Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Giữ gìn ngôn ngữ Việt trong sáng - Trang Anh Thạc

Collapse
X

Giữ gìn ngôn ngữ Việt trong sáng - Trang Anh Thạc

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Giữ gìn ngôn ngữ Việt trong sáng - Trang Anh Thạc

    GIỮ GÌN NGÔN NGỮ VIỆT TRONG SÁNG

    NHỮNG TỪ NGỮ DỄ LẦM LẪN TRONG TIẾNG VIỆT

    Bài 1:
    S hay X

    Trang Anh Thạc


    (nguồn: FB Quốc Ngữ Việt Nam Văn Hiến)

    Các bạn trang Quốc Ngữ thân mến,

    Trang Anh Thạc xin viết về đề tài chánh tả những từ ngữ dễ lầm và dễ viết sai trong tiếng Việt. Bài đầu tiên tôi xin trình bày những chữ có hai phụ âm đầu là S và X. Đây là những chữ mang lỗi sai phụ âm nhiều nhứt trong tiếng Việt cả ba miền.


    Nói về những chữ có phụ âm S và X, chúng ta thấy từ năm 1975 đến nay người miền Nam, do ảnh hưởng của tiếng Bắc xâm nhập, mà dần dần viết sai rất nhiều những chữ có S và X. Sai hơn nhiều lắm so với thời Việt Nam Cộng Hòa.

    Ngày nay người Việt ta viết sai những chữ có S và X này nặng đến nỗi chữ XÀI nghĩa là "dùng" trong "tiêu xài", "xài tiền", "xài sang", ..., chữ mọi người đều dùng hàng ngày cũng viết sai tràn lan thành "tiêu sài", "sài tiền", "sài sang". Nhất là những người dịch truyện Tàu không rành tiếng Việt.

    Người Bắc thường viết sai chánh tả những chữ có S và X là bởi vì tiếng Bắc không có âm S mà chỉ có âm X, dù rằng bộ mẫu tự tiếng Việt chung đều có cả hai phụ âm S và X, thậm chí chữ có S còn nhiều hơn chữ có X. Xin nêu ra một số từ như sau:


    SUM SÊ hay XUM XUÊ: tĩnh từ miêu tả cây cối xanh tốt, rậm rạp nhiều cành lá này phải viết cả hai chữ đều S là SUM SÊ, và không có U trong chữ sau. Viết “sum suê”, “xum xuê”, hay “sum xuê” đều sai chánh tả.

    SUẤT hay XUẤT: tất cả những chữ sau đây chánh tả đúng đều là chữ SUẤT viết S:

    Đúng: sơ suất, khinh suất, công suất, phần suất, xác suất, hiệu suất, hối suất, lãi suất, suất lĩnh, suất đinh, suất thuế, ...

    Sai: sơ xuất, khinh xuất, công xuất, phần xuất, xác xuất, hiệu xuất, hối xuất, lãi xuất, xuất lĩnh, xuất đinh, xuất thuế, ...


    Chữ XUẤT viết X nghĩa là “ra”, chỉ phối hợp với những chữ khác: xuất nhập, xuất hiện, xuất hành, xuất phát, xuất bôn, xuất giá, xuất huyết, xuất chiến, xuất cảnh, xuất bản, v.v.

    SỚN SÁC hay XỚN XÁC: “sớn sác” với cả hai chữ đều viết S mới đúng, còn “xớn xác” hay “sớn xác” đều sai. Chúng ta cũng viết “ba sớn ba sác”, không phải “ba xớn ba xác”.

    SĂM SOI hay XĂM XOI, XĂM SOI: hai chữ “xăm” và “xoi” tuy có nghĩa (xăm là châm, xoi là đâm lỗ) và có thể ghép lại với nhau, nhưng “săm soi” (săm là nhìn chăm chăm, soi là rọi vào), cả hai chữ đều dùng S mới đúng chánh tả. “xăm xoi” và “xăm soi” đều sai.

    XOI MÓI hay SOI MÓI: gần nghĩa trừu tượng giống như “săm soi” ở trên, nhưng chữ “xoi” trong “xoi mói” phải viết X, không phải “soi” là rọi, vì “xoi mói” là tiếng nói trại từ “xoi bói” mà ra, với chữ “xoi” viết X nghĩa là “chọc vào”, “bói” hay “mói” là “bới móc”.

    NÓI SUÔNG, SUÔN ĐUỘT hay NÓI XUÔNG, XUÔN ĐUỘT: “nói suông” và “suôn đuột” đúng, những chữ “xuông” và “xuôn” đều sai.

    SUÔN SẺ hay SUÔNG SẺ, XUÔN XẺ: không có “suông sẻ” hay “xuôn xẻ”, chỉ có “suôn sẻ” với cả hai chữ đều viết S và “suôn” không có G mới đúng chánh tả. Chúng ta cũng không nên viết lầm chữ “suôn” không G này với “suông” có G trong “nói suông” ở trên.


    ĐƯỜNG SÁ hay ĐƯỜNG XÁ, PHỐ XÁ hay PHỐ SÁ: chúng ta cần phân biệt nghĩa của hai chữ “sá” và “xá”.

    “sá” cũng nghĩa là” đường”, dùng bổ trợ nghĩa cho “đường”, nên viết ĐƯỜNG SÁ mới đúng, còn “đường xá” sai chánh tả vì “xá” là “nhà”.

    Vì “xá” nghĩa là “nhà”, nên đi với chữ “phố” chúng ta phải viết PHỐ XÁ mới đúng, không phải “phố sá”. Chữ XÁ viết X nghĩa là “nhà” này chúng ta còn dùng trong: quán xá, thương xá, cư xá, ký túc xá, bệnh xá, trạm xá, hàn xá (nhà nghèo), tệ xá (tiếng khiêm tốn chỉ nhà mình đơn sơ, nhỏ bé), thảo xá (nhà cỏ, nhà tranh), v.v.

    SIẾT và XIẾT: hai chữ này có rất nhiều người viết sai. Chúng ta cần phân biệt qua từ loại:

    SIẾT là động từ: siết mạnh, siết chặt tay, ôm siết, rên siết, siết cổ, siết dây, siết bù lon, siết thắng, siết chặt hàng ngũ, siết chặt tình đoàn kết, siết chặt vòng vây, siết nợ, siết nhà, ...

    XIẾT là trạng từ: xiết bao, xiết chi, xiết kể, không tả xiết, xiết nỗi đau lòng, vui mừng khôn xiết, nước chảy xiết, ...


    SUÝT và XUÝT: Có tự điển chỉ ghi chữ XUÝT mà không có chữ SUÝT. Nhưng chúng ta thấy đại chúng xưa nay dùng cả hai chữ như sau và tôi cho là rất nên, vì nghĩa khác nhau thì chữ viết phải khác để làm cho từ vựng được phong phú:

    SUÝT: suýt nữa (xém chút, tí nữa là), suýt soát (gần bằng nhau).

    XUÝT: xuýt xoa, xoắn xuýt.

    SUỴT hay XUỴT: “suỵt” là tiếng bảo im lặng, viết S, không phải "xuỵt”.


    SẤN SỔ hay XẤN XỔ: “sấn sổ” đúng, “xấn xổ” sai.

    SÙI, SỦI hay XÙI, XỦI: chỉ có “sùi bọt”, “sùi bọt mép”, “sủi bọt”, “sủi tăm”. Còn “xùi bọt”, “xủi tăm” đều sai.

    SÚP hay XÚP, NƯỚC SỐT hay NƯỚC XỐT: đây là hai chữ phiên âm từ tiếng Anh và tiếng Pháp “soup”, “sauce”. Tuy cách ký âm đúng sang tiếng Việt phải là “xúp” và “xốt” với âm chữ X mới đúng, nhưng lâu nay chúng ta, người miền Nam, đã quen viết SÚP và SỐT với S rồi, không cần phải sửa lại chữ X thành không được thuận mắt.

    SUM HỌP, SUM VẦY hay XUM HỌP, XUM VẦY: “sum họp”, “sum vầy” là chữ đúng, “xum họp”, “xum vầy” sai.

    SÌ SỤP hay XÌ XỤP: ăn canh “sì sụp”, “sì sụp” lạy, đều viết S, không phải X.

    SUY SUYỂN hay XUY XUYỂN: chỉ có “suy suyển” viết S, không có “xuy xuyển” viết X.

    SẮC SẢO hay SẮC XẢO: nhiều người viết lầm tĩnh từ “sắc sảo” thành “sắc xảo” vì liên tưởng chữ “xảo” là khéo léo, đẹp đẽ trong “kỹ xảo”, nhưng thật ra “sắc sảo”, cả hai chữ đều viết S mới đúng chánh tả.


    SÚC TÍCH, HÀM SÚC hay XÚC TÍCH, HÀM XÚC: “súc” là đựng, “tích” là chứa, nên “súc tích” và “hàm súc” là chữ đúng. Còn “xúc” là chạm, không có nghĩa tương ứng với “tích” và “hàm” nên “xúc tích”, “hàm xúc” là chữ sai.

    SƯNG SỈA hay SƯNG XỈA, XƯNG XỈA: “sưng sỉa”, cả hai chữ đều viết S mới đúng, “sưng xỉa” hay “xưng xỉa” đều sai.

    SỒN SỒN hay XỒN XỒN: “sồn sồn” viết S đúng, viết X sai.

    SUI GIA hay SUÔI GIA, XUI GIA, XUÔI GIA: chỉ có “sui gia”, viết S, không có Ô mới đúng, tất cả chữ còn lại đều sai chánh tả.
    ĐEN SÌ hay ĐEN XÌ: “đen sì” đúng, “đen xì” sai.

    CÂY SẢ hay CÂY XẢ, CÂY XÃ: cây sả chúng ta dùng làm thứ gia vị trong bếp viết S và bỏ dấu hỏi, không phải “xả” hay “xã” viết X. “Xả” viết X dùng trong “xong xả”, “xối xả”, “xả hơi”, “xả giận”. “Xã” dấu ngã là “làng xã”, “xã hội”.

    SẨU MÌNH hay XẨU MÌNH: “sẩu mình”, chữ “sẩu” viết S mới đúng, còn “xẩu mình” là sai. Chữ “xẩu” viết X là tiếng đệm trong “xương xẩu”.


    THIẾU SÓT hay THIẾU XÓT: “thiếu sót” đúng, “thiếu xót” sai. Đây là chữ “sót” trong “bỏ sót”, viết S, không phải “xót” viết X trong “đau xót”, “xót xa”.

    SÀ XUỐNG hay XÀ XUỐNG: động từ này phải viết “sà”, chữ S mới đúng, chữ “xà” sai. Thí dụ: cánh chim sà xuống, trực thăng sà xuống thấp, địa danh “Cây Da Sà” (ở xã Phú Lâm, quận Bình Chánh, Sài Gòn).

    “Xà nhà” (trần nhà) thì đúng, nhưng “xà nhà” là danh từ, không phải động từ như chữ “sà”.

    XỆ XUỐNG hay SỆ XUỐNG: ngược lại chữ "sà" ở trên, chữ "xệ" chúng ta phải viết X. Tiếng Việt không có chữ "sệ" viết S.


    SỔ LỒNG hay XỔ LỒNG, XỔNG CHUỒNG hay SỔNG CHUỒNG: chúng ta viết “sổ lồng xổng chuồng”, chữ “sổ” viết S (chim sổ lồng), “xổng chuồng” viết X (heo xổng chuồng). “Xổ lồng”, “sổng chuồng” viết ngược “x” và “s” lại đều sai.

    SỤC SẠC hay XỤC XẠC: "sục sạc" là tĩnh từ tượng thanh của vật bị rung lắc trong một đồ đựng, như que diêm bị lắc trong hộp, chúng ta viết S cả hai chữ. Nhiều người viết sai thành "xục xạc" do bị lầm với chữ "xạc" trong "xào xạc" (tiếng lá cây xào xạc) vốn viết X.


    DÈ SẺN hay DÈ XẺN: chữ trước đúng, chữ sau sai.

    BỔ SUNG hay BỔ XUNG: “bổ sung” đúng, “bổ xung” sai với chữ “xung” không có nghĩa liên quan với “bổ”. “Xung phong”, “xung đột”, “xung khắc” mới viết X.

    SƯƠNG SA, SƯƠNG SÂM, SƯƠNG SÁO hay XƯNG XA, XƯNG XÂM XƯNG XÁO: đây là chữ sai của người Nam kỳ. Viết "sương sa, sương sâm, sương sáo" đều S mới đúng, "xưng xâm, xưng xáo" là chữ sai. Đây là ba món ăn mát. Sương sa làm từ nhựa rong biển, sương sâm là dùng nước nhựa của dây sâm, sương sáo là nước nhựa nấu ra từ cây sương sáo.


    DÂY SÊN hay DÂY XÊN (trong xe đạp, xe gắn máy): tiếng Anh là “chain”, tiếng Pháp “chaine”, tiếng ta phiên âm là “sên” mới đúng, viết “xên” sai.
    XÊN MỨT hay SÊN MỨT: động từ “xên” này viết X đúng, viết S sai. Ngược lại với “dây sên” ở trên.

    GIÀU SỤ hay GIÀU XỤ: chữ trước viết S đúng, chữ sau viết X sai.


    KẾCH XÙ hay KẾCH SÙ: ngược lại với "giàu sụ", "kếch xù" viết X ̣đúng, "kếch sù" viết S sai.

    LỤP XỤP hay LỤP SỤP, SỤP ĐỔ hay XỤP ĐỔ: chúng ta viết “nhà cửa lụp xụp”, với chữ “xụp” viết X, không phải “lụp sụp”. Ngược lại, chúng ta viết S trong “sụp đổ”, “đổ sụp”, chứ không có “xụp đổ”, “đổ xụp”.

    XƯỜNG XÁM hay SƯỜN XÁM (áo dài Tàu): “xường xám” mới đúng, “sườn xám” sai.

    XÚC XẮC hay SÚC SẮC: "xúc xắc", viết X cả hai chữ mới đúng, không phải "súc sắc". "Xúc xắc" là tiếng Bắc, còn gọi là con thò lò (dice của tiếng Anh), có 6 mặt điểm từ nhất đến lục. Tiếng Nam gọi là cục "xí ngầu", chữ nói trại từ âm tiếng Quảng Đông mà ra.


    XOAY XỞ hay XOAY SỞ: “xoay xở”, viết cả hai chữ đều X mới đúng, “xoay sở” là chữ sai.

    XƠI CƠM, XỚI CƠM hay SƠI CƠM, SỚI CƠM: hai chữ trước viết X đúng, hai chữ sau sai.

    XỈ VẢ hay SỈ VẢ, SỈ NHỤC hay XỈ NHỤC: “xỉ vả” là tiếng Nôm, chữ “xỉ” này viết X nên “xỉ vả” là chữ đúng. Còn “sỉ” trong “sỉ nhục” là tiếng Hán-Việt, chúng ta phải viết S, không viết “xỉ nhục”.

    BẠI XỤI, XỤI LƠ hay BẠI SỤI, SỤI LƠ: chữ “xụi” nào cũng viết X, không có chữ “sụi” viết S.

    XỐC NỔI hay SỐC NỔI (tánh tình, hành động nóng nảy bộp chộp): có tự điển ghi “sốc nổi”, nhưng thật ra “xốc nổi” mới đúng, chữ “sốc” sai.

    XỐC XẾCH, XỘC XỆCH hay SỐC SẾCH, SỘC SỆCH: bốn chữ này đều viết với X mới đúng, những chữ viết S đều sai.

    NÓI XẴNG, XẴNG GIỌNG hay NÓI SẴNG, SẴNG GIỌNG: trạng từ “xẵng” này chúng ta viết X mới đúng, chữ “sẵng” viết S sai.

    NGUYÊN XI hay NGUYÊN SI: “nguyên xi” đúng, “nguyên si” sai. Chữ “xi” này là phiên âm từ tiếng Anh, tiếng Pháp (seal, sceler), không phải chữ Việt. “Đóng xi, gắn xi” là đóng khẳn phong bì, bưu phẩm bảo đảm từ người gởi đến người nhận.

    XÉM và SÉM: chữ “xém” là trạng từ trong “xém chút nữa", "xém tí nữa”, “xém mà ...” chúng ta viết X. Còn “sém” là trạng từ trong “cháy sém” chúng ta phải viết S.

    Trên đây là một số chữ có S và X chúng ta thường dùng và viết sai vì chánh tả nhiều chữ khó phân biệt, chúng ta cần ôn lại để sửa chữa. Các bạn có thắc mắc những chữ S và X nào khác xin cứ nêu ra, tôi sẽ trả lời.

    Cám ơn các bạn đã đọc bài.

    Trang Anh Thạc

    Quốc Ngữ Việt Nam Văn Hiến, 03-03-2024
    Last edited by Nguyen Huu Thien; 03-25-2024, 10:09 PM.

  • #2
    Dân NAM ĐỊNH có uốn lưỡi!

    Gần đây, tôi tình cờ khám phá ra fb Quốc Ngữ Việt Nam Văn Hiến và rất tâm đắc với những bài viết về chính tả đúng sai trong tiếng Việt, điển hình là bài GIỮ GÌN NGÔN NGỮ VIỆT TRONG SÁNG - S hay X của Trang Anh Thạc mà tôi đã giới thiệu tới độc giả HQPD.

    Tuy nhiên trong bài này, tác giả đã có một sơ sót nho nhỏ khi viết:

    “Người Bắc thường viết sai chánh tả những chữ có S và X là bởi vì tiếng Bắc không có âm S mà chỉ có âm X, dù rằng bộ mẫu tự tiếng Việt chung đều có cả hai phụ âm S và X...”

    Trên thực tế, xưa kia tiếng Bắc có cả âm S lẫn âm X, nhưng vì... lười uốn lưỡi, một số người đã phát âm S thành X. Tình trạng này ngày càng phổ biến đưa tới sự ngộ nhận như Trang Anh Thạc đã viết.

    Một điều chắc chắn - theo các cụ Bắc kỳ có căn bản về ngôn ngữ - là trước năm 1954, các vùng Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, và Thái Bình đều phân biệt được S và X.

    Nhưng nhiều người (có thể nói đa số) chỉ phân biệt để VIẾT đúng, còn khi NÓI thì S hay X cũng phát âm thành X cho đỡ mệt. Gia đình tôi cũng gốc Nam Định nhưng may mắn không nằm trong số đó. Riêng tôi, tuy lớn lên ở miền quê (huyện Giao Thủy) nhưng ngay từ bé đã bị bố mẹ “sửa sai”, bắt uốn lưỡi các vần S, Tr, Gi, cho nên sau này đã trở thành phản xạ, đến nỗi khi học lớp Nhất ở trường giáo xứ Bùi Phát thường bị chúng bạn
    (100% Bắc kỳ di cư) chế nhạo vì cái tật... cứ uốn lưỡi chữ S!


    * * *

    Nhân tiện, vì tác giả Trang Anh Thạc không đề cập tới trường hợp chữ SỬ DỤNG bị viết sai thành XỬ DỤNG, tôi xin giới thiệu bài viết rất công phu, đầy sức thuyết phục của tác giả Trần Huy Bích:

    Nên viết “xử dụng” hay “sử dụng” ?
    http://tranhuybich.blogspot.com/2017...y-su-dung.html
    Last edited by Nguyen Huu Thien; 04-05-2024, 10:07 PM.

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X