Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Sứ Mạng Của Nhân Viên Tình Báo CIA tại Bắc Việt 1972

Collapse
X

Sứ Mạng Của Nhân Viên Tình Báo CIA tại Bắc Việt 1972

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Sứ Mạng Của Nhân Viên Tình Báo CIA tại Bắc Việt 1972

    Bí mật Chiến Tranh Việt Nam:

    SỨ MẠNG CỦA NHÂN VIÊN TÌNH BÁO CIA TẠI VINH, BẮC VIỆT, 1972

    KHIẾT NGUYỄN


    Đây là một trong những sứ mạng táo bạo và khó khăn nhất trên đất địch mà mãi đến năm 2014, một số trong chúng ta mới được biết đến.

    Sau biến cố Tết Mậu Thân 1968, Việt Nam Cộng Hoà, Hoa Kỳ, và Bắc Việt đồng ý ngồi lại với nhau để tìm một giải pháp cho chiến tranh Việt Nam. Chúng ta gọi đó là Hoà Đàm Ba Lê mà lúc đó, phóng viên Trường Sơn vẫn thường xuyên tường trình trên đài phát thanh Sài Gòn trong các bản tin chính.

    Trong khi các cuộc họp mặt diễn ra tại thủ đô Ba Lê của Pháp thì phía Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hoà rất muốn và rất cần biết phía Bắc Việt bàn thảo những gì với nhau. Cả chúng ta lẫn Hoa Kỳ đều có nhiều điệp viên hoạt động trên đất Bắc từ lâu, nhưng những người này dần dần bị lộ diện. Những điệp viên còn lại thì lại không có khả năng chuyên môn để thi hành một sứ mạng mà Hoa Kỳ rất cần thực hiện cho xong. Đó là gắn dụng cụ nghe lén vào các đường dây điện thoại của đám viên chức cao cấp nhất của chính quyền Hà Nội.

    Sứ mạng này không táo bạo như giải cứu tù binh. Thế nhưng nó lại khó khăn hơn nhiều. Để giải cứu tù binh, người ta không sợ bị lộ diện, miễn là thoát thân an toàn cùng với những tù binh mà người ta giải cứu. Để gài dụng cụ nghe lén, người ta cần làm thế nào để địch quân không biết, ngay cả sau khi sứ mạng đã hoàn thành, càng lâu càng tốt. Vậy mà Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ đã có kế hoạch dùng trực thăng để đem chuyên viên kỹ thuật ra Bắc Việt thi hành sứ mạng đó. Điểm đến của họ sẽ là Vinh, cách thủ đô Hà Nội gần 250 cây số về phía nam.

    Như đã nói ở trên, người ta cần làm thế nào để giữ bí mật cho kế hoạch, ngay cả sau khi đã hoàn thành sứ mạng. Vì thế nên người ta cần làm ra được một loại trực thăng có khả năng vượt qua được hệ thống radar của Bắc Việt đồng thời tiếng ồn từ động cơ của nó nhỏ đến độ người nào thính tai nghe thấy cũng không biết đó là một động cơ trực thăng.

    Trước hết, các chuyên viên kỹ thuật của CIA đến gặp các viên chức có thẩm quyền cao nhất của Ngũ Giác Đài. Họ trình bày ý định của họ. Vì CIA không có lực lượng quân sự nào nên Ngũ Giác Đài quyết định chỉ thị cho Lục Quân Hoa Kỳ thử nghiệm trước. Lục Quân Hoa Kỳ liền gọi các chuyên viên kỹ thuật ưu tú nhất của hãng Bell đến.


    OH-58A Kiowa của Lục Quân Hoa Kỳ tại VN

    Hãng Bell được chọn là vì lúc đó họ vừa mới sản xuất chiếc OH-58A Kiowa, một loại trực thăng tối tân nhất thế giới lúc bấy giờ, tuy đã xuất xưởng nhưng chưa đem ra sử dụng. Lục Quân Hoa Kỳ cho các chuyên viên kỹ thuật của Bell biết rằng họ muốn những chuyên viên kỹ thuật đó nghiên cứu để cải tiến chiếc OH-58A sao cho nó có thể dùng để đem quân ra sau phòng tuyến địch và thả xuống mà địch quân không hề hay biết.

    Kết quả, một chiếc OH-58A biến cải ra đời.

    Chiếc này tuy vẫn dùng động cơ cũ nhưng có đến bốn cánh quạt với bề mặt rộng hơn. Hệ thống thoát khói của nó cũng lớn hơn. Khi nó chuẩn bị cất cánh lần đầu tiên, các khoa học gia đứng cách đó 75 thước ghi nhận rằng tiếng ồn của nó chỉ có 77 decibel. Như vậy, nó chỉ ồn ngang với một máy hút bụi thường dùng ở nhà. Khi nó bay lên cao độ 1 ngàn 250 thước, người ở dưới đất nghe thấy tiếng động cơ của nó nhỏ như một ai đó đang thì thào bên cạnh. Các chuyên viên kỹ thuật rất hài lòng.

    Khối Kỹ Thuật của Ngũ Giác Đài tuy không chê bai chiếc OH-58A một điểm nào nhưng vẫn tin rằng người ta có thể tiến xa hơn nữa. Vì thế nên họ có một dự án kéo dài đúng một năm mà ngoài Bell, còn có các hãng lớn khác được mời tham dự, trong đó có Hughes, Sikorsky và Kaman.

    Cũng như Bell, ba hãng kia không nghiên cứu sản xuất một kiểu trực thăng mới mà thay vào đó, họ chú tâm vào việc cải tiến và biến cải kiểu trực thăng mới nhất mà họ vừa sản xuất.

    Hughes hoàn tất việc biến cải chiếc trực thăng trinh thám OH-6A của họ.

    Sikorsky biến cải chiếc trực thăng săn lùng tiềm thuỷ đỉnh SH-3 mà họ vừa sản xuất.

    Hãng Kaman thì dựa vào chiếc trực thăng cứu nạn HH-43 của họ để biến cải thành một chiếc khác với những tân tiến mới nhất của kỹ thuật trực thăng.


    Một chiếc OH-6A Cayuse tại Camp Enari gần núi Hàm Rồng, Pleiku, 1969

    Sau khi cho bay thử đồng thời nghiên cứu kỹ càng mọi khía cạnh, cả Ngũ Giác Đài lẫn Lục Quân đều kết luận rằng chiếc OH-6A đã biến cải của Hughes là hứa hẹn nhất. Họ đặt tên chiếc này là OH-6A Model 500P, biệt danh "Thầm Lặng 1" (The Quiet One).

    Sau hết, CIA được mời tham gia việc thử nghiệm. Họ cũng đồng ý như Ngũ Giác Đài và Lục Quân. Vì thế, chiếc Thầm Lặng 1 được CIA chọn. Động cơ của Thầm Lặng 1 có đến 5 cánh quạt, và có hệ thống thoát khói rất lớn.

    Thế nhưng, Thầm Lặng 1 vẫn có vấn đề. Ngũ Giác Đài và Lục Quân không biết nhu cầu của CIA nên không nhìn thấy những vấn đề này.
    Trước hết, CIA cần những chiếc trực thăng có tầm hoạt động rất xa mà không cần tiếp nhiên liệu.

    Thứ đến, những chiếc trực thăng này cần được trang bị sao cho phi công có thể bay trong đêm đen.

    Cuối cùng, CIA mời những chuyên viên kỹ thuật của General Motors đến.

    Các chuyên viên kỹ thuật này giải thích với các viên chức CIA như sau. Để giảm bớt mức tiêu thụ nhiên liệu, họ có thể giảm công suất của động cơ trên chiếc Thầm Lặng 1 xuống còn 250 mã-lực. Tuy nhiên, các luật sư của General Motors sẽ không cho phép họ làm như thế. Theo các luật sư này, sau khi giảm công suất động cơ, người ta cần phải bay thử chiếc Thầm Lặng 1 trong một thời gian dài ít ra là hai năm trong nhiều tình trạng thời tiết khác nhau tại nhiều địa thế khác nhau. Nếu không có một trở ngại nào đáng kể, họ mới cho phép sử dụng.

    Lẽ đương nhiên, CIA không chấp nhận điều này. Họ đang cần gấp một loại trực thăng cho sứ mạng đặc biệt của họ chứ không thể chờ đợi quá lâu.

    Để giúp CIA đồng thời cũng để General Motors tránh được trách nhiệm về mặt pháp lý, khối kỹ thuật Allison của General Motors đưa ra một giải pháp. Họ cho CIA mượn một số trong số những kỹ sư cơ khí giỏi nhất của họ. Kể từ giai đoạn này, những kỹ sư thiên tài đó sẽ chỉ làm việc cho CIA cho đến khi nào CIA không còn cần đến họ nữa.

    Một ngày kia, các kỹ sư thiên tài này được đem đến một cơ xưởng của CIA tại Burbanks, California. Tại đây, họ trông thấy tất cả 100 động cơ trực thăng kiểu mới nhất. Cuối cùng, họ chọn từ đó 6 động cơ mà họ cho rằng thích hợp nhất. Tất cả những động cơ này đều đã được biến cải và cải tiến để nó có công suất gấp đôi so với lúc nó xuất xưởng lần đầu. Đảm trách phần biến cải và cải tiến những động cơ này là một công ty mà CIA nhất định không tiết lộ danh tánh.

    Các kỹ sư cho ráp một trong sáu động cơ này vào chiếc Thầm Lặng 1. Với động cơ mới này, Thầm Lặng 1 có trọng lượng 600 cân có trọng tải đến hơn một tấn. Các kỹ sư nói rằng để nó có thể hạ cánh một cách dễ dàng và an toàn, CIA nên giới hạn trọng tải ở mức 1 tấn 120 cân.

    Với trọng tải cao như thế, Thầm Lặng 1 có thể chở nhiều nhiên liệu hơn để có thể bay sâu vào lãnh thổ Bắc Việt rồi bay trở về mà không cần tiếp tế nhiên liệu. Các kỹ sư gắn thêm hai bình nhiên liệu phụ vào thân phi cơ.

    Các kỹ sư cũng chú tâm rất nhiều vào việc giảm thiểu tiếng ồn mà các động cơ phát ra. Họ gắn thêm một số cơ phận phụ để các cơ phận chính trong động cơ hoạt động ăn khớp với nhau qua trung gian các cơ phận phụ này. Các cơ phận phụ được làm bằng một loại hợp kim và hợp chất đặc biệt. Họ cũng hoàn thành một hệ thống thoát khói mới để tiếng nổ phát ra nhỏ hơn trước.
    Sau hết, để giảm thiểu tiếng ồn hơn nữa, họ mời một kỹ sư hàng đầu của hãng Rolls Royce. Viên kỹ sư này là chuyên viên đặc trách về tiếng ồn của động cơ RB-211 mà hãng Rolls Royce vẫn còn giữ nguyên cho đến bây giờ, tức là năm 2015.

    Chuyên viên đặc trách tiếng ồn chỉ cần một tuần lễ để giải quyết vấn đề cho CIA. Chiếc Thầm Lặng 1 bây giờ gần như ở trong tình trạng tuyệt hảo.

    Kể từ giai đoạn này, các chuyên viên của CIA chỉ còn một vấn đề duy nhất phải giải quyết. Đó là làm thế nào để các phi công của chiếc Thầm Lặng 1 có thể bay sâu vào lãnh thổ Bắc Việt giữa đêm đen. Họ quyết định dùng hai hệ thống song song với nhau.

    Thứ nhất, họ trang bị cho chiếc Thầm Lặng 1 một hệ thống thu hình có hồng ngoại tuyến. Hình ảnh sẽ hiện lên một màn ảnh nhỏ để phi công quan sát. Thứ hai, viên phi công phụ sẽ đeo dạ kính để quan sát địa hình và báo cho phi công chính nếu thấy có trở ngại. Điều này rất quan trọng bởi vì khi bay vào lãnh thổ Bắc Việt, họ sẽ giữ cao độ chỉ có 50 thước, hoặc thấp hơn.

    Ngoài ra, và quan trọng không kém, chiếc Thầm Lặng 1 còn được trang bị một hệ thống điện tử về định hướng và định vị. Nó dựa vào địa hình và tốc độ cũng như cao độ của phi cơ để hướng dẫn phi công. Hệ thống này do hãng Singer-Kearfott sản xuất. Độ sai sót của nó chỉ vào khoảng 400 thước một tiếng đồng hồ. So với tốc độ của Thầm Lặng 1, độ sai sót này coi như không đáng kể. Cho đến nay, hệ thống này vẫn còn được sử dụng trên những chiếc phi cơ hàng không dân sự mới xuất xưởng.

    Hai năm kể từ khi các viên chức của CIA đến gặp các viên chức của Ngũ Giác Đài, CIA có được bốn chiếc Thầm Lặng 1 với tất cả đặc điểm mà họ mong muốn. Với sự chấp thuận của Toà Bạch Ốc, nó được chuyển cho Air America và ngay sau đó hai chiếc được đem đến một căn cứ bí mật mang bí số PS-44 trên lãnh thổ Ai Lao. Ngay lập tức, các phi công thực tập loại phi cơ này trước khi thực hiện các phi vụ bí mật vào lãnh thổ Bắc Việt. (1)

    Ngay trong tuần lễ đầu tiên, một chiếc Thầm Lặng 1 bị loại bỏ.

    Vì một nguyên do nào đó, thay vì sử dụng các phi công xuất sắc đầy kinh nghiệm mà Air America có rất nhiều, CIA lại tuyển dụng một số phi công của Đài Loan. Ngay trong phi vụ thực tập đầu tiên, các phi công này gây thiệt hại rất nặng cho một chiếc Thầm Lặng 1 khi họ hạ cánh trước nhà chứa phi cơ dành riêng cho nó.

    Lập tức, CIA điều tra. Sau khi đã biết rõ nguyên nhân đưa đến tai nạn, kể cả các yếu tố thời tiết và kỹ thuật, CIA quyết định trả các phi công Đài Loan về nguyên quán. Cũng may mà những phi công này chưa được cho biết nhiều về nhiệm vụ thật sự của hai chiếc Thầm Lặng 1. Chiếc Thầm Lặng 1 còn lại tiếp tục các phi vụ thực tập với các phi công của Air America.

    Đêm mồng 6 rạng mồng 7 tháng Chạp 1972, chiếc Thầm Lặng 1 duy nhất còn lại trên lãnh thổ Ai Lao bay đến Vinh. Sau khi thả các chuyên viên kỹ thuật xuống, nó bay trở về PS-44 an toàn.

    Thấy sứ mạng dễ dàng và thành công tốt đẹp, CIA đem hai chiếc Thầm Lặng 1 còn lại sang Ai Lao. Họ không nói rõ là có bao nhiêu phi vụ vào lãnh thổ Bắc Việt được thực hiện. Xong việc, cả ba chiếc Thầm Lặng 1 được tháo gỡ chong chóng, đem lên mấy chiếc vận tải cơ Hercules C-130 và chở ra khỏi lãnh thổ Ai Lao. Thời điểm này cũng đúng vào thời điểm mà Hoa Kỳ và Đồng Minh phải rút quân ra khỏi lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà.

    Cho đến nay, CIA vẫn chưa tiết lộ về số lượng phi vụ mà Thầm Lặng 1 hoàn thành trên lãnh thổ Bắc Việt. Họ cũng không cho biết họ đã thu thập được những tin tức gì qua việc gài các dụng cụ nghe lén.

    Chỉ có một điều mà các nhân chứng ghi lại. Đó là những chiếc Thầm Lặng 1 khi được đem đến Ai Lao đã sơn màu nhà binh mà có mang mấy chữ US Army, mặc dù nó là của Air America.

    Sau khi những chiếc Thầm Lặng 1 hoàn thành sứ mạng, CIA đem đến PS-44 mấy chiếc Thầm Lặng 1 với động cơ nguyên thuỷ và những trang bị căn bản. Vì thế nên rất ít nhân viên của chính Air America được biết rằng đã có bốn chiếc Thầm Lặng 1 khác hẳn từng có mặt ở PS-44 và thực hiện những sứ mạng mà ngày nay vẫn chỉ có một số ít người được biết.

    Hình đính kèm thứ nhất là một chiếc Thầm Lặng 1 trong tình trạng ban đầu. Các bạn để ý thấy động cơ của nó có 5 cánh quạt.
    Hình thứ hai là chiếc Thầm Lặng 1 đầu tiên đã thực sự bay đến Vinh và trở về an toàn. Hình này chụp vào năm 1971 khi nó mới được đem đến Ai Lao.



    (1) “Air America”, một hãng hàng không trá hình của CIA. Tiền thân của “Air America” là CAT (Civil Air Transport), một hãng hàng không vận tải dân sự do cựu Thiếu-tướng Không Quân Hoa Kỳ Claire Lee Chennault – nguyên Tư lệnh Thập Tứ Không Lực Hoa Kỳ (14th Air Force) đóng tại Trung Hoa trong Đệ nhị Thế chiến - thành lập năm 1946, hoạt động chủ yếu tại Hoa Lục.

    Năm 1950, sau khi Thống-chế Tưởng Giới Thạch và lực lượng Trung Hoa Quốc Dân Đảng bị quân cộng sản của Mao Trạch Đông đánh bại, phải bỏ chạy ra đảo Đài Loan, người Mỹ (một cách chính xác là Cục Tình Báo Trung Ương CIA) đã bí mật mua lại hãng hàng không CAT, đổi tên thành “Air America” để sử dụng trong những công tác bí mật ở Đông Nam Á.


    “Air America” đã tham gia cuộc di tản nhân viên Hoa Kỳ khỏi Việt Nam vào cuối tháng 4/1975 (Operation Frequent Wind). Sau chiến tranh Việt Nam, “Air America” bị giải thể vào năm 1976.
    (Chú thích của HQPD)
    Last edited by Nguyen Huu Thien; 04-25-2023, 05:13 PM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X