Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Con đường chết chóc đi tìm 'miền đất hứa'

Collapse
X

Con đường chết chóc đi tìm 'miền đất hứa'

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Con đường chết chóc đi tìm 'miền đất hứa'

    Con đường chết chóc đi tìm 'miền đất hứa'

    TTO - Từ lâu, Liên Minh Châu Âu nói chung cùng nước Anh nói riêng đã đối mặt với làn sóng người di cư. Và trên đường tìm đến 'miền đất hứa', họ đã trở thành nạn nhân của bọn đưa người lậu và các băng nhóm tội phạm.



    Con đường chết chóc đi tìm miền đất hứa

    Nước Anh bị sốc trước thảm kịch 39 người chết trong thùng xe đông lạnh đi từ Bỉ sang Anh. Từ lâu, Liên Minh Châu Âu nói chung cùng nước Anh nói riêng đã đối mặt với làn sóng người di cư. Và trên đường tìm đến "miền đất hứa", họ đã trở thành nạn nhân của bọn đưa người lậu và các băng nhóm tội phạm.

    1. Tử thần rình rập trên đường đến Anh

    Anh thanh niên Yonas (tên đã thay đổi, 27 tuổi) kinh hoàng khi hay tin tìm thấy 39 thi thể trong thùng xe đông lạnh ở Anh. Chưa đầy một tháng trước, anh từng trốn sau xe tải vào Anh mà không hề nghĩ đến chuyện phải trả giá bằng mạng sống.

    Chuyến đi trong thùng xe
    Yonas rời Eritrea năm 2014 sau khi có nguy cơ bị bắt nhốt vì muốn trốn nghĩa vụ quân sự. Mục tiêu anh tìm đến là nước Anh - là "miền đất hứa" như nhiều người ca ngợi. Anh sống lang bạt ở Châu Phi và Châu Âu trong 5 năm rồi đến Bỉ sống gần 5 tháng trước khi may mắn vào Anh trót lọt.

    Từ Anh, Yonas đã kể lại câu chuyện của anh qua điện thoại với phóng viên báo Le Dauphine Libéré (Pháp): "Đêm nào tôi cũng cố leo lên xe tải để đi qua biển Manche. Người di cư bây giờ thường thử vận may ở các bãi đậu xe tại Bỉ vì các bãi đậu xe ở Pháp bị giám sát rất chặt".

    Rất nhiều lần anh thất bại. Có khi tài xế xe tải phát hiện và lôi cổ anh xuống. Trong nhiều lần khác, cảnh sát hoặc nhân viên hải quan phát hiện trước khi xe vào cảng ở Pháp hoặc Bỉ.

    Với kinh nghiệm nhiều năm ăn bờ ngủ bụi tìm đường nhập cảnh lậu, Yonas cho biết bọn đưa người nhập lậu khẳng định sẽ bao an toàn với giá từ 500 - 800 Euro nhưng anh không đủ tiền trả. Một số bãi đậu xe do bọn đưa người Sudan làm trùm, một số bãi khác thuộc địa bàn của bọn Chad. Còn tại Calais (Pháp) có một bãi đậu xe do bọn Bangladesh kiểm soát.

    Cuối tháng 9-2019, nhân có một chiếc xe đầu kéo từ Romania đến bãi đậu ở Tournai (Bỉ), Yonas đột nhập vào xe, trốn giữa đống thùng đựng cà phê gói cùng sáu người di cư có gốc gác ở vùng Sừng Châu Phi (Horn of Africa).

    Rạng sáng, xe tải lên đường qua cảng Calais để sang Anh. Yonas và các hành khách bí mật không bị phát hiện vì cảnh sát không đủ thời gian kiểm tra hết các xe tải. Chuyến đi chỉ kéo dài vài giờ. Những người di cư vui mừng rời khỏi xe đầu kéo ở cảng Dover (Anh) vì đã đến nơi an toàn.

    Cảnh sát Anh đưa họ đến cơ quan nhập cư, nơi họ có thể xin tị nạn. Yonas lưu lại vài ngày trong trung tâm tiếp nhận người tị nạn ở London rồi được chuyển đến một thị trấn nhỏ gần Leeds (cách London 195km).

    Chưa đầy một tháng sau, Yonas được ở trong phòng đơn, còn phòng tắm và nhà bếp sử dụng chung với ba người di cư khác. Anh lãnh 35 bảng Anh (41 Euro) mỗi tuần để nuôi sống bản thân.

    Yonas nói: "Tôi chưa có quyền làm việc hợp pháp, nhưng có nhiều việc làm chợ đen ở Anh". Anh hy vọng sớm có giấy phép lưu trú 5 năm để đi xin việc và dự định đi học trở lại. Nước Anh vẫn còn sức hấp dẫn đối với nhiều người di cư như Yonas. Anh chưa từng ngủ đêm nào ngoài đường.

    Yonas nhận xét: "Nếu ở Pháp hay Bỉ, tôi không có cơ hội có chỗ ở nhanh như thế và tối thiểu phải đợi một hoặc hai năm".


    Camera giám sát của Cảnh sát Pháp ghi cảnh người di cư lên xe tải chuẩn bị sang Anh

    Đi thường và đi VIP
    Nhà Xã hội Học Simeng Wang thuộc Trung Tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) là tác giả cuốn sách Ảo Tưởng và Đau Khổ - Những người di cư Trung Quốc tại Paris xuất bản năm 2017.

    Bà giải thích có ba đường dây đưa người di cư Trung Quốc sang Anh. Con đường trực tiếp là xin visa du lịch rồi đáp máy bay sang Tây Âu. Con đường thứ hai là đi chuyến bay ngắn hơn đến các nước Đông Âu, sau đó các đường dây đưa người lậu sẽ đưa sang Pháp hoặc Anh bằng tàu hỏa, xe hơi hay xe tải.

    Con đường cuối cùng ít phổ biến nhất là đi tàu. Một người Trung Quốc đã từng từ Trung Quốc đi Nam Phi rồi qua Gibraltar đến Marseille (Pháp). Chi phí tốn từ 15.000 - 30.000 Euro mỗi đầu người.

    Một số người ở Đông Nam Á đi qua Trung Quốc và Nga hoặc đáp chuyến bay thẳng đến Paris theo thị thực Schengen (trường hợp này hiếm xảy ra).

    Cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, nhiều người từng làm việc ở các nước thuộc Liên Xô cũ như Nga, Hungary, Ba Lan, Cộng Hòa Czech đã từ các nước này tìm đường sang Đức, Bỉ, rồi sau đó tiếp tục đến Paris (Pháp).

    Paris là chặng quá cảnh trước khi đến Angres (cách Paris hơn 200km) rồi tiếp tục đến Calais (tỉnh Pas-de-Calais, cách Paris 320km) chờ thời cơ vượt biển Manche sang Anh. Đoạn đường từ Calais trở đi khó khăn hơn và tốn tiền hơn do có nhiều trạm Cảnh sát.

    Có hai cách để đi từ Calais sang Anh. Đi cách thông thường giá rẻ hơn, từ 3,000 - 4,000 Euro, còn đi VIP khoảng từ 10,000 - 14,000 Euro. Người di cư sang Anh theo cách thường, bọn đưa người lậu chỉ giữ vai trò dẫn đường và tư vấn để giúp người di cư bí mật leo lên xe tải mà tài xế không hay biết, tìm chỗ ở, chu cấp ăn uống cho đến khi "đầu xuôi đuôi lọt".

    Một số người cố đi cách thường nhiều lần nhưng không thành công, bèn chấp nhận chi tiền đi cách VIP (nếu đủ tiền). Đi VIP nhanh hơn và được bọn đưa người bảo đảm đi lọt.

    Người di cư đi theo cách VIP không lây lất sống trong lán trại ở Angres mà ngủ khách sạn ở Calais hoặc Dunkerque. Tài xế xe tải đồng lõa với bọn đưa người sẽ cho họ ngồi cabin.

    Ngày 8-7-2016, tòa án ở Dunkerque đã mở phiên tòa xét xử bốn người Việt phạm tội tổ chức đưa người lậu từ Furnes (Bỉ) sang Anh trái phép với sự đồng lõa của tài xế xe tải. Các bị can khai tiền công nhận được từ 10.000-14.000 euro...


    Người di cư châu Phi vượt Địa Trung Hải chờ tàu cứu nạn ngoài khơi Libya - Ảnh: UNHCR

    3 tuyến đường từ Châu Phi sang Châu Âu
    Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (HCR) ghi nhận phần lớn người di cư từ Châu Phi sang Châu Âu bằng cách qua Địa Trung Hải đến Hy Lạp, Ý và Tây Ban Nha. Có ba lộ trình chủ yếu.

    Đường thứ nhất được gọi là "đường Trung Tâm Địa Trung Hải" đi từ Libya hoặc Tunisia sang Ý, được dân Nigeria, Guinea và Bờ Biển Ngà (Ivory Coast) sử dụng.

    Đường thứ hai là "đường phía Đông Địa Trung Hải" đi từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Hy Lạp, được dân Syria, Iraq và Afghanistan sử dụng.

    Đường thứ ba là "đường phía Tây Địa Trung Hải" đi từ Morocco sang Tây Ban Nha, được dân Morocco, Algeria và Bờ Biển Ngà (Ivory Coast) sử dụng.

    Ngoài ra còn có một số con đường phụ, nhất là đường phía Tây bán đảo Balkan nối Hy Lạp với Đông Âu. Từ các nước đầu cầu tiếp nhận, người di cư tiếp tục đi Pháp và Anh.

    Biển Manche nối Pháp với Anh là điểm qua lại phổ biến từ giữa thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Người di cư Châu Âu dừng chân trên bờ biển trước khi xuống tàu sang Mỹ. 100 năm sau, người di cư từ các nước nghèo khổ, chiến tranh cũng qua bờ biển này, nhưng bây giờ "miền đất hứa" là nước Anh.

    Chuyến xe tử thần
    Cách đây bốn năm, vào ngày 27-8-2015 tại Áo, mùi tử khí bốc lên từ một chiếc xe tải đông lạnh đậu trên làn dừng khẩn cấp trên đường cao tốc cách biên giới Hungary khoảng 20km. Cảnh sát nhận được tin báo đã đến nơi kiểm tra.

    Bên trong thùng xe rộng 14m² là 71 thi thể gồm 59 nam giới, 8 phụ nữ và 4 trẻ em. Các nạn nhân là người di cư Afghanistan, Syria và Iraq. Họ đã chết ngạt khoảng ba tiếng sau khi xe tải rời biên giới Serbia.


    *******

    2. Bờ biển Manche là điểm dừng 'transit'


    Cảnh sát Bỉ kiểm tra xe tải để ngăn chặn người di cư tìm đường sang Anh - Ảnh: MAXPPP

    TTO - La Voix du Nord (Pháp) từng đưa tin người dân địa phương nhìn thấy một người di cư Việt Nam trong điệu bộ hốt hoảng đã đưa đến đồn Cảnh sát thị trấn Liévin (tỉnh Pas-de-Calais) trình báo.

    Biển Manche nối liền Pháp với Anh là điểm qua lại phổ biến từ giữa thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Rất nhiều người di cư châu Âu dừng chân bên bờ biển này trước khi xuống tàu sang Mỹ...

    Tiền trao cháo múc
    100 năm sau, người di cư chủ yếu là dân các nước vùng Sừng Châu Phi (Horn of Africa), Trung Đông, Afghanistan, Iran cũng qua bờ biển này nhưng bây giờ tìm đến "miền đất hứa" nước Anh.

    Điểm quá cảnh của họ trước khi đến Anh là thị trấn Calais thuộc tỉnh Pas-de-Calais (miền Bắc nước Pháp) hoặc Angres cách Calais gần 100km. Calais chỉ cách biển Manche 38km.

    Từ Angres đi cảng Calais mất 90 phút rồi từ cảng này sang Anh mất ngần ấy thời gian, ráng chịu đựng ba giờ là thoát nạn.

    Tháng 12-2002, trung tâm dành cho người di cư của Hội Chữ Thập Đỏ (Red Cross) cách Calais 10km bị đóng cửa.

    Người di cư tản ra dọc bờ biển Manche dựng lán trại. Khi Pháp tăng cường biện pháp kiểm soát và các chốt biên giới tăng cường kiểm tra, chuyện vượt biên từ Pháp sang Anh ngày càng khó.

    Người di cư buộc phải sống lây lất gần các điểm xe tải có thể dừng lại như cảng, trạm dừng nghỉ, trạm dịch vụ ở khắp miền bắc nước Pháp và ở Bỉ để tìm cơ hội leo lên xe tải.

    Cảnh sát Pháp đã nhiều lần mở chiến dịch giải tỏa các lán trại cất trái phép, người di cư vẫn tìm cách bám trụ.

    Thời gian chờ đợi để bọn đưa người lậu sắp xếp đi sang Anh có thể kéo dài đến một năm rưỡi. Nguy cơ bị cảnh sát bắt trong thời gian chờ rất cao. Người di cư muốn yên thân phải răm rắp nghe theo lời bọn đưa người lậu và phải "tiền trao cháo múc" hẳn hoi.

    Nếu tiếc tiền, không muốn sử dụng "dịch vụ" của bọn đưa người lậu và mạo hiểm tự tìm đường leo lên xe tải đi sang Anh, người di cư sẽ phải trả giá đắt.

    Báo La Voix du Nord (Pháp) đưa tin ngày 20-6-2014, người dân địa phương nhìn thấy một người di cư Việt Nam trong điệu bộ hốt hoảng, đã đưa đến đồn Cảnh sát thị trấn Liévin (tỉnh Pas-de-Calais) trình báo.

    Nạn nhân giải thích do không muốn sử dụng "dịch vụ" của bọn đưa người lậu nên tự đến trạm dừng chân ở Angres định trèo lên xe tải sang Anh. Bọn đưa người đã tóm lấy nạn nhân đánh đập không thương tiếc rồi khống chế suốt năm ngày.

    May mắn, nạn nhân tìm cách trốn qua cửa sổ. 10 ngày sau, cảnh sát bắt giữ khoảng 30 người Việt tại lán trại dựng tạm ở Angres. Cuối cùng, một người bị truy tố về tội tham gia băng nhóm đưa người sang Anh.

    Người di cư chờ đi ở Pháp đều biết chuyện Cảnh sát kiểm tra xe tải chỉ mang tính ngẫu nhiên nên một số người chấp nhận rủi ro sẵn sàng leo lên xe tải đông lạnh.

    Bọn đưa người lậu đã thuyết phục đi cách này an toàn hơn, có nhiều may mắn tránh được máy quét và chó nghiệp vụ.

    Người di cư lấy giấy bọc bằng nhôm trùm lên người vì tin rằng làm thế không bị máy quét phát hiện.

    Bọn đưa người lậu đã hướng dẫn khi sang đến Anh, người di cư phải xé bỏ giấy tờ, khai báo thông tin giả nếu bị bắt và tuyệt đối không được khai gì về bọn đưa người, nếu không sẽ bị trả thù.

    Nếu bị tài xế xe tải phát hiện hoặc bị cảnh sát bắt, họ có cơ hội được trả tự do ngay hoặc bị giam giữ tối đa 25 ngày. Khi được trả tự do, họ phải gọi điện thoại cho bọn đưa người thông báo địa điểm để được đưa trở lại Angres bằng xe taxi hoặc tự đi về bằng tàu hỏa hoặc xe buýt.

    Nếu tiếc tiền, không sử dụng “dịch vụ” của bọn đưa người lậu, dân di cư sẽ phải trả giá đắt.

    Báo La Voix du Nord


    Đường đến Calais (Pháp), cảnh sát canh gác người di cư bám theo xe tải tìm cơ hội sang Anh - Ảnh: AFP

    Các băng nhóm giành địa bàn
    Một người di cư đã mô tả với tổ chức thiện nguyện France Terre d’asile (Pháp) về bọn đưa người lậu: "Không có bất kỳ hợp đồng nào hết. Tất cả đều dựa vào lời nói. Nhưng nói chung những người đưa đường đều giữ lời để giữ uy tín làm ăn".

    Trong tác phẩm Người di cư trên đường đi nói về những người di cư dừng lại bên bờ biển Manche chờ sang nước Anh, nhà nghiên cứu Olivier Thomas thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) nhận xét người di cư chọn đường dây đưa người nào còn phụ thuộc vào các yếu tố quốc gia và dân tộc.

    Ví dụ dân di cư Châu Á thường chọn các nhóm đưa người Châu Á. Dù vậy cũng có luật trừ. Trong một vụ bố ráp trên toàn Châu Âu vào tháng 11-2011, Cảnh sát phát hiện một đường dây đưa người Việt Nam từ Pháp và Bỉ sang Anh nhưng bọn đưa người lại là dân người Kurd Iraq.

    Tháng 11-2015, một ngư dân trẻ 24 tuổi ở Dunkerque (Pháp) thuộc dạng "ở nhà cháu rất hiền, chỉ lo làm ăn" đã bị tống giam vì tham gia đường dây đưa người vượt biên sang Anh bằng đường biển của bọn Albania.

    Chi phí mỗi người gần 14,000 Euro, ngư dân nọ được hưởng tiền "cò" 10%. Thông thường, chuyện vượt biển Manche sang Anh bằng đường thủy hơi bị hiếm vì đường thủy bị bố ráp rất gắt.

    Nói chung người di cư thuộc đường dây này đều lo sợ bị đường dây khác quậy phá. Bọn đưa người lậu mang quốc tịch Nga hoặc Chechnya đã từng nổ súng tống tiền dân di cư Châu Á đang ẩn náu tìm cơ hội leo xe tải sang Anh.

    Chúng đòi mỗi người cống nạp 500 Euro mỗi tháng mới được vào khu rừng gần trạm dịch vụ. Nhóm Châu Á chỉ đưa mỗi người 40 Euro. Bọn đầu gấu quay trở lại tấn công bằng chày và búa làm nhiều người bị thương.

    Cảnh sát bắt giữ hàng chục người di cư, sau đó ra lệnh trục xuất. Song người di cư Châu Á tạm lánh trong khu rừng gần đường cao tốc, xây dựng nơi trú ẩn tạm và tổ chức canh phòng suốt đêm để sẵn sàng đối đầu vì họ biết cảnh sát sẽ không động tay động chân.

    Đêm xuống, quả thật bọn đầu gấu quay lại nhưng lần này bị đập không trượt phát nào rồi bị nhốt trong trạm dịch vụ.

    Bảy tên bị truy tố về tội âm mưu tống tiền có tổ chức và bị kết án từ 3-5 năm. Dân di cư bình an vô sự vì công tố viên nhận định họ là nạn nhân và chỉ tự vệ.

    Tình trạng cạnh tranh giữa các nhóm cùng chung sắc tộc cũng xảy ra. Tại thị trấn Calais đã xảy ra nhiều vụ thanh toán giữa các băng nhóm đưa người trong lúc tranh giành xe tải, giành người di cư và đã có người chết.

    Trước đây, rất ít người di cư dám vượt biển Manche bằng đường biển nguy hiểm vì gió lộng, dòng chảy mạnh và giao thông hàng hải dày đặc. Nhưng gần đây, số người di cư vượt biển Manche bằng xuồng hơi tăng vọt...
    Sang Anh quá cực, thôi ở lại Pháp!

    Trong thời gian chờ sang Anh, do nhiều khó khăn mà đặc biệt là chi phí quá tốn kém, một số người di cư quyết định dừng chân ở lại Pháp.

    Người di cư được đầu mối quen biết ở Paris tìm chỗ thuê ở chung với những người đồng cảnh ngộ và tìm việc làm chợ đen. Họ được dặn dò phải sống kín đáo, đừng nói quá nhiều, đừng đòi hỏi gì hết để tránh bị cảnh sát Pháp bắt và trục xuất vì không có giấy tờ hợp pháp.

    Ban đầu, họ tính toán đi làm kiếm tiền trang trải chi phí sang Anh nhưng rồi dần dà từ bỏ ý định và quyết định ở lại Paris đi làm trả nợ và tích góp tiền gửi về nhà.

    Trước đây, rất ít người di cư dám vượt biển Manche bằng đường biển nguy hiểm vì gió lộng, dòng chảy mạnh và giao thông hàng hải dày đặc. Nhưng gần đây, số người di cư vượt biển Manche bằng xuồng hơi tăng vọt...


    *******

    3. Liều mạng vượt biển sang Anh

    TTO - Những người di cư ở thị trấn Calais (tỉnh Pas-de-Calais, miền Bắc nước Pháp) tưởng như đã chạm vào giấc mơ 'miền đất hứa' Anh khi nhìn thấy rõ những vách đá trắng của hạt Kent (Anh) vào lúc trời trong...


    Ngày càng có nhiều người di cư liều mạng vượt biển Manche bằng đường biển sang Anh - Ảnh: AFP

    Điều cô ấy làm, chúng tôi là đàn ông không làm được. Chúng tôi không đủ can đảm như cô ấy

    Một người đi chung xuồng nhận xét về chị Mitra Mehrad

    Cái chết của người phụ nữ can đảm
    Ông Georges là dân địa phương đang giúp đỡ nhân đạo cho người di cư đã thở phào giải thích: "Họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì để vượt qua 33km eo biển Manche. Một số người thậm chí còn dùng xuồng hơi vượt biển lúc trời lạnh 8°C".

    Trước đây, rất ít trường hợp người di cư dám vượt biển Manche bằng đường biển vì quá nguy hiểm. Đây là hành trình đối diện tử thần vì gió lộng, dòng chảy mạnh và giao thông hàng hải dày đặc.

    Thời gian gần đây, số người di cư vượt biển Manche bằng xuồng hơi tăng vọt. Người dám liều mạng vượt biển thường là dân Iran và Iraq. Trong năm 2018 có 71 vụ được ghi nhận, trong đó có 40 vụ thành công. Còn năm trước đó chỉ có 12 vụ.

    Chị Mitra Mehrad, 31 tuổi, người Iran, được coi là trường hợp người di cư tử nạn đầu tiên khi vượt biển Manche sang Anh bằng đường biển. Vào ngày định mệnh 9-8-2019, chị đi chung xuồng hơi với 19 dân di cư người Afghanistan và Iran. Ba người trên xuồng nhảy xuống biển để cố cột xuồng vào phao nổi. Hai người còn sống, chỉ có chị mất tích.

    Những người trên xuồng chứng kiến sự việc, nhưng không làm gì được. Một người đi chung kể với kênh truyền hình Sky News (Anh): "Điều cô ấy làm, chúng tôi là đàn ông đã không làm được. Chúng tôi không đủ can đảm như cô ấy".

    Do hết xăng và không mang theo chèo, xuồng bị trôi và cuối cùng được hải quân Anh vớt. Gần 10 ngày sau, thi thể chị Mitra Mehrad được tìm thấy gần bờ biển Hoà Lan. Nạn nhân có bằng thạc sĩ tâm lý học do Đại Học ở Thái Lan cấp.

    Ngày 11-10, tòa án ở Boulogne-sur-Mer (tỉnh Pas-de-Calais) đã mở phiên tòa xét xử hai tên cầm đầu đường dây đưa người lậu gồm một công dân Afghanistan và một công dân Hoà Lan với tội danh lập băng nhóm có tổ chức đưa lậu người nước ngoài nhập cảnh và lưu trú trái phép tại Pháp, câu kết với bọn xấu và vô ý làm chết người.

    Phiên tòa được hoãn đến giữa tháng 12-2019. Trong tháng 8 và 9-2018, hai bị cáo đã tổ chức nhiều chuyến vượt biển Manche bằng đường biển. Chúng mua 6-8 xuồng hơi với giá từ 2.000 - 3.000 Euro mỗi xuồng rồi thu của người di cư từ 1.000 - 3.000 Euro tiền công đưa người sang Anh.

    Khi chính quyền Pháp quyết tâm giải tỏa các lán trại của người di cư, nhất là ở Calais trong năm 2016 và 2017, người di cư muốn sang Anh đã thay đổi ý định. Thay vì chờ các băng nhóm đưa người tổ chức chuyến đi, họ đã liều mình vượt biên.

    Ông Tom Dowdall - Phó giám Đốc Cơ quan Phòng Chống Tội Phạm Quốc Gia Anh (NCA) - giải thích trên báo The Telegraph (Anh): Việc Pháp tăng cường củng cố an ninh có thể thúc đẩy bọn đưa người vượt biên liều lĩnh chọn các tuyến đường dễ dàng hơn và các cảng ít kín đáo hơn như cảng Zeebrugge ở Bỉ.

    Chúng nghĩ rằng Zeebrugge là cảng vận chuyển hàng hóa và container nên không được trang bị để phát hiện người di cư, như vậy xác suất thành công sẽ cao hơn. Chúng cũng có thể thực hiện các cách thức đưa người vượt biên đầy nguy hiểm hơn như dồn người vào thùng xe đông lạnh hay dồn người trên xuồng cao tốc vượt biển Manche.


    Người di cư ở Calais thu dọn lều khi hay tin có lực lượng truy quét - Ảnh: AFP

    Như bắt cóc bỏ đĩa
    Hiện nay, cách thức vượt biên sang Anh phổ biến nhất vẫn là trốn sau xe tải. Năm ngoái đã có gần 26.000 người di cư trốn trong xe ôtô và xe tải bị phát hiện tại cảng Calais và đường hầm qua biển Manche, trong đó 60% lên xe tại Bỉ. Con số nêu trên tuy lớn nhưng xem ra đã giảm 50% so với trước khi "khu rừng rậm Calais" (khu lán trại của người di cư ở ngoại ô Calais) bị giải tỏa.

    Rạng sáng 24-10-2016, cảnh sát Pháp bắt đầu chiến dịch quy mô giải tỏa "Khu rừng rậm Calais". 170 xe ca được huy động để chở người di cư. Khu lán trại này hình thành từ đầu thập niên 2,000 bên cạnh lối vào đường hầm qua biển Manche và khu vực cảng Calais. Trước khi bị giải tỏa có khoảng 6,400 người di cư tứ xứ dựng lán trại sinh sống.

    Hơn ba năm sau, tỉnh Pas-de-Calais ghi nhận số lượng người di cư đã giảm 20 lần, chỉ còn khoảng 300 người so với năm 2016. Chính quyền thường xuyên tổ chức kiểm tra để ngăn chặn người di cư chiếm dụng đất tư nhân hoặc đất công dựng trại. Một người nhập cư than thở: "Cứ cách ngày, buổi sáng cảnh sát lại đến dỡ lán trại, phá lều và mang đi hết các thứ, kể cả quần áo".

    Báo La Voix du Nord ghi nhận vào đầu tháng 9-2019, người di cư phân tán nhiều nơi, nhưng vẫn tiếp tục dựng lều theo từng nhóm nhỏ. Khi hay biết có cảnh sát bố ráp, họ gom lều đi nơi khác uống cà phê chờ rồi sau đó quay lại chỗ cũ dựng lán.

    Cảnh sát chơi trò "bắt cóc bỏ đĩa" trong khi dân địa phương la làng tố người di cư vứt rác tùm lum khiến chuột nghe mùi kéo tới, ăn ở bẩn thỉu, gây ồn ào và mất an ninh. Ban đêm thanh niên di cư chẳng biết làm gì bèn đem bóng ra chơi rầm rầm giữa đường lộ rồi còn nổi hứng đốt lửa trại.

    Trong vụ đưa người vượt biển Manche sang Anh với chị Mitra Mehrad là nạn nhân, bọn đưa người vượt biên vô đạo đức đã chọn cách thức nguy hiểm này vì lo sợ viễn ảnh sau Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu), tình hình di dân sẽ trở nên khó khăn hơn.

    Chuyên gia về nhập cư François Gemenne - Giáo sư Học viện Chính trị Paris (Pháp) - bộc bạch: "Càng gần đến Brexit, càng có nhiều người di cư muốn vào Anh nhanh chóng do họ sợ sẽ khó đi hơn. Biên giới sẽ đóng giữa bờ biển Anh với Pháp và Bỉ. Thật không may chúng ta sẽ chứng kiến nhiều thảm kịch mới của người di cư vì họ đã sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro để vượt qua".

    Đến nay, cho dù xác suất đi trót lọt sang Anh ngày càng thấp và cuộc sống ngày càng bấp bênh làm tăng thêm chi phí, người di cư vẫn tiếp tục bám trụ tại Calais chờ ngày đến "miền đất hứa".

    Tuần tra ngăn chặn vượt biển
    Tháng 1-2019, Pháp và Anh đã đưa ra kế hoạch hành động chung ngăn chặn di cư trái phép bao gồm tổ chức tuần tra trên biển cũng như trên đất liền, nâng cao nhận thức của những người bán thiết bị hàng hải, đồng thời tăng cường an ninh tại cảng.

    Ngăn chặn vượt biên trên biển Manche cũng trở thành một trong những nhiệm vụ ưu tiên của hiến binh thị trấn Neufchâtel-Hardelot (tỉnh Pas-de-Calais). Mỗi ngày họ đi bộ hoặc đi xe máy tuần tra khắp các bãi biển rộng lớn.

    Chỉ huy đơn vị giải thích: "Bọn đưa người vượt biên lậu thường giấu xuồng hơi trong cồn cát để bí mật ra đi ban đêm". Các hiến binh đã phát hiện nhiều xuồng hơi trang bị động cơ, bình xăng, máy bơm hơi. Tất cả đều là hàng mới mua.

    Người di cư tứ xứ đổ xô về Pháp và Bỉ chờ thời cơ vượt biên sang Anh. Vì sao? Nhà nghiên cứu Pascal De Gendt người Bỉ đã đưa ra năm lý do giải thích trong báo cáo dày 20 trang: "Nước Anh, miền đất hứa của dân di cư? Phân tích "giấc mơ Anh""...


    *******

    4. Vỡ mộng ở Anh

    TTO - Xã hội đa văn hóa và dễ tìm việc, dễ dàng xin tị nạn... 'miền đất hứa' nước Anh thật ra chỉ là ảo tưởng.


    Trung tâm giam giữ người di cư bất hợp pháp ở Anh - Ảnh: Reuters

    Aro (tên đã thay đổi) là người dân tộc Kurd cư trú ở Sulaymaniyah thuộc đông bắc Iraq. Anh trốn khỏi Iraq năm 2015 sau khi bọn Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) xuất hiện, đi qua Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria, Serbia rồi dừng chân tại Thụy Điển...

    Xã hội đa văn hóa và dễ tìm việc
    Ba năm sau, Thụy Điển bác đơn xin tị nạn của Aro với lý do Iraq đã an toàn, chiến tranh ở đó không còn khốc liệt. Aro quyết định sang Ý nhưng nửa đường bị bắt ở Đức vì thiếu giấy tờ. Khó khăn đến được Ý, chính quyền lại muốn trục xuất anh.

    Giữa tháng 9-2019, Aro chi 100 Euro cho người đưa đường vượt biên giới sang Pháp rồi đi tàu hỏa đến Paris. Đêm xuống, anh ngủ dưới chân tháp Eiffel. Sau cái đêm lạnh lẽo đó, Aro lần dò tìm đến Grande-Synthe (miền bắc Pháp) dựng lều ngủ trong rừng. Hai tháng nay, chàng trai 29 tuổi này vẫn nuôi hi vọng sang Anh làm việc trong ngành tin học.

    Người di cư tứ xứ đổ xô về Pháp và Bỉ chờ thời cơ vượt biên sang "miền đất hứa" Anh. Vì sao như vậy? Nhà nghiên cứu Pascal De Gendt người Bỉ đã đưa ra năm lý do giải thích trong báo cáo dày 20 trang với đầu đề "Nước Anh, miền đất hứa của dân di cư? Phân tích "giấc mơ Anh".

    Đầu tiên, tiếng Anh là ngôn ngữ được sử dụng toàn cầu và là ngôn ngữ chính ở một số nước. Năm 2015, Cơ quan Đấu tranh chống nhập cư trái phép (Anh) ghi nhận hầu hết người xin tị nạn đến năm 2014 và 2015 là dân Eritrea, Pakistan hay Syria, tức các nước có tiếng Anh là ngôn ngữ chính hoặc sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, tiếng Anh chưa hẳn là yếu tố quyết định.

    Lý do thứ hai, xã hội Anh cởi mở hơn với người nước ngoài. Đài BBC đã điều tra cho thấy một bộ phận người di cư ngoài Châu Âu từng sống hợp pháp nhiều năm ở một số nước Châu Âu có phúc lợi xã hội tốt như Bắc Âu, Hoà Lan cũng tìm đến Anh.

    Xã hội Anh từ lâu đã công nhận quyền bảo tồn văn hóa truyền thống. Ngoài ra, Anh luôn cổ súy tự do ngôn luận. Một giáo sĩ Hồi giáo có quyền giảng đạo. Các tín đồ Hồi giáo Salafi có quyền chọn lựa sống theo lời giáo sĩ đó.

    “Miền đất hứa nước Anh chỉ là ảo tưởng.

    Nhà nghiên cứu Bỉ Pascal De Gendt

    Tuy nhiên, Anh cũng không thoát khỏi chủ nghĩa bài ngoại nói chung và bài Hồi Giáo nói riêng. Mùa hè năm 2001, các công dân không theo đạo Hồi và tín đồ Hồi Giáo đụng độ dữ dội. Từ đó phơi bày lỗ hổng chính của mô hình đa văn hóa là các cộng đồng phát triển song song nhưng lại không hòa nhập với nhau.

    Số vụ xung đột sắc tộc tăng đột biến sau vụ bốn tên khủng bố Hồi giáo đánh bom tàu điện ngầm London ngày 7-7-2005 và trong thời gian trưng cầu ý dân về Brexit tháng 6-2016. Thật ra người di cư ít quan tâm đến các sự cố nêu trên vì họ muốn đến Anh để đoàn tụ gia đình, học hành hoặc đơn giản vì có nhiều đồng hương ở Anh sẵn sàng giúp đỡ tìm chỗ ở, việc làm.

    Dễ tìm việc làm ở Anh là lý do thứ ba và đây chính là yếu tố chính. Anh có tỉ lệ thất nghiệp thấp. Thị trường lao động hấp dẫn hơn vì việc làm không khai báo cũng không sao. Năm 2015, một phóng viên BBC giấu camera giả vờ là người di cư đi tìm việc ở hai quận gần biển Manche nhất (Sussex và Kent).

    Trong 10 giờ tiếp xúc với các tiểu thương và doanh nghiệp, anh được mời hàng tá công việc dù anh cho biết không có giấy phép lao động. Tiền lương giờ được đề nghị dưới mức tối thiểu hợp pháp (6,70 bảng/giờ). Một số nhà tuyển dụng còn chỉ cách tránh bị kiểm tra.

    Nước Anh đã nhận thức được vấn đề và từ năm 2006 điều chỉnh các quy định pháp lý để trừng phạt chủ thuê lao động trái phép. Năm 2015 đã có gần 2,000 vụ kết án.

    Song dù thiếu chứng minh thư, người di cư bất hợp pháp vẫn có thể sử dụng thẻ lưu trú có thông tin sinh trắc (BRP - cấp cho người nước ngoài ở lại hơn sáu tháng) và thẻ đăng ký tị nạn (ARC - cấp cho người xin tị nạn). Ước tính có 10% công việc ở Anh là việc làm không đăng ký.


    Người di cư từ châu Phi vượt Địa Trung Hải sang Hy Lạp để tìm đường đến Anh - Ảnh: AFP

    Không dễ dàng xin tị nạn
    Anh chống nhập cư lậu cứng rắn hơn, do đó đã chấm dứt hai huyền thoại phổ biến nơi người di cư là Anh dễ dàng cấp quyền cư trú và hào phóng với người xin tị nạn.

    Căn cứ số liệu thống kê toàn Châu Âu, Anh xét đơn xin tị nạn khắt khe nhưng nếu đương đơn khiếu nại, Anh lại dễ chấp thuận hơn. Đây chính là lý do thứ tư. Song trong thời gian khiếu nại, đương đơn không được hưởng trợ cấp.

    Trước đây, nếu không bị đưa vào trung tâm giam giữ để chờ xét đơn khiếu nại, người xin tị nạn sẽ nhận được 36 bảng/tuần, còn gia đình nhận được 73,9 bảng. Nhưng từ tháng 4-2017, khoản trợ cấp này không còn nữa vì Anh muốn ngăn chặn khiếu nại.

    Anh cho rằng đối với một công dân không thuộc Châu Âu, tài chính không đủ là vi phạm các điều kiện cư trú hợp pháp và có thể bị trục xuất.

    Lý do cuối cùng liên quan đến quy định Dublin. Theo quy định Dublin của EU, phải trả người xin tị nạn về quốc gia nơi người này đặt chân đầu tiên đến Châu Âu. Người di cư hi vọng sau Brexit, quy định Dublin sẽ bị bãi bỏ. Song không có gì bảo đảm sau Brexit Anh sẽ hủy bỏ quy định này.

    Tóm lại, không có lý do để kết luận Anh áp dụng chính sách linh hoạt hơn với người di cư nói chung và người xin tị nạn nói riêng. Ngược lại, Anh tiếp tục thắt chặt chính sách nhập cư như đã cấm người cư trú bất hợp pháp thuê nhà hoặc mở tài khoản.

    Tình hình sẽ tồi tệ hơn đối với người xin tị nạn vì chính sách mới của Anh là chỉ ủng hộ quyền tị nạn tạm thời trong năm năm (có thể gia hạn), chứ không dễ cho định cư lâu dài.

    Nhà nghiên cứu Pascal De Gendt kết luận: "miền đất hứa" nước Anh chỉ là ảo tưởng. Nhưng ai có lợi khi nuôi dưỡng giấc mơ này? Đó là bọn đưa người vượt biên lậu, kiếm tiền trên chính giấc mơ và mạng sống của những người đi tìm "miền đất hứa".

    Bị dụ dỗ đi trồng cần sa
    Theo điều tra của Tổ chức phi chính phủ Alliance Anti-Trafic (Pháp), hơn 50% số người di cư Việt Nam được bọn tổ chức vượt biên hứa hẹn khi đến Anh sẽ có việc làm như nhân viên nhà hàng, tạp vụ, giúp việc, giữ trẻ với mức lương tháng từ 400 - 500 Bảng Anh, thậm chí lên 2,500 bảng. Song 80% đến Anh không có việc làm vì người di cư không nói được tiếng Anh và không có mạng lưới giúp đỡ.

    Một số người liều đi trồng cần sa (bọn đưa người gọi là "trồng cây thuốc"). 100m2 được 10kg cần sa sau ba tháng, bán được gần 30,000 bảng. Tỉ lệ ăn chia 6/4, trong đó người trồng hưởng 40%, chủ hưởng 60%. Tuy nhiên, điều kiện lao động rất tệ như sử dụng hóa chất, chỗ trồng kín và thiếu ánh sáng; điện câu móc dễ chết người, chưa kể các băng nhóm canh me đến cướp. Người di cư không ý thức đây là hoạt động phi pháp cho đến khi bị cảnh sát bắt.

    17 đối tượng trong đường dây đưa người vượt biên lậu sang Anh ở vùng Hauts-de-France (Pháp) đã bị bắt cuối tháng 6-2019. Chúng tổ chức vượt biên 259 chuyến, trong đó 167 chuyến thành công và 92 chuyến thất bại, thu lợi gần 3,6 triệu Euro...


    *********

    5. Kỳ cuối

    TTO - 17 đối tượng trong đường dây đưa người vượt biên lậu sang Anh ở vùng Hauts-de-France (Pháp) đã bị bắt cuối tháng 6-2019.


    Lao động nhập cư Trung Quốc trình giấy tờ khi cảnh sát truy quét ở Primorye, Nga - Ảnh: asialyst.com

    Cảnh sát nhiều nước Châu Âu phối hợp Tổ chức Cảnh sát Châu Âu (Europol) và Tổ chức Tư Pháp Châu Âu (Eurojust) điều tra. Các tài xế làm việc cho công ty vận tải Romania rước người vượt biên ở Pháp, Bỉ và Hoà Lan...

    Ba cách đưa người vượt biên
    "Khách" trốn trong xe đi từ Bỉ rồi xuống tàu sang cảng Hall, Anh. 17 tên bị bắt gồm tên chủ mưu cùng 15 đồng bọn và tài xế ở Romania, Anh, Pháp.

    Đường dây này đã thực hiện 259 chuyến, trong đó 167 chuyến thành công và 92 chuyến thất bại. 327 "khách" đi trót lọt sang Anh, 140 người bị chặn ở biên giới. Bọn đưa người bỏ túi gần 3.6 triệu Euro.

    Cơ quan Phòng Chống Ma Túy và Tội Phạm của Liên Hiệp Quốc (UNODC) dẫn nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Di Cư và Chủng Tộc (Đại Học Amsterdam ở Hoà Lan) và Diễn đàn Châu Âu về nghiên cứu di cư Châu Âu (Đại học Bamberg ở Đức) phân tích có ba cách đưa người di cư trái phép.

    Cách thứ nhất - đưa người theo kiểu ứng biến. Người di cư tự đi theo đường hợp pháp bằng phương tiện giao thông công cộng đến địa điểm nào đó trong hành trình. Đến nơi, do không có giấy tờ nhập cảnh hợp pháp vào quốc gia đến hay quá cảnh, họ cần tìm bọn đưa người để bố trí nhập cảnh.

    Người di cư cách này thường là dân Đông Âu ít học và ít tiền. Chuyến đi không được tổ chức trước. Bọn đưa người chỉ đáp ứng dịch vụ ở vài công đoạn và thường xảy ra ở biên giới Mỹ - Mexico, Iran - Thổ Nhĩ Kỳ, Ý - Slovenia.

    Cách thứ hai - sử dụng giấy tờ giả như visa để nhập cảnh hoặc lưu trú bất hợp pháp, hộ chiếu giả, kết hôn giả. Người di cư không quen biết với bọn đưa người, nhận visa xong đi luôn mà không cần chúng trợ giúp. Người di cư có tiền thường đi theo cách này. Bọn đưa người phải bôi trơn nhân viên nhà nước ăn hối lộ để có giấy tờ giả.

    Cách thứ ba - là đưa người theo kế hoạch chuẩn bị trước từng chặng. Đây là cách phổ biến, thường được bọn đưa người từ Nam Á sang Tây Âu. Các "điều phối viên" (gồm nhiều cá nhân độc lập có liên lạc chặt chẽ với nhau) bàn tính chuyến đi và trả tiền cho các "nhà cung cấp dịch vụ địa phương" là công dân của quốc gia quá cảnh.

    Mỗi chặng còn có "điều phối viên" địa phương lo liệu. Nếu đi theo cách này ở khu vực không có khủng hoảng, có hai trường hợp xảy ra. Nếu người di cư đi đoàn tụ gia đình, bọn đưa người sẽ chờ ở quốc gia đến và từ đây chỉ đạo chuyến đi. Nếu người di cư không có liên hệ trước ở quốc gia đến, bọn đưa người cầm tiền trước và người đi dễ trở thành nạn nhân buôn người.

    Nếu cách thứ ba được tổ chức ở khu vực khủng hoảng như có chiến tranh, người di cư thường có người quen ở nước ngoài, tiền bạc rủng rỉnh và đi cả gia đình. Nhà nghiên cứu Matthias Neske (Đức) nhận định không có ông trùm chủ trì toàn bộ chuyến vượt biên dài hàng ngàn kilômet vì rất bất lợi và chi phí cao.


    Ngày 20-6-2019, Tòa Phúc Thẩm ở Hungary tuyên án tù chung thân đối với Samsoor Lahoo người Afghanistan và đồng phạm trong vụ án 71 người di cư chết trong xe tải đông lạnh năm 2015 - Ảnh: NTB SCANPIX

    Vay tiền để đi vượt biên
    Giáo sư - Tiến sĩ Dina Siegel-Rozenblit ở Đại Học Utrecht (Hoà Lan) ghi nhận giới nghiên cứu chưa đồng thuận khi đánh giá bản chất hoạt động đưa người di cư trái phép Trung Quốc, song mọi người đều không thể phủ nhận chuyện dân di cư Trung Quốc vay nợ để đi nhưng thu nhập tại quốc gia đến thấp nên dễ bị lợi dụng.

    Báo cáo công bố vào tháng 7-2018, UNODC đánh giá mỗi năm có gần 36,000 người Trung Quốc vào Châu Âu và 12,000 người vào Mỹ trái phép. Di dân Trung Quốc đến Tây Âu chủ yếu theo hai tuyến. Tuyến đầu tiên qua Nga, các nước Baltic hoặc Đông Âu. Tuyến thứ hai qua Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Balkan.

    Phổ biến là đi máy bay ở chặng đầu rồi chuyển sang đường bộ, đi ôtô, xe tải hoặc tàu hỏa. Ở mỗi chặng có nhiều nhóm đưa người khác hỗ trợ. Ví dụ bọn đưa người Czech và Đức có cơ sở ở Belgrade (Serbia) có thể đón tiếp, cung cấp thông tin và giấy tờ giả cho chặng kế tiếp.

    Tiến sĩ Daniel Silverstone, Giám đốc Trường Nghiên cứu Tư Pháp thuộc Đại Học John Moores Liverpool (Anh), ghi nhận hiện bọn đưa người Trung Quốc đã bỏ cách đi bằng xe tải sang Châu Âu mà tập trung cung cấp giấy tờ giả hoặc giấy tờ bị đánh cắp để lấy visa đi các nước trong khối Schengen như Cyprus hoặc Latvia rồi từ đó sang Anh. Các nước này kiểm tra Visa thoáng hơn và đi Anh từ các nước này dễ hơn.

    Theo tiến sĩ Virginie Guiraudon - Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), bọn đưa người Trung Quốc hoạt động rất tổ chức. Các nhóm "đầu rắn" Trung Quốc hoạt động theo kiểu vay nợ. Người đi vay tiền, sau đó làm quần quật nhiều năm trả tiền cho bọn cho vay nặng lãi.

    Họ và gia đình ở Trung Quốc có thể bị hăm dọa. Bà giải thích: "Hệ thống Trung Quốc khác hệ thống đưa người Địa Trung Hải (đưa tiền trực tiếp). Đây là mạng lưới rất tổ chức, một mạng lưới tội phạm với nhiều trạm trung chuyển trên hành trình quốc tế". Bà nhận xét: "Hiện tượng di cư Trung Quốc hiếm khi phơi bày công khai và mọi người chỉ nhận ra khi xảy ra thảm kịch".

    Theo Tiến sĩ Daniel Silverstone, bọn đưa người Trung Quốc nổi tiếng với tên gọi là "đầu rắn". Chủ yếu đó là các nhóm làm ăn nhỏ câu kết với nhau để giúp nhau đưa người vượt biên. Nói chung chúng không phải là bọn tội phạm có tổ chức chuyên nghiệp hay bọn Tam Hoàng, và chúng tránh né các loại hình tội phạm nghiêm trọng như buôn ma túy, buôn vũ khí.

    Dù vậy, cách thức làm ăn của bọn đưa người Trung Quốc ngày càng nguy hiểm. Từ năm 2016, Anh đã xếp Trung Quốc đứng thứ tư trong danh sách các nước có nạn nhân buôn người. Giữa năm 2017 - 2018, số nạn nhân đến từ Trung Quốc tăng đột ngột 54%.

    Nạn nhân bị bóc lột tình dục, làm nô lệ hoặc buôn người thời hiện đại. Nhiều báo cáo ghi nhận các băng nhóm tội phạm có tổ chức Trung Quốc ở Anh kinh doanh tình dục hoặc rửa tiền. Do Trung Quốc còn giữ án tử hình nên Anh không thể chia sẻ thông tin tội phạm.

    Hoàng Duy Long


    Di dân lậu gốc Á chịu nhiều nguy hiểm
    Báo cáo "Giữa hai màn lửa" do Tổ chức Di Cư Quốc Tế (IMO) phối hợp với Chính phủ Anh công bố tháng 3-2019 đã cho thấy bức tranh toàn cảnh con đường vào xứ sương mù với điểm xuất phát từ Trung Quốc, Albania và Nigeria.

    Trong đó, hành trình người gốc Á gian truân, hiểm nguy hơn cả mà sức khỏe yếu nhất. Họ có thể bị cưỡng hiếp trên đường đi, thậm chí không bao giờ đến được Anh và kết thúc cuộc đời ở nơi nào đó tại châu Âu.

    Ranh giới giữa "khách hàng" của bọn tổ chức vượt biên và "nạn nhân bọn buôn người" rất mỏng manh. Vì họ có thể trả tiền bước đầu để đi, nhưng khi đến được đích họ bị đẩy vào trồng cần sa hay nhà thổ, bị bóc lột lao động để trả lại số tiền còn thiếu.

    Kể từ năm 2015, Anh đã có luật chống nô lệ hiện đại và bảo vệ nạn nhân buôn người. Vấn đề thực tế là nhiều người không nhận thức được họ là "nạn nhân" mà cho rằng việc phải lao động cực khổ để trả lại tiền là điều hiển nhiên.


    Duy Linh


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X