Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Thành phố ‘thơm mùi cá đuối!’

Collapse
X

Thành phố ‘thơm mùi cá đuối!’

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Thành phố ‘thơm mùi cá đuối!’

    Thành phố ‘thơm mùi cá đuối!’
    Ông Tư Sài Gòn





    Đàn ông Việt thường bị “bệnh đái đường”. Đang đi đường lỡ bị “mót” không kịp tấp vô lề kiếm chỗ để “xả” thì phải đái trong quần thôi. Chứ để lâu vỡ bọng đái thì dễ xơi “gà khỏa thân” lắm!

    Đàn ông Việt bị “bệnh đái đường” nặng gấp trăm lần phụ nữ, nhất là những ông hay nhậu ở mấy quán vỉa hè. Gọi là quán cho sang, chứ chẳng còn từ nào thấp hơn để gọi, vì chỉ có mấy cái bàn thấp lè tè, với mấy cái ghế đẩu bung đinh, bung mộng. Ở đó chỉ có ba thứ mồi làng nhàng, mì gói xào, ba con nghêu luộc, sò nướng mỡ hành,… và món nhậu không thể thiếu là khô cá đuối.

    Mấy gã đàn ông đến đây thì cũng chỉ cần có thế. Hôm nào sang thì kêu mỗi tên vài chai bia, hôm nào “hẻo” thì gọi vài xị (thứ gọi là) rượu thuốc là đủ vui rồi.





    Khi nào “mót” thì đứng lên đến bên bức tường gần đó, quay lưng ra ngoài, mắt nhìn thẳng vào một điểm cố định trên tường rồi đếm “một, hai, ba,… xì xì… xì…” Thế là vơi nỗi buồn, vào bàn, xé miếng khô cá đuối nhỏ, chấm miếng mắm me dầm ớt… nhậu tiếp.

    Vị khô cá đuối mằn mặn, mùi hơi khai khai, trộn lẫn vị chua chua cay cay của mắm me thật là ngất ngây! Thật là hợp tình, hợp cảnh. Mùi khô cá đuối giông giống mùi của thứ nước mấy ổng thải ra, nên nhậu khô cá đuối sẽ không còn thấy mùi nước “xả” nữa. Dân nhậu nói, cá đã chết mà còn bị đuối nên mùi nó mới như thế! Đàn bà chẳng ai bén mảng tới những nơi như thế, trừ mấy em “bèo dạt mây trôi”, khuya khuya tạt ngang làm chai bia, ăn dĩa mì gói xào bò cho lại sức.

    Đấy là hình ảnh buổi tối, họa hoằn lắm người đi đường mới nhìn thấy. Còn ban ngày thì trên khắp nẻo đường Việt Nam, góc tường, bờ kênh, gầm cầu, gốc cây,… đâu đâu cũng có thể thấy bóng “trượng phu” đứng… thở dài!

    Thực ra chẳng ai muốn đứng đái ngoài đường cả. Ngay ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ,… tìm “đỏ mắt” không ra nhà vệ sinh công cộng nằm trên trục đường chính, thì muốn “giải quyết nỗi buồn” phải tìm công viên, khu vui chơi, siêu thị, hay chợ, rồi phải gởi xe, đi bộ vào một quãng xa mới có chỗ “xả”. Chỉ tội cho người già và người bị rối loạn đường tiểu, vào tới vòng gởi xe đã ướt hết quần, chẳng cần vào trong làm gì.

    Ngay cao tốc Quảng Ninh làm mất vài trăm tỷ, suốt quãng đường dài hơn 170 cây số đố thấy chỗ nào cho bà con “xả bầu tâm sự”. Nếu cứ tuân theo luật thì cứ gọi là ướt hết cả xe, chẳng chừa ai cả. Hỏi mấy tay “có trách nhiệm” thì trả lời cứ ấm a ấm ớ, rằng thì là “quên thì chẳng phải, nhớ thì không!”.

    Có lần tôi đang đi đường thì muốn “giải quyết”, tìm hoài không thấy cái chợ hay siêu thị nào gần đấy cả, bèn vào một quán ăn. Dựng xe chạy vội vào nhà vệ sinh – xém nữa là “thôi rồi Lượm ơi!” – nên không kịp nhìn thấy tấm giấy nhỏ xíu: “Nhà vệ sinh chỉ dành cho thực khách”. Đến lúc “giải quyết nỗi lòng” xong, tôi đành mua một phần ăn “to go” mang về cho phải đạo.

    “Đái trước đã!” – Ảnh: Giáo Dục Việt Nam


    Lần khác, tôi đổ xăng ở một cây xăng dọc quốc lộ. Trong khi chợ nhân viên đổ đầy bình, tôi đi vào nhà vệ sinh, thấy ba “ông kẹ” ở-trần-bụng-phệ-đầu-hói ngồi ngay lối vào, nhìn tôi với ánh mắt trân trối. Tôi nép người đi vào trong thì bị ông đầu hói kêu giật ngược: “Anh kia! Đi đâu vậy?” Tôi ngạc nhiên đáp: “Tôi đổ xăng ở đây, vào đi tiểu chút”. Ông bụng phệ nói: “Thì anh cũng phải nói tôi một tiếng chứ đi vô tự nhiên vậy?” “Tôi trố mắt: “Ô vậy hả anh! Xin lỗi anh, tôi không biết”. Ba ông ở-trần-bụng-phệ-đầu-hói bèn phất tay ra vẻ “ban ơn” cho tôi được “xả nỗi buồn”, rồi tiếp tục câu chuyện.

    Nghe ba “ông kẹ” nói tự dưng tôi… hết “buồn”, nên chỉ rửa mặt lẹ rồi đi ra. Ba cặp mắt nhìn tôi ra vẻ thắc mắc: “Thằng này đi đái kiểu gì mà lẹ dữ?”

    Kể chuyện vui (có thật) để thấy muốn đi tiểu đàng hoàng cũng khó lắm, nên nhiều người kiếm góc khuất nào đó “xả” đại một phát cho xong. Đằng nào cũng chẳng ai biết mình là thằng “cha căng chú kiết” nào, vì thời buổi này đi đâu cũng đeo khẩu trang bịt kín mặt.

    Có tin bây giờ thì hết “thời hoàng kim” của những kẻ “đái đường” rồi, vì chính phủ vừa ra Nghị định 45/2022 phạt người tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định từ 150,000 đồng đến 250,000 đồng cho một lần vi phạm.



    Không cần biết đây là đâu, có bao nhiêu người qua – Ảnh: Afamily


    Một số bạn già tôi lục đục tìm mua tã cho người lớn tuổi, mà phải là loại siêu thấm mới chịu. Hỏi tại sao phải thế, họ nói tại thấy quảng cáo “siêu thấm mang lại cho bạn cảm giác sạch sẽ, mát mẻ”, làm tôi hết hồn, cứ ngỡ đang nói chuyện với mấy bà.

    Hôm gặp ông Giáo ở quán cà phê con Pha, ổng nói ổng mua rồi, mặc thử rồi: “Đã lắm! Tính ra mỗi miếng 21,000 ngàn đồng. Thôi ông cũng mua mặc cho chắc, ‘tè’ bậy ngoài đường, tụi nó phạt xấu hổ lắm”.

    Tôi nói: “Tôi đố nó phạt được tôi, khi tụi nó đến thì tôi cũng đái xong rồi, làm sao bắt quả tang tôi đái đường được? Chẳng lẽ nó tịch thu dụng cụ đái mang về phường làm bằng chứng hả?” .

    Con Pha đứng gần đó mặt đỏ rần, nói “ông Tư nói bậy quá” rồi chạy biến. Ông Giáo cũng bật cười trước câu nói giỡn của tôi. Tôi nói ông Giáo đừng có lo mấy cái nghị định tào lao này, thằng ký cái nghị định đó thương những người như tôi với ông lắm chứ không phải nó ghét bỏ đâu. Ông Giáo ngạc nhiên hỏi: “Ông Tư nói vậy nghĩa là sao?” Tôi trả lời:

    “Hồi năm 2013, chính phủ ra Nghị định số 167, phạt đái đường từ 100,000 đồng đến 300,000 đồng. Đến năm 2016, thấy ‘cộng đồng đái đường’ phát triển mạnh từ thành thị đến nông thôn, chính phủ ra nghị định mới số 155, quy định mức phạt từ 1 triệu đến 3 triệu, đồng thời yêu cầu người vi phạm phải ‘khắc phục hậu quả’. Bây giờ thằng mới lên giảm xuống mười lần mà không bắt ‘khắc phục hậu quả’ là tốt quá rồi còn gì”.



    Đầu tháng Giêng năm 2015, anh chàng có nickname Nguyen T.T.L. đã “tự tin” đăng lên Facebook
    tấm ảnh tè bậy trên cầu Nhật Tân
    kèm theo dòng chú thích đầy tự hào
    “Mình là người khai trương cầu Nhật Tân nhé” – Ảnh: Tin Tức


    Ông Giáo hỏi rất ngây thơ: “Mà ‘khắc phục hậu quả’ là sao ông Tư?” Tôi nói: “Là nó bắt mình lấy nước rửa cho sạch đó. Nhưng mà đâu có ai làm. Đóng phạt người ta còn không đóng, nói chi ‘khắc phục’. Tào lao!”

    “Bị bắt rồi sao không đóng được ông Tư?” ông Giáo hỏi lại. Tôi mắc cười vì cái ngây thơ của ông Giáo quá nên chọc, thì người ta cãi “bò đái chứ đâu phải người, không tin cứ hỏi ông Thích Nhật Từ thì biết!”

    Nghĩ cũng quá đáng… nhưng mà thiệt! Cái nghị định này chỉ ồn ào như phiên chợ vỡ vài hôm thôi. Khi nào thành phố xây đủ nhà vệ sinh công cộng rồi hãy nói chuyện với dân. Vớ va vớ vẩn!

    Rồi thành phố nào cũng “thơm mùi cá đuối” thôi!

    Tin giờ chót: Nghe đâu Chủ tịch TP. HCM nói muốn “làm nghiêm như Singapore” về quản lý trật tự, vệ sinh môi trường. Không thấy ông đề cập đến xây mấy cái nhà vệ sinh công cộng cho dân nên hơi lo. Thế mà ông Vũ Nguyễn Quang Vinh, Phó chủ tịch UBND Quận 1, giơ tay và hô to: “Quyết tâm làm”.

    Anh em bạn già cẩn thận, nhớ mặc tã khi đi ra Quận 1, coi chừng gặp đàn em thằng “Hải cẩu”. Nó tên… “Vinh cấm tè”!

    Ông Tư Sài Gòn

  • #2
    CAM DAI BAY ON THE MOON

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X