Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Phi Đoàn 530 Thái Dương, Pleiku và Charlie - 1972

Collapse
X

Phi Đoàn 530 Thái Dương, Pleiku và Charlie - 1972

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Phi Đoàn 530 Thái Dương, Pleiku và Charlie - 1972

    Xin giới thiệu tới độc giả HQPD bài viết của tác giả Darren Thăng, do NT Võ Ý chuyển.


    Last edited by Nguyen Huu Thien; 05-05-2024, 04:26 PM.

  • #2

    Tôi có 2 điều về bài viết như sau :

    1_ những quý vị không ở trong KQ , hay lẫn lộn vài danh từ

    như : Chức vụ chỉ huy dưới đất , vị thế chỉ huy khi bay.

    Chức vụ : như Phi đoàn trưởng : là người chỉ huy Phi đoàn

    Phi đội trưởng: người chỉ huy phi đội

    Sĩ quan An phi : người phụ trách An phi v..v.

    Phi tuần trưởng, phi tuần phó, phi tuần viên : là vị thế chỉ huy

    khi bay trên trời, không dính dáng gì tới chức vụ dưới đất.

    Một ông Trung úy bay vị thế Phi tuần phó chỉ huy phi đội trên trời,

    có thể bao gồm cả một ông Đại úy Phi đội Trưởng (dưới đất), bay vị thế

    phi tuần viên số hai , cả một ông Tướng Tư lệnh phó KQ (dưới đất)bay vị thế

    phi tuần viên ,bay số ba.

    Vì vậy Phi tuần trưởng , phi tuần phó , phi tuần viên , không phải là chức vụ.

    mà là vị thế chỉ huy khi bay mà thôi.




    2_ Chữ Skyraider đừng dịch là Cướp Trời , nghe kỳ kỳ , Raid có nghĩa là

    Tấn công, Đột kích , không có nghĩa Ăn Cướp .

    Comment


    • #3


      Trước khi đề cập tới ý kiến đóng góp của anh thuyguyen530, chúng tôi được xin trình bày như sau:

      Bài này của tác giả Darren Thăng dưới dạng PDF do NT Võ Ý chuyển để phổ biến trên diễn đàn HQPD.

      Thông thường, một khi gửi bài dưới dạng này, ý tác giả muốn nơi phổ biến giữ nguyên nội dung cũng như layout (hình thức trình bày, hình ảnh...) cho nên chúng tôi phải tôn trọng.

      Về ý kiến của anh thuyguyen530:

      1- Chúng tôi cám ơn anh đã bỏ công giải thích, phân biệt giữa “chức vụ chỉ huy dưới đất” và “vị thế chỉ huy khi bay”. Điều này, cả đến một số Không Quân các ngành không phi hành cũng không hiểu biết tường tận thì nói gì tới người ngoài quân chủng.

      2- Chúng tôi cũng hoàn toàn đồng ý với anh về việc không nên dịch chữ “Skyraider” là “Cướp Trời”. Dịch là “Thiên Kích” như tác giả Trần Ngọc Nguyên Vũ (Trần Ngọc Hà) nghe hợp lý hơn, và dĩ nhiên nghe hay hơn.


      * * *

      Bản thân tôi ở phi trường Cù Hanh từ cuối năm 1969 tới giữa 1972, chứng kiến việc thành lập Phi Đoàn 530 vào năm 1970, cũng xin đóng góp thêm một vài chi tiết:

      - Lê Thanh Hồng Vân là vị Phi đoàn phó đầu tiên của 530. Sau năm 1975 đi tù Việt Cộng, tôi gặp lại anh ở K2, trại tù Suối Máu (Biên Hòa) năm 1978-1979. Anh nổi tiếng vì nhất định không chịu cạo bộ râu mép, và trong cuộc nổi loạn đêm Giáng Sinh 1978, làm Trưởng ban Hành động của K2.

      - Vũ Văn Thanh (ngố) chắc chắn là anh em cột chèo với một Đại úy hoa tiêu của 530 tên Trung (sau cũng đổi về Biên Hòa). Tuy nhiên theo trí nhớ của tôi thì anh Trung này không phải anh Nguyễn Thành Trung (mọi). Tôi còn nhớ rõ anh Thanh lấy cô em, anh Trung lấy bà chị; gia đình vợ khá giả, có sạp vải ở chợ Bến Thành.

      - Tôi được chứng kiến tận mắt cảnh Phạm Hữu Lộc đáp bụng (với "thầy" là Đại úy Đức) năm 1971, và cảnh Lê Văn Độ bị phỏng nặng khi cất cánh đầu năm 1972; tàu cháy, đạn 20 ly nổ dữ dội, xe cứu hỏa không thể tới gần. Ông Lê Bá Định kể với tôi rằng người Mỹ đã chuẩn bị DC-9 (phi cơ Ambulance) đưa Độ sang bệnh viện ở Clark Field (Phi-luật-tân) chữa trị, tiếc rằng anh vắn số!


      Last edited by Nguyen Huu Thien; 05-06-2024, 01:41 AM.

      Comment


      • #4
        Gợi nhớ.

        Nhờ anh bạn Nguyễn hữu Thiện góp ý và ghi ra 2 nhân vật ,mà tôi biết 2 người với vài điều còn nhớ, xin ghi thêm vào đây tạm coi cũng là đóng góp

        1)Lê thanh Hồng Vân .Anh nầy thuộc khoá đàn anh KQ. Tôi có biết anh ,nhưng không có chơi thân .Biết rằng thuở trai trẻ anh rất hào hoa ,để bù lúcvề già lại khá cô đơn trong nursing home ở Oregon ! Đến nay thì anh đã mất có lẽ trên 2 năm rồi (không nhớchính xác )
        Cũng trên 2 năm qua,tình cờ tôi có gọi qua ,thăm anh bạn Nhuận ,thì được biết Nhuận đang vào nursing home thăm và đang nói chuyện với anh L T Hồng Vân .Tôi nói Nhuận trao phone để thăm anh Vân .Dĩ nhiên anh Vân không biết tôi .
        Tôi bèn nhắc một trận hành quân ,chúng tôi Trực Thăng đang đổ quân , còn anh bay khu trục yểm trợ đánh phá ,thì anh bị VC bắn trúng ngực và crash gần mục tiêu đó thuộc Mộc Hoá ! Một Trực Thăng do anh Nguyễn hữu Nhàn bay H-34 cùng khoá với anh Vân , nhào tới recue vớt được anh .
        Nghe tôi nhắc đến đó ,tự dưng anh Vân khóc rống lên .Tôi giật mình hỏi Nhuận vì sao thế ,sợ người già tâm tính có nhiều thay đổi thất thường
        Nhuận trả lời : anh Vân quá xúc động khi nhớ chuyện xưa thôi chứ không gì cả !!
        Bẳng đi một thời gian sau gọi lại Nhuận thì được biết anh đã mất rồi!Thôi cũng xong ,rồi ai cũng phải qua cầu !
        Tôi có kể chuyện lại với một anh cũng bay bên khu trục cùng khoá với anh , được biết là anh Vân cũng gan lỳ và ngon lành lắm nghe.
        Số là anh Vân có xung đột với một anh rằn ri nào đó ,một hôm đang chạy xe vespa đi làm gặp anh rằn ri kia ngồi xe Je ep với một mớ đàn em , anh Vân chận xe kia lại ,để pạt - co ,anh kia cũng ngon không cho đàn em hội đồng .Sau đó anh rằn ri nầy cũng nễ phục và làm hoà kết thân với anh Vân .Theo lời kể ngắn gọn như thế ,mà không có chi tiết .
        Kể lại mua vui ,và gọi là còn nhớ đến anh Vân thôi . Xin hiểu cho !

        2)Vũ văn Thanh (ngố )--Anh Thanh nầy cùng khoá K.Q. Tôi nhớ lại dường như anh Thanh đã lên Trung Tá trước khi mất nuớc , không phải là cố Trung tá đâu . Không biết có chính xác không ?? Nghe kể lại là bị phòng không SA7bắn trên cao độ bình phi 4000'. Nghe qua càng hú hồn !Vì với đám dân Trực Thăng với cao độ như thế thì coi như... "ấm" lắm rồi , đâu cần bôi dầu cù là làm chi !

        Không biết thằng nào đặt là Thanh ngố . Hay hết xẩy .
        Thanh trai trẻ rất khoẻ mạnh ,hay cười cười và có cặp mắt nai trông ngây thơ ,nên bị đặt là ngố chăng ??
        Khi vào SVSQ bọn nầy đóng ở TSN , ăn cơm câu lạc bộ Sĩ quan Huỳnh hữu Bạc , như thể thuộc loại Hoàng Gia , sau khi gắn Alpha xong mới ra Nha Trang ,đâu có biết huấn nhục và đàn anh là quái gì !Khi ra Nha Trang mới biết đá vàng nghe !
        Trở lại Thanh ngố, khi mới vào lính , tất cả là con nhà thư sinh, mà anh ta thi đua hít đất một lèo 50 cái nghiêm chỉnh, đúng cách, Nể quá đi chứ !
        Nhưng cái tôi nhớ nhất là anh Thanh nầy có cô em gái rất xinh đẹp ,vì gia đình có vào thăm khi bọn này còn ở TSN .
        Tôi và đa số các bạn đều thích ,nhưng chả có tên nào,nhất là tôi ,dám hé môi hết .
        Tự thấy mình thuộc loại thỏ đế và cù lần quá đi .Bây giờ chỉ tiếc nuối không biết tấm luạ đào thuộc về ai ??
        Nếu em mà nâng khăn sửa túi cho một chàng nào ngoài KQ thì Ôi tiếc thật !

        Bạch diễn Sơn --Đuợc biết anh bạn cùng khoá là Bach diễn Sơn làm PĐT của Thái Dương . Cũng không biết Thanh ngố có cùng đơn vị với bạn không ??Bây giờ thấy tên nhau là còn nhớ thăm hỏi đôi câu ,chứ rơi rụng cũng nhiều ,nhiều rồi !

        N-N
        Last edited by NGHICH_NHI; 05-08-2024, 04:34 PM.

        Comment


        • Bao Vu
          Bao Vu commented
          Editing a comment
          Thưa NT N-N
          Xin NT chuyển lời kính thăm sức khỏe A Nhuận của Bảo Bàn Cờ (bạn của Dư)

      • #5
        Cám ơn NT Nguyễn Hữu Thiện đã posted bài viết này của NT Darren Thăng. Không ngờ bài viết này đã được các NT Không Quân hăng hái đóng góp ý kiến cũng như gợi nhớ những kỷ niệm xa xưa trong tình thương yêu, đoàn kết trong quân chủng. Hy vọng sẽ được đọc những bài viết như thế này nhiều hơn nữa. Một lần nữa xin cám ơn.

        Comment


        • Nguyen Huu Thien
          Nguyen Huu Thien commented
          Editing a comment
          Yếu tố chính là tác giả. Chúng tôi phải cám ơn tác giả Darren Thăng đã bỏ công thu thập tài liệu cùng với óc sáng tạo để có một bài viết thật chi tiết về Phi Đoàn 530 Thái Dương – phi đoàn khu trục A-1 sanh sau đẻ muộn nhất nhưng đã để lại những dấu ấn khó phai mờ, trên chiến trường Tây Nguyên cũng như trong lòng người.

      • #6
        Vẫn nhớ

        Tiếp theo những dòng gợi nhớ của NT NGHỊCH_NHĨ, tôi xin viết thêm những gì vẫn nhớ về hai đàn anh Không Quân quá vãng.

        - Lê Thanh Hồng Vân (LTHV)


        Vì anh LTHV rời Pleiku khá sớm, tôi không được biết hoặc nghe nói về “đường tình” của anh. Chỉ tới khi bị đưa từ trại tù cải tạo Phước Long (Sông Bé) về trại Suối Máu (Biên Hòa) năm 1978, tôi mới được nghe kể về một trong những cuộc tình “sôi nổi” của anh, không phải với một giai nhân Sài Gòn hay một em gái hậu phương mê phi công mà với một... nữ cán bộ cộng sản!

        Tôi chỉ được nghe kể lại vì trong K2 của trại tù này, cấp tá (đã ở từ trước) và cấp úy (mới ở các nơi khác về) bị cấm quan hệ với nhau, anh LTHV lại ở căn nhà gần cổng, hội trường, sân bóng chuyền dễ bị dòm ngó cho nên tôi chỉ có dịp chào hỏi vài lần khi gặp nhau ngoài sân.

        Trong số cấp tá may mắn không bị đưa ra miền Bắc, ở K2 Suối Máu có bốn, năm vị Thiếu tá thân thiết cùng đơn vị với tôi (BCH/KT&TV/KQ), kể với tôi rằng trước năm 1975, cô cán bộ này cặp với anh LTHV không hiểu vì được Đảng trao nhiệm vụ hay chỉ vì mê “giặc lái”, chỉ biết sau khi chàng bị bắt đi học tập cải tạo ở Suối Máu thì nàng thường xuyên thăm nuôi.

        Đáng nói hơn nữa, nàng không thuộc thành phần giao liên cắc ké mà là một đảng viên có vai vế cho nên Thiếu tá “giặc lái” TLHV chẳng những không bị đưa ra miền Bắc mà còn dám “kên” viên Thiếu tá thủ trưởng K2 (nhất định không chịu cạo râu).

        Tin hay không tin “tình sử quốc-cộng” này là tùy độc giả, riêng tôi rất tiếc đã không bao giờ có cơ hội hỏi thẳng vị đàn anh nổi tiếng đào hoa, bởi chỉ ít lâu sau vụ nổi loạn đêm Giáng Sinh 1978, tù cải tạo cấp úy ở K2 bị phân tán đi các K khác (ở Suối Máu), còn cấp tá thì bị đưa đi nhiều nơi khác nhau, tôi bặt tin anh LTHV từ đó. Mấy chục năm sau, khi đã định cư ở Úc mới biết anh đang ở trong nursing home bên xứ Cờ Huê!

        Về việc anh LTHV “khóc rống lên” khi nghe NT N-N nhắc lại việc anh bị rớt ở Mộc Hóa và được người bạn cùng khóa Nguyễn Hữu Nhàn đáp H-34 cứu thoát, tôi xin phép được thắc mắc:

        Anh Nguyễn Hữu Nhàn ở đây có phải anh Nguyễn Hữu Nhàn sau này là Thiếu tá, Sĩ quan Huấn luyện Phi Đoàn 237 (Chinook), hy sinh tại mặt trận An Lộc trong mùa hè đỏ lửa 1972 không?

        Nếu đúng, việc anh LTHV khóc khi nghe NT N-N nhắc tới người bạn cùng khóa vắn số đã từng rescue mình thiết nghĩ cũng là một điều dễ hiểu thôi.



        Anh LTHV thứ hai từ trái (hàng ngồi) ngày còn ở Phi Đoàn 514 “Phượng Hoàng”, Biên Hòa, trước khi lên Pleiku


        - Vũ Văn Thanh

        Tôi rất đồng ý với cách giải thích của NT N-N vì anh Thanh “có cặp mắt nai trông ngây thơ” (mỗi khi nói chuyện lại trố mắt lên), miệng lúc nào cũng cười cười cho nên mới bị đặt nickname “ngố”.

        Trên thực tế anh Thanh rất bô trai, ngày còn ở Biên Hòa đã được người Mỹ mời làm người mẫu mặc áo bay rằn ri đội helmet chụp hình bìa cho tạp chí Thế Giới Tự Do của Phòng Thông Tin Hoa Kỳ.

        Về cấp bậc sau cùng của anh Thanh, tôi nhớ 100% là Thiếu tá. Sở dĩ tôi biết rõ là vì ông Lê Bá Định là sếp cũ của tôi (Trưởng Phòng CTCT Căn Cứ Không Quân 92, Pleiku), sau khi ông sang KĐ72CT thành lập Phi Đoàn 530, tôi giữ chức vụ Sĩ quan Báo Chí đơn vị nên có nhiều cơ hội lân la tìm hiểu cuộc sống của các đấng mặc áo liền quần.

        Khi 530 được thành lập vào cuối năm 1970, chỉ có ông Lê Bá Định và anh Lê Thanh Hồng Vân mang lon Thiếu tá. Phải đợi tới giữa năm 1971, sau “trận chiến 13 ngày đêm” giải tỏa Căn cứ 6 Hỏa lực (Đồi 1001) của của Lữ Đoàn 2 Nhảy dù vào tháng 4/1971, cũng là lần “ra quân” quy mô đầu tiên của KĐ72CT, Trung tướng Ngô Dzu, Tư lệnh Quân Đoàn II, đã đề nghị thăng cấp đặc cách mặt trận cho nhiều quân nhân thuộc KĐ72CT, trong đó tôi nhớ rõ có các Đại úy Phạm Văn Thặng (Fulro), Vũ Công Hiệp (cò), Vũ Văn Thanh (ngố), Nguyễn Văn Huynh...

        Đầu năm 1972, Thiếu tá Vũ Văn Thanh thuyên chuyển về Biên Hòa và mấy tháng sau đền nợ nước ở Phước Long (Sông Bé); được truy thăng Trung tá.

        Nghe tin anh Thanh gẫy cánh, Trung tá Lê Bá Định buồn lắm. Tôi không biết trước kia ở Biên Hòa đàn anh đàn em thân thiết ra sao, chỉ biết vào đầu năm 1971, nhân dịp vợ anh Thanh và bà chị (vợ anh Trung) ra Pleiku thăm chồng, ông đã ưu ái book một phi vụ UH-1 liên lạc & huấn luyện của Phi Đoàn 229 để hai cặp đi Đà Lạt thưởng ngoạn; còn chỗ trống, vợ chồng tôi được đi ké...

        Ông Định có lần nói với tôi anh Thanh “bay hơi cao-bồi nhưng đánh giặc rất lỳ!”

        Cuối tháng 7/1972, tôi thuyển chuyển về Biên Hòa, gặp anh Trung tôi gửi lời chia buồn. Anh nói: “Nó bị phòng không cũng chỉ vì cái tội lỳ, điếc không sợ súng!”

        Câu nói ngụ ý trách móc ấy với tôi lại là một lời ngợi khen, ca tụng. Bởi nếu người phi công nào cũng “sợ súng”, cũng “lo xác rơi”, ngày ấy Không Lực Việt Nam Cộng Hòa đã chẳng viết nên những trang sử oai hùng!





        Đại úy Vũ Văn Thanh trên bìa tạp chí Thế Giới Tự Do cuối thập niên 1960
        Last edited by Nguyen Huu Thien; 05-09-2024, 10:35 PM.

        Comment


        • #7
          Thổ điạ ..!
          Phải gọi Nguyễn hữu Thiện là Thổ địa mới đúng , cái gì cũng biết hết...cả về mặt an ninh . Nếu tôi nhớ không nhầm , mà chắc chắn thì An Ninh nằm trong CT Chánh Trị . ( thời học Tham Mưu mới biết )
          Hồi đáp về vài thắc mắc thì:
          _ Vũ văn Thanh về cấp bậc như anh bạn nói như vậy chắc là đúng rồi ,không biết do đâu mà tôi lại nghe là lên Tr/t khoảng năm 74 gì đó.
          Tin theo bạn thôi .
          __Vụ Lê thanh Hồng Vân .
          **Anh Nguyễn hữu Nhàn là Phi Đoàn Phó cho anh Np Chính ,khi gặp nạn ở mặt trận An Lộc !
          Tội quá ! Tôi còn nhớ anh Nhàn kêu riêng tôi và nói Tao sắp đi ra Đà Nẳng lập Phi đoàn mới ,mầy đi với tao nghe (chúng tôi vẫn mày tao từ lúc còn Chuẩn uý vì ở chung một Phi đoàn rất lâu, lúc còn ở TSN ) Nghe thế tôi từ chốivà không mặn mà ,dù sao ở Biên Hoà thì coi như ở Saigòn rồi , thích hơn .Tôi cũng thân tình bàn ra mọi chuỵện ,ít hôm sau nghe anh Nhàn cười bảo với tôi : khỏi lo có thằng khác rồi ( anh Mai )
          Phải chi mà tôi hăng hái đốc thúc vào thì anh ra Đà Nẳng làm PĐT thì không bị rớt ở An Lộc .Mà biết đâu ,cũng do phần số cả thôi !!
          Ông Nhàn này,không sôi nổi khoa trương ,nhưng cũng khiếp lắm nghe ! Lầm lầm lỳ lỳ vác củ mì ... mà hưởng !

          **Nghe anh Lê thanh Hồng Vân có một cô Nữ cán bộ có hạng của VC, chăm sóc tận tình cho đến lúc vào tù cải tạo cũng được cô nàng thăm nuôi chu đáo !
          Ngẫm nghĩ lại, kể ra thì cũng không có gì phiền hà , trách cứ gì cô ta hết .Vì tình yêu mà .
          Không biết thượng cấp , anh Ba , anh Bảy có giao nhiệm vụ cho cô ta ,rù quến òn ỉ gì xúi anh Vân làm bậy không ??
          Chưa có và anh Vân không làm bậy bao giờ nhé !
          Làm bậy chỉ có những đứa do VC gài vào như Nt Trung thôi .
          Một số bạn cứ gọi Trung làm phản. Nói bậy ! Nó là VC chui vào , làm theo chỉ thị ,theo lệnh của VC mà phản chỗ nào ?? Nói bậy mà cứ nhai lại hoài ! Nản thật !

          Ở vùng 4 , nữ VC " nhập xác " vào với KQ cũng khá nhiều . Nhưng anh em nhà ta vẫn "văn chương chữ nghĩa bề bề ,chưa bị thần ..Hồ ám ảnh mà mê mẩn người " làm bậy đâu !
          Trở lại anh Lth Vân có biết cô nàng là nữ cán bộ địch vận từ trước hay không ?Hay chỉ phát giác lúc đi cải tạo thôi ?Dù sao cô nàngsống có lý có tình vẫn thăm nuôi anh Vân trong khi đói kém mờ rạt người cũng là quý rồi, đáng trân trọng !
          Tôi cứ tưởng tượng anh Vân mà biết cô này chỉ đến với anh bằng nhiệm vụ thì thế nào anh cũng nghiến răng nói thầm :
          --Mẹ kiếp ,ông mà biết vậy ông cứ thụt cà nông vingt cho đến khi banh nóc thì thôi ,và cuối trận ông mới bay thật sát cho một quả Na - pan ,cho biết tay ,mới đã nư !

          ****Nhân nói đến đến VC mê giặc lái VNCH .Thì tôi có nhớ anh bạn Thiện có kể vụ một anh Th/ tá pilot Trực thăng có lấy một cô Đại uý Công An VC làm vợ . Dường như cô này là con ông Trại Trưởng coi tù ở Biên Hoà
          Anh Th/Tá này hiền lành ,nhưng kiểu mủ mỷ trở khu đĩ lên trời !Anh này không ăn chơi bia rượu gì cả!
          Sau khi bay thử ở Phi đoàn (test pilot ) anh ta về đi dạy học thêm , dạy toán cho những học sinh thi Tú Tài
          Anh rất giỏi về điện cho nên đồn đoán anh là kỷ sư điện ! Không biết đúng không ,nhưng mấy anh trong phi đoàn cứ bảo đưa cho nó ba khúc dây điện thì nó có thể biến thành cái radio đó !
          Lúc ở tù Anh bao thầu điện đóm của toàn traị ,và sửa chữa TV , radio tất tần tật .! Quả thật có tài ! Tài thật sự nên đã sa vào trong mắt em chăng ??
          Anh nầy với cô Đại Uý VC chơi ăn thiệt và có với nhau một đứa con trai . Dường như họ sống chung với nhau ở đường Trần quốc Toản củ .Có thể vì vậy mà anh không đi Mỹ theo diện HO chăng ?Ở lại và lái xe ôm mà độ nhật ! Quá tội cho một anh tài !
          Anh nầy có tật chạy xe Honda dame rất nhanh ; có lẽ vì vậy mà anh gặp tai nạn xe cộ đến tử vong chăng ??

          "Tám " chuyện cũng quá dài rồi . Xin bye nghe quý vị !

          N-N


          Last edited by NGHICH_NHI; 05-11-2024, 05:44 PM.

          Comment


          • #8
            Không Quân Quốc-Cộng Tình Sử #2

            Trong comment mới nhất của mình, NT N-N viết “Xin bye nghe quý vị!”, nghĩa là những chuyện bên lề, trà dư tửu hậu liên quan tới đường tình của các đấng pilot tới đây coi như tạm đủ.

            Thế nhưng cũng trong comment ấy, khi nhắc tới một chuyện tình quốc-cộng khác được tôi kể lại, trong đó vai chính cũng là một ông Thiếu tá Không Quân VNCH, NT N-N đã nhớ sai hai chi tiết quan trọng, vì thế trước khi “bye” tôi phải làm công việc đính chính.

            Trước khi vào đề, cũng xin thưa với NT N-N: tuy ở cấp cao nhất, Cục An Ninh Quân Đội (ANQĐ) trực thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, nhưng ở các quân binh chủng và các đơn vị, Sở hoặc Phòng ANQĐ nằm riêng biệt, chẳng dính dáng gì tới Khối Chiến Tranh Chính Trị cả. Chẳng hạn Phòng An Ninh Không Quân Biên Hòa trực thuộc Sở An Ninh Không Quân, Sở An Ninh Không Quân trực thuộc Cục ANQĐ, còn ông Tư Lệnh Không Quân thì có một vị Phụ Tá An Ninh riêng.



            * * *

            Chuyện tình quốc-cộng thứ hai mà NT N-N nhắc tới cũng diễn ra tại trại tù Suối Máu trong cùng khoảng thời gian, có khác chăng là trong khi tình sử của Thiếu tá khu trục Lê Thanh Hồng Vân và cô cán bộ đảng viên cộng sản chỉ có một số người biết, và không mấy người (hoặc không có người nào) được biết kết cục, thì tình sử của Thiếu tá trực thăng N với H, cô con gái viên Giám thị trưởng, cả trại tù Suối Máu đều biết, và đoạn kết đã được anh em cùng phi đoàn ghi nhận.

            Chuyện tình này đã được tôi kể lại một cách chi tiết trong thiên hồi ký CẢI TẠO NỬA MÙA - VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 13), được đăng trong chuyên mục “Chuyện tù cải tạo” của Hội Quán Phi Dũng, cho nên ở đây tôi chỉ rất vắn tắt.

            Thiếu tá N nguyên là một hoa tiêu trực thăng, vợ con đã di tản sang Mỹ năm 1975. Ngoài tài bay bổng anh N còn là một handyman, khi bị đi tù cải tạo được trao nhiệm vụ trông coi nhà máy đèn của trại Suối Máu.

            Sau khi Suối Máu được bò xanh bàn giao cho bò vàng (khoảng tháng 11/1978), anh N được Trung tá công an Đào Lưỡng trao thêm nhiệm vụ chăm sóc chiếc xe Jeep Willys của ông ta (nguyên là xe Jeep của Cảnh Sát Quốc Gia, giống Jeep ca-pô bầu của Không Quân), và đôi khi làm tài xế riêng cho ông ta.

            Thời gian này Trung tá Đào Lưỡng đang giữ chức Giám thị trưởng nhà giam Chí Hòa và trại tù Suối Máu. Ông có một người con gái tên H, được ông đưa vào làm công việc sổ sách ở trại tù Suối Máu; cũng mặc đồ vàng nhưng chỉ là thư ký chứ không phải Đại úy công an như NT N-N đã viết.

            Là một bóng hồng hiếm hoi trong chốn lao tù, dù nhan sắc chỉ trên trung bình nhưng với thân hình khá cao ráo, đầy đặn, H đã được tù cải tạo tặng mỹ hiệu “bông hồng Suối Máu”.

            Vì phải trông coi cả Chí Hòa và Suối Máu, Trung tá Đào Lưỡng đi đi về về Sài Gòn – Biên Hòa, trong đó có những lần có cô con gái đi theo và anh N làm tài xế.

            Một thời gian sau H có bầu. Còn ai trồng khoai đất này? Anh N được “cách mạng khoan hồng” thả sớm và cưới H.


            * * *

            Từ đó, tù cải tạo ở Suối Máu không nghe nói gì về chuyện tình quốc-cộng này nữa, nhưng đoạn kết thì anh em cùng phi đoàn được biết như sau:

            Anh N và H có với nhau một đứa con trai. Tới khi có chương trình HO, anh không làm đơn đi Mỹ và ở lại với H và con. Một anh em cũ từng tới thăm anh N kể lại rằng anh an phận làm công nhân cho một xí nghiệp hay hãng xưởng nào đó, phương tiện di chuyển là một chiếc xe Mobylette cà rịch cà tàng (không phải Honda dame như NT N-N viết). Với anh em cùng phi đoàn còn ở lại Việt Nam, anh N hạn chế liên lạc.

            Cách đây hơn 10 năm, sức khỏe của anh N bị sa sút trầm trọng, phải nghỉ việc, gia cảnh rất túng thiếu. Anh em cùng phi đoàn ở hải ngoại gom tiền, cử người về trao tận tay anh N. Người anh em này kể lại khi tới nhà có thấy thấp thoáng bóng một phụ nữ còn khá trẻ, có lẽ là “bông hồng Suối Máu” năm nào.

            Mấy năm sau anh N qua đời; kết thúc “Không Quân Quốc-Cộng Tình Sử” #2.

            Ôi Không Quân danh (tai) tiếng muôn đời!
            Last edited by Nguyen Huu Thien; 05-12-2024, 09:38 PM.

            Comment



            Hội Quán Phi Dũng ©
            Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




            website hit counter

            Working...
            X