Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Khi Đồng Minh THÁO CHẠY

Collapse
X

Khi Đồng Minh THÁO CHẠY

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Khi Đồng Minh THÁO CHẠY

    HQPD xin giới thiệu cùng Anh Chị & Bạn Hữu tác phẩm Khi Đồng Minh Tháo Chạy của Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng đã được post trên www.VN thuquan.net. Mời tât cả chúng ta cùng xem.
    Nguyễn Tiến Hưng
    Lời nói đầu :Sao lẹ thế




    Ngày 10 tháng ba, 1975 Quân đội Bắc Việt đánh chiếm Ban Mê Thuộc. Đến ngày 30-4 đã tiến
    vào Sài gon. Tốc độ như vũ bão, vỏn vẹn chỉ có 52 ngày? Không lẽ một cuộc chiến kéo dài tới hai mươi năm, đến khi kết thúc lại nhanh như vậy?

    Rồi cuộc di tản tiếp theo. Trước hết lạ thời gian di tản, sao nó quá ngắn ngủi? Tuy hai cuộc chiến năm 1954 và 1975 kết thúc trong những hoàn cảnh khác hẳn nhau, ta vẫn có thể hỏi tại sao khi Pháp rút khỏi Miền Bắc, thời gian được quy định là 300 ngày. Bây giờ đến lúc Mỹ rút hết khỏi Miền Nam thì không có quy định gì hết, cuộc di tản chỉ kéo dài được vỏn vẹn năm ngày!

    Nói tới cung cách ra đi, sao lại quá thê thảm? Năm 1954, dù chỉ là di tản từ Bắc vào Nam và năm 1975 thì di tản sang Mỹ nên hai biến cố khác nhau, nhưng phần nào ta cũng so sánh được việc đoàn người ra đi có trật tự, rất ít nguy hiểm ở lần đầu, với cuộc di tản nháo nhào, đầy rủi ro, hãi hùng vào lần thứ hai. Rốt cuộc, tại sao số người được cứu vớt lại quá ít ỏi? Hồi 1954, Mỹ chưa trực tiếp dính líu vào Việt nam mà đã giúp chuyên chở, rồi định cư cho một triệu người, tức là 7% dân số Miền Bắc. Sau hai mươi năm can thiệp với hơn một nửa triệu quân, sống chết với 20 triệu dân quân Miền Nam, giờ đây lại chỉ định cứu có 50.000 người. Tới phút cuối cùng mới vớt thêm. Tất cả không tới 130.000 người, nghĩa là có 0,6% dân số.

    Phóng viên: "Thưa ông, cứ cho là Hoa kỳ đã bội ước, nhưng còn lý do gì khác khiến chúng tôi phải đưa người Việt vào Mỹ không?"

    Tác giả: "Tượng Nữ thần Tự do đang nhắc nhở cho chúng ta rằng nước Mỹ là đất của những kẻ bị truy nã, của di dân".
    Phóng viên: "Tôi xin nhắc nhở cho ông là Nữ thần Tự do quay mặt về phía Đại Tây Dương".
    Ý nói là bà quay lưng về phía Á châu, phía Việt nam chúng ta.
    Đây là một giai thoại trong phiên họp báo của chúng tôi ngày 30-4-1975 (ngày 1 tháng 5 giờ Sài gòn) tại khách sạn May Flower trên đường Connecticut, Washington, D.C.
    Mục đích của cuộc họp nhằm kêu gọi Hoa kỳ cứu vớt những con thuyền đang lênh đênh như lá tre ngoài bờ biển Vũng Tàu.

    Vô cùng xúc động, chúng tôi không cầm được nước mắt. Câu mỉa mai này đã ám ảnh chúng tôi từ giây phút đó, và chắc sẽ không bao giờ phai nhoà đi được trong ký ức.
    Sau 30 năm rồi mà ta chưa tìm được câu trả lời thoả đáng cho những thắc mắc trên. Biến cố lịch sử năm 1975 đã để lại những ấn tượng sâu đậm trung tâm trí của tất cả chúng ta, những con người Việt nam, dù ở trong hay ngoài nước. Mỗi người một hoàn cảnh, một cảm xúc, một số phận. Một số quý vị đang cầm cuốn sách này trong tay là những người thuộc thành phần may mắn, không nhiều thì ít, đã thoát được bao nhiêu rủi ro. Thành phần khác đã chịu số phận nghiệt ngã, giờ đây chỉ còn là những oan hồn vất vưởng trong lòng Thái Bình Dương.

    Và sau này, những thế hệ mai sau, con cháu chúng ta sẽ tiếp tục thắc mắc: tại sao cha mẹ, ông bà mình lại bỏ quê cha. đất tổ chạy sang Mỹ? Sang bao giờ? Trong hoàn cảnh chính trị xã hội, kinh tế ra sao? Sang bằng cách nào? May mắn? Lúc đầu như thế nào? Làm sao mà sinh sống? Không bà con, không tiền, không nghề nghiệp thích hợp, không cùng ngôn ngữ, làm thế nào mà nuôi được con cháu ăn học thành tài như ngày nay?

    Gần 20 năm trước, năm 1986, tôi đã cùng Jerold Schecter, nguyên chủ bút tuần báo TIME xuất bản cuốn "The Palace File" (Hồ sơ mật Dinh Độc Lập - Hồ sơ mật Dinh Độc Lập). Cuốn sách đề cập nhiều tới Hiệp định Paris và ảnh hưởng bất lợi của nó.

    Đối tượng chủ yếu là độc giả Mỹ, đặc biệt là các nhà làm chính sách Hoa kỳ. Tổng trưởng ngoại giao thời đó là ông George Schultz (trong chính quyền Reagan) có viết cho chúng tôi là ông đã đưa cuốn này vào thư viện nhỏ của Văn phòng Tổng trưởng ngoại giao ở Foggy Bottom. Các vị kế nghiệp ông sẽ được đọc. Năm 1988, tờ New York Times đã chọn cuốn "The Palace File" dể vào số những sách mà các ứng cử viên Tổng thống cần phải đọc, với tựa đề: "Vừa đọc vừa vận động: Một lớp cấp tốc cho chức vị Tổng thống" (Read and Run: A Ram Course for the Presidency).

    Khi Đồng minh tháo chạy, được viết căn bản là cho độc giả Việt nam.

    Sách gồm năm phần chính:
    Phần I: bàn về thời điểm và cách thức Mỹ tháo khỏi chiến trường Việt nam;.

    Phần II: nói đến thân phận một tiểu quốc muốn cố gắng vượt ra khỏi sự lệ thuộc;

    Phần III: kể lại những gì đã xảy ra tại Washington và Sài gòn sau khi quân đội Mỹ rút hết cho tới khi Miền Nam sụp đổ

    Phần IV: trình bày diễn tiến vào giờ hấp hối, việc một số chính trị gia Mỹ đã không muốn cứu vớt người Việt nam, đặc biệt là về cơ nguy Mỹ- Việt suýt bắn nhau; phần này cũng thuật lại một cố gắng cuối cùng của tác giả đặt trách nhiệm tinh thần cho Hoa kỳ đòi hỏi phải giúp cho ít nhất một triệu người ty nạn;

    Phần V: nhìn lại lịch sử để ghi nhận cho con cháu những khó khăn, chống đối lớn lao cha ông chúng đã gặp lúc ban đầu; phần này thâu tóm một nguyên nhân chính làm sụp đổ Miền Nam, cũng như những bài học rút ra từ cuộc chiến cho những thế hệ tương lai của Việt nam và các Đồng minh của Hoa kỳ hiện đại.

    "Thay lời kết", chúng tôi đề cập tới thiện tâm của nhân dân Hoa kỳ, vì sau cùng, cánh tay của đại đa số đã rộng mở, tiếp nhận đoàn người tỵ nạn trong một thời gian trên hai thập niên.
    Sách này dựa vào một phần cuốn Hồ sơ mật Dinh Độc Lập và vào những nghiên cứu thêm của tác giả trong mười năm qua.

    Trong cả hai cuốn, ngoài phần tài liệu, chúng tôi đã bổ sung bằng những phỏng vấn với các viên chức hữu trách cả hai phía Việt nam cộng hoà và Hoa kỳ; đặc biệt là Tổng thống Nguyễn văn Thiệu (tại London và Boston), Tổng thống Gerald Ford, Ngoại trưởng Henry Kissinger, tướng Alexander Hai, tướng John Murray, các Tổng trưởng quốc phòng liên hệ như James Schlesinger, Melvin Laird, Elliot Richardson và các viên chức cao cấp Cơ quan Tình báo CIA. Tổng thống Richard Nixon khi còn sống đã từ chối cuộc phỏng vấn vì lý do sức khoẻ.

    Điều mà cuốn Khi Đồng minh tháo chạy muốn nhấn mạnh, nhất là cho người Việt nam chúng ta rõ, là cung cách mà một số chính khách Hoa kỳ, đặc biệt là ông Kissinger, và phần nào, hai ông Nixon, Ford cũng như một số nghị sĩ, dân biểu với con mắt thiển cận, đã hành xử đối với nhân dân Miền Nam. Nó phản bội nguyên tắc "minh bạch" (transparency) của thể chế dân chủ, và đi ngược lại tinh thần công bình của đại đa số nhân dân Hoa kỳ. Trong bóng tối, trước hết hai ông Kissinger - Nixon đã dùng thủ đoạn ép buộc Miền Nam đi theo đường lối của mình, mục đích chính chỉ là để cho quân đội Mỹ rút đi, và tù binh được thả về. Khi Chính phủ Miền Nam phản kháng thì đe doạ với "cái gậy" (đảo chánh và cắt viện trợ), và hứa hẹn với "củ cà rốt" (bảo đảm hoà bình và viện trợ đầy đủ).

    Hứa hẹn xong thì lờ đi, giấu cho thật kỹ. Quốc hội không biết gì hết nên đã cắt giảm viện trợ một cách quá nhanh và quá thẳng tay. Hoá ra, củ cà rốt chỉ là một công cụ che giấu một kế hoạch gọi là "khoảng thời gian coi cho được". Kế hoạch này chỉ nhằm ban phát cho Miền Nam Việt nam một thời gian ngắn ngủi, một khoảng cách từ khi Mỹ rút hết cho tới khi sụp đổ. Trước khi cuốn sách này lên khuôn, một nhân chứng về những hành động hắc ám của ông Kissinger, ông John Negroponte vừa được Tổng thống George Bush trao phó chức vụ Điều khiển toàn bộ tình báo Hoa kỳ. Ông là liên lạc viên giữa Kissinger và phái đoàn Bắc Việt tại mật đàm Paris.

    Ngày 19 tháng Hai, 2005, tờ Boston Globe có bài viết về ông này và bình luận: "tuy hồi đó Negroponte chỉ là nhân viên cấp dưới, ông đã có tinh thần rất độc lập và đã phản đối Kissinger về việc chấp nhận để quân đội Bắc Việt đóng lại Miền Nam, cho rằng như vậy là đưa Miền Nam tới chỗ sụp đổ và hành động này có nghĩa là đã bỏ rơi Đồng minh của Hoa kỳ. Ông Richard Holbrooke (Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc thời Tổng thống Clinton, và là bạn đồng liêu với Negroponte lúc còn ở Hội đồng an ninh quốc gia) có nói rằng chính vì Negroponte đã chống lại Kissinger mà bị hạ tầng công tác trong gần suốt thập niên 1970".

    Đối với Miền Nam, ngay trước lúc sụp đổ hoàn toàn, ông Kissinger còn thốt lên: "Sao chúng không chết phứt cho rồi?". Sau đó, kế hoạch tháo chạy dược thiết kế lúc đầu căn bản chỉ là để di tản 6.000 người Mỹ và một số rất ít người Việt. Cho dù nhiều người có thể biện luận rằng việc giải kết khỏi Miền Nam là điều có lợi cho nước Mỹ đi nữa, nó cũng chỉ là ích lợi đoản kỳ, ở vào thời điểm đó thôi. Trong trường kỳ, việc bỏ rơi, nhất là cung cách tháo chạy đã làm tổn hại rất nhiều tới "mức độ tin cậy" (credibility) của chính sách ngoại giao cũng như uy tín Hoa kỳ. Bạn thì bớt tin tưởng, thù thì hết kính nể. Sau Việt nam, vào tháng 10, 1979, Iran đã táo tợn đến độ bắt ngay cả nhân viên Toà đại sứ Mỹ ở Teheran làm con tin hơn một năm. Rồi từ đó, bao nhiêu vụ tấn công vào người và tài sản của Mỹ. Liệu những hành động của Saddam Hussein, Al-qaeda, biến cố gây nổ tàu Cole ở Qatar, hay sự cố 11-9 có phải là những hậu quả của việc coi thường Hoa kỳ hay không? Bởi vậy, về lâu về dài, cái giá phải trả chắc chắn đã không phải là thấp.

    Tất cả những sự việc ở hậu trường bang giao Việt - Mỹ trong giai đoạn từ khi Mỹ tháo gỡ cho tới lúc bỏ chạy được rất ít người biết tới. Lý do là vì: về phía Mỹ, hồ sơ mật về Việt nam trong giai đoạn này đã được giấu kín trong văn phòng Cố vấn Kissinger tại Toà Bạch Ốc; và về phía Việt nam cộng hoà, nó được hoàn toàn bảo mật trong văn phòng riêng của Tổng thống Thiệu tại Dinh Độc Lập.

    Nhiều tác giả nổi tiếng của Mỹ về vấn đề Việt nam cũng đã phải bình luận về việc này. Trong cuốn Uncertain Greatness, chính ông Roger Morris, nhân vật quan trọng trong Hội đồng an ninh quốc gia (National Security Council (NSC) do ông Kissinger điều khiển, đã phàn nàn: "Dù rằng nó là một vấn đề được viết và bàn luận nhiều nhất trong chính sách ngoại giao, nhưng hồ sơ của Nixon - Kissinger về Đông Dương trong nhiều phương diện đã ít được hiểu biết nhất… Sự việc mà dưới thời Johnson là một mạng rối rắm giữa các động lực hành chính ở Sài gòn và Washington… bây giờ hầu như đã trở nên một sự khống chế của chỉ hai bộ óc trong Toà Bạch Ốc (Kissinger và Nixon).

    Một tác giả nổi tiếng khác, ông Leslie Gelb trong cuốn The Irony of Vietnam: The System Worked, đã viết: "Câu chuyện về chính sách Việt nam dưới thời Richard Nixon và Gerald Ford là một chủ đề quan trọng…, nói về việc Hoa kỳ đã rút ra chứ không phải đã nhảy vào Việt nam như thế nào… (thế nhưng) những nguồn tài liệu cần thiết để phân tích giai đoạn từ sau 1968 chắc sẽ không có được trong một thời gian nữa".

    Hy vọng rằng cuốn Khi Đồng minh tháo chạy sẽ lấp được phần nào cái lỗ hổng này của lịch sử. Âu cũng do định mệnh mà người viết được chứng kiến một số sự việc xảy ra tại dinh Độc Lập cũng như tại Bộ Quốc phòng và Quốc hội Hoa kỳ trong những ngày tháng đầy tuyệt vọng.

    Trước hết với tư cách là một Phụ tá Tổng thống, rồi Tổng trưởng Kế hoạch trong nội các. Là người điều hợp viện trợ trên bình diện kinh tế toàn quốc người viết làm việc trực tiếp với Tổng thống Thiệu trong những ngày tháng cuối cùng. Trong cương vị này, hồi 1974-1975 nhiều lúc chúng tôi đã phải dẹp bỏ tự ái, lui tới Quốc hội Hoa kỳ như một người đi cầu xin.

    Vì đã quen với lề lối làm việc ở Mỹ trong nhiều năm trước khi trở về nước giúp tái thiết nền kinh tế, chúng tôi đã luôn luôn mang theo cuốn sổ tay nho nhỏ màu vàng mỗi khi đi họp để ghi chú diễn tiến buổi họp. Kèm theo là những nhận xét hay cảm nghĩ của riêng mình vào ngay lúc đó, viết trong ngoặc. Ở Sài gòn, những cuộc họp gồm có các buổi giữa cấp lãnh đạo tối cao, các buổi họp giữa Tổng thống Thiệu và giới chức Hoa kỳ. Tại Washington là các buổi họp với một số viên chức cao cấp tại bộ Ngoại giao, bộ Quốc phòng, và một số Nghị sĩ, Dân biểu tại Quốc hội Hoa kỳ.

    Ngoài ra, tôi có ghi lại những cuộc đàm thoại, những chỉ thị cũng như tâm tư, cảm xúc của Tổng thống Thiệu trong nhiều bữa ăn một mình với ông, hay trong những lúc thư giãn nhấm nháp ly rượu vào buổi chiều tối.

    Một phần của những ghi chép đó được dùng trong cuốn sách này. Nhằm bổ sung phần ghi chép, chúng tôi đã cố nghiên cứu thêm trong thời gian qua để tìm hiểu sâu rộng hơn về những diễn tiến đưa tới sự sụp đổ mau lẹ của Miền Nam và cuộc di tản tiếp theo.
    Trong phần nghiên cứu và trích dẫn thêm, ngoài những tài liệu nội bộ, chúng tôi còn dựa vào hồi ký đã được xuất bản của các nhân vật chính yếu tham gia vào lịch sử của thời gian này (như các Tổng thống Nixon, Ford, ngoại trưởng Kissinger, Phụ tá Ehrlichman, Haldeman, Phụ tá báo chí Nessen), và sách của một số tác giả uy tín (như các ông Butler, Hersh và hai anh em ông Kalb). Chúng tôi ghi nhận và cám ơn các tác giả và các nhà xuất bản (xem phần "Sách tham khảo").

    Về những tài liệu nội bộ, quý nhất là tập hồ sơ tối mật về bang giao Việt - Mỹ dưới thời hai Tổng thống Richard Nixon và Gerald Ford. Đầu tháng Ba, 1975, Tổng thống Thiệu có cho chúng tôi xem một vài lá thư, rồi một tháng sau, ông đã trao phó toàn bộ văn kiện. Thật là một may mắn mà hồ sơ đó đã được cứu vãn cho lịch sử. Mang nó theo khi bước chân lên chiếc máy bay Pan Am đi Washington ngày 15-4 trong công tác cuối cùng cho Việt nam cộng hoà, chúng tôi hết sức lo âu. Lo là vì về phía Mỹ, Bộ Ngoại giao đang chối đi là không có cam kết gì bí mật hết. Tài liệu này đã được giấu kín, kín đến độ chính Tổng thống Ford cũng như ở trong bóng tối. Mãi tới sau khi Huế bị bỏ ngỏ và Đà Nẵng đã di tản, ông mới được đọc vài bức thư trong số những văn kiện tối mật của Tổng thống Nixon gửi Tổng thống Thiệu. Và việc ông Ford đọc được là do chính chúng tôi khởi xướng.

    Cái trớ trêu là vào những ngày giờ cuối cùng, giữa Dinh Độc lập và Toà Bạch Ốc đã chẳng còn có đường dây nào để liên lạc, trao đổi?

    Nguyên thuỷ, tôi chỉ là một giáo sư kinh tế học, rồi làm Tổng trưởng kế hoạch, có ngờ đâu lịch sử lại đưa đẩy vào cái thế phải chạy loanh quanh để đi tìm "người đưa thư" (là tướng Fred Weyand) cho Tổng thống Việt nam cộng hoà. Cái khó vào lúc đó là làm sao chuyển được thư của một Tổng thống Mỹ này tới tay một Tổng thống Mỹ khác mà không qua Bộ Ngoại giao? Sau này, nghị sĩ Henry "Scoop" Jackson (Dân chủ, tiểu bang Washington) đã phải phàn nàn rằng: "Thật là lố bịch và nguy hiểm khi Quốc hội và nhân dân Hoa kỳ phải nhờ vào quan chức ngoại quốc (ông Hưng) mới biết được những văn kiện tối quan trọng này" (xem Chương 17).
    Rồi tới những bức thư cầu cứu cuối cùng của Quốc hội Việt nam gửi Quốc hội Hoa kỳ: chắc đã bị "thất lạc" rồi? Cho tới nay, không có một dấu vết gì là chúng đã đến tay Quốc hội. Làm sao có thể hiểu được là guồng máy ngoại giao của một đại cường quốc như Hoa kỳ lại trở nên lạ lùng như vậy?

    Khi đọc được ba trong số những bức thư của Tổng thống Nixon gửi Tổng thống Thiệu, Tổng thống Ford đã xúc động, sau đó ông ra phi trường đón tiếp lớp trẻ mồ côi Việt nam vừa được chở tới San Francisco. Tay bồng một em bé, ông bước xuống máy bay, có chiều âu yếm. Và từ giây phút này có lẽ ông đã thay đổi thái độ về vấn đề tỵ nạn. Ông còn xin thêm quân viện cho Việt nam cộng hoà, dù biết rằng đã quá muộn. Trước đấy, sau cuộc rút lui cam go của Quân đoàn II và cuộc di tản kinh hoàng từ Đà Nẵng, ông Ford vẫn bình chân như vại, đi Palm Springs đánh gôn. Năm 1985 khi chúng tôi phỏng vấn và đưa ông Ford đọc lại mấy bức thư của Tổng thống Nixon, ông vẫn còn tỏ vẻ ngậm ngùi: "Không còn một nghi ngờ nào hết, đây là những lời cam kết hết sức quyết liệt" (Well, there is no doubt these were very categoncal commitments). Tổng thống Ford nhận xét như vậy là chính xác.Tuy nhiên, nghe như đãi bôi vì kể cả sau khi ông được biết như trên, ông vẫn để cho Ngoại trưởng kiêm Cố vấn của ông che dấu Quốc hội và nhân dân Hoa kỳ. Vào ngày cuối cùng, trong một cuộc họp báo, chúng tôi quyết tâm phơi bầy cho công luận những cam kết vô cùng quyết liệt ấy với mục đích yêu cầu cho một triệu người

    Việt được tỵ nạn. Cấp lãnh đạo hành pháp cũng như lập pháp Hoa kỳ đã rất ngạc nhiên về những tiết lộ này. Sau đó, rõ ràng có sự thay đổi thái độ về vấn đề chấp nhận đoàn người tỵ nạn. Và chúng tôi đã có dịp được đóng góp thêm cho việc sắp xếp các trại cũng như việc xuất trại, tìm công ăn việc làm cho đoàn người tỵ nạn đợt đầu.

    Ngoài những tài liệu mật về bang giao Việt - Mỹ, tác giả đã đàm đạo với Đại sứ Martin, sau khi ông về hưu. Ông là Đại sứ Mỹ cuối cùng ở Miền Nam và là người đã bị bắt buộc phải thi hành mệnh lệnh tháo chạy. Bản thân chúng tôi đã gặp ông nhiều lần để tìm hiểu những gì đã xảy ra bên trong Toà đại sứ trước khi chiếc trực thăng Lay Ace 09 mang lệnh Tổng thống đến bốc ông đi. Ông cho biết một số những diễn tiến quan trọng lúc con thuyền Miền Nam nghiêng ngửa sắp chìm đắm. Ông còn cung cấp một số tài liệu quý giá cho lịch sử. Trong những tài liệu này, phải kể tới bức thư Tổng thống Dương Văn Minh yêu cầu Mỹ rút khỏi Việt nam. Ngoài ra, còn một số mật điện trao đổi hết sức quan trọng giữa ông và Kissinger vào lúc những ngày giờ cuối.

    Đại sứ Martin cho hay là ông muốn chờ một thời điểm thuận tiện để sẽ "nói lên lời cuối cùng" về những mánh lới, những thủ đoạn đâm sau lưng của một vài chính trị gia tại Washington. Ông rất muốn bình luận thêm về một nguy cơ thực sự có mà chính ông đã giúp tránh né được. Đó là suýt nữa có đụng độ lớn giữa mấy sư đoàn Thuỷ quân lục chiến Mỹ với quân lực Việt nam cộng hoà vào giờ chót. Nó có thể đưa tới chỗ đổ vỡ hoàn toàn. Và trong tình huống ấy, sau hai mươi năm kề vai sát cánh, Việt nam cộng hoà lại trở thành kẻ thù của Hoa kỳ? Nếu như vậy thì số phận của mỗi người trong chúng ta đã ra sao?

    Về phương diện cá nhân, ông Martin còn muốn viết về chuyến ra đi nhục nhã của chính bản thân ông. Ông cho rằng việc này đã làm tiêu hao biết bao nhiêu uy tín của nước Mỹ. Bộ Ngoại giao dường như không để ý nhiều tới những khổ tâm của ông, lại còn trừng phạt, cho ông ngồi chơi xơi nước tại Bộ trước khi về hưu. Và ông đã về hưu sớm hơn là đến kỳ hạn.
    Theo chúng tôi được biết, Tổng thống Thiệu cũng đã có ý định viết hồi ký. Thế nhưng cả hai người đều đã không đủ thời giờ để viết. Cả hai đều đã đi về nơi chín suối, mang theo bao nhiêu ngậm ngùi, chua xót. Một người thì ngậm ngùi, hổ thẹn cho tư cách của một đại quốc, một người thì ân hận, chua xót cho thân phận của một tiểu quốc.

    Nhân ngày đánh dấu mười năm sụp đổ Miền Nam (30 tháng 4, 1985), tờ New York Times đăng câu phê phán cuối cùng của Đại sứ Martin: "Rút cuộc, chúng ta chỉ lo tháo chạy. Ý chí dân tộc của Hoa kỳ đã sụp đổ" (In the end, we simply cut and ran. The American national will have collapsed). Tôi xin mượn một phần câu ông nói làm đầu đề cho cuốn sách này.

    Tác giả hoàn toàn không ở địa vị đủ cao cấp để nói lên lời cuối, nhưng nhờ một cơ duyên của lịch sử đã may mắn được gặp lại cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nhiều lần ở London và Boston để nghe và ghi lại những lời cuối cùng của ông về cuộc chiến. Ngoài ra, còn được nghe những lời thổ lộ từ tâm huyết của vị Đại sứ Mỹ cuối cùng tại Miền Nam, Graham Martin, trước khi ông qua đời. Ông còn căn dặn là chúng tôi nên viết lại những gì được nghe và được chứng kiến để đóng góp cho lịch sử.. Cuốn sách này không đề cập tới toàn bộ những lý do đã dẫn tới sự sụp đổ của Việt nam cộng hoà. Dĩ nhiên là trước thất bại, ta phải tự trách mình trước: "tiên trách ký hậu trách nhân", hay "mea culpa "(lỗi tại tôi). Về khía cạnh chính trị nội bộ của Miền Nam chẳng hạn, tác giả không đề cập tới những nguyên nhân mà các tác giả khác đã phân tích rất nhiều: như sự chia rẽ nội bộ, tư cách và khả năng cấp lãnh đạo, tham nhũng, độc tài; hay những thái độ chống đối, thờ ơ, tránh né từ phía một vài thành phần nhân dân.

    Cũng không bình luận là lãnh vực quân sự, cả về chiến lược lẫn chiến thuật. Về những địa hạt này, tuy chúng tôi có được nghe nhiều điều đáng buồn về các cấp lãnh đạo chính yếu, nhưng không đủ khả năng, hiểu biết, và kinh nghiệm để nhận xét cho thấu đáo. Về phía Hoa kỳ, tác giả cũng không đề cập nhiều tới những yếu tố khác như phong trào phản chiến, vai trò báo chí Mỹ, hay chiến thuật quân sự, những đề tài dã được phân tích khá rộng rãi.

    Hy vọng rằng cuốn Khi Đồng minh tháo chạy sẽ giúp độc giả có thêm được những dữ kiện mới và chính xác để tìm ra câu trả lời cho nhiều thắc mắc, nhiều uẩn khúc còn đeo đẳng, và qua dòng thời gian, vẫn chưa được sáng tỏ. Đây chỉ là một cố gắng thuật lại cho trung thực những gì mình đã mắt thấy tai nghe, và những gì đã tìm hiểu dược để chia sẻ với người đồng hương về một chương lịch sử quan trọng của đất nước, đồng thời đúc kết lại những bài học cho các thế hệ mai sau. Ngoài ra, nó cũng có thể cung cấp một số dữ kiện cho các nhà làm chính sách về bang giao với Mỹ của các Đồng minh khác. Nhờ đó, họ có thể hiểu rõ hơn về thể chế dân chủ cũng như về cơ cấu và khung cảnh chính trị tại Hoa kỳ, chứ đừng nhìn vào Hoa kỳ với cặp kính cận riêng của mình.

    Chúng tôi đã chờ một thời gian khá dài mới bắt đầu viết cuốn sách này vì ba lý do: thứ nhất, để hầu hết người Việt nam chúng ta có thể nhìn lại giai đoạn lịch sử cuối cùng của VNCH một cách khách quan hơn, không bị quá nhiều tâm tình, hoàn cảnh cá nhân chi phối; thứ hai, để chúng tôi có đầy đủ thời giờ nghiên cứu, phỏng vấn, suy gẫm cho thật sâu, thật kỹ; và thứ ba, để cho chính tác giả bớt được cường độ xúc động trước khi viết, giúp cho tác phẩm được trung thực. Về điểm này, chúng tôi đã dẫn chứng tất cả những sự việc, hành động, lời nói bằng văn bản hoặc bằng những ghi chú về nguồn gốc sự kiện (footnotes).

    Tuy nhiên, dù đã cố gắng hết sức, chúng tôi vẫn không thể tránh khỏi một số suy nghĩ hay ngôn từ có tính cách chủ quan. Về nhược điểm này, cũng như những sơ sót, lầm lẫn trong cuốn sách, tác giả tin vào sự thông cảm của độc giả.
    * * *
    Chúng tôi xin chân thành cảm tạ tất cả những bạn bè xa gần đã khích lệ và hỗ trợ tác giả trong việc sưu tầm và soạn thảo cuốn sách này. Đặc biệt là: Hứa Chấn Minh, Chủ tịch công ty Phụng hoàng, người dã theo đuổi công việc của chúng tôi trong nhiều năm, và đã xuất bản cuốn sách này. Anh Chu Xuân Viên, người đã giúp nhuận sắc cuốn HSMDDL, lại giúp sửa chữa thêm cuốn Khi Đồng minh tháo chạy. Bạn Tạ Văn Tài đã tận tâm đóng góp cho tôi nhiều ý kiến xây dựng, nhờ đó cuốn sách được xúc tích hơn. Các anh Trần Khánh Liễm, Thuần Trương, và Vũ Huy Hoàng đã chịu khó đọc bản thảo, thêm ý kiến và giúp nhuận sắc. Các bạn Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Văn Liêm, Đỗ Ngọc Hiển, Vũ Chính Trực, Lê Ái sẵn sàng tiếp tay, cho tôi những nhận xét, và gợi ý rất hữu ích. Bạn Nguyễn Xuân Nghĩa đã dành thì giờ đọc bản thảo cuối cùng, giúp sửa chữa, trình bày thêm phần khởi sắc. Bạn Nguyễn Thiện Cơ giúp sắp xếp về kỹ thuật, và phần danh mục (index). Bác sĩ Phó Ngọc Văn, người luôn thúc đảy tôi kiên tâm, và dù lúc còn nằm trên giường bệnh, cũng vẫn gọi điện thoại dể khích lệ, đóng góp thiều ý kiến. Các bạn Lê Văn và Virginia Lê, Đăng Khánh và Hương Hoa cũng như Vũ Văn Hoa, đã không ngơi cổ võ, làm tôi thêm hăng say trong việc sưu tầm và biên soạn.

    Tôi xin thành thật cám ơn Jenold L. Schecter, nguyên chủ bút ngoại giao của tạp chí Time, cựu Phụ tá giám đốc báo chí Toà Bạch Ốc, và Phát ngôn viên Hội đồng an ninh quốc gia, đã cùng tôi viết cuốn The Palace File (1986), và đã giúp đỡ khích lệ tôi viết cuốn sách này.
    Sau cùng tôi không thể không nhắc đến sự giúp biên soạn, sửa chữa, hy sinh của nhà tôi Therese N. Hưng; và các anh, chị, em, con, và cháu, thuộc đại gia đình cụ ông cụ bà Cố Chánh Nguyễn Xuân Phi, luôn luôn nâng đỡ tinh thần tôi trong những giai đoạn thăng trầm của cuộc đời.

    Hết: Lời nói đầu, xem tiếp: Phần I - Chương 1
    Last edited by PS khoá 72G; 05-26-2011, 07:57 PM.

  • #2
    Khi Đồng Minh THÁO CHẠY

    Nguyễn Tiến Hưng -Khi đồng minh tháo chạy
    P1 - Chương 2

    Kissinger, ông là ai?


    New York là thành phố "không bao giờ ngủ". Từng dẫy cao ốc chọc trời. Đường phố rộng thênh thang, xe cộ chạy như mắc cửi. Mỗi khi phải đi băng qua phố ở những chỗ không đèn báo hiệu là cả một vấn đề khó khăn. Nếu vì lý do gì lại phải đợi có ai đi qua để cùng theo thì lại càng mất thời giờ. Uy thế mà cậu bé Heinz luôn luôn làm như vậy. Mới lớn lên mà đã rất cẩn thận. Mỗi khi phải qua phố, cậu luôn chờ xem có đám trẻ nào đi qua thì mới theo sau.
    Cậu bé di cư từ làng Bavaria.

    Đầu Thế chiến thứ hai nhiều người gốc Do Thái từ nước Đức sang tìm tự do tại Hoa kỳ, trong đó có gia đình cậu Henry Kissinger. Tên thật của cậu là Heinz Alfred Kissinger. Heinz đổi ra Henry từ khi sang Mỹ. Sinh trưởng ở làng Bavaria, thuộc vùng Furth ngày 27 tháng Năm, 1923. Lên bảy, làng cậu đã bị đám thanh niên theo Hitler quấy nhiễu. Heinz và các bạn trẻ Do Thái bị trẻ con trong làng đánh đập thường xuyên (1). Cậu sợ đến nỗi là dù đã tới đất của Nữ thần Tự do rồi mà vẫn luôn luôn nhút nhát, lúc nào cũng giữ thế thủ.
    Gia đình cậu được di cư sang Mỹ vào tháng Tám, 1933.

    Thoát chết, vì chỉ ba tháng sau đó, trong một đêm gọi là "Đêm pha lê" (Crystal Night), đoàn "Thanh niên Hitler" cùng quân đội đã ào ạt tấn công một cách man rợ vào cư dân Do Thái khắp nước Đức. Trong số 3.000 dân Do Thái ở vùng Furth, chỉ còn đếm được có 70 người lúc chiến tranh kết thúc năm 1945.(2)

    Tới Mỹ, gia đình cậu Henry cư ngụ tại New York, sinh hoạt bình thường như những gia đình di cư khác. Ngay từ lúc còn học trung học, Henry đã tỏ ra là một học sinh xuất sắc.
    Tiến sĩ Kissinger

    Trưởng thành, Kissinger đi quân dịch và nhập trại huấn luyện ở tiểu bang North Carolina vào tháng Hai, năm 1943. Tới tháng Sáu cùng năm ông được nhập tịch, trở thành công dân Hoa kỳ. Sau khi giải ngũ, Kissinger được nhận vào đại học Harvard. Và đỗ tiến sĩ với điểm ưu hạng. Vừa học giỏi, Kissinger lại được một giáo sư nổi tiếng là William Elliott đỡ đầu. Ông Elliott cho Kissinger đảm nhiệm chương trình "Hội thảo chuyên đề quốc tế Harvard" (Harvard International Seminar). Chương trình này được tổ chức vào mỗi mùa hè để các chính khách, học giả từ các nước tới trao đổi về các vấn đề quan trọng. Đây là cơ hội quý giá cho Kissinger gặp nhiều yếu nhân từ khắp nơi. Và ông bắt đầu được biết đến từ lúc đó (3).

    Năm 1957, ông cho xuất bản cuốn sách "Vũ khí nguyên tử và chính sách ngoại giao" (Nuclear Weapons and Foreign Policy), một cuốn sách được liệt vào hàng bán chạy nhất năm đó. Cuốn này phản ảnh tư tưởng của ông về sự xung đột liên tục trên thế giới giữa phe bảo thủ và phe cách mạng. Nhưng làm sao tránh được một cuộc chiến tranh nguyên tử toàn diện giữa Hoa kỳ và Nga Xô? Ông đề nghị một chính sách "chiến tranh nguyên tử giới hạn" để theo đuổi một mục đích cũng giới hạn. Đọc cuốn sách này, Nixon và đồ đệ của ông đã rất khâm phục (4).

    Cơ hội tiến thân
    Trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 1968, ai là người đã cho phía Nixon biết hết những bí mật về kế hoạch của Tổng thống Johnson tại Hoà đàm Paris? Người đó chính là Kissinger (5).
    Ông có nhiều mối liên lạc với những chuyên gia về ngoại giao trong Chính phủ Johnson vì chính ông đã làm tư vấn bán thời gian cho họ về vấn đề Việt nam. Biết vậy nên ông Richard Allen, trong ban tham mưu về ngoại giao của ứng cử viên Nixon, đã liên lạc với Kissinger để dò xét xem phía Dân chủ đang mưu tính những chuyện gì về kế hoạch hoà bình. Kissinger liền xác định với Allen là mình có nhiều bạn bè và đồng liêu hiện đang làm việc ngay tại Hoà đàm Paris (bắt đầu từ tháng Năm, 1968). "Tôi có cách liên lạc với họ", Kissinger quả quyết. Và ông đã làm như vậy.

    Phía Nixon được ông khuyến nghị là phải đề phòng vì: "Johnson đang chuẩn bị ngưng dội bom, và sẽ tung con bài bất ngờ ra trước ngày bầu cử". Trong tập hồi ký, chính Nixon cũng xác nhận việc này và tiết lộ một văn thư của phụ tá Haldeman thuật lại báo cáo của Kissinger gửi ông Mitchell (người điều hợp ban tham mưu của Nixon rồi Tổng trưởng Tư Pháp) nói trước mưu lược của Johnson: "Nguồn tin của chúng tôi cho việc chống đối ngưng ném bom là không thực tế, nhưng khuyên ta phải để tâm tới sự kiện là việc đó có thể xảy ra - nghĩa là ta nên tiên liệu trước việc đó - và nhất định là ta phải chuẩn bị cho cái lúc mà việc đó xảy ra. Nguồn tin của chúng tôi vô cùng quan ngại về những nước cờ sắp tới của Johnson, và tiên đoán rằng Johnson sẽ có một hành động nào đó trước ngày bầu cử" (6).

    Bà Anna Chennault kể lại là vào thời điểm đó, bà đã không biết rõ "nguồn tin của chúng tôi" là ai. Mãi về sau này, ông Mitchell mới tiết lộ cho bà tông tích của "nguồn tin": đó là Henry Kissinger. Khoảng 12 giờ trước khi Johnson ngưng ném bom, Kissinger đã gọi cho Allen để thông báo một tin sốt dẻo: tại Paris, hai ông Harriman và Vance, lãnh đạo phái đoàn Hoa kỳ tại hoà đàm, đã mở rượu xâm banh ăn mừng rồi! Mọi vấn đề liên hệ đã điều đình xong, và việc ngưng ném bom sẽ được tuyên bố sớm (7).
    Về hành động này của Kissinger, ký giả Seymour Hersh (người nổi tiếng về tiết lộ vụ Mỹ Lai) bình luận: khi đem những thông tin từ Paris cho phía Nixon, không những Kissinger đã lạm dụng tình đồng liêu nhưng còn phản bội những người mà ông đã từng cộng tác về những cố gắng đàm phán bí mật" (8).

    Sau khi đăng quang, Tổng thống Nixon đã lựa chọn ông vào chức Cố vấn an ninh Quốc gia. Nixon viết thẳng ra trong hồi ký của ông rằng "Trong những ngày cuối cùng của cuộc bầu cử, khi Kissinger cung ứng cho chúng tôi những tin tức về việc ngưng ném bom, tôi đã thấy được rõ hơn nữa, về sự hiểu biết sâu rộng và ảnh hưởng của ông ta… tôi có một trực giác mạnh về Henry Kissinger"(9).

    Trong cương vị Cố vấn của Tổng thống, Kissinger chẳng mấy lúc đã nắm được trọn quyền hành về ngoại giao, qua mặt cả Ngoại trưởng William Rogers. Và sau cùng, ngày 22 tháng Tám 1973, Tổng thống Nixon còn chọn ông làm Ngoại trưởng thay ông Rogers (từ chức ngày 16 tháng Tám). Và Kissinger đã trở thành người di cư đầu tiên lên tới chức vị này. Quan trọng hơn nữa, ông cũng là Ngoại trưởng đầu tiên kiêm cả chức Cố vấn Tổng thống về An ninh. Sau khi Nixon từ chức, ông Ford lên kế vị (ngày chín tháng Tám 1974), lại cũng tiếp tục bổ nhiệm Kissinger kiêm luôn hai chức như cũ. Tới tháng 11, 1975 (bảy tháng sau khi Miền Nam sụp đổ) ông Ford mới rút lại chức Cố vấn. Như Kissinger đã tự thuật sau này là: ông đã kịch liệt phản đối việc ấy vì làm cho người ta nghi ngờ về địa vị của ông. "Và trong mấy tuần, tôi còn có ý định từ chức nữa" (10).

    Trong tám năm trời và dưới hai thời Tổng thống, ông Kissinger đã nắm toàn quyền về ngoại giao Hoa kỳ. Chắc chắn lịch sử sẽ phải ghi nhận rằng trong một thời gian là sáu năm ba tháng (lừ 20 tháng Giêng 1969 tới 30-4-1975), tức là gần một phần ba thời gian tồn tại của Việt nam cộng hoà, Kissinger đã đóng vai trò then chốt trong cả việc Mỹ tháo gỡ và việc Mỹ bỏ chạy ra khỏi Miền Nam.

    Chuyên gia tư vấn: từ Dân chủ sang Cộng hoà
    Tư vấn cho Đảng Dân chủ. Đầu thập niên 1960, Kissinger theo đảng Dân chủ và được làm tư vấn bán thời gian cho bộ Ngoại giao về vấn đề Âu châu thời Tổng thống Kennedy. Tới thời Tổng thống Johnson, ông còn tư vấn thêm cả về vấn đề Việt nam, đặc biệt là trong một công tác được gán hiệu là "Pennsylvania". Trong khi tham dự nhiều hội nghị quốc tế tại Paris, Kissinger có gặp một nhà vi trùng học người Pháp tên Herbert Marcovich. Marcovich cho biết ông có người bạn, một kỹ sư tên Raymond Aubrac, là chỗ quen biết với ông Hồ Chí Minh. Rất bén nhạy, Kissinger về Washington thuyết phục các cấp trên của ông dùng Aubrac làm đường dây với Hà Nội để điều đình. Chính phủ Johnson đồng ý và ngày 21 tháng Bảy 1967, hai người Pháp cùng với Kissinger bay ra Hà Nội gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng (11). Và đó là "Pennsylvania", nguồn gốc của hoà đàm. Tháng Năm 1968, Cyrus Vance, đại diện Hoa kỳ và Hà Văn Lâu, đại diện Hà Nội đến họp tại Paris để thảo luận về chi tiết những cuộc hoà đàm về chiến tranh Việt nam.

    Tư vấn cho Đảng Cộng hoà. Khoảng năm 1964, Kissinger đổi sang Đảng Cộng hoà.
    Trước hết là tư vấn cho Nelson Rockefeller, đối thủ của Richard Nixon. Nhà triệu phú Rockefeller, thống đốc tiểu bang New York, đã tuyển ông làm tư vấn về ngoại giao khi ra cạnh tranh với Nixon trong chức ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hoà. Thời đó, Kissinger rất khinh miệt Nixon, cho ông này là người "nông cạn, tham quyền, chống cộng quá khích và có thể đưa Mỹ tới đụng độ nguyên tử với Nga Xô và Trung Cộng". Ông còn nói với phe chống Nixon trước ngày họp Đảng "Con người Nixon đó không thích hợp để làm Tổng thống". Để thuyết phục, ông thêm: "Trong ngần ấy những người ra tranh cử, Richard Nixon là con người nguy hiểm nhất nếu trở thành Tổng thống". Thế nhưng, tại Đại hội đảng Cộng hoà, ngày 8-8-1968, ông Nixon được Đảng lựa chọn.

    Khi thấy Rockefeller thất bại ngay lần bỏ phiếu đầu với số phiếu 277 so với 692 cho Nixon, Kissinger vô cùng buồn bã. Người ta kể lại rằng ông đã khóc. Ông còn nói: "Cái ông đó hả, ông ta không có quyền để cai trị"(12).

    Nhảy sang tư vấn cho Richard Nixon. Khinh miệt Nixon như vậy, mà khi ông này vừa được đảng Cộng hoà tuyển chọn, Kissinger xoay chiều ngay. Dù biết rằng Kissinger coi thường cấp trên của mình, ban tham mưu của Nixon cũng nhận ra tài năng của ông ta. Chính ông Nixon cũng biết về thái độ thù nghịch của Kissinger, nhưng ông cho rằng đó chỉ là chuyện chính trị trước bầu cử (13). Phía Cộng hoà liền đề nghị Kissinger cộng tác để làm việc cho đảng trong kỳ tuyển cử tới. Kissinger vui vẻ quá sức. Người ta cho đây là "cơ hội chủ nghĩa" ở đỉnh cao nhất của nó (14). Lúc đó, Nixon đang cần có một nhà tư tưởng, nhà quân sư như Mcgeorge Bundy, Arthur Schlesinger của Kennedy hay Walter Rostow của Johnson. Là một luật sư, tuy có nhiều kinh nghiệm thực tế về chính sách vì đã làm Phó Tổng thống thời Eisenhower, nhưng ông Nixon thiếu cách diễn tả lưu loát về ngoại giao và những quan niệm về cơ cấu quy mô của chính trị toàn cầu.

    Về điểm này, chúng tôi cũng có nhận thức được phần nào, khi nghe ông Nixon tranh luận với ông Kennedy vào lúc bầu cử Tổng thống hồi tháng 11, năm 1960. Ngồi trong gian phòng giải trí dành cho sinh viên tại đại học Virginia, tôi được xem cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng cử viên tại nước Mỹ trên truyền hình, tuy là TV đen trắng và nhỏ xíu. Chắc là ông Kennedy có những cố vấn ở đại học Harvard luyện cho trước cuộc tranh cãi, nên ăn nói lưu loát và bình luận về ngoại giao ở tầm lý thuyết cao. Còn ông Nixon thì mắt cứ chớp chớp, chỉ chống chế cho thành tích ngoại giao dưới thời Eisenhower. Sau cùng Nixon đã thất cử năm đó.

    Tư vấn cho hai Đảng một lúc
    Trong kỳ bầu cử 1968, khi Henry Kissinger ngấm ngầm làm việc với phía Cộng hoà qua Richard Allen, ông lại tiếp tục cộng tác với phía Dân chủ qua Zbigniew Brzezinski, người điều hợp về ngoại giao cho Humphrey. Tác giả Seymour Hersh trong cuốn The Price of power có dẫn chứng là Ted van Dyke, viên phụ tá thân cận của Humphrey có xác nhận chính ông đã là người tiếp nhận bức thư Kissinger viết cho. Humphrey vừa chỉ trích Nixon vừa xin tình nguyện làm việc với Chính phủ Humphrey. Trong một cuộc điện đàm với Brzezinski, Kissinger cho biết là ông có thể đưa cho xem cả hồ sơ riêng của Rockefeller về Nixon. Theo như lời Kissinger, đó là những "hồ sơ nhơ bẩn" (shitfiles) của Nixon (15).

    Và ông cứ đi hàng hai như vậy cho tới giữa tháng Chín khi những cuộc thăm dò dân ý cho biết Nixon đã bỏ xa Humphrey, lúc đó ông mới tỏ rõ thái độ, nghiêng hẳn về Nixon. Khi Brzezinski gọi điện thoại tới văn phòng Kissinger để hỏi xin hồ sơ này, cô thư ký trả lời: "Như ông đã biết, tiến sĩ Kissinger bây giờ đang làm việc cho ông Nixon rồi". Và từ đó phía Humprey không nghe thấy gì về "shitfiles" của Nixon nữa (16).

    Vào đầu thập niên 1990, khi tôi có dịp quen biết với Richard Allen (trước đó là Cố vấn an ninh cho Tổng thống Reagan), trong cương vị là thành viên của Hội đồng quản trị Trung tâm nghiên cứu Á Châu (Asian Studies Center tại Heritage Foundation) do Allen làm Giám đốc, tôi tò mò hỏi xem ông nghĩ sao về việc đã giới thiệu Kissinger cho Nixon, Allen nhún vai, lắc đầu, như hối tiếc đã giúp cho tham vọng của ông này.

    Lên chức Cố vấn Tổng thống.
    Ngày 27 tháng 11, 1968, sau khi Nixon thắng cử, ông John Mitchell mời Kissinger tới căn phòng của Nixon ở lầu 39 khách sạn Pierre, New York để gặp Tổng thống tân cử. Nơi đây Nixon mời Kissinger làm Phụ tá an ninh quốc gia. Vui vẻ quá sức nhưng ông vẫn tỏ vẻ ngần ngại, nói là cần có thời gian để suy nghĩ.
    "Được rồi, một tuần", Nixon trả lời. Kissinger về hỏi ý kiến Rockefeller. Ông này đồng ý để tiến cử đệ tử mình. Ngày 20 tháng Giêng 1969, Nixon đăng quang, dọn vào Bạch Ốc. Kissinger dọn vào theo (17).
    ***
    Tổng thống Nixon là người muốn thành công ở lãnh vực ngoại giao nên muốn tập trung chính sách ngoại giao của Hoa kỳ vào toà Bạch Ốc, chứ không giao cho Ngoại trưởng như Tổng thống Eisenhower đã giao cho ông John Foster Dulles. Và như vậy cũng rất khôn ngoan. Quyền lực và danh vọng của một Tổng thống Mỹ thực ra chỉ được biểu lộ trong lãnh vực đối ngoại. Truman thả bom nguyên tử ở Hiroshima, Kennedy cho chiến hạm trực chỉ Cuba ép Krutschev gỡ hoả tiễn về. Và ngày nay, ông Bush Cha thả bom Baghdad, bắt Iraq rút khỏi Kuwait; ông Bush Con, đánh đuổi Taliban và Al Qaeda khỏi Kabul. Rồi chiếm Iraq, lại bắt được Saddam Hussein trốn trong hầm. Ngay chính bản thân Nixon, khi làm Phó cho Tổng thống Eisenhower cũng đã chỉ nổi tiếng về vụ "Kitchen Debate", đốp chát với Krutschev ở trong một khu trưng bày đồ gia dụng nhà bếp tại hội chợ quốc tế ở Moscow.

    Bây giờ lên dài, Nixon phải sáng chói. Cũng chỉ trong lãnh vực ngoại giao thôi. Vì trong thời hiện đại, có Tổng thống Mỹ nào nổi tiếng về vấn đề nội trị đâu? Nền kinh tế Mỹ như cái máy tự động, khổng lồ, chỉ làm sao đừng bị lạm phát (dưới 4%), giữ thất nghiệp cho thấp (khoảng 5%) là tốt rồi, đâu có làm phép lạ được. Xã hội thì đã có nền nếp; luật pháp thì đã thành khuôn, chắc như đanh đóng cột. Khó mà làm được gì nổi bật trong địa hạt chính sách đối nội. Ngược lại chỉ thấy nhức đầu: tăng thuế cũng bị chửi, giảm thuế cũng bị la. Tổng thống Johnson đã hái được nhiều thành quả trong nước, đặc biệt là đã để ý tới vấn đề xoá đói giảm nghèo, công bình xã hội, nhưng lại thất bại về mặt ngoại giao là chiến tranh Việt nam, nên rồi cũng chẳng đi đến đâu. Hiện giờ (2005) Tổng thống George Bush vừa thắng nhiệm kỳ hai, ông đặt ưu tiên cho chính sách đối nội là sửa đổi lại hệ thống "an ninh xã hội" (so- cial security system), nhưng rồi cũng sẽ gặp nhiều chống đối, và dù đa số ở Quốc hội là Cộng hoà, ông cũng sẽ phải đi đến thoả hiệp nếu muốn thành công. Và sau cùng thì kết quả về chiến tranh Iraq cũng vẫn là yếu tố quan trọng xác định địa vị của ông trong lịch sử.
    Công cụ của quyền hành

    Hiểu rõ nhu cầu của Nixon cần có thành quả ngoại giao, Kissinger lại có trong tay một cơ hội bằng vàng: đó là quyền điều khiển toàn bộ nhân viên làm việc cho "Hội đồng an ninh quốc gia" (National Security Council - NSC). Ông liền đưa ra một đề nghị để Nixon cho phép ông sửa đổi nó lại theo ý ông (18). NSC được thành lập từ 1947 để giúp Tổng thống điều hợp các vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia. Về thực chất nó rất lỏng lẻo. Tôi còn nhớ từ khi du học ở Mỹ, dù là dưới thời Eisenhower, Kennedy hay Johnson, mỗi khi truyền hình chiếu những biến cố ngoại giao quan trọng vào phần tin buổi chiều thì đều thấy Ngoại trưởng hoặc Tổng trưởng quốc phòng lên trình bày. Bây giờ được Nixon ủng hộ, Kissinger sắp xếp lại để nó trở thành một công cụ tập trung quyền hành.

    Guồng máy NSC được sửa lại thì giống như cái máy sàng lọc, mọi hồ sơ phải qua đây thì mới tới được bàn giấy Tổng thống. Ba cơ quan Ngoại giao, Quốc phòng, CIA có trách nhiệm phải nộp cho NSC các đề nghị về những giải pháp được cân nhắc kỹ lưỡng. Dựa theo đó, nhân viên làm việc tại NSC phải trình bày cho Tổng thống những lựa chọn và hậu quả về mỗi giải pháp và cho từng vấn đề.

    Sự sắp xếp lại NSC cho phép Kissinger đóng hai vai trò: một là người điều hợp, tập trung các phân tích, đề nghị của các bộ về lãnh vực an ninh; hai là làm cố vấn cho Tổng thống về ngoại giao. Là người điều hợp, ông có quyền sàng lọc, thâu tóm các đề nghị. Quyền sàng lọc là quyền vô cùng quan trọng. Những điểm gì mình không thích hay không đồng ý thì có thể làm nhẹ đi, giảm tầm quan trọng của nó xuống, hay chỉ nói phớt qua thôi.
    Ảnh hưởng của cố vấn cũng lợi hại. Có nửa ly rượu: nói đầy nửa ly cũng đúng hay vơi nửa ly cũng đúng, kiểu nào cũng được. Miễn là gần kề Tổng thống. Bộ Ngoại giao đã hết sức bất mãn, cho rằng Kissinger đã độc quyền hoá lãnh vực ngoại giao, nắm trọn vẹn quyền hạn đến nỗi một bộ lớn với 12 ngàn nhân viên, mà chỉ còn vai trò sắp xếp giấy tờ, hồ sơ. Nghị sĩ Stuart Symington còn bàn thêm rằng "Kissinger đã thực sự là Ngoại trưởng, trừ cái tên đó thôi" (18).

    Tài nghệ ông Phụ tá
    Ngoài tài ba về chính trị, ông Kissinger lại có tài hùng biện, rất khéo chơi chữ để nói quanh co. Chúng tôi còn nhớ có đọc một bài báo (mà không nhớ xuất xứ từ đâu) nói về điểm này và cho là Kissinger có nghệ thuật "làm sao không nói sự thực mà lại không là nói dối" ("how not to tell the truth with- but really lying"). Ông H. R. Haldeman, Đổng lý Văn phòng cho Tổng thống Nixon kể lại một câu chuyện khôi hài về tài của Kissinger. Hồi tháng 12, 1972, chính Kissinger là người đề nghị Nixon cho ném bom Bắc Việt vì ông đã tuyên bố "hoà mình đang trong tầm tay" (peace is at hand) hai tháng trước đấy mà bây giờ theo như ông nói, Hà Nội đã bội ước. Thế mà làm sao nhà báo James Reston lại viết trên tờ New York Times trái ngược lại. "Không thấy Kissinger nói gì công khai về vụ thả bom Bắc Việt cả, một hành động mà không hồ nghi gì là chính ông ta đã phản đối". Nixon phẫn nộ, chỉ thị Haldeman tìm hiểu xem "Henry làm cái trò gì vậy" (find out what the hell Henry s doing").

    Khi Haldeman hỏi, Kissinger đã chối phắt là ông đã chẳng nói với "bất cứ ai" về vụ thả bom. Ông quả quyết: "Tôi không cho ông Reston cuộc phỏng vấn nào cả. Sau đó Haldeman cho điều tra kỹ lưỡng và thấy rõ ràng là Kissinger đã nói chuyện với Reston. Quay lại cật vấn ông ta, Haldeman hỏi: "Ông nói với chúng tôi là ông đã không cho Reston cuộc phỏng vấn nào cả thế mà thực sự ông đã nói hết với ông này!"
    "Đúng, nhưng đó chỉ là qua điện thoại", - Kissinger trả lời.

    Haldeman bình luận:
    "Vâng, chỉ qua điện thoại thôi (chứ đâu có gặp mà phỏng vấn).
    "Bất cứ học giả nào muốn xem nhà ngoại giao Henry giỏi đến thế nào thì nên phỏng vấn tất cả những người đã làm việc với ông ta tại Toà Bạch Ôc" (19).
    Cứ xem cách ông chơi chữ trong các văn bản, cách đối đáp, biện luận, từ những cuộc thương thuyết tới hồi ký hay họp báo, ta cũng thấy rõ cái tài năng này. Sau đây là vài thí dụ. Như sẽ thuật lại trong Chương 11, về cuộc họp báo của Kissinger sau Hiệp định Paris:

    Hỏi: Có nghị định thư nào (protocols) đã được thoả thuận (với Miền Nam) không?
    Đáp: Không có sự thông cảm (understanding) bí mật nào hết.
    Đúng, Kissinger chỉ chối đi là không có sự thông cảm, hiểu ngầm nào chứ đâu có chối là không có nghị định thư?

    Câu chuyện khác. Có lần Tổng trưởng quốc phòng Melvin Laird (người điều khiển chương trình "Việt nam hoá" thời Nixon) khi được chúng tôi hỏi về chuyện ông không biết gì đến những mật thư của Tổng thống Nixon gửi Tổng thống Thiệu, ông Laird trả lời: "Có lần tôi hỏi ông Kissinger tại sao không đưa cho tôi xem mấy lá thư đó, thì ông ta trả lời "Ồ, đó chỉ là một vụ qua lại giữa Tướng Haig và Tổng thống Thiệu". Tướng Haig có lui tới Dinh Độc lập để trao đổi qua lại với ông Thiệu, nhưng thực ra ông chỉ là người đưa những bức thư do Kissinger thảo cho Nixon mà thôi.

    Rồi đây tôi nhớ tới câu chuyện tiếu lâm mà ta đều đã nghe lúc còn nhỏ, về cậu bé láu lỉnh. Có cậu học trò đánh rắm trong lớp học. Thày đồ hỏi:
    - Chi kêu đó bay?
    - Lạy thày cóc kêu.
    - Cóc kêu sao thối?
    - Lạy thày cóc chết,
    - Cóc chết sao kêu?
    - Lạy thày hai con".

    Một biệt tài khác của Kissinger có tính cách quyến rũ: đó là luôn luôn nói với đối tác của mình trong các cuộc thương lượng rằng chỉ mình ông mới là người đứng về phía họ. Tổng thống Thiệu cũng như Ngoại trưởng Trần văn Lắm thường hay nói chuyện về điểm này. Ở Paris, theo Đại sứ Phạm Đăng Lâm, Kissinger lúc nào cũng muốn chứng tỏ ông là người ủng hộ VNCH mạnh nhất trong Chính phủ Nixon. Ký giả Matti Golan trong cuốn "The Secret Conversations of Henry Kissinger" (Những đối thoại bí mật của Henry Kissinger) còn nhớ như in rất rõ về đặc tính quyến rũ này của Kissinger trong một lần cuộc thương thuyết với Do Thái và các nước trong khối Ả Rập. Ông luôn nói với lãnh đạo Do Thái rằng chỉ có ông mới là Đồng minh, là bạn của họ ở Washington (20).

    Đơn thương độc mã
    Khi ra tranh cử, Nixon hứa là sẽ giải quyết chiến tranh Việt nam trong danh dự. Kissinger biết bản tính của ông Nixon cũng rất là thực tế "realpolitik", đặt nặng quyền lợi chứ không phải là luân lý, ý thức hệ, hay đạo đức. Bởi vậy ông bám chặt vào đó để thuyết phục Nixon cho ông làm sao thì làm, miễn có kết quả là được. Nixon đồng ý. Và trên thực tế đã trao toàn quyền giải quyết chiến tranh Việt nam cho ông.

    Trong cuốn sách nổi tiếng "A World Restored" (Một thế giới được phục hồi), một tập nghiên cứu về Metternich lúc còn ở Harvard, Kissinger có viết: "Chính khách phải hành động như thể là trực giác của mình đã là kinh nghiệm, như thể là khát vọng của mình đã là chân lý rồi" (21). Metternich là một Hoàng tử người Áo, đã cùng với Lord Castlereagh (Ngoại trưởng Anh) giúp sắp xếp lại trật tự ở Âu châu (Hội nghị Vienna (1814-1815) sau khi Napoleon bại trận ở Nga vào mùa đông 1812. Hai người này, đã không ngần ngại dùng mọi đòn phép và làm mọi việc trong vòng bí mật để tới được mục đích. Tôi nghĩ lập luận như thế này thì không ổn. Trong thời hiện đại, nếu những chính trị gia của các cường quốc, nắm quyền hành trong tay, mà lại quá tự kiêu, làm mọi việc trong vòng bí mật, và nghĩ rằng "những khát vọng của mình đã là chân lý rồi" thì thật là nguy hiểm cho thế giới!

    Đơn thương độc mã là bản tính của Kissinger và ông rất tự hào về điểm đó. Trong một cuộc phỏng vấn với nữ ký giả người Ý, bà Oriana Fallaci, ông giải thích rằng sở dĩ ông có sức mạnh là nhờ ở lối hành động một mình: "Điểm chính là lúc nào tôi cũng hành động một mình. Người Mỹ thích cái đó vô cùng. Người Mỹ thích hình ảnh một gã chăn bò dẫn đầu một toán di dân, một mình trên lưng ngựa, đi đầu, thủng thẳng tiến vào một tỉnh lỵ, một thị xã; chỉ mình với ngựa thôi, không có gì khác. Có thể là không có cả súng nữa, là vì gã ta không cần bắn. Gã chỉ hành động bằng cách là ở đúng chỗ, vào đúng lúc, thế thôi. Nói gọn hơn, gã là một cao bồi (Westem)"(22).

    Chắc ông muốn nói tới cuốn phim "High Noon", có chú cao bồi cỡi ngựa, lững thững đi một mình vào giữa phố mà ai cũng hãi sợ. Giờ đây, ông muốn một mình một ngựa để đưa Hoa kỳ ra khỏi Việt nam. Chướng ngại vật đối với ông là bộ Ngoại giao. Vì vậy, không biết ông thuyết phục thế nào mà Nixon đã gạt phắt Ngoại trưởng William Rogers ra ngoài. Trong cuốn hồi ký "Những năm biến động" (Years of Upheaval), Kissinger viết: "Tổng thống Nixon đòi hỏi là tất cả những sáng kiến ngoại giao quan trọng đều phải phát xuất từ Bạch Ốc; ông ta đã loại trừ bộ Ngoại giao và Ngoại trưởng, ông William P. Rogers ra khỏi những quyết định chủ chốt một cách liên tục và đôi khi còn có lính cách hạ nhục" (23).

    Đẩy được bộ Ngoại giao ra là hết bị vướng víu về bàn cãi, bất đồng ý kiến, thủ tục rườm rà, quan liêu. Từ đó, Kissinger lại có thể sắp xếp mọi chuyện. Đây là một cung cách thật lạ lùng! Nó rất "un-american", không Mỹ chút nào. Ở trong một nền dân chủ, tính chất "minh bạch" (transparency) là điều cẩn thiết. Cái gì không trong sáng thì không thể kéo dài được lâu. không có tính cách bền vững (sustainabihty). Ngoài ra, chính sách hay lập trường đều đòi hỏi phải có "consensus", sự đồng thuận của số đông. Muốn vậy, phải ngồi lại bàn bạc. Ba cái đầu phải to hơn một cái. Từ quản trị một công ty tới một hội, một nhà thờ, một trường tiểu học, bao giờ cũng có những buổi mít tinh để bàn cãi, bỏ phiếu, lấy quyết định.

    Làm sao một chuyện đại sự quốc gia, có tới bốn Tổng thống Mỹ dính vào mà Kissinger lại đòi giải quyết một mình? Ấy thế mà Nixon đã khoán trắng Miền Nam cho ông. Ông Jun Tsunoda, Cố vấn cho bộ Ngoại giao Nhật cũng đã phải phàn nàn: "Công tác ngoại giao trong một thế giới phức tạp như ngày nay là một công việc quá lớn lao để giao cho một người tự mình hành động" (24).

    Ba tháng sau khi nhậm chức, Tổng thống Nixon cho Kissinger sang Moscow tranh thủ sự giúp đỡ của Nga Sô để lập thêm một ngả thương thuyết riêng biệt, tách rời khỏi Hoà đàm Paris. Kissinger gặp Ngoại trưởng Nga Gromyko và trao cho ông ta một thông điệp (25):
    "Tổng thống (Nixon) sẵn sàng thăm dò những con đường khác ngoài khung cảnh đàm phán hiện tại. Điều đáng mong muốn là những người thương thuyết phía Hoa kỳ và Bắc Việt có thể gặp nhau tách biệt ra khỏi khuôn khổ hoà đàm Paris để bàn về những nguyên tắc tổng quát cho một giải pháp.

    "Nếu những người thương thuyết đặc biệt của hai bên Hoa kỳ và Việt nam dân chủ cộng hoà có thể đi tới một Hiệp định trên nguyên tắc, thì vấn đề đàm phán cuối cùng về kỹ thuật sẽ được trao lại cho hoà đàm Paris". Ký tắt RN (Richard Nixon).
    Dĩ nhiên là Gromyko vui lòng giúp, và Kissinger đã thành công trong việc lập ra một hoà đàm sau hậu trường, do chính ông điều khiển.

    Ngày 23 tháng Bảy 1969, nhân dịp phi thuyền Apollo của Mỹ vừa thành công lên cung trăng và sắp đáp xuống Thái Bình Dương, Tổng thống Nixon bay sang Guam để mừng và bắt đầu chuyến công du Á châu gồm Phillippines, Indonesia, Thái Lan, Nam Việt nam, India, Pakistan, Romania, và Anh Quốc. Nixon thuật lại: "Chuyến đi đã cho một cơ hội hoàn toàn nguỵ trang cho Kissinger gặp gỡ với phía Bắc Việt. Kissinger được sắp xếp cho đi Paris bề ngoài là để trình bày cho quan chức Pháp kết quả chuyến đi của tôi, nhưng đang khi đó ông ta sẽ gặp ông Xuân Thuỷ" (26). Ông Xuân Thuỷ là đại diện của Bắc Việt tại Hoà đàm Paris.
    Được biết về chuyến đi này, Tổng thống Thiệu có mời Nixon ghé thăm Sài gòn để làm một cử chỉ ủng hộ Việt nam cộng hoà. Dường như để đền đáp công ơn của ông Thiệu trong kỳ bầu cử, Tổng thống Nixon đã quyết định vào giờ chót là sẽ viếng thăm dinh Độc Lập với Kissinger tháp tùng. Trong phiên họp làm việc, "Ông Nixon chỉ nói tới những khó khăn trong nước mà ông đang gặp phải", ông Thiệu kể lại. "Ông yêu cầu tôi tiếp tay và nói: "Hãy giúp chúng tôi để chúng tôi giúp các ông" và tôi đáp: "Chúng tôi sẽ giúp ông để ông giúp chúng tôi". Tuy nhiên, Nixon vẫn khẳng định lại lập trường rút quân trên căn bản song phương: cả quân đội Hoa kỳ lẫn quân đội Bắc Việt đều rút, và lịch trình rút quân còn tuỳ vào khả năng tự vệ cũng như mức độ viện trợ quân sự và kinh tế cho Miền Nam.

    Sau khi nâng ly sâm banh chúc tụng cho Việt nam cộng hoà, các động cơ trực thăng bắt đầu nổ, cánh quạt quay ầm ầm mỗi lúc một nhanh, như để khẳng định lại một lần nữa sức mạnh và sự hiện diện của Hoa kỳ tại Miền Nam. Ông Thiệu tới đưa Tổng thống Nixon và ông Kissinger ra bãi phi cơ đậu trên cỏ trước dinh Độc Lập. Mỉm một nụ cười, ông giơ tay vẫy chào tạm biệt lúc chiếc trực thăng của Tổng thống Hoa kỳ bốc thẳng bay nhanh về hướng Bắc, lướt qua những mái nhà đỏ của thành phố. Ngày hôm đó, 30 tháng Bảy 1969, Nixon đã không hề tiết lộ cho ông Thiệu biết rằng ngay sau khi từ biệt, Kissinger đã trực chỉ qua Paris gặp gỡ phái đoàn Bắc Việt.

    Và từ giờ phút đó cho tới 10 giờ sáng ngày 30-4 tức là trong gần hai phần ba thời gian của Đệ nhị Cộng hoà, Kissinger đã một mình thao túng chính sách Hoa kỳ về Việt nam. Trong cương vị đó, ông đã có những hành động gian dối với Đồng minh, dấu giếm Quốc hội và nhân dân Hoa kỳ, như được chứng minh trong cuốn sách này.

    Gần đây (năm 2001), một nhà báo, ông Christopher Hitchens, đã viết cuốn sách tựa đề "Xét xử Henry Kissinger (The Trial of Henry Kissinger) đem ra đầy đủ bằng chứng dựa trên những tài liệu mới được giải mật, về những sự lạm dụng quyền hành, và những hành động thiếu lương tâm mà Kissinger đã hành xử đối với các nước Đồng minh, ngoài các nước Đông Dương, còn có Chile, Bangladesh, Santiago, Nicosia và East Timor (27).
    Đối với Miền Nam, có thể là ông đã hối hận phần nào, nên năm năm sau ngày Miền Nam sụp đổ, vào đầu năm 1980, ông có viết một thư riêng cho Tổng thống Thiệu (xem cuối chương II và Phụ lục E): "Tôi không trông đợi sẽ thuyết phục được Ngài. Ít nhất tôi có thể cố gắng xin Ngài tin tưởng ở lòng hối hận và kính trọng vẫn còn của tôi".

    Chú thích
    (1) Marvin Kalb and Bernard Kalb, Kissinger, trang 42.
    (2) Marvin Kalb and Bernard Kalb, Kissinger, trang 42-46.
    (3) Marvin Kalb and Bernard Kalb, Kissinger, trang 49.
    (4) Richard Nixon, Memoiry, trang 340; về cuốn Nuclear Weapons and Foreign Policy, nên đọc thêm: Warren G. Nutter, Kissinger Grand Design, trang 43-48.
    (5) Anna Chennault, do Seymour Hersh trích dẫn trong The price of power, trang 22.
    (6) Richard Nixon, Memoiry, trang 324.
    (7) Seymour Hersh, trích dẫn trong The price of power, trang 20.
    (8) Seymor Hersh, trích dẫn trong The price of power, trang 13.
    (9) Richard Nixon, Memoiry, xem Hersh, trích dẫn trong The price of power, trang 24.
    (10) Henry Kissinger, The White House years, trang 437.
    (11) Marvin Kalb and Bernard Kalb, trang 86.
    (12) Marvin Kalb and Bernard Kalb, trang 29. 25-26
    (13) Richard Nixon, Memoiry, trang 340.
    (14) Marvin Kalb and Bernard Kalb, Kissinger, trang 29.
    (15) Seymour Hersh, trích dẫn trong The price of power, trang 21
    (16) Seymour Hersh, trích dẫn trong The price of power, trang 14.
    (17) Seymour Hersh, trích dẫn trong The price of power, trang 35.
    (18). Seymour Hersh, trích dẫn trong The price of power, trang 481.
    (19) H.R. Haldeman, The End of power, trang 143.
    (20) Matti Golan, The Secret Conversations of Henry Kissinger
    (21) Henry Kissinger, A World Restored, trang 329.
    (22) Oriana Fallaci, Interview With History, trang 40-41.
    (23) Henry Kissinger, A World Restored, trang 414.
    (24) TIME (Magazine), "The Dilfìculty of being Henry Kissinger" (The Nation), 21 tháng 4, 1975.
    (25) Richard Nixon, Memoiry, trang 391.
    (26) Richard Nixon, Memoiry, trang 394.
    (27) Bạn đọc có thể vào Internet/google để tìm đọc về cuốn này.

    hết: P1 - Chương 2, xem tiếp: P1 - Chương 3

    Comment


    • #3
      Khi Đồng Minh THÁO CHẠY

      Nguyễn Tiến Hưng-Khi đồng minh tháo chạy
      P1 - Chương 3

      Củ cà rốt và cái gậy

      Một chiếc máy bay hao hao giống loại Jetstar của Lockheed cất cánh từ phi trường Rhein-Main gần Frankfurt bên Đức. Chỉ vài phút sau, nó đã biến mất. Trên thật cao, anh phi công hướng về phía sông Seine, với tốc độ tối đa. Chẳng mấy lúc đã thấy Paris nằm ngay dưới. Máy bay giảm cao độ, đáp xuống Villacoublay, một phi trường nằm thoai thoải khoảng chín dậm phía tây nam. Hạ cánh rồi, phi công không lái thẳng vào ga, lại từ từ tiến về một địa điểm thật xa, ở mãi góc phi trường. Tới chỗ đậu, một chiếc Citroen DS-21 màu đen áp vào, vội bốc khách, rồi phóng đi thật nhanh. Trên đường, máy phát sóng từ trong xe gửi mật mã cho "Quarterback". Điệp viên 007 đi công tác?

      Không, Kissinger đi mật đàm. Tới nơi, ông đã báo cáo thẳng về cho Tổng thống Nixon, mật hiệu "Người tiền vệ". Sáng sớm chủ nhật, lúc mọi người ở thủ đô Hoa kỳ còn an giấc, Kissinger đã tới phi trường quân sự Andrews cách đó không xa. Ông bước nhanh lên một chiếc C-135 không mang số, không bảng hiệu, rồi ngả lưng nghỉ ngơi. Chỉ sáu giờ sau là đã tới Rhein-main rồi. Đây là một phi trường quân sự, được canh gác cẩn mật, cũng giống như Villacoublay. Chiếc Citroen chở ông về Choisy-le-Roi, một khu trung lưu ngoại thành Paris. Lần vào một biệt thự nhỏ màu trắng, kín cổng, cao tường, hoàn toàn yên lặng. Sau vài giờ, ông lại đi xe khác tới một biệt thự rộng lớn hơn. Đó là nhà của phái đoàn Bắc Việt, cùng khu Choisy-le-Roi.

      Họp xong, Kissinger bay ngược lại theo đúng tuyến cũ. Và từ lúc ông rời Washington tới khi trở về, chỉ khoảng 27 giờ. Người tài xế thân tín chở ông thẳng tới văn phòng làm việc. Nhân viên toà Bạch Ốc hay toà đại sứ Mỹ ở Paris chẳng ai hay biết gì (1).

      Gần hai năm rưỡi sau, mọi người mới chưng hửng: từ tháng Tám 1969, Kissinger đã họp kín với phía Bắc Việt tại Paris mười hai lần rồi! Lại một chuyện bất ngờ thứ hai về ngoại giao. Bất ngờ đầu tiên được tiết lộ (vào tháng Bảy 1971) là Kissinger đã bí mật đi Bắc Kinh nhiều lần, dàn xếp mọi chuyện, dẫn đến chuyến viếng thăm của Nixon sang Trung Quốc. Chuyến đi được ấn định vào ngày 21 tới 28, tháng Hai. Báo chí liền gọi Kissinger là James Bong, và ông rất thích. Để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm, ngày 25 tháng Giêng 1972, Tổng thống Nixon đã lên truyền hình tiết lộ những cuộc họp của Kissinger ở Paris, và đồng thời đọc bài diễn văn quan trọng, công bố một giải pháp hoà bình toàn diện về Việt nam.

      Trước hôm đó, Đại sứ Bunker đã đến dinh Độc Lập trao cho Tổng thống Thiệu một bản sao bài diễn văn của Tổng thống Nixon, yêu cầu ông tán thành và bình luận. Theo ông Hoàng Đức Nhã, bí thư Tổng thống Thiệu, đây là lần đầu tiên phía Việt nam cộng hoà được biết chi tiết những buổi họp kín giữa Kissinger với Bắc Việt, và biết được các kế hoạch của Nixon (2).

      Làm thế nào để tháo gỡ?
      Để giải quyết chiến tranh Việt nam, Mỹ muốn áp dụng giải pháp song hành" (two track approach). Một mặt thì đàm phán với Bắc Việt về giải pháp quân sự (chủ đề chính là rút quân), và mặt kia, để cho hai bên Sài gòn và Hà Nội thương thuyết với nhau một giải pháp chính trị. Về đàm phán: cứ cho Hoà đàm Paris múa may bên ngoài, bên trong đã có Kissinger dàn xếp bí mật. Đến khi nào có kết quả mới công bố. Như vậy, nó sẽ huy hoàng, rực rỡ biết bao.

      Từ khi hay tin ông Nixon đi Bắc Kinh, ông Thiệu hết sức e ngại. Ông biết rằng Mỹ vào Miền Nam Việt nam là để ngăn chặn làn sóng đó từ Trung Cộng lan tràn tới các nước khác". Đó là theo học thuyết "Domino" từ thời Eisenhower: "Nếu để Miền Nam sụp đổ thì những quốc gia khác tại Đông Nam Á cũng đổ theo như những con bài domino" (3). Bây giờ Nixon sắp đi Bắc Kinh bắt tay với Mao Trạch Đông thì liệu Miền Nam có còn là "tiền đồn của Thế giới Tự Do" nữa không? Ông Thiệu thông báo sự lo ngại của Việt nam cộng hoà cho phía Mỹ. Và Tổng thống Nixon đã trấn an ngay.

      White House
      Ngày 31 tháng 12, 1971
      Thưa Tổng thống,
      "Vào lúc tôi đang chuẩn bị cho chuyến đi Bắc Kinh để gặp và nói chuyện với lãnh đạo nước Cộng hoà Nhân Dân Trung Quốc, tôi muốn chia sẻ với Ngài những tư tướng của tôi về các cuộc đàm đạo tại đó.

      "Ngài có thể chắc chắn tuyệt đối rằng tôi sẽ không đi tới một thoả thuận nào tại Bắc Kinh nếu nó phương hại tời các quốc gia khác, hoặc về những vấn đề có liên hệ tới các nước khác…

      "Ngài có thể tiếp tục tin cậy vào sự yểm trợ của Hoa kỳ trong những nỗ lực của Ngài hầu đem lạ hoà bình cho Việt nam và xây dựng nền thịnh vượng mới cho nhân dân Việt nam.
      Trân trọng.
      (ký) Richard Nixon

      Để độc giả, đặc biệt là thế hệ trẻ biết xem trong văn bản gốc bằng tiếng Anh, Tổng thống Hoa kỳ đã viết như thế nào, tôi trích đăng nguyên văn một số phần đoạn quan trọng trong những thư chọn lọc sau dây (toàn bộ 35 văn bản được in trong Phụ Lục A).
      Muốn cho cho chắc chắn hơn, ông Thiệu lại gửi ông Nixon một bức thư nữa bày tỏ thiện chí sẵn sàng hợp tác với Hoa kỳ để tìm giải pháp cho hoà bình, kể cả việc ông bằng lòng từ chức, nhưng kêu gọi Hoa kỳ đừng nhượng bộ gì nữa (ở Bắc Kinh) về vấn đề "rút quân".
      The White House
      Washington
      December 31 1971
      Dear Mr. Preddent
      As I prepare for my forthcoming trip to Peking to meet and talk with the leaders of the Peoplele s Republìc of China.
      I would like to share with you some thoughts concerning the conversations I expect to have there.

      You may be absolutely certain that I will make no agreements in Peking at the expense of other countries or on matters which concern other countries. You should also know that the treaty commitments which the United States has eestablished with other counries will noi be aaffected by my visit to Peking

      Please accept my best wishes for the continued succeee of your economic and military programs as you embark on your second term in office. You can continue to rely on the assistance of the United States effort to bring peace to Vietnam and to build a new prosperity for the Vietnamese people
      Sincerely,
      Richard Nixon

      Rút quân: từ song phương đổi sang đơn phương.
      Vấn đề rút quân song phương ra khỏi Miền Nam: cả quân đội Hoa kỳ lẫn Bắc Việt, là vấn đề quan trọng nhất đối với Việt nam cộng hoà và là vấn đề chính yếu tại Hoà đàm Paris, như đã được phân tích trong cuốn "Hồ sơ mật Dinh Độc Lập (4). Sau đây là tóm tắt những bước chính của tiến trình thương thuyết về điểm này (5).

      Thời Tổng thống Johnson, điều kiện rút quân mà Mỹ mang ra rất cứng rắn: cả hai bên (Mỹ và Bắc Việt) đều rút; và quân đội Bắc Việt rút sáu tháng trước khi Hoa kỳ bắt đầu rút;
      Từ lập trường đó, khi Nixon mới lên Tổng thống, Mỹ xuống thang chút đỉnh: hai bên đều cùng rút đi một lúc; dành quyền tự quyết cho nhân dân Miền Nam.

      Sau cùng, khi mật đàm kết thúc:
      - Quân đội Mỹ rút đi hết;
      - Và rút đi trong vòng 60 ngày;
      - Quân đội Bắc Việt tiếp tục ở lại Miền Nam.

      Đó là kết quả mật đàm của Henry Kissinger trên ba năm trời với cái giá phải trả là thêm 15.000 mạng người Mỹ, 62 tỷ đô la, và hàng trăm ngàn mạng sống người Việt nam, cùng với bao nhiêu tàn phá.
      Lập trường vững chắc của Hoa kỳ và Việt nam cộng hoà khởi thuỷ được Nixon tuyên bố lúc Hoà đàm Paris chính thức bắt đầu. Ngày 14 tháng Năm 1969, Nixon lên truyền hình giải thích:

      "Chúng tôi đã gạt bỏ ra ngoài hoặc là việc rút lui khỏi Việt nam một cách đơn phương, hoặc việc chấp nhận tại (Hoà đàm) Paris bất cứ một giải pháp. nào có tính cách như một thất bại nguỵ trang…"

      "Và đó là phác hoạ về một giải pháp mà chúng tôi muốn đàm phán ở Paris. Nguyên tắc căn bản của nó rất là đơn giản: triệt thoái song phương bất cứ quân đội nào không phải là quân đội Miền Nam ra khỏi

      Miền Nam Việt nam và dành quyền tự quyết cho nhân dân Miền Nam"(6).
      Rồi ông còn đưa ra một thời biểu rút quân. Giai đoạn đầu là 12 tháng, tới giai đoạn cuối cùng thì "Quân đội Hoa kỳ và Đồng minh (Đại Hàn, Úc) sẽ đi tới kết thúc việc rút quân khi số quân đội Bắc Việt còn lại được rút đi và trở về Miền Bắc" (7).

      Lập trường là như vậy, và trước khi đi Bắc Kinh, Nixon còn hứa hẹn như trong thư trích dẫn trên đây: "Ngài có thể chắc chắn tuyệt đối rằng tôi sẽ không đi tới một thoả thuận nào tại Bắc Kinh nếu nó có phương hại tới các quốc gia khác? Thế nhưng, theo chính Nixon viết lại, trong những ngày viếng thăm Trung Quốc từ 21 tới 28 tháng 2, 1972, ông đã nói với Chu Ân Lai: "Giả sử như tôi có thể ngồi đối diện với bất cứ ai là người lãnh đạo Bắc Việt, và giá như hai bên có thể thương thuyết một cuộc ngưng bắn và trả lại tù binh cho chúng tôi, thì tất cả quân đội Mỹ sẽ được triệt thoái khỏi Việt nam trong vòng sáu tháng kể từ ngày đó (8).

      Như vậy, Nixon đã tiết lộ rõ ràng là Hoa kỳ muốn rút quân khỏi Việt nam để chỉ đổi lấy việc thả tù binh và một cuộc ngưng bắn.

      Theo các tài liệu thương thuyết mới được giải mật thì ngay từ 1971, trước cả khi Nixon đi Trung Quốc, trong cuộc họp với Chu Ân Lai ngày 9 tháng 7, Kissinger cũng đã tiết lộ với ông Chu rằng Hoa kỳ sẽ đơn phương rút khỏi Miền Nam (9).
      Đi sau lưng thì như vậy mà vừa từ Bắc Kinh trở về Washington, ông Nixon lại tiếp tục trấn an ông Thiệu:

      White House
      Ngày năm tháng Ba, 1972
      Thưa Tổng thống,
      "Xin Ngài yên tâm rằng tôi sẽ làm mọi việc
      trong quyền hạn của tôi để cho những hy sinh to lớn của hai dân tộc Việt và Mỹ sẽ không thành vô ích… "
      "Chúng tôi đã không thương lượng điều gì đàng sau lưng những người bạn của Hoa kỳ; và đã không có sự đổi chác bí mật nào hết"
      Trân trọng.
      (ký) Richard Nixon

      Thế nhưng, tại mật đàm Paris, từng bước một, Hoa kỳ đã đi tới chỗ nhượng bộ hoàn toàn: chỉ có Mỹ phải rút hết quân, và rút trong 60 ngày. Bình luận về điểm này, ông Thiệu nói với ký giả của một tạp chí Đức Der Spiegel vào cuối năm 1979:
      Điều mà Kissinger và Chính phủ Hoa kỳ hồi đó thực sự muốn là rút lui càng mau càng tốt và mang được tù binh của Mỹ về. Họ chỉ muốn phủi tay cho xong mọi chuyện rồi ù té chạy.

      Tuy nhiên, trong lúc phủi tay như thế, họ lại không muốn bị nhân dân Việt nam và thế giới buộc tội là đã bỏ rơi chúng tôi. Đó là tình trạng khó xử của họ"(10).
      Vào thời điểm đó, Bắc Việt đã mang thêm được một số quân lớn vào Miền Nam (từ cuộc tấn công mùa Xuân năm 1972). Cho nên tới khi kết thúc đàm phán, sự có mặt của quân đội Bắc Việt tại Miền Nam rất là hùng hậu. Tướng Charles Timmes, tư lệnh đầu tiên của "Bộ tư lệnh viện trợ quân sự cho Việt nam" (Military Assistance Command, Vietnam hay MACV), và là người theo rõi tình hình cả quân sự lẫn chính trị tại Miền Nam cho tới giờ phút chót, đã ước tính cán cân lực lượng hai bên vào lúc ký kết Hiệp định Paris. Ông cho biết: số quân đội chủ lực của Bắc Việt tại Miền Nam đã lên tới 176.000, chưa kể các đơn vị phòng không. Số này được đồn trú như sau(11):

      Quân Khu (QK) I: có bốn Sư đoàn: 304, 324-B, 2, 711; và khoảng 6 Trung đoàn biệt lập;
      QK II: ba Sư đoàn: F-10, 320, 3, và ba Trung đoàn biệt lập;
      QK III: ba Sư đoàn: 5, 7, 9 và khoảng sáu Trung đoàn biệt lập;~
      QK IV: Sư đoàn 1, và chín trung đoàn của MTGPMN.
      Đối diện với số này, quân lực Việt nam cộng hoà tuy rất đông, những 1 triệu 200 ngàn, nhưng số quân tác chiến lại thực sự chỉ có khoảng 200.000, tức là một phần sáu của tổng số. Còn lại chỉ là địa phương quân, nghĩa quân, và những đơn vị tiếp vận, yểm trợ. Quân đội chiến đấu được rải ra như sau:

      QK I: Sư đoàn Dù, Thuỷ quân lục chiến, các Sư đoàn 1 2, 3, Lữ đoàn Thiết Giáp 1, và 6 Tiểu đoàn Biệt Động Quân;
      QK II: các Sư đoàn 22, 23, Lữ đoàn Thiết Giáp 2, và 18 Tiểu đoàn Biệt Động Quân;
      QK III: các Sư đoàn 5, 18, 25, Lữ đoàn Thiết Giáp 3, và chín Tiểu đoàn Biệt Động Quân;
      QK IV: các Sư đoàn 7, 9, 21, Lữ đoàn Thiết Giáp 4, và 12 Tiểu đoàn Biệt Động Quân.
      Về số quân chủ lực thì coi như ngang nhau nhưng quân đội Bắc Việt có hai cái lợi: thứ nhất là đóng rải rác khắp nơi như những đốm da beo, đòi hỏi quân lực Việt nam cộng hoà phải dàn mỏng ra khắp lãnh thổ có một biên giới gần 700 dậm (1100 cây số) để tự vệ ; thứ hai là họ có thể chủ động trong việc chọn địa điểm và thời điểm để tập trung tấn công.
      Và như vậy, khả năng tồn tại của Việt nam cộng hoà là rất mong manh…

      Phải có một Hiệp định
      Nhiều người đặt câu hỏi: nếu Mỹ quyết định rút quân thì cứ từ từ mà rút, lại sao lại nhất định phải có một Hiệp định? Đây là một câu hỏi quan trọng, vì nếu Mỹ cứ công khai, đơn phương mà rút thì Miền Nam còn có cơ may hơn. Đó là vì hai điểm. Thứ nhất, nếu không ký một Hiệp định thì có nghĩa là Mỹ không chính thức công nhận sự tiếp tục đóng quân của Bắc Việt tại Miền Nam (còn với Hiệp định thì chính Mỹ đã công nhận rồi); và nếu không công nhận thì khi xung đột xảy ra, Miền Nam cũng không bị Quốc hội Mỹ cho là "hiếu chiến" (12); thứ hai, khi quân đội Mỹ đơn phương rút (mà không có Hiệp định) thì nhân dân Hoa kỳ ít nhất cũng sẽ nhận thức rằng Mỹ đã tự mình cuốn gói ra đi. Và vì vậy, để đền bù lại, có thể là Quốc hội vẫn còn tiếp tục viện trợ, tuy chỉ là trong một thời gian nhất định (13). Sau bao nhiêu cuộc chiến, khi kết thúc, Mỹ đã tiếp tục giúp các nước khác xây dựng lại những đổ vỡ như ở Âu châu, Nhật Bản, Nam Triều Tiên. Với khả năng này, Việt nam cộng hoà có thể có những dữ kiện chắc chắn cho kế hoạch tái thiết kinh tế cũng như quốc phòng, và đã không phải chờ đợi trong cái thế viện trợ bất ổn, nhỏ giọt như đã xảy ra (xem Chương 9).
      Thế nhưng Mỹ muốn phải có một Hiệp định đình chiến, và do cả bốn bên (Bắc Việt, Nam Việt, Mặt trận giải phóng, và Mỹ) đều cùng ký vào. Có ba cái lợi: thứ nhất, Hiệp định giúp cho việc Mỹ rút quân khỏi Miền Nam được danh chính ngôn thuận trước công luận quốc tế: chính Việt nam Cộng

      Hoà ký vào Hiệp định, như vậy là đồng ý cho Mỹ rút đi, chứ không phải là Mỹ tự ý rút và bỏ rơi Đồng minh; thứ hai:Nixon-Kissinger có thể tuyên bố đã giữ lời hứa là mang lại cho Miền Nam cả hoà bình lẫn danh dự (chiến tranh đã ngưng rồi và Chính phủ VNCH vẫn còn nguyên, không bị truất phế); và thứ ba, Hiệp định giúp Mỹ mang được tù binh về. Trước đó, có lần Nixon đã cho trực thăng đổ bộ vào tận trại giam ở Sơn Tây để cứu tù binh mà cũng hoàn toàn thất bại.

      Tại sao không có một Hiệp định Geneve thứ hai?
      Câu hỏi thứ hai nhiều người đặt ra là vì sao, thay vì chấp nhận cho quân đội Bắc Việt ở lại, Mỹ không ký một Hiệp định chia đôi Miền Nam như Hiệp định Genève hồi 1954? Ít nhất, Miền Nam còn có một biên giới rõ ràng, vẫn hơn là "giải pháp da beo" (gọi như vậy vì quân đội Bắc Việt đóng rải rắc khắp nơi như những đốm khoang trên da beo). Nếu chia đôi một lần nữa, biên giới Miền Nam sẽ nhỏ hẹp hơn nhiều, một phần lớn đã có bờ biển bao bọc nên vấn đề biên phòng tương đối dễ dàng hơn là giữ một biên giới dài gần 700 dậm (1.100 cây số)

      Trả lời câu này cũng dễ. Có lần chúng tôi hỏi một tướng lãnh Hoa kỳ (nay đã về hưu) tại sao như vậy? Không cần suy nghĩ, ông ta trả lời ngay: "Ấy chết, Mỹ vào thì có bốn Quân Khu, chiến đấu 10 năm với trên nửa triệu quân, lúc ra đi lại chỉ còn có hai Quân Khu hay sao?" Chẳng lẽ giống như Pháp hồi 1954, sau khi bại trận ở Điện Biên Phủ? Ông cho rằng Mỹ sẽ mất mặt nếu phải đi tới giải pháp chia đôi lãnh thổ Miền Nam một lần nữa.
      Để có một Hiệp định: Điều đình trong gian dối.

      Thời gian qua nhanh, chẳng mấy lúc lại đã tới bầu cử Tổng thống tại Hoa kỳ. Khi ra ứng cử lần đầu (1968), ông Nixon đã hứa là sẽ giải quyết chiến tranh Việt nam một cách tốt đẹp và với danh dự (giống như lập trường ông John Kerry về chiến tranh Iraq trong kỳ bầu cử năm 2004). Nếu đến lúc vận động tái cử mà chiến tranh vẫn chưa chấm dứt thì làm sao ăn nói với nhân dân cho được?

      Vì không thành công trong việc điều đình với Bắc Việt, Nixon-Kissinger quay sang điều đình với Miền Nam, nhưng là điều đình trong gian dối.
      Ngày 17 tháng Tám, 1972, vào lúc sắp có Đại hội đảng Cộng hoà ở Miami (22 tháng Tám) để đề cử ứng viên Tổng thống, phái đoàn Kissinger tới Sài gòn thảo luận. Màn bi kịch 1968 lại tái diễn. Nhưng lần này thủ lãnh không phải là Johnson mà là Nixon; đạo diễn không phải Bunker mà là Kissinger. Đặc biệt là áp lực từ phía Nixon lại đảo ngược 180 độ: không phải khuyên ông Thiệu chống dối đàm phán mà là nên chấp nhận ngay kết quả của đàm phán.

      Không phải đừng di Paris mà phải đi Paris ngay để ký kết. Kissinger bắt đầu thuyết phục ông Thiệu với luận điệu rằng Hiệp định này rất tốt cho Miền Nam vì nó sẽ xoa dịu những chống đối chiến tranh, giúp Chính phủ Mỹ tiếp tục yểm trợ Miền Nam.

      Thế nhưng, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy sự gian dối của Kissinger, nên ông Thiệu chống đối mạnh mẽ. Đặc biệt là về việc Hoa kỳ đã thay đổi hẳn lập trường về vấn đề rút quân.
      Lại theo đường cũ, ông không chịu chấp nhận bản dự thảo Hiệp định.
      Vài ngày sau khi Đại hội Cộng hoà tái đề cử Nixon ra nhiệm kỳ hai, Nixon đã ở vào thế mạnh hơn. Ông thuyết phục ông Thiệu một cách lâm ly thống thiết:

      The White House
      Ngày 31 tháng Tám, 1972.
      Thưa Tổng thống,
      "Bước vào giai đoạn tế nhị hiện nay của cuộc thương thuyết, tôi muốn quả quyết với Ngài một lần nữa, nhân danh bản thân tôi và một cách dứt khoát về nền tảng sắt đá của lập trường Hoa kỳ: Hoa kỳ đã không kiên trì từ bao lâu nay, với sự hy sinh của bao nhiêu mạng sống người Mỹ, để thay đổi lập trường vào mấy tháng chót của năm 1972. Lúc này đây chúng tôi sẽ không làm điều gì mà ba năm rưỡi trước đây, chúng tôi đã từ chối không làm. Nhân dân Mỹ biết rằng Hoa kỳ không thể mua được hoà bình hay danh dự, hoặc chuộc lại được những hy sinh của mình với cái giá phải trả là bỏ rơi một Đồng minh dũng cảm. Điều này tôi không thể làm và sẽ không bao giờ làm…

      "Nhưng nếu ta muốn thành công trong chặng đường cuối cùng của cuộc hành trình lâu dài này, ta phải hoàn toàn tin nhiệm lẫn nhau… "
      Trân trọng
      Richard Nixon

      Tất cả những thư từ ông Nixon viết cho ông Thiệu là do Kissinger soạn thảo.
      Trong thư này, lời lẽ có vẻ tâm huyết: bỏ rơi một Đồng minh là điều mà "tôi không thể làm và sẽ không bao giờ làm". Tuy nhiên, ông Thiệu vẫn tin rằng Nixon-Kissinger chỉ muốn có chữ ký của Việt nam cộng hoà vào bản Hiệp định để Mỹ tháo lui cho đẹp. Nhằm làm sáng tỏ vấn đề, ngày 26 tháng Chín 1972, ông còn cho phía Mỹ biết rằng ông "sẽ công khai minh xác trước công luận để biện hộ quan điểm của Việt nam cộng hoà"(14).

      Không được! Ông Nixon đang ra tranh cử nhiệm kỳ hai và ngày bầu cử Tổng thống đã gần kề. Nếu có gì trục trặc về hoà bình là nguy to. Hồi 1968, chính Nixon đã xúi Sài gòn gây ra trục trặc đó để đánh bại Humphrey. Bây giờ Nixon đã có kinh nghiệm bản thân, đâu để xảy ra như vậy được. Thuyết phục mãi không thành công, cuối cùng Nixon lại dùng đến áp lực. Nhưng để cho áp lực có hiệu quả, trước hết là phải áp đảo tinh thần ông Thiệu: đảo chánh.

      White House
      Ngày sáu tháng 10, 1972
      Thưa Tổng thống,
      "Tôi yêu cầu Ngài áp dụng mọi biện pháp để tránh sinh ra sau này một tình huống có thể đưa tới những biến cố tương tự như biến cố mà chúng tôi đã ghê tởm năm 1963 và chính bản thân tôi cũng đã kịch liệt phản đối năm 1968… ".
      Trân trọng
      Richard Nixon

      Biến cố năm 1963 là đảo chánh và ám sát Tổng thống Ngô Đình Diệm. Còn biến cố 1968? Nixon đã nhắc khéo tới sự việc xảy ra sau cuộc bầu cử năm 1968 (ông Thiệu tháu cáy giúp Nixon thắng cử) làm Chính phủ Johnson phẫn nộ, định lật đổ ông trước khi Nixon nhậm chức vào tháng Giêng 1969 (xem Chương I). Hồi đó, Nixon và Kissinger nghe biết, đã cực lực phản đối và cứu được ông Thiệu. Bây giờ lại đến chính họ theo con đường này (15). Về việc cứu ông Thiệu năm 1969, sau này Kissinger còn tế nhị nhắc tới trong một bức thư ông gửi cho ông Thiệu vào đầu năm 1980: "Giá như ý định của Tổng thống Nixon và của tôi là phản bội Ngài, thì chúng tôi đã có thể làm như thế hồi đầu năm 1969 rồi" (16).
      Trở lại áp lực để ký Hiệp định Paris, ngày 21 tháng 10, 1972, hai chuyên viên trong Hội đồng an ninh quốc gia là Roger Morris và Tony La ke viết cho Kissinger một phúc trình, trong đó có nói tới các phương cách lật đổ ông Thiệu. Sau này Morris xác nhận: "Tôi bảo Tony rằng hai đứa mình phải cho Henry (Kissinger) hiểu rõ là ta sẵn sàng thanh toán Thiệu" (17).

      Đòn phép từ Toà Bạch Ốc tới Đinh Độc Lập Chiến lược của Nixon-Kissinger đối với Việt nam cộng hoà để đòi hỏi phải chấp nhận Hiệp định được gọi là "cái gậy và củ cà rốt". Như người cái trên lưng con lừa, một tay cầm cái gậy và tay kia, củ cà rốt. Nếu lừa không chịu đi, đã có cái roi; nếu ngoan ngoãn đi thẳng thì có củ cà rốt lủng lẳng trực mắt:

      White House
      Ngày 16 tháng 10, 1972
      Thưa Tổng thống,
      "Riêng đối với tôi thì điều khoản quan trọng nhất của Hiệp định, ngoài những khía cạnh quân sự của nó, là Chính phủ ngài, quân lực và những định chế chính trị của VNCH sẽ còn nguyên vẹn sau khi cuộc ngưng bắn được tôn trọng. Trong thời kỳ tiếp theo sau đình chiến, Ngài có thể hoàn toàn an tâm là chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp cho Chính phủ của Ngài sự yểm trợ đầy đủ nhất, kể cả viện trợ kinh tế và bất cứ viện trợ quân sự nào phù hợp với những điều khoản đình chiến của Hiệp định này.

      "Ý định của chúng tôi là quyết tâm tôn trọng những điều khoản trong Hiệp định và những thoả thuận ký kết với Hà Nội, và tôi biết đó cũng là thái độ của Chính phủ Ngài. Chúng tôi đòi phải có đi có lại, và đã cảnh giác cho cả họ lẫn các Đồng minh chủ chốt của họ biết rõ như thế. Tôi xin cam kết với Ngài rằng bất cứ một sự bội tín nào về phía họ cũng sẽ bị chúng tôi lên án khắt khe nhất và nó sẽ có những hậu quả trầm trọng nhất.
      Trân trọng
      Richard Nixon

      Ký thư xong, Nixon lại còn viết tay thêm:
      "Tiến sĩ Kissinger, Tướng Haig và tôi đã bàn bạc rất kỹ về đề nghị (hoà bình) này. Tôi tin chắc ràng đó là giải pháp tốt nhất chúng ta có thể đạt được, và cũng là giải pháp đáp ứng được điều kiện tuyệt đối của tôi, là Việt nam cộng hoà phải được tồn tại là một quốc gia tự do…" (ký tắt) RN.

      Độc giả lưu ý là ở đoạn này, chính Tổng thống Nixon đã gạch chân dưới chữ tuyệt đối.
      Đó là củ cà rốt trong thông điệp do chính Kissinger mang sang Sài gòn đưa cho ông Thiệu. Những cuộc tranh luận giữa hai bên tại dinh Độc Lập lúc đó đã diễn ra trong bầu không khí hết sức căng thẳng (18). Phía Việt nam cộng hoà nhất định không chấp nhận bản dự thảo Hiệp định.

      Tuy bên trong là vậy, nhưng ngày 26 tháng 10, khi về tới Washington, Kissinger vẫn họp báo và tuyên bố câu lịch sử "Hoà bình đang trong tầm tay" (peace is at hand). Washington và Sài gòn chấn động. Đây là bất ngờ về ngoại giao thứ ba của Kissinger.
      Vì khi ánh sáng của hoà bình chiếu rọi, hào quang của Nixon-Kissinger chiếu sáng theo. Không tới hai tuần sau, ngày bảy tháng 11, 1972, Nixon đã thắng cử nhiệm kỳ hai. Sự thành công của ông được người Mỹ gọi là "long trời lở đất" llld~lide). Đại đa số nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm ông: 60.7% so với 37.5% cho Mcgovern. Đây là số phiếu cử tri cao thứ nhì trong lịch sử nước Mỹ, và là số phiếu cao nhất mà một ứng cử viên Cộng hoà đã được. Từ Âu sang Á, tiếng tăm ông lừng lẫy.

      Té ra viễn tượng hoà bình Việt nam lại một lần nữa đóng góp cho sự thành công của Nixon, và đưa đồ đệ của ông lên đài danh vọng. Nhưng chiêu bài "hoà bình" đã dược vận dụng một cách trái ngược nhau trong hai lần tranh cử. Lần thứ nhất (1968) thì hoà bình ngoài tầm tay; lần thứ hai (1972): hoà bình đang trong tầm tay.

      Dù rằng Tổng thống Nixon chưa bắt đầu nhiệm kỳ hai, nhưng bầu cử xong là mọi việc cũng xong. Ngay từ lúc dọn vào toà Bạch Ốc, cả Nixon lẫn Kissinger đều muốn giải quyết vấn đề Việt nam cho dứt điểm. Muộn lắm là nội trong nhiệm kỳ đầu. Làm thế nào để còn hái được nhiều thành quả ngoại giao khác vào nhiệm kỳ hai. Nixon muốn chú trọng vào việc bang giao với Trung Cộng và Liên Xô. Kissinger thì muốn hướng về Âu châu và Trung Đông nên ông gọi 1973 là "Năm của Âu châu".

      Bầu cử ở Mỹ xong rồi, và nhiệm kỳ thứ hai của Nixon sắp bắt đầu mà tại sao ông Thiệu vẫn chưa chịu chấp nhận ký vào Hiệp định? Lý do chính là vì ông còn lo ngại về việc quân đội Bắc Việt tiếp tục ở lại. Để ông Thiệu yên tâm, ông Nixon an ủi rằng đừng có lo nữa, vì chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề này bằng cách là, thứ nhất, cố lồng vào bản Hiệp định một câu nói tới việc tôn trọng vùng phi quân sự (DMZ) và thứ hai, sẽ đề nghị thêm một khoản nói tới việc giải ngũ trên căn bản "bên này giải ngũ một, bên kia giải ngũ một", rồi cho "những người giải ngũ trở về với gia đình họ". Nghe đơn sơ là như vậy.
      White House

      Ngày 14 tháng 11, 1972
      Thưa Tổng thống,
      "Còn quan trọng hơn rất nhiều những gì chúng tôi nói trong Hiệp định về vấn đề này là những gì chúng tôi sẽ làm trong trường hợp quân địch tái diễn xâm lăng. Tôi tuyệt đối cam đoan với Ngài rằng: nếu Hà Nội không tuân theo những điều kiện của Hiệp định này, thì tôi cương quyết sẽ có hành động trả đũa mau lẹ và ác liệt
      Trân trọng
      (ký) Richard Nixon

      Thư đi, thư lại, cũng vẫn chưa xong. Mà năm 1973 lại tới, Nixon doạ nặng hơn, rằng nếu ông Thiệu cứ tiếp tục chống đối và "tách rời" khỏi lập trường của Mỹ thì có thể đi tới thảm hoạ là làm mất đi tất cả những gì chúng ta đã cùng nhau tranh đấu trong cả một thập niên qua". Và ngược lại:

      White House
      Ngày 5 tháng 1, 1973
      Thưa Tổng thống,
      Nếu Ngài quyết định, và tôi tin tưởng Ngài sẽ quyết định, tiếp tay với chúng tôi, tôi xin bảo đảm vời Ngài rằng tôi sẽ tiếp tục yểm trợ Ngài trong giai đoạn hậu chiến, và chúng tôi sẽ trả đũa bằng toàn thể sức mạnh của Hoa kỳ nếu như Bắc Việt vi phạm Hiệp định. Cho nên, một lần nữa, tôi xin kết thúc thư này bằng lời kêu gọi Ngài hãy sát cánh với chúng tôi".
      Trân trọng
      (ký) Richard Nixon

      Khi ngày đăng quang nhiệm kỳ đã gần kề, chỉ còn một tuần lễ nữa, Nixon giơ cái gậy thật to (19):
      White House
      Ngày 14-1-1973
      Thưa Tổng thống,
      "Tôi nhất quyết cho phê chuẩn bản Hiệp định vào ngày 23 tháng 1, và sẽ ký vào ngày 27 tháng 1, 1973 tại Paris. Tôi sẽ làm việc này dù phải làm một mình, trong trường hợp đó, tôi sẽ công khai tố cáo Chính phủ của Ngài làm cản trờ cho công cuộc vãn hồi hoà bình tại Việt nam.
      "
      Kết quả không tránh khỏi sẽ là việc cắt viện trợ quân sự và kinh tế ngay lập tức, mà dù có sự thay đổi về nhân sự trong Chính phủ của Ngài cũng không thể cứu vãn được…"
      Hồi tuyển cử 1968, Johnson sau cùng cũng quyết định là sẽ đơn phương đàm phán với Bắc Việt, nhưng ít nhất là ông còn mở cửa ngỏ, không khoá chặt lại. Johnson tuyên bố là nếu Miền Nam muốn tham gia thì vẫn dược tham gia. Bây giờ Nixon đe là sẽ "công khai tố cáo Chính phủ của Ngài làm cản trở cho công cuộc vãn hồi hoà bình ở Việt nam" rồi sẽ "cắt viện trợ quân sự và kinh tế ngay lập tức", và sau đó, "dù có sự thay đổi về nhân sự…cũng không thể cứu vãn được?".

      Trong "tự điển chính trị" về mối bang giao Hoa KỲ-VNCH, "thay đổi nhân sự" là câu nói nhẹ, đồng nghĩa với việc đảo chánh. Năm 1963, khi việc chuẩn bị lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm đang tiến hành ráo riết, Tổng thống Kennedy, trong buổi phỏng vấn với Waller Cronkite trên đài CBS, đã nhắc tới nhu cầu "thay đổi nhân sự" (20).
      Tuy nhiên, khi nào Nixon giơ cái gậy ra, thì ông cũng có đem theo củ cà rốt. Trong cùng một văn thư, Nixon quả quyết:

      "Chúng tôi sẽ phản ứng mãnh liệt trong trường hợp bản Hiệp định bị vi phạm:
      "Cuối cùng tôi muốn nhấn mạnh tới những cam kết tiếp tục của Chính phủ Hoa kỳ đối với tự do và tiến bộ của VNCH.
      "Tôi quyết định sẽ tiếp tục viện trợ đầy đủ kinh tế và quân sự cho VNCH…"
      Và rõ ràng hơn nữa:
      White House
      Ngày 17 tháng 1, 1973.
      Thưa Tổng thống,
      "Tự do độc lập của nước VNCH vẫn luôn luôn là mục tiêu trọng đại trong chính sách ngoại giao của Hoa kỳ. Tôi đã theo đuổi mục tiêu này trong suốt cuộc đời chính trị của tôi…
      Tôi cả quyết rằng việc từ chối ký bản Hiệp định này sẽ đưa đến việc cắt đứt mọi viện trợ cho VNCH…

      Nếu ngài khước từ ký vào bản Hiệp định, tôi sẽ không còn cách nào giúp đỡ Chính phủ VNCH nữa.
      Quốc hội và Dư luận Hoa kỳ sẽ trói chặt tay tôi…
      "Tôi đang chuẩn bị gửi Phó Tổng thống Agnew qua Sài gòn để thảo luận với Ngài về mối quan hệ của chúng ta trong thời hậu chiến... Phó Tổng thống Agnew sẽ công khai tái xác nhận những bảo đám tôi đã hứa với Ngài. Tôi xin nhắc lại những cam kết đó như sau:
      Thứ nhất, Hoa kỳ công nhận Chính phủ của Ngài là Chính phủ duy nhất hợp pháp ở Miền Nam Việt nam;

      Thứ hai, HK không công nhận quyền có mặt của quân đội ngoại quốc trên lãnh thổ Miền Nam; và
      Thứ ba, HK sẽ phản ứng mãnh liệt nếu bản Hiệp định bị vi phạm...
      Tôi đang chuẩn bị để họp riêng với Ngài tại San Clemente, Califomia, và lúc dó chúng ta có thể xác nhận lại một lần nữa sự hợp tác giữa chúng ta và những bảo đám của Hoa kỳ...
      Tôi cho rằng Ngài có hai lựa chọn chính yếu: một là tiếp tục cản trớ việc ký kết. Đó là hành động có vẻ lẫm liệt nhưng thiển cận; hai là dùng bản Hiệp định như một phương tiện để xây dựng một căn bản mới cho nền bang giao HK-VNCH. Tôi không cần phải nói Ngài cũng biết rõ đây là con đường duy nhất để bảo vệ mục tiêu chung của chúng ta.
      Trân trọng,
      (ký) Richard M. Nixon

      Những lựa chọn được kê ra rõ ràng là như vậy. Dường như ông Thiệu chỉ còn một cách là bám víu: ông gạch dưới và đánh dấu * bên chữ "guarantees" (bảo đảm) ở đoạn trên lá thư, và gạch dưới - hai lần - chữ "U.S.guarantees" (bảo đảm của Hoa kỳ) ở đoạn cuối.
      Tuy không phải là một chuyên gia về ngoại giao, nhưng tôi nghĩ trong lịch sử của Hoa kỳ đã chưa có trường hợp nào lại có những áp lực trực tiếp, rõ ràng, cạn tàu ráo máng từ một vị Tổng thống gửi tới một Đồng minh như thế này. Cũng chưa bao giờ có những cam kết mạnh mẽ, dứt khoát, được lặp đi lặp lại nhiều lần như vậy…
      Tới đây thì VNCH nhượng bộ.

      Mật đàm đã giúp Hoa kỳ thành công trong việc giải quyết chiến tranh Việt nam nội trong nhiệm kỳ đầu của Nixon. Chỉ chậm có hai ngày:
      Ngày 20 tháng 1 năm 1973 là ngày Nixon đăng quang nhiệm kỳ hai.
      Ngày 21 tháng 1, Tổng thống Thiệu họp với Đại sứ Bunker để trao văn thư gửi Tổng thống Nixon, thông báo VNCH sẽ ký bản Hiệp định;
      Ngày hôm sau Nixon hồi âm:
      White House
      Ngày 22 tháng Giêng 1973
      Thưa Tổng thống,
      "Với lòng can đảm và kiên trì, Ngài đã bảo vệ được quyền lợi của dân tộc Việt nam trong công cuộc theo đuổi mục tiêu duy trì tự do và độc lập".
      Trân trọng,
      Richard M. Nixon.

      Trong bầu không khí xám ngắt lạnh lẽo và mưa sụt sùi buổi xế trưa ngày Thứ Ba, 23 tháng Giêng hồi 12 giờ 45, hai ông Henry Kissinger và Lê Đức Thọ đã phê chuẩn Hiệp định Paris tại "Trung tâm hội nghị quốc tế", khách sạn Majestic, Đại lộ Kléber. Hai bên giằng co về số trang và so sánh bản chữ "HK" (Henry Kissinger) và ông Lê Đức Thọ ký vỏn vẹn một họ". Kissinger dùng một số bút mực và tặng cho bộ tham mưu của ông mỗi người một cái. Lê Đức Thọ thì đưa bút của mình cho Kissinger "để nhắc Hoa kỳ về việc thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định này" (20). Vừa ký xong, Kissinger vội bay về Washington.
      Ngày 27 tháng Giêng, Ngoại trưởng Mỹ William Rogers, Ngoại trưởng Việt nam cộng hoà Trần Văn Lắm đồng ký.

      Hiệp định Paris bắt đầu có hiệu lực.
      Khi mọi việc đã êm đẹp, có phóng viên UPI là bà Helen Thomas muốn tò mò hỏi xem Kissinger làm gì vào chính lúc ông Rogers đặt bút xuống ký. Vì múi giờ khác nhau, 11 giờ sáng bên Paris là năm giờ sáng tại Washington. Văn phòng báo chí của Kissinger trả lời: "Hãy làm tình, dừng đánh nhau" (Make love not war).
      Chú thích
      (1) Xem "Nixon s Secret Agent", TIME (Magazine), 7 tháng 2, 1972.
      (2) Phỏng vấn Hoàng Đức Nhã, 24-5-1985.
      (3) Về việc Tổng thống Eisenhower nói tới thuyết Domino: xem Public Paler of The Presidents: Dwight D. Eisenhower, 1954 (Government Printing Office, 1960), trang 383.
      (4) Xem Nguyễn Tiến Hưng và Jerrold Schecter, Hồ sơ mật Dinh Độc Lập, chương 3, 5 và 6, 9.
      (5) Marvin Kalb and Bernard Kalb, Kissinger, trang 148, 158; Hưng và Schecter, Hồ sơ mật Dinh Độc Lập.
      (6) Diễn văn của Nixon ngày 14-5-1969: Department of State Bulletin (Washington, 2 tháng 6, 1969); xem thêm: George M. Kahin và John W Lewis, The United States in Vietnam, trang517-524.
      (7) Marvin Kalb and Bemard Kalb, Kissinger, trang 158.
      (8) Richard Nixon, Memoiry trang 568-569.
      (9) Xem bài của Elaine Sciolino "Tài liệu (vừa có) đã đối chọi với Kissinger về chuyến viếng thăm Trung Quốc của ông năm 1971". New York Times, ngày 28 tháng 2, 2002. Trong buổi họp, chính Kissinger đã cho ông Chu biết: "Dù có thương thuyết hay không thương thuyết với Bắc Việt đi nữa, rồi chúng tôi cũng sẽ rút quân ra - một cách đơn phương".
      (10) Der Spiegel, Phỏng vấn Tổng thống Thiệu, 1 tháng 12, 1979.
      (11) Charles J. Timmes, "Vietnam Summary: Military Operation… ", Military Review, tháng 8, 1976, trang 63-66.
      (12) Năm 1974, nhiều nghị sĩ, đặc biệt là ông Kennedy, đã cho rằng, càng có nhiều viện trợ, Miền Nam càng kéo dài chiến tranh. Xem chương 8.
      (13) Ý kiến của Đại sứ Graham Martin về khả năng này: xem House of Representatives, Vietnam Evacuation: Testimony of ambassador Graham Martin, trang 539.
      (14) VNCH, Giác thư gửi Chính phủ Hoa kỳ, ngày tháng 9, 1972 (Xem Nguyễn Tiến Hưng và Jenold Schecter, The Palace File, Phụ lục B).
      (15) Xem Chương 2.
      (16) Thư của Henry Kissinger gửi Tổng thống Thiệu, đầu năm 1980.
      (17) Seymour Hersh, trích dẫn trong The price of power, trang 128.
      (18) Xem thêm: Hồ sơ mật Dinh Độc Lập, Chương 5.
      (19) United States-Vietnam Relations, Tài liệu do Bộ Quốc phòng Hoa kỳ soạn thảo, Quyển 3/12, trang 23.
      (20) Trích trong bài của Hồng Hà, Đài Phát Thanh Hà Nội, ngày 27 tháng 1, 1974, JPRS 61277, ngày 20-1-1985.

      hết: P1 - Chương 3, xem tiếp: P1 - Chương 4

      Comment


      • #4
        Khi Đồng Minh THÁO CHẠY

        Nguyễn Tiến Hưng-Khi đồng minh tháo chạy
        P1 - Chương 4
        Lui vào bóng tối


        "Ngày Quân Lực" năm đó được tổ chức hết sức linh đình. Xe tăng, đại pháo, mọi quân, binh chủng với quân phục mới tinh, oai hùng diễn hành trên đại lộ Trần Hưng Đạo. Trên bầu trời, máy bay phản lực F-5 tung cánh sắt, lướt trên ngàn mây gió. Rõ ràng là hình ảnh của một Chính phủ, một quân đội đầy tự tín trên con đường xây dựng hoà bình, thịnh vượng.
        Trước đấy, Tổng thống Nixon đã gửi đại diện sang Việt nam để gây ấn tượng cho tình đoàn kết giữa hai nước. Chỉ ba ngày sau Hiệp định, đài truyền hình Việt nam có phóng sự đặc biệt: Phó Tổng thống Spiro Agnew thăm viếng Sài gòn. Hôm đó là ngày 30 tháng Ba, 1973. Khi tới phi trường Tân Sơn Nhứt, vị quốc khách được đón tiếp linh đình. Hết sức ca ngợi Tổng thống Thiệu, ông Agnew nhắc tới lập trường Hoa kỳ là tiếp tục ủng hộ một Đồng minh trung thành của mình.

        Dân chúng miền Nam thấy lên tinh thần. Sao mà nhanh thế? Vừa có đình chiến xong là đã có Phó Tổng thống Mỹ sang ủng hộ. Buổi chiều, phần tin tức hấp dẫn trong ngày được chiếu đi chiếu lại.

        Bên ngoài thì rầm rộ lạc quan như thế, nhưng thực ra, bên trong hậu trường lại khác. Chuyến viếng thăm của ông Agnew đã báo hiệu một điềm dữ. Có cái gì đây chẳng được lành. Không phải là ông Phó Tổng thống đã tuyên bố hay mật đàm chuyện gì có phương hại cho hoà bình, nhưng cái nguy hiểm là những điều gì ông không nói.

        Tổng thống Nixon đã hứa trong thư ngày 17 tháng Giêng, 1973 là khi tới Sà gòn, "Phó Tổng thống Agnew sẽ công khai cam kết những gì tôi đã hứa với Ngài…" Thế mà có thấy gì đâu: ngoài phi trường cũng như trong Dinh Độc Lập, chỉ thấy ông Agnew nói một cách chung chung quyết tâm ủng hộ Việt nam cộng hoà của Hoa kỳ. Người ta cho rằng ông chỉ lập lại những điểm gì đã được ông Kissinger soạn thảo sẵn từ Washington trước chuyến đi.
        Và rồi chỉ có thế. Nhưng để an ủi Việt nam cộng hoà phần nào. John Negroponte, cố vấn của Kissinger về vấn đề Việt nam, người tháp tùng ông Agnew trong chuyến đi, đã kéo ông Hoàng Đức Nhã ra ngoài hiên sau một buổi họp và nói nhỏ:

        - Tôi lấy làm tiếc vì những điều xảy ra mấy tháng trước đây. Chúng tôi biết không thể gây áp lực đối với các ông được, và bây giờ phải làm tất cả những gì có thể làm được để giữ lời hứa" (1).

        Thật là khôn: bên ngoài và chính thức thì Phó Tổng thống không nói đến những cam kết nữa, ông Nhã là người đã đứng cạnh Tổng thống Thiệu trong những giờ phút căng thẳng trước Hiệp định Paris. Ông Negroponte sau này được cử làm đại sứ đầu tiên của Mỹ tại Iraq thời hậu Saddam Hussein. Ông Thiệu kể lại là khi thấy Phó Tổng thống Agnew lờ đi về những cam kết của Tổng thống Nixon: "Tôi đã bắt đầu nghi ngờ Hoa kỳ từ lúc đó…"
        Lại tìm củ cà rốt

        Càng nghi ngờ, ông Thiệu lại càng sốt ruột. Trước khi ký kết Hiệp định, ông Nixon có hứa mời ông sang Mỹ để "chúng ta có dịp công khai nhắc lại mối hợp tác giữa hai nước và sự cam kết của Hoa kỳ". Sau chuyến viếng thăm của ông Agnew, cuộc họp mặt với Tổng thống Nixon trở nên cấp thiết hơn nữa. Rồi lại nghe tin không hay từ Washington về vụ Watergate. Dinh Độc Lập bối rối, hoang mang. Bây giờ mà không gặp được Nixon ngay là nguy to. Biết đâu vì chính trị nội bộ, cuộc họp lại bị hoãn chăng? Ông Thiệu tìm mọi cách để chuyến đi Mỹ sớm được thực hiện.

        Tổng thống Nixon chính thức mời ông Thiệu sang Mỹ họp với ông vào ngày 3-4-1973. Tuy trong thư trước, Nixon đã nói tới San Clemente là nơi họp, nhưng ông Thiệu lại ngỏ ý muốn thăm viếng Hoa kỳ tại thủ đô Washington. Là một nguyên thủ quốc gia, ông muốn được tiếp đón với đầy đủ nghi lễ. Sau cùng, Đại sứ Trần Kim Phượng đã điều đình để ông Thiệu được đón tiếp như một quốc khách ở San Clemente. Việt nam gửi một phái đoàn tiền phong sang Washington để cùng phía Mỹ hoạch định chương trình cho cuộc họp. Hàng không Việt nam thuê một phi cơ 707 của Pan American, sơn cờ Việt nam, chở Tổng thống để tăng phần trang trọng và chủ quyền quốc gia.

        Ngoài hồ sơ về viện trợ quân sự, ông Thiệu mang theo hồ sơ kinh tế. Tuy nhu cầu vừa tái thiết vừa phát triển đòi tới cả tỷ đô một năm, nhưng phải thực tế mà đề nghị. Ban Kinh tế Tài chánh (với các ông Phạm Kim Ngọc, Hà Xuân Trừng) đem ra những con số khiêm nhượng. Theo "Chương trình phát triển 1973-1980", Việt nam cộng hoà chỉ yêu cầu Mỹ tiếp tục viện trợ kinh tế 650 triệu đô la (1973) và 780 triệu (1974), rồi giảm dần xuống tới mức không đáng kể vào năm 1980 (95 triệu). Hy vọng là từ năm 1981 trở đi thì Việt nam cộng hoà có thể tự túc tự cường, khỏi phải đi xin xỏ nữa.

        Không may là chỉ vài ngày trước khi ông Thiệu lên đường, vụ Watergatc lại vỡ lở lớn. Toà Bạch Ốc lo âu, bối rối vì báo chí đã phát giác: có "nhiều nhân vật cao cấp" trong chính quyền nhúng tay vào việc che chở cho vụ ăn cắp tài liệu của đáng Dân chủ ở toà nhà Watergate..

        Ngày 29-3-1975, Tổng thống Nixon buộc phải bãi bỏ đặc quyền hành pháp để xúc tiến vụ điều tra này. Trong tình trạng đó, chuyến công du của Tổng thống Thiệu có thể được ví như một đoạn phim ngừng lại giây lát trước khi những biến cố chính xảy ra. Lúc này đầu óc ông Nixon đã rối bời, còn tâm trí nào mà tiếp đón ông Thiệu!

        Tuy nhiên, lễ đón tiếp được cử hành khá trang trọng. Một hàng lính danh dự đứng dàn chào khi ông Thiệu tới San Clemente. Ông Nixon tiếp ông Thiệu trong khuôn viên biệt lập của Casa Pacifica. An ninh được bảo đảm chu toàn vì tư dinh này cách ngăn xa lộ chính, chỉ có một ngả đi vào thì đã được canh phòng cẩn mật. Nếu lái xe từ Orange County xuống San Diego, ta nhìn thấy San Clemente nằm kề bãi cát thoai thoải bên bờ Thái Bình Dương. Trời xanh, mây trắng, khí hậu mát mẻ của miền ôn đới sánh với cái nóng hừng hực ở Sài gòn lúc vào hè. ông Thiệu tuy mệt sau chuyến bay dài, nhưng cũng thấy thoải mái và có hy vọng.

        Ông hy vọng Nixon sẽ "công khai tái xác nhận những bảo đảm của Hoa kỳ" như đã hứa ngày 17 tháng 1, 1973. Nhưng ngược lại, chỉ hai giờ đồng hồ sau khi đáp xuống San Clemente, hai phụ tá Tổng thống là Ron Ziegler và Bob Haldeman đã nói ngay với ông Nhã là "sẽ không có bản thông cáo chung giữa hai Tổng thống" sau cuộc họp. Ông Thiệu bàng hoàng, "Họ đối xử với Đồng minh như vậy đấy ư? Nói với họ tôi sẵn sàng trở về Sài gòn, và hãy chuẩn bị phi cơ đi!". Ông Kissinger được thông báo về vụ đổ bể này, vội gặp Nhã và quả quyết: "Đó chỉ là sự hiểu lầm, sẽ có bản tuyên cáo chung" (2).

        Bữa tiệc ở dinh Casa Pacifica được coi là quốc yến. Tuy nhiên chưa thấy bao giờ quốc yến để khoản đãi vị nguyên thủ một quốc gia Đồng minh mà lại chỉ vỏn vẹn có mười hai người tham dự, kể cả chủ và khách. Lý do phía Mỹ đưa ra là "không đủ chỗ ngồi". Trong bữa cơm, ông Thiệu cố nhá miếng bít tết dày cộm khó tiêu để khỏi phụ lòng chủ nhân. Về sau ông nghe chuyện báo chí chỉ trích ông Nixon là đã đãi ông Thiệu bít-tết trong khi giá thịt bò đang leo thang, ông phàn nàn "tôi đâu có muốn ăn thịt bò". Phái đoàn tiền phong của Việt nam đã không được hỏi ý kiến trước về thực đơn.

        Sau bữa ăn tại tư dinh ông Nixon, phái đoàn Việt nam có muốn đáp lễ bằng một bữa tiệc ở khách sạn Century Plaza ở Los Angeles. Nhưng phía Mỹ từ chối vì lý do an ninh. Ông Kissinger sau này viết lại trong hồi ký của ông là trên thực tế, ông ta sợ "biểu tình và không đủ số người dự tiệc" (3).

        Đối với ông Thiệu, điểm đặc biệt của chuyến công du là lối tiếp tân thân mật của ông Ronald Reagan, thống đốc Calilornia tại khách sạn Beverly Wilshire. Trước đây, ông Thiệu đã tiếp đón ông Reagan nồng hậu khi ông viếng thăm Sài gòn. Hồi đó, ông có tặng ông Reagan một cái ngà voi và nói đùa với ông ta: "Một ngày nào đó, Ngài sẽ lên voi".
        Không ngờ mà lại thành sự thật. Tổng thống Reagan thành công vẻ vang trong cả hai nhiệm kỳ.

        Trong buổi tiếp tân hôm ấy có mặt hai tài tử nổi tiếng là Zsa Zsa Gabor và John Wayne. John Wayne có cảm tình ngay với ông Thiệu và cố làm cho ông vui, mặc dù có biểu tình phản chiến ngay trước khách sạn. John Wayne vừa nói đùa với ông Thiệu vừa lấy tay làm cử chỉ như người nắm lấy hai thanh niên biểu lình, giơ cao lên và đập đầu vào nhau: "Ông có biết tôi sẽ làm gì không? Tôi sẽ tóm cổ tụi nó và xách đi như trong phim xi-nê vậy" (4).
        Khi cuộc họp chấm dứt là tới lúc công bố bản thông cáo chung của hai bên. John Holdridge thuộc Hội đồng Cố vấn an ninh và phụ tá H. R. Haldeman lại giở giọng: không muốn nói rõ ràng chi tiết về viện trợ kinh tế. Phía Việt nam muốn ông Nixon hứa hẹn cho rõ. Ông Nhã hồi tưởng lại: "Chúng tôi phải tranh đấu từng gang tấc cho bản thông cáo này". Cuối cùng còn vài phút trước khi họp báo, phía Hoa kỳ nhượng bộ.

        Ông Thiệu kể lại là lúc Tổng thống Nixon tạm biệt để tiễn ông lên trực thăng ra phi trường, hồn vía ông ta như ở đâu đâu. Trực thăng vừa cất cánh, ông đã quay gót trở lại, vội vã đi vào nhà. Ông Thiệu nhớ lại những lần trước gặp Nixon ở Sài gòn hoặc ở đảo Midway năm 1969, lễ nghi tiễn biệt đã kéo dài, ông ta vui vẻ giơ tay vẫy thật lâu (5). Tuy linh cảm là có chuyện khó khăn, ông Thiệu cũng đã có được sự tái xác nhận về những cam kết yểm trợ Việt nam cộng hoà. Một tháng sau khi trở về, vào ngày 20 tháng Năm 1973, ông ra Quốc hội công bố những biện pháp "Tái thiết kinh tế hậu chiến". Mục tiêu đề ra là tới năm 1980 thì Việt nam cộng hoà sẽ phát triển tới mức tự túc, tự cường. Ông nói là trong vòng bảy năm tới, với viện trợ Hoa kỳ đầy đủ, Miền Nam sẽ dốc toàn lực vào lãnh vực kinh tế và phát triển xã hội. Nghe phấn khởi quá, các nghị sĩ, dân biểu đứng lên vỗ tay rần rần, nồng nhiệt hưởng ứng.

        Viện trợ lại thành con tin
        Ngày 29 tháng Ba, 1973, nhóm tù binh Mỹ cuối cùng rời Hà Nội. Tưởng rằng vậy là xong xuôi, ngờ đâu lại có tin Kissinger sắp đi Paris để "đàm phán" thêm. Ông Thiệu càng nghi ngờ chắc lại sắp có chuyện gì đây. Y như năm 1968, Nixon vừa lên ngôi lần thứ hai là lại trở mặt. Kissinger sắp đàm phán với phái đoàn Bắc Việt một "Thông cáo" (Commumqué) về việc thực thi Hiệp định đình chiến. Một lần nữa, mối giây liên lạc Mỹ-Việt rơi vào khủng hoảng. Hiệp định Paris ký rồi, bây giờ Mỹ lại bắt nhượng bộ thêm? Theo như "thông cáo", một sự kiện ít ai để ý tới, là Bắc Việt lại có quyền di chuyển quân dụng qua vùng Phi quân sự (DMZ).

        Ông Thiệu cho rằng trong suốt thời gian tranh đấu tại hoà đàm, Bắc Việt chỉ nhượng bộ một điểm là không chuyển quân qua vùng Phi Quân Sự. Giờ đây, chỉ bốn tháng sau, Kissinger lại qua Paris và nhường thêm điểm chót. Ông Thiệu chua chát hỏi lại: làm sao quân dụng như xe tăng, tàu bò có thể đi qua vùng DMZ mà không có "tài xế" và "nhân viên" bảo trì đi coi?" Và khi nhượng điểm chót này, vĩ tuyến thứ 17 không còn là ranh giới rõ rệt của miền Nam nữa.

        Thế là viện trợ lại trở thành con tin. Lời đi tiếng lại giữa hai ông Nixon và Thiệu vào giai đoạn này còn gay gắt hơn lúc Tuyển cử xong rồi, Washington đã rảnh tay, hết lo Sài gòn chống đối. Ngày 21 tháng Năm 1973 (tức ngày 22/5 giờ Sài gòn), Tổng thống Nixon gửi Phụ tá Ngoại trưởng William Sullivan sang Sài gòn mang theo một mật thư.
        Sao mà quá bén nhậy: vừa đúng hai ngày sau khi ông Thiệu đưa chương trình tái thiết ra Quốc hội, Nixon đã đem ngay "kế hoạch kinh tế dài hạn Ngài vừa công bố" ra mặc cả.
        Ông viết:

        White House
        Ngày 21 tháng Năm 1973
        Thưa Tổng thống,
        "Khi ở San Clemente, tôi đã nói với Ngài về việc xin Quốc hội Hoa kỳ viện trợ đầy đủ nó khó khăn như thế nào. Tuy nhiên tôi cũng đã nói với Ngài là chúng tôi sẽ dồn mọi nỗ lực để không những xin đầy đủ viện trợ cho nhu cầu hiện tại của Việt nam cộng hoà, mà còn yểm trợ cho nhũng kế hoạch kinh tế dài hạn mà Ngài vừa công bố. Nỗ lực này đang tiến hành tốt đẹp và được đặt vào ưu tiên hàng đầu….
        Nhưng tôi thẳng thắn khuyên cáo Ngài rằng chỉ có mối bất đồng nhỏ nhoi giữa chúng ta trong tình thế này cũng đủ làm tiêu tan nỗ lực trên. Tôi tin chắc rằng Ngài sẽ cân nhắc kỹ lưỡng điều trên khi đọc lá thư này.
        Trân trọng
        (ký) Richard Nixon

        Khi ông Thiệu vẫn không đồng ý ký vào bán thông cáo, Nixon đi đến chỗ quyết liệt:
        White House
        Ngày 6 tháng 6, 1973
        Thưa Tổng thống,
        "Quyết định mà Ngài phải làm là chỉ thị cho đại diện của Ngài đi Paris để cùng với Tiến sĩ Kissiger ký vào Thông cáo như hiện trạng…, hoặc ngược lại, Ngài không chịu ký, huỷ bỏ Hiệp định, và chịu hậu quả thảm khốc không thể tránh được….
        Đó là sự nhận định tình hình trung thực của tôi, sự lựa chọn thật rõ ràng…
        Tôi tin tưởng ở sự hiểu biết bao quát của Ngài về những quyền lợi chung của chúng ta và sẵn sàng trả lời thuận trước 12 giờ trưa ngày 7 tháng 6, giờ Sài gòn".
        Trân trọng,
        Richard M. Nixon

        Ông Thiệu viết thư trả lời Nixon, giải thích tại sao phía VNCH không chấp nhận được. Trong khi đó, ông cho báo chí ở Sài gòn bình luận rộng rãi về bản Thông cáo là rất bất lợi cho VNCH.
        Vừa nhận được thư, Nixon hồi âm cùng một ngày :
        White House
        Ngày 7 tháng 6, 1973
        Thưa Tổng thống,
        Tôi không thể lường đoán nổi hậu quả quyết định của Ngài trước Quốc hội và công luận Hoa kỳ. Hậu quả đó chắc chắn sẽ bất lợi cho Ngài và có thể gây tai hoạ. Tôi rất tiếc và buồn phiền khi thấy công cuộc mà chúng ta đã cùng nhau chia sẻ rất nhiều nay bị sụp đổ như thế này.

        Xin Ngài trả lời cho chúng tôi trước 8 giờ sáng ngày 8 tháng 6, giờ Paris để tiện tiến hành".
        Trân trọng
        (kí) Richard M. Nixon
        Đọc tới chữ "tai hoạ", ông Thiệu phê ở ngoài lề bức thư: "Chúng ta phải chuẩn bị cẩn thận cho biến cố này".

        Thế rồi trong văn thư đề ngày 8 tháng 6, 1973 trả lời ông Nixon, ông Thiệu vẫn nói là phía VNCH đồng ý để Hoa kỳ và Bắc Việt ký kết với nhau trên nguyên tắc, rồi sau đó hai bên sẽ kêu gọi (appeal) cả Chính phủ VNCH và Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời (CMLT) chấp hành những điều khoản của bản Thông cáo.
        Không được, Tổng thống Nixon đã phản ứng ngay. Ông Thiệu đang ngủ khi Văn phòng đánh thức ông dậy: có thông báo khẩn cấp. Lúc 2 giờ đêm, Ngoại trưởng Trần Văn Lắm chuyển cho ông một phiếu trình, kèm theo một thư mới của Tổng thống Nixon gửi cùng ngày (8 tháng 6, 1973): Việc gì gấp rút đến nỗi chính Phó Đại sứ đã đến tận nhà để đánh thức ông Ngoại trưởng dậy! Ông Lắm phải chuyển ngay giữa đêm để còn kịp đối phó, vì trong thư, ông Nixon tỏ ra hết sức cứng rắn. Cùng một ngày, mồng 8 tháng 6, (9 tháng 6, giờ Sài gòn) Nixon lại gửi một thông điệp nữa:

        White House
        Ngày 8 tháng 6, 1973
        Thưa Tổng thống,
        Nếu cuộc thương thuyết này thất bại thì sẽ có sự đối chất giữa hai bên. Tôi sẽ bác bỏ lý do không chịu ký kết của Ngài và tôi sẽ công khai tố cáo Ngài đã cản trí việc đi tìm một giải pháp cho hoà bình….
        Rất có thể Quốc hội sẽ ngưng viện trợ quân sự và viện trợ kinh tế cho đến khi Ngài chịu ký…
        Tôi cần sự chấp thuật của Ngài để kịp chỉ thị cho phái đoàn Hoa kỳ ở Paris trước 7 giờ sáng ngày 9 tháng 6, giờ Paris…"
        Trân trọng,

        (kt) Richard M. Nixon
        Ông Thiệu đọc lá thư cẩn thận. Ông phê nhiều điểm loằng ngoằng, bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh, Pháp vào phiếu chuyển thư của Đại sứ Whitehouse để Hội đồng an ninh quốc gia làm việc: "Unbalanced and Unjust" (không quân bình và bất công). Ông còn viết thêm bằng nét bút chì đậm: … Hoa kỳ để VNCH với "no choice" (không có lựa chọn nào tốt hơn)… để tỏ ra xây dựng và thiện chí, nhận những tối đa, chứ không nói "không" một cách thẳng thừng" (ông viết tắt lên văn bản: "chữ O nói NON Flatly", chữ O hay "phi" có nghĩa là "không".

        Và cứ như vậy, thư đi, thư lại trong bốn ngày từ mồng 8 tới 11 tháng 6, lời lẽ mỗi lúc một căng thẳng hơn. Tới ngày 13 tháng 6 thì thời hạn chót đã tới. Một tối hậu thư được tống đạt:
        White House
        Ngày 13 tháng 6, 1973
        Thưa Tổng thống,
        Lá thư của Ngài đề ngày 12 tháng 6, là một đòn giáng mạch vào tình bằng hữu, sự tương kính và quyền lợi chung của chúng ta.
        "Nếu Ngài lựa chọn đường lối này, thì chính là Ngài đã vạch ra chính sách trong tương lai của Hoa kỳ đối với Việt nam rồi. Tôi sẽ bắt buộc chịu ý Quốc hội và công luận Hoa kỳ chỉ yểm trợ chút ít những nhu cầu có tính cách nhân đạo cho nhân dân miền Nam và, trên căn bản công bình đi nữa, tôi sẽ bỏ qua những quyết định và nhiệm vụ khó khăn để yểm trợ quân sự và kinh tế (cho VNCH) như chúng ta đã thảo luận ở San Clemente.
        "Đây không còn phải là vấn đề của người đi thương thuyết, hay của một luật gia, hay chuyên gia nữa. Đây là vấn đề trước tiên giữa tôi và Ngài. Sự lựa chọn là do Ngài.
        "Xin Ngài hiểu cho rằng, tôi sẽ nói tất cả những sự dè dặt, những điều cần sửa đổi thêm, trì hoãn, hay những hành động đính lạc hướng ra ngoài (chỉ) một việc là đồng ý ưng, thuận, (tôi sẽ coi đó) là một quyết định trực tiếp và cố tình của Ngài để chấm dứt mối tình giao hiện hữu giữa hai Chính phủ Hoa kỳ và VNCH "
        Trân trọng,
        (kt) Richard M. Nixon

        Ông Nixon đã khoá chặt lại cái tủ của ông Thiệu. Câu giờ, lánh né, mưu lược, xoay xở đã tới lúc vô hiệu. Lời lẽ hăm doạ cay đắng lúc cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. Chẳng bù cho những thông điệp nhẹ nhàng, ve vãn lúc tuần trăng mật do bà mối Anne Chennault chuyển vào mùa thu 1968. Nó đầy sức quyến rũ, thuyết phục.
        Ông Thiệu phê vào bên lề câu cuối cùng:
        "Quá đáng! Ông nói chứ tôi hoặc ND VNCH (Nhân dân Việt nam cộng hoà), hay ND USA (nhân dân Hoa kỳ) nào có quan niệm như vậy"(6).
        Đây là bức thư cuối cùng của Tổng thống Nixon. Câu ông Thiệu phê như trên cũng là cảm nghĩ cuối cùng của ông về hành động của Nixon-Kissinger.

        Bản Thông cáo được ký kết vào lúc 4 giờ chiều ngày 13 tháng 6 tại Paris. Về phương diện lãnh thổ, biên giới của Miền Nam đã trở nên lu mờ. Trên thực tế, nó không còn nữa.
        Lùi vào bóng tối

        Mọi chuyện sắp xếp cho hoà bình Việt nam như vậy là xong. Kissinger vội vã bay về Washington để còn theo đuổi những tham vọng khác.
        Ngày 22 tháng 8, 1973 Kissinger lên chức Bộ trưởng ngoại giao thay ông Rogers;
        Gần hai tháng sau đó, Hiệp định Paris lại mang tới cho ông vinh dự của giải thưởng Nobel về Hoà Bình (Việt nam); và như vậy, thay vì nói "Hoà bình đang trong tầm tay" (Peace is at hand) nhẽ ra ông phải nói "Hoà bình đang trong tầm tay của tôi"; và thay vì tuyên bố đã có "Hoà bình và danh dự", ông nên tuyên bố: "Hoà bình và danh dự cho tôi" thì mới đúng.
        Về phía VNCH, từ giờ phút này đã trở nên cô thân cô thế, chỉ còn hy vọng rằng đã chịu đấm thì được ăn xôi, rằng những cam kết tại San Clemente sẽ được tôn trọng.
        Thế nhưng, San Clemente chỉ là trạm dừng chân của Tổng thống Thiệu trước khi ông rời khỏi trọng tâm chú ý của Hoa kỳ.

        Kể từ khi ký xong Bản Thông Cáo, hai ông Nixon và Kissinger hầu như đã chôn vùi Miền Nam vào dĩ vãng. Trước đó, khi có nhu cầu thì chỉ trong thời gian từ 31 tháng 1, 1971 tới 13 tháng 6, 1973, ông Nixon đã viết cho ông Thiệu tới 27 bức thư. Từ lúc đó cho tới khi ông từ chức (ngày 8 tháng 8, 1974) thì tuyệt nhiên không còn thư từ, thăm viếng, trao đổi gì nữa. Lời ông Winiam Sullivan, Phụ tá Thứ Trưởng ngoại giao tóm tắt về quan điểm của Hoa kỳ lúc ấy: "Chúng tôi hy vọng rằng Dông Dương sẽ lui vào chỗ của nó trong bóng tối, và nó xứng đáng như vậy(7)".

        Chú thích:
        (1) Phỏng vấn Hoàng Đức Nhã, 13-5-1985.
        (2) Phỏng vấn Hoàng Đức Nhã, 23-7-1985.
        (3) Henry Kissinger, Years of Upheaval, trang 310.
        (4) Phỏng vấn Hoàng Đức Nhã, 23-7-1985.
        (5) Phỏng vấn Tổng thống Thiệu, ngày 4-4-1978.
        (6) Phỏng vấn Tổng thống Thiệu, ngày 4-4-1978
        (7) N.T. Hưng and Jerrold Schecter, The Palace File, p.170.

        Comment


        • #5
          Khi Đồng Minh THÁO CHẠY

          Nguyễn Tiến Hưng -Khi đồng minh tháo chạy
          P2 - Chương 5

          THÂN PHẬN TIỂU QUỐC


          Tự túc tự cường

          Vào lúc tám giờ sáng ngày 28 tháng Giêng 1973, từng đợt rồi lại từng đợt, tiếng còi tàu Hải Quân Việt nam dọc cảng Sài gòn rú lên, xé tan màn sương buổi ban mai. Khi còi ngưng, chuông nhà thờ lại tiếp theo, ngân vang khắp đó đây, làm tăng thêm bầu không khí náo nhiệt của đô thành ngày hôm ấy.

          Dù chẳng biết thực hư ra sao, ta cứ ăn mừng đi đã. Hiệp định Paris ký rồi, chiến tranh chấm dứt. Từ góc đường Phan Đình Phùng khu Đa Kao, đài phát thanh phóng ra bài ca oai hùng "Việt nam, Việt nam nghe từ vào đời". Nhiều nhà mở loa cho lớn, dường như muốn át đi tiếng ca ai oán vẳng lên từ radiô nhà bên cạnh: "Anh trở về trên đôi nạng gỗ… anh trở về dang dở đời em…" Hy vọng rằng từ nay, những chiếc băng ca không còn phải chở về trên trực thăng sơn mầu tang trắng.

          Dân chúng đô thành tạm gác mọi nỗi lo âu sang một bên. Không khí ở những quán cà phê trở nên nhộn nhịp. Lệnh giới nghiêm nửa đêm chỉ được thi hành một cách lỏng lẻo và phòng trà đã bắt đầu mở cửa lại. Nha Du Lịch sửa chữa khách sạn Majestic, làm thêm một quán ngoài vỉa hè quay ra bờ sông, hết sức thơ mộng. Chiều chiều, giới phong lưu cũng như ái nữ của các nhân viên ngoại giao và du khách ngả mình trên những ghế võng mây mới mắc, uống chanh soda và nước dừa còn tươi, trông như một cảnh ở Hawaii. Bên kia đường, sông Sài gòn lặng lẽ trôi. Tiếng đại bác không còn vọng lại nữa, và hoả châu cũng thôi loé sáng trong đêm tối. Nhà hàng nổi Mỹ Cảnh sầm uất, tiếng nói ồn ào của thực khách xen lẫn với những tiếng cười ròn rã, tiếng chuông rung từ những chiếc xe bán đồ rong trên bến; mùi khô mực nướng và mùi nước mía vừa mới cứ quyện lẫn vào nhau, làm cho không khí thêm mời mọc, hấp dẫn.

          Lại một lần nữa viễn ảnh hoà bình ló rạng. Và cứ thế, Hiệp định Paris được các cơ quan truyền thông của Chính phủ mô tả như một thắng lợi cho Việt nam cộng hoà. Khác với Hiệp định Genève Pháp ký năm 1954 sau thất bại Điện Biên Phủ; đàng này Việt nam cộng hoà đâu có thất bại? Ban Tâm Lý Chiến trận đài đồng ca: "Cờ bay cờ bay trên thành phố thân yêu". Tại Mỹ, các báo chí đăng hàng tít lớn "Hoà bình với danh dự" Đài VOA cứ vậy mà phát sóng. Biết đâu, biết đâu đấy một trang sử mới đã được mở ra rồi.

          Thế là đã tới thời hậu chiến?
          Bây giờ nhiệm vụ chính yếu là củng cố xã hội và tái thiết kinh tế. Về xã hội, việc bức xúc là hiệu năng của nền hành chính. Để hỗ trợ công tác này chương trình "Cải tổ hành chánh" được đề ra. Ông Quách Huỳnh Hà, người được giao trách nhiệm, đã cùng với sự tham gia tích cực của Học Viện Quốc Gia Hành Chánh đôn đốc việc cải tổ. Công chức mọi cấp mọi ngành thay nhau đi tham dự các lớp học tập được tổ chức tại trung tâm huấn luyện Vũng Tàu. Trung tâm nằm cạnh bờ biển Long Hải thơ mộng. Các vấn đề được đem ra thảo luận: tản quyền về địa phương, phát triển nông thôn, tay súng tay cày, bài trừ tham nhũng. Toàn là những chủ đề thực tế, hết sức hấp dẫn.

          Khối Kinh tế - Tài chính được đốc thúc để đẩy được nền kinh tế đi tới tự túc tự cường. Càng sớm càng tốt. Lúc này cần nhìn thẳng vào thực trạng, xem mặt tốt, mặt xấu, tranh thủ thời gian để uốn nắn lại những bất quân bình của kinh tế vĩ mô. Muốn vậy, cần phải duyệt xét toàn bộ quá trình nền kinh tế để chỉ ra cho đúng những nhu cầu và ưu tiên. Nhìn lại con đường mà nền kinh tế Việt nam đã trải qua trong hai thập niên, tuy nó trắc trở, thăng trầm, nhưng cũng đã có thời điểm khá sáng sủa. Và bên cạnh những tàn phá lại có những xây dựng, phát triển đáng kể, cả về vật chất lẫn con người. Mục tiêu tiến đến tự túc, tự cường, chậm lắm là vào năm 1980 đã không phải là một ảo tưởng.
          Thăng trầm của nền kinh tế thời chiến
          Thập niên 1960: từ xuất sang nhập.

          Thập niên này được Liên Hiệp Quốc tuyên dương là "Thập Niên Của Phát Triển." Nắm lấy cơ hội, các nước Á châu như Nam Hàn, Đài Loan, Thái Lan, Nam Dương, Mã Lai, Singapore và kể cả Nhật Bản, đã nhảy vọt một bước dài trên đường mở mang kinh tế, xã hội. Họ đã vận dụng nhân lực, lấy đất cảng làm động lực thúc đẩy mở mang kinh tế, thu hút đầu tư và kỹ thuật tiên tiến để cải tiến công nghiệp. Việt nam đã mất cơ hội quý báu đó. Tuy nhiên trong những năm đầu thập niên, tình hình kinh tế còn khá triển vọng. Miền Nam vẫn còn xuất cảng được gạo. Với tổng xuất là 340.000 tấn, năm 1960 đánh dấu mức cao nhất trong lịch sử kinh tế Việt nam cộng hoà. Từ năm đó, nông thôn bắt đầu thiếu an ninh, xuất cảng gạo xuống dần, và tới năm 1962, còn 85 ngàn tấn. Sau đó, không đáng kể, nhưng vẫn còn là xuất. Từ 1965 trở đi thì xuất đã biến sang nhập, có năm lên tới 760 ngàn tấn. Một trời một vực so với thời tiền chiến. Năm cao điểm là 1939: xuất cảng gạo của riêng Nam Bộ lên tới gần hai triệu tấn. Tới năm 1954 cũng vẫn còn 520.000 tấn (1).
          1969-1971: ba năm vàng son.

          Khoáng thời gian 1969-1971, tình hình an ninh miền đồng bằng Cửu Long tương đối tốt, cho phép nhiều người nghĩ tới triển vọng kinh tế lâu dài. Đây là khoảng thời gian cao độ của nền đệ nhị Cộng hoà: chương trình "Người Cày Có Ruộng" ra mắt ngày 26 tháng Ba, 1970 đã thành công với dự đoán: gần một triệu mẫu ruộng được phân chia cho nông dân (2). Đúng là cho vì nông dân đâu có trả tiền.

          Chính phủ bán công khố phiếu lấy tiền mua lại ruộng đất của điền chú rồi chia cho nông dân. Điền chủ nào có quá 15 mẫu phải bán đất còn lại. Bầu không khí nông thôn náo nhiệt. Mặc dù chiến tranh vẫn còn, nhưng quyền sở hữu ruộng đất có tác động hết sức mạnh mẽ. Đang từ tá điền, bốn triệu nông dân trở thành gia chủ. Nhưng làm tá điền là ăn chắc, còn địa chủ lại phái lo. Việc sở hữu nó có hai mặt: được hưởng trọn vẹn kết quả mình làm ra. nhưng ngược lại, cũng phải gánh vác rủi ro của mùa màng, thời tiết. Người "tân điền chủ" vất vả, lam lũ:
          Người ta đi cấy lấy công,
          Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề.
          Trông trời, trông đất, trông mây,
          Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm…

          Người nông dân chăm chỉ làm ăn như vậy nên kết quả trông thấy. Khi chương trình Người cày có ruộng kết thúc vào tháng Ba, 1973, bộ mặt nông thôn đã trở nên sinh động.
          Có ông giáo sư Mỹ nói với chúng tôi: "Người nông dân Việt nam toàn là con cháu Adam Smith". Nhà kinh tế người Anh nổi tiếng Adam Smith (thế kỷ 18), được coi như cha đẻ của kinh tế thị trường. Ông đặt động lực cạnh tranh của nền mậu dịch tự do dựa trên quyền tư hữu, là yếu tố căn bản nhất của phát triển kinh tế (3).

          Thêm vào đó tà liến bộ kỹ thuật: loại lúa giống IR-3 phát xuất ở Phillippines được đem vào đồng bằng Cửu Long. Ở một số nước hậu tiến khác mà chúng tôi có dịp quan sát tại chỗ khi còn làm việc cho Quỹ tiền Tệ Quốc tế, thật là rất khó nhọc cho nông dân chấp nhận những kỹ thuật mới. Họ không muốn thay đổi cung cách làm việc, bám chặt lấy những phương pháp sản xuất mà họ quen thuộc. Đằng này, dù đã trồng lúa cổ truyền cả vài ba ngàn năm, đến lúc thấy có giống mới, nhân dân miền Nam vội vàng hưởng ứng. Và hưởng ứng rất nhiệt liệt, đặt ngay tên lúa là "thần công". Cứ cho đủ phân bón, lượng nước cho đúng mức là nó lên đầy đồng. Cây lúa không cao như lúa cổ truyền, nhưng bụ bẫm, dẻo dai. Khi có bão tố nó nằm rạp xuống, chờ khi bão qua, lại đứng thẳng lên. Tới mùa gặt mà người ta về Cần Thơ, An Giang xem thì thật là sướng mắt: "Cánh đồng mênh mông, cánh đồng bát ngát, ôi cánh đồng dào dạt lúa thơm nồng".

          Đến năm 1971 thì lúa thần nông đã phủ được trên 2,6 triệu mẫu ruộng, bằng 42% diện tích canh tác rồi. Hai động lực này đẩy mạnh sản xuất thóc lên trên bảy triệu tấn, cao hơn năm 1966 là 63%. Nhập cảng gạo lập lức xuống chỉ còn 160.000 tấn. Với đà này thì chẳng mấy lúc nữa là đã đủ gạo ăn và có khi còn dư để xuất cảng (4).
          Nhiều quan sát viên quốc tế đã cho chương trình "Người cày Có ruộng" là một trong những chương trình cải cách điền địa thành công nhất ở các nước hậu tiến (5). Nó là điểm vàng son của nền Đệ nhị Cộng hoà. Bao nhiêu hy vọng! Biết đâu chẳng mấy lúc nữa, ánh bình minh lại chẳng chiếu rọi khắp thôn quê? Cuối năm đó, một chương trình phát triển kinh tế hậu chiến do nhóm nghiên cứu Lilienthal - Vũ Quốc Thúc được cơ quan viện trợ Hoa kỳ USAID tài trợ đã ra mắt. Người ta bắt đầu nghĩ tới phát triển lâu dài.

          Mùa hè đỏ lửa 1972
          Dân chúng Việt nam ăn cái tết năm Nhâm Tý khá vui vẻ. Pháo nổ rộn rã. Bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành câu đối đỏ, không có gì là thiếu. Tháng Giêng là tháng ăn chơi, mãi tới tháng hai mới đi trồng đậu, trồng khoai, trồng cà. Đậu phộng mọc nhanh nên tháng ba là đậu đã già và "ta đi ta hái về nhà phơi khô".

          Nhưng rồi nào có đi hái đậu. Tháng ba năm đó đại bác lại nổ rền trời trên vùng vĩ tuyến. Chiến tranh bỗng leo thang, bắt đầu từ cuộc "Tấn công mùa Xuân" của quân đội Bắc Việt tại Quảng Trị. Lúc này, thay vì thế công, Việt nam cộng hoà lại chuyển sang thế thủ. Đà tiến triển kinh tế bỗng khựng lại giữa "mùa hè đỏ lửa". Trên 200 cầu bị hư hại, bao nhiêu cây số đường xá bị phá huỷ, 40% sản xuất cao su bị mất vì rừng cao su đã trở nên bãi chiến trường. Thêm mấy trăm ngàn người nữa từ miền vĩ tuyến chạy vào phía nam, làm cho số người di cư tăng vọt lên 1,2 triệu. Áp lực nhu cầu tiếp tế càng thêm nặng nề: lương thực, nước uống, thuốc men, vệ sinh, lều trại.

          Năm ấy lại là năm mất mùa vì hạn hán! Nhập cảng gạo nhảy lên 284.000 tấn (6).
          Tuy nhiên, vào những tháng cuối năm 1972, tình hình lại trở nên tốt đẹp hơn, và nền kinh tế bắt đầu có nhiều dấu hiệu phục hồi. Thần khí của đất nước linh thiêng, sức mạnh của nhân dân dồi dào. Cứ mỗi lần ngã xuống lại tìm cách hồi sinh. sức chịu đựng, ý chí kiên trì được quốc tế thán phục.

          Nền kinh tế giao thời: 1973
          Nói chung, nhìn vào kinh tế miền Nam lúc giao thời từ chiến tranh sang "hậu chiến", từ có Mỹ tới không có Mỹ, ta thấy có sáu đặc tính rõ ràng(7):
          Thứ nhất là cơ cấu chênh lệch: nghiêng hẳn về cung cấp dịch vụ, tương đương bằng 55% tổng sản lượng quốc gia (GDP). Đặc biệt là dịch vụ quốc phòng, hành chánh, quân đội Đồng minh. Sản xuất hàng hoá, vật dụng chẳng có là bao;

          Thứ hai là mức lệ thuộc vào nhập cảng: ngoài gạo còn xăng nhớt, phân bón, xi măng, hàng tiêu thụ, vật liệu sản xuất. Tất cả tương đương với hơn một nửa tổng số cung hàng hoá. Trung bình là phải nhập 750 triệu đô la một năm, khoảng 40 đô la đổ đồng trên đầu người (nên nhớ đây là đồng đô la với mãi lực thời ấy). Đang khi đó xuất cảng (cao xu, trà, hải sản, lông vịt) chỉ vào khoảng 4%-5% nhập cảng;

          Thứ ba là mức tiết kiệm sụt xuống số âm: trung bình bằng -5% tổng sản lượng gộp nội địa GDP. Lúc còn hoà bình, nó là số dương. Có năm đã lên tới +6% GDP (1960). Khi không còn tiết kiệm nội địa thì đầu tư cho phát triển phải tuỳ thuộc vào tiền bạc từ bên ngoài;

          Thứ tư là gánh nặng kinh tế của nạn nhân chiến cuộc: đoàn người di tản từ những vùng thiếu an ninh, đặc biệt là miền Trung, đã lên tới vài triệu. Một số đông di tản về thành thị, làm số người ở đây lên tới 40% tổng dân số (năm 1960 chỉ có 22%). Kết quả là thất nghiệp cao ở thành thị (14%) cùng với những tệ đoan xã hội đi kèm. Đang khi đó nông thôn lại thiếu người canh tác;

          Thứ năm là gánh nặng quốc phòng: tình trạng an ninh "thời hậu chiến" còn đòi hỏi một nhu cầu quốc phòng quá lớn, cần chi tiêu tới 50% ngân sách (242 tỷ đồng).
          Tài trợ cho phát triển chỉ còn 9% (66 tỷ đồng). Rồi vấn đề nhân lực: 1,2 triệu thanh niên còn phải vác súng, chưa kể 310.000 công, tư chức. Ngoài ra còn số người di tán kể trên, tất cả cũng vượt 30% nhân lực lao động.

          Thêm vào năm điểm này phải kể tới một điểm quan trọng khác:
          Thứ sáu, tâm lý dựa vào viện trợ: nhìn lại giữa thập niên 1960, ta thấy cái tâm lý này nó đã mau bén rễ. Nền kinh tế Việt nam bé nhó, hậu tiến, sản xuất căn bản là nông nghiệp. Khi quân đội Mỹ ào ạt kéo sang, nhu cầu quốc phòng, tiêu dùng, xây dựng hạ tầng cơ sở nhảy vọt. Mà sản xuất nội địa còn yếu kém, căn bản chỉ là gạo thóc. Để tránh tình trạng khan hiếm, lạm phát phi mã thì chỉ còn cách nhập hàng hoá từ ngoài vào. Nhưng lại nhập quá nhiều và quá nhanh. Tài trợ nhập hàng hoá gồm bốn nguồn: viện trợ nhập cảng (CIP)(Capital Improvement Projects có nghĩa là những dự án chính) + viện trợ thực phẩm phụng sự hoà bình + viện trợ dự án + số đô la phía Mỹ mua tiền Việt nam. Tổng số này đang từ 162 triệu năm 1964 tăng lên tới 830 triệu năm 1966, cao hơn năm lần. Tiền bạc dồi dào, cứ thế mà xài. Chi tiêu công cũng như tư có bề thả lỏng.

          Cả Sài gòn chẳng thấy thiếu thứ gì: radio, TV, tủ lạnh, máy điều hoà không khí. Báo chí ngoại quốc gọi Sài gòn là Hondaville. Ngoài nhập cảng, lại còn một nguồn khác: thuốc lá, rượu mạnh, đồ gia dụng từ hệ thống tiếp liệu PX lọt ra thị trường. Cứ đứng trước cổng căn cứ Long Bình mà xem thì rõ.

          Chính sách kinh tế thường hay được tính toán dựa theo dự phóng xem số tiền đô la sẽ bơm vào nền kinh tế là bao nhiêu.
          Sự kiện này làm tăng lên cường độ của tâm lý lệ thuộc kinh tế VN tai hại hơn, nó lại mang tới nhiều cơ hội tham nhũng cho nhiều người, ở mọi tầng lớp, trở thành ung nhọt xã hội.
          Triển vọng tái thiết
          T
          hế nhưng, đằng sau những vấn đề khó khăn, những yếu kém, lại có những yếu tố thuận lợi cho công cuộc phát triển.
          Với một dân số 20 triệu, thị trường miền Nam lớn hơn các nước Afghanistan, Australia, Hồng Kông, Mã Lai, Nepal, New Zealand, Singapore, Sri Lanka, và Đài Loan. Lợi tức đổ đồng cho một người của miền Nam (tương đương khoảng 150 đô la một năm) còn cao hơn ở các nước Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan và Thái Lan hồi đó (8).

          Nông nghiệp
          Về nông nghiệp, cải tiến kỹ thuật và lúa thần nông đã nâng sản xuất lên tới bảy triệu tấn thóc vào năm 1973, tương đương bằng 4,6 triệu tấn gạo, gần tới mức đủ ăn. Dự phóng là chỉ tới 1976 đã có thể xuất cảng. Triển vọng này là niềm hy vọng không nhỏ trong lúc khó khăn. Chương trình đa dạng hoá nông nghiệp cũng bắt đầu có kết quả. Các loại cây ăn trái, bắp, đậu phụng, đậu nành, khoai tây, rau cỏ phát triển hết sức nhanh.

          Cây công nghiệp được đẩy mạnh để thay thế nhập cảng: sản xuất thuốc lá đã tới trên 18.000 tấn so với 9.000 tấn năm 1971 ; mía đường lên trên 900.000 tấn, gần gấp ba mức 1970. Dự phóng cho 1975 là sẽ tăng gấp đôi, tức 1,8 triệu tấn. Ngô bắp thì từ 31.000 tấn (1970), tăng lên trên 50.000 tấn (1974).

          Lại có khả năng phục hồi sản xuất 70.000 tấn cao xu mức tiền chiến(9). Ngành ngư nghiệp được canh tân, ngư thuyền với máy đuôi tôm lượn đi lượn lại khắp sông rạch. Xuất cảng tôm và hải sản từ vỏn vẹn 500.000 lên gần 11 triệu đô la. Dự phóng cho 1975 là 30 triệu. Tổng số xuất cảng năm 1973 lên tới 53 triệu, tuy khiêm nhượng nhưng cũng là tăng gấp ba lần năm 1972.
          Phát triển con người

          Xét đến cùng, con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất trong việc phát triển kinh tế lâu dài. Tỷ như nước Nhật, tài nguyên rất ít, không có một giọt dầu, thế mà thành quốc gia tiền tiến vào hạng nhất. Còn như những nước dầu lửa Kuwait, Saudi, tiền bạc nhiều biết mấy mà đâu có mức phát triển kinh tế, xã hội cao.

          Với 80% dân số là người Kinh, đa số theo Phật Giáo, miền Nam không có vấn đề thù nghịch sắc tộc hay tôn giáo quá đáng như miền Trung Đông chẳng hạn. Ngôn ngữ lại đồng nhất, khác nhau chỉ là về cách phát âm. Việt nam là nước duy nhất ở Á châu dùng mẫu tự La mã a, b, c, rất tiện cho việc tiếp thu kỹ thuật, văn hoá ngoại quốc.
          Gần 20 năm hoạt động, cơ quan Viện Trợ Hoa kỳ USAID đã giúp Chính phủ Việt nam phương tiện và kỹ thuật để phát triển giáo dục và đào tạo. Năm 1973, tỷ lệ biết đọc, biết viết là 70% rất cao so với các nước Á châu láng giềng hồi đó.

          Trước năm 1954, miền Nam không có đại học. Muốn học cử nhân phải ra Hà nội. Tới 1973, Đại học Sài gòn đã đứng vào hàng quốc tế. Vài thí dụ: bác sĩ xuất thân từ Đại học Y khoa đủ sức phục vụ cho đoàn quân 1,2 triệu mà không cần đến bác sĩ nước ngoài. Sau này họ di tản sang Mỹ, chỉ cần một hai năm đào tạo lại và học thêm tiếng Anh là hành nghề được ngay. Luật gia tốt nghiệp từ khuôn viên "cây dài bóng mát, con đường Duy Tân", đã làm việc cho các hãng Mỹ ngay ở Sài gòn, và được thán phục. Khi họ đi du học thì thấy luật pháp Mỹ quá rõ ràng, học lại còn dễ nữa.

          Ngoài đại học Sài gòn còn sáu đại học khác: Đà Lạt, Vạn Hạnh, Minh Đức, Hoà Hảo, Cao Đài, Cần Thơ. Năm 1973, tổng số sinh viên đại học lên tới 98.832 so với chỉ vỏn vẹn có 2.900 vào năm 1955. Số học sinh trung học trong cùng năm ấy là trên một triệu so với 43.000; và học sinh tiểu học, trên ba triệu so với 401.000. Ngoài ra còn các trường cộng đồng, trường huấn nghiệp, các chương trình công nghệ mọc lên như nấm.

          Chiến tranh lại cũng đào tạo được bao tay nghề đang chờ mong được đóng góp vào sản xuất cho nền kinh tế thời bình. Việc chuyển nhượng kỹ thuật trong thời chiến đã thể hiện rõ ràng ở Nhật. Quân đội Mỹ đóng ở Nhật sau đại chiến và chiến tranh Bắc Hàn đã giúp cho nhân công Nhật Bản tiếp thu được kỹ thuật lắp ráp xe tải, xe tăng. Đội ngũ này sau chuyển sang làm xe hơi, bây giờ cạnh tranh với xe Mỹ, Đức. Ở Miền Nam, mười năm chiến tranh đã giúp có biết bao nhiêu tay nghề: xây dựng, máy móc, lắp ráp, sửa chữa, truyền tin, kiến trúc sư. Đội ngũ thợ xây dựng Đà Nẵng được các nhà thầu ngoại quốc khen ngợi. Khối Công Binh tiếp nhận được ngành nghề cao về xây cất đường xá, cầu cống, nhà cửa. Rồi đoàn phi công bay trực thăng, máy bay vận tải, khu trục cơ, phản lực F5, ra chiến trường thì can đảm, đến khi lái máy bay dân sự có chiêu đãi viên lo cà phê, cơm nước thì lại càng vi vút hơn.

          Hạ tầng cơ sở
          Một kết quả tốt của chiến tranh là mang tới cho Miền Nam một hạ tầng cơ sở khá tốt, giúp phát triển kinh tế lâu dài. Xây dựng hạ tầng là rất tốn phí và mất thời gian. Tỷ như quá trình xây một cái cầu: từ lúc làm dự án tiền khả thi, tới lúc đánh giá, rồi làm dự án khả thi, tìm nguồn tài trợ, thương thuyết, đi vay, tới xây cất, lúc xong trung bình cũng phải mất năm năm. Đó là một lý do tại sao lại hay có "kế hoạch ngũ niên".

          Nhu cầu quân sự trong thời chiến đòi hỏi xây cất nhiều phi trường. Ngoài những phi trường lớn như Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Đà Nẵng, Cần Thơ có thể tiếp nhận phản lực đủ loại còn có những phi trường nhỏ ở Đà Lạt, Huế, Kontum, Phú Quốc. Pleiku, Rạnh Giá, và Qui Nhơn. Cộng thêm vào là khoảng 100 sân bay tý hon, rải rác khắp nơi, rất tiện cho việc liên lạc giữa các địa phương (10).

          Về vận chuyển đường thuỷ thì miền Nam có tới 4.780 cây số sông, rạch (3.000 dậm Anh). Khoảng một nửa là sông ngòi, nửa kia là kinh, rạch. Đó là phương tiện giao thông rẻ tiền nhất và thuận lợi cho nông, ngư dân. Hải cảng lớn gồm Sài Gòn, Cam Ranh, Đà Nẵng, Nha Trang, Rạch Giá. Những địa điểm rất tiện cho tàu bè cập bến, tiếp vận cho mọi miền dọc theo gần 1.000 cây số bờ biển và duyên hải. Nguồn lợi trông thấy là những cảng này lại có thể đáp ứng hết nhu cầu hàng hải của Lào, bị khoá chặt trong đất liền, miền Đông Kampuchia, và có thể cả miền đông bắc Thái Lan.

          Còn đường xá, các nước hậu tiến trông thấy đường xá miền Nam mà thèm. Tất cả có tới 21.000 cây số đường (khoảng 13.000 dậm), trong đó gần 9.500 cây số đường nhựa, đi được quanh năm. Cầu các loại to, nhỏ bắc qua sông tới gần 4.000 cây rất nhiều cầu đã bị hư hỏng, nhưng sửa chữa lại thì cũng nhanh. Tính ra cũng có tới gần 170.000 xe tải và trên 51.000 xe hành khách lưu thông trên hệ thống đó.

          Viễn thông của một nền kinh tế phồn thịnh
          Vì tài nguyên và con người như vậy, nên Miền Nam thực sự đã có triển vọng phát triển một nền kinh tế phồn thịnh, hết bị lệ thuộc.
          Về hạ tầng cơ sở, không phải là ông Trời không ưu đãi. Có điều là tiềm năng nằm đó mà chưa khai thác ra được. Trên con đường tiến tới tự túc tự cường, có hai của quý Trời phú: túi dầu nằm ở thềm lục địa và Vịnh Cam Ranh.

          Kho tàng dầu lửa: tài nguyên Trời cho
          Cho dù không bằng túi dầu của Indonesia, một nước trong khối OPEC, tiềm năng dầu lửa, dầu khí trong một vùng rộng 500.000 cây số vuông của thềm lục địa Miền Nam không phải nhỏ. Năm 1973, vừa hô lên đã có bao nhiêu hãng dầu quốc tế nhảy vào, bất chấp là tình hình an ninh chưa ổn định. Hai vòng đấu thầu năm đó cũng đã mang lại được 17 triệu đô la. Vào lúc liền đang cạn, giá trị tâm lý của số tiền này còn lớn hơn mấy lần. Đấu thầu năm 1974, số tiền lên tới 30 triệu.

          Chính phủ cấp giấy phép cho sáu tổ hợp công ty dầu lửa được khai thác 13 địa điểm trong một khu vực 82.000 cây số vuông.
          Đây mới chỉ là 16% của thềm lục địa.

          Đến cuối 1974, tất cả các công ty đều hoàn thành nghiên cứu chi tiết về địa chất. Theo hợp đồng, các công ty khoan thầu phải bắt đầu khoan dầu thử nghiệm trong vòng 24 tháng kể từ lúc hợp đồng có hiệu lực. Thế mà hai công ty trúng thầu đợt một đã bắt đầu khoan một năm trước hạn chót: Pecten vào tháng Tám, và Mobil, tháng 10.

          Chỉ hơn hai tuần, vào ngày 17 tháng Tám 1974, Pecten đào trúng ngay dầu ở lô 08-TLD, đặt tên là HÔNG-X. Kết quả cho thấy có dầu dưới độ sâu 1.374 mét. Rồi giếng thứ hai, DỪA l-X, trong cùng một diện tích lại tìm được khả năng dầu thô và dầu khí cao hơn. Thử nghiệm cho thấy tất cả có hai nguồn: mỗi nguồn có thể khai thác ngay 1.514 thùng dầu thô một ngày và 5,8 triệu thước khối Anh (cubic feet) dầu khí một ngày. Sau đó, lô DƯA l-x được chính thức tuyên bố chính xác là "mỏ dầu". Hãng Pecten rất vui mừng, nên tiến hành khai thác ngay lô 06-LTD, và đã tìm thấy có dấu hiệu còn khả quan hơn.
          Tới tháng 10, 1974 hãng Mobil khoan giàn BẠCH HỔ 1, tại lô 04-TLD, tìm được "lượng dầu quan trọng" dưới độ sâu trên 2,7 cây số (9.000 feet). Tin mừng cứ thế đến liên tục. Hãng Marathon và Union Texas quyết định khoan giếng đầu vào cuối 1974. Hai hãng Esso và Sunningdale có kế hoạch khoan dầu vào tháng 4-1975! Ước tính là vào cuối 1975, sẽ có ít nhất 20 dàn khoan. Sản xuất một lượng dầu khả quan sắp được bắt đầu muộn lắm là vào cuối năm 1977.

          Có lần chúng tôi được một hãng khoan dầu mời ra xem dàn khoan ngoài khơi. Trên chuyến trực thăng, tôi hỏi anh phi công Pháp: "Anh nghĩ Việt nam có nhiều dầu không?" Anh vui vẻ trả lời tôi không biết rõ, nhưng theo kinh nghiệm làm việc cho các hãng dầu lửa nhiều năm, tôi thấy ở nơi nào có nhiều tôm là có dầu lửa". Nghe thật mát ruột. Anh ta còn thêm: "Tôi nghĩ rằng quý ông có cả dầu lửa ở Đồng Bằng Cửu Long nữa". Thực hư không biết, nhưng đầu năm 1975, có người giới thiệu một công ty ngoại quốc (mà hiện tôi không nhớ là hãng nào) tới văn phòng để bàn về chuyện này. Họ nói "chúng tôi nghiên cứu sơ khởi và tin rằng có dầu lửa, dầu khí ở vùng Cửu Long".

          "Ở đâu?" tôi vội vàng hỏi. "Chúng tôi không thể trả lời ông được, vì phải chi phí tốn kém mới có những thông tin này". Họ đề nghị Chính phủ hai điểm: thứ nhất, cho công ty đào ngay mà không phải qua thủ tục đấu thầu, hành chánh rườm rà; thứ hai, khi khai thác được dầu sẽ chia đôi, một nửa cho công ty, một nửa cho Chính phủ. Tôi nói ngay với Tổng thống Thiệu về việc này. Ông tỏ vẻ vui mừng nói "trong lúc này, ai làm được gì giúp ích là phải cho ngay."

          Tin tức về dầu lửa luôn được báo chí đăng lên trang đầu. Truyền hình chiếu những cảnh dàn khoan bận rộn ngoài khơi, những ngọn đuốc đốt bằng dầu khí chiếu sáng vòm trời vào đêm khuya. Trong khung cảnh tối tăm cuối năm 1974, những ngọn đuốc này cũng mang tới một tia sáng loé lên trong tâm trạng dân quân Miền Nam.
          Vịnh Cam Ranh

          Vịnh Cam Ranh được coi là vịnh có nước sâu, đẹp và tốt nhất ở Đông Nam Á. Người ta còn so sánh Cam Ranh với Vịnh San Francisco ở Mỹ. Thời Pháp thuộc, ngân sách các nước thuộc địa eo hẹp, tuy biết triển vọng của vùng này, nhưng họ vẫn để nằm ụ ở đó, chỉ dùng một cảng nhỏ cho vài chiếc tàu hải quân Pháp. Cách Sài Gòn 400 cây số, Vịnh nằm vào vĩ tuyến 12, gần ngay trục giao thông hàng hải quốc tế Singapore, Hồng Kông, Thượng Hải, Yokohama. Cam Ranh chỉ xa trục này chừng một giờ tầu biển, trong khi Vũng Tàu cách ba giờ, Hải Phòng cách tám giờ. Vịnh có chiều sâu trung bình từ 18 tới 20 mét. Chỗ sâu nhất là 30 mét. Hải sản nơi đây phong phú, nổi tiếng là tôm hùm Bình Ba và sò Trà Long. Ngoài ra còn nguồn cát trắng với chất lượng cao rất là phong phú. Dọc theo bờ biển năm sáu cây số, mỏ cát Thuỷ Triều nằm ở phía Bắc bán đảo Cam Ranh. Nơi đây có cát trắng với độ sạch tới 99%, là nguyên liệu dùng sản xuất pha lê loại thượng hạng và thuỷ tinh quang học.

          Ngoài ra còn có khoáng chất thạch anh (quazt) quý giá, dùng làm đồng hồ chạy thật chính xác. Tôi còn nhớ mỗi khi gặp ông Đại sứ Nhật, thấy ông chỉ hay hỏi han về tiến trình phát triển "Vùng Vịnh". Sau này tôi mới được biết là vừa có Hiệp định đình chiến là đã có một công ty Nhật vào làm nghiên cứu khả thi cho một dự án hoá dầu (petrochemical).
          Vịnh Cam Ranh là một bình phong chắn gió an toàn cho tàu bè trú ẩn khi bão tố. Cửa biển vào vịnh rộng ba cây số, sâu 20 mét, không có phù sa bồi. Vào thời "Nhật Nga Chiến kỷ", năm 1905 hạm đội Nga do Đô đốc Z.P. Rozhestvensky chỉ huy trên đường đi đánh trận hải chiến Tsushima, đã vào Cam Ranh trú ẩn. Năm 1941 Nhật chiếm đóng Cam Ranh rồi rút năm 1945.

          Nga tiếp tục nhòm ngó. Mùa xuân 1975, vào lúc tình hình căng thẳng nhất, ngày 23 tháng Ba, giữa một buổi họp trong văn phòng Tổng thống Thiệu, Đại tá Võ Văn Cầm, Chánh Văn phòng gõ cửa vào đưa một báo cáo từ miền Trung cho ông Thiệu: hải quân ta vừa phát hiện có máy bay trực thăng Nga bay thám thính trên không phận Vịnh Cam Ranh".
          Ông Thiệu nổi sùng, "Để nó bay đi rồi còn báo cáo gì nữa!"
          Bán đảo Cam Ranh

          Hai mươi năm sau khi Nhật rút khỏi Cam Ranh, quân đội Mỹ vào xây cất lên một công trình vĩ đại. Với diện tích 260 cây số vuông ( 100 square miles), bán đảo này giống như hình một cái chai, có chiều dài 12 cây số và chiều ngang bảy cây số ở điểm rộng nhất. Một hệ thống tiếp liệu rất lớn gồm các kho nhiên liệu, kho đạn, xưởng đại tu xe tăng, nhà máy điện, khu nhà ở, giải trí được xây cất. Thêm vào là phi cảng quân sự thật lớn. Sân bay có hai đường băng 3.200 mét, phi cơ loại nào đáp xuống cũng được. Hệ thống đường bộ chằng chịt, giao thông rất thuận tiện. Là một bán đảo, hai bên là biển mà lại có hồ chứa nước ngọt lớn, với trữ lượng thường xuyên hàng trăm ngàn mét khối. Đó là Hồ Ao Hổ rộng 250 mét, dài 1,5 cây số. Vào cuối mùa khô tính ra cũng còn gần 300 triệu ga-lông nước. Nhờ mỏ nước ngọt trong lòng đất nên cây cối xanh tươi. Ngoài hồ, còn một số giếng nước do quân đội Mỹ đào, tụ lại thành 10 điểm cung cấp nước ngọt cho 15.000 lính.

          Hải cảng Cam Ranh
          Cảng này là một trong ba cảng thiên nhiên tốt nhất thế giới, đứng sau Sydney (Úc) và hơn Rio de Janeiro (Brazil). Ngoài bốn bến tầu (trong chín bến lúc đầu) còn tốt, còn có nhiều cầu tầu có thể bỏ neo bốc rỡ hàng hoá, và 14 phao nổi được cột xuống chắc chắn.
          Khi Mỹ trao lại cho Việt nam cộng hoà vào tháng Sáu thì bán đảo Cam Ranh là một của quý. Đã có sẵn một hải cảng lớn, vừa gần biển, vừa cách biển, lại có một hạ tầng cơ sở nằm sát bên để phát triển kỹ nghệ, du lịch, thuỷ hải sản, đóng tầu, sửa tàu, vận tải thương thuyền hàng hải. Cam Ranh còn có hệ thống ra đa tối tân, hệ thống thông tin liên lạc qua Thái Lan. Phillippines bằng giây cáp ngầm xuyên biển, hết sức hấp dẫn với các nhà đầu tư quốc tế. Bắt ngay lấy cơ hội, phía Việt nam cộng hoà yêu cầu Cơ quan viện Trợ Hoa kỳ SAID tài trợ một nghiên cứu sơ khởi, một dự án tiền khả thi, nhằm biến đổi một phần của bán đảo Cam Ranh, thành một khu công nghiệp.

          Theo kết quả nghiên cứu thì Cam Ranh có thể phát triển theo nhiều giai đoạn.
          Giai đoạn đầu là phát triển một khu công nghiệp khoảng 2.000 mẫu tây gồm khu nhà máy, khu nhà ở, giải trí, khuôn viên bảo tồn thiên nhiên. Cảng thì đã có sẵn. Khu kỹ nghệ có thể cho thuê được ngay gồm 480 mẫu tây mặt bằng, cộng với 85.40 mét vuông nhà xưởng. Vì không phải mất tiền đền bù việc di dân, cũng không phải xây cất hạ tầng cơ sở, nên dự án tiết kiệm được thời giờ và ít tốn kém. Chỉ trong hai năm là xong. Chi phí lại rất thấp: khoảng 10 triệu đô la, trong đó số tiền tương đương bảy triệu là tiền Việt nam để trả nhân công, chí phí nội địa. Chỉ cần ba triệu đô la trả tiền kỹ sư và vật liệu nhập cảng là đủ. Trong giai đoạn đầu có thể cho phát triển kỹ nghệ nặng. Đặc biệt là công nghiệp hoá-dầu, amonium, phân Urea, Natri cácbônát khan (soda ash), kỹ nghệ kính để cho các công trình kiến trúc.

          Tất cả những nhà máy này tốn khoảng 155 triệu đô la để xây dựng và chỉ trong vòng năm năm là có thể bắt đầu hoạt động sản xuất.
          Thực ra, không phải đợi tới sau năm năm: đang phát triển giai đoạn đầu là đã có thể làm những bước cho giai đoạn hai, nhắm vào kỹ nghệ nhẹ, chế biến. Khách đầu tư sẽ đổ xô vào "vùng Vịnh" Việt nam. Rồi tới những kỹ nghệ nặng hơn nữa như sắt, thép, kỹ nghệ lọc dầu, kết hợp với các dàn khoan dầu ngoài khơi.

          Cảng Cam Ranh dần dần sẽ được tận dụng. Từng bước một, công trình nghiên cứu kết luận: "Phát triển cho đúng mức, tiềm năng của cảng Cam Ranh bằng Singapore, nó sẽ là cảng Hồng Kông thứ hai."

          Tóm lại, nếu tổng kết toàn bộ những yếu tố tiêu cực, tích cực thì hình ảnh của nền kinh tế Miền Nam thời "hậu chiến" không phải là đen tối. Trái lại có thể nói là có nhiều triển vọng, nhiều nhà kinh tế đã đồng ý rằng Miền Nam hội đủ điều kiện cần thiết để tiến tới chỗ thoát khỏi tình trạng hậu tiến, cũng giống như Đài Loan, Nam Hàn. Và việc phát triển sẽ mất ít thời gian hơn là các quốc gia kia, một phần vì đã có sẵn những xây cất hạ tầng tương đối đầy đủ. Lại còn thêm của Trời cho. Quan sát tại chỗ, Đại sứ Martin đã phát biểu cho ký giả tuần báo U.S. News and World Report (11):

          "Đôi khi ta thấy trong cùng một quốc gia có sự phối hợp giữa tài nguyên phong phú, một hệ thống hành chính có quyết tâm với những chính sách kinh tế hợp lý một dân tộc thông minh, khéo léo, và hết sức dẻo dai, với một khả năng cố gắng bền vững, một quyết lâm mãnh liệt và tha thiết bảo tồn tự do của mình.

          "Khi có một kết hợp như vậy, như hiện đang có ở Miền Nam Việt nam, thì chỉ cần một nguồn tài chính từ ngoài vào làm vai trò tác dộng, để nối kết tất cả những yếu tố này lại với nhau thì có thể có những kết quả thật là xuất sắc"

          Thực vậy, vào thời điểm đó, mục tiêu tiến tới độc lập về kinh tế sau một kế hoạch ngũ niên (1975-1980) là rất có thể tin được Bộ Kế hoạch ước tính là chỉ cần có nguồn tài chính khiêm nhường khoảng 700 triệu đô la một năm để giúp tài trợ cho kế hoạch này là "bung ra" được rồi (take-off). Từ 1980, miền Nam sẽ không còn phải dựa vào Hoa kỳ nữa.
          Như vậy, tổng số của nguồn tài chính này tính ra là 3,5 tỷ đô la (700 triệu cho năm năm), xấp xỉ bằng số tiền người Việt từ nước ngoài đang gửi hằng năm về cho thân nhân ở Việt nam ngày nay.

          Chú thích:
          (1) Về sản xuất gạo của hai miền Nam, Bắc, xem Nguyễn Tiến Hưng, Economic Development of socialis Vietnam, 1975-1980, trang 3-16 và Haut Commissariat de France Pour L indochine, Annuaire Statistique de l Indochine, 1939-1940.
          (2) Nguồn: USAID.
          (3) Sách nổi tiếng của Dam Smith là The Wealth of nations (1776).
          (4) Tài liệu Bộ kế hoạch, VNCH, và USAID.
          (5) Nguồn: USAID.
          (6) Nguồn: USAID.
          (7) Nghiên cứu của tác giả.
          (8) Xem Business International Asia/pacific Ltd., Risks and Rewards in Vietnam s Market trang 13.
          (9) Tài liệu Bộ kế hoạch, VNCH, và USAID.
          (10) Business International Asia/pacific Ltd., Risks and Rewards in Vietnam s Market, trang 74.
          (11) J. U.S. News and World Report, 29 tháng 4, 1974.
          hết: P2 - Chương 5, xem tiếp: P2 - Chương 6

          Comment


          • #6
            Khi Đồng Minh THÁO CHẠY


            Nguyễn Tiến Hưng-Khi đồng minh tháo chạy
            P2 - Chương 6

            Cú sốc mùa Thu


            Em không nghe mùa thu,
            Lá thu kêu xào xạc,
            Con nai vàng ngơ ngác,
            Đạp trên lá vàng khô?
            ("Tiếng thu" - Lưu Trọng Lư)

            Mùa thu là mùa êm đềm, lãng mạn. Nó gây cảm hứng cho biết bao nhiêu thi sĩ, nhạc sĩ, giúp họ sáng tác nên những vần thơ, ca khúc bất hủ, vượt thời gian.

            Cuối hè vào thu năm 1973, tình hình kinh tế, quân sự tại miền Nam có bề tiến bộ. Tình hình tương đối lắng dịu. Ảnh hưởng cuộc tấn công mùa hè đỏ lửa coi như đã khắc phục được, công việc tái định cư đoàn người di tản từ vĩ tuyến đang tiến hành khả quan, tình trạng thoái trào kinh tế của năm 1972 có chiều hướng kết thúc. Nền kinh tế đang bắt đầu có những bước đi trên đường tiến tới tự túc tự cường. Chỉ tiêu quan trọng nhất là thóc gạo: sản xuất đã tới mức gần bảy triệu tấn, cao hơn mức 1966 tới 63%. Xuất cảng bắt đầu vươn lên, và ngân sách bắt đầu tăng nguồn thu nội địa. Bước sang thu, Miền Nam thấy có chút ánh sáng cuối đường hầm. Đùng một cái, chiến tranh Do Thái- Ả Rập đột nhiên bùng nổ. Chẳng khác gì một trận động đất lớn tới 8 độ Richter, sức rung chuyển của nó dữ dội. Nhưng Do-thái- Ả Rập ở xa Việt nam bao nhiêu ngàn dậm, đâu có vấn đề gì?
            Ấy thế mà độ rung của nó lại thành ra cú "sốc" dữ dội, làm xiêu nhà đổ cửa, tan hoang điêu tàn.

            Trận chiến Trung Đông
            Ngày mồng sáu tháng 10, có tin giao tranh lớn tại Miền Trung Đông. Thoạt đầu ai cũng cho là chuyện không quan trọng. Từ bao nhiêu thế kỷ rồi, mấy anh em cùng một Tổ Phụ Abraham mà có thương yêu gì nhau đâu. Ngược lại còn xung khắc hết đời này sang đời khác. Chỉ khổ cho dân vô tội, nạn nhân của những cuộc tranh chấp. Sáu năm trước đó, vào tháng Sáu, 1967 cũng đã có trận lớn: Do Thái lấn chiếm vùng đất Sinai, Cao nguyên Golan (Golan Heights) để dạy cho Ai Cập một bài học. Nhưng trong trận này, ngoài khối Ả Rập, ít xứ khác bị ảnh hưởng vì cuộc chiến. Kể từ năm đó, quân đội Do Thái được tân trang, ngày một lớn mạnh, lại có Mỹ đứng sau. Do Thái bắt đầu ỷ y: khối A Rập đâu có dám gây hấn lớn nữa.

            Thế nhưng, sự việc bất ngờ đã xảy ra. Vào ngày Yum Kippur, mồng sáu tháng 10, năm 1973, khối A Rập bất chợt tấn công. Yum Kippur là ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người Do Thái, ngày Lễ Đền Tội "Atonement", một ngày để ăn chay, suy ngẫm, cầu nguyện. Ngày đó, giống như Lễ Tro Lửa đạo Công giáo, là ngày nhắc nhở cho con người rằng mình chỉ là cát bụi và cũng sẽ trở về với cát bụi. Đúng giờ dân Do Thái đang cầu kinh, suy gẫm thì quân đội Ai Cập và Syria đồng loạt khai chiến. Từ phía Tây, Ai cập qua nhiều ngả, tràn sang kênh Suez, theo dọc từ Port Sait ven bờ Địa Trung Hải xuống tới vùng Vịnh, đánh vào miền Sinai (đất Do Thái chiếm năm 1967). Về phía Tây Bắc, quân đội Syria đánh bọc qua vùng phi quân sự, tiến vào Cao nguyên Golan (cũng là đất chiếm 1967) (1).
            Dù đã có tình báo từ hè 1973 là khối A Rập chuyển quân về biên giới, Do Thái và Mỹ cứ tưởng là họ chỉ thao diễn tập dượt. Yếu tố bất ngờ làm Do Thái lúng túng ngày đầu khi Ai Cập lập được một phòng tuyến vào sâu trên năm dậm và Syria vào tới vùng Cao nguyên Golan (2).

            Từ ngày thứ hai thì Do Thái bắt đầu phản công. Nhưng lần này khác với trận 1967: Ai Cập có hoả tiễn phòng không SAM do Nga Xô viện trợ. Trận chiến vừa bắt đầu thì có ngay cầu không vận tiếp tế cho Ai Cập và Syria. Chỉ trong một ngày, Do Thái thiệt 35 máy bay oanh tạc cỡ nặng và sau ba ngày, số tử thương đã lên tới 1.000 người trong khi cả cuộc chiến 1967 chỉ mất 700 mạng. Lực lượng thiết giáp tiêu hao mất gần một phần ba (3).
            Do Thái cầu cứu Đồng minh

            Tiện đây, để so sánh với trường hợp Việt nam cộng hoà yêu cầu Mỹ lúc lâm nguy vào mùa Xuân 1975, ta thử nhìn qua lịch sử xem Mỹ đã hành động như thế nào khi Do Thái bị tấn công.

            Trước những thất bại không ngờ, bà Golda Meir, Thủ tướng Do Thái, vội vàng cầu cứu Hoa kỳ. Và Washington phản ứng ngay tức khắc. Tổng thống Nixon liền ra lệnh thay thế toàn bộ tổn thất cho Do Thái, và còn hơn thế nữa. Vào lúc đó, Nixon đang mất ăn mất ngủ về vụ Watergate, thế mà sao Hoa kỳ vẫn có thể hăng hái can thiệp? Đó là vì tuy bản thân ông Nixon đang bối rối nhưng đằng sau ông đã có Tổng trưởng ngoại giao kiêm Cố vấn an ninh rất tỉnh táo và vững mạnh (4). Ông Kissinger này lại vừa được giải thưởng Nobel Hoà Bình vì những thành quả ở Việt nam. Ngay trước mắt, Hoa kỳ dứt khoát phải chuyển vận thật gấp đạn dược sang cho Do Thái Thoạt đầu bên Ngũ Giác Đài còn ngần ngừ, định chỉ gửi có ba máy bay C-5A chở đạn sang cho quân đội Do Thái thôi. Tổng trưởng quốc phòng James Schlesinger không lấy gì làm hăng say, còn hững hờ là khác. Ông e ngại hậu quả không hay cho Mỹ vì chắc chắn khối A Rập-xô Viết sẽ trả đũa cách này cách khác để dạy cho Mỹ một bài học. Kissinger liền vào "méc" với Nixon về thái độ lừng chừng của Schlesinger. Nixon gởi liền cho ông này và chỉ thị lập cầu không vận ngay lập tức dể tiếp liệu cho Do Thái. "Tôi sẽ chấp nhận tất cả hậu quả, dù khối A rập có tuyệt giao và cắt cả nguồn cung cấp dầu lửa cho Mỹ đi nữa", Nixon trấn an Schlesinger (5).

            Chỉ thị của Nixon là nếu không thuê đủ máy bay vận tải dân sự thì cứ dùng máy bay quân sự: "Làm cách nào thì làm, nhưng phải cho máy bay cất cánh, và ngay bây giờ".
            Schlesinger lo ngại là nếu dùng máy bay quân sự thì có thể bị chỉ trích là nhảy vào vòng chiến. Dù có chỉ thị Tổng thống, bên Quốc phòng lại xoay con đường khác, đó là chỉ bàn cãi về việc phải dùng máy bay quân sự loại nào để chuyển vận.
            Được biết chuyện này, Kissinger lại vào rỉ tai ông Nixon.
            "Khốn kiếp" (Goddamn it), Nixon chửi thề, "hãy dùng bất cứ loại nào chúng ta có. Nói với họ là hãy gửi bất cứ cái gì có thể bay".
            Hoa kỳ tiếp cứu

            Thế là hồi ba giờ ngày 13 tháng 10, cầu không vận Mỹ-Do Thái bắt đầu: đủ loại phi cơ chuyên chở được sử dụng: C5-A, C-130, C-141. Mỗi ngày có tới 20 chuyến bay chở 1.000 tấn viện dược, quân cụ. Trong vòng mấy tuần, có tới 550 chuyến bay, một cuộc tiếp liệu còn lớn hơn cả cầu không vận Berlin trong thời gian 1948-69 (6).

            Như vậy, Hoa kỳ đã thật hăng hái trong việc tiếp cứu Đồng minh Do Thái, dù rằng việc đó bị chỉ trích là gián tiếp dính líu tới chiến tranh. Nên nhớ lại là vào thời điểm đó, vụ Watergate đang bốc hoả như núi phun lửa, và chính Tổng thống Nixon đang bị điều tra. Quyền lực của Tổng thống đã xuống rất thấp.

            Lúc đó đạo luật giới hạn "Quyền chiến tranh" của Tổng thống (War Power Act) lại đang được tranh luận sôi nổi và cuối cùng đã được thông qua vào ngày 7 tháng 11. Thế mà, Đồng minh Hoa kỳ của Do Thái thật là chung tình. Lúc có rối loạn, dù khó khăn cách mấy cũng cứ nhào vào cứu.

            Với phương tiện ồ ạt, mau lẹ, Do Thái lên tinh thần và khởi thế công kịp thời. Chỉ hơn ba tuần sau khi chiến tranh bắt đầu, khối Ả Rập đã phải ký Hiệp định Ngưng Chiến.
            Nhưng ngưng thì cứ ngưng, chứ hậu quả của chiến tranh vùng Vịnh lại chỉ mới bắt đầu.

            Cú sốc nặng nhất lại rơi ngay Miền Nam
            Khối A Rập lập tức trả đũa mạnh mẽ. Tổ Chức các Quốc gia xuất Cảng Dầu Lửa OPEC bỏ phiếu giảm hẳn mức sản xuất dầu thô cung cấp cho thế giới. Thế là giá xăng nhớt trên thị trường quốc tế bỗng nhảy vọt. Một thùng dầu thô đang từ 12 đô la, tăng gấp bốn. Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết. Các quốc gia khác, nhất là những nước hậu tiến đều phải gánh chịu hậu quả lớn lao. Bao nhiêu "Kế hoạch ngũ niên" phải vứt sọt rác. Vật giá leo thang, lạm phát lan tràn khắp nơi thì các nền kinh tế ngoài khối sản xuất dầu lửa đều bị ảnh hưởng lớn. Những thị trường không bị ảnh hưởng tức thời của giá dầu lửa là ở những nước có quan hệ với Nga Xô, kể cả Bắc Việt. Họ không bị khan hiếm vì Nga Xô vẫn chở sang lượng dầu như được ấn định hằng năm. Và vì phần lớn là dầu viện trợ nên nền kinh tế của họ ít bị ảnh hưởng vì khủng hoảng

            Còn Miền Nam thì ngược lại, chịu cú "sốc" nặng nề, tương đối là nặng nhất thế giới. Không có nước nào bị thiệt thòi như Miền Nam. Thật khó hiểu. Tại sao lại như vậy?

            Tại Bộ Kế hoạch năm đó, chúng tôi đã phân tích tình huống này hết sức rõ ràng. Có ba lý do chính được tóm tắt vắn gọn như sau:

            thứ nhất: nền kinh tế Miền Nam lệ thuộc quá nhiều vào việc nhập cảng một số sản phẩm thuộc vào loại bị ảnh hưởng tăng giá nhiều nhất như xăng, nhớt, dầu khí, dầu diesel, gạo, phân bón, đường, xi măng, sắt thép, máy móc, thiết bị. Mấy mặt hàng này trung bình tăng giá 80%. Chúng lại là những hàng chiếm tới gần 40% tổng số nhập cảng của Việt nam;

            thứ hai: các nước khác tuy phải mua xăng nhớt đắt trên thị trường quốc tế, nhưng còn có thể gỡ được phần nào khi chính họ xuất cảng vì giá hàng của họ cũng tăng lên theo. Còn ta thì lại khác. Đặc thù của mậu dịch Miền Nam lúc đó là nhập cảng gấp hơn nhiều lần xuất cảng. Trong suốt thời chiến chỉ có nhập là chính. Năm 1963 là năm cuối cùng xuất cảng được ít gạo (63.000 tấn), từ đó chỉ còn xuất lai rai chút ít như cao xu, trà, tôm cá, lông vịt, gỗ quý (xem Chương 3);

            thứ ba: nhập cảng chiếm tới một phần ba tổng sản phẩm quốc gia. Có nghĩa là khi có cú "sốc" làm tăng giá nguyên liệu nhập cảng vào thì ảnh hưởng của nó sẽ lan tràn ra mọi lãnh vực sản xuất. Khi giá phân bón, thuốc trừ sâu nhập vào tăng lên, giá gạo phải lên theo; giá bông gòn nhập vào tăng lên, sẽ kéo theo giá vải vóc, rồi giá quần áo. Và cứ như thế mà theo nhau. Cuối năm 1973, trung bình, giá nhập cảng đã tăng lên gần 50%.
            Ảnh hưởng sơ khởi của cú "sốc" là giảm ngay khối lượng nhập cảng còn 67% năm 1973 rồi 54% năm 1974. Mọi hàng từ xăng nhớt, phân bón, sắt thép, xi măng, vải vóc trở nên khan hiếm. Tình trạng này còn bị nặng nề thêm vì thị trường trong nước đã mất đi một số hàng hoá tiêu dùng quan trọng phát xuất từ hệ thống hợp tác xã PX Mỹ. Trong thời chiến, lượng hàng chui ra thị trường từ hệ thống PX không phải là nhỏ: từ thuốc lá, bia rượu, tới radiô, quạt máy, quần áo, vải vóc, thuốc men. Từ giữa năm 1973 khi quân đội Mỹ đã rút đi hệ thống PX ngưng hoạt động.

            Thế là giá tiêu thụ tăng vọt lên 66%, phản ảnh mức lạm phát chưa từng có bao giờ. Hiện tượng này ảnh hưởng tới tinh thần nhân dân, đặc biệt là quân đội, một cách sâu đậm. Một người lính trung bình được lính 20.000 đồng Việt nam một tháng, sau khi mua gạo cho gia đình năm người ăn thì chẳng còn hao nhiêu để mua thức ăn, thuốc men, chi tiêu; chưa nói tới nhà cửa, giáo dục, giải trí.

            Chạy gạo sống qua ngày
            Từ cuối 1973, về mặt kinh tế, Chính phủ Việt nam cộng hoà chỉ lo giải quyết các vấn đề bức xúc hằng ngày là cũng mất hết thời giờ. Lấy một thí dụ: thóc gạo. Thóc gạo là rường cột của kinh tế Miền Nam. Sơ sơ mà nói thì có ba vấn đề sản xuất, phân phối, và giá cả.
            sản xuất: ngoài sự bất ổn là thời tiết như lũ lụt, hạn hán là yếu tố chung cho nông nghiệp, còn vấn đề giá phân bón, thuốc sát trùng, xăng nhớt để bơm, rút nước. Giá mấy thứ này cứ vùn vụt mà tăng, gây khó khăn lớn cho nông dân, ảnh hưởng đến sản xuất. Ấy là chưa nói đến tình hình thiếu an ninh. Ở Miền Nam (và nhiều nước nhận viện trợ thực phẩm khác) lại còn vấn đề nhức đầu khác nữa về sản xuất: gạo Mỹ.

            Mỹ viện trợ hàng năm một lượng gạo trong chương trình "Thực phẩm phụng sự hoà bình" (Food for Peace) tới mấy trăm ngàn tấn, trị giá cả trăm triệu đô la. Có gạo ăn là tốt chứ tại sao lại là vấn đề? ấy thế mà có vấn đề lớn đối với sản xuất. Gạo Mỹ chất lượng tốt vì kỹ thuật chế biến cao so với gạo nội địa. Chính phủ muốn đặc biệt nâng đỡ quân, công, cán, chính, nên khi bán gạo ra, giá gạo Mỹ có lúc lại rẻ hơn giá gạo nội địa. Như vậy thì làm sao nông dân cạnh tranh được với gạo Mỹ? Ảnh hưởng này tác động ngay vào sản xuất. Mà chính sách nhà nước lại đang khuyến khích tăng gia sản xuất, tự túc tự cường.
            điều hoà giá cả: thị trường ở các nước hậu tiến đâu có "thông thương tự do" như các nước tiền tiến, nhất là ở trong hoàn cảnh chiến tranh. Khi giá dầu lửa lên vùn vụt thì lạm phát theo sát. Muốn yểm trợ người có đồng lương cố định như công chức, quân nhân thì Chính phủ phải kềm giá, tức là phải "kiểm soát giá cả". Kiểm soát tức là định ra giá. Mà làm sao định được giá! Nếu giá chính thức thấp hơn giá thị trường (giá thực) là nguồn chợ đen hoành hành bốn bề. Vậy phải mò theo thị trường mà định giá. Nhưng thị trường thay đổi hằng ngày.

            Giá Chính phủ ngày hôm nay có thể là đúng nhưng mai là trật rồi. Ngoài ra, giá trên thị trường rối ren, có nhiều giá gạo chênh lệch cùng một lúc. Thí dụ như cuối 1973 đầu 1974, gạo Mỹ là 14.000 đồng một tạ, gạo nội địa Đồng Bằng Cửu Long: 18.000 các địa phương khác: 25.000 đồng. Khấu trừ đi phí vận chuyển cũng vẫn chưa hợp lý, là vì thị trường có nhiều tắc nghẽn, đầu cơ, tích trữ, làm giả.

            Tình trạng này đòi phải điều chỉnh để cân bằng cung cầu. Nhưng mỗi lần điều chỉnh là có vấn đề khác: nâng lên thì gây bất ổn cho đời sống quân công; hạ xuống thì thiệt cho nông dân. Chưa xong, nếu điều chỉnh giá gạo thì phải điều chỉnh cả giá phân bón. Nguyên vấn đề "phân" cũng đã được báo chí bình luận không ít: nhập phân, chia phân, thiếu phân, giá phân, đầu cơ phân, và ăn phân của dân (tham nhũng).

            Phân phối: có những lúc gạo bị cấm "xuất tỉnh" vì lý do an ninh. Nhưng như vậy là lưu thông bị tắc nghẽn, gây ra khan hiếm giả tạo, tăng thêm cơ hội cho đầu cơ, buôn chui. Ngoài tắc nghẽn lại còn có khó khăn do sự khác biệt giữa hai hệ thông thu mua. Một hệ thống của Chính phủ và một hệ thống của thương gia ngũ cốc. Tổng Cuộc thực phẩm là một cơ quan Chính phủ đảm nhận thu mua thóc gạo. Mục đích là tiếp tế cho quân đội và phần nào giúp điều hoà cung cầu ở thành thị. Đối với quân đội, phải bảo đảm cho mỗi người 21 ký gạo một tháng. Riêng đô thành Sài gòn-Chợ Lớn, nhu cầu là 25.000 tấn một tháng.

            Một khi hệ thống Tổng Cuộc thực phẩm và thương gia ngũ cốc hoạt động cùng nhau nhưng với hai mục đích khác, Tổng Cuộc thực phẩm với mục đích xã hội còn hệ thống thu mua của thương gia với mục đích sinh lời, cho nên mỗi lần tăng giá gạo là có xáo trộn. Một số thương gia ngũ cốc làm ăn không lương thiện, mỗi lần nghe rục rịch tăng giá xăng nhớt là nâng giá gạo lên ngay cho chắc ăn vì chi phí vận tải sẽ tăng. Thêm vào đấy, mỗi lần được tin Tổng Cuộc thực phẩm sẽ thu mua gạo là họ tung tiền ra thu mua trước, tích trữ vào kho, tạo ra tình trạng khan hiếm giả tạo.

            Khủng hoảng dầu lửa năm 1973 và tiếp theo vào năm 1974 đã làm yếu hẳn những tiềm năng còn lại của kinh tế Miền Nam sau một cuộc chiến khốc liệt kéo dài. Ngay tức khắc, nó làm mất 35% mãi lực thực sự của đồng tiền viện trợ. Những con số Tổng thống Thiệu nêu ra khi yêu cầu Tổng thống Nixon lúc ở San Clemente là tính theo mãi lực đồng đô la vào đầu năm 1972. Cuối năm 1973 thì nó mất nhiều ý nghĩa rồi.

            Phải có 1,2 tỷ đô la mới mua được một lượng hàng hoá bằng 783 triệu như con số dự tính tại San Clemente. Mà rồi đâu có được viện trợ như hứa hẹn.
            Thế là hầu hết các tính toán cho kinh tế hậu chiến đã thành nước lã ra sông. Chỉ còn lo cho cuộc sống hằng ngày.
            Ảnh hưởng tới "Việt nam hoá"
            Cú sốc dầu lửa còn ảnh hưởng tới mặt quân sự: làm mất đi phần lớn những kết quả của chương trình "Việt nam hoá".

            Trong kế hoạch giải kết vai trò chiến đấu của Hoa kỳ (De-Americanization of the war) tại chiến trường Miền Nam, một chương trình gọi là "Việt nam hoá" bắt đầu được thực hiện vào giữa năm 1969. Chương trình này giúp canh tân quân lực Việt nam cộng hoà. Trước 1968, khả năng tác chiến của quân lực cộng hoà hết sức giới hạn. Người lính Miền Nam chỉ đủ lực trang bị phần nhiều là súng Garrand M1đã quá cổ vì dùng từ thế chiến II. Sau Tết Mậu Thân mới có súng M-16, tương đương với AK-47 quân đội Bắc Việt đã dùng từ trước.
            Chiến xa M-48 và đại pháo 155 ly cũng chỉ được trang bị sau khi Bắc Việt đưa vào Miền Nam chiến xa T-54 và đại pháo 130 ly (8).

            Chương trình Việt hoá này hết sức cần thiết để giúp Miền Nam đi đến chỗ tự bảo vệ lấy mình. Tuy nhiên nó có nhược điểm là việc canh tân quân lực Việt nam cộng hoà lại được phỏng theo mô hình quân đội Mỹ. Đó là đánh giặc kiểu nhà giàu. Theo mô hình này, quân lực Việt nam tiếp tục dựa vào hai yếu tố chính là hoả lực và di động tính (fire power and mobility). Và như vậy, về hoả lực, luôn cần bom đạn; và về di động tính, luôn cần xăng nhớt cho trực thăng. Đó là chưa kể những vật liệu bảo trì đại pháo, thiết giáp, oanh tạc cơ và trực thăng. Từ cuối 1973, giá bom, đạn, xăng nhớt tăng lên vùn vụt. Thế là cả hoả lực cả di động tính đều bị giảm (xem Chương 9).

            Ở đây, còn phải kể tới số quân dụng quan trọng (đáng giá 750 triệu đô la) mà Hoa kỳ chuyển giao cho quân lực Việt nam cộng hoà trong một chương trình gọi là Enhance và Enhance Plus vào cuối năm 1972. Số lượng chuyển giao là để bù đắp phần nào những tổn thất do Bắc Việt tấn công năm đó ("Mùa hè đỏ lửa"). Tuy nhiên, như tướng John Murray, viên chỉ huy cơ quan DAO ở Sài gòn, đã bình luận: "Ai cũng tưởng tin về vụ chuyển giao quân dụng cho Việt nam cộng hoà. Thật ra đó chỉ là những quân dụng hư hỏng hoặc cũ kỹ, lỗi thời. Phần lớn là đồ thặng dư, đòi hỏi phải bảo trì quá nhiều."

            Với cú sốc dầu lửa, giá đồ phụ tùng cần thiết trở nên quá đắt, Việt nam cộng hoà không đủ tiền mua vật liệu bảo trì, nhiều quân cụ phải nằm ụ. Quân lực Việt nam cộng hoà phải ôm chúng như của nợ (9). Đầu năm 1975, trong một buổi họp viện trợ tại dinh Độc Lập, ông Thiệu ví von sự kiện này như có một xe Cadillac mà không mua được một cái bougie để thay thì chiếc xe chỉ là đống sắt, lại còn phải canh giữ cho khỏi mất trộm.
            Mùa thu năm 1973 đã đến với nhân dân Miền Nam như một cơn ác mộng. Bên ngoài thì cứ cho là hậu chiến, nhưng bên trong thì rõ ràng là tiền chiến: sửa soạn cho một cuộc khủng hoảng đang ẩn hiện cuối chân trời.

            Chẳng dính líu gì tới Do Thái, A Rập, thế mà khi con cháu dòng họ nhà Abraham nó choảng nhau, con cháu Lạc Long lại bị cú đấm xây xẩm mặt mày.

            Chú thích:
            (1) Henry Kissinger, Years of Upheaval, trang 476-478.
            (2) Henry Kissinger, Years of Upheaval,
            (3) Richard Nixon. Memmoiry trang 922.
            (4) Henry Kissinger được tiến cử kiêm thêm chức Ngoại trưởng vào ngày 22 tháng 8, 1973, xem Richard Nixon, Memmoiry, trang 907.
            (5) Richard Nixon, Memmoiry,trang 926-927.
            (6) Henry Kissinger, A World Restored, trang 525-526; Nixon, Memoiry, trang 527.
            hết: P2 - Chương 6, xem tiếp: P2 - Chương 7

            Comment


            • #7
              Khi Đồng Minh THÁO CHẠY

              Nguyễn Tiến Hưng-Khi đồng minh tháo chạy
              P2 - Chương 7
              Làm thế nào để bớt lệ thuộc?


              Từ trên cao nguyên Tây Tạng, con sông Cửu Long hiền hoà chảy xuống đồng bằng Nam Bộ, và mỗi khi "nước sông dâng lên", lại có "cá lội vô bờ." Về sản xuất, nó giúp cho Miền Nam trù phú, tưới nước cho vựa thóc của cả nước. Thế nhưng, về chuyên chở nó lại gây nên một ách tắc vì chiều ngang con sông rộng mênh mông, có chỗ lên tới nửa cây số. Vận chuyển thóc gạo, hành khách, bằng phà qua sông thật là khó khăn. Từ mấy năm rồi, Chính phủ đã có kế hoạch xây một cây cầu lớn qua sông để khai thông tắc nghẽn.
              Nhưng sao mãi không thấy khởi sự?

              Một hôm trong buổi họp với bộ Công Chánh, chúng tôi có hỏi lý do gì mà chưa xây được chiếc cầu? Nhiều vấn dề như kỹ thuật, ngân sách, an ninh được viện dẫn để giải thích. Sau cùng, một nhân viên tại bộ phát biểu: "Thưa ông, mặc dầu cây cầu mang tên "Mỹ Thuận" nhưng Mỹ có bao giờ thuận đâu mà xây". Câu nói do một thanh niên trẻ tuổi đã tóm gọn sự lệ thuộc của nền kinh tế Miền Nam thời đó.

              Khi chiến tranh leo thang, kinh tế khó phát triển, nhiều lãnh vực lại còn tụt hậu, cung ứng cho nhu cầu của nhân dân từ ăn, ở, mặc, y tế, giáo dục, tới vận chuyển, xây cất, phần rất quan trọng được đáp ứng từ "viện trợ Mỹ" (xem Chương 19).
              Vì lệ thuộc vào viện trợ quá nhiều như vậy, nền kinh tế Miền Nam tất phải gắn liền với những gì xảy ra cho nền kinh tế Mỹ. Nấu kinh tế Mỹ khó khăn là sẽ có áp lực giảm viện trợ cho Miền Nam.

              Đúng như Tổng trưởng quốc phòng Mỹ James Schlesinger tiên đoán, khi chiến tranh Trung Đông bùng nổ và Mỹ bắt đầu lập cầu không vận tiếp cứu Do Thái, là có vấn đề ngay. Những thành viên A Rập trong Tổ chức các Nước Xuất Cảng Dầu Hoả OPEC quyết định giảm sản xuất tới mức làm cho giá dầu thô tăng gấp bốn lần. Và chỉ trong vòng mấy ngày, các nước Abu Dhabi, Libya, Saudi Arabia, Algeria và Kuwait lại áp dụng lá bài cấm vận (embargo), cùng nhau đồng loạt cắt đứt xuất cảng dầu sang Mỹ.
              Khủng hoảng dầu lửa và kinh tế Mỹ

              Khí giới dàn khoan thật là bén nhạy. Vào mùa đông rồi mà xăng nhớt, dầu khí bỗng trở nên đắt đỏ, khan hiếm. Chính phủ phải áp dụng những biện pháp khắt khe. Ngoài những biện pháp kinh tế, tài chính như thuế má, lãi suất, tín dụng có tính cách động lực để thúc đẩy sản xuất, Chính phủ Nixon còn khích lệ phát triển các nguồn năng lượng khác như mặt trời, sức gió, than củi. Ngay trước mắt, Tổng thống Nixon đem ra một loạt chính sách nhằm giảm thiểu mức tiêu thụ (1): độ sưởi trong tất cả các cao ốc Chính phủ Liên bang xuống từ trên 70 độ xuống 65-68 độ; khuyến khích đi xe chung (car- pool); ấn định tốc độ lái xe 55 dậm một giờ; đổi giờ lại thành giờ mùa hè (daylight-saving time); cấm bán xăng ngày Chúa Nhật; giảm thiểu dùng đèn chiếu sáng ban đêm; và tuyên bố sẽ cắt giảm 15% số cung dầu.

              Chưa bao giờ phải dùng những biện pháp như thế này.
              Lòng người dân bất mãn, hoang mang. Nhiều trạm xăng chỉ cho mỗi xe mua năm đồng. Xe nọ nối xe kia sắp hàng mua xăng. Người nào lẩn thẩn, mua xong rồi mà cứ đếm mấy đồng xu để trả tiền, hay đã ngồi vào xe rồi mà cứ tà tà sắp xếp, chưa chịu lái đi ngay là bị mọi người bóp còi inh ỏi. Để làm gương tiết kiệm xăng nhớt, số bóng đèn trang hoàng cây Giáng Sinh sau toà Bạch Ốc năm đó còn bị giảm 80%. Để thuyết phục nhân dân, chính Tổng thống Nixon và phu nhân đã bay sang California bằng hàng không dân sự thay vì dùng Air-force One (2).

              Theo lịch sử kinh tế, khi có lạm phát cao thì thường có nhiều công ăn việc làm. Nhưng từ trận Yom Kippur thì lại sinh ra một tình huống mới. Kinh tế học gọi nó là "lạm phát đình trệ" (stagflation): giá cả tăng lại kéo thất nghiệp lên theo.
              Lạm phát đang từ 3.2% (1972), lên 6.2%, (1973) tăng gần gấp đôi rồi lên trên 9%, gần gấp ba (1974). Đang khi đó thất nghiệp lan tràn. Trong thời gian từ cuối 1973 tới 1975, thất nghiệp tăng từ 5% tới 8,5%%. Ở mức này, gần tám triệu người Mỹ thất nghiệp.
              Hậu quả của lệ thuộc

              Giá cả Mỹ leo thang, giá cả ở Miền Nam cũng theo luôn. Trước hết là giá gạo. Với cùng một số tiền viện trợ thực phẩm, số gạo Tổng Cục Thực Phẩm mua được từ Louisiana tất bị giảm cùng mức. Rồi đến cắt viện trợ. Trong tình huống kinh tế khó khăn, Quốc hội Mỹ không những không tăng lại còn cắt thêm: trong lúc nhân dân chúng tôi cũng đang liểng xiểng, còn tiền đâu mà giúp cho mấy ông!

              Ngoài ra Quốc hội còn bị "ảo tưởng hoà bình" (illusion of peace) (3). Sau khi quân đội Mỹ đã rút hết và tù binh được thả về, các nghị sĩ, dân biểu cho rằng Miền Nam nay đã có hoà bình tức có điều kiện phát huy tiềm năng của mình, đâu có cần nhiều viện trợ kinh tế như trước nữa. Thế là vừa bị cú số dầu lửa choáng váng lại có cú số viện trợ tiếp theo.
              Quốc hội Mỹ không cần để ý tới sự kiện là tuy có thể tiến tới tự túc, tự cường nhưng miền Nam còn cần yểm trợ trong thời gian chuyển tiếp. Cuộc chiến kéo dài, mức sản xuất tiêu hao, nền kinh tế đã biến thành kinh tế lệ thuộc, làm sao có thể chuyển sang độc lập ngay sau khi Mỹ rút?

              Viễn tưởng viện trợ kinh tế "hậu chiến" bất chợt trở nên bấp bênh. Ngoài ra vì vật giá leo thang, tới năm 1974 thì mãi lực viện trợ đã giảm đi trên 50%. Tia hy vọng loé sáng lúc "hậu chiến" trở thành ánh điện leo lét. Vừa phấn khởi đi được một bước, con đường đã bị khứng lại.

              Tổng thống Nixon giữ lời hứa, ông yêu cầu Quốc hội chấp thuận ngân khoản 780 triệu. Thế nhưng Quốc hội nào còn tha thiết gì nữa. Số viện trợ chuẩn chi cho Đông Dương năm đó, sau khi trừ đi khoản cho Kampuchia và Lào, chỉ còn 313 triệu cho Miền Nam. Tính vào số này, còn phải trừ đi mấy mục nữa, sau cùng chỉ còn 226 triệu cho chương trình nhập cảng (CIP), nghĩa là mức thấp nhất kể từ khi Mỹ tham chiến năm 1965.

              Tài khoá1966-67
              1972-73
              1973-74
              1974-75

              Triệu
              400
              313
              226
              285
              (Nguồn: USAID)

              Mỹ rút, chi tiêu đô la cũng rút luôn Trong những năm chiến tranh, ngoài số tiền viện trợ lại còn có nguồn thu đô la quan trọng thứ hai, đó là số đô la thu được do nhu cầu đổi sang tiền đồng Việt nam của nguồn ngoại tệ Mỹ vào gồm quân đội, toà đại sứ, các công ty xây cất, dịch vụ Mỹ. Bây giờ thì quân đội Mỹ về hết rồi, các cơ quan hành chính Mỹ thu nhỏ lại, và các hãng ngoại quốc cũng ra đi. Số đô la mua được từ nguồn này đã giảm từ mức 300-400 triệu một năm xuống còn 96 triệu (1973), và 97 triệu (1974):
              Số tiền đô la đổi sang tiền đồng VN thu được

              Tài khoá
              1965/66
              1971/72
              1972/73
              1973/74
              1974/75
              triệu đô la
              333
              213
              96
              97
              97
              (Nguồn: USAID)

              Tình hình nhập cảng đen tối
              Vì xuất cảng chẳng có bao nhiêu, tài trợ cho nhập cảng là do bốn nguồn. Ngoài hai nguồn chính trên đây, còn hai nguồn khác: "viện trợ thực phẩm phụng sự hoà bình (FFP) và "viện trợ dự án". Nhìn vào cả bốn nguồn, tình hình thật là khó khăn:
              Kết toán tài trợ nhập cảng tài khoá 1973/74 (triệu đô-la)

              Viện trợ thương mại CIP, 226 triệu + Thực Phẩm (FFP)/(S)8 triệu + Viện trợ dự án, 22 triệu + Tiền đô la đổi ra tiền đồng, 96 triệu = 532 triệu.
              So với tài khoá 1971/72 (849 triệu), nó đã giảm trên 37%. Nên nhắc lại, số tiền này chỉ là mệnh giá trên danh nghĩa (nominal). Mãi lực thật chỉ bằng một nửa tức chỉ là 266 triệu. Như vậy có nghĩa là thực sự, chỉ còn khả năng nhập một lượng hàng hoá bằng nửa những năm trước.

              Thắt lưng buộc bụng
              Để đối phó, nhu cầu nhập cảng phải giảm xuống ngay tức khắc. Ngoài những biện pháp thuế má, tỷ giá, Chính phủ còn phải cấm không được dùng tín dụng ngân hàng để tài trợ cho nhập các loại trong hai danh sách "C" và "D". Nếu gồm tất cả những mặt hàng trong hai danh sách này lại, đã gần 80% các loại hàng được coi là "không cần thiết". Cho dù cần thiết như đường cũng phải giới hạn: năm 1973 nhập là 60 triệu; năm 1974 thì phải ngừng hẳn. May mà lúc đó còn một lượng đường tồn kho để giúp giải quyết tạm thời. Muốn giảm tiêu thụ, giá đường được nâng ngang giá quốc tế. Ngành nước ngọt và bia bị ảnh hưởng, dân chúng phải giảm ngay tiêu thụ. Tuy nhiên, vì giá đường lên cao, nhân dân đổ xô trồng mía. Các nhà máy đường cải tiến, sản xuất lên cao. Dự phóng là với tiêu thụ giảm đi, đồng thời tăng số cung nội địa, dứt khoát là từ 1976 sẽ không cần nhập cảng đường nữa (4).
              Riêng về dầu lửa, năm 1973 nhập một lượng với số tiền là 82 triệu. Năm 1974, nếu muốn nhập cùng một lượng đó thì phải chi ra 200 triệu. Tiền cạn rồi, lấy đâu ra 200 triệu? Chính phủ phải đặt ra mục tiêu giảm tiêu thụ xăng nhớt 25%. Giá dầu xăng đã tăng 47% vào tháng 1 1, 1973, Chính phủ lại phải tăng giá lên từ 66% tới 140% vào tháng Giêng 1974, làm giá xăng cao vào hàng nhất thế giới hồi đó. Giá dầu hôi lên 140 đồng VN một lít, ngoài tầm tay của số đông gia đình. Tuy nhiên, cũng có cái hay là (giống như trường hợp mía đường), phong trào đun nấu bằng củi, gỗ, than được phát trên mạnh, giúp cho giải pháp lâu dài.

              Dầu cặn diesel tăng từ 95 đồng lên 125 đồng, cao hơn tất cả các nước láng giềng. Ảnh hưởng là 11 chiếc tầu đánh tôm vừa mới tân trang hầu như phải ngưng hoạt động. Ngư dân với những thuyền mắc máy đuôi tôm lượn trên sông rạch nay đã thưa thớt. Khi giá các loại dầu, xăng tăng, thì trực tiếp hay gián tiếp, phí tổn sản xuất mọi mặt hàng phải tăng, nâng giá hàng hoá cao hơn nữa. Bị ảnh hưởng nặng nhất là những người có đồng lương cố định như quân, công, cán, chính.

              Nhập cảng xuống là tăng thu ngân sách xuống theo. Ở các nước hậu tiến, nguồn thu chính cho ngân sách Chính phủ không phải là thuế trực thu đánh vào tiền lương như ở Mỹ, mà thuế gián thu. Quan trọng nhất là nguồn thu thuế nhập cảng Quan thuế cung cấp. Bây giờ ngân sách đã đến lúc kẹt vì giảm viện trợ, nguồn thu từ Quan thuế lại giảm vì nhập cảng giảm. Làm sao đáp ứng được nhu cầu chi tiêu cho ngân sách đang tăng vì lạm phát? Bộ Tài Chánh tìm cách "tăng thu". Nhìn đi nhìn lại chỉ còn Chợ Lớn. Dù biết thế lực của giới thương gia người Tầu rất mạnh, Tổng trưởng Tài Chánh Châu Kim Ngân cũng vẫn cho rà soát, xông vào mà kiểm tra kế toán, thu thêm cho ngân sách.

              Trong bối cảnh "lạm phát đình trệ", vừa lạm phát, vừa trì trệ rất khó giải quyết nhiều vấn đề bức thiết. Giá sản xuất làm kinh tế đình trệ, thất nghiệp tăng. Thêm vào đó còn tước đi một số công ăn việc làm quan trọng. Quân đội Mỹ rút đi đã để lại một lỗ hổng lớn. Trong thời chiến, sự có mặt của Đồng minh giữ mức thất nghiệp ở thành thị tương đối thấp.
              Một cách gián tiếp, chi tiêu của họ sinh ra công ăn việc làm, đặc biệt trong lãnh vực dịch vụ. Một cách trực tiếp, các căn cứ quân đội, cơ quan và hãng Mỹ cũng đã tuyển dụng một số nhân công không phải nhỏ. Riêng số người làm việc cho các cơ quan và hãng Mỹ là 160.000 năm 1969. Số này chỉ còn vẻn vẹn trên 17.000 vào cuối năm 1973.

              Với một tình trạng kinh tế khó khăn như vậy, ở nhiều nước hậu tiến khác là đã có bất ổn chính trị to rồi. Ở miền Nam, đa số nhân dân cứ kiên cường, cắn răng mà chịu. Đó là nhận xét của cơ quan viện trợ USAID (5).
              Đi tìm những nguồn viện trợ khác

              Làm sao bớt lệ thuộc? Ngay trước mắt là cần có những nguồn tài chánh để thay thế phần nào cái túi viện trợ và chi tiêu của Mỹ đang dần dần bị thắt lại. Một điều may hiếm có: trong thời chiến, do viện trợ dồi dào, Việt nam cộng hoà không phải đi vay. Trong khi các nước hậu tiến khác nợ nần như chúa chổm, thì mức nợ nước ngoài của Việt nam cộng hoà hầu như không đáng kể. Vì vậy, từ 1973 có thể đi vay Ngân hàng thế giới (Ngân hàng thế giới) và các quốc gia khác.

              Gõ cửa Ngân hàng thế giới
              Đầu tiên, tôi nghĩ ngay đến Ngân hàng thế giới và cho đây sẽ là nguồn chính. Tài trợ cho tái thiết là mục đích ban đầu của ngân hàng này mà tên thật là Ngân hàng tái thiết và phát triển thế giới (International Bank For Reconstruction and Development, hay LBRD; còn gọi là World Bank). Nó được thành lập sau Thế chiến II để giúp tái thiết các nước, đặc biệt là Âu châu trong khuôn khổ Kế hoạch Marshall. Vào năm 1974 thì Ngân hàng thế giới đã cho các quốc gia hậu tiến vay một lượng tiền lớn.

              Miền Nam chưa vay một xu nào dù đã là một thành viên kỳ cựu của Ngân hàng thế giới từ năm 1956; ngoài ra lại có danh chính ngôn thuận: vào thời điểm đó, Miền Nam đang bắt đầu công cuộc tái thiết nền kinh tế bị tàn phá vì một cuộc chiến kéo dài. Việt nam cộng hoà đã cố không vay mượn gì của Ngân hàng thế giới khi còn viện trợ Mỹ, để dành nguồn này cho lúc tái thiết.

              Về phương diện cá nhân, tình cảm, lại còn một dữ kiện khác: Chủ tịch Ngân hàng thế giới là người quá quen thuộc với dân quân Miền Nam: đó là cựu Tổng trưởng quốc phòng Robert S. Mcnamara. Người ta nhớ nhiều lần ông hay phát âm trật: "Vit Nam" (Vịt Nằm) thay vì "Việt nam". Tôi yêu cầu gập ông để bàn về nhu cầu tái thiết và vai trò của Ngân hàng thế giới. Mcnamara không còn dính dáng gì đến Việt nam nữa, nhưng hy vọng ông còn chút ít tình cảm đối với nhân dân Miền Nam. Ông là người có trách nhiệm đem nửa triệu quân Mỹ vào Việt nam và điều khiển việc leo thang chiến tranh. Chính ông là người đã cho trắc nghiệm chương trình khai quang bằng chất hoá học da cam (agent orange) ở Việt nam, gây không biết bao tai hại! Cũng dưới thời này, chiến thắng của quân đội Hoa kỳ được đo lường một cách hết sức máy móc, bằng xác địch quân và những bảng liệt kê vũ khí chiếm được. Sau bao nhiêu sai lầm, ông ngang nhiên bỏ cuộc. Xin làm Chủ tịch Ngân hàng thế giới.

              Vì cái dĩ vãng đó, tôi chắc lương tâm ông này còn chút dằn vặt. Gõ cửa Ngân hàng thế giới qua ông thì chắc ăn rồi. Bước vào thang máy trụ sở Ngân hàng thế giới, bấm lầu 12 để lên bàn giấy ông chủ tịch, tôi tính toán trong óc một số dự án tái thiết và hy vọng vào mức độ thông cảm của ông cựu Tổng trưởng quốc phòng Mỹ.

              Vừa ngồi xuống nói xong vài câu chào hỏi, Mcnamara bắt đầu ngay: "Thưa ông Tổng trưởng, tôi có thể làm gì để giúp được ông?" Vì nghĩ rằng Mcnamara có thể còn nhạy cảm không muốn nghe tới chiến tranh Việt nam, nên tôi cũng cố tránh và chỉ coi ông như chủ tịch một cơ quan quốc tế mà Việt nam cộng hoà là một thành viên kỳ cựu, để đề nghị vay một ngân khoản như những thành viên khác. Tôi trình bày tóm gọn nhu cầu tái thiết thời "hậu chiến", và hỏi ý kiến ông về khả năng vay khoảng 50 triệu cho đợt đầu.

              Nghe tôi nói xong, ông không đả động gì đến vấn đề kinh tế khó khăn mà Việt nam cộng hoà đang gặp. Chậm rãi ông lại phàn nàn về việc Quốc hội Hoa kỳ không chịu tăng ngân khoản đóng góp cho Ngân hàng thế giới: "Tôi muốn giúp "nước ông" lắm chứ, nhưng nếu Quốc hội không chấp thuận ngân khoản cho Hiệp hội phát triển quốc tế (IDA) thì tôi cũng đành chịu bó tay". IDA là một cơ quan của Ngân hàng thế giới giúp các nước nghèo. Tôi nhắc ông rằng Việt nam cộng hoà là một trong những thành viên kỳ cựu nhất của Ngân hàng thế giới và chưa hề vay mượn đồng nào của cơ quan này trong gần 20 năm qua.

              Tiếp tục trình bày, tôi còn tránh không nói tới việc xây dựng lại hạ tầng cơ sở bị tàn phá bởi chiến tranh và chỉ nói tới nhu cầu phát triển canh nông của Miền Nam. "Vâng, vấn đề canh nông bao giờ cũng hấp dẫn đối với tôi". Mcnamara trả lời, ngân hàng đang có một vài dự án quan trọng về gạo Thần Nông". Nói xong, ông đứng dậy đi tới bàn giấy của ông, lấy một hộp pha lê đựng gạo mẫu thần nông rồi đưa cho tôi xem. "Thưa ông, hiện nay, Việt nam cộng hoà là quốc gia duy nhất trên thế giới cần đến chương trình tái thiết thời hậu chiến", tôi cứ tiếp tục đầu đề chính của buổi họp. Mcnamara lại quay về câu chuyện "Thần Nông" và nói tới tiềm năng phong phú ở miền Nam. "Chúng tôi đang cho trắc nghiệm phát triển loại lúa này, đây là lúa Thần Nông IR-3". Ông không nhìn tôi nữa mà cứ nhìn vào hộp gạo, bình luận về năng suất cao của gạo thần nông, điều kiện kỹ thuật trong việc trồng cấy và nông dân miền Đồng Bằng Cửu Long chắc sẽ thu hoạch được lợi tức cao nếu trồng được nhiều loại lúa này. Đến đây thì tôi đã thấy rõ thái độ của ông này rồi. "Cám ơn ông Chủ tịch, tôi đã nhìn thấy cả loại IR-8 rồi, còn tốt hơn IR-3". Thấy tôi không chú ý tới đề tài của mình nữa, ông ngừng và mời tôi uống ly cà phê để sẵn trên bàn. "Cám ơn ông chủ tịch, tôi nghĩ trước hết chúng tôi còn phải giải quyết vấn đề "hoá học da cam" (agent orange) trước khi có thể mở rộng diện tích canh tác lúa thần nông", tôi đứng dậy, chào ông và ra về. Xuống cầu thang máy, tôi thật chán nản, không hiểu tại sao Mcnamara lại có thể "thờ ơ, lãnh đạm đến thế"? Lúc này, chắc ông muốn quên hẳn Việt nam đi và chỉ muốn dồn tiền bạc của Ngân hàng thế giới vào những nước mà Mỹ đang còn o bế như Trung Cộng, Ấn Độ, Pakistan. Sau này tôi mới biết là dưới thời Tổng thống Johnson, ông đã hăng say về chiến tranh Việt nam để chiều ý Tổng thống, với hy vọng được lên chức chủ tịch Ngân hàng thế giới (xem Chương I).

              Nhìn về Paris
              Sau Ngân hàng thế giới, Miền Nam nhìn vào nước "Bảo hộ" cũ, cố hàn gắn mối giây liên lạc ngoại giao giữa hai nước đã bị sứt mẻ từ năm 1966. Pháp gửi ông Jean Marie Mérillon tới Sài gòn nhận chức Đại sứ sau bảy năm cắt quãng. Ngoài ra để bày tỏ thiện chí và đánh dấu mối bang giao mới giữa hai nước, Pháp đề nghị cho Việt nam cộng hoà vay một số tiền dài hạn với lãi suất thấp. Để tượng trưng cho một hình ảnh mới, Chính phủ gửi một phái đoàn gồm toàn chuyên gia thượng hạng lại trẻ trung, sang Pháp, trong đó có Nguyễn Xuân Nghĩa, Lê Văn Phúc và một số anh em khác xuất thân từ các đại học lớn ngoại quốc, đày đủ kiến thức để thương thuyết với các quan chức cao cấp Pháp. Phái đoàn do tác giả hướng dẫn.

              Tại Paris, chỉ sau một ngày làm việc đã nhận ra là thể thức viện trợ Pháp không có đơn giản. Tuy nói là Chính phủ cho vay dài hạn và với lãi suất ưu đãi, nhưng luật lệ lại đòi là mỗi một đồng quan (franc) viện trợ của Chính phủ phải kèm theo một đồng quan của ngân hàng tư, do Hiệp Hội Ngân hàng COFACE điều hành. Mới nghe thì thấy có vẻ hợp lý vì có sự tham gia của lãnh vực tư. Nhưng có bắt tay vào việc mới thấy đây là một trở ngại lớn cho quốc gia nhận viện trợ. Trở ngại đó là: tiền của Chính phủ Pháp thì cho vay dài hạn và lãi suất thấp, nhưng tiền của các ngân hàng tư thì lại ngắn hạn và lãi suất cao. Tính ra thì "phần tặng dữ" hay cho không (grant element) rất thấp.

              Cho nên xét cho kỹ thì mô hình này không hấp dẫn như ta tưởng. Ngoài ra, còn một điều kiện khác nữa: quốc gia nhận viện trợ phải mua hàng của Pháp. Bởi vậy, trong thực tế, chính mấy ông chủ ngân hàng tư mới là người chấp hành viện trợ. Theo nguyên tắc, họ đã có một nửa quyền quyết định rồi, chỉ cần sắp xếp với Chính phủ của họ và xoay xở chút đỉnh "cà phê, cà pháo" với phía nhận viện trợ, bằng cách này hay cách khác, thế là xong rồi. Số tiền Pháp cho Việt nam cộng hoà vay sau cùng là 130 triệu quan Pháp (khoảng 26 triệu đô la). Lúc thi hành, bộ Kế hoạch muốn dùng khoản tiền này vào chương trình canh nông, chế biến, để giải quyết thất nghiệp. Đặc biệt là các công trình nạo vét kênh rạch sình lầy như khu Thị Nghè, cầu Công Lý, hồ nước Than Thở Đà lạt. Thế nhưng, phía Pháp lại cứ áp lực mua máy nhiệt điện, hệ thống phát sóng tối tân cho đài truyền hình, điện thoại, xe đạp Peugeot. Miền Nam còn biết bao nhiêu ưu tiên khác, một miếng khi đói bằng gói khi no, đồng tiền quý giá, làm sao mà lại nhập truyền hình, điện thoại được? Vì phía Việt nam không đồng ý, nên viện trợ bị khứng lại. Thế là Đại sứ Merillon vào đặt ngay vấn đề với Tổng thống là nếu viện trợ có sẵn còn không thi hành được thì làm sao nói đến viện trợ năm tới?. "Anh liệu dàn xếp xúc tiến mọi việc cho ổn thoả; lúc này mình đang cần từng đồng xu", ông Thiệu gọi tôi vào dặn.

              Nước giàu có Á Châu
              Sau Pháp là Nhật. Tuy thể thức cho vay của Nhật bớt chặt chẽ hơn, và là cho vay dài hạn, nhẹ lãi, nhưng Nhật cũng đòi phải mua hàng hoá của Nhật. Họ muốn dùng một phần tiền viện trợ để giúp "nhập cảng thương mại", nói trắng ra là gồm cả các loại hàng không cần thiết. Sài gòn đã có cái biệt hiệu báo chí ngoại quốc gọi là Hondaville, bây giờ chắc phải nhập thêm đồ phụ tùng cho xe Honda. Trong một bữa chiêu đãi tại Tokyo, quan chức bộ Ngoại giao, Tài Chánh còn nói tới thuỷ điện Đa Nhim, cần được làm lớn lên. Khi tôi trình bày là tình hình an ninh chưa cho phép vì dây dẫn điện bị cắt luôn luôn, họ bác đi ngay. "Nếu bây giờ xăng nhớt đắt, máy nhiệt điện làm sao đủ nhiên liệu mà phát điện? Vậy các anh phải đặt ưu tiên cho thuỷ điện. Và nếu cho ưu tiên rồi thì việc tăng an ninh cho tuyến tải điện phải được giải quyết".

              Các nguồn viện trợ song phương khác
              Viện trợ của các nước khác cũng chỉ nhỏ giọt, dăm ba triệu đô la và hướng về viện trợ nhân đạo như y tế, giáo dục. Trong các nguồn này, chỉ có triển vọng sẽ vay được của hai quốc gia một số tiền tương đối lớn: đó là nguồn cho vay từ Iran và Saudi Arabia. Nguồn tài chính từ Saudi Arabia hết sức đặc biệt và sẽ được đề cập tới ở cuối chương này (và Chương 12). Nguồn từ Iran khoảng 100 triệu là do Quốc vương Shah đề nghị giúp đỡ. Iran có thể cho Việt nam cộng hoà vay ngay khoản tiền để yểm trợ nhập cảng hàng hoá. Chính phủ Iran cho biết là nếu Việt nam cộng hoà không có khả năng hoàn trả bằng tiền bạc thì có thể trả bằng sản phẩm, thí dụ như rau cỏ, hoa quả Đà Lạt. Phía Việt nam cứ đi thu mua, rửa sạch, đóng vào giỏ tre, giỏ mây, sẽ có máy bay vận tải bay thẳng từ Teheran, Iran sang Đà Lạt hằng tuần để chở về. Sân bay Liên Chương ở Đà Lạt sẽ được sửa chữa lại. Kế toán sổ sách theo giá quốc tế, không có vấn đề gì. Đây là một sáng kiến rất tốt, nhưng nó đòi thời gian để tổ chức, phát triển sản xuất, thu mua, nới rộng sân bay, không thể thi hành ngày một ngày hai được.

              Cũng vẫn chỉ có Mỹ
              Xoay mấy thì xoay, đi vay đã là khó khăn. Có vay được lại khó nuốt. Như vậy, ngay trước mắt, cũng vẫn chỉ còn trông nhờ viện trợ Mỹ. Nhưng lúc trông mong nhất lại là lúc ít hy vọng nhất: Quốc hội Hoa kỳ đã thắt cái túi tiền nhập cảng lại gần chật rồi: ngân sách viện trợ nhập cảng CIP cho Miền Nam tài khoá 1975/76 chỉ vỏn vẹn 145 triệu! Và đây cũng chỉ là con số danh nghĩa. Nếu điều chỉnh theo lạm phát mà tính ra mãi lực thật của nó thì là dưới 70 triệu. Đồng thời, viện trợ thực phẩm bị cắt từ 165 triệu tài khoá 1971/72, xuống 46 triệu, chỉ còn một phần tư.

              Đến mức này thì coi như cạn kiệt. Bầu không khí mỗi khi họp hành để bàn định về kinh tế sao nó u buồn thế. Nhưng lo thì để trong lòng. Vào thời điểm đó, chớ có đem những tin tức chi tiết về viện trợ kinh tế ra mà công bố. Những số liệu so sánh như trên đây phải được giữ kín. Đang lúc mọi người lo ngại về tình hình quân viện, nếu lại phổ biến tình hình đen tối về kinh viện, chắc chắn là quân, dân còn hoang mang hơn nữa.
              Tia sáng phụt tắt

              Sau cùng, vào cuối năm 1974, một tia sáng loé lên. Có ông vua dầu lửa người xứ Arabia chiếu cố đến Miền Nam. Vua Sau al Faisal cho biết ông có rất nhiều thiện cảm với nhân dân Miền Nam và đã bí mật đồng ý trên nguyên tắc cho Miền Nam vay một số tiền mấy trăm triệu đô la.

              Thật là cơ hội quý báu. Đang lúc nguy kịch lại có nhà hảo tâm đến cứu. Vua Faisal bằng lòng cho vay dài hạn, lãi suất nhẹ. Khi nào Miền Nam đào lên được dầu lửa thì mới phải trả. Điều kiện viện trợ nhẹ nhàng, thủ tục thi hành đơn giản. Ký xong là có tiền ngay (hay cho vay bằng dầu lửa). Bao nhiêu hy vọng tràn trề. Họp lên họp xuống, nhất thiết là phải thực hiện ngay kế hoạch này để tới 1975/76 còn giữ được một phần lượng nhập cảng những hàng thiết yếu. Đặc biệt là dầu, xăng, thực phẩm, thuốc men, và phân bón. Nếu quá thiếu những sản phẩm này thì chắc chắn sẽ có khủng hoảng lớn.

              Nhưng đúng là "hoạ vô đơn chí". Những cái rủi ro nó bay theo nhau mà đến. Đang lúc sửa soạn đàm phán chi tiết với Chính phủ Saudi để sớm có giải ngân thì đùng một cái, vua Faisal bị chính cháu mình sát hại.

              Chính phủ Miền Nam chưng hửng, Tổng thống Thiệu gửi điện chia buồn cùng Hoàng gia, nói tới nghĩa cử cao đẹp của Ngài Faisal, cầu xin cho Allah sớm đưa Ngài về nơi cực lạc. Vì tình cảm cao đẹp ấy, Việt nam cộng hoà yêu cầu Hoàng gia tiếp tục thực hiện công cuộc yểm trợ Miền Nam như Ngài đã hứa.

              Thế nhưng, trong lúc tang gia bối rối, tình hình quốc nội xáo trộn, Hoàng gia Saudi đâu còn thời giờ hay tinh thần mà để ý đến chuyện nước khác.
              Vua Faisal đã nằm xuống ngày 25 tháng Ba 1975, vào đúng ngày quân lực Cộng hoà rút lui khỏi cố đô Hoàng Triều Huế.

              Chú thích:
              (1) Richard Nixon, Memoiry, trang 984-985.
              (2) Richard Nixon, Memoiry, trang 984-985.
              (3) Henry Kissinger, Years of Upheaval, trang 328.
              (4) Số liệu; VNCH, Bộ kế hoạch, 1974-75.
              (5) Tài liệu nội bộ, USAID.
              hết: P2 - Chương 7, xem tiếp: Phần 3 - Chương 8

              Comment


              • #8
                Khi Đồng Minh THÁO CHẠY

                Nguyễn Tiến Hưng-Khi đồng minh tháo chạy
                Phần 3 - Chương 8

                Năm của định mệnh


                Ngày 24 tháng Bảy 1974 là ngày quan trọng trong lịch sử Hoa kỳ: Tối Cao Pháp Viện phán quyết Tổng thống Nixon phải chuyển cho chánh án Sirica băng ghi 4 cuộc nói chuyện tại văn phòng toà Bạch Ốc. Những băng này có liên quan tới việc xét xử sáu quan chức trong vụ Watergate. Nó có đầy đủ chứng cớ nói lên một tình huống trái ngược hẳn với những lời giải trình trước đó của Nixon. Chỉ sáu ngày sau cuộc đột nhập vào trụ sở đảng Dân chủ, ông Nixon đã tuyên bố là mình không biết gì về vụ này. Thực ra là chính Nixon đã biết hết những hành động che dấu của các nhân viên thừa hành. Và như vậy, ông đã lừa dối nhân dân Mỹ kể từ lúc đó.

                Khi có phán quyết như thế thì nếu không từ chức, việc truất phế Tổng thống Nixon cũng chỉ còn là vấn đề thủ tục.

                Phán quyết của chánh án Sirica đã chấm dứt sự nghiệp chính trị của Tổng thống Nixon. Một cách trực tiếp, nó đã ảnh hưởng sâu xa đến sự tồn tại của Việt nam cộng hoà.
                Ngày Song Bát

                Trước 10 giờ sáng ngày thứ năm, mồng 8 tháng Tám 1974,
                Phó Tổng thống Ford chủ toạ lễ trao Huân Chương Danh Dự Quốc hội cho gia đình của bảy người lính tử trận ở Việt nam tại Blair House, nhà khách của Tổng thống. Lễ nghi vừa xong, ông liền được tướng Alexander Haig, (sau này là Tổng Tư Lệnh NATO và Tổng trưởng ngoại giao Hoa kỳ). Chánh Văn phòng cho biết Tổng thống Nixon muốn gặp ông ngay. Ông vội bước qua đường Pennsylvania sang toà Bạch Ốc. Ford bước vào văn phòng, Nixon đứng lên bắt tay ông rồi ngồi xuống ngả lưng vào ghế. Hai tay nắm chặt vào nhau để trên đùi, Nixon trông vẫn còn căng thẳng nhưng ông tự kiềm chế. "Tôi đã quyết định từ chức", ông nói với một giọng nghiêm nghị. Quyền lợi đất nước đòi như vậy. Tôi không muốn nói tới chi tiết những lý do nên hay không nên làm như vậy, nhưng tôi đã đi tới quyết định rồi" (1). Ngừng một giây lát, ông thêm: Jerry, tôi biết ông sẽ chấp chính tốt".
                "Thưa Tổng thống, Ngài biết là tôi hết sức buồn về tình huống này", ông Ford trả lời, "Tôi ước gì nó đã không xảy ra như vậy nhưng tôi sẵn sàng và nghĩ rằng tôi đầy đủ khả năng gánh vác".

                "Tôi cũng đã biết ông như vậy".
                Nói qua loa về các vấn đề ngoại giao, rồi Nixon bắt sang chuyện Đông Dương. Ông Ford kể rằng ông Nixon đã trối trăn như sau: Tổng thống Nixon đã khuyên tôi nên tiếp tục một chính sách mạnh mẽ về Việt nam và Campuchia và nhấn mạnh vai trò của Henry Kissinger trong việc này" (2).

                Nixon nói thêm: "Henry là một thiên tài, tuy nhiên ông cũng phải chấp nhận tất cả mọi việc ông ta đề nghị. Ông ta có thể hữu ích, và trung thành, nhưng ông không thể để cho ông ta hoàn toàn tự do làm theo ý mình".

                Đọc kỹ hồi ký của cả hai cựu Tổng thống Nixon và Ford, tôi đã không thấy ông Nixon dặn dò người kế vị mình điều gì liên hệ tới những cam kết của ông đối với Việt nam cộng hoà.
                Sau hôm đó, Tổng thống Nixon lên truyền hình tuyên bố phó Tổng thống Ford lên kế vị. Thế là từ một Dân Biểu ở Hạ Nghị Viện, vừa mới được Nixon đưa lên làm Phó Tổng thống thay ông Spiro Agnew (phải từ chức vì bị tố cáo tham nhũng) vài tháng trước, bây giờ nhảy ngay lên ghế Tổng thống, không có bầu bán gì cả.

                Tiếp tục khoán trắng cho Kissinger
                Kinh nghiệm ông Ford chỉ là kinh nghiệm vận động trong Đảng Cộng hoà và tại Hạ Viện. Ít hiểu biết, ông đã khoán trắng công việc ngoại giao cho Kissinger. Khi Nixon còn làm Tổng thống, ông đã tạm để cho Kissinger sau khi lên chức bộ trưởng, vẫn giữ chức cũ là Cố vấn an ninh. Vì Toà Bạch Ốc đang bốc lửa sau vụ Watergate, Nixon chưa để ý tới vấn đề nhân sự.

                Trở về văn phòng, việc đầu tiên ông Ford làm là gọi điện thoại cho ông Kissinger: "Henry, tôi cần ông, đất nước cần tôi, tôi muốn ông tiếp tục ở lại. Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để làm việc với ông".
                "Thưa Ngài, sẽ không có vấn đề gì. Bổn phận của tôi là làm việc cùng với Ngài chứ không phải là Ngài cùng với tôi", Kissinger trả lời (3).
                Vị tân Tổng thống mời Kissinger tiếp tục kiêm nhiệm cả hai chức cùng một lúc: Ngoại trưởng và Cố vấn an ninh. Và như vậy, tuy đã có lời trối trăng của ông Nixon, ông Ford đã để ông này "hoàn toàn tự do làm theo ý mình".
                Tái xác nhận những cam kết

                Ngay buổi chiều ngày làm việc đầu tiên tại toà Bạch Ốc, tân Tổng thống đã gặp riêng Đại sứ Việt nam cộng hoà Trần Kim Phượng. Theo Kissinger thì trong buổi họp, "Tổng thống Ford đã đảm bảo với ông Phượng là ông quyết tâm về sự sống còn của Chính phủ Sài gòn và sẽ cố gắng hết sức để tăng viện trợ (cho Việt nam cộng hoà)" (4).

                Tuy đã tiên đoán là Tổng thống Nixon sẽ phải từ chức, nhưng khi nghe tin này, Chính phủ Sài gòn hết sức hoang mang. Gặp Tổng thống Thiệu ngay chiều hôm ông Nixon từ chức, tôi thấy ông không giấu nổi lo lắng. Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau, nhận được công điện do Đại sứ Phượng báo cáo từ Washington về buổi gặp gỡ Tổng thống Ford, ông Thiệu thấy phần nào yên tâm. Thế rồi, lại một dấu hiệu tích cực: hôm sau, Phó Đại sứ Hoa kỳ, ông W.J. Lehman tới dinh Độc Lập trao tận tay ông Thiệu một lá thư mật của tân Tổng thống.

                Lúc đó Đại sứ Martin còn ở Washinglon vận động viện trợ. Lá thư như sau:
                Ngày 10 tháng Tám, 1974
                Thưa Tổng thống,
                "Khi tôi lên đảm nhiệm chức vụ Tổng thống Hoa kỳ, ý tưởng đầu tiên của tôi là nghĩ tới những cuộc tấn công tàn bạo mà quân đội quí quốc đã đẩy lui một cách can trường và quả cảm. Có lẽ tôi không cần phải thông báo cho Ngài rõ rằng chính sách ngoại giao của Hoa kỳ luôn luôn được dựa trên căn bản liên tục và sự ủng hộ của lưỡng đảng. Lúc này đây những tính chất đó lại càng rõ ràng hơn nữa và tất cả những cam kết mà nước tôi đã hứa hẹn với quí quốc trong quá khứ vẫn còn hiệu lực và sẽ hoàn toàn được tôn trọng trong nhiệm kỳ của tôi.

                Những cam kết này của tôi lại đặc biệt thích ứng với Việt nam cộng hoà trong điều kiện hiện tại. Chúng ta đã cùng nhau đi trên con đường dài và đầy chông gai. Tôi đã nghe những tường trình của Đại sứ Martin về những tiến bộ đáng ghi nhận của quý quốc dưới sự lãnh đạo của Ngài. Kể từ lúc ký kết Hiệp định Paris, qua bản báo cáo của ông Đại sứ, tôi rất khích lệ sự quyết tâm của Ngài trong công cuộc cải tổ Chính phủ để sư dụng viện trợ Hoa kỳ và các quốc gia bạn khác một cách hữu hiệu hơn, ngõ hầu đem lại nền kinh tế tự túc cho Việt nam cộng hoà trong vài năm tới đây. Quân lực Việt nam cộng hoà với tinh thần cao và chiến đấu hữu hiệu sẽ là một bằng cớ hiển nhiên cho các nhà lãnh đạo Hà Nội phải nhận ra rằng đã đến lúc phải tham dự vào việc duy trì bản Hiệp định Paris và nghiêm chỉnh cộng tác với Ngài trong việc thi hành Hiệp định như ý muốn của Ngài.

                Tôi biết rằng Ngài đang lo ngại về những bước đầu của Quốc hội trong việc chuẩn chi viện trợ quân sự và kinh tế cho Việt nam cộng hoà. Thủ tục của Quốc hội chúng tôi phức tạp, rườm rà nhưng chưa phải là kết thúc. Tuy còn phải đợi một thời gian nữa, nhưng tôi muốn nói để ngài yên tâm rằng cuối cùng viện trợ sẽ được đầy đủ cả về quân sự lẫn kinh tế.
                Trước thử thách quan trọng này, tôi nhờ đến sự giúp đỡ của Tiến sĩ Kissinger tham dự Chính phủ mới với tư cách Tổng trưởng ngoại giao như cũ. Cả Tiến sĩ Kissinger và Đại sứ Martin đều được tôi tín nhiệm hoàn toàn.

                Trân trọng
                Gerald R. Ford
                Ông Thiệu lên tinh thần đôi chút. Ít nhất, tân Tổng thống đã xác nhận lại những cam kết của Hoa kỳ đối với Việt nam cộng hoà. Lúc đó, tôi chưa biết gì đến những cam kết mật của Tổng thống Nixon. Tổng thống Ford vừa nói với Đại sứ Phượng về quyết tâm của ông, bây giờ chính ông Ford lại tái xác định tính chất liên tục của chính sách Hoa kỳ.
                Mấy ngày sau khi nhận được thư của ông Ford, sau một buổi họp Hội đồng Tổng trưởng, ông Thiệu bảo tôi ở lại uống ly rượu nói chuyện thêm. Nhấm nháp ly Chivas Regal pha soda, ông hỏi qua loa về cá nhân ông Ford, vì ông này quá mới mẻ đối với Việt nam. Ông hy vọng ông Ford, người được Nixon tiến cử, sẽ tiếp tục chính sách của vị tiền nhiệm. Tôi nói với ông Thiệu về cái thông lệ của Mỹ là một tân Tổng thống thường được Quốc hội dành cho một "tuần trăng mật" dài khoảng 100 ngày; đôi khi lâu hơn. Trong thời gian này, họ dành mọi sự dễ dàng cho vị tân Tổng thống.

                Để bắn tin cho Washington biết, trong cùng ngày, ông Thiệu cho bộ Ngoại giao công bố lập trường chính thức của Việt nam cộng hoà về việc ông Nixon từ chức, bình luận rằng vụ Watergate là "Vấn đề nội bộ của Hoa kỳ… Chính phủ Việt nam cộng hoà hoàn toàn tin tưởng vào Chính phủ và nhân dân Hoa kỳ sẽ tiếp tục đường lối ngoại giao đã được năm vị Tống thống Hoa kỳ theo đuổi và còn được cả lưỡng Đảng chấp thuận. Bởi vậy Việt nam cộng hoà tin tưởng Hoa kỳ sẽ tiếp tục cộng tác với Chính phủ và nhân dân VN để thực hiện hoà bình trên căn bản Hiệp định Paris".

                Lời lẽ rất là hợp lý và chặt chẽ, Tổng trưởng ngoại giao Vương Văn Bắc là một luật sư đã có tiếng.
                Và bức thư trên, sau này tôi mới phát hiện ra là khi ông Ford ký để gửi cho ông Thiệu, thực sự chính ông cũng đã không biết tầm quan trọng của nó. Khi ông viết "những cam kết mà nước tôi đã hứa hẹn với quí quốc trong quá khứ nó vẫn còn hiệu lực và sẽ hoàn toàn được tôn trọng trong nhiệm kỳ của tôi", ông đâu biết tới thực chất những cam kết đó. Kissinger đã giấu đi hết (xem Chương sau). Ông Ford chắc chỉ nghĩ là mình chỉ nói tới hứa hẹn chung chung như tuyên bố ủng hộ Việt nam cộng hoà của các Tổng thống tiền nhiệm như Eisenhower, Johnson, Kennedy và Nixon.

                Tại sao như vậy? Nhìn lại lịch sử để nhận xét những diễn biến hậu trường bang giao Việt-Mỹ từ lúc đó, tôi chỉ có thể kết luận rằng ông Kissinger đã muốn ông Ford trấn an phía Việt nam cộng hoà để khỏi kêu ca oán trách khi bị Quốc hội cắt xén viện trợ. Nếu ông Thiệu khiếu nại trên căn bản những mật ước thì sẽ gây nhiều tranh luận, đưa chính ông Kissinger vào chỗ kẹt. Điều hay nhất cho Chính phủ Ford là làm sao giữ cho Sài gòn cứ yên lặng, làm sao cho mọi chuyện được êm ả cho tới lúc Mỹ tháo chạy.

                Sau khi cuốn Hồ sơ mật Dinh Độc Lập do tôi và J. Schecter viết, xuất bản năm 1986, ông Kissinger hết sức bất bình vì đã lộ ra hết. Vì có lẽ vì bức thư của ông Ford cũng đã được tiết lộ nên trong cuốn sách vừa viết năm 2003, "Ending the Vietnam war" Kissinger nói qua loa tới mật thư này, nhưng cũng chỉ nhắc tới đoạn nói về trấn an phía Việt nam cộng hoà về vấn đề quân viện. Ông viết là cùng một ngày, sau khi gặp Đại sứ Phượng, Tổng thống Ford đã gửi một thư cho Tổng thống Thiệu, trong đó có một câu do chính ông Ford viết thêm vào bản thảo như sau:
                Thủ tục của Quốc hội chúng tôi phức tạp, rườm rà nhưng chưa phải là kết thúc. Tuy còn phải đợi một thời gian nữa, nhưng tôi muốn nói để ngài yên tâm rằng cuối cùng viện trợ sẽ được đầy đủ cả về quân sự lẫn kinh tế.

                Kissinger bình luận:
                "Lúc đó cả ông Ford lẫn tôi đều không biết rõ được sự sâu đậm và tầm mức của việc chống đối lại Quốc hội sau vụ Watergate. Vì nếu biết được như vậy thì chắc chắn bức thư đó (9/8/74) đã được hạ giọng xuống rồi" (5).
                Như vậy, kể cả trong cuốn sách mới nhất, tuyệt nhiên Kissinger vẫn không đả động gì đến đoạn văn quan trọng nhất của bức thư ngày 10 tháng Tám 1974 về việc chính Tổng thống Ford đã tái cam kết "những gì nước tôi đã hứa hẹn với quý quốc trong quá khứ".

                Báo động
                Vào lúc đêm hôm đình chiến sau Hoà Đàm Paris (27 tháng Giêng 1973), sáu chiếc tàu chở đầy đạn dược đang thuận buồm xuôi gió trên Thái Bình Dương tiến vào hải phận Việt nam bỗng được lệnh quay trở về Hoa kỳ. Số đạn này là từ kho dự trữ cho Việt nam cộng hoà từ trước, nên kể như không bị ảnh hưởng do Hiệp định quy định. Vậy mà nó lại đã không tới nơi. Thế là 55.000 tấn đạn cần thiết cho quân lực Việt nam cộng hoà đã bị mất đi một cách bí mật. Đây là do áp dụng Hiệp định một cách máy móc hay là do một sắp xếp nào khác?(6).

                Bí mật này, do tướng John Murray (hiện cư ngụ tại Springfield, Virginia) tiết lộ, cho tới nay cũng ít ai hay. Murray lúc đó là người điều khiển cơ quan Quốc phòng Mỹ DAO ở Sài gòn.
                Ngày 19 tháng 12, 1973, tướng Murray lại nhận được công điện từ Bộ Quốc phòng cho hay Quốc hội đã cắt nhiều viện trợ cho Đông Dương, ảnh hưởng đến tiếp liệu sáu tháng còn lại của tài khoá 1973/74. Tài khoá này chấm dứt ngày 30 tháng Sáu 1974. Bộ Quốc phòng cũng yêu cầu tướng Murray đề nghị những chương trình nào của Việt nam cộng hoà có thể cắt giảm để phù hợp với ngân khoản mới. Đồng thời, bộ Lục quân chẳng đợi Quốc hội hành động đã bắt đầu cắt ngân khoản điều hành và bảo trì cho Việt nam cộng hoà ngay trong tài khoá 1974. Chắc là họ muốn dùng ngân khoản ấy vào những mục tiêu khác. Lúc đó, việc tiếp liệu cho Do Thái đang là ưu tiên. Tài nguyên của Quốc phòng cần phải dồn về Trung Đông!

                Khi tướng Munay nhận được tin, ông báo ngay cho Đại sứ Martin và yêu cầu ông chính thức thông báo cho phía Việt nam cộng hoà. Nhưng Martin không bằng lòng, bảo Murray phải giữ kín tin này, vì nó có thể gây ra nhiều xáo động về mặt chính trị" (7).

                Tuy nhiên, từ đầu tháng Giêng 1974, tướng Murray tiếp tục báo động cho phía Việt nam phải tiết kiệm đồ tiếp liệu, nhất là đạn dược. Ông họp với Bộ Tổng tham mưu (TTM) về vấn đề này. Dù không đi vào chi tiết, Murray cũng muốn cho phía Việt nam nhận thức được sự cắt giảm đã bắt đầu. Tướng Murray kể lại: "Từ trước đến nay, tôi vẫn nói với Bộ TTM là các ông sẽ được tiếp tế đầy đủ như chúng tôi đã hứa, và sẽ nhận được quân dụng theo linh thần một-đổi-một của Hiệp định Paris. Thật là khó cho ông. Từ trước đến nay, chẳng ai báo cho tôi hoặc Tổng thống Thiệu, hay Đại tướng Viên biết chuyện cắt ngân khoản cả. Tôi đã hứa rồi, bây giờ nói lại, thật là một sự đau lòng".

                Ngày 13 tháng Hai 1974, Đại tướng Cao Văn Viên ra lệnh hạn chế việc sử dụng vũ khí các loại. Vì từ lúc gởi đơn đặt hàng cho đến lúc nhận được phải mất khoảng bốn tháng.
                Nguồn tiếp liệu thì đã bắt đầu cạn trước tháng Tư. Từ đó "hệ thống tiếp vận này không bao giờ hồi sinh được nữa"(8). Đơn xin tiếp liệu từ các quân khu gởi về Tổng tham mưu càng ngày càng nhiều, gồm những thứ khan hiếm khẩn cấp như đạn dược, tiếp liệu quân y và ngân khoản thực phẩm cho binh sĩ. Người lính bộ binh thường vẫn mang sáu lựu đạn, bây giờ chỉ được phát có hai. Súng cối và trọng pháo bảo vệ tiền đồn chỉ được phát bốn quả đạn mỗi ngày và mọi cuộc pháo kích đều phải ngưng để tiết kiệm đạn dược. Nửa số xe thiết giáp bị nằm ụ, 200 phi cơ không cất cánh được. Trong cuốn The Final Collapse (Sự sụp đổ cuối cùng), Đại tướng Viên đã kết luận: "Trong những năm 1974-1975, người lính Việt nam cộng hoà ra trận mà lòng lo sợ rằng đạn không tiếp tế kịp và nếu bị thương thì việc tải thương cũng sẽ chậm trễ hơn. Thời vàng son tiếp liệu thừa thãi và trực thăng quân vận mau lẹ đã qua rồi… Việc cắt viện trợ quá nhiều và quá đột ngột đã triệt tiêu mọi cơ hội thành công và làm cho dân chúng cũng như quân đội miền Nam hốt hoảng, đồng thời khuyến khích Cộng sản gia tăng nhịp độ thanh toán miền Nam bằng võ lực" (9).

                Cái nhục của kẻ đi cầu xin
                Đến tháng 4-1974, tức là đúng một năm trước khi sụp đổ, tình hình tiếp liệu trở nên nguy ngập. Dù Đại sứ Martin cố trấn an. Ông Thiệu vô cùng lo lắng. Ông có đầy đủ thông tin từ tướng Murray, Bộ Tổng tham mưu và nhiều nguồn khác chứ đâu chỉ có nghe lời khích lệ từ phía ông Martin. Bề ngoài thì ông tỏ ra bình tĩnh và vẫn cứ tranh thủ vì đâu còn sự lựa chọn nào khác. Không nhẽ biết sắp bị cắt hết viện trợ thì buông xuôi. Bởi vậy, ông nhờ cậy Đại sứ Martin đồng thời yêu cầu các phái đoàn Quốc hội Việt nam cộng hoà sang cầu viện tại Washington. Mặt khác, ông có thái độ cởi mở hơn với báo chí Mỹ và cho phỏng vấn nhiều hơn. Cuối 1974 và đầu 1975, ông tiếp đón một số nghị sĩ, dân biểu Mỹ để yêu cầu họ khuyến cáo cho Quốc hội nương tay. Nhưng ông chỉ luôn luôn biện luận trên căn bản là hai nước đã chiến đấu với nhau trong hai mươi năm và đã có tới năm Tổng thống Mỹ ủng hộ Việt nam cộng hoà. Ông hoàn toàn không đả động tới những cam kết của Tổng thống

                Nixon để đổi lấy Hiệp định Paris.
                Đầu tháng Năm 1974, Tổng thống Thiệu cử Đại tướng Viên đi Mỹ cầu viện. Ông mang theo một danh sách nhu cầu cấp bách về quân dụng cho Việt nam cộng hoà: trọng pháo 105 ly và 155 ly, đạn dược, dụng cụ truyền tin, và ngân khoản để duy trì khả năng chiến đấu. Tới Ngũ Giác Đài, Tướng Viên gặp Tướng Abrams, người thay tướng Westmoreland làm tư lệnh quân đội Mỹ lại Việt nam. Lúc đó ông đã lên chức Tham mưu trưởng Lục quân. Abrams cho biết vấn đề viện trợ khó khăn không do Ngũ Giác Đài mà là do Quốc hội. Sau đó ông vào gặp Tổng trưởng quốc phòng Schlesinger và trình bày nhu cầu của quân lực Cộng hoà trước ba mươi sĩ quan cao cấp, kể cả các tướng lãnh thuộc Bộ tham mưu Liên quân. Tất cả đều hứa hẹn hết sức ủng hộ. Schlesinger hứa sẽ giúp, nhưng giải thích rằng quyết định cuối cùng là do Quốc hội.

                Lúc ông Viên còn đang ở Mỹ, Tổng thống Thiệu bảo chúng tôi sang Washington thẩm định tình hình viện trợ kinh tế và cũng để ý theo rõi vấn đề viện trợ quân sự. Trước khi đi, Đại sứ Martin dặn tôi cố xin gặp Nghị sĩ Kennedy, người lãnh đạo phong trào cắt xén viện trợ của Miền Nam. Vừa mới đây, ngày sáu tháng Năm 1974, Thượng Viện đã bỏ phiếu thuận 43-38 để kèm vào Chuẩn chi cho Ngân sách Bộ Quốc phòng một điều kiện gọi là "Tu chính Kennedy" (Kennedy Amendment). Như ta đã hay, khi ký một hợp đồng dài vài chục trang, nhiều khi chỉ vì ba chữ "với điều kiện" (subject to) được nhét vào một câu nào đó ở một trang khúc giữa chẳng hạn, là đã có thể làm vô hiệu hoá chữ ký. Ví dụ như mấy chữ "với điều kiện vợ tôi đồng ý" là có thể đổ cho vợ và huỷ hợp đồng dễ dàng. Tu chính án Kennedy chỉ thêm mấy chữ là cấm sử dụng Ngân sách riêng của Bộ Quốc phòng để chi tiêu tại, cho, hay nhân danh các quốc gia Đông Nam Á. Thế là xong! Đông Nam Á rất rộng: gồm cả Việt nam. Kennedy quan niệm là Nixon đã "thất bại trong việc thay đổi tính chất và mục đích của viện trợ và cả chính sách của Hoa kỳ đối với các nước Đông Dương". Ông ta cho rằng viện trợ đã được dùng để kéo dài cuộc chiến. Theo Kennedy, "nếu không đặt trọng tâm vào việc thi hành những mục tiêu chính trị của thoả ước ngưng chiến… thì mục đích của những món tiền chi tiêu khổng lồ ở VN không phải là để… cứu nạn nhân chiến tranh, hay kiến thiết xứ sở mà chỉ là để mua thời gian cho Chính phủ Thiệu kéo dài chiến tranh"(10).

                Tuy có quen biết ông thời cùng là hội viên trong hội Sinh Viên Công giáo Newman lúc còn ở đại học Virginia, tôi miễn cưỡng phái đến năn nỉ ông này. Dù sao, tôi nghĩ vì tình bạn ông sẽ cho tôi chút thời giờ giải thích về nhu cầu viện trợ để xây dựng hoà bình tại Miền Nam, chứ không phải để "kéo dài chiến tranh".

                Ngày 15 tháng Năm, tôi tới văn phòng ông ở Thượng Viện. Phụ tá của ông là Jerry Tinker tiếp đón. Tuy có hẹn trước, nói rằng ông ta rất bận rộn. Gặp Kennedy được một chốc lát, tôi tóm tắt tình hình kinh tế, xã hội và quân sự tại Miền Nam, và yêu cầu ông đừng cắt viện trợ nữa. Ông bày tỏ thiện cảm, và nhắc lại vài kỷ niệm ở hội Sinh viên Công giáo lúc còn là sinh viên. Nói được mấy câu thì ông cứ nhìn đồng hồ và tỏ vẻ vội vàng. "Tôi phải đi họp ngay một phiên họp khác". Thấy bí, tôi xin đi theo một quãng để trình bày thêm.
                Khi rảo bước qua hành lang Thượng Viện, ông Kennedy lại cố đi nhanh, tôi phải theo cho kịp, vừa đi vừa trình bày. Tôi cảm thấy thân phận mình như một người đi cầu xin, lẽo đẽo đi theo một anh nhà giàu!

                Tới gần phòng họp, ông dừng lại, ngồi dựa trên thềm cửa sổ rộng lớn, nói chuyện với tôi được vài phút. Nhưng nói gì thì nói, Kennedy vẫn không thay đổi. Ông bắt tay tạm biệt và bước vào phòng họp. Tôi uể oải xách cặp ra về.
                Ngày 11 tháng Bảy, 1974, Kennedy đề nghị cắt viện trợ kinh tế cho Việt nam cộng hoà là 50%!

                Khấu trừ trội chi
                Sau Kennedy, chúng tôi tới bộ Quốc phòng gặp Eric Von Marbod, lúc đó là Đệ nhất Phó Phụ tá Tổng trưởng quốc phòng về An ninh quốc tế! Ông này có rất nhiều kinh nghiệm về tiếp vận. Vì Tổng thống Thiệu muốn biết rõ về tình hình thực sự của quân viện, tôi yêu cầu ông cho biết những con số thực tế chứ không phải lý thuyết.

                Tôi rất buồn phải nói thật với anh rằng mức quân viện đang tiêu cho Việt nam cộng hoà thực sự chỉ có 625 triệu, và có thể chỉ có 500 triệu". Ông giải thích là dù Quốc hội có chấp nhận mức viện trợ hơn một tỷ thì phần còn lại cho Miền Nam cũng quá ít ỏi. Tôi bỡ ngỡ, "Đây này", ông xé một tờ giấy trong cuốn sổ tay, viết vội xuống cho tôi coi. Và tôi ghi:
                Quân Viện cho Việt nam, Lào (và Kampuchia): $1.126 triệu;

                Phần Lào (và Kampuchia): $110 triệu; sau đó còn phải khấu trừ đã trội chi cho tài khoá trước: $266 triệu;
                Mua máy bay F-5E: $125 triệu;
                Còn lại $625 triệu.

                Ông thêm, "số tiền thực sự dùng được có thể chỉ còn 500 triệu sau khi trừ ngân khoản chi phí cho cơ quan DAO Sài gòn". Ông còn nói "ngân khoản đã được phân phối, chẳng còn làm gì khác được nữa." Vào thời điểm đó, chưa có "chuẩn chi" cho ngân sách viện trợ dứt khoát cho Miền Nam, bộ Quốc phòng phải dựa vào một biện pháp gọi là "nghị quyết tiếp tục" (continuing resolution), một thủ tục vá víu để chi tiêu.
                "Vì sao có vụ khấu trừ vào năm trước?" Tôi hỏi.

                Ông cắt nghĩa là hiện trong nguồn tiếp liệu cho Việt nam cộng hoà, một số quân nhu đã được mua trong tài khoá 1974, nhưng bây giờ phải thanh toán. Đây là một sự việc quan trọng mà ít ai biết vì nó cắt nghĩa tại sao vấn đề tiếp liệu cho quân đội Việt nam cộng hoà đã trở nên quá khó khăn kể từ hè 1974. Chính Đại sứ Martin đã hết sức bực tức khi biết chuyện khấu trừ này vì cả ông cũng nghĩ là tiền năm nào thì tiêu cho năm đó chứ sao có thể tính vòng lại? Ông cho trục trặc này phần lớn là do kế toán nội bộ của Bộ Quốc phòng, gọi họ là những tay đĩ điếm tài chánh (fiscal whores). Ông nói, chính vì chuyện "kế toán" lôi thôi này mà tới gian đoạn chuẩn chi tại Quốc hội, quân viện cho tài khoá 1975 đã bị cắt giảm.

                Thực ra tôi cho rằng lúc đó nhu cầu tiếp viện bên Trung Đông lên quá cao nên tồn kho quân dụng bị ảnh hưởng và đã có những xoay xở bớt số tiếp liệu cho Việt nam cộng hoà để còn dồn sang cho Do Thái.
                Còn 125 triệu cho chương trình F-5E, tôi hỏi Marbod xem có thể du di sang những khoản như đạn dược, xăng nhớt không? Ông cho biết là không được vì mọi việc đã kế hoạch xong rồi. Năm 1973, quân viện là 2,2 tỷ, bây giờ trong thực tế còn có 500 triệu! Ấy là nếu Quốc hội chuẩn chi 1,126 tỷ.

                Về tới Sài gòn, chúng tôi vội phúc trình lên Tổng thống. Chẳng có tin gì tích cực lại phải trình bày những con số tuyệt vọng do Von Marbod đưa ra! Tôi nói với ông Thiệu: như vậy thì trong thực tế, so sánh với mức trung bình của những năm 1971-1973 (điều chỉnh theo lạm phát), khả năng tác chiến của Việt nam cộng hoà bị giảm khoảng 60%! Nhận xét này cũng trùng hợp với ước tính của Bộ Tổng tham mưu về tình hình cuối năm 1974.
                Sau này, trong tập hồi ký "Đại Thắng Mùa Xuân", thượng tướng Văn Tiến Dũng của Hà Nội đã viết về động cơ thúc đẩy Bắc Việt lấy quyết định mở cuộc tổng tấn công Miền Nam: Mỹ đã giảm viện trợ làm cho kế hoạch tác chiến và xây dựng lực lượng quân đội Sài gòn không thể thực hiện theo như ý muốn". Đó là vì "hoả lực đã sút giảm gần 60% vì thiếu bom, đạn; khả năng di động cũng giảm đi 50% vì thiếu máy bay, xe cộ, và nhiên liệu"(11).
                Sau khi nghe tôi phúc trình, ông Thiệu lặng thinh, suy tư. Ông mím môi, chắp tay sau lưng bước ra khỏi phòng, lững thững đi về phía căn lầu riêng của gia đình ông. ánh mắt ông đăm chiêu, tư lự.

                Bãi cát sa lầy
                Ngày 16 tháng Tám, trong buổi họp cuối cùng với các tướng lãnh Việt nam trước khi về nước, tướng Murray lưu ý họ nên suy nghĩ cho kỹ về tình hình tiếp liệu khó khăn trong những tháng cuối năm 1974 và sang năm 1975. Ông khuyên họ nên thu gọn tuyến phòng thủ lại, tập trung quân đội và đạn dược để phòng thủ vùng đông dân cư dọc bờ biển.
                Về tới Ngũ Giác Đài, ông nộp tường trình về tình hình Việt nam từ cuối 1972 (tức là trước Hiệp định Paris) tới lúc ông rời Sài gòn. Trong bản "Phúc trình về Việt nam, từ 12 tháng 1- 1972 tới 21 tháng Tám, 1974", dài gần 250 trang, ông phân tích chi tiết tình hình quân nhu, quân cụ, đạn dược của tất cả các quân, binh chủng. Đưa ra đầy đủ số liệu, ông chứng minh tình trạng tiếp vận kiệt quệ thảm thương của Quân lực Việt nam cộng hoà. So sánh nó với khả năng của Quân lực Bắc Việt đang hoạt động tại Miền Nam, thì quả là một trời một vực.

                "Tôi chắc chắn rằng điều tốt nhất mà một Tướng lãnh có thể làm được khi về hưu là nộp lại (cho Bộ Quốc phòng) cái đầu lưỡi của mình cùng với bộ quân phục, rồi sau đó thì xếp những ý kiến của mình vào một xó nhà" (12).
                Murray trích dẫn lời của vị tướng nổi danh Omar Bradley ( 1959) để bắt đầu bản Phúc trình. Ông hết sức chỉ trích Quốc hội đã cắt viện trợ và thẳng thắn phê bình những rắc rối khó khăn do chính Bộ Quốc phòng Mỹ gây ra. Nó đã gây ra cho Miền Nam và cho chính ông một sự bất ổn, không xác định được mức viện trợ từ tháng này qua tháng khác, cơ cấu viện trợ ràng buộc đi kèm theo viện trợ, đặc biệt là tài khoá 1974 và 1975. Tình trạng này gây bế tắc khó khăn về phương diện tiếp liệu, không biết thế nào mà đặt kế hoạch cho chiến trường, như là người mù chơi trò tháu cáy trên một sân mìn, đó là tình huống của tài khoá 1974. Và còn tiếp tục vào tài khoản 1975", tướng Murray viết trong tập Phúc trình (13). cũng như Đại sứ Martin, Murray nêu ảnh hưởng nặng nề của việc Bộ Quốc phòng khấu trừ trong tài khoá 1975 những số tiền đã tiêu vào tài khoá 1974, làm gián đoạn dòng tiếp liệu, rồi còn bao nhiêu tái thẩm định về giá cả vật liệu, nào tính thêm tiền, rồi trừ vào viện trợ, nào bàn định cắt giảm viện trợ, hết mức này tới mức khác.

                Đã vậy khoảng thời gian tiếp vận từ lúc đặt hàng, vận chuyển qua đại dương, tới lúc cập bến phải tối thiểu là 120 ngày. Ấy là nếu Bộ Quốc phòng hợp tác mau lẹ. Nếu không, thì lại phải cộng thêm vào đó thời gian chậm trễ trong việc đáp ứng yêu cầu đặt hàng (back order). Vì thiếu sự phản ứng cấp thời của Bộ Quốc phòng Hoa kỳ, hậu quả là cuối năm 1974, Việt nam cộng hoà phải gánh chịu tình trạng "tiền". Trong trường hợp khẩn cấp, dù còn tiền nhưng cũng chỉ là tiền chết. Murray đi tới kết luận:
                "Một quân đội không thể đương đầu với đối phương được lâu nếu nó phải đứng trên bãi cát sa lầy (quick sand)" (14).

                Một buổi tối sau một ngày dài làm việc vào đầu hè 1974, ông Thiệu biểu lộ tâm tư:
                "Thật khó mà tin được. Thoạt tiên ở Midway (họp với Nixon năm 1969), họ nói với tôi là Mỹ sẽ rút vài ngàn quân, nhưng còn duy trì nửa triệu quân chiến đấu ở Việt nam; sau đó, họ rút thêm quân, và nói sẽ trang bị cho quân đội Việt nam cộng hoà để đền bù sự triệt thoái này. Đến năm 1972, khi triệt thoái tiến nhanh hơn, họ nói với tôi "Đừng có lo, chúng tôi sẽ đóng lại một lực lượng nhỏ (residual force) là Mỹ sẽ tăng cường yểm trợ bằng không lực. Đến khi họ rút lui toàn bộ, cả lục quân lẫn không quân, họ hứa sẽ tăng viện trợ và tiếp tục duy trì sự có mặt của Đệ thất hạm đội cùng các căn cứ không quân ở Thái Lan để yểm trợ khi cần. Bây giờ, anh nói với tôi viện trợ Mỹ bị cắt 60 phần trăm. Vậy ta còn gì nữa?"
                Tình hình viện trợ thì như vậy, nhưng như đã trình bày ở trên đây, đang lúc Việt nam cộng hoà lo lắng, thì khi vừa lúc đi lên chức Tổng thống thay ông Nixon, ông Gerald Ford lại vội vàng trấn an ông Thiệu (ngày mồng 10 tháng Tám)

                "… Tôi biết rằng Ngài đang lo ngại… nhưng tôi muốn nói để Ngài yên tâm rằng, cuối cùng viện trợ sẽ được đầy đủ cả quân sự lẫn kinh tế".
                Phản lực cơ F-5E
                Khi nghe ông Thiệu kể về những cam kết của Hoa kỳ theo những giai đoạn trong tiến trình rút quân khỏi Miền Nam, chúng tôi thấy ông căng thẳng quá, nhưng cũng không biết nói gì hơn. Tuy nhiên tôi nhớ ra còn 75 chiếc phi cơ F-5E nằm trong ngân khoản cũ như ông Marbod đã cho hay, nhưng chưa biết bao giờ mới giao cho Việt nam cộng hoà. Ông Thiệu ngạc nhiên về sự không chắc chắn này. Tôi đề nghị, và ông chấp thuận xúc tiến ngay việc này.

                Trở lại Washington cuối tháng Bảy, 1974 theo dõi tình hình viện trợ và làm việc với cơ quan USAID để xin thêm ngân khoản nhập cảng và tái thiết, chúng tôi tới thủ đô Hoa kỳ giữa lúc chiến dịch buộc tội Nixon đang sôi nổi. Trời Washington nóng đến bốc hơi không kém gì ở Sài gòn. Ở Ngũ Giác Đài không khí làm việc khác hẳn với những lần trước tôi tới.
                Dấu hiệu phức tạp hiện ra khá rõ ràng. Vụ Watergate đang chiếm hết thời giờ Quốc hội, còn đâu mà bàn đến viện trợ cho Việt nam cộng hoà. Ngân khoản viện trợ tạm thời phải dựa vào mức độ ngân sách của tài khoá năm trước, theo một thủ tục là "giải pháp tiếp nối" (Continuing Resolution) vì vậy không có gì chắc chắn cả. Trước khi về Sài gòn, tôi đến gặp Von Marbod về vụ 75 phi cơ F-5E. Ông giải thích là tiền còn trong ngân sách, nhưng hãng Northrop (ngày nay là Northrop Grumman) cần có thời gian sản xuất; sau đó các bộ phận sẽ được lắp ráp ở Phillippines rồi mới giao cho Sài gòn. "Cả Đài Loan và Iran đều xin F-5E. Họ có thể được ưu tiên hơn Việt nam cộng hoà".

                Ông cho biết ngoài ra lại còn khó khăn vì những giới hạn "một-đổi-một" của Hiệp định Paris. Máy bay F-5E (còn gọi là Tiger 2 được ra mắt tại Hawthorn, California tháng Tám, 1972. Nó tối tân hơn loại F-5 (còn gọi là "Freedom Fighter" hiện có của Việt nam cộng hoà: có khả năng thao diễn cao hơn, tầm bay dài hơn, cất cánh nhanh hơn, tốc độ nhanh hơn và sức chở nhiều hơn. Tôi nhờ Marbod giúp để gặp ông Thomas Jones, Chủ tịch hãng sản xuất máy bay Northrop. Marbod sắp xếp và đưa tôi tới hãng Northrop ở Century City, gần Los Angeles. Sau khi nghe giải thích rằng quân đội Việt nam cộng hoà đã bị tổn thất nặng nề vì thiếu không lực yểm trợ, ông Jones cho biết Northrop sản xuất máy bay đúng hạn kỳ nhưng vì có nhiều khách hàng, chúng tôi đã phải xét lại nhu cầu của các ông". Theo như lời cố vấn của Marbod, tôi cố thuyết phục ông giao cho Việt nam cộng hoà ba phi đoàn (36 chiếc) trước Giáng Sinh 1974.

                "Tại sao các ông cần trước Giáng Sinh?" ông Jones thắc mắc. "Chúng tôi ước đoán năm 1975 sẽ là năm gay go nên chúng tôi cần phương tiện chiến đấu". Marbod dặn nên nói với ông ta rằng nếu cần, Tổng thống Thiệu sẽ yêu cầu bộ Quốc phòng Mỹ thanh toán sớm cho Northrop. Ông Jones tỏ vẻ thoải mái và hứa: "Tôi sẽ cố gắng giúp ông và quốc gia của ông". Cuối năm đó, Không Quân Việt nam cộng hoà nhận được một số F-5E thay thế máy bay F-5 cũ.

                Ông Jones gởi về biếu Tổng thống Thiệu một chiếc F-5E mẫu bằng plastic. Ông Thiệu rất thích chiếc máy bay mẫu và để nó ngay đằng sau bàn họp trong Phòng Tình Hình, cạnh chiếc điện thoại khẩn cấp đằng sau ghế ông (xem hình họp với phái đoàn Weyand).

                Tin sét đánh
                Ở mức quân viện như tài khoá 1972-73 là hai tỷ đô la một năm thì tới 1974-75, sau cú sốc dầu lửa, cũng chỉ còn mãi lực khoảng một tỷ hai, khó đủ phương tiện chống đối nếu có một cuộc tổng tấn công. Tới lúc Tổng thống Nixon từ chức, ông bắt buộc phải ký thành luật một mức tối đa ngân sách quân viện cho Việt nam cộng hoà tài khoá 1974-75 là một tỷ. Tính về mãi lực sau lạm phát thì quả là ít ỏi. Từ mức này, quân viện còn phải đi qua giai đoạn "chuẩn chi" tại Quốc hội nữa. Và từ lúc đó, Việt nam cộng hoà mong đợi từng giờ cho qua cái tình trạng bất ổn của chuẩn chi: hết Uỷ ban này tới Uỷ ban khác, hết Hạ Viện tới Thượng Viện, tối ngày đe cắt viện trợ. Mỗi lần mang ra bàn cãi là lại có những luận điệu chỉ trích, bêu xấu Chính phủ Miền Nam.

                Cuối cùng thì mọi việc đã trở nên rõ ràng. Chỉ vài ngày sau khi Tống thống Ford viết bức thư ngày 10 tháng Tám 1974 cho ông Thiệu (khuyên ông đừng có lo vì tuy thủ tục tại Quốc hội rườm rà, nhưng "sau cùng sẽ được đầy đủ cả về quân viện lẫn kinh viện") Uỷ ban Chuẩn Chi Thượng Viện đã cắt từ "mức chấp thuận" là một tỷ xuống còn 700 triệu. Đó là "mức chuẩn chi". Thực là tin sét đánh cho Bộ Tổng tham mưu, vì nó thực sự phản ảnh một chiều hướng không thể đảo ngược được nữa về quân viện. Quốc hội hình như đã ly dị với tân lang thống trước khi tuần trăng mật bắt đầu. Niềm hy vọng khi nhận được thư đầu tiên của ông Ford đã tan biến như mây khói.

                Ngoài chiến trường thì ở Vùng I, từ cuối hè, hai sư đoàn chính quy của Bắc Việt - Sư đoàn 304 và Sư đoàn 2 - đã hoạt động ở vùng đồi núi hai quận Đức Dục và Thường Đức phía Tây Nam Đà Nẵng. Tháng Chín, sư đoàn 324 lại tăng viện, chiếm trọn quận lỵ Thường Đức, và vùng đồi núi cao phía Nam Thừa Thiên, phi trường Phú Bài khó có thể sử dụng để tiếp liệu cho Huế. Tướng Ngô Quang Trưởng cho Sư Đoàn 1 với sự tăng cường của Biệt động quân, phản công để lấy lại đất đai bị chiếm. Tuy nhiên, bao nhiêu kho đạn dự trữ tại Vùng 1 bắt đầu vơi và số binh sĩ tử thương bỗng nhiên vụt tăng: mùa Hè năm đó đã hiến thành một mùa Hè đỏ lửa thứ hai, trước một mùa Đông- Xuân đầy sôi động.

                Tới cuối năm 1974 thì đạn dược và xăng nhớt gần cạn. Theo dự tính của Bộ Tổng tham mưu: dự trữ đạn dược tồn kho chỉ còn cung ứng được từ 30 tới 45 ngày (15). Đại tướng Cao Văn Viên kết luận rằng nếu tình hình chiến sự cứ tiếp tục xảy ra theo cùng một nhịp độ thì: "số đạn tồn kho sẽ hết vào tháng Sáu 1975, nếu không nhận được thêm viện trợ". Trong thực tế, Miền Nam đã không nhận được thêm viện trợ. Và nội trong tháng 4-1975, Quốc hội đã biểu quyết bác đi hết: một đồng cũng không cho thêm (xem chương 9).
                Như vậy, ta có thể đặt câu hỏi quan trọng về phương diện lịch sử, là: nếu như không có biến cố 30-4-1975 thì tới tháng Sáu, cho già lắm là tháng Tám hay tháng Chín, quân lực Việt nam cộng hoà sẽ lấy gì mà chiến đấu?

                Đã đến lúc phải giải ngũ?
                Mặt quân viện đã nát, mặt kinh viện càng thêm nát.
                Nhóm "Indochina Resource Center" (Trung tâm tài nguyên Đông Dương) là một tổ chức phản chiến dẫn đầu chiến dịch cắt viện trợ cho Miền Nam. Họ hoạt động rất hữu hiệu, đi gặp từng phụ tá, từng thơ ký của các nghị sĩ, dân biểu, tham dự và theo dõi cuộc họp của tất cả các Uỷ ban liên hệ, từ Hạ Viện tới Thượng Viện. Và họ đã thành công.
                Thoạt tiên Quốc hội bắt thay đổi ngân khoản viện trợ trong chương trình "Thực phẩm phụng sự hoà bình" (Food For Peace hay PL 480) từ "cho không" sang "cho vay". Từ nay, số gạo viện trợ hàng năm sẽ hết là cho không mà phải hoàn lại như những món nợ. Tuy nhiên, vì là nợ dài hạn nên ngay lúc đó trở ngại này có tác động về tinh thần hơn là thực chất.

                Tới bước thứ hai mới nguy. Vào đầu năm 1974, có tin dồn dập là Quốc hội Hoa kỳ sẽ đi tới việc cấm cả dùng viện trợ để tài trợ ngân sách Quốc phòng. Vài tháng sau thì tin đồn thành sự thực. Trước kia, 75% sự thiếu hụt ngân sách là do tài trợ bằng tiền của Quỹ đối giá (Counterpart Fund). Quỹ đối giá là một ngân khoản thu được khi tiền Viện Trợ Nhập Cảng (CIP) được đổi ra bạc Việt nam. Thí dụ, một thương gia muốn nhập cảng bông gòn phải đem tiền Việt nam đến ngân hàng xin mua Mỹ kim mở tín dụng thư. Số tiền này được đưa vào Quỹ đối giá. Đến nay, không những viện trợ đã bị giảm, mà Quỹ đối giá lại không còn được dùng để chi tiêu cho quốc phòng nữa.

                Khi cơ quan USAID cho biết tin này, khối Kinh tế- Tài chính vô cùng bối rối, nhưng mọi người đồng ý sẽ không phổ biến. Chính phủ phải nhờ đến các viên chức USAID có nhiều thiện cảm để giúp chuẩn bị áp dụng một cách lỏng lẻo và linh động khi luật này có hiệu lực, như một số tiệm buôn có thể phải giữ hai hay ba sổ sách khác nhau (một sổ cho sở thuế, một cho công ty và một cho cá nhân mình). Sau khi bàn bạc kỹ, chúng tôi tìm cách đi vòng và kết luận là sẽ làm ba ngân sách: Ngân sách quốc phòng, Ngân sách kinh tế, và Ngân sách nhân đạo:
                - Ngân sách quốc phòng sẽ do thuế nội địa tài trợ;
                - Ngân sách kinh tế do cả Quỹ đối giá và viện trợ thực phẩm lẫn các nguồn đi vay khác tài trợ;
                - Ngân sách nhân đạo, căn bản là giúp đồng bào tỵ nạn (được ông Kennedy ủng hộ) sẽ do viện trợ nhân đạo của Mỹ tài trợ.
                Chúng tôi biết mánh lới này cũng không bền vì trung tâm phản chiến kia sẽ phát giác và tìm cách chặn. Vả lại họ cũng dễ thành công vì sẽ nói "tiền trong kho, khó mà phân biệt được nó đến từ đâu".

                Tại Washington hồi 3:30 giờ chiều ngày 13 tháng Năm, khi tôi gặp ông Nooter (chứ không phải Nutter), một quan chức cao cấp ở USAID đặc trách về Việt nam, ông lưu ý ngay là:
                "Rất nguy hiểm! Nếu theo đúng luật thì từ 31 tháng 12, 1974, Việt nam cộng hoà sẽ không còn được dùng Quỹ đối giá viện trợ nhập cảng để tài trợ bộ Quốc phòng".

                Nói trắng ra là không được dùng tiền từ Quỹ đối giá để trả lương cho quân đội nữa. Quân số Cộng hoà lúc đó là một triệu hai. Trong tình cảnh này, kể từ đầu 1975, cơ quan USAID đã nhắm mắt làm ngơ để Sài gòn không thi hành những giới hạn về kinh viện, tức là cứ tiếp tục lấy tiền ở Quỹ đối giá để tài trợ Ngân sách Quốc phòng. Nhưng như thế được bao nhiêu lâu? Chắc cũng chỉ dăm bảy tháng là bị bại lộ!
                Ngoài ra ông Nooter còn lưu ý là có thể phải cần tới một luật sư để biện hộ (cũng chỉ là tạm thời) cho Việt nam cộng hoà trong trường hợp bị nhóm phản chiến phát giác và công kích.

                Chưa xong, khi chúng tôi về tới Sài gòn, tướng Murray lại cho biết thêm: sau quyết định trên, Quốc hội còn đi thêm bước nữa: Từ ngày 31 tháng 12, 1974, VNCH sẽ không còn được dùng Quỹ đối giá của viện trợ nhập cảng dể trả lương cho cảnh sát nữa. Lực lượng cảnh sát lúc đó là 120.000 người.

                Khi về hưu, tướng Murray bình luận về vụ này trong Phúc trình của ông: "Quốc hội thì cấm Cơ quan Viện Trợ USAID tài trợ cho lực lượng cảnh sát, ông Tổng Trướng Quốc phòng thì cấm luôn cả chúng tôi (Cơ quan quốc phòng DAO) tài trợ cho họ". (16).
                Phải báo cáo những tin tức bi đát này cho Tổng thống Thiệu là một trong những công việc khó khăn nhất đối với cá nhân chúng tôi trong quá trình làm việc với ông.
                Nhìn vào viễn ảnh kinh tế, tài chính và quân sự Miền Nam cuối năm 1974 như nhìn vào chân trời tím. Những đám mây đen đặc đang ùn ùn kéo tới báo hiệu cho một cơn bão tố từ xa xa.

                Và như vậy, ta có thể đặt thêm một câu hỏi khác: từ năm 1976 Việt nam cộng hoà sẽ lấy tiền đâu trả lương cho quân đội và cảnh sát? Sau 30 năm, tôi cũng chưa tìm ra được câu trả lời. Khi không còn tiền trả lương, chắc chỉ còn một giải pháp là giải ngũ?
                Trên thực tế, năm 1974 đã là năm quyết định số mệnh cho Miền Nam Nam rồi vậy
                Chú thích:
                (1) Gerald Ford, Gerald D., A time to heal, trang 27-30.
                (2) Gerald Ford, Gerald D., A time to heal, trang 27-30.
                (3) Gerald Ford, Gerald D., A time to heal, trang 27-30.
                (4) Henry Kissinger, Ending the Vietnam war, trang 494; Geald Gerald Ford, Gerald Ford, Gerald D., A time to heal, trang 137.
                (5) Henry Kissinger, Ending the Vietnam war, trang 495.
                (6) Phỏng vấn tướng Murray, ngày 10-5-1985, và ngày 12-2-1986.
                (7) Phỏng vấn tướng Murray, ngày 12-2-1986.
                (8) Legro, Vietnam from cease-fire to capitulation, trang 80.
                (9) Cao Văn Viên, The Final Collapse, trang 54-55.
                (10) Trích trong "Vietnam at the Balance", Báo cáo đặc biệt của Uỷ ban chỉ đạo đảng Cộng Hoà, Hạ Nghị Viện Hoa kỳ, do James Cowin, trang 1-2.
                (11) Văn Tiến Dũng, Our great spring victory, trang 17-18.
                (12) John E. Murray, Vietnam Report (Báo cáo cho Bộ Quốc phòng về Việt nam), trang 62-63.
                (13) John E. Murray, Vietnam Report, trang 91.
                (14) John E. Murray, Vietnam Report, trang 55.
                (15) Cao Văn Viên, The Final Collapse, trang 92.
                (16) John E. Murray, Vietnam Report, trang 92.
                hết: Phần 3 - Chương 8, xem tiếp: P3 - Chương 9

                Comment


                • #9
                  Khi Đồng Minh Tháo Chạy

                  Nguyễn Tiến Hưng-Khi đồng minh tháo chạy
                  P3 - Chương 9


                  Nhát gươm đao phủ


                  Cái cằm đầy mỡ của bà cúi xuống, chạm tới ngực. Mặt bà đờ đẫn. Sau khi đã di "thanh tra" tại trung ương cũng như các địa phương, bà đã quá mệt mỏi! Chẳng ai muốn để ý tới người chủ tiệc đứng lên có mấy lời tạm biệt quan khách.
                  Không khí buổi tiệc thật căng thẳng. Bỗng một cơn gió lạnh thổi thốc qua lớp cửa kính lớn mở ngỏ. Các ngọn nến trên chúc đài cao bằng bạc tiếp theo nhau phụt tắt, khiến nến rớt vung vãi xuống bàn tiệc. Gió tiếp tục thổi, màn cửa mầu hồng lung bay lất phất, trông như những lá cờ đầu hàng. "Một điềm gở đấy", tôi ngoảnh sang nói thầm vào tai ông Philip Habib, Phụ tá Tổng trưởng ngoại giao. Habib gật đầu như đồng ý.
                  Đó là quang cảnh bữa tiệc cuối cùng ở Dinh Độc Lập. Đầu tháng Ba, 1975, một phái đoàn Quốc hội Hoa kỳ đã tới viếng thăm Sài gòn để thẩm định tình hình trước khi quyết định có cấp thêm viện trợ hay không. Thành viên của phái đoàn lại hầu hết là những người đã có sẵn lập trường chống đối. Bà dân biểu Abzug là tiêu biểu. Trước khi phái đoàn rời Sài gòn, Tổng thống Thiệu mở tiệc khoản đãi. Nhân viên nghi lễ lại xếp cho bà ngồi ngay đối diện với tôi.
                  Hơn kém nửa tỷ đô la

                  Tình hình viện trợ từ 1967 đến 1970, lúc Hoa kỳ còn đang dấn thân sâu đậm ở chiến trường Việt nam, mỗi năm cuộc chiến đã tốn tới 25 tỷ đô la. Trong hai năm 1970 và 1971, chi phí mỗi năm giảm xuống còn 12 tỷ. Giờ đây, sau khi quân đội Mỹ đã triệt thoái, Việt nam cộng hoà phải một mình đảm nhiệm cuộc chiến, và với ngân khoản 700 triệu viện trợ, trong khi đó thì cuộc khủng hoảng dầu lửa đã làm giá xăng nhớt tăng gấp bốn. Bởi vậy mãi lực thật của ngân khoản ấy chỉ là trên dưới 350 triệu, bằng 3% của mức chi tiêu 1970-71. Tình hình viện trợ quân sự tài khoá 1975 rất rối ren, nhưng có thể tóm tắt như sau:
                  Mức ban đầu do Chính phủ Nixon đề nghị là 1,4 tỷ, tức bằng tài khoá 1974;

                  Uỷ ban Quốc phòng Thượng Viện do Nghị sĩ John Stennis (Mississipi) làm chủ tịch giảm còn một tỷ 126 triệu cho cả Đông Dương, phần cho miền Nam là một tỷ;
                  Trước khi từ chức, Tổng thống Nixon ký thành luật một mức tối đa cho Việt nam cộng hoà là một tỷ;
                  Sau khi Ford nhậm chức, Uỷ ban Chuẩn Chi Thượng Viện do Nghị sĩ John Mcclellan (Arkansas) làm chủ tịch, cắt xuống còn 700 triệu!
                  Để dễ so sánh, ta nên coi lại những chi tiêu và viện trợ quân sự những năm trước đó: Trong thời gian 1966-1970: Mỹ tiêu 25 tỷ đô la một năm.
                  Trong hai năm 1970-1971: tiêu 12 tỷ một năm (vì đang rút quân);
                  Sau khi Mỹ rút, viện trợ quân sự cho Việt nam cộng hoà:
                  Tài khoá 1973: hai tỷ mốt (2,l tỷ)
                  Tài khoá 1974: một tỷ tư (l,4 tỷ)
                  Tài khoá 1975: bảy trăm triệu (0,7 tỷ)

                  Trong thời gian 1966-71, ngoài tiền bạc lại còn trên một nửa triệu quân đội Mỹ với trang bị tối tân, được yểm trợ bằng từng dàn phản lực siêu âm, mấy ngàn chiếc trực thăng đủ cỡ. Ngoài khơi, lại có Đệ thất hạm đội đi tuần đều đều. Để tìm hiểu rõ hơn về tình hình và xem Việt nam cộng hoà phải xoay xở ra sao, chúng tôi đề nghị Tổng thống Thiệu mời Giáo sư Warren Nutter sang thăm. Ông là thày tôi lúc trước và là cựu Phụ tá Tổng trưởng quốc phòng, đặc trách phần tài chính của chương trình "Việt nam hoá". Ông rất am hiểu đường đi nước bước của bộ Quốc phòng Mỹ và vấn đề quân viện. Nutter dự điểm tâm với ông Thiệu và chúng tôi sáng ngày 23 tháng Tám tại Dinh Độc Lập. Tổng thống Thiệu bày tỏ sự lo ngại về viện trợ: mới vài ngày trước đây là một tỷ, bây giờ còn 700 triệu, tôi làm gì được với số tiền này? Như là chuyện cho tôi 12 đô la và bắt tôi mua vé máy bay hạng nhất từ Sài gòn đi Tokyo". Là người ủng hộ ông Thiệu từ lâu, Nutter cũng rất bối rối. Ông cảm thấy khó khăn khi giải thích hành động của Quốc hội:
                  "Quốc hội Hoa kỳ đôi khi hành động vô trách nhiệm như vậy… Cái Trung Tâm Tái Nguyên Đông Dương (Indochina Resource Center, trung tâm phản chiến) đang hết sức tìm cách tiêu diệt quý quốc".

                  Nutter hứa khi về đến Washington sẽ cố gắng trình lên Tổng thống Ford tình trạng nguy ngập ở Việt nam. Ông than phiền: "Không có nhân vật cao cấp nào trong Chính phủ để ý đến vấn đề Việt nam nữa!" Câu nói của Nutter làm ông Thiệu bỏ dở tô hủ tiếu.
                  Về tới Washington, Nutter viết phiếu trình lên John Marsh, một người bạn của ông hiện đang giữ chức cố vấn cho ông Ford, để kêu gọi ủng hộ Việt nam cộng hoà. Nutter nhất quyết rằng miền Nam sẽ tồn tại được nếu có phương tiện chống trả các cuộc tấn công của quân chính quy Bắc Việt
                  Nhưng nếu Hoa kỳ ngưng viện trợ thì sẽ gây hậu quả trầm trọng cả về vật chất lẫn tinh thần. Nutter viết cho ông Mars và đưa cho tôi một bản sao:
                  "Tôi chưa thấy ông Thiệu và các tướng lãnh Việt nam có khí sắc u sầu như vậy bao giờ. Họ sẽ càng mất tinh thần nếu Bắc Việt liếp tục gây áp lực… Tôi tin rằng hành động của Quốc hội và hậu quả tai hại của việc cắt viện trợ là đầu mối của những xáo trộn chính trị và biểu tình trong vài tuần lễ gần đây (tại Sài gòn). Tình hình sẽ bất ổn về cả chính trị lẫn quân sự, và mọi sự có thể đổ vỡ nếu không xoay ngược được chiều hướng này. Nếu phải lựa chọn, ta nên viện trợ quân sự trước, rồi kinh tế sau, để đương đầu với những đe doạ quân sự trước mắt…
                  Bỏ miền Nam Việt nam rơi vào đổ vỡ và thảm sát chỉ vì hơn kém nửa tỷ đô la sẽ có hậu quả còn sâu xa hơn, đó là xé nát lương tâm của Hoa kỳ. Nó sẽ là ngọn gió thổi bay ảnh hưởng của Hoa kỳ tuy còn mạnh mà đang yếu dần, trên chính trường quốc tế. Viện trợ quân sự bị cắt còn 700 triệu đô la (và đây chỉ là con số lý thuyết); viện trợ kinh tế thì xuống 400 triệu. Còn gì nữa mà nói đến cam với kết?
                  Washington trấn an

                  Thế nhưng Washinglon lại trấn an. Mặc dù sự thật đã quá phũ phàng, ông Ford vẫn tiếp tục an ủi ông Thiệu. Lần này, thay vì viết thư, ông gửi một phái đoàn do Thứ trưởng quốc phòng Clements cầm đầu tới Sài gòn. Clements là một giám đốc công ty dầu hoả ở Texas, mới tham gia Chính phủ Ford, nổi tiếng là có tính cương trực và ủng hộ lập trường Việt nam.

                  Từ lâu Clements mang theo cái bộ tịch huênh hoang và tự tin của người hùng Texas, tính tình dễ dãi, bình dân, dễ được lòng người Việt. Trong một buổi họp, ông lại hứa với ông Thiệu là Chính phủ Hoa kỳ đang tìm mọi cách để viện trợ quân sự cho Việt nam: "Xin Tổng thống đừng lo. Chúng tôi đang tìm mọi cách thuyết phục Quốc hội. Tôi tin chắc rằng cuối cùng Quốc hội sẽ chấp thuận ngân khoản".
                  Hoa kỳ cố gắng làm như không có chuyện gì xảy ra.

                  Clements được cử sang trấn an ông Thiệu. Ông ta nói đến kế hoạch mới của Chính phủ để xin Quốc hội viện trợ thêm cho Việt nam cộng hoà. Tổng thống Thiệu chăm chú nghe và gật đầu nhưng với vẻ mặt mà sau này một nhân viên trong phái đoàn Mỹ tại buổi họp đã mô tả là "bi quan sâu đậm" (1). Trong buổi họp chung trước khi trở về, phái đoàn Clements đã thảo luận "vấn đề thời gian tính" của quân viện và làm sao du di quỹ phát triển để đáp ứng nhu cầu hiện tại.
                  Mọi người bàn đến việc xin Quốc hội thêm 300 triệu đô la cho quân viện để phục hồi lại mức một tỷ như Tổng thống Nixon đã ký. Đại sứ Martin, luôn cố gắng trấn an ông Thiệu: "Cánh cửa viện trợ chưa đóng hẳn" và "ta phải khai thác hết mọi cách".
                  Martin chế diễu những "tay đĩ điếm tiền bạc" (fìscal whores)ở Ngũ Giác Đài, kế toán lôi thôi, để Quốc hội đòi lại số tiền trội chi năm trước, bắt trừ vào tài khoá 1975 (như đã trình bày ở trên) (2). Ông hoan hô lời ông Clements hứa sẽ cố phục hồi số quân viện một tỷ, tức là tranh thủ xin tăng 300 triệu. Đại sứ Martin hết sức đồng ý.

                  300 triệu đô la: con số mầu nhiệm
                  Kể từ đấy, số tiền 300 triệu đô la trở thành con số mầu nhiệm. Nó là một sự thử thách. Nếu được là còn hy vọng tiếp tục quân viện, và ngược lại là hết.
                  Đàng sau con số 300 triệu ấy là gì? Phần lớn chỉ để đáp ứng nhu cầu tối cần cho ngay thời điểm đó.
                  Phân chia số tiền 300 triệu đô la khẩn cấp:

                  Cho (triệu đô la)
                  Số tiền
                  Tỷ lệ

                  Lục quân:
                  203
                  68%

                  Đạn dược, xăng nhớt
                  132
                  44%

                  Thuốc men
                  6
                  2%

                  Đồ phụ tùng
                  48
                  16%

                  Vật liệu khác
                  17
                  6%

                  Không quân
                  91
                  30%

                  Các phi vụ
                  29
                  10%

                  Đạn dược
                  13
                  4%

                  Đồ phụ tùng
                  32
                  10%

                  Vật liệu khác
                  17
                  6%

                  Chi phí khác
                  6
                  2%

                  Vì giá cả vật liệu quốc phòng đã lên quá cao nên nếu có xin được số tiền này thì cũng chẳng mua được bao nhiêu.
                  Sau phái đoàn Clements, ông Thiệu muốn có dịp gặp thẳng Tổng thống Ford để cầu cứu và xem thái độ của ông ta ra sao, về khoản 300 triệu cũng như về khả năng tăng viện nếu bị tấn công. Ông bèn cử Ngoại trưởng Vương Văn Bắc đi Washington mang theo một lá thư đề ngày 19 tháng Chín 1974. Ông Bắc vừa thay ông Lắm trong chức vụ Ngoại trưởng ngày tám tháng 11, 1973 (ông Lắm sang Quốc hội giữ chức Chủ tịch Thượng Viện). Ông Bắc có nhiều kinh nghiệm ở ngoại giao. Ông đã ở Washington trong chín tháng hồi 1956 dưới thời Tổng thống Eisenhower để nghiên cứu guồng máy chính quyền Hoa kỳ (3), từng là Đại sứ ở London và là Cố vấn của phái đoàn Việt nam cộng hoà tại hoà đàm Paris hồi 1968 và 1972.

                  Ông Kissinger đưa ông Bắc và Đại sứ Phượng vào gặp Tổng thống Ford ở toà Bạch Ốc. Buổi họp kéo dài chừng 30 phút. Ông Bắc trình lá thư của ông Thiệu và nói rõ từng điểm một và lá thư. Ông quả quyết với ông Ford rằng Việt nam cộng hoà sẽ nói chuyện với Bắc Việt nếu họ tôn trọng Hiệp định. Ông nhận định rằng tuy vụ Watergate là việc nội bộ của Hoa kỳ, nhưng thật ra nó đã ảnh hưởng đến dư luận quần chúng và tinh thần quân sĩ Việt nam không ít. Chính phủ Việt nam cộng hoà muốn biết chắc rằng việc thay đổi nhân sự trong Chính phủ Hoa kỳ không ảnh hưởng đến vấn đề viện trợ".

                  Tổng thống Ford tỏ vẻ thân mật và không ngần ngại ca ngợi ông Kissinger trước mặt ông Bắc và ông Phượng. Ông Ford nói:
                  "Các ông có thể tin rằng chúng tôi bao giờ cũng hành động như một người bạn tốt và là cộng sự viên của Việt nam cộng hoà." (4)
                  Buổi họp chuyển sang vấn đề tôn trọng bản Hiệp định và phương cách đôi phó với những vi phạm của Bắc Việt. Tuy ông Ford chỉ tỏ ý tiếp tục ủng hộ và tránh không nói tới cam kết về bất cứ một điều riêng biệt nào, Ngoại trưởng Bắc cũng đã hài lòng về lời tuyên bố tích cực của tân Tổng thống rằng Hoa kỳ sẽ là "cộng sự viên" của Việt nam cộng hoà. Ở Quốc hội, ông Bắc gặp nhiều chống đối và nghi kỵ hơn. Các nghị sĩ kêu gọi Việt nam cộng hoà phải thích nghi với Việt Cộng. Thượng nghị sĩ Adlai Stevenson đòi ông Thiệu phải từ chức, sau đó, nếu Bắc Việt tiếp tục gây hấn thì Hoa kỳ sẽ can thiệp".
                  Ông Bắc trả lời: "Thưa thượng nghị sĩ, chúng tôi chỉ còn có một Chính phủ hợp hiến là một bằng chứng duy nhất tượng trưng cho sự hợp pháp và ổn định của Việt nam cộng hoà. Nếu bây giờ chúng tôi bỏ nó đi thì còn gì nữa?"(5).

                  Về phía hành pháp thì vẫn còn nhiều hứa hẹn sẽ tiếp tục yểm trợ dù không được Quốc hội chấp thuận thì cuối cùng họ cũng sẽ tìm cách này hay cách khác để giúp. Khi ông Bắc tại Bộ Quốc phòng, Schlesinger nói: "Dù Quốc hội định sao đi chăng nữa thì tôi cũng đứng về phía các ông". Bắc nhớ lại cách phát biểu khác thường của Schlesinger và cho rằng ông này sẽ ủng hộ Việt nam cộng hoà kêu gọi Quốc hội tăng viện. Bắc nói với Schlesinger: "Tôi tin vào lời hứa của ông Tổng trưởng, nhưng chúng tôi không hiểu rõ thủ tục phức tạp của Quốc hội về việc cung cấp ngân khoản ngoại viện. Tôi nghĩ rằng những lời hứa hẹn của Tổng thống đã được đưa ra trước lúc Quốc hội hạn chế quân viện cho Việt nam cộng hoà.
                  Hoa kỳ có nghĩa vụ long trọng với Việt nam cộng hoà kể từ lúc ký kết Hiệp định Paris". (6).

                  Tuy đã phiền lòng vì không thể thuyết phục được ông Ford gặp ông Thiệu, ông Bắc đã lại một lần nữa nhận được những lời trấn an từ phía Hoa kỳ rằng: lập trường của Hoa kỳ về Việt nam cộng hoà không có gì thay đổi; và tân Tổng thống đã cam kết sẽ tìm mọi cách để thoả mãn nhu cầu viện trợ.
                  Dấu hiệu tránh né

                  Sau khi ông Bắc về được hơn một tháng, Tổng thống Ford liền viết thư phúc đáp thư Tổng thống Thiệu:
                  White House
                  Ngày 24 tháng 10, 1974
                  Thưa Tổng thống,
                  Tôi rất hân hạnh được gặp Ngoại trướng Bắc và nhận được lá thư của Ngài đề ngày 19 tháng Chín.
                  Chính sách của Hoa kỳ đối với Việt nam vẫn không có gì thay đổi dưới Chính phủ do tôi lãnh đạo. Chúng tôi tiếp tục ủng hộ những nỗ lực của quý Chính phủ để bảo vệ và phát triển nền độc lập và hạnh phúc của nhân dân Việt nam. Chúng tôi bao giờ cũng tin tưởng vào sự can đảm, quyết tâm và tài khéo léo của nhân dân và quân đội Việt nam cộng hoà.
                  Tôi hoàn toàn thông hiểu và chia sẻ mối quan tâm của Ngài về tình hình hiện tại ở Việt nam, nhất là việc Bắc Việt tiếp tục gây hấn. Tôi cũng biết được sự thiết yếu của viện trợ quân sự và kinh tế của Hoa kỳ cho quý quốc lúc này. Tôi xin cam đoan rằng Chính phủ của tôi sẽ làm đủ mọi cách để có thể thoả mãn nhu cầu của Việt nam cộng hoà.

                  Mặc dù tôi muốn có dịp được gặp Ngài để thảo luận về những biện pháp duy trì hoà bình cho Việt nam, nhưng rất tiếc buổi họp không thể thực hiện trong lúc này vì những bận rộn và ràng buộc đã có từ trước của tôi. Nhưng tôi hy vọng sẽ được gặp Ngài trong tương lai.
                  Tôi đồng ý với Ngài rằng Chính phủ tôi phải làm sáng tỏ vấn đề là sẽ ủng hộ Chính phủ Ngài và nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Paris. Nhưng tôi nghĩ rằng lời tuyên bố công khai của tôi ngày chín tháng 10, buổi họp của tôi với Ngoại trướng Bắc, và sự thăm viếng của Thứ trưởng quốc phòng Clements đều đã nói lên những cam kết của Hoa kỳ đối với Việt nam cộng hoà. Chúng tôi đã thông báo đến các quốc gia quan tâm đến Việt nam biết rằng Hoa kỳ tiếp tục ủng hộ Việt nam cộng hoà và mong muốn thi hành đúng đắn Hiệp định Paris. Tôi muốn sẽ có nhiều dịp khác để bày tỏ sự ủng hộ của tôi đối với Ngài và cho nền hoà bình mà chúng ta đã cùng nhau xây dựng.
                  Hai quốc gia chúng ta cùng nhau trải qua rất nhiều khó khăn cả trong quá khứ lẫn tương lai. Tôi tin chắc rằng chúng ta sẽ vượt qua được những khó khăn đó nếu chúng ta cùng nhau đối phó bằng sức mạnh và quyết tâm.
                  Kính chúc Ngài và nhân dân anh dũng miền Nam Việt nam được mọi sự tốt đẹp.
                  Trân trọng
                  Gerald R. Ford

                  Lần này, nhận được thư của Ford, ông Thiệu thấy thất vọng! Sao thay đổi nhanh thế? Chỉ có hai tháng rưỡi trước đó, ông tân Tổng thống đã mạnh dạn tái xác nhận những "cam kết trong quá khứ vẫn còn hiệu lực và sẽ được hoàn toàn tôn trọng trong nhiệm kỳ tới", rồi vừa mới một tháng trước, ông đã trấn an ông Bắc, thế mà bây giờ lại đổi giọng, chỉ nói lơ mơ là ông "tin tưởng vào sự can đảm, quyết tâm, khéo léo của nhân dân và quân đội Việt nam cộng hoà". Khi Tổng thống Mỹ nói với ngôn từ là "chúng tôi tin tưởng vào Chính phủ ông", dù là nói với Việt nam (hay Iraq, Afghanistan hay Đại Hàn) thì rõ là đã có dấu hiệu Mỹ muốn tránh né rồi.

                  Ông Ford không muốn gặp ông Thiệu, viện cớ rằng đã có lời tuyên bố của ông ủng hộ Việt nam, đã tiếp ông Bắc và gửi thứ trưởng Clements sang Sài gòn, như thế là đủ nói lên những cam kết rồi.

                  Đằng sau quyết định rút Pleiku
                  Vào khoảng thời gian này, có lần sau khi họp với ông Thiệu về tình hình viện trợ, tôi ở lại một mình trong phòng họp (còn gọi là "Phòng Tình Hình", ngay sát văn phòng ông) để ghi lại những điểm quan trọng. Trên bàn họp tôi thấy có một quyển sách mỏng, đóng bìa cứng, màu đỏ, rất đẹp, do ông mang vào.
                  Nhìn thoáng thấy trên bìa lại có hình ông, tưởng ông muốn cho tôi đọc quyển sách ai mới viết về ông, tôi mở ra xem. Vừa lật tờ bìa, tôi thấy ngay nó không phải là một cuốn sách mà là một tài liệu báo cáo do tướng Murray cùng với Bộ Tổng tham mưu trình lên. Tài liệu phân tích ảnh hưởng của các mức quân viện tới khả năng chiến đấu, phân chia theo từng quân, binh chủng. Tôi lướt qua và chỉ đọc vài trang cuối.
                  Phần kết luận được tóm tắt như sau:
                  - Nếu mức độ quân viện là 1,4 tỷ thì có thể giữ được tất cả những khu đông dân cư của cả bốn Vùng Chiến Thuật;
                  - Nếu là 1,1 tỷ thì Quân khu 1 phải bỏ;
                  - Nếu là 900 triệu thì khó lòng giữ được QK I và II, hoặc khó đương đầu với cuộc tổng tấn công của Bắc Việt;
                  - Nếu là 750 triệu thì chỉ có thể phòng thủ vài khu vực chọn lọc, và khó điều đình được với Bắc Việt;
                  - Nếu quân viện dưới 600 triệu thì Chính phủ Việt nam cộng hoà chỉ còn giữ được Sài gòn và vùng châu thổ sông Cửu Long.

                  Đó là năm tuyến phòng thủ tương đương với năm mức độ quân viện (xem biểu đồ).
                  Tướng Murray kết luận: "Ta có thể ví sự mất tiền xấp xỉ như bị mất đất vậy, (xem bảng). Sau đó, chính Tổng thống Thiệu còn đưa tài liệu này cho tôi đọc thêm. Và trong những buổi họp về viện trợ, ông hay nói tới câu: từng chiến lược cho từng mức viện trợ".
                  Tuy lúc đó ông không cắt nghĩa rõ ràng, nhưng thỉnh thoảng ông mô tả chiến lược mới này bằng bốn tiếng dân dã "Đầu Bé Đít To" (Vùng I và Vùng II là đầu).

                  Trong các buổi họp ông còn dùng ba chữ "Tái phối trí".
                  Ngoài phân tích trên, theo nghiên cứu, tôi thấy còn có hai việc khác liên hệ tới kế hoạch này:
                  Thứ nhất, theo ông Martin tường thuật lại cho Quốc hội, thì ngày l tháng Tám, 1974, một nhóm bên phía Chính phủ Việt nam với sự cố vấn của một "viên sĩ quan về hưu lỗi lạc từ một quốc gia khác" được chỉ định để nghiên cứu về một kế hoạch thu hẹp lãnh thổ (7). Theo Frank Snepp, viên sĩ quan này là viên chuẩn tướng người Úc tên là Ted Sarong và ông đã làm việc với trung tướng Đặng văn Quang (8). Nhóm này đi tới kết luận là Việt nam nên bỏ Quân Khu I và 11 và tập trung lại để chỉ giữ một tuyến từ Tây Ninh tới Nha Trang.
                  Đại sứ Martin trình bày: kết luận này được dựa vào ba lý do:
                  Với tiềm năng còn lại, Việt nam cộng hoà không thể giữ được tất cả lãnh thổ;

                  Trong trường hợp Bắc Việt tổng tấn công, Việt nam không thể trông chờ Hoa kỳ đến giúp như hứa hẹn vào lúc ký Hiệp định đình chiến để mang tù binh về;
                  và những thay đổi về kinh tế, xã hội tại Miền Nam trong thập niên qua đã tạo nên một tiềm năng chính trị mới, và nếu khai thác khéo léo sẽ có thể giảm thiểu những nguy cơ chính trị của việc cắt đất (9).
                  Thứ hai, theo ông Kissinger, vào tháng Hai, 1975, ông Robert Thompson (chuyên gia người Anh nổi tiếng về chiến thuật du kích từ lúc còn ở Malaysia) đã thăm viếng Việt nam, làm việc với các cấp chỉ huy quân sự và cố vấn cho họ. Khi về, ông báo cáo cho Tổng thống Ford rằng: "Nếu Hà Nội dứt khoát đến độ đem cả những sư đoàn trừ bị từ phía bắc vùng phi quân sự (DMZ) vào, thì quân đội Việt nam cộng hoà sẽ bị mất ít nhất là Sư đoàn Dù, Thuỷ quân lục chiến, và một tới ba sư đoàn khác, và sẽ sụp đổ. Chiến tranh sẽ kết thúc…

                  Tất cả vấn đề còn tuỳ thuộc vào sự thận trọng và sự phê chuẩn hiệ n còn đang được đắn đo ở Hà Nội…
                  Sự quyết định (của họ) còn tuỳ một phần vào Quốc hội và nhân dân Hoa kỳ… Miền Nam đang sẵn sàng tiếp tục chiến đấu, và nếu có được sự ủng hộ tối thiểu để khích lệ nhân dân của họ và để ngăn cản Hà Nội, giúp họ kiên trì dai dẳng đủ lâu, thì sẽ đi tới chỗ chấm dứt được sự can dự của Hoa kỳ. Thế nhưng, nếu không được yểm trợ, Miền Nam sẽ sụp đổ trước sự hổ thẹn muôn đời của Hoa kỳ" (10).

                  Ngày bảy tháng Giêng, 1975, quân đội Bắc Việt tấn chiếm Phuớc Long. Trong Hồi ký của ông (1979), Tổng thống Ford bình luận: "Bắc Việt đã chiếm được một tỉnh đầu liên trong 15 năm chiến tranh…" ông quy trách việc tái phối trí cho việc Quốc hội Hoa kỳ đã giới hạn quyền hành của Tổng thống cũng như đã cắt giảm cả kinh viện lẫn quân viện cho Việt nam rồi đi tới một tình huống là đã "báo hiệu càng ngày càng rõ sẽ cắt đứt toàn bộ những yểm trợ" cho Miền Nam (11).
                  Đây chỉ là đỗ lỗi cho nhau chứ vào thời điểm đó, rõ ràng là cả phía Hành pháp cũng đã muốn quay mặt đi. Sau khi mất Phước Long, Chính phủ Ford không có tuyên bố hay phản ứng gì, trái lại, còn giảm mức độ quan trọng của việc ấy (12).

                  Tới lúc đếm từng viên đạn
                  Sau khi mất Phước Long, ngày 24 và 25 tháng Giêng, 1975, ông Thiệu lại liên tiếp gửi hai bức thư cho ông Ford để kêu gọi Hoa kỳ gấp rút tăng thêm viện trợ quân sự, đặc biệt là ngân khoản 300 triệu. Chính Kissinger thuật lại trong cuốn Ending the Vietnam war (13):
                  "Ông Thiệu cho việc đánh chiếm Phước Long "là một hành động vi phạm trắng trợn Hiệp định Paris và nói tới "Cường độ tấn công mãnh liệt của quân đội Bắc Việt, yểm trợ bằng hoả lực và thiết giáp ồ ạt" Và ngược lại, "quân đội VNCH phải đếm từng viên đạn khi bắn để giữ được lâu hơn" Trong cả hai thư ông Thiệu có nhắc khéo để ông Ford biết rằng chính là do sự cam kết của Hoa kỳ là sẽ cung cấp viện trợ đầy đủ cho Việt nam cộng hoà mà ông đã ký Hiệp định Paris.
                  Theo Kissinger, hai bức thư này khiến ông Ford bác bỏ đề nghị của các viên chức toà Bạch Ốc trong việc chống đối sự 300 triệu bổ sung và quyết định cứ tiếp tục xin thêm. Lúc đó các nhân viên này, đặc biệt là Phụ Tá Báo chí Ron Nesser đang sửa soạn cho ông Ford ra ứng cử chức Tổng thống vào năm 1976. Ông Ford chưa bao giờ được bầu lên chức Phó hay chức Tổng thống. Đội ngũ của ông đã khuyến cáo ông "hãy đưa nước Mỹ ra khỏi Việt nam chứ đừng đưa vào". Bởi vậy ông đã hành động như sau:

                  Ngày 28 tháng Giêng, Tổng thống Ford yêu cầu Quốc hội chuẩn chi 300 triệu, nhưng chối phắt trách nhiệm của nước Mỹ:
                  "Chúng tôi đã nói với họ (VNCH), thực ra là chúng ta sẽ không bảo vệ họ với sức mạnh của chúng ta, nhưng sẽ cung cấp phương tiện để họ tự bảo vệ theo như Hiệp định (Đình chiến). Nhân dân Việt nam đã hành động hiệu quả khi chấp nhận thách đố này"(14).
                  Ngày 26 tháng Hai, 1975, Đại sứ Martin chuyển một bức thư nữa của ông Ford phúc đáp hai lá thư của ông Thiệu. Lời lẽ rất thận trọng mà chỉ nói chung chung và khuyến khích Miền Nam điều đình:

                  White House
                  Ngày 26 tháng Hai, 1975
                  Thưa Tổng thống,
                  "Các lá thư ân cần của Ngài đề ngày 24 và 25 tháng Giêng đến đúng vào lúc Việt nam đang ở trong tâm trí tôi…
                  "Tôi xin được chia sẻ mối quan tâm của Ngài về việc Bắc Việt không làm tròn nhiệm vụ tôn trọng những điều khoản cơ bản nhất của Hiệp đinh Paris và về mức gia tăng áp lực quân sự của Bắc Việt. Tôi xin Ngài an tâm là Chính phủ tôi sẽ tiếp tục thúc bách đòi thực thi Hiệp định ấy.
                  "Một lần nữa nhân dân và quân lực Miền Nam đang chứng tỏ một cách hữu hiệu quyết tâm chống lại các cuộc tấn công của Hà nội, bất chấp những giới hạn hiện nay về dạn dược và các tiếp liệu khác…
                  "Chúng tôi tiếp tục tin tưởng rằng việc thực thi Hiệp định Paris, cùng các cuộc điều đình trực tiếp giữa các phe phái Việt nam, là con đường nhanh nhất, hữu hiệu nhất để chấm dứt cuộc đổ máu tại Việt nam…
                  Đang khi cầu cứu Hoa kỳ trợ giúp, ông Ford lại nói những lời lẽ đãi bôi: khen ngợi quân, dân Miền Nam, tin tưởng vào điều đình trực tiếp giữa hai bên. Nói như vậy là dấu hiệu mở đường cho ông Thiệu từ chức để ông Minh lên chức Tổng thống, vì như vậy mới có thể điều đình trực tiếp với Bắc Việt.
                  Con dao hai lưỡi

                  Thư ông Ford tới Dinh Độc Lập hầu như cùng một lúc với cuộc "viếng thăm" của một phái đoàn Quốc hội. Để cứu xét vụ quân viện 300 triệu, Nghị sĩ Humphrey đề nghị và Tổng thống Ford đồng ý là nên có một phái đoàn gồm đại diện của cả hai Đảng sang Sài gòn để quan sát và tìm hiểu tại chỗ tình hình và nhu cầu của Việt nam cộng hoà. Chỉ một Nghị sĩ, ông Dewey Barlett (Oklahoma) và bảy Dân biểu đồng ý đi.
                  Lại một bất hạnh nữa: đa số là thành phần chống chiến tranh và rất ghét ông Thiệu. Đặc biệt là bà Bella Abzug, một trong các lãnh tụ phản chiến, là Paul Mccloskey, chống đối vai trò Mỹ ở Đông Dương từ lâu, và Donald Fraser, chủ tịch của nhóm "Những Người Mỹ tranh đấu cho Dân chủ".
                  Cuộc viếng thăm là một con dao hai lưỡi đối với Miền Nam. Khi biết được thành phần phái đoàn là đã có báo động.
                  Nếu họ vui vẻ thì khi trở về sẽ ủng hộ quân viện. Ngược lại là hết. Toàn thể bộ máy Chính phủ, quân đội, cảnh sát họp hành liên miên để xem phải ứng xử thế nào. Nếu để họ tự do muốn đi đâu thì đi như yêu cầu thì rất nguy. Sài gòn đã mất bao buổi họp để bàn cãi lý do nên hay không. Nhưng vì tới lúc đã quá hí nên sau cùng phải chấp nhận mọi yêu sách.

                  Cả một chương trình linh động được sắp xếp. Và phái đoàn sẽ tự do làm gì thì làm, muốn gặp ai thì gặp, tuyên bố gì thì cứ việc tuyên bố. Kể cả tự do đi "thanh tra" những "cấm địa" như cơ sớ quân sự, khám Chí Hoà, "chuồng cọp Côn sơn".
                  Ông Thiệu còn nghĩ tới cả khía cạnh con người. Sợ nhất là bà Abzug.
                  "Này anh Bắc, anh trông "seduisant" (có sức quyến rũ), anh nên săn sóc bà Abzug giùm tôi", Tổng thống Thiệu nói với ông Bắc trong một buổi họp. Mọi người bật cười, bớt chút căng thẳng.

                  Vừa đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, phái đoàn đã xé lẻ ra đi gặp đủ thành phần: chống đối, phe phản chiến, bà Ngô Bá Yhành, Huỳnh Tấn Mẫm, Cha Thanh, và vào khám Chí Hoà phỏng vấn tù chính trị. Hầu hết các câu hỏi chỉ xoay chung quanh vài vấn đề: tham nhũng, lạm quyền của Chính phủ Thiệu cũng như bằng chứng là Miền Nam đã vi phạm Hiệp định đình chiến.
                  Trong một bữa cơm chiêu đãi do Thủ tướng Khiêm mời, bà Abzug công khai bày tỏ thái độ. Khi chủ nhân mời khách nâng ly rượu chúc mừng, bà ngồi yên, không động đậy gì.

                  Ông Bắc thấy vậy, cố gắng nói, cười, khen các nghiệp đoàn lao động Mỹ, đặc biệt là "Hội phụ nữ may vá" do bà đại diện. Cũng vô ích, "Mình hết đề tài nói chuyện cho bà ta vui lên", ông phàn nàn.
                  Sau khi đi thăm viếng các địa phương, phái đoàn trở về Sài gòn họp với ông Thiệu để đúc kết lình hình. Tôi cùng tham dự để ghi chép và giúp ông Thiệu về Anh ngữ. Buổi họp đã trở thành một cuộc tra vấn hằn học? Dù đã đoán trước là bầu không khí sẽ không cởi mở, thân mật, nhưng tôi không ngờ nó lại trở nên thù nghịch đến thế. Không thấy bình luận gì về nhu cầu viện trợ mà chỉ hỏi tại sao đã mất bao nhiêu buổi họp vi phạm Hiệp định Paris: "Ông đã đặt điều kiện là Bắc Việt phải thi hành Hiệp định Paris"; "Ông đã đòi Bắc Việt rút quân như một điều kiện điều đình"; "Ông còn muốn quân viện, kinh viện mãi sao? Chừng bao lâu nữa?" v.v…

                  Tôi ghi lại từng chữ một câu phát biểu khiêu khích khác:
                  "Chúng tôi nghĩ rằng viện trợ Hoa kỳ sẽ tuỳ thuộc vào một số yếu tố, như việc thả tù binh chính trị, chống tham nhũng, việc thành lập một Lực lượng thứ Ba. Quý vị đã làm gì cho các vấn đề này? Chúng tôi rất quan tâm".
                  Mặt bà Abzug đằng đằng sát khí. Bà dân biểu Fenwick thì tiếp tục phì phèo hút ống điếu. Rõ là ông Thiệu đang cố giữ vẻ mặt bình tĩnh. Hôm sau, ông điện thoại cho tôi từ sáng sớm.

                  "Mấy người phách lối này không có ngay đến cả một lịch sử tối thiểu đối với Đồng minh. Anh soạn cho tôi mấy câu để nói trong bữa tiếp tân chiều nay".
                  Tôi hết sức lo ngại. Tin từ Ngũ Giác Đài cho hay cơ nguy là không còn hy vọng gì để lấy lại số 300 triệu đã mất, và như vậy đã đến mức cạn kiệt rồi. Bây giờ, ông Thiệu tuyệt vọng tới chỗ sẽ tỏ thái độ bất mãn với phái đoàn Quốc hội. Thật là nguy?
                  Một tỷ rưỡi đô la quân viện đi đâu?
                  Nghe tin tức bi đát về quân viện, các bạn đồng liêu của tôi thường hay bàn bạc với nhau lúc nghỉ giải lao trong các buổi họp Hội đồng Nội các vào mỗi sáng thứ tư: lý do thực tế nào đưa tới tình trạng này? Người thì cho là vì Quốc hội chán ghét chiến tranh, người thì cho là vì Mỹ bị kinh tế khó khăn (thất nghiệp và lạm phát cao) nên đã cắt viện trợ. Nhưng lý do được nhiều người đưa ra nhất là vì Mỹ cần dồn thêm quân viện cho Do Thái (Israel).
                  Nhìn lại lịch sử và phân tích kỹ tiến trình quân viện Mỹ cho các nước thì ta thấy lý do cuối cùng là đúng. Dù không thể chứng minh là đã có những sắp xếp để lấy quân viện dành cho Miền Nam để dồn cho Do Thái, ngày nay ta đã có thể chứng minh rõ ràng là: trong thực tế, ngân khoản 1,4 tỷ bị cắt của Việt nam đã nhảy qua Do Thái. Bảng sau đây là bằng chứng:
                  So sánh tiến trình quân viện Mỹ cho Việt nam và Do Thái:

                  Tài khoá
                  (Tỷ đô la)
                  Việt nam
                  Do Thái

                  Cho không
                  Cho không
                  Cho vay

                  1972/73
                  2,1
                  0,0
                  0,3

                  1973/74
                  1,4
                  0,0
                  0,3

                  1 974/75
                  0,7
                  1,5
                  1,0

                  Nguồn: Về viện trợ Mỹ cho Do Thái: đúc kết từ "Quân viện cho Do Thái" "Congression Rescarch Service, Library of Congress, Issue brief for Congress", Updated October 17, 2002.
                  Như vậy, quân viện cho VNCH từ tài khoá 1972/73 là 2,1 tỷ đã bị cắt 1,4 tỷ còn 700 triệu cho tài khoá 1974/75.

                  Kết luận:
                  Quân viện "cho" Việt nam bị cắt đi 1,4 tỷ; và Quân viện "cho" Do Thái tăng 1,5 tỷ trong cùng năm.
                  Từ năm 1985, tất cả quân viện cho Do Thái đã thuộc loại "cho không" (như Việt nam trước đây), trung bình mỗi năm là một tỷ tám trăm triệu đô la.
                  Ông Stephens Jones, giáo sư tại Đại học San Francisco nhận xét: "Ngày nay tổng số viện trợ cho Do Thái mỗi năm tăng một phần ba ngân sách viện trợ Hoa kỳ cho toàn thế giới, dù dân số Do Thái không tới sáu triệu, tức là bằng 0,1% dân số toàn cầu". Và dù Do Thái là nước giầu có thứ 16 trên thế giới (với lợi tức đồng niên mỗi đầu người là 14.000 đô la) (15).

                  Đao phủ
                  Chiều mồng một tháng Ba, Dinh Độc lập mở tiệc khoản đãi các vị "quốc khách" vì hôm sau phái đoàn Quốc hội Mỹ lên đường ra về. Dù có tin đồn là một số khách sẽ làm reo không tham dự, nhưng tất cả đã đến đúng giờ. Tại bàn tiệc, nhân viên nghi lễ sắp xếp cho bà Abzug ngồi đối diện với tôi. Ngồi xuống rồi, mấy phút sau bà ta mới lấy cái mũ thật bự ra. Đã nghiên cứu trước về bà, tôi tìm đủ cách làm cho bà có thái độ tao nhã hơn. Nào là nói về đường Mott Street ở phố Tàu New York (bà thích ăn cơm Tàu), nào về những chuyến đi thăm Brucklyn (vùng phụ cận New York) nơi sinh trưởng của bà (người gốc Do Thái). Nhưng chẳng ăn thua gì. Bà ta cứ ngồi ăn, làm như không nghe tôi nói.

                  Sau vài ly rượu vang dường như để "lấy hứng", ông Thiệu đứng lên đọc bài diễn từ vào lúc sắp kết thúc:
                  "Trong hai mươi năm qua, nhân dân Miền Nam đã được nghe đi nghe lại lời nói của năm vị Tổng thống Hoa kỳ thuộc cả lưỡng Đảng. Những lời đó đã được các vị dân biểu nước Mỹ liên tục ủng hộ, là Hoa kỳ quyết tâm cung ứng cho Việt nam cộng hoà đày đủ trợ giúp chừng nào họ còn sẵn sàng chống lại sự xâm lăng của Cộng sản để bảo vệ tự do của họ. Lời cam kết đó đã được nhắc lại một lần nữa trong dịp ký kết Hiệp định Paris. Vân đề giản dị chỉ như thế này: "Liệu những lời cam kết của Hoa kỳ có còn giá trị nào không?" Đó là thông điệp tôi muốn quý vị chuyển tới Đại hội thứ 94 của Quốc hội Hoa kỳ".
                  Rồi dường như không kiềm chế nổi, ông đi ra ngoài bản văn đã soạn và tiếp:
                  "Tôi xin phép được ngợi khen những người bạn đích thực của chúng tôi đang hiện diện ở đây về sự khôn ngoan và tầm nhìn xa của họ. Tôi xin phép được nhắc lại ở đây ý nghĩa của một câu ngạn ngữ Việt nam: "Quà tặng đã quan trọng, nhưng cách tặng quà còn quan trọng hơn nhiều".
                  Chắc bà Abzug không nghe thấy câu này vì bà dường như đã ngủ say sau mấy ngày ngược xuôi khắp nơi để đi tìm chứng cớ chống viện trợ.
                  Bữa tiệc hôm đó là bữa tiệc chót tại Dinh Độc Lập, bữa cuối cùng của ông Thiệu khoản đãi quan khách ngoại quốc của ông mười năm tại chức. Ta cũng có thể cho đó là một cử chỉ trang trọng của Miền Nam để đánh dấu hai mươi năm người Mỹ "bảo trợ" xứ này.
                  Từ sau bữa cơm tối hôm đó, bầu không khí ngột ngạt bao trùm Dinh Độc Lập từ đầu năm đã trở nên ảm đạm. Và những biến cố quan trọng đã đến liên lục như sau đây:
                  Phái đoàn Quốc hội Mỹ vừa rời Sài gòn, Bắc Việt tấn công Ban Mê Thuộc hồi hai giờ sáng ngày 10 tháng Ba; Cùng ngày, Chủ tịch Thượng Viện Trần Văn Lắm trở về Sài gòn sau một chuyến đi Washington để vận động, nhân dịp kỷ niệm năm thứ hai của Hiệp định Paris (27-l-1973). Ông xác nhận lại là "không những chẳng còn hy vọng gì nữa đối với khoản 300 triệu bổ sung mà có thể sẽ không còn viện trợ quân sự nữa";
                  Hôm sau, ngày 11 tháng Ba, Tổng thống Thiệu dứt khoát. Ông họp với Thủ tướng Khiêm, Đại tướng Viên và Trung Tướng Quang để thông báo quyết định tái phối trí:
                  "Với khả năng và lực lượng ta đang có", ông nói, "chắc chắn chúng ta không thể bảo vệ được tất cả lãnh thổ muốn bảo vệ. Như vậy chúng ta nên tái phối trí lực lượng và bảo vệ những vùng đông dân, trù phú, vì những vùng đất đó mới thực sự quan trọng". (16);
                  Ngay sau đó, 13 tháng Ba, nhát gươm đao phủ đã hạ xuống: ban Lãnh đạo Đảng Dân chủ, cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện (họ lại là thành phần quyết định trong Quốc hội) bỏ phiếu với đại đa số: chống bất cứ viện trợ nào thêm cho Miền Nam.
                  Hai ngày sau, 15 tháng Ba, Tư Lệnh Quân đoàn 11, Thiếu tướng Phạm Văn Phú và một số sĩ quan tham mưu bay về Nha Trang. Cùng hôm đó, vài đoàn quân xa lẻ tẻ rời Pleiku.

                  Họ đã là đoàn đi tiên phong của một cuộc hành trình gian khổ đến bên bờ vực thẳm.
                  Chú thích:
                  (1) Phỏng vấn Morton Abramowitz, ngày 11 tháng 3, 1986.
                  (2) Frank Snepp, Decent Interval, trang 107-124.
                  (3) Phỏng vấn Vương Văn Bắc, ngày 22 tháng 8, 1985. Ông Bắc kể lại rằng hồi đó, phần nhiều người Mỹ không ai biết Việt nam ở đâu.
                  (4) Phỏng vấn Vương Văn Bắc, ngày 22 tháng 8, 1985.
                  (5) Phỏng vấn Vương Văn Bắc, ngày 22 tháng 8, 1985.
                  (6) Phỏng vấn Vương Văn Bắc, ngày 22 tháng 8, 1985.
                  (7) Graham Martin, Vietnam Evacuation: Testimony, trang 539.
                  (8) Frank Snepp, Decent Interval, trang 109-110.
                  (9) Graham Martin, Vietnam Evacuation: Testimony, trang 538-539.
                  (10) Henry Kissinger, Ending the Vietnam war, trang 511.
                  (11) Gerald Ford, A time to heal, trang 250.
                  (12) Xem Chương 10 về những lời tuyên bố của Tổng trưởng quốc phòng James Schlesinger.
                  (13) Henry Kissinger, A World Restored, trang 508
                  (14) Gerald Ford, A time to heal, trang 509?
                  (15) Stephens Jones, "The Strategic Function of U. S. USAID to Israel", in Washington Report on Middle East affair, trên mạng internet "wrmea.com" (xem U.S. USAID to Israel)(16) Cao Văn Viên, Những ngày cuối của VNCH, trang 129-132.
                  hết: P3 - Chương 9, xem tiếp: P3 - Chương 10

                  Comment


                  • #10
                    Khi đồng minh tháo chạy

                    Nguyễn Tiến Hưng-Khi đồng minh tháo chạy
                    P3 - Chương 10

                    Lúc tuyệt vọng


                    "Hiện nay tình hình ở Miền Nam VN có vẻ như là Bắc Việt có thể sẽ không mở một cuộc tấn công ồ ạt, toàn quốc… mấy tháng sắp tới, chắc là ta sẽ thấy một số cao điểm về phía Bắc Việt, chứ lúc này thì tôi không thấy có thể xảy ra một cuộc tấn công lớn, toàn quốc, với mức độ như hồi năm 1972"(1).
                    Đó là lời tuyên bố của Tổng trưởng quốc phòng James Schlesinger ngày 14 tháng Giêng, 1975 sau khi Phước Long thất thủ. Như thế thì rõ ràng là ông đã cố ý giảm nhẹ tầm mức quan trọng việc mất đi của một tỉnh đầu tiên trong suốt 15 năm chiến tranh.

                    Trái với điều nhiều người lầm tưởng, Sài gòn và Washington không hề ngạc nhiên khi cuộc tấn công mùa Xuân 1975 xảy ra. Tin tức tình báo cũng như đánh giá về khả năng này được thông báo đầy đủ cho phía Hoa kỳ từ cuối năm 1974 qua nhiều ngả.
                    Ngày sáu tháng 12, 1974, một phiên họp mật tại Dinh Độc lập về tình hình quân sự đã đi đến kết luận là năm 1975 sẽ mở một cuộc tổng tấn công với mức độ 1972, đi tới cao điểm vào tháng 10, 1975 lúc có bầu cử Tổng thống ở Việt nam, rồi kéo dài tới 1976 là năm bầu cử tại Hoa kỳ. Sau đó, ông Thiệu đã liên tục nói trước với ông Martin về khả năng này. Bộ Tổng tham mưu thì thông báo qua tướng Homer Smith, chỉ huy cơ quan Quốc phòng Mỹ DAO ở Sài gòn (thay tướng John Murray). Tướng Trần Văn Đôn, lúc đó là Phó Thủ tướng cũng đã qua Mỹ gặp Thứ trưởng quốc phòng William Clements để nói về nguy cơ sắp tới.
                    "Đừng lo, sẽ không có tấn công đâu; vả lại, chúng tôi còn đây cơ mà", ông Clements trấn an (2).

                    Khi tướng Murray mãn nhiệm, ông cũng đã báo cáo chi tiết về quân số, khí giới, tiếp vận hùng hậu của quân đội Bắc Việt tại miền Nam. Ông đã cảnh giác Ngũ Giác Đài về cuộc chiến khốc liệt sẽ xảy ra trong năm 1975.
                    Thấy phía Hoa kỳ không có phản ứng gì về vụ Phước Long, lại còn giảm nhẹ tầm quan trọng, ông Thiệu viết thêm lại bức thư đề ngày 24 và 25 tháng Giêng, 1975 để nói rõ ràng về nguy cơ sắp tới và yêu cầu thêm quân viện. Ngày 26 tháng hai, khi cuộc triệt thoái thê thảm từ Pleiku còn chưa kết húc, ông Ford trả lời. Nhưng lần này ông chỉ nói chung chung, kiểu đãi bôi cho xong chuyện (xem Chương 9).
                    Sau lệnh rút Pleiku

                    Ngày 20 tháng Ba, chúng tôi nhận được một cú điện thoại vào sáu giờ sáng. "Anh đến gặp tôi lúc tám giờ được không?Rồi ăn sáng luôn thể", tiếng ông Thiệu từ bên kia đầu giây nói. Sớm như thế này là chắc có gì gấp đây? Tôi nghĩ. Tới nơi tôi thấy một bàn ăn nhỏ kê sát cửa sổ trên hành lang lầu ba, địa điểm ông cho rằng không bị CIA nghe lén. Chuyện gì bàn ở văn phòng ông hay phòng họp là hay bị nghe lén. Có lần một người bạn Mỹ ở Toà đại sứ kể vài chuyện tiếu lâm tôi đã nghe chính ông Thiệu nói cho vui trong lúc uống cà phê giải lao. "Sao ông biết hay vậy?" tôi hỏi ông ta. "Chúng tôi biết hết", ông không ngần ngại trả lời.
                    Khi người giúp việc rời xa bàn, ông Thiệu nghiêm giọng nói: "Tôi nghĩ rằng nội một vài ngày tới, tình hình sẽ trầm trọng hết sức mau lẹ". Rồi ông nói qua cho tôi hay tình hình mặt trận: năm trong bảy sư đoàn trừ bị Bắc Việt đã vào tới Miền Nam. Như vậy tổng cộng là 19 sư đoàn trang bị đầy đủ với gần một ngàn xe tăng và trọng pháo. Hôm qua xe tăng Bắc Việt đã vượt sông Thạch Hãn đánh chiếm Quảng Trị và bắt đầu pháo kích Huế. Ông không nói gì tới vụ rút Pleiku và những cuộc họp mới đây với Thủ tướng Khiêm, Đại tướng. Trung tướng Quang, Trung tướng Trưởng, và Thiếu tướng Phú. Lúc tôi bắt đầu ăn tô phở thì ông lấy bút ra viết trên l trang giấy. Dường như là để thuyết phục chính bản thân mình, ông viết xuống:
                    - Quyền lợi quốc gia;
                    - Quyền lợi cá nhân;
                    - Địa vị chính trị.
                    Tôi hiểu ngay là ông đang làm một tính toán để đi tới một hành động nào đó.
                    Sát cạnh bốn chữ "quyền lợi quốc gia", ông viết xuống số 1;
                    Cạnh mấy chữ "quyền lợi cá nhân" ông phê chữ O (chữ O "phi" có nghĩa là "không");
                    Cạnh mấy chữ "Địa vị chính trị" cũng chữ O

                    Viết xong mấy hàng trên, ông nhìn đi nhìn lại mấy chữ vừa mới viết. Tôi không biết ông đang tính toán chuyện gì. Lúc đó đã bắt đầu có những chống đối mạnh mẽ đối với cá nhân ông từ nhiều phía kể cả tại Quốc hội. Ông im bặt vài phút, sau đó nhìn tôi và nói: "Sự sống còn của quốc gia đòi mình phải xả láng, vì thế mình phải đặt với Hoa kỳ câu hỏi "oui ou non" (có hay không) buộc họ phải dứt khoát còn muốn giúp hay không?

                    Mình không thể chờ lâu hơn được nữa. Rồi đây sẽ quá muộn. Giả thử không còn một lý do nào khác ngoài sự sống còn của quốc gia, lúc này tôi sẽ phải làm gì để Hoa kỳ không thể dùng cái lập luận là "sự đã rồi" để lấy cớ mà bảo tôi rằng "Sorry, ít is too late to intervene…" (Rất tiếc, đã quá muộn để can thiệp)".

                    Trước đó tôi có được ông cho xem một vài thư của Nixon và Ford. Lúc này đã đến lúc tuyệt vọng, chắc là một trong những điều ông đang tính toán và muốn hỏi ý kiến tôi xem nên sử dụng nó như thế nào. Tôi liền nắm lấy cơ hội và đề nghị ông nên công bố ngay mấy bức thư mật, bằng cách này hay cách khác. Tôi trình bày là nếu có một vài chính trị gia quay quắt thì người dân Mỹ trung bình lại là người lương thiện, đặt cao giá trị của công bằng, công lý. Và vì vậy, ông phải tranh thủ thẳng với nhân dân Hoa kỳ, qua đầu ông Ford. Nếu dùng nó trong một kế hoạch vận động viện trợ cho hợp lý, kèm theo những vận động (lobby) qua báo chí, các đài truyền hình, phỏng vấn, họp báo v.v… thì có thể lấy ngay được phần nào phản ứng thuận lợi của nhân dân Mỹ, và vì thế Quốc hội sẽ có thái độ thuận lợi hơn về vấn đề viện trợ. Tôi đề nghị nên mua giờ phát sóng của một hệ thống truyền hình Mỹ để ông trực tiếp nói chuyện với nhân dân Hoa kỳ, trình bày những đổi chác hậu trường của ông với Tổng thống Nixon. Lúc đó, tôi nghĩ tới đài truyền hình ABC vì có quen biết ông Frank Mariano của đài này.

                    Thế nhưng, ông chưa muốn thôi bảo mật những thư tín của Tổng thống Mỹ. "Tôi không muốn người Mỹ có pretext (cái cớ) để trỏ ngón tay vào mặt tôi". Tuy nhiên ông bàn tới việc định gửi một thông điệp SOS (cấp cứu) tới ông Ford, yêu cầu can thiệp và yểm trợ. "Tôi vẫn cho là ông Ford còn có thể làm được một cái gì nếu như ông ta thực sự hiểu rõ tình hình". Khi tôi tỏ vẻ dè dặt, ông nói: "Vấn đề là mình có quyền đòi nợ. Tôi chỉ có thể đòi ông trả nợ thôi. Trách nhiệm là của ông ta".
                    Hai ngày sau, ngày 22 tháng Ba, 1975, Tổng thống Thiệu triệu tập một buổi họp với Chủ tịch Thượng Viện Trần Văn Lắm và Chủ tịch Hạ Viện Nguyễn Bá Cẩn. Ông Bắc và tôi cũng tham dự. Ông Thiệu đặt câu hỏi là "Chúng ta đã tới cái lúc cạn tàu ráo máng giữa ta với Hoa kỳ chưa? Bây giờ có phải là lúc la lối om xòm lên chưa?" Đa số đều đồng ý rằng đã đến lúc phải dùng đến phương sách cuối cùng này: Miền Nam không nên công khai buộc tội Hoa kỳ nhưng trong từng buổi tiếp xúc riêng phải cố thúc bách viện trợ, phải đòi gắt gao để sau này người Mỹ sẽ không thể nói được là đã quá muộn, viện trợ cũng chẳng ích gì. "Còn đối với nhân dân Mỹ thì sao", ông Thiệu tiếp tục, "Có cách nào nói được với họ không? Chính cá nhân tôi hay là cấp lãnh đạo Quốc hội phải giải thích cho nhân dân Mỹ?"
                    Ngoại trưởng Bắc đề nghị: "Nên làm kín đáo, không nên công khai. Mình đâu muốn bị buộc tội là can thiệp vào nội bộ Hoa kỳ".

                    Tới đây, Tổng thống Thiệu nói thêm rằng hồi sáng, Đại sứ Martin có đến thăm và khuyên ông nên "vận động âm thầm với Tổng thống Ford". Martin thêm rằng bây giờ là lúc Quốc hội Mỹ sắp nghỉ lễ Phục Sinh, cho nên có yêu cầu viện trợ cũng không được cứu xét. Bởi vậy: "Từ bây giờ tới lúc đó (sau Phục Sinh), mình sẽ âm thầm làm việc với nhau".
                    Trấn an lần cuối
                    Đang khi ông Thiệu cân nhắc xem nên làm gì thì Đại sứ Phượng từ Washington lại chuyển đạt một lá thư của ông Ford gửi cho ông Thiệu. Lá thư tới Sài gòn ngày 23 tháng Ba. Đó là liên lạc trực tiếp cuối cùng của Tổng thống Hoa kỳ với Miền Nam. Chắc là ông Ford muốn nâng tinh thần ông Thiệu. Và làm như vậy chỉ hơn ba tuần trước khi có lệnh "yêu cầu Đại sứ (Martin) xúc liến cho nhanh việc di tản những công dân Mỹ ra khỏi Việt nam" (xem Chương 14).
                    Nhìn lại lịch sử, tôi nghĩ rằng có thể bức thư cuối cùng này chỉ nhằm trấn an ông Thiệu để ông khỏi la lối lên. Được gửi bằng mật mã từ Mỹ và giải mã ở Sài gòn, thư đọc như sau:

                    White House
                    Ngày 22 tháng Ba, 1975
                    Thưa Tổng thống,
                    Cuộc tấn công hiện nay của Bắc Việt chống lại quý quốc thật vô cùng xáo trộn khiến riêng cá nhân tôi lo âu. Theo quan điểm của tôi, thì cuộc tấn công của Hà Nội tượng trưng cho một sự việc không kém gì sự huỷ bỏ Hiệp định Paris bằng vũ lực.
                    "Biến chuyển này mang theo không hậu quả nghiêm trọng nhất cho cả hai dân tộc chúng ta. Đối với Ngài và nhân dân Ngài thì dây là lúc hy sinh lớn nhất, nó sẽ quyết đinh chính số phận quí quốc. Tôi tin tưởng rằng dưới quyền lãnh đạo của Ngài, quân lực và nhân dân Việt nam cộng hoà sẽ tiếp tục công cuộc bảo vệ kiên trì chống lại vụ xâm lược mới này. Tôi cũng tin tưởng chắc chắn rằng nếu có được sự yểm trợ bổ túc từ bên ngoài vào thì quý quốc sẽ thắng thế trong cuộc đấu tranh giành quyền tự quyết của mình.

                    "Riêng đối với Hoa kỳ thì vấn đề cũng không kém phần cấp bách.
                    "Khi hành động như thế này, Hà Nội đang tìm cách huỷ diệt tất cả những gì mà chúng ta đã chiến đấu để thành đạt, với phí tổn vô cùng to lớn, suốt mười năm qua!
                    Sự quyết tâm của Hoa kỳ để yểm trợ một người bạn đang bị các lực lượng (Bắc Việt) với vũ khí hùng mạnh tấn công, hoàn toàn vi phạm một thoả ước quốc tế (đã được ký kết) long trọng, là một điều hết sức cần thiết.
                    "Riêng tôi, tôi quyết tâm rằng Hoa kỳ sẽ đứng vững sau lưng Việt nam cộng hoà trong giờ phút tối quan trọng này. Với mục đích tôn trọng những bổn phận của Hoa kỳ trong tình thế này, tôi đang theo dõi những biến chuyển với chủ tâm cao độ nhất và đang khẩn cấp tham khảo ý kiến các cố vấn của tôi về những hành động mà tình thế có thể đòi hỏi và pháp luật cho phép. Về việc cung ứng viện trợ quân sự đầy đủ cho quân đội Ngài, xin Ngài yên tâm là tôi sẽ cố tâm nỗ lực để thoả mãn những nhu cầu vật chất của Ngài trên chiến trường.
                    Trước khi chấm dứt, tôi xin được nhắc lại một lần nữa lòng cảm phục liên tục của tôi đối với quyết tâm của Ngài và đối với sức bền bỉ và sự anh dũng của nhân dân Việt nam cộng hoà".
                    Kính thư,
                    (kí) Gerald R. Ford

                    Tổng thống Thiệu gạch dưới nhiều đoạn: "Quyết tâm của Hoa kỳ ủng hộ một người bạn", "Mỹ sẽ đứng vững sau VNCH trong giờ phút tối quan trọng này", "tôn trọng những bổn phận của Hoa kỳ trong tình thế này", và "tôi sẽ cố tìm mọi nỗ lực để thoả mãn những nhu cầu vật chất của Ngài trên chiến trường". Thế nhưng, dù là nói tới "quyết tâm ủng hộ" này kia, người thảo bức thư đã khôn khéo gài vào mấy chữ: "(tôi) đang khẩn cấp tham khảo ý kiến các cố vấn về những hành động mà tình thế có thể đòi hỏi và pháp luật cho phép".

                    Ông Thiệu chỉ thị cho tôi gấp rút soạn một lá thư gửi Tổng thống Ford. Ông ghi xuống những điểm chính để tôi viết lại bằng tiếng Anh. Trong bản dự thảo lần đầu, tôi mô tả chi tiết về tình hình suy sụp nhanh chóng tại Miền Nam, vì vào lúc đó trước công luận, trong các giới chức ở Washington không ai chỉ rằng tình hình đã nguy ngập.

                    Hồ sơ mật lệnh Độc Lập
                    Trong lúc tôi đang soạn thư thì Đại tá Đức, một sĩ quan tuỳ viên của Tổng thống Thiệu tới nhà và mang theo một phong bì lớn ngoại khổ, nặng, cồng kềnh và dán kín. Bên trong phong bì là một tập giấy rời đựng trong bìa đen: đó là tập Hồ sơ mật Dinh Độc Lập, gồm tất cả những thư tín trao đổi giữa VNCH và HK trong thời gian trên ba năm qua. Tôi được chỉ thị của Tổng thống là dùng tập hồ sơ này để soạn thảo lá thư cho ông.

                    Trước đó ít lâu, vào đầu tháng ba, tôi đã có dịp được coi phó bản của một vài lá thư lẻ tẻ, nhưng chưa bao giờ được đọc toàn bộ tập hồ sơ, gồm các thư của Tổng thống Nixon, Tổng thống Ford, và hàng chục lá thư của Tổng thống Thiệu, xếp theo thứ tự thời gian.
                    Thức khuya để đọc hết tập hồ sơ đó, điều làm tôi chú ý trước hết là đọc thấy những ngôn từ có thể nói là "tàn bạo".

                    Trước đấy, trong cương vị một giáo sư đại học, tôi cứ tưởng là lãnh đạo các cường quốc luôn luôn có những ngôn từ ngoại giao, nhẹ nhàng. Nếu cần đe doạ, thì sẽ dùng một thứ ngôn từ gián tiếp nào đó, chứ đâu có "nói toạc móng heo". Đọc tập hồ sơ xong tôi mới học được bài học chính trị khá phũ phàng ở hậu trường!
                    Điều làm tôi ngạc nhiên thứ hai là thấy rõ sự chặt chẽ và và quan trọng của những bảo đảm mà Tổng thống Nixon đã đưa ra để đổi chác với VNCH. So sánh nó với những gì đã và đang xảy ra, tôi thấy rõ sự gian trá và bội ước. Điều này thật khác xa những kinh nghiệm trong bao nhiêu năm của bản thân tôi sinh hoạt trong xã hội Mỹ (từ 1958). Qua lối sống hằng ngày trong giao tế, mua bán, người Mỹ nói chung là rất lương thiện, xòng phẳng. Từ khi còn ở đại học, tôi thấy sinh viên Mỹ thường không nói dối, hoặc là "cóp" bài hay gian lận trong lúc thi. Thí dụ như ở Đại Học Virgina, có một truyền thống gọi là "hệ thống danh dự", (Honor System): thỉnh thoảng giáo sư cho sinh viên mang bài thi về nhà làm. Quan sát anh bạn Mỹ cùng phòng, cũng như nhiều sinh viên khác, tôi thấy ít khi nào họ mở sách ra xem hay làm bài chung với nhau. Khi đi mua đồ đạc đem về dùng, mấy hôm sau nếu thấy không tốt hay không vừa ý, vẫn có thể mang trả lại, hoặc đổi cái mới. Đa số người Mỹ thường không lạm dụng lề thói này.

                    Một suy nghĩ khác trong tâm trí tôi lúc đó là về phong cách làm việc không được hữu hiệu về phía VNCH. Nhẽ ra, sau Hiệp định Paris, tất cả những văn kiện hậu trường bang giao Việt - Mỹ đã phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, bàn bạc, rồi đưa ra những phương thức hành động cho thích hợp. Giá như Chính phủ Sài gòn khai thác hồ sơ này vào năm 1973 thì còn có hy vọng phần nào. Vào thời điểm đó, sau khi Tổng thống Nixon đã rút hết quân và mang được tù binh về, Quốc hội Mỹ vẫn còn đôi chút thiện cảm với Miền Nam (3). Đằng này, chỉ có một cuộc họp vài ngày tại San Clemente giữa hai Tổng thống (tháng 4, 1973) và sau đó chỉ có một "thông cáo" nói tới việc Hoa kỳ sẽ tiếp tục yểm trợ Miền Nam, chung chung như vậy thôi. Tổng thống Thiệu đã không bàn định gì thêm với Hội đồng Tổng trưởng cũng như chia sẻ với Quốc hội. Tại Quốc hội, năm 1974, ông Trần Văn Lắm là Chủ tịch Thượng Viện. Lúc trước ông là Tổng trưởng ngoại giao, và là người ký Hiệp định Paris, như vậy ông đã biết đầy đủ về những tài liệu này. Với chức vị mới của ông bên lập pháp, ông đã có thể liên lạc thẳng với Quốc hội Hoa kỳ để đưa ra vấn đề, dù có thể bị Kissinger chống đối.

                    Năm 1973 và 1974, đôi khi Eric Von Marbod có hỏi tôi là có những bằng chứng nào về việc ông Nixon hay Kissinger hứa hẹn gì với Tổng thống Thiệu không? Marbod đã muốn có dữ kiện để đưa cho cấp trên của mình là Schlesinger. Ông này có thể dùng nó khi lên Quốc hội điều trần về viện trợ. Sau ngày sụp đổ, có lần tôi hỏi Tổng thống Thiệu về việc này thì ông trả lời: "Nếu họ (Chính phủ Nixon, Ford) muốn giúp mình thì tự họ phải thông báo cho Quốc hội hội biết; nếu mình tiết lộ, họ sẽ vin vào đó mà nói mình bội ước". Phía Hoa kỳ đã luôn luôn dặn ông phải giữ bí mật mọi trao đổi văn bản (ngay lúc Kissinger đưa bản thảo Hiệp định Paris cho ông Thiệu hồi tháng 10, 1972, ông ta còn dặn là "Phải giữ hết sức bí mật", nhưng ông Thiệu đã trả lời thẳng là "ít nhất tôi cũng phải đưa cho Hội đồng an ninh xem").
                    Khiếu nại tới lương tâm Hoa kỳ

                    Trong bản dự thảo thư gửi cho Tổng thống Ford, thoạt đầu tôi mô tả chi tiết về tình hình suy sụp nhanh chóng ngoài mặt trận, vì tại Washington lúc ấy, Tổng trưởng quốc phòng đang nói là không có một khủng hoảng quân sự nào ở Việt nam! Trong khoảng thời gian soạn thảo lá thư, thì mặt trận đã suy sụp nhanh chóng. Một bản thảo vừa viết xong, tình thế đã lại thay đổi, khiến nó trở thành lỗi thời. Nhịp biến chuyển của thời gian có thể trông thấy ngay trước mắt.
                    Sau khi nhận được thư Tổng thống Ford viết ngày 22 tháng 3, ông Thiệu quyết định nói mạnh, đòi Mỹ yểm trợ bằng quân sự. Ông chỉ thị cho tôi "đừng báo cáo chi tiết về tình hình, mà cũng đừng nói gì tới xin quân viện 300 triệu đô la nữa". Buổi chiều ngày 24 tháng 3, bản thảo chót được trình cho ông, có đoạn mở đầu: "Thưa Tổng thống, lúc lá thư này tới tay Ngài, thành phố Huế có lẽ đã bị bỏ ngỏ, và rất có thể chính Sài gòn cũng đang bị đe doạ".
                    Sáng hôm sau, Huế bị bỏ ngỏ thật. Ông Thiệu xoá câu mở đầu gạc đi những câu dài dòng. Đọc bản thảo, ông chữa và viết lại yêu cầu can thiệp bằng quân sự và tăng quân viện.

                    Nguyên văn cuối cùng như sau:
                    Ngày 25 tháng 3, 1975
                    Kính gửi Tổng thống Gerald Ford
                    Toà Bạch Cung
                    Thưa Tổng thống,
                    Xin cảm ơn Ngài về bức thư đề ngày 22 tháng 3, 1975 của Ngài.
                    Trong lúc tôi viết bức thư này cho Ngài thì tình hình quân sự tại Nam Việt nam đang hết sức khẩn trương, và cứ mỗi giờ qua lại càng trầm trọng hơn.
                    Sự bất quân bình trong cán cân lực lượng của hai bên đã nghiêng hẳn về phía quân Bắc Việt, cũng như những lợi điểm chiến lược mà chúng thu thập được trong hai năm qua, đã đưa tới tình trạng khủng hoảng hiện nay, nhất là tại Vùng 1 và Vùng 2 Chiến thuật, như Ngài hẳn đã biết. Những áp lực nặng nề đang đè xuống tất cả phần còn lại của lãnh thổ quốc gia. Chúng tôi, và chính Sài gòn cũng đang bị đe doạ.
                    Bởi vậy, nếu không có những biện pháp cực mạnh và mau chóng về phía Ngài để tái lập sự quân bình lực lượng thì chúng tôi sẽ khó mà ngăn chặn sự tiến quân của các lực lượng Cộng sản, để giữ vững phòng tuyến hầu đẩy lui lực lượng xâm lăng.
                    Ý đồ của Hà Nội là dùng Hiệp định Paris đê thôn tính miền Nam bằng quân sự thì chúng tôi đã biết rõ ngay từ lúc còn đang thương thảo Hiệp định này.
                    Chắc Ngài còn nhớ chúng tôi đã ký (Hiệp định ấy) không phải vì chúng tôi ngây thơ tin ở thiện chí của kẻ thù, mà chỉ vì chúng tôi đã tin tưởng vào lời cam kết long trọng của Hoa kỳ là sẽ bảo vệ hoà bình tại Việt nam.. Theo những lời cam kết vững chắc lúc ấy, chúng tôi đã được hứa hẹn là Hoa kỳ sẽ trả đũa thực lòng và mãnh liệt khi có bất cứ vi phạm Hiệp định nào của đối phương.
                    Chúng tôi coi những lời cam kết đó là bảo đảm quan trọng nhất cho Hiệp định đình chiến.
                    Chúng tôi tin vào cam kết đó là tối quan trọng cho sự sống còn của chúng tôi.
                    Thưa Tổng thống,
                    "Trong giờ phút hết sức khẩn trương này, lúc mà sinh mệnh của miền Nam đang lâm nguy và hoà bình đang bị đe doạ nghiêm trọng tôi xin long trọng yêu cầu Ngài thi hành hai biện pháp cần thiết sau đây:
                    Ra lệnh cho phi cơ B-52 can thiệp trong một thời gian ngắn nhưng mãnh liệt xuống những nơi tập trung quân và căn cứ hậu cần của địch trong lãnh thổ Miền Nam Việt nam, và cung ứng khẩn cấp cho chúng tôi những phương tiện cần thiết để ngăn chặn và đẩy lui cuộc tấn công.
                    "Chỉ có hai hành động này mới có thể chặn đứng được kẻ thù khỏi xé nát những mảnh giấy còn lại của Hiệp định Paris.
                    Thưa Tổng thống,
                    "Một lần nữa, tôi muốn kêu gọi Ngài, kêu gọi đến uy tín của chính sách ngoại giao Hoa kỳ, và nhất là khiếu nại tới lương tâm của nhân dân Hoa kỳ.
                    Tôi đã rất phấn khởi khi thấy vào lúc mới nhiệm chức Tổng thống, chính Ngài đã mau chóng tái xác nhận những bảo đảm cũng như tiếp tục chính sách ngoại giao của Hoa kỳ (đối với Việt nam) và minh định hiệu lực của những cam kết hiện hữu. Tôi tri ân Ngài về việc Ngài (đã nói, rằng sẽ) quyết tâm tôn trọng hoàn toàn những cam kết đó trong nhiệm kỳ của Ngài. Như Ngài đã nhận định thật đúng, những bảo đẩm này đặc biệt thích hợp với (trường hợp) Việt nam cộng hoà.
                    Nhiều thế hệ quốc dân Việt nam sau này được sống trong tự do không bị Bắc Việt thống trị sẽ mang ơn về những hành động kịp thời của Ngài và lòng kiên trì của dân tộc Hoa kỳ vĩ đại.
                    Trân trọng,
                    Nguyễn Văn Thiệu
                    Tổng thống Việt nam cộng hoà

                    Sau khi ông Thiệu chữa xong, tôi sang phòng Đại Tá Cầm, chánh Văn phòng của Tổng thống, và dặn ông cho đánh máy ngay rồi mời Đại sứ Mỹ sang trao càng sớm càng hay. Tôi vừa ra khỏi phòng Đại tá Cầm mới nhớ là đã quên chưa cám ơn ông Ford về lá thư ngày 22 tháng 3. Có lẽ là vì nó chẳng có gì đáng nhớ. Nhưng tôi vội quay lại, ghi vào bản thảo và dặn ông Cầm thêm câu cám ơn cho lịch sự. (tôi viết: add "Thanh you for your letter of March 22nd"). Lúc dó Đại sứ Martin đã đi Mỹ vận động vào giờ chót. Phó Đại sứ Wolfgang Lehmann sang nhận thư. Ông Thiệu nói chuyện sơ với ông Lehmann và trao cho ông xem bức thư cầu cứu cuối cùng của VNCH.

                    Lehmann nói vài câu qua loa giải thích sự vắng mặt của Đại sứ Martin. Bằng một giọng như nghẹn ngào, ông hứa "Tôi sẽ chuyển ngay thư này". Ông vội về Toà đại sứ và bằng một đường giây đặc biệt, đã điện về Washington ngay sau đó.

                    Một chút ân tình
                    Nhận được thư ông Thiệu, Tổng thống Ford không hồi âm nhưng làm một nghĩa cử tượng trưng cho một chút ân tình. Trong Hồi ký (1979) ông viết lại rằng:
                    "Chiều ngày 25 tháng 3 (ngày 26 giờ Sài gòn), tôi họp với các ông Kissinger, Scowcroft, Martin và tướng Weyand, Tham mưu trưởng Lục quân. Mọi người đều biết là tình hình Miền Nam rất trầm trọng nhưng không ai biết nó nguy kịch như thế nào. Tôi yêu cầu ông Weyand bay sang Sài gòn sớm nhất có thể, ở đó độ một tuần rồi mang về một báo cáo đầy đủ".
                    Biết rằng "Chẳng ai biết nó nguy kịch như thế nào", Tổng thống Ford hoàn toàn không đả động gì đến những cầu cứu khẩn thiết của Tổng thống và Chủ tịch Quốc hội VNCH (xem Chương sau). Ông Martin vừa ở Sài gòn trở về Washington sau khi họp nhiều lần với ông Thiệu, cũng như đã có đầy đủ tin tức chiến trường do Polgar cung cấp, và đã báo cáo chi tiết cho Kissinger và Ford.

                    Ngày 27 tháng 3, Von Marbod gọi cho tôi từ Ngũ Giác Đài thông báo là ông sẽ cùng đi với tướng Weyand. Tôi rất mừng, vì lúc đó đã bắt đầu nghi ngờ về sự hiểu biết của ông Ford.
                    Nhận rõ bản tính hay nghi ngờ của ông Thiệu, tôi dựa vào đó nói lên mối quan tâm của tôi trước khi phái đoàn Weyand tới Sài gòn.
                    Làm sao để đi vòng?

                    Tôi muốn ông Thiệu biết việc tôi dự định làm để đi vòng sau lưng ông Kissinger. Từ mùa hè 1974, ông Thiệu có dặn là khi nào tôi chủ động muốn gặp ông thì cứ đưa cho Đại tá Cầm một phiếu nhỏ, ghi vấn đề muốn bàn và mức độ gấp hay không gấp. Nếu ghi số 1 là gặp ngay, càng sớm càng tốt; số 2. nội trong 3-4 ngày; số 3: nội trong tuần. Hôm đó tôi chỉ ghi: "Vấn đề quan trọng" và về độ khẩn, tôi ghi hai lần số 1. Tôi nói với Đại tá Cầm sắp xếp cho tôi gặp ông vào buổi sáng vì biết bản tính ông hay cởi mở, đón nhận những ý kiến mới vào sớm mai.
                    Vừa gặp, tôi đã đi thẳng vào vấn đề và nói tới nghi vấn của tôi (việc chính ông Ford cũng không biết rõ những chuyện giữa Nixon với ông.
                    "Sao anh lại nghĩ vậy? Làm sao mà một Tổng thống lại không biết đến sự việc đó? Ông ta vừa lập lại "những cam kết của Hoa kỳ với tôi", ông Thiệu ngạc nhiên hỏi tôi.
                    "Ấy chính điểm đó mà tôi mới nghi".

                    Trước khi để ông hỏi "tại sao anh nghi", tôi nói tiếp "Có lẽ Kissinger đã bưng bít, không trình ông ta".
                    Thế là đã trúng. Ông Thiệu luôn nghi ngờ là Kissinger trước kia đã không tường trình đầy đủ mọi khía cạnh về Hoà Đàm Paris cho Tổng thống Nixon. Ông tỏ vẻ đăm chiêu, mắt chớp chớp. Được đà, tôi nói thêm: "Tôi đề nghị Tổng thống cho phép tôi tìm cách gửi những thư của ông Nixon tới ông Ford".
                    Ông Thiệu không nói gì, lại càng nhìn tôi chăm chú. "Bây giờ mình đã tuyệt vọng, không còn cái phao nào mà bám nữa", tôi cố gắng thuyết phục. Dường như bị một nỗi chua xót đang dày vò, ông không nói gì thêm, ngả lưng vào ghế, nhìn lên trần nhà, cau mày, suy tư. Tôi đứng dậy, "Thôi tôi về để Tổng thống làm việc".
                    Rời bàn ăn tôi đi về phía cầu thang. Vừa đi được mấy bước, bỗng ông Thiệu gọi giật lại: "Anh Hưng", tôi quay lại. Ông dặn với: "Làm gì thì làm, nhưng phải hết sức thận trọng đừng để Mỹ có cớ đổ tội cho là mình bội tín". Tôi hiểu ngay là ông đã đồng ý, nhưng như thường lệ, ông không ra lệnh rõ ràng.
                    "Tổng thống đừng ngại, có gì cứ đổ cho tôi". Ông hấp tấp đi xuống văn phòng.

                    Tới Sài gòn, ông Von Marbod gọi cho tôi ngay. Tôi mời ông tới nhà dùng cơm ngay chiều hôm đó. Rất mong tin tức xem Washington phản ứng thế nào về lời cầu cứu, tôi muốn dò xem trước khi phái đoàn Weyand lên đường, ông Ford có bình luận gì không? "Tổng thống Ford gửi Weyand sang để trấn an và xem các anh cần giúp gì", ông nói. Sau vài ly bia "33" mà ông rất ưa thích, tôi hỏi thẳng xem có phải tướng Weyand sang Sài gòn là để đáp ứng lá thư cầu cứu của Tổng thống Thiệu vừa gửi không? "Tổng thống Thiệu hả, hồi nào?" Marbod hỏi giật. Té ra ông và cả phái đoàn Weyand không hay biết gì cả. Tôi tóm tắt nội dung lá thư, và nhấn mạnh là lời cầu cứu SOS được dựa trên căn bản những hứa hẹn mật để bảo đảm hoà bình và cung cấp đầy đủ viện trợ. "Ai hứa?" Marbod tò mò hỏi. Khi tôi nói rõ ra là đã có những cam kết của chính ông Nixon viết trên giấy trắng mực đen gởi cho ông Thiệu, Marbod hết sức hồ nghi. "Anh nói gì vậy? Tổng thống Nixon thực sự có hứa hẹn à, hứa gì? bao giờ, bao giờ?" Ông hỏi dồn dập.

                    Trước khi đi xa hơn, tôi hỏi ông ta xem vai trò của Tướng Weyand có quan trọng không. Ông cho biết là rất quan trọng và khi về Washington thì Weyand sẽ báo cáo thẳng cho Ford (sau khi báo cáo theo hệ thống cho Tổng trưởng quốc phòng). Tôi mở cặp, đưa cho Marbod coi một vài lá thư của Tổng thống Nixon."Thật là khó tin. Tại sao các anh lại dấu những tài liệu này đi?"
                    "Ông có nghĩ là Tổng thống Ford biết đến những lá thư này không?" tôi hỏi lại.
                    "Tôi không biết. Tôi không đoán được", Marbod trả lời. "Tôi phải về ngay để gặp tướng Weyand", ông nói và yêu cầu tôi cho ông mang theo mấy lá thư. "Liệu ông có thể chuyển giúp mấy thư này tới tay Tổng thống Ford qua ngả tướng Weyand được không?" tôi hỏi.
                    "Lẽ dĩ nhiên tôi có thể lo việc này được. Nếu biết sớm hơn, chúng tôi đã có thể giúp cho VNCH nhiều hơn".
                    Thật khó cho tôi giải thích là chính mình cũng chỉ vừa mới biết hồ sơ mật này. Để cho cẩn thận, tôi nhờ Marbod về trao đổi với tướng Weyand liệu xem ông ta có sẵn lòng làm việc này không đã. Bởi vậy tôi đề nghị là trước hết, tôi chỉ ghi mấy nét chính trong vài lá thư cho Weyand đọc xem ra sao?
                    Vài hôm sau, Marbod trở lại. "Weyand rất đỗi ngạc nhiên về những bức thư này", ông nói. "Weyand cũng đồng ý là có lẽ Tổng thống Ford không biết gì thật! Trước khi lên đường ông ta đã họp mật với Tổng thống và hoàn toàn không thấy đả động gì đến cả" Marbod nhấn mạnh: "Anh phải đưa thư cho tôi ngay, tướng Weyand sẽ tìm cách đưa riêng cho ông Ford"(4).

                    Ngày 3 tháng 4, trước khi về Washington, phái đoàn đoàn tới Dinh Độc Lập họp với phía VNCH. Đêm hôm trước, ông Thiệu bảo tôi soạn một bản tóm tắt những đoạn quan trọng trong mấy lá thư để ông khôn khéo sử dụng một cách bóng gió với Weyand. Tôi trình bày là ông khỏi phải nói vì tôi đã làm việc đó rồi. "Anh gặp ông ta hồi nào?" Ông Thiệu ngạc nhiên hỏi. "Tôi không gặp chính ông ấy, nhưng nhờ một người thân tín trao dùm. Weyand rất ngạc nhiên và cũng nghĩ rằng chính ông Ford cũng không biết đến chuyện này". Bây giờ thì ông Thiệu đã hoàn toàn tin là Kissinger bưng bít. "Vấn đề này rất tế nhị, người bạn tôi và tướng Weyand sẽ tuỳ cơ ứng biến", tôi nói, rồi nhắc lại: "Tôi sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc này. Nếu bị tiết lộ và Kissinger phản kháng, Tổng thống cứ đổ hết cho tôi".
                    Tổng thống Ford xúc động

                    Đang trên đường bay về Washington để báo cáo, trước hết cho Tổng trưởng quốc phòng theo hệ thống, thì Weyand được lệnh đổi hướng bay thẳng tới Palm Springs (Nevada) để phúc trình cho hai ông Ford và Kissinger tại đó. Weyand muốn đưa mấy bức thư cho ông Tổng thống, nhưng làm sao mà đưa riêng được? Weyand thừa biết rằng nếu Kissinger biết chuyện này thì chắc chắn ông ta sẽ chặn lại, hoặc là sẽ sửa soạn tinh thần ông Ford. Kissinger có biệt tài về hùng biện. Nếu ông muốn chuẩn bị ông Ford trước thì rất dễ dàng. Chỉ cần đưa ra một cách giải thích nghe rất hợp lý thí dụ như: "đâu có gì quan trọng; những lời tuyên bố công khai hồi đó cũng đã giống như vậy rồi" là ông Ford tin ngay, vì ông Ford đâu có theo dõi gì. Câu nói này cũng chính là luận điệu Kissinger đã đưa ra để biện hộ lúc về sau này.
                    Biết như vậy nên Weyand đã cố sắp xếp để gặp riêng ông Ford ngày 5 tháng 4 được năm phút trước khi họp với Kissinger "Đọc mấy thư này, ông Ford đã xúc động", Marbod kể lại. Và có lẽ là vì thấy quá bất nhẫn, nên ông đã thay lòng đổi dạ, có quyết định cứu thêm số người di tản và xin thêm quân viện cho Miền Nam dù đã quá muộn (xem Chương sau).

                    Weyand, von Marbod gặp Ford và Kissinger trong phòng ngủ ngôi biệt thự nghỉ hè của ông Ford. Weyand trao cho Ford bản phúc trình về tình hình tại Miền Nam và đề nghị những biện pháp yểm trợ, đặc biệt là tăng 722 triệu quân viện cấp thời. Trong bản tóm lược về báo cáo chi tiết, Weyand viết:
                    "Tình hình quân sự hiện nay đang nguy ngập… Chính phủ Việt nam đang gần kề sự thật bại quân sự hoàn toàn. Tuy nhiên, Miền Nam đang làm kế hoạch tiếp tục chống giữ với những tài nguyên còn lại của họ và, nếu được một thời gian để lấy lại sức, họ sẽ xây dựng lại được những khả năng của họ tới mức mà sự yểm trợ vật chất của Hoa kỳ sẽ cho phép. Tôi tin rằng chúng ta thiếu họ món nợ yểm trợ đó…
                    "Chúng ta đã giơ tay ra cho nhân dân Miền Nam Việt nam và họ đã nắm lấy. Giờ đây, họ đang cần đến bàn tay giúp đỡ ấy nhiều hơn bao giờ hết…
                    "Uy tín của Hoa kỳ, trong cương vị một nước Đồng minh, hiện đang bị thử thách tại Việt nam. Để giữ vững được uy tín đó, ta phải làm một nỗ lực tối đa để yểm trợ nhân dân miền Nam Việt nam trong lúc này.

                    "Bản phân tích chi tiết hơn được trình bày trong phúc trình đính kèm.
                    Kính trình
                    (ký) Fred C. Weyand
                    Trong phần chính của bản phúc trình, Weyand đã biện hộ cho một ngân khoản quân viện khẩn cấp là 722 triệu cho Miền Nam. Vào thời điểm đó, ông Ford đang bắt đầu sửa soạn ra tranh cử chức Tổng thống năm sau. Phần nào, ông ta bị mặc cảm là chưa hề bao giờ được dân chúng Mỹ bầu lên địa vị tối cao của Hành pháp. Từ một dân biểu ở Hạ Viện, ông dược Nixon cất nhắc lên làm Phó Tổng thống, vào hè 1974 (khi ông Phó Tổng thống Agnew từ chức). Sau đó, ông nhảy vọt lên chức Tổng thống khi Nixon ra đi.
                    Và bộ hạ của ông Ford ở Bạch Ốc đang cố vấn ông: “hãy đưa nước Mỹ ra khỏi Việt nam chứ chớ có đưa vào nữa!” (5)

                    Chú thích:
                    (1) Trích dẫn cuộc họp báo của Tổng trưởng quốc phòng Schlesinger, 14-l-1975, Bộ Quốc phòng Hoa kỳ.
                    (2) Phỏng vấn Trần Văn Đôn, 10-4-1985.
                    (3) Về điểm này, ông Graham Martin đã xác nhận với tác giả rằng theo ông, Quốc hội còn khá nhiều thiện cảm với Miền Nam sau khi mang được tù binh và rút được quân về.
                    (4) Gerald Ford, A time to heal, trang 250-251.
                    (5) Henry Kissinger. Ending the Vietnam war, trang 536.
                    hết: P3 - Chương 10, xem tiếp: P3 - Chương 11

                    Comment


                    • #11
                      Khi đồng minh tháo chạy

                      Nguyễn Tiến Hưng-Khi đồng minh tháo chạy
                      P3 - Chương 11

                      Che dấu Quốc hội, nhân dân Hoa kỳ


                      Sau bao nhiêu thủ đoạn của Kissinger, vào lúc sắp hạ màn, lại thêm một chuyện khó hiểu: nhân dân Hoa kỳ không được nghe những lời cầu cứu của nhân dân Miền Nam, vì đã không có dấu vết gì là hai lá thư của Quốc hội VNCH cầu cứu Quốc hội Hoa kỳ đã tới nơi!

                      Và như vậy, chẳng những Quốc hội Hoa kỳ đã bị hoả mù hoàn toàn, không hay biết gì đến những cam kết của Tổng thống Nixon, Ford, họ lại không có cơ hội dù chỉ là để nghe lời cuối cùng do đại diện hai mươi triệu nhân dân Miền Nam cầu cứu.

                      Trong cuộc họp ngày 22 tháng 3 tại Dinh Độc Lập với Chủ tịch Thượng Viện, ông Trần Văn Lắm, và Chủ tịch Hạ Viện, ông Nguyễn Bá Cẩn, Ngoại trưởng Bắc và tôi, sau khi nghe Tổng thống Thiệu giải thích vấn gọn về tình hình và những việc phải làm, ông Lắm đề nghị là Quốc hội Việt nam phải lên tiếng cầu cứu nhân dân Hoa kỳ qua Quốc hội Mỹ. ông Thiệu rất đồng ý: "Nhân dân Hoa kỳ phải có cơ hội nghe mình nói sự thật. Vấn đề là dưới hình thức nào?"

                      Sau khi bàn bạc mọi khía cạnh, ông Lắm đi tới kết luận là Quốc hội VNCH nên viết ba tối hậu thư cầu cứu Mỹ: một cho Tổng thống Ford, một cho ông Nelson Rockefeller, Chủ tịch Thượng Viện (vì ông ta là Phó Tổng thống, nên theo hiến pháp, cũng là Chủ tịch Thượng Viện), và một cho ông Carl Albert, Chủ tịch Hạ Viện.
                      Là người bình thường rất điềm đạm, vui vẻ, ân cần, ít để lộ xúc cảm riêng tư, ông Lắm hôm ấy cũng hết sức xúc động. Ông vừa đi Washington cầu viện tại Quốc hội Mỹ về được vài tuần và đã báo cáo dứt khoát là không những sẽ không có khoản 300 triệu mà cả quân viện cũng có thể bị cắt.
                      Ông kể lại những gì ông đã được nghe vào lúc Hoà Đàm Paris sắp kết thúc. Vì ông là người sẽ phải ký vào Hiệp định cùng với Henry Kissinger, Kissinger đã cố thuyết phục ông. Trong lúc chỉ có hai người ngồi họp, một cách trịnh trọng ông

                      Kissinger đã lặp đi lặp lại với ông Lắm "những cam kết hết sức chặt chẽ". Ông phàn nàn: "Không thể tưởng tượng được! Làm sao một đại cường quốc như Hoa kỳ mà lại có thể xử sự như vậy?". Rồi bằng giọng xúc động, và nghiêm nghị, ông kể ra năm điều cam kết Kissinger đã nói riêng với ông, trước khi ông đại diện VNCH ký vào bản Hiệp định:
                      thứ nhất, Kissinger đã nói với tôi rằng mười lăm ngày sau khi ký kết thoả ước, Bắc Việt sẽ ngưng xâm nhập miền Nam từ ngả Lào, như vậy là chấm dứt được việc tăng cường lực lượng của chúng tại miền Nam. Vậy mà khoản này đã bị vi phạm trắng trợn, một cách có hệ thống;
                      thứ hai, ông ta đã bảo đảm rằng Nga Xô và Trung Cộng sẽ dùng ảnh hưởng của họ để bắt Bắc Việt phải tôn trọng Hiệp định;
                      thứ ba, ông ta thề sống, thề chết là nếu Hiệp định bị vi phạm, Hoa kỳ sẽ đáp ứng quyết liệt, với toàn lực chống Bắc Việt;
                      thứ tư, khi thảo luận riêng tư, Kissinger đã hứa Hoa kỳ sẽ thi hành việc thay thế quân cụ theo tiêu chuẩn một-đổi-một như Hiệp định cho phép. Cũng theo hứa hẹn đó, Kissinger nói Hoa kỳ sẽ cung ứng quân viện đầy đủ để VNCH tự vệ, sử dụng quyền tự quyết và;
                      thứ năm, Kissinger nhắc lại Tổng thống Nixon đã cam kết sẽ viện trợ kinh tế đầy đủ để tái thiết". Hiệp định Paris, như Kissinger đã thường nói với tôi và phái đoàn VNCH tại Paris, trong nhiều dịp, "Chỉ là một mảnh giấy; điều đáng kể là quyền lực của vị Tổng thống Hoa kỳ làm hậu thuẫn cho nó".
                      Thấy ông Lắm tiết lộ như vậy tôi thầm nghĩ lại sao ngay tại buổi họp giữa Ngoại trưởng Lắm và Cố vấn Kissinger, lại không có những bước tiếp theo? Thường là sau các buổi họp quan trọng, có tính cách thương thuyết thì bắt buộc phải có Bản Ghi Nhớ. Bản này ghi lại những điểm chính, hai bên cùng ký tắt vào để làm bằng chứng, lưu vào hồ sơ. Giá như Ngoại trưởng Lắm có được một Bản Ghi Nhớ (tháng 1, 1973) giữa ông và Kissinger như vậy thì trong những chuyến đi cầu viện tại Washington năm 1974 và 1975 (với tư cách là Chủ tịch Thượng Viện VNCH) ông đã có được những lý do chính đáng để tiến bộ.
                      Quốc hội VNCH cầu cứu Tổng thống Hoa kỳ

                      Giờ đây thì đã muộn, nhưng năm điểm cam kết Ngoại trưởng Lắm đưa ra đã được dùng làm nội dung chủ yếu của bức thư duy nhất trong lịch sử do Quốc hội VNCH gửi cho Tổng thống Hoa kỳ. Lời lẽ thống thiết, bức thư còn dựa trên căn bản tình nghĩa của một Đồng minh đã cùng chiến đấu với Hoa kỳ trong hai thập niên. Thêm vào đó, nó còn viện dẫn tính cách quốc tế của Hiệp định Paris: là đã được một Hội nghị quốc tế (tiếp theo Hiệp định) xác nhận giá trị của nó.
                      Về điểm này, suy nghĩ lại, tôi thấy hai ông Nixon-Kissinger rất khôn. Thay vì yêu cầu Quốc hội Mỹ phê chuẩn Hiệp định Paris, và như vậy có tính cách ràng buộc đối với Mỹ, họ lại tổ chức một Hội nghị Quốc tế (có Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc tới dự) để xác nhận "tính cách quốc tế" của nó. Như vậy là Hiệp định đã có giá trị với quốc tế, VNCH cứ an tâm.

                      Lá thư gửi Tổng thống Ford như sau:
                      Việt nam cộng hoà
                      Thượng Viện
                      Sài gòn, Ngày 24 tháng 3, 1975
                      Kính gửi
                      Tổng thống Gerald Ford
                      Toà Bạch Cung
                      Thưa Tổng thống:
                      Đại diện cho Lưỡng Viện Quốc hội nước Việt nam cộng hoà, chúng tôi mạnh bạo viết cho Ngài thay mặt hai mươi triệu nhân dân Miền Nam, kể cả trên một nửa triệu người di cư mới đây vì những tấn công của Bắc Việt.
                      Chúng tôi cũng đang viết cho Ngài với tư cách là một Đồng minh vì cuộc chiến này đã được khởi sự, kéo dài và nuôi dưỡng - không phải do Hoa kỳ hay Miền Nam VN- đã ràng buộc vận mệnh của hai nước chúng ta trong hai thập niên vừa qua.
                      "Chúng ta đã cùng nhau chấp nhận thử thách của cuộc chiến, nên giờ đây cũng chỉ là chuyện dĩ nhiên mà chúng ta cố gắng giải quyết vấn đề cùng với nhau. Cùng nhau chúng ta đã tới hoà đàm Paris, và cùng nhau chúng ta đã ký kết bản Hiệp định đình chiến vãn hồi hoà bình tại Việt nam…
                      "Hiệp định này đã được một Hội nghị quốc tế minh định rõ ràng những bảo đảm của tất cả các cường quốc về giá trị pháp lý của nó, bằng một Đạo luật quốc tế.
                      Vì tin tưởng vào đó mà chúng tôi, ngành Lập pháp của VNCH đã thúc đẩy Tổng thống chúng tôi ký kết Hiệp định Paris, giúp mang lại kết thúc danh dự cho việc can thiệp trực tiếp của quân đội Hoa kỳ vào Việt nam…

                      Vào thời điểm đó, chúng tôi đã được Hoa kỳ cam kết rằng… (đoạn này trong lá thư đã liệt kê năm điểm như ông Lắm đã trình bày ở trên)
                      "Bởi vậy, giờ đây với tính cách khẩn cấp… chúng tôi trân trọng yêu cầu Ngài thi hành bất cứ biện pháp nào cần thiết để:
                      1. Vãn hồi tình trạng ban đầu của Hiệp định Paris, đó là đẩy lui lực lượng Cộng sản trở lại những địa điểm của họ như vào ngày 27 tháng 1, 1973;
                      2. Cung cấp cho chúng tôi những phương tiện khẩn cấp để đẩy lui cuộc tấn công hiện nay.
                      "Để kết thúc, chúng tôi xin cảm ơn Ngài về những yểm trợ mạnh mẽ Ngài đã dành cho cuộc đấu tranh chung của chúng ta.
                      "Kính chúc Ngài luôn luôn thành công trong khi thi hành những trách nhiệm lớn lao của Ngài.
                      Trân trọng,
                      Nguyễn Bá Cẩn, Chủ tịch Hạ Viện VNCH
                      Trần Văn Lắm, Chủ tịch Thượng Viện VNCH

                      Cầu cứu Quốc hội Hoa kỳ
                      Ngày hôm sau, cả hai Chủ tịch Thượng và Hạ Viện VNCH gửi thư cho lưỡng Viện Quốc hội Hoa kỳ. Lá thư được gửi qua ngả ngoại giao: từ Toà đại sứ Mỹ ở Sài gòn về Bộ Ngoại giao. Nội dung như sau:
                      Việt nam cộng hoà
                      Thượng Viện
                      Sài gòn, ngày 25 tháng 3, 1975
                      Kính gửi
                      Ngài Nelson Rockefeller
                      Chủ tịch Thượng Viện Hoa kỳ
                      Washington D.C.

                      Hai tháng trước đây, chúng tôi đã có dịp được đề cập tới Ngài về hậu quả trầm trọng của việc cắt quá nhiều quân viện trong cuộc chiến đâu với kẻ thù chung của cả hai quốc gia…
                      "Trong hai thập niên qua, Hoa kỳ đã thuyết phục nhân dân Miền Nam, bằng lời nói và bằng việc làm, để họ đứng lên đương đầu với Cộng sản. Vì tin tưởng vào Hoa kỳ, họ đã đặt cả mạng sống của họ và của gia đình họ vào sự chân thành về những hứa hẹn của Hoa kỳ. Chẳng còn nghi ngờ gì nữa rằng Cộng sản sẽ không tha thứ cho nhân dân chúng tôi vì đã chọn lựa đứng về phe Thế giới tự do…
                      "Vì vậy trong giờ phút nguy nan này, chúng tôi thấy cần phải lên tiếng một lần nữa để khiếu nại tới Quốc hội và Chính phủ Hoa kỳ để xin tôn trọng những cam kết với một Đồng minh.
                      "Chúng tôi xin long trọng nhắc lại nơi đây những gì Hoa kỳ đã hứa hẹn với chúng tôi vào lúc ký Hiệp định Paris ngày 27 tháng 1, 1973 để mang được trên năm trăm tù binh về Mỹ.
                      (liệt kê năm điểm như ông Lắm trình bày ở trên đây)

                      Trước sự tấn công trực tiếp vào nền tảng của Hiệp định Paris cũng như vào căn bản của những hứa hẹn (liên hệ), và vào những cam kết của bốn Tổng thống Hoa kỳ, chúng tôi long trọng cầu cứu mong Ngài và Chánh phủ Hoa kỳ có những hành động tức khắc và mạnh mẽ để phục hồi Hiệp định Paris như đã ký kết ngày 27 tháng 1, 1973, đó là:
                      1. Đẩy lui quân đội Bắc Việt trở lại vị trí của họ như lúc ký Hiệp định; và
                      2. Kịp thời tiếp liệu cho chúng tôi tất cả những phương tiện cần thiết để tái lập cán cân lực lượng, cũng như để chúng tôi tự bảo vệ…
                      Thưa Ngài Chủ tịch, chúng tôi sẽ rất biết ơn để yêu cầu Ngài thông báo nội dung của bức thư này cho các quý vị nghị sĩ tại Thượng Viện Hoa kỳ.
                      Trân trọng,
                      Nguyễn Bá Cẩn, Chủ tịch Hạ Viện VNCH
                      Trần Văn Lắm, Chủ tịch Thượng Viện VNCH
                      Và thư thứ hai, cùng một nội dung, được gửi cho Chủ tịch Hạ Viện, ông Carl Albert.

                      Trước văn bản cuối cùng như trên, một bản thảo đã được chuyển sang để ông Thiệu thêm ý kiến. Ông phê vào bản thảo (bằng bút chì) mấy điểm phản ảnh những gì ông suy nghĩ. Ông phê bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh những ý như sau:
                      - hậu quả của thiếu quân viện và tăng cường của CS: cán cân lực lượng cho thấy về khả năng lưu động và hoả lực, chỉ còn 40%;
                      - phải tái phối trí trước viễn ảnh Quốc hội không viện trợ nữa;
                      - phải phối trí không phải là bại trận, vì không thiếu ý chí chiến đấu,
                      + Quảng Đức (dấu + có nghĩa là "tích cực")".
                      Ta có thể giải thích mấy điểm này như sau:
                      Điểm thứ nhất và thứ ba: ông biện hộ cho thất bại trên chiến trường;
                      Điểm thứ nhất và thứ hai cho ta thấy động lực làm ông đi tới quyết định "tái phối trí" (rút Pleiku);
                      Điểm thứ tư: Ông muốn nói tới chiến thắng ở Quảng Đức. Chứng tỏ Miền Nam không thiếu ý chí chiến đấu.
                      Chờ đợi Washington phản ứng

                      Chính phủ và Quốc hội VNCH chờ đợi từng giây phút tin tức về những lời cầu cứu cuối cùng của cả Hành pháp lẫn Lập pháp.
                      Ngày mồng 2 tháng 4, sau khi Đà Nẵng đã thất thủ, Tổng trưởng quốc phòng James Schlesinger (lúc đó chưa được xem những thư mật tôi nhờ Von Marbod chuyển cho ông) trong một cuộc họp báo, vẫn còn nói "tương đối ít có đánh nhau lớn" tại Việt nam. Schlesinger đã muốn giảm thiểu tầm quan trọng của cuộc khủng hoảng. Thực ra ông đã tin rằng sau khi mất Đà Nẵng thì chuyện đã xong rồi, và mối quan tâm lớn của Hoa kỳ chỉ còn là làm sao di tản an toàn số 6000 người. Trước khi Weyand đi Sài gòn, Schlesinger đã dặn dò: Fred, nên thận trọng. Đừng hứa hẹn quá nhiều. Đừng để mình bị vướng vào cái quan niệm rằng mình sẽ đảo ngược ngọn triều. Triều nước đang xuống gần hết rồi" (1).

                      Nói cách khác, Schlesinger và Morton Abramovitz, Phó Tổng trưởng quốc phòng đặc trách An ninh quốc tế đều tin rằng chiều hướng của cuộc chiến đã hoàn toàn bất lợi cho VNCH, và chẳng còn cách nào đảo ngược nó được nữa.
                      Ngày 5 tháng 4 thì đến lượt Kissinger. Mười ngày sau khi Tổng thống và Quốc hội VNCH cầu cứu, Kissinger họp báo về chuyện công tác của tướng Weyand. Ông hoàn toàn không nói gì tới bốn bức thư khẩn mà chỉ biện hộ cho việc cứu xét số tiền viện trợ quân sự 722 triệu do Weyand đề nghị. Thực ra, chỉ là một hành động chiến lược: Kissinger thừa biết Quốc hội sẽ khước từ khoản này, nhưng cứ đưa ra để còn đặt trách nhiệm cho Quốc hội về việc mất miền Nam.
                      Ngoài ra còn mục đích khác, mục đích phối lộ", đó là để trấn an Miền Nam, giúp cho việc rút ra cho an toàn (xem Chương 13) (2).
                      Ngày 6 tháng 4, trên chương trình truyền hình hàng tuần "Đối diện với Quốc dân" ("Face the Nation"), Schlesinger lại tuyên bố: "Thật rõ ràng là chữ đại tấn công là chữ có lẽ nên được để trong ngoặc kép. Những gì đã xảy ra chỉ là một sự suy sụp một phần nào của lực lượng Nam VN; vì thế đã rất ít có đánh nhau lớn kể từ trận đánh Ban Mê Thuộc, và chính trận này cũng đã là một ngoại lệ".
                      Khi nghe vậy, tướng Homer Smith, Trưởng Phòng Tuỳ viên quốc phòng tại Sài gòn, bực mình đến độ ông đã đánh điện về Washington phủ nhận quan điểm của Schlesinger.

                      Smith nói: "Trái lại, hiện thời đang có đánh nhau lớn dọc theo vùng duyên hải và tại những khu vực chân đồi từ phía Nam Phú Bài cho tới Khánh Dương tại tỉnh Khánh Hoà". Ông liệt kê những mặt trận đang diễn ra lúc đó rồi kết luận: "Trân trọng đề nghị Tham mưu trưởng Liên quân cho ông Tổng trưởng học thuộc những sự kiện này để (ông ta) có thể trình bày cho dân chúng Mỹ biết một cách chính xác những gì đã xảy ra. Hiện nay quả đang có diễn tiến một cuộc "đại tấn công" (3).
                      Tổng trưởng quốc phòng giác ngộ
                      Ngày hôm sau, Von Marbod từ Palm Spring về Washington với tướng Weyand, đã tới ngay văn phòng Schlesinger để đưa cho Schlesinger xem mấy bức thư của Tổng thống Nixon.

                      Đọc xong, ông đã hết sức ngạc nhiên! Nhất là sau khi mới đây, không biết vì áp lực hay sao mà ông lại như cố tình giảm bớt cường độ khủng hoảng tại Miền Nam. Bất chợt, ông mới biết là chính ông Ford cũng đã bị hoả mù. Là Tổng trưởng quốc phòng của một Đại cường quốc, ông cảm thấy phần nào cũng có mặc cảm vì chính ông cũng đã bị bưng bít. Sau này ông đã bình luận: "Tôi tin rằng Tổng thống Ford đã bị lừa bịp về những lá thư này…" (4).
                      Dù là đã quá muộn, ông muốn Quốc hội Hoa kỳ phải biết việc này. Là viên chức cao cấp bên hành pháp, ông không thế trực tiếp thông báo cho Quốc hội. Vì vậy, ông đi qua ngả liên lạc cá nhân. Schlesinger khá thân cận với Thượng nghị sĩ Jackson và thường liên lạc với phụ tá của ông ta là Richard Perle.
                      Quốc hội và nhân dân Mỹ không hay biết?

                      Ngày 8 tháng Tư, tại Washington, Thượng nghị sĩ Henry Jackson (Dân chủ, Washington) công khai tố cáo đã có "những thoả ước mật" giữa Hoa kỳ và Việt nam. Jackson nói ông đã được nguồn tin đáng tin cậy cho biết rằng "những thoả ước ấy bây giờ được tiết lộ là chính ngay cả Tổng thống cũng chỉ mới được nghe nói về chúng mấy hôm gần đây thôi".

                      Đáp ứng lời tố cáo của Jackson, chính quyển Ford công khai phủ nhận là đã không hề có một mật ước nào hết. Toà Bạch Ốc bối rối, họp bàn cách đối phó. Phụ tá Báo chí Ron Nessen viết lại trong Hồi ký (1978):
                      Sau những cuộc bàn bạc rất lâu giữa các ông Ford, Kissinger, Scowcroft, Rumsfeld và tôi, tôi được phép xác nhận là Tổng thống Nixon và Tổng thống Thiệu có trao đổi thư tín riêng, nhưng phải nói là: những lời tuyên bố công khai hồi đó đã phản ảnh nội dung những liên lạc riêng tư ấy rồi". (5).
                      Henry Kissinger không chịu bình luận trực tiếp, nhưng cho phép một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao nhắc cho báo chí biết về một lời tuyên bố trước kia của ông ta nói rằng Hoa kỳ "không có cam kết theo luật pháp" nào hết và những nghĩa vụ của Hoa kỳ chỉ là "cam kết tinh thần". Giới báo chí xôn xao về lời tố cáo của Jackson, nhưng không một ai đưa ra được việc trao đổi thư tín riêng với ông Thiệu.

                      Tuần báo TIME số ngày 21 tháng 4 còn làm ngay một nghiên cứu về "Ghi chép về những hứa hẹn đối với Sài gòn" (Records on Promises to Saigon") và cũng chẳng tìm được gì đúng như những lời tố cáo của Jackson. Bài này trích một cuộc họp báo của Kissinger sau Hiệp định Paris.
                      Hỏi: Có nghị định thư nào (protocols) đã được thoả thuận (với Miền Nam) không?
                      Kissinger: Không có sự thông cảm (understanding) bí mật nào hết.

                      Đúng là mánh khoé, quanh co: chỉ có "thư tín" thôi chứ đâu có sự "hiểu ngầm, thông cảm nào" (xem chương 2 về trường hợp Kissinger trả lời quanh co cho Bob Haldeman, Phụ tá Nixon).
                      Uỷ ban Ngoại giao Thượng Viện cũng yêu cầu Toà Bạch Ốc cho xem những thư tín Nixon - Thiệu, nhưng ông Ford phản đối. Ông viết cho Uỷ ban:
                      "Tôi đã duyệt lại hồ sơ liên lạc ngoại giao riêng tư. Vì lẽ chính sách và ý định chứa đựng trong các sự trao đổi này đã được công bố rồi, cho nên không có một điều bí mật nào phải dấu diếm Quốc hội hay dân chúng Mỹ cả" (6).
                      Trong hồ sơ của Hội đồng an ninh Quốc gia, theo Nessen, tìm thấy có bẩy lá thư Nixon viết cho ông Thiệu. Vậy thì những lá thư kia (riêng của ông Nixon, chưa kể thư ông Ford) đã chạy đi đâu? Sau này Nessen mới thú nhận: "Thực ra, những lời đảm bảo riêng tư của Nixon hứa với Thiệu đã đi xa hơn những lời tuyên bố yểm trợ (Việt nam) hồi ấy" (7).

                      Là người đã từng chống chiến tranh từ ngày còn là phóng viên hãng NBC tại Việt nam (ông lấy vợ Việt nam), bây giờ ở địa vị quyền hành, Nessen không muốn ông thầy mình vướng mắc thêm vào Việt nam nữa. Ngoài Kissinger, có lẽ ông là người được ông Ford tin dùng nhiều nhất. Để trả lời những câu hỏi về vấn đề Tổng thống Ford có cam kết gì với VNCH hay không, Nessen công nhận là ông Ford có viết thư riêng cho ông Thiệu, nhưng lại không chịu nhắc gì tới lá thư đề ngày 9 tháng 2, 1974, một ngày sau khi nhậm chức, trong đó, Tổng thống Ford đã tái xác nhận những lời cam kết giữa Hoa kỳ và VNCH (của Nixon trước kia), và hứa rằng nó sẽ được "hoàn toàn tôn trọng trong nhiệm kỳ của tôi".

                      Trong cuộc phỏng vấn với chúng tôi mười năm sau, ông Ford kể lại rằng hồi đó "tôi có biết qua loa về sự trao đổi thư từ giữa Nixon và Thiệu, nhưng tôi đã không được đọc hết" (8).
                      Sau đó, ông viết tặng tôi một cuốn "Hồi ký" của ông: "To Greg Hung, with warmest best wishes" (Tặng ông Hưng với những cầu chúc nồng nàn và tốt đẹp nhất; tên Công giáo của tôi là Gregory).

                      Một nghĩa cử trông cho đẹp
                      Lúc trở về Washington, Ford mới quyết định xem phải đối phó như thế nào với bản phúc trình của Weyand. Ông sắp ra trước Quốc hội để phúc trình về "tình trạng thế giới". Đó là dịp ông dự định sẽ xin thêm 722 triệu đô la quân viện bổ túc cho VNCH như tướng Weyand đề nghị. Cả Kissinger lẫn Nessen đều khuyên ông Ford hãy tránh né đi, đừng xin thêm quân viện nữa. Nhưng có lẽ vì đã được đọc mấy lá thư của Tổng thống Nixon viết cho ông Thiệu, nên Tổng thống Ford không nghe lời cố vấn của hai ông này. Ông Ford ghi lại trong hồi ký:
                      "Henry Kissinger đã hối thúc tôi phải nói với dân chúng Mỹ rằng Quốc hội Mỹ phải gánh chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình hình tan rã tại Đông Nam Á. Quả thế, Henry đã thảo một bài diễn văn thuộc loại "cháy nhà bình chân như vại" (go down with the flag flying) để cho tôi đọc. Trực giác bảo cho tôi đó không phải là đường lối đúng cho lúc này" (9).

                      Vì Ford đã tiết lộ ra như vậy, Kissinger bào chữa mới đây trong cuốn Chấm dứt chiến tranh VN (2003) rằng ông đã nói với ông Ford:
                      "Tim tôi đang rỏ máu khi phải nói điều này – nhưng có thể Ngài phải bỏ vấn đề Việt nam ra đàng sau lưng để đất nước không bị xâu xé thêm nữa…" Nhưng ông Ford không muốn nghe vì như ông nói: "Nó đi ngược bản chất của tôi"

                      Sau tất cả những hành động gian dối và tàn nhẫn đối với Việt nam chúng ta có thể tin được là tim ông Kissinger "đang rỏ máu" hay không?
                      Ngày 9 tháng 4, ngày trước khi ông Ford ra Quốc hội, Kissinger còn đem lời Ron Nessen (người mà Ford rất tin tưởng) ra để khuyên ông Ford: "Tổng thống phải lãnh đạo đưa nước Mỹ ra khỏi Việt nam chứ chớ có đưa vào nữa".
                      Buổi tối cùng ngày, một bức điện do Đại sứ Phượng đánh từ Washington nhận định rất bi quan về tình hình của khoản tiền mà Ford sắp đưa ra. Mọi người lo lắng đợi xem Ford nói thế nào với Quốc hội. Liệu ông có nói ra hết sự thật cho Quốc hội không? Liệu ông có công bố bức thư ông Thiệu, của Quốc hội VNCH nhân danh hai mươi triệu dân? Hoàn toàn không.

                      Mới đầu, Ford giải thích chính xác những hành động của Hoa Kỳ:
                      Vì luật pháp, ta tự ngăn cấm ta sử dụng khả năng bắt buộc phải tôn trọng Hiệp định (đình chiến), như vậy cho Bắc Việt cái đảm bảo là họ có thể vi phạm Hiệp định ấy mà không bị trừng phạt;

                      Kế đó, ta đã giảm viện trợ kinh tế và vũ khí cho miền Nam Việt nam;
                      "Sau hết, ta đã ra dấu hiệu cho biết càng ngày ta càng miễn cưỡng không muốn hỗ trợ dân tộc ấy nữa, trong lúc họ đang tranh đấu để tồn tại".
                      Bình luận như vậy rồi, ông đưa ra hai giải pháp lựa chọn:
                      "Hoặc là Hoa kỳ có thể không làm gì hết, hoặc: tôi có thể yêu cầu Quốc hội thẩm quyền để bắt phải tôn trọng Hiệp định Paris bằng cách sử dụng quân đội, xe tăng, máy bay, và trọng pháo của ta, để đẩy chiến tranh về phía bên địch".

                      Nói xong, ông đặt ra hai giải pháp khác "hạn hẹp hơn": hoặc giữ chặt lấy yêu cầu hồi tháng Giêng xin 300 triệu đô la bổ túc, hoặc tăng số yêu cầu viện trợ quân sự và nhân đạo khẩn cấp. Ông lập luận rằng: tăng viện sẽ có thể làm cho Miền Nam chặn đứng và đẩy lui được cuộc xâm lăng đang tràn tới, ổn định tình hình quân sự, đem lại cơ hội hoà giải chính trị qua đường lối thương thuyết giữa Bắc và Nam Việt, và, nếu như tình trạng tồi tệ nhất xảy ra, ít nhất cũng di tản được trong vòng trật tự kiều dân và một số những người Miền Nam bị nguy hiểm tới chỗ an toàn"(10).
                      Sau cùng ông yêu cầu Quốc hội chấp thuận ngân khoản 722 triệu.

                      Nhưng dù có xin thêm quân viện, đây có thể cũng chỉ là một hành động chiếu lệ, vì sau khi yêu cầu, ông Ford lại ấn định một hạn chót để cho Quốc hội phải quyết định. Hạn chót đó là ngày 10 tháng 4, 1975, tức là chỉ còn có 10 ngày. Người ta có cảm tưởng là ông Ford vừa đưa ra thỉnh cầu về quân viện, vừa mở đường cho Quốc hội từ chối. Ngoài ra ông còn nói tới di tản.

                      Thực vậy, công khai thì xin thêm viện trợ trước Quốc hội, nhưng trong hậu trường thì lại khác. Sau những bài diễn văn của Tổng thống, thường thường Toà Bạch Ốc có những thuyết trình" (briefing), giải thích riêng cho báo chí về lập trường của Tổng thống. Dịp này, không biết báo chí đã được hướng dẫn như thế nào mà tờ tuần báo TIME (số ngày 21/4) đã bình luận: "Những biện hộ công khai và những thuyết trình tuy riêng tư nhưng là chính thức, đã đặt ra những câu hỏi (làm cho chúng tôi) hoang mang: có phải thực sự ông Ford đã yêu cầu viện trợ nhưng chẳng mong gì Quốc hội sẽ chấp thuận, hoặc là ông cho rằng quân viện sẽ còn giúp được gì để ổn định tình hình quân sự tồi tệ ở Miền Nam? Nếu ông nghĩ như vậy (còn giúp được) thì có phải là những thuyết trình sau hậu trường của nhân viên ông đã đánh bại mục tiêu của ông rồi phải không? (11)

                      Tổng thống Ford đã đặt hoàn toàn trách nhiệm trên vai Quốc hội. Tờ TIME đặt câu hỏi: "Hay là ông Ford đã dựng Quốc hội lên như một bung xung để rồi đổ lỗi cho Quốc hội vì không cấp quân viện nên Miền Nam sụp đổ? (12).

                      Ben Scowcroft, Phụ tá Tổng thống Ford, đã có câu trả lời rõ ràng trong cuộc phỏng vấn với chúng tôi mười năm sau:
                      “Thực ra, không một ai trong chúng tôi tin rằng sẽ xin Quốc hội được khoản tiền ấy (722 triệu đô la). Việc xin như vậy chỉ là cách làm cho chúng tôi trông có vẻ như vẫn còn thật lòng về tất cả những cố gắng này. Chúng tôi chỉ quan tâm đến cách rút đi và giải kết mà thôi" (13).
                      Và Phillip Habib, Phụ tá Ngoại trưởng, đặc trách về Đông Nam Á -Thái Bình Dương cũng nói là hồi đó ông họp với các nghị sỹ Quốc hội để thúc giục họ chấp thuận chi viện "để rồi "nếu miền Nam có thất bại thì sẽ không phải vì lý do là ta đã không cung cấp cho họ quân viện" (14). Sau này, Tổng trưởng Schlesinger bình luận:
                      "Hồi đó, tôi vô cùng sửng sốt khi được xem những lá thư đó. Tôi đã thật sự bối rối, nhất là vì chính quyền hồi đó đang muốn tung ra chiến dịch tìm cách đổ lỗi cho Quốc hội về sự bại trận tại miền Nam Việt nam" (15).

                      Trong giờ phút nguy kịch như vậy, mà Tổng thống Ford chỉ bàn tới vấn đề Miền Nam trong khuôn khổ một bài diễn văn về "Tình trạng an ninh thế giới" rất dài bao gồm đủ mọi đề tài kể cả chuyện viếng thăm sắp tới của Hoàng đế Nhật Bản, đạo luật ngoại thương 1974, chính sách hoà hoãn với Nga Sô, đàm phán hạn chế vũ khí chiến lược, vấn đề năng lượng, và những tài nguyên vùng đại dương. Trong điện văn do Đại sứ Phượng đánh về ngày 11 tháng 4 có viện dẫn lời Dân biểu Holt "tóm gọn là ông Ford đã không thành công trong việc thuyết phục cho Miền Nam"

                      Tệ hại hơn nữa: ông Ford tuy có đọc cho Quốc hội nghe một lá thư cầu cứu của quyền Tổng thống Kampuchia, nhưng tuyệt đối không đả động gì đến toàn bộ bốn văn thư cầu cứu của VNCH.

                      Dinh Độc Lập bối rối, rất lo ngại về việc im lặng này. Tới lúc đó thì mọi người đã tự tìm ra câu trả lời. Để cho bầu không khí bớt căng thẳng, tôi nói đùa chua chát với Chủ tịch Lắm: "Lần sau, cụ nên đích thân mang thư tới Quốc hội Mỹ thì có lẽ chắc ăn hơn". Ông Lắm không thay đổi nét mặt.
                      Như vậy là toàn bộ những văn kiện, cam kết trao đổi miệng, liên hệ tới sự sống còn của VNCH đã bị dấu nhẹm đi hết. Trước hết là 27 mật thư của Tổng thống Nixon gửi Tống thống Thiệu từ 1972 tới 1973; sau đó là: Những cam kết bằng miệng, do ông Kissinger thoả thuận với Ngoại trưởng Lắm lúc ký Hiệp định Paris hồi tháng 1, 1973;
                      Rồi 4 bức thư của ông Ford trấn an ông Thiệu, từ hè 1974 tới cuối tháng 3, 1975;
                      Tới bức thư cầu cứu của ông Thiệu gửi ông Ford ngày 25 tháng 3, 1975;
                      Thư Quốc hội VNCH gửi Tổng thống Hoa kỳ ngày 24 tháng 3, 1975; và
                      Hai thư Quốc hội VNCH gửi Thượng Viện và Hạ Viện Hoa kỳ ngày 25 tháng 3, 1975.

                      Dây là những văn kiện lịch sử quan trọng giữa VNCH và Hoa kỳ chứ đâu phải giữa những cá nhân Nguyễn Văn Thiệu với Richard Nixon; hay giữa Trần Văn Lắm với Nelson Rockefeller, và giữa Nguyễn Bá Cẩn với Carl Albert?
                      Trước khi sụp đổ, những lời cầu cứu sau cùng của đại diện dân cử Miền Nam cũng không được nhân dân Hoa kỳ nghe tới, ta có thể khẳng định chắc chắn được như vậy, vì nếu hai lá thư của ông Lắm và ông Cẩn đã được thông báo cho các Nghị sĩ, dân biểu, như phía VNCH yêu cầu, thì chắc chắn là các cơ quan truyền thông đã biết và đăng rầm rộ, bình luận sôi nổi. Ít nhất là lương tâm của Hoa kỳ cũng được đánh động phần nào.
                      Trong tất cả Hồi ký của các ông Ford và Kissinger, kể cả của ông Kissinger mới xuất bản năm 2003, cũng chỉ thấy in bức thư của ông Sirik Matak, cựu Thủ tướng Kampuchia gửi Đại sứ Dan (ngày 12 tháng 4, 1975). Ông Matak là người nghe lời khuyến dụ, đã đảo chính Cựu Hoàng Sihanouk năm 1970. Vào giờ Kampuchia bại trận, ông là người đã chấp nhận ở lại và từ chối đề nghị của Mỹ giúp di tản. Sau đây là lá thư ông Matak viết tay và bằng tiếng Pháp cho Đại sứ Dan: (16)

                      Thưa Ngài Đại sứ và bạn thân mến,
                      Riêng với cá nhân Ngài và đặc biệt với xứ sở yêu dấu của Ngài, không bao giờ, dù chỉ một giây lát, tôi đã dám tin rằng, các Ngài nỡ lòng nào cam tâm bỏ rơi một dân tộc đã chọn đứng về phía tự do. Các Ngài đã nhẫn tâm từ bỏ, không bảo vệ chúng tôi, trong khi chúng tôi đang trong tình thế thúc thủ chịu trận.
                      Các Ngài đang ra đi, tôi xin cầu chúc Ngài và đất nước Ngài sẽ tìm thấy hạnh phúc dưới bầu trời này. Nhưng, hãy ghi nhờ kỹ điều này, rằng nếu tôi có chết ở dây, trên mảnh đất này và tại quê hương yêu dấu của tôi, thì đó là chuyện bình thường, vì tất cả chúng ta đều được sinh ra thì rồi cũng phải chết.
                      "Tôi chỉ ân hận là đã phạm một sai lầm lớn khi đặt lòng ti tuyệt đối vào quý Ngài"
                      Sirik Matak

                      Chính sách bất công của Kissinger-Nixon đối với Kampuchia lại là chuyện khác và đã được tác giả William Shawcross bàn đến trong cuốn Sideshow - Kissinger, Nixon and the Destruction of Cambodia" (Simon and Schuster, 1979). Những hành động vô nhân, thiếu đạo đức mà ông đã hành xử đối với một số quốc gia khác thì mới đây đã được phanh phui trong cuốn "Xét xử Henry Kissinger" (The Trial of Henry Kissinger) do tác giả Christopher Hitchens xuất bản năm 2001.
                      Kissinger hoàn toàn phủ nhận

                      Tại một buổi điều trần trước Uỷ ban chuẩn chi Hạ Viện, được hỏi rằng khi ký kết Hiệp định Paris, những gì đã được cam kết với VNCH, Kissinger đã chối phắt đi: những cam kết với VNCH đều có trong văn bản công khai rằng nếu miền Nam cho phép chúng ta triệt thoái quân đội và do đó, có thể đưa cả tù binh Mỹ về, nếu họ chấp nhận những điều khoản của Hiệp định Paris, thì dưới những điều kiện đó (…) chính quyền Hoa kỳ sẽ yểm trợ, và chúng tôi tin rằng Quốc hội cũng sẽ đồng ý một mức độ viện trợ kinh tế đầy đủ" (17).

                      Kissinger nói rằng Hoa kỳ chỉ hứa một mức viện trợ kinh tế đầy đủ mà thôi. Và về sự kiện ông lập luận rằng "những cam kết với VNCH đều có trong văn bản công khai", bạn đọc có thể tự mình so sánh nó với một số văn kiện đã được trích dẫn trong cuốn sách này.
                      Chuyện lạ là vào giờ chót của VNCH, những văn kiện đó phải đi qua tay người này tới người kia rồi mới tới tay lãnh đạo tối cao của Hành pháp. Sau đó mới được rỉ tai sang cho ngành Lập pháp hay biết. Tổng trưởng Schlesinger rất bất mãn khi biết rằng tôi đã phải nhờ cậy một người bạn là Von Marbod để chuyển mấy bức thư của Tổng thống Nixon qua tướng Weyand, rồi mới tới tay ông; và Weyand cũng đã phải dùng mưu mô để đưa được thư cho Tổng thống Ford đọc. Schlesinger bình luận liếp:
                      "... dĩ nhiên là, như có Chúa làm chứng, Quốc hội cũng đã có trách nhiệm về việc này. Nhưng có điều chắc chắn là những luận điệu đâm sau lưng như vậy thì không có ích lợi gì cho quốc gia, nhất là khi mấy lá thư đó đang được chuyền tay… Chứng thư này ít nhất đã chứng tỏ rằng Quốc hội đã không được thông báo đầy đủ về bản chất những lời cam kết của Hoa Kỳ sau khi quân đội (Mỹ) đã rút khỏi Miền Nam Việt nam.

                      Quốc hội không hề hay biết chút gì về mấy lá thư khi họ bắt đầu chạy làng khỏi Việt nam vào mùa hè 1973" (18).
                      ("I found them quite shocking at the time. I was really disturbed by them, because the admimstration wals in a period of launching an attempt to blame the defeat in South Vietnam on the Congress, which Lord knows. had its responsibilities. But it s sure as hell wasn t going to help the country if we had a great stab-in-the-back argument, particularly given the fact that the letters were floating around, which showed that, to say the least, the Congress had noi been fully informed with regard to the nature of our com mitments after the departure of our forces from South Vietnam. Congress knew nothing of these letters, when it started bugging out of Vietnam in the summer of 1973")

                      Ngày tôi ra sách, cuốn "Palace File" (Hồ sơ mật Dinh Độc Lập), ông Schlesinger đã có mặt. Đứng bên một người bạn tôi là anh Chu Xuân Viên, cựu tuỳ viên Lục quân VNCH, Washington. Ông còn phàn nàn: "Giá như tôi có những tài liệu này năm 1973 thì chắc tình hình viện trợ đã khác rồi".
                      Về tình hình viện trợ và cán cân lực lượng sau 1973, chính tướng Murray, Chỉ Huy Trưởng Phòng Tuỳ Viên Quân Sự Mỹ (DAO) đã nhận xét: sau khi rút hết lục quân, rút hết yểm trợ của không lực và hải pháo đi, Mỹ lại chỉ bắt đầu yểm trợ Miền Nam tương đương bằng 2% tổng số tiền đã dùng cho quân đội Mỹ. Đang khi đó, 189 tiểu đoàn của VNCH phải đương đầu với 330 tiểu đoàn (110 trung đoàn) của Bắc Việt. Ông kết luận: "Ta nên nhớ Napoleon đã từng nói: "Thượng Đế đứng về phe nào có các tiểu đoàn lớn nhất, mạnh nhất". Và đúng như vậy, vào thời điểm đó, Thượng Đế đã đứng về phe cộng sản; quân họ đông hơn, mạnh hơn. Và đó là lý do tại sao thua trận" (19).

                      Còn về phần Kissinger, sau khi mọi việc đã kết thúc, vào đầu năm 1980, ông viết cho Tổng thống Thiệu một thư riêng có đoạn sau (xem Phụ Lục D). Thư này được gửi khi tạp chí Der Spiegel (ở bên Đức) đăng tải một cuộc phỏng vấn với ông Thiệu, đặc biệt là về những nhận xét của Kissinger về Việt nam trong cuốn hồi ký "White House Years" (Những năm ở Bạch Cung):
                      Thưa Tổng thống,
                      "Tôi vừa mới được đọc bài phỏng vấn Ngài dành cho tờ Der Spiegel. Tôi có thể hiểu được sự cay đắng của Ngài, và quả thực còn thông cảm được với sự cay đắng ấy…
                      "Cuốn sách của tôi đã không ngớt ca ngợi sự can đảm, tư cách đứng đắn, và công nhận rằng, trong thực chất, Ngài đã đúng…
                      "Tôi vẫn còn tin rằng cán cân lực lượng được phản ảnh trong Hiệp định Paris vẫn có thể duy trì được, nếu như vụ Watergate đã không tiêu diệt đi cái khả năng của chúng tôi nhằm giành được (sự chấp thuận) của Quốc hội viện trợ đầy đủ cho Miền Nam Việt nam trong năm 1973 và 1974.
                      Giá như năm 1972 chúng tôi đã biết được những gì sẽ xảy ra cho Hoa kỳ thì chúng tôi đã không tiến hành như chúng tôi đã làm…
                      "Tôi đồng ý với Ngài rằng những điều khoản của (Hiệp định) ngưng chiến đã là khắc nghiệt…
                      Nếu thư Tổng thống Nixon và tôi có ý định phản bội Ngài thì chúng tôi đã có thể làm điều đó vào năm 1969…
                      Tôi không trông đợi sẽ thuyết phục được Ngài. Ít nhất tôi có thể cố gắng xin Ngài tin tưởng ở lòng hối hận và kinh trọng vẫn còn của tôi".
                      "Với những lời chúc tốt đẹp nhất.
                      (ký) Henry Kissinger

                      Độc giả đọc chương 13 (đoạn cuối) xem Kissinger đã "ca ngợi" ông Thiệu và đặc tính của con người Việt nam như thế nào trong cuốn sách ông viết.
                      Chú thích:
                      (1) Phỏng vấn Morlon Abromavitz, 26-1-1986.
                      (2) Xem ghi chú 12, 13 và 14 của chương này.
                      (3) William E. Legro, Vietnam from cease-fire to capitulation, trang 172.
                      (4) Phỏng vấn Tổng trưởng Schlesinger, ngày 27-1 1-1985.
                      (5) Ron Nessen, It sure looks different from the inside, 106.
                      (6) Ron Nessen, It sure looks different from the inside, 106
                      (7) Ron Nessen, It sure looks different from the inside, 106
                      (8) Phỏng vấn Gerald Ford, 10-2-1986.
                      (9) Gerald Ford, A time to heal, trang 253-254.
                      (10) New York Times, 11-4-1975, trang 10.
                      (11) Tạp chí TIME, ngày 21 tháng 4, 1975, trang 6-8.
                      (12) Tạp chí TIME, ngày 21 tháng 4, 1975, trang 6-8.
                      (13) Phỏng vấn Brent Scowcroft 5-3-1986. Xem N.T. Hưng and J. Schecter. The Palace File, p. 309.
                      (14) Phỏng vấn Philip C. Habib, 30-12-1985.
                      (15) Phỏng vấn Tổng trưởng Schlesinger, 27-11-1985.
                      (16) Henry Kissinger, Ending the Vietnam war, trang 529-530.
                      (17) N.T. Hưng and J. Schecter, The Palace File, trang 337-338.
                      (18) N.T. Hưng and J. Schecter, The Palace File, trang 307-308.
                      (19) N.T. Hưng and J. Schecter, The Palace File, trang 358.

                      hết: P3 - Chương 11, xem tiếp: P3 - Chương 12

                      Comment


                      • #12
                        Khi Dồng Minh Tháo Chạy


                        Nguyễn Tiến Hưng-Khi đồng minh tháo chạy
                        P3 - Chương 12
                        Hãy giúp chúng tôi


                        Một ân huệ cuối cùng
                        Trước bài diễn văn của Tổng thống Ford ngày 10 tháng 4, 1975 tại Quốc hội, ông Thiệu đã có ý định là ngay chiều cùng ngày sẽ lên đài truyền hình nói chuyện với nhân dân và bình luận về những lời Ford phát biểu ủng hộ VNCH.
                        Thế nhưng ông không tìm được một điểm nào tích cực trong bài diễn văn của ông Ford. Tệ hơn nữa, Tổng thống Ford đã đòi Quốc hội phải làm một hành động nào đó về đề nghị viện trợ "không muộn hơn ngày 19 tháng 4". Trong buổi họp để phân tích bài này, ông Thiệu hỏi tại sao ông Ford lại tự trói mình vào một thời hạn chót như vậy? Quốc hội mà bác đi, là hết.

                        Ông bảo tôi theo dõi. Tôi hỏi ông Martin về lý do này, nhưng ông ta cũng chỉ nói lơ mơ rằng "ngày 19-4 chỉ là ngày đưa ra cho Quốc hội hành động, không có gì là quan trọng".
                        Buổi chiều ngày 11 tháng 4, 1975, một bức điện khác do Đại sứ Phượng ở Washington đánh về thông báo "phản ứng mau lẹ và tiêu cực" của cấp lãnh đạo Quốc hội đối với ngay cả thỉnh cầu viện trợ khẩn cấp 722 triệu. Hôm sau, tờ New York Times đăng tải lời tuyên bố của Thượng nghị sĩ Jackson: "Yêu cầu ấy chết rồi. Không một ai trong phe mà tôi biết sẽ ủng hộ nó"(1).

                        Ông Thiệu đang lưỡng lự chưa biết phải nói gì với đồng bào bây giờ, thì Đại sứ Martin vẫn cố gắng nâng đỡ tinh thần, tình nguyện gợi ý những điều để ông đưa vào bài diễn văn trên đài truyền hình. Những điểm này có thể kể như sau:
                        Nhân dân Việt nam nồng nhiệt hoan nghênh những lời nói đầy cảm thông của Tổng thống Ford;
                        Kêu gọi quân lực Việt nam hãy tiếp tục chiến đấu bảo vệ xứ sở một cách anh dũng và can trường;
                        VNCH sẵn sàng thảo luận, và thi hành tức thì giải pháp chính trị mà Hiệp định Paris đòi hỏi;
                        Yêu cầu phía bên kia cùng ngồi xuống đàm phán để thực thi những điều khoản chính trị của Hiệp định Paris, v.v…".
                        Hết viện trợ, xoay xở đi vay

                        Đọc xong, ông Thiệu không để ý tới những gợi ý, mớm lời của ông Martin, và quyết định không đọc diễn văn trên đài truyền hình nữa. Ông lại càng băn khoăn về hạn chót mà Ford đưa ra. Thấy chẳng còn làm gì được nữa, ông quyết định khai thác một "kế hoạch đi vay".
                        Kế hoạch đi vay đã được nghiên cứu từ hè 1974. Vào lúc liên hệ giữa Sài gòn và Washinglon mỗi lúc một bi đát hơn, ông Thiệu có bàn với Đại sứ Martin về việc yêu cầu Quốc hội cấp một ngân khoản cuối cùng cho Miền Nam. Ông Martin hết sức đồng ý và bắt đầu vận động. Ngoài ra, ông Thiệu còn cho nghiên cứu thêm một giải pháp phòng hờ, một "Kế hoạch vay viện trợ" (USAID loan plan). Ông coi kế hoạch này như một ân huệ cuối cùng của Hoa kỳ đối với VNCH. Có lúc ông nói: "Bây giờ Việt nam đã thành một tình nhân già, sắp bị bỏ rơi rồi".

                        Mọi hy vọng xin thêm viện trợ đã tan biến, Tổng thống Thiệu muốn đưa ra một đề nghị yêu cầu vay để Quốc hội có thể cứu xét, và trong khi đó, sẽ hoãn biểu quyết cắt viện trợ vào ngày 19 tháng 4. Vào thời điểm này, Ngoại trưởng Bắc lại đang thương thuyết về khoản tiền của Vương Quốc Saudi Arabia đã hứa cho vay.
                        Theo kế hoạch này, VNCH sẽ đề nghị với Quốc hội Hoa kỳ cho vay một khoản liền, được bảo đảm bằng lợi tức dầu lửa sắp khai thác ở ngoài khơi. Nếu được áp dụng, kế hoạch sẽ có thể chống đỡ được phần nào luận điệu "Viện trợ thì như thùng không đáy". Về phía VNCH, ông Thiệu tin rằng vụ vay tiền lần chót sẽ bó buộc quân đội, Chính phủ lẫn nhân dân phải đối diện với thực trạng của một vận hội cuối cùng. Nó cũng sẽ giúp ích cho việc thiết kế quân sự, vì Bộ Tổng tham mưu có thể dựa vào những mức độ cũng như cơ cấu chắc chắn của viện trợ. Kế hoạch này sẽ giảm thiểu tối đa thời gian chờ đợi đáng sợ và những bất ổn ghê gớm, có khi hàng mấy tháng, hay cả năm trời của tiến trình từ đề nghị tới chấp thuận, rồi tới chuẩn chi, tới tháo khoán. Những cuộc thảo luận về viện trợ trong ngành Lập pháp Hoa kỳ qua bao nhiêu tiểu ban, thường quá lâu quá phức tạp, lại còn gây bất ổn về tinh thần.

                        Trong mấy tháng đầu 1975, ông Thiệu trắc nghiệm ý niệm vay mượn này với một số nhà Lập pháp Hoa kỳ qua thăm Sài gòn, thì thấy phản ứng có chiều thuận lợi. Nếu lập luận trên căn bản chỉ cần một khoản tiền khiêm nhượng để tiến tới tự túc, tự cường trong mấy năm thì có hy vọng hơn là tiếp tục xin viện trợ.
                        Một cơ hội chót

                        Nhiều lần ông Thiệu đã nói tới việc chuyển từ chiến tranh kiểu Mỹ sang "chiến tranh kiểu nhà nghèo". Phía Mỹ có vẻ thích cái ý kiến này.
                        Cuối tháng 2, 1975 Thượng nghị sĩ Sam Nunn (Dân chủ, Georgia), một nhân vật có nhiều uy tín và là thành viên của Uỷ ban Quân Vụ Thượng Viện, khi gặp ông Thiệu (tôi cùng tham dự) đã có phản ứng tích cực. Ông Nunn còn đưa ý kiến này ra trong một bài xã luận của tờ Washington Post, lập luận rằng Hoa kỳ cần phải giúp Miền Nam để có được một thời gian chuyển tiếp vì:
                        Thời gian chuyển tiếp hết sức cần thiết bởi lẽ ta đã khuyến khích miền Nam Việt nam tiến hành một cuộc chiến tranh kiểu Mỹ với trang bị tinh vi và tiếp liệu ồ ạt. Họ cần có thời gian để biến cải quân lực phòng thủ xứ sở theo kiểu của họ…"(2)

                        Trở về Washington để vận động viện trợ cho VNCH, Đại sứ Martin đã cố gắng đưa ra lập luận "cơ hội chót" để thu phục sự hỗ trợ của các giới cho kế hoạch của VNCH. Ông đã đề nghị ý kiến này với Tổng thống Ford, Kissinger và báo chí Mỹ. Trong một bữa ăn trưa với các chủ bút của tờ Washington Post, Martin đề cập đến việc "chiêu hàng" ý kiến này. Ý kiến được ủng hộ và bài xã luận phản ảnh lập trường của tờ báo quan trọng này kêu gọi "một quyết định vững chắc và cuối cùng giúp Sài gòn thêm ba năm nữa rồi hãy chấp nhận những kết quả, bất luận thế nào".

                        Hồi 1972 giữa lúc quân đội Hoa kỳ đang triệt thoái, hay 1973 sau Hiệp định Paris nếu như VNCH đã vận dụng giải pháp xin vay như trên thì khả năng thành công đã cao hơn. Đây lại là một sơ hở khác nữa.

                        Ngày mồng 5 tháng 3, 1975, ý niệm đi vay được bàn luận trong một phiên họp giữa ông Thiệu với dân biểu Steven Symms (Cộng hoà, Idaho) và Đại sứ Martin. Tôi cùng tham dự. Ông Symms là một trong số rất ít dân biểu còn để ý tới Miền Nam. Ông đã đáp ứng tích cực: "Nếu đào thấy dầu hoả, liệu Ngài có sẵn sàng trả lại, thí dụ như mười phần trăm số tiền chuẩn chi đó không?" Ông Symms hỏi. "Tiềm năng dầu hoả ngoài khơi Việt nam rất tốt; Hoa kỳ có thể lấy đó làm thế chân", ông Thiệu đáp.
                        Để chứng thực sự cam kết của mình, ông Thiệu hứa sẽ yêu cầu Quốc hội VNCH biểu quyết cam kết lấy dầu hoả khai thác được trong tương lai làm khoản thế chân cho tín dụng.

                        Hồi đó, giới chuyên viên của VNCH ước tính lợi tức tương lai từ dầu hoả ngoài khơi mang lại sẽ vào khoảng một tý đô la mỗi năm, căn cứ vào những kết luận kỹ thuật, tài chính và kinh tế của dự án "tiền khả thi" của các công ty khoan dầu (hiện nay Việt nam đang xuất cảng trên 3 tỷ đô la một năm).
                        Ông Vua hảo tâm

                        Sau bài diễn văn của Tổng thống Ford, ông Thiệu ra chỉ thị cho tân thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn thành lập một "nội cácchiến tranh" với tính chất đoàn kết dân tộc bao gồm các lãnh tụ đối lập, tôn giáo và lao động. Lúc đó, ông muốn trao nhiều quyền cho nội các này với những nhân vật mới. Ông Cẩn được bổ nhiệm thay thế Thủ tướng Khiêm ngày 5 tháng 4.
                        Ông Cẩn trước đó là chủ tịch Hạ Viện, là người miền Nam, trung thành với ông Thiệu, nổi danh là người thanh liêm, hiền lành. Ông Cẩn mời tôi ở lại làm việc trong Chính phủ mới.

                        Ngày 14 tháng 4, tân Thủ tướng trình diện nội các lên Tổng thống. Trong suốt buổi lễ, ông Thiệu tỏ ra căng thẳng, vẻ mặt xanh xao, dường như những biến cố vừa qua đã tiêu hao hết nghị lực của ông. Cộng sản đã tiến gần đến Phan Rang, nơi sinh trưởng của ông.
                        Thông thường, lễ trình diện nội các như vậy phải chấm dứt bằng một bữa tiệc do Tổng thống khoản đãi. Nhưng lần này, không khí nặng nề và ông Thiệu quay về văn phòng ngay sau buổi lễ. Ông có dặn tôi là vô gặp ông sau đó.
                        Vừa vào phòng, ông Thiệu đưa tôi xem một công điện đề ngày 14 tháng 4 do Ngoại trưởng Bắc gởi từ London về. Ông Bắc vừa ở Saudi Arabia đi London. Chuyến đi của ông có mục đích xin quốc vương Haled Crown, vừa kế vị vua Faisal, đồng ý cho VNCH vay tiền như phụ vương của ông đã hứa trước khi bị hạ sát (xem Chương 7):
                        London, Ngày 14 tháng 4, 1975

                        Công tác tôi đi Saudi Arabia đã được kết thúc thành công. Tôi được tiệp kiến Vua Haled Crown, Hoàng tử Rahed và Hoàng tử Abdullah (cũng là Thủ tướng đệ nhứt và đệ nhị Phó Thủ tướng. Tất cả, đặc biệt là vua Haled đã cho tôi những bảo đảm vững chắc việc tiếp tục yểm trợ và viện trợ kinh tế cho VNCH. Tôi đã thảo luận kỹ càng với Hoàng tử Rudal Faisal (Bộ trưởng ngoại giao), Hoàng tử Massoud (Thứ trướng Ngoại giao), và ông Amant (Tổng Trướng Dầu lửa, và Tài Chánh).
                        Về viện trợ sắp tới, tôi đã cung cấp cho Chính phủ Saudi một bản giác thư trình bày chi tiết về nhu cầu viện trợ và tình hình tại Miền Nam. Tôi hy vọng là quyết định về khoản tiền và phương thức của viện trợ sẽ được Chính phủ Saudi cứu xét sớm… "

                        Thật là một niềm yên ủi trong lúc gian truân. Tuy chưa thể thi hành được ngày một ngày hai, nhưng ít nhất cũng còn có người từ tâm "Samantan" muốn ra tay cứu vớt.
                        Đem cả vàng ra thế chấp
                        Ông Thiệu biết rằng việc thương thuyết mượn tiền của Saudi phải cần có thời gian ít ra cũng ba, bốn tháng. Bởi vậy, cần phải xúc tiến ngay kế hoạch "vay viện trợ" và dùng ngân khoản của Saudi làm tiền thế chân.
                        Trong công điện, ông Bắc đề nghị là cho ông sang Washington vài hôm để thẩm định tình hình. Nhân cơ hội này, ông Thiệu chỉ thị cho tôi: "Vậy anh nên đi ngay Washington để làm việc với ông Bắc". Ông phê vào công điện:
                        "Vậy là ông Bắc, ông Hưng và ông Phượng có thể sẽ là 1 trio (bộ ba) để lo vấn đề viện trợ tại Mỹ trong tuần lễ crucial (quyết định) này. Nếu vậy thì Thủ tướng cho ông Hưng đi, là cho cả ông Bắc qua Washington".

                        Ông bảo tôi thảo gấp một lá thư gởi cho Tổng thống Ford đề nghị vay 3 tỷ trong 3 năm, chia ra mỗi năm 1 tỷ. Ông hy vọng rằng, ngay trước mắt, đề nghị này có thể trì hoãn được việc Quốc hội bỏ phiếu "chống viện trợ" vào ngày 19 tháng 4 theo kế hoạch, nếu tại Washington tôi dò xét thấy có triển vọng về khoản vay thì sẽ đánh điện về ngay để ông Thiệu ký lá thư và trao cho Đại sứ Martin.
                        Về khoản thế chấp, nếu Quốc hội đồng ý cứu xét và bắt đầu bàn cãi, VNCH sẽ đưa ra làm bảo đảm, "thế chân" bằng những tài nguyên sau:
                        - Tiềm năng dầu lửa;
                        - Tiềm năng xuất cảng gạo;
                        - Khoản tiền của vua Haled hứa cho vay; và Số vàng dự trữ của Ngân hàng Quốc Gia.

                        Số vàng dự trữ lúc đó còn 16 tấn, trị giá khoảng 120 triệu (theo giá vàng lúc đó) (3). Đại sứ Martin đã sắp xếp giúp để chuyển ra ngoại quốc, vừa cho an toàn, vừa để làm thế chấp cho một khoản vay mua đạn được. Sau này, ông Martin trình bày về dự trữ vàng với Quốc hội Hoa kỳ (ngày 27 tháng 1, 1976) như sau: "Những sắp xếp tạm thời để được thực hiện để chuyển số dự trữ vàng (của VNCH) sang Ngân hàng Bank of International Settlement (BIS) ở Basel Thuỵ sĩ đã có thể làm thế chấp cho một khoản vay mua đạn dược bên Âu châu. Khi tin này lộ ra thì đã không còn cách nào chở vàng đi bằng hàng không thương mại được nữa. Bởi vậy có những sắp xếp (tiếp theo) để chuyển nó sang tài khoản (của VNCH) tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York (Federal Reserve Bank of New York). Chẳng may, đang khi có sự chậm trễ về phía Hoa kỳ trong việc tìm nguồn bảo hiểm cho việc chuyên chở số vàng trên, thì ông Thiệu đã ra đi. Ông Phó Thủ tướng và Tổng trưởng tài chính đã không xin được phép của tân Tổng thống kịp đưa số vàng này đi"(4).

                        Về tới văn phòng, tôi cùng Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng soạn lá thư theo như những điểm ông Thiệu dặn. Điều quan trọng là tránh không nói tới tình hình quá tuyệt vọng, và xác định VNCH vẫn còn ý chí chiến đấu. Ngân khoản cho vay sẽ có bảo đảm, và được coi như ân huệ cuối cùng của Hoa kỳ đối với Miền Nam:
                        Thưa Tổng thống,
                        "Những biến cố gần đây đã làm tình hình miền Nam Việt nam nghiêm trọng bội phần. Mặc dù chúng tôi đã rút về một phòng tuyên khả dĩ có thể phòng thủ cả về quân sự lẫn kinh tế, chúng tôi vẫn phải đương đầu với đối phương đang gia tăng quân số và võ khí tối tân. Trong khi Cộng sản đang tập trung ở ngay trước ngưỡng cửa của vùng châu thổ miền Nam, quân dân VNCH đã sẵn sàng và chuẩn bị mang toàn lực chiến đấu để bảo vệ lãnh thổ và tự do.
                        "Muốn làm được như vậy, chúng tôi rất cần phương tiện để chiến đấu, nhất là vũ khí và đạn dược.
                        Vì vậy chúng tôi nhiệt liệt cám tạ nỗ lực của Ngài đang kêu gọi Quốc hội Hoa kỳ cấp thêm viện trợ quân sự cho VNCH. Tuy nhiên, viện trợ quân sự đã trở thành một vấn đề khó khăn của Chính phủ Hoa kỳ như công luận và có thể bị Quốc hội bác bỏ. Sự kiện này sẽ có ảnh hướng khốc hại đến tinh thần quân sĩ của chúng tôi trước trận chiến lịch sử. Chúng tôi không muốn việc này xảy ra.

                        Chúng tôi ghi ơn tất cả những hy sinh xương máu và vật chất của nhân dân Hoa kỳ trong quá khứ để bảo vệ miền Nam Việt nam tự do. Chúng tôi hoàn toàn thông cảm với các nhà lập pháp khi họ phải đương đầu vấn đề những vấn đề chính trị và những mối quan hệ của họ trong khi cứu xét viện trợ quân sự cho VNCH. Trong trường hợp bất khả kháng, chúng tôi xin trình Ngài một giải pháp khác như sau đây.
                        "Tôi trân trọng thỉnh cầu Ngài kêu gọi Quốc hội cho VNCH vay dài hạn 3 tỷ đô la, chia làm ba năm, lãi suất do Quốc hội ấn định, và xin triển hạn 10 năm trước khi trả vốn và lời. Tài nguyên dầu hoả và canh nông của VNCH sẽ dùng làm tiền thế chân cho món nợ này. Món nợ giúp chúng tôi chống xâm lăng và cho chúng tôi cơ hội để tồn tại như một quốc gia tự do.

                        "Chúng tôi kêu gọi lương tri và lòng trắc ẩn của nhân dân Hoa kỳ hãy nghĩ đến một quốc gia Đồng minh trung thành trong hai mươi năm sóng gió vừa qua, một dân tộc đã chịu rất nhiều hy sinh thống khổ để dành một cõi sống tự do. Một dân tộc như vậy rất đáng được thiện cảm và giúp đỡ.
                        Trong giờ phút khẩn cấp này, tôi xin Ngài kêu gọi Quốc hội Hoa kỳ hãy cứu xét ngay lời yêu cầu của VNCH. Đây là một hành động cuối cùng của chúng tôi kêu gọi sự giúp đỡ của Hoa kỳ với tư cách là một Đồng minh.
                        Trân trọng
                        (kt) Nguyễn Văn Thiệu

                        Sau khi tôi lên đường đi Washington, ông Thiệu mời Đại sứ Martin vào Dinh Độc Lập để nhờ ông yểm trợ cho công tác chuyến đi. Ông Martin thông cảm và đánh điện ngay cho Kissinger: "Tôi báo cáo để Ngoại trưởng biết rằng ông Thiệu đề nghị nếu việc xin thêm 722 triệu quân viện có thể bị Quốc hội bác bỏ, ta nên tìm cách hoãn ngày bỏ phiếu lại. Mặc dầu ông Thiệu không muốn nói ra nhưng rõ ràng rằng cả ông ta lẫn tất cả mọi người khác đều không biết rồi sự việc sẽ ra sao, (nếu Quốc hội bỏ phiếu chống)?"

                        Tôi được một số bạn đồng liêu ra phi trường tiễn biệt. Lúc đó là 1 giờ 30 trưa ngày thứ tư 15 tháng 4. Các bạn bè từ biệt tới dưới chân chiếc Boeing 747 của hãng Paris American. Tôi cảm thấy vô cùng bối rối, lòng buồn man mác. Tuy rằng "còn nước thì còn tát", nhưng nghĩ tới cái cảnh đất nước phải lệ thuộc, cái cảnh ăn nhờ ở đậu, tôi thấy nó chua xót làm sao?

                        Máy bay đáp xuống phi trường San Francisco sáng sớm ngày 16 tháng 4 (tôi 16 tháng 4, giờ Sài gòn). Trong khi đợi máy bay đi Washington, tôi mua một chiếc radio nhỏ để nghe tin tức. Sau 20 phút oang oang nhạc Elvis Presley và Linda Ronstadt, đến ngay bản tường trình về buổi họp của Tổng thống Ford với Hội các Nhà Báo Hoa kỳ. Hết sức hồi hộp, tôi lắng nghe: "Tôi nghĩ rằng Nga Xô đã giữ những cam kết của họ. Rất tiếc là ta đã không làm như vậy. Tôi không nghĩ ta có thể trách Nga Xô hay Trung Cộng về vụ này. Nếu chúng ta giữ những hứa hẹn của chúng ta đối với Đồng minh thì tôi nghĩ thảm hoạ này đã không xảy ra".
                        Thế là ông Ford vẫn phàn nàn đãi bôi cho xong chuyện.

                        Mấy hôm trước, Von Marbod có cho tôi hay là khi Tướng Weyand trao cho ông xem mấy bức mật thư, ông đã "rất cảm động" Nhưng bây giờ thì dù có cảm động, Ford cũng chỉ đánh võ miệng. Khi bị nhà báo vặn hỏi về tính chất của những cam kết của Hoa kỳ, ông Ford không ngần ngại trả lời thẳng thừng rằng đó chỉ là những "cam kết về tinh thần chứ không phải pháp lý". Thực là ông ta đã lập lại hệt những lời của Kissinger.
                        Sắp ra tranh cử chức Tổng thống, ông chỉ muốn cho mọi chuyện yên ổn, không có gì sóng gió.

                        Những thế hệ người Việt nam và Mỹ mai sau chắc sẽ còn phái thẩm định lại lập luận này của ông Kissinger. Đây là những cam kết tinh thần hay pháp lý? Và nếu không phải là pháp lý thì nó có giá trị nào khác ngoài ý nghĩa tinh thần hay không? Tuy Quốc hội có quyền "khuyến nghị là ưng thuận", vẫn chỉ có Tổng thống được quyền đại diện nước Mỹ về địa hạt ngoại giao. Nếu lời cam kết của Tổng thống không có giá trị gì thì làm sao các nhà lãnh đạo của các quốc gia trên thế giới có thể tin tưởng được vào nền ngoại giao Hoa kỳ?

                        Trở lại bản tin tôi nghe tại phi trường San Francisco. Sau khi loan tin về cuộc họp báo của ông Ford, có tin về cuộc di tản. Bản tin cho hay Hoa kỳ chỉ có thể cứu được 50.000 người tỵ nạn Việt nam, trong khi chờ đợi Quốc hội cho nhập cảnh khoan hồng hơn. Mệt mỏi sau một chuyến bay dài, tôi bồi hồi lên máy bay về Washington. Nơi đây tôi đã sinh sống bao nhiêu năm khi còn giảng dạy tại Đại Học Trinity, Howard, và sau đó làm việc tại Quỹ Tiền Tệ Quốc tế. So sánh với Paris và New York, tôi thấy nó là một thành phố tương đối buồn, không có gì nhộn nhịp cho lắm. Vậy mà lúc này hình ảnh Washington đã trở nên huyền bí, và hãi hùng đối với tôi.
                        Và Quốc hội Hoa kỳ, lại là một nơi quen thuộc. Riêng đối với cá nhân tôi, Quốc hội đã có một hành động ưu ái trong quá khứ. Hai mươi năm trước đó, trong "Khoá họp Quốc hội thứ 89", Thượng Viện đã có cả một Dự Luật (A Bill) để tôi được quyền thường trú tại nước Mỹ: Dự luật số S. 1110, ngày 10 tháng 2, 1965. Thế nhưng bây giờ sao tôi lại e ngại về Quốc hội đến thế? Trên đường tới nơi, vừa trông thấy cái mái vòng cung khổng lồ trên đồi Capitol là tôi đã thấy chán chường! Các ông nghị ở đó đang phủi tay hoàn toàn đối với Miền Nam Việt nam.

                        Vừa tới Washington, tôi đã liên lạc ngay với một người mà tôi có nhiều sự quen biết trên Quốc hội lại vừa có lòng từ tâm. Đó là Mục sư Edward Elson, vị Tuyên uý tại Thượng Viện Hoa kỳ. Mỗi khi có vấn đề tinh thần nan giải, các nghị sĩ thường tìm lới ông để xin lời cố vấn. Tôi nhờ ông giúp đỡ bản tin với Quốc hội về việc VNCH muốn vay, thay vì xin cấp viện trợ, và đó là một yêu cầu cuối cùng của một Đồng minh. Điều cần ngay lúc đó là Quốc hội đừng biểu quyết “không“ vào ngày 19 tháng 4. Ông Elson hứa sẽ làm hết sức tìm mọi cách để giúp đỡ, nhưng ông cũng cho hay có thể là quá muộn
                        Trong khi chờ đợi câu trả lời để đánh điện về cho Tổng thống Thiệu, tôi gặp anh bạn Lê Văn để sắp xếp một cuộc phỏng vấn trên đài Tiếng Nói Hoa kỳ (VOA) về việc Chính phủ VNCH vẫn "còn nước còn tát" và đang có kế hoạch vay viện trợ.

                        Sáng ngày 18 tháng 4, vừa lúc sửa soạn phát thanh thì Lê Văn đưa cho tôi bản tin các hãng thông tấn đánh đi cho hay:
                        "Uỷ ban Quốc phòng Thượng Viện vừa bỏ phiếu chống việc tăng quân viện cho VNCH? Uỷ ban bang giao quốc tế cũng vừa chấp thuận dự luật cho quyền Tổng thống Ford sử dụng quân đội Hoa kỳ để di tản người Mỹ ra khỏi Việt nam".
                        Thế là xong.

                        Thật là dễ dàng cho phía hành pháp Hoa kỳ để họ có thể lập luận được rằng: chúng tôi chỉ chấp nhận bản án do Quốc hội đã đưa ra. Ngoại trưởng Kissinger tuyên bố:
                        "Cuộc bàn cãi về Việt nam nay đã chấm dứt. Ngành hành pháp Hoa kỳ đã chấp nhận bản án của Quốc hội, không hiềm thù, không biện minh và cũng không kháng cáo".
                        Ngắn gọn là như vậy.
                        Chú thích:
                        (1) The New York Times, 11-4-1975.
                        (2) The Washington Post, 9-3-1975.
                        (3) David Butler, The Fall of Saigon, trang 350.
                        (4) Graham Martin, Vietnam Evacuation: Testimony, trang 541.
                        hết: P3 - Chương 12, xem tiếp: P3 - Chương 13

                        Comment


                        • #13
                          Khi Đồng Minh Tháo Chạy


                          Nguyễn Tiến Hưng-Khi đồng minh tháo chạy
                          P3 - Chương 13

                          "Sao chúng không chết phứt cho rồi!"


                          Trong vòng hai tuần lễ kể từ ngày mất Ban Mê Thuộc hôm 11 tháng Ba, truyền hình Mỹ hằng ngày chiếu cảnh rút lui từ Tây nguyên về Phú Yên trên quốc lộ 7B, cảnh tắc nghẽn thê thảm ở đèo Cheo Reo, tới tình trạng hỗn loạn ở Đà Nẵng. Liên tiếp, hết cứ địa này tới cứ địa khác.
                          Washington không có dấu hiệu gì tỏ ra lo ngại. Tổng thống Ford vẫn chỉ thị sắp xếp cho ông đi nghỉ lễ Phục Sinh ở Palm Spring (tiểu bang Nevada). Năm nay, vì chiến sự đang sôi bỏng nhiều nhân viên toà Bạch Ốc đã can ông đừng đi, nhưng ông không nghe. Trước khi đi, ông quyết định gửi tướng Frederick C. Weyand sang Sài gòn ngày 28 tháng Ba để thẩm định tình hình. Weyand là Tham mưu trưởng lục quân và từng là Tư lệnh Quân đội Hoa kỳ ở Việt nam trước đây.

                          Vào thời điểm đó, chỉ một người dân bình thường xem tin tức trên đài cũng đủ biết là tình hình Việt nam đang đi vào giai đoạn quyết liệt. Thế mà Tổng thống Hoa kỳ lại viết trong Hồi ký của ông (năm 1979) rằng: "Ai cũng biết là vấn đề Việt nam nghiêm trọng, nhưng xem ra chẳng ai hiểu rõ nó nguy ngập đến chừng nào".
                          Trên máy bay Air Force One đi Palm Springs, ông Ford từ trên ca-bin xuống gặp đoàn tuỳ tùng, trong đó có ông Rumsfeld, Đổng lý Văn phòng Tổng thống (bây giờ là Tổng trưởng quốc phòng), ông Lan Greenspan, Thống đốc Ngân hàng Liên bang, và ông Ron Nessen, Phụ tá Báo chí. Đang khi họ trò chuyện, có nhân viên phi hành đoàn tới đưa cho Nesse một phong bì màu vàng do chuyên viên truyền tin trên máy bay chuyển. Trong phong bì là một điện tín: "Đà Nẵng đã thất thủ". Nessen đưa cho ông Ford và mấy người kia đọc. Ford lắc đầu! Mọi người không ai nói gì, hoàn toàn im lặng(1).

                          Tuần cuối tháng Ba, thành phố Đà Nẵng trở nên hỗn loạn. Từng làn sóng người tràn về từ Quảng Trị, Huế, Quảng Ngãi làm cho dân số từ 600 ngàn vọt lên một triệu rưởi, gần gập ba lần. Đường phố ứ đọng, tắc nghẽn, cướp giật, súng ống bắn bừa bãi.
                          Lời nguyền rủa
                          Đà Nẵng thất thủ vào đúng chủ nhật Lễ Phục Sinh, ngày 30 tháng Ba. Ở nhà thờ tin lành Lutheran quận Arlington (tiểu bang Virginia), Tổng trưởng quốc phòng James Schlesinger đã "rơi lệ". Hôm đó, phó Giám đốc CIA, tướng Vernon Walters có nói với ông rằng Đại sứ Việt nam ở Washington (ông Trần Kim Phượng) vừa tuyên bố: "Màn đêm dài đã phủ xuống đầu chúng tôi, và bình minh sẽ không còn hé rạng nữa?"

                          Schlesinger ngậm ngùi. Ông thuật lại với chúng tôi khi phỏng vấn ông vào hè năm 1985: "Tôi nghĩ đến lời của cố Thủ tướng Anh, Winston Churchill, khi ông mô tả nước Pháp bại trận trong Đại chiến II. Cả hai đều cùng một thảm cảnh dẫu không lớn lao như nhau. Tôi không trách người Việt nam đã đặt hy vọng vào Hoa kỳ. Tôi chia xẻ nỗi đau thương với họ".
                          Sau khi thị sát chiến trường và họp với phía Việt nam, tướng Weyand trở về báo cáo cho Tổng trưởng quốc phòng.
                          Ngày 5-4-1975, đang khi bay về Washington, thì ông được lệnh đổi hướng bay thẳng về Palm Springs phúc trình cho Tổng thống Ford và Ngoại trưởng Kissinger. Nghe thuyết trình của Weyand xong, Kissinger đi họp báo, có Ron Nessen, Phụ tá báo chí Tổng thống cùng đi theo. Trên đường tới Trung tâm báo chí, Nessen kể lại lời Kissinger nguyền rủa:
                          "Sao chúng không chết phứt cho rồi?" Ông ta rên lên trong xe, "Điều tệ hại nhất có thể xảy ra là chúng cứ sống dai dẳng hoài ". (Why don t these people die fast?" He moaned in the car. "The worst thing that could happen would be for them to linger on") (2).

                          Câu nói buột miệng ra, bất chợt, trong những lúc vô ý lại thường phản ảnh sự thật hơn là những lời tuyên bố khôn ngoan về chính sách, những bài diễn văn hùng hồn, những câu trả lời đắn đo đối với báo chí hay lời văn chải chuốt trong hồi ký.
                          Năm 1979, có lần tôi đang nói chuyện với một anh bạn Mỹ về chiến tranh Do Thái, Iran. Lúc bàn tới Việt nam, tự nhiên anh nói: "Vì sao ông Kissinger ông ấy tàn nhẫn quá nhỉ?" "Sao anh nói vậy?" tôi hỏi. "Ủa, anh chưa đọc sách của Ron Nessen à?" Tôi vội đi tìm cuốn hồi ký tựa đề "Đàng sau hậu trường thì thật là khác" (It sure looks different from the inside).
                          Suy cho kỹ, ta thấy câu nói mà Nessen đã nghe được nó giải thích nhiều sự việc xảy ra cho miền Nam. Đặc biệt là nó giúp trả lời phần nào câu hỏi: Tại sao Miền Nam đã mất lẹ như vậy?

                          Có ba điểm chiến lược trong tâm trí của Henry Kissinger:
                          - Chắc chắn là Hoa kỳ phải dứt khoát rút hết, bỏ rơi Miền Nam;
                          - Chỉ cần một khoảng thời gian coi cho được, từ lúc Mỹ rút đi tới lúc sụp đổ;
                          - Khi sụp đổ thì nên tiến hành cho lẹ; vì nếu cứ sống vật vờ mãi là kẹt cho Mỹ.
                          - Lập trường Kissinger từ 1967

                          Sau khi mọi việc kết thúc, Kissinger quy trách việc mất miền Nam cho vụ Watergate.
                          Lịch sử sẽ phán xét phân minh những chính sách và lịch trình sắp xếp của Kissinger. Tuy nhiên, ngay bây giờ ta cũng đã có thể khẳng định được rằng trước Watergate, trước cả khi ông Nixon lên làm Tổng thống, Kissinger cũng đã chẳng tin tưởng gì là miền Nam có thể cứu vãn được. Vậy chỉ cần rút làm sao mà không bị mất mặt với quốc tế là xong. Mang nửa triệu quân vào mà lại thua thì không ổn. Là người ưa viện dẫn lịch sử, có lần ông nói đến kinh nghiệm của Pháp khi bị sa lầy ở thuộc địa Algeria, sau chiến tranh Đông Dương:
                          "Ông de Gaulle đã làm được cái gì cho nước Pháp ở Algeria? Ông ta đã muốn bỏ nước này một cách nào đó để cuộc triệt thoái được coi như là do một chính sách (chứ không phải là bắt buộc phải bỏ), giúp cho Pháp còn giữ được phần nào phẩm giá của mình… Đó là thành quả lớn lao của ông, chứ không phải kết quả thật sự của cuộc chiến như thế nào…"(3).
                          1967

                          Giải pháp "Mỹ đơn phương rút ra khỏi miền Nam" là tư tưởng Kissinger đã nuôi dưỡng từ lâu. Ngay từ 1967 khi mới bắt đầu tiếp cận vấn đề Việt nam với tư cách là một tư vấn không chính thức của Chính phủ Johnson, ông đã bí mật liên hệ với Hà Nội qua trung gian của hai người Pháp là ông Herbert Marcovich và Raymond Aubrac. Hai người là chỗ quen biết với Hồ Chí Minh từ 1946 lúc ông Hồ đi họp Hội nghị Fontainebleau (4). Lập trường của Kissinger là chiến tranh Việt nam chỉ có thể giải quyết bằng giải pháp "một thời gian coi cho được" (a decent interval).

                          Tác giả David Landau, người nghiên cứu chiến lược của Kissinger đã viết lại trong cuốn "Kissinger: Sử dụng quyền lực (Kissinger: The Use of power), như sau:
                          "Kissinger cho rằng giải pháp duy nhất của Hoa kỳ năm 1967 là dùng chính sách "một khoảng thời gian coi cho được". Nói cho đơn giản hơn, chính sách đó nghĩa là sự sụp đổ của Chính phủ miền Nam – điều ông cho là rất có thể xảy ra nếu không phải là bắ buộc sẽ xảy ra - phải được trì hoãn trong một thời gian kể từ lúc Hoa kỳ triệt thoái để Washington khỏi bị chỉ trích là đã không bảo vệ Đồng minh của mình.
                          Như vậy, điều quan trọng chính yếu của cuộc chiến vấn đề phe nào sẽ cai trị miền Nam - thực ra chỉ là một điểm không đáng để ý. Điều quan trọng không phải là có nên hay không nên triệt thoái mà là triệt thoái như thế nào và bao giờ" (5).
                          1968
                          Năm 1968, khi chiến tranh đang leo thang mạnh, Tổng thống Johnson chán nản, quyết định không ra tranh cử nhiệm kỳ hai. Lúc đó, Kissinger đang làm tư vấn cho ông Rockefeller, Thống đốc tiểu bang New York, để ông này ra tranh cử với ông Nixon trong chức ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hoà. Kissinger cho rằng nếu có một giải pháp mới cho chiến tranh Việt nam thì chắc Rockefeller sẽ được đảng lựa chọn. Vài tuần trước khi tháp tùng ông thầy đi họp đảng tại Miami vào tháng 8, ông đã soạn ra một đề nghị về Việt nam đăng tải trên cả một trang quảng cáo của tờ New York Times. Giải pháp đó gồm bốn điểm:
                          Mỹ đơn phương rút 75.000 quân;
                          Thiết lập một Lực lượng quốc tế giám sát hoà bình;
                          Sau đó, Mỹ rút hết; rồi để cho hai phía Việt nam hoà hợp hoà giải với nhau.
                          75.000 quân chỉ là bước đầu để tạo ra một hướng đi.

                          1969-1970
                          Ngày 20 tháng Giêng, 1969, ông Nixon nhậm chức Tổng thống và dọn vào Toà Bạch Ốc. Kissinger chính thức trở nên Cố vấn an ninh.
                          Ngày bốn tháng Tám, 1969 ông bắt đầu đàm phán sau hậu trường với Bắc Việt. Phiên họp đầu tiên giữa Kissinger, Xuân Thuỷ và Mai Văn Bộ được tổ chức ở căn nhà Jean Sainteny tại phố sang trọng Rue de Rivoli. Mật đàm kéo dài được trên ba năm.
                          Đang khi thương thuyết với Bắc Việt về việc rút quân, Mỹ tiếp tục rút, ngày càng mau. Từ mức cao nhất là 537.000 người lính vào đúng lúc bắt đầu mật đàm, Mỹ đã rút 312.000 chỉ còn 225.000 vào tháng Bảy, 1971.

                          Như vậy là đã rút được trên nửa số quân rồi, nhưng cũng mất hai năm. Làm sao rút hết số còn lại cho nhanh hơn?
                          Kissinger liền cầu cứu sự giúp đỡ của Trung Cộng.
                          Hai mươi bảy năm sau ngày Miền Nam sụp đổ, tờ báo New York Times ngày 28 tháng Hai, 2002 vừa tiết lộ chuyện động trời: ngay từ cuối hè 1971, Kissinger đã nói cho Trung Cộng biết lập trường thực sự của Hoa kỳ về vấn đề rút quân.

                          Trong một bài tựa đề "Tài liệu (vừa có) đã đối chọi với Kissinger về chuyến viếng thăm trung quốc của ông năm 1971", Ký giả Elaine Sciolino cho biết nội dung tài liệu mới được giải mật do National Security Archive đưa ra gồm có biên bản cuộc họp ngày chín tháng Bảy, 1971 giữa Kissinger và Chu Ân Lai.
                          Trong buổi họp, chính Kissinger đã cho Chu biết chi tiết về sự thay đổi cơ bản của chính sách Hoa kỳ đối với Đài Loan, để đổi lấy sự ủng hộ của Trung Quốc hầu giúp chấm dứt chiến tranh Việt nam. Ông ta nói với ông Chu: "Dù có thương thuyết hay không thương thuyết với Bắc Việt đi nữa, rồi chúng tôi cũng sẽ rút quân - một cách đơn phương". (6)
                          "Rút càng nhanh bị lật đổ càng lẹ"

                          Khi Stanley Karnow, nhà sử học về Việt nam, được hỏi về tin này, ông nói: "Không còn nghi ngờ gì nữa là từ lúc tuyển chọn ứng cử viên vòng sơ bộ (của đảng Cộng hoà) hồi tháng Ba, 1968, lập trường (của Nixon) vẫn luôn luôn là "hoà bình và danh dự". Vậy mà khi đến Trung Quốc, Kissinger lại nói "Kế hoạch của chúng tôi là sẽ rút đơn phương".
                          "Đơn phương" là điểm chính, và đây là điều mới lạ đối với tôi" - ông Karnow kết luận (7).
                          Rõ hơn nữa, cũng theo tài liệu mới này, Kissinger còn nói với Chu Ân Lai:
                          "Lập trường của chúng tôi là sẽ không duy trì bất cứ Chính phủ nào ở miền Nam cả, và nếu như Chính phủ miền Nam không được nhiều người ưa chuộng như Ngài nghĩ, thì khi quân đội chúng tôi rút đi càng nhanh, nó sẽ bị lật đổ càng lẹ. Và nếu nó bị lật đổ sau khi chúng tôi rút, chúng tôi cũng sẽ không can thiệp nữa" (8).
                          1972
                          Một năm sau đó, đến tháng Bảy, 1972, Mỹ đã rút hầu như toàn bộ quân đội ra khỏi Miền Nam. Số quân còn lại chỉ còn 45.000. Sắp xong rồi, chỉ cần làm sao cho bước cuối cùng được trôi chảy. Đó là làm thế nào để có một Hiệp định đình chiến là tốt đẹp nhất.
                          Tại những cuộc mật đàm, Kissinger đã nhượng bộ hoàn toàn về vấn đề này: Mỹ sẽ rút đi hết và quân dội Bắc Việt ở lại Miền Nam (9).
                          Ngày 10 tháng 10, ông sang Sài gòn làm áp lực bắt phải chấp nhận giải pháp đình chiến "da beo": ai ở đâu cứ ở đó.
                          Ngày 26 tháng 10, Kissinger gây chấn động khi tuyên bố "Hoà bình đang trong tầm tay" (Peace is at hand).
                          1973
                          Kissinger đã thành công trong việc giải quyết vấn đề Việt nam nội trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Nixon như ông muốn. Chỉ chậm có hai ngày: ngày 20 tháng Giêng năm 1973, Nixon chấp chánh nhiệm kỳ hai, và ngày 23 tháng Giêng, Kissinger đã cùng Lê Đức Thọ ký tắt vào bản Hiệp định. Hiệp định Paris ký xong, ông Nixon lên truyền hình tuyên bố: với tất cả đồng bào đang nghe tôi… lòng kiên trì của đồng bào ủng hộ lập trường đòi cho bằng được một hoà bình với danh dự đã giúp thực hiện được hoà bình với danh dự"(10). Báo cáo về thành tựu ngoại giao cho Quốc hội năm ấy, Nixon viết: "Thật là cần thiết để ta đi tới giải pháp mang lại một khuôn khổ cho miền Nam VN được thực thi quyền tự quyết của mình"(11).
                          Còn Kissinger: "Chúng tôi đã quyết tâm làm hết sức có thể để giúp cho Sài gòn được phát triển trong an ninh và thịnh vượng, và để họ có thể trường tồn trong bất cứ cuộc đấu tranh chính trị nào"(12).

                          "Một khoảng thời gian coi cho được"
                          Như trường hợp Charles de Gaulle giải quyết vấn đề Algeria, thì Kissinger cho rằng ông đã giữ được thể diện cho Mỹ: "có đủ cả rồi, cả Hoà bình, cả Danh dự". Thế là xong, không cần để ý tới kết quả ra sao. Sau ngày miền Nam sụp đổ, nhiều người đã đặt câu hỏi về vấn đề "Một khoảng thời gian coi cho coi được" trong lịch trình của Kissinger. Trong tập hồi ký dài viết lại 1979 với tựa đề "Những năm tại Toà Bạch Ốc" (The White House years), ông đã dành tới hơn một phần ba (492 trang) để giải thích những khó khăn và thành quả của ông về Việt nam. Ông viết rằng Việt nam đã cho ông một cơ hội để đền ơn cho quốc gia đã cứu gia đình ông (khỏi bàn tay của Hitler): "Tôi nhìn thấy vai trò của tôi là giúp cho quốc gia đã nhận tôi làm con nuôi". Về giải pháp hoà bình cho Việt nam do ông mang lại, ông quả quyết: "Chúng tôi đã đi tìm không phải chỉ một khoảng thời gian trước khi sụp đổ, nhưng một nền hoà bình lâu dài và danh dự"(13).

                          Đó là luận điệu cho công luận và cho lịch sử. Bên trong hậu trường thì lại khác.
                          Ta hãy nghe ông John Ehrlichman, Đổng lý Văn phòng của Tổng thống Nixon thuật lại trong cuốn hồi ký "Nhân chứng của quyền lực: Những năm thời Nixon" (Witness to Power, The Nixon Years)
                          Ngày 24 tháng Giêng, 1973, chỉ một ngày sau khi Kissinger ký vào bản Hiệp định và về tới Washington, Ehrlichman gặp ông ở trước phòng Lincoln trong Bạch Cung, có hỏi: "Theo ông, miền Nam VN có thể còn tồn tại được bao lâu nữa?"

                          "Tôi nghĩ rằng nếu họ may mắn thì được một năm rưỡi," Kissinger đáp lại (14).
                          Ehrlichman viết thêm: "Sau này, khi xem đoạn phim trực thăng đến bốc những người Mỹ hoảng hốt trên nóc toà đại sứ Mỹ ở Sài gòn lúc quân đội Bắc Việt đang tiến gần, tôi nhớ lại ước tính có tính cách cay độc (cynical) nhưng chính xác của ông Kissinger". Ehrlichman bình luận: "Trong hồi ký của mình, Kissinger đã viết là sau khi ký tắt vào bản Hiệp định Paris "Tôi thấy bình an trong lòng, chẳng vui cũng chẳng buồn"; nhưng tôi (Ehrlichman) tự hỏi làm sao ông ta có thể nghĩ như vậy được?"
                          Bàn về chiến lược của Kissinger, hai anh em phóng viên nổi tiếng Marvin Kalb và Bernard Kalb là những người đã theo sát ông bao nhiêu năm, đã tiết lộ:
                          "Ông ta tin rằng điều tối đa có thể cứu vãn được cho việc dính líu của Mỹ vào Việt nam là "một khoảng thời gian coi cho được", từ lúc Mỹ rút quân đi và khả năng Cộng sản thôn tính miền Nam. Dù trong khả năng tốt nhất cho Việt nam, không gì có thể bảo đảm được quá ba tới bốn năm" (15).

                          Người tiên tri
                          "Một khoảng thời gian coi cho được" đã bắt đầu từ khi Mỹ rút hết quân ra khỏi Miền Nam.
                          Quân đội Mỹ gọi ngày 29 tháng Ba, 1973 là ngày "X cộng 60" (X plus 60), nghĩa là ngày thứ 60 kể từ khi đình chiến. Đó là hạn chót để Nixon rút hết quân ra khỏi Việt nam. Tại phi trường Tân Sơn Nhất, một toán lính Mỹ khoảng 50 người đứng nghiêm chỉnh làm lễ chào cờ. Từ ống loa, một sĩ quan đọc nhật lệnh: "Bộ Tư lệnh Yểm Trợ Quân Sự Việt nam (MACV) từ giờ phút này đã hết hoạt động, và sứ mệnh cũng như chức năng đã được chỉ định lại". Một vệ binh tiến lên, mang lá cờ MACV với huy hiệu một thanh gươm quay ngược lên. Nhìn Đại sứ Bunker và tướng Weyand, tư lệnh cuối cùng của Hoa kỳ, anh ta cẩn thận cuốn lá cờ lại, để gọn vào một cái bao trông như bao đựng đồ đánh gôn, đưa lên máy bay. Phi cơ cất cánh hay vút ra Biển Đông. Toán lính đó là những người cuối cùng của đoàn quân trên một nửa triệu tham chiến ở Việt nam. Số còn lại, 159 người chỉ là để gác toà đại sứ và 50 nhân viên văn phòng Tuỳ viên quốc phòng DAO (16). Cùng lúc đó, 67 tù binh Mỹ, nhóm cuối cùng của tổng số 595 tud binh được chở từ sân bay Nội Bài, Hà Nội tới phi trường quân sự Mỹ Clark Field ở Phillippines.
                          "Một khoảng thời gian coi được" đã bắt đầu từ hôm đó, ngày 19 tháng Ba, 1973.
                          Và đúng hai năm sau, cũng ngày 29 tháng Ba, 1975, quân đội Bắc Việt tiến vào Đà Nẵng. Trên thực tế một khoảng thời gian coi được đã kết thúc. Như vậy ngoài tài ba lỗi lạc, Kissinger còn là một nhà tiên tri!

                          Đổ hết cho Watergate
                          "Nếu không có sự sụp đổ của quyền hành pháp vì vụ Watergate, tôi tin rằng chúng ta có thể thành công". Kissinger bào chữa (17).
                          Trong cuốn "Kết thúc chiến tranh Việt nam" (Ending the Vietnam war). Kissinger tiếp tục cho rằng Watergate đã làm ông Nixon suy yếu, không còn sức mạnh để ép buộc việc thực thi Hiệp định Paris nữa. Hơn nữa vì quyền lực hành pháp không còn mạnh nên Quốc hội đã cắt giảm viện trợ cho Miền Nam (18).
                          Hai lý do Watergate và Quốc hội cắt viện trợ chắc chắn đã là hai yếu tố quyết định. Tuy nhiên, rõ ràng là lập trường bỏ rơi Miền Nam thì ông đã có trước cả Watergate. Rồi sau Watergate, lại sao khi thấy Quốc hội bắt đầu cắt viện trợ, cả ông lẫn Nixon đã không biện hộ cho Miền Nam trên căn bản những cam kết? Tới lúc gần sụp đổ, Kissinger lại còn chối đi là chẳng có cam kết bí mật nào cả.

                          Ngoài ra Kissinger còn đem một lý do khác để giải thích việc Quốc hội Mỹ cắt quân viện. Đó là vì họ đã bị "ảo tưởng về hoà bình" (illusion of peace). Có hoà bình và danh dự rồi đâu có cần thêm quân viện. Nhưng ai là người mang lại ảo tưởng của "hoà bình và danh dự?"
                          Chắc chắn rằng dù Kissinger có giải thích kiểu nào đi nữa, các sử gia sẽ còn nghiên cứu về lâu về dài tiến trình của giải pháp Việt nam. Cho đến nay, có những vấn đề về đệ nhất, đệ nhị thế chiến cũng còn đang được mổ xẻ. Chiến tranh Việt nam là một mảng đen tối trong lịch sử nước Mỹ.
                          Lúc quyền lực mạnh nhất

                          Hiệp định Paris được ký kết vào lúc ông Nixon mạnh nhất, lúc nhiều quyền lực nhất. Nhân dân Hoa kỳ hoan nghênh thành quả lớn lao của ông trong việc phát triển quan hệ tốt đẹp với Trung Cộng và Nga Xô. Chúng tôi còn nhớ buổi sáng ngày 18 tháng Hai, 1972 đã hồi hộp đón chờ lúc Nixon tới đất Trung Cộng. Cảnh phi cơ Air Force One đáp xuống phi trường Bắc Kinh vào một ngày mùa đông giá lạnh sao thấy bí ẩn đến thế". Hầu như huyền thoại.
                          Rồi tới những cuộc họp thượng đỉnh ở Moscow làm hoà dịu quan hệ (détente) giữa Mỹ và Nga, đi tới Hiệp ước tái giảm vũ khí chiến lược SALT. Cuối cùng là giải quyết chiến tranh Việt nam. Tranh cử cho nhiệm kỳ hai, Nixon đại thắng (xem (Chương l). Từ Âu sang Á, tiếng tăm ông lừng lẫy. Khi đăng quang nhiệm kỳ hai vào ngày 20 tháng Giêng, 1973, Tổng thống Nixon đã lên tới tuyệt đỉnh danh vọng.

                          Hiệp định Paris được ký vào chính lúc này (hai ngày sau khi Nixon đăng quang), lức là vào lúc quyền hành của vị Tổng thống ở đỉnh cao nhất. Trong thực tế, Hoa kỳ là một trong hai tác giả chính của Hiệp định Hoa kỳ ký kết, sau đó lại tổ chức một hội nghị quốc tế để xác định giá trị của nó. Trong điều kiện như vậy mà một Hiệp định cũng đã không duy trì được thì khi Hoa kỳ ký kết những Hiệp định khác, sự bền vững của chúng sẽ ra sao? Thật lạ lùng: trong các văn thư (như trích dẫn ở trongChương 3 và 4) trước khi ký kết, cũng như những tuyên bố sau đó, Nixon-Kissinger đã giải thích nhiều lần rằng Hiệp định Paris sẽ giúp Miền Nam tồn tại như thế nào, thế mà ở hậu trường, như đã trích dẫn trên đây, khi vừa ký xong, Kissinger đã nói với Haldeman là "nếu may mắn thì Miền Nam sẽ tồn tại được một năm rưỡi". Như vậy, làm sao ông có thể đổ hết cho Watergate đã làm cho Nixon suy yếu nên không giúp cho Miền Nam được nữa? Nixon chỉ bất đầu có dấu hiệu dính dấp tới vụ Watergate vào tháng 4-1973. Sáu tháng sau đó, vào tháng 10-1973, ông còn đủ mạnh để lập một cầu không vận tiếp cứu cho Do Thái, quy mô hơn cả cầu không vận tiếp cứu Berlin.

                          Thời gian sau, tuy Nixon có lo lắng bối rối thật, nhưng vẫn còn nhiều quyền lực. Ông chỉ yếu đi từ 1974 và tới Hè năm đó thì mới thực sự tê liệt.
                          Rồi tới Tổng thống Ford, đâu có dính líu gì đến Watergate mà cũng để cho Quốc hội cắt gần hết viện trợ cho Việt nam cộng hoà?
                          Sụp đổ vì yếu kém

                          Ngoài Watergate, Kissinger còn sử dụng một lý luận rất tinh vi khác. Tuy rằng không bao giờ đặt vấn đề một cách rõ ràng, có hệ thống, nhưng bằng cách đánh giá thấp con người Việt nam, ông gián tiếp biện minh cho những hành động của mình.

                          Hơn một tháng sau ngày miền Nam sụp đổ, trong một buổi nói chuyện tại Hiệp Hội Nhật Bản ở New York (16-8-1975), Kissinger bình luận về cuộc chiến Việt nam: thất bại là vì miền Nam thiếu ý chí chiến đấu: "Những cố gắng từ bên ngoài vào cũng chỉ có thể là bổ túc chứ không thể tạo ra được những cố gắng và ý chí chiến đấu cho người trong nước" (19).
                          Thật đúng là chỉ có thể bổ túc thôi. Nhưng có chiến tranh nào mà Mỹ đã nhúng tay vào với tầm mức như ở Việt nam rồi đến khi kết thúc lại đơn phương rút đi? Và rút nhanh như vậy?
                          Rồi cắt hết viện trợ? Ở Âu châu, sau khi thắng trận trong Thế Chiến Hai, Mỹ đóng quân lại, và còn kéo dài tới ngày nay. Chương trình Marshall được thiết lập để tái thiết Âu châu.

                          Lại còn chiến tranh Triều Tiên. Nó đã kết thúc từ 1952 mà cho tới bây giờ, vẫn còn 50 ngàn lính đóng ở vĩ tuyến 38.
                          Coi thường người Việt nam là tâm trạng thường xuyên của Kissinger. Trong một bữa ăn trưa với các phóng viên các báo TIME Và FORTUNE ngày 29 tháng Chín, 1972, ông nhận xét:
                          "Vấn đề của chúng ta với người Việt nam là bên nào cũng cho là mình đang thắng; và khoan hồng chẳng hề là đức tính của họ…"
                          "Người Việt nam là một giống người khó tính, bướng bỉnh, và đa nghi" (20).

                          Nói về sự bướng bỉnh, có lần ông Thiệu kể lại một chuyện buồn cười. Sau khi làm đủ trò để giúp Nixon thắng cử tháng 11 năm 1968, Kissinger đi họp với tân Tổng thống lần đầu tiên ở đảo Midway vào tháng Sáu, 1969. Lúc đầu, ông Thiệu được thông báo rằng vì là chủ nhà nên Nixon sẽ tới trước để tiễn ông tại phi trường. Nhưng khi ông tới nơi, máy bay Nixon còn cách xa Midway tới 15 phút. Lúc ông bước vào phòng họp thì thấy bốn cái ghế đã được xếp sẵn cho hai Tổng thống và hai phụ tá (Henry Kissinger và Nguyễn Phú Đức). Cái ghế thứ tư cao hơn và chỗ dựa lưng lớn hơn, dành cho Nixon. Ông Thiệu vừa buồn cười vừa tức. Không nói gì, ông lẳng lặng đi sang phòng ăn bên cạnh, xách một cái ghế cùng chiều cao, bê xuống rồi ngồi đối diện với Nixon. Sự sắp xếp này giống như một cảnh trong phim của Chaplin, "Nhà đại độc tài" (The Great Dictator): Hitler ngồi trên một ghế cao nhìn xuống Mussolini ngồi ghế thấp hơn. Ông Thiệu nói: "Sau này tôi được một người bạn Mỹ kể lại là Kissinger đã chẳng bao giờ "tin rằng Thiệu là con người như vậy".
                          Đọc kỹ tập hồi ký Kissinger viết năm 1979, ta thấy ý nghĩ của Kissinger về đặc tính người Việt không lấy gì làm khách quan. Ông đã bộc lộ ra ở nhiều chỗ. Nơi đây chúng tôi chỉ ghi lại một số trang để độc giả nghiên cứu thêm.

                          Viết về những tranh cãi giữa mình với ông Thiệu lúc hoà đàm Paris, Kissinger đã phê phán (để tiện tra cứu, tôi ghi ngay số trang của cuốn hồi ký "The White House years" sau mỗi câu Kissinger viết):
                          "Phương pháp của ông ta thật là đúng Việt nam một cách đáng ghét."(trang 1034);
                          "Sự đa nghi không lành mạnh của ông ta là một đặc tính quá tinh tuý của người Việt nam". (trang 1034);
                          "Và ông Thiệu đã làm cho chúng tôi bối rối hơn nữa bằng cách áp dụng thủ đoạn lảng tránh mà người Việt nam thường dành cho người ngoài". (1322);
                          "Láo xược là áo giáp của kẻ yếu; nó là một phương cách đem lại can đảm khi phải đối diện với sự hoảng sợ của chính mình. Nhưng bây giờ tôi mới thấy rõ điều này hơn trước kia. Hồi tháng Chín 1972, phía Việt nam - Đồng minh của chúng ta - đã làm tôi uất ức bằng lối người Việt nam thường dùng để hành hạ đối thủ to con hơn họ". (1327);
                          "Ông Thiệu chẳng bao giờ bàn cãi về quan niệm. Thay vào đó, ông ta đấu tranh theo đúng cung cách Việt nam: gián tiếp, quanh co, bằng phương pháp làm cho đối phương mệt nhoài hơn là làm sáng tỏ công việc, luôn luôn châm chích mà không đi thẳng vào vấn đề - cái phương pháp mà qua bao nhiêu thế kỷ, người Việt nam đã dùng để bẻ gẫy tinh thần ngoại bang trước khi đánh bại đối phương ở một trong những trận tấn công anh hùng của họ". (1368);
                          "Thế nhưng, chẳng người Việt nam nào, cả Bắc lẫn Nam, tin rằng tự tín, tin tưởng, hay tình bạn là điều quyết định. Họ đã sống thoát được ngoại bang qua bao nhiêu thế kỷ không phải là do tin tường mà là do vận dụng mánh khoé". (1368).

                          Sau khi cuốn hồi ký của Kissinger được xuất bản (1979), một tạp chí Đức, tờ Der Spiegel có phỏng vấn ông Thiệu (ngày 1-12-1979).
                          Der Spiegel: "Ông Kissinger sau cùng đã cảm thấy rằng sự giận dữ một cách bất lực (impotent rage) là cái mà người Việt nam luôn luôn dùng để hành hạ đối phương mạnh hơn mình", ông trả lời thế nào về những nhận xét trong Hồi ký Kissinger?"
                          Ông Thiệu: "Tôi không muốn trả lời ông ta. Tôi cũng không muốn bình luận về ông. Ông ta có thể bình luận về tôi, tốt hay xấu, thế nào cũng được. Tôi chỉ muốn bàn đến cái gì thực sự đã xảy ra giữa Hoa kỳ và Miền Nam Việt nam".

                          Der Spiegel: "Ông có cho ông ta lý do gì để bình luận với một giọng xúc phạm như vậy không?"
                          Ông Thiệu: "Có thể là ông ta đã ngạc nhiên phải đối địch với những người thông minh và có khả năng. Có thể là từ mặc cảm tự tôn".
                          Chỉ trích cá nhân ông Thiệu (và con người Việt nam) như vậy mà năm năm sau sụp đổ, Kissinger còn có thể viết cho rằng: "Cuốn sách của tôi đã không ngớt ca ngợi sự can đảm, tư tưởng đúng đắn, và công nhận rằng, trong thực chất, Ngài đã đúng" (xem cuối chương 13 và Phụ lục D).
                          Kết thúc phải cho mau lẹ

                          Chỉ có chiến lược "kết thúc cho mau lẹ" mới giải thích được câu hỏi then chốt: tại sao tất cả những cam kết mật giữa Tổng thống Nixon và Tổng thống Thiệu đã được giấu thật kỹ. Kể cả những viên chức có trách nhiệm trực tiếp về Việt nam như các Tổng trưởng ngoại giao, quốc phòng thời Nixon và thời Ford cũng không ai biết gì. Đến chính Tổng thống Ford cũng bị bưng bít. Phải kín như vậy thì tới lúc kết thúc mới làm thật nhanh được, hết bàn cãi.
                          Vì nếu không kết thúc cho mau lẹ là rất kẹt! Đơn giản mà nói: ví như ta đi xem kịch, nếu lới lúc hạ màn mà giây kéo màn lại bị rối thì tình trạng sẽ như thế nào? Tất nhiên người kéo màn sẽ cứ phải loay hoay, kịch sĩ diễn xong rồi mà chưa lui vào được, sân khấu lộn xộn, màn mới làm sao mà trình diễn? Chủ rạp sẽ mất uy tín.

                          Năm 1975 là năm Kissinger có lịch trình mới, ưu tiên mới. Lại là năm Tổng thống Ford sửa soạn ra ứng cử Tổng thống năm 1976. Lịch mới của ông gồm nhiều công tác khẩn trương:
                          - Với Nga Xô: thực hiện cho được chính sách détente (hoà dịu);
                          - Với Trung Quốc: mở rộng quan hệ ngoại giao để có thế mạnh với Nga Xô;
                          - Với Âu châu: quay lại với quan niệm của Jean Monnet tạo dựng lên một "tam giác vàng" gồm Tây Âu, Mỹ và Canada;
                          - Với Nhật: tái lập quan hệ tốt đẹp đã mất từ khi Mỹ bắt tay Trung Cộng năm 1971 và việc phá giá đồng đô la năm 1972; và
                          - Rất khẩn trương là việc dàn xếp với hai phe Do Thái- A Rập để vãn hồi hoà bình.
                          Với vậy như ông đã nguyền rủa, "điều tệ hại nhất có thể xảy ra là bọn chúng cứ sống dai dẳng hoài". Và có kéo dài thêm lại càng kẹt, mà cũng chẳng được gì. Kissinger đã phán xét trong hồi ký: "Biết ơn những điều người khác làm cho mình thật không phải là đặc tính của người Việt nam". (trang 1338).
                          Ngày 17-4-1975, ông gửi mật điện hối thúc Đại sứ Martin: "Hãy ra đi cho mau, và ngay lập tức"

                          Chú thích:
                          (1) Ron Nessen, It sure looks different from the inside, trang 96.
                          (2) Ron Nessen, It sure looks different from the inside,trang 98.
                          (3) Marvi(10) Diễn văn của Tổng thống Nixon sau Hiệp định Paris; xem thêm: Marvin Kalb and Bernard Kalb, Kissinger, trang 476.
                          (11) Richard Nixon, U.S. Foreign Policy of the 1970 s, A Report to the Congres.s, May 3, 1973, trang 60.
                          (12) Henry Kissinger, White House Years, trang 1470.
                          (13) Henry Kissinger, White House Years, trang 1470.
                          (14) John Erlichman, Witness to Power, trang 288.
                          (15) Marvin Kalb and Bemard Kalb, Kissinger, trang 478.
                          (16) Arnold R. Isaac, Without Honor, trang 123-124.
                          (17) Henry Kissinger, A World Restored, trang 1470.
                          (18) Henry Kissinger, Ending the Vietnam war, trang 457.
                          (19) Guenter Lewy, America in Vietnam, trang 441.
                          (20) Theo sổ tay của Jerrold Schecter, 4-10-1972, Tham dự bữa ăn trưa còn có cả ký giả Hedley Donovan, Henry Grunwald. Hugh Sidey, Louis Bank và Richard Campbell của tạp chí Fortune.
                          hết: P3 - Chương 13, xem tiếp: Phần 4 - Chương 14
                          n Kalb and Bernard Kalb, Kissinger, trang 400
                          (4) Marvin Kalb and Bernard Kalb, Kissinger, trang 87.
                          (5) Landau, David, Kissinger: The Uses of power, trang 436.
                          (6) The New York Times, 28-2-2002.
                          (7) The New York Times, 28-2-2002.
                          (8) The New York Times, 28-2-2002.
                          (9) Xem thêm Chương 3, mục "Rút quân từ song phương tơi đơn phương".

                          Comment


                          • #14
                            Khi Đồng Minh Tháo Chạy

                            Nguyễn Tiến Hưng -Khi đồng minh tháo chạy
                            Phần 4 - Chương 14

                            RƯỚC CỦA NỢ HAY ĐƯỢC CỦA CÓ?


                            Ai không muốn di tản người Việt?

                            Đám đông cứ ùn ùn leo tường vào toà đại sứ Mỹ, cảnh rối loạn đã bắt đầu trông thấy. Lại có tin đồn toà đại sứ sắp bị pháo kích đêm nay. Bao vấn đề đang diễn ra ngay trước mắt.
                            Lúc đó là một giờ sáu phút ngày 29-4- 1975. Trí óc Đại sứ Martin rối bời. Giải pháp chính trị cho Miền Nam mà ông đã theo đuổi cả tháng nay vừa tan biến như mây khói khi phi trường Tán Sơn Nhất bị pháo kích. Cho tới lúc này, ông vẫn còn ôm một hy vọng thầm kín, đó là nếu tướng Dương Văn Minh thành công thì Toà đại sứ Mỹ vẫn có thể còn được duy trì ở Sài gòn, tuy chỉ là một toà đại sứ nho nhỏ. Đang khi hình ảnh phi trường Tân Sơn Nhất lởn vởn trong đầu ông, một người tuỳ viên vội bước tới: "Thưa ông Đại sứ, có điện từ văn phòng Tổng thống Ford". Ông Martin vội vàng mở ra đọc. Sau bao nhiêu yêu cầu, gần như năn nỉ, ông đang chờ đợi Tổng thống cho thêm trực thăng để di tản số người Việt đã vào đầy toà đại sứ (1).

                            Ai ngờ lại là chuyện trời ơi đất hỡi: Đổng lý Văn phòng Donald Rumsfeld (đương kim Tổng trưởng quốc phòng của Tổng thống George W. Bush) không nói gì tới việc gửi thêm trực thăng lại còn yêu cầu ông Đại sứ cho người tới cao ốc hãng IBM để bốc đi trên một trăm nhân viên và gia đình họ, rồi dùng trực thăng sẵn có để cho di tản (2).
                            Martin bực tức chửi thề và lờ đi, không trả lời. Sắp tới giờ thứ hai mươi tư rồi. Theo kế hoạch của Washington thì đáng lẽ chính ông Đại sứ cũng đã phải ra đi từ mấy hôm trước. Nhưng ông Martin đã cố tình níu lại, ông câu giờ để giúp di tản thêm người Việt nam càng nhiều càng hay, và phần nào ông vẫn còn hy vọng vào một giải pháp chính trị để Mỹ ra đi đỡ mất mặt.

                            Những kế hoạch chung quanh việc di tản người Mỹ và Việt nam đợt đầu đã được giữ hết sức bí mật, rồi lời nửa kín nửa hở, tới lúc hở ra là giây phút tranh giành, trèo tường toà đại sứ, lộn xộn, gần như hỗn loạn.
                            Để tìm hiểu thêm về cuộc di tản, chúng tôi đã tới tận nhà Đại sứ Martin để thăm viếng và yêu cầu ông kể lại cho rành mạch những gì đã xảy ra bên trong Toà đại sứ vào những ngày giờ cuối.

                            Ông Đại sứ cuối cùng
                            Chúng tôi đến thăm ông vào một buổi chiều mùa hè năm 1985, mười năm sau lúc gặp ông lần cuối ở Sài gòn. Về hưu, ông cư ngụ và chăm sóc mấy cháu gái tại Winston-Salem, một thành phố nhỏ thuộc North Carolina. Ông sinh ngày 22 tháng Chín năm 1912 trong một gia đình sùng đạo ở Mars Hill một làng nhỏ cũng ở tiểu bang này. Cha ông là một mục sư đạo Baptist. Đạo này rất thịnh ở miền Nam và là một đạo giáo rất nghiêm ngặt, đặc biệt là về rượu chè. Có nhiều quận gọi là "dry counties" (những quận khô) vì Chủ nhật không được bán bia, rượu. Cha ông cấm ông uống rượu nhưng ông lại rất thích uống "Martini". Tuy nhiên khi nào uống thì ông cũng thú thật vì cha ông đã dặn: "Nếu ta luôn nói sự thật thì không bao giờ cần nhớ xem mình đã nói gì" (3). Ông còn giữ nhiều mật điện quan trọng về liên lạc Việt-Mỹ vào giai đoạn kết thúc. "Tôi muốn nói ra đợt cuối cùng về những gì đã xảy ra" ông tâm sự.

                            North Carolina là tiểu bang quen thuộc vì có đại học North Carolina Wesleyan College là nơi chúng tôi bắt đầu giảng dạy môn kinh tế học từ tháng Tám năm 1963. Carolina cũng là gạch nối giữa tôi với ông Martin khi ông làm đại sứ tại Việt nam. Mỗi khi gặp ông, tôi thường bắt đầu bằng những câu chuyện vui về dân tình, phong tục và đời sống North Carolina, về những trận đấu bóng giữa Đại học Virginia, trường tôi học, về Wake Forrest College, trường của ông. Bây giờ ông đã về hưu, không còn trách nhiệm nữa, không còn lo nghĩ nữa nên thấy ông thoải mái và tươi tắn hơn lúc còn ở Sài gòn, dù đã già đi nhiều.
                            Vào làm việc cho Chính phủ từ năm 1933, ông thăng tiến nhanh và giữ nhiều chức vụ quan trọng. Trước khi nhậm chức tại Việt nam, ông làm Đại sứ ở Thái Lan từ năm 1963. Lúc đó ông đã chống việc Mỹ mang quân vào Việt nam. Tới năm 1966 đang khi nhiều thanh niên Mỹ biểu tình chống đối, người con nuôi mà gia đình ông vô cùng yêu quý, cậu Glenn sang Việt nam và tử trận khi lái trực thăng trên vùng cao nguyên. Có lẽ vì vậy mà ông đã đổi hẳn thái độ.
                            Mười năm trước khi trở lại viếng thăm ông, sáng ngày 15-4-1975 tôi gọi điện tạm biệt ông để lên máy bay đi công tác tại Washington. Trước khi chấm dứt cuộc điện đàm, tôi hỏi:
                            "Ông Đại sứ nghĩ thế nào về tình hình khẩn trương lúc này?"
                            "Tôi nghĩ chắc sẽ có một thời gian nữa hầu có thể đi tới giải pháp chính trị".
                            "Ông nghĩ tôi nên làm việc tại Washington độ bao lâu?"
                            "Khoảng một tuần…"
                            "Tạm biệt ông Đại sứ".
                            "Chúc ông đi bình an, khi trở về nhớ gọi tôi ngay, tôi rất muốn gặp lại ông sớm".
                            Ông tiếp tôi và anh bạn Jerold Schecter (đồng tác giả cuốn "Hồ sơ mật Dinh Độc Lập") một cách cởi mở, khác hẳn phong thái ngày trước. Lúc ở Việt nam, trông ông lúc nào cũng dè dặt, kín đáo, thầm lặng. Người ta cho là ông còn lạnh lùng hơn Đại sứ Ellsworth Bunker, người được gọi là ông "Đại sứ tủ lạnh". Tống thống Thiệu thì gọi ông bằng một bí danh: "Ông Cà phê". Ngày trước ở Sài gòn có cà phê Pháp "Martin" nổi tiếng.
                            "Đại sứ còn nhớ dặn tôi gọi lại khi về tới Sài gòn không?"

                            Ông nhìn tôi với đôi mắt đăm chiêu, xa vắng. Nhắc lại câu này dường như đã khơi lại cho ông những ngày giờ kinh hoàng của 10 năm về trước. Với những cảm xúc ấy chắc cũng chưa bớt đi mức độ nóng bỏng đối với ông. "Tôi đâu có ngờ tới một kết thúc thảm thương như vậy".
                            Chúng tôi bắt đầu câu chuyện "phỏng vấn" thân mật. Ông tâm sự nhiều về những khía cạnh chính trị, ngoại giao, và về cuộc chiến Việt nam. Khi nói tới cuộc di tản, ông thở dài rồi bỗng nhiên im lặng: "Thôi thì ít nhất tôi cũng đã làm được một chút gì cho nhân dân anh". Ông muốn nói tới những cố gắng vượt mức vào ngày giờ chót để giúp một số người Việt di tản, nhiều hơn gần gấp ba số người Washington định cứu.

                            Ông nói là trong cuộc đời, ông cũng từng có nhiều kinh nghiệm về di tản: "Ngay từ 1939 tôi đã nghiên cứu xem những lý do nào đưa tới tình trạng hỗn loạn của cuộc di tản những đoàn người từ Paris xuống Bordeaux. Rồi đầu thập niên 1950, vì có trách nhiệm bao trùm cả khu vực Âu châu nên tôi phải tham dự EUCOM và SHAPE trong kế hoạch phòng hờ để di tản người Mỹ khỏi Âu châu. Vì vậy tôi đã hiểu là ở trong hoàn cảnh còn yên ổn thì một chiến dịch di tản cũng đã phức tạp đến chừng nào, mà sự yên ổn đó đâu có còn kéo dài được bao lâu nữa ở Sài gòn lúc ấy, trừ khi có những biện pháp đề phòng lối đa nhằm tránh sự hỗn loạn".
                            Tranh đấu cho Miền Nam

                            Một trong những biện pháp đề phòng là lấy cảm tình của người Việt nam. Về việc này ông đã bắt đầu ngay từ khi mới đến Sài gòn.
                            Ông được bổ nhiệm làm Đại sứ vào tháng Bảy, 1973, sau Hiệp định Paris. Lúc đầu ông Thiệu rất dè dặt. Với bản tính đa nghi, nghe thấy nói ông Martin là người đã chống việc đem quân vào Việt nam, ông Thiệu phân vân không biết rồi ông này có phải là một Henry Cabot Lodge thứ hai hay không.
                            Đại sứ Lodge là người đã đứng đằng sau cuộc đảo chính ông Diệm năm 1963. Khi Martin nhậm chức vào hè 1973, tình hình bang giao Việt-Mỹ lại rất căng thẳng. Ông Kissinger lại vừa mới kiêm chức Ngoại trưởng. Tuy nhiên, sự nghi ngờ của ông Thiệu đối với vị tân đại sứ đã sớm tiêu tan. Chỉ sau ba bốn lần tiếp xúc, ông Thiệu nhận ra rằng Martin là một người ủng hộ Việt nam. Lý do chính là ông muốn bảo vệ uy tín của Hoa kỳ: không nhẽ mang trên nửa triệu quân vào chiến đấu mà lại để Miền Nam sụp đổ quá nhanh. Mặt khác ông cũng không muốn trở thành người phải "đổ vỏ" ốc. Những viên chức khác làm hỏng đại sự, đến lượt ông lại phải thực hiện công tác dẹp tiệm sao?

                            Hút thuốc lá liên tục và làm việc rất khuya tại căn phòng nhỏ ở tư thất, ông là người sống nhiều về nội tâm, lúc nào cũng chững chạc, dè dặt. Ông rất ít giao thiệp với các Đại sứ khác, trừ Đại sứ Pháp Merillon. Hai toà đại sứ lại ở sát bên nhau. Lúc nào ông Martin cũng trầm lặng, lủi thủi một mình. Nhân viên toà đại sứ khó tới gần ông và đã chỉ trích ông rất nhiều.

                            Vừa nhậm chức thì Đại sứ Martin đã có tin Quốc hội bàn cãi việc cắt viện trợ cho Miền Nam. Thế là một mặt ông tìm mọi cách trấn an ông Thiệu, một mặt ông không ngửng biện hộ cho Việt nam cộng hoà tại Washington. Vào thời điểm đó, ông là một trong vài viên chức Hoa kỳ duy nhất còn nghĩ tới Miền Nam. Là bạn của Tổng thống Nixon, ông đã được Nixon phục chức cho ông trong ngành ngoại giao. Năm 1967 lúc còn làm Đại sứ ở Thái Lan, ông bị Ngoại trưởng Dan Rusk cho về ngồi chơi xơi nước vì quá bướng bỉnh, chống việc Mỹ mang không quân vào Thái Lan. Một năm sau thắng cử, Nixon đề bạt ông làm Đại sứ tại Ý. Ông tin là quan hệ cá nhân của ông với Tống thống giúp ông yểm trợ Việt nam trong thời hậu chiến.

                            Đầu hè 1974, khi thấy viễn tượng Nixon phải từ chức đã rõ, ông hết sức lo âu. Từ tháng Sáu 1974, thỉnh thoảng ông mời tôi dùng cơm trưa tại tư thất để bàn về những vấn đề xoay quanh viện trợ Mỹ. "Hay là để tôi đề nghị Tổng thống Thiệu gửi ông sang làm Đại sứ ở Washington để cùng làm việc với tôi", có lần ông gợi ý. "Chắc không đâu, vì tôi đã ở Mỹ quá lâu rồi", tôi chối ngay. Biết là chúng tôi đã có gặp gỡ thượng nghị sĩ Kennedy lúc còn ở đại học, lại là cựu sinh viên của Schlesinger, Tổng trưởng quốc phòng và có quen biết gia đình Mục sư Elson, Tuyên uý Thượng Viện Mỹ, nên ông Martin đề nghị là dù không trở về Washington tôi cũng nên bắt tay với ông tranh đấu cho viện trợ.
                            Tháng Bảy, 1974 ông về Washington cố thuyết phục Quốc hội Hoa kỳ. Trong một buổi điều trần, ông đã trình bày một hình ảnh lạc quan về Việt nam, và bị nhiều người chỉ trích (4).

                            Sau khi Miền Nam sụp đổ, năm 1976 ông lại ra điều trần tại Quốc hội, vẫn không thay đổi lập trường. Lúc chúng tôi gặp lại ông mười năm sau, ông còn nhắc lại: "Nếu không bị cắt hết viện trợ thì Miền Nam vẫn còn khả năng tồn tại, dù là một Miền Nam thu hẹp" (4).
                            Vào lúc Miền Nam sụp đổ, trước hết ông đã ra chỉ thị cho George Jacobson, Phụ tá đặc biệt về điều hành ở Toà đại sứ là phải dùng toàn bộ phương tiện tài chính, máy bay, tàu, sà lan của toà đại sứ ở khắp mọi địa điểm để giúp cả quân lẫn dân di tản từ Đà Nẵng và Nha Trang (5). Sau đó đã tránh sự hỗn loạn có thể xảy ra ở Sài gòn (xem Chương sau). Đồng thời đã giúp tị nạn một số người Việt đợt đầu tiên, gần gấp ba lần Washington dự tính.

                            Tại những ngày cuối cùng, khi được lệnh phải di tản người Mỹ, ông chần chừ kéo dài thời gian di tản người Mỹ vì biết rõ là một khi người Mỹ cuối cùng đã ra khỏi miền Nam thì chẳng còn người Việt nào được bốc đi nữa.
                            "Đại sứ giữ tài liệu mật bị điều tra", đó là đầu đề của tờ Washington Post ngày 13 tháng Chín, 1978, gần ba năm rưỡi sau khi Miền Nam sụp đổ. Bài này nói về việc Đại sứ Martin giữ lại toàn bộ tài liệu mật đã được lưu ở toà đại sứ tại Sài gòn. Căn nhà ông ở tương đối cũng nhỏ, ít chỗ lớn để xếp đồ đạc, nên khi về hưu, ông đã để một số hộp hồ sơ trong thùng xe hơi đậu trước nhà. Đến khi xe bị mất trộm, ông báo cho cảnh sát North Carolina. Lúc cảnh sát tìm được và mở thùng xe ra thì lại thay toàn là tài liệu đóng dấu "Tối mật" (Top Secret). FBI phóng xe đến điều tra ông.
                            Khi đăng tin này, toà báo có phỏng vấn ông Frank Snepp tác giả cuốn "Decent Interval" về ông cựu Đại sứ. Ông Snepp trả lời: "Ông ta nói với tôi là ông muốn giữ lại những tài liệu này để có thể nói lời cuối cùng về Kissinger".

                            Thế nhưng, chưa kịp nói thì ông Martin đã từ trần.
                            Thật là một may mắn mà tôi được gặp lại và nghe những lời thổ lộ từ tâm huyết của vị Đại sứ Mỹ cuối cùng ở Miền Nam và được ông cung cấp một số tài liệu lịch sử.
                            Ai là người được chọn?

                            Khi Pháp rút lui hồi 1954, dù Mỹ không dính dáng trực tiếp vào chiến tranh Đông Dương thì cũng đã giúp di tản được một triệu người từ Bắc vào Nam một cách trật tự. Thời gian di tản còn kéo dài được 300 ngày. Lúc Mỹ rút năm 1975 sau 10 năm trực tiếp tham chiến với hơn nửa triệu binh sĩ, chẳng nhẽ lại cuốn gói ra đi một mình?
                            Sau đây là chi tiết về diễn tiến cuộc di tản mà Đại sứ Martin kể lại, cũng giống như ông đã điều trần tại Quốc hội vào tháng 1,1976 (xem Phụ Lục F) (6):
                            Thoạt đầu, căn bản là Hoa kỳ chỉ muốn di tản người Mỹ ra khỏi Miền Nam cho nhanh, hầu như chẳng ai ở Washington muốn dính tới người Việt, ngoại trừ thân nhân của công dân Mỹ, một số chọn lọc những người đã cộng tác với Mỹ, và một số rất nhỏ viên chức cao cấp Việt nam;
                            Đầu năm 1975 (đặc biệt là từ tháng Ba), Washington đã có lệnh cho di tản nhân viên làm việc tại văn phòng Tuỳ viên quốc phòng DAO (Defense Artache Office). Văn phòng này được thành lập sau Hiệp định Paris để thế MACV (Military Assistance Command, Vietnam), nhưng chỉ đặc trách về tiếp vận;

                            Tuần đầu tháng Tư, Đại sứ Martin nhận được lệnh "giảm bớt" cho nhanh số người Mỹ còn ở lại;
                            Trước ngày 14-4, tức là chỉ còn hai tuần trước khi sụp đổ, toà đại sứ chỉ có quyền cấp giấy phép "tạm dung" (parole authority) cho 2.000 trẻ mồ côi được di chuyển bằng máy bay vào Mỹ;

                            Ngày 14-4, toà đại sứ chỉ nhận được quyền cho tạm dung thân nhân người Mỹ nhưng phải theo những điều kiện ràng buộc hết sức chặt chẽ: đó là chỉ những thân nhân đang có mặt tại Việt nam của những người Mỹ cũng đang có mặt tại Việt nam;
                            Ngày 19-4, toà đại sứ nhận được quyền cho tạm dung, quyền này được nới rộng chút đỉnh, nhưng cũng chỉ bao gồm những thân nhân của công dân Mỹ và những người Việt nam thường trú (có thẻ xanh) dù không có mặt tại Việt nam nhưng với điều kiện là họ đã được thân nhân xin visa cho và đã được sở Di trú chấp thuận;
                            Sau cùng, mãi tới ngày 25-4, tức là năm ngày trước khi Sài gon thất thủ, toà đại sứ mới nhận được quyền cho tạm dung thêm các bà con, thân nhân của công dân Mỹ (khoảng 80.000 người) và 50.000 người Việt nam có "mức rủi ro cao độ", tổng cộng là 130.000 người (7).
                            Chỉ có 50.000 người thôi

                            Như vậy hết sức rõ ràng là chỉ còn bốn ngày trước lúc triệt thoái cuối cùng, ngoài người Mỹ, thường trú Mỹ và thân nhân của họ, Hoa kỳ chỉ cho phép di tản 50.000 người Việt nam, mà số người này phải thuộc về diện những người có rủi ro cao độ.
                            Nhưng ai là người có mức rủi ro cao độ? Bộ Ngoại giao Hoa kỳ đã vạch rõ:
                            "Những nhân viên làm việc cho Mỹ và gia đình của họ;
                            "Thân nhân của công dân Mỹ;
                            "Viên chức cao cấp trong chính quyền Việt nam cộng hoà;
                            và một số những người khác (được coi là) có "nguy hiểm cao độ" vì sẽ là đối tượng trả thù của Cộng sản" (8).

                            Và như vậy, hầu hết các bạn đang đọc quyền sách này đã không phải là người lọt vào con số được chọn.
                            Đó là về thủ tục nhập cảnh, thủ tục tạm dung, vốn đã quá khó khăn. Nhưng còn một khía cạnh khác: thái độ của các nghị sĩ, dân biểu, quan chức lại Washington đối với việc di tản. Nếu Quốc hội chống thì làm sao có ngân sách di tản?
                            Ngày 14-4, Uỷ ban Ngoại giao Thượng Viện đến họp tại toà Bạch Ốc. Diễn tiến buổi họp cho ta thấy thái độ của Quốc hội Mỹ đối với việc di tản người Việt tỵ nạn. Khi Kissinger trình bày là trong số trên một triệu người đã có những liên hệ với Mỹ, có 174.000 người là đặc biệt bị nguy hiểm với Cộng sản nên Mỹ phải cứu nếu có thể được. Các nghị sĩ đều thoái thác. Phụ tá Nessen kể lại buổi họp về di tản đó như sau (9):
                            Nghị sĩ Frank Church: "Cho di tản 174.000 người Việt nam sẽ có thể phải cần đến một số (quân đội) Mỹ rất lớn trong một cuộc chiến rất dài";
                            Nghị sĩ Clifford Case nhấn mạnh rằng ý kiến chung của Uỷ ban là số người Mỹ ở Sài gòn phải được tập trung lại để đến lúc kết thúc có thể di tản chỉ bằng một chuyến bay thôi;

                            Nghị sĩ Charles Percy: "Chúng tôi không muốn người Mỹ phải làm con tin" (để di tản người Việt);
                            Kissinger bình luận: "Cá nhân tôi cũng không tin rằng ta sẽ có thể di tản một số nhất định nào đâu, như là 174.000 chẳng hạn. Nhưng ta có bổn phận là nếu mang được ai ra thì càng nhiều càng tốt";

                            Tại đây, Tổng thống Ford cảnh cáo các nghị sĩ: "Nếu quý vị tuyên bố "không di tản người Việt nam", quý vị sẽ có khó khăn lớn trong việc di tản 6.000 người Mỹ" (vì sẽ gặp sự chống cự của miền Nam)";
                            Nghị sĩ Jacob Javits tuyên bố: "Tôi không muốn bỏ phiếu cấp thêm tiền cho một Chính phủ do Thiệu lãnh đạo, nhưng tôi sẽ trả bất cứ món tiền chuộc nào để mang người chúng ta ra";

                            Nghị sĩ Joseph Biden còn nói toạc móng heo: "Tôi không muốn trả bất cứ món nào để đưa người Việt nam đi, chỉ trừ khi ta không thể mang được người Mỹ nào ra mà không phải mua 174.000 người Việt nam. Trong trường hợp đó, tôi sẵn sàng mua 174.000 người Việt nam".
                            Sau cuộc họp, Tổng thống Ford còn dặn các nghị sĩ chớ để cho báo chí biết là tất cả phiên họp chỉ để bàn bạc về chuyện di tản.
                            Quý vị hãy nói: "Chúng tôi chỉ bàn chuyện làm thế nào để ổn định tình hình".
                            Ai không muốn di tản người Việt?

                            Ngày 17-4, Đại sứ Martin nhận được một mật điện, trong đó có đoạn như sau (10):
                            Người nhận: Martin
                            Độ mật: Tối mật
                            "Chúng tôi vừa họp xong một cuộc họp liên bộ để duyệt xét tình hình miền Nam Việt nam. Ông Đại sứ phải biết rằng trong phiên họp của Uỷ ban Đặc nhiệm Washington hôm nay, hầu như không có ai ủng hộ việc di tản người Việt và việc dùng quân lực Mỹ yểm trợ bất cứ việc di tản (người Việt) nào.
                            Quan điểm chung của các giới quân sự, Bộ Quốc phòng, và CIA là phải rút ra cho lẹ và ngay lập tức.
                            (We have just completed an interagency review on the State of play in South Vietnam. You should know that the WSAG (Washington Section Action Group) meeting today, there was almost no support for the evacuation of Vietnamese, and for the use of American force to help protect any evacuation. The sentimen of our military, DOD (Department of defense) and CIA colleagues was to get out fast and now"

                            Với lệnh khẩn cấp đó, Kissinger hối thúc Martin phải gấp rút chạy cho nhanh. Ông Martin đã báo động Kissinger là nếu chỉ cho di tản người Mỹ thôi thì rất nguy hiểm. Kissinger không thèm để ý, và trả lời:
                            "Mặc dù những lo ngại như Đại sứ đã thông báo cho tôi và tôi cũng đồng ý như vậy, nhưng điều hết sức cần thiết là yêu cầu Đại sứ xúc tiến cho nhanh việc di tản những công dân Mỹ ra khỏi Việt nam.
                            Chúng ta phải làm sao để vào thứ Ba, 22-4, tất cả số công dân Mỹ dù chính thức hay không cũng chỉ còn 2.000 trở lại mà thôi".
                            Như vậy có nghĩa là trong năm ngày, ông Martin phải di tản khoảng 4.000 người Mỹ.
                            Ông ta đang cuống lên thì ngay hôm sau, Kissinger lại tống thêm một lệnh mới. Chính Kissinger đã viết lại trong cuốn "Ending the Vietnam war" là ngày 18-4, theo sự chấp thuận của Tổng thống, ông Martin nhận chỉ thị là phải giảm số người Mỹ xuống còn chỉ còn 1.250, cũng vào ngày 22-4. Đây là số người được tính toán là trực thăng sẽ có thể bốc đi trong chỉ một ngày. "Số người Mỹ này, và tuỳ khả năng có thể, những nhân viên người Việt làm cho Mỹ, sẽ đượcdi tản từ bãi đậu ở Toà đại sứ khi Tân Sơn Nhất bị đe doạ. Và khoảng thời gian còn lại (cho tới 22-4), sẽ cố gắng tối đa để di tản số người Việt bị nguy hiểm vì đã làm cho nước Mỹ (Those who had exposed themselves on America s behalf) (11).

                            Washington chỉ hối thúc cho di tản căn bản là người Mỹ và một số nhỏ người Việt làm cho Mỹ. Vậy làm thế nào để cứu được thêm một số người Việt?
                            Câu thêm giờ

                            Có hàng triệu người cộng tác với Mỹ trong 20 năm qua, bây giờ lại chỉ cho di tản 50.000 người thì làm sao coi được. Ông Martin nhất định không chịu.
                            Trước hết là ông đã "câu giờ": cố di tản người Mỹ thật nhanh để có thì giờ di tản thêm số người Việt. Tới Washington, khi ông Ford ra Quốc hội ngày 10-4 xin thêm tiếp viện bổ túc cho Miền Nam thì cuộc bàn cãi về Việt nam xoay chiều: thay vì viện trợ, chủ đề lại là chỉ là di tản. Như vậy, một mặt Washington muốn đưa người Mỹ ra cho lẹ, một mặt ông Martin lại muốn kéo họ ở lại. Theo chính Kissinger kể, cũng trong cuốn "Ending the Vietnam war", thì Đại sứ Martin đã chần chừ không chịu di tản cho nhanh vì: "Nhiệt tình gắn bó với những người mà ông sắp bị bắt buộc phải bỏ lại, ông Martin đã coi như bổn phận mình là phải dàn ra từng chặng, cuộc rút lui của Mỹ trong một thời gian dài nhất để giữ lại sự có mặt của Mỹ (tại Việt nam) ở mức đủ để bào chữa cho việc cứu vớt người Việt nam".
                            "Tin rằng, ngay trước mắt, sự hoảng hốt ở Saìgòn còn đáng lo ngại hơn những kế hoạch tấn công của Hà nội, ông phấn đấu để cho cuộc di tản chậm nhiều hơn là chính Tổng thống Ford, Brent Scowcroft, hay là tôi – bọn diều hâu trong chính phú - đã cho là thích ứng" (12)

                            Nới rộng thẩm quyền
                            Ngoài việc chần chừ, Martin còn dùng mánh khoé riêng của mình để đi vòng. Ngày 25-4, khi nhận được phép cho di tản có 50.000 người, ông nới rộng quyền của mình bằng cách chú thích con số "50.000" một cách phóng khoáng hơn. Điều trần trước Quốc hội (1976), ông nói:
                            Ngày 25-4, chỉ còn bốn ngày trước lúc di tản cuối cùng bắt đầu ngày 29-4. Lúc đó chúng tôi mới nhận được phép cho mang đi tất cả tổng số là 50.000 người Việt nam - một con số quá ư là ít ỏi. Bởi vậy tôi đã giải thích con số này là muốn nói tới chủ gia đình chứ không phải là tổng số người. Bởi vậy, dùng "phương pháp giải thích rộng rãi theo lối John Marshall", chúng tôi đã nới thẩm quyền để giải quyết vấn đề".
                            (On April 25, only four day before our evacuation began on April 29. Then we received authority to sen out a grand total of 50,000 Vietnamese – a number which was clearly insufficient. So I interpreted the number to include only heads of families and no the families too. So, song the John Marshal broad construction approach, we stretched the authority to cover the problem") (12).

                            "Hành quân gió nhanh"
                            Vào lúc bốn giờ năm phút sáng Thứ Ba, ngày 29-4 (4:05 chiều 28/4 giờ Washington), những hoả tiễn đầu tiên của Bắc Việt rơi trúng phi trường Tân Sơn Nhất.
                            Đại sứ Martin lên chiếc xe an ninh của ông và cho lái ra sân bay để quan sát tại chỗ lúc chín giờ sáng. Một phi cơ C-130 bị phá huỷ, hai lính Thuỷ quân lục chiến Mỹ gác cổng bị chết. Các chuyến bay di tản phải ngừng. Tuy nhiên, thấy phi cơ dù bị hư hại mà còn dùng được, ông Martin lại điện về xin Tổng thống cho tiếp tục các chuyến bay loại lớn. Ông Martin kể lại là lúc bảy giờ 30 chiều, ông họp với Hội đồng an ninh Quốc Gia (NSC) và quyết định chờ một giờ xem pháo binh có ngừng không, nếu ngừng thì ông sẽ cho máy bay vào tiếp tục. "Pháo kích có ngừng thật", ông viết, "nhưng chúng tôi lại có một vấn đề mới phải giải quyết. Dân chúng ào ra tận phi đạo và máy bay không đáp được. Tình hình rõ ràng không thể kiểm soát được nữa". Trong lúc đó, các bồn xăng bị trúng hoả tiễn bắt lửa nổ và phát cháy hừng hực từ góc trụ sở Hãng hàng không dân sự Air America. Tướng Smith (chỉ huy cơ quan DAO ở Sài gòn) điện thoại tới Honolulu cầu cứu đô đốc Gayler, Tổng Tư lệnh quân đội Hoa kỳ ở Thái Bình Dương. Ông Gayler gọi Đại sứ Martin thông báo không thể tiếp tục di tản bằng C-130 được nữa. Miễn cưỡng, ông Martin đồng ý "Lựa chọn IV", trong kế hoạch di tản, với mật danh "Hành quân gió nhanh" (Operation frequent wind), Lựa chọn này là chỉ dùng trực thăng bốc đi từ toà đại sứ Mỹ. Martin gọi Kissinger yêu cầu ông đề nghị Tổng thống chấp thuận.

                            Lúc 10 giờ 51 sáng cùng ngày (10 giờ 51 đêm 28/4, giờ Washington), Ford hạ lệnh bắt đầu cuộc "Hành quân gió nhanh", mật hiệu của "Lựa chọn IV" (13). Đài phát thanh quân đội Mỹ ở đường Hồng Thập Tự cho phát sóng mật hiệu cho người Mỹ và một số người Việt liên hệ biết là giờ phút di tản cuối cùng đã tới.
                            Chiếc trực thăng thứ nhất tới toà đại sứ đúng hai giờ chiều ngày 29-4. Có hai chỗ đáp: loại trực thăng lớn - CH-53 đáp xuống bãi trong khu sân đậu xe; loại nhỏ, CH-46 đáp trên nóc toà đại sứ.
                            Trong 16 giờ cuối cùng, Đại sứ Martin đã hét sức khẩn khoản nài xin thêm 30 chiếc trực thăng loại lớn CH-53 (chở được 50 người, nhưng ngồi chen chúc cũng được 70). Nhưng ông chỉ thấy lẻ tẻ vài chiếc loại nhỏ CH-46 (chở được 20 người) bay vào! Thấy số máy bay vào quá chậm và ít ỏi, ông Martin còn dùng lý do có số trẻ con lai còn bị kẹt lại để biện hộ. Ông cầu cứu Brent Scowcroft, Chánh Văn phòng Tổng thống: "Có lẽ ông nên cố vấn cho tôi làm sao tôi thuyết phục được một số người Mỹ để họ bỏ rơi lại những đứa con lai của họ, hoặc Tổng thống sẽ được đánh giá như thế nào nếu ông ta chỉ thị như vậy… "Tôi cần đến chết được (I damn well need) hối thúc 30 chiếc CH-53 hay một khả năng tương đương…"

                            Thúc rồi ông còn viện cớ rằng trong đám người kẹt lại, có cả một linh mục Mỹ, bởi vậy nếu không gửi thêm trực thăng vào mà đưa ông ta đi thì Tổng thống phải chịu trách nhiệm với lãnh đạo Công Giáo Hoa kỳ: "Giữa đám người Mỹ hiện còn lại, có cả linh mục Mcveigh, giám đốc cứu trợ Công Giáo; ngài không chịu đi nếu nhân viên của ngài không được đi.
                            Làm sao Tổng thống có thể giải thích cho Giám Mục Swanstrom… hay là Hồng Y Cooke được, nếu tôi bỏ ông ta ở lại, và cứ như vậy, Đại sứ Martin gửi hết điện này tới điện khác cách nhau vài chục phút. Nhưng ông Kissinger cũng như tư lệnh Thái Bình Dương đã đi tới kết luận là ông Martin đang đánh phé, giữ người Mỹ lại để di tản một giếng không đáy người Việt"(14).

                            Tại Washington, theo chính Kissinger thuật lại, ông và Schlesinger đã ước tính là còn 760 người đang ở trong khuôn viên toà đại sứ, và quyết định gửi thêm 19 trực thăng, chỉ ngần ấy thôi (15). Ông Martin sẽ phải đi chuyến thứ 19 được kết thúc khoảng 3 giờ 30 sáng.
                            Lúc 3 giờ 15 sáng (30 tháng 4), một anh phi công chiếc CH-46 đáp xuống nóc toà đại sứ chuyển một trang giấy viết tay cho ông Martin do Đô đốc Gayler gửi, ông nói là được lệnh chỉ gửi lại thêm 19 trực thăng, và không gửi thêm nữa, Đại sứ Martin sẽ phải đi ra chuyến cuối cùng. Sau này ông Gayler tiết lộ: Ông đã có thẩm quyền để áp giải, nếu ông Đại sứ cưỡng lại lệnh Tổng thống. Khi Phó Đại sứ Lehman phát hiện ra những chiếc trực thăng sẽ vào lại là loại nhỏ, một nhân viên toà đại sứ, đại tá Madison, vô cùng sửng sốt vì ông đã hứa đi hứa lại với khoảng 420 người Việt còn kẹt lại ở Toà đại sứ là họ sẽ được mang đi hết. Bây giờ không có CH-53 đáp dưới bãi đậu ở sân nữa, chỉ có loại nhỏ đáp trên nóc toà nhà (và chỉ có người Mỹ được di tản thôi!). Vậy ông Madison biết ăn nói làm sao với những người đã tin cậy vào những lời hứa của ông? Madison vô cùng bất mãn! (16).

                            Vài giờ sau, toán lính Thuỷ quân lục chiến gác toà đại sứ lần vào cao ốc, khoá chặt cửa sau lại, để số người muốn tị nạn không vào được nữa. Chiếc trực thăng cuối cùng, yểm trợ bằng sáu chiếc Cobra gắn đại liên, chở toán này cất cánh
                            Trước tám giờ sáng ngày 30-4. Họ ném những hộp hơi cay xuống chung quanh cao ốc trên đầu số 420 người Việt đứng bàng hoàng ngơ ngác (17). Đám người này vẫn đứng chờ những chuyến trực thăng không bao giờ tới.
                            Hy vọng rằng những thế hệ con cháu của đoàn người di tản là những người Mỹ mai đây sẽ nắm địa vị quyền hành, sẽ không bao giờ đối xử như vậy đối với những đoàn người di tản từ các quốc gia Đồng minh khác trong một tình huống nào đó, như từ Iraq, Atghanistan, Đài Loan, Đại Hàn, khi Đồng minh của họ cuốn gói ra đi.
                            Chú thích:
                            (1) David Butler, The Fall of Saigon, trang 440.
                            (2) Frank Snepp, Decent Interval, trang 67.
                            (3) Graham Martin, Vietnam Evacuation: Testimony, trang 543.
                            (4) Tuần báo TIME, 4-21-1975, trang 19.
                            (5) Graham Martin, Vietnam Evacuation: Testimony, trang 560, 576.
                            (6) Graham Martin, Vietnam Evacuation: Testimony, trang 543-544; 562-563; 590-591;573, 617.
                            (7) Graham Martin, Vietnam Evacuation: Testimony, trang 543-544; 562-563; 590-591;573, 617.
                            (8) Graham Martin, Vietnam Evacuation: Testimony trang 617.
                            (9) Ron Nessen, It sure looks different from the inside, trang 105-106.
                            (10) Nguyễn Tiến Hưng và Jerrold Schecter, The Place File, trang 328- 330.
                            (11) Henry Kissinger, Ending the Vietnam war, trang 541.
                            (12) Graham Martin, Vietnam Evacuation: Testimony, trang 544.
                            (13) Gerald Ford, A time to heal, lrang 256.
                            (14) David Butler. The Fall of Saigon, trang 438-439. 444.
                            (15) Henry Kissinger, A World Restored, trang 551-552.
                            (16) David Butler, The Fall of Saigon, trang 444-445.
                            (17) David Butler, The Fall of Saigon, trang 452; về việc này, Kissinger đã chối đi, nói là ông không biết có số người còn kẹt lại trong toà đại sứ. Xem Henry Kissinger. sđd., trang 552…

                            hết: Phần 4 - Chương 14, xem tiếp: P4 - Chương 15

                            Comment


                            • #15
                              Khi Đồng Minh Tháo Chạy

                              Nguyễn Tiến Hưng-Khi đồng minh tháo chạy
                              P4 - Chương 15
                              Vào để giúp… Ra lại bắn nhau?


                              Các em nữ sinh Việt nam mặc đồng phục màu trắng, đứng dàn chào trên bãi biển, chờ đón để cài hoa lan lên áo người chiến sĩ Đồng minh. Hôm đó là ngày 8 tháng 3, 1965. Hai sư đoàn TQLC Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng. Họ là nhóm đầu tiên mở đường cho một đoàn quân trên nửa triệu vào tham chiến tại Việt nam Họ đến để giúp nhân dân miền Nam chiến đấu với quân đội cộng sản Bắc Việt.

                              Mười năm sau, cũng vào tháng 3, Mỹ lại có kế hoạch đưa TQLQLC vào. Nhưng lần này không phải vào Đà Nẵng mà là vào Sài gòn. Không phải vào để tham chiến mà là vào để đưa Mỹ rút đi. Kế hoạch rút lui của Mỹ đòi hỏi phải có tới ba chứ không phải hai sư đoàn, cùng với oanh tạc cơ bao phủ vòm trời để yểm trợ Tại sao lại như vậy? Vì vào thời điểm này, ngoài quân đội Bắc Việt, Mỹ còn lo ngại hơn nữa là phải chạm súng với chính quân đội VNCH! Ôi chao, sao lại có thể ê chề đến như vậy? Ăn ngủ với nhau đã vài chục năm, lúc ra đi lại bắn nhau hay sao?
                              Ấy thế mà khả năng này lại có thật! Với thời gian, dần dần ta mới thấy rõ hơn những biến chuyển đàng sau hậu trường khi giờ hấp hối của VNCH đã gần kề. Đại sứ Martin kể lại với tôi:
                              "Lúc đó đã có biết bao nhiêu những kế hoạch điên rồ (crazy plans) được mang ra. Tôi phải cố ngăn chặn lại. Suýt nữa thì hoàn toàn đổ vỡ, chẳng ai đi được mà còn có thể gây ra thảm hoạ lớn?"
                              Sau khi nói chuyện với ông và nghiên cứu thêm tôi thấy các tình huống xoay quanh kế hoạch của Mỹ rút khỏi Việt nam nó ăn khớp với nhau. Nói chung, để giúp cho việc ra đi được yên ổn và không lổn hại nhiều tới uy tín của mình, Hoa kỳ đã có bốn dự định chính:
                              - Thứ nhất, một kế hoạch quân sự: mang thuỷ quân lục chiến vào Sài gòn để phụ trách di tản 6,000 người Mỹ và một số rất ít người Việt nam liên hệ;
                              - Thứ hai, tác động với phía Việt nam để tránh tình trạng hỗn loạn vào giờ phút chót.
                              - Thứ ba, nhờ cậy Liên Xô dàn xếp với Hà Nội để không cản trở việc di tản; và
                              - Thứ tư, sắp xếp một giải pháp chính trị để có một thời gian chuyển tiếp.
                              Dù là cả bốn hành động đi chung với nhau, về tầm quan trọng và ưu tiên, có sự khác biệt giữa những quan chức Mỹ ở Washington và ở Sài gòn. Washington thì đặt nặng giải pháp quân sự và việc cầu cầu Liên Xô. Tại Sài gòn, Đại sứ Martin lại cực lực chống đối kế hoạch quân sự, chỉ tập trung vào việc tránh xáo trộn và sắp xếp giải pháp chính trị.
                              Về mục tiêu của các giải pháp cũng có sự khác biệt: Washington theo đuổi một mục tiêu ngắn hạn, mục tiêu tình thế, đó là rút ra cho mau lẹ, trong khi Đại sứ Martin lại muốn có một thời gian lâu hơn để việc rút lui không quá lộ liễu, đồng thời giúp di tản một số người Việt nam.
                              Suýt có đụng độ lớn?
                              Tình trạng hỗn loạn, tắc nghẽn ở Sài gòn làm kẹt việc di tản 6.000 người Mỹ là một tình huống đã làm cho Đại sứ Graham Martin lo nghĩ nhiều nhất. Ông kể lại là mình đã mất ngủ từ khi trông thấy cảnh rút lui thê thảm khỏi Cao Nguyên, rồi tới tình trạng rối loạn, kiêu binh ở Đà Nẵng, Nha Trang: dân chúng tràn ngập đường phố để tìm lối thoát, rồi tới tình trạng rối ren ở phi trường. Máy bay không đáp xuống được nữa khi các phi đạo bị tắc nghẽn. Ông giải thích về bài học quan trọng để rút ra: yếu tố đáng sợ nhất chính là sự hoảng hốt. Sự hoảng hốt có thể là kẻ giết người, là kẻ phá đổ, và là yếu tố làm tê liệt mọi việc mà ta cần phải tránh với bất cứ giá nào vào lúc đó" (1)
                              Bỏ rơi là phản bội. Phản bội và hậu quả của nó là điều mà Đại sứ Martin đã vô cùng lo ngại trong những ngày cuối cùng.
                              Nếu cảnh hoảng hốt lại tái diễn ra ở Sài gòn thì hơn 6,000 người Mỹ và số người Việt được chọn sẽ bị kẹt. Trong trường hợp dó, quân lực Mỹ sẽ phải vào can thiệp, dẫn tới khả năng đụng độ giữa hai quân đội MỸ-VNCH. Đó là một tình huống xấi nhất, mà lại vào giờ chót.
                              Kế hoạch để di tản số người Mỹ và bà con hoặc đã có dính líu tới Mỹ, có mật hiệu là "Talon Vise". Lựa chọn thứ nhất của kế hoạch này là di tản bằng những máy bay lớn từ phi trường Tân Sơn Nhất, yểm trợ bằng quân lực Mỹ.
                              "Tôi cho rằng mang quân đội Mỹ vào là một sai lầm lớn, vì, thưa quý vị, nếu quý vị đứng vào hoàn cảnh của người Việt nam thì quý vị sẽ phản ứng như thế nào?" ông Martin trình bày với Quốc hội về sau này (2).
                              Khi bị chất vấn là tại sao ông không yêu cầu Tổng thống cho di tản trước ngày 29 tháng 4 (ngày Tân sơn Nhất bị pháo kích), ông Martin trả lời:
                              "Không, vì theo đánh giá kỹ nhất của tôi, nếu làm sớm hơn sẽ có nguy cơ là xảy ra một tình trạng hỗn loạn với kết quả là một số rất đông người Mỹ sẽ chết. Nó sẽ đưa tới một sự khủng khiếp nặng nề nhất, đó là nhu cầu phải đưa quá nhiều quân lực Mỹ vào, và chúng ta sẽ phải chiến đấu với quân đội Miền Nam để mở đường tháo lui" (3).
                              Ngày nay ta mới hiểu hết được tâm tư của Đại sứ Martin. Rõ ràng là thoạt đầu Washington chỉ muốn di tản nhân viên toà đại sứ Mỹ, cơ quan Tuỳ viên quốc phòng DAO, công dân Mỹ và một số rất ít người Việt làm việc cho Mỹ mà thôi. Và phương thức di tản thì lại quá ư là nguy hiểm. Ta thử tưởng tượng: nếu Mỹ đem từ 3 tới 6 sư đoàn vào để chỉ di tản người Mỹ và bà con, trước hết là TQLC chiếm đóng phi trường Tân Sơn Nhất, rồi Toà đại sứ Mỹ; sau đó, trực thăng và từng đoàn xe Mỹ chở người tới phi trường. Và cũng như vậy, di tản từ các địa điểm khác như Biên Hoà, Cần Thơ. Khi thấy sự phản bội quá lộ liễu như thế, liệu các đơn vị quân đội, cảnh sát, nghĩa quân, địa phương quân, dân chúng VNCH có để yên hay không? Vào đầu tháng 4, sau những buổi họp tại Dinh Độc lập và Phủ Thủ tướng, tôi cũng đã bắt đầu nghe thấy hai chữ "Đ.m". Sau này, nhiều người cũng kể lại sự phẫn nộ lúc đó tại các đơn vị quân đội VNCH khắp nơi.
                              Vào thời điểm đó, "kế hoạch điên rồ" mà ông Martin lo ngại đang được bàn định tại Ngũ Giác Đài. Kế hoạch này được tuần báo TIME tiết lộ như sau:
                              "Sự nguy hiểm là Cộng sản sẽ pháo kích các phi trường. Cũng có một khả năng ác liệt khác là quân đội miền Nam Việt nam sẽ quay súng bắn vào phi trường Tân sơn Nhất, vào phía Tân cảng (cảng Newport), hay bắn vào chính cả cái bãi đáp trực thăng trên nóc toà đại sứ Mỹ nữa, nếu những người Mỹ rục rịch di tản…"(4).
                              Hoa kỳ đã tập hợp lại một đoàn hạm đội ở vùng biển Nam Hải cho công tác này. Đoàn này gồm 4 hàng không mẫu hạm: Hancock, Coral Sea, Midway, và Enterprise. Một đơn vị 2.200 lính Thuỷ quân lục chiến (TQLC) đã được huy động tới trên bốn mẫu hạm này và những tàu hộ tống khác. "Nếu cần, quân đội Mỹ có thể được không vận vào Sài gòn, bắn phá mở đường tiến một địa điểm an toàn, rồi chở đoàn người di tản ra bằng trực thăng tới các tầu ngoài khơi"(5).
                              Địa điểm an toàn đó là phi trường Tán Sơn Nhất. TQTC Mỹ sẽ chiếm và bao vây phi trường (xem hình). Để thi hành kế hoạch này, cũng theo tờ TIME: Theo ước lượng của các chuyên viên Ngũ Giác Đài, sẽ cần tới 3 sư đoàn - mỗi sư đoàn 18,000 người- và hơn nữa, nếu tình hình trở nên bết bát hơn là dự đoán. Ngoài những máy bay phản lực bảo vệ trên vòm trời, lại còn cần đến yểm trợ hoả lực từ ngoài khơi, và hàng tá, nếu không phải là hàng trăm chiếc trực thăng nữa"(6).
                              Tờ NEWSWEEK còn tiết lộ là Ngũ Giác Đài rất lo ngại về tình huống có thể xảy ra như một ác mộng, đó là nhu cầu phải có một lực lượng làm hậu thuẫn cho kế hoạch Talon Vise, nhất là khi họ đã trông thấy cái cảnh kiêu binh của nhiều binh chủng ở Đà Nẵng (7):
                              "Dù rằng đã có 20,000 quân ở Miền Tây Thái Bình Dương và vài tá chiến hạm - gồm 4 hàng không mẫu hạm cớ lớn và một mẫu hạm chở trực thăng ở ngay bên trong, hay sát gần hải phận Việt nam, lực lượng này gần như chẳng đủ để thi hành công tác đó. Sau kinh nghiệm Đà Nẵng và Nha Trang hai tuần trước đây… Ngũ Giác Đài đã trở nên thận trọng".
                              Tờ báo này trích dẫn một viên chức cao cấp ở Ngũ Giác Đài đã tiết lộ:
                              "Tôi đã được nghe một số tướng lãnh nói có thể cần tới 6 sư đoàn mới lập được một hành lang di tản". Viên chức cao cấp khác thêm: "Phải chiếm phi trường Tân Sơn Nhất để máy bay và trực thăng đáp, chỉ việc này không thôi cũng đã cần 3 sư đoàn. Rồi cần giữ an ninh ngoài cảng cho tầu cập bến nên lại cần thêm ba sư đoàn nữa".
                              Ngày 28 tháng 4, tờ NEWSWEEK còn tiết lộ thêm là có thể cần tới 200,000 quân đội Mỹ, nhưng các nhà quân sự đã phải thừa nhận rằng khó có thể nào điều động được một số quân lớn như vậy trong một thời gian ngắn. Tờ này nói thêm: "Một viên chức Mỹ ở Sài gòn đã giải thích "Chúng tôi thật lòng cố gắng để di tản tất cả những người đã làm việc cho chúng tôi hay những người bị nguy hiểm. Thế nhưng, hãy nhìn vào thực tế: chúng tôi phải lo cho người chúng tôi trước, và trong lúc này thì chỉ việc đó cũng là một cơn ác mộng rồi".
                              Đại sứ Mỹ cực lực phản đối
                              Từ khi biết được kế hoạch này vào khoảng cuối tháng ba, đầu tháng tư, Đại sứ Martin đã chống lại. Rồi ngày 8-4, ông lại thấy trong bài diễn văn đọc trước Quốc hội, Tổng thống Ford lại còn nói rõ ra rằng ông yêu cầu Quốc hội cho phép dùng quân lực Mỹ để thực hiện một mục tiêu giới hạn là bảo vệ mạng sống người Mỹ bằng cách đảm bảo cuộc di tản của họ, nếu trở nên cần thiết". Ông Ford còn xin Quốc hội sửa đổi luật lệ hiện hành (về quyền hạn chiến tranh của Tổng thống) để ông còn có thể dùng quân lực giúp di tản một số người Việt mà Mỹ có trách nhiệm đặc biệt đối với họ (những người làm cho Mỹ).
                              Nghe Tổng thống nói tới "dùng quân lực" là ông Martin hết hồn. Ông cực lực phản đối. Không, ông không thể nào để xảy ra một tình huống có thể dẫn đến cái cảnh Mỹ-Việt chĩa súng bắn nhau, mà lại bắn nhau vào giờ phút chót! Cái cảnh nồi da xáo thịt ấy còn làm cho Mỹ bẽ mặt thêm biết bao nhiêu nữa. Trong mật điện rất dài gửi Kissinger đêm ngày 17 tháng 4, ông Martin đã thẳng thắn đề cập tới vấn đề và cố thuyết phục(8):
                              "Lệnh di tán người Mỹ đột ngột có thể gây bạo động ở Sài gòn. Nếu không giữ bình tĩnh mà lại đưa thuỷ quân lục chiến vào đây thì có thể gây sự nổi giận không thể lường được… "
                              Rồi ông nhấn mạnh thêm:
                              "Tôi nhắc lại một lần nữa là sẽ có náo động lớn, nếu gửi quân đội Mỹ vào Sài gòn, ngoại trừ một số ít và không quí lộ liễu".
                              "Tất cả phòng tin tức lặt vặt nhận được về phản ứng (của phía Miền Nam) đều xác định đây là điều ta không nên làm… "
                              Chắc chắn ông Martin đã nhận được nhiều tin tức tình báo về khả năng này.
                              NEWSWEEK (28 tháng 4) còn viết thẳng ra: "Thực vậy, kế hoạch phòng hờ để bảo vệ người Mỹ được soạn thảo ra dường như là để đối phó với những người lính Miền Nam đang liều mạng tìm lối thoát hoặc uất hận vì bị bỏ lại, còn nhiều hơn là đối phó với đoàn quân cộng sản đang tiến tới".
                              Tờ này còn thuật lại câu chuyện là một buổi sáng nọ, khi quan sát nhóm người Mỹ và thân nhân Việt của họ kéo đến trước toà đại sứ, một viên chức cảnh sát Sài gòn bỗng nhiên chặn lại và quát lên: "Các anh không thể bỏ xứ này ra đi, tôi sẽ nhốt hết các anh lại". Lính gác vội vàng đưa đoàn người này lọt vào qua cổng toà đại sứ.
                              Trường hợp khác, tại Cần Thơ, những chuyến trực thăng của hãng Air America đã phải bay ban đêm tới một khu chung cư của người Mỹ để bốc họ đi, vì viên sĩ quan chỉ huy phi trường có nói với ông Lãnh sự Hoa kỳ ở Cần Thơ rằng ông ta không thể bảo đảm được kỷ luật của quân lính dưới quyền mình nếu người Mỹ cố di tản bất cứ ai ra khỏi phi cảng"(9).
                              Về điểm này, chính bản thân nhiều độc giả chắc cũng đã chứng kiến những bất mãn tương tự tại các đơn vị quân đội hay tại địa phương.
                              Tại Nha Trang, NEWSWEEK thuật lại: "Khi Toà Lãnh sự Mỹ di tản, chỉ có đủ máy bay để chở người Mỹ, những lính gác Mỹ đã phải chĩa súng tự động vào số nhân viên để họ khỏi tràn ngập máy bay. Và một nhân viên CIA còn kể đến một chuyến phản bội nhẫn tâm hơn khi di tản Toà Lãnh sự Mỹ ở Đà Nẵng: tới lúc ra đi, người Mỹ nhận thức rằng họ không thể nào cho di tản số nhân viên Việt nam được, nên họ đã cho đậu ba chiếc xe vận tải trước cổng Toà Lãnh sự. Người Việt vội vàng trèo lên, thế là xe phóng đi liền. Khi đám đông đi rồi, người Mỹ mới chạy thoát ra. Rồi những chiếc xe vận tải thả ngay lại số người này xuống một bãi ở cách Toà Lãnh sự mấy dậm" (10).
                              Theo những thông tin nhận được, ông Martin ra sức ngăn chặn việc mang quân vào. Trong cùng một mật điện (ngày 17 tháng 4), ông báo động về Washington.
                              "Người Việt nam sẽ cho rằng Hoa kỳ mang TQLC vào để di tản người Mỹ và mặc kệ số phận người Việt ở đây. Đó là một hành động phản bội trắng trợn của Hoa kỳ".
                              "Họ sẽ tin rằng Mỹ chẳng còn cần để ý tới những gì sẽ xảy ra cho họ nữa. Và từ cái cảm nhận sâu đậm đó, nếu chỉ có một việc gì bất ngờ xảy ra, dù là nhỏ nhoi tới đâu, cũng có thể gây ra tình trạng vô cùng hỗn độn. Cứ để như tình trạng hiện tại, chúng tôi sẽ gây được cảm tình với người Việt nam vì họ cho rằng người Mỹ còn ở lại đây cũng chịu chung số phận với họ…"
                              "Hôm nay tôi đã cho di tản, một cách bất hợp pháp, bà vợ của một viên chức tình báo cao cấp. Ông ta sẽ không bao giờ ra đi, nhưng như vậy ta luôn luôn có thông tin đầy đủ, và chính ông ta cũng đã dùng ảnh hưởng lớn của mình can thiệp với tư lệnh một vài đơn vị quân đội trong số những đơn vị mạnh nhứt để giúp cho "những người bạn trung thực nhất" của Việt nam ra đi cho an toàn".
                              Rồi như không còn chế ngự được mình nữa Đại sứ Martin đã đi tới chỗ gần như chửi thề ông Ngoại trưởng và Tổng thống:
                              "Thế nhưng tất cả những điều này đều có thể thay đổi đột ngột nếu như có một tên điên rồ khốn kiếp nào đó (some god-damned fool) lại thuyết phục được một trong các quý ông ở địa vị lãnh đạo cao cấp, mang TQLC vào trước khi tôi yêu cầu".
                              "Và tôi sẽ không ngần ngại chút nào để yêu cầu khi trật tự công cộng bắt đầu tan rã".
                              Để cho tăng phần quan trọng, ông thêm: "Đây là công điện tôi tự đánh máy lấy, không có bản sao, ngoại trừ hồ sơ tại Washington".
                              Chữa xong, trước khi chấm dứt bức công điện, ông đã bỏ hết mọi ràng buộc về ngoại giao và còn dứt khoát với cấp trên:
                              "Có một điều tôi đoan chắc tuyệt đối (deadly certain) là nếu đưa quân đội Hoa kỳ ào ạt vào đây trong điều kiện hiện nay thì họ sẽ phải chiến đấu với quân đội miền Nam để tìm đường tháo chạy".
                              "Nếu ta hành động một cách bình tĩnh thì ta có thể rút khỏi một cách êm đẹp - tôi xin nhắc lại – và ta sẽ không làm một lỗi lầm ghê gớm nữa trong trăm ngàn lỗi lầm người Mỹ đã làm ở Việt nam và về vấn đề Việt nam".
                              Trân trọng,
                              Martin
                              Tác động phía miền Nam
                              Một mặt thì ngăn chặn Washington gửi TQLC vào Sài gòn, một mặt ông lại cố tác động phía Miền Nam để giữ cho tình hình khói xáo trộn. Ông làm ba hành động: một là sinh hoạt hết sức bình tĩnh để không đổ thêm dầu vào lửa, không làm xôn xao thêm dư luận là Mỹ đang bỏ chạy; hai là cố kéo dài cuộc di tản người Mỹ để giúp một số người Việt ra đi; và ba là cho di tản sớm một số phi công và gia đình quan chức, tướng lãnh nòng cốt. Ông giải thích cho Quốc hội Hoa kỳ đầu năm 1976:
                              Điều lo ngại nhất của chúng tôi lúc đó là tránh khỏi cảnh hoảng hốt, hỗn loạn. Sự lo nghĩ này nó ảnh hưởng đến tất cả những hành động khác. Liên quan tới điều này là mối lo âu thứ hai của tôi, có là: nếu chúng ta không cư xử cho đúng mức thì Đồng minh của chúng ta (phía VNCH) sẽ cảm thấy mình đang bị bỏ rơi, và trở mặt với Mỹ trong những ngày cuối cùng".
                              "Bởi vậy phải hết sức bình tĩnh nếu muốn di tản được người Mỹ, những người Việt có liên hệ gia đình với Mỹ, và càng nhiều nếu có thể được, số người Việt mà Mỹ có trách nhiệm đối với họ" (11).
                              Dù bị Kissinger hối thúc liên tục, tại tư thất cũng như văn phòng làm việc, ông Martin nhất định không chịu đóng gói. Đồ đạc, sách vở, hồ sơ, hình ảnh trên tường vẫn được để nguyên vẹn, không xê dịch. Ngày 18 tháng 4, ông còn cho Giám đốc Thông tin Hoa kỳ, ông Lan Carter lên TV Sài gòn để tham dự một cuộc phỏng vấn. Những câu hỏi và trả lời được soạn kỹ lưỡng trước, nhằm làm giảm nhẹ những lo âu là Mỹ đang bỏ Việt nam. Việc đầu liên Carter phải làm là đánh tan cái tin đồn là "nếu Quốc hội Mỹ không chấp thuận quân viện cho VN vào hạn chót như Tổng thống Ford đã đặt ra (đó là 19-4), thì toàn bộ người Mỹ sẽ được di tản".
                              Tôi còn nhớ là ngày 11 tháng 4, sau khi ông Ford ấn định ngày 19 tháng 4 là ngày Quốc hội phải quyết định có hay không cấp quân viện phụ trội cho VNCH, toàn bộ Nội các hết sức xôn xao. Ông Thiệu cũng hỏi tôi tại sao lại là ngày 19-4? Tôi trả lời là thực sự tôi cũng không hiểu. Sau đó tôi tới Đại sứ Martin hỏi, ông nói lơ mơ là không có gì đặc biệt. Rồi ông soạn một trang gợi ý cho ông Thiệu mấy điểm để giải thích lập trường của ông Ford (xem chương sau).
                              Trong cuộc phỏng vấn trên TV, ông Carter đã nhan mạnh "Ngày 19 tháng 4 chỉ là một ngày đề ra cho Quốc hội hành lang, chẳng có gì quan trọng cả. Ngoài ra, ông nói: "Ta cũng nên nhớ rằng Tổng thống Ford đã tuyên bố ông sẽ còn yêu cầu những $1.29 tỉ quân viện cho VNCH vào tài khoá tới (1975/76)".
                              Để chứng tỏ là tình hình vẫn bình thường, Carter nói thêm: "Nếu quý vị ghé thăm tư thất Đại sứ và bà Martin, quý vị sẽ thấy hoàn toàn không có đóng gói gì hết. Và ở nhà riêng tôi cũng vậy".
                              Được hỏi về lời đồn thổi là Văn phòng lãnh sự Mỹ đã cấp chiếu khán cho một số người Việt di tản, Carter chối phắt đi:
                              "Đây cũng chỉ là một lời đồn đại khác nữa, không có một chút sự thật nào cả" (12).
                              Người ta kể lại là ông Martin đã rất khó chịu với ông Polgar (trùm CIA) khi nghe tin ông này đã đóng gửi đồ đạc gia dụng đi từ đầu tháng 4 (13). Theo ông Von Marbod, Đệ nhất Phó phụ tá Bộ trưởng quốc phòng kể lại, dù đã tới ngày 28 tháng 4, ông Martin cũng vẫn còn chưa muốn cho Marbod di chuyển số máy bay còn lại và quân cụ nặng ra khỏi VN vì e ngại ảnh hưởng tới tinh thần quân đội VNCH. Dĩ nhiên là Marbod cứ tiếp tục vì ông đã có lệnh từ Washington. Vì sao phi công VN được di tản trước?
                              Ngoài bà vợ viên chức tình báo cao cấp, Đại sứ Martin đã sắp xếp để đưa một số khá nhiều phi công VNCH và gia đình được ưu tiên ra đi. Tất cả khoảng 2,000 người di tản trước hết là tới phi cảng Utapao ở Thái lan. Mục đích của việc này là để giảm thiểu khả năng trả thù và đụng độ với lực lượng Mỹ. Trình bày cho Quốc hội về việc này, ông Martin cho rằng nếu cảm thấy bị bỏ rơi quá tàn nhẫn, phía Việt nam sẽ trút sự giận dữ trên đầu những người Mỹ còn lại:
                              "Tình báo của chúng tôi đã có rất nhiều những báo cáo chính xác là nếu chúng ta mang số đông TQLC vào để di tản người Mỹ, chúng ta sẽ phải chiến đấu để mở đường tháo chạy; Không quân Việt nam sẽ bắn rơi các máy bay vận tải của mình, khi chúng ta bỏ rơi chiến hữu, phó mặc họ cho Bắc Việt"(14).
                              Ông Martin cho rằng phi công là những phần tử trong quân đội VNCH bị uất hận nhiều nhất nên có thể phản ứng:
                              "Tôi có một sự lo nghĩ trong lòng nhưng nó đã được giải quyết trước ngày cuối cùng của cuộc di tản, đó là một phần đông không quân Miền Nam đã được bay sang căn cứ Utapao ở Thái Lan. Như vậy là đã di chuyển được khả năng (chiến đấu) của một số phi công chống đối trên bầu trời, họ có lẽ là phần tử uất hận nhất trong các quân chủng. Và để trả thù, họ sẽ ngăn chặn cuộc di tản cuối cùng của chúng ta"(15).
                              Nếu phi công VNCH bắn rơi ba bốn chiếc máy bay vận tải Mỹ chắc chắn là sẽ có nhiều trong số 6,000 người Mỹ phải chết. Thêm vào đấy là số thương vong không thể lường của quân đội hai bên. Dĩ nhiên là không lực từ Đệ thất hạm đội sẽ vào uy hiếp, dẹp tan hết mọi cuộc tấn công. Nhưng Sài gòn sẽ đổ nát như Baghdad, và bao nhiêu người dân sẽ là nạn nhân. Về điểm này, Đại sứ Martin đã trình bày với Quốc hội hết sức dứt khoát. Ông nói rằng nhân dân Mỹ đều "biết đếm", họ đếm được những kết quả việc ông đã làm, đó là (16):
                              - Giúp cho bất cứ người Mỹ nào muốn di tản đều đã đi được;
                              - Tránh khỏi sự hoảng hốt lúc Mỹ ra đi;
                              - Sự chuyển tiếp qua ba Chính phủ trong mười ngày ở Miền Nam đã không bị lộn xộn, và vì vậy, đã vớt vát được chút đỉnh tính cách hợp hiến, hợp pháp ở Miền Nam;
                              - Sài gòn đã không bị tàn phá, chúng ta đã không bị Đồng minh trước đây của chúng ta (VNCH) tấn công khi rút đi"; và
                              - Cuộc triệt thoái đã được diễn ra tương đối với đôi chút phẩm cách.
                              Trong tình huống có xô xát lớn giữa quân đội của hai Đồng minh vào những ngày cuối cùng, thì ngay tức khắc VNCH sẽ trở thành thù địch của Hoa kỳ. Trong trường hợp này thì đã không một người nào trong chúng ta được di tàn.
                              Và nếu đã là thù địch, nếu đã không có di tản đợt đầu thì làm sao có đợt hai, đợt ba, làm gì có chương trình "Ra đi có trật tự" (ODP), và chương trình "Chiến dịch nhân đạo" (HO).
                              Chắc chắn là đã không có "Little Saigon" ở Nam Cali hay Eden Center" ở vùng Washington D.C. Lịch sử Hoa kỳ sẽ ghi lại: "Chính Miền Nam là kẻ phản bội, sát hại một Đồng minh đã tiêu phí 150 tỷ đô la, hy sinh trên 53,000 mạng người để yểm trợ họ ròng rã hai mươi năm trời". Ngày nay, người Mỹ sẽ nhìn người Miền Nam với con mắt như thế nào? Nghĩ lại mà rùng mình! Như ông Martin đã đánh giá tình hình lúc đó: "Nếu chỉ có một việc gì bất ngờ xảy ra dù là nhỏ nhoi tới đâu, thì rất có thể gây ra tình trạng vô cùng hỗn loạn!" Thử tưởng tượng: đang khi TQLC Mỹ ào ào túa vào, dân chúng chắn trước cổng Toà đại sứ, đường phố Sài gòn bế tắc, phi trường Tân Sơn Nhất lộn xộn, chỉ một quả lựu đạn nổ, làm chết vài người lính Mỹ là tan vỡ rồi, chứ đừng nói tới không quân bắn vào máy bay vận tải Mỹ.
                              Huỷ bỏ "kế hoạch điên rồ "
                              Trước sự phản đối liên tục và mạnh mẽ của Đại sứ Martin, ông Ford sau cùng đã được thuyết phục. Ông lập luận theo ông Marlin và cảnh cáo các thượng nghị sĩ của Uỷ ban Ngoại giao trong một cuộc họp kín tại Bạch Cung (17):
                              "Nếu quý vị tuyên bố là sẽ không di tản người Việt nam, quý vị sẽ có khó khăn lớn để đưa 6,000 người Mỹ ra".
                              Về cuộc họp này, Ron Nessen kể lại như sau (18):
                              "Kissinger, với vẻ mặt mệt mỏi và phiền muộn, đã báo cáo rằng một quan chức Sài gòn có nói với ông: "Nếu các Ngài rút người Mỹ ra và bỏ rơi chúng tôi trong hoạn nạn, các Ngài có thể sẽ phải đánh nhau với một sư đoàn quân đội Miền Nam để có lối ra".
                              Trong hồi ký của ông xuất bản năm 1979, Tổng thống Ford cũng đã kết luận về cuộc di tản đúng như nhận xét của ông Martin hồi đó (19).
                              "Chúng tôi cảm thấy rằng một cuộc di tản vội vã sẽ có những hậu quả trầm trọng. Một tình trạng hoảng hốt lớn tại thủ đô miền Nam sẽ có thể phát sinh, và trong sự chua cay là bị "phản bội", quân đội miền Nam có thể quay súng vào người Mỹ".
                              Cảnh cáo các Nghị sĩ xong, cũng theo Nessen, ông Ford vẫn tiếp tục yêu cầu cấp $722 triệu quân viện mà tướng Weyand đã đề nghị. Ford và Kissinger nghĩ rằng đối với Chính phủ VNCH, yêu cầu Quốc hội khoản tiền này sẽ có tác động hối lộ". Tổng thống Ford cảnh cáo quý vị nghị sĩ: "Tôi không thể đảm bảo được rằng nếu chúng ta nói "không cấp tiền nữa", mà ông Thiệu … lại không có thể làm một chuyện gì đó là hoàn hoàn phi lý"
                              Nói rõ hơn, ông Ford còn thêm: nếu rút hầu hết người Mỹ cùng một lúc sẽ làm cho người Việt nam nghĩ rằng Mỹ đang tháo chạy, sẽ có thể gây ra hoảng hốt, rồi những cuộc tấn công vào những người Mỹ còn lại".
                              Sau cuộc họp, Ford còn dặn các nghị sĩ là chớ có để cho báo chí biết là tất cả phiên họp chỉ toàn bàn tới chuyện di tản.
                              Quý vị hãy nói: "Chúng tôi chỉ bàn chuyện làm thế nào để ổn định tình hình lại Miền Nam".
                              Cầu cứu Nga Xô
                              Đó là tác động về phía Miền Nam. Còn đối với Bắc Việt thì sao? Trong cuốn sách vừa xuất bản năm 2003 về "Kết thúc chiến tranh Việt nam" ("Ending the Vietnam war"),
                              Kissinger có tiết lộ rằng, tác động duy nhất mà Mỹ có thể làm được về chính trị vào lúc đó là tiếp xúc với Liên Xô. Ông cho rằng mặc dù có những đình trệ trong cuộc thương thuyết về nhiều vấn đề, Nga Xô vẫn tiếp tục thấy quyền lợi của mình trong mối bang giao giữa hai nước. Bởi vậy, Kissinger viết (20): "Ngày 19 tháng 4, tôi gửi một "lời nhắn miệng" của Tổng thống Ford cho Tổng Bí Thư Brezhnev qua Đại sứ Dobrynin rằng chúng tôi cần có một cuộc đình chiến để "di tản công dân Mỹ và những người Miền Nam có liên hệ trực tiếp và đặc biệt với Mỹ". "Chúng tôi đã liên lạc với Moscow vì, dựa trên quyền lợi hỗ tương và lâu dài giữa hai nước, tình hình phải được kết thúc mà không gây phương hại tôi quan hệ Mỹ-Nga, hoặc có ảnh hưởng tới thái độ của dân chúng Mỹ đôi với các vấn đề quốc tế khác".
                              Ông còn tin rằng để làm cho giải pháp cầu cứu phía Nga Xô có hiệu quả, "Chúng tôi đã nhấn mạnh thiện chí chúng tôi muốn thảo luận về những tình huống đặc biệt cần thiết cho cuộc đình chiến - nói cách khác, tới một sự thay đổi về tình thế chính trị ở Sài gòn".
                              "Về thay đổi tình thế chính trị", ý Kissinger muốn nói về nhượng hộ chính trị, đó là thay đổi Chính phủ Thiệu. Ông bình luận thêm trong cuốn sách: "Chúng tôi giả bộ nêu ra những hậu quá nguy hiểm nếu phi trường hay phi cơ dân sự bị tấn công - tuy nhiên, một người quá chuyên môn về những cuộc tranh luận tại Quốc hội Hoa kỳ như ông Dobrynin thì cũng chẳng thấy một chút trọng lượng nào trong lời hăm doạ ấy"(21).
                              Hà Nội không can thiệp di tản
                              Sau này, khi được hỏi về vai trò của Nga Xô trong những cuộc thương thuyết từ trung tuần tháng 4, 1975, Đại sứ Martin có xác định lại là: "Phía Nga Xô có cho phía Hoa kỳ hay rằng Hà Nội sẽ không làm trở ngại cuộc di tản của chúng ta"
                              Về thái độ của Liên Xô, Kissinger kể lại: "Ngày 24 tháng 4, ông Dobrynin gọi điện thoại cho tôi lúc 4 giờ chiều và đọc cho tôi nghe lời phúc đáp về đề nghị ngày 19 tháng 4 của Mỹ. Lời phúc đáp này có vẻ đã bật đèn xanh cho cuộc di tản người Mỹ, và cũng nói rằng Hà Nội muốn tìm một giải pháp chính trị theo hướng Hiệp định Paris. Hà Nội còn nhắn với Moscow là "họ không có ý định làm tổn thương tới uy tín của Mỹ…" Và như vậy, Brezhnev đã cố ngăn cản Mỹ can thiệp bằng quân sự: ông ta đã mạnh dạn hơn để kìm hãm cái bản chất phiêu lưu mà thực sự đã không có của Hoa kỳ lúc đó, bằng cách bày tỏ hy vọng là Mỹ sẽ không có những hành động có thể làm cho tình hình tại Đông Dương thêm trầm trọng hơn" (22).
                              Trong khi chờ đợi Liên Xô tham khảo với Hà Nội để trả lời, ngày 24 tháng 8, lúc 8:25 phút, Mỹ đáp lại lời nhắn của mình: "Theo như phúc đáp xây dựng của phía Nga Xô, phía Hoa kỳ đang tiến hành cuộc di tản với tin tưởng là điều kiện sẽ tiếp tục thuận lợi".
                              Kissinger còn thêm:
                              "Tổng thống Ford trấn an Brezhnev là… bao lâu cuộc di tản không bị cản trở thì Hoa kỳ sẽ không có hành động gì có thể làm cho tình hình trở nên trầm trọng hơn". (tức không can thiệp trở lại).
                              Tại Sài gòn, Đại sứ Martin lại không mấy lo về phía Hà nội.
                              Kissinger cũng xác nhận điều này: "Tin rằng, ngay trước mắt, sự hoảng hốt ở Sài gòn còn đáng lo ngại hơn những kế hoạch tấn công của Hà nội, ông phấn đấu để cho cuộc di tản chậm nhiều hơn là chính Tổng thống Ford, Scowcroft, hay là tôi - con diều hâu trong Chính phủ- đã cho là thích ứng" (xem Chương 14).
                              Ông Martin trình bày lại cho Quốc hội: "Vì phải được bảo mật, tôi là người duy nhất ở Sài gòn nhận được thông tin do Bắc Việt chuyển qua phía Liên xô cho hay rằng họ sẽ không can thiệp bằng quân sự vào cuộc di tản của chúng ta" (23). Ông còn tin rằng sở dĩ Bắc Việt vẫn muốn điều đình một giải pháp chính trị, vì họ cũng không muốn bước vào Sài gòn trên một đống gạch vụn". Lý do khác, theo ông: "Hà nội còn muốn nhận được viện trợ quốc tế nữa" (24).
                              Nhưng nếu Hà Nội không can thiệp vào di tản thì tại sao lại có vụ pháo kích vào phi trường Tân Sơn Nhất ngày 29 tháng 4?" Ông Martin trả lời: "Theo sự suy nghĩ của tôi, lý do có pháo kích vào phi trường sáng ngày 29 tháng 4, là vì ngày hôm trước đó, chúng tôi bắt đầu cho một số Không quân Việt nam đưa máy bay ra ngoại quốc; tôi nghĩ rằng vụ pháo kích nhằm mục đích chỉ là để ngăn chặn việc di chuyển này mà thôi (chứ không vì muốn chặn cuộc di tản) (25).
                              Giải pháp chính trị
                              Mười ngày cuối cùng của cuộc chiến là những ngày cực kỳ khó khăn. nguy hiểm. Trong những ngày đó, phía Hoa kỳ, đặc biệt là ông Marttin đã cố gắng sắp xếp một giải pháp chính trị cho Miền Nam. Kết quả là trong mười ngày, có tới ba Chính phủ. Nhưng rồi kết cuộc cũng là hoàn toàn thất bại.
                              Về hành động sắp xếp đằng sau hậu trường thì trong khi tại Washington, các ông Ford và Kissinger đi qua ngả Dobrynin để nhờ Nga Xô áp lực Hà Nội, thì ở Sài gòn, hai ông Martin và Polgar liên lạc qua ngả đại diện Hungary trong phái đoàn Kiểm soát đình chiến và Đại sứ Pháp Merillon.
                              Về mục tiêu của giải pháp chính trị cũng có tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Trong khi Ford-Kissinger chỉ mong có một giải pháp tình thế, một tình huống trong tầm kiểm soát, để Mỹ có thể rút ra cho yên ổn, thì Martin lại muốn theo đuổi một mục tiêu lâu dài hơn: đó là có được một giai đoạn chuyển tiếp để:
                              - thứ nhất, giúp Mỹ ra đi tư từ, chứ không vội vã và mất mặt;
                              - thứ hai, di tản một số người Việt nhiều hơn là Washington đã dự tính; và
                              - thứ ba, như đã đề cập ở trên, để tránh xung đột Mỹ-Việt
                              Tại Washington: trong cả hai thông điệp cho Nga Xô, Tổng thống Mỹ đều nói tới một giải pháp chính trị. Về thông điệp ngày 19 tháng 4, Kissinger viết (26):
                              Chúng tôi nhấn mạnh thiện chí của chúng tôi muốn thảo luận về tình huống cần thiết đặc biệt cho việc đình chiến – nói cách khác, một sự thay đổi về tình hình chinh trị ở Sài gòn".
                              Đây là sự mập mờ bắn tiếng về việc áp lực ông Thiệu phải từ chức. Một tuần trước khi sụp đổ, trong thông điệp ngày 24-4 gửi Brezhnev, Kissinger lại nhắc tới giải pháp chính trị:
                              Lời đáp của Hoa kỳ cũng khích lệ quan điểm của Hà Nội "cách thức thi hành Hiệp định Paris để đi tới một giải pháp chính trị".
                              Dù từ Washington hay Sài gòn, đòi hỏi đầu tiên của giải pháp chính trị là việc ông Thiệu phải từ chức. Ở đây, tôi còn nhớ khi tạm biệt Đại sứ Martin để lên đường đi công tác Washington ngày 15 tháng 4, tự nhiên ông hỏi tôi:
                              "Nhân tiện tôi muốn hỏi ông bao giờ thì Tổng thống của ông từ chức?"
                              Hết sức ngạc nhiên: "Tôi không hiểu ông Đại sứ muốn nói gì cả!", tôi đáp. Tôi để ý đây là lần đầu tiên thấy ông Martin dùng từ ngữ "Tổng thống của ông" thay vì "Ông Tổng thống" hay là "Tổng thống Thiệu". Tôi thông báo cho ông Thiệu ngay về câu hỏi trở trêu này trước khi lên máy bay.
                              Hai ngày sau, 17 tháng 4, ông Martin đã đề nghị với Kissinger trong một công điện tối mật để đồng ý cho ông thuyết phục ông Thiệu từ chức (27):
                              "Nếu Quốc hội bỏ phiếu chống (viện trợ cho VNCH) thì địa vị ông Thiệu là hết rồi… Bởi vậy trừ khi có chỉ thị không đồng ý, tôi sẽ cố gắng thuyết phục ông Thiệu và cho ông ta biết rõ rằng đây chỉ là ý kiến cá nhân của tôi với tư cách là người bạn chân thật. Sau khi suy nghĩ mọi đàng, tôi đã đi đến kết luận là chỗ đứng của ông ta trong lịch sử sẽ được bảo đảm hơn nếu xét tất cả những gì ông đã làm cho đất nước này. Nếu ông ta không chịu mà cứ tham quyền cố vị, thì cơ hội cuối cùng để cứu vãn miền Nam Việt nam như một quốc gia còn chút tự do sẽ không còn nữa".
                              "Tôi sẽ cho ông Thiệu rõ tôi đã đi đến một kết luận vô tư là nếu ông ta không chịu xuống thì các tướng lãnh dưới quyền ông sẽ bắt buộc ông làm điều này"; "Có một cách rút lui êm đẹp và trang trọng nhất là tự ý ông từ chức, và nói cho đồng bào biết rằng ông phải làm như vậy để bảo vệ hiến pháp và để Chính phủ kế vị có thể dễ dàng điều đình cứu vãn nước Việt nam tự do…"
                              Kissinger đồng ý. Ông thuật lại là vào ngày 20 tháng 4 (21 tháng 4, Sài gòn), chỉ một ngày sau thông điệp của Ford gửi Brezhnev, và trong khi chờ đợi Nga Xô trả lời: "Đại sứ Martin đã bắn tiếng cho ông Thiệu, khuyến cáo vị Tổng thống VNCH nên từ chức. Ông Martin đã cố nói như đây chỉ là theo ý riêng cá nhân của ông, nhưng thực ra thì sự vận động này đã được Tổng thống Ford và tôi chấp thuận trước rồi" (28).
                              Theo Đại tá Cầm, Chánh Văn phòng Tổng thống, ông Martin đã đưa cho ông Thiệu xem những bản đồ về tình hình quân sự rất bi quan do CIA soạn để khuyến dụ ông Thiệu. Ông Thiệu hỏi Martin: "Nếu tôi từ chức thì liệu viện trợ Mỹ có đến không?"
                              Martin trả lời:" Tôi không dám hứa nhưng cũng có thể".
                              Trước khi ông Đại sứ ra về, ông Thiệu hứa: "Tôi sẽ làm điều gì có lợi nhất cho nước tôi".
                              Mọi việc dàn xếp vừa xong thì ông Đại sứ lại nhận được một mật điện rất lạ do Kissinger gửi. Bây giờ Kissinger lại muốn hoãn việc ông Thiệu từ chức lại, có lẽ là để dùng việc này thương thuyết với phía Nga Xô (Hà nội) và để lấy điểm là chính ông ta là người ép ông Thiệu từ chức. Nhưng ông Martin không chịu chơi cái trò bỉ ổi ấy nữa. Đọc xong công điện, ông bực tức và gấp ngay nó lại: "Công điện đó được xếp ngay vào hồ sơ và tôi lờ đi, không thi hành" (29).
                              Ông Thiệu kể lại cho tôi (năm 1984) là ngày hôm sau khi gặp ông Martin, ông đã mời các tướng lãnh đến Dinh Độc Lập Trong buổi họp, ông cho họ biết về những chuyện Đại sứ Martin đề cập tới. Ông Thiệu nói nếu các tướng lãnh cho ông là một chướng ngại vật cho hoà bình của đất nước thì ông sẽ từ chức. Không ai phát biểu gì cả. Thế là đã rõ họ không muốn ông ngồi lại ghế Tổng thống nữa. Giữa lúc đó ông tuyên bố từ chức và để Phó Tổng thống Trần Văn Hương lên thay.
                              Họp xong, ông lên đài truyền hình thông báo quyết định từ chức. Lòng đầy cay đắng với Đồng minh, ông đọc một bài diễn văn rất dài, tuy rời rạc, thiếu mạch lạc, nhưng căng thẳng và xúc động:
                              "Các ông để chiến sĩ của chúng tôi chết đuối dưới làn mưa đạn của địch. Đó là một hành động vô nhân đạo của một Đồng minh vô nhân đạo. Đó cũng là một lý do tại sao, khi phái đoàn Quốc hội Hoa kỳ đến Việt nam, tôi đã nói với họ rằng đây không còn phải là vấn đề 300 triệu nữa mà là vấn đề Hoa kỳ có còn giữ lời hứa giúp đỡ nhân dân Việt nam trong công cuộc bảo vệ nền độc lập và tự do của họ hay không?"
                              "Hoa kỳ hãnh diện là một quốc gia bảo vệ đến cùng chính nghĩa và lý tưởng tự do trên thế giới, và sẽ ăn mừng lễ độc lập năm thứ 200 vào năm tới. Tôi hỏi họ rằng: "Lời nói của Hoa kỳ có còn giá trị gì nữa không? Những cam kết của Hoa kỳ có còn hiệu lực không?"
                              Ba trăm triệu không phải là món tiền lớn đối với các ông…Từ chối món tiền này, các ông còn muốn chúng tôi thắng Cộng sản hay ngăn chặn làn sóng xâm lăng của Cộng sản - là công việc rnà các ông đã không làm nổi trong suốt sáu năm trường với quân đội và chi phí khổng lồ của Hoa kỳ. Thật là phi lý...“
                              Bắc Việt đổi ý đêm 27 tháng 4
                              Tại Sài gòn, theo Đại sứ Martin, tuy là hồi tháng ba, ông đã có tin tình háo là Hà Nội đã quyết định đi tới một chiến thắng hoàn toàn quân sự, nhưng cả ông và Polgar không đặt nặng sự chính xác của bản tin này. Theo ông, lý do là vì cũng cùng một lúc đó, lại có thông tin từ phía đại diện của Mặt trận giải phóng bên Âu châu, một từ Stockholm (Thuỵ Điển), và một từ Paris, cả hai đều cho biết rằng họ cũng muốn có một giải pháp chính trị (30). Ngoài ra, Martin còn suy luận, như đã trình bày ở trên, là chính Hà Nội cũng muốn một giải pháp chính trị để kết thúc một cách êm đẹp vì họ còn muốn nhận được viện trợ của quốc tế sau này.
                              Thế nhưng, theo ông, "Không hiểu vì một lý do nào đó, đêm ngày 27 tháng 4, Bắc Việt đã bất chợt thay đổi tín hiệu, quyết định chọn giải pháp hoàn toàn quân sự, và như vậy, giải pháp chính trị đã không còn nữa" (31). Về điểm này, chính Kissinger cũng đã xác nhận trong cuộc họp báo ngày 5 tháng 5- 1975 rằng cho tới ngày 27 tháng 4, Hoa kỳ vẫn có nhiều hy vọng Hà Nội không định đi tới một chiến thắng hoàn toàn quân sự, và còn muốn điều đình với ông Dương Văn Minh (32)
                              Một Chính phủ Thiệu không có Thiệu
                              Sau khi được trao quyền Tổng thống, ông Hương e ngại rằng vì ông đã là Phó Tổng thống, nên người ta cho rằng bây giờ ông chỉ điều hành một Chính phủ theo ý ông Thiệu. Ông liền yêu cầu Đại sứ Martin nên cố vấn ông Thiệu ra ngoại quốc và dàn xếp giùm chuyến đi này (33). Sau đó ông Hương tới chỗ ông Thiệu khuyên ông sớm rời khỏi Việt nam, vì nếu không, Cộng sản sẽ nói "tôi đang điều khiển một Chính phủ Thiệu không có Thiệu"(34).
                              Lúc đó có một cơ hội thuận tiện. Để cho việc ra đi được hợp Pháp, ông Hương ký nghị định đề cử ông Thiệu làm đặc sứ VNCH đi Đài Bắc phúng điếu Tổng thống Tưởng Giới Thạch vừa qua đời ngày 5 tháng 4. Theo Frank Snepp cả ông Minh cũng đã yêu cầu tướng Timmes tìm cách đưa ông Thiệu khỏi Việt nam (35).
                              Chiếc máy bay DC-6 dưới quyền sử dụng của Đại sứ Hoa kỳ từ Thái Lan bay qua Sài gòn trong đêm 25 tháng 4. Ông Polgar, trùm CIA ở Sài gòn và tướng Timmes gặp ông Thiệu và đoàn tuỳ tùng ở nhà Thủ tướng Khiêm trong Bộ Tổng tham mưu. Polgar chuẩn bị ba chiếc công xa màu đen chở mọi người ra phi trường. Đoàn xe lướt qua đài tưởng niệm Chiến sĩ trận vong của Đồng minh gần phi trường,với ba hàng chữ nỗi bật trên bảng: "Những hy sinh cao quý của các chiến sĩ Đồng minh sẽ không bao giờ bị quên lãng". Ông Thiệu ngồi giữa ông Polgar và tướng Timmes. Nhìn thấy bảng, ông thở dài và quay mặt đi (36).
                              Đoàn xe chạy vút về phía sân bay của hãng Air America. Đại sứ Martin đã đợi sẵn ở đó để tiễn đưa. Dù buồn thảm và cam chịu số phận, ông Thiệu vẫn đi thủng thẳng, cố giữ phong độ ông quay lại cám ơn ông Martin đã dàn xếp chuyến đi.
                              Với một giọng xúc động, ông Martin đáp lễ:
                              "Thưa Tổng thống, đó là điều tối thiểu tôi có thể làm. Xin tạm biệt và chúc Ngài may mắn"(37).
                              Danh chính ngôn thuận
                              Ở phi trường về, Đại sứ Martin, cùng với Đại sứ Pháp Jean Marie Merillon, lại tiếp lục công việc sắp xếp giải pháp chính trị. Ông gửi cho ông Kissinger một điện văn cho biết vẫn còn có thể điều đình giữa Chính phủ Sài gòn và Việt Cộng. Ngày 26 tháng 4, Kissinger gửi mật điện gạt đi liền:
                              "Ông Đại sứ đã hiểu lầm ý kiến của tôi về các cuộc điều đình với Việt Cộng. Tôi đã không nói đến dàn xếp giữa Chính phủ Sài gòn và Việt Cộng mà đến thương lượng giữa Hoa kỳ và Việt cộng. Tôi muốn bất cứ cuộc thảo luận nào giữa Hoa kỳ và Việt Cộng cũng phải được diễn ra tại Paris".
                              Vào giờ chót. Kissinger vẫn không muốn hai miền Bắc và Nam trực tiếp điều đình với nhau mà không có sự kiểm soát của ông (38)
                              Tổng thống Hương mời tướng Dương Văn Minh lên làm Thủ tướng trong Chính phủ mới. Tướng Minh không chịu, nhất định đòi giữ chức Tổng thống. Ông Thiệu kể lại cho tôi rằng: "Tôi đã đề nghị với cụ Hương nên mời tướng Trần Văn Đôn để "neutraliser" (vô hiệu hoá) ông Minh nhưng cụ Hương chịu quá nhiều áp lực!"
                              Ông Minh chính thức lên giữ chức Tổng thống chiều ngày 28 tháng 4 (sáng ngày 27 tháng 4, Washington). Việc đầu tiên ông làm là viết một công hàm cho Đại sứ Martin. Văn bản được chuyển giao sáng ngày 29 tháng 4. Ông Kissinger bình luận về ông Minh (39):
                              "Ông Minh giữ chức Tổng thống được không tới 72 giờ, chỉ đủ để làm được hai việc quan trọng: một là yêu cầu Hà nội ngưng chiến và thương thuyết chính trị - điều mà Hà nội đã từ chối thẳng thừng - và hai là, ngày 29 tháng 4 (28 tháng 4, giờ Washington, ông yêu cầu tất cả người Mỹ ra khỏi Việt nam trong vòng 24 giờ".
                              Mười năm sau ngày sụp đổ, Đại sứ Martin cho tôi xem bản công hàm của Tổng thống Minh. Tài liệu này có tính cách lịch sử vì nó là văn kiện cuối cùng của Chính phủ VNCH gửi Chính phủ Hoa kỳ:
                              "Thưa ông Đại sứ,
                              "Tôi trân trọng yêu cầu ông Đại sứ vui lòng ra chỉ thị cho các nhân viên của Cơ quan Tuỳ viên quốc phòng DAO ròi khỏi Việt-nam trong 24 giờ đồng hồ kể từ ngày 29-4-1975 để vấn đề Hoà bình Việt nam sớm được giải quyết".
                              Trân trọng kính chào ông Đại sứ.
                              Sài gòn, Ngày 28 tháng 4 năm 1975
                              Đại tướng Dương Văn Minh
                              Bình luận về thư này, Kissinger nói thẳng ra: "Vì lịch trình này trùng hợp với lịch trình rút lui của chúng tôi, nó đã thực sự giúp cho chúng tôi tháo ra mà không bị chỉ trích là Mỹ đã bỏ rơi Đồng minh của mình" (40).
                              Nhận được thư, Đại sứ Martin vội vã gọi cô Eva Kim vào đánh thư trả lại Tổng thống Minh (41). Nhân dịp này, ông cũng yêu cầu phía quân đội VNCH giúp cho cuộc di tản ngươi Mỹ được thực hiện an toàn. Và như vậy, nguy cơ "ra đi lại bắn nhau" đã không còn nữa:
                              "Kính thưa Tổng thống,
                              "Tôi vừa nhận được thư của Ngài đề ngày 28 tháng 4 về yêu cầu tôi ra chỉ thị ngay cho các nhân viên của Cơ quan Tuỳ viên quốc phòng DAO rời khỏi Việt nam trong 24 giờ đồng hồ.
                              "Tôi xin thông báo để Ngài hay là tôi đã ra chỉ thị như Ngài yêu cầu. Tôi tin rằng Ngài sẽ ra lệnh cho quân dội của Chính phủ Ngài cộng tác bằng mọi cách để làm dễ dàng cho việc di chuyển các nhân viên DAO.
                              Tôi cũng hy vọng Ngài sẽ can thiệp với phía bên kia (phía Bắc Việt) để Tuỳ viên quốc phòng và nhân viên của chúng tôi được ra đi an toàn và trật tự".
                              Trân trọng
                              Graham Martin
                              Đại sứ Hoa kỳ
                              Câu cuối cùng chắc là để gợi ý khéo với ông Minh là từ lúc này ông đã có thể nói với phía Hà nội là chính ông đã yêu cầu Mỹ rời khỏi Việt nam cho dễ bề thương thuyết.
                              Nhưng yêu cầu như vậy là đã cho Mỹ cái "danh chính ngôn thuận" để ra đi. Như Kissinger bình luận, thư ông Minh: "Đã thực sự giúp cho chúng tôi tháo ra mà không bị chỉ trích là Mỹ đã bỏ rơi Đồng minh của mình".
                              Nếu bây giờ, ông Minh giúp cho Mỹ ra, thì mười hai năm về trước, ông cũng đã giúp cho Mỹ vào, khi ông lật đổ Tổng thống Diệm.
                              Lúc 10 giờ sáng ngày 30 tháng 4, Tổng thống Minh ra lệnh cho Quân đội VNCH buông súng đầu hàng.
                              Miền Nam Việt nam có hai nền Cộng hoà, vô tình hay hữu ý, ông Minh đã trở nên người chấm dứt cả hai.
                              Bức thư của ông đã cho Mỹ cái "danh chính ngôn thuận" một cách giả tạo: Mỹ bị yêu cầu ra đi chứ đâu có tháo chạy, đâu có phản bội! Giả tạo vì Mỹ đã và đang tháo chạy gần hết rồi. Vào giờ phút chót chỉ còn có một số vài chục người, gồm ông đại sứ và mấy nhân viên của cơ quan DAO: họ cũng sắp được bốc đi vì đã có lệnh phải rút ra ngay.
                              Đúng 8 giờ sáng ngày 30 tháng 4, tức là gần 24 giờ kể từ khi một sĩ quan trẻ tuổi phóng xe từ Dinh Độc Lập đến Toà đại sứ Mỹ trao thông điệp của Tổng thống Minh cho Đại sứ Martin, một chiếc trực thăng Chinook-46 đáp trên nóc toà đại sứ Mỹ để bốc đi số 11 vệ binh còn lại canh gác. Họ được hộ tống bằng sáu chiếc Cobra có võ trang để bay ra khỏi không phận Việt nam.
                              Chú thích:
                              (1) Graham Martin, Vietnam Evacuation: Testimony, trang 589.
                              (2) Graham Martin, Vietnam Evacuation: Testimony, trang 576.
                              (3) Graham Martin, Vietnam Evacuation: Testimony, trang 569.
                              (4) Tuần báo TIME, số ngày 21-4-1975, trang 16.
                              (5) Tuần báo TIME, số ngày 21-4-1975, trang 16.
                              (6) Tuần báo TIME, số ngày 21-4-1975, trang 16.
                              (7) NEWSWEEK, 21 tháng 4, 1975, trang 19.
                              (8) N.T. Hưng and J. Schecter, The Palace File, trang 328-330.
                              (9) David Butler, The Fall of Saigon, trang 372; NEWSWEEK, 21 tháng 4, 1975, trang 18.
                              (10) NEWSWEEK, 21 tháng 4, 1945, trang 18.
                              (11) Graham Martin, Testimony, trang 543.
                              (12) David Butler, The Fall of Saigon, trang 264.
                              (13) David Butler, The Fall of Saigon, trang 437.
                              (14) Graham Martin, Vietnam Evacuation: Testimony, trang 548.
                              (15) Graham Martin, Vietnam Evacuation: Testimony, trang 586.
                              (16) Graham Martin, Vietnam Evacuation: Testimony, trang 544.
                              (17) Ron Nessen, It Sure Looks Dịffèrent from the Inside, trang 105.
                              (18) Ron Nessen, It sure looks different from the inside, trang 105-106.
                              (19) Gerald Ford, A time to heal, trang 253.
                              (20) Henry Kissinger, Ending the Viertnam War, trang 542.
                              (21) Graham Martin, Vietnam Evacuation: Testimony, trang 608.
                              (22) Henry Kissinger, Vietnam Evacuation: Testimony, trang 545-546.
                              (23) Graham Martin, Vietnam Evacuation: Testimony, trang 585.
                              (24) Graham Martin, Vietnam Evacuation: Testimony, trang 584.
                              (25) Graham Martin, Vietnam Evacuation: Testimony, trang 586.
                              (26) Henry Kissinger, Vietnam Evacuation: Testimony, trang 542.
                              (27) Xem N.T. Hưng and J. Schecter, Palace File, trang 329; Graham Martin, Vietnam Evacuation: Testimony, trang 545-546.
                              (28) Henry Kissinger, A World Restored, trang 543.
                              (29) Phỏng vấn ông Graham Martin, 27-3-1985
                              (30) Graham Martin, Vietnam Evacuation: Testimony, trang 584.
                              (31) Graham Martin, Vietnam Evacuation: Testimony, trang 609.
                              (32) Graham Martin nói về cuộc họp báo ngày 5/5/1975 của Kissinger, Vietnam Evacuation: Testimony, trang 608.
                              (33) Graham Martin, Vietnam Evacuation: Testimony, trang 547.
                              (34) Phỏng vấn Thomas Polgar, 6 tháng 3, 1986.
                              (35) Frank Snepp, Decent Interval, trang 434.
                              (36) Frank Snepp, Decent Interval, trang 436.
                              (37) Phỏng vấn ông Graham Martin, 26 tháng 3, 1985.
                              (38) Kissinger viết lại là Bộ Ngoại giao Pháp đã giúp liên lạc giữa Mỹ và MTGPMN. Kissinger, A World Restored, trang 549.
                              (39) Kissinger viết lại là Bộ Ngoại giao Pháp đã giúp liên lạc giữa Mỹ và MTGPMN. Kissinger, A World Restored, trang 548-549.
                              (40) Kissinger viết lại là Bộ Ngoại giao Pháp đã giúp liên lạc giữa Mỹ và MTGPMN. Kissinger, A World Restored.
                              (41) David Butler, The fall of Saigon, trang 385-386.
                              hết: P4 - Chương 15, xem tiếp: P4 - Chương 16

                              Comment



                              Hội Quán Phi Dũng ©
                              Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




                              website hit counter

                              Working...
                              X