Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tqlc & những ngày cuối tháng 4/72 ở quảng trị

Collapse
X

Tqlc & những ngày cuối tháng 4/72 ở quảng trị

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tqlc & những ngày cuối tháng 4/72 ở quảng trị

    TQLC & NHỮNG NGÀY CUỐI THÁNG 4/72 Ở QUẢNG TRỊ
    Kiều Công Cự

    ( Lời nói đầu : Liên tiếp trong 3 Tập san BĐQ 43,44,45 và còn tiếp , tôi rất thích thú đọc bài “ BĐQ trên chiến trường Quảng Trị 1972” của BĐQ Đỗ Như Quyên . Bài viết khá công phu và có nhiều SQ/BĐQ có tham chiến trực tiếp đã cung cấp nhiều tài liệu khá chi tiết và đáng tin cậy. Về phần mình, bài viết cũng giúp cho tôi điều chỉnh lại những sai sót khi viết lại tập sách : “ Trận chiến năm 1972 tại Quảng Trị”. Tiện đây , tôi cũng xin đóng góp phần nào công sức của mình vào một cuộc chiến đầy hào hùng và cũng nhiều bi thãm của những người lính thuộc QL/VNCH ).

    LỮ ĐOÀN 369TQLC TRONG VÙNG TRÁCH NHIỆM :

    Ngày 3/4 khi vừa đặt chân xuống phi trường Phú Bài, Đ/tá Phạm Văn Chung (LĐT/LĐ369) được một sĩ quan thuộc Phòng 3 SĐ/TQLC hướng dẫn vào thành nội Huế nơi đặt BTL/SĐ để được nghe tường trình về tình hình ta và địch và nhận lãnh vùng trách nhiệm. Khu vực hành quân của Lữ Đoàn rộng khoảng 200 cây số vuông, giới hạn phía bắc là bờ nam của sông Nhung và giới hạn phía nam là bờ bắc của sông Thác Ma ( người dân ở đây gọi là sông Mỹ Chánh ). Đây là con sông ranh giới giữa hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên. Kể từ Quốc lộ I về phía tây là vùng đồi trọc, cây thấp nhưng càng đi sâu vào thì rừng rậm núi cao và địa thế hiểm trở. Chỉ còn lại 5 căn cứ như tấm khiên trấn giữ phía tây do các Tiểu đoàn/TQLC đảm nhận là căn cứ Anne, Barbara, Jane và Nancy ở phía nam và căn cứ Phượng hoàng ( Pedro) ở phía bắc do TĐ1/TQLC giữ.

    Lữ đoàn 369 TQLC đang nghỉ dưỡng quân tại Hậu cứ ( Căn cứ Sóng Thần thuộc quận Dĩ An, Biên Hòa ). Khi cuộc chiến Mùa hè nổ ra ( 30/3/1972 ), LĐ được lịnh cấp tốc không vận ra vùng địa đầu giới tuyến. TĐ2 là đơn vị được không vận đầu tiên ra phi trường Phú Bài. Sau một đêm tạm đóng quân trong thôn Phước An, thuộc quận Hương Thủy, chuyên nghề chằm nón lá bài thơ, cách phi trường khoảng 3 Km về phía tây bắc. Sáng hôm sau được Quân vận chuyển về Huế, qua cầu Mỹ Chánh , nhận lịnh của LĐ369 ở Nancy rồi tiếp tục lộ trình đi về hướng tây đến thay thế cho TĐ6 ở căn cứ Barbara. Thành phần chỉ huy của TĐ2 gồm có Tr/tá Nguyễn Xuân Phúc ( TĐT), Th/tá Trần Văn Hợp ( TĐP), Đ/U Phạm Văn Tiền ( TB3), các Đại đội trưởng là Tr/U Trần Văn Loan (ĐĐCH), Đ/U Lâm Tài Thạnh (ĐĐ1), Đ/U Từ Đức Thọ (ĐĐ2), Tr/U Huỳnh Văn Trọn (ĐĐ5) và Đ/U Lê Quang Liễn (ĐĐ4).

    TĐ9 cũng được không vận tiếp theo đó và tiếp tục lộ trình ngay buổi chiều đó về Huế, qua căn cứ Nancy nhận lịnh trấn giữ căn cứ Jane và cánh B giữ căn cứ Anne. Căn cứ Anne là căn cứ xa nhất về phía tây. Thành phần chỉ huy gồm có : Th/tá Nguyễn Kim Đễ ( TĐT), Đ/U Lê Thắng ( XLTV/TĐP), Đ/U Kiều Công Cự ( TB3), các Đại đội trưởng : Đ/U Trần Hồng Quang (ĐĐCH), Tr/U Trương Công Giáo (ĐĐ1), Tr/U Lưu Văn Phán ( XL/ ĐĐ2), Đ/U Đoàn Văn Tịnh (ĐĐ3) và Đ/U Nguyễn Minh Trí (ĐĐ4). Cố vấn là Th/tá James Beans và Đ/U Bill Norton.

    TĐ5 đổ quân ở cầu Bến Đá, trên sông Ô Khê, tiến thẳng về hướng tây bắc, mục tiêu là bảo vệ sườn phía tây Quốc lộ I, con đường chuyển vận huyết mạch và sẵn sàng bắt tay với LĐ4/BĐQ ở phía bắc sông Nhung . Thành phần chỉ huy gồm có : Th/tá Hồ Quang Lịch ( TĐT), Th/tá Trần Ba ( TĐP), Đ/U Hồ Ngọc Hoàng ( TB3), các Đại đội trưởng : Đ/U Ngô Thành Hữu (ĐĐ1), Đ/U Dương Công Phó (ĐĐ2), Tr/U Nguyễn Thanh Tùng (ĐĐ3) và Tr/U Trần Văn Ngọc (ĐĐ4).

    TĐ1/Pháo Binh đóng chung với LĐ ở căn cứ Nancy nhưng lần này thì phải di động liên tục để tránh pháo địch. Thành phần chỉ huy gồm có : Tr/tá Đoàn Trọng Cảo ( TĐT), Đ/U Nguyễn Hữu Lạc ( TĐP), Tr/U Lưu Văn Phúc ( TB3), các Pháo đội trưởng : Đ/U Hoàng Văn Vân ( PĐA), Đ/U Đoàn Văn Khởi ( PĐB), Tr/U Lê Tự Hào ( PĐC). Đại đội A Viễn Thám ( Đ/U Phan Văn Thân ) bảo vệ BCH/LĐ và TĐ1/PB.
    Thành phần chỉ huy của LĐ369 gồm có : Đ/tá Phạm Văn Chung ( LĐT), Tr/tá Đoàn Thức ( TMT), Th/tá Đoàn Trung Ương ( TB3), Đ/U Bùi Văn Học ( TB2), Đ/U Nguyễn Quang Đan ( TB4), đặc biệt có Th/tá Huỳnh Văn Phú ( Trưởng phòng CTCT/SĐ) đi theo để viết tin tức và phóng sự.

    Nhiệm vụ của các Tiểu đoàn được giao không phải dễ dàng gì. Nhất là TĐ5 của Th/tá Hồ Quang Lịch ( Quang Dũng), ông vừa bảo vệ Quốc lộ I vừa đưa các Đại đội tiến sâu về hướng tây, ngăn chận không cho địch đặt những loại súng cối và những loại cộng đồng bắn ra Quốc lộ I. TĐ chia làm hai cánh quân tiến nhanh qua những vùng đồi trọc và cây thấp . Ngày đầu tiên không có chạm địch nhưng những ngày sau đó, những trận đánh bắt đầu xảy ra, cường độ ngày một tăng. Súng cối địch bắt đầu gỏ nhịp trên đường tiến quân của ta nhưng những khẩu pháo của TĐ1/PB phản pháo rất có hiệu quả và chính xác làm nhiều lần câm họng súng cối địch. Ngày 7/4 TĐ dừng lại để các Đại đội cho người lui lại phía sau để nhận tiếp tế. Ngày hôm sau tiếp tục. TĐ chia làm hai cánh : cánh A với ĐĐ1 và ĐĐ3, còn cánh B với ĐĐ2 (Đ/U Phó ) và ĐĐ4 ( Tr/U Ngọc) tấn công vào những vị trí súng cối của địch đặt sau một ngọn đồi. Bỗng dưng địch phản ứng một cách dữ dội, chúng mở nhiều đợt tấn công biển người vào sâu trong các vị trí của ta. Th/tá Trần Ba bị tử thương vì đạn pháo kích, ĐĐ2 bị tràn ngập và Đ/U Phó bị địch bắt sống. Cả TĐ bị đẩy dạt về phía sau. Đ/U Ngô Thành Hữu được lịnh tấn công lên nhiều lần để đem xác Th/tá Ba về phía sau nhưng áp lực của địch quá nặng. Theo lời Tr/tá Hồ Quang Lịch kể lại thì sau ngày ngưng bắn 27/1/73, TĐ đã cho Thượng sĩ Thường vụ Nguyễn Văn Đông đem toán Biệt kích trở về chỗ cũ và tìm thấy xác của Th/tá Trần Ba, vẫn còn mặc bộ đồ sóng biển có bảng tên màu đen chữ vàng thêu chữ “ Bao Vinh”. Sau đó xác anh được đưa về Sài Gòn và được Đ/tá Lê Đình Quế, TMT Hậu cứ, đến gắn lon Trung tá và ân thưởng Đệ tứ đẳng Bảo quốc huân chương. Nhưng thảm cảnh gia đình đã xảy ra theo lời kể lại của Th/tá Trần Thị Huy Lễ , cựu Trưởng phòng Xã hội SĐ/TQLC thì :

    “ Trong khi xác Th/tá Trần Ba được quàng tại căn nhà ở Lăng Cha Cả thì Bà Ba lên nghĩa trang Hạnh Thông Tây để lo việc xây kim tỉnh thì chẳng may tai nạn giao thông xảy ra ngay trên xa lộ Biên Hòa cho chiếc xe jeep của hậu cứ TĐ5/TQLC và bà Ba bị tử nạn. Tất cả nhân viên phòng Xã Hội SĐ/TQLC không ngăn được dòng lệ tuôn tràn. Ông bà Trần Ba được vinh dự chôn cất tại nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi tại trung tâm của Thủ đô Sài Gòn”

    ( Trích từ Tuyển tập 1/TQLC )

    Còn Đ/U Phó nhờ những đợt pháo binh của TĐ1/PB tác xạ vào ngay vị trí của địch khiến chúng phải bỏ chạy tán loạn chung quanh và Đ/U Phó nhân lúc đó đã nhảy xuống một con suối cạn , lẩn trốn và tìm đường về lại đơn vị. Th/tá Trần Vệ về làm TĐ phó cho Quang Dũng đã trở lại vùng phía tây quyết ngăn chận bước tiến quân của SĐ 304 CSBV. Những đụng độ của TĐ5/TQLC với SĐ 304 CSBV vẫn tiếp diễn quyết liệt.TĐ2 tại căn cứ Barbara , TĐ9 tại căn cứ Anne hằng ngày nhận được những đợt pháo dữ dằn của Trung đoàn pháo 68 từ mật khu Ba Lòng và những đợt tấn công của các trung đoàn 9 và 24. Nhưng lần này cả hai TĐ không dại gì đưa lưng ra lãnh pháo. Cả hai vị Tiểu đoàn trưởng cùng xuất thân Khóa 16 Đà lạt, cùng mang dòng máu “ trâu điên” , nghĩa là “vừa húc vừa né” . Tản ra để né pháo kích và gom lại để đánh địch. Đó cũng là quan niệm mới nhất của Lữ đoàn trưởng 369 , Đ/tá Phạm Văn Chung. Ngay cả thành phần nặng nề không cần thiết của LĐ cũng đưa về quận Phong Điền do Tr/tá Đoàn Thức , Tham mưu trưởng LĐ đảm trách. Còn BCH nhẹ LĐ và các pháo đội của TĐ1/PB cũng liên tục lưu động . Các toán Viễn thám được tung ra để lục tìm cho được những toán trinh sát và nhất là những toán tiền sát pháo binh của địch. Vấn đề trấn giữ lấy căn cứ không còn là quan trọng nữa. Chỉ cần để lại một Trung đội hay một Đại đội , còn lại thì ém quân tại những vị trí chung quanh . Kỷ thuật ém quân được áp dụng triệt để và đó là sự sống còn của đơn vị. Tại căn cứ Barbara , Đại đội 4 của Đ/U Lê Quang Liễn được “ hân hạnh” nằm lại. Anh vừa từ TĐ8 đi học khóa Bộ binh cao cấp về nhận sự vụ lịnh trình diện Đại bàng Robert Lửa ngay tại vùng hành quân. Tại đây anh phối hợp với các Trung đội trưởng chọn những căn hầm kiên cố nhất trên đường tiến sát của địch và riêng anh thì nghiên cứu một con đường để khi cần thiết rút ra khỏi căn cứ và dành cho những tràng pháo binh T.O.T đổ ập lên đây. TĐ9 cũng nhận được lịnh rút bỏ căn cứ Anne để về căn cứ Jane vì pháo và áp lực địch. Ở đây BCH/TĐ cũng chỉ sử dụng một Trung đội của ĐĐ4 để giữ căn cứ Jane, còn bao nhiêu thì phân tán mỏng và ém quân. Đại đội 3 nhận nhiệm vụ giữ an ninh cho con đường tiếp tế cho hai TĐ . Đó là Hương lộ 560 mà công binh Mỹ trước đây đã mở rộng thêm. Các Trung đội được rãi quân trên những cao điểm để khống chế con đường . Đó cũng là yếu điểm vì phải lộ diện không tránh được. Đ/U Lê Thắng , Đại đội trưởng ĐĐ2, Xử lý TĐ phó, chỉ huy hai đại đội 1 và 2 trấn giữ ngọn đèo Trường Phước. Cao điểm quan trọng khống chế phía đông và phía tây của con đường . Công binh Mỹ đã phát quang hai bên đường hơn 50 m. Đây là nơi mời gọi những pháo binh tầm xa 130 ly của cộng quân hằng ngày đến viếng. Những trinh sát của các Trung đoàn 24 và 66 của SĐ304 tìm mọi cách để tiến sát . Những trận đánh xảy ra hằng ngày , cường độ chưa cao nhưng đó là những trận thăm dò.

    Mặt trận nơi đây cũng có nhiều hứa hẹn.

    Trở lại mặt trận phía Bắc, sự tham chiến của Thiết đoàn 20 Chiến xa M48 đã làm khí thế tấn công của địch bị khựng lại khi 2 Chi đoàn M48 của Đ/U Đặng Hữu Xứng và Đ/U Đoàn Văn Sanh đã bắn hạ 14 chiếc T54 của Cộng quân ở một tầm xa 2000m mà chúng không ngờ được. Chúng phải tản ra về phía tây nam để tiến sát vào các căn cứ Phượng Hoàng và Ái Tử.

    Ngày 8/4 TĐ3/TQLC được điều động về Ái Tử, giao lại phòng tuyến cho TĐ30/BĐQ thuộc Liên đoàn 5 vừa được không vận từ Sài Gòn ra. LĐ5/BĐQ do Tr/tá Ngô Minh Hồng chỉ huy gồm có TĐ 30 ( Th/tá Võ Mộng Thúy), TĐ 33 ( Th/tá Hà Kỳ Danh ) và TĐ 38 ( Th/tá Vũ Đình Khang). Liên đoàn bố trí 3 TĐ dọc theo phía nam của sông Miếu Giang. Còn LĐ4/BĐQ của Tr/tá Lê Hưng Phê thì rãi quân về hướng tây . Mỗi Liên đoàn đều có một Chi đoàn M48 của Thiết đoàn 20 tăng cường và đặt dưới quyền điều động của Lữ đoàn 1 Kỵ binh.

    TĐ1/TQLC đang hoạt động ở vùng tây bắc Ái Tử, TĐ3 bảo vệ căn cứ Ái Tử và TĐ6 được điều động thay thế cho một TĐ33/BĐQ bảo vệ căn cứ Phượng Hoàng. Ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến, TĐ 6 ít đụng độ nên khả năng tham chiến còn rất mạnh. Hai cố vấn là Th/tá Bill Warren và Đ/U William Wischmeyer đã tham dự hành quân với TĐ từ tháng 6/71.

    Chỉ còn phía tây 3 căn cứ là Phượng Hoàng, Barbara và Jane, trong đó căn cứ Phượng Hoàng nằm trên ngã ba Hương lộ 557. Căn cứ không lớn, nằm trên một vùng gồm những đồi thấp bao quanh, khoảng 7 dặm về phía tây nam của thành phố Quảng Trị, phía bắc sông Thạch Hãn. Trước đây TĐ1/TQLC đã hiện diện một thời gian dài ở đây trong giai đoạn đầu của cuộc chiến. Vào ngày 27/3 một toán tuần tiểu của ĐĐ1 (Đ/U Bùi Bồn) đã phục kích tại một điểm lấy nước và đã bắn chết 5 tên thuộc đội trinh sát VC. Đặc biệt ta lấy được trên mình chúng một tấm bản đồ ghi rõ những con đường mòn, những con suối và hầu hết những vị trí đóng quân của ta trong vùng. Th/tá Tống và Th/tá Robert Cockell rất thích tấm bản đồ này. Ngày hôm sau, Th/tá Đoàn Đức Nghi đã dẫn hai Đại đội mở cuộc hành quân lục soát xa về hướng tây đã chạm địch. Điều này chứng tỏ địch đang có mặt trong vùng. Ngày 30/3 thì yên tĩnh. Đến ngày hôm sau địch pháo dữ dội vào căn cứ. Th/tá Tống đã có một cái nhìn rất chiến thuật khi ông cho rằng đơn vị muốn sống còn thì phải bung ra bố trí mõng tại các ngọn đồi chung quanh và ém quân kỹ để tránh pháo và áp dụng phòng thủ lưu động và tập trung khi tấn công.

    Buổi sáng ngày 6/4, TĐ1 được Tiểu đoàn 44 ( Th/tá Vũ Văn Thi ) thuộc Liên đoàn 4/BĐQ đến thay thế, Tiểu đoàn di chuyển bộ về phòng thủ phía tây nam căn cứ Ái Tử.

    Căn cứ Phượng Hoàng ( Pedro ) là một vị trí ở phía bắc sông Thạch Hãn và phía tây của Quốc lộ I. Địch không dấu ý định cắt đứt QLI ra làm nhiều mảnh và ngăn chặn không cho đoàn quân di tản về phía nam. Căn cứ bây giờ trở nên một vị trí quan trọng và chắc chắn địch sẽ tìm mọi cách để nhổ bật vị trí này. LĐ258 quyết định đưa một TĐ/TQLC đến đây và chấp nhận một trận đánh sống mái. Trong thời gian bối rối của tuần lễ đầu tháng 4, TĐ6 đã bảo vệ LĐ258, bây giờ được TĐ3 từ Đông Hà về thay thế. TĐ được lịnh di chuyển bộ ngay buổi chiều ngày 8/4 vào căn cứ Phượng Hoàng thay thế TĐ44/BĐQ. Th/tá Đổ Hữu Tùng đã phân phối lực lượng như sau:

    BCH/TĐ với 2 Đại đội tác chiến trên một cao điểm cách căn cứ khoảng 2 Km về phía đông bắc.

    _ Cánh B cùng với một ĐĐ tác chiến khác bố trí trên những ngọn đồi chế ngự được Hương lộ 557 và cũng cách căn cứ khoảng 2 Km về hướng đông nam.

    _ Đại đội còn lại phòng thủ tại căn cứ nhưng bung một Trung đội cách xa 600m về hướng tây bắc.

    LĐ 258 cũng chuẩn bị một kế hoạch phản công tỉ mỉ. Tr/tá Định đã lường trước một trận đánh rất quyết liệt sẽ xảy ra ở đây nên ông cho thiết lập ngay một bãi mìn chống chiến xa 500 quả và một lực lượng tăng cường phản công với 2 Đại đội của TĐ1 do Th/tá Đoàn Đức Nghi chỉ huy có tăng cường một Chi đoàn 3/20 M48 do Đ/U Đoàn Chí Sanh chỉ huy. Ông cũng ra lịnh cho TĐ3/PB chuẩn bị những hỏa tập tiên liệu. Tất cả sẵn sàng cho trận chiến xảy ra buổi sáng sớm ngày hôm sau ( 9/4). Cộng quân đã tung ra một lực lượng khá hùng hậu với Trung đoàn tăng hạng nặng 202 với khoảng 30 chiếc T54 và T59 ( T59 là T54 của Nga được Trung cộng biến cải ) cùng Tr/đoàn 66 thuộc SĐ304 tùng thiết. Trận đánh diễn ra suốt ngày với sự tham dự của TĐ6, thành phần tăng viện của TĐ1 và Chi đoàn 3/20 cùng với Pháo binh và Không quân VN. Kết quả như ta đã biết: lực lượng tấn công của địch bị đánh tan, ta phá hủy và bắn cháy 21 xe thiết giáp địch trong đó có 2 chiếc còn nguyên vẹn và 400 xác địch bỏ lại tại trận. Hai ngày sau toán tăng viện của TĐ1 được lịnh trở về Ái Tử. Trên đường về họ đã phát giác một đơn vị địch đang đào hầm hố để thực hiện một phục kích. Nhờ phát hiện trước nên hỏa lực của 8 chiếc M48 và 12 chiếc M113 đã làm cho đơn vị địch gần như tê liệt. Th/tá Nghi đã ra lịnh cho bộ binh tràn lên tiêu diệt, chiến xa đã tràn qua những vị trí hầm hố của bọn chúng .

    Hơn 200 tên địch bị hạ cùng với những vũ khí phòng không, súng cối, cộng đồng và cá nhân bị tịch thu. Chỉ có một điều đáng buồn là Th/tá Đoàn Đức Nghi, người chỉ huy trận đánh, đã nằm xuống vì một viên đạn của đối phương. Đ/U Lawrence Livingstone, cố vấn phó, người luôn luôn đi bên cạnh Anh, đã bùi ngùi xúc động nhưng rất cảm phục lòng can đảm của anh : “ Anh chết như một người lính TQLC anh hùng và anh nằm xuống khi cuộc chiến vẫn còn đang tiếp diễn.” Tổng kết về trận đánh ở căn cứ Phượng Hoàng và trận phục kích trên đường về ta đã phá hủy được 21 chiến xa và gần 700 tên VC bị giết. Số thiệt hại của ta không đáng kể, chỉ có những người lính anh hùng đã ra đi là Th/tá Đoàn Đức Nghi và Đ/U Phi công Trần Thế Vinh thuộc Phi đoàn 518, Không đoàn 23 Chiến thuật, SĐ3 Không quân, con chim Phượng hoàng đã gảy cánh trên đồi Phượng hoàng.

    Ngày hôm sau Đ/U Lê Quí Bình ( Khóa 19 Đà lạt) được điều động sang làm Tiểu đoàn phó TĐ1/TQLC.

    Thật là một chiến thắng làm nức lòng mọi người, nhất là tướng Lãm. Ông vẫn tin tưởng một cách lạc quan rằng với những lực lượng hùng hậu mà ông hiện có, ông có thể mở một cuộc phản công chiếm lại những vùng đất đã mất. Ông đã ra lịnh cho ban tham mưu thiết lập một kế hoạch tung quân vượt qua sông Đông Hà, tiến thẳng ra chiếm lại vùng lãnh thổ ở phía nam vùng phi quân sự. Nhưng còn sườn phía tây sẽ
    như thế nào ? Trong khi đó thế lực của địch ở đây rất mạnh và địch đang dự trù mở những đợt tấn công quyết liệt để chiếm lấy thị trấn Đông Hà, căn cứ Ái Tử và cắt đứt Quốc lộ I.

    Rốt cuộc kế hoạch hành quân phải chuyển về hướng tây với hai mục tiêu chính là căn cứ Tân Lâm ( camp Carroll ) và căn cứ Mai Lộc và chia ra làm nhiều giai đoạn tấn công; ở mỗi giai đoạn các đơn vị phải quét sạch địch trong vùng trách nhiệm của mình trước khi chuyển qua giai đoạn kế tiếp.

    Cuộc phản công mang tên hành quân Quang Trung 729 và bắt đầu vào ngày 14/4. Trong khi đó địch mở ra 3 cuộc tấn công uy hiếp Liên đoàn 5/BĐQ và Thiết đoàn 20 ở phía đông Cam Lộ, ở phía tây thì tấn công vào các TĐ3, 6, 8/TQLC; ở phía đông và đông bắc Mặt trận B5 mở những đợt tấn công vào Tr/đoàn 57 và các Tiểu đoàn ĐPQ của tỉnh Quảng Trị. Chúng sử dụng xe tăng lội nước PT76 để vượt qua vùng đầm lầy chiếm những vùng dân cư phía đông. Như vậy Quảng Trị đã bị áp lực từ 3 phía và cuộc tấn công của ta trở thành một cuộc phòng thủ.

    Ngày 11/4, tướng Creighton Abrams, tư lịnh cơ quan MACV, đã bay ra Đà Nẵng để họp với các Cố vấn Mỹ tại Vùng I và sau đó tham dự một cuộc họp khác với các sĩ quan tham mưu của Quân đoàn I. Tướng Lãm đã xác nhận là quân CSBV đã bị đánh bại và quân ta sắp mở một cuộc tấn công chiếm lại những vùng đất đã mất. Trong ý nghĩ của ông ta mọi việc xảy ra đều đơn giản và đầy tính lạc quan. Sau cuộc hành quân Lam Sơn 719 ở Hạ Lào thế mà ông vẫn còn được yên vị ở cái vị trí cao nhất của Quân đoàn I, kể cũng lạ thật (?).

    Ngày 15/4 Liên đoàn 5/BĐQ chạm địch ở cấp Trung đoàn khi vừa rời khỏi tuyến xuất phát. Các TĐ1, TĐ6/TQLC tấn công địch dọc theo chạm tuyến về hướng tây.

    Ngày 17/4 các đơn vị đều báo cáo chạm địch và bị pháo kích mạnh. Tất cả không thể tiến xa hơn một cây số.

    Ngày 18/4 quân BV đã tập trung lực lượng và tấn công liên tục vào quân miền Nam. Các SĐ 304, 308 và trung đoàn tăng 202 cầm chân mọi cuộc tấn công của ta. Tin tình báo một trung đoàn tăng khác từ bên kia Bến Hải cũng vượt qua cầu Hiền Lương để tăng cường, bổ sung và tham gia vào những trận đánh kế tiếp.

    Ngày 21/4 tướng Lãm nhận được tin tức từ những cung từ của tù binh cho biết SĐ 308 dự trù tấn công thẳng vào Đông Hà và SĐ 304 sẽ triệt hạ căn cứ Ái Tử của TQLC. Nhưng những ý định của chúng đã không thực hiện được . Và tướng Lãm đã ra lịnh cho tướng Giai bước qua giai đoạn 2 của cuộc tấn công.

    Ngày 22/4 Lữ đoàn 258 được LĐ147 sau thời gian bổ sung và trang bị ở Huế vào thay thế. Sau 3 tuần lễ giao tranh quyết liệt với địch, LĐ258/TQLC đã giữ vững được phòng tuyến Đông Hà với TĐ3/TQLC và đã tạo được một chiến thắng lẫy lừng với TĐ1 và TĐ6 tại căn cứ Phượng Hoàng. Riêng TĐ3/TQLC với quân số tham chiến lúc ban đầu là 700 người, số thương vong đã lên tới hơn 200, nhưng tinh thần vẫn vững vàng. TĐ1/TQLC với thực lực còn mạnh nên đã ở lại . LĐ147/TQLC đã phối trí các đơn vị như sau :

    _ TĐ4 trách nhiệm phòng thủ căn cứ Ái Tử.
    _ TĐ8 lập tuyến bảo vệ tây bắc.
    _ TĐ1 phòng thủ phía tây nam.
    _ TĐ2/PB vừa nhận được 18 khẩu Howitzer 105 của SĐ1/TQLC Mỹ từ Okinawa chở qua, sẵn sàng yểm trợ cho các đơn vị bạn.

    Tối ngày 22/4 kho tiếp liệu chính của SĐ3 tại La Vang bị pháo kích và bốc cháy. BCH/LĐ1/BĐQ tại đây cũng bị pháo kích và thiệt hại nặng.

    Ngày 23/4 địch mở cuộc tấn công trên khắp mặt trận, các đơn vị ta vẫn chống đở quyết liệt.
    Ngày 24/4 tướng Giai ra lịnh LĐ147 cho hai Tiểu đoàn 1 và 8 tiến công về phía tây. Địch cũng kháng cự mãnh liệt. Một Chi đội của Chi đoàn 1/20 Chiến xa của Đ/U Đặng Hữu Xứng tăng cường cho TĐ8 đã bắn hạ 2 chiến xa T54 của địch. Địch cũng sử dụng hỏa tiển tầm nhiệt AT3 Sagger để bắn hạ M48 của ta. Các đơn vị đã chiếm được mục tiêu ấn định trong ngày, nhưng trước khi dừng lại đóng quân đêm, địch đã pháo kích ào ạt vào vị trí TĐ1 và Th/tá Nguyễn Đằng Tống đã bị thương ở cổ và ngực và đã được đưa về sau để tản thương. Th/tá Nguyễn Đăng Hòa, Tiểu đoàn phó TĐ4, được lịnh thay thế Th/tá Tống. Khi dừng lại để đóng quân, cả hai TĐ đều thấy sườn phía bắc và phía nam hoàn toàn trống trải , không có
    một đơn vị bạn nào tiếp nối. Cuối cùng cả hai TĐ được lịnh rút về vị trí cũ. Và cuộc hành quân Quang Trung 729 cũng chấm dứt sau 10 ngày, các đơn vị đã không tiến xa hơn một cây số từ tuyến xuất phát.

    Ngày 27/4, SĐ 304 tấn công vào căn cứ Ái Tử có sự yểm trợ của pháo 130 ly và tăng . Suốt đêm TĐ1 và TĐ8 bị tấn công liên tục nhưng phòng tuyến vẫn ổn định , TĐ8 đã bắn hạ thêm một số chiến xa địch với M72 và súng chống tăng 90 ly, đẩy lùi các cuộc tấn công tràn ngập nhưng số thương vong lên cao, cả hai phòng tuyến phải co cụm vào buổi sáng hôm sau. Cũng đêm đó pháo địch đã phá hủy kho đạn của căn cứ. Trung đoàn 2/3 đang ở phía nam của căn cứ, có nhiệm vụ bảo vệ cây cầu Thạch Hản, cửa ngõ phía bắc dẫn vào thành phố Quảng Trị. Trung đoàn đã bị pháo và tấn công nặng nề, Tr/tá William C. Camper, cố vấn, bị thương khá nặng phải sử dụng một chiếc M113 chạy băng qua vùng đạn pháo và được tản thương tại cổ thành Quảng Trị.

    Áp lực của địch vào căn cứ Ái Tử cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của phòng tuyến Đông Hà vào ngày 28/4. Tin tình báo cho biết địch không thể phá vở những phòng tuyến trực diện của ta nên chúng định sử dụng Trung đoàn đặc công của Mặt trận B5 xâm nhập và cắt đứt con đường tiếp tế chính từ Ái Tử.

    Lữ đoàn 1 Kỵ binh đã ra lịnh cho Thiết đoàn 20 Chiến xa, đang yểm trợ mạnh mẽ cho phòng tuyến Đông Hà, đưa một Chi đoàn Chiến xa về tuần tiểu phía nam để ngăn chận âm mưu này. Những quân nhân của Tr/đoàn 57 đang bố trí ở phía đông của thị trấn Đông Hà khi thấy những chiến xa M48 di chuyển trên Quốc lộ I về phía nam thì tất cả bỗng dưng rối loạn vì lo sợ mình bị bỏ rơi nên đã bỏ vị trí, ùn ùn kéo nhau xuôi nam một cách hổn loạn. Tình trạng này đã kéo theo những ngưới lính khác trên tuyến phòng thủ. Thế là phòng tuyến phía bắc bị vỡ. Tướng Giai khi hay tin này, đã ra lịnh cho TQLC đóng cánh cổng phía bắc ở căn cứ Ái Tử trên Quốc lộ I. Dòng người này bị ứ đọng tại đây và VC đã lợi dụng tình thế mở một cuộc tàn sát bằng pháo. Bao nhiêu người đã chết. Tiếng kêu la vang trời và cuối cùng cánh cổng đã được mở ra để cho đoàn người tiếp tục xuôi nam.

    Cũng vào chiều 28/4, chiếc thiết vận xa chỉ huy chở Đ/tá Nguyễn Trọng Luật di chuyển từ Thiết đoàn 20 CX ở chạm tuyến về BTL/Hành quân của Lữ đoàn 1 Kỵ binh. Đ/tá Luật ngồi trên nóc xe, để chân trong cửa vuông. Trong khi chạy qua cầu Vĩnh Phước trên Quốc lộ I đã bị một hỏa tiển bắn ngang hông làm ông bị thương cả hai chân. Ngay sau đó Th/tướng Nguyễn Văn Toàn, Chỉ huy trưởng Thiết giáp đang có mặt tại Quảng Trị, đã đề cử Đ/tá Trần Tín , nguyên Trưởng đoàn Huấn luyện và Khảo hạch Thiết đoàn 20 xử lý chức vụ Lữ đoàn 1 Kỵ binh, tạm thời thay thế Đ/tá Luật được di tản về bịnh viện Đà Nẵng.

    TĐ7/TQLC đang đóng quân tại thôn Diên Sanh, quận Hải Lăng để bảo vệ cho Quốc lộ I từ cầu tại Ái Tử. Trên đường di chuyển, khi đi qua phía bắc của thôn Nhan Biều thì bị địch pháo kích và tấn công chia cắt. Th/tá Võ Trí Huệ ( TĐT) và Đ/U Đinh Long Thành ( TB3) bị thương vì pháo. Cánh A của TĐ phải lui về Hải Lăng và tạm thời do Đ/U Tôn Thất Trân, Đại đội trưởng ĐĐ3, điều động. Còn cánh B do Đ/U Nguyễn Văn Kim đã đến và tăng cường cho căn cứ Ái Tử.

    Hai giờ sáng ngày 29/4, Cộng quân mở một cuộc tấn công bằng bộ binh và thiết giáp vào tuyến phòng thủ của Tr/đoàn 2 đang bảo vệ phía bắc cầu Thạch Hãn. Không quân Mỹ được gọi đến để thả chiếu sáng và oanh kích nhiều đợt vào những vị trí của địch. Ta ghi nhận có 3 trong 5 chiếc tăng của địch bị phá hủy nhưng VC vẫn còn bám chặt ở đây. LĐ147 đã điều động hai Đại đội của TĐ7 cùng với sự yểm trợ
    của Chiến xa M41 của Thiết đoàn 18 đã đẩy lui được địch để lại 12 xác và 2 tên bị bắt sống.

    Buổi chiều hầu hết những đơn vị triệt thoái đều dừng lại và nhận được lịnh phòng thủ. Liên đoàn 4/BĐQ ở phía nam căn cứ Ái Tử, Liên đoàn 5/BĐQ đóng dọc theo Quốc lộ I, từ phía bắc của cây cầu sắt và cây cầu bộ hành bắc qua sông Thạch Hãn. Những đơn vị thiết giáp bố trí phía bắc và phía nam Thành phố.

    Buổi chiều tối ngày 29/4, Cộng quân pháo dữ dội vào căn cứ Ái Tử và làm nổ kho đạn tại đây. Tình trạng tái tiếp tế đạn dược đã trở nên nghiêm trọng. TĐ2/PB chỉ còn khoảng 1.000 đạn nổ cao và 60 quả đạn chiếu sáng. Tr/tá Nguyễn Năng Bảo đã cho toàn bộ CH /LĐ di tản ra một thôn nhỏ nằm dọc theo đường thiết lộ để tránh pháo và tránh kho đạn nổ. Sau này Tr/tá Bảo có tâm sự :

    “ Nằm đây như vậy mà yên mặc dầu không có hầm hố kiên cố mà chỉ có những cái hố cá nhân cũ chỉ để tránh đạn súng cối chứ không tránh được pháo. Với lại cả Lữ đoàn âm thầm rời bỏ căn cứ nên nó cũng chẳng biết mình ở đâu. Mình là lính tác chiến quen rồi. Sống chết đều có số hết..” .

    Tuyến phòng thủ phía bắc đã vỡ thì liệu căn cứ Ái Tử còn giữ được đến bao lâu ?

    Buổi sáng Chúa nhật 30/4, một số người lính trong đó có những người lính thuộc Pháo đội B/TQLC đã trốn thoát ra khỏi căn cứ Tân Lâm chạy về hướng của TĐ8/TQLC. Họ cho biết VC đang tập trung một lực lượng đông đảo ở phía tây nam của căn cứ Ái Tử và sẵn sàng mở những cuộc tấn công. Cho đến bây giờ thì những chiến xa và những khẩu pháo đang thiếu nhiên liệu và đạn dược. Tất cả đều phải ngừng lại để chờ tiếp tế. Thiết đoàn 20 nhận lịnh di chuyển về phía nam và lập tuyến phòng thủ chung quanh thành phố.

    Để mở đường cho những chuyến tiếp tế đạn dược và nhiên liệu, LĐ369 được lịnh rút TĐ5 từ phía tây và mở đường Quốc lộ I từ phía nam lên và BĐQ sẽ từ phía bắc xuống. TĐ5 tùng thiết trên những chiếc chiến xa và thiết vận xa. Nhưng khi vượt qua Hải Lăng và tiến sát đến cầu sông Nhung thì khựng lại vì những loạt đạn không giật từ những lô cốt dọc theo Quốc lộ I bắn ra. Th/tá Donald L. Price, cố vấn TĐ5, đã gọi không trợ kể cả AC-130, C47 Fire Dragon đổ lửa lên mục tiêu và hải pháo cũng tham gia tàn sát. Những lô cốt đã bị phá nát và những vị trí chốt kiềng của địch cũng bị tan hoang khiến số còn lại phải bỏ chạy về hướng đông. Sau 4 giờ chiến đấu ác liệt, TĐ5 đã chiếm các pháo đài. Địch bỏ lại 234 xác mang dấu hiệu của Tr/đoàn 27 thuộc Mặt trận B5 trên khắp trận địa. Tù binh cho biết bọn chúng đã chiếm đầu cầu sau một đụng độ và ĐPQ giữ cầu đã bỏ đi. TĐ5 đóng quân đêm tại chỗ nhưng vẫn không thấy BĐQ đến bắt tay và cũng chẳng liên lạc gì với SĐ3/BB.

    Ngày hôm sau LĐ369 đã rút TĐ5 về chỗ cũ nhưng đã bị VC chiếm một vài nơi. Cánh A của TĐ được lịnh bố trí tại cầu Bến Đá trên sông Ô Khê chờ TĐ9 từ vùng Trường Phước đổ xuống. Đoàn người quân và dân từ Quảng Trị tiếp tục xuôi về nam.

    LỮ ĐOÀN 147TQLC RÚT KHỎI CĂN CỨ ÁI TỬ :

    Mặc dầu những đợt không kích nặng nề cũng không cứu được những vị trí ở phía bắc. Buổi trưa ngày 30/4 tướng Giai đã quyết định rút bỏ căn cứ Ái Tử để đem Lữ đoàn 147 về phòng thủ thành phố Quảng Trị và lập một tuyến phòng thủ ở bờ nam của sông Thạch Hãn. Để bảo vệ bí mật của kế hoạch này ông đã mời các đơn vị trưởng tham dự một phiên họp tại Cổ thành và ông đã giải thích lý do cho sự phối trí này :

    “Đây là thời gian mà địch đang khựng lại để chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới. Ta cũng đang thiếu thốn nhiên liệu và đạn dược. Ý định của địch là cắt các đơn vị của ta làm nhiều mảnh. Cho nên việc gom quân và tái phối trí là một việc làm cần thiết và chúng ta nhất quyết bảo vệ thành phố này.”


    Ý định điều quân của ông như sau: LĐ147/TQLC sẽ bảo vệ phía bắc. Thành phần BĐQ và BB sẽ bố trí ở phía nam. Các đơn vị Thiết giáp sẽ giữ Quốc lộ I và mở đường đến tận thành phố Huế. Đ/tá Metcalf, Cố vấn SĐ3, cho đây là tuyến bảo vệ sau cùng để chống lại sự tấn công của SĐ308 CSBV.

    Căn cứ Ái Tử cách thành phố Quảng Trị 7 cây số về hướng tây bắc. Trong khi đang bàn thảo với Th/tá Jim Joy về việc triệt thoái thì Tr/tá Bảo nhận lịnh phải cho LĐ147 di chuyển gấp vì có tin đêm nay VC sẽ tấn công vào thành phố. Thứ tự di chuyển của LĐ được ấn định như sau: TĐ8, BCH/LĐ, TĐ2/PB, TĐ4 và sau cùng là TĐ1. Cố vấn Mỹ sau khi tiêu hủy các tài liệu và các dụng cụ sẽ di chuyển với TĐ4. Th/tá Huff, cố vấn phó LĐ đã yêu cầu Th/tá Glen Golden cho Hải pháo bắn chận để VC khỏi bám theo. Đoàn quân chia làm nhiều cột, tiến dọc theo Quốc lộ I và thiết lộ. Nhưng khi tiến gần đến cầu Thạch Hãn thì TĐ8 cho biết chiếc cầu bộ hành bắc qua sông đã được một đơn vị công binh nào đã đặt mìn giật sập. Những vày cầu đổ xuống lòng sông không còn đủ nước , để lộ đáy sông trơ trẽn, trông thê thảm và tội nghiệp. TĐ2/PB đã tìm mọi cách để đưa những khẩu pháo sang sông, mặc dầu mùa này nước cạn nhưng có nhiều nơi nước chảy siết và đáy sông thì đầy bùn sình. Cuối cùng đành phải bỏ lại 18 khẩu pháo 105 ly và 22 xe kéo pháo và chở đạn dược. Riêng đoàn cơ giới gồm 16 chiếc M48 của Thiết đoàn 20 CX và 12 chiếc M41 thuộc Chi đoàn 1/17 Kỵ binh đã lội được qua sông an toàn. Còn những người lính thì lội và bơi qua sông và di chuyển đến ngay những vị trí ấn định. Đến khoảng 10 giờ đêm thì LĐ147 đã chuyển hết qua bờ nam của sông Thạch Hãn và rãi quân theo những vị trí phòng thủ trong thành phố. TĐ1 chịu trách nhiệm khu vực phía tây. TĐ8 ở phía bắc và TĐ4 phía đông . TĐ2/PB bây giờ cũng nhận một vị trí phòng thủ như những người lính tác chiến. Hai Đại đội của TĐ7 do Đ/U Nguyễn Văn Kim chỉ huy đã được lịnh bảo vệ BCH/LĐ.

    BTL/SĐ3 trong Cổ thành cũng gặp nhiều khó khăn khi phối hợp và điều động các đơn vị. Các cấp chỉ huy ở dưới cũng khó mà kiểm soát được đơn vị mình. Họ tiếp tục rời bỏ thành phố ngày và đêm mà họ nghĩ không thể tránh được bị địch chiếm. Niềm tin thực sự bị đổ vỡ. Quốc lộ I đầy cứng những toán quân đi bộ, chiến xa, xe vận tải quân sự và dân sự. Còn đồng bào ở những vùng lân cận đã bỏ hết nhà cửa , ruộng vườn, hốt hoảng chạy theo đoàn người về phía nam. Xin hãy đọc một đoạn sau đây của Tr/tá Nguyễn Thượng Thọ tức nhà văn Lê Huy Linh Vũ đã viết lại trong : “ Những ngày sau cùng ở SĐ3/BB”:

    “ Qua khỏi quận Mai Lĩnh, ngã ba dẫn vào thành phố Quảng Trị, khoảng 7 cây số thì Quốc lộ I chạy thành một vòng như cái cùi chỏ về phía đông, đó là ngã ba của quốc lộ I và Hương lộ 602. Cánh cung dài khoảng 4,5 cây số, suốt cả đoạn đường đầy cứng xác các loại xe lớn nhỏ, nhà binh, dân sự, bốn bánh , hai bánh, chiếc thì nằm ngang, chiếc thì lật ngữa, chiếc thì đang cháy, chung quanh chiếc nào cũng có vương vãi xác người, kẻ nằm nghiêng , kẻ nằm sấp, chân tay buông thả hay co quắp. Con đường đắm chìm trong một làn sương mõng mù mịt do khói đạn pháo kích của địch và bom của phi cơ ta thả xuống về hướng tây để chận địch, quyện vào nhau bốc lên từng đám dài suốt cả con đường. Trong khí đó pháo địch vẫn rơi tới tấp xuống, đầu này một quả, đầu kia một quả, đôi khi rớt luôn một chùm trên mặt lộ, lên bờ cỏ, lên đồi cát. Mỗi trái đạn rơi xuống thì những xác người tung lên và nhiều xác người đổ xuống. Tôi không thể nói được gì, chỉ lặng quay nhìn quanh. Cảnh tượng hải hùng, khủng khiếp đó vẫn tiếp tục. Lửa cháy khắp nơi, khói bốc lên và xác người đổ xuống. Họ chạy lên chạy xuống, chẳng biết tìm đâu ra một chỗ trú ẩn. Bản hòa tấu tiếng la, tiếng khóc, tiếng kêu cầu cứu, tiếng van xin..vẫn còn ở cao độ, chưa giảm đi một nốt nào. Mùi máu người, mùi thuốc súng, mùi thịt, mùi xương, mùi mồ hôi quyện vào nhau thành một mùi khó thở, bao trùm, ngột ngạt ..”


    SỰ SỤP ĐỔ CỦA THÀNH PHỐ QUẢNG TRỊ :

    Trước tình trạng này, tướng Giai nhận thấy thành phố Quảng Trị không thể nào giữ được. Một lần nữa ông ra lịnh tất cả các đơn vị đều lui về tuyến phòng thủ Mỹ Chánh. Đó là ngày 1/5/1972. Nửa giờ sau khi nghe lịnh này, tướng Lãm, tư lịnh Vùng I CT đã hoàn toàn bác bỏ ý định của tướng Giai và ra lịnh cho mọi đơn vị đều phải ở lại tại chỗ và chiến đấu tới cùng. Thật ra tướng Lãm cũng chỉ nhận lịnh từ Sài Gòn của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Tướng Giai chán nản vô cùng nhưng phải tìm mọi cách để phổ biến cái phản lịnh này, nhưng các đơn vị trưởng tìm cách tránh né hoặc phản đối một cách thẳng thừng. Tất cả đều sẵn sàng rút quân và một cuộc tháo chạy đã bắt đầu. Đã qua một tháng căng thẳng, đau thương, chết chóc, mệt mõi, chán nản thì cái phản lịnh này còn hơn một đợt pháo kích dữ dội của đối phương. Cả một đám đông sợ hãi, hổn loạn như những đợt sóng thần ( tsunami ) tràn lên Quốc lộ I. Kế hoạch rút quân không được công bố hay đề nghị. Trong một tính toán nào đó thì các cấp chỉ huy tự lo liệu cho đơn vị mình. Chỉ có LĐ147/TQLC là còn giữ nguyên được sự chỉ huy và kiểm soát. Trong một thời gian ngắn sau đó, Đ/tá Metcalf đã gọi cố vấn các đơn vị và nói : “ Quân đội miền Nam đã lui binh, các anh được quyền chọn lựa sẽ đi theo đơn vị hay gom lại đây để cùng tôi di tản.” Th/tá Jim Joy , cố vấn LĐ147 đã trả lời ngay : “ Các cố vấn TQLC sẽ ở lại với các đơn vị TQLC.”

    LĐ147/TQLC cũng chuẩn bị triệt thối với nhiệm vụ được giao là đơn vị đoạn hậu. Thật ra cũng chẳng có gì để chuẩn bị vì tất cả những cái gì nặng nề họ đều bỏ lại bờ bắc của sông Thạch Hãn trong ngày di tản từ căn cứ Ái Tử về đây. Họ đã vượt sông với súng đạn và chiếc ba lô trên lưng và bây giờ hành trang cũng chỉ ngần ấy thôi. Nhưng lần này họ nhận được lời ủy thác của tướng Giai nói với Tr/tá Bảo : “ Tôi sẽ đi sau cùng với TQLC.” Câu nói này chúng ta sẽ được nghe nói một lần nữa của Tr/tướng Ngô Quang Trưởng khi ông cùng với BTL/SĐ/TQLC bơi ra tàu Hải quân tại bãi biển Non Nước trong ngày 29/3/1975, cái ngày mà Quân đoàn I bị bỏ rơi. Trong những gian nan và thử thách nhất thì TQLC là những người lính vững vàng và được tin cậy. Tướng Giai không muốn bị gọi là người bỏ chạy trước hàng quân mà chỉ mong ước được làm người lính sau cùng rời khỏi cái thành phố mà ông đã đánh mất. Ít nhất ông cũng giữ được cái bản chất của một quân nhân chân chính. Nhưng nếu đi với TQLC thì ông phải chấp nhận đi bằng hai chân của mình trên một đoạn đường dài hơn 20 cây số giữa những bom đạn của chiến trận, giữa những đợt pháo kích và tấn công của địch mà ông là một mục tiêu mà địch sẽ tìm mọi cách để bắt giữ hay tiêu diệt. Có thể ông ta sẽ chấp nhận vì dù gì ông ta cũng là một sĩ quan tác chiến từ chân đến đầu, nhưng còn “bầu đoàn thê tử” của ông thì sao ? Liệu người ta có để yên cho ông dấn thân vào cuộc chơi này hay không ? Cuối cùng hơn 40 người trong Ban Tham mưu, kể cả ông tướng, “tùng thiết” trên 3 chiếc M113 của Thiết đoàn 11 Kỵ binh, một đơn vị cơ hữu của SĐ3/BB và hăng hái tiến ra Quốc lộ I ..

    Nhưng bây giờ phía trước không phải thênh thang như ông tưởng. Ban Tham mưu của ông đã tính sai hay một lần nữa và bản thân ông cũng không lường trước được những yếu tố khả thi trong một kế hoạch lui quân. Không phải nói thêm và ai cũng biết ba chiếc M113 đã quay trở lại Cổ Thành để chứng kiến cái cảnh hấp hối của đứa con đầu lòng mà ông hết sức cưu mang và kỳ vọng. Mười bảy năm nhục nhằn đói khổ trong các nhà tù VC sau này, chắc những cảnh này sẽ bất chợt hay đến với ông từng đêm.

    Đ/tá Metcalf đã gọi cho Ch/tướng Kroesen, cố vấn QĐI, yêu cầu gởi đến những chiếc trực thăng cấp cứu với câu nói thật ngắn gọn như một ám hiệu : “ Bây giờ đúng là thời điểm rồi !” ( Now is the time).

    Lúc 1635G, những chiếc trực thăng của toán US Air Force Search và Rescue đã đến và chuyển 118 người ra khỏi Cổ thành. Ông tướng và ban Tham mưu được người Mỹ ưu ái mời lên chuyến đầu tiên và đáp xuống an toàn tại căn cứ Hòa Mỹ ( Camp Evans ).

    Ngày 4/5 tướng Lãm được tướng Trưởng thay thế ở chức vụ Tư lịnh Quân đoàn I. Ông Trưởng có đề nghị giữ lại tướng Giai để tái tổ chức SĐ3/BB, nhưng ngày 5/5 ông được mời về Sài Gòn và chấp nhận biện pháp kỷ luật của Quân đội vì lý do không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhưng trách nhiệm chính
    thuộc về ai ? Ông Giai hay ông Lãm ? Nhìn vào chức vụ mới của ông Lãm thì ai cũng biết rồi. Và cuộc đời binh nghiệp của ông Giai cũng chấm dứt sớm hơn nhiều người mấy năm.

    LĐ147 cũng sắp xếp đội hình: TĐ8 và 2 Đại đội của TĐ7 đi cánh phải, TĐ4 và TĐ2/PB đi cánh trái, BCH/LĐ và những thành phần tăng phái đi giữa, TĐ1 bao chót. Mười chiếc M48 của Thiết đoàn 20 đi theo hai cánh quân.

    Lúc 1640G, Tr/tá Bảo gọi máy cho tướng Giai lần cuối và khi không có tiếng trả lời thì ông biết nhiệm vụ bảo vệ một ông Tướng của ông đã xong và ông ra lịnh cho LĐ khởi động. Từ ngã ba Long Hưng , hai cánh quân tạt về hướng đông hơn một cây số để tránh xa những cảnh hổn loạn trên Quốc lộ I rồi từ đó theo hướng đông nam song song với Quốc lộ I và điểm đến đầu tiên là quận Hải Lăng cách đây khoảng 10 Km. Mọi người bước đi mà mắt vẫn nhìn về Quốc lộ I nơi mà Cộng quân đang ra sức nả pháo vào đoàn người chạy loạn. Đoạn đường từ ngã ba Long Hưng đến cầu Bến Đá trên sông Ô Khê trãi đầy thân xác những người dân vô tội và những người lính bị tàn sát một cách không thương tiếc. Người ta gọi đây là Đại Lộ Kinh Hoàng ( Highway of Horror). Tướng Ngô Quang Trưởng cũng viết lại cảm tưởng của mình như sau :

    “ Trên Quốc lộ I , cả một dòng thác người chạy loạn, dân sự và quân lính tiếp tục xuôi nam. Con đường đã xảy ra một cảnh tượng tàn sát không thể nào diễn tã nỗi. Những chiếc xe bốc cháy đủ các loại. Những chiếc thiết giáp, GMC, xe nhỏ của quân đội và dân sự đầy cứng cả con đường không thể nào lưu thông được. Trong khi đó pháo binh địch mở ra một cuộc tàn sát không nương tay. Cho đến xế trưa hôm sau, cuộc thảm sát mới chấm dứt. Xác của nhiều ngàn người dân vô tội đã được tìm thấy trên đoạn đường dài của QLI và sau đó báo chí đặt cho cái tên là “Đại Lộ Kinh Hoàng”. Sự khích động và sự thảm thương của thãm kịch này, cũng giống như cuộc tàn sát tập thể tại Huế hồi Tết Mậu thân ( 1968) đã ám ảnh người dân phía bắc của Vùng I CT một khoảng thời gian lâu dài.”( Cuộc tấn công mùa Phục sinh 1972) .

    Đoàn quân đã băng qua các cầu An Thái, Đại Nại trên những cánh đồng mùa này còn trơ lại những gốc rạ. Nhưng gay go nhất là phải vượt qua con sông Nhung chạy theo hướng bắc nam. Cũng may mùa này nước cạn, có những đoạn lội qua được.

    Vượt qua thôn Thượng Xá, Vĩnh Trường, qua những bãi cát dài để đến Hải Lăng, LĐ cho lịnh dừng lại đóng quân đêm trong một thôn xóm gần nhà thờ Hải Thọ. Đ/U Tôn Thất Trân dẫn cánh A của TĐ7 nhập vào đơn vị gốc. Đ/U Nguyễn Văn Kim chính thức nhận chức vụ Tiểu đoàn trưởng TĐ7 khi toàn bộ LĐ ra đến Huế. Anh là một trong những sĩ quan Khóa 16 Đà Lạt đã về trình diện Binh chủng TQLC từ những ngày đầu. Đ/U Tôn Thất Trân cũng được bổ nhiệm Tiểu đoàn phó TĐ7/TQLC. Xuất thân khóa 20 Đà Lạt, anh luôn luôn chứng tỏ là một sĩ quan gan dạ, điềm tĩnh, hiền hòa và được lòng mọi người . Đầu năm 1974, sau khi mãn khóa Bộ binh cao cấp và được vinh thăng Thiếu tá , anh được thuyên chuyển về Tiểu khu Hậu Nghĩa và giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 327 ĐPQ cho đến ngày 30/4/1975. Với bản tánh kiên cường bất khuất, anh chấp nhận cái chết chứ không muốn bị sỉ nhục của đám người chiến thắng hạ tiện và đã bị bọn chúng sát hại tại vùng đầm lầy Mỹ Hạnh ( Tân Tạo, Bà Hom) ngày 1/5/1975 trên đường giải về trại giam Bình Chánh, để lại người vợ trẻ và đứa con còn thơ dại. Bào huynh của anh cũng là một người lẫy lừng trong chiến trận của Binh chủng TQLC : Đ/tá Tôn Thất Soạn.

    Nguồn:http://www.bietdongquan.com/baochi/munau/munauso46.htm


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X