Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tên gọi nào cho ngày 30/4/1975 ?????

Collapse
X

Tên gọi nào cho ngày 30/4/1975 ?????

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tên gọi nào cho ngày 30/4/1975 ?????

    Tên gọi nào cho ngày 30 tháng 4 để hòa giải dân tộc? – Cù Huy Hà Vũ


    May 6, 2023
    0
    709

    Share

    LGT: Gần đây, cái tên Cù Huy Hà Vũ được nhắc tới nhiều trên công luận. Chúng tôi đã đăng một số bài về anh từ các cây viết khác, nay mời độc giả đọc bài viết của anh. Đây là ý kiến riêng của

    Cù Huy Hà Vũ.

    Ngoài cái tên gọi cho cuộc chiến này gây tranh cãi trong nhiều năm qua, bài viết sau đây của TS Luật Cù Huy Hà Vũ, bên cạnh việc tranh luận về cuộc chiến, còn bàn về chủ đề có thể gây tranh cãi, đó là cái tên gọi cho ngày kết thúc cuộc chiến này.

    ***

    Năm nào cũng thế, cứ những ngày cuối tháng Tư người Việt gốc gác Việt Nam Cộng hòa ở hải ngoại rầm rộ kỷ niệm “Ngày quốc hận 30-4”. Họ cho rằng ngày đó Việt Nam Dân chủ cộng hòa mà họ đồng nhất với miền Bắc Việt Nam đã cưỡng chiếm Việt Nam Cộng hòa mà họ đồng nhất với miền Nam Việt Nam, dẫn đến họ “mất nước”.

    Chu Tất Tiến, một cựu sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng hòa đã viết bài “Hiệp định Geneva 1954 và hai quốc gia Việt Nam” và gửi cho các diễn đàn trên mạng vào ngày 26/4 vừa qua. Bài này sau đó đăng trên Nhật báo Cali (1).Ảnh: Lễ Tưởng Niệm Quốc Hận 30-4 tại Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, Westminster, California. Nguồn: Văn Lan/ Người Việt)

    Trong lời giới thiệu bài “Trao đổi với “Lính già Việt Nam Cộng hòa Chu Tất Tiến” gồm 2 kỳ đăng trên báo Tiếng Dân (2), được đăng lại trên Facebook Cù Huy Hà Vũ, tôi đã chứng minh Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Việt Nam Cộng hòa không phải là hai quốc gia độc lập. Thực vậy, vĩ tuyến 17 theo Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam và Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Geneva 1954 không phải là biên giới giữa hai quốc gia.

    Lời mở đầu Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa năm 1956 ghi câu “Hiến pháp phải thực hiện nguyện vọng của nhân dân, từ Mũi Cà Mâu đến Ải Nam Quan.” Do đó, chiến tranh giữa Việt Nam Cộng hòa và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyệt nhiên không phải là một cuộc chiến tranh giữa hai quốc gia, mà là một cuộc chiến tranh giữa những người có chung một quốc gia là Việt Nam, còn gọi là “nội chiến” (civil war).

    Nói cách khác, không có chuyện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – miền Bắc “xâm lược” Việt Nam Cộng hòa – miền Nam vì thuật ngữ “xâm lược” chỉ áp dụng trong trường hợp quốc gia này tấn công quân sự quốc gia khác mà thôi!

    Khi giới thiệu bài viết nói trên của tôi, tôi đã đặt câu hỏi tại sao những người chống cộng hải ngoại có gốc gác Việt Nam Cộng hòa, đặc biệt ở Mỹ, lại hận thù Nhà nước Việt Nam hiện hành dai dẳng đến như vậy, khi mà gần nửa thế kỷ đã trôi qua và Mỹ, quốc gia mà họ nhập tịch, đã có quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ 30 năm nay. Bạn Thuy Nguyen hồi đáp: “Họ nhớ dai vì chính quyền VN nào cho quên? Vẫn ăn mừng chiến thắng đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào. Và hơn nữa, trẻ em bên Mỹ hoàn toàn độc lập trong suy nghĩ, sự nhắc nhở này chỉ nói lên tại sao họ có mặt ở đất nước này. Đó là lý do cá nhân, không có chủ trương, định hướng và bắt buộc như ở Việt Nam!”

    Quả vậy, trên báo của Đảng cộng sản Việt Nam và các báo khác ở Việt Nam (báo Nhà nước đương nhiên, vì tư nhân không được ra báo) đều xuất hiện dòng chữ “Chào mừng kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/04/1975 – 30/04/2023)”.

    Bản thân tôi cách đây 13 năm đã yêu cầu Nhà nước Việt Nam bỏ cách diễn đạt ngày 30/4 thành “Ngày giải phóng Miền Nam”, “bởi nó – tôi nhấn mạnh trong bài trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói Hoa Kỳ ngày 29/4/2010 có tiêu đề “Chiến tranh Việt Nam và ngày 30 tháng 4 dưới mắt TS Cù Huy Hà Vũ” (3) – “dễ bị diễn giải thành ‘Miền Bắc thôn tính Miền Nam’ và trong trường hợp đó lại trở thành mầm mống gây chia rẽ Bắc – Nam không chỉ trong nhân dân mà trước hết và ngay trong chính nội bộ những người cộng sản. Mặt khác, không thể nào thực hiện được hoà hợp, hoà giải với những người Việt bên kia chiến tuyến như Nhà nước cộng sản Việt Nam chủ trương nếu Nhà nước này vẫn duy trì cách diễn đạt mang đậm chất ‘thắng – thua’ như trên”.

    Và tôi đã đề nghị, chỉ dùng “Ngày Thống nhất Đất Nước” để diễn đạt biến cố lịch sử này. Kết cục là Nhà nước Việt Nam chẳng những không nghe lời nói phải này của tôi để thực thiện Hòa Giải Dân Tộc mà lại còn bỏ tù tôi vì đã nêu ra yêu cầu này cũng như các kiến nghị đổi mới chính trị khác trong bài trả lời phỏng vấn nói trên của tôi.

    Có một thực tế không thể phủ nhận là nhiều người chống cộng hải ngoại có gốc gác Việt Nam Cộng hòa đã nỗ lực truyền lại sự thù hận cho con, cháu họ như một “di sản”. Hầu hết sinh hoạt công đồng của “người Việt tỵ nạn cộng sản” diễn ra với sự tham dự của con, cháu họ đều bắt đầu bằng màn chào quốc kỳ Cộng hòa Việt Nam Cộng hòa – cờ vàng ba sọc đỏ và hát quốc ca Việt Nam Cộng hòa và những diễn ngôn kêu gọi xóa bỏ, thậm chí lật đổ Nhà nước Việt Nam hiện nay do Đảng cộng sản lãnh đạo. Như vậy, đó không đơn thuần là sự nhắc nhở lý do họ và con cháu họ có mặt ở Mỹ, mà là lời kêu gọi phục thù không hơn không kém!

    Tư tưởng phục thù này đã ít nhiều thành công khi có một số người trẻ tuổi gốc Việt tổ chức các “Đại hội hậu duệ Việt Nam Cộng hòa” để “nguyện cùng đứng lên đón nhận trọng trách và nối tiếp con đường của thế hệ Cha Anh kiêu hùng, để tinh thần yêu nước của người lính Việt Nam Cộng Hoà và điều tâm niệm phụng sự cho Tổ Quốc, Danh Dự và Trách Nhiệm được duy trì mãi mãi trong những thế hệ mai sau”, như Đại hội Hậu Duệ Việt Nam Cộng Hoà Hải Ngoại năm 2019 (4) đã dõng dạc tuyên bố trong Thư ngỏ. Tại Đại hội Hậu duệ Việt Nam Cộng Hòa Hải Ngoại năm 2022, cựu tướng Mỹ gốc Việt, ông Lương Xuân Việt, con của một cựu sĩ quan Thủy quân Lục chiến Việt Nam Cộng hòa và là Thiếu tướng gốc Việt đầu tiên của quân đội Mỹ, đã thổ lộ nỗi đau “mất nước” và thẳng thừng gọi cộng sản Việt Nam là “giặc”, được cử tọa rào rào vỗ tay tán thưởng (5).

    Cho dù Nhà nước Việt Nam có nghiêm túc coi đây là mầm mống của phiên bản “Chiến tranh Việt Nam” trong tương lai hay không thì sự kêu gọi phục thù từ người Việt chống Cộng hải ngoại có gốc gác Việt Nam Cộng hòa cùng với hưởng ứng nhiệt thành của “hậu duệ” của họ, trong đó có sĩ quan cao cấp của quân đội Mỹ, càng làm cho Nhà nước Việt Nam tin rằng “các thế lực thù địch” muốn thanh toán họ là hiện hữu!
    Tên gọi nào cho ngày 30 tháng 4 để
    Về ý kiến, theo đó trẻ em gốc Việt bên Mỹ mà có hận thù cộng sản Việt Nam thì là tự ý chúng chứ “không có chủ trương, định hướng và bắt buộc như ở Việt Nam!”, tôi cho rằng đó là một so sánh không chuẩn. Thực vậy, Đảng Cộng sản đang thực hiện chế độ toàn trị ở Việt Nam thì việc họ buộc người dân và các tổ chức tổ chức mừng “Ngày Giải phóng Miền Nam” là điều không có gì là khó hiểu. Còn đối với nước Mỹ và các nước khác, mà tuyệt đại đa số, nếu không nói là tất cả, người Việt có gốc gác Việt Nam Cộng hòa đã nhập tịch, ngày 30-4 đâu phải là ngày “mất nước” để trở thành “ngày quốc hận” của các nước này để rồi chính quyền “có chủ trương, định hướng và bắt buộc” tổ chức ký niệm ngày này!

    Bất luận thế nào, tôi vẫn kiên trì rằng “Ngày Thống nhất đất nước” là cách diễn đạt ngày 30-4 thích hợp nhất vì nó phù hợp nhất với nguyên lý “Độc lập dân tộc gắn liền với thống nhất đất nước” của chủ nghĩa Nhất thể Việt hay hệ tư tưởng của người Việt. Điều này một khi được Nhà nước Việt Nam chấp thuận sẽ là bước đi thực tế để hóa giải hận thù của những người “đồng bào” đã từng ở bên kia chiến tuyến trong một cuộc nội chiến không đáng có, cho dù nguồn cơn là Chiến tranh Việt Nam do Mỹ tiến hành nhằm ngăn chặn Đông Nam Á rơi vào tay cộng sản theo “Thuyết domino” (6).

    Tác giả: Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ là một luật gia, học giả và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị Việt Nam, từng là cán bộ Bộ Ngoại giao Việt Nam trong 30 năm. Hiện ông sống tại California, Hoa Kỳ.

  • #2
    Ts. Trần Kiêm Đoàn đáp trả Ts. Cù Huy Hà Vũ


    May 6, 2023
    1
    771

    Share

    LTS: Đáp trả lại bài viết “Tên gọi nào cho ngày 30 tháng 4 để hòa giải dân tộc? – Cù Huy Hà Vũ – trên báo Cali Today online, trang Việt Nam, Chúng tôi gửi đến quý độc giả bài viết của Ts Trần Kiêm Đoàn say đây.

    Chào anh Cù Huy Hà Vũ,

    Thật tình tôi rất đắn đo khi hai lần trước, trao đổi với anh về vấn đề danh từ như tên gọi “Quốc Gia” và sự kiện lịch sử như “Tại sao VNCH không tham dự ký hiệp định Paris 1973”.

    Tuy vấn đề đã quá rõ ràng và những người có chút trình độ không quá sơ cấp như anh và tôi đều hiểu rõ nguyên ủy sự xưng hô và bản chất của hiện tượng lịch sử; thế nhưng vấn đề “chính danh định phận” vẫn được đặt ra vì danh có chính thì ngôn mới thuận.

    Và hôm nay nữa, anh Cù Huy Hà Vũ lại đưa ra vấn đề tên gọi “ngày 30 tháng tư” như thế nào mới chính danh. Nhân loại cũng đã từng đối diện với sự tương đối của sự thật, của chân lý mà triết gia Pháp thế kỷ XVII là Pascal có viết một câu trở thành tục ngữ: “Chân lý bên này rặng núi Pyrenees, là sai lầm ở phía bên kia” (Vérité en deçà des Pyrénées, erreur au-delà); hẳn anh còn nhớ?! Bởi vậy, trên phương diện thực tế, lịch sử, xã hội, thời cuộc và tâm lý… không dễ gì gói trọn càn khôn vào lò bát quái của Tôn Ngộ Không phải không anh.

    Nếu nhìn qua lăng kính khách quan và công bằng của con nhà luật học và học giả như anh Hà Vũ thì phải chăng ngày 30 tháng 4 năm 1975 là ngày Đảng CSVN giải phóng cho chính mình. Đó là ngày Đảng và dân của Đảng hoàn thành bước đầu của giấc mơ thống trị “thế giới đại đồng” theo chủ nghĩa Marx riêng cho những người Việt Nam hằng ấp ủ, theo, chạy theo hay hùa theo phong trào Cộng sản Quốc tế từ năm 1917. Người CSVN chính thức gia nhập Cộng sản Quốc tế với sự thành lập Đảng năm 1930 với giấc mơ – trước hết theo lý thuyết – là để giải phóng cho “giai cấp công nhân bị giới chủ nhân của chủ nghĩa tư bản tước đoạt phương tiện sản xuất và bóc lột giá trị thặng dư” theo tư duy Marxist chứ không phải là mục đích ưu tiên để giải phóng cho “nhân dân miền Nam bị Mỹ Ngụy kìm kẹp đè đầu cưỡi cổ” theo chiêu bài của họ tự đặt ra. Những nước láng giềng quanh Việt Nam đâu cần có đảng Cộng Sản lãnh đạo và tiến hành chiến tranh với hàng triệu người hy sinh tính mạng nhưng thực tại, họ không thua gì Việt Nam về mọi mặt kể cả độc lập dân tộc, thoát ách thuộc địa ngoại bang mà không phải trả giá bằng núi xương biển máu như Việt Nam. Hơn thế nữa, các nước đó còn đang được thưởng thức điệu sống tự do dân chủ đích thực trong tầm tay; trong khi mọi người dân Việt Nam đang thiếu vì được nếm mùi… giải phóng. Thiện trí thức đúng nghĩa phải là một người học lý thuyết để ứng dụng vào trải nghiệm thực tế chứ không phải ngược lại. Chối bỏ thực tế nghiệt ngã để theo đòi lý thuyết viễn mơ là học phiệt chứ không phải học giả!

    Thực trạng bi đát của một Việt Nam bị Tây đô hộ và Mỹ nhảy vào chơi bài Dominos là vùng “đất thánh” để biến giấc mơ Marx – Engels – Lenin thành hiện thực. Vậy nên, gọi ngày 30-4-1975 với đại danh ngày “giải phóng miền Nam” là một hình thái cực đoan lạm dụng ngôn từ bởi người ở một phía của Pyrenees Trường Sơn.

    Nhưng còn đối với thực tế lịch sử, lương tri nhân loại và người dân miền Nam thì sao?

    – Gọi 30-4-1975 là “ngày quốc hận” chăng? Tên gọi nầy sẽ hoàn toàn phù hợp với những gia đình tan cửa nát nhà, gia đình ly tán, lẽ sống tiêu vong… Họ là “triệu người buồn” mà thủ tướng bên thắng cuộc Nguyễn Văn Linh từng nói tới.

    – Gọi 30-4-1975 là “ngày quốc nhục” chăng? Tên gọi nầy sẽ hoàn toàn phù hợp với hàng vạn gia đình lâm vào cảnh tang thương: Chồng đi tù cải tạo, vợ sa chân làm hầu thiếp cho cán bộ, sống chui nhủi ở gầm cầu hè phố, buôn lậu lang thang, đại gia thành tán gia bại sản, vợ và con gái bị hải tặc đua nhau hãm hiếp trước mắt chồng, cha và kẻ kháng cự bị hành hình quăng xác xuống biển hay trong rừng sâu.

    – Gọi 30-4-1975 là “tháng Tư Đen” chăng? Tên gọi nầy sẽ hoàn toàn phù hợp với những ai bị vùi dập vì bất đồng chính kiến, sống đói nghèo tủi nhục ở quê hương và sống ngửa tay xin tiền bố thí qua dạng “trợ cấp” ở quê người.

    Và còn biết bao nhiêu tên gọi muôn màu, muôn vẻ, muôn năm nữa… thưa anh Cù Huy Hà Vũ. Theo tôi, đó là những tên gọi thật thà đầy nhân tính đại chúng mà “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”!

    Xin trở lại với đề nghị tên gọi “Ngày thống nhất đất nước” đặt cho ngày 30-4-1975 mà anh Hà Vũ và các vị khác đề nghị. Đứng về mặt mỹ từ pháp và ngữ học thì đây là một tên gọi “hiền và dễ thương”. Tuy nhiên, tên gọi này chính danh hay chưa thì phải cần căn cứ trên hai phương diện cơ bản là tình và lý vì người Việt mình vẫn thường tôn trọng tính hợp tình hợp lý trong việc xưng danh báo hiệu. Trước hết là khái niệm “Thống Nhất” thì thống nhất (united, reunification) có nghĩa là quy về một mối, những sông suối nhỏ cùng chảy về đại dương; những tâm hồn xa nguồn, bơ vơ, lạc bầy, quay mặt với nhau nay trở về nguồn, nhìn rõ mặt nhau và chung hưởng hạnh phúc ngày đoàn tụ. Một ngày mang ý nghĩa tích cực đầy cảm khái và hạnh phúc như thế có thật sự xảy ra vào 30-4-1975 cho toàn dân Việt Nam cả hai miền Nam Bắc không anh Hà Vũ nhỉ?! Có lẽ một vài liên tưởng về ý nghĩa tên gọi mà tôi vừa nêu trên đã trả lời một phần đề nghị của anh. Đã 48 năm rồi nhưng những vết thương chiến tranh chưa thành sẹo, đâu đây vẫn còn rỉ máu anh Cù Huy Hà Vũ ạ. Trưa ngày 30-4 năm nay, tôi đi ăn trưa với anh Th. ở Sacramento, Cali. Anh là người sống im lặng đầy mặc cảm bi phẫn về chiến tranh và quyền lực chính trị nên anh như chiếc bóng ở thành phố nầy với người vợ bị bệnh tâm thần và đứa con gái handicapped. Anh Th. vẫn chưa quên ngày vượt biên bi đát và nghiệt ngã từ Việt Nam qua đảo Pulau Bidong, vợ và con gái anh bị hải tặc hãm hiếp trước mắt anh đến 5 lần. Hai đứa con trai anh cố bênh mẹ và chị thì bị hải tặc đánh nhừ tử rồi quăng thây xuống biển mất xác. Bản thân tôi cũng là một thuyền nhân năm 1982 nên hàng năm vào dịp 30-4 chúng tôi gặp nhau chia sẻ. Năm nay anh Th. Nói là dịp cuối cùng vì anh chị đã quá già yếu. Thế đó, một đời người gần hết những vết thương đời vẫn chưa lành.

    Sự phán xét của lịch sử thường công bằng và khách quan sau những 100 năm. Tôi không có tham vọng đưa ra một tên gọi xứng tầm với ngày 30-4-1975 nhưng khi lên lớp, tôi vẫn thường dùng tên gọi “NGÀY CHẤM DỨT CUỘC CHIẾN VIỆT NAM 1954-1975” (The End of Vietnam War 1954-1975) với sinh viên Mỹ cũng như Việt và các nước khác khi nói về ngày 30-4-1975.

    Và có lẽ “sự bất quá tam” mà lần nầy là lần thứ ba tôi trao đổi với anh Hà Vũ trên mail nên tôi phải tự giới hạn chính mình. Vả lại, trong list emails nầy có cả nghìn người với bao nhiêu bậc thức giả; nhưng vẫn không tránh được tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh” khi có hiện tượng “phản biện” với lời lẽ quá xúc phạm” (abusive language – profanity) cũng như lối suy diễn và cách luận đàm, ứng xử thiếu nhân văn… Rất mong có sự tự chế và giới hạn vỡ bờ cảm xúc.

    Tuy chưa bao giờ gặp anh và cũng chưa hân hạnh nói chuyện với anh lần nào nhưng tôi tin với nhiệt tình tuổi trẻ, tài năng và nếu có bản tâm chân thành thì anh sẽ không cô đơn khi làm kẻ sĩ “phù thế giáo một vài câu thanh nghị”.

    Chúc lành và tạm biệt.

    Trần Kiêm Đoàn

    Comment


    • NGHICH_NHI
      NGHICH_NHI commented
      Editing a comment
      Chỉnh lại cho đúng trong bài viết củaTrần kim Đoàn ;
      Câu nói " một triệu người buồn" là của thủ tướng Võ văn Kiệt (VC)chứ không phải Nguyễn văn Linh , Tổng bí thư!

  • #3
    THỐNG NHẤT và NHẤT THỐNG

    Nguyễn Hữu Thiện

    Đọc bài viết “Tên gọi nào cho ngày 30 tháng 4 để hòa giải dân tộc?” của Ts Cù Huy Hà Vũ và đáp trả của Ts Trần Kiêm Đoàn, tôi rất ngứa... bút, nhưng trộm nghĩ bản thân không đủ trình độ, khả năng nhận định nên chỉ xin trình bày suy nghĩ cá nhân về mấy chữ “Ngày thống nhất đất nước” mà Ts Cù Huy Hà Vũ vẫn “kiên trì” cho là cách diễn đạt ngày 30-4 thích hợp nhất!

    Nếu tôi ở vào vị trí của Ts Cù Huy Hà Vũ tôi sẽ viết “Ngày nhất thống đất nước” (hoặc “Ngày nhất thống giang sơn") thay vì “Ngày thống nhất đất nước”.

    Ở đây tôi đang nói tới từ Hán Việt một cách nghiêm túc chứ không phải những từ Hán Việt đã được các nhà ngôn ngữ miền Bắc tùy tiện “Việt hóa” với ý đồ.


    Trước hết, “thống nhất” (統一)nhất thống” () là hai mục từ khác nhau, mang ý nghĩa khác nhau.

    Hán Việt từ điển của cụ Đào Duy Anh xuất bản năm 1932, giải nghĩa "Nhất thống là cả nước do một chính phủ thống trị” còn "thống nhất là hợp tất cả các mối lại làm một".

    Xin đưa ra một thí dụ điển hình về việc sử dụng từ nhất thống” trước năm 1975. Đó là bộ truyện kiếm hiệp Tiếu Ngạo Giang Hồ của tác giả Kim Dung, do Thứ Lang Hàn Giang Nhạn dịch.

    Những ai từng đọc bộ truyện này hẳn phải nhớ một nhân vật đáng nể sợ hàng đầu là Nhậm Ngã Hành, giáo chủ Nhật Nguyệt Thần Giáo, cha của Nhậm Doanh Doanh, người sau này cùng Lệnh Hồ Xung kết nghĩa phu thê.

    Nhậm Ngã Hành đáng nể vì tài trí, ý chí và đáng sợ vì tham vọng. Sau khi luyện được Hấp Tinh Đại Pháp, đoạt lại chức giáo chủ từ tay Đông Phương Bất Bại, Nhậm Ngã Hành đã nuôi tham vọng bá chủ võ lâm.

    Mang tham vọng ấy, Nhậm Ngã Hành đã truyền lệnh mỗi khi ông ta đăng đàn, toàn thể giáo đồ Nhật Nguyệt Thần Giáo phải quỳ rạp xuống và tung hô ba lần:

    “Nhậm giáo chủ vạn vạn tuế - Muôn năm trường trị - Nhất thống giang hồ”.

    Nghĩa là toàn thể võ lâm hai đạo hắc bạch sẽ do một mình Nhậm Ngã Hành thống trị. Thống trị nhưng không thống nhất bởi vì họ Nhậm không thể bắt các võ phái khác như Thiếu Lâm, Võ Đang, Thanh Thành, Ngũ Nhạc Kiếm Phái... hợp với Nhật Nguyệt Thần Giáo trở thành một mối.

    Qua thí dụ vừa nêu, có lẽ độc giả đã thấy sự khác biệt giữa thống nhất” và nhất thống”. Áp dụng vào lịch sử cận đại của dân tộc Việt Nam, nhân vật duy nhất từng thống nhất đất nước là vua Gia Long.

    Tới đây nếu vẫn có độc giả cho rằng CSVN cũng có công “thống nhất đất nước”, tôi xin thưa như sau:

    Cùng lắm cũng chỉ có thể nói họ đã thống nhất lãnh thổ Việt Nam mà thôi.

    Thống nhất đất nước là phải thống nhất được cả lòng người.

    CSVN, với bàn tay đã nhuốm quá nhiều máu trước 1975, với chính sách phân biệt đối xử, với chủ trương đày đọa (*), với thủ đoạn trấn lột “phe thua cuộc” sau 1975, đã không thống nhất được lòng người.

    Và chắc chắn CSVN sẽ không bao giờ thay đổi bản chất của cộng sản!





    (*) Vào ngày 21/3/1978, tại hội trường Trường đảng Nguyễn Ái Quốc ở Thủ Đức, Đỗ Mười khi ấy còn là Phó thủ tướng kiêm Trưởng ban Cải tạo Công thương nghiệp XHCN, đặc trách vấn đề Cải tạo Công thương nghiệp XHCN tại miền Nam, đã đọc chỉ thị 100-CP của Chính phủ và phát biểu những lời lẽ hung hăng sắt máu, trong đó có ba đoạn sau đây:

    “Từ sau giải phóng chúng ta đã thực hiện X-1, tập trung bọn ngụy quân, ngụy quyền học tập cải tạo. Đã thực hiện X-2 đánh bọn tư sản mại bản. Bây giờ chiến dịch X-3, quyết liệt nhất, nhằm tiêu diệt tận gốc rễ chủ nghĩa tư bản, tay sai đế quốc Mỹ...

    “Đánh rắn phải đánh dập đầu, ta đã đánh dập đầu rồi, nhưng con rắn tư bản đánh dập đầu nó chưa chết, cái đuôi nó còn nguy hiểm hơn cái đầu. Không giần cho nát cái đuôi của nó, thì nó vẫn tác oai tác quái phá chúng ta...

    “Cho nên chúng ta phải róc thịt chúng ra. Bắt chúng lao động sản xuất, tự làm lấy mà ăn. Phải biết cày ruộng, cấy lúa, trồng ngô. Đất hoang còn nhiều, bắt chúng đổ mồ hôi sôi nước mắt kiếm miếng ăn...”.
    Last edited by Nguyen Huu Thien; 05-08-2023, 05:31 PM.

    Comment


    • #4
      Thêm một bài viết nữa :



      BÀI PHẢN BIỆN THỨ 2 TRẢ LỜI BÀI VIẾT CỦA CÙ HUY HÀ VŨ
      May 7, 2023
      0
      854

      Share








      Anh Cù Huy Hà Vũ mến,
      Sau khi bài phản biện của tôi (1) để trả lời phản biện của anh mới được đăng báo và được chuyển tiếp trên mạng Email và Facebook, thì vài ngày sau, tôi được đọc các bài viết của anh trên mạng Email, chứng minh rằng tôi viết sai về lịch sử Việt Nam liên quan đến Chính Phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Phân tích kỹ các bài viết (bài viết này và các bài viết trước) của anh, một trí thức phản tỉnh, đã từng bị chế độ Cộng Sản giam cầm vì cả gan làm đơn kiện Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng 3 lần, trong đó có 2 lần kiện để bảo vệ danh dự của những người thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa và các Tử Sĩ hy sinh tại Trường Sa, cá nhân tôi rất phục sự nghiên cứu kỳ công của anh. Tuy nhiên, có thể nói là qua mấy chục năm sống trong chế độ Cộng Sản, một chế độ mà nhất cử nhất động đều phải tuân theo chỉ thị của Đảng, và an ninh trùng trùng điệp điệp, thì tư duy của anh đã bị hạn chế khá nhiều, khiến các bài viết đầy tính Nhân Bản của anh đã trở thành một bài tham luận có nhiều luận điểm khiếm khuyết. Vấn nạn hạn chế tư duy của những nhà trí thức từng phục vụ cho chế độ Cộng Sản, thì không phải chỉ riêng anh mà là tất cả những trí thức tốt nghiệp ở Pháp, nổi tiếng thế giới như Thạc Sĩ Triết học Trần Đức Thảo, Luật sư Nguyễn Mạnh Tường, Thạc Sĩ Toán Hoàng Xuân Hãn. Bên cạnh đó còn hàng trăm vị Trí Thức đã sống trọng chế độ Cộng Sản, nổi bật nhất là các nhà văn, nhà thơ, nhà báo chủ trương vụ Nhân Văn Giai Phẩm, trong đó có Giáo Sư và Nhà Báo Nguyễn Hữu Đang, người đã kỳ công dựng lễ đài Độc Lập tại Quảng Trường Ba Đình, để rồi sau đó bị 15 năm tù và 20 năm quản chế vì tội phản động. Trong thời gian quản chế, ông phải sống trong một cái lều bên cạnh hồ, ăn thịt cóc để sống còn (Theo lời kể của chính ông).
      Vì thế, với mục đích trao đổi tư duy giữa chúng ta với nhau, một trí thức nổi tiếng của chế độ Cộng Sản và một người lính già thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa, mong bắt được một cây cầu thông cảm để nhìn về tương lai của nước Viêt Nam yêu dấu, xin được trình bầy với anh những điểm như sau.
      Những khiếm khuyết trong luận điểm của CHHV:
      -Thứ nhất: Giả thiết có tính loại trừ (A priori Assumption).
      a) CHHV viết: “Cuộc chiến tranh 1954 – 1975 chỉ là cuộc nội chiến, cho nên không có việc chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa xâm lăng miền Nam.” (1)
      Trả lời: Từ năm 1954 đến nay là 69 năm, chưa hề có một nhân vật nào, một tổ chức nào, một quốc gia nào đặt tên cho cuộc chiến tranh 1954-1975 là NỘI CHIẾN (Civil War), chỉ có một mình CHHV, dựa vào nội dung bản Hiệp Định Geneva, mới đưa ra ý tưởng này. Như thế, khi chỉ có mình là người đầu tiên đưa ra giả thiết này và chưa có một ai đồng thuận, thì không thể viết theo thể khẳng định (Affirmative) như vậy được. Nếu nhìn lại lịch sử Việt Nam, thì thời Trịnh-Nguyễn phân tranh đúng là tiêu biểu cho các cuộc Nội Chiến (Các cuộc đánh nhau giành ngôi vị Vua, Chúa không thể gọi là Nội Chiến mà là Tranh Giành Quyền Lực). Hơn nữa, khi nói đến hai chữ “Nội Chiến” thì phải đọc lại Lịch Sử Thế Giới, giở ngay trang Lịch sử cuộc Nội Chiến của Hoa Kỳ, để thấy lý do chính mà hai miền Nam Bắc Hoa Kỳ giết nhau tàn khốc từ năm 1861 đến 1865 vì môt khác biệt quan điểm về người nô lệ da đen; một bên muốn trả tự do cho nô lệ, một bên muốn bảo vệ chế độ nô lệ để làm giầu, còn ở Việt Nam, nội chiến vì lý do gì? Có phải vì miền Bắc muốn biến miền Nam thành một thành phần của Đế Quốc Cộng Sản Quốc Tế, trong khi Miền Nam bảo vệ Độc Lập, Tự do cho Tổ Quốc? Một bên là Khối Cộng Sản Quốc Tế tấn công, môt bên là Dân Việt trong thế thủ, thế tự vệ, nếu không gọi đó là cuộc Xâm Lăng thì gọi là gì? Không lẽ lại giải thích theo Putin: “Đây là Một cuộc Thao diễn quân sự – A Military Operation” như Putin đã tuyên bố từ đầu chiến dịch xâm lăng của Nga vào Ukraine hay chăng?
      Cuối cùng, nếu là Nội Chiến thì sau khi môt bên thắng, một bên thua, thì phải có Hòa Giải. Từ năm 1975 đến nay, có bao giờ chính phủ Việt Nam kêu gọi Hòa giải hay không? Cho đến giờ này, 48 năm rồi, bất cứ ai mở miệng nói lời bênh vực Việt Nam Cộng Hòa đều bị tù đầy khổ sai. Như vậy là nội chiến ư?
      b) CHHV viết: Cho dù Nhà nước Việt Nam có nghiêm túc coi đây là mầm mống của phiên bản “Chiến tranh Việt Nam” trong tương lai hay không thì sự kêu gọi phục thù từ người Việt chống Cộng hải ngoại có gốc gác Việt Nam Cộng hòa cùng với hưởng ứng nhiệt thành của “hậu duệ” của họ, trong đó có sĩ quan cao cấp của quân đội Mỹ, càng làm cho Nhà nước Việt Nam tin rằng “các thế lực thù địch” muốn thanh toán họ là hiện hữu!
      Trả lời: Những điều mà CHHV viết trên đều là giả thiết, vì đó không phải là phát ngôn của chính phủ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa. Khi CHHV viết đoạn văn trên theo thể Khẳng định (Affirmative) là “hướng dẫn sai lạc” (misleading).
      -Thứ hai: Trượt dốc (Slippery Slope). Từ sự kiện A trôi xuống sự kiện B mà không chứng minh.
      a) Cũng câu viết trên (1), CHHV đã đưa tiền đề 1 (cuộc nội chiến) trượt xuống kết luận 2 (Không có việc Miền Bắc xâm lăng Miền Nam) mà không có những sự việc trung gian. Đó là một “Non-Sequitur” (It’s true because it’s true!). Thực tế, việc hàng chục sư đoàn bộ binh Bắc Việt, vác Gạo của Trung Cộng, cầm Aka-47 của Trung Cộng, Tiệp Khắc, rầm rầm rộ rộ kéo theo các đại pháo, hỏa tiễn 122mm, xe tăng T-54 của Nga và của khối Cộng Sản Quốc Tế tiến đánh miền Nam là một cuộc xâm lăng của Quốc Tế Cộng Sản đánh vào Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa. Ngoài ra, như đã viết trong bài trước, sau 1975, không những chỉ những Nhân Viên Dân Chính và Quân Nhân các cấp của Miền Nam bị cùm, tù đầy, tra tấn, hành hạ, bị xử tử như những kẻ thù bất cộng đáy thiên của Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, mà người dân miền Nam cũng bị trù dập, dầy xéo tan nát, như con sâu, cái kiến dưới gót giầy của Bộ Đội Cụ Hồ, không lẽ đó là cuộc nội chiến giữa người Việt với nhau? Thực chất, đó là việc một Nước tàn sát môt Nước đối nghịch.
      Thứ ba: Kêu gọi cảm tính (Ad populum) & phân tích sai lạc (False analogy):
      CHHV viết: Có một thực tế không thể phủ nhận là nhiều người chống cộng hải ngoại có gốc gác Việt Nam Cộng hòa đã nỗ lực truyền lại sự thù hận cho con, cháu họ như một “di sản”. Hầu hết sinh hoạt công đồng của “người Việt tỵ nạn cộng sản” diễn ra với sự tham dự của con, cháu họ đều bắt đầu bằng màn chào quốc kỳ Cộng hòa Việt Nam Cộng hòa – cờ vàng ba sọc đỏ và hát quốc ca Việt Nam Cộng hòa và những diễn ngôn kêu gọi xóa bỏ, thậm chí lật đổ Nhà nước Việt Nam hiện nay do Đảng cộng sản lãnh đạo. Như vậy, đó không đơn thuần là sự nhắc nhở lý do họ và con cháu họ có mặt ở Mỹ, mà là lời kêu gọi phục thù không hơn không kém! Tư tưởng phục thù này đã ít nhiều thành công khi có một số người trẻ tuổi gốc Việt tổ chức các “Đại hội hậu duệ Việt Nam Cộng hòa” để “nguyện cùng đứng lên đón nhận trọng trách và nối tiếp con đường của thế hệ Cha Anh kiêu hùng, để tinh thần yêu nước của người lính Việt Nam Cộng Hoà và điều tâm niệm phụng sự cho Tổ Quốc, Danh Dự và Trách Nhiệm được duy trì mãi mãi trong những thế hệ mai sau”, như Đại hội Hậu Duệ Việt Nam Cộng Hoà Hải Ngoại năm 2019 (4) đã dõng dạc tuyên bố trong Thư ngỏ. Tại Đại hội Hậu duệ Việt Nam Cộng Hòa Hải Ngoại năm 2022, cựu tướng Mỹ gốc Việt, ông Lương Xuân Việt, con của một cựu sĩ quan Thủy quân Lục chiến Việt Nam Cộng hòa và là Thiếu tướng gốc Việt đầu tiên của quân đội Mỹ, đã thổ lộ nỗi đau “mất nước” và thẳng thừng gọi cộng sản Việt Nam là “giặc”, được cử tọa rào rào vỗ tay tán thưởng…
      Trả lời: Trong đoạn văn trên, CHHV đã viết với những ngôn từ cảm xúc nhằm lay động tâm hồn người đọc. Với mục đích đó, CHHV đã viết đúng có một nửa. Đồng ý có sinh hoạt cộng đồng nhiều, có màn chào cờ Quốc Gia, có hát những bài chiến đấu cũ, đồng ý có một mối căm thù vì cha chết, mẹ chết, con cái bị đầy ải, tài sản mồ hôi nước mắt bị tịch thu, quá khứ bị trù dập, tương lại bị đục bỏ, nhưng không phải sinh hoạt nào cũng kêu gọi TRẢ THÙ! Cá nhân chúng tôi đã tham dự hàng trăm sinh hoạt cộng đồng, mà chưa thấy có sinh hoạt nào hô hào TRẢ THÙ Cộng Sản miền Bắc cả, hầu hết là truy điệu và tưởng niệm những Anh Hùng, Anh Thư đã hy sinh vì Tổ Quốc, tưởng niệm Tháng Tư Đen năm 1975, với vượt biên, vượt biển, hải tặc, hoặc kêu gọi đóng góp giúp Dân Oan, Nạn Nhân Formosa, Thương Phế Binh… mà chưa nghe nói có việc tổ chức quân đội, trang bị vũ khí trở về Việt Nam đánh Cộng Sản để trả thù. Ngay cả tại các lần Kỷ Niệm Ngày Quân Lực cũng không có lời kêu gọi “Trả Thù!” Người Việt di tản thừa hiểu rõ rằng, Mỹ đã phản bội Miền Nam, đã giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm để mang quân ào vào đánh Cộng Sản rồi lại ào ào rút đi, như vậy mong gì mà có cuộc Trả Thù được quốc tế yểm trợ? Không có quốc tế yểm trợ, trả thù bằng răng cắn, tay cào hay sao?
      -Thứ Tư: Lý luận cho rằng việc này đúng vì không thể chứng minh ngược lại (Ad igonorantiam)
      CHHV vẫn dựa vào những điều ghi trong Hiệp Định Geneva 1954 và cho rằng đó là hiệp định chia đôi tạm thời hai miền để rồi 2 năm sau, sẽ tổng tuyển cử. Như vậy cuộc chiến 1954-1975 là cuộc nội chiến. CHHV cũng thách ai đó chứng minh ngược lại ý tưởng này.
      Trả lời: Thực tế cho thấy Hiệp Định Geneva chỉ là hình thức giúp cho Pháp rút khỏi Việt Nam, trong tình thế Pháp phải bỏ gần như toàn bộ các nước thuộc địa. Pháp để mặc cho Cộng Sản chiếm miền Bắc một cách chính thức, để rồi lịch sử cho thấy đó là một sự thất bại quốc tế: Không một bên nào thi hành!
      Theo: https://alphahistory.com/vietnamwar/geneva-accords-of-1954/ : “In April 1954, diplomats from several nations – including the United States, the Soviet Union, China, France and Great Britain – attended a conference in the Swiss city of Geneva. This led to the creation of the Geneva Accords, which outlined a roadmap for peace and reunification in Vietnam. The Geneva Accords are remembered as a failure, chiefly because the major signatories did not adhere to their terms.”
      Câu chót của đọan này đã chỉ rõ: “Hiệp Định Geneva được ghi nhớ là môt sự thất bại, vì có những quốc gia lớn không được ghi vào hiệp định.” Có phải đó là Mỹ và Quốc Gia Việt Nam không? Pháp đâu phải Việt Nam? Pháp là Thực Dân Tây, một chính phủ Bảo Hộ, không phải chính phủ của người Việt Nam! Pháp là lực lượng Thực Dân đã đem đại bác đến đánh Viêt Nam và chiếm Nam Kỳ từ 1867 rồi sau khi bị Nhật đuổi chạy, Pháp lại trở lại với Hiệp Ước Fontainebleau, ký bởi Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng và phái đòan, mời Pháp trở lại cai trị Việt Nam. Từ đó đến 1954, Pháp là một Đại Cố Vấn, cũng giống như Trung Cộng là Cố Vấn Vĩ Đại của miền Bắc. Giả thử Trung Cộng thay mặt miền Bắc mà ký kết văn kiện quốc tế, văn kiện ấy có tính chính đáng không? Vì thế mà đại diện Quốc Gia Việt Nam là Ngoại Trưởng Trần Văn Đỗ đã không ký hiệp định này. Hiệp định thiếu chữ ký của Quốc Gia Việt Nam thì không có giá trị.
      CHHV cũng luôn khẳng định rằng miền Bắc và miền Nam không phải 2 quốc gia!
      Trả lời: Hiệp định Geneva không phải chỉ dành riêng cho Việt Nam, mà còn cho cả Triều Tiên, Cambode, và Laos. Với Triều Tiên, thì hiệp định đã xác quyết là hai quốc gia ở hai bên vĩ tuyến 38. Cho đến năm nay là 69 năm, Nam Triều Tiên và Bắc Tiều Tiên vẫn là hai quốc gia đối đầu nhau và đều được thế giới công nhận. Với Việt Nam Cộng Hòa, chính phủ hợp pháp trong thời điểm Hiệp Định Geneva được ký là Thủ Tướng Ngô Đình Diệm, hoạt động từ 16 tháng 6 năm 1954 đến 23 tháng 10 năm 1955. Sau đó, là các chính phủ hợp pháp của VNCH, cho dù đó là các cuộc lật đổ nhau. Trước 1975, có 87 Quốc Gia công nhận Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa trong khi Chính Phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chỉ có 5 nước công nhận đặt Đại Sứ: Liên Sô, Trung Hoa Cộng Sản, Tiệp Khắc, Cuba, Đông Đức, và Bắc Hàn.
      Kết luận về vấn đề hai hay một quốc gia, mời nghe Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh nói: Tôi biết rằng dựa vào Trung Quốc sẽ mất Nước, những mất Nước còn hơn mất Đảng!
      -Thứ 5: Chối bỏ sự thực (Avoiding the issue)
      CHHV cho rằng trận Điện Biên Phủ là do Đại Tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo, không phải là Vy Quốc Thanh vì không có tài liệu nào chứng minh.
      Trả lời: Tài liệu về việc La Quý Ba và Vy Quốc Thanh chỉ đạo các trận chiến lớn, đặc biệt là trận Điện Biên Phủ thì có nhiều, nhưng chi tiết nhất là từ “bbc” (Xem phụ chú). Bài này khá dài viết về các trận thắng lớn của Việt Minh, nên chỉ có thể trích đoạn về trận Điện Biên Phủ: Sau khi nhận tin tình báo về sự di chuyển của Việt Minh về hướng Lai Châu, tướng Navarre quyết định đưa quân đến Điện Biên Phủ, một thung lũng nhỏ tại cao nguyên tây bắc, trên đường sang Luang Prabang của Lào. Khi tin này đến tai Vy Quốc Thanh, ông này đang trên đường đến Tây Bắc. Sau khi thảo luận tình hình mới với ban cố vấn, Vy Quốc Thanh đề nghị Việt Minh mở chiến dịch bao vây và tiêu diệt quân Pháp ở Điện Biên Phủ trong lúc vẫn tiếp tục duy trì kế hoạch tấn công Lai Châu. Ông cũng báo cáo kế hoạch cho Bắc Kinh. Chấp nhận đề nghị của Vy, quân ủy trung ương Trung Quốc nhấn mạnh chiến dịch Điện Biên Phủ không chỉ quan trọng về quân sự-chính trị mà có cả ảnh hưởng quốc tế. Hứa cung cấp mọi vũ khí mà Việt Nam cần, các lãnh đạo Trung Quốc chỉ thị ban cố vấn giúp Việt Nam “quyết định” và giúp đỡ việc chỉ đạo chiến dịch.
      Nói thêm về Võ Nguyên Giáp, người hùng của CHHV. Nếu nhân vật này thực tài, thì tại sao lại bị giáng chức xuống làm viên chức chuyên lo vụ sinh đẻ có kế hoạch, một sự hạ nhục vô cùng đau đớn cho người hùng này. Xin nhắc lại mấy câu thơ thẩn từ miền Bắc: Ngày xưa, Đại Tướng cầm quân. Ngày nay, Đại Tướng cầm quần chị em. Và: Ngày xưa Đại Tướng công đồn. Ngày nay, Đại Tướng công l. chị em”.
      -Kết luận: Để có một ngày có thể thống nhất về tư tưởng giữa chính phủ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa và những người dân của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, cần phải có sự “Ôn Cố, Tri Tân”, nhìn lại những diễn tiến lịch sử năm xưa, để tìm ra một biện pháp hàn gắn, hòa giải thực sự, trả tự do cho những người bất đồng chính kiến, xóa bỏ những chữ hằn thù “Ngụy Quân, Ngụy Quyền” trong mọi văn kiện của Nhà Nước, (theo như chính những điều mà CHHV đã viết trong đơn kiện Nguyễn Tấn Dũng), và chính thức mời gọi những người trí thức thuộc chế độ cũ cùng làm việc, nghiên cứu sửa đổi Hiến Pháp, bỏ những sai lầm trầm trọng dẫn đến quốc nạn Tham Nhũng, để cho Việt Nam trở thành một nước Tự Do, Dân Chủ thực sự, và cho tên gọi Việt Nam tỏa sáng trên chính trường quốc tế.
      Lính già Việt Nam Cộng Hòa Chu Tất Tiến.

      Comment



      Hội Quán Phi Dũng ©
      Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




      website hit counter

      Working...
      X