Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Mậu Thân 1968 - Những Kỷ Niệm Khó Quên

Collapse
X

Mậu Thân 1968 - Những Kỷ Niệm Khó Quên

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Mậu Thân 1968 - Những Kỷ Niệm Khó Quên

    Mậu Thân 1968 - Những Kỷ Niệm Khó Quên
    Captovan (Tô Văn Cấp)

    Theo lời bà dặn, sáng nay tôi tới chợ ABC mua bó rau muống để chữa bệnh táo bón thì tôi lại mua bó rau tần-ô và mấy bó hành. Mua rau tần-ô vì tôi nhớ sau 30/4/75, tôi bị “Virus Corona” VC bắt đi tù ngoài Hoàng Liên Sơn (Bắc Việt”, chúng tôi bị ăn thứ rau nghe từa tựa tần-ô, nhưng thực ra là rau “tằn-u” tức là rau “tù ăn”, tù bới đất cuốc cỏ mà nhét cho đầy bụng đói. Tôi mua mấy bó hành là nhớ khi xưa còn nhỏ ở nhà quê, được ăn cỗ tôi thích nhất món hành luộc quấn xung quanh miếng thịt 3-chỉ và trứng chiên. Miếng ngon nhớ lâu, điều đau nhớ đời. Khi biết Việt Báo (VVNM) khuyến khích kể về hồi ức Mậu Thân, tôi nhớ ngay tới chuyện 60 năm về trước, cô nữ sinh Gia Long đứng trước cửa nhà số 147 đường Thành Thái vẫy tay chào và mỉm cười khi toán quân của tôi đi qua, để giải tỏa toán VC đang bao vây quanh trường L.Petrus Ký và cố thủ ở gần đó. Đã hơn nửa thế kỷ rồi tôi còn nhớ cô nữ sinh ấy có cái răng khểnh duyên dáng, nhưng lại không nhớ chuyện sáng nay “bà ấy” bảo tôi mua rau muống thì tôi lại mua hành, mua rau Tần Ô.

    Đơn giản vì “long term, short term”, ai cũng thế thôi, chẳng phải có trí nhớ “phi thường” như vị khách Mỹ Lan có nhã ý “comment” trong bài viết về Ông Sáu Lèo. Vậy thì những kỷ niệm về Mậu Thân 1968 tôi kể hầu quý vị sau đây là có thật, những kỷ niệm buồn vui đầy nước mắt, buồn cũng khóc, vui cũng khóc.

    *****

    Xuân Này Con Không Về!
    Một tháng trước Mậu Thân, tin tình báo cho biết 2 tiểu đoàn địa phương Việt Cộng (VC) là 261 và 262 sẽ đánh chiếm quận Giáo Đức và Cai Lậy hầu làm tê liệt đường tiếp tế lương thực từ Vùng 4 về Saigon, Chiến Đoàn B gồm Tiểu Đoàn 1 và Tiểu Đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến (TĐ1, TĐ2/TQLC) dứơi quyền chỉ huy của Trung Tá Tôn Thất Soạn, được lệnh hành quân và đã tiêu diệt chúng trên con kinh Cái Thia, phía Bắc cách quận Cai Lậy, nhờ đó hàng hóa lương thực tràn đầy về Saigon cho dân ăn Tết, nhưng một số anh em tôi đã không trở về… “Nếu Xuân này con không về chắc mẹ buồn lắm”, Chính đã trở về trong hòm gỗ khiến mẹ già không buồn mà đau khổ suốt đời!

    – Trung Úy Nguyễn Quốc Chính, Khóa 20 Võ Bị, Đại đội Phó của tôi, anh vừa đính hôn với cô L... và sẽ làm lễ cưới vào dịp Tết sau chuyến hành quân, nhưng Chính đã tử trận vào lúc 9 giờ sáng ngày 31/12/1967 trên bờ kinh Cái Thia, quận Cai Lậy!

    Trong cuộc hành quân trực thăng vận này, Trung Đội 14 của Thiếu Úy Huỳnh Vinh Quang, Khóa 22 Võ Bị, tới phiên nhảy đầu, còn Chính có nhiệm vụ chỉ huy trung đội súng nặng đi sau, nhưng lo đàn em chưa đủ kinh nghiệm nhảy trực thăng nên Chính đã tình nguyện đi với Quang. Khi trực thăng vừa đổ quân xuống là địch tấn công ngay bằng đủ loại vũ khí. Nhờ kinh nghiệm, Chính điều động trung đội xung phong vào thẳng mục tiêu, trấn áp được địch quân, giảm thiểu thiệt hại cho trung đội, chỉ vài người bị thương, một mình Chính tử thương!

    Chính tình nguyện lãnh nhiệm vụ khó khăn thay cho một đàn em, anh đã hy sinh một cách cao cả.

    Món Quà Tết Tặng Bà Cô
    Khi VC tấn công vào Saigòn thì TĐ2/TQLC đựơc trực thăng Chinook bốc từ quận Cai Lậy đổ quân xuống ngay trong Bộ Tổng Tham Mưu (BTTM), sau một ngày dẹp tan con cháu “baác”, tối đến đại đội tôi đóng quân phòng thủ ngay trong BTTM. Vào lúc 1 giờ sáng, tổ gác báo động có VC bò vào tuyến, tôi ra lệnh không được nổ súng mà phải bắt sống. Khi tù binh được dẫn đến thì tôi bật ngửa ra, nó chính là Vũ Khắc Quân, nhân viên phòng Tổng Quản Trị, con cô ruột của tôi. Tôi hỏi:

    - Sao chú mày chui vào đây?
    - Phiên em trực phòng Tổng Quản Trị, khi VC tấn công vào, em trốn trong ống cống, đêm nay thấy yên nên em bò ra tìm đường về.

    Bình thường lính canh nổ súng chính xác, nhưng do lệnh bắt sống mà chú em tôi may mắn không là cái xác. Tôi đã tặng cô tôi món quà đầu Xuân quý giá. Vũ Khắc Quân cũng vừa qua đời tại Việt Nam vào dịp Xuân Mậu Tuất 2018.

    Những Cấp Chỉ Huy Đáng Kính
    Là cấp đại đội, tôi chỉ biết đến cấp chỉ huy trực tiếp là tiểu đoàn trưởng hoặc cao hơn là lữ đoàn trưởng, nhưng khi hành quân tại Saigon dịp Mậu Thân thì đại đội tôi thường bị biệt phái hay hành quân riêng nên tôi có dịp tiếp xúc với các vị chỉ huy cao cấp khác và đã nhận ra tài chỉ huy và lãnh đạo của các vị ấy.

    Ngoài Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, mà tôi đã viết trong bài “Saigon 68 và Ông Sáu Lèo”, còn một Tướng khác mới thật đáng kính:

    Trung Tướng Đỗ Cao Trí
    Đứng trước lửa đạn, Ông Tướng ra lệnh cho tôi thanh toán mục tiêu “Suối Máu”, trước trại giam phiến cộng Biên Hòa. Thực ra tôi đã nhận lệnh trực tiếp từ Trung Tá Tiểu Đoàn Trưởng TĐ2/TQLC rồi, có Ông Tướng hay không thì tôi vẫn thi hành nhiệm vụ, nhưng Ông Tướng đứng tại “tiền tuyến” chứng tỏ mức độ quan trọng hơn, cần thanh toán gấp. Sự hiện diện của Ông khiến quân sĩ nức lòng, thanh toán mục tiêu nhanh gọn. Một ông tướng Tư Lệnh Quân Đoàn mà đến trận địa để quan sát mục tiêu và ra lệnh trực tiếp cho một đại đội trưởng thì quả tình là chuyện khó tin. Nhưng đó là chuyện có thật, tôi kính phục Ông: Trung Tướng Đỗ Cao Trí, Tư Lệnh QĐIII.

    Trung Tướng Dương Văn Đức
    Khi được lệnh cấp cứu đồn Cảnh Sát Bà Hòa (hay Hỏa) trong Chợ Lớn, con đường tiến tới mục tiêu ở mặt trước rất nguy hiểm, tôi ra lệnh cho Trung Đội 14 chiếm căn biệt thự bên hông gần đó làm bàn đạp. Căn biệt thự cũ kỹ kiểu xưa, trông nghèo nàn nhếch nhác. Một bà Đầm đang tắm cho mấy đứa nhỏ trong góc sân, không biết bà là Đầm Tây hay Đầm Mỹ, tôi toan mở miệng để xin phép xâm nhập gia cư thì nghe bả hỏi:
    - Các chú cần gì?

    Thấy bà Đầm 100% mà nói tiếng Việt giỏi lại gọi lính là “các chú” khiến tôi ngạc nhiên, bèn giải thích đầu đuôi, bả gật gù đồng ý nhưng nói thêm:
    - Các chú nên vào trong nhà nói với ông Tướng một tiếng.

    Càng ngạc nhiên hơn, tôi hỏi:

    - Ông Tướng nào vậy bà?
    – Là nhà tôi, Tướng Đức, Dương Văn Đức ấy mà.

    Nghe danh Trung Tướng Dương Văn Đức từ lâu, từ cuộc “biểu dương” lực lượng, nay tận mắt thấy Ông ngồi gật gù với chai lọ và tàn thuốc lá! Tự dưng lòng tôi chùng xuống, chưa kịp trình diện thì Ông nói:
    - Tụi nó trốn hết rồi, nhưng các em phải cẩn thận.

    Vô cùng cảm động, tôi đứng nghiêm đưa tay chào “tuân lệnh” đúng quân phong quân kỷ. Người ta đồn rằng Ông bị “mát-dây” (không bình thường), nhưng Ông biết rõ tình hình bên ngoài, ân cần khuyên lính một câu vàng ngọc sáng suốt như thế thì “đời” đã thiếu công bằng với Ông. Cám ơn vị Tướng họ Dương.

    Bạn đọc đừng phiền khi nghe tôi “khoe” gặp các vị Tướng, lính tác chiến mỗi khi gặp được Tướng, nhất là Tướng cao cấp ở trung ương đến thăm thì càng mệt thêm, vì đó phải là trận địa khốc liệt, nhiều đồng đội tử trận. nhưng nay tôi phải “khoe” vì tận mắt nhìn thấy quân đội ta có những vị Tướng đáng kính phục, nhiều vị sao sáng.

    Trung Tướng Trần Văn Đôn
    Khi bảo vệ Đài Phát Thanh nằm ở cuối đường Phan Đình Phùng, lệnh của Giám Đốc là Trung Tá Vũ Đức Vinh: “Không cho bất cứ ai vào thăm Đài Phát Thanh” nếu chưa được lệnh của ông. Lính tôi y lệnh, cương quyết không cho một nhân vật có xe hộ tống vào thăm đài, nhân viên hộ tống của ổng đòi gặp người chỉ huy, tôi phải ra tận trạm gác coi đầu đuôi.

    Mấy ông hộ tống mang súng ống, đeo kính đen gườm gườm nhìn khiến tôi phát rét, còn lính của tôi thì lùi lại hườm sẵn M.16, người mặc còm lê thì nhỏ nhẹ:

    - Qua là Trung Tướng Trần Văn Đôn, muốn vào thăm Đài Phát Thanh.
    - Thưa Trung Tướng, lệnh Trung Tá Giám Đốc không cho bất cứ ai vào nếu chưa có lệnh của ông, vậy xin Trung Tướng liên lạc với Giám Đốc là Trung Tá Vũ Đức Vinh, chúng tôi là lính chỉ biết tuân lệnh.

    Liên lạc không gặp ai trong đài có thẩm quyền nên Ông Trung Tướng bắt tay và cám ơn chúng tôi rồi quay đầu xe. Nghe câu chuyện có vẻ khôi hài, nhưng chứng tỏ Ông Tướng biết điều, còn lính chúng tôi thi hành đúng nhiệm vụ được giao.

    Trung Tá Vũ Đức Vinh-Giám Đốc Đài Phát Thanh
    Sau hơn một tháng giữ an ninh Đài Phát Thanh và Bưu Điện Trung Ương, trước khi di chuyển đi nơi khác, Trung Tá Giám Đốc tặng cho Đại Đội tôi tấm “lắc” bằng đồng khắc những chữ với đại ý: “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

    Tôi đem tấm lắc treo tại văn phòng Đại Đội, nhưng cứ phân vân mãi, có lẽ cái “xuất sắc” này có thể liên quan tới việc thi hành lệnh của Ông Tá không cho ông Tướng vào thăm Đài Phát Thanh?

    Trung Tá Giám Đốc, gốc Không Quân (KQ), khá lịch sự và tế nhị, ông hỏi tôi:

    - Đại Úy có thích nghe nhạc không?
    - Dạ… thích chớ, bạn gái tôi mê ca sĩ Thái Thanh lắm.

    Ông nháy mắt cười cười đưa tay bắt, tay ông thật ấm, ông nói:
    - Tôi sẽ cho nhân viên thâu một cuốn băng toàn nhạc Thái Thanh để tặng bạn.

    Cám ơn Trung Tá, Ông thật “ga-lăng”, điệu nghệ, có một tác phong hiếm thấy nơi các ông lớn hậu phương đối với lính tiền tuyến. Nhưng vì mải miết đi hành quân, không có địa chỉ cố định nên tôi không nhận được quà của Trung Tá, (mà tôi gọi là Anh Năm).

    Khi định cư tại Hoa Kỳ sau năm 1990, tôi viết lại kỷ niệm này trên đặc san Đa Hiệu Võ Bị với tấm lòng kính mến một thượng cấp dù lúc đó tôi không biết Anh Năm ở đâu. Một thời gian sau thì tôi nhận được những CD toàn là nhạc Thái Thanh do Chị Năm Vinh và cháu Tùng, con trai anh Năm, gửi tới. Gói quà sau gần 40 năm mới nhận được làm tôi quá cảm động nhưng cũng thật bối rối, vì khi đó tôi mới biết Anh Năm đã quy tiên! Tôi áy náy vì nhắc lại kỷ niệm xưa khiến chị Năm bận tâm, xin chị tha lỗi. Cám ơn Chị và cháu Tùng Vũ.

    Đã lâu rồi, vì di chuyển chỗ ở và đổi email nên tôi đã mất liên lạc với cháu Tùng Vũ, hình như cháu là một bác sĩ nha khoa.

    Tôi quý mến các anh KQ qua tác phong của Anh Sáu Lèo và Anh Năm Vinh. Nhưng cũng có một chiến hữu KQ khác làm TQLC tôi chẳng vui tí nào:

    Đã hơn một ngày đánh nhau dọc hai bên đường Lê Quang Định Gò Vấp, VC kéo về cố thủ phía sau rạp hát Đông Nhì và chùa Dược Sư, khu này nhà cửa san sát nhau, hẻm chằng chịt khiến cho việc điều động đơn vị quá khó khăn, lính của đại đội tôi đã bị thương và tử thương.

    Tại Ngã Ba đường Lê Quang Định và Trung Dũng là căn nhà xây 3 tầng với sân rộng và hàng rào bao quanh, có sân thượng, đây là một cao điểm quá tốt để quan sát địch và điều quân, chủ nhà là một ông quan “mặc áo liền quần”, đeo hoa mai có gạch đít (Thiếu Tá), đang cầm ống nhòm đứng lấp ló trên sân thượng coi TQLC đánh nhau với VC. Tôi xin phép ông cho chúng tôi dùng sân thượng để đặt Ban Chỉ Huy Đại Đội và súng đại liên, ông vui vẻ… từ chối. Lý do ông bảo là vì nếu TQLC đóng ở đâu thì VC đến tấn công chỗ đó, mà nhà ông thì mới xây, không muốn bị vạ lây, ông mới đi tu nghiệp ở Mỹ về.

    Quân với quân như cá với nước… sôi. Con người có máu lạnh ấy làm tôi sôi máu nóng, nhưng thôi, đành vuốt nước mắt đi kiếm cao điểm khác.

    Đêm 8/5/68, Đại Đội 2 của Đại Úy Trần Kim Đệ trên đường Hậu Giang, Quận 6, bị VC quấy rối. Sáng 9/5, Tiểu Đoàn ra lệnh cho tôi về tiếp ứng cho Kim Đệ, nhưng trước khi đi phải gom xác VC vào sân banh Lê Văn Duyệt, gần Ngũ Hoành Miếu.

    Thôi thì “nghĩa tử là nghĩa tận”, để họ ngoài sân banh nắng nôi, mưa gió, có nhiều xác đã phì lên và chảy nước rồi, cần chỗ mát và sạch sẽ hơn, tôi thấy không chỗ nào tốt hơn căn nhà lầu của ông quan “áo liền quần”, anh em tôi xếp họ nằm gọn gàng từ hàng hiên ra sân, chờ xe của sở vệ sinh đến mang đi. Xác VC nằm trong sân thì ông yên tâm, không sợ bị VC tấn công vào làm hư cái vi-la của ông.

    Những Kỷ Niệm Buồn
    Kỷ niệm buồn, chẳng phải buồn vì ông thái tá kia mà tôi đem những xác chết chất vào vi-la của ổng, tôi buồn cho những người trai hai miền Nam-Bắc chết vì súng đạn ngày Tết thiêng liêng truyền thống của dân tộc Việt Nam, chết khi chưa biết yêu, chết mà mẹ già không hay biết, vẫn ngày ngày ngồi tựa cửa móm mém miếng trầu, cầu nguyện trông mong con: “Sao Xuân này con không về?”

    Về sao được Mẹ ơi! Giấy phép đã cầm trong tay, hứa với mẹ là Xuân này con sẽ về để mẹ cưới vợ cho con (trường hợp Tr/Úy Nguyễn Quốc Chính kể ở trên), nhưng con đã về với lòng đất rồi!

    Trước khi tiến vào con hẻm bên hông rạp hát Đông Nhì (Gò Vấp), Binh Nhất (B1) Xuân nói với Trung Sĩ Châu Văn Khánh:

    - Khu này là nhà em, em biết mọi ngõ ngách, để em đi trước dẫn đường.

    Nhà B1 Xuân trong khu này nên em nôn nóng muốn đi trước, mau về nhà xem mẹ già có bình an không? B1 Xuân cẩn thận vừa đi vừa lục soát, vừa khui nắp hầm thì bị một tràng AK từ dứơi bắn lên hất ngược B1 Xuân ra sau. Thông thường thì chỉ một trái lựu đạn M.26 bỏ vào hầm là xong, nhưng lệnh phải bắt sống nên Tr/Sĩ Khánh đã tống luôn một lúc 4 trái lựu đạn khói, 5 tên VC bị ngộp thở chui lên, trông híp-pi vì toàn thân một màu tím, còn B1 Xuân! Em tôi đã nằm im, tắt thở!

    Việt Cộng Lại Tấn Công Đài Phát Thanh
    “Đêm qua VC lại tấn công đài phát thanh, nhưng bị quân ta đẩy lui, ta tịch thu 1 súng K54, bên ta có 1 Thủy Quân Lục Chiến hy sinh”.

    Đó là tin trên trang nhất báo Chính Luận và một số nhật báo khác tại Sài Gòn.

    Đại Đội 1 của tôi được Tiểu Đoàn Trưởng cho giữ đài phát thanh Phan Đình Phùng và bưu điện trung ương Sai Gòn, tuy không vất vả nhưng lại có nhiều chuyện vui buồn, nhiều chuyện khó khăn.

    Trong thời gian đầu khi vừa nhận bàn giao từ tay các anh hùng Mũ Đỏ, khói lửa còn nghi ngút dưới tầng hầm (nơi chứa toàn đĩa hát loại 45 hay 78 tua), mọi sự xuất nhập của nhân viên nam nữ đều phải kiểm soát thật kỹ, kể cả ca sĩ, đó là lệnh của Giám Đốc. Với nam nhân viên thì không có nan đề, nhưng với nữ thì thật nan giải. Lính tôi “quanh năm hành quân vùng xa, thiếu bóng đàn bà” mà bây giờ bắt xét bóp, xét ví của phụ nữ thì nguy quá, nếu không xét, lỡ một nàng nào nhét C4 (một loại thuốc nổ dẻo như plastic) vào người thì biết trả lời sao đây? Sau 2 ngày gồng mình khám xét thì chịu hết nổi, “cẩn tắc vô áy náy”, lính mà lỡ tay... tôi là Đại đội Trưởng sẽ bị tù ngay nên tôi đành xin Tr/Tá Giám Đốc giao nhiệm vụ “quái ác” này lại cho các nữ Cảnh Sát.

    Còn việc VC tấn công thì sao? Chuyện lâu gần 50 năm rồi có quyền bật mí:

    Nguyên do là thế này, tối đến, mọi ngả đi ra vào đài đều kéo kẽm gai hai ba lớp, còn gài thêm lựu đạn. Con hẻm dẫn ra khu trại gia binh phía sân vận động Hoa Lư tôi giao cho Trung Đội súng nặng của Thượng Sĩ Lâm Khâm phòng thủ. Rồi một tối B1 Thủy gác xong, dặn chàng thượng phiên tên B2 Hoàng:

    - Tao đi thăm người yêu một chút, lát tao về, mày đừng có bắn ẩu nha.

    Tình yêu lâu ngày gặp nhau sao nỡ vội chia tay. Chàng Thủy ngồi bên người yêu quên cả trời đất, quá phiên gác của Hoàng mà Hoàng cũng quên bàn giao cho người bạn thượng phiên, gần sáng Thủy lò mò chui rào kẽm gai trở về thì người lính mới thay phiên tưởng VC bò vào bèn nhanh nhẩu quạt một băng M16!

    Hoàn cảnh này, Thủy không hy sinh vì công vụ thì làm sao gia đình có 12 tháng tiền tử tuất? Làm sao giải thích với thượng cấp tai nạn chết người này cho xuôi tai? Tôi bàn với Thượng Sĩ Lâm Khâm cho bắn thêm nhiều loạt đạn hướng mũi súng về phía Cục An Ninh Quân Đội, (đại đội tôi cũng có nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài cho Cục ANQĐ của Đại Tá Thăng), tiếng đạn bắn ngược chiều nghe “cắc-bù” đúng là của VC tấn công rồi (!), máy trong Cục gọi ra hỏi tình hình, tôi nói VC đang tấn công, sẽ báo cáo sau.

    Biết thế nào sáng hôm sau Cục An Ninh cũng đến coi tình hình và có phóng viên báo chí lấy tin tức, nên sau khi lấy được xác của Thủy vào, Lâm Khâm cho lượm nhiều vỏ đạn AK (VC bỏ lại khi đánh nhau với Nhẩy Dù bữa trước) rải quanh chỗ nằm của Thủy. Sáng sớm báo chí đi theo Cục AN ra quan sát “mặt trận” và phỏng vấn, lính tôi thì lầm lỳ ôm súng phòng thủ, cạy miệng cũng không trả lời (dặn trước rồi), ngoại trừ tôi.

    Phóng viên lượm vỏ đạn AK lên ngắm nghía gật gù, chụp hình quan sát chỗ VC bị bắn hạ và “đã được đồng bọn kéo đi”. Phóng viên lật qua lật lại xem cây colt K54 của VC còn dính máu đã bỏ lại.

    Thực ra cây K54 này tôi đã tịch thu được trong trận Đêm Hưu Chiến 31/12/67 tại kinh Cái Thia quận Cai Lậy mà trong trận này, thằng em Nguyễn Quốc Chính hy sinh khi vừa mới “dạm vợ” một tuần lễ trước khi đi hành quân. Tôi giữ cây K54 này để làm kỷ niệm cho tình yêu Chính-L.. gãy gánh nửa đường, nay cũng vì tình yêu mà Thủy tử nạn nên tôi đem cây súng này trình làng như một “chiến lợi phẩm” để làm bằng chứng là VC đã tấn công Đài Phát Thanh.

    Chuyện dàn cảnh như thật nên không ai nghi ngờ, vì thế mới có chuyện cho báo chí đăng tin VC lại tấn công đài phát thanh lần thứ hai! Chắc không còn nơi nào có những vụ dàn cảnh như vậy đâu, đây là một kỷ niệm buồn về tình yêu và súng đạn!

    Có thể nhiều vị sẽ trách tôi nói ra điều này làm giảm giá trị các chiến công thực sự, nhưng ở vào hoàn cảnh “gặp thời thế thế thời phải thế”, chỉ những ai đã từng đổ máu ngoài chiến trường mới thông cảm với tôi trong hoàn cảnh khó xử nảy.

    Súng Đạn và Tình Yêu
    Đứng trước sự tàn phá của thiên tai và chiến tranh thì tình người lại gần với nhau hơn? Trận động đất giữa biên giới Ấn-Hồi đã chôn vùi hơn 40 ngàn người khiến hai kẻ thù truyền kiếp bắt tay nhau cùng lo cứu khổ cứu nạn. Bão Katrina tàn phá New Orleans làm cho số hồ sơ đã nạp tại tòa xin ly dị được rút lui đi khá nhiều.

    Trước Mậu Thân 1968, dân Saigòn và nhất là các em gái hậu phương rất thờ ơ với chiến tranh và lính trận, ấy là chưa kể đến những thành phần no cơm ấm cật, nối giáo cho giặc bày đặt phản chiến, thực chất là trốn lính, trốn việc quân đi ở chùa.

    Sau Tết Mậu Thân, nhờ khói súng mà tình cảm người dân thân thiện hơn với quân, dân chỉ cho lính những chỗ VC ẩn núp và chôn dấu vũ khí mà trước Tết có vẻ như họ “không nghe, không thấy”. Trong và sau Mậu Thân, đơn vị nào cũng được đồng bào đón tiếp niềm nở, bánh kẹo dư thừa mà vị ngọt tình yêu cũng không thiếu.

    Ở Bưu Điện “một nơi dễ tìm thấy Thiên Đàng” thì anh em ĐĐ1 của tôi sống rất đàng hoàng nên được đồng bào quanh vùng và nhất là nhân viên bưu điện cảm phục, tình quân dân thắm thiết thật sự kéo dài cho mãi tới sau này, điển hình là cô Lan, ái nữ của ông Quận Dương Đông (Phú Quốc) là nhân viên Bưu Điện, sau 1975 đã giúp rất nhiều anh em cựu tù nhân TQLC gởi “hồ sơ chui” tới tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở Bangkok (Thái Lan) để xin LOI, một việc làm hết sức nguy hiểm cho cô vào thời điểm 1982-84.

    Gia đình hai cô Tuyết-Hoa gần như nuôi cả Trung Đội 12, đã hơn 40 năm rồi mà hiện nay các cô Tuyết, Hoa-Quốc vẫn luôn hỏi thăm và nhắc tên các anh ngày xưa đóng ở Bưu Điện và các cô vẫn tự nhận mình thuộc gia đình “Trâu Điên” và tham dự những buổi họp mặt của TQLC. Tôi trân trọng gởi lời thăm hỏi và cám ơn đến các cô và nhất là những chị đã về làm dâu Trâu Điên.

    Trong phạm vi Đài Phát Thanh, anh em ĐĐ1 cũng được đồng bào thương, gia đình ông Tỉnh Trưởng, (Đại Tá Huy BĐQ) cho tôi tạm trú riêng một phòng thay vì tôi giăng võng ngủ dưới gốc cây. Gia đình Ông Bà phở 44, gia đình cô Phụng phở Hoàn Kiếm đãi lính ăn sáng vô hạn định, Cô Phụng cũng trở thành dâu của TQLC. Gia đình cô Chín và Jack (người Anh) nuôi cả Tiểu Đội của Trung Sĩ Mạnh. Một gia đình Pháp Kiều muốn gả con là cô Alice cho B1 Thông, sau này em Alice mang quà lên Tân Uyên, quận Dĩ An, thăm, tiếp tế cho Thông thì đúng vào ngày B1 Thông tử trận 9/68!

    Hạ Sĩ Nhất Bùi Ngọc Đường, người em cận vệ của tôi, cũng tìm được tình yêu với một nữ cảnh sát khi đến làm nhiệm vụ kiểm soát tại Đài Phát Thanh, nhưng Đường đã tử trận sau đó vài tháng!

    Một mối tình khác khá đẹp và lãng mạng là cặp Chu và D…
    Trước Tết Mậu Thân, mỗi lần đi hành quân về nghỉ tại hậu cứ là Chu rủ tôi đến tiệm cơm tấm ở góc đường Trần Quang Khải và Trần Khắc Chân ngồi trồng cây si, nhiều khi tôi chán nó quá bèn bỏ đi lang thang một mình, vài giờ sau trở lại vẫn thấy Chu ngồi lỳ với gói RuBy Queen trên bàn ra vẻ đăm chiêu qua khói thuốc ngắm cô hàng café.

    Chuyện tình của họ chẳng đi đến đâu cho tới tết Mậu Thân, một ngày kia, sau khi thanh toán tổ VC ở xóm Chùa Tân Định xong, Chu cho lính nghỉ ngơi băng bó vết thương bên lề đường, đồng bào khu vực đường Trần Quang Khải mang bánh kẹo ủy nạo, Chu được một gói RuBy từ tay D... bốn mắt nhìn nhau rồi cảm động tay cầm tay.

    Nhưng chẳng may Chu bị mất tích trong trận đánh sau này ở bên Camphuchia. Khi tôi bị thương, nằm bệnh viện TQLC Lê Hữu Xanh, Thị Nghè thì D.. đến thăm tôi và hỏi tin tức về Chu, khi thấy cô nhắc đến nó rồi khóc nên tôi dấu luôn tin nó bị mất tích và chẳng bao giờ tôi gặp lại D... nữa.

    Chuyện tình yêu và súng đạn Mậu Thân còn dài, xin tạm gác lại để bớt nhàm tai đọc giả, bây giờ nói tiếp những câu chuyện buồn Mậu Thân khác.

    Cố Vấn Mỹ Lãnh Cục Bi Ở Trán





    Khi đại đội tôi từ trong Chợ Lớn tiến về Mũi Tàu Phú Lâm trên đường Hậu Giang, trên đường di chuyển chúng tôi đã thấy xác một phóng viên người Mỹ “ngồi” dựa vào chiếc xe hơi bị nát. Khi đi đến ngã tư Hậu Giang và Phú Định thì chúng tôi bị đụng nặng, địch khá đông đang cố thủ trong những cao ốc gần hãng pin Con Ó. Chúng tôi sẽ phải vượt qua một bãi đất trống sình lầy mà hỏa lực của VC phía đối diện rất mạnh, đã cả giờ đồng hồ rồi mà quân tôi chưa tiến thêm được bước nào, quân bị thương và tử trận ngày càng tăng cao trong khi thượng cấp thì ra lệnh phải tiến “bằng mọi giá”!

    Tiểu Đoàn Trưởng Đồ Sơn xin trực thăng cobras và biệt phái xuống cho tôi Trung Úy cố vấn phó tên Carl White để phối hợp hỏa lực. Sau vài tràng rockets, hết đạn, Cobras bay đi, tôi và Carl White leo lên cao quan sát mục tiêu thì nghe “cắc-bù”, White ngã ngửa về phía sau, tôi biết anh ta bị thương, vội gọi y tá đến săn sóc, nhưng y tá tìm mãi không ra vết thương, không thấy máu. Sau giây phút tỉnh hồn, Carl mở mắt chỉ vào trán, một viên đạn xuyên qua nón sắt, cởi nón sắt ra thì thấy trán Carl White nổi một cục tụ máu như viên bi. Quan sát đường đi của thần chết thì ra đạn xuyên qua cuốn băng cá nhân cài trên non sắt, chui vào trong, đụng nón nhựa, sức mạnh đạn đi chỉ còn đủ lú ra chạm vào trán White một tí rồi dừng lại, thay vì xuyên qua đầu chui ra sau ót.

    Carl White lấy máy hình ra, đứng bên cái biển “NHÀ BÁN”, bấm một phát làm kỷ niệm để đời. Nhờ cái hòn bi ở trán mà sau đó Carl White được lên Đại úy.

    Tình Anh Lính Chiến Và người Phóng Viên Chiến Trường
    Địch còn mạnh, tôi phải xin tăng cường xe Thiết Giáp để TQLC tùng thiết* (* bộ binh và thiết giáp che chở yểm trợ cho nhau cùng tiến). Cấp trên đã biệt phái xuống cho tôi một thiết giáp M41. Chỉ một chiếc thôi thì chưa đủ, nhưng có còn hơn không nên tôi cho lệnh Trung Đội 12 của Thiếu Úy Nguyễn Văn Quang, Khóa 18 Thử Đức, nương theo M41 để vượt qua khoảng trống, chiếm mấy cao ốc trước mặt để thiết lập đầu cầu. Tiến như thế rất nguy hiểm nhưng phải theo lệnh cấp trên.

    Khi xe và quân tùng thiết tiến lên thì tôi bất ngờ trông thấy anh phóng viên chiến trường núp sau pháo tháp và đang đưa máy hình lên chụp, anh phóng viên này đã đi theo tôi lao vào lửa đạn cả ngày rồi, nhưng lúc này thấy anh ta liều mạng ngồi trên pháo tháp M41 như thế thì thật nguy hiểm, giận quá tôi quát:
    - Này anh phóng viên, yêu cầu anh xuống xe ngay*

    (* Anh phóng viên chiến trường sống chết ra sao, xin đọc VVNM bài viết:
    Tình Anh Lính Chiến và Người Phóng Viên Chiến Trường)

    Mở Cửa Thành “Dụ” Địch
    Đại đội tôi bị khựng lại tại đường Phú Định, cobras đến rồi đi, thiết giáp đến rồi bị bắn cháy, địch vẫn cố thủ trong dẫy nhà lầu bên kia bãi sình lầy, TQLC đâu phải mình đồng da sắt mà liều mạng chiếm mục tiêu bằng mọi giá? Vả lại trời đã về chiều rồi tối, tôi được lệnh đóng quân đêm, lấy đường Phú Định làm tuyến phòng thủ án ngữ, bắt tay với tôi là ĐĐ4 của Đại Úy Vũ Đoàn Doan.

    Một đêm bình yên, nhưng mới vừa hừng Đông là súng nổ tưng bừng sau lưng chúng tôi, trong Chợ Lớn, khu vực Soái Kình Lâm, chính khu vực này hôm trước chúng tôi làm tuyến xuất phát tiến về Mũi Tàu Phú Lâm, làm gì có địch. Tôi gọi máy hỏi Tiểu Đoàn thì mới biết BĐQ (hình như TĐ35/BĐQ) đụng VC.

    Tôi cho thám thính tình hình để chuẩn bị tấn công tiếp mục tiêu hôm qua bị bỏ dở thì tình hình hoàn toàn im lặng, nhưng phát giác ra tuyến phòng thủ giữa tôi và Doan bỏ trống một con hẻm. Sau con hẻm này, đi về hướng Soái Kình Lâm là khu sình lầy và ruộng rau muống đã bị cày nát vì dép râu, số lượng địch thoát ra bằng đường này ước chừng vài chục tên chứ không ít.

    Tôi biết ngay là địch đã rút khỏi mục tiêu của tôi, nhưng thay vì rút ra về hướng rừng thơm Lý Văn Mạnh thì chúng lại chui đầu vào Chợ Lớn để bị BĐQ thịt. Không lẽ sự lơ là phòng thủ của tôi vô tình “mở cửa” cho địch chui vào rọ của BĐQ? Tôi thấy có cả trực thăng quần trên trời để yểm trợ cho BĐQ. Có lẽ vì không có giao liên dẫn đường nên lũ ngợm về thành phố, lạc đường đâm đầu vào chỗ chết.

    Điều đáng buồn là một biến cố bất ngờ, trực thăng yểm trợ cho BĐQ lại bắn lầm vào trường Phước Đức, nơi đặt Bộ Chỉ Huy Hành Quân khiến một số sĩ quan cấp tá bị tử thương và bị thương. Nguyên nhân đạn lạc chưa có lời giải.

    Chỉ vì vui Xuân quên nhiệm vụ để VC xâm nhập vào thành phố lúc ban đầu, nhưng chúng không chiếm được bất cứ điểm trong yếu nào, chúng bị quân ta lùng, bao vây và diệt, không có lối thoát nên chúng đành nằm chịu trận gọi là cố thủ đến tan xác hay ra đầu hàng. Tài liệu đã chứng minh VC đã tổn thất nặng nề, lực lựợng kiệt quệ một thời gian dài sau Mậu Thân, nếu nói cho vui là mở cửa thành dụ địch thì cũng có lý.


    Các Đại đội Trưởng TĐ2 tham dự trận Mậu Thân. R-L: Tiền K20, Doan K19, Hợp K19, Cấp K19
    (bị thương sau MT), hình này do TĐT Phúc chụp khi về hậu cứ ở Thủ Đức)

    Captovan (Tô Văn Cấp)

  • #2
    Trung Tá Không Quân VŨ ĐỨC VINH

    Trung tá Vũ Đức Vinh, Giám Đốc Đài Phát Thanh Sài Gòn, mà tác giả Tô Văn Cấp nhắc tới trong bài viết của ông cũng là vị Chủ bút đầu tiên (1964-1965) của đặc san Lý Tưởng của BTL/KQ. Xin trích đăng phần viết về Trung tá Vũ Đức Vinh trong bài Bên dưới những đôi cánh sắt của Ngọc Tự, Thư ký tòa soạn cuối cùng của của đặc san Lý Tưởng:



    Trung tá Vũ Đức Vinh (1931-2005), bút hiệu Huy Quang. Ông xuất thân Khóa 1 SQTB Nam Định. Ông viết văn rất sớm từ ngày còn đi học ở Hà nội và đã có hai tác phẩm là hai truyện dài được xuất bản ngoài đó trước năm 1954: Hai mái tóc xanh Đôi ngả. Ông cũng viết rất nhiều truyện ngắn.

    Khi di cư vào Sài gòn, ông từng làm Trưởng ban Biên tập đài Phát thanh Quân đội.

    Năm 1958, qua người bạn cùng khóa là Trung tá Nguyễn Xuân Vinh, Tư lệnh KQ khi đó, ông chuyển sang KQ và phụ trách công tác Tâm Lý Chiến, và là người phụ trách tờ Lý Tưởng đầu tiên.

    Các truyện ngắn của ông đăng rải rác trên các báo thời gian ấy. Và mặc dù có rất nhiều truyện ngắn, nhưng ông chưa in thành một tuyển tập nào. Tuyển tập Thơ Truyện Không Quân Thời Chiến có chọn đăng một trong những truyện ngắn đặc sắc của ông.

    Ông cũng còn cộng tác với thi sĩ Đinh Hùng trong chương trình Thơ văn Tao Đàn, phát thanh hàng tuần.

    Năm 1965, ông là Trưởng phòng Tâm Lý Chiến tại Khối CTCT/Bộ Tư lệnh Không Quân. Khi Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ ra làm Chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương, ông được biệt phái đảm nhận chức vụ Tổng giám đốc Nha Vô Tuyến Truyền Thanh, đồng thời trực tiếp trông coi Đài Phát Thanh Sài Gòn. Ông đã thực hiện trách nhiệm giữ vững làn sóng phát thanh một cách hoàn hảo trong vụ đặc công VC chiếm giữ Đài, dịp Tết Mậu Thân 1968.


    Ra hải ngoại, ông sinh hoạt báo chí và cùng với nhà văn Thanh Nam làm tờ Đất Mới, một tờ báo có mặt rất sớm trong Cộng đồng Việt Nam tỵ nạn tại Hoa Kỳ.

    Ông từ trần tại Seattle, Washington Hoa Kỳ ngày 9.12.2005.
    Last edited by Nguyen Huu Thien; 02-06-2023, 02:43 PM.

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X