Thông báo

Collapse
No announcement yet.

1968: 6 SQ thân tín của PTT Ng Cao Kỳ tử nạn... Đào Văn

Collapse
X

1968: 6 SQ thân tín của PTT Ng Cao Kỳ tử nạn... Đào Văn

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • 1968: 6 SQ thân tín của PTT Ng Cao Kỳ tử nạn... Đào Văn

    1968: 6 SQ thân tín của PTT Ng Cao Kỳ tử nạn
    tại Chợ Lớn vì máy bay Mỹ bắn lầm?

    * ĐT Văn Văn Của (Đô trưởng Sài Gòn 1968): Sáng hôm sau, Đ/tá Hoành trở lại gặp tôi ( tại nhà thương), đưa cho xem bản phúc trình của phi công nói vắn tắt rằng sở dĩ có tai nạn là vì trục trặc kỹ thuật. Tôi xin được giáp mặt phi công thì Đ/tá nói rằng phi vụ đó chỉ có một phi công và người đó đã về Mỹ ngay tối ngày 2/6.
    * Tổng thống Johnson: Chuyện gì đã xảy ra về chiếc trực thăng đó ... Các ông có tin là Kỳ có thể nghĩ rằng phía Mỹ cố tình làm điều đó hay không? (Do you believe Ky may think we did that deliberately?),
    * General Wheeler: Nam Việt Nam kêu gọi trực thăng hỗ trợ. Một tên lửa gặp trục trặc, bắn trúng khu vực bộ chỉ huy và gây tử thương một số người. Đây là một tai nạn. Thật là không may. This was an accident. It was unfortunate.

    * Bộ trưởng Clifford: Tổng thống có thể bày tỏ sự quan tâm về vụ này. Một trong những người bị giết là em rể của Kỳ. Tổng thống có thể cử một số quan chức Chính phủ đến dự lễ tang. Kỳ có thể không nghĩ đó là một tai nạn - Ky may not think it was an accident.
    * Cựu PTT Ng Cao Kỳ: Tôi cũng nghe những tin đồn cho rằng Thiệu là người chủ mưu, Ông ta mưu toan kết hợp với người Mỹ hy vọng giết được tôi. Vài năm sau, tôi nghe nói, một Đại tá Trần văn Hai nào đó đã có mặt trên chiếc trực thăng. Tôi chỉ biết sơ về Ông này.





    Câu chuyện về biến cố tại trường tiểu học Phước Đức Chợ Lớn vào mùa hè năm 1968 đã làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực về nguyên nhân dẫn đến sự kiện đau thương này. Phía Mỹ thì cho rằng sự việc đáng tiếc này xảy ra là do trục trặc kỹ thuật, tuy nhiên dư luận thì không đồng tình với ý kiến này, và rằng tại sao " Ky may not think it was an accident". Tuy nhiên, để rộng đường dư luận, người viết sẽ trình bày các diễn biến chính trị trước và sau ngày xảy ra vụ "This was an accident" tại trường Phước Đức Chợ Lón, năm 1968. Phần trình bày sau người viết tóm lược trích đoạn dựa vào tài liệu của thư viện Johnson giải mật phổ biến trên thư viện online của Bộ Ngoại Giao, và dựa vào tài liệu của CIA giải mật tài liệu liên quan đến mối bất hòa giữa TT Thiệu và PTT Kỳ công bố vào các năm 2016 - 2019. Nhưng trước hết mời bạn đọc lược qua phần trình bày về vụ trực thăng Mỹ bắn lầm hồi tháng 6.1968 trên trang mạng của Hội Ái Hữu Petrus Ký Úc Châu.

    * Vụ trực thăng Mỹ bắn lầm tại trường Phước Đức
    " Vào đầu tháng 6-1968, đợt 2 của cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân của phe Cộng sản tại Sài Gòn đang diễn ra ác liệt. Một lực lượng khá lớn của Việt Cộng đã chiếm đóng một khu phố quan trọng của vùng Chợ Lớn, bao gồm các con phố chánh là Ðồng Khánh, Tổng Ðốc Phương và Khổng Tử. Ngày 2-6-1968, LÐ 5 BÐQ đã giải tỏa được phần lớn khu phố nhưng đơn vị Việt Cộng đang chiếm đóng Nhà hàng Soái Kình Lâm vẫn cố thủ. Các tiểu đoàn của LÐ 5 BÐQ không tiến lên được. Vào lúc 6 giờ chiều, BCH của LÐ 5 BÐQ, đặt tại Trường Phước Ðức trên đường Khổng Tử, ngay phía sau nhà hàng Soái Kình Lâm, bắt buộc phải kêu trực thăng võ trang của Mỹ đến oanh kích yểm trợ. Một gunship Mỹ được phái đến, đã bắn lầm một rocket vào ngay Trường Phước Ðức (thay vì bắn vào nhà hàng Soái Kình Lâm), gây tử thương cho 6 sĩ quan cao cấp của QLVNCH:
    • Trung Tá Ðào Bá Phước, Chỉ Huy Trường LÐ 5 BÐQ
    • Trung Tá Nguyễn Văn Luận, Giám Ðốc Cảnh Sát Ðô Thành
    • Trung Tá Lê Ngọc Trụ, Trưởng Ty Cảnh Sát Quận 5, Sài Gòn
    • Trung Tá Phó Quốc Chụ, Giám Ðốc Nha Thương Cảng Sài Gòn
    • Thiếu Tá Nguyễn Ngọc Sinh, Phụ Tá Giám Ðốc Cảnh Sát Ðô Thành
    • Thiếu Tá Nguyễn Bảo Thùy, Chánh Sở An Ninh Quân Ðội Ðô Thành (em ruột của Trung Tướng Nguyễn Bảo Trị)
    và làm bị thương 2 sĩ quan cao cấp sau đây:
    • Ðại Tá Văn Văn Của, Ðô Trưởng Sài Gòn
    • Trung Tá Trần Văn Phấn, Phụ Tá Tổng Giám Ðốc Cảnh Sát Quốc Gia
    - Những Câu Hỏi Không Có Câu Trả Lời - Ðây có phải là một vụ thanh toán chính trị?
    Khi vụ việc xảy ra, lập tức có ngay một luồng dư luận cho rằng đây là một vụ thanh toán mang tính chính trị, nói rõ hơn là Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu thanh toán phe Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ.” Tại sao lại có dư luận này?
    Trước hết là vì một sự thật không thể chối cãi được là tất cả những người chết đều là người thuộc phe của ông Kỳ. Thứ hai là vị việc này xảy ra ngay vào đúng giai đoạn ông Thiệu bắt đầu ra mặt đối phó và tìm mọi cách tiêu diệt vây cánh của ông Kỳ. Từ tháng 3-1968, sau vụ Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân của Việt Cộng, qua một nhân viên CIA (Central Intelligence Agency = Cơ Quan Trung Ương Tình Báo của Hoa Kỳ), ông đã gián tiếp báo cho người Mỹ biết là ông sẽ không để cho phe ông Kỳ tiếp tục đe dọa và phá hoại uy quyền tổng thống hiến định của ông nữa. Ṓng nhứt quyết loại bỏ dần người của ông Kỳ và thay bằng người của ông. Việc đầu tiên ông thực hiện là thay một loạt 14 tỉnh trưởng qua chương trình cải tổ hành chánh trong tháng 3-1968. Ngày 7-5-1968, Chuẩn Tướng Nguyễn Ngọc Loan, cánh tay mặt của ông Kỳ, người đang giữ cùng một lúc cả 3 chức vụ trọng yếu về an ninh là Ðặc Ủy Trưởng Phủ Ðặc Ủy Trung Ương Tình Báo, Tổng Giám Ðốc Cảnh Sát Quốc Gia và Giám Ðốc Nha An Ninh Quân Ðội, đã bị bắn trọng thương tại khu Tự Ðức. Trong cùng ngày 7-5-1968, Ðại Tá Ðàm Văn Quí, Phụ Tá Tổng Giám Ðốc Cảnh Sát Quốc Gia, cánh tay mặt của Tướng Loan, cũng bị tử thương trong một cuộc lục soát trên đường Lục Tỉnh. Kế tiếp, lấy lý do chính phủ đã bất lực để xảy ra vụ Việt Cộng tấn công vào thủ đô Sài Gòn lần thứ hai (thường được báo chí gọi là vụ Mậu Thân đợt 2) vào đầu tháng 5-1968, ông giải nhiệm Chính phủ Nguyễn Văn Lộc và đề cử ông Trần Văn Hương thành lập chính phủ mới vào ngày 25-5-1968. Trong vụ trực thăng Mỹ bắn lầm này, một lần nữa, có khá nhiều người chết hay bị thương thuộc lực lượng cảnh sát, tức là tay chân của Tướng Loan. Ngoài ra, ngay sau vụ trực thăng Mỹ bắn lầm này, ông bổ nhiệm liên tiếp người của ông vào 2 chức vụ quan trọng sau đây: 1) Ngày 4-6-1968, Thiếu Tướng Nguyễn Văn Minh, nguyên Tư Lệnh Sư Ðoàn 21 Bộ Binh, được bổ nhiệm vào chức vụ Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Ðô thay cho Ðại Tá Nguyễn Văn Giám; và 2) Ngày 7-6-1968, Ðại Tá Ðỗ Kiến Nhiểu được bổ nhiệm Ðô Trưởng thay cho Ðại Tá Văn Văn Của, và Ðại Tá Trần Văn Hai được cử thay Tướng Loan trong chức vụ Tổng Giám Ðốc Cảnh Sát Quốc Gia. Hai tháng sau, ngày 5-8-1968, Trung Tướng Ðỗ Cao Trí được cử thay Trung Tướng Lê Nguyên Khanh làm Tư Lệnh Quân Ðoàn III.

    - Tại sao người của Ṓng Kỳ có mặt tại Trường Phước Ðức vào ngày hôm đó ?
    Trong số các sĩ quan cao cấp của VNCH chết và bị thương trong vụ trực thăng Mỹ bắn lầm này, ngoài Ðại Tá Giám, Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Ðô, và Trung Tá Phước, Liên Ðoàn Trưởng Liên Ðoàn 5 BÐQ, sự hiện diện của các vị sĩ quan còn lại tại bộ chỉ huy của cuộc hành quân này của BÐQ thật rất khó giải thích. Phần lớn các vị này đều thuộc ngành Cảnh Sát và hoàn toàn không có vai trò gì hết trong cuộc hành quân này, vậy họ đến đây để làm gì? Chắc chắn đây không phải là một buổi họp mặt bạn bè để vui chơi, ăn nhậu với nhau vì đây là một địa điểm đang có giao tranh ác liệt giữa các tiểu đoàn của Liên Ðoàn 5 BÐQ với các lực lượng đang cố thủ của VC. Nhưng đây cũng dứt khoát không thể là một cuộc gặp gỡ nhau tình cờ, mà nhất định phải do có hẹn với nhau trước. Vậy ai là người đã đứng ra tổ chức cuộc hẹn này, và hẹn gặp nhau có mục đích gì?
    Chúng ta hãy nghe lời kể lại của một sĩ quan BÐQ, cựu Thiếu Tá Hà Kỳ Danh, Trưởng Ban 3 (hành quân) của Liên Ðoàn 5 BÐQ, có mặt tại Trường Phước Ðức hôm đó và may mắn sống sót. Lời tường thuật của Thiếu Tá Danh được ghi lại trong một cuộc phỏng vấn dành cho Tập San BÐQ như sau:
    “Nhưng có điều nầy tôi nghĩ cũng nên nói cho các anh nghe, khi BCH/HQ/LĐ5 vừa đến trường Phước Đức thì có một phái đoàn ký giả và phóng viên chiến trường quốc tế đủ mọi thứ Anh, Mỹ, Pháp v.v.. kéo đến. Có lẽ họ biết BCH/LĐ5 đến trường Phước Đức vì Tr/tá Phước gọi về BKTĐ xin pháo binh bắn vào Soái kình Lâm nhưng vì đã có lệnh từ trước là không dùng phi pháo vì sợ thiệt hại cho dân chúng. Có lẽ đám ký giả này đang ở BTL/BKTĐ nên họ biết và kéo đến đây lấy tin, họ nói chuyện với Tr/Tá Phước một lúc rồi kéo nhau đi. Khi đám ký giả đi rồi thì các ông Lê ngọc Trụ Trưởng ty Cảnh Sát quận 5 đến và sau đó là Th/Tá Phó quốc Chụ giám đốc thương cảng Sài Gòn, Đại tá Phấn, ông Luận thuộc Tổng nha cảnh Sát và Nha cảnh Sát Đô Thành, Th/tá Xinh CSQG, Th/tá Nguyễn bảo Thùy Phân Khu Đô Thành, Th/tá Tô, Biệt đội trưởng CSDC và có cả Đại tá Văn văn Của Đô trưởng Sài Gòn. Sau đó tôi được biết Đại tá Giám, Tư lệnh BKTĐ sẽ đến BCH/LĐ5 để thị sát tình hình và cho chỉ thị. Khi Đại tá Giám đến thì tất cả các vị nói trên đều có đủ mặt.”
    Qua lời kể bên trên của Thiếu Tá Danh, chúng ta được biết hai chi tiết quan trọng sau đây:
    • Các vị sĩ quan bị thương vong trong vụ này rõ ràng là có hẹn nhau từ trước, rõ nhất là trường hợp của Ðại Tá Giám, Tư Lệnh BKTÐ, vì ngay từ lúc ông chưa đến thì Thiếu Tá Danh đã biết là ông sẽ đến; nhưng ai nói cho ông Danh biết thì ông Danh không có nói ra.
    • Trước khi các vị sĩ quan này đến hiện trường thì có một phái đoàn ký giả và phóng viên chiến trường quốc tế đến rồi sau đó bỏ đi trước khi các vị sĩ quan này đến. Tại sao họ bỏ đi ? Chắc chắn là do yêu cầu của Trung Tá Phước. Tại sao Trung Tá Phước yêu cầu họ rời đi? Có thể vì Trung Tá Phước không muốn cho họ gặp các vị sĩ quan đó chăng ?
    Trong lời tường thuật của Thiếu Tá Danh trong cuộc phỏng vấn nói trên còn có thêm một số chi tiết khá đặc biệt, rất đáng quan tâm về Ðại Tá Nguyễn Văn Giám, Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Ðô như sau:
    • “…Sau khi Đại tá Giám đến nơi và biết rõ tình hình thì đích thân ông gọi máy lên QĐIII xin cho gunship yểm trợ .”
    • “…sau khi chuẩn bị xong xuôi hết rồi thì cũng là lúc đại tá Giám nói với tôi: ” Anh Danh à, anh vẽ cho tôi cái sơ đồ khu vực hành quân của các anh lên bản đồ của tôi để tôi đem về theo dõi.” Tôi đang ngồi tại hành lang trường học cùng các ông ấy, khi nghe vậy, tôi đứng lên và cầm bản đồ của ông bước vào trong để vẽ thì cũng là lúc gunship chuẩn bị bắn. Trong lúc tôi đang lui cui vẽ khoảng 2 phút sau thì đại tá Giám bước vào đến bên cạnh tôi và hỏi: ”Anh Danh vẽ xong chưa, đưa cho tôi để tôi còn về BTL/BKTĐ.” Tôi trả lời: ” Khoan chút đã đại tá, để vẽ thêm mấy chi tiết nữa và ghi chú đàng hoàng rồi đại tá hãy lấy.” Bỗng nhiên ngay lúc đó nghe một tiếng nổ rầm thật lớn và tiếp theo là tiếng súng đại liên.”
    • “…Ngoài ra tôi cũng còn nhớ là lúc tôi chạy ra khỏi phòng thì đại tá Giám cũng đã vọt ra trước và lên xe chạy về BKTĐ rồi.”
    Như vậy, Ðại Tá Giám chính là người đã gọi về Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn III để xin trực thăng đến oanh kích yểm trợ. Ông đã rời bậc thềm Trường Phước Ðức và vào bên phòng trong để xem Thiếu Tá Danh vẽ bản đồ nên không bị thương vong. Và một điều bất ngờ, tương đối kỳ lạ và khó giải thích là ngay sau đó ông vội vàng lên xe bỏ chạy về BKTÐ ngay, bỏ mặc các chiến hữu của ông đang bị thương vong tại hiện trường. Có lẽ vì thế về sau đã có những dư luận nghi ngờ không tốt dành cho ông.
    Nguyên nhân của tin đồn về “ông Thiệu thanh toán phe ông Kỳ,” như trên đã nói, là do sự kiện các sĩ quan bị thương vong này đều là người của ông Kỳ. Từ đó có thêm nhiều chuyện thêu dệt để tăng thêm sự khả tín của tin đồn: nào là Ðại Tá Trần Văn Hai, lúc đó là Tư Lệnh BÐQ và sau đó được cử làm Tổng Giám Ðốc Cảnh Sát Quốc Gia thay cho Tướng Loan, có mặt trên chiếc trực thăng đã bắn lầm đó; nào là Tướng Khang, Tướng Viên, và cả Tướng Kỳ củng đang trên đường đến Trường Phước Ðức khi biến cố xảy ra".{a}
    - Thông cáo của phái bộ Hoa Kỳ tại Sài Gòn.
    Theo báo Chính Luận xuất bản ngày 5.6.1978 - " Hôm nay mồng 4 tháng 6, phái bộ HK lại Saigon thông cáo rằng: Sau khi điều tra thêm về tai nạn xảy ra hôm Chủ Nhật 2-6 tại Chợ Lớn làm cho một số sĩ quan cảnh và quản lực Việt Nam Cộng Hòa bị tử thương và bị thương, giới quân sự HK xác nhận lời tuyên bố về tai nạn này của phái bộ HK hôm thứ Hai 3-6 vừa qua nói rằng hỏa tiễn bị trục trặc máy móc do 1 trực thăng của HK bắn đi rơi nhầm vào chỗ sĩ quan cảnh sát và quân lự VNCH nói trên. Cuộc điều tra nói trên căn cứ vào lời khai của phi hành đoàn và những nhân viên ở dưới đất, cùng việc giảo nghiệm những mảnh đạn thu lượm được nơi xảy ra tai nạn .
    " Nhân danh đại sứ HK E. Bunker và Thống Tướng Westmoreland đương bận công vụ vắng mặt, và nhân danh toàn thể phái đoàn HK tại VN, Đại sứ Samuel Burger và Đại Tướng Abrams trân trọng tỏ bày sự hối tiếc của chính Phủ HK với TT VNCH Nguyễn Văn Thiệu và PTT Nguyễn Cao Kỳ về tai nạn đã xảy làm cho VNCH phải mất một số sĩ quan và viên chức cao cấp ưu tú." {b} -{a,b}[1]

    (kèm bản chụp
    Thông cáo trên báo Chính Luận)





    Sau đây là diễn tiến vụ 'bắn lầm' theo lời kể của cựu Đô Trưởng Sài Gòn Văn Văn Của (1968) và của Cựu PTT Nguyễn Cao Kỳ được phổ biến trên trang mạng của Hội Quán Phi Dũng.

    * Tường thuật của Đại Tá bác sĩ Văn Văn Của, Đô trưởng Sài Gòn (1968) - " Trích từ tập sách Mộng không thành của BS Văn văn Của - lúc đó, là Đô Trưởng Sài Gòn và là một nạn nhân' trực tiếp trong vụ bắn lầm..." - ". Cuộc họp diễn ra tại tam cấp của trường Phước đức. Ngồi trên bậc cao nhất (và được tường của phòng học trên lầu che một phần cơ thể) là Đại tá Giám và Đại tá Phấn, tham mưu trưởng hành quân của Tổng nha Cảnh Sát và đại diện cho Tướng Loan; 2 vị Đại Tá này chủ toạ buổi họp. Từ bậc dưới kế đó đến bậc thấp nhất chia ra 2 bên là các Trung Tá Đào bá Phước, Lê ngọc Trụ, Phó quốc Chụ và Nguyễn văn Luận, các Thiếu Tá Nguyễn Ngọc Sinh, Nguyễn Bảo Thùy. Tôi (ĐT Của) ngồi ở bậc thấp nhất. Một bản đồ thành phố Sài Gòn được trải ở giữa..
    Buổi họp sắp chấm dứt, các nhiệm vụ chính yếu và nhu cầu cho ngày hôm sau đã được quyết định, chỉ còn phân chia ranh giới khu vực bố trí quân ban đêm là việc giữa BĐQ, CS Đô thành và CS Quận 5, thì hạ sĩ quan truyền tin BĐQ đến đưa máy liên lạc Không quân, nói chuyện với trực thăng đến yểm trợ cho Tr Tá Phước. Thì ra trực thăng Mỹ ở Tân Sơn Nhất đến giúp...
    Tôi nghe rõ ràng Tr/Tá Phước cho tọa độ khu Ngọc Lan Đình, nói rõ cao ốc hình hộp 4 tầng duy nhất trong khu, trục bắn từ Đông sang Tây theo đại lộ Đồng Khánh..
    Cũng trong lúc ấy có tiếng trực thăng đến gần, tôi nhìn lên thấy một trực thăng từ hướng Đông bay đến, đúng theo trục Đồng Khánh, lúc ấy cách chỗ họp còn chứng 30 giây bay, nghĩa là sắp đến lúc bắn yểm trợ..
    .. Lúc bấy giờ, nhiệm vụ của cấp Đại Tá coi như đã xong. Trên bực cao nhất, ĐT Giám đứng lên bước vào sâu trong hàng hiên nơi đặt máy truyền tin liên lạc riêng của hệ thống BKTĐ. ĐT Phấn, lúc trước chồm người vào chỗ bản đồ, bây giờ ngồi thẳng người lên, thân mình được che khuất bởi tấm vách của phòng học, chỉ còn chân thò ra ngoài. Phần tôi, thấy cần phải đi ra
    ngoài kiểm soát lại đám cháy ban trưa..
    Sau khi ra lệnh cho sĩ quan cứu hỏa ở chỗ xe jeep đỏ chỉ huy đậu sát lề đường ngay trước cổng trường, tôi quay trở vào chỗ họp. Vụa qua khỏi cổng còn bốn, năm bước nữa mới đến tam cấp tôi bỗng cảm thấy một sức ép không khí nặng nề đè lên người xô tôi ngã ngửa..
    ĐT Của viết tiếp về vụ 'điều tra' tai nạn như sau :
    Chiếc trực thăng Mỹ thay vì bắn vào mục tiêu theo trục Đồng Khánh (từ Đông sang Tây) thì đổi hướng Bắc-Nam qua đầu chỗ đang họp tham mưu mà không thông báo cho dưới đất biết, vì thế bắn 2 quả roc kết thì quả đầu vào Ngọc lan đình, quả sau vào tường phòng họp bên trên tam cấp nổ chụp lên đầu nhóm đang họp. Tất cả sĩ quan tham dự buổi họp đều tử nạn chỉ trừ ĐT Giám lúc ấy đang đứng khuất trong hiên, ĐT Phấn nhờ ngồi thẳng người lên nên chỉ nát 1 gối phải cưa chân, và tôi bị thương ở đầu, mặt, ngực toàn phần mềm không trúng tạng phủ và nặng nhất là gãy khuỷu trái. Trung sĩ y tá Trần trúc Trâm đi hộ vệ Đô trưởng cũng bị một mảnh
    đạn vào tim.
    Sáng ngày 3/6 tôi được ĐT Hoành trưởng đoàn thanh tra của Bộ TTM QLVNCH đến Bệnh viện Grall điều tra về tai nạn bắn lầm. Tôi kể lại sự việc từ lúc Trung tá Đào bá Phước điện đàm với trực thăng đến lúc tôi bị thương và yêu cầu làm sáng tỏ các vấn đề sau đây:
    Là một trực thăng của Quân đội Mỹ và phi công là người Mỹ, gây tử thương cho một số sĩ quan VN mà phái đoàn chỉ có Việt Nam ?
    Tại sao không bắn theo hướng và trục yêu cầu ?
    Tại sao đổi hướng bắn mà không thông báo cho dưới đất biết để lấy những biện pháp an toàn cần thiết ?
    Dưới đất đã ấn định rõ mục tiêu duy nhất, trường Phước Đức không có trong mục tiêu yêu cầu, mà nơi đó lại dễ nhận định là bạn vì có nhiều xe jeep (hơn chục chiếc) : đủ mầu, mầu quân đội
    . mầu trắng và xanh của cảnh sát, mầu đỏ của Cứu hỏa, trên không có thể thấy rõ, không thể lầm lẫn với mục tiêu yêu cầu, mà tại sao lại quyết định bắn qua đầu? Không có một góc độ nào khác để bắn vào mục tiêu mà không qua đầu trường Phước Đức?
    Có một yêu cầu nào khác từ dưới đất thêm trường Phước Đức là mục tiêu thứ 2?
    Tôi yêu cầu nhất định được giáp mặt với các phi công của trực thăng để đối chất trước sự hiện diện của một Ban điều tra hỗn hợp Việt-Mỹ.
    Sáng hôm sau, Đ/tá Hoành trở lại gặp tôi, đưa cho xem bản phúc trình của phi công nói vắn tắt rằng sở dĩ có tai nạn là vì trục trặc kỹ thuật: quả đạn rocket thứ hai phát hỏa chậm. Chấm hết. Còn tất cả các câu hỏi khác đều không được trả lời.
    Tôi xin được giáp mặt phi công thì Đ/tá nói rằng phi vụ đó chỉ có một phi công và người đó đã về Mỹ ngay tối ngày 2/6 (sao về gấp thế ? nếu chỉ là lỗi kỹ thuật ?) Tôi nhấn mạnh tại sao đổi hướng bắn mà không cho dưới đất biết thì Đ/tá VN trả lời thay cho Mỹ rằng.. thủ tục đó..không có trong Quân đội Mỹ !.."
    {a}


    * Cựu PTT Nguyễn Cao Kỳ kể lại nội vụ ...

    " Tướng Nguyễn Cao Kỳ (Trong thời gian xẩy ra vụ bắn lầm, giữ nhiệm vụ Phó Tổng Thống) ghi lại sự kiện này trong tập sách Buddha's Child, trang 269-270. Câu chuyện của Ông Kỳ có nhiều điều huyền bí và Ông quy trách nhiệm về vụ này cho ĐT Trần văn Hai (?) :
    ' .. Khoảng 3 tháng sau cuộc tấn công của địch quân, một sỉ quan trong Bộ Chỉ Huy của Biệt Khu Thủ Đô mời tôi và một số sĩ quan trung cấp đến thăm một trường học của người Hoa tại Chợ lớn để xem một cuộc triển lãm các vũ khí và đạn dược tịch thu được. Tôi cho Ông ta biết là đến đón chúng tôi tại Dinh vào sáng hôm sau, khoảng 8 giờ sáng. Đến dự các buổi lễ này là để chứng tỏ tinh thần huynh đệ chi binh và cổ vỏ cho tinh thần binh sĩ..
    Đêm hôm đó, tôi mơ thấy một giấc mơ kỳ lạ. Tôi đang bay và máy bay của tôi bất ngờ nhào xuống bị hút vào một giếng lớn. Tôi cảm thấy không chống lại được, không thể thoát được khỏi giếng sâu, mày bay sẽ bị rơi và tôi sẽ chết. Vào đúng lúc đó, Đại tá Cương, Chỉ huy trưởng Căn cứ Tân Sơn Nhất, đã nói với tôi, từ ghế sau của chiếc máy bay mà tôi đang bay.
    Ngay trong giấc mơ, Tôi đã rất ngạc nhiên, vì cách đó vài tháng, có lẽ ngay trong tuần đầu của cuộc Tấn công Tết, Cương đã chết vì trúng một quả đạn B40 của VC.
    Vào lúc đang trong giấc mơ, khi tôi tự nói với tôi là tôi sắp chết, Cương nói ''Không sao, Thiếu tướng, tôi sẽ đưa Ông lên' và sau đó phi cơ của tôi bay lên được khỏi cái giếng. Và khi chúng tôi đang bay trên không, Cương chỉ tay về một nơi ở dưới đất đang có giao tranh. Anh ta nói :'Ông nhìn đi, ông có thấy nơi có đám khói vàng kia không ? Hãy cẩn thận, đó là nơi mà họ sẽ oanh kích.'
    ' Khói vàng là đánh dấu quân bạn mà', tôi đáp 'tại sao lại oanh kích quân bạn ?'
    ' Ông nói đúng,' Anh trả lời. 'Nhưng nhớ kỹ lời tôi.'
    Và sau đó Anh cho tôi xem một bức hình có 7 người gục chết trên mặt đất.
    Tôi thức giấc trước khi trời sáng, người toát mồ hôi và mệt nhoài, tôi có cảm giác là đang có một vấn đề khó hiểu, một cảnh tượng..bị cấm hay tôi đã quên một việc tối quan trọng.
    Khoảng 7 giờ 30 sáng, một sĩ quan đến để đưa tôi đi Chợ Lớn với cùng nhóm. Tôi nói :' Hôm nay Tôi bị đau, cứ đi tôi không đến được', và trở về giường, ngủ tiếp thêm vài tiếng. Đến 10 giờ sáng, tin từ Chợ lớn báo về: Những người thân cận ủng hộ tôi, đến trường học của người Hoa đã bị trúng đạn rocket phóng đi từ một trực thăng Mỹ. 6 người chết và 2 bị thương nặng. Khi tôi xem một bức hình báo chí chụp cảnh sân trường, vài phút sau sự việc, thì đó chính là bức hình tôi đã thấy trong giấc mơ- chỉ khác là trong giấc mơ có 7 xác người tử nạn, và nơi sân trường chỉ có 6. Tôi không hiểu thế nào hay tại sao, nhưng tôi chắc chắn là Cương đã cứu mạng tôi.
    Tôi không bao giờ biết được là ai đã điều hành chiếc trực thăng võ trang Mỹ buổi sáng hôm đó hay tại sao trực thăng Mỹ lại tấn công quân bạn tại sân trường giữa một thành phố đã bình định. Tôi cũng nghe những tin đồn cho rằng Thiệu là người chủ mưu, Ông ta mưu toan kết hợp với người Mỹ hy vọng giết được tôi. Vài năm sau, tôi nghe nói, một Đại tá Trần văn Hai nào đó đã có mặt trên chiếc trực thăng. Tôi chỉ biết sơ về Ông này. Thiệu sau đó cho Ông ta làm Tư lệnh Cảnh Sát quốc Gia, thay cho Tướng Loan, cần nhiều tháng mới lành được thương tích..."
    {b} - {a,b} [2]


    Như đã viết, để rộng đường dư luận trước khi bàn về các báo cáo và phúc trình từ phía Mỹ liên quan đến tình hình chính trị thuộc cấp cao nhất của VNCH (trong năm 1968), người viết sẽ tóm lược trích đoạn về việc Mỹ chuẩn bị đối phó trước tin tức tình báo của Mỹ ghi nhận về việc VC sẽ tổng tấn công Tết Mậu Thân (đợt 1); Dựa vào tài liệu do cơ quan CIA giải mật công bố 2016 và 2019 để bạn đọc tiện bề so sánh với tuyên bố của Tướng Westmoreland trên Little Sài Gòn Radio tháng 9.1965 rằng:" Chúng tôi đã biết trước cuộc tổng công kích sẽ xảy ra. Và tôi sẽ thú tội với mọi người khi nghĩ lại, là tôi đáng lý ra đã phải loan báo những tin tức này đến mọi người. Và tôi biết rất rõ ràng những chi tiết. Tôi biết biết rõ ràng khi nào họ sẽ tấn công, và tôi cũng có đầy đủ những chi tiết để tiên đoán hậu quả của cuộc tấn công này." <Việt Báo ngày 03.9.2021>

    Ghi chú: Các tuyên bố của Tổng thống Johnson, General Wheeler, Bộ trưởng Clifford phần tiểu mục trên trích từ bản văn cuộc họp vào ngày 04.6.1968 gồm có sự hiện diện của: The President, Secretary Rusk, Secretary Clifford, General Wheeler,CIA Director Helms, Walt Rostow, Justice Fortas, General Taylor, George Christian, Tom Johnson. Nội dung bản văn sẽ trình bày tại bài viết sau cùng với báo cáo của CIA về việc phía Mỹ chuẩn bị đối phó về việc VC mở cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân (đợt 1):" ... ALL Seventh Air Force bases were put on a maximum state of alert, and the 7th AF Director of Intelligence testifies that this step “ saved Tan Son Nhat”. (Ngày 1 Tết Mậu Thân là ngày 30.1.1968).


    Còn tiếp
    Đào Văn


    NGUỒN:
    [1]- Hội A.H. Petrus Ký Australia: Vụ Trực Thăng Mỹ Bắn Lầm Tại Trường Phước Ðức, Chợ Lớn Chiều Ngày 2-6-1968
    [2]- Hội Quán Phi Dũng: Vụ 'bắn lầm' trong Trận Mậu thân (đợt 2)


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X