đạo, cao độ mới chừng hai trăm thước, lộn một vòng làm một tonneau xong thì ba cái bánh xe biến mất.

    Thắng thấy lòng thật vui với những kỷ niệm ngày xưa. Có những lần, tàu bay lộn úp sấp, nằm úp xuống phi đạo, mất nhiều công phu, trục, lôi, kéo, chữa lửa chực sẵn để dẹp từng tia lửa, đến lúc kéo được ông phi công ra thì ông ta kêu mất kính Ray-Ban, mất bóp. Mạnh kể chuyện như không biết mệt. Thắng vừ ngồi nghe, vừa ăn thịt heo quay, uống “ba xi đế”. Ở đất Đà Nẵng này chỉ có thế. Bốn chục đồng một chai la-de. Thắng quên hẳn cái không khí Sàigòn.

    Thắng đứng dậy, từ giã anh em chữa lửa. Mạnh hỏi:

    – Đi đâu?
    – Xuống kho bom, nhờ chúng nó coi lại những cái “kíp” nổ của bom soi sáng…

    Mạnh lại một cái xe chữa lửa, đưa Thắng xuống kho bom. Mặt của Mạnh đỏ bừng, không biết vì men rượu “ba xi đế” hay vì cái nóng miền Trung. Kho bom ở biệt lập tận hàng rào an ninh phi trường . Chiếc xe nặng nề, đi vòng phi đạo. Đường đi thật xa, không một bóng cây. Nắng miền Trung đổ lửa, nhảy múa với bụi đường.

    Vừa qua hàng rào giây kẽm gai, Thắng đã thấy người lính của kho bom, đội nón lá, cầm búa đang bổ xuống những trái bom để làm đứt những chiếc đai. Chắc công việc này vẫn tiếp tục ngày nầy qua tháng khác. Thắng vừa nhảy xuống xe thì có tiếng gọi:

    – Ê, Thắng…

    Thắng nhìn vào trong kho…Thiện, người bạn cùng học một trường thợ máy ở Rochefort, có biệt danh là Thượng-sĩ I Đầu Bạc, đang vẫy tay gọi Thắng:

    – Ra đây bao giờ? Cần cái gì?

    Thắng cười:

    – Vừa ra đây xong thì tới kiếm mày. Cho tao một nhân viên được không?…Tàu bay tao chở bom soi sáng.

    Thiện chỉ vào năm, sáu người đứng chung quanh . Toàn những tên ghê gớm. Hoàng mập, Kính voi, Tư rocket. Những thằng này nâng bom lên móc không cần tới máy nâng chạy bằng động cơ MJ1. Lấy thằng nào tao cho luôn. Cho luôn cả tao nữa.

    Thắng chăm chú nhìn Thiện. Đầu Thiện bạc phơ, hết cả nét đẹp trai. Hồi còn ở trường thợ máy, Thiện được nhiều cô đầm mê. Ngược lên phương Bắc là tỉnh La Rochelle. Xuống miền Nam là Bordeaux, Toulouse. Thiện đi tới chỗ nào, cũng có đầm con nhà lành, trả tiền cho đi ăn, đi nhảy. Còn bây giờ thì ngồi trộn bom napalm mùi xăng bốc lên ngạt thở.

    Thắng thò tay vào túi lấy bao thuốc lá. Vừa đặt điếu thuốc lên môi, Thiện đã rút phựt điếu thuốc lá ra khỏi môi Thắng, đút lại vào trong bao thuốc:

    – Đồ ngu! Ở chỗ này mà hút thuốc… Có chán đời thì đừng làm cho những người khác chết theo chứ.

    Thiện cười vang , rút găng tay ném vào góc nhà. Ngoài kia, nắng đổ lửa, một người lính đang cầm búa bổ xuống cho đứt những đai bom. Mái tôn nóng hầm hập, có tiếng kêu lách tách khi bị nóng làm dãn ra, uốn cong những chiếc đinh rỉ sét. Thắng quay ra ngoài xe:

    – Mạnh về trước đi…Tôi ở lại đây chơi với thằng khốn nạn Thiện. Cám ơn Mạnh, cám ơn mấy miếng thịt heo quay.

    Trực flare ship chỉ vất vả vào ban đêm. Ban ngày thì cần gì phải thả bom soi sáng…Thắng ngồi chơi với Thiện cả buổi sáng. Thiện kể cho Thắng nghe vẫn nhận được thư của mấy con đầm. Có đứa đã có chồng với một đống con. Có đứa gửi thư vẫn thấy còn đề mademoiselle.

    – Các em thấy mình adjudant chef, cứ tưởng là ghê gớm lắm. Ở cái nước Tây, thì cái lon thượng sĩ nhất đã kể là vinh hoa phú quý rồi. Mẹ kiếp, bố khỉ….

    Thiện chửi bâng quơ, chửi hết, chửi mình, chửi Thắng. Thằng Nguyễn, thằng Võ, thằng Huỳnh, chúng nó phản bội nghề nghiệp, bỏ đi làm phi công hết rồi. Bây giờ thì cũng đại úy, tuy rằng đi sau, đầu hai thứ tóc rồi mới học lái tàu bay. Chỉ còn lại tao, mày và mấy thằng khốn nạn nữa là còn sót lại của cái trường Rochefort. Thợ súng, thợ máy, thợ la-dô, những cái nghề bạc bẽo. Thiện ngâm thơ ồm ồm: Giận đời bỏ học đi làm đĩ.

    Kính voi góp chuyện:

    – Nghe nói chúng mày đi buôn lậu, giàu lắm…

    Thắng nhăn mặt:

    – Ừ, thì cũng có thằng giàu, có thằng sạt nghiệp. An-ninh và Quân-cảnh, lờ đi cho vài chuyến Mã Lai. Chúng nó tưởng bở, làm một chuyến lớn, thế là về bị chộp hết. Có nhiều thằng khuynh gia, bại sản, mang công mắc nợ vì buôn lậu. Đấy là nói chuyện thiên hạ. Còn tao, tiền lương tháng nào cũng chỉ đủ tiền uống rượu lấy gì làm vốn mà mua vải, la-dô…

    Thiện thì cứ hùng hổ, đi đi lại lại, trong căn nhà chứa bom. Cái xe “đốt cát” của tao đâu rồi. Tao chở thằng Thắng đi nhậu. Có một chỗ ghi sổ, em chịu ta lắm, ít khi nào nhắc nhở đến chuyện “một trang nhật ký”. Kính bĩu môi:

    – Gáy hoài! Sức mấy…Ông cho có bữa nổ ống khói, đi tiểu “một tiếng kêu cha, ba tiếng kêu chó”. Ê, Thiện! Hôm nay cho thằng Thắng, nó ăn cái gì…
    ..........

    Bây giờ nằm đây, Thắng thấy nhớ những người bạn cũ. Thiện, Kính và những người cùng đi chung chuyến tàu Athos II. Đêm nay, thật khó ngủ… Thắng đếm 1…2…3…Một trăm… hai trăm…Những phòng của cư xá đã tắt hết đèn. Tiếng ho của ông Lộc già ở phòng bên cạnh. Một ngàn… hai ngàn….Thắng ngủ trong tiếng động cơ cất cánh từ phi trường Tân Sơn Nhất.

    ******


    3. Buổi sáng, Thắng thức dậy lúc bảy giờ…Hối đã về từ lúc nào Thắng không biết, đang nằm ngủ trên giường, chân tay dang ra trong một dáng điệu rất thoải mái. Chắc Hối về từ lúc năm giờ sáng. Qua một đêm vất vả trông Hối như già thêm. Thắng rửa mặt, lấy xe phóng xuống phi đoàn trực thăng, rủ Đặng đi ăn sáng.

    Đặng là phi công trực thăng, có tính gàn ghê gớm. Tối hôm qua, Đặng phải trực tại phi đoàn nên có dặn Thắng nhớ tới rủ đi ăn sáng. Lúc Thắng xuống tới nơi, thấy Đặng đang ngồi tán gẫu với mấy người tân binh gác tàu bay trong hangar. Thắng phóng xe lại gần.

    – Mấy cha gác tàu bay nói chuyện, đêm hôm qua nghe thấy tiếng vật nhau huỳnh huỵch ở trong tàu bay trực thăng. Mày có tin không?

    Thắng chưa biết trả lời sao, thì anh chàng hạ sĩ ngồi gần đó lên tiếng công nhận:

    – Gác trực thăng thấy như vậy là sự thường…

    Mặt của Đặng như buồn hẳn lại… Chàng nhớ tới một người bạn thân. Hắn là một cây sợ ma, không ngờ bây giờ hắn lại thành ma. Đặng vẫn có những cái vui, buồn bất chợt. Nhiều khi ngồi lái tàu bay, Đặng cứ cười một mình. Người ngồi bên cạnh hỏi thì chàng chỉ cho thấy nhiều cái khôi hài trong tàu bay. Cái cần lái thì dài quá, cái tay ga thì ngắn quá mà vẫn cứ phải ở chung với nhau. Ngày nào cũng chỉ có ngần ấy cái đồng hồ. Thế mà không hiểu sao chỉ nhờ cái cần lái với hai cái bàn đạp mà nhiều thằng tậu được nhà, mua được xe ô-tô.

    Người ta cho Đặng là gàn vì Đặng hay có những triết lý lẩm cẩm. Nghe chuyện một ông quan lớn tát ông quan bé, Đặng cũng cứ thắc mắc: ”Sao người ta lại tát nhỉ? Tát thì đâu có đau. Sao lại không đấm, sao lại không đá?”... Đặng có thật nhiều băn khoăn trong nội tâm nên lúc nào cũng có một dáng đi thẫn thờ.

    Đặng ngồi lên yên xe đằng sau của Thắng. Thắng rú ga, vọt mạnh. Gió buổi sớm mai lành lạnh, thổi bay của Đặng chiếc mũ dô-kề. Đặng cằn nhằn:

    – Chạy xe gì mà như đi ăn cướp…

    Những anh chàng phi công trực thăng hình như ghét tốc độ, thích một tác phong tà tà… Đi chở xác chết tất không muốn mình lại thành một xác chết. Đi lôi những chiếc tàu bay nằm ăn vạ ở ruộng về, rất không muốn lại bị người ta lôi mình…

    Đặng hay kể cho Thắng nghe cuộc đời của một phi công trực thăng. Lái trực thăng, hay bị chở xác chết. Có những xác chết, mặt mày nhăn nhó như đã trải qua những giây phút đau đớn cùng cực trước khi chết. Những xác này, phần nhiều là xác sĩ quan. Thường thường, họ cố bấu víu lấy sự sống nhưng những vết thương trên người quá kinh khủng, khiến người nhìn xác chết có cảm tưởng như xã hội của những người đầy đủ xương thịt đã đóng kín cửa lại rồi…

    Có những xác chết, nét mặt có vẻ vui, trên bộ mặt trắng bệch vì hết máu, có điểm một nụ cười nhợt nhạt. Những xác này phần nhiều là lính. Trong khi chờ trực thăng tới, những xác chết đó để dưới cơn mưa tầm tã, hay nắng thiêu người nhưng không phải vì thế mà nụ cười bị tắt trên đôi môi tím.

    Ngày nào cũng chở xác chết, mới đầu Đặng thấy nghẹn ngào, chua xót. Đã nhiều lần, Đặng đã lớn tiếng nói những lời thật thậm tệ để sỉ vả những kẻ, vì vội mà cẩu thả với những xác chết. Nhưng sau này, Đặng quen đi.

    Những buổi chiều, bay trong bầu trời u ám, Đặng không phân biệt được là sương mù buổi chiều đang xuống hay mình đã nhìn cảnh vật chung quanh qua ngấn lệ. Nhiều khi ngồi im lặng trong phòng lái, Đặng tò mò, cúi đầu xuống, nhìn lại đằng sau thấy toàn là những xác chết. Đặng bỗng thấy rùng mình, cảm thấy mình cũng biến thành xác chết.

    Đặng kết luận với Thắng:

    – Chỉ là một sự thay đổi danh từ… Nếu tiếng “chết” mà đổi thành tiếng “sống”, thì những người nằm đó là những người sống, còn tao, tao đang ngồi trong phòng lái chỉ là… chỉ là một xác chết.

    Đặng vẫn có những lúc chán đời như vậy. Hai người đi vào Câu-lạc-bộ Lê Hoành Sơn. Khi tên người nào mà đã được đem ra đặt tên cho một Câu-lạc-bộ, thì kẻ đó tất nhiên là đã “ngỏm củ tỉ”. Lê Hoành Sơn, Lê văn Lộc, Huỳnh Hữu Bạc. Có những người bạn, từ lâu không gặp , Thắng tưởng rằng nó đổi đi xa, không ngờ một hôm, ghé qua một căn cứ, gặp cái bảng tên nó treo trước một quán ăn. Như trường hợp, vài hôm trước ở Đà Nẵng, Thắng vào Câu-lạc-bộ Nguyễn Bội Ngọc. Chàng kinh ngạc hỏi Thiện:

    – Nó chết rồi à?…
    – Thằng nào?

    – Ngọc… Nguyễn Bội Ngọc.

    Thiện trợn tròn mắt nhìn Thắng, như tưởng rằng Thắng ở trên cung trăng vừa rớt xuống. Mày không biết à? Báo chí đăng ầm lên, vụ lựu đạn nổ trong kỳ triển lãm Không Quân trước toà Đô-chính. Thằng Ngọc đã anh dũng nằm đè lên trái lựu đạn để cho dân chúng ít chết. Thế là nó thành anh hùng. Tên nó người ta đặt cho Câu-lạc-bộ.

    Thắng và Đặng ngồi vào bàn, gọi hai tô phở. Phở ở đây không ngon lắm, nhưng vẫn đông khách vì người ta ngại ra phố. Những tấm màn cửa sổ màu đỏ vẫn còn kéo che kín. Câu lạc bộ này, buổi tối là một dancing, nên ban ngày kéo màn cửa sổ vẫn giữ được cái không khí âm u.

    Lúc Thắng và Đặng ra ghế xa-lông ngồi uống cà-phê thì có một ông Đại-uý tiến tới bàn. Ông bắt tay Đặng thật chặt. Bàn tay bắt tay Thắng thật lỏng lẻo, nhạt nhẽo. Ông hỏi Đặng:

    – Hôm nay, tàu bay toa đi Nha Trang?

    Đặng trả lời khó chịu:

    – Ừ, có chuyện gì không? Tôi đi đổi phiên cho thằng Trịnh.
    – Cho moa quá giang đi Nha Trang có được không?

    Thắng thấy mình có bổn phận kéo một cái ghế để tỏ ra mình lịch sự:

    – Anh ngồi chơi.

    Thắng bắt gặp đôi mắt lạnh lùng. Ông Đại-uý vẫn đứng chờ Đặng trả lời. Đặng thản nhiên:

    – Có quyền…

    Ông Đại-uý tươi hẳn nét mặt:

    – Cám ơn, cám ơn toa. Chín giờ moa tới phi đoàn toa nhé. Chờ moa rồi hẵng cất cánh nhé.
    – Đồng ý.

    Ông Đại-uý đi rồi, Đặng nhìn ly cà-phê, nước nhỏ giọt vào trong ly. Đặng gọi những giọt cà-phê là những giọt nước mắt đen. Thắng vẫn bị ám ảnh bởi đôi mắt lạnh lùng:

    – Thằng đó nó có vẻ ghét tao, không hiểu tại sao…
    – Tại mày gọi nó bằng anh. Ồ, để ý đến nó làm gì. Những thằng ăn giấy, những con mọt giấy, ngày nào cũng sống trong bốn bức tường, có bao giờ tìm thấy cái phóng khoáng của con người. Với lại cũng tại mày. Nó là đại úy, mày cứ gọi nó bằng đại uý. Đó là cái thuyết chính danh của Khổng Tử. Con chó thì gọi là con chó, con mèo thì gọi là con mèo. ..Chẳng có việc gì mà phải đắn đo…

    Giọng Đặng nhiễm đầy vẻ chua chát. Thắng thấy yêu cái gàn của Đặng:

    – Mày là Trung-úy, tao có bao giờ dùng cái tiếng Trung-úy để gọi mày đâu..

    Đặng buông sõng:

    – Thằng Đặng là Trung-uý, nhưng không phải thằng Trung-uý nào cũng là thằng Đặng.

    Thắng nhắc chiếc phin cà-phê đặt ra ngoài, cho vào ly hai muỗng đường. Tiếng muỗng nhôm đập nhẹ vào thành ly kêu lanh canh. Thắng cầm ly cà-phê lên uống mà nhìn thấy ở trong ly đôi mắt của mình. Đặng ơi, tao yêu mày… Đừng có bao giờ để cho chúng nó mang tên mày đặt cho tên một cái Câu-lạc-bộ.

    Thắng nói ra mồm cái ý nghĩ đó:

    – Tao mong rằng không có cái Câu-lạc-bộ nào mang tên Trần Dưỡng Đặng…

    Đặng giật bắn người, như bị kiến đốt. “Ị mồm đái miệng” cái mồm ăn mắm, ăn muối của mày. Nhưng rồi Đặng ngồi thẫn thờ, cúi khòm hẳn lưng xuống, xoay xoay ly cà-phê quanh cái đĩa. Cuộc đời có cái gì là vững chắc. Thắng cũng cùng một ý nghĩ của Đặng.

    Hai người cùng nghĩ tới một người bạn thân. Thằng Lê Đình, Thượng-sĩ Lê Đình. Những thằng đã chết rồi nếu không đặt tên cho Câu-lạc-bộ, người ta cũng mang tên chúng nó ra đặt tên cho một con đường. Con đường đi qua cư xá độc thân của Thắng mang tên Thượng-sĩ Lê Đình. Ngược con đường Lê Đình là đường Trung-úy Trương Hiệp, đường Chuẩn-uý Võ văn Xuân, đường Trung-uý Nguyễn Thống…

    Toàn là những người quen…Tên của những con đường trong căn cứ đều gần gũi, thân mật hơn những con đường Sàigòn. Thắng chẳng quen được một ông nào có tên được đặt cho đường Sàigòn. Các cụ tổ ấy đã chết từ “đời tám hoánh” nào rồi, còn đâu nữa. Còn tên đường trong căn cứ là tên của những người có khi chết còn chưa xanh ngọn cỏ…Nhìn thấy một vài ba tấm bảng, không hiểu sao Thắng cứ thấy rờn rợn thế nào ấy.

    Thắng có một thằng bạn, có một lần đi qua một con đường chưa được đặt tên. Nó nói giọng bỡn cợt:

    – Con đường này để dành cho tao...

    Không ngờ vài hôm sao nó “ngỏm” thật và buồn thay, tên nó người ta lại đặt cho một tên đường khác.

    Dạo này trời cứ mưa luôn…Thắng nhớ tới một người phi công chết đuối ở sông Nhà Bè. Phi cơ đang bay bị hỏng máy, phi cơ của anh bị hạ cánh bắt buộc xuống sông. Đôi giày nặng quá mà anh không mặc áo phao. Xác anh chìm xuống đáy sông.

    Hôm đó, trời mưa sụt sùi…Thắng đứng trên bờ sông mênh mông sóng vỗ, lơ đãng nhìn theo những chiếc thuyền con, lênh đênh đi kiếm xác. Tiếng gõ cốc, cốc vào mạn thuyền, rời rạc vang trên sông. Người thuyền chài nói rằng gõ như vậy, để xác nằm dưới đáy sông phải nổi lên mặt nước.

    Thắng muốn lên một con thuyền để nếu có tìm thấy xác thì chàng được nhìn tận mặt cái con người nổi tiếng hào hoa lúc trong bụng đầy nước sông. Nhưng những người thuyền chài không cho Thắng đi.

    Thắng đứng bên sông, đón những giọt nước mưa chui vào trong cổ áo, chạy dài xuống sống lưng. Một bà cụ già, nằm lăn trên cỏ, khóc còn hơn trời mưa. Một người con gái, thật trẻ và thật đẹp, tóc dính bết vào má, cắn chặt chiếc khăn mùi-xoa. Cảnh đó làm cho Thắng sợ mãi. Tối hôm đó, trước cửa phòng Thắng có một con đom đóm bay lập loè…

    Lòng Thắng thật buồn nhớ tới ngày còn đi học. Đường Rollandes tràn ngập lá vàng. Thắng học cùng lớp với Lê Đình mà tên hắn viết lên bảng, gắn vào cột đèn điện…

    Có một hôm, một ông nhà binh ăn mặc thật là đẹp, thật là hùng tới trường… Ông từ cái nước Sàigòn vượt mấy ngàn cây số ra đây để nói về chuyện tàu bay. Chuyện tàu bay, kể cả chuyện đi tàu bay giấy nữa, nghe thật là hấp dẫn.

    Làm thế nào để cái tàu bay bay được? Nhờ có đôi cánh? Hoả tiễn thì làm gì có cánh mà nó vẫn bay được. Nhờ ông phi công? Tàu bay vô tuyến điều khiển chẳng cần tới ông phi công. Nhờ cánh quạt? Tàu bay phản lực thì làm gì có cánh quạt. Nhờ có động cơ?… Những chiếc planeurs và những chiếc diều, làm gì có động cơ mà nó vẫn bay lượn trên mây.

    Rồi ông ta giảng nghĩa một thôi, một hồi. Tất cả cứ há hốc cái mồm ra mà nghe. Kết quả thì tất cả cái lớp học của Thắng đều hiểu rằng, một cái máy mà bay được thì gọi là cái máy bay.

    Nhưng rồi cái buổi nói chuyện ấy cũng cám dỗ được nhiều thằng. Trong số đó có Thắng và Lê Đình. Thắng làm đơn xin đi học nghề thợ máy, còn Lê Đình thì làm đơn xin đi học nghề tài xế tàu bay.

    Thời đó, người mình chỉ được học lái “bà già”. Có con cào cào, nó bay lên cao, nó lộn nó nhào, nó rớt xuống sông là máy bay “bà già” đấy. Có một mùa mưa, mưa to ghê lắm, nước ngập cả hangar, “bà già” nổi lềnh bềnh trên mặt nước như xác mấy đứa chết trôi.

    Máy bay “bà già” bay… mau lắm. Nếu bị ngược gió, tống lút tay ga mà tốc lực cũng chỉ gần bằng xe mô-tô. Thằng bạn Thắng, thằng Pi-lốt Thái Bình, đã lái tàu bay “bà già” đuổi theo một em ngồi đằng sau mô-tô, giơ tay vẫy, hôn gió, mà không làm sao đuổi nổi, đành nhìn theo em nhỏ dần, nhỏ dần rồi mất hút.

    Thằng Pi-lốt Thái Bình biết lái tàu bay rồi mới tập đi xe đạp. Khi nó thành phi công thì Thắng là thằng giữ xe đạp cho nó tập. Người nó cứ vẹo đi. Nó biết lái tàu bay thì người còn nguyên mà khi biết lái xe đạp thì chân mang hai cái sẹo…

    Thằng này là thằng có nhiều giai thoại nhất…thế giới. Có lần bay ở Phan Thiết về Nha Trang, tàu bay “bà già” bay hết những ba giờ đồng hồ, cánh quạt máy bay còn ục oặc chưa ngừng quay, nó đã tông cửa nhảy xổ ra như gió.

    Thắng ở sân đậu, giật mình ngạc nhiên, cứ tưởng rằng trong máy bay có chuột. Thắng ghé mắt, cầm tuột-nơ-vít khua khắp các gầm ghế, không thấy gì, nhìn theo thì thấy thằng Pi-lốt Thái Bình chạy mất hút về phía cầu tiêu. Cửa cầu tiêu mở ra đóng lại, gây một trận động đất nhỏ. Một lúc sau, nó mới ở trong cầu tiêu ra, mặt hí hởn, mắt sáng lên, nụ cười hể hả, ra xem xét lại máy bay. Cả phi trường được một bữa cười gần vỡ bụng.

    Những người bạn ngày xưa, đi lính cùng một lần với Thắng, có Pi-lốt Thái bình, có Lê Đình… Người nào cũng có tên riêng. Lê Đình có cái tên ông Táo, vì ông Táo đội mũ, mang hia mà lại chẳng mặc quần…Tên nào đặt ra cũng có nguyên nhân. Chuyện Lê Đình thành ông Táo cũng vậy.

    Một hôm nó cưỡi “bà già”, bay qua một khu bờ biển. Đang bay, “bà già” khục khặc ho lên vài tiếng rồi cánh quạt nhất định nằm ngang. May cho nó là nó đang bay cao, nên nương theo đà gió lượn xuống thấp dần và lết vào một phía bờ biển bỏ hoang, chưa có vết chân người. Ục một tiếng, máy bay của nó đâm nhẹ xuống bãi biển, gãy cẳng, cánh cắm xuống cát. Nó ra khỏi máy bay bình an, chỉ hơi nhức tim một chút xíu thôi.

    Máy bay ở nhà, lâu không thấy nó về, đổ xô đi tìm. Nó thấy tàu bay, bay qua, bay lại trên nền trời mà tàu bay lại không nhìn thấy nó. Bực mình quá, nó cởi quần áo tẩm dầu xăng, đi cách xa máy bay một quãng rồi đốt, khói um lên. Máy bay lúc bấy giờ mới nhìn thấy nó, đánh dấu chỗ đó vào bản đồ rồi nhờ mấy ông quần áo trắng tới chở nó về.

    Mãi đến tận mười hai giờ đêm, tàu mới cặp bến. Nó đi đôi giày cao cổ, đội mũ cát-kết, khoác cái mền của các ông áo trắng cho mượn, đi bộ từ ngoài bãi biển vào trong căn cứ. Cả cái cư xá độc thân vẫn còn chưa ngủ chạy ra xem, xúm lại nắn khắp người nó, xem nó có bị sứt mẻ gì không… Có thằng lại còn nắn cả “chim” của nó nữa. Chỉ sợ nó bị văng mất “con chim” thì đời nó tàn. Tiếng ồn ào, huyên náo đánh thức hết cả căn cứ dậy. Trông cái dáng điệu đội mũ đi hia của nó, một thằng vội đặt tên:

    – Từ giờ trở đi, gọi nó là phi công ông Táo.

    Thế là từ đấy, nó nghiễm nhiên trở thành ông Táo. Đối với đàn bà thì ông Táo nhát ghê lắm, nhưng về cái môn nghịch ngầm thì ông Táo lại kinh khủng.

    Trong phòng ông Táo, lúc nào cũng có cà-phê. Ông Táo thích uống cà-phê, nhưng phải tự mình pha lấy. Nước cà-phê, pha lần thứ hai, ông Táo đặc biệt dành cho Thắng. Uống vẫn còn đặc và sánh. Ông Táo gọi cái cà-phê pha lần thứ hai đó là cà-phê Lundi. Tiếng cà-phê Lundi, ông Táo dùng nói chuyện với Tây, mà Tây vẫn hiểu như thường. Mấy thằng Tây thật thông minh. Rồi tùy theo giá trị mặt mũi từng thằng , ông Táo cho uống cà-phê Mardi, cà-phê Mercredi… Ấy thế mà khi gần cuối tháng, nhiều thằng vẫn còn đòi uống cả đến cà-phê Samedi.

    Hồi đó, còn thời Tây…Những anh lính viễn chinh hay dở trò nhăng nhố. Ở căn cứ, cả phi trường đều ghét Đại-úy Penan. Cái thằng ông Táo bị ức hiếp nhiều lần, tức quá, viết vào trong cầu tiêu: Đại-úy Penan coi chúng mình như cục c…

    Hôm sau, đã có thằng khác nối điệu: Chúng mình coi Đại-uý Penan như con cá tra…

    Ấy thế mà cũng đến tai thằng đại úy mặt đỏ. Thắng thì rất phục cái thằng nào đã dịch nổi hai câu đó. Thằng mặt đỏ, đem chuyện đó ra xỉ vả anh em và ông anh cả của căn cứ thì họp tất cả lại để chửi, để vuốt ve, để hứa hẹn…Sau cùng, ông kết luận:

    – Tôi mong rằng các anh em sẽ là cái gạch nối giữa cấp chỉ huy và binh sĩ…

    Tiếng cái thằng ông Táo nho nhỏ ở cuối hội trường:

    – Mong rằng không phải là cái gạch nối giữa đàn ông và đàn bà…

    Tiếng cười rúc rích nổi lên, rồi khi ông anh cả của căn cứ bước ra khỏi cửa, tiếng cười nổi lên ầm ầm. Chuyện tiếu lâm Tây, Tàu, ta, Mỹ của những chàng trai mặt đầy chất láu cá vang vang chung quanh cái gạch nối giữa đàn ông và đàn bà. Vài thằng đạo đức giả vội bịt tai chạy như ma đuổi…

    Kết quả của câu chuyện đó là ông anh cả đề nghị đổi lung tung. Ông biết rằng lũ quỷ sứ mà bị cô lập thì sẽ hiền lành như cục đất. Trong khi chờ lệnh thuyên chuyển, lũ Mọi da vàng nhất định khi nói chuyện với lũ Mọi da trắng, chỉ dùng tiếng Tây bồi. Mọi da trắng ức lắm, không thèm chơi với Mọi da vàng. Nhưng Mọi da trắng mà chơi với nhau, thì chỉ toàn những trò lẩm cẩm.

    Trong một Câu-lạc-bộ, hai thằng mọi da trắng đang chơi một trò lẩm cẩm là đố chữ. Bắt đầu một mẫu tự, rồi hai, rồi cứ tiếp tục mãi…Thằng nào tịt mà thằng kia còn nói thêm được một chữ nữa là thắng…Bàn bên cạnh, bọn Thắng đang ngồi uống nước, thấy cái trò lẩm cẩm ấy mà bực mình. Hai thằng Mọi da trắng đã chơi tới chữ có năm mẫu tự.

    Chợt thằng ông Táo xoay ghế, quay mặt về phía hai thằng da trắng:

    – Tao biết có một chữ có 5 alphabets mà chắc tụi mày không biết…

    Hai thằng da trắng cùng hỏi:

    – Chữ gì vậy mày?

    Thằng ông Táo đứng dậy, đi tới gần hai thằng Mọi da trắng, chõ mồm vào tận mặt hai thằng , nói như quát:

    – Merde!

    Cả bàn của bọn Thắng cười ầm ầm. Tiếng cười của thằng Pi-lốt Thái Bình to nhất, cứ hố hố. Thằng ông Táo ung dung trở về, ngồi vào ghế. Hai thằng Mọi da trắng mất hứng, mặt đỏ bừng, nhìn lũ Mọi da vàng bằng cặp mắt như muốn nuốt sống ăn tươi.

    Rồi lệnh thuyên chuyển ra đúng vào lúc mà thằng nào cũng kiết, xoay bở người mới được ba đồng mua bốn điếu thuốc Ruby. Thằng đi Đà Nẵng, thằng về Biên Hoà. Thắng bị đổi về làm ở một bàn giấy tại Sàigòn. Ông Táo bị ở lại chỗ cũ mới khổ sở làm sao chứ. Ông Táo buồn tái, buồn tê.

    Lúc chia tay với Lê Đình, Thắng như muốn khóc. “Chúng mình ở với nhau, bạn sống có, bạn chết có, sao mày nỡ bỏ chúng tao mà đi”…Ông Táo nắm chặt tay Thắng, bắt tay rồi như không muốn bỏ ra.

    Cái công việc ở bàn giấy làm con người của Thắng cứ mòn đi, cứ rỉ đi. Những buổi sáng, không biết làm gì, chỉ còn cách ngồi đánh đố ruồi để xem ai phải trả tiền bữa ăn sáng. Đặt hai cái thước lên bàn, ruồi đậu vào thước của thằng nào trước thì thằng đó ăn sáng không phải trả tiền. Chơi trò này hồi hộp lắm. Hồi hộp còn hơn cái lần hạ cánh đầu tiên mà không có thầy ngồi đằng sau. Những thằng ngồi cùng bàn giấy với Thắng có đủ mọi nghề. Canh chừng ruồi không mệt bằng canh chừng thằng bạn. Cứ hễ quay mặt đi chỗ khác một tí, là nó đã thè lưỡi, liếm ngón tay rồi bôi nước miếng lên thước kẻ…

    Một buổi sáng, Thắng đang ngồi canh ruồi…Ruồi đã bò gần đến thước, sắp sửa leo lên thì tự dưng bay vụt đi. Thắng ức lắm, ngửng đầu lên nhìn thì gặp “đôi mắt ngây thơ” của thằng Pi-lốt Thái Bình. Thằng này vẫn có tật ăn to, nói lớn. Nó nói rung cả cửa kính:

    – Muốn nghe chuyện của thằng Lê Đình thì đi theo tao. Trả xong tiền ăn sáng, tiền cà-phê rồi tao mới kể…

    Thắng thấy lòng mình thật náo nức. Những thằng bạn thân, khi xa nhau, ít khi nào viết thư cho nhau. Nếu viết cho nhau, chỉ cần viết một câu chửi lên cả một trang giấy cũng đủ tỏ nỗi nhớ nhung… Bởi vậy, Thắng theo thằng Thái Bình để nghe chuyện thằng “ông Táo”.

    Sau khi ăn uống theo cái kiểu “tiền của sở” nó mới ề à kể. Thì ra Lê Đình bị thương nằm trong Quân Y Viện Cần Thơ. Bây giờ vết thương gần thành sẹo rồi, nhưng độ nửa tháng trước thì tình trạng bi đát lắm. Không thằng nào dám cá ông Táo sống, mà chỉ đổ xô cá về phía ông Táo về trời.

    Trận giặc Bình Xuyên, miền Hậu Giang đã ghi cho Lê Đình một cái sẹo. Hôm đó Lê Đình lái tàu bay với một ông Sĩ-quan Quan-sát viên, đi chỉ điểm cho pháo binh trong mặt trận Hậu Giang. Quân đội của mình và phản loạn Bình Xuyên chỉ cách nhau có một khu rừng. Hai bên ăn mặc giống nhau nên ông Sĩ-quan Quan-sát viên bảo Lê Đình xuống thấp để nhìn cho rõ.

    Ngày đó thì Lê Đình đã lái “bà già” Mỹ. Tên “bà già” Mỹ là L19, dân tàu bay gọi là cái “tớp tớp”. Bay khoái hơn “bà già” Tây nhiều. Lê Đình nhào xuống nghe thấy tiếng súng dưới đất nổ tùng tùng như trống bongo. Vừa lượn một vòng dưới thấp, thì bên dưới bắn lên một tràng 12 ly 7. Lê Đình vội kéo lên cao. Nhưng một viên đạn đã bắn trúng xà ngang rồi chui vào đầu ông Táo.

    Có một chuyện lạ là Lê Đình không biết mình bị trúng đạn, vẫn ngồi lái như thường. Me xừ phó nhòm thấy máu đầy mặt Lê Đình, vội vỗ vai nó mà la lớn:

    – Ông Táo ơi, cậu bị đạn rồi…

    Lê Đình nhìn xuống ngực, thấy máu ướt áo, thì vội sờ nắn ngực. Không thấy đau. Theo vết máu, sờ lên cằm thì thấy máu đóng cục ở cằm. Nắn cằm cũng không thấy đau. Sờ lần lên thái dương, gặp đúng chỗ vết thương, Lê Đình mới thấy nhói buốt, tê dại cả người và gục đầu xuống cần lái, ngất đi.

    Ông Sĩ-quan phó nhòm, nắm lấy hai vai Lê Đình lắc mạnh và rên rỉ gọi:

    – Ông Táo ơi, tỉnh đậy đi ông Táo..

    Thằng Pi-lốt Thái Bình kể tới đây thì cười hề hề:

    – Ông ấy ngồi trong tàu bay, thằng tài xế gục một đống trên ghế lái mà ông ấy lại không biết lái mới chết cha chứ…May làm sao, thằng ông Táo ú ớ, tỉnh dậy được một lúc, làm như thói quen, hạ cánh xuống phi trường Sóc Trăng. Xe cứu thương chở nó lên quân y viện Cần Thơ. Còn ông Sĩ-quan phó nhòm, có lẽ phải đưa đi Viện thần kinh trắc nghiệm lại…

    Pi-lốt Thái Bình nhiều khi cũng có những ý nghĩ hài hước. Người ta khiêng Lê Đình ra sân, thổi kèn đánh trống rồi gắn cho Lê Đình chiếc anh dũng bội tinh. Ngày nghỉ phép về Sàigòn, Lê Đình tới cư xá tìm Thắng. Thắng nhìn vào cái anh dũng bội tinh của Lê Đình:

    – Mấy lần rồi mà mày chưa ngỏm. Chắc là mày bất tử…

    Nhưng vài tháng sau có tin Lê Đình chết ở Đà Lạt. Người mang tin này lại cho Thắng lại là Đặng, thằng bạn đang ngồi đây với Thắng. Lê Đình chết vì một phút trẻ con. Hôm đó Lê Đình chở một ông Tướng lên Đà Lạt. Trời thật tốt và ít mây. Sau khi ông Tướng lên xe về tư dinh, Lê Đình cũng lên máy bay cất cánh. Thấy đoàn xe ông Tướng bò chậm chạp, lên dốc xuống đồi, Lê Đình sà xuống thấp bay đuổi theo, vượt qua rồi lại bay vòng trở lại, bay sà xuống thấp một lần nữa.

    Ông Tướng ngồi trên xe, lấy làm lạ, tưởng mình bỏ quên món đồ gì trên phi cơ. Cặp đây rồi, ‘ba toong” đây rồi… Ông bảo tài xế ngừng lại rồi dơ tay vẫy đuổi cho Lê Đình bay đi. Nhưng Lê Đình tưởng ở dưới đất dơ tay vẫy, khoái chí vòng lại một lần nữa, thật thấp. Khi vượt qua, chàng ngoái cổ lại đằng sau cười, không ngờ lúc quay đầu lại thì thấy một hàng cây trước mặt…

    Thắng uống hết ly cà-phê:

    – Tội nghiệp cho ông Táo!

    Đặng gọi nhà hàng cho thêm hai ly cà phê nữa. Những người bạn cứ ra đi, ra đi dần dần, để rồi thấy mình thật cô độc như một con đường dài hun hút dưới ánh đèn đêm.

    Thắng hỏi Đặng:

    – Sao đêm qua mày trực mà hôm nay phải đi Nha Trang?…
    – Tao muốn đi sớm để đổi phiên cho thằng Trịnh. Vợ nó mới đẻ… Cho nó về phục vụ gia đình cho tròn tình nghĩa với cái chính phủ quần thâm…

    Thắng đưa Đặng về Phi-đoàn Trực-thăng rồi trở về đi làm…Cuộc đời ngày hôm nay lại giống như ngày hôm qua. Ngày mai rồi cũng lại giống như ngày hôm nay. Lê Đình ơi! Chỉ có mày là sung sướng, thoát được ra ngoài những chán nản của cuộc đời…


    (còn tiếp)
    Last edited by KiwiTeTua; 08-02-2021, 11:50 AM.

  • #2
    Tríchngọc tự: Bên dưới những đôi cánh sắt”


    DƯƠNG HÙNG CƯỜNG (1934-22.01.1988): được mọi người biết đến qua tác phẩm quen thuộc Buồn Vui Phi trường, đã tái bản nhiều lần. Tác phẩm này đậm chất KQ nhiều nhất, vì thế được bạn đọc trong và ngoài KQ đón nhận và yêu thích là điều dễ hiểu.

    Ông vốn xuất thân ngành cơ khí kỹ thuật KQ, và được huấn luyện bên Pháp từ năm 1953-1954. Đời binh nghiệp của ông nhiều thăng trầm vì cá tính của mình. Thời gian làm việc ở Không Lưu Khí Tượng tại phi trường Biên Hòa là quãng ngày ông tiếp tục quan sát, ghi nhớ mọi thứ chung quanh, liên quan đến những sinh hoạt trong phi trường, cộng vào chiều dài ký ức đời quân ngũ của mình, để hình thành rồi hoàn tất Buồn Vui Phi Trường. Tác phẩm gây tiếng vang ngay khi xuất hiện, đánh dấu khúc quanh quan trọng cho đời quân ngũ của ông.


    Dương Hùng Cường

    Khoảng cuối 1964, đầu năm 1965, ông được thuyên chuyển về Phòng Tâm Lý Chiến Bộ Tư Lệnh Không quân (P.TLC/ BTLKQ), tham dự vào công việc của tờ Lý Tưởng giai đoạn khởi đầu, trong vai trò như một người phụ trách tòa soạn.

    Từ đó, ông bắt đầu có điều kiện thuận lợi hơn để phát triển văn nghiệp. Ngoài phần vụ trong đơn vị cũng như việc sáng tác văn chương, ông còn tham gia làng báo Sài gòn và nổi tiếng với bút danh Dê Húc Càn, phụ trách mục Cà Kê Dê Ngỗng của tuần báo trào phúng Con Ong. Công việc này đã gây ra cho ông nhiều hệ lụy phiền phức.

    Sau ngày 30.4.1975, ông bị đi tù cải tạo Cộng sản ba năm.

    Tháng 5/1984, ông bị chính quyền Cộng sản bắt giam lần nữa vì liên lạc và viết bài gửi ra hải ngoại cho Trung Tâm Văn bút Việt Nam Hải ngoại tại Paris, khi đó do nhà văn gốc KQ, cựu Trung tá Trần Tam Tiệp làm Tổng Thư ký.(Liên quan trong vụ án này, được biết đến và quen gọi là “Những tên biệt kích cầm bút”, ngoài Dương Hùng Cường, còn có các người khác như Doãn Quốc Sỹ, Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Hoàng Hải Thủy, Khuất Duy Trác, Lý Thụy Ý, Trần Ngọc Tự).

    Nhà văn Dương Hùng Cường chết đột ngột trong trại giam Phan Đăng Lưu (Bà Chiểu) ngày 22.01.1988.

    Tên ông được khắc trên bia đá lưu niệm tại Khu Đài Tưởng niệm Phóng viên ở thị trấn Bayeux vùng Normandie Pháp quốc.

    Các tác phẩm đã xuất bản:
    . Buồn Vui Phi Trường.
    . Lính Thành Phố.
    . Vĩnh Biệt Phượng.


    Ông cũng có mặt trong hai tuyển tập gồm nhiều tác giả: Những Mảnh Trời Khác Biệt Tập Thơ Truyện Không Quân Thời Chiến.
    Last edited by Nguyen Huu Thien; 08-05-2021, 04:56 PM.

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X