Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Đôi Dòng Cảm Nghĩ Về NGÀNH KHU TRỤC - Hiệp Sĩ Mù

Collapse
X

Đôi Dòng Cảm Nghĩ Về NGÀNH KHU TRỤC - Hiệp Sĩ Mù

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Đôi Dòng Cảm Nghĩ Về NGÀNH KHU TRỤC - Hiệp Sĩ Mù

    Đôi Dòng Cảm Nghĩ Về NGÀNH KHU TRỤC

    Hiệp Sĩ Mù
    ---oo0oo---



    Ngày đại hội Khu Trục sau 30 năm trên đất khách sẽ diễn ra tại San José. Tin tức thật hấp dẫn làm cho nhiều bạn tuy chân đã mỏi, gối đã chùng vẫn cảm thấy dòng máu trong huyết quản như được hâm nóng trở lại, và mong cho mau đến ngày hội kiến những gương mặt trẻ trung "của những ngày còn tung hoành trên bầu trời quê hương, bảo vệ xứ sở". Tuy nhiên, cũng có một số bạn, vì bệnh tật hay vì hoàn cảnh không cho phép (trong số đó có tôi) đành phải đứng ngoài cuộc vui ngàn năm một thuở này. Trở lại hơn 40 năm về trước, "13 anh em chúng tôi" tốt nghiệp hoa tiêu T-28 tại Randolph AFB, Texas vào ngày 27 tháng 3 năm 1964 (con số 13 xui xẻo). Sau lễ mãn khóa gắn cánh bay, năm người tiếp tục được gửi đi học khóa "Jungle Survival" tại Reno, Nevada, gồm Nghê Thế Hưng, Bùi Quang Lộc, La Hồng Môn, Nguyễn Văn Tám và Đinh Quốc Trực. Bẩy người ở lại xuyên huấn trên C-47, gồm: Phạm Gia Anh, Nguyễn Thiên Ân, Nguyễn Qúi Chấn, Nguyễn Hữu Duyên, Nguyễn Hải, Trần Văn Nghĩa, Nguyễn Văn Tường. Người còn lại là anh Nguyễn Nhật Quang về nước, và anh đã hy sinh 6 tháng sau đó trên A1H.


    Thiếu Tá Nguyễn Thi
    ên Ân "Hiệp Sĩ Mù" bắt tay với khóa sinh

    Sau khi xong phần xuyên huấn trên phi cơ C-47, anh Chấn ở lại tiếp tục học thêm khóa phi cụ (anh cũng là người đậu "outstanding" của khóa). Sáu anh em chúng tôi hồi hương. Khi trình diện BTLKQ / Khối HL, lúc bấy giờ chúng tôi gặp Đại Úy Vũ Thượng Văn, ông hỏi:

    - Ở đây có ai tình nguyện sang ngành Khu trục thì dơ tay lên?

    Tất cả chúng tôi đều im lặng (vì ai cũng nghĩ rằng mình sẽ được thuyên chuyển về các phi đoàn Vận tải, đỡ phải xông pha trong lửa đạn thì gia đình sẽ an tâm hơn). Ông hỏi lại lần thứ hai, và đến lần thứ ba thì anh Nguyễn Hải (vốn nhát gan) đã giơ tay lên. Ông nhìn anh và bảo để tay xuống, rồi ông lạnh lùng phán một câu:

    - Các anh có tình nguyện hay không thì tất cả đều được phân phối về các phi đoàn Khu trục!

    Danh xưng "HOA TIÊU KHU TRỤC" của chúng tôi được bắt đầu kể từ đó. Lúc bấy giờ đang là thời gian chờ chuyển tiếp từ T-28 sang A1H nên chúng tôi được tạm thuyên chuyển về Phi đoàn 716 (do Đại Úy La Vĩnh Sinh) làm Phi đoàn trưởng của Phi đoàn Không ảnh, gồm đủ loại phi cơ: C-47, T-28, L-20. Chúng tôi được bay trên C-47, ngồi ghế co-pilot. Thỉnh thoảng bay duy trì khả năng trên T-28B. Phi đoàn đồn trú tại phi trường Tân Sơn Nhất thành thử cũng cảm thấy dễ chịu ở thời gian đầu của nghiệp bay.

    Một tháng sau đó, tất cả chúng tôi được thuyên chuyển về Phi đoàn 520, đồn trú tại căn cứ Không quân Biên Hòa (đơn vị chịu trách nhiệm trong chương trình huấn luyện chuyển tiếp các hoa tiêu T-28 mới ra hàng từ Hoa Kỳ vừa về nước để bay trên A1H). Chương trình huấn luyện gồm có ba giai đoạn:

    Giai đoạn 1: bay huấn luyện trên A1G với 34th Tactical Group khoảng 5 hoặc 6 phi vụ.
    Giai đoạn 2: bay huấn luyện trên A1H với phi đoàn Huấn Luyện VA-152 của Hải quân Hoa Kỳ.
    Giai đoạn 3: bay thực tập hành quân với 34th TAC Group trên A1G (khi thì ngồi ghế co-pilot, khi thì ngồi ghế pilot). Thời gian này là thời gian đáng sợ nhất vì đã có biết bao nhiêu hoa tiêu VN tử nạn do phần lớn chúng tôi chỉ được ghế phải (co-pilot) để cho các phi công Hoa Kỳ mặc tình tập khả năng tác chiến trên chiến trường Việt Nam (mà họ tưởng như thời chiến tranh ở Triều Tiên). Danh từ "tháp tùng tử" được biết từ dạo đó!


    Trung Tá Lê Như Hoàn

    Về sau, BTLKQ/VN mới can thiệp và các hoa tiêu được thay thế bởi các HSQ phi hành "tình nguyện hoặc đương nhiên" (trong thời chiến, số phận của mỗi người như thế nào thì "thiên cơ bất khả lậu!").

    Chúng tôi là khóa đầu tiên được huấn luyện với phi đoàn VA-152 của Hải Quân Hoa Kỳ (theo chương trình của BTLKQ). Khóa học gồm có sáu anh em chúng tôi, có thêm Thiếu Tá Nguyễn Huy Ánh (sau này là Chuẩn Tướng, Sư Đoàn Trưởng SĐ4KQ) và Đại Úy Nguyễn Văn Tường (Đại Tá Sư Đoàn Phó SĐ3KQ sau này). Sau khi hoàn tất chương trình huấn luyện, chúng tôi được phân phối đến các phi đoàn như sau:

    Phạm Gia Anh về PĐ. 514 và anh đã đền nợ nước vài tháng sau đó (bị đạn phòng không bắn xuyên cổ khi thả Napalm) Nguyễn Hải về PĐ.518 (sau này được thuyên chuyển về phi đoàn phản lực siêu thanh).

    Trần Văn Nghĩa về PĐ.516 (khoảng một tháng sau đó, khi Phi Đoàn 524 được thành lập, anh trực thuộc quân số của đơn vị này).


    Trung Tá Lại Quốc Ấn

    Nguyễn Hữu Duyên, Nguyễn Văn Tường và tôi được giữ lại quân số PĐ.520 (khoảng một tháng sau anh Tường được thuyên chuyển ra Nha Trang, về PĐ.524. Sau anh được chọn đi học chuyển tiếp trên phi cơ F5, thuộc quân số của PĐ.522, phi đoàn phản lực đầu tiên của Không lực VNCH). Còn anh Duyên, sau khi cùng với PĐ. 520 du học chuyển tiếp A37 tại England AFB, thuộc tiểu bang Louisiana, Hoa Kỳ trở về, anh giữ chức vụ Trưởng Phòng Hành Quân Chiến Cuộc. Trong một phi vụ tìm cứu phi cơ L-19 của PĐ.116 lâm nạn vùng Long Xuyên, anh ngồi trên chiếc trực thăng cùng với Thiếu Tá Chín là PĐT/PĐ.116, trong lúc thời tiết xấu, trưởng phi cơ bị lạc đường, anh phải rời ghế ngồi để chỉ phương hướng và do thiếu bình tĩnh, trưởng phi cơ đã để chiếc trực thăng chạm đất, anh bị văng ra ngoài, gẫy cả hai chân, đầu bị một vật cứng đụng phải, thế là đơn vị đã thiệt mất một vị sĩ quan hoa tiêu có đầy tài năng, tác phong của một cấp chỉ huy tương lai, và một người bạn chân tình!

    Về phần năm anh học khóa Jungle Survival:

    Anh La Hồng Môn, vì lý do an ninh nên anh được chuyển sang ngành quan sát. Trong một phi vụ chở VIP, phi cơ của anh bị lâm nạn (anh bị bắt buộc cất cánh vào buổi chiều tối, lúc thời tiết xấu, theo lệnh Tỉnh trưởng tỉnh Lâm Đồng).

    Hai anh Đinh Quốc Trực và Nghê Thế Hưng được đổi về PĐ.518 (sau một thời gian anh Hưng xin về Trường phi hành, Nha Trang).

    Bùi Quang Lộc và Nguyễn Văn Tám đầu quân về PĐ.520 với chúng tôi (riêng anh Tám rất nhiệt thành và năng nổ trong các buổi tổ chức sinh hoạt của phi đoàn. Anh cùng với một hoa tiêu mới đã hy sinh vào đêm mồng 1 rạng mồng 2 tết Tết Mậu Thân).

    Tôi còn nhớ cái cảm giác thật khó tả nên lời của những phi vụ hành quân đầu tiên bay một mình trên chiếc A1H với đầy đủ bom đạn. Khi phi cơ vừa lăn bánh, trong lòng đã bắt đầu lo, tự hỏi không biết một lát nữa đây có gì rủi ro sẽ xẩy đến cho mình?!? Sau khi cất cánh, tôi dùng hết khả năng của mình cố gắng bám theo "leader". Cái cảm giác lo sợ rủi ro biến đâu mất mà chỉ lo người "lead" chê mình "bay bổng không nên thân".


    Trung Tá Nguyễn Thành Dũng

    Trên mục tiêu cũng thế, tôi đã ráng hết sức để thả bom và bắn đại bác cho chính xác. Vì vậy biết bao nhiêu lần đã bị phi tuần trưởng rầy rà do nhào xuống mục tiêu qúa thấp và cũng chính vì thế mà đôi lần phi cơ của mình đã bị lãnh miểng bom hay bùn lầy văng tung tóe trên cánh phi cơ, kể cả "windshield" phía trước. Sau này khi đã trưởng thành trong nghiệp bay, tôi mới hiểu được tấm long của những cấp chỉ huy hay những phi tuần trưởng của mình (cũng vì thương cho đàn em mà phải nghiêm khắc với những lỗi lầm có thể tránh được).

    Nhắc đến những người đàn anh trong ngành Khu trục, chúng tôi nhớ tới Trung Tá Võ Văn Hội, là một trong những cấp chỉ huy trực tiếp của chúng tôi ngày xưa. Ông là một người rất vui tính, mỗi lần ông hứng chí lên là bắt đầu huyên thuyên, kể lại những chuyện vui, nghịch ngợm thời trai trẻ. Nhưng cũng có lúc ông giận đỏ cả mặt, tía cả tai vì một đàn em nào đó đã phạm lỗi (lúc bấy giờ tất cả chúng tôi đều nghĩ rằng anh chàng hoa tiêu đó thế nào cũng bị hưởng hình phạt nặng nề. Thế rồi, khi song đã lặng, biển đã êm thì chẳng có việc gì xẩy ra cả).

    Hồi mới về đơn vị, ông đã bắt tất cả hoa tiêu trong phi đoàn học thuộc long bài hát nói về "công ơn sanh thành và dưỡng dục của cha mẹ" để thức tỉnh những hoa tiêu còn non trẻ trong ngành (với hy vọng tránh được những tai nạn do sự bồng bột của tuổi trẻ mà ông đã từng trải).

    Thực sự, chúng tôi chưa từng thấy có hoa tiêu đàn em nào bị ông ký giấy phạt bao giờ. Ngày ông bị phòng không bắn nát bàn tay trái, và kể từ ngày ấy, ông đành phải rời bỏ nghiệp bay. Khi ông lành bệnh trở về đơn vị, ông đã tâm sự với chúng tôi rằng ông thật sự tiếc nuối những ngày còn được cùng với anh em tung hoành trên bầu trời, trước là để bảo vệ quê hương xứ sở, sau là được hưởng những cảm giác thật sảng khoái, một mình trên bầu trời trong xanh, tránh xa được những ưu phiền mà đôi khi chúng ta đành chấp nhận. Ông cũng hãnh diện trong nghiệp bay của mình, "chưa từng để mất một phi tuần viên nào". người ta bảo, ông mát tay, nhưng thực tế phải công nhận rằng ông là một phi tuần trưởng có thực tài. Đặc biệt trong lần dẫn phi tuần 16 phi cơ A1H phi diễn nhân dịp lễ tiếp nhận phi cơ phản lực siêu thanh F-5 tại Biên Hòa, vì lý do thay đổi giờ T.O.T. đã khiến cho các phi tuần phi diễn gặp trở ngại. Tuy nhiên, những thành viên trong đội hình của phi tuần do ông dẫn dắt vẫn cảm thấy thoải mái và tuyệt đối im lặng trên tần số.

    Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông bị tập trung HTCT. Đến khoảng năm 1988, tôi có đến nhà thăm ông, và ông đã giã từ bạn bè vào khoảng mùa mưa năm ấy vì bị bịnh sốt cấp tính.

    Cuộc đời của chúng tôi gắn liền với "Ngành Khu trục" cho đến ngày tàn cuộc chiến. Chúng tôi vẫn hăng say, ngày ngày thi hành các phi vụ hành quân yểm trợ quân bạn. Những trận đánh ác liệt khắp 4 vùng chiến thuật, vào những thời điểm như không còn đủ sức để chạy ra bãi đậu phi cơ ở những ngày rối loạn của Tết Mậu Thân (có người đã giật mình tỉnh giấc sau một phi vụ bay đêm trở về, mà tưởng mình đã bị rớt ở một vùng trời trách nhiệm nào đó!). Ở những ngày ngập tràn khói lửa của mùa hè năm 72, biết bao hoa tiêu khu trục, nói riêng, và vận tải, trực thăng, quan sát, nói chung, đã sớm rời bỏ ngành, bỏ cả gia đình, cha me, vợ con than yêu, kể cả bạn bè không một lời từ giã.

    Với thời gian, chúng tôi học được thêm kinh nghiệm từ những cấp chỉ huy đến các bạn cùng trang lúa, kể cả những đàn em của mình, vì biết rằng trong cuộc chinh chiến, những viên đạn vô tình nào có từ bỏ một ai!!!


    Thiếu Tá Nguyễn Gia Tập

    Chiến trường càng ngày càng sôi động. Bọn Cộng sản điên cuồng đem quân ồ ạt để lấn chiếm miền Nam, chúng vừa ăn cướp vừa la làng. Quân đội VNCH bị bó tay bó chân, chỉ được phòng thủ để lo chống đỡ những đợt tấn công toàn diện vào thời điểm Tết Mậu Thân và "Mùa Hè Đỏ Lửa" năm 1972, và đặc biệt trong trận chiến cuối cùng đầy uất hận của năm 1975. Cộng sản Bắc Việt được quan thầy của chúng trang bị những vũ khí tối tân, trong khi quân lực VNCH chỉ có Garand M1 và Carbine M2 để tự vệ trong đợt tổng tấn công của chúng vào dịp Tết Mậu Thân. Trong khi đó, quân đội đồng minh Hoa Kỳ án binh bất động, mãi hơn một tuần sau đó họ mới rrịch tham chiến. Nếu có hỏi thì họ chỉ bảo là phải thi hành lệnh của cấp trên mà thôi. Các phi công khu trục bay ngày bay đêm, phi tuần vừa cất cánh là đã nhận những điện cầu cứu của quân bạn ở khắp mọi nơi trên toàn lãnh thổ. Phải công nhận rằng, các phi công khu trục đã chiến đấu thật dũng cảm mặc dù đã có biết bao người bạn một đi không trở lại.

    Rồi lại đến "Mùa Hè Đỏ Lửa" năm 1972, tất cả các phi đoàn Quan sát, Trực thăng, Vận tải, Khu trục đều tham chiến và không còn phân biệt ngành nào an toàn hơn ngành nào như nhiều người đã từng nghĩ, theo sự hiểu biết đơn giản và tầm thường trong thời chiến. Những tin tức đủ các loại phi cơ lâm nạn vì cuộc chiến, mang theo những người bạn, những chiến sĩ Không quân, kể cả chuyên viên kỹ thuật, phi đạo, vũ khí đạn dược, nhân viên, tài chánh, phòng thủ v.. vẩn tự nghĩ lại và so sánh với các Quân, Binh chủng khác, thấy rằng mình còn may mắn hơn biết bao nhiêu người. Vừa được trang bị bom đạn trong tay đủ để khiến cho kẻ thù phải run sợ, vừa yểm trợ cho quân bạn được vững lòng trong nhiệm vụ bảo vệ quê hương, xứ sở.

    Nói đến Ngành Khu Trục mà quên nhắc đến danh xưng của một văn phòng đặt tại BTLKQ, thuộc văn phòng TMP/HQ, "Khối Đặc Trách Khu Trục" là một thiếu sót lớn!

    Thú thật, ngày mới gia nhập vào ngành khu trục, khi nói về BTLKQ chúng tôi cảm thấy có một khoảng không gian ngăn cách khó diễn tả giữa BTLKQ và các Không đoàn Chiến thuật. Lại càng xa hơn nữa đối với các phi đoàn, mà chúng tôi là những thành viên luôn gắn bó trong sinh hoạt hàng ngày (có nghĩa là sống chết gần gũi với nhau). Mãi đến sau này, có dịp về BTLKQ để trình diện du học chuyển tiếp sang một loại phi cơ khác, chúng tôi mới có cơ hội tiếp xúc với những văn phòng liên hệ như Nhân viên, Hành chánh Tài chánh, Du học, Huấn luyện, Hành quân (trong đó có Phòng Đặc Trách Khu Trục, sau này là Khối Đặc Trách Khu Trục).

    Thời điểm lúc bấy giờ (khoảng năm 1967-1968), nói là văn phòng, thật sự chỉ có một cái bàn làm việc thật khiêm tốn. Chúng tôi tạt ngang qua chào thăm mà chẳng phải làm thủ tục gì cả. Đến năm 1970, Phòng Đặc Trách đó có đủ 4 ngành, gồm Khu trục, Trực thăng, Quan sát và Vận tải làm việc chung với nhau. Anh Lại Quốc Ấn là nhân viên kỳ cựu của văn phòng này. Phần tôi cũng có một chút duyên nợ với văn phòng này, đầu tháng 9-1974 tôi nhận được giấy thuyên chuyển về Khối Đặc Trách Khu Trục.

    (Hàng đứng từ phải người thứ hai) Thiếu Tá Vũ Ngô Dũng

    Tất cả công việc đều mới lạ đối với một hoa tiêu ở đơn vị tác chiến chuyển sang làm việc tham mưu ở văn phòng. Khối Đặc Trách Khu Trục tọa lạc ở ngay phòng đầu tiên trong dẫy tầng lầu thứ nhất khi vào BTLKQ, dành cho Văn phòng Tham Mưu Phó Hành Quân. Một phòng thật khang trang và thoáng mát, nhân viên gồm có:

    Trưởng Khối Đặc Trách:
    Trung Tá Lê Như Hoàn.

    Trưởng ban Định chuẩn:
    Trung Tá Lại Quốc Ấn.

    Sĩ quan phụ tá:
    Thiếu Tá Nguyễn Gia Tập.

    Trưởng ban Hành quân:
    Trung Tá Nguyễn Thành Dũng.

    Sĩ quan Hành quân:
    Thiếu Tá Vũ Ngô Dũng.

    Sĩ quan nghiên cứu kỹ thuật và chiến thuật:
    Thiếu Tá Nguyễn Thiên Ân.

    Trưởng ban An ninh phòng nạn:
    Thiếu Tá Hồng Khắc San.

    Sĩ quan phụ tá:
    Đại Úy Lại Tấn Cầu.

    Ban Văn thư gồm một Thượng sĩ và hai Hạ sĩ quan phụ tá.

    Tuy làm việc ở văn phòng nhưng tôi được Đại Tá Tham mưu phó và Trung tá trưởng khối cho phép tôi về cùng bay hành quân với các phi đoàn A-37 mỗi tuần (có khi 2 hoặc 3 phi vụ). Nhờ thế, tôi cảm thấy lòng mình thật sảng khoái khi được cùng chia sẻ với anh em những vui buồn và những mất mát ở những ngày tàn của cuộc chiến. Ngoài ra, tôi cũng thu thập được rất nhiều kinh nghiệm về tham mưu mà ngày xưa mình không bao giờ quan tâm tới. Hàng ngày chúng tôi thay phiên nhau họp trên văn phòng BTLKQ, thỉnh thoảng được đại diện BTLKQ sang họp bên Tổng Tham Mưu, đôi khi cùng phái đoàn Thanh tra các Sư đoàn Không quân hoặc thuyết trình tại trường Tham mưu cao cấp Long Bình. Sau này, BTLKQ chỉ thị cho các ngành trong quân chủng được quyền đề nghị bổ nhiệm hoặc thuyên chuyển nhân viên trong ngành tùy theo nhu cầu các đơn vị. Cũng chính vì thế mà nguyện vọng của anh em ở các đơn vị xa được giải quyết một cách mau lẹ (theo nhận xét riêng của cá nhân tôi). Càng ngày các anh em ngành khu trục ghé văn phòng chúng tôi càng nhiều hơn. Riêng tôi, được phép liên lạc với 19 phi đoàn khu trục bằng diện thoại để cập nhật hóa tình trạng tổng quát mỗi tuần và cũng chính vì thế mà vô tình tôi đã thuộc nằm lòng tên, họ và chữ lót của trên 700 hoa tiêu có chỉ số của ngành. Thời gian được làm việc ở Khối đặc trách khu trục chỉ vỏn vẹn tám tháng ngắn ngủi, mà thời gian đó cũng chính là thời gian mà tôi cảm thấy dài nhất trong cuộc đời quân ngũ của mình. Biết bao những sự kiện quan trọng đã xảy ra cho đất nước và cho chính cả số phận của toàn dân và quân của miền Nam tự do.


    (Hàng đứng từ phải) Thiếu Tá Hồng Khắc San

    Tôi vẫn còn nhớ ngày mà SĐ1KQ phải di tản, chúng tôi đã thức trắng gần như trọn đêm hôm đó, vui mừng khi biết có một đồng đội đã về đáp an toàn tại một phi trường (Phù Cát, Phan Rang, Biên Hòa, hoặc TSN). Chúng tôi thật xót xa khi liên lạc được với những đồng đội của mình còn kẹt lại ở phi trường Đà Nẵng trong tình trạng đang bị pháo kích rồi sau cùng nói lời từ biệt chúng tôi vì Việt cộng đã tràn ngập căn cứ.

    Đã gần 30 năm qua, mỗi lần hồi tưởng lại cảnh tượng bi đát của những đồng đội, cũng là những đàn em của mình, như rắn mất đầu, đang ngưỡng vọng về Khối đặc trách khu trục để cầu cứu, hy vọng có được một chút tia sáng nào đó khả dĩ giúp cho họ có một hướng giải quyết ổn thỏa. Nhưng thật đau lòng biết bao! Chúng tôi chỉ có được lời khuyên: "Thôi, các em hãy cố tự lo liệu lấy thân và bảo toàn mạng sống". Hình như có gì cay cay ở đôi mắt và đăng đắng ở lưỡi mình, cổ họng như bị thắt lại. Phải chăng những cay đáng của cuộc đời mà người ta thường nói là ở đây!?

    Rồi kế tiếp các căn cứ Phù Cát, Phan Rang và chót hết là phi trường Biên Hòa cùng với chúng tôi một số phận. "Đi không ai tìm xác rơi"

    Chỉ với mấy lời đơn sơ trong bài "Không quân hành khúc" đã tạo cho những phi công của Không lực VNCH lòng can đảm, và biết bao anh hùng đã hy sinh!

    Giờ đây, chúng ta được cùng nhau ôn lại những kỷ niệm không thể nào quên, nhất là những người bạn thân thương đã ra đi trong cuộc chiến bảo vệ quê hương xứ sở của ba mươi năm về trước.

    Xin thành kính để tưởng niệm và nhớ ơn những chiến sĩ của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, đã vị quốc vong thân.


    Hiệp sĩ mù




    1) Tr/Tá Lê Như Hoàn, 2) Tr/Tá Phạm Đăng Cường, 3) Tr/Tá Nguyễn Thành Dũng
    tham gia "Bắc Phạt" lần đầu tiên tháng 2, 1965
    Last edited by khongquan2; 08-03-2023, 07:25 PM.

  • #2
    “Hiệp Sĩ Mù” NGUYỄN THIÊN ÂN và “Độc Thủ Đại Hiệp” VÕ VĂN HỘI

    * Nguyễn Hữu Thiện

    Tác giả bài viết Đôi Dòng Cảm Nghĩ Về NGÀNH KHU TRỤC, “Hiệp Sĩ Mù” Nguyễn Thiên Ân, là một vị đàn anh trong quân chủng trước năm 1975 bản thân tôi chưa hề quen biết, nhưng sau này đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong việc biên soạn bài “Ngành khu trục trong KLVNCH”, nhất là phần viết về các phi đoàn phản lực A-37.

    Nguyên ngày ấy, sau khi được đàn anh Võ Ý giới thiệu với các vị niên trưởng trong ngành khu trục như Dan Hoài Bửu, Lê Như Hoàn..., tôi đã được NT Lê Như Hoàn giới thiệu thêm “Hiệp Sĩ Mù”, người mà ông cho là có một kiến thức rất đáng nể về ngành khu trục và trí nhớ hơn người.

    Kết quả, tôi đã không phải thất vọng. Ngoài những gì bản thân ông còn nhớ, “Hiệp Sĩ Mù” Nguyễn Thiên Ân còn dặn dò tôi (khuyến cáo thì đúng hơn): một khi đã viết “sử” thì phải chính xác, trung thực, không được phóng đại, vẽ vời, tô son điểm phấn... Lời khuyên ấy đã khiến tôi hơi... nhột khi đọc lại một số bài đã viết trước đây, để rồi từ đó cẩn trọng hơn trong việc cầm bút.

    Hôm nay, tôi nhắc tới “Hiệp Sĩ Mù” Nguyễn Thiên Ân là vì trong bài “Đôi Dòng...” tác giả có nhắc tới cố Niên trưởng Võ Văn Hội, một trong những cánh chim đầu đàn của ngành khu trục KLVNCH nhưng sau này ít được nhắc tới, vì binh nghiệp của ông chấm dứt quá sớm.

    Cho tới nay, tất cả những gì tôi được biết về NT Võ Văn Hội chỉ là mấy đoạn ngắn viết về ông trong bài “Khóa 2 Hoa Tiêu Quan Sát” (HQPD, chuyên mục Quân Sử Không Quân), xin được trích đăng nguyên văn:

    Khóa 2 Hoa Tiêu Quan Sát

    Khóa 2 HTQS được khai giảng vào cuối năm 1952, khi Khóa 1 đã mãn khóa và đang chờ phân phối đi các đơn vị. Theo ký ức của NT Trần Đình Hòe và hồi ký “Ngày Đầu, Ngày Cuối” của NT Nguyễn Văn Vechai, Khóa 2 HTQS có tất cả 15 khóa sinh, gồm tám Thiếu úy đã tốt nghiệp Khóa 1 Sĩ Quan Trừ Bị (Nam Định & Thủ Đức):

    1- Trần Đình Hòe
    2- Nguyễn Ngọc Loan
    3- Nguyễn Văn Lượng
    4- Nguyễn Bá Thọ
    5- Vũ Thượng Văn
    6- Võ Xuân Lành
    7- Nguyễn Văn Tuấn
    8- Nguyễn Ngọc Thụ

    Và sáu dân chính:

    9- Nguyễn Ngọc Biện
    10- Nguyễn Văn Cơ
    11- Nguyễn Văn Cử (*)
    12- Võ Văn Hội
    13- Nguyễn Đình Nhân
    14- Nguyễn Văn Vechai

    (*) Ông Nguyễn Văn Cử là người về sau đã ném bom Dinh Độc Lập vào ngày 27 tháng 2 năm 1962

    Cùng một Trung sĩ, từ Thủ Đức qua:

    15- Nghiêm Văn Phong


    * * *

    Sau khi tốt nghiệp Khóa 2 HTQS, năm 1954, ông Nguyễn Ngọc Biện và ông Võ Văn Hội cùng được gửi sang trường bay căn bản ở Marrakech, Maroc, để học bay T-6, tiếp theo học bay trên khu trục cơ F6F Hellcat ở Khouribga, Maroc, rồi về nước phục vụ tại Phi Đoàn I Khu Trục & Trinh Sát, tiền thân của Phi Đoàn 514 “Phượng Hoàng”.

    * Thiếu tá Võ Văn Hội:

    NT Võ Văn Hội là một trong những phi công khu trục tài ba, một cấp chỉ huy đầy nhiệt huyết của KQVN, nhưng tiếc thay cuộc đời binh nghiệp của ông đã chấm dứt khá sớm.

    Ông tốt nghiệp hoa tiêu khụ trục cùng với người bạn Khóa 2 HTQS Nguyễn Ngọc Biện ở Khouribga, Maroc, về nước cùng nhau phục vụ tại Phi Đoàn I Khu Trục.

    Khi Phi Đoàn 520 được thành lập tại Biên Hòa vào tháng 7/1964, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Biện làm Chỉ huy trưởng, Đại úy Võ Văn Hội giữ chức Chỉ huy phó.

    Sau khi được thành lập, PĐ-520 đã cùng với hai PĐ-514 và 518 thay phiên biệt phái xuống phi trường Bình Thủy, mỗi lần một tuần lễ, để yểm trợ các cuộc hành quân ở Vùng 4 Chiến Thuật (thời gian này, Không Đoàn 74 Chiến Thuật chưa được thành lập).

    Đầu năm 1965, Đại úy Võ Văn Hội lên làm Chỉ huy trưởng thay Thiếu tá Nguyễn Ngọc Biện (ra Đà Nẵng thành lập Biệt Đội 615, gồm các oanh tạc cơ phản lực B-57 Canberra).

    Sau khi Không Đoàn 74 Chiến Thuật được thành lập, tháng 9 năm 1965, PĐ-520 chính thức trở thành lực lượng tác chiến cơ hữu của Không Đoàn, và tới tháng 1 năm 1966, toàn bộ lực lượng của Phi Đoàn đã được lệnh di chuyển về đồn trú tại Bình Thủy.

    Giữa năm 1966, Thiếu tá Võ Văn Hội được đề cử giữ chức vụ Liên đoàn trưởng (đầu tiên) của Liên Đoàn 74 Tác Chiến, Đại úy Nguyễn Văn Trương lên làm Phi đoàn trưởng PĐ-520.


    (Theo NT Lê Như Hoàn, từ năm 1966, các danh xưng chức vụ “Chỉ huy trưởng Liên Đoàn, Phi Đoàn” đã được đổi thành “Liên đoàn trưởng, Phi đoàn trưởng”)

    Tuy đã lên nắm chức vụ Liên đoàn trưởng, Thiếu tá Võ Văn Hội vẫn tiếp tục bay các phi vụ hành quân, và đã bị hỏa lực địch bắn nát bàn tay trái trong một phi vụ yểm trợ quân bạn. Mặc dù đã được đưa về Bệnh viện Đồn Đất (Bệnh viện Grall) ở Sài Gòn để được các bác sĩ tài giỏi nhất cứu chữa, bàn tay trái của ông cũng bị tàn phế. Cuộc đời bay bổng của Thiếu tá Võ Văn Hội tới đây chấm dứt! Theo lời của một vị NT, sau đó NT Võ Văn Hội làm việc cho Air Vietnam. (ngưng trích)



    * * *

    Thậm chí cả tới hình ảnh của NT Võ Văn Hội, cho tới nay chúng tôi cũng chỉ có được một tấm duy nhất do người cháu gọi ông bằng “bác” cung cấp.



    Nhân tiện, xin mạn phép được sửa sai những ai viết tên thật của “Hiệp Sĩ Mù” là Nguyễn Thiện Ân. Chính xác, phương danh của đàn anh là Nguyễn Thiên Ân, nhưng không hiểu do đâu một số người trong Không Quân lại viết, gọi là Nguyễn Thiện Ân.

    Thiên ÂnThiện Ân đều là những cái tên đẹp, nhưng Thiện Ân thường gợi tưởng chốn... thiền môn!
    Last edited by Nguyen Huu Thien; 08-04-2023, 11:30 PM.

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X