Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Ngôn Ngữ của Miền Nam VN đang tiếp tục bị xâm thực

Collapse
X

Ngôn Ngữ của Miền Nam VN đang tiếp tục bị xâm thực

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Ngôn Ngữ của Miền Nam VN đang tiếp tục bị xâm thực

    Bài viết của LS Đỗ Thái Nhiên, do NT Võ Ý chuyển

    NGÔN NGỮ CỦA MIỀN NAM VIỆT NAM
    ĐANG TIẾP TỤC BỊ XÂM THỰC


    (BBC NEWS NGÀY 4 THÁNG 3 NĂM 2024)




    TIN TỨC VỀ ĐẠI HỌA NGÔN NGỮ ĐỊA PHƯƠNG BỊ XÂM THỰC.

    Tháng 3/2022, Bến Bạch Đằng Saigon bị đổi tên thành “Ga Tàu Thủy Bạch Đằng”. Sự kiện này đã dẫn đến những tranh luận trong dân gian chung quanh đề tài: Ngôn ngữ Hà Nội (ngôn ngữ miền Bắc) đang làm mờ dần sắc thái đặc biệt của ngôn ngữ miền Nam Việt Nam.

    Ngày 4 tháng 3 năm 2024, BBC NEWS đã phổ biến một bài viết có tựa đề: “Phương Ngữ Miền Nam Việt Nam đang tiếp tục bị xâm thực”. Bài viết này ghi nhận rằng phương ngữ Hà Nội, phương ngữ đảng thì đúng hơn, đã tràn ngập các bảng chỉ đường, cách viết trên sách giáo khoa, trên báo chí. Sự kiện “xâm thực” kia xin được dẫn chứng bằng một số thí dụ điển hình như sau:

    Miền Nam gọi là bùng binh, Miền Bắc đổi thành vòng xuyến.
    Giao lộ, ngã 4, ngã 5 đổi thành nút giao
    Xe cộ - phương tiện giao thông
    Lái xe - điều khiển phương tiện giao thông
    Con rùa - cá thể rùa
    Đi dạo, đi lang thang - đi phượt
    Đi cổ vũ, đi hoan hô - đi bão
    Đương sự - đối tượng
    Nguyên đơn - bị hại
    Thực hiện nhiêm vụ - bám sát nhiệm vụ
    Có giá trị - chất lượng cao
    Thi hành hữu hiệu - làm rất tốt

    Nhà báo Cù Mai Công, nguyên thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, một cây bút viết sách về Saigon xưa, nói với BBC News tiếng Việt rằng: nếu kể về ngôn ngữ miền Bắc tràn vào miền Nam thì “nhiều lắm, kể không nổi đâu và cũng không cần kể vì ai cũng thấy, cũng nghe ra rả hàng ngày”.

    Vẫn theo bài viết của BBC News, sở dĩ ngôn ngữ đảng CSVN phủ sóng áp đảo trên toàn thể Việt Nam, đặc biệt là trên miền Nam Việt Nam là vì Hà Nội nắm lợi thế của truyền thông, lợi thế của bộ máy nhà nước. Sau đây là ba phương pháp chính yếu giúp Hà Nội thực hiện hành động xâm thực ngôn ngữ của địa phương miền Nam Việt Nam:

    1-Nhà nước Hà Nội là chế độ toàn trị. Vì vậy Hà Nội nắm giữ độc quyền giảng dạy và độc quyền in sách giáo khoa cho sinh viên học sinh. Từ đó ngôn và lời của guồng máy giáo dục kia đều là ngôn ngữ đảng. Và cũng từ đó các thế hệ trẻ xuất thân từ hệ thống giáo dục của Hà Nội đều cảm thấy xa lạ mỗi khi nghe nói tới ngôn ngữ địa phương của Việt Nam, nhất là của miền Nam Việt Nam.

    2-Nhà nước độc quyền xuất bản sách báo và độc quyền kiểm soát báo chí. Vì vậy muốn cho bài vỡ, sách báo đi qua cửa ải kiểm duyệt một cách êm ả, giới cầm bút tại Việt Nam thường phải viết theo cung cách của đảng, sử dụng ngôn ngữ đảng. Đây là một quy định ngầm trong giới báo chí.

    3-Đài VTV là đài truyền hình quốc gia duy nhất tại Việt Nam. VTV lại được vô số cơ quan truyền thông tiếp vận về địa phương. Điều này giải thích lý do tại sao hầu như toàn bộ truyền thông Viêt Nam đều tuyển dụng nhân viên truyền thanh, tuyền hình nói giọng Bắc, viết kiểu đảng, dùng ngôn ngữ của đảng.

    Sau cùng xin được nhấn mạnh: Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã long trọng minh định: “Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, gìn giữ bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt dẹp của mình”. Rõ ràng Hà Nội thừa biết hành động bôi xóa ngôn ngữ địa phương của miền Nam Việt Nam là một việc làm trái với hiến pháp do chính chế độ Hà Nội viết ra? Thế nhưng, tại sao Hà Nội vẫn quyết liệt hành động một cách có hệ thống? Hà Nội trả lời câu hỏi này bằng cách nêu vấn đề “chuẩn hóa và thống nhất tiếng Việt” như một phương pháp mặc nhiên dẫn đến đoàn kết toàn dân, thống nhất nhân tâm. Lời lẽ biện minh kia của Hà Nội có thỏa đáng và nghiêm chỉnh hay không? Người cầm bút xin được bình giải thắc mắc vừa kể ở phần nói về nhận thức đối với hiện tượng ngôn ngữ miền Nam Việt Nam bị xâm thực

    NHẬN ĐỊNH VỀ ĐẠI HỌA XÂM THỰC NGÔN NGỮ ĐỊA PHƯƠNG.

    Nhận định về sự kiện ngôn ngữ miền Nam Việt Nam bị xâm thực, chúng ta không thể không khảo sát mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa.

    Trái nghĩa với văn minh là dã man. Dã man là tình huống sống không có sự khác biệt giữa đời người và kiếp vật. Với đà tiến hóa của lịch sử, con người bắt đầu nhận ra đời người cần phải được tổ chức khác hẳn và cao cấp hơn kiếp vật. Từ đó ý niệm văn minh ra đời: văn minh là khoảng cách biệt trong sinh sống giữa đời người và kiếp vật. Và cũng từ đó mọi suy nghĩ và hành động nhằm làm cho xã hội loài người hóa thành văn minh hơn gọi là văn hóa.

    Văn hóa qua sự truyền đạt của ngôn ngữ xác quyết rằng: điểm trội yếu của văn minh là sự đòi hỏi mọi người (cá nhân và pháp nhân tư nhân) sanh ra đều bình đẳng và rằng bình đẳng hàm ý bình đẳng về cơ hội sống: đời sống tinh thần và đời sống thể chất.

    Xã hội loài người khởi đi từ bộ lạc, tiến lên làng xã rồi mới đến quốc gia. Nói rõ ra địa phương có trước quốc gia, đia phương là gốc rễ của quốc gia. Không có địa phương, không thể có quốc gia.

    Mặt khác, Không có bất kỳ ngôn ngữ nào không xuất phát từ một địa phương cụ thể.

    1-Ngôn ngữ là gạch nối giữa con người với con người.
    2-Ngôn ngữ là phương tiện gói ghém phong tục tập quán, văn hóa địa phương và nhất là lòng yêu thương quê cha đất tổ.
    3-Ngôn ngữ là chỉ dấu của tự do tư tưởng, tự do biểu tỏ trí thông minh và óc sáng tạo
    4-Ngôn ngữ là linh hồn của văn hóa địa phương.

    Những điều vừa trình bày nói lên sự cách biệt giữa đời người và kiếp vật, đây là văn hóa. Ngôn ngữ đan quyện vào văn hóa, làm cho văn hóa được hiển lộ. Ngôn ngữ đích thực là linh hồn của văn hóa. Xâm thực ngôn ngữ địa phương chính là thủ tiêu sinh mệnh văn hóa của địa phương.

    Nếu quốc gia là một guồng máy thì địa phương là những cơ phận của guồng máy kia. Trong trường hợp sinh hoạt của địa phương không tồn tại trên căn bản độc-lập-nhưng-liên-lập thì địa phương hiển nhiên là những gốc cây khô và quốc gia chỉ là quốc gia không gốc rễ, quốc gia do chế độ độc tài nhào nặn ra.

    Từ mỗi địa phương lên đến quốc gia, tất cả đều được hình thành bởi hai yếu tố:

    Linh hồn đia phương: lòng yêu thương dãy núi, bờ sông, hàng tre, ruộng lúa, yêu đồng quê, yêu tổ quốc, yêu đời sống tự chủ, yêu phong tục tập quán, yêu ngôn ngữ vùng miền, yêu cảnh quang quê cha, đất tổ, yêu “phép vua thua lệ làng”… Nói chung là yêu và sống quấn quyện trong văn hóa. Văn hóa thăng hoa sản sinh ra văn, thi, nhạc, họa.

    1-Văn là ngôn ngữ của bút mực.
    2-Thi là ngôn ngữ của vần điệu.
    3-Nhạc là ngôn ngữ của âm thanh.
    4-Họa là ngôn ngữ của màu sắc.

    Ngôn ngữ thực sự là linh hồn của bốn viên ngọc quý, của văn hóa, là linh hồn của mỗi địa phương.

    Hành chánh địa phương: (Cơ thể địa phương) cơ quan công quyền địa phương. Hội đồng xã, xã trưởng, phó xã trưởng, các tiểu ban: y tế, giáo dục, an ninh , trật tự… tổ chức và điều động đời sống cho muôn dân.

    Từ sau 30/04/1975, CSVN nắm giữ toàn bộ guồng máy hành chánh Việt Nam từ trung ương tới địa phương. Riêng linh hồn của đia phương, nói theo kiểu Võ Văn Kiệt “bên cạnh một triệu người vui có một triệu người buồn”. Lòng dân ly tán. Vì vậy, nhằm làm biến mất một triệu nỗi buồn kia CSVN đã chiếm giữ linh hồn của địa phương bằng cách xâm thực phương ngữ, đặc biệt là phương ngữ miền Nam Việt Nam. Xin nhấn mạnh phương ngữ là linh hồn của văn hóa địa phương. Như vậy

    30/4/1975 CSVN chiếm giữ cơ thể (hành chánh) Việt Nam.
    Ngày nay bằng hành động xâm thực phương ngữ Việt Nam, CSVN đang chiếm giữ linh hồn Việt Nam. Do đó, CSVN đã thực hiện được tham vọng chiếm giữ cả cơ thể lẫn linh hồn Việt Nam.

    Sự thể này dẫn đến hệ quả đời sống tình cảm của người Việt Nam: tình yêu con cái đối với cha mẹ , tình bằng hữu, tình yêu nam nữ, yêu quê hương, yêu bờ cây bụi cỏ, yêu địa phương, yêu tổ quốc đều bị triệt để bôi trắng… Sau một loạt bôi trắng kia cộng với giáo dục nhồi sọ, trong tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam sống dưới chế độ Cộng Sản chỉ còn lại một loại tình yêu đơn độc đến lạ lùng: yêu tổ quốc tức yêu xã hội chủ nghĩa. Nói ngắn và gọn toàn dân chỉ có một nghĩa vụ duy nhất phải tuân hành: yêu đảng và trung với đảng.

    NGƯỜI VIỆT NAM NGHĨ GÌ VÀ LÀM GÌ TRƯỚC ĐẠI HỌA XÂM THỰC NGÔN NGỮ ĐỊA PHƯƠNG.


    Xin được nhắc lại: Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã long trọng minh định: “Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, gìn giữ bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt dẹp của mình”. Rõ ràng Hà Nội thừa biết hành động xâm thực ngôn ngữ địa phương của miền Nam Việt Nam là một việc làm trái với xu thế sống bình thường của loài người. Hành động vừa kể của chế độ Hà Nội đã thực sự chống lại điều 1 của Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ngày 10 tháng 12 năm 1948: “Mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng”. Mọi người bao hàm cá nhân và pháp nhân tư nhân (gia đình, làng xã, địa phương). Bình đẳng có nghĩa là mọi người đều được tôn trọng như nhau. Mỗi người là một nguyên. Nguyên là đầu, là trước tiên: nguyên thủ quốc gia, tết nguyên đán (ngày đầu năm), nguyên nguyệt (tháng giêng)… Mọi người đều là nguyên, đều có quyền bình đẳng. Dân số hàng triệu người là hàng triệu nguyên. Vì vậy xã hội ắt phải đa nguyên. Làm sao lý tưởng đa nguyên được thực thi? Hãy tìm giải đáp cho câu hỏi vừa nêu bằng cách khảo sát đời sống của một gia đình. Gia đình phụ hệ: mọi quyết định về quyền lợi của gia đình đều nằm trong tay người cha. Nếu tổ chức gia đình được hình dung như một kim tự tháp thì người cha ngự trên đỉnh kim tự tháp, mẹ và con cái an phận nằm ở đáy kim tự tháp. Trong gia đình kim tự tháp, đời sống tự giác của mẹ và con cái của mẹ đều bị triệt tiêu.

    Theo đà phát triển của nhân văn, gia đình kim tự tháp đang nhanh chóng chuyển đổi thành gia đình hạch tâm(nuclear family). Hạch tâm còn gọi là nguyên tử vật chất. Hạch tâm gồm các điện tử âm, điện tử dương và trung hòa tử xoay quanh nhân nguyên tử theo một trật tự bền bỉ, không lãnh tụ, mỗi điện tử di chuyển trên quỹ đạo riêng, không lấn át lẫn nhau. Tương tự như vậy, trong gia đình hạch tâm: Cha, mẹ, con cái mỗi người là một cơ phận của gia đình, mỗi người là một nguyên. Mọi quyết định của gia đình đều lấy quyền lợi chung của gia đình làm chuẩn mực duy nhất trong việc dẫn đạo gia đình. Điều này giải thích lý do tại sao gia đình hạch tâm không có gia trưởng nhưng vẫn bình ổn.

    Bây giờ, chúng ta hãy phóng chiếu mô thức gia đình hạch tâm lên địa bàn quốc gia để có được sự chuyển đổi từ hành chánh kim tự tháp lên hành chánh hạch tâm. Xã hội hạch tâm chính là môi trường thích nghi trong việc tạo điều kiện để mỗi địa phương là một nguyên của quốc gia đa nguyên. Trong quốc gia đa nguyên, tất cả văn hóa địa phương (ngôn ngữ địa phương là linh hồn) đều được tự do vận động và phát triển, không có vấn đề ngôn ngữ đảng xâm thực ngôn ngữ địa phương.

    Câu hỏi kế tiếp: Tất cả ngôn ngữ địa phương đều được tư do vận động và phát triển, như vậy, đâu là con đường tiến đến thống nhất ngôn ngữ Việt Nam? Thưa rằng Bạn hãy hình dung ngôn ngữ như một guồng máy, mỗi ngôn ngữ địa phương là một cơ phận của guồng máy ngôn ngữ kia. Những giao dịch trong guồng máy vừa kể đã đãi lọc các loại phương ngữ của quốc gia để cuối cùng sản sinh ra ngôn ngữ Việt Nam thống nhất. Cứ như vậy, phương ngữ tiếp tục giao thoa, tiếp tục đãi lọc lẫn nhau và tiếng Việt tiếp tục thống nhất trong sinh sinh hóa hóa. Đây chính là chân ý nghĩa của sinh ngữ trong ngôn ngữ.

    Thống nhất ngôn ngữ phải là kết quả của quá trình đãi lọc các phương ngữ trên căn bản tôn trọng tính sinh ngữ của ngôn ngữ. Quan điểm này là sự phản kháng mạnh mẽ mọi hành động thống nhất ngôn ngữ bằng cách dùng “ngôn ngữ đảng” để xâm thực những phương ngữ khác trên toàn Việt Nam.

    Ngôn ngữ là linh hồn của văn hóa. Thống nhất ngôn ngữ nhưng vẫn bảo vệ được tính sinh ngữ của ngôn ngữ là phương pháp khoa học và thích nghi nhất trong công việc vừa xây dựng ngôn ngữ chung vừa giúp cho văn hóa liên tục phát triển trong phong phú, thông minh và sáng tạo.

    Quần chúng sản sinh ra văn hóa. Văn hóa địa phương là cỗi gốc của văn hóa quốc gia. Văn hóa từ đảng ban bố xuống địa phương thông qua “đảng ngữ” là văn hóa phản xu thế sống, phản nhân văn.

    Câu chuyện “đảng ngữ” xâm thực phương ngữ Việt Nam với hậu ý “đảng hóa văn hóa Viêt Nam” đã mở ra trong tâm trí người Việt hải ngoại nghĩa vụ phục hoạt văn hóa truyền thống của Tổ Tiên Việt.

    Phục hoạt văn hóa Việt theo chỉ hướng nào? Thưa rằng: tất cả những gì phục vụ đời sống của con người, những gì thuận theo lòng người đều hàm chứa trong văn hóa Việt. Điều này đã giải thích tại sao nhạc vàng của miền Nam Việt Nam trước 1975 vẫn lừng lững phục sinh mặc cho mọi nỗ lực triệt để ngăn cấm của CSVN.

    Xin được nhấn mạnh: ngay sau 30/04/1975 người Việt hải ngoại trên bước đường ly hương đã mang theo văn hóa Việt, đặc biệt là mang theo nhạc vàng. Sau thời gian ổn định đời sống trên đất khách, người Việt hải ngoại không ngừng tiếp tục sáng tác và phổ biến nhạc vàng, xem nhạc vàng như những bài kinh nhật tụng gói ghém tấm lòng thương nhớ đồng bào, thương nhớ quê hương...Khi tâm tình của nhạc vàng lên tới đỉnh điểm, khi nhạc vàng lan tỏa về tới Việt Nam theo tâm lý “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, nhạc vàng trở thành gạch nối lớn, gạch nối chặt chẻ giữa người Việt trong và ngoài nước. Từ đó nhạc vàng hiên ngang hồi sinh ngay trên quê Mẹ Việt Nam, bất chấp sự cấm cản nghiêm khắc của nhà cầm quyền Hà Nội.

    Nương vào phương cách phục hoạt của nhạc vàng, người Việt hải ngoại hãy thân mến ngồi xuống bên nhau, cùng nhau thảo luận về văn hóa truyền thống Việt. Nền tảng của văn hóa truyền thống Việt là ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích dân gian... Trực tiếp ngắm nhìn dòng sống Việt, khảo cứu kho tàng văn chương bình dân, các tác giả Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Lý Đông A và nhiều nhà tư tưởng khác...đã hệ thống hóa, chi tiết hóa kho tàng văn chương kia để xây dựng thành tư tưởng truyền thống văn hóa Việt. Mang văn hóa này phổ vào bốn viên ngọc quý: văn, thi, nhạc, họa. Từ bốn viên ngọc vừa kể, văn hóa Việt Nam hải ngoại sẽ tràn về quê hương Việt một cách êm ái nhưng mạnh mẽ và rộng khắp. Đi theo văn hóa truyền thống được phục hoạt, tự do dân chủ sẽ đến với Việt Nam chậm rãi nhưng vững vàng đúng như hình ảnh nhạc vàng đã bừng bừng sống lại trên toàn cõi Quê Hương Việt Nam./.

    Đỗ Thái Nhiên
    27/4/2024


  • #2
    Cám ơn 'Người Pleiku Năm Cũ', KQ Nguyễn Hữu Thiện đã giúp đưa bài viết mới lạ này lên HQPD.
    Tôi tham dự buổi thuyết trình và thảo luận về đề tài này, điều đáng nói là, cả hội trường lắng nghe cách trình bày mạch lạc của diễn giả.
    Phần phụ diễn văn nghệ đóng một vai trò quan trọng, là làm nỗi bật chủ đề, cử tọa càng thấy yêu quê yêu nước, đặc biệt là "yêu tiếng nước tôi"...
    Thân mời quý huynh đệ xem youtube bên dưới do cô Minh Phượng ghi âm và thu hình.
    Thân kính,
    Võ Ý


    https://pvo369.wordpress.com/2024/05...c-bi-xam-thuc/
    Last edited by voy118; 06-02-2024, 09:26 PM.

    Comment


    • #3
      “BANG” – “TIỂU BANG”

      Từ ngày định cư tại Úc (1982), mỗi khi thấy chữ “bang” được sử dụng thay cho chữ “tiểu bang” để nói về các vùng lãnh thổ của Hoa Kỳ, của Úc mà trong tiếng Anh gọi là “state”, tôi lại cảm thấy bực bội khó chịu.

      Việc này đã được tôi đề cập tới (và chấn chỉnh) ít nhất một lần trên tờ báo tư nhân ở Úc mà tôi cộng tác, cũng như trên một số trang mạng tôi góp mặt, nhưng riêng trên Hội Quán Phi Dũng tôi phải dè dặt vì hai nguyên nhân: (1) trong số người sử dụng chữ “bang” có những vị có tên tuổi, (2) tôi vốn đã bị không ít người – trong cũng như ngoài Không Quân – cho là người khó tính, ưa “vạch lá tìm sâu”, chẳng hạn phê bình video clip này có cờ đỏ sao vàng, bài viết nọ quảng cáo không công cho du lịch Việt Nam...

      Nay, nhân cơ hội bài viết “Ngôn Ngữ của Miền Nam VN đang tiếp tục bị xâm thực” của Luật sư Đỗ Thái Nhiên được phổ biến trên diễn đàn HQPD, tôi mạo muội đề cập tới việc sử dụng hai chữ “bang” và “tiểu bang” để mọi người cùng suy nghĩ, nhận định. Cho dù không hy vọng sẽ được tất cả đồng ý, ít nhất tôi cũng giải tỏa được nỗi ấm ức của mình trong mấy chục năm qua.

      “Tiểu Bang”

      Theo sự tìm hiểu của tôi, từ những năm đầu thế kỷ 20 cho tới năm 1954, tất cả các tự điển Anh-Việt trong đó có cuốn của Hồ Ngọc Đức đều dịch “state” của United States of America (Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ) là “tiểu bang”.

      Và theo ký ức của tôi, trước năm 1975, tất cả mọi cơ quan chính phủ, cơ sở truyền thông, giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa và dân chúng miền Nam đều sử dụng chữ “tiểu bang” khi nói tới các “state” của Hoa Kỳ, Úc-đại-lợi, Ấn-độ...

      “Bang”

      Trước năm 1975 tại miền Nam, chữ “bang” chỉ được sử dụng để gọi các bang hội, như bang Triều Châu, bang Phúc Kiến... của người Tàu Chợ Lớn, hoặc trong truyện kiếm hiệp (Cái bang của bang chủ Hồng Thất Công).

      Tôi không biết chế độ cộng sản Bắc Việt bắt đầu sử dụng chữ “bang” thay cho “tiểu bang” từ năm nào, chỉ biết mãi tới năm 1975, lần đầu tiên người dân miền Nam mới được nghe, được đọc chữ “bang” mà miền Bắc sử dụng để gọi các “tiểu bang” của Hoa Kỳ, Úc-đại-lợi, Ấn-độ...

      Hiện nay, trong khi các cơ sở truyền thông tư nhân, các dịch vụ du học, di trú tư nhân của người trong nước đôi lúc vẫn còn sử dụng chữ “tiểu bang” thì truyền thông quốc doanh và các cơ quan nhà nước CSVN dứt khoát chỉ sử dụng chữ “bang”.

      Cuốn Từ Điển ANH-VIỆT của Viện Ngôn Ngữ Học thuộc Trung Tâm Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Quốc Gia, Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, xuất bản năm 1993, đã dịch “state” là “bang”, với thí dụ: “Hoa Kỳ có bao nhiêu bang?”

      Năm năm sau (1998), cuốn Đại từ điển Tiếng Việt, cũng do Trung Tâm Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Quốc Gia xuất bản, chỉ có từ “bang” chứ không hề có “tiểu bang”.

      * * *

      Như vậy rõ ràng chữ “bang” khi đi với các địa danh California, Texas... ở Hoa Kỳ, Victoria, New South Wales... ở Úc phải bị xem là “từ Việt Cộng” nhưng không hiểu sao sau 1975 (không biết đích xác bắt đầu từ khi nào) một số cơ sở truyền thông Việt ngữ và cá nhân (đa số sống ở Hoa Kỳ) bắt đầu sử dụng chữ “bang” thay cho “tiểu bang”, và việc này ngày càng trở nên phổ biến.

      Thực ra, việc xài “từ Việt Cộng” đôi khi cũng nên thông cảm, chẳng hạn mấy chữ “sau ngày giải phóng” của người trong nước, sống dưới chế độ cộng sản bị nghe riết trở thành quen tai, thuận miệng, tôi không dám trách, nhưng ở hải ngoại không ai bắt chúng ta phải gọi “tiểu bang” là “bang” cả!

      Mổ xẻ nguyên nhân có thể đưa tới những sự đụng chạm cho nên tôi chỉ xin trình bày suy nghĩ của mình và đề nghị như sau:

      - Trong văn nói, nếu quý vị, quý bạn gọi “tiểu bang” là “bang” chỉ vì gọi như thế tiết kiệm được một chữ (tiểu), tôi đề nghị thà bỏ luôn chữ “bang” để gọi khơi khơi là California, Texas..., 10 người nghe ít ra cũng có 8, 9 người biết đó là một tiểu bang chứ không phải thành phố, trong khi quý vị tiết kiệm thêm được chữ “bang”.

      - Trong văn viết, nếu quý vị, quý bạn không muốn tốn công viết đầy đủ là “tiểu bang” thì có thể viết tắt “TB” trước tên tiểu bang, hoặc viết đầy đủ hai chữ “tiểu bang” một lần ở đầu bài, sau đó chỉ cần viết California, Texas..., không ai có thể chê trách, bắt bẻ.

      Cách đây hơn một năm, trong bài “Nhạc sĩ” hay “Nhạc sỹ” phổ biến trên HQPD, tôi đã viết đại khái: đang đọc một bài viết thú vị mà gặp phải chữ “Nhạc sỹ” cũng chẳng khác nào đang ăn một chén cơm ngon mà cắn phải hạt sạn!

      Nay tôi cho rằng những hạt sạn “bang California”, “bang Texas”..., với tôi còn lớn hơn cả hạt sạn “Nhạc sỹ”!

      Lời thật mất lòng, mong quý vị, quý bạn (sử dụng chữ “bang”) thứ lỗi!


      Nguyễn Hữu Thiện
      Last edited by Nguyen Huu Thien; 06-04-2024, 12:14 AM.

      Comment



      Hội Quán Phi Dũng ©
      Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




      website hit counter

      Working...
      X