Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Một Vấn Ðề Khó Xử?

Collapse
X

Một Vấn Ðề Khó Xử?

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Một Vấn Ðề Khó Xử?




    Từ khi cuộc nội chiến bắt đầu năm 2011, đã có hơn 4 triệu người dân Syria đã rời bỏ nước tạo ra một luồng sóng tị nạn lớn nhất kể từ Đệ Nhị Thế Chiến. Hầu hết những người nầy đến tạm trú ở Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan. Nhưng một số không nhỏ khác đã liều mình đi đến tận các nước Âu Châu vì điều kiện sống ở đây dễ dàng tốt đẹp hơn.

    Các nước Âu Châu đang cố gắng hết sức họ để giải quyết thảm trạng tị nạn nầy. Những quốc gia Tây Phương khác như Mỹ và Úc cũng đang thu nhận một số người tị nạn.

    Tuy nhiên, không như Âu Châu, các quốc gia như Mỹ và Úc nằm quá xa hẳn các khu vực người tị nạn có thể tự sức đi đến được. Vì vậy các nước như Mỹ và Úc có thể hạn chế số lượng di dân vào nước họ. Chẳng hạn như Mỹ cho đến nay chỉ mới cho vào khoảng 600 người và sẽ dự định tăng lên khoảng 10 ngàn trong năm 2016. Ở Úc cũng đang dự định sẽ nhận vào khoảng 12 ngàn người trong 2016.


    Đây là những con số có vẻ rất khiêm nhường so với tình trạng ở Âu Châu. Chính quyền các nước Âu Châu như Hy Lạp, Đức hiện nay hầu như không thể kiểm soát được biên giới của họ đang bị tràn ngập bởi người tị nạn. Từng đoàn người tị nạn gần như có thể xâm nhập vào lãnh thổ các nước Âu Châu họ muốn đi đến một cách tùy tiện. Trong khi nội bộ chính phủ các nước nầy đang tranh cãi lẫn nhau về chính sách và số lượng di dân họ có thể thu nhận, mỗi ngày con số người tầm trú tràn vào biên giới của họ lên đến hàng 10 ngàn người.

    Hiện nay chưa ai tìm ra một biện pháp gì được xem là thích ứng đối với tất cả mọi người về phương diện chính trị lẫn nhân đạo với những người tị nạn từ Syria. Quan điểm của các chính khách trên thế giới về vấn đề tị nạn khác biệt hẳn với nhau. Ở một thái cực chúng ta có những người như Nữ Thủ Tướng Đức Angela Merkel chủ trương mở rộng cửa biên giới quốc gia họ đón nhận người tị nạn một cách hầu như vô giới hạn và vô kiểm soát. Ở thái cực khác chúng ta thấy những người như Ứng Cử Viên Tổng Thống Mỹ Donald Trump chủ trương không cho bất cứ di dân Hồi Giáo với bất cứ lý do gì đặt chân lên đất nước của ông.

    Ở đâu đó giữa hai thái cực trên có thể là một giải pháp khả dĩ áp dụng được cho thảm trạng tị nạn nầy.

    Trước hết chúng ta xét đến lý luận của những người chủ trương đón nhận số lượng lớn người tị nạn vào quốc gia họ. Lấy vấn đề hiện đang tranh cãi sôi nổi “Hoa Kỳ có nên gia tăng mức thu nhận người tị nạn hay không?” để làm thí dụ. David Miliband, Tổng Giám Đốc và Chủ Tịch của Hội Đồng Cứu Trợ Quốc Tế, là một trong những người đứng đầu chiến dịch cổ động chính phủ Mỹ thu nhận thêm nhiều người tị nạn.

    Ngoài lý do nhân đạo và nghĩa vụ đối với người tị nạn nói chung, ông Miliband cho rằng việc mở rộng vòng tay đón người tị nạn Syria là một việc làm tiên quyết cần thiết để đánh dấu sự thay đổi trong thái độ của thế giới đối với tình cảnh của Syria. Điều nầy sẽ làm nhiều quốc gia có cơ hội chung sức lại, về mặt kinh tế lẫn chính trị, để kéo Syria và những nước láng giềng ra khỏi vũng lầy chiến tranh đen tối của họ.

    Ông cũng cho rằng lịch sử đã chứng minh việc thu nhận người tị nạn thật ra mang đến nhiều lợi ích cho đất nước Mỹ. Ông lấy thí dụ của Albert Einstein, của Madeleine Albright, của Sergey Brin để cho thấy sự đóng góp to lớn của những người tị nạn vào quốc gia họ định cư.

    Ông Miliband dùng các chương trình định cư người tị nạn Việt Nam trước đây để làm thí dụ. Theo ông, với tiêu chuẩn nầy thì chính phủ Hoa Kỳ nên nâng số lượng thu nhận người tị nạn Syria lên 100 ngàn trong năm 2016, thay vì chỉ ở con số nhỏ bé 10 ngàn người như dự định hiện nay.

    Ông Miliband cũng cho rằng chính phủ Mỹ đã có một hệ thống kiểm soát an ninh hiệu quả ở nhiều tầng lớp khác nhau để thanh lọc những cá nhân có tiềm năng nguy hại cho quốc gia.

    Có nhiều người nghĩ khác. Họ không phủ nhận là làn sóng người tị nạn từ Syria nhất định cần sự giúp đỡ khẩn cấp về thực phẩm và nơi tạm trú. Tuy nhiên họ phản đối việc mở cửa hối hả thu nhận một số lượng lớn những người tị nạn nầy vào định cư trong đất nước họ.

    Bà Jessica Vaughan, Giám Đốc Nghiên Cứu của Trung Tâm Nghiên Cứu về Di Dân của Hoa Kỳ. Nhiệm vụ của bà ở đây từ 1992 là khảo cứu những tác động của các chương trình di dân lên xã hội Hoa Kỳ và cung cấp tài liệu cần thiết cho giới lãnh đạo trong việc soạn thảo chính sách định cư người di dân. Gần đây bà Vaughan vừa hoàn tất một đề án nghiên cứu về mối liên hệ giữa di dân và vấn đề phạm pháp cho Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ.

    Bà Vaughan cho biết hệ thống kiểm soát lý lịch của người tị nạn và di dân hiện nay rất kém hoàn hảo. Nhân viên Bộ Di Trú khi cứu xét hồ sơ xin định cư không kiểm tra toàn bộ những gì cần kiểm tra theo quy định. Lý do lớn nhất là họ đã được lệnh phải cắt giảm bớt quy trình kiểm soát để tiết kiệm thời giờ. Điều nầy có nghĩa là nhiều chi tiết về tiểu sử cá nhân và gia đình của những người tị nạn hay di dân sẽ không bao giờ được nhìn đến hay điều tra. Có nghĩa là có những thành phần với tiềm năng khủng bố phá hoại sẽ, và đã, được thu nhận vào định cư trong Hoa Kỳ.

    Việc dùng chứng từ giả rất phổ biến trong những người tị nạn hay di dân. Bà Vaughan cho biết chứng từ giả ngày nay rất tinh vi và dễ mua ở các nước Trung Đông. Trong khi đó, nhân viên cứu xét hồ sơ định cư ở Hoa Kỳ phần đông không có đủ kinh nghiệm và phương tiện để phân biệt đâu là giả thật.

    Tài liệu còn cho thấy sau khi một người di dân được định cư thì nhà cầm quyền thường mất hẳn dấu tích của họ. Bà Vaughan nói có vô số trường hợp khi người di dân vì lý do gì đó cần phải trình diện trước tòa nhưng cảnh sát không thể tìm ra họ để đưa án lệnh.

    Bà Vaughan cũng cho biết hiện nay quy định kiểm soát dành cho những người đứng ra bảo lãnh thân nhân hay người phối ngẫu từ nước ngoài rất sơ sài. Thí dụ, Sở Di Trú không lấy dấu tay những người xin bảo lãnh, và cũng không dùng đến hồ sơ của FBI. Khi thử so sánh với danh sách những kẻ có tiềm năng khủng bố của FBI, quy trình kiểm soát những người xin bảo lãnh hiện nay bởi Sở Di Trú chỉ nhận diện được khoảng 20% của danh sách nầy. Có nghĩa là cứ 5 người có tiềm năng khủng bố nộp đơn xin bảo lãnh thân nhân và người phối ngẫu từ nước ngoài thì chỉ có một người bị bác đơn. Còn 4 người kia sẽ vẫn được phép bảo lãnh người thân của họ, và những người thân nầy rất có thể cũng có tiềm năng khủng bố.

    Trong vụ khủng bố ở San Bernardino vào ngày 2 tháng Mười Hai vừa qua có 14 người chết và 22 bị thương. Đây là hậu quả trực tiếp của sự thất bại trong quy trình kiểm soát hồ sơ xin định cư ở Mỹ. Hung thủ là Syed Farook và “vợ” là Tashfeen Malik. Cả hai đều bị bắn chết trong cuộc giao tranh với cảnh sát khoảng một ngày sau cuộc khủng bố. Farook là một người Hồi Giáo cực đoan gốc Pakistan sinh ở Chicago. Hắn gặp và kết bạn với Malik trên internet. Malik cũng là một người Hồi Giáo Sunni quá khích đã từng sống ở Pakistan và Á Rập Saudi. Khi ra khỏi nhà, cô ta luôn luôn mặc burqa, một loại y phục sậm màu dành cho phụ nữ che kín toàn thân trừ đôi mắt. Kết quả điều tra cho thấy Marook đã nằm trong danh sách tình nghi của FBI nhưng Sở Di Trú không hề biết việc nầy. Và trong hồ sơ xin định cư của Malik có những chi tiết cá nhân và gia đình cho thấy cô ta cũng là một thành phần có tiềm năng nguy hiểm. Sở Di Trú cũng không nhìn thấy việc nầy. Cả hai đã đồng tình toan tính chuyện khủng bố trước khi Farook bảo lãnh Malik vào Mỹ năm 2014 dưới tư cách người phối ngẫu. Kết quả điều tra cũng cho thấy Malik Farook đã không phải là vợ chồng thật sự.

    Hiện tượng thiếu sót trong quy trình kiểm soát trên xảy ra không những ở Mỹ mà còn ở tất cả các nước Tây Phương khác. Ngoài vấn đề an ninh quốc phòng vừa nói, nhiều người cũng đưa ra những mối lo ngại về mặt xã hội, văn hóa, kinh tế và nhân chủng khi thu nhận một số lượng lớn người tầm trú vào định cư cùng một lúc.

    Để xác định vị trí nào thích ứng nhất ở giữa hai thái cực nói đến ở trên của Angela Merkel và của Donald Trump, trước hết chúng ta có thể nhìn lại lịch sử thu nhận người tị nạn. Đây là để thử xem có những lỗi lầm nào cần sửa đổi hay không và tránh không tái diễn những thất bại đó nữa.

    Nếu lấy việc thu nhận người tị nạn Việt Nam vào các nước phát triển Tây Phương ở những thập niên từ 1975 đến 1990 làm thí dụ, lịch sử cho thấy các chương trình nầy có thể được xem là thành công. Đại đa số thế hệ thứ hai, thứ ba của những người tị nạn Việt Nam đã hòa nhập và đóng góp đáng kể vào xã hội của những nước họ định cư. Dĩ nhiên là cũng có một số nhỏ các phần tử bất lương, trộm cướp trong những cộng đồng người Việt tại bất cứ quốc gia nào. Tuy vậy thành phần nầy không phải là đặc điểm tiêu biểu cho cộng đồng Việt Nam hải ngoại. Nói chung, tỉ lệ của thành phần nầy không khác gì lắm so với các cộng đồng bản xứ.

    Trong lúc đó, các chương trình thu nhận người tị nạn Trung Đông vào các nước Âu Châu cũng như Mỹ và Úc cho đến nay dường như không có sự thành công tương tự. Ngay cả những cộng đồng Trung Đông đã định cư nhiều thập niên, như trong trường hợp ở Đức từ những năm 1960, cũng vậy. Số lượng người thất nghiệp trong các cộng đồng di dân Trung Đông đã và vẫn cao hơn người bản xứ một cách rõ rệt. Tỉ lệ người Trung Đông phạm tội hình sự hiện nay vẫn cao hơn gấp nhiều lần so với người bản xứ và các cộng đồng di dân khác.

    Sự khác biệt trên có thể vì nhiều lý do khác nhau.

    Có thể nói yếu tố quan trọng nhất cho sự thành công trong việc định cư người tị nạn là chính sách chăm sóc, bảo trợ người tị nạn của chính quyền các quốc gia định cư. Các chính sách nầy ở mỗi quốc gia đều áp dụng hầu như giống nhau cho người tị nạn Việt Nam và Trung Đông. Cả hai nhóm người tị nạn (hay di dân) nói chung đều được hưởng các tiêu chuẩn tương tự nhau về tài trợ, cấp dưỡng, hướng dẫn sinh hoạt và văn hóa để giúp họ hòa nhập vào xã hội. Vì vậy có lẽ đây không phải là lý do cho sự khác biệt về mức độ thành công trong việc định cư giữa người Việt Nam và người Trung Đông.

    Nói về thái độ của người dân bản xứ đối với người di dân mới đến nước họ thì có thể có ít nhiều khác biệt với thời gian. Và cũng có những khác biệt giữa những quốc gia định cư khác nhau. Trong cùng một địa phương hay cùng một quốc gia thì nói chung thái độ của phần đông người bản xứ đối với các nhóm di dân hầu như không khác nhau lắm.

    Thế thì có thể nào lý do của sự khác biệt trên là do bản chất, văn hóa và khả năng thích ứng của chính những nhóm người di dân? Tôi nhớ những người Việt Nam vượt biên đến các trại tị nạn nói chung không hề đòi hỏi gì hơn vài nhu cầu ăn ở tối thiểu để sống qua ngày. Tuy cũng có những lời càm ràm, họ nói chung kiên nhẫn cam chịu một cách im lặng nếu điều kiện ăn ở tại các trại tị nạn lúc đó không hoàn hảo như họ nghĩ. Trái lại, những người tị nạn Trung Đông ngày nay thường xuyên biểu tình, bạo động, đốt trại, tự khâu miệng, v.v… vì không được cứu xét cho định cư hay vì để phản đối điều kiện sinh hoạt trong trại tị nạn không được như ý họ muốn.

    Tôi nhớ khi những người Việt Nam tị nạn ở thời đó được định cư, trừ một số đi học lại, phần đông chỉ dốc lòng đi tìm việc làm kiếm tiền nuôi thân và gởi về Việt Nam để nuôi gia đình. Tôi nhớ sau một thời gian thì tỉ lệ thất nghiệp của người tị nạn Việt Nam dần dần giảm xuống không khác mấy so với tỉ lệ thất nghiệp của người bản xứ. Trong khi đó, như vừa đề cập ở trên, tỉ lệ thất nghiệp của người di dân Trung Đông sau mấy thập niên vẫn còn nổi bật rất đáng kể.

    Tại một số nước Âu Châu, ở Pháp chẳng hạn, hiện nay vẫn có nhiều khu vực người di dân Trung Đông tập trung sinh sống với một mật độ hầu như 100%. Họ không có khuynh hướng hòa nhập vào các cộng đồng dân chúng địa phương. Ở những khu vực tập trung người Trung Đông, tỉ lệ thất nghiệp và phạm pháp cao vượt bực. Ngay cả cảnh sát Pháp cũng ngần ngại mỗi khi cần phải đi vào làm việc ở các khu vực trên. Hiện tượng nầy không xảy ra ở các khu tập trung người Việt sinh sống.

    Một điều khó phủ nhận là chính phủ các quốc gia Tây Phương vừa kể hiện nay vẫn chưa có khả năng giải quyết thỏa đáng nhiều vấn đề an ninh xã hội liên quan đến người tị nạn và di dân Trung Đông đã định cư ở nước họ từ vài thập niên qua. Vì lý do nầy hay lý do khác, việc hòa nhập với cộng đồng bản xứ nói chung đã không xảy ra như dự định. Vì lý do nầy hay lý do khác, người di dân Trung Đông nói chung vẫn không thấy, và không cho thấy, rằng cái đất nước đã và đang nuôi dưỡng đùm bọc họ là đất nước của họ. Vì vậy, họ không đóng góp gì vào kinh tế lẫn xã hội của các quốc gia định cư của họ. Vì vậy, không ít dân chúng bản xứ bây giờ không có thiện cảm với họ. Vì vậy, có một sự chia rẽ đáng ngại ngay bên trong nền móng xã hội căn bản của những quốc gia trên. Sự chia rẽ nầy ngày càng to lớn hơn theo tỉ lệ thuận với dân số người di dân Trung Đông tăng gia nhanh chóng hơn so với dân bản xứ.

    Việc ưu tiên cao nhất là giải quyết các vấn đề an sinh xã hội nêu trên. Có lẽ chính phủ các quốc gia định cư cần cung ứng những chương trình hướng dẫn, giáo dục, hỗ trợ đặc biệt hơn cho các cộng đồng di dân Trung Đông so với những sắc tộc khác? Có lẽ vì bản tính văn hóa và xã hội của Trung Đông làm cho những người di dân nầy cần được giúp đỡ nhiều hơn trước khi họ có thể hòa nhập vào xã hội Tây Phương? Nếu chính phủ của các quốc gia định cư Tây Phương chưa tìm ra phương cách thỏa đáng nào để giải quyết các vấn đề trên thì họ không nên làm cho nó trầm trọng hơn vượt bực bằng cách tiếp tục gia tăng số người tị nạn và di dân Trung Đông trong nước họ. Nói cách khác, họ không nên chủ trương mở rộng cửa đón tiếp những người tị nạn hiện nay vào định cư ở nước họ một cách hối hả và bừa bãi như chúng ta thấy ở Đức.

    Nhiều người, nhất là báo chí, than phiền rằng những người tị nạn từ Trung Đông hiện đang bị giam cầm, cô lập và bị đối đãi tàn tệ. Họ cho rằng bắt buộc những người nầy, nhất là các trẻ con của họ, ở lâu dài trong những trại tị nạn nầy là vô nhân đạo. Họ cho rằng chúng ta cần phải làm bất cứ việc gì chúng ta có thể, một cách nhanh chóng nhất, để giúp những người nầy có một đời sống an lành và ổn định lại.

    Tôi hiểu được các cảm nghĩ đó. Tôi là một người hơn 35 năm trước đã vượt biển trốn chạy khỏi chế độ cộng sản ở Việt Nam. Tôi đã là một người tị nạn, đã từng sống trong trại tị nạn. Tôi hiểu được tình cảnh và cảm tưởng của những người tị nạn. Tuy vậy tôi cũng là công dân của quốc gia tôi đã định cư. Đây là một đất nước đã thu nhận, bảo bọc, nuôi nấng tôi và gia đình tôi. Đây là quê hương xứ sở của con cháu tôi và cũng là quê hương thứ hai của tôi. Do đó, trong khi phản ứng của trái tim tôi muốn ủng hộ việc tăng gia số người tị nạn định cư thì trí óc tôi đòi hỏi tôi phải đặt quyền lợi quê hương thứ hai nầy lên trên hết.

    Trước khi cứu giúp người khác thì chúng ta cần phải bảo đảm sự an toàn của chính mình. Đây không phải là một quan điểm ích kỷ. Trong các khóa huấn luyện nhân viên cấp cứu, đây là một quy tắc trọng yếu. Việc đầu tiên cần phải làm khi đứng trước một nạn nhân là quan sát môi trường chung quanh xem có mối hiểm họa nào có thể đang đe dọa người đó, và là chính mình, hay không. Các mối hiểm họa đó cần phải được giải tỏa, hay ít nhất là xác định, trước khi quá trình cấp cứu bắt đầu. Phản ứng tự nhiên của mọi người thường là vội vàng đến gần bắt đầu tiếp cứu lập tức. Vì vậy, nhân viên cấp cứu cần phải tự kỷ luật trong việc bảo đảm an toàn của chính mình trước nhất và trên hết. Nếu không áp dụng kỹ luật trên chặt chẽ thì chính người cấp cứu cũng có thể trở thành một nạn nhân thứ hai.

    Ngoài vấn đề hòa nhập văn hóa và đóng góp kinh tế vào xã hội của quốc gia định cư, việc bảo đảm an ninh quốc phòng còn là một vấn đề tối trọng cần phải xét đến. Như đã nói ở trên, cho đến nay chưa có hệ thống kiểm soát của quốc gia Tây Phương nào có thể thanh lọc thỏa đáng những thành phần khủng bố khỏi số người di dân vào nước họ. Mặc dù một số chính khách ủng hộ di dân đưa ra nhiều lời trấn an, tất cả chuyên viên an ninh nổi tiếng nhất thế giới đều cho rằng việc nầy hiện nay không thể làm được.

    Trở lại việc muốn xác định vị trí nào thích ứng nhất ở giữa hai thái cực của Angela Merkel và Donald Trump, theo tôi, tôi cũng sẽ thử “cá nhân hóa” các chính sách thu nhận người tị nạn để mang vấn đề nầy xuống một tầm vóc đơn giản và dễ thấy hơn.

    “Cá nhân hóa” bằng cách thử tưởng tượng nếu có những người lạ mặt vì lý do gì đó đến gõ cửa nhà bạn xin tạm trú. Theo tôi, cách bạn đối đãi, đón tiếp những người nầy khi họ đến với gia đình bạn cũng là chính sách tiếp nhận dân tị nạn mà bạn nên cổ động cho quốc gia của bạn.

    Tôi nhớ lúc Tết Mậu Thân 1968, những chuyện nầy đã xảy ra khi dân chúng trong một số vùng ở Sài Gòn cần phải chạy sang các khu vực khác để tránh bắn nhau. Nhiều gia đình đã mở cửa đón nhận những nhóm người xa lạ hoàn toàn vào tạm trú trong nhà họ qua nhiều ngày. Có lẽ bạn, cũng như tôi, lúc đó sẽ làm hết những gì mình có thể để giúp đỡ những người đến nhà bạn xin tạm trú. Nói chung, tôi sẽ cố gắng cung ứng các phương tiện ăn ở tương đối đầy đủ trong thời gian họ tạm thời cần sự an toàn trong nhà tôi. Thức ăn? Được. Quần áo? Được. Tiền bạc? Nếu cần. Chỗ ở? Nếu cần, trong phòng khách hay các phòng ngủ trống hay ở các chỗ tạm trú được khác trong nhà.

    Tuy nhiên, bạn có thu nhận những người lạ đó vào làm thành viên vĩnh viễn trong gia đình bạn không? Tôi không làm chuyện đó. Bạn có lập tức cho phép họ đi lại tự do bất cứ nơi nào hay tùy tiện làm gì thì làm trong nhà bạn không? Tôi không làm chuyện đó. Bạn có mời những người di tản lạ mặt đó vào ở trong phòng ngủ riêng của bạn không? Tôi không làm chuyện đó.

    Và nếu một số người đang tạm trú trong nhà bạn bắt đầu phàn nàn rằng bạn không tiếp đãi họ giống như thành viên của gia đình bạn thì bạn nghĩ sao? Nếu họ bắt đầu tỏ thái độ phản đối vì họ không được tự do đi lại bất cứ chỗ nào trong nhà bạn thì bạn nghĩ sao? Nếu họ bực tức đập phá đồ đạc vì không được bạn thu nhận vào làm người nhà của bạn thì bạn nghĩ sao? Nếu có những người chủ trương không phụ giúp hay đóng góp gì vào việc sinh sống chung trong nhà lúc đó mà chỉ tóm lấy thu góp những gì họ có thể cho lợi ích riêng của họ mà thôi thì bạn nghĩ sao?

    Hiện nay có một số không nhỏ những người tầm trú Trung Đông bước vào các quốc gia định cư với tư cách và thái độ đó. Họ gây ấn tượng không tốt đẹp về người tầm trú nói chung. Họ cũng làm cho những người tầm trú Trung Đông khác không có tư cách và thái độ trên mang hình ảnh xấu một cách oan ức. Dù gì đi nữa thì họ là những người mà tôi không muốn thu nhận vào nhà của tôi cho dù họ có thật sự đang cần chỗ tạm trú đi nữa.

    Như đã nói ở trên, tôi chủ trương tích cực giúp đỡ và cung cấp đầy đủ phương tiện sinh sống tạm thời cho những người tị nạn. Tuy nhiên tôi cũng hiểu được quan điểm của những người phản đối việc thu nhận tất cả người tầm trú vào định cư một cách hầu như vô điều kiện. Người tị nạn, sau khi qua quy trình cứu xét và kiểm tra, có thể chung sống tự do với dân bản xứ nhưng không nhất thiết tự động được ban cấp quyền định cư. Tôi hiểu được những người chủ trương chỉ định cư những người có khả năng và có ý định đóng góp vào kinh tế và xã hội của quốc gia định cư. Những người khác trong tương lai sẽ, và cần phải, trở về quê quán của họ khi điều kiện cho phép. Và “tương lai” có thể là 5, 10 hay 20, 30 năm sau hay bất cứ bao giờ tình trạng an ninh ở xứ sở họ ổn định đủ trở lại. Con cháu họ nếu sinh ra ở quốc gia tạm cư không nên, và không cần, được tự động mang quốc tịch của quốc gia nầy.

    Nói cách khác, trong khi quyền được tạm trú ở một nơi an toàn cần được tôn trọng và duy trì thì định cư không là một quyền lợi đương nhiên cho tất cả mọi người bước qua biên giới một nước khác. Định cư là một đặc quyền kèm theo một số điều kiện cần thiết. Và điều kiện “có khả năng và có ý định đóng góp vào kinh tế và xã hội” là điều kiện tiên quyết khi xét đến tiêu chuẩn định cư. Định cư không phải là một món nợ phải trả với bất cứ giá nào. Và người tầm trú không phải là chủ nợ nên không có tư cách gì kêu gào đòi hỏi nếu họ không thỏa được các điều kiện trên.

    Hiện nay, vì lý do “đứng đắn chính trị” nên nhiều người cảm thấy ngần ngại không muốn nói ra cảm nghĩ của họ về chính sách tiếp đãi và thu nhận người tị nạn. Khi một người lên tiếng chỉ trích các chương trình định cư thì họ sẽ lập tức bị cho là “ích kỷ” hay ngay cả “vô nhân đạo”. Vì vậy nhiều người không muốn phát biểu công khai quan điểm của họ về vấn đề nầy.


    Tuy nhiên, việc bảo đảm sự an toàn và thịnh vượng cho quốc gia chúng ta hiện đang sinh sống là bổn phận và trách nhiệm của mỗi người, đối với các thế hệ tiền nhân lẫn các thế hệ con cháu mai sau. Chúng ta do đó cần phải suy xét cẩn thận trước khi để bản năng thương người phản xạ của mình gây các tổn thương khó thể cứu chữa cho đất nước. Khi tự đặt được vào cương vị nầy rồi thì vấn đề tị nạn thật ra không còn khó xử lắm nữa.

    Nguyễn Nhân Trí
    http://www.diendantheky.net


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X