Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Cuộc giải cứu vô tiền khoáng hậu

Collapse
X

Cuộc giải cứu vô tiền khoáng hậu

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Cuộc giải cứu vô tiền khoáng hậu

    Xin mời đọc lại.

    Cuộc giải cứu vô tiền khoáng hậu
    Thế Trân

    Tháng tư, xin gởi lại bài viết về Cuộc Giải Cứu Vô Tiền Khoáng Hậu Bảy Hiền S.PVDH/ NKT/ B.TTM/ QLVNCH

    (Theo lời kể của Biệt Hải Nguyễn Văn Kiệt và dữ kiện trong các trang web)

    Lời ngỏ: Cuối năm 2001 người xem TV các chương trình “Suicide Missions” (History Channel), “Navy SEALs: Untold stories” (TLC – The Learning Channel) sẽ thấy một nhân vật Việt Nam tên Kiệt được nhắc đến trong những chuyến công tác chưa bao giờ được kể lại. Nhân vật này là ai? Tình tiết trong các phim tài liệu đó có chính xác không? Mời đọc giả đi ngược thời gian….
    Cách đây gần 30 năm về trước, vào mùa hè năm 72 được biệt danh là “Mùa Hè Đỏ Lửa”. Cộng sản Bắc Việt (CSBV) mở cuộc tấn công xâm lăng miền Nam Việt Nam ở ba mặt trận: Quảng Trị, Cao Nguyên, An Lộc. 30 ngàn quân CSBV trang bị vũ khí tận răng, tràn qua vùng phi quân sự (DMZ) ở vĩ tuyến 17, vượt tràn qua sông Bến Hải. Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và đồng minh ở trong thế giằng co với kẻ địch…

    Phi cơ thám thính điện tử EB-66.

    Trong một chuyến thám thính thâu lượm tin tức, chiếc máy bay EB-66 của không lực Hoa Kỳ bất thình lình bị hỏa tiễn SAM bắn hạ. Vừa kịp tung ra khỏi máy bay, Trung Tá Iceal “Gene” Hambleton kinh hãi chứng kiến cảnh chiếc máy bay bùng nổ làm thiệt mạng 5 người còn lại trong phi hành đoàn. Chiếc dù từ từ lượn xuống, dù bị mây mù che phủ không thấy đất, Trung Tá Hambleton biết chắc là 30 ngàn địch quân đang chờ mình dưới đất. Thế là guồng máy quân sự của đồng minh bắt đầu một cuộc “tìm kiếm và giải cứu” (search and rescue) đắt giá và tổn hại nhất trong cuộc chiến. Hai chiếc trực thăng Bộ Binh vừa nhào đến địa điểm giải cứu liền bị bắn hạ. Phi hành đoàn 4 người của chiếc Blueghost 39 thiệt mạng tại chỗ. Chiếc trực thăng thứ nhì ráng “lết” đến một địa điểm an toàn và phi hành đoàn được một chiếc trực thăng khác đến giải cứu.

    Trung tá Không quân Hoa Kỳ Hambleton.

    Màn đêm buông xuống, Trung Tá Hambleton trơ trọi một mình dưới đất trong sự che chở của rừng rậm, bủa vây tứ bề bởi một lực lượng địch quân lớn nhất trong cuộc chiến VN. Hôm đó là ngày Phục Sinh, chủ nhật 2 tháng 4, 1972. Không quân Hoa Kỳ (HK) biết vị trí của Trung Tá Hambleton nhưng không tài nào với tới nổi ông ta vì địch quân bủa vây dầy đặc. Tối đó họ chỉ có thể thả mìn xung quanh ông ta để ngăn cản địch quân tới gần. Sáng hôm sau, chiếc trực thăng “Jolly Green 65″ bay tới gần vị trí của Trung Tá Hambleton thì lập tức bị “dàn chào” bởi một trận mưa đạn tàn khốc. Lại phải “lết” về. Chuyến kế của “Jolly Green 66″ cũng không khấm khá. Đạn bắn rát từ tứ phía như xé nát chiếc trực thăng. Và cũng phải “lết” về lại căn cứ. Trước khi màn đêm phủ xuống vào ngày Thứ Hai, một chiếc máy bay hỗ trợ cho cuộc giải cứu bị hỏa tiễn SAM bắn hạ. Đại Uý William Henderson và Trung Úy Mark Clark nhảy dù thoát hiểm, đáp xuống đất gần vị trí của Trung Tá Hambleton. Cuộc giải cứu bây giờ không phải cho một người nữa, mà cho 3 sĩ quan Hoa Kỳ, mỗi người lạc một lối. Dưới đất, 3 người phi công HK chứng kiến tận mắt trong nỗi niềm thất vọng khi thấy các loạt giải cứu kế tiếp bị đẩy lui bởi hỏa lực tàn khốc của địch. Chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ, 3 máy bay bị bắn hạ, 5 chiếc bị thiệt hại nặng nề, 4 người thiệt mạng. Và xui xẻo thay tối đó Đại Úy Henderson bị CSBV lùng bắt được. Trong khi đó, quân đội HK khám phá ra rằng Trung Tá Hambleton từng phục vụ với Bộ Tư Lệnh Chiến Lược Không Quân (Strategic Air Command). Ông ta giữ trong đầu một kho kiến thức về hệ thống hỏa tiễn nguyên tử, cái loại dữ kiện không thể để rơi vào tay kẻ địch. Bằng mọi giá phải giải cứu cho được Trung Tá Hambleton.


    Phóng đồ hành quân Bat 21 Bravo và Nail 38 Bravo giải cứu Trung tá Không quân Hoa Kỳ Hambleton từ ngày 2 đến ngày 14 tháng 4 năm 1972.

    Những ngày kế tiếp, không lực HK mở nhiều cuộc tấn công xung quanh cầu Cam Lộ. Vì hỏa lực địch quá mạnh, không chiếc máy bay nào có thể xuyên thủng vòng vây được. Trái lại hầu hết đều bị bắn hư hại nặng. Mọi người đều nhận ra là kẻ địch đang dùng hai phi công Hoa Kỳ làm mồi để nhử các chuyến giải cứu vào để tiêu diệt. Đến ngày 6 tháng 4, tổng cộng có đến 52 chiếc máy bay và 4 chiếc B-52 oanh tạc liên tục chung quanh vùng Cam Lộ. Trong lúc đó, chuyến phi hành “Jolly Green 67″ chuẩn bị để thực hiện cú “chộp” lấy Trung Tá Hambleton. Chiếc trực trăng “Jolly Green 67″ gần đáp xuống vị trí của Trung Tá Hambleton giữa khói lửa mịt mù, giữa những lằn đạn của địch cào nát phi cơ. Bị bắn quá rát, trực thăng rút lên không kịp, rơi sầm xuống đất nổ tung. Thiệt mạng tất cả phi hành đoàn 6 người. Trung Tá Hambleton gục khóc khi thấy biết bao nhiêu người thiệt mạng chỉ để giải cứu lấy mình. Bằng mọi giá ông ta tự nhủ cũng phải sống còn…. Ngày 7 tháng 4, một chiếc máy bay khác hỗ trợ cuộc giải cứu lại bị bắn hạ. Trung Úy Bruce Walker và Trung Úy Larry Potts bị thất tung.

    Ngày 9 tháng 4, quân lực HK nhận thấy cuộc giải cứu kết hợp nỗ lực của nhiều binh chủng không thành công. 5 phi cơ bị bắn hạ, 9 quân nhân bị thiệt mạng, 2 người là tù binh, mất tung tích 2 sĩ quan khác. Không lực Hoa Kỳ gần như bó tay chưa biết tính toán như thế nào.

    Lúc bấy giờ, Đại Tá Thủy Quân Lục Chiến Al Gray đưa ra một đề nghị khác: một cuộc giải cứu âm thầm bằng đường bộ. Ai thực hiện công tác này? Câu trả lời: Biệt kích Mỹ và Việt. Đại Úy Thomas Norris – (hình trái) – US Navy SEAL cùng 5 Người Nhái Biệt Hải Việt Nam từ căn cứ Đà Nẵng đến để chuẩn bị. Cùng lúc đó, không lực HK ra tín hiệu cho hai phi công HK kẹt trong lòng địch tìm cách tới điểm hẹn. Trung Úy Clark đang ở gần sông Cam Lộ, chảy về hướng Đông ra Cửa Việt. Tối ngày 10 tháng 4 sẽ men theo ven sông đến điểm hẹn. Còn Trung Tá Hambleton cách giòng sông gần 2 cây số cần phải được hướng dẫn để len lỏi qua vòng đai địch quân dầy đặc để đến bờ sông. Toán biệt kích tập trung tại một tiền đồn (forward operating base) nằm trên một ngọn đồi thấp cạnh sông Miếu Giang, quận Cam Lộ. Nhóm Người Nhái Việt Nam gồm có một Đại Úy trưởng toán, hai Hạ Sĩ Nhất, và hai Hạ Sĩ. Kiệt, 27 tuổi, lúc bấy giờ là Hạ Sĩ Nhất Biệt Hải thuộc Sở Phòng Vệ Duyên Hải, và cũng là một Biệt Hải được huấn luyện theo mô hình của US Navy SEALs.

    Từ tiền đồn, Norris cùng với nhóm Biệt Hải đi ngược dòng sông để giải cứu cho Trung Úy Clark trước, rồi Hambleton sau đó. Khi màn đêm buông phủ ngày 10 tháng 4, đội biệt kích khởi hành. 6 người trơ trọi trong bóng đêm đối đầu với một lực lượng địch quân đã bất chấp sức mạnh của không lực HK. Thoạt đầu, toán biệt kích dự tính bơi ngược dòng sông để gặp Trung Úy Clark trôi xuôi dòng xuống. Nhưng vì dòng nước chảy mạnh quá nên cả toán đành phải xâm nhập bằng đường bộ theo ven bờ sông. Toán biệt kích chậm rãi tiến từng bước trong màn đêm, vượt qua mặt từng đoàn thiết giáp, xe hàng, và các toán tuần tiểu thường xuyên canh phòng. Đây là một việc chậm rãi, nguy hiểm và có thể trở thành chết người trong nháy mắt. Nhóm điều hành chuyến giải cứu biết là nguy hiểm nên đã dặn cả toán là đừng đi quá một cây số vào cứ địa của địch ở thượng nguồn. Nhưng toán biệt kích biết là như vậy không đủ nên tiếp tục âm thầm vượt qua tai mắt kẻ địch để cuối cùng dừng lại và chờ … 2 cây số ở thượng nguồn.

    Trực trăng Jolly Green HH-53 cấp cứu phi công lâm nạn.

    Gần 3 giờ sáng, toán biệt kích phát hiện một vật di động xuôi dòng sông. Đó chính là Trung Úy Clark. Trước khi cả toán bắt đầu cuộc giải cứu thì một toán tuần tiểu của địch xuất hiện. Cả toán lặng yên chờ đợi trong khi Trung Úy Clark cứ trôi xuôi dòng sông. Đến khi kẻ địch đã đi qua thì Trung Úy Clark cũng biến dạng trên dòng sông nước chảy mạnh. Cả toán biệt kích rút lui đi dọc theo bờ sông để truy lùng Clark. Cuối cùng toán phát hiện ông ta đang ẩn núp ở ven sông. Trời đã hừng sáng, tuy đã tìm được Trung Úy Clark nhưng cả nhóm vẫn còn ở sâu trong vùng địch. Hết sức chậm rãi và cẩn trọng, toán biệt kích tiếp tục chuyến hành trình đào tẩu khỏi vùng địch. Trưa hôm đó, cả toán về đến vùng an toàn. Trung Úy Clark được bốc về Đà Nẳng. Toán biệt kích còn ở lại tiền đồn. Công tác của họ chưa xong vì vẫn còn một phi công HK cần giải cứu. Ngày hôm sau, 11 tháng 4, toán biệt kích chuẩn bị lên đường. Trong chuyến giải cứu hôm trước cả toán đã chứng kiến tận mắt lực lượng địch quân dầy đặc. Vì thế trước khi toán biệt kích lên đường, không lực HK đã dội bom phủ đầu các vị trí địch để dọn đường. Địch quân liền trả đũa với hàng loạt mọt chê bắn phủ đầu lên tiền đồn quân lực VNCH.

    Thật là xui xẻo, người Đại Úy Biệt Hải Việt Nam và Trung Tá Anderson (cố vấn cho nhóm biệt kích) bị thương. Một Biệt Hải hộ tống hai người trở lại hậu cứ. Nhóm biệt kích chỉ còn lại 4 người: Tom Norris và 3 Biệt Hải VN. Nhóm biệt kích 4 người còn lại vẫn tiếp tục nhiệm vụ giải cứu. Họ lên đường rạng tối ngày 12 tháng 4. Lần này cả toán mạo hiểm gần 4 cây số sâu vào lòng địch. Càng vào sâu, nhìn thấy địch quân dầy đặc tứ bề, 2 người trong toán biệt kích e ngại và không muốn tiến thêm. Nhưng rồi cuối cùng cả nhóm vẫn tiến tới để truy tìm Trung Tá Hambleton. Trời đã hừng sáng mà không thấy tăm tích ông ta đâu cả, toán biệt kích đành thất vọng rút lui. Trung Tá Hambleton, 53 tuổi, sau 10 ngày trốn tránh, đói khát sức khoẻ kiệt quệ, đầu óc mụ mẫm đi, phương hướng lẫn lộn. Thời gian không còn bao lâu trước khi ông ta gục ngã chết lịm trong rừng già. Hôm sau trong khi toán biệt kích nghỉ dưỡng sức thì không lực HK liên lạc bằng tín hiệu với Trung Tá Hambleton, động viên tinh thần ông ta cố gắng gượng sức để ra đến chỗ hẹn. Sức khoẻ của ông đã đến hồi nguy kiệt. Nếu toán biệt kích không “chộp” được ông tối nay thì có lẽ đó sẽ là cơ hội cuối cùng. Họ cũng lượng định rằng trong tình trạng sức khoẻ như vậy, Trung Tá Hambleton khó mà đến chỗ hẹn. Nếu muốn thành công, toán biệt kích phải đi tìm cho ra được ông ta.

    Người Nhái Biệt Hải VNCH Nguyễn Văn Kiệt và Người Nhái Hải Quân Hoa Kỳ Tom Norris.

    Trong chuyến đi này, 2 Biệt Hải VN từ chối không tham dự. Người duy nhất tình nguyện đi là Hạ Sĩ Nhất Biệt Hải Nguyễn Văn Kiệt. Đối diện với hiểm nguy, Kiệt vẫn tình nguyện đi vì yêu chuộng sự hào hùng của ngành Biệt Hải, và cũng vì lòng nhân đạo không nỡ thấy người sắp chết mà không cứu. Hai biệt kích, một Mỹ, một Việt. Tom Norris và Kiệt mặc quân phục ngụy trang như bộ đội chính quy Bắc Việt, trang bị súng AK-47. Họ quyết định dùng xuồng đi ngược dòng sông lên hướng Bắc. Như thế sẽ lẹ hơn đi đường bộ và mới có đủ thời giờ để truy tìm Trung Tá Hambleton. Trong màn đêm, tay chèo, tay súng, họ nghe rõ mồn một tiếng trò chuyện của địch quân canh gác ven sông, tiếng gầm rú của xe tăng T-54, tiếng di động của cả đoàn quân hùng hậu. Họ chèo chậm rãi để tránh tai mắt kẻ địch. Một màn sương mù phủ lấp dòng sông che chở họ khỏi sự dòm ngó của kẻ thù nhưng đồng thời lại làm cho họ chậm tay chèo. Và họ cũng không ngờ là họ chèo gần đến cầu Cam Lộ, nơi địch quân đóng giữ. Khi nghe tiếng chân bộ đội Bắc Việt tuần tiểu đi lại trên cầu, họ mới biết là đi lố. May mắn là sương mù che phủ khắp vùng nên Tom và Kiệt không bị phát hiện. Họ chèo trở ngược lại, xuôi dòng sông và tìm kiếm Trung Tá Hambleton. Rồi cuối cùng Tom và Kiệt cũng tìm ra Trung Tá Hambleton, một thân hình tong teo gục ngã gần bờ sông. Ông ta chỉ còn thoi thóp thở. Tom và Kiệt đem Trung Tá Hambleton lên dấu dưới đáy xuồng, lấy lá chuối che phủ thân hình ông ta. Họ bắt đầu cuộc hành trình rút lui khỏi vùng địch, thoát khỏi gọng kềm của tử thần, vẫn một cách chậm rãi như mọi khi. Lúc bấy giờ hừng đông đã ló dạng. Bất thình lình, Kiệt nghe tiếng gọi “Ê, lại đây!”. Cả hai người cùng quay đầu lại và bắt gặp 3 tên lính Bắc Việt xa xa trên bờ. Tên đi giữa là sĩ quan, vắt khẩu K54. Hai tên cận vệ kè kè AK-47 hai bên. Khoảnh khắc đó thật dài như thế kỷ. Kiệt cảm thấy ớn lạnh dọc theo xương sống. Nhưng cả hai người đều bình tĩnh quay đầu trở lại, tiếp tục chèo xuồng xuôi huớng Nam. Vừa chèo, Kiệt đã bắt đầu đếm thời gian và lắng nghe tiếng súng của bọn chúng sẽ bắn theo. Nhưng chúng hoàn toàn im lặng. Một cái im lặng đáng nghi ngờ và hồi hộp vô cùng. Kiệt ráng lắng nghe tiếng chân rầm rập đuổi chạy theo. Nhưng tất cả không gian lúc ấy hoàn toàn trở lại bình thường im lặng. Một sự tĩnh mịch khó hiểu. Có thể chúng sẽ liên lạc máy để chận xuồng ở một đoạn sông sắp đến? Hay chúng đang chỉ điểm để pháo kích theo? Bấy giờ là giờ phút hết sức căng thẳng trong tâm não của Kiệt. Bao nhiêu giác quan của Kiệt được tận dụng tập trung quan sát để phản ứng kịp thời … Tom lập tức báo cáo bằng radio là đã giải cứu được Trung Tá Hambleton. Tuy thế chuyến giải cứu chưa xong vì họ vẫn còn sâu trong lòng địch và khi trời hừng sáng, sự ngụy trang của họ không qua mặt được kẻ địch. Vì thế, không lực HK được điều động sẵn để hỗ trợ bất cứ lúc nào. Đúng như Kiệt dự đoán, kẻ địch đã báo động về sự xâm nhập của chiếc xuồng biệt kích. Tiếng la hét, tri hô vang dậy cả bầu không khí tĩnh mịch. Cuộc truy đuổi bắt đầu. Tom và Kiệt chèo hối hả, mượn dòng nước chảy mạnh để đưa con xuồng đi thật lẹ, cũng như nhờ cậy vào các tàng cây dầy đặc ven sông che dấu bớt hình ảnh chiếc xuồng mong manh. Trong khi đó đạn của địch không ngừng bắn xối xả ngang sông. Thấy hỏa lực địch quá mạnh, Tom và Kiệt tấp xuồng vào một bụi cây ven sông và gọi không lực yểm trợ ngay lập tức. Không gian yên lặng của đoạn sông bị xé nát bởi những lằn đạn bắn tứ phía. Đạn từ trên không bắn xuống, đạn từ dưới đất bắn lên, đạn từ hai bên bờ nhả xuống sông lia lịa. Và cũng nhờ sự yểm trợ không lực mạnh mẽ và liên tục, Tom và Kiệt cuối cùng cũng đưa con xuồng xuôi dòng an toàn. Khi gần đến tiền đồn của quân lực VNCH, quân đội hai bên dàn trận ra “tiếp đón” lần nữa. Cộng Sản Bắc Việt bên bờ Bắc, quân đội VNCH bên bờ Nam. Hai bên nhả đạn bắn qua lại dữ dội. Dưới cơn mưa đạn đó, Tom và Kiệt dìu Trung Tá Hambleton khỏi xuồng và chạy chặng nước rút nguy hiểm cuối cùng vào hầm trú ẩn ….

    Người nhái Nguyễn Văn Kiệt và Thomas Norris cứu sống được Trung Tá Hambleton đưa về phòng tuyến Việt Nam Cộng Hoà.

    Cuộc giải cứu đã thành công vượt sức tưởng tượng của mọi người. Khi mà cả không lực Hoa Kỳ bó tay thì những biệt kích Mỹ, Việt gan dạ cùng mình đi vào trong lòng địch, chộp các phi công ra khỏi gọng kềm của tử thần.

    Câu chuyện trên, người ta có viết thành sách, Hollywood có chuyển thành phim với những tài tử quen thuộc thủ vai các nhân vật chính trong câu chuyện. Vậy mà 2 nhân vật “CHÍNH” nhất trong truyện là Đại Úy Hải Quân (Navy SEAL) Hoa Kỳ Thomas Norris và Hạ Sĩ Nhất Biệt Hải Nguyễn Văn Kiệt thuộc Sở Phòng Vệ Duyên Hải không hề được nhắc đến. Hành vi dũng cảm, gan dạ phi thường này chỉ có một số người được biết để bảo vệ các dữ kiện quân sự liên hệ đến các chuyến giải cứu đường bộ. Đại Úy Thomas Norris được trao tặng huân chương “Medal of Honor”. Huân chương cao quý nhất của quân đội Hoa Kỳ trao cho những chiến sĩ đã có hành động dũng cảm phi thường. Hạ Sĩ Nhất Nguyễn Văn Kiệt, người Nhái anh dũng của Hải Quân VNCH, được trao tặng huân chương “Navy Cross”. Huân chương cao nhất có thể trao tặng cho quân đội đồng minh. Kiệt là người chiến sĩ Hải quân VNCH duy nhất nhận huân chương “Navy Cross” trong cuộc chiến Việt Nam.

    The President of the United States
    takes pleasure in presenting the
    Navy Cross
    to
    NGUYEN VAN KIET
    Petty Officer Third Class
    Republic of Vietnam Navy

    for service as set forth in the following:
    Citation:
    For extraordinary heroism while serving with friendly forces engaged in armed conflict against the North Vietnamese and Viet Cong communist aggressors in the Republic of Vietnam. On 13 April 1972, Petty Officer Kiet participated in an unprecedented recovery operation for a downed United States aviator behind enemy lines in Quang Tri Province, Republic of Vietnam. He courageously volunteered to accompany a United States SEAL Advisor in an extremely hazardous attempt to reach the aviator, who was physically unable to move toward friendly positions. Using a sampan and traveling throughout the night, they silently make their way deep into enemy territory, past numerous major enemy positions, locating the pilot at dawn. Once, after being spotted by a North Vietnamese patrol, he calmly continued to keep the enemy confused as the small party successfully evaded the patrol. Later, they were suddenly taken under heavy machinegun fire. Thinking first of the pilot, he quickly pulled the sampan to safety behind a bank and camouflaged it while air strikes were called on the enemy position. Due to Petty Officer Kiet’s coolness under extremely dangerous conditions and his outstanding courage and professionalism, an American aviator was recovered after an eleven-day ordeal behind enemy lines. His self-discipline, personal courage, and dynamic fighting spirit were an inspiration to all; thereby reflecting great credit upon himself and the Naval Service.

    Secretary of the Navy

    Đến nay đã gần 30 năm. Hồ sơ quân sự cũng đã được tiết lộ (declassify). Rồi cuối cùng những hành động dũng cảm, anh hùng này đã được mọi người biết đến.

    Thế Trân
    Nguồn:haingoaiphiemdam.com

  • #2
    Mời đọc thêm một bài viết chi tiết về cuộc giải cứu "Bat 21 Bravo"

    Người nhái cứu phi công:

    Biệt Hải NGUYỄN VĂN KIỆT và cuộc giải cứu “đắt nhất” trong chiến tranh Việt Nam


    * Nguyễn Hữu Thiện phỏng dịch
    (Nguyên tác: “Unsung Hero in the Amazing Rescue of Bat 21 Bravo”, by Colonel John Haseman (US Army, ret.) Vietnam Magazine, Dec 2008)

    Ngày 2 tháng Tư năm 1972, khi chiếc phi cơ thám thính điện tử EB-66 của Trung tá Iceal Hambleton bị trúng hỏa tiễn SAM của Cộng Sản Bắc Việt, nổ tung trên cao độ 31.000 bộ, ngay phía Nam vùng phi quân sự đang do quân CSBV chiếm giữ, ông là người duy nhất trong phi hành đoàn 6 người kịp bấm nút phóng dù thoát hiểm. Vị sĩ quan hoa tiêu không quân 53 tuổi, danh hiệu vô tuyến “Bat 21 Bravo” ấy, nếu bị bắt, quả là một nguồn khai thác quý báu cho địch. Nhưng Không Lực Hoa Kỳ nhất quyết không bỏ rơi ông.

    Mười sáu năm sau (1988) cuốn phim ăn khách có tựa đề Bat*21, với hai diễn viên Gene Hackman và Danny Glover thủ vai chính, đã kể lại cuộc giải cứu Trung tá Hambleton; thế nhưng, mặc dù cuốn phim của Hồ-ly-vọng đầy những tình tiết hấp dẫn xen lẫn nghẹt thở, nó đã không trình bày được toàn bộ sự thật – một sự thật phi thường hơn nhiều.

    Cho tới lúc ấy, cũng chẳng có mấy người biết rằng một cựu chiến sĩ Biệt Hải (SEAL: biệt kích của hải quân) của Việt Nam, ông Nguyễn Văn Kiệt, vào năm 1976 đã được trao tặng huân chương Thập Tự Hải Quân Hoa Kỳ (U.S. Navy Cross) vì hành động dũng cảm của ông vào ngày 13 tháng Tư năm 1972 – ngày mà ông cùng với Biệt Hải Tom Noris của Hoa Kỳ, đã giải cứu Trung tá Hambleton.

    Ông Kiệt là một trong hai quân nhân VNCH duy nhất được ân thưởng huân chương cao quý thứ nhì của Hoa Kỳ vì hành động anh hùng của mình. Bản tuyên dương viết:

    “Nhờ sự bình tĩnh của ông Kiệt trong tình thế cực kỳ nguy hiểm, và lòng cam đảm phi thường cũng như khả năng chuyên nghiệp của ông, một nhân viên phi hành của Hoa Kỳ đã được cứu thoát sau 11 ngày kinh hoàng trên đất địch”.

    Bản tuyên dương công trạng của ông Kiệt chỉ viết một cách hết sức đại khái, bởi vì khi ông được ân thưởng huân chương vào năm 1976, tất cả mọi chi tiết liên quan tới cuộc giải cứu còn nằm trong hồ sơ mật. Trên thực tế, cuốn phim Bat*21, đã được thực hiện theo cốt truyện trong cuốn sách có cùng tựa của tác giả William Anderson, xuất bản năm 1983, mặc dù nội dung dựa trên những diễn tiến có thật, các chi tiết chỉ là sản phẩm của óc tưởng tượng. Ðiều đáng nói nhất là cả cuốn sách lẫn cuốn phim đã không hề đề cập tới sự tham gia của ông Kiệt, của Tom Norris, hay của bất cứ một Biệt Hải nào khác trong cuộc giải cứu này.

    Cuối thập niên 1980, các hồ sơ mật được giải tỏa, và qua đó người ta mới được biết toàn bộ vai trò của ông Kiệt trong cuộc giải cứu “Bat 21 Bravo”.

    Hạ sĩ nhất Nguyễn Văn Kiệt là một trong 5 thành viên của toán Biệt Hải Việt Nam Cộng Hòa tới từ Ðà Nẵng. Ông đã tình nguyện tham gia cuộc giải cứu kéo dài 12 ngày, và là Biệt Hải duy nhất cùng với Trung úy Tom Norris – thuộc Biệt Ðội Biệt Hải 158 Hoa Kỳ – thâm nhập vùng địch, ngược dòng sông Miếu Giang để tới vị trí của Trung tá Hambleton.

    [Các văn kiện ân thưởng huân chương, tài liệu chính thức về tiểu sử Tom (Thomas) Norris đều ghi cấp cậc của ông lúc đó là Trung úy (Lieutenant), không phải Ðại úy như trong một số bài viết]

    Vào thời gian này, Trung úy Tom Norris là một trong số ít ỏi Biệt Hải Mỹ còn ở lại Việt Nam – nơi anh đã hai lần tới phục vụ. Anh cũng là người tình nguyện tham gia cuộc giải cứu Trung tá Hambleton.

    Chỉ có hai người, Nguyễn Văn Kiệt và Tom Norris đã cố gắng thực hiện cuộc giải cứu bằng đường bộ – một cuộc giải cứu mà Không Lực Hoa Kỳ đã thất bại trên không. Với một chiến sĩ Biệt Hải, đây là công tác “có một không hai trong đời”!

    Nguyễn Văn Kiệt sinh ngày 23 tháng 3 năm 1945 ở gần Sài Gòn. Năm 1963, anh tình nguyện gia nhập hải quân, trở thành xạ thủ trên các tàu tuần giang, tuần duyên. Sau một thời gian phục vụ tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, anh được thuyên chuyển ra Ðà Nẵng.
    Năm 1970, anh tình nguyện tham gia một toán Biệt Hải hỗn hợp Việt Mỹ. Ðây vừa là một toán tìm kiếm và giải cứu phi công (Pilot Search and Rescue Team) trực thuộc hệ thống SOG (Studies and Observation Group), vừa là một toán Người Nhái (phá hoại dưới nước) do Trung úy Tom Norris làm cố vấn.

    * * *

    Cuộc giải cứu “Bat 21 Bravo” và một phi công khác bị bắn hạ vào ngày 3 tháng Tư năm1972, Trung úy Mark Clark – danh hiệu vô tuyến “Nail 38 Bravo” – không chỉ được ghi nhận là cuộc tìm kiếm và giải cứu (SAR: search and rescue) bằng phi cơ cũng như trên bộ quy mô nhất trong cuộc chiến Việt Nam, mà còn là cuộc giải cứu phải trả giá đắt nhất, về tổn thất sinh mạng cũng như phi cơ.

    Cuộc giải cứu này diễn ra vào đúng thời gian CSBV mở cuộc xâm lược tỉnh Quảng Trị trong Mùa Hè Ðỏ Lửa. Với sự yểm trợ của trọng pháo và chiến xa, 30.000 quân chính quy Bắc Việt đã tràn xuống phía nam Vùng Phi Quân Sự, nơi các lực lượng Hoa Kỳ vừa rút đi. Chúng đánh tan Sư Ðoàn 3 Bộ Binh, đơn vị QLVNCH mới được thành lập để thay thế các lực lượng Hoa Kỳ, và đã chiếm phân nửa lãnh thổ tỉnh Quảng Trị.

    Trước tình thế này, tất cả những gì phía Hoa Kỳ có thể làm được là sử dụng siêu pháo đài bay B-52 và các loại phi cơ khác để yểm trợ Quân Lực VNCH. Chỉ tính từ tháng Tư tới tháng Sáu năm 1972, 6000 phi vụ B-52 đã được thực hiện. Một trong những phi vụ này do Trung tá Iceal Hambleton hướng dẫn; là một hoa tiêu (navigator) dày dạn kinh nghiệm, ông bay trên một chiếc phi cơ thám thính điện tử Douglas EB-66 có khả năng vô hiệu hóa radar và làm rối loạn tần số truyền tin của địch, để “dọn đường” cho phi vụ B-52.

    Không may, chiếc EB-66 bị trúng hỏa tiễn SAM và phát nổ trên vùng trời được ghi nhận là phòng không dày đặc nhất trong suốt chiều dài cuộc chiến. Chiếc dù của Trung tá Hambleton đáp xuống gần một con đường nối liền Vùng Phi Quân Sự với sông Miếu Giang, con sông chảy qua Cam Lộ, Ðông Hà, rồi hợp với sông Thạch Hãn, đổ ra biển Ðông qua cửa Việt.

    Ðã sẵn bị chấn thương xương sống do lực phóng của ghế thoát hiểm, Trung tá Hambleton còn bị gãy một ngón tay và trầy rụa khắp người khi chạm mặt đất. Nhưng với bản năng sinh tồn, dù toàn thân đau đớn, ông cũng cố gắng tìm cách ẩn núp trước sự lùng sục của cả ngàn bộ đội CSBV.

    * * *
    Tất cả các nhân viên phi hành của Hoa Kỳ đều được trang bị một máy vô tuyến thoát hiểm (survival radio), vừa sử dụng làm máy phát tín hiệu kêu cứu (beeper) vừa sử dụng làm máy truyền tin để trao đổi với lực lượng cấp cứu.

    Nhờ máy vô tuyến này, chỉ mấy phút sau khi rớt xuống đất, Trung tá Hambleton được biết lực lượng cấp cứu đang trên đường tới nơi. Dĩ nhiên, quân CSBV cũng đoán biết điều đó, cho nên mặc dù đang giao tranh dữ dội với QLVNCH dưới mặt đất, họ cũng chuẩn bị thật chu đáo để “chào đón” khách trên không.

    Phi cơ đầu tiên bay vào làm nhiệm vụ cấp cứu là chiếc trực thăng UH-1H danh hiệu vô tuyến "Blueghost 39", lúc đó đang có mặt sẵn trên trời, không kịp “check” với bộ chỉ huy dưới mặt đất để cập nhật hóa tình hình chiến sự, nên không hề biết khu vực “Bat 21 Bravo” bị rớt hiện đã nằm trong tay quân CSBV. Hậu quả, vừa bay vào, Blueghost 39 đã bị hỏa lực phòng không bắn rớt; toàn bộ phi hành đoàn hoặc bị tử thương, hoặc bị địch bắt sống.

    Qua ngày hôm sau, chiếc phi cơ trinh sát võ trang OV-10 của Trung úy Mark Clark và Trung úy William Anderson bay yểm trợ cho cuộc cấp cứu Trung tá Hambleton, đã bị phòng không địch bắn hạ. Cả hai phi công nhảy dù thoát nạn. Trung úy William Anderson bị quân CSBV bắt tại chỗ, còn Trung úy Mark Clark trốn được vào bờ phía nam sông Miếu Giang.

    Vậy là trong khi chưa cứu được “Bat 21 Bravo”, nay lại phải lo cứu cả “Nail 38 Bravo” (danh hiệu vô tuyến của Trung úy Mark Clark).

    Bước sang ngày thứ 5, tức ngày 6 tháng Tư, 1972, lực lượng cấp cứu quyết định “đánh lớn”: họ yêu cầu 42 phi vụ oanh kích để “dọn bãi” cho trực thăng đáp xuống cứu cả Trung tá Hambleton lẫn Trung úy Clark.

    Yêu cầu này được thỏa mãn 100%. Sau khi 42 phi vụ oanh kích được thực hiện, cả khu vực trở nên yên tĩnh. Nhưng người Mỹ đã mắc mưu quân CSBV: khi chiếc trực thăng rescue kiểu HH-53, danh hiệu vô tuyến "Jolly Green 67", bay vào tới vị trí của “Bat 21 Bravo”, dừng lại tại chỗ chuẩn bị đưa ông lên thì hỏa lực từ tứ phía đồng loạt khai hỏa. Jolly Green 67 bốc cháy rồi đâm xuống đất nổ tung; toàn bộ phi hành đoàn 6 người tử nạn.

    Qua ngày hôm sau, một chiếc OV-10 khác, trong lúc làm nhiệm vụ yểm trợ lực lượng cấp cứu, đã trúng hỏa lực phòng không của địch, rớt ngay bên cạnh xác chiếc trực thăng Blueghost 39. Hai phi công nhảy dù thoát nạn và bị lọt vào tay địch.

    * * *

    Tới ngày 9 tháng Tư, tức là chưa đầy một tuần sau khi Trung tá Hambleton bị bắn rơi, tình hình về phía Không Lực Hoa Kỳ đã trở nên vô cùng bi đát: 8 phi cơ bị bắn hạ, 14 nhân viên phi hành thiệt mạng, 2 người bị địch bắt giữ, và 2 người khác không biết sống chết ra sao.

    Từ Sài Gòn, Ðại tướng Creighton Abrams, Tư lệnh Quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam, đã trực tiếp ra lệnh cấm sử dụng thêm trực thăng trong cuộc giải cứu này.

    Vì thế, toán tìm kiếm và giải cứu (SAR: search and rescue) đã phải rút ra khỏi khu vực, để tìm một giải pháp khác – một giải pháp đỡ “tốn kém” hơn rất nhiều, nhưng khá phiêu lưu, không một ai có thể tiên đoán kết quả. Giải pháp ấy là sử dụng Biệt Hải hỗn hợp Việt Mỹ, bơi ngược dòng sông Miếu Giang vào vùng địch; cùng thời gian, “Bat 21 Bravo” và “Nail 38 Bravo” sẽ nhận được những hướng dẫn bằng mật mã đi tới “điểm hẹn”, để được toán Biệt Hải đưa về.

    Toán Biệt Hải hỗn hợp gồm 6 người: Trung úy Tom Norris, chỉ huy toán, Hạ sĩ nhất Nguyễn Văn Kiệt, và 4 Biệt Hải khác của phía Việt Nam.

    Ngày 10 tháng Tư, tại “bản doanh” là một lô-cốt đã tan hoang vì bom đạn ở bờ phía nam sông Miếu Giang, Tom Norris và 5 thành viên của toán đã soạn thảo và đúc kết kế hoạch giải cứu. Họ quyết định sẽ cứu “Nail 38 Bravo” (Trung úy Clark) trước, vì anh đang ẩn núp ở bên bờ sông.

    Trong cuộc giải cứu, toán Biệt Hải sẽ không liên lạc trực tiếp với Trung úy Clark và Trung tá Hambleton, mà thông qua Trung tá Thủy Quân Lục Chiến Andy Anderson, người chịu trách nhiệm cuộc giải cứu này. Về phần Trung úy Clark và Trung tá Hambleton, hai người sẽ nhận được những hướng dẫn bằng “ẩn ngữ” từ phi cơ truyền xuống máy truyền tin URC-64 của họ (loại máy này có thể sử dụng dưới mặt nước).

    [Chú thích của người dịch: “ẩn ngữ”, tức “cryptic”, là hình thức trao đổi thông tin một cách kín đáo trong lĩnh vực tình báo, quân sự; chẳng hạn, người Mỹ thường sử dụng tên những nhân vật, hay địa danh nổi tiếng để làm “ẩn ngữ”]

    Tối hôm đó, Trung úy Clark nhận được hướng dẫn ôm bè trôi xuôi dòng tới “điểm hẹn”. Khoảng 2 giờ khuya, từ chỗ núp dưới bờ, Trung úy Norris nhìn thấy Trung úy Clark, nhưng đúng lúc đó, một toán tuần tiễu của quân cộng sản đi ngang qua, Norris đành chịu trận.

    Sau khi toán tuần tiễu đã đi khỏi, Norris bơi theo Clark nhưng “Nail 38 Bravo” đã biến mất. Norris liền quay lại báo cho cả toán Biệt Hải biết để cùng tìm kiếm.

    Cuối cùng, khi mặt trời sắp ló dạng, họ mới tìm thấy “Nail 38 Bravo” đang núp bên bờ sông, và đưa về “bản doanh”, tức cái lô-cốt ở bờ phía nam sông Miếu Giang. Sau đó, mặc cho quân CSBV pháo kích theo tới tấp, toán Biệt Hải cũng đưa được Trung úy Clark về phòng tuyến của quân bạn.

    * * *

    Việc giải cứu Trung tá Hambleton, tức “Bat 21 Bravo” không dễ dàng và thuận lợi như thế.

    Khó khăn thứ nhất: ông bị thương khi rớt xuống đất, kiệt lực sau gần 10 ngày thiếu ăn và lẩn trốn quân địch, và quan trọng hơn cả là vị trí ông đang ẩn náu cách xa bờ sông Miếu Giang cả một dặm, chưa kể còn có một vị trí đóng quân của địch và một bãi mìn!

    Ðược biết Trung tá Hambleton là một tay chơi golf có hạng trong Không Quân, người ta đã nảy sáng kiến lấy bản đồ của một “sân golf 9 lỗ” điển hình ở các căn cứ Không Quân chồng lên tấm bản đồ khu vực vừa chụp bằng không ảnh, rồi cho ông... chơi golf!

    Tức là sử dụng những từ ngữ, những cách diễn tả chuyên biệt của dân chơi golf, để từ trên phi cơ, hướng dẫn ông tránh né các chướng ngại, nguy hiểm trên đường tiến ra bờ sông.

    Ðêm 11 tháng Tư, khi sức tàn lực kiệt, thì cũng là lúc “Bat 21 Bravo” ra được tới bờ sông Miếu Giang!...

    Trong khi đó, toán Biệt Hải lại lâm vào cảnh “tang gia bối rối!”

    Trong một đợt pháo kích kích dữ dội của quân CSBV vào các vị trí của VNCH ở phía nam sông Miếu Giang, cái lô-cốt nơi toán Biệt Hải hỗn hợp đặt “bản doanh” bị lãnh đạn pháo. Hai thành viên người Việt trong đó có Trung sĩ Vũ Ngọc Thọ (Thơ?), trưởng toán Biệt Hải Việt Nam, bị thương phải đưa về hậu tuyến cứu cấp.

    Ðêm 12 tháng Tư, Trung úy Norris, Hạ sĩ nhất Kiệt cùng 2 Biệt Hải VN còn lại, bơi ngược dòng sông Miếu Giang 4 cây số để tìm vị trí Trung tá Hambleton đang ẩn núp. Công tác này vô cùng gian khổ và nguy hiểm vì địch quân hiện diện khắp nơi; cuối cùng bốn người đã phải quay về.

    Sau đó, Trung úy Norris đã đánh giá tình hình cũng như tinh thần của các Biệt Hải Việt Nam mà anh cho là đang xuống dốc. Vì tất cả mọi thành viên đều tham gia toán Biệt Hải với tư cách tình nguyện, Norrris cho rằng một khi họ không còn quyết tâm, sẽ khó lòng đạt kết quả.

    Nhưng tới đêm 13 tháng Tư, khi Trung úy Norris quyết định một mình lên đường, Hạ sĩ nhất Kiệt đã tình nguyện đi theo anh. Sau này, ông Kiệt kể lại:

    “Ðó là bổn phận của tôi. Tom (Norris) là Biệt Hải số một trong số những Biệt Hải tài giỏi nhất. Tôi biết Trung tá Hambleton đang trong cơn tuyệt vọng.... Vì thế tôi quyết định tình nguyện đi với Tom. Tôi nói với Tom: Nếu anh tiếp tục, tôi cũng tiếp tục, nếu anh quay về, tôi cũng quay về”!

    * * *

    Khi màn đêm buông xuống, Trung úy Tom Norris và Hạ sĩ nhất Nguyễn Văn Kiệt giả trang làm lính chính quy Bắc Việt, ngược dòng sông Miếu Giang. Tới một ngôi làng đã tan hoang vì bom đạn, hai người thấy một chiếc thuyền tam bản còn khả dụng; họ lặng lẽ chèo suốt đêm vào sâu trong lòng địch, với các toán tuần tiễu qua lại và tiếng chiến xa gầm rú trên bờ. Sương mù dày đặc đã giúp họ dễ dàng qua mặt quân địch nhưng đồng thời lại gây khó khăn trong việc định hướng. Tới khi sương mù tan, hai người nhận ra rằng họ đã đi lố mục tiêu, và hiện đang ở ngay dưới gầm cầu Cam Lộ; trên cầu, binh lính và chiến xa CSBV rầm rộ di chuyển. Lập tức họ âm thầm quay trở lại, xuôi dòng, lùng kiếm từng bụi cây ven bờ, và cuối cùng đã tìm được “Bat 21 Bravo”, gần như đã bất tỉnh, nằm trên một vũng sình giữa các lùm cây.

    Sau 12 ngày gian khổ, Trung tá Hambleton đã sút hơn 20 ký lô (45 lbs), bể thêm một cổ tay và bị tiêu chảy vì uống nước bẩn. Nhưng ông vẫn còn sống, và đó là điều quan trọng!

    Trung úy Norris và Hạ sĩ nhất Kiệt đưa Trung tá Hambleton lên chiếc tam bản, và vì lúc ấy đã hừng đông, họ lấy cành lá che phủ lên người ông, rồi vội vã xuôi dòng. Nhưng một toán tuần tiễu của CSBV ở trên bờ đã nhận ra hai “bộ đội giả mạo” và chạy theo tấn công.

    Norris liền xin phi cơ yểm trợ; kết quả, hỏa lực của phi cơ và của các đơn vị VNCH ở phía nam sông Miếu Giang đã ngăn chặn được cuộc săn đuổi.

    Thế rồi, một toán tuần tiễu khác của CSBV xuất hiện, vừa chạy theo vừa quát tháo. Hạ sĩ nhất Kiệt (lúc ấy cùng với Norris đang giả trang làm lính chính quy CSBV) bình tĩnh đối đáp, và lợi dụng lúc toán tuần tiễu còn đang hoang mang nghi ngờ, Kiệt và Norris đã chèo ra xa.

    Nhưng đi thêm được một đoạn, ba người lại bị lực lượng CSBV trên bờ tấn công dữ dội bằng các loại súng máy. Lo cho sinh mạng của Trung tá Hambleton, Hạ sĩ nhất Kiệt đã đẩy chiếc tam bản vào núp sau một bờ đất, lấy cây lá ngụy trang trong khi Trung úy Norris cầu cứu Không Lực Hoa Kỳ.

    Sau này, Ðại tá Không Quân (hồi hưu) Darrell Whitcomb, một trong những phi công ngày ấy đã tham gia phi vụ này, kể lại:

    “Chúng tôi thực hiện cuộc oanh kích ở một cao độ rất thấp, quần đi quần lại ngôi làng (nơi lực lượng CSBV trấn giữ) với một mức chính xác tuyệt vời, cho tới khi mục tiêu bình địa. Tôi còn nhớ những trái bom cuối cùng được thả xuống là bom khói M47, để tạo một màn chắn bảo vệ Norris và Kiệt”.

    Sau cuộc oanh kích, Trung sĩ Norris và Hạ sĩ nhất Kiệt nhảy lên chiếc tam bản, chèo vội vã về “bản doanh” của toán Biệt Hải. Hai người khiêng Trung tá Hambleton lên bờ, làm thủ tục cấp cứu sơ khởi rồi gọi một chiếc thiết vận xa tới đưa 5 người – Hambleton, Norris, Kiệt và hai Biệt Hải còn lại – về Ðông Hà.

    * * *

    Ngày 6 tháng Tư năm 1976, tại căn cứ hải quân Sand Point Naval Air Station ở Seattle, tiểu bang Washington, ông Nguyễn Văn Kiệt đã được trao tặng huân chương Thập Tự Hải Quân của Hoa Kỳ, trước sự hiện diện của Tom Norris.

    Về phần Tom Norris, qua công sức trong cuộc giải cứu Trung tá Hambleton và Trung úy Clark, đã được ân thưởng Danh Dự Bội
    Tinh (Medal of Honour), huân chương cao quý nhất của Hoa Kỳ.

    Nhưng với Nguyễn Văn Kiệt, thì Thập Tự Hải Quân đã là huân chương cao quý nhất mà ông đủ tư cách được hưởng, bởi vì luật lệ Hoa Kỳ không cho phép trao tặng Danh Dự Bội Tinh cho người ngoài quân đội Hoa Kỳ.

    Xưa nay, chỉ có hai quân nhân VNCH được Hoa Kỳ ân thưởng huân chương Thập Tự Hải Quân. Người trước đó là tử sĩ Trần Văn Bảy. Ông Bảy được truy tặng Thập Tự Hải Quân vào năm 1967, vì hành động hy sinh anh hùng: lấy thân mình nằm đè lên trái lựu đạn của Việt Cộng, chết thay nhiều quân nhân TQLC Hoa Kỳ.

    Ngoài huân chương Thập Tự Hải Quân của Hoa Kỳ, trong thời gian phục vụ trong Hải Quân VNCH, Hạ sĩ nhất Nguyễn Văn Kiệt đã được ân thưởng 3 Anh Dũng Bội Tinh và 2 Chiến Thương Bội Tinh.

    Ít lâu sau cuộc giải cứu “Bat 21 Bravo” và “Nail 38 Bravo”, Hạ sĩ nhất Nguyễn Văn Kiệt sang Phi-luật-tân theo học một khóa Biệt Hải bổ túc và khóa Người Nhái (UDT: underwater demolition team).

    Trở về nước, ông Kiệt tiếp tục tham gia chiến đấu, từ vùng phi quân sự xuống tới mũi Cà Mau, và đã bị thương nặng trong cuộc tấn công của quân cộng sản vào căn cứ hải quân Rạch Giá. Sau khi bình phục, ông Kiệt được thuyên chuyển về làm hạ sĩ quan huấn luyện viên tại Căn cứ Huấn luyện Biệt Hải ở Cát Lái. Tháng Tư năm 1975, khi quân CSBV tiến về Sài Gòn, căn cứ Cát Lái bị tấn công dữ dội bằng hỏa tiễn. Trước tình thế nguy ngập, căn cứ được lệnh di tản, và phần lớn quân nhân thuộc căn cứ đã sử dụng tàu thuyền xuôi sông Sài Gòn chạy thoát ra biển.

    Trước tiên, ông Kiệt tới đảo Guam, sau đó tới Camp Pendleton. Ông được một giáo viên về hưu ở Forks, một thị trấn nhỏ ở tiểu bang Washington bảo trợ; ông sống ở đây 11 năm và làm việc tại một nhà máy cưa. Năm 1984, ông trở thành công dân Mỹ và di chuyển tới Seattle, làm việc cho hãng Boeing gần 20 năm và về hưu năm 2005.

    * * *

    Là một người hoạt động hăng say trong tập thể các đơn vị đặc biệt ở Hoa Kỳ, ông Nguyễn Văn Kiệt là thành viên trọn đời của các tổ chức sau đây: Hiệp hội Biệt Hải và Người Nhái (UDT/SEAL Association), Hiệp hội Trung Ðoàn 75 Biệt Ðộng (75th Ranger Regiment Association), Hiệp hội Lực Lượng Ðặc Biệt (Special Forces Assocition), Hiệp hội Công Tác Ðặc Biệt (Special Operations Association), Ðạo Binh Dũng Cảm (Legion of Valor), và Tổng Hội Lực Lượng Ðặc Biệt VNCH (The Republic of Vietnam Special Forces Association).

    Năm 2001, ông được Hiệp hội Lực Lượng Ðặc Biệt bầu làm “Member of the Year”, và qua năm 2002, tổ chức Huân Chương Quân Ðội các Thế Chiến (Military Order of the World Wars) đã trao tặng ông huân chương “Silver Patrick Henry Medallion” vì những thành tích do lòng ái quốc của ông.

    Trở lại thời gian năm 1972, Trung úy Tom Norris tiếp tục phục vụ tại Việt Nam, hoạt động chung với các toán SOG (Studies and Observation Group) và Biệt Hải Việt Nam, thực hiện những cuộc thám sát nguy hiểm dọc theo duyên hải. Tháng 10 năm đó, tức 6 tháng sau cuộc giải cứu “Bat 21 Bravo”, Tom bị thương thặng trong vùng địch, và đã được một Biệt Hải khác là Trung sĩ nhất Michael Thornton liều chết cứu thoát, bất chấp hỏa lực địch bắn tới như mưa.

    Vì hành động dũng cảm này, Trung sĩ nhất Michael Thornton đã được ân thưởng Danh Dự Bội Tinh. Về phần Tom Norris, vì những thương tích trầm trọng, đã phải điều trị mất 3 năm, và sau đó được cho giải ngũ vì lý do sức khỏe.

    Tới tháng Tư năm 1976, Tom Norris đã được Tổng thống Hoa Kỳ Gerald Ford đích thân trao gắn Danh Dự Bội Tinh, do công sức và lòng dũng cảm trong cuộc giải cứu Trung tá Hambleton và Trung úy Clark.

    Năm 1979, Tom Norris gia nhập cơ quan FBI và đã đạt được những thành quả rực rỡ trong việc đối phó với quân khủng bố. Hiện nay, ông đã về hưu và sống ở tiểu bang Idaho.

    Về phần Trung tá hoa tiêu Iceal Hambleton, ông được giải ngũ năm 1973, về sống tại tiểu bang Arizona, nơi mà “Bat 21 Bravo” vẫn tiếp tục là một tay chơi golf có hạng. Ông qua đời năm 2004.

    * * *

    Gần 35 năm sau những diễn tiến cực kỳ nguy hiểm, thể hiện tình đội sống chết có nhau ấy, Tom Norris kể lại “...Tôi chưa bao giờ mất tin tưởng nơi Kiệt. Anh đã tình nguyện đi với tôi. Không có anh, chúng tôi (người Mỹ) không thể thành công”.

    Ðúng như những gì đã được ghi trong bản tuyên dương công trạng, ân thưởng huân chương Thập Tự Hải Quân cho cựu Biệt Hải Nguyễn Văn Kiệt:

    “Tinh thần kỷ luật, lòng can đảm của cá nhân và tinh thần chiến đấu kiên quyết của ông (Kiệt) đã tác động mạnh mẽ tới mọi người, và qua đó đã đánh giá cao cá nhân ông, cũng như tập thể các lực lượng Hải Quân (Việt Mỹ)”.

    Nguồn: Ðặc San Lý Tưởng (Úc Châu)
    Last edited by Nguyen Huu Thien; 05-13-2016, 04:17 PM.

    Comment


    • #3
      Tôi cũng là một người đã chịu ơn cứu mạng của anh Kiệt. Trưa 30/4/1975 anh Kiệt đã cứu tôi ngoài khơi biển Vũng Tàu. Xin đọc đoạn "Được Người Nhái Vớt" trong link dưới đây
      https://baovecovang2012.wordpress.co...-diep-my-linh/

      Đính chính
      Nếu anh là tác giả bài "Những Phi Đoàn Vận Tải trong trang Quân Sử KQ", tôi xin được đính chính là PD720 (RC-119) thuộc KD53CT chứ không phải KD33CT. Cơ sở của PD720 nằm bên hông của KD53CT và bên cạnh PD435.

      Comment


      • #4
        Chân thành cám ơn anh ks.nhiem. Tôi sẽ đính chính trong bài “Ngành Vận Tải trong KLVNCH”.
        NHT

        Comment



        Hội Quán Phi Dũng ©
        Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




        website hit counter

        Working...
        X