Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Gọt Thủy Tiên & Tục Xin Xăm ở Lăng Ông Bà Chiểu

Collapse
X

Gọt Thủy Tiên & Tục Xin Xăm ở Lăng Ông Bà Chiểu

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Gọt Thủy Tiên & Tục Xin Xăm ở Lăng Ông Bà Chiểu

    Gọt Thủy Tiên – Thú chơi tao nhã Hà Thành xưa






    Ngày xưa ở miền Bắc, trong khi các bà, các cô tíu tit chuẩn bị cho ngày Tết, thì các ông lại nhẩn nha với những thú vui của mình. Một trong những thú chơi tao nhã đó là “gọt thủy tiên”.

    Ông nội tôi, một người học hết bằng Sơ Học và cũng đã từng lăn lộn khắp nơi ngoài miền Bắc để kiếm sống và thỏa chí tang bồng hồ thỉ. Trên bước đường phiêu lưu đó, ông đã có mặt ở miền Nam vào những năm 1930 và cũng từng đi thăm thú hết các tỉnh miền Tây Nam phần. Cuối cùng ông dừng chân ở khu Tân Định, quận Nhứt, Sài Gòn.

    Tuy vậy, từ khi tôi khoảng 6-7 tuổi, cái tuổi biết quan sát chút đỉnh thì tôi thấy mỗi lần Tết đến, ông đứng ở cửa, thẫn thờ nhìn về phương Bắc xa xăm, mắt ngấn lệ ươn ướt vì ông không nghĩ rằng là sẽ không có ngày về để gặp lại hai vợ và các con.

    Tôi xà vào lòng ông và thỏ thẻ: “ông ơi, Tết miền Bắc có khác miền Nam không ông?” Ông vuốt tóc tôi và trả lời: “Ông nhớ mùa Đông, nhớ hoa đào thắm, nhớ nồi cá giếc kho tương, nhớ nồi cá trắm hầm rục sau khi nấu bánh chưng xong, nhớ những ly rượu tăm tự tay cất lấy, nhớ nhiều thứ lắm cháu ơi, cả những người thân nữa, trong đó còn các chú và cô cùng gia đình con cái của họ kẹt lại miền Bác sau 1954".

    Dông dài như vậy là đủ, tôi xin kể về sự cầu kỳ, tỉ mỉ khi ông tôi tỉa tót các củ hoa thủy tiên để chưng vào ngày Tết, để nhớ lại cái hương vị Hà Thành với những thú chơi thanh lịch ngày xưa. Trông ông tôi tỉ mẫn chọn lựa các củ hoa rồi ngồi hàng giờ để tia các củ hoa theo như ý muốn, rồi chăm sóc củ hoa sau khi gọt tỉa hàng tuần thì mới thấy các cụ gọi là thú chơi cũng xứng đáng thôi.







    Củ thủy tiên, tiếng Anh là Narcisuss là một loại hoa họ Hành, có các lá xanh và hoa mọc thẳng đứng. Chính là vì hoa mọc đứng và lá cũng thẳng đơ nên các cụ nghĩ ra cách uốn nắn thế lá mọc và hướng hoa nở theo ý thích.

    Để hoa thủy tiên gọt tỉa được nở đúng vào đêm 30 Tết là cả một nghệ thuật cùng kinh nghiệm lâu dài. Thủy tiên còn có đặc điểm là hương thơm của nó thoang thoảng mà mát dịu, không loài hoa nào có được. Các cụ ngày xưa tin nếu hoa thủy tiên nở đúng chiều 30 Tết trước lễ cúng mời ông bà tổ tiên về ăn bữa cơm Tất Niên thì được cho là mọi sự tốt lành, trường thọ, tài lộc sung túc và may mắn sẽ đến với gia đình người đó trong năm mới.

    Thời khắc để gọt củ thủy tiên tùy thuộc vào thời tiết rất nhiều. Ở trong Nam nắng ấm nên gọt củ vào khoảng 15 tháng Chạp.




    Một bình hoa đẹp thì phải chọn được những củ già, đẹp, có nhiều mầm nhỏ mọc chung quanh. Củ phải chắc không xọp, vỏ củ phải có màu cánh gián xẫm.

    Củ hoa được rửa sạch và ngâm nước trong khoảng hai ngày để cho củ thật mọng nước, căng lên cho dễ tỉa tót. Gọt củ thật ra là ngồi tỉ mà, tỉ mẩn dùng dao sắc lột hết từng lớp vỏ cho đến khi trông thấy lá và hoa bên trong. Sau đó phải cẩn thận khía các đường rạch sắc vào các mầm hoa, lá để sau này khi nở thì hoa và lá sẽ nở theo hình dáng được tạo sẵn.

    Giai đoạn này rất cần sự kiên nhẫn và sự khéo léo của các đường khía. Sau khi khoét rãnh giữa các mầm thằng hàng, ông tôi tỉ mỉ cắt và lột phần bao bọc những mầm hoa cho lộ ra. Bàn tay khéo léo thuần thục của ông đưa mũi dao vào lựa theo kẽ lá để xẻ một đường từ trên xuống dưới; kế đến là lùa mũi dao vào bao bọc mầm cây xẻ ra và bóc từ từ. Lúc này là lúc tôi thấy ông tôi chăm chú vào từng đường dao khía như người bác sĩ cẩn thận từng chút một cho bệnh nhân vậy. Chỉ cần hơi mạnh tay một chút là mũi dao sẽ phạm vào mầm hoa làm hỏng hoa hoặc xén vào lá mầm sẽ làm lá quăn không theo ý muốn.

    Kế nũa là công việc tỉa lá vì nếu để tự nhiên thì lá thủy tiên sẽ mọc nhiều và thẳng, che mất hoa, làm cho bình hoa khi nở sẽ thiếu đi vẻ mềm mại. Lá được tỉa khi nở sẽ tạo cho lá có độ cong và uốn lượn bên dưới hoa, muốn lá uốn theo chiều nào chỉ cần khía nhẹ trên lá cạnh đó.

    Tiếp đến, tôi thấy ông ngồi cạo và uốn cuống hoa giống như ta lấy cây bút chì mà uốn tờ giấy cho cong lại vậy, độ nghiêng và cong là tùy theo con mắt thẩm mỹ của người tạo tác.

    Xong hết các việc trên thì phải dưỡng hoa cho củ hoa lành lại và nở hoa sau này. Ngâm củ hoa vào trong nước sạch, nước mưa là tốt nhất. Hai ngày đầu, củ hoa được đặt nằm sấp, phải thay nước sau từ bốn đến sáu tiếng, lau chùi sạch các vết cắt rồi lại ngâm vào nước. Sau hai ngày ngâm như vậy thì củ hoa đã sạch hết nhựa, phải lấy củ hoa ra đem bỏ vào trong bồn hay lọ thủy tinh, đặt củ nằm ngửa, lấy vải thưa thấm nước phủ lên phần bị cắt gọt cho khỏi bị khô; nếu không cẩn thận củ sẽ bị thâm đen.

    Chờ khoảng sau bốn hoặc năm ngày ngâm nước, lá sẽ bắt đầu trổ. Trong những ngày này, ông tôi thay nước thường xuyên và vẫn chăm bẵm củ cẩn thận, xem củ có sáng trắng không, có bị thâm không, xem rễ ra có được trắng không, các yếu tố này rất quan trọng trong việc có một bình hoa đẹp như ý.

    Chưa hết, trong thời gian chờ hoa nở và muốn để cho hoa nở đúng ngày thì phải có thêm các thủ thuật lúc nào ngâm nước nóng, lúc nào ngâm nước lạnh, ban ngày đem phơi nắng, đêm mang vô dùng đèn chiếu, v.v...

    Từ giờ trở đi, chỉ cần chờ ngày củ thủy tiên trổ lá, đơm bông.

    Nãy giờ tôi kể cho các bạn nghe thú chơi của các cụ ngày xưa, thật là cầu kỳ và cũng thật thanh tao. Nhưng thế hệ chúng ta sẽ không có đủ thời gian cũng như là rành rẽ về cách cắt gọt tỉ mỉ cầu kỳ như vậy đành để những thú chơi như vậy mai một mà thôi.

    Phiếm bàn về thú chơi của các cụ ngày xưa, nếu có vị nào từng đam mê và chơi với hoa thủy tiên xin được chỉ dạy thêm vì tôi chỉ viết theo ký ức.

    Kính chúc Quý vị một mùa Xuân mới gia đạo an khang, thịnh vượng, con cháu đề huề, phát tài, phát lộc.

    Hoang Cofi
    Cali, Xuân 2024
    ________________________________________


    Ký Ức Ngày Tết – Tục Xin Xăm ở Lăng Ông



    Trước 1975, ở Sài Gòn thì Lăng Ông, tức là đền thờ Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt tọa lạc tại đường Lê Văn Duyệt, khu Bà Chiểu là nơi mà thiên hạ nô nức, lũ lượt đến viếng để khấn vái và xin xăm xem việc kiết hung của gia đạo, tài lộc, quan lộ và tình duyên trong năm. Khi Sài Gòn và cả miền Nam bị mất thì những việc đi đến đền chùa, miếu mạo bị cấm ngặt vì nó đối chọi với tư tưởng “vô thần” của những kẻ thống trị mới. Nhưng thời gian gần đây, các đền và cả chùa nữa đều quay trở lại với việc xin xăm, cúng quải khắp nơi.

    Mẹ tui thuở bấy giờ cũng giống như những phụ nữ khác, Tết đến là đi ra Lăng Ông để cúng lễ và xin xăm. Thời chiến tranh loạn lạc, những người mẹ, vợ lính đều mong mỏi sự bình an cho chồng, con đang sống trong làn tên mũi đạn hàng ngày, sống nay chết mai, cho nên các bà phải nương tựa vào các đấng linh thiêng để cầu các Ngài giữ sinh mạng cho người thân của họ. Lăng Ông tại Bà Chiểu lại là nơi nổi tiếng linh thiêng vì có nhiều người cầu lại được như ước nguyện. Hồi đó trong những sự tranh chấp đối nghịch, bất hòa, nhiều người luôn mang Lăng Ông ra để thề thốt như kiểu: “Tui thề có Ông chứng giám, tui nói sai sẽ bị Ông vật hộc máu chết liền”. Tui không biết có ai bị Ông vật bao giờ chưa mà thấy mọi người rất kiêng kỵ khi bị đối phương thách đố cùng đi ra Lăng Ông để thề.

    Nhà tui cách Lăng Ông không xa; nếu đi bộ chừng nửa tiếng là tới. Mẹ tui lúc nào cũng lôi tôi theo vì tui là lớn nhứt trong nhà, và do ba tui đi hành quân nên không có ở nhà. Thật ra, nếu ông có ở nhà ông ấy cũng không đi với mẹ tui đi xin xăm vì ông ấy không bao giờ tin vào tử vi, số phần được luận giải qua các lá xăm. Ổng không tin cũng có phần là vì ông nói không ai biết ngày sanh tháng đẻ của ông chính xác là ngày, tháng, năm nào.




    Thường các gia đình đi ra Lăng Ông sau lễ cúng Giao Thừa, gọi là xuất hành đầu năm. Việc này tui cũng không tin tưởng vì có năm thì được chỉ dẫn là đi hướng Bắc, năm thì hướng Đông, nhưng có năm kêu đi hướng Nam thì chịu chết vì hướng Nam chỗ khu tui ở là băng qua sông cầu Kiệu.

    Điều mà làm tui nhớ mãi là ở Lăng Ông khói nhang rợp trời, người ăn xin tụ về rất đông. Tui còn nhớ có một bà mặt bị một khối u to bằng miếng gan heo nằm vắt qua gần hết mặt; bà này túc trực tại Lăng Ông thường xuyên không cứ gì ngày Tết.

    Trên điện thờ những cuộn nhang vòng to lớn, đầu nhang đỏ rực phun khói nghi ngút mà tui chắc rằng có đốt cả năm cũng chưa tắt nếu người ta không dập đi, chưa kể hàng trăm, hàng ngàn cây nhang mà mọi người tới khấn vái cắm vào đỏ rực, khói tỏa mịt mù làm mắt cay xè, nước mắt chảy ràn rụa, tui không hiểu sao mọi người lại chịu nổi. Theo ông bà tin tưởng, nếu những đoạn nhang đốt rồi mà tàn tro còn đọng lại cong vút là rằng Ông đang về chứng giám cho sự khẩn cầu của mọi người. Để tránh bớt khói từ đám nhang đang cháy, thường là có một người túc trực ở đó nhanh tay rút bớt nhang trên lư ra nhưng vẫn không xuể so với số nhang được đốt cắm vào.

    Tiếp đó, là đi tìm cây để hái lộc đầu Xuân, hồi đó mọi người rất lịch sự và biết giữ gìn chỉ hái một hai lá tượng trưng, nhưng với số người đông như vậy thì các cây cũng bị xơ xác, tơi tả sau khi mọi người đã ra về; nhất là các cây mai thì chịu nhiều tang thương nhất.

    Sâu vào bên trong thì đến chỗ xin xăm, ở chỗ này khác hẳn bên ngoài vì không có nhiều tiếng ồn. Chỉ nghe tiếng mọi người lầm thầm khấn vái, tiếng xăm va vào hộp lóc xóc, lạch xạch và tiếng cạch khi cây xăm rơi ra hòa lẫn tiếng leng keng của các đồng xin Âm, Dương được tung lên và rơi xuống đĩa sứ.




    Hộp Xăm có 100 cây thẻ được phân ra theo tính chất tốt xấu, kiết hung: Thượng, Hạ và Trung. Tất cả que xăm được bỏ vào trong một hộp hình ống để dễ cho mọi người cầm xóc. Mỗi cây xăm lại có được đánh số và kèm theo số xăm là những tờ giấy giải xăm riêng biệt để sẵn trong một cái kệ lớn có thật nhiều ngăn. Người nào sau khi xổ được xăm thì đến chỗ cái kệ đó để chọn một tờ giấy ứng với số xăm được xin.

    Bắt đầu cuộc xin xăm, người xin phải báo tên, cầu xin việc gì rồi cầu khấn van vái Ông độ cho được như nguyện. Lúc xăm rơi ra, đọc số rồi còn phải xin Âm, Dương xem Ông có chấp thuận lời khấn xin không? Xin Âm, Dương thì phải được mặt Xấp mặt Ngửa thì điều khấn nguyện mới được đáp ứng. Còn cả hai mặt đều Sấp hoặc Ngửa là Ông không khứng cho, phải đợi xin xăm lại.

    Trên mặt tờ giấy tuỳ theo xăm Thượng, Hạ hay Trung đều có bốn câu thơ Bát cú bằng chữ Nho rồi được chuyển ra văn vần; dưới cùng là hai câu bình phẩm chót. Thường thì rất it người hiểu trong xăm nói cái gì, lúc đó lại phải nhờ đến người dịch và giảng giải ra mới hiểu đặng.

    Riêng tui thì đâu có chú ý gì đến các việc đó, đó là việc của mẹ tui; tui thích đi lòng vòng ngắm xem những thiếu nữ xinh đẹp, xúng xính trong các bộ áo dài mới mua để chưng diện ngày Tết. Trong cái không gian ngập tràn mùi trầm thơm ngát, khói quyện bảng lảng, khuôn mặt các nàng cũng ẩn hiện mờ ảo trong làn khói, dập dìu qua lại thì cũng giống như cảnh tiên hạ giới.

    Đang tương tư mơ màng và tưởng tượng ra các nàng tiên thì tui bị mẹ giựt tay một cái rồi nói: “Mẹ cầu xong rồi, năm nay được xăm Thượng thượng tốt lắm. Thôi mẹ con mình về”.

    Thắm thoát mà đã gần nửa thế kỷ trôi qua rồi, đầu đã bạc và tui cũng mong là sẽ được đi lễ Lăng Ông với mẹ tui lần nữa nhưng với kiếp lưu cư xứ người thì đó là điều vô vọng một khi đất nước còn chưa trở lại như thuở xưa.

    Hoang Cofi
    Cali, Xuân Giáp Thìn 2024
    Last edited by KiwiTeTua; 02-05-2024, 10:59 PM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X