Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Sau cuộc chiến, nổi buồn triền miên

Collapse
X

Sau cuộc chiến, nổi buồn triền miên

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Sau cuộc chiến, nổi buồn triền miên

    Sau cuộc chiến
    Nổi buồn triền miên



    Bảo Định


    1. Xuân Lộc, tháng Tư năm 1975.

    Mùa Xuân sắp qua, mùa Hè đang đến. Trời có những cơn mưa chợt đến, rồi chợt đi. Thị xã Xuân Lộc lầy lội bùn đất đỏ dưới những cơn mưa đầu mùa, nhưng đất bụi mù trời vào những ngày nắng ráo. Thị xã nhỏ bé, chiều ngang lối 1 cây số, chiều dài lối 3 cây số, chung quanh là bờ đai với nhũng vòng rào ấp chiến lược. Kể từ năm 1965, khi Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 18 Bộ Binh/QLVNCH chọn nơi đây đặt bản doanh, Xuân Lộc trở thành một pháo đài khá kên cố, chống bọn xâm lăng Cộng sản Bắc Việt. Khu vực có các căn cứ quân sự, được thiết lập thêm nhiều vòng rào kẽm gai. Chen giữa những hàng kẽm gai thẳng tắp là những cuộn kẽm gai concertina. Mìn bẫy được gài thêm.

    Xuân Lộc là tỉnh lỵ của Long Khánh, ở hướng Đông - Bắc Sàigòn, cách xa khoảng 80 cây số, được thành lập năm 1957, dưới thời Đệ Nhật Cộng Hòa. Vị Tỉnh Trưởng cuối cùng là Đại tá BĐQ Phạm Văn Phúc, vị tiền nhiệm là Đại tá Mạch Văn Trường, một người hùng của mặt trận An Lộc, ông được thăng cấp Chuẩn tướng sau khi về giữ chức Tư lệnh Sư đoàn 21BB.

    Vào những ngày của tháng Ba và đầu tháng Tư năm 1975, Xuân Lộc tràn ngập những người dân tỵ nạn. Họ là những người dân quê sinh sống bằng nghề ruộng rẫy, và vườn cây ăn trái. Nổi tiếng nhất là chuối, mít, và chôm chôm. Chôm chôm tróc Long Khánh là số 1. Về cây công nghiệp thì có cà phê và cao su. Vườn cây cà phê của nhà họ Lữ rộng lớn, vườn cây ông Tỵ, và rất nhiều đồn điền cao su của người Pháp và người Việt. Đó là các đồn điền de Suzannah, An lộc, Ông Quế, Bình Lộc, Túc Trưng, Phạm Đình Quát,… Để chuẩn bị đánh Xuân Lộc, địch điều động về đây nhiều đơn vị, ém quân và áp sát các vùng rừng núi bao quanh Xuân Lộc. Người dân quê sợ vạ lây, nên tìm cách vào vùng quốc gia, tá túc nhà bà con trong thị xã. Sau khi Cao Nguyên và các tỉnh cực Bắc Miền Trung bị bỏ ngõ, dân chúng ùn ùn bỏ chạy, bám theo các đơn vị QLVNCH. Một số vào đến Xuân Lộc. Người dân tỵ nạn ngày một đông. Chính quyền địa phương phải căn nhiều lều trại, cung cấp thực phẩm, để người dân có cái ăn, cái ở. Hy vọng chỉ là tạm thời cho đến lúc QLVNCH phản công chiếm lại những vùng lãnh thổ bị mất để bà con có thể trở về làng cũ sinh sống làm ăn. Nhưng hy vọng tiêu tan. Ngày QLVNCH phản công đánh đuổi quân CSBV xâm lược đã không xảy đến, khi Xuân Lộc bắt đầu bị tấn công. Xuân Lộc đã anh dũng chống cự, đã đạt được chiến thắng, nhưng là chiến thắng cuối cùng của QLVNCH trước quân CSBV xâm lăng.

    Vào lúc 5 giờ 40 phút sáng ngày 9 tháng Tư năm 1975, Quân đoàn 4/ CSBV dưới quyền chỉ huy của Thiếu tướng Hoàng Cầm, với 3 Sư đoàn 6, 7, và 341, đã đồng loạt mở cuộc tấn công vào Xuân Lộc. Trận chiến diễn ra vô cùng ác liệt, kéo dài suốt 12 ngày đêm (9.4.75 đến 20.4.75), mà phần thắng đã nghiêng về phía QLVNCH. Nhưng cuối cùng, SĐ18BB và toàn bộ lực lượng tham chiến mặt trận Xuân Lộc được lệnh, thôi không đánh nữa! chuyển quân về Biên Hòa.

    Những ngày của tháng Tư năm 1975, Xuân Lộc đã trở thành tuyến địa đầu của Tổ Quốc. Làn sóng đỏ từ Miền Bắc tràn vào, phải qua Xuân Lộc trước khi đến Thủ đô Sàigòn. Xuân Lộc là nút chặn cuối cùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, ngăn quân xâm lăng Cộng sản Bắc Việt. Chiến thắng Xuân Lộc cũng là chiến thắng cuối cùng của QLVNCH trước khi tan hàng rã ngũ.

    SĐ18BB/QLVNCH do Chuẩn tướng Lê Minh Đảo làm Tư lệnh. Mặc dù tương lực lượng chênh lệch, rất bất lợi cho quân trú phòng, nhưng với ý chí quyết chiến quyết thắng của người lính VNCH, được hun đúc từ thời đánh Tống bình Chiêm của Lý Thường Kiệt; Bạch Đằng Giang với chiến công của Ngô Quyền; Trần Hưng Đạo ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông; Quang Trung Đại đế với Gò Đống Đa chôn vùi 20 vạn quân Thanh xâm lược, với tinh thần cao độ của quân sĩ, tình hình thuận lợi của quân bạn tại chiến trường, Tướng Lê Minh Đảo tuyên bố:

    “Tôi sẽ giữ vững Long Khánh.
    Tôi không cần biết phía bên kia sẽ đưa đến bao nhiêu Sư đoàn
    để đánh chúng tôi,
    rồi chúng tôi sẽ tiêu diệt họ”.


    Quân đoàn 4/CSBV do Thiếu tướng Hoàng Cầm chỉ huy. Tương quan lực lượng ban đầu là 3/1, rồi 4/1, nhưng vẫn không làm nên cơm cháo. Chúng điều thêm quân, và vào những ngày gần cuối của trận chiến là 6/1. Nhưng vẫn không thấy chắc ăn, nên bọn đầu sỏ Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng, Trần Văn Trà thay đổi kế hoạch: Không đánh Xuân Lộc quyết liệt nữa, chỉ bao vây và đánh cầm chân. Đại quân từ Cao Nguyên, từ Miền Bắc và Miền Trung thì đi vòng.

    Dù Bộ Chính trị Cộng đảng Bắc Việt do Lê Đức Thọ (Trưởng ban Tổ chức Trung ương đảng) trực tiếp chỉ huy, cùng với bọn tướng cướp là Văn Tiến Dũng, Đại tướng Tổng Tham mưu trưởng của cái gọi là “Quân đội Nhân dân Việt Nam” (Quân đội xâm lược CSBV), Trần Văn Trà (Tướng CSBV), Trung tướng Tổng Chỉ huy Lực lượng “Giải phóng quân Miền Nam” (Việt Cộng), bày mưu tính kế cho Hoàng Cầm trong việc tiến đánh SĐ18BB tại Xuân Lộc. Nhưng các “đỉnh cao trí tuệ” của “loài khỉ” (theo lý thuyết người cộng sản, chúng tự nhận là hậu duệ của loài khỉ, trải qua quá trình lao động hằng triệu năm mà biến thành người!”, chỉ chuốc lấy thảm bại chua cay!

    Khi bộ đội xâm lăng CSBV chỉ mới chạm nhẹ “Tuyến Thép Xuân Lộc” (Tựa đề bài của Đại tá Hứa Yến Lến viết về trận chiến Xuân Lộc), những tên đầu sỏ của quân cuớp nước đã than trời như bọng. Lê Đức Thọ (một thứ Thái Thượng Hoàng của Triều đình đỏ Bắc Việt, trong cuộc hòa đàm Ba-lê từ 1968 đến 1973, Thọ là Trưởng Phái bộ của phía cộng sản, gồm CSBV và VC, một tên vô cùng hiếu chiến, lại được nhận giải Nobel Hòa bình cùng với Kissinger, một tên láu cá, thật là nghịch lý! Lúc này Lữ đoàn 1 Dù của Trung tá Nguyễn Văn Đỉnh chưa nhảy vào trận), đã thốt lên lời đau xót: “Kết cục là anh em cũng không đánh được Xuân lộc, bị thương vong nặng, phải rút ra”.

    Văn Tiến Dũng thì than vãn như một nữ như thường tình: “Kế hoạch tấn công Xuân Lộc chưa tính hết được sự phát triễn phức tạp của tình hình, chưa đánh giá hết tính chất ngoan cố của địch…Trận chiến ác liệt và đẩm máu từ những ngày đầu tiên..Số lớn tăng và xe bọc thép của ta bị hạ..” (VTD-Đại Thắng Mùa Xuân).

    Trần Văn Trà: “…vào cuối ngày 10 trở đi, tình hình trở nên căn thẳng. Địch phản công điên cuồng…” (TVT-Kết Thúc Cuộc Chiến Tranh 30 Năm). Còn Hoàng Cầm, tên trực tiếp chỉ huy bọn cướp đánh Xuân Lộc, tâm tình của hắn ra sao, ta hảy nghe hắn đổ thừa: “Trận đánh muộn kéo theo những khuyết điểm không đáng có. Việc chuẩn bị trận đánh quá gấp, xác định hướng chủ yếu từ đông-bắc đánh vào là không chính xác. Đúng đây là phía sau căn cứ sư đoàn 18, nhưng lại là khu vực phòng thủ rắn của địch, địa hình không thuận lợi, ta phải từ dưới cánh đồng thấp, ngược sườn đồi đánh lên, phải mở tám, chín hàng rào kẽm gai, vượt qua hệ thống đường ủi và các vị trí phòng thủ vòng ngoài mới có thể tiến vào trung tâm, tiến công chiến đoàn 52 (đúng ra là hậu cứ Trung đoàn 52BB) và trung đoàn 5 thiết giáp phòng giữ. Khi phát hiện phía tây-nam, qua cổng chính tiến vào căn cứ địch có nhiều sơ hở, nhưng không còn lực lượng đảm nhiệm, vì sư đoàn 7 làm nhiệm vụ ở hướng chủ yếu, không thật sung sức lắm…Khi phát hiện hướng chủ yếu gặp khó khăn, địch tăng cường lực lượng phản kích quyết liệt đẩy ta ra khỏi thị xã, thế trận căn thẳng giằng co, lại không kịp thời chuyển hướng, thay đổi cách đánh. Việc phối hợp các hướng tiến công không thật thích hợp và ăn khớp…” (HC-Chặng Đường Mười Nghìn Ngày).

    Hướng chủ yếu do Sư 7 làm nhiệm vụ “không thật sung sức lắm” (HC nhận định). Các mũi tấn công của cánh quân này do Sư trưởng Nam Long chỉ huy đều đã bị chận đứng: “Sư trưởng Nam Long hét vào điện thoại chỉ huy hết mũi tiến công này đến mũi tiến công khác. Ông đang chỉ huy trận đánh mà nói năng rất tuế. Sư trưởng điện cho anh Đình, chính trị viên D2 (Tiểu đoàn 2): ‘Cái chốt bằng cái l. trâu ấy mà một ngày rồi các anh không ăn được à? Tôi ra lệnh nội đêm nay phải ăn cho hết cái l. trâu đó, nghe rõ chưa!’ Câu ra lệnh làm mọi người trong hầm chỉ huy ôm bụng mà cười”. (Ngô Minh, Sư đoàn 7/QĐ4-Kể Về Trận Tấn Công Cứ Điểm Xuân Lộc).

    Sau cuộc chiến, kẻ chiến thắng tha hồ vẽ rắn thêm chân. Tên Sư trưởng Sư 7 Nam Long nay đã là Trung tướng chỉ huy Quân đoàn 1, trong một bài phỏng vấn, hắn nói khoác: “Bộ đội chúng tôi ngừng tấn công thị xã, chuyển ra tấn công trên QL.1. Để bao vây Xuân Lộc, chỉ để lại một đơn vị nhỏ (đơn vị nhỏ đó là Sư 7 do chính Nam Long chỉ huy, trách nhiệm phía Đông – Nam Xuân Lộc) bám sát trận địa. Nhưng địch lầm tưởng chúng đã đẩy chúng tôi ra…”

    Tại cuộc hội thảo “Đại Thắng Mùa Xuân 1975” được tổ chức mấy năm trước đây, Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng CSVN Phạm Văn Trà thú nhận (có vẻ thành thật): “Chiến dịch Miền Đông là tiền đề của chiến dịch Hồ Chí Minh, và trong chiến dịch này, quân ta bị tổn thất, thương vong khá lớn…Không nói đến chiến dịch Miền Đông, sẽ không thấy hết cái gía phải trả cho ngày chiến thắng 30/4/1975 lớn đến thế nào. Hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh để chọc thủng phòng tuyến Xuân Lộc…”

    Dù chiến thắng Xuân Lộc và chiến thắng Thủ Thừa (Long An), đã làm cho người lính lên tinh thần, đã lấy lại niềm tin trong dân chúng, và cho cả người bạn đồng minh Hoa Kỳ:

    “Chúng ta có một chiến thắng thành hình. Tại mặt trận Long Khánh, quân đội VNCH đã chứng tỏ rõ ràng sự cương quyết, ý chí và lòng can đảm để chiến đấu, mặc dù cán cân lực lượng đã thiên hẳn về phía địch…” (Báo cáo của Tướng Homer Smith, Tùy viên Quốc phòng Hoa Kỳ tại Sàigòn gửi Tướng George S. Brown, Tham mưu trưởng Liên quân).

    “Thông điệp rõ ràng là những binh sĩ Việt Nam tại Long Khánh đã chiến đấu tới chết cho xứ sở của họ…” (Đại tá LeGro viết cho Quân sử Hoa Kỳ). Chiến thắng Xuân Lộc chỉ là chiến thắng về mặt chiến thuật. Chiến lược của VNCH đã hoàn toàn sụp đổ, vì do những nhà lãnh đạo cao cấp thiếu khả năng, hay bị người bạn đồng minh Hoa Kỳ bó chân.

    Cuộc triệt thoái từ Cao Nguyên thất bại, cuộc lui binh từ Vùng 1 bị phá sản, đã khiến cho người lính mất tinh thần. Tinh thần chủ bại đã thấy rõ. Do đó hai chiến thắng cuối cùng Xuân Lộc và Thủ Thừa của QLVNCH đã không thể lật ngược được thế cờ. Con én đã không làm nên mùa Xuân.

    Không cứu nổi Miền Nam đang dần dần lọt vào tay CSBV. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức ngay sau khi Trung tướng Nguyễn Văn Toàn ra lệnh bỏ ngõ Xuân Lộc. Tổng Thống Trần Văn Hương vì áp lực của Quốc hội, áp lực của Pháp-Mỹ, đành phải trao quyền lãnh đạo Quốc gia cho Đại tướng Dương Văn Minh, để rồi chỉ 48 tiếng đồng hồ sau đó, “Big Minh” đã dâng trọn Miền Nam cho đảng cướp Bắc Việt.

    QLVNCH triệt thoái khỏi Xuân Lộc cũng gần đồng nghĩa với sự chấm dứt chiến tranh. Một cuộc chiến tranh xâm lược do bọn Cộng sản Đệ tam Quốc tế phát động, mà CSBV là tên lính xung kích. Chúng đã hoạch định ngay từ khi chưa đặt bút ký vào bản Hiệp định Đình chiến Genève tháng 7. 1954. Chúng chôn dấu vũ khí, gài cán bộ ở lại (trong đó đáng kể là tên Lê Duẫn, Xứ ủy Nam bộ, cuối cùng là Bí thư Thứ nhất Cộng đảng Việt Nam). Thâm hiểm nhất là cho cán bộ và bộ đội vội vàng làm lễ cưới với các thôn nữ, mục đích để gieo giống, loại giống đỏ, như cha già của chúng là Hồ Chí Minh, và bọn đàn em là Lê Duẫn, Nguyễn Chí Thanh từng làm. Bây giờ ai ai cũng biết rõ Nông Đức Mạnh là đứa con rơi của lão Hồ với một người con gái hộ lý dân tộc Nùng; Nguyễn Tất Thắng (hay Trung) là đứa con rơi với cô thôn nữ dân tộc Tày Nông Thị Xuân. Thủ tướng của nước CHXHCNVN bây giờ, Nguyễn Tấn Dũng là đứa con vô thừa nhận của Nguyễn Chí Thanh với một nữ hộ lý ở Miền Tây.

    Ngay buổi chiếu ngày hôm sau, 21 tháng Tư năm 1975, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức, trao trách nhiệm lãnh đạo Quốc gia cho Phó Tổng Thống Trần Văn Hương. Đại tướng Dương Văn Minh nhất định đòi “Thầy Hương” (DVM là học trò cũ của thầy giáo Hương) trao nốt quyền lãnh đạo chứ không chịu làm Thủ tướng toàn quyền để đối thoại với đối phương, để tìm một giải pháp hòa bình cho Miền Nam, như lời đề nghị của Tổng Thống Hương. Thế rồi sau khi nhận được quyền lãnh đạo Quốc gia, chỉ mới 48 tiếng đồng hồ, đã trao lại Quốc gia cho “người anh em phía bên kia”! để làm người “Công dân của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (bắt chước ý câu nói của Hoàng đế Bảo Đại trong Chiếu thoái vị ngày 25 tháng 8 năm 1945 tại cửa Ngọ Môn, Huế).

    Cuộc chiến bom đạn thật sự đã chấm dứt kể từ ngày 30 tháng Tư năm 1975. Nhưng ngay từ lúc đó, một cuộc chiến khác đã mở ra dai dẳng, và có lẽ chỉ chấm dứt khi quê hương sạch bóng lũ cộng sản.

    2. Sàigòn hấp hối

    Khi tên lính xe tăng xâm lược Bùi Quang Thận, Trung úy Đại đội trưởng Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2 do Thiếu tướng Nguyễn Hữu An chỉ huy (đơn vị quân CSBV đầu tiên tiến vào Dinh Độc lập), cầm lá cờ VC chạy vào Dinh Độc Lập, leo lên sân thượng treo cờ, cuộc chiến tranh Quốc - Cộng kéo dài ngót 20 năm (1956-1975) đã chính thức chấm dứt.

    Xe tăng quân CSBV từ hướng Sở Thú, cuối Đại lộ Thống Nhất rầm rầm lăng bánh xích, tiến về Dinh Độc Lập một cách thận trọng. Hai bên đường, những kẻ hiếu kỳ, đám “cách mạng 30” vẫy cờ, cố mĩm cười và hoan hô, lấy lòng bọn xâm lược. Chiếc tăng mang số 390 do Vũ Đăng Toàn, Chính trị viên Đại đội chỉ huy dẫn đầu, lao vào cổng chính. Hai cánh cửa của cổng chính đã được mở sẵn theo lệnh của Tổng Thống Dương Văn Minh (Hồi ký của Lý Chánh Trung, cựu dân biểu Quốc hội VNCH, thuộc thành phần thứ ba của Dương Văn Minh, giữ chức Bộ trưởng của Thủ tướng Vũ Văn Mẫu, người dẫn đường cho tên Thận lên sân thượng treo cờ). Chiếc tăng của Thận mang số 843 cố vượt lên, húc cánh cổng trái đang đóng (nhìn vào tấm hình, ta thấy cánh cửa cổng chính đã mở sẵn, nhưng các tên lính xe tăng CSBV vội nhảy xuống khép hờ lại để cho xe húc đổ mà ghi hình, còn cánh cửa cổng trái vẫn đóng kín, do đó “Tôi ra lệnh cho pháo thủ 2 Nguyễn Văn Kỷ giục pháo thủ 1 Thái Bá Minh nhắm giữa cổng Dinh Độc Lập khai hỏa. Không hiểu sao đạn không nổ? Hai lần như vậy, tôi ra lệnh quay nòng pháo ra sau để cho xe húc đổ cổng Dinh. Trong 10 phút phải húc 3 lần thì cánh cửa trái mới bung ra” ‘Bùi Quang Thận kể lại’). Xe của Thận bị kẹt ngay cửa trái, không vào bên trong được, đành nằm tại chỗ, gầm rú man rợ. Sốt ruột, Thận sợ Vũ Đăng Toàn lập công đầu, nên hắn chụp lấy cây cờ cắm trên xe, vội nhảy xuống, bỏ xe, bỏ đồng đội, bỏ cả tư cách chỉ huy, như một tên lính xung kích, cầm lá cờ VC chạy như bay vào Dinh để làm một hành động lịch sử. Và hắn đã trở thành một nhân vật lịch sử, là kẻ đầu tiên treo lá cờ VC trên sân thượng Dinh Độc Lập vào lúc 11 giờ 30 trưa, giờ Hànội, nhưng là 10 giờ 30, giờ Sàigòn. Nhưng vẫn còn cố làm dáng. Sau khi gỡ lá cờ Vàng Ba Sọc Đỏ xuống, vội vàng móc vào lá cờ VC vào kéo lên, nhưng hắn lại kéo xuống, dơ tay trái lên xem đồng hồ (chiếc “đổng” chiến lợi phẩm mới cướp được trên đường tiến quân, chưa quen xử dụng). Kim ngắn đồng hồ chỉ con số 11 và kim dài chỉ con số 30. Hắn lấy bút ghi vội trên góc lá cờ, xong mới kéo lên lại. Thời điểm đã sai, tất cả chỉ là giả dối!

    Ngày 30 tháng Tư năm 1975 là ngày dài nhất, ngày buồn thảm nhất của đời tôi. Buổi tối ngày 29 tháng Tư, Tướng Tư lệnh ra lệnh cho tôi cố gắng giữ cho được căn cứ của BTL/SĐ18BB ở Long Bình. Nhưng đến 12 giờ khuya, lại được lệnh Đại tá Trung đoàn trưởng 43 đưa đơn vị về lập tuyến phòng thủ ở phía Nam sông Đồng Nai. Lối 1 giờ sáng, đơn vị rời căn cứ, bắt đầu di chuyển. Đáng lẽ qua cầu Đồng Nai, rồi rải quân bố trí dọc theo bờ Nam sông thì gần hơn, nhưng đơn vị Dù canh giữ ở đây không cho, chúng tôi đành phải ngược lên QL.1, đi qua cầu Ghềnh. Lúc bấy giờ trời đã sáng hẳn. Khi đơn vị rải quân, toán tiền quân đến gần chân cầu, thì đoàn xe tăng và xe molotova chở quân CSBV đã qua cầu. Tôi không hiểu tại sao cầu đã không bị giật sập. Sau này được biết đó là do lệnh của Nguyễn Hữu Hạnh, đã giải ngũ, được Tổng Thống Dương Văn Minh gọi vào Dinh, cho mang lại cấp bậc Chuẩn tướng, làm Phụ tá cho Trung tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Vĩnh Lộc, nhưng Tướng Lộc vừa mới nhậm chức, đã dông ra biển đông. Dịp may hiếm có, Hạnh nắm ngay chức vụ Quyền TTMT, tha hồ làm mưa làm gió theo lệnh của CSBV, vì Hạnh đã bị địch móc nối từ trước.

    Một cuộc chạm súng ngắn ngủi. Đoàn xe của địch không dừng lại, vẫn tiếp tục di chuyển, hướng về Sàigòn. Tôi cho đơn vị trở lại QL.1, tìm đường về Thủ Đức. Nhưng quân CSBV đã về đến Thủ Đức, về đến Thị Nghè, qua cầu Phan Thanh Giản. Cùng các hướng khác, quân xâm lăng CSBV đã vào đến nội đô Sàigòn. VNCH đang hấp hối, và đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 10 giờ 30 sáng (11 giờ 30 giờ Hànội).

    Tôi về đến nhà sau buổi trưa. Buổi chiều đến chậm. Đêm đến, bóng tối vây quanh. Không gian bao phủ một bầu không khí hải hùng. Tin xấu loan truyền nhanh chóng. Vài cảnh sát viên, một trung đội trưởng nghĩa quân bị bọn “cách mạng 30” lôi ra giữa đồng đánh chết hay chôn sống. Nhiều gia đình cấp sĩ quan bị đuổi ra khỏi nhà, không cho mang theo bất cứ thứ gì. Thế là hết. Không còn gì. Tôi có ý định tìm đến cái chết. Không được cái vinh dự “da ngựa bọc thây”, thì đành tự tìm cái chết để khỏi phải sống nhục.

    Tôi định tìm cái chết một mình. Chưa biết bằng cách nào. Nhưng ý định tự vận vẫn ám ảnh tôi. Bà xã thấy vậy, nên nói nếu chết, cùng chết cả nhà. Trong bửa cơm chiều, tôi bàn tính với bà xã, khuya nay sẽ nấu một nồi cháo, bỏ thuốc chuột vào - thật sự tôi không hề biết loại thuốc giết chuột này, nhưng lời bài hát nhại “mua bao thuốc chuột uống cho rồi đời” đã gợi ý tôi. Đứa con gái đầu lòng được 5 tuổi, nghe ba mẹ bàn tính như vậy, liền la lớn và khóc gào: “Cho con uống thuốc thì con uống. Bắt con uống thuốc chuột để chết thì con phun ra hết”. Tiếng khóc la của cháu bé, nhìn đàn trẻ thơ ngây thơ ngơ ngác, lòng tôi chùng lại. Tôi đã bỏ ý định điên rồ đó. Tôi đã sống những ngày lo âu, phập phồng, và đen tối nhất trong đời. Tôi đã đi tù, từ Nam ra Bắc. Rồi được tha về nhà (nghĩa là thoát nhà tù nhỏ, vào nhà tù lớn), bị quản chế 3 năm. Tôi đã cố vượt biên vài lần, nhưng đều thất bại, may không bị bắt. Thế rồi tin tức loan truyền: Chính phủ Hoa Kỳ cho tái định cư những ai đã đi tù từ 3 năm trở lên. Tôi là một trong số rất ít người đầu tiên đến cơ quan Cộng sản huyện Hốc Môn làm giấy tờ. Trường hợp này cũng giống như “cùi không sợ lửa”. Mọi người còn nghi ngờ, sợ rằng đây là cái bẫy của VC giăng ra để gom những ai còn nghĩ đến chế độ cũ. Thế rồi cũng đến ngày tôi và gia đình được ra đi theo chương trình HO.

    3. Sàigòn mất tên

    Bắt chuớc Liên Xô khi đổi Petersburge thành Leningrad, Volgrad thành Stalingrad; Sàigòn đã bị thay bằng cái tên Hồ Chí Minh. Nhưng không mấy ai thích gọi cái tên này. Người dân vẫn chỉ gọi “Đi Sàigòn” hay “Đi Thành phố”.

    Sau khi Sàigòn mất tên, một thời gian ngắn sau đó, cái gọi là “Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam” của Huỳnh Tấn Phát cũng bị CSBV khai tử luôn. Cái chết của cái chính phủ bù nhìn hay con rối chính trị, hoàn toàn không kèn không trống, cũng như “Mặt trận Dân tộc Giãi phóng Miền Nam Việt Nam” của Nguyễn Hữu Thọ, mà cố Tổng Thống Trần Văn Hương gọi chính danh là “Mặt trận côn đồ”, cũng ra đi lặng lẽ.

    Theo điều lệnh của cái gọi là “Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam”, khi chiếm Sàigòn, phải bắt giữ tất sĩ quan cấp Đại úy trở lên. Không biết vì lý do gì, bộ đội CSBV đã không thi hành điều khoản này. Nhưng ở nhà cũng sợ bọn “cách mạng 30” lắm. Bọn này đi lùng sục, chỉ điểm những quân nhân, viên chức cũ để cho bộ đội cộng sản bắt.

    Thiếu tá Nguyễn Văn Dư, Tiểu đoàn trưởng TĐ3/43, nhà ở Vũng Tàu, đã bi bọn “cách mạng 30” đến nhà, gọi ra đường rồi đánh bằng búa mà chết. Tôi cũng sợ gặp phải trường hợp của Dư, nên buổi chiều ngày 1 tháng 5, thấy một đơn vị quân CSBV thuộc đoàn 775 đồn trú gần nhà, đặt một bàn giấy tại chùa Quảng Đức, với tờ thông cáo ghi nơi trình diện “Ngụy quân và Ngụy quyền”. Tôi đến trình diện. Chúng tịch thu hết tất cả giấy tờ và chuyển tôi vào một doanh trại thuộc Trung tâm 3 Nhập ngũ. Tại đây tôi gặp một số quân nhân và công chức. Được vài ngày, chúng chuyển lên quận Hốc Môn bàn giao, với lý do là đơn vị chúng phải chuyển quân. Một tên VC lớn tuổi ra nói chuyện, rằng chúng tôi có thể về nhà, đợi lệnh của Ủy ban Quân quản Sàigòn – Giađịnh. Tôi về nhà, lo âu và tuyệt vọng.

    Lúc bấy giờ những ai còn kẹt lại, chỉ mong sao có được cuộc sống yên ổn với vợ, với con, với gia đình là tốt rồi. Đất nước đã không còn chiến tranh, Nam-Bắc lại về một mối, thôi thì chấp nhận số phận của những kẻ thua cuộc. Dù biết rằng mình sẽ chỉ là thứ công dân hạng hai, hạng ba, hay tệ hơn. Nhưng được sống trong một đất nước không còn chiến tranh vẫn hơn.

    Những ngày sau đó, tôi cùng bà xã thường đi lang thang trên những đường phố Sàigòn. Sàigòn không có gì thay đổi lắm. vẫn phố xá tấp nập. Một số dinh thự và nhà cao cửa rộng thì cửa đóng im lìm, với dòng chữ viết nguệch ngoạc trên một tấm bìa, treo ở đàng trước: “Chủ nhà theo Mỹ - Ngụy trốn chạy. Nhà bị tịch thu. UBQQ/SGGĐ”. Khắp nơi cờ xí treo đầy, trước nhà, ngoài ngõ, trên các loại xe, thậm chí ngay cả nơi chuồng xí công cộng:

    “Tôi bước đi
    không thấy phố,
    không thấy nhà.
    Chỉ thấy mưa sa
    trên màu cờ đỏ!”
    (Trần Dần - Nhất Định Thắng)


    Thật ra những ngày đầu sau 30.4.75, lá cờ nửa xanh nửa đỏ và ngôi sao vàng, lá cờ của cái gọi là “Chính phủ Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam”, xuất hiện khắp nơi trong thành phố. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, đã nhanh chóng bị thay thế bằng lá cờ đỏ sao vàng của CSBV. Người Hoa trong Chợ Lớn cứ nghĩ rằng Trung Cộng là bậc đàn anh vĩ đại của CSBV, nên đã treo lá cờ Tàu Cộng trước nhà. Nhưng liền bị gỡ xuống, hay phải treo thêm lá cờ của CSBV.

    Tình cờ tôi gặp một người bạn cùng đơn vị là Thiếu tá Lê Hữu Cương, khóa 16 Võ bị. Trước đây Cương là Quận trưởng Củ Chi, rồi Trưởng Ban 1 của Trung đoàn 43. Cương cụt một chân do mìn VC, đến tận háng, nhưng vẫn tại ngũ. Quen biết với Cương trong bao nhiêu năm, nhưng nào tôi có hay. Cương vẫn ngồi ghế tài xế lái xe chạy như bay (có lần Cương và tôi chạy đua trên xa lộ). Cương khiêu vũ giỏi, rất lã lướt. Nghe nói Cương đã ra người thiên cỗ, sau khi bị đi tù nhiều năm, được tái định cư tại California. Gặp Cương một mình đứng trên lề đường Duy Tân (có lẽ cũng đang lang thang như tôi), sau vài câu chào hỏi, Cương nói:

    “Tao biết chỗ này đáng tin cậy lắm. Đi đường Gò Công. Hạm đội 7 đang ở ngoài khơi, chỉ cách Vũng Tàu 12 hải lý. Lộ phí chỉ 1 cây. Mày có thể mang theo cả gia đình với giá thương lượng.”

    “Giá rẽ vậy sao mày không đi.”

    “Tao cụt một chân, tàn tật như thế này, đi làm gì.”

    Tôi cũng suy nghĩ:

    “Nhưng hòa bình rồi, đi làm gì, thôi tao trở lại quê ngoài Huế, hay về Mỹ Tho, quê bà xã, sinh sống cũng xong.”

    Rất tiếc là tôi đã không nghe lời đề nghị của Cương, để rồi phải chịu kiếp người tù khổ sai trong một thời gian dài, trải qua các trại tù từ Nam ra Bắc, cuối cùng cũng phải qua Mỹ sống cuộc đời lưu vong, theo diện HO-10.

    Vừa thua cuộc chiến, tâm trạng rối bời, bầu trời như sụp đổ, chung quanh tôi là cả một màn đêm đen tối:

    “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”
    (Nguyễn Du - Kiều)


    4. Tù khổ sai

    Ngày 13 tháng 6 năm 1975, ngày đầu tiên của thời hạn 3 ngày chúng tôi phải ra trình diện để đi “học tập cải tạo!” Sau buổi cơm trưa, tôi từ biệt người Mẹ già, ba đứa con thơ, cùng đi với người vợ trẻ “bụng mang dạ chửa” sắp đến ngày sinh, đến trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương nằm trên đường Nguyễn Lâm trình diện. Đây là địa điểm trình diện của các sĩ quan cấp Tá, cấp Quận trưởng, và cấp Chủ sự phòng trở lên của Chính quyền cũ, thuộc các quận Thủ Đức, Gò Vấp, Tân Bình, Hóc Môn, Bình Chánh và Nhà Bè.

    Đó là một buổi sáng buồn thảm của tháng Sáu. Bầu trời âm u, khi nắng khi mưa. Lúc chia tay, cơn mưa lại ụp xuống. Tôi phải đợi dứt cơn mưa.

    Tên bộ đội trẻ, nhỏ, thấp và lùn, khẩu AK mang vai gần chấm gót, thùng thình trong bộ áo quần lính xanh còn mới, hách dịch hỏi:

    “Anh kia đi đâu?”

    “Tôi đến trình diện”

    “Khẩn trương lên, vào trong”.

    Tôi mang túi xách bước qua cửa. Nặng nhọc, tên bộ đội ì ạch đẩy cánh cửa sắt đóng lại. Và từ đó là hai thế giới. Thế giới bên trong là nhà tù khép kín. Thế giới bên ngoài là nhà tù mở. Tất cả đều tù, là những tù nhân của chế độ mới. Chính vì thế mà rất nhiều người tìm cách chạy trốn. Họ vượt biên, vượt biển. Quái kiệt Trần Văn Trạch khi đến được bến bờ tự do, được hỏi, ông ta đã nói một câu rất thật: “Nếu cột đèn biết đi, thì cũng tìm cách vượt biên, vượt biển”.

    Thông cáo Ủy ban Quân quản Thành phố Sàigòn-Giađịnh do Thượng tướng Trần Văn Trà (vừa mới được thăng cấp) ký, ghi rất chi tiết: “Cải tạo viên phải mang theo một tháng lương thực qui thành tiền, quần áo đủ dùng, và đặc biệt lưu ý, phải mang theo áo ấm!”

    Lúc bấy giờ là mùa hè, những tháng 6, 7, và 8 là những tháng nóng nhất của Miền Nam. Mang theo 1 tháng lương thực, được hiểu là đi “học” 1 tháng. Một tháng là 30 ngày, thời gian sẽ chóng qua .Nhưng đang là mùa hè, trời chỉ mới vào hè, sao thông cáo lại ghi phải mang theo áo ấm? Sau này mới vỡ lẽ là các “đỉnh cao trí tuệ” đã chơi chữ. Chúng đã dối gạt! Nghe ra cũng có lý khi bọn chúng cho rằng “Cách mạng bảo các anh mang theo một tháng lương thực, chứ có nói các anh đi học tập một tháng đâu”. Sống trong xã hội văn minh, tự do và dân chủ của Miền Nam, chúng ta không quen cách nói lắc léo của người cộng sản.

    Tại thành ông Năm ở Hóc Môn, doanh trại của Liên đoàn 5 Công binh Kiến tạo, nơi Đoàn 775 của quân CSBV tạm dùng làm chỗ nhốt tù “cải tạo”. Chúng nhốt lối 1 ngàn tù nhân (cán bộ cộng sản và vệ binh cấm gọi là tù, phải gọi là cải tạo viên!) gồm sĩ quan cấp Thiếu tá và Đại úy. Có một tù nhân ngây thơ đến độ, có lẽ không còn ai ngây thơ hơn, anh mang theo một bao bố đựng bánh mì đủ dùng cho một tháng, bởi vì anh là dân Tây, không quen ăn cơm! Tôi cũng ngây thơ không kém. Ngày từ giã gia đình để đi tù, tôi nói với bà xã:

    “Anh không nghĩ là 1 tháng. Có thể là 6 tháng, 1 năm hay lâu hơn. Nhưng hy vọng không quá 3 năm. Nếu không chịu được sự sỉ nhục hay lao động khổ sai, anh sẽ tìm đến cái chết. Hãy cố gắng nuôi các con thành người, và chăm sóc người mẹ già thay anh”.

    Hầu hết các chiến binh Sư đoàn 18BB sau khi tan hàng rã ngũ về nhà, đều bị bắt buộc phải hồi hương hay đi vùng “Kinh Tế Mới”. Các sĩ quan có gia đình tại Xuân Lộc, sau thời gian đi tù về, Công an Xuân Lộc tịch thu giấy ra trại. Khi có chương trình HO, những người cựu tù cần giấy ra trại để nộp vào hồ sơ, Công an Xuân Lộc bắt phải chuộc 3 triệu tiền Hồ. Khốn khổ cho những ai chỉ còn hai bàn tay trắng sau cuộc chiến, đành phải ở lại, phải sống tiếp tục cuộc đời lầm than của một công dân hạng bét. Đó là trường hợp của một Đại úy, nguyên là Sĩ quan Hành quân kiêm Huấn luyện Tiểu đoàn 2/43. Với tấm thân còm cỏi, hàng ngày cơm đùm cơm bới, vào rừng từ sáng sớm đến tối mịt, phải gánh thuê cả trăm đôi nước từ dưới suối lên tưới rẫy cà phê. Bảy năm tù đày khổ ải, thêm vào đó, cuộc sống lam lũ để có cái ăn cái mặc, người sĩ quan trẻ hào hùng năm xưa, nay nhỏ bé lại, nước da đen sậm, cằn cổi, và bệnh tật bộc phát. Anh đang mắc chứng lao phổi đến thời kỳ cuối, chờ tử thần tới rước.

    Cộng sản như loài ác quỷ dracula, chuyên hoạt động về đêm. Sau vài ngày tá túc tại Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương, nơi chúng tôi được đối xử như những học viên chuẩn bị đi học tập. Mỗi ngày nhà hàng Ngọc Lan Đình trong Chợ lớn mang đến những bửa cơm thật ngon. Tối ngũ, tên Thiếu tá Trung đoàn trưởng đi từng phòng nói chuyện, nhắc nhở mắc màn kẻo muỗi đốt sinh bệnh. Trong sân trường có hai chiếc xe cứu hỏa.
    Vào một đêm tối trời, một đoàn xe Molotova với những tên vệ binh mặt lạnh như tiền đến mang chúng tôi đi. Nhưng đi đâu?

    Từ Trường Nguyễn Tri Phương đến thành Ông Năm thời gian chạy xe lối nửa tiếng. Nhưng đoàn xe đã chạy gần tới sáng mới đến. Chúng cho đoàn xe chạy ra xa lộ, lên Hố Nai, rồi ngược về QL.1, vào thành Ông Năm. Đây là doanh trại của Liên đoàn 5 Công binh Kiến tạo. Một anh bạn tù ngồi cùng xe, Thiếu tá Hải, lén nhìn qua khe bạt, thấy hàng dừa quen thuộc, và con đường mà anh đã quen “đi lại lắm lần”, vì đó là doanh trại Liên đoàn 5 CB/KT, đơn vị mà anh phục vụ từ nhiều năm nay.

    Tại thành Ông Năm, chúng nhồi nhét 10 bài học chính trị. Khi đợt học tập này chấm dứt, một số anh em hy vọng tếu là sẽ được ra về! Nhưng chúng tôi bị chuyển ra trại tù Suối Máu. Khi Quốc hội Thống nhất được bầu bán xong, chúng chuyển chúng tôi ra Bắc. Đợt đầu tiên là các sĩ quan thuộc ngành Chiến tranh Chính trị và An ninh Tình báo. Đợt thứ hai là các Đơn vị trưởng Tác chiến. Tôi đi trong chuyến thứ hai. Chúng đưa đám tù đến Tân cảng, rồi lên tàu Sông Hương ra Bắc. Tôi đã đi qua các trại tù ở Yên Báy, trong vùng rừng núi Hoàng Liên Sơn; trại tù Tân Lập ở Vĩnh Phú. Cuộc sống trong các trại tù ở Miền Bắc thật khốn khổ: Thiếu ăn, thiếu mặc, lao động cực nhọc.

    5. Nhà tù lớn

    Một buổi sáng đầu năm 1980, trong một lần lên lớp, vào lúc cuối giờ, tên Trung úy Giám thị trưởng đọc “lệnh tha”. Danh sách gồm 41 tù nhân, trong đó có Linh mục Thuấn, Cha Tuyên úy, nhưng cuối cùng không thấy Cha được thả.

    Tôi nghĩ rằng mình thuộc loại “chống phá cách mạng điên cuồng, có nhiều nợ máu với nhân dân”, nên không mấy để ý. Một bạn tù bổng lay vai tôi:

    “Kìa, có tên mày, nhưng là Thế. cấp bậc, chức vụ, đơn vị đều đúng. Mày chứ còn ai?”

    Tôi nghi ngờ, nhưng vẫn mừng thầm. Biết đâu là mình. Đợi đọc hết danh sách, tôi lên hỏi. Đúng là Nguyễn Hữu Thế. Nhưng tên Giám thị trưởng bảo tôi về chuẩn bị hành lý. Các bạn tù nói tôi cứ nhận để ra khỏi trại, chứ xin điều chỉnh tên thì có khi phải ở lại luôn. Đã có nhiều trường hợp như vậy.

    Tôi về đến nhà với tấm than tàn tạ.

    Con tàu “Thống nhất” đi qua Huế lúc tối trời, nên tôi đã không thấy được gì về thành phố quê hương đã xa cách từ bao nhiêu năm. Lần cuối cùng tôi về Huế là đầu mùa Thu năm 1966, lúc tôi vừa mới rời quân ngũ sau khi hoàn tất 4 năm Quân dịch pháp định. (nếu là Hạ sĩ quan, chỉ 3 năm; lính thì 2 năm).

    Huế lúc đó thật lộn xộn. Đó là vụ biến động Miền Trung, suýt nữa thì đã ly khai chính phủ trung ương, do đám quân nhân phản loạn, và sinh viên học sinh Phật tử. Rồi chiến dịch bàn thờ xuống đuờng do Thượng tọa Thích Trí Quang chủ xướng. Sau những tháng khuây động thất bại, bọn chủ chốt trốn lên núi theo VC, để rồi Tết Mậu Thân, theo quân CSBV cướp nước, chúng về thành phố bắn giết người dân vô tội thõa thích, mà con số nạn nhân lên đến trên 6 ngàn người.

    Huế bây giờ không còn chiến tranh, nhưng nghèo xơ xác. Sauk hi cướp được Miền Nam, Lê Duẫn, tên Bí thư Thứ nhất của Cộng đảng đã cho gom 3 tỉnh Bình-Trị-Thiên làm một. Bọn cán ngố từ Quảng Bình, Quảng Tri vào chiếm cứ tha hồ vơ vét. Huế bây giờ thật xa lạ. Bắt chước lời một bài hát: “Huế của Quảng Bình, Quảng Trị ta ơi!”

    Tàu đến Nhatrang lúc quá nửa đêm. Vài người đàn bà đến gần toa tàu chở bọn tù chúng tôi hỏi:

    “Có gì bán không?”

    “Đi tù về, đâu có gì để bán!” Tôi buột miệng trả lời.

    “Thật không? Từ đâu về?”

    Những người đàn bà nhao nhao hỏi. Sau khi biết đúng là tù mới được thả, các chị, các bà, cả những chú bé liệng lên toa tàu thức ăn đủ thứ. Sau hơn 5 năm sống dưới chế độ mới, người dân vẫn không quên những người lính Cộng hòa.

    Lúc mới vào trại ở thành Ông Năm, Hốc Môn. Sau một tháng tập trung, trong những lần lên lớp, tên chính trị viên trại vẫn nhai đi nhai lại không biết ngượng rằng đáng lẽ cho các anh về, nhưng sợ nhân dân đánh chết các anh nên phải giữ các anh lại!

    6. Về miền đất hứa

    Năm 1991, chương trình được gọi là “HO” ra đời. các chiến binh Sư đoàn 18BB còn sống sót, may mắn được ra đi về miền đất hứa. Nhưng đã có không ít các sĩ quan thuộc Sư đoàn 18BB đã nằm lại trên chiến trường vào giờ thứ hai mươi lăm của cuộc chiến, hay trong những trại tù lao cải. Đó là trường hợp của Thiếu tá Nguyễn Văn Bảy, Trung đoàn phó trung đoàn 43, đã trút hơi thở cuối cùng tại Liên trại 2, tại xã Cẩm Nhân, Yên Bái.

    Cuộc chiến chấm dứt, kẻ còn người mất. Người lính trẻ nhất nay cũng đã ngoài ngũ tuần. Những người lớn tuổi nay đã lên hàng “tám”. Tuổi đời tuổi lính chồng chất, ra đi tái định cư khi đã luống tuổi, không dễ mấy ai lập được sự nghiệp như ý muốn.

    “Xa quê hương, ngộ cố nhân” là điều quí, nhất là những người bạn cùng chiến đấu năm xưa. Kể từ ngày ra định cư nước ngoài, các cựu chiến binh Sư đoàn 18BB đã cố gắng tổ chức những cuộc hội ngộ:

    - Lần thứ nhất là vào năm 2005, sau 30 năm tan hàng, một số cựu chiến binh thuộc gia đình 18 lại gặp mặt tại Orange County, California. Lần hội ngộ này qui tụ lối 200 cựu chiến binh. Nhưng thiếu vắng rất nhiều: Đại tá Mai, Đại tá Dương Phún Sáng, 3 vị Trung đoàn trưởng, và vị Thiết đoàn trưởng Thiết đoàn 5, là những cột trụ của Sư đoàn. Hiện diện có đại tá Huỳnh Thao Lượt, Tham mưu trưởng Sư đoàn, Đại tá Hứa Yến Lến, TMP/HQTV kiêm TMT/Hành quân, Trung tá Trưng, TMP/CTCT, Trung tá Cao Xuân Lê. Đại tá Trần Bá Thành, cựu Trung đoàn trưởng 48, cuối cùng là Tỉnh trưởng Bình Tuy; Trung tá Nguyễn Bá Mạnh Hùng, cựu Tr/đ/t 43, cuối cùng là Tr/đ/t 8, Sư đoàn 5BB cũng đến tham dự. Các Tiểu đoàn trưởng, Đại đội trưởng, Trung đội trưởng thì thiếu vắng rất nhiều. Khác với một vài đại đơn vị khác, chỉ một số ít binh sỉ và Hạ sĩ quan thuộc Sư đoàn 18BB là 2 có thể đến được bến tự do, do vượt biên hay bảo lãnh. Hầu hết bị kẹt lại quê nhà, cũng như các thương phế binh, đang sống cuộc đời lầm than và xa lạ ngay chính trên quê hương mình.

    - Lần thứ hai là tháng 8 năm 2009 tại Sydney, Australia. Vì đường xa vạn lý, chỉ có một số ít từ hoa Kỳ qua tham dự, còn lại là các cựu chiến binh 18 đang định cư tại Sydney và Melbourn

    - Lần thứ ba, chỉ là một cuộc họp mặt bỏ túi tháng 9 năm 2009 tại Porland, Origan. Quê hương thứ hai của Đại tá Lê Xuân Hiếu, Trung đoàn trưởng Tr/đ 43. Nhưng đặc biệt lần họp mặt này có sự hiện diện của Trung tướng Phạm Quốc Thuần, cựu TL/QĐIII.

    Trên đường ra Bắc, tôi gặp đâu đó trên con tàu Sông Hương, hay tại bến phà Yên Báy, Thiếu tá Nguyễn Văn Chiến, cựu Trưởng ban 3 Trung đoàn 43, cựu Tiểu đoàn trưởng TĐ3/43. Về sau thuyên chuyển đi sư đoàn 5BB.

    Vị Tiểu đoàn trưởng 3/43 là Thiếu tá Nguyễn Văn Dư. Chúng tôi gặp nhau lần cuối trong cuộc họp khẩn cấp tại căn cứ Long Bình đêm 29 rạng ngày 30.4. Khi có lệnh ngưng chiến đấu, Dư tìm cách về nhà ở Vũng Tàu. Có tin cho biết Dư đã bị bọn “cách mạng 30” tìm đến nhà bắt, đưa ra đường và đánh chết bằng búa.

    Tại trại 1 Liên trại 2 ở Hoàng Liên Sơn, thời gian đầu tôi ở chung đội với Trung tá Cao Xuân Lê. Một kỷ niệm khó quên. Mỗi buổi tối, sau khi họp Tổ (một tổ chức lối 10 người) để phê bình và kiểm thảo công việc lao động trong ngày, trước giờ đi ngủ (đúng 9 giờ) là giờ đọc báo. Báo thì chỉ có hai tờ là “Nhân Dân” và “Quân Đội Nhân Dân”. Trung tá Lê thường được giao nhiệm vụ đọc báo cho đội (lối 30 người, cùng chung một láng). Có một lần, Lê đọc lộn (hay cố ý, cũng có thể vì thói quen khó bỏ), thay vì Thủ đô Hànội, Lê đọc Thủ đô Sàigòn! Tên vệ binh đứng gác bên ngoài liền chạy vào túm ngay Lê, lôi ra ngoài, cùng 2 tên vệ binh khác, đã đấm đá Lê rất tàn nhẫn. Chúng đặt Lê đứng giữa, đấm đá Lê như đá cầu. Cùng với những cú đấm đá là những tiếng chửi mắng tục tỉu:

    “Tên ngụy ngoan cố, giờ này còn đọc Thủ đô Sàigòn !...”

    Chúng quần Lê khoảng một tiếng đồng hồ. Khi người Lê lả đi, không còn rên la được nữa mới thôi. Sau trận đòn hội chợ đó, Lê không còn đọc lộn nữa! Sau này tôi có dịp gặp Lê hai lần: tại Đại Hội Toàn Quân để thành lập Tập Thể Chiến Sĩ VNCH năm 2003, và Hội Ngộ Gia Đình 18 năm 2005 tại Orange County, California.

    Một lần vào rừng đốn cây, tình cờ tôi gặp Thiếu tá Nguyễn Văn Bảy, Trung đoàn phó Trung đoàn 43, cũng là Tiểu đoàn trưởng 3/46, Sư đoàn 25BB của tôi thời 1965. Người ông ốm yếu, nhưng vẫn ghiền thuốc nặng. Tôi đã có dịp biếu ông mấy bánh thuốc lào được trại cấp phát, và một ít đường (do Thiếu tá Banh, người cùng quê, ở cùng trại, thuộc Trung đoàn 52 cho tôi. Banh đã lấy cái áo len chandail đổi được lon guigoz đường. Banh chia cho tôi một nửa. Tôi nhận, nhưng vẫn rầy la. Banh nói, một câu nói mà tôi vẫn nhớ mãi: “Một đời ta bằng ba đời nó”. Banh không đi theo diện HO, vẫn ở lại Việt Nam, và được biết đã chết trên vùng Cao Nguyên). Một thời gian ngắn sau đó được tin Thiếu tá Bảy qua đời vì kiệt sức. Một nấm mồ chôn vội tại chân núi thuộc xã Cẩm Nhân, huyện Yên Báy, tỉnh Hoàng Liên Sơn.

    Một buổi sáng chủ nhật cuối năm 1976 tại Hoàng Liên Sơn. Đối với bọn tù “cải tạo”, chủ nhật không phải là ngày cuối tuần, cũng không phải là ngày nghỉ, hay nói đúng hơn, chỉ được nghỉ một buổi chiều không lao động để tắm giặt, nhưng cũng phải họp hành kiểm điểm. Lao động ngày chủ nhật gọi là “Lao động Xã hội Chủ nghĩa!”. Bọn tù “ngụy” phải vào rừng lấy củi mang về cho bếp của trại. Tôi gặp một người bạn tù. Tôi nhìn anh, anh nhìn tôi mấy lần. Tôi hỏi:

    “Tôi thấy anh quen quen. Không biết đã gặp anh ở đâu?

    “Tôi là Đại úy Sáu, Trưởng Ban 3 Tiểu đoàn của Thiếu tá. Thiếu tá không nhớ sao?”

    “Xin lỗi. Tôi không nhớ. Vậy anh làm Ban 3 lúc nào, ở đâu?”

    “Lúc đó Tiểu đoàn đang hành quân ở vùng Tân Uyên, Biên Hòa,…”

    “À, tôi nhớ ra rồi. Lúc đó Thiếu úy Tuyển làm Sĩ quan Truyền tin?”

    “Đúng vậy”.

    Là một chiến hữu, là đồng đội làm việc sát cánh bên nhau, đã từng cùng nhau “vào sinh ra tử”, từng cùng nhau “gối đất nằm sương”, sao lại có thể chóng quên ! Có thể vì Sáu chỉ phục vụ tại Tiểu đoàn trong một thời gian ngắn, mà lúc đó thì đơn vị chạm địch liên miên.

    Thời gian gần đây, thỉnh thoảng tôi bắt gặp những e-mail hay cú điện thoại từ trời Âu hay Việt Nam thăm hỏi. Cũng có lúc qua các lời nhắn trên các đài phát thanh ở Cali hay Houston, do bạn bè quen biết nói lại. Tôi đã có dịp nói chuyện điện thoại với anh Út, một Hạ Sĩ quan trẻ, Trưởng toán Kỹ thuật thuộc Phòng 7 Bộ Tổng Tham Mưu, đã làm việc sát cánh với tôi trong “Trận Chiến Cuối Cùng” tại Xuân Lộc. Toán Kỷ thuật của Út đặt tại Núi Thị, căn cứ hỏa lực, nơi trấn đóng của Tiểu đoàn 2/43 trong suốt 12 ngày đêm của trận chiến ác liệt. Được biết Út đang định cư ở San Diego, Cali., rất thành công trên xứ người.

    Tình bạn, tình đồng đội, tình chiến hữu, mặc cho thời gian trôi đi, vẫn mãi mãi không bao giờ phai nhạt. Sau cuộc chiến, nước mất nhà tan, mỗi người trôi nổi một nơi. Có dịp gặp lại nhau, mừng mừng tủi tủi. Chuyện xưa, chuyện nay, tâm sự không dứt. Địa lý không gian cách trở. Ai còn ai mất, cũng chỉ biết qua điện thoại, e-mail, hay tình cờ thấy tên bạn trên mục cáo phó của một tờ báo.

    “Thương hải biến vi tang điền”.
    “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.


    Michigan, một ngày hè nắng cháy, năm 2011
    BẢO ĐỊNH.
    Last edited by Longhai; 05-01-2021, 12:44 AM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X