Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tốt Nghiệp Đại Học

Collapse
X

Tốt Nghiệp Đại Học

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tốt Nghiệp Đại Học

    Tốt Nghiệp Đại Học

    Phạm Văn Bản

    Từ ngày mừng Lễ Tốt Nghiệp Đại Học và Cao Học Western Washington University của tôi tới nay là chẵn 24 năm. Thời gian trôi qua nhanh quá, tôi nhớ lại ngày hãng sản xuất phi cơ thương mại dân sự Boeing ở thành phố Everett, Tiểu Bang Washington liên lạc với tôi và báo tin rằng công ty chấp thuận nhận đơn xin làm chuyên viên không gian của tôi, và yêu cầu tôi tiếp tục xúc tiến thủ tục nhập hãng vào lúc tuổi đời của tôi vừa đúng 63 năm.


    Có người hỏi tôi rằng, sao hãng xưởng lại cần nhận một ông già gần đất xa trời vào hãng làm việc, để mai táng chăng, trong khi nhiều thanh niên trai tráng học hành bằng cấp mà lại không thu nhận? Tôi chỉ biết cười và trả lời rằng, “Nếu giầy dép còn có số, thì huống chi con người chúng ta cũng có số vậy, số hên hay số xui thì cũng do phúc phận mà ra mà có, xin hỏi lại anh/ chị có đúng chăng?”

    Nghĩ lại cái số của tôi “tiền hung hậu kiết!” Nghĩa là lúc số tuổi 23 đã lái máy bay phản lực đi đánh giặc giữ nước, bảo vệ quê hương đồng bào miền Nam Việt Nam tự do. Cho tới Tháng Tư Đen 1975 gặp phe độc tài thế kỷ, ngay sau ngày thắng cuộc đã kết án tôi là “giặc lái!” Tôi bị giam giữ tù đày, bị tra tấn đánh đập, bị hành hạ khinh miệt trong suốt bảy năm vào tuổi thanh niên, cho tới khi tôi ra tù về nhà, và mang được gia đình vợ con lên thuyền đi vượt biên; không phải tiền hung sao!

    Trái lại, số tuổi 63, tôi gặp nhiều thuận lợi vì làm chuyên viên ráp lắp máy bay, chớ không còn lái máy bay. Sau 3 năm làm việc, một hôm, ông tổng giám đốc hãng chế tạo phi cơ thương mại Boeing Everett, Ray Cornner thanh tra đơn vị đã nói với tôi rằng, “Ngày trước người ta làm máy bay cho anh lái, thì hôm nay anh làm máy bay cho người ta lái.” Ông chăm chú nhìn sản phẩm của tôi đang làm, rồi ông giới thiệu với bà Cecelia Goodnow, phó giám đốc cơ quan truyền thông, phỏng vấn tôi và đưa vào đề mục “Why We’re Here” của nguyệt san Boeing Frontier – tờ báo thông tin toàn cầu với ấn bản 310,000 số, phát hành tháng 6 năm 2013 tại thành phố truyền thông Chicago, Hoa Kỳ.

    Tình thực mà nói, lúc đầu tôi cũng gặp nhiều khó khăn, sau khi học xong ra trường không tìm được việc làm thích hợp. Rồi sau đó tôi mới vào làm phụ kiện cho phi cơ thương mại Boeing 787 của hãng CD Zodiac Arerospace, Northwest composites, là hàng thầu thiết bị của hãng Boeing, thì năm 2008 loại máy bay này gặp nạn trong lần bay thử ở Arizona, nên bị ngưng chế tạo thiết bị và hãng Zodiac phải cạn việc. Tôi bị thất nghiệp và đến văn phòng an sinh địa phương điền đơn xin hưởng trợ cấp hưu dưỡng sau 40 tín chỉ lao động trong 10 năm của đời sống Hoa Kỳ. Nhân viên phụ trách ở phòng an sinh xã hội thuộc quận hạt Snohomish, yêu cầu tôi ký tên vào đơn để đầu tháng lãnh tiền già và hưởng hưu dưỡng, không cần làm việc nữa.

    Nhưng ngặt nỗi tôi còn nợ tiền học phí sau 10 năm học hành, và nếu hưởng lương hưu thì không thể trả nợ, và chỉ còn cách khai phá sản nhằm vỡ nợ, đây cũng là điều làm tôi e ngại và không muốn. Đang lúc băn khoăn suy tính thì gặp ông chủ tịch hội cựu chiến binh James Lapsley của quận hạt Snohomish – ông là bạn cùng đơn vị chiến đấu với tôi ở Long Bình Post năm xưa – nghe tôi than thở thì ông cảm thông và đề nghị cũng như giúp tôi nộp đơn vào Boeing, và hãng đã nhận lời tuyển chọn một cựu chiến binh vào hãng.

    Với kinh nghiệm từng là phi công, học đại học chuyên ngành và đã làm chuyên viên hàng không cho hãng CD Zodiac, thì Boeing nhận tôi vào làm thiết kế (Developer) trong hãng sản xuất phi cơ phản lực thương mại dân dụng. Sau khóa huấn luyện căn bản 2 tuần, tôi được hãng cho tiếp tục vừa làm vừa học, sau ba năm đã lấy thêm được nhiều chứng chỉ chế tạo phi cơ thương mại với những loại Boeing 737, 747, 767, 777 và 787.

    Vào đầu năm ấy, tôi nhận thư thông báo của hãng, theo thông lệ thì tuổi 65 sẽ về hưu vào đầu tháng Tư, nhưng hãng quyết định lưu giữ tôi phục vụ Boeing với thời gian 15 năm, và tôi tiếp tục làm việc tới 78 tuổi với nhiều ngân khoản ưu đãi. Nhờ thế mà sức khỏe của tôi được phục hồi và an vui, đồng thời Boeing còn cắt cử tôi làm Keynote Speaker cho hãng, và nhờ diễn thuyết mà tôi có nhiều bạn hữu thân thuộc với đủ màu da sắc phái của nhân loại!

    Ngày trước, sau cuộc tổng tấn công Việt Cộng vào Tết Mậu Thân, lệnh động viên khiến tôi phải nhập ngũ và không còn lý do miễn dịch để học hành. Tuyết, bạn học cùng trường luật rủ tôi đi ghi danh vào ngành hạ sĩ quan thông dịch – còn gọi là hạ sĩ quan đồng hóa mà văn phòng tuyển mộ của lục quân Hoa Kỳ trên đường Trần Hưng Đạo. Chúng tôi được hướng dẫn vào phòng khảo sát Anh ngữ, bao gồm đàm thoại và trắc nghiệm. Với số điểm từ 70 tới 79 thì khóa sinh được mang cấp bậc Hạ Sĩ Nhất, và 80 trở lên là Trung Sĩ. Sau giờ khảo thí Tuyết và tôi lãnh cặp cánh gà Trung Sĩ rồi được đưa về Quân Vụ Thị Trấn lập hồ sơ nhập ngũ. Ngày ấy chúng tôi phải chuẩn bị thời gian cho ba tuần huấn luyện quân sự Quang Trung và một năm học Anh ngữ ở trường sinh ngữ quân đội ở Bộ Tổng Tham Mưu VNCH.

    Tới đầu tháng Tư năm 1969, sau năm học và vượt qua các kỳ thi, rồi mãn khóa và chuẩn bị ra đơn vị, thì tôi lại nhận được điện tín của cha tôi nhắn tin, “Về gấp, mẹ đau nặng.” Cầm tờ giấy đánh đi từ nhà bưu thép Kiên Giang, tôi lật đật chạy lên trình diện Thiếu Tá Chỉ Huy Trưởng Trường Sinh Ngữ Quân Đội Hùynh Vĩnh Lại và được ông cấp cho hai tuần phép. Đồng thời ông cũng cho tôi chọn đơn vị trước khi đi nghỉ phép vì có lệnh thuyên chuyển đã cận ngày. Tôi chọn về phục vụ cho Bộ Tư Lệnh Lữ Đoàn 18 Quân Cảnh Hoa Kỳ ở căn cứ Long Bình, Biên Hòa. Với sự vụ lệnh thuyên chuyển và trình diện đơn vị vào ngày đầu tháng 5, như thế tôi có tổng cộng một tháng phép về quê thăm mẹ và cưới vợ.

    Đáp xe đò Thuận Thành trên quốc lộ Sài Gòn – Rạch Giá, tôi bàng hoàng nhìn những vọng gác của người lính Địa Phương Quân và Nghĩa Quân dọc theo bên đường, cái thì bị bắn tróc mái, cái thì loang lổ với vết đạn, và nhiều quãng đường trải nhựa đẹp đẽ tươm tất, nhiều cầu cống xây dựng rộng rãi khang trang nhưng lại bị Việt Cộng đắp mô gài mìn phá hoại. Khi xe băng qua thì hành khách phải xuống xe lội bộ, cho nên di chuyển chậm chạp và nguy hiểm vì dễ bị mìn bẫy nổ tung. Nhìn vào thực tại tôi bắt đầu biết cảm phục và thương mến những người lính đang ngày đêm miệt mài canh giữ từng tấc đất, tuyến đường giúp cho người dân có được giao thông tiện lợi.

    Sau chục giờ hành trình vất vả, tôi đã băng ngang hai khu trường học của mình ở bậc trung học, Sao Mai kinh D và Bác Ái kinh B. Ngắm lại hàng bông điệp đang khoe sắc thắm xung quanh sân trường, tôi chợt nhớ, ngày nào cũng trên sân kia mình thủ vai Vua Herode oai phong lẫm liệt trình diễn trong vở kịch nhân dịp Lễ Giáng Sinh của lớp Đệ Tứ A chúng tôi đảm trách. Màn kịch được bạn học và thầy cô khen ngợi cổ vũ, cũng thời gian ấy trong số khán giả ái mộ tôi đã tìm ra được người hợp ý hôn nhân. Chúng tôi hẹn nhau qua thư từ và chờ đợi khi có dịp đi phép về giáo xứ Bình Châu kinh 8, thì làm đám cưới nhà binh!

    Hôm ấy khi hai mẹ con gặp nhau trong bệnh viện Cái Sắn, kinh B, bỗng dưng mẹ tôi cảm thấy khỏe mạnh, bước ra khỏi giường bịnh và trìu mến ôm tôi. Mẹ chăm chú ngắm nhìn tôi trong bộ quân phục đi phép và ngài tỏ ý mãn nguyện, rồi không nói về bệnh tình mà lại bàn sang chuyện lễ cưới hỏi của chúng tôi. Bởi tôi là trưởng nam trong gia đình và cũng đính hôn, cho nên nhân dịp phép này tôi đồng ý để chuẩn bị cho ngày lễ thành hôn, và cũng để giúp mẹ vui. Sau khi được bác sĩ cho mẹ tôi xuất viện, thì tôi dìu dắt mẹ tôi về nhà ở xứ Ninh Cù kinh Rivera và xum hợp gia đình – nơi ghi dấu từ thuở ấu thơ tới khi trưởng thành bên giòng Ba Vàm, qua những tác phẩm “Rừng Mắm,” “Hoa Tím Bằng Lăng,” “Bên Giòng Sông Trẹm,”... của Bình Nguyên Lộc hay Duyên Hà mà tôi từng đọc.

    Sáng hôm sau, tôi dùng tác ráng chạy dọc giòng Sáng, nối từ kinh Rivera qua miền sông nước tới kinh 8, gặp người yêu sắp cưới. Chiếc đò gắn máy đuôi tôm BS-9 chẻ sóng và dọt như tên bay, nhưng mình vẫn thấy chậm chạp vì mong sớm tới nhà. Sau hơn một giờ chạy đò, tôi bắt đầu nhả tay ga và lách qua rặng bằng lăng đang mùa trổ hoa phủ kín hai bên bờ kinh rồi cho xuồng chạy thẳng vào mương ao sau nhà. Hôn thê của tôi đang đứng chờ sẵn, rồi với tay cầm lấy giây cột thuyền nàng buộc níu vào chiếc cầu ao và vui cười nhìn tôi tắt máy. Ngó ra cánh đồng đã gặt xong, tôi được nàng cho biết ruộng của nhà năm nay trúng mùa, và cũng vừa tát đìa bắt được nhiều cá. Tôi âu yếm trả lời, cá lóc nướng trui chấm mắm me, em làm, thì cha và anh nhậu say túy lúy. Nàng cười thỏ thẻ, “dạ vâng,” và chúng tôi vào nhà chào cha mẹ.

    Để chuẩn bị hôn lễ của chúng tôi, nhằm ngày 7 tháng 4 năm 1969 tại giáo xứ Bình Châu, chúng tôi ra tỉnh Kiên Giang tới chợ sắm sính lễ, nhang đèn, hoa huệ, hoa hồng, hoa lay ơn… để làm đám cưới nhà binh… vì ít ra tôi cũng đã có cặp cánh gà gắn trên bộ quân phục. Tiện đường chúng tôi ghé vào khu trường Nguyễn Trung Trực, nơi tôi thi tiểu học chục năm về trước với điểm đậu bình, cho nên tôi đã được cơ quan viện trợ giáo dục Hoa Kỳ cấp học bổng hằng năm. Bởi thế tôi có cơ hội vào học Anh văn ở hội Việt Mỹ Center Training Institute khi tôi lớn khôn, trước khi tôi nhập ngũ với ngành thông dịch. Trên ghế đá công viên trước sân trường nhìn ra biển xanh bao la, tôi hẹn với nàng rằng sau khi trình diện bộ tư lệnh lữ đoàn 18 quân cảnh Hoa Kỳ ở căn cứ Long Bình, rồi tôi tìm nơi trú ẩn để đón nàng chung sống.

    Sống ở đồng quê, mặc dù trong thời chiến tranh khói lửa, nhưng đám cưới của chúng tôi vẫn được tổ chức linh đình với cả ngàn thực khách, trong suốt ba ngày tại họ nhà gái cũng như nhà trai. Sáng hôm ấy lễ rước dâu với đoàn tác ráng chở thân bằng quyến thuộc, chạy theo sau chiếc thuyền hoa của cô dâu chú rể lướt sóng bên những bè lục bình trải thảm hoa màu tím. Hai bên bờ sông, hàng muống rồng cũng đang kết thành hoa đăng ngày cưới để khoe sắc với màu tím bằng lăng phủ rợp trời hoa.

    Sau ngày cưới, chúng tôi trở về kinh 8 tết lại mặt cha mẹ. Gia đình vui mừng vì đám cưới của chúng tôi đã hoàn tất, vì sau lễ rước dâu về xứ Ninh Cù, thì Việt Cộng tấn công vào xứ Bình Châu trong đêm hôm ấy. Lực lượng Địa Phương Quân và Nghĩa Quân đã phối hợp với đồn pháo binh kinh 8 anh dũng chiến đấu và bảo vệ xóm làng. Cha mẹ tôi kể rằng, đạn bắn như mưa nhắm vào nhà để lại trên tường với nhiều vết loang lổ, và bắn sập nhà bếp, đang khi gia đình đã an toàn trong hầm trú ẩn.

    Sau ngày nghỉ phép, tôi về phục vụ trong ban dân sự vụ của lữ đoàn 18 quân cảnh Hoa Kỳ. Với công việc thông phiên dịch, tôi đi theo thiếu tướng tư lệnh trên trực thăng bay quan sát chiến trường. Tôi cũng theo đoàn dân sự vụ đi công tác phát thuốc men, thực phẩm, tiền bạc cho người nghèo, hoặc xây cất bệnh viện, trường học, cầu đường ở vùng thôn quê hẻo lánh… Tôi cũng bị đạn địch bắn hai lần và có chiến thương bội tinh. Sau hai năm Hoa Kỳ chuẩn bị về nước, tôi được chuyển sang ngành phi hành của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa. Trong thời gian đó vợ tôi sinh con đầu lòng trưởng nam mang tên Phạm Kiều Việt Bảo.

    55 năm kỷ niệm ngày thành hôn mùng 7 tháng 4 năm 2024, chúng tôi xin cảm tạ Ơn Trời và Ơn Người đã ban cho cuộc sống bằng an và hạnh phúc. Đặc biệt, chúng tôi cũng xin cảm tạ Cha Mẹ đôi bên đã ban cho chúng tôi diễm phúc làm người, chăm sóc chúng tôi cho tới khi các ngài qua đời, và phù độ cho chúng tôi cùng toàn gia đoàn tụ trong ngày lễ mừng. Và cũng trong tháng 8 năm 2023 này tôi dẫn Cô Ven đi thăm 4 quốc gia Châu Âu.


    Phạm Văn Bản


  • #2

    Comment


    • #3

      Comment


      • #4

        Comment



        Hội Quán Phi Dũng ©
        Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




        website hit counter

        Working...
        X