Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Câù cơ

Collapse
X

Câù cơ

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Câù cơ

    CẦU CƠ
    Võ Ý



    Bút tích của cố ĐT Lê Quang Bình ghi lại thơ giáng cơ của Cụ Tùng La


    Thập niên 50, 60, giới học sinh trung học được nghe và có thể có người tham dự chuyện “cầu cơ”.
    Nghe nói, vật dụng để cầu cơ gồm một tấm ván hòm đã cũ (quan tài), khắc hình trái tim ("coeur" tiếng Pháp: trái tim), một bảng giấy bìa cứng khoảng 6 x 5 tấc, trên đó viết các mẫu tự từ A, B, C đến X, Y, Z gồm đủ các dấu và các số. Lễ vật cầu cơ gồm hoa quả, hương đèn và trà rượu…

    Người cầu cơ phải thành tâm và thinh lặng. Người tham dự diễn đọc bài “Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh”, còn gọi là "Văn Chiêu Hồn" gồm 180 câu thơ song thất lục bát của thi hào Nguyễn Du, mô tả nguyên nhân thiệt mạng của 10 loại cô hồn và cảnh sống thê thảm của họ ở cõi Âm. Nhân tiết tháng Bảy – xá tội vong nhân – người trần thế dâng lễ vật để cầu xin cho các cô hồn được siêu thoát:

    “Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt
    Toát hơi may lạnh buốt xương khô

    Khi thất thế tên rơi đạn lạc
    Bãi sa trường thịt nát máu rơi
    Mênh mông góc bể chân trời
    Nắm xương vô chủ biết rơi chốn nào?
    Trời thăm thẳm mưa gào gió thét
    Khí âm huyền mờ mịt trước sau
    Ngàn mây nội cỏ rầu rầu
    Nào đâu điếu tế,
    nào đâu chưng thường?

    Đàn chẩn tế vâng lời Phật Giáo
    Của có khi bát cháo nén nhang
    Gọi là manh áo thoi vàng
    Giúp cho làm của ăn đường
    thăng thiên.”

    Nhang đèn lên xong, người cầu cơ để nhẹ ngón trỏ trên con cơ và tập trung tư tưởng. Các người khác thành tâm ngâm bài văn tế.

    Khi cơ nhập, tức hồn ma nhập vào người cầu cơ thì ngón tay người đó đẩy con cơ xoay quanh bàn cơ. Người tham dự có thể hỏi về thân phận hồn ma cũng như cảnh sống cõi Âm như thế nào. Hồn ma sẽ trả lời qua con cơ được chỉ vào các chữ và các dấu. Người tham dự ghép các ký hiệu đó để có câu trả lời.

    Ai muốn hỏi chuyện riêng tư thì hồn ma cũng sẽ trả lời như cách trên.

    Giới học sinh cầu cơ để hỏi những chuyện liên quan học hành thi cử, chuyện tình ái lăng nhăng. Cũng có khi người cầu cơ để hỏi cảnh sống của người thân mới mất, hạnh phúc đói lạnh hay còn ẩn ức vấn vương gì trên dương thế?

    Nếu hồn ma là người thân vừa mất nhập cơ thì họ sẽ cho biết nhu cầu, người thân ghi nhận và sắm lễ vật cúng bái, hoặc cầu siêu, hoặc đốt vàng mã theo nhu cầu đó.

    Có thể giữa “cầu cơ” và “giáng bút” có liên quan đến cõi Âm chăng? Trong văn học Việt Nam cận đại còn lưu truyền một bài thơ được biết đến như lời “giáng bút” của Công Chúa Liễu Hạnh khi vua Thành Thái muốn hỏi về vận nước vào năm 1902. Theo truyền thuyết, Công Chúa Liễu Hạnh là con Thượng Đế, giáng trần ba lần để cứu nhân độ thế. Toàn bài thơ gồm 24 câu, có những điển tích mà kẻ hậu học nếu không nghiên cứu sẽ không hiểu những điển tích ấy ám chỉ sự kiện gì.
    Bài thơ của Công Chúa Liễu Hạnh gồm 24 câu như sau:

    “1. Hoành Sơn lấp lối ra vào
    Quốc kêu Vọng đế, cáo gào giả vương
    3. Cung mây đã sẵn trời giương
    Non sông sắp đổi một trường Xuân Thu
    5. Tên trao ba mũi phục thù
    Nào hay Khắc Dụng bày trò cho con
    7. Ngọn cờ lấp ló đầu non
    Thạch thành mèo nọ bon bon chạy về
    9. Dặm trường lai láng máu dê
    Con quay ngã trắng, ba que cuộc tàn
    11.Trời Nam lại trổi đế vương
    Chân nhân đâu phải là phường thày tăng
    13. Đồng dao ta có câu rằng
    Non xanh mà mọc trắng răng mới kỳ
    15. Bao giờ trổ ngọn thử ly
    Ai ơi nhớ lấy sấm ky kẻo lầm
    17. Đang khi sấm gió ầm ầm
    Ấy là khí vận để găm trị bình
    19. Thất phu mà lạy thư sinh
    Vân lôi ta chấp mấy anh Thủy Hoàng
    21. Nực cười cho lũ bàng quan
    Cờ tàn mà lại toan đường sang xe
    23. Thôi thôi mặc lũ người hề
    Gió mây ta lại đi về gió mây.”
    Tác giả Trần Từ Mai dịch nghĩa toàn bài như sau[1]:

    “Hoành Sơn bị ngăn lấp. Nhà Nguyễn sắp mất.
    Một con cáo gào lên để có quyền như vua mà không phải là vua.
    Mây trên trời thành hình cung tên. Đất nước sắp chịu cảnh hỗn loạn, chiến tranh.
    Có những kẻ giảo quyệt, giả bộ nhân nghĩa chứ thực ra không phải như thế (Lý Khắc Dụng bày trò).
    Sau khi cắm cờ, lập chiến khu trên núi, một con mèo từ hang đá chạy về nắm quyền một cách dễ dàng.
    Chiến tranh xảy ra, người ngoại quốc chết nhiều. Người Pháp sẽ thua (con quay ngã trắng), cờ ba gạch thất thế.

    Một quốc gia lập nên ở miền Nam. Có những tu sĩ tưởng lầm mình là chân nhân. Nhiều trí thức thành thị làm một chuyện kỳ lạ là dắt nhau vào núi.

    Bao giờ một chế độ phải đợi sau khi mất mới được nhớ tiếc không còn hiện hữu nữa (“ngọn thử ly”), hãy nhớ lấy lời sấm. (Đất nước rơi vào tình trạng 'Xuân Thu' khi 'cáo' lên ngôi. Với biến cố 1975, đất nước chưa thoát khỏi 'Xuân Thu' vì chế độ của 'cáo' vẫn còn đó). Xuân Thu sẽ chuyển sang bình trị khi 'sấm gió ầm ầm' nổi lên. Khi những anh thất phu (hay vũ phu) lạy những người học trò, những người muốn đất nước tốt đẹp hơn ('vân lôi') sẽ thắng kẻ cầm quyền độc tài.

    Ván cờ đã tàn, đáng cười cho những kẻ còn muốn can thiệp một cách vô ích. Không bận tâm đến 'lũ người hề', ta lại vui với gió mây.”

    Cũng theo Trần Từ Mai, qua tinh thần sáu câu cuối của bài “giáng bút” (in nghiêng) này, chế độ do “cáo” dựng nên chắc chắn sẽ sụp đổ sau một cơn “sấm gió ầm ầm.” “Lũ bàng quan” chỉ làm trò “nực cười” khi tìm cách ngăn cản. Liễu Hạnh Công Chúa không bận tâm tới “lũ người hề” ấy.

    Bài “giáng bút” có thể đã vận vào Việt Nam sau 30/04/1975. Nhiều người tin và hy vọng sẽ có một ngày “sấm gió ầm ầm”, đất nước sẽ “trị bình”.

    Khi cộng sản (CS) chiếm miền Nam, một chế độ hà khắc ập lên đầu người dân. Rất nhiều người muốn vượt thoát chế độ bạo tàn này. Một trong bốn vị nha dược sĩ mà tôi biết (xin giấu tên) thời VNCH, tiết lộ vào năm 1977, bốn vị đến nghĩa trang cầu cơ ngay trên phần mộ của vị Giáo Sư Y Khoa vừa mất một năm trước đó.
    Cơ may, vị Giáo Sư hiện về và đẩy một tách trà (do hai vị đặt ngón trỏ vào đó) chạy đến bảng ghi chữ. Cả bốn vị đều hỏi một câu liên quan dự định vượt biển, chưa biết lành, dữ ra sao, xin Giáo Sư chỉ giáo. Vị Giáo Sư nhập vào “cơ” cho biết, ba trong bốn vị đi thoát. Ba vị hiện định cư tại Mỹ, một vị còn ở Việt Nam.

    Ngoài đời cầu cơ để biết tương lai. Trong ngục tù CS, người tù cũng cầu cơ để biết có ngày thoát khỏi xích xiềng hay không.

    Năm 1981, trại tù Hà Tây đóng cửa. VC đày các tù chính trị VNCH đến các trại tù khắp miền Bắc. Cá nhân người viết từ trại Hà Tây chuyển về trại Nam Hà, nơi Cụ Tùng La từng nhập cơ giáng bút cho thơ để an ủi và giải đáp những ưu tư khắc khoải của người tù Quốc Gia Trung Nghĩa đang khẩn cầu tại trại này.

    "Tùng La" là bút hiệu của người anh hùng Cần Vương chống Pháp Phan Đình Phùng vào thế kỷ 19. Tại trại này, tôi nghe nói về một đồng môn của tôi là X.N. (ở khác phòng), khấn cầu xin Cụ một giải đáp về tâm sự riêng.

    Sáng ra, cả trại đi lao động. Giờ giải lao, một bạn tù “tranh thủ” hỏi thăm X.N. để trao bài thơ do Cụ Tùng La giáng bút tối qua. Dĩ nhiên bạn X.N. vô cùng ngạc nhiên khi nhận bài thơ Đường luật này. Tôi hỏi bạn thực hư về chuyện này, bạn đáp là thực và ý trong bài thơ đã giải đúng tâm tư của bạn ta. Vì đã lâu, bạn quên bài thơ đó. Dù vậy, bạn còn cho biết, Cụ Tùng La cũng giáng bút sau 30/04/1795 nữa, ngay tại Hoa Kỳ. Vào năm 1995, trong một buổi cầu cơ tại nhà anh V. (Nam Cali), Cụ lại cho bạn X.N. (Bắc Cali) một bài thơ khác.

    Điểm đặc biệt là khi Cụ cho ai thơ thì trong câu đầu hoặc câu kết sẽ ghi tên người đó và toàn bài ẩn chứa những tin tức cá nhân mà chỉ người được tặng mới hiểu ý của Cụ muốn dạy bảo mình điều gì.
    Bài thơ Cụ tặng bạn X.N. sau này như sau:

    "Vườn Xuân tươi đẹp đủ màu hoa
    Ngào ngạt trầm hương toả khắp nhà
    Đất khách sớm hôm trông cậy Mẹ
    Quê người năm tháng nguyện cầu Cha
    Trúc mai mưa nắng thêm tươi tắm
    Lan quế tuyết sương vẫn mặn mà
    Đợi gió chim hồng bay phỉ sức
    Vẫy vùng ngang dọc thoả lòng ta..."

    Tôi định cư tại thành phố Saint Louis tiểu bang Missouri miền trung tây nước Mỹ từ năm 1992 đến 2005. Tại đây, qua sinh hoạt cộng đồng, tôi gặp anh L.Q.T., con trai của cố Đại Tá Lê Quang Bình (ĐT/LQB), sinh quán Thừa Thiên, Huế, cựu Tư Lệnh Phó Quân Đoàn II Quân Khu 2, là đệ tử của Cụ Tùng La tại trại Nam Hà.

    Tôi hỏi thăm thân phụ anh L.Q.T. (vào khoảng 1995 - 1998), anh cho biết ông và gia đình định cư tại Saint Peters, Missouri từ năm 1991 và vẫn khỏe. Điều đáng nói là anh L.Q.T. rất thích thú và trân trọng khi được thân phụ nói về Cơ Bút của Cụ Tùng La và anh đang giữ một tập 50 trang giấy do thân phụ viết tay những bài thơ do Cụ Tùng La giáng bút tặng cho bố anh trong trại tù Nam Hà và khi cả gia đình định cư tại Mỹ năm 1991.

    Tôi đang giữ một bản copy tài liệu này từ năm 1998. Nay thuận duyên đã đến, tôi xin trình bày đôi điều về sự kiện này.

    Trước hết, chúng ta cần biết qua về thân thế của Cụ Phan Đình Phùng (1847-1895): Cụ đỗ Đình Nguyên (đỗ đầu Tiến Sĩ) năm 1877; làm Tri huyện Yên Khánh, Ninh Bình sau về kinh đô giữ Ngự Sử Đô Sát Viện. Năm 1883, bị cách chức. Năm 1885 Cụ hưởng ứng Phong Trào Cần Vương dưới triều vua Hàm Nghi và mất năm 1895.

    Trong tập giấy viết tay mang tên “Thánh TÙNG LA Đã Giáng Trần Tại Trại Nam Hà Ngày 12/12/1979 Để Cứu Độ Người Quốc Gia Trung Nghĩa Lâm Nạn” (*) do cố ĐT/LQB ghi lại tất cả các bài thơ do Cụ Tùng La giáng bút dành tặng ông và gia đình.


    Năm 1976, VC đày đa phần tù nhân Quân-Cán-Chính Việt Nam Cộng Hòa (QCC/VNCH) từ Nam ra trại Hoàng Liên Sơn, Yên Bái do “bộ đội CS quản lý”, trong đó có ĐT/LQB. Năm 1979, vì sợ Tàu đánh, VC lại đưa các tù đó đến các trại tù do công an “quản lý” trong đó có trại Nam Hà hay còn gọi là Trại Ba Sao thuộc tỉnh Hà Nam Ninh.

    Không bút mực nào tả xiết cảnh đày ải tù khổ sai dưới chế độ bất nhân của CS. Số tù chết do bịnh và kiệt sức ngày càng tăng. Trước viễn cảnh đen tối đó, một số tù nhân tên tuổi của VNCH (tôi mạn phép nêu tên theo ghi chép của tài liệu đánh dấu (*) nêu trên) như Hoàng Xuân Tửu, Nguyễn Đức Viên, Nguyễn Đức Cung, Nguyễn Ngọc Nghĩa, Nguyễn Văn Hưởng, Linh Mục Nguyễn Văn Minh,... cùng cầu xin đấng thiêng liêng an ủi họ và soi đường cho họ trong cảnh tuyệt vọng.

    Thời may, Cụ Tùng La giáng bút tại buồng số 1, trong khi ĐT/LQB đang khấn nguyện xin Cụ chỉ dạy ở buồng số 8. Sáng hôm sau, tù đi “lao động”, tôi (ĐT/LQB) vô cùng vui sướng vì Cụ đã đáp ứng lời khấn nguyện của tôi qua bài thơ được bạn tù phòng 1 trao lại, như sau:

    Huế xinh Huế đẹp đất Thần Kinh
    Ấp ủ bao năm một khối tình
    Dâu bể tang thương cùng tuế nguyệt
    Hẹn ngày tái ngộ với Hương Bình.

    Cụ giải thích, khối tình là tình nhà, tình nước và tình dân tộc. Hương Bình là pháp hiệu do Thánh Tùng La ban cho ĐT/LQB khi được Ngài nhận là đệ tử. (Theo tài liệu)(*).

    Vì là đệ tử, nên trong 50 trang viết tay, Cụ giáng bút nhiều bài thơ riêng tặng Hương Bình và gia đình, tiên đoán ngày ra trại, ngày đi H.O., ngày về quê thăm mồ mả, khuyên giữ tiết tháo để có một ngày đoàn viên sum vầy. Cụ còn dạy là khi giáng bút, Cụ sẽ cho thơ Đường vì âm dương cũng có Chánh có Tà. Bên Tà không thể nào xen vào thơ của Cụ được (*).

    Nhân dịp Tết, các tu sĩ trong trại tù đảnh lễ và thưa với Cụ rằng các vị đang âm thầm khuyến khích anh em đọc kinh hằng ngày để nuôi dưỡng tinh thần. Cụ cho là việc nên làm, các Phật tử đọc kinh Quan Thế Âm, các con chiên đọc kinh Kính Mừng Đức Mẹ. Đọc kinh với lòng thành khẩn sẽ có linh nghiệm.

    Anh em khấn nguyện xin Cụ cho biết có thoát khỏi xích xiềng CS không, Cụ giáng bút và cho rất nhiều bài thơ, tứ tuyệt có, bát cú (tám câu) có, chữ Quốc ngữ có, chữ Hán, Nôm cũng có. Tất cả các bài thơ đều khuyên người tù VNCH nên giữ tiết tháo. Cụ khẳng định sẽ ngày thoát xích xiềng. Sau đây là bài thơ Đường tiêu biểu:

    Gà báo sang canh chó sủa rền
    Ngục tù đón Tết nhớ đừng quên
    Câu hò ngư phủ nằm sương gió
    Điệu hát tiều phu vượt thác ghềnh
    Tiếng mõ làng xa khua tới tấp
    Hồi chuông chùa cũ đổ liên miên
    Nhắn người tâm huyết vì sông núi
    Hứa hẹn may đây thoát xích xiềng.

    Chó sủa rền suy ra là năm Tuất, tức năm 1982, một số lớn tù miền Bắc chuyển về các trại Xuân Lộc, Hàm Tân trong Nam. Về Nam, gần gia đình, khí hậu ấm áp tương đối “dễ thở” hơn ở miền Bắc khắc nghiệt, đói rét và thiếu thuốc men.
    Còn đây là bài tứ tuyệt:

    Thu thiên sương giáng động tây phong
    Trục phất Nam sơn xuất khí nồng
    Nguyệt khuyết tàn vân tà ngọc thố
    Đải thời luyện dực điểu phi thông

    Về sau, người tù suy luận, động tây phong là do sự vận động và can thiệp của Mỹ thông qua tướng John Vessey, nên vào cuối năm 1987 (Đinh Mão – từ chữ tà ngọc thố), có đợt thả tù “đại trà”. Sấm ký của cụ vô cùng linh nghiệm (*). Linh nghiệm ở chỗ, thơ Cụ giáng lần lần đúng với thực tế (đối với Hương Bình). Linh nghiệm ở chỗ, người "cõi Âm" (như Cụ Tùng La) vẫn nghe thấy và biết những việc làm của người dương thế. ĐT/LQB kể, nhân ngày Xuân, Cụ Tùng La giáng bút cho một bài thơ Xuân mà cũng là bài thơ họa một bài thơ nghĩ về mùa đông đã viết sẵn còn trong túi áo của người tù Trần Quang Tiến (*), định cuối văn đàn sẽ trình Cụ.

    Thi đàn (tù trại Nam Hà) hôm đó ngạc nhiên về sự linh thiêng của Cụ Tùng La qua bài thơ Xuân họa bài thơ Đông (chưa trình làng), như sau:

    Thơ Họa (của cụ Tùng La)

    Xuân trước sau năm nổi hận trường
    Xuân mang buồn tủi khắp ngàn phương
    Xuân xui bao kẻ lìa quê mẹ
    Xuân khiến lắm người biệt cố hương
    Xuân nghĩ tình nhà tình vẫn nặng
    Xuân lo nợ nước nợ còn vương
    Xuân nguyền sau trước lòng như một
    Xuân nguyện mai đây sẽ quật cường.

    Thơ Xướng (của Trần Quang Tiến)
    Đông đêm lạnh lẽo suốt canh trường
    Đông cảnh đìu hiu khắp bốn phương
    Đông vẹn ân tình cùng đất nước
    Đông tròn trung nghĩa với quê hương
    Đông thời luyện chí không nao núng
    Đông tiết rèn tâm chớ vấn vương
    Đông nguyện một lòng luôn vững bước
    Đông mong tổ quốc được hùng cường...

    Qua câu chuyện cầu cơ, thơ giáng của Công Chúa Liễu Hạnh và của Cụ Tùng La Phan Đình Phùng, chúng tôi học được mấy điều:

    1/ Cõi Âm là có thật, không phải mê tín dị đoan. Muốn tìm hiểu thêm về cõi Âm, xin tìm đọc “Hành Trình Về Phương Đông” của dịch giả Nguyên Phong, dịch từ nguyên tác "Journey to the East" của Blair T. Spalding, một thành viên của Hội Khoa Học Hoàng Gia Anh, được cử sang Ấn Độ để nhiên cứu về huyền học và khả năng siêu nhiên của con người...
    2/ Cụ Tùng La cho biết, cõi Âm cũng như cõi Dương, có Chánh có Tà.
    3/ Cụ Tùng La Phan Đình Phùng giáng thơ để an ủi vỗ về người tù Quốc Gia trong ngục tù CS; rõ ràng, Cụ thuộc bên Chánh, xin trích hai câu kết trong bài thơ tặng Hương Bình để chứng minh như sau:

    Trách ai dạ thú gây sầu thảm
    Đất nước tháng ngày chịu bể dâu

    4/ Dù trong hoàn cảnh nào, Cụ Tùng La khuyên bên Chánh luôn giữ khí tiết và nhân cách:
    Nhục vinh cuộc thế đời điên đảo
    Nhân nghĩa cương thường vẫn giữ nguyên

    Lao lý vẫn không quên nghĩa cũ
    Đắng cay càng mãi nặng tình quê
    Mặc ai tráo trở đời đen bạc
    Giấy rách nhưng ta giữ lấy lề.

    Tiền nhân dạy “Thiên Cơ Bất Khả Lậu”, quả vậy, bài thơ giáng của Công Chúa Liễu Hạnh xuất hiện từ năm 1902, đến nay đã 121 năm, nhiều người Việt lưu vong suy luận, bài thơ tiết lộ một vài sự kiên liên quan tình hình đất nước vào năm 1975.

    Với biến cố 1975, chế độ của "cáo" vẫn còn. Công Chúa Liễu Hạnh phán rằng, bao giờ sóng gió ầm ầm, sẽ có những người muốn đất nước tốt hơn sẽ thắng chế độ độc tài.

    Còn Cụ Tùng La trong tập giấy viết tay của ĐT/LQB (*), thường khuyên người tù Quốc Gia nên giữ khí tiết và cho biết sẽ có ngày thoát ngục tù. Cụ hay dùng hình ảnh chim bay như “Cất cánh chim bằng bay vạn nẻo, Bình minh tươi sáng hẹn ngày mai”. Dù vậy, chúng tôi vẫn tìm thấy hai câu kết mang tính tiên tri trong một bài thơ Đường tặng ĐT/LQB (*) như sau:

    Cơ đồ đất nước rồi quang đãng
    Con cháu Tiên Rồng sẽ hiển vinh.

    Qua Công Chúa Liễu Hạnh và Cụ Tùng La, tôi học hỏi một điều, dù lìa Đất Mẹ sống tha hương, người Việt lưu vong nên giữ vững một lòng tin vào một ngày mai, các thế hệ tiếp nối, sẽ theo bước tiền nhân, tiếp tục đấu tranh cho một Việt Nam Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền theo truyền thống bất khuất của Dân Tộc. Truyền thống đó giúp tôi thêm tin tưởng vào tinh thần quật cường của nòi giống trước bạo quyền chuyên chính vô sản.

    Tôi hào hứng với dự đoán của Công Chúa Liễu Hạnh về tinh thần quật cường của dân tộc được xác nhận trong bài Tự Vịnh (*) ký tên Tùng La Thị Biểu Hiệu sau đây (trích):

    Nòi Nam giống Việt, con Lạc cháu Hồng
    Rõ ràng thay Lô Tản non sông
    Vui vẻ thú Lam Hồng phong nguyệt
    Địa linh nhân kiệt, đem sắc tài mà thêu dệt non sông
    Sanh dự tử đồng, nuôi chính khí để vun trồng cây cỏ
    Ấy lịch sử Tùng La tên họ

    Ngàn năm xưa linh khí vẫn còn
    Và giữ mãi tấm lòng son cùng tuế nguyệt

    Hậu thế xin vâng lời Cụ, quyết giữ mãi tấm lòng son với Chính Nghĩa Quốc Gia Dân Tộc!

    Vườn Thượng Uyển, tháng 4/2023

    VÕ Ý

    [1] Trần Từ Mai (GS Trần Huy Bích) – "Thử Giải Thích Một Bài Thơ Đáng Chú Ý Về Vận Mệnh Đất Nước"
    Last edited by khongquan2; 10-03-2023, 01:29 AM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X